Bách Hợp (The Vampire)
|
|
Chương 3: Chiếc kèn của thiên thần (2) - Anh đáng yêu quá! Tôi chạy tới và nhảy lên ôm cổ anh trai mình. Thân nhiệt của anh ấy thật nóng bỏng nhưng cũng đầy lạnh lẽo. - Em không sao chứ? Anh ấy nói trong khi chỉnh lại quần áo cho tôi, trên môi vẫn treo một nụ cười dịu dàng. - Em không sao! Tôi cười tươi, ôm chặt cánh tay phải của anh. Một cánh tay thật mảnh khảnh, nhưng lại đầy mạnh mẽ. Anh ấy mỉm cười cúi xuống và nhẹ nhàng xoa đầu tôi. Chúng tôi về nhà mà chẳng kể chuyện gì cho ba mẹ nghe. Luôn thế, họ không cần phải lo lắng về chuyện của hai anh em chúng tôi. Bọn tôi có thể tự giải quyết mọi vấn đề của mình. Và ba mẹ tôi luôn tự hào về điều đó, cũng như cái cách mà họ tự hào về một đóa bách hợp như tôi. Khi tôi vừa lên 3, có một hôm mẹ tôi dẫn tôi đi gặp bạn của bà ấy. Lúc bấy giờ, tôi mặc một chiếc đầm màu trắng. Bạn của mẹ tôi không ngừng xuýt xoa và khen rằng tôi thật là một bé gái hoàn mỹ, sở hữu vẻ đẹp như một bông hoa bách hợp gần đó. Nhưng có lẽ bà ấy bị nhầm lẫn bởi đóa hoa mà bà chỉ là một đóa loa kèn màu trắng - loài hoa được ưu ái sở hữu danh xưng "mĩ miều" là "kèn của thiên thần". Dù vậy, mẹ tôi vẫn rất thích ý khi so sánh con gái mình với loài hoa bách hợp, vì thế nên từ đó bà gọi tôi là "Bách Hợp". Không riêng mẹ tôi, rất nhiều người đều khen rằng tôi là hiện thân của loài bách hợp trắng thuần khiết và cao quý, trừ anh tôi. Anh ấy nói rằng tôi không phải "bách hợp", tôi là "kèn của thiên thần", tôi sở hữu vẻ đẹp gần gũi và quyến rũ một cách tự nhiên. Một vẻ đẹp khiến người ta run rẩy. Mặc dù không hiểu lắm về ý tứ của những lời ấy, nhưng tôi cảm thấy anh nói rất đúng, một cách rất tự nhiên. Cũng có thể là vì ngoài anh ấy ra, ai cũng nhìn tôi như là một đóa hoa bách hợp. Ba tôi, mẹ tôi, họ hàng của tôi, những người hàng xóm, bạn bè, thầy cô, cả những người mới quen, và cả Quốc Huy đều thế. Nghĩ về Quốc Huy, thì tôi nghĩ mình nên đi tắm. Sự thật là cậu ta quá nặng mùi và dơ bẩn. Quan trọng hơn, anh tôi đã nói mái tóc của tôi đã bị cậu ta làm ô uế. Tôi muốn mái tóc của mình thật đẹp, vì tôi thích anh ấy thích tôi. Gội đầu xong, tôi nhận ra một việc là mình đã quên mang khăn tắm. Tôi gọi mẹ nhưng không có tiếng trả lời. - Mẹ ơi! Mẹ? Giúp con với! Vẫn thế. Không biết mẹ tôi đã đi đâu mất rồi. - Mẹ vừa ra ngoài rồi. Em cần gì? Có tiếng bước chân vọng tới, và giọng anh tôi vang lên một cách ân cần. Tôi không nghĩ mình có thể tìm ra một người có giọng nói ấm áp và dịu dàng hơn thế. - Em quên mang khăn tắm rồi. Anh lấy giúp em nhé? - Dĩ nhiên rồi. Đợi anh một chút! Chỉ chốc lát sau, anh ấy quay trở lại. Khi tôi mở cửa nhận lấy khăn tắm, anh trai tôi nhìn vào mái tóc suôn bóng mà tôi vừa gội sạch và mỉm cười một cách dịu dàng. Dường như tất cả tình cảm mà anh ấy dành cho tôi đều tập trung vào mái tóc. Tôi chợt cảm thấy kiểu người anh trai như thế này đáng yêu một cách khó chịu. Trưa hôm ấy, khi tôi đang học bài ở trong phòng thì có hai tiếng gõ cửa, và sau đó thì Hạ Thảo bước vào. Cô ấy vẫn còn mặc đồng phục và đang đeo cặp, có lẽ là vừa tan học đã đi thẳng đến chỗ tôi. - Cậu không sao chứ? Vừa vào, cô ấy lập tức hỏi. - Tớ ổn. Giờ thì không sao nữa rồi. Tôi tạm gác đống bài vở sang một bên và ngồi lên giường, bên cạnh Hạ Thảo. Tính ra cô ấy cũng mới đến đây vài lần, còn tôi thì đã sang nhà Thảo khá nhiều. Cô ấy nhìn tôi, vừa vén tóc ra sau vành tai phải, vừa hỏi: - Có chuyện gì đã xảy ra sao? - Quốc Huy vừa tấn công tớ. Và tôi thành thật kể cho cô ấy nghe chuyện vừa xảy ra. Tôi không có thói quen giấu giếm một ai đó về bất cứ việc gì, nhất là với cô bạn thân này. Ngày thường có vẻ cô ấy khá thô lỗ và thích nói móc tôi, nhưng cô ấy thật sự rất lo cho tôi. Chỉ hỏi thôi không khiến cô ấy yên tâm, nên tôi đã bị "kiểm tra sức khỏe" một phen. Thấy tôi thực sự không bị tổn hại gì, Hạ Thảo mới thở phào. Nhưng cô ấy giống như bỗng nhớ ra điều gì đó. - Có thể nào "vụ án thiếu nữ" là do Quốc Huy làm không? Thảo nằm phịch xuống giường và hỏi. Gần như không cần suy nghĩ, tôi trả lời: - Không biết nữa. Nhưng tớ không nghĩ cậu ta đủ khả năng để làm thế. - Cậu nói cũng đúng. Sau câu nói ấy, không khí trong phòng tĩnh lặng vài giây. Và rồi Hạ Thảo chợt đứng lên, phá vỡ bầu không khí đang có phần ảm đạm này với một nụ cười thật tươi. - Tớ đói rồi. Chúng ta đi ăn gà rán thôi! - Nhưng tớ vừa mới ăn cơm. - Tớ không cần biết. Tớ đang thèm gà rán! - Để tớ thay đồ đã! Vừa thay quần áo xong, tôi đã bị Thảo lôi xềnh xệch ra khỏi phòng. Lúc này anh tôi đang ngồi ở phòng khách xem TV. Anh ấy quay đầu nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên và nụ cười bất đắc dĩ nhưng cũng đầy dịu dàng. - Em xin mượn em gái của anh một chút ạ! - Em hứa sẽ về sớm! Tôi chỉ kịp nói như thế, thậm chí còn chẳng thể thấy phản ứng của anh trai thì đã bước ra khỏi nhà. Cách đó vài mét, Hạ Thảo ngay lập tức ngồi lên xe như sợ tôi đổi ý. - Nhanh đi nào! Tớ đói chết mất! - Tớ phải vào phòng lấy chìa khóa đã! - Xe của anh cậu á? Cậu sẽ bị Pikachu tóm đấy! Lên xe tớ, có mũ bảo hiểm này! - Cậu chuẩn bị hết rồi à? Chẳng phải nhà cậu ở hướng khác sao? - Chút tiền xăng chẳng là gì so với việc có thể ngắm anh trai cậu. - Thì ra là vì anh tớ. Có lẽ Hạ Thảo đang đói thật, cô ấy ăn hết 3 phần gà rán một cách nhanh chóng, trong khi tôi vẫn chưa xử lí xong một phần. - Cậu ăn như thế không sợ béo sao? - Tớ sẽ nhịn ăn sau. Thảo nói trong khi cho miếng thịt gà cuối cùng vào miệng, một cách vô cùng thản nhiên. Tôi nhìn cô ấy và khẽ bật cười. Đáng yêu thật. Trước khi tôi kịp nhận ra, Thảo đã nhìn tôi với một ánh mắt hình viên đạn, và nói: - Tớ không nghĩ tớ thích bị một người nhìn chằm chằm và mỉm cười với suy nghĩ: "Thật đáng yêu!". - Cậu không thể phủ nhận việc cậu thực sự đáng yêu. - Ngoài cậu ra thì chưa ai từng bảo tớ "đáng yêu" cả. - Kể cả khi cậu còn nhỏ sao? - Đúng vậy. - Thế thì cậu càng đáng yêu hơn nữa! - ... Có vẻ như cô ấy không còn lời gì để đối đáp lại với câu nói của tôi vừa rồi. - Tớ không cãi lại cậu. Quên chuyện đó đi! Cậu định bao giờ thì quen bạn trai? - Tớ sắp tìm thấy tình yêu của mình rồi. Tôi mỉm cười trả lời. Hôm nay, nụ hoa tình yêu của tôi vừa khẽ hé mở một cánh hoa đầu tiên. Tôi cảm giác được, nó sẽ nở rộ, sớm thôi. - Nghĩa là cậu đang có tình cảm với ai đó? - Không biết nữa, nhưng sắp rồi. Thảo nhìn tôi, nhăn mày: - Thế mẫu người của cậu là gì? - Tớ nghĩ cậu không muốn hỏi vấn đề này? - À, tớ quên mất. Trước đây cô ấy từng hỏi tôi như thế, và câu trả lời của tôi là: "Tớ thích tất cả mọi người". Khi đó cô ấy nổi cáu, rồi thở dài ngao ngán. Và tôi thắc mắc rằng suy nghĩ của mình có gì không ổn sao? Hạ Thảo lắc lắc đầu: - Để tớ cho cậu gợi ý vậy. Mẫu người như anh cậu thì thế nào? Anh ấy thật tuyệt vời! - Tuyệt thật. Cơ mà cậu biết bao nhiêu về anh ấy? - Nói chung là anh ấy thật tuyệt! Anh ấy vừa đẹp trai, vừa dịu dàng, ân cần chăm lo cho cậu, và có một nụ cười thật đẹp! Lúc nãy khi tớ đến, anh ấy bảo mái tóc của tớ rất đẹp, và nếu nuôi dài thì sẽ càng đẹp hơn nữa. - Tớ không nghĩ là cậu nên nuôi tóc dài đâu. - Tại sao? Cậu sợ anh ấy thích tớ nhiều hơn cậu à? - Tự nhiên tớ cảm thấy thế thôi. Mà này! Anh tớ tên gì ấy nhỉ? - ... Lại một lần nữa, Thảo dùng ánh mắt không mấy thiện cảm nhìn tôi. Sau một lúc lâu, cô ấy mở miệng: - Anh cậu tên gì? - Thế Hào. Chúng tôi lại được thưởng thức bầu không khí yên lặng trong chốc lát. Lần này, giọng của Hạ Thảo nghe uể oải hơn nhiều: - Thế thầy Nhân thì sao? Tuy lớn tuổi hơn khá nhiều và là thầy giáo, nhưng thầy ấy cũng rất tuyệt vời và có vẻ khá quan tâm tới cậu nữa. Lúc sáng thầy ấy có hỏi thăm cậu và nói mong cậu chóng khỏe lại. Tôi chống cằm và nghĩ ngợi. Một suy nghĩ chợt hiện lên trong đầu tôi. - Đúng thế thật. Tớ thích thầy ấy. Thảo lại chau mày: - Còn Hoài Thanh? Cậu ấy mến cậu thấy rõ, và cậu cũng thường xuyên chọc ghẹo cậu ấy. - Tớ cũng thích Hoài Thanh. - Thôi bỏ đi! Tớ không bàn chuyện tình cảm với cậu nữa. Chúng ta đi đâu bay giờ nhỉ? - Tớ muốn về nhà. - Quyết định vậy đi! Chúng ta sẽ đi uống trà sữa! - Tớ no lắm rồi đấy! - Tớ hết tiền rồi, nhưng tớ thèm trà sữa. Vậy nên cậu phải bao tớ. Hơn bốn giờ chiều Hạ Thảo mới chịu chở tôi về. Cậu ấy đáng yêu nhưng làm tôi mệt thật. Trên đường về, cậu ấy tiếp tục nói chuyện về anh trai tôi, giọng nói đầy sức sống. - Hay để tớ đưa đón cậu đi học nhé? Tớ cũng sẽ chở cậu đi chơi thường xuyên nữa? - Cậu có thể thường xuyên, nhưng anh tớ thì không thường xuyên ở nhà đâu. - Sao thế? Anh ấy ở nhà trọ à? - Không phải. Anh ấy thường đi ra ngoài thôi. - Vậy khi nào anh ấy có ở nhà? - Một vài ngày, hoặc đêm trong tuần. - Không có thời gian cố định? Gia đình cậu yêm tâm để anh ấy đi như vậy sao? Anh ấy đi làm gì? - Không biết. - Gia đình cậu thật kỳ lạ. Nếu tớ là cậu... Xì.., con gì chết ở đây hay sao? Hôi quá! Mùi hôi phát ra từ phía một ngôi nhà bỏ hoang sơn màu trắng phủ đầy rêu, có một cây xanh đại thụ mọc sau cánh cổng màu đen. Nghe nói căn nhà này bị ma ám nên chủ nhân của nó đã bỏ đi và vẫn không có ai mua lại trong suốt nhiều năm nay. Dĩ nhiên là không người nào dám vào đó, trừ đám trẻ con. Khoảng mười năm trước, anh em tôi đã từng đi vào trong, cùng nhau, và không còn ai khác. Tôi nhớ nó có một tầng hầm. Trong tầng hầm ấy có một xác chết.
|
Chương 4: Kẻ cuồng thiếu nữ Sáng hôm sau, Quốc Huy không đi học, ngoài ra mọi việc vẫn bình thường. Thậm chí chẳng ai quan tâm về sự vắng mặt đó. Vào giờ ra chơi, tôi nghĩ ngợi một chút rồi cất bước đi về phía phòng thư viện. Các bạn học đáng yêu vẫn năng động như thường lệ, họ chạy khắp các hành lang và cười nói vui vẻ, như tiếp thêm năng lượng cho tôi. Nhờ nguồn năng lượng “đáng yêu” của họ mà tôi gần như không thấy mệt mỏi. Đến thư viện, tôi tìm được cuốn “Xuân Diệu – Thơ và đời” và ngồi đọc. Ngoài phần nói về Xuân Diệu ra, trong cuốn sách còn có nhiều bài thơ tiêu biểu của ông. Ngay khi tôi vừa đọc được một trang, hàng loạt tiếng bước chân đều đều đầy thu hút vọng vào tai tôi. Một người đàn ông điển trai bước vào phòng và nhìn thấy tôi từ ánh mắt đầu tiên. Đó là thầy Nhân. Thầy ấy khẽ mỉm cười và bước về phía tôi. - Thầy rất vui vì em đã khỏe - Em không sao đâu ạ. Đã làm thầy phải lo lắng rồi. Tôi đáp lại thầy với một nụ cười. Và chợt, thầy Nhân nhìn thấy cuốn sách trên tay tôi. Ánh mắt thầy mang chút ngạc nhiên pha lẫn mừng rỡ, và nụ cười trên môi bỗng trở nên thật tươi tắn. Nụ cười có thể đốn ngã trái tim của bao cô gái. - Thầy không ngờ là em cũng có hứng thú với thơ của Xuân Diệu. - Gần đây thôi ạ. Em chợt cảm thấy thích thơ của ông ấy – những vần thơ chan chứa tình yêu một cách thật táo bạo. - Em nói rất đúng. Thầy chưa từng nghĩ rằng tình yêu có thể được diễn tả bằng lời cho đến khi đọc được thơ của Xuân Diệu. Và rồi thầy ấy kể cho tôi nghe những cảm nhận của mình khi đọc thơ của “Ông hoàng thơ tình”, giới thiệu cho tôi rất nhiều bài thơ hay với một vẻ mặt rạng rỡ vô cùng đáng yêu. Tôi luôn mỉm cười lắng nghe thầy và thỉnh thoảng gật đầu, hoặc bày tỏ một chút suy nghĩ của mình. Đó là cách mà giờ giải lao của chúng tôi trôi qua. Khi tiếng trống vang lên, tôi đặt cuốn sách về lại chỗ cũ và chào tạm biệt thầy Nhân. Nhìn thầy có vẻ vẫn có nhiều điều chưa nói hết. Thầy tỏ thái độ hơi chần chờ, thậm chí có chút ngượng ngùng - điều mà tôi chưa bao giờ thấy ở một con người tự tin như thế, nói với tôi: - Nhà thầy có rất nhiều sách về thơ của Xuân Diệu, em muốn xem thử chứ? - Chủ nhật em sẽ đến nhà thầy. Tạm biệt thầy ạ! Tôi mỉm cười và tung tăng về lớp với những bước chạy nhẹ nhàng của mình. Thật ra, tôi không có hứng thú đặc biệt với thơ. Sau khi tan học, tôi tiến đến phòng câu lạc bộ. Mọi người đã tập hợp khá đông và đang trò chuyện rôm rả. Chúng tôi sắp có một cuộc thi chào mừng ngày 20/11. Tôi mỉm cười chào hỏi với các thành viên câu lạc bộ. Trong khi đó, Bá Viễn tiến về phía tôi với một nụ cười may mắn nhưng cũng đầy bất đắc dĩ. - Em đây rồi, Uyển Di! - Có chuyện gì à anh? - Anh đã viết kịch bản cho phần thi, vốn định để em vào vai nữ chính, nhưng chuyển lại cho Ngọc Trân, chắc em cũng biết. Nguyên do của việc này là tôi đã nói mình cảm thấy không an toàn. - Bọn anh đã thỏa thuận hôm nay sẽ bắt đầu tập, nhưng cô ấy không đi học. Mọi người đã tập hợp đông thế này, không thể hủy buổi tập được. Nên nhờ em thế chỗ Trân hôm nay nhé? - Vâng. Không có vấn đề gì ạ. Bá Viễn trao kịch bản cho tôi với vẻ mặt đầy áy náy. Tình cảnh thật sự áy náy khi mà vốn dĩ chị Trân là người thay thế cho tôi, bây giờ tôi lại thay thế chị ấy. Tôi đọc sơ qua kịch bản và ngẫm nghĩ. Đây là một cốt truyện không hề mới mẻ, thậm chí có thể nói là cũ đến không thể cũ hơn. Về cơ bản, đây là câu chuyện về một nữ sinh không nhận được đầy đủ tình yêu thương từ gia đình nên dẫn đến ngỗ nghịch và bất trị. Thầy chủ nhiệm của cô ấy không ngừng khuyên ngăn và tìm đủ mọi biện pháp để giúp đỡ nhưng không được. Một hôm, khi cô nữ sinh lại chuẩn bị đua xe cùng đám bạn, thì người thầy ấy đứng trước đầu xe của cô và nhất quyết không tránh. Cô gái chạy thẳng về phía trước vì nghĩ thầy ấy sẽ tránh ra, nhưng không phải thế. Cô chịu cú sốc tâm lí nặng và điên dại trong nửa năm. Sau khi khỏe lại, cô ấy nhập học ở trường kkhác trở nên vô cùng chăm chỉ. Nhiều năm sau, khi đã có cuộc sống ổn định, cô gái gặp lại người thầy và khóc nức nở. Thật là một nhân vật có tâm lí phức tạp. Khoan nói về vai diễn, tôi nghĩ Ngọc Trân đã không dễ chịu lắm khi khắp kịch bản là cái tên "Uyển Di", dù mới được sửa lại thành "Ngọc Trân", nhưng dấu vết của hai từ "Uyển Di" vẫn vô cùng rõ ràng. Dù có là người tốt bụng cỡ nào, cũng khó mà không cảm thấy khó chịu. Mười phút sau, khi thấy mọi người đã tập trung đông đủ, Bá Viễn vỗ tay thật to để thu hút sự chú ý của các thành viên và nói: - Chúng ta bắt đầu tập thôi! Hôm nay Uyển Di sẽ đóng thế Ngọc Trân. Mọi người bắt đầu xôn xao. - Để Di đóng từ đầu có phải hay không? - Chẳng biết chị Ngọc Trân đâu rồi nữa. - Di chỉ diễn một ngày thôi sao? Rất nhanh, mỗi người đã vào đúng vị trí của mình. - Được rồi! Bắt đầu thôi! Chỉ mình Uyển Di được cầm kịch bản thôi nhé! Chúng tôi tập dợt liên tục trong suốt vài tiếng, một vở diễn cảm động không ngừng được lặp đi lặp lại. Dĩ nhiên, chơi đùa cũng rất nhiều nữa. Họ không thể nghiêm túc được, trừ khi đi thi thật sự. Đúng là những con người đáng yêu. - Uyển Di! Em không thể làm vậy! - Là Ngọc Trân, Trực Nam à! - A! Em xin lỗi. - Cậu không cần phải xin lỗi. Bá Viễn nhướng mày. Trực Nam gãi đầu, cười xuề xòa. Cậu ấy là một anh chàng rất đáng yêu, học dưới tôi một lớp. Cậu ta là kiểu người hướng ngoại, tuy không phải đặc biệt thông minh, nhưng năng nổ hết phần người khác. Cậu ấy giỏi thể thao, tốt bụng, chủ động giúp đỡ mọi người, lễ phép, thiên hướng hòa bình và hay xin lỗi, thậm chí dù hầu như cậu không làm sai chuyện gì. À, tật xấu duy nhất của cậu ấy là hơi vô tư, không giỏi ghi nhớ. Trực Nam vào vai người thầy tận tâm đầy đau khổ. Cho dù là tôi cũng phải nghĩ rằng có lẽ có sự nhầm lẫn ở đây. Đùa thôi, cậu ấy thực sự là một tài năng, và rất thu hút những bạn nữ. Nửa giờ sau, buổi tập kết thúc, mọi người giải tán. Một số người về nhà, một số đi học thêm, còn tôi thì nhận lời đi uống trà sữa với nhóm Khả Vy, Đinh Hương, Trường Vỹ và Trực Nam. Chúng tôi còn mời Bá Viễn đi cùng, nhưng anh ấy bảo bận việc và chúc chúng tôi vui vẻ. - Em nghĩ nếu giờ chị Uyển Di đã ổn rồi thì vai chính nên để chị ấy đóng sẽ tốt hơn. Đinh Hương uống một hơi dài trà sữa và nói với cả nhóm. Cô bé là một con nghiện trà sữa và cũng là người khơi gợi chuyến đi này. Bất chấp sự cuồng nhiệt quá mức dành cho loại đồ uống làm điên đảo giới trẻ, Đinh Hương vẫn được hầu hết mọi người xung quanh yêu quý vì bản tính đơn giản và tác phong nhiệt tình mọi lúc. Ngoài ra, ngoại hình của cô ấy càng là một cô bé dễ thương với chiều cao 1m48, làn da trắng nõn như hoa sứ, khuôn mặt nhỏ nhắn, hai gò má phúng phính ửng hồng tự nhiên, sở hữu đôi môi đỏ hồng chúm chím và đôi mắt to tròn như chứa trọn bầu trời sao. Đặc biệt, cô bé có những biểu cảm có thể làm tan chảy trái tim sắc đá nhất. Đây là một thiên thần tại nhân gian. Với một vẻ mặt bất đắc dĩ, Trường Vỹ tiếp lời: - Dĩ nhiên phải thế. Nhưng anh Viễn đã nhờ Ngọc Trân rồi, giờ mà đổi lại thì sẽ làm tổn thương chị ấy. - Bọn em cũng hiểu điều đó. Nhưng kịch bản đó hoàn toàn dựa vào sự diễn xuất của chị Di chứ không phải ai khác. Khả Vy chống cằm nhìn ly trà sữa trước mặt mình, ngón trỏ tay phải mảnh khảnh, trắng ngần chậm rãi vẽ từng vòng tròn trên mặt bàn. Đây vẫn là một cô bé đáng yêu, với tính cách trầm tĩnh và có chút trưởng thành hơn so với tuổi. Và giống như tôi cùng Thảo, cô bé này và Đinh Hương là một đôi bạn thân có chút trái ngược nhau. Họ là hai thái cực của sự đáng yêu khiến bọn con trai không thể dời mắt. - Người có thể tỏa sáng với một kịch bản không hề mới mẻ! Tôi nghe thấy tiếng Trực Nam khẽ lầm bầm, rất khẽ, nhưng tôi có thể nghe được. Đôi mắt cậu ấy như lóe sáng, đầu hơi cúi và có tiếng cười khúc khích nho nhỏ phát ra từ vòm họng. À, đừng hiểu lầm, nhìn cậu ấy lúc này rất đáng yêu, chứ không nguy hiểm gì cả đâu. Có điều trông hơi giống con gái. Để chấm dứt bầu không khí có chút khó chịu này, tôi mỉm cười: - Dù gì vai diễn này cũng đã được trao cho Ngọc Trân rồi, không thể thay đổi được. Hơn nữa chị ấy rất yêu diễn xuất, khả năng cũng chỉ hơn chứ không kém tớ, nên mọi người đừng lo. Từ đó, câu chuyện giữa chúng tôi chuyển hướng đến những chủ đề khác, đa số là những câu chuyện phiếm khiến người ta cười nghiêng ngả. Rất nhanh, bầu trời bên ngoài đã tối đi từ lúc nào, chỗ chúng tôi sáng rực những ánh đèn đầy màu sắc. Cảm thấy đã đến lúc phải về, năm người chúng tôi cùng đứng dậy. Trường Vỹ cười ha ha nói: - Về sớm nhé các cô! Coi chừng bị tên cuồng thiếu nữ để ý đấy! "Tên cuồng thiếu nữ" là cách gọi của những học sinh cho kẻ gây ra "vụ án thiếu nữ". Nguyên nhân là vì họ cho rằng hung thủ là một kẻ biến thái, hành động vì sở thích cá nhân chứ không phải vì tiền. Dĩ nhiên đó chỉ là suy nghĩ của họ thôi, vẫn chưa có manh mối gì về kẻ đó cả. Tôi cũng không biết tên gọi đậm chất trinh thám này được lan truyền từ lúc nào, nhưng họ có vẻ thích thú với nó. Nhưng với những người bị hù dọa thì không. Đinh Hương phồng má và nói với vẻ bực bội kèm đôi chút sợ sệt: - Để ý anh thì có đấy, Trường Vỹ! - Anh thật sự không biết cách nói chuyện à? Khả Vy khoanh tay, bình tĩnh liếc nhìn Trường Vỹ - lúc này đã trở nên lúc túng. Chắc hẳn cậu ấy không nghĩ rằng câu nói đùa của mình lại khiến hai cô bé khó chịu như vậy. Một cách bối rối, Vỹ cười xuề xòa và cố tìm cách chữa cháy cho tình trạng này: - Đùa thôi mà, có gì đâu nào! Các em xem Uyển Di này, cô ấy đâu có bận tâm. - Thực ra là có đấy. Tôi mỉm cười với vài phần ý muốn chọc ghẹo Trường Vỹ. Cậu ấy - sau một lúc khoa tay múa chân, đành thở dài: - Thần linh ơi! Con đang bị các cô gái bắt nạt. Đinh Hương còn đang định nói gì đó thì một giọng nói hòa hoãn như có thể ngăn chặn bất cứ mâu thuẫn nào đã vang lên trước: - Anh Vỹ chỉ đùa cho vui thôi, nhỉ? Trời tối rồi, chúng ta cũng nên về thôi. Trực Nam mỉm cười, đẩy đẩy mọi người đi ra khỏi quán. Cậu ấy cười rất tươi, nhưng có chút gượng gạo. Cậu ấy không muốn tiếp tục chủ đề này. Khi tôi về đến nhà, cả ba và mẹ đều ở đó và tươi cười chào đón tôi như một niềm tự hào của họ. Như thường lệ, hôm nay anh trai tôi không có ở nhà.
|
Chương 5: Pupu Hôm nay là chủ nhật. Tôi vui vẻ ngắm mình trong gương và mỉm cười với tất cả niềm háo hức của mình. Chút nữa thôi, tôi sẽ đến nhà thầy Nhân và được xem rất nhiều sách về thơ của Xuân Diệu. Vậy nên tôi đã mặc một chiếc váy rất đẹp. Thật xấu hổ, nhưng tôi mong thầy ấy sẽ thích. Vẫn những bước chạy nhẹ nhàng như mọi khi, tôi đi qua con đường đầy hoa giấy. Gió đưa tiễn tôi, và những cánh hoa giấy mỏng manh theo bước tôi. Trông chúng tựa như đang rất vui. Mấy ngày qua cũng không có chuyện gì đặc biệt, ngoại trừ việc Ngọc Trân vẫn không đi học và Quốc Huy đã bỏ nhà đi. Có lẽ gia đình của Quốc Huy đang rất lo lắng, nhưng bạn bè và thầy cô trong lớp có vẻ không quan tâm lắm. Nói thế cũng không hẳn là đúng, vì thầy cô cần phải cùng gia đình tìm kiếm và khuyên bảo học sinh bỏ nhà đi nhưng thực sự thì họ cũng giống như những người bạn trong lớp tôi, không thích sự hiện diện đầy lập dị ấy. Còn Ngọc Trân, sự tình có vẻ nghiêm trọng khi chị ấy được xác nhận là đã mất tích. Lần cuối có người gặp Ngọc Trân là khi chị ấy vừa đi học về và ra ngoài để mua gì đó, vào cái hôm trước hôm chúng tôi bắt đầu tập kịch. Từ đó đến nay đã ba ngày rồi, vẫn không ai có tin tức gì về chị ấy. Trong thời gian đó, tôi vẫn đóng thế Ngọc Trân trong vở kịch. Và giờ thì vai diễn ấy đã chính thức được chuyển về cho tôi. Sự mất tích bí ẩn của Ngọc Trân cũng nhanh chóng được liệt vào "vụ án thiếu nữ". Đây là lần đầu tiên mà nạn nhân là học sinh ở trường tôi, nên hầu hết mọi người rất căng thẳng. Họ tranh nhau phán đoán xem việc này sẽ còn tiếp tục hay không, ai là người tiếp theo, và số phận của những người bị bắt cóc là gì. Mặc kệ suy nghĩ của họ có phong phú thế nào, có đúng hay không, tên hung thủ vẫn là bí ẩn to lớn nhất. Không khí xã hội thời gian gần đây rất căng thẳng, các cô gái nơm nớp lo sợ rằng mình sẽ trở thành mục tiêu của đôi bàn tay hắc ám kia. Có lẽ tôi cũng nên cẩn thận. Nhưng bây giờ, tôi không để tâm được nhiều đến thế, vì tôi sắp gặp thầy Nhân. May mắn là nhà thầy Nhân cách nhà tôi không xa, mười lăm phút đi bộ là đến. Tôi nên làm gì đây? Thốt lên một tiếng đầy kinh ngạc, hay say mê ngắm nhìn như một nghệ sĩ thực thụ? Căn nhà của thầy Nhân làm tôi thích thú. Đó là một ngôi nhà nhỏ màu xanh nhạt, hai bên vách tường phủ đầy những sợi dây leo với những đóa hoa màu tím biếc, cánh cổng gỗ màu đen nho nhỏ đầy giản dị nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ. Trong khoảng sân hẹp trước và bên phải ngôi nhà trồng rất nhiều những cây hoa và thuốc nam. Cả căn nhà toát lên một nét đẹp thanh bình và tươi mát, cộng thêm vài phần cổ kính, trông như thuộc về xứ sở thần tiên nơi mà Alice đi qua. Trong lúc tôi đang mãi nhìn ngôi nhà thì từ bên trong vang lên một giọng nói trầm ấm, và cánh cửa bị đẩy ra. - Sao thế Pupu? Đi dạo nhé? Bóng dáng thầy Nhân xuất hiện ngay trước cửa, trên gương mặt đang treo một nụ cười nhẹ. Khác với mọi ngày - lịch sự và nghiêm chỉnh, hôm nay trông thầy thoải mái và tùy ý hơn nhiều. Với chiếc áo len cổ rộng dài tay, quần kaki màu nâu sẫm và chân vẫn đang mang đôi dép đi trong nhà, trông thầy thật dễ gần và đáng yêu, cứ như một anh chàng sinh viên vậy. Phía sau thầy là một chú chó nhỏ lông xù, trắng tinh như một cục bông, đang rụt rè nấp sau đôi chân của thầy ấy. Nó tên là "Pupu"? Tôi bỗng chợt phì cười. Ai có thể ngờ một người lịch thiệp, nghiêm chỉnh như thầy Nhân có thể nghĩ ra và gọi lên một cái tên dễ thương như thế? Đáng yêu thật. - Ồ! Uyển Di đến rồi à? Thầy đã nhận ra tôi, và giọng thầy nghe có vẻ khá lúng túng. Chắc hẳn thầy không nghĩ tôi sẽ đến sớm như thế. Bằng một nụ cười niềm nở và háo hức, thầy Nhân bước nhanh đến mở cổng cho tôi. Chú chó nhỏ Pupu vẫn nép sau cửa trước, và mở to mắt nhìn tôi. - Thật ngại khi thầy lại ăn mặc thế này để chào đón em. Mời em vào nhà! - Có sao đâu thầy. Không lẽ thầy định mặc vest để đón em sao? Tôi che miệng cười khúc khích. Có lẽ sự nghiêm chỉnh đã thấm vào máu của thầy rồi. Thầy Nhân mỉm cười nhẹ dẫn tôi vào nhà. Pupu né đường cho chúng tôi đi qua, và sau đó rụt rè theo sau. Bốn bàn chân nhỏ bé của nó chạm xuống nền rất khẽ, gần như không có tiếng động. Trong lúc ngồi trong phòng khách để chờ thầy mang nước đến, tôi nhìn quanh. Đây là một căn phòng nhỏ nhưng cách bày trí rất thoáng đạt và tinh tế, khiến cho người ta cảm thấy thoải mái. Điều đặc biệt ở đây là có một giá sách to đến mức gần choáng hết cả một bức tường, bên trên đặt đầy những cuốn sách đủ kích cỡ. Lúc này, Pupu đã theo chân chủ nhân của nó xuống phòng bếp. - Xin lỗi đã để em phải chờ. Không lâu sau, thầy Nhân bước đến với một bộ tách trà và ngồi xuống đối diện với tôi. Trước đó, thầy có hỏi tôi uống nước ngọt không, nhưng tôi trả lời rằng tôi muốn uống trà. Một tách trà nóng sẽ hợp với chủ đề văn học hơn, và có lẽ thầy cũng thích điều đó. Thấy chú chó nhỏ vẫn đang nép bên giá sách một cách không mấy vui vẻ, thầy Nhân dang tay ra và gọi khẽ: - Pupu, lại đây nào! Pupu khẽ nhấc một chân trước, nhưng không bước đi. Sau mấy lần nghe tiếng chủ gọi, nó nhìn tôi, và bắt đầu sủa. Tiếng sủa rất to với một thân hình như thế, nó sủa một tràng dài, đầy sốt sắng, sủa đến mức gần như lạc cả giọng, khiến thầy Nhân phải nhíu mày. - Có chuyện gì vậy, Pupu? Cô bé ấy không phải người xấu. Như cảm thấy tiếng sủa của mình không có tác dụng, Pupu chạy rất nhanh, rồi nhảy phốc vào lòng thầy Nhân. Nó ngước nhìn thầy, sủa một tiếng, rồi sau đó ngoạm vào tay áo và cố gắng lôi thầy ấy đi, mặc dù thân hình của nó quá nhỏ so với thầy. Với một vẻ mặt lo lắng, thầy Nhân cố dỗ dành chú chó cưng trong vòng tay của mình và cười với tôi đầy áy náy: - Xin lỗi em. Bình thường nó không như thế. - Không sao thầy ạ. Tôi mỉm cười. Thầy Nhân thả tay ra để Pupu đi đến nơi nó muốn, nhưng nó không đi. Nó chỉ run rẩy nằm trong lòng thầy với một dáng vẻ đầy lo lắng, thỉnh thoảng còn cắn và lôi nhẹ tay thầy như muốn thầy ấy đi đâu đó. Không biết phải xử lí thế nào với chú chó cưng, thầy đành bảo tôi rằng tôi có thể thoải mái xem qua giá sách và tùy ý đọc cuốn nào mà mình thấy thích. Giá sách của thầy ấy có rất nhiều sách, không chỉ thơ Xuân Diệu nói riêng và văn học nói chung, vẫn còn có một số cuốn thuộc các lĩnh vực khác như khoa học, đời sống, triết học, và thần thoại. Chúng chiếm một góc riêng và phơi bày cái đặc biệt của mình. Tôi tìm được những cuốn sách tuyển tập thơ của Xuân Diệu, hàng trăm bài thơ sống mãi với thời gian. Trong số đó có những bài thơ được người ta nhắc mãi như Vội vàng, Giục giã, có những bài có lẽ cũng không phải vô danh nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy. Tại ngôi nhà này, tôi đọc được rất nhiều bài thơ hay với cách dùng từ đến giờ vẫn mới mẻ. Tôi đọc Cảm xúc, Yêu, Chiều, Phải nói, đọc Xuân không mùa, Xa cách, và cả bài thơ có tựa đề độc đáo đến lạ lùng - "Anh đã giết em". Không ngoại lệ, chúng đều để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, nhưng hàm nghĩa bên trong thì chẳng hiểu bao nhiêu. Tôi cũng không muốn tìm hiểu cho lắm. Ngoài thơ ra, thầy Nhân còn sưu tập những tác phẩm văn xuôi của "Ông hoàng thơ tình" như Trường ca, Phấn thông vàng, nhiều bài tiểu luận phê bình, trong đó có Tiếng thơ, Dao có mài mới sắc. Dùng thuật ngữ hiện đại, thầy ấy trông như một "fan cuồng" Xuân Diệu. Tôi ngồi xuống ghế, vừa xem sách vừa trò chuyện với thầy Nhân. Thầy ấy kể cho tôi nghe về hoàn cảnh sáng tác của một số bài thơ, vài tiểu sử và một số nhận định về nhà thơ có bút danh Trảo Nha. Qua ánh mắt và vẻ mặt của thầy, tôi có thể thấy một tình yêu thật sự, nó đang sôi sục và trào dâng lặng lẽ nhưng mãnh liệt. Nó tựa như sắp bùng nổ. Tôi đang tìm kiếm một tình yêu như thế. Trong suốt cuộc trò chuyện giữa tôi và thầy Nhân, Pupu luôn núp vào lòng thầy, trong miệng phát ra những âm điệu đầy bất an và thỉnh thoảng nhìn về phía tôi. Tôi không khó chịu về việc này, bởi trừ con người, những loài động vật khác luôn không thích tôi là mấy, nhất là những chú chó đang ở gần chủ của nó. Phản ứng của chúng đều khá giống Pupu. - Câu lạc bộ kĩ năng trường chúng ta sắp đi thi nhỉ? Thầy Nhân như tình cờ nghĩ đến và quay sang hỏi tôi. - Vâng ạ, vào thứ hai hai tuần sau. - Em cũng sẽ đi phải không, Uyển Di? Thế thì hôm đó em sẽ vắng tiết thầy. - Vâng. Em diễn thế cho chị Ngọc Trân. - Chúc em thi tốt. Nhớ mang giải nhất về cho trường nhé! Thầy nhìn tôi, và nở một nụ cười rất tươi. Tôi nhìn ra trong nụ cười đó, một sự chờ mong đến kích động. Tôi mỉm cười: - Chắc chắn rồi ạ! . . . - Tạm biệt thầy ạ! Tôi bước ra khỏi cổng và xoay người, chào tạm biệt thầy với một tâm trạng vui vẻ. - Chào em! Đi đường cẩn thận nhé! Thầy Nhân mỉm cười vẫy tay với tôi. Bỗng nhiên, trông thầy giống như vừa nghĩ ra gì đó. Với một ánh mắt đầy háo hức và chờ mong, thầy nói với tôi: - Thầy có một thứ rất hay muốn cho em xem, nếu em không phiền thì chủ nhật tuần sau... - Em chắc chắn sẽ đến! Tôi mỉm cười cắt ngang lời thầy và chạy tung tăng rời đi. Thầy đã ngỏ lời rồi, tôi vui lắm. Tôi có thể nghe thấy, phía sau tôi, thầy Nhân khẽ mỉm cười, và chú chó dễ thương Pupu đang rên rỉ nhè nhẹ trong vòng tay thầy ấy.
|
Chương 6: Tôi và Thanh Hôm nay cũng như thường lệ, anh trai tôi không có ở nhà. Tôi chưa từng tự hỏi anh ấy đi đâu và làm gì, cũng như anh ấy không hề hỏi tôi đi chơi ở đâu và đi với ai. Trong sự hời hợt ấy, tồn tại một thứ mà có lẽ nên gọi là "sự thấu hiểu". Bởi vì hiểu nhau, nên chúng tôi không biết đối phương đang làm gì và không tồn tại thắc mắc vì sao lại làm thế. Xét về khía cạnh nào đó, nó là sự tin tưởng. Tôi tin tưởng dù anh ấy có làm gì, thì anh ấy vẫn là anh trai của tôi - người anh trai mà tôi luôn biết, người đã lớn lên cùng với tôi. Đó là một cảm giác kì lạ và khá tuyệt diệu. Tôi không biết những cặp anh em khác có cảm thấy giống chúng tôi hay không. - Bách Hợp này! Con có rảnh không? Giọng mẹ tôi từ bên ngoài vọng đến. Có vẻ bà ấy đang vui. - Dạ rảnh ạ. Có chuyện gì không mẹ? Vừa nói, tôi vừa đứng dậy và đi về phía cửa phòng. Trong phòng khách, mẹ tôi đang phấn chấn mở hai túi đồ mà có lẽ bà ấy vừa mua được. Nhìn thấy tôi, mẹ nở nụ cười rạng rỡ và giơ hai bộ váy trong tay lên, vui vẻ hỏi: - Con thấy mẹ mặc bộ nào sẽ đẹp hơn nhỉ? Tôi nhìn mẹ một lúc rồi trả lời: - Màu cam đi ạ. Trông rất trẻ trung và quý phái. - Hay quá! Mẹ cũng đang định chọn nó. Con đã lên tiếng thì mẹ yên tâm rồi. Tôi khẽ phì cười. Chính vì thấy mẹ thích nó hơn nên tôi mới nói thế đấy chứ. Thực ra dù mẹ mặc bộ nào thì cũng vẫn rất đẹp thôi. Xuất phát từ một chút tò mò, tôi hỏi mẹ: - Mẹ chuẩn bị đi đâu ạ? - Con biết chị Hạnh nhỉ? Chủ nhật tuần sau là đám cưới của chị ấy. Phải rồi, tôi biết chị ấy. Chị Hạnh ở khá gần nhà tôi và đang làm thư kí tại một công ty nào đó. Nếu nghĩ kĩ thì dường như nhà chị ấy chỉ cách nơi thầy Nhân ở một căn nhà. Không biết thầy ấy có nhận được lời mời hay không? Về đến phòng, tôi lên mạng tìm kiếm một chút về Xuân Diệu, nhưng không lâu sau thì đành bỏ cuộc. Chịu thôi, tôi không hiểu những lời thơ ấy muốn nói gì cả, cũng chẳng có hứng thú tìm hiểu về cuộc đời của một "ông hoàng thơ tình". Tôi cũng không thích văn chương. Nhưng không hiểu sao, khi ở bên cạnh thầy Nhân, những câu từ tối nghĩa luôn khiến tôi nản lòng ấy bỗng thú vị một cách lạ lùng. Chúng như trở nên cực kì dễ hiểu và mỗi từ ngữ đều có thể khiến tôi rung động. Có lẽ những lúc ấy, chúng không còn là thơ, không còn là những con chữ chán ngắt, mà là cây cầu nối giúp tôi đến gần thầy Nhân. Tôi không biết tại sao, không biết sự diễn biến ấy diễn ra trong mình như thế nào, nhưng tôi biết đó là sự thực. Nụ hoa tình yêu trong tôi đang rung rinh. Nó sắp nở. Nó sắp nở thành một đóa hoa tuyệt đẹp. Tôi có cảm giác, thầy Nhân là điều kiện để đóa hoa đáng yêu ấy ra đời. Nghĩ tới gương mặt của thầy ấy, tôi khẽ cười. Thầy thật đáng yêu, và có một chú chó cũng cực kì đáng yêu. Tôi mãi nghĩ về thầy Nhân cho đến buổi trưa và vô cùng mong chờ đến chủ nhật tuần sau. Một tuần đối với tôi bây giờ là quá lâu. Sau khi ăn trưa xong, tôi mất một thời gian để tự thuyết phục mình đừng nghĩ về thầy nữa. Và như thế, tôi bắt đầu giải quyết số bài tập các môn cho ngày mai. Bài vở xong rồi, tôi chợt nhận ra một điều rằng điểm môn hóa của mình gần đây rất tệ. Cứ như mọi thứ bắt đầu rời khỏi tầm kiểm soát của tôi, tôi đã không nhận ra mình bắt đầu lúng túng với môn học khó nhằn này từ lúc nào. Có lẽ là từ năm ngoái, nhưng đến giờ nó mới bộc lộ ra bằng con số và bắt đầu báo động khẩn thiết. Chắc hẳn tôi cần một gia sư. Ngày mai tôi sẽ nhờ Hoài Thanh vậy. Cậu ấy sẽ đồng ý giúp thôi mà, nhỉ? Và như thế, ngày hôm sau, khi nghe tôi nhờ vả, Thanh giống như chợt trở thành một con robot bị ngừng hoạt động, cả gương mặt và toàn thân thể đều trơ cứng lại. Mi mắt cậu ấy run nhè nhẹ, nhìn tôi bằng một ánh mắt như không thể tưởng tượng nổi. Tôi chợt không biết xử lí với tình trạng của cậu ấy như thế nào. Tôi không nghĩ rằng điều mình nói ra sẽ tác động cậu ấy đến mức này. Phải mất một lúc, Hoài Thanh mới miễn cưỡng bình tĩnh lại và bắt đầu lắp bắp. Và mất một lúc nữa thì một câu nói hoàn chỉnh mới được thốt ra khỏi đôi bờ môi đầy lúng túng ấy. - Th...thật sao? Tớ không nghĩ cậu lại cần tớ kèm cặp. Tôi bật cười. Thật đáng yêu khi cái suy nghĩ rằng trên đời này, sẽ không còn chàng trai nào khác giống như Hoài Thanh xuất hiện trong đầu tôi. - Sao lại không chứ, tớ cũng là con người mà? Tớ cũng có những điểm yếu và cần học hỏi người khác. Cậu cũng vậy, cậu cũng có những điểm mạnh khiến người khác ngưỡng mộ. - C...c...Cảm ơn cậu. Mặt Thanh đỏ lên giống trái cà chua gần như ngay lập tức. Tôi có thể cảm nhận được thân nhiệt của cậu ấy đang tăng lên nhanh chóng, nhất là phần đầu và mặt. Mắt cậu ấy dán chặt xuống mặt bàn, còn tay thì vòng ra sau như định gãi đầu, nhưng cả bàn tay đều cứng ngắc hệt như bị đóng băng. Tôi cười khúc khích: - Khi nào cậu rảnh nhỉ? - A..à, những buổi chiều không học tớ đều rảnh. Nhưng hình như cậu phải tập kịch nhỉ? - Thế chủ nhật thì sao? - Rất xin lỗi cậu! Chủ nhật này tớ phải đi đám cưới chị tớ! - Hahaha! Cậu không cần phải xin lỗi như thế. Thế này đi, chiều nay bốn giờ, được không? Khi đó bọn tớ tập xong rồi. Nếu cậu không phiền thì tớ đến nhà cậu nhé? - Thế được không? Cậu sẽ về tối mất! - Không sao, sáu giờ tớ sẽ về. Vẫn còn sớm mà. Quyết định vậy nhé? Khi tôi vừa ghi địa chỉ nhà Hoài Thanh xong thì cũng đến giờ vào lớp. Nhìn những dòng chữ trước mắt, tôi khẽ nhướng mày. Có lẽ chiều nay tôi phải đi nhờ Khả Vy rồi. Mong rằng cô bé rảnh. Tiết cuối hôm ấy, vừa bước vào lớp, thầy Nhân nhìn tôi và mỉm cười rạng rỡ. Tôi đáp lại thầy bằng một nụ cười tươi. Thầy thật đáng yêu. Buổi chiều, sau khi kết thúc buổi tập kịch, mọi người trong câu lạc bộ ra về với những tiếng nói cười như thường lệ. Rất may là hôm nay Khả Vy rảnh và không phiền cho tôi đi nhờ. - Em chở chị đến thẳng nhà anh Thanh nhé? - Không cần đâu, em cứ về trước đi. Còn một đoạn ngắn thôi phải không? Chị muốn đi bộ. - Thế thôi, chúc anh chị vui vẻ! Khả Vy khẽ mỉm cười nhẹ và dừng xe lại, trong khi vào nhà vẫn vẫy tay với tôi. Tôi phì cười, cất bước đi tìm nhà của Hoài Thanh với những bước chạy nhẹ nhàng quen thuộc. Ít phút sau, tôi đã đứng trước một ngôi nhà bình thường, dành cho một gia đình có thu nhập vừa đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày. Hoài Thanh ngay lập tức bước ra mở cổng cho tôi với dáng vẻ có đôi chút khẩn trương. Tôi nhìn cậu ấy, mỉm cười bước vào nhà. Vào đến phòng khách, tôi nhìn thấy hai người trung niên, hẳn là ba và mẹ của Thanh. Ba cậu ấy đang ngồi xem ti vi, có lẽ là vừa đi làm về, vẫn đang mặc bộ đồ công sở với cà vạt nới lỏng. Tôi không biết ông ấy có thực sự đanh xem ti vi hay không khi ông đã quay đầu ra cửa trước cả khi tôi bước vào. Còn mẹ cậu ấy thì càng đáng nghi hơn khi mà đang đứng cạnh chồng mình trong khi vẫn đang mang tạp dề, hai tay áo sắn cao, chắc hẳn là đang chuẩn bị bữa tối. Khi thấy tôi, trên gương mặt bà ấy hiện rõ một nụ cười mừng rỡ và liếc nhìn Hoài Thanh với ánh mắt đầy ẩn ý. Còn một người nữa, một cô bé tóc ngắn khoảng mười ba, mười bốn tuổi đang thò đầu ra khỏi cửa phòng nhìn tôi. Cô bé có một gương mặt tròn và một đôi mắt cực kỳ lanh lợi, thậm chí có phần tinh ranh. Giờ khắc này, đôi môi nhỏ nhắn của cô bé cũng đang ánh lên một niềm vui vẻ. Trước tình cảnh này, Hoài Thanh lập tức rơi vào một loại trạng thái kì lạ. Vẫn những động tác lúng túng như mọi khi gặp tôi, nhưng thêm vào đó là sự run rẩy. Có lẽ biểu hiện của cậu ấy bây giờ nên gọi là "vừa xấu hổ vừa tức giận". Điều này khá mới mẻ. Tôi chưa từng thấy cậu ấy nổi giận bao giờ, nhưng hiện tại cậu ấy đang bực bội vì một gia đình quá "có tâm". Quang cảnh kì lạ này kéo dài một lúc, sau đó, Hoài Thanh cất tiếng với một giọng nói gượng gạo: - Đây là Uyển Di, cậu ấy đến học cùng với con. - À, ra là học cùng, à. - Ôi! Cô bé xinh quá, hệt như một đóa hoa bách hợp! Tôi mỉm cười, cúi đầu: - Con chào gia đình ạ! Xin lỗi vì đã làm phiền. - Không sao! Không sao! Bọn bác vui vì con đến! - Thằng Thanh giỏi lắm...à không, con cứ tự nhiên nhé! Ba mẹ Hoài Thanh mỉm cười rất tươi tắn, liên tục gật đầu với tôi. Gương mặt trung niên của họ cứ như trẻ ra mấy tuổi, tươi trẻ giống như một vườn hoa mùa hạ. Họ thực sự vui vì sự có mặt của tôi. Gương mặt của Thanh lúc này cũng giống như hoa mùa hạ - hoa phượng, đỏ theo một cách rực rỡ nhất có thể. Có vẻ cả sự "ngượng" và "giận" của cậu ấy đều đã đến đỉnh điểm. Chắc chắn rằng cậu ấy không, rất không thích tình cảnh này, nhưng tôi thì có. Tôi thích nhìn cậu ấy vừa ngượng vừa giận như thế. Rất đáng yêu. - Bọn con đi học đây ạ! Hoài Thanh nhanh chóng bước đi về phía phòng của mình, tôi đi theo cậu ấy cùng với một nụ cười. Phòng Thanh kế phòng em gái của cậu ấy. Cô bé từ nãy đến giờ luôn im lặng bỗng mở miệng, với một gương mặt rất thản nhiên: - Hai anh chị đang hẹn hò ạ? - Không có!!! Cậu bạn đáng yêu của tôi quát khẽ vào tai của cô em láu lỉnh, sau đó thở hồng hộc. Cậu ấy đã quá ngượng cùng tức giận rồi, và không thể kiềm chế được nữa. Tôi che miệng khẽ cười, ba người nhà cậu ấy thì cười rộ lên. Cô em gái có vẻ không khó chịu mà còn vui vẻ khi bị anh trai quát thẳng vào tai. Mặt Thanh vốn đã bớt đỏ sau tiếng quát khẽ, nhưng giờ thì nó còn đỏ hơn cả trước đó nữa. Dù vậy, cậu ấy vẫn cố gắng giữ tư thế mở cửa, ý bảo tôi vào trước. Để tránh cho cậu ấy khó xử, tôi liền gật đầu với ba mẹ cậu ấy, mỉm cười với em gái cậu ấy rồi bước vào phòng. Ngay sau khi tôi vào trong, Hoài Thanh cũng lập tức bước vào và đóng cửa lại. Nhưng tôi vẫn có thể nghe những câu nói như thế này: - Tôi hạnh phúc quá bà ơi! - Con trai mình lớn rồi, còn giỏi nữa! - Ngượng kìa! Ngượng kìa! Lần đầu tiên con thấy đó! Giọng của hai bậc phụ huynh ẩn chứa sự nghẹn ngào.
|
Chương 7: Nở rộ - Xin lỗi cậu! Gia đình tớ rất thích đùa. - Có gì đâu, họ rất đáng yêu mà! Tôi ngồi trên ghế, che miệng cười khúc khích. Thật có lỗi với Hoài Thanh, nhưng tôi không thể nhịn cười được, và cũng không thể ngừng. Đây là gia đình đáng yêu nhất tôi từng thấy. Ba mẹ của cậu ấy thật đáng ngạc nhiên, họ thật thoải mái và có một tâm hồn thật trẻ trung, trông họ giống như là kiểu người có thể vượt qua mọi khó khăn. Họ vừa là những bậc phụ huynh chăm lo cho con cái của mình, vừa là những người bạn tốt cũng như xấu tính nhất của con trẻ. Em gái của Thanh cũng thật đáng yêu. Cô bé có thể nói những chuyện động trời với một dáng vẻ như đang xem một bộ phim mà bản thân đã thuộc hết lời thoại. Và điểm chung của ba người họ là rất thích chọc Hoài Thanh. Tôi không biết bình thường thế nào, nhưng hôm nay trông họ có vẻ rất vui với điều đó. Tôi có thể tưởng tượng, mỗi ngày trong ngôi nhà này đều không hề dứt tiếng cười. Thật tuyệt vời. - Thanh này! Mở cửa cho mẹ nào! Tôi vừa dứt tiếng cười, từ ngoài cửa đã vang lên tiếng gõ cửa của mẹ Hoài Thanh. - Gì ạ? Vừa nói, Thanh vừa ra mở cửa với gương mặt không mấy dễ chịu. Từ đó, tôi có thể đọc ra một câu nói như thế này: “Lại là chuyện gì nữa đây?” - Mẹ có ít bánh, trái cây với nước ngọt, con mang cho Uyển Di ăn nhé! Rồi hai đứa cùng học thật tốt! Mẹ Thanh cười tươi như hoa, đưa đồ cho cậu ấy rồi ngay lập tức đóng cửa lại. - Nhiều quá rồi mẹ à! Hoài Thanh bất lực nói khi cánh cửa vừa khép lại. Thực sự là quá nhiều, đến nỗi phải đặt vào khay mới có thể mang được bằng hai tay. Có bánh tự tay làm, có bánh mua từ ngoài về, có xoài, có táo, có quýt, có lê, may là nước ngọt chỉ có một loại. Tôi có cảm giác những thứ này được đặc biệt chuẩn bị cho mình từ cả vài giờ trước. - Cậu cứ ăn tự nhiên nhé! Mẹ tớ làm bánh ngon lắm! Thanh gãi đầu nói với tôi. - Cảm ơn cậu! Tôi mỉm cười. Sau đó, chúng tôi bắt đầu vào việc chính. Tôi nói ra những chỗ mình chưa hiểu và chưa rõ, và Thanh giải thích cho tôi, từ tốn và dễ hiểu. Cậu ấy còn tìm bài tập cho tôi làm thử và sửa lỗi rất nhiệt tình. Đây là lần đầu tiên cậu ấy ở cùng với tôi mà không bị sự lúng túng chi phối. Hình như cậu ấy muốn mình có thể giúp tôi nhiều và tốt nhất có thể. Thật là một chàng trai thú vị và đáng yêu. Phòng của Hoài Thanh rất ngăn nắp. Mặc kệ nguyên nhân thế nào, nó vẫn rất ngăn nắp. Bàn học của cậu ấy không có nhiều sách, giống với tôi. Chiếc máy tính để bàn nằm gọn ở một bên. Có một đoạn thời gian, tôi nghe được tiếng va chạm và tiếng nói chuyện khe khẽ ở cửa phòng. Chắc là ba chủ nhân đáng yêu của ngôi nhà này. Tôi bật cười khi phát hiện ra điều đó. Đến sáu giờ, tôi phải về và ba mẹ Hoài Thanh tỏ ra rất tiếc về điều đó. Họ bảo rằng tôi có thể quay lại bất cứ lúc nào và sẽ luôn được chào đón “như một thành viên của gia đình”. Cô em gái với mái tóc ngắn dễ thương đã nói thế này: “Em thích chị.” Khi ấy, hai vị phụ huynh đã ồ lên và anh trai cô bé thì lại quát khẽ một phen. Không biết phát ngôn này có ý nghĩa gì với gia đình này? Nhưng mặc kệ thế nào, tôi cũng thích họ. Thanh theo tôi ra cửa và nói: - Để tớ đưa cậu về nhé? Trời tối rồi, gần đây cũng không an toàn lắm. - Phiền cậu rồi, cảm ơn nhé! Tôi mỉm cười. - Việc tớ nên làm mà. Thanh vừa bước vào nhà vừa gãi đầu. Ngồi sau xe Hoài Thanh, tôi bất giác nhìn về phía ngôi nhà bỏ hoang có cây xanh đại thụ mọc sau cổng. Giữa cảnh trời chạng vạng tối, căn nhà có vẻ đặc biệt âm u như cảnh báo người sống không nên đến gần. Lúc này, có một bọn trẻ con đang trèo vào đó qua bờ tường gần cây xanh nhất. Tôi chỉ kịp nhận ra đứa cuối cùng còn đang trèo là em trai của chị Hạnh đang chuẩn bị đám cưới. . . . Một cách thật chậm chạp mà cũng thật nhanh chóng, một tuần đã trôi qua. Mỗi buổi sáng, tôi cắp sách đến trường, đến chiều thì tập kịch cùng các thành viên câu lạc bộ, sau đó đi nhờ xe Khả Vy đến nhà Hoài Thanh để nhờ cậu ấy dạy kèm môn hóa. Gần như ngày nào cũng trôi qua như thế. Cuối cùng, sau thời gian một tuần chờ đợi thì ngày hôm nay rốt cuộc cũng đến, ngày mà tôi đã luôn mong mỏi. Chủ nhật rồi. Hôm nay là ngày tôi sẽ đến nhà thầy Nhân để xem cái rất hay mà thầy đã nói. Đứng trước gương, ngắm mình trong bộ váy trắng tinh khôi dài đến đầu gối, tôi nghe tiếng tim mình đập thình thịch nơi lồng ngực. Trái tim tôi đang nhảy múa, tôi không thể khống chế nó. Nó biết nhiều hơn tôi. Nó biết điều gì sắp xảy đến với tôi và nó đang phản ứng với điều đó. Tôi đành phải chờ xem điều sắp xảy ra là gì. Thoáng dằn lại lòng mình, tôi bước ra khỏi phòng. Hôm nay tôi không chạy. Tôi đi bộ chầm chậm trên con đường đầy hoa giấy. Gió hôm nay có hơi mạnh hơn, một chút, nhưng tôi vẫn nhận ra. Những cánh hoa giấy vội vã đuổi theo bước chân tôi. Chúng xoay loạn cả lên trong làn gió sớm, rồi sau đó nhẹ nhàng ngã xuống vỉa hè. Rồi sau nữa, chúng lại khẽ khàng lăn lộn. Quãng đường đến nhà thầy Nhân hôm nay dài hơn tuần trước. Ngay trước khi tới nhà thầy, tôi đi ngang qua một ngôi nhà đầy vẻ bận rộn và tụ tập khá nhiều người. Đó là nhà của chị Hạnh. Hôm nay là ngày cưới của chị ấy, ngày mà người ta nói là quan trọng nhất đời. Phải rồi, tôi có cảm giác hôm nay cũng là ngày quan trọng nhất đời tôi. Qua ô cửa sổ trên tầng hai, tôi nhìn thấy chị Hạnh. Chị ấy đang trang điểm. Thật đẹp. Chị ấy có một mái tóc thật đẹp. - Em vẫn đến sớm quá nhỉ? Thầy Nhân lại một lần nữa mở cổng cho tôi với một nụ cười. Tôi cười tươi đáp lại thầy ấy, trái tim đập rộn ràng. Hôm nay thầy mặc quần âu đen, áo sơ mi trắng tinh, không vướng một hạt bụi, tóc tai cũng được chăm chút kĩ lưỡng, giống như chuẩn bị đi đâu đó vậy. Trong nhà, và cả ngoài sân, tôi không nhìn thấy Pupu. Nhận thấy ánh mắt tôi, thầy mỉm cười đầy lo âu: - Hôm nay Pupu không khỏe, nó cứ nằm một chỗ suốt. Nhưng bác sĩ bảo nó không bệnh đau gì cả. - Nếu thế thì chắc không sao đâu thầy ạ! Em tin rằng Pupu sẽ sớm khỏe lại thôi. - Cảm ơn em. Vẫn như lần trước, thầy mang cho tôi một tách trà. Chúng tôi bàn một chút về Xuân Diệu và vài câu chuyện phiếm. - Hôm nay em hơi lạ thì phải, Uyển Di? Sau một lúc trò chuyện, thầy nhận ra điều bất thường và nghiêng đầu hỏi tôi một cách ân cần. Tôi mỉm cười ngại ngùng và đặt tay lên ngực trái: - Thật ngại quá, không hiểu sao tim em hôm nay đập rất nhanh. Em cảm thấy mình có chút bồn chồn, hồi hộp và hưng phấn. - Thật lạ nhỉ? Thầy mỉm cười. - Phải rồi thầy ạ! Em thấy nhà bên có vẻ bận rộn? - À, cô con gái nhà ấy sắp đám cưới. Ngày hôm nay thật đặc biệt nhỉ? - Thầy sẽ đi dự chứ ạ? - Tiếc quá, thầy không thể đi được. - Tại sao ạ? - Vì thầy đã có hẹn với em rồi. Tôi thắc mắc nhìn thầy: - Thầy có thể dời buổi hẹn với em vào ngày khác mà? Em không phiền đâu ạ! - Như thế thật có lỗi với họ, nhưng thầy không thể dời cuộc gặp này được. - Nhất định phải là hôm nay ạ? - Đúng vậy. Vì hôm nay là ngày rất đặc biệt. Thầy mỉm cười nhìn tôi. Chợt như ảo giác lướt qua, trong một thời gian ngắn, tôi như có thể nghe thấy nhịp tim trong lồng ngực nóng cháy của thầy. Thật nhanh. Nó nhảy lên rộn ràng, nhanh giống như trái tim của tôi vậy. Liệu điều này là thật? Hay giả? Lúc này, thầy bỗng đứng dậy và mỉm cười với tôi: - Em chờ thầy tí nhé? Thầy đi chuẩn bị một chút. - Vâng ạ. Và thầy bước vào một căn phòng, đóng cửa lại. Tôi ngồi uống trà ở phòng khách, một mình, và chờ đợi. Con tim tôi nhảy lên liên hồi và chẳng chịu dịu đi dù chỉ một chút. Không biết thầy sẽ cho tôi xem gì nhỉ? Thầy đi chuẩn bị cho điều đó sao? Trong lúc ngồi chờ, tôi nghe tiếng chó sủa khe khẽ phát ra từ căn phòng kế bên phòng mà thầy vừa bước vào. Pupu? Không để tôi chờ đợi lâu, thầy rất nhanh liền quay trở lại phòng khách. - Tim mình đập nhanh quá. Thầy nói khẽ khi vừa bước ra khỏi phòng. Vẫn với một nụ cười, thầy bước về phía tôi: - Xin lỗi em! Đây là lần đầu nên thầy hơi hồi hộp. Tôi có cảm giác thầy sắp cho tôi xem cái mà thầy gọi là “rất hay”. Với những bước chân chậm rãi đầy thu hút, thầy đang tiến lại gần tôi. Gần, gần hơn, và gần hơn nữa. Đến khi chỉ còn cách tôi một bước chân, thầy chợt nói: - Thầy thích em, Uyển Di! Với một tốc độ cực nhanh, và không hề báo trước, một đôi môi ấm nóng áp vào môi tôi, một cách mạnh mẽ, nhưng cũng đầy trìu mến. Đôi môi ấy rất mềm, rất ấm, rất nóng, rất khát. Tôi đã nghĩ đến rất nhiều thứ, nhưng chưa từng nghĩ đến là sẽ thế này. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi biết thầy thích tôi, nhưng tôi không biết thầy sẽ lựa chọn thế này Tôi ngây người. Và cứ thế, thầy vẫn hôn tôi, như muốn rút đi hết hơi thở của tôi. Cơ thể thầy đang ở rất gần người tôi, và càng lúc càng gần hơn. Người tôi dần ngã ra trên chiếc ghế sô pha dài. Tôi run rẩy. Thầy áp sát người tôi, cho đến khi tôi hoàn toàn nằm xuống. Hai tay thầy ấy chống xuống ghế, sát hai bên người tôi, rồi đôi môi thầy đột nhiên hé ra, nhè nhẹ ôm lấy bờ môi tôi. Thầy đưa lưỡi vào miệng tôi, chiếc lưỡi ấm áp ấy chạm nhẹ vào đầu lưỡi tôi, rồi sau đó triền miên quấn lấy. Động tác của thầy rất nhẹ nhàng, nhưng thầy đang chiếm lấy hơi thở tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy dấu hiệu của sự ngạt thở. Tôi muốn đẩy người đàn ông này ra, nhưng lại cảm giác cả tay chân đều không còn sức lực. Tôi vẫn đang run rẩy. Trong cảm nhận mơ hồ của bản thân bây giờ, tôi ngửi được một mùi hương, một mùi hương nam tính đầy sức quyến rũ tỏa ra từ cái cơ thể mạnh mẽ đang áp sát người mình. Dưới sự cuồng nhiệt từ đôi môi và chiếc lưỡi của thầy giáo mình, tôi cố tranh giành từng hơi thở. Đồng thời, tôi cũng cảm nhận được hơi thở nóng bỏng của thầy ấy đang phả vào mình. Không chỉ hơi thở, cả cơ thể thầy ấy đang nóng lên, và tôi cũng thế. Người tôi nóng lên, từ trong ra ngoài. Nóng, rất nóng. Tôi cảm giác như đang bị đốt cháy. Bất chợt, một vật cứng chạm vào đùi tôi, lạnh buốt. Sau đó là một cảm giác đau nhói, một chất lỏng ấm nóng chảy xuống từ đùi tôi. Thầy vẫn đang hôn tôi, nhưng trong tay thầy đang cầm một con dao. Dưới nụ hôn nóng ấm, con dao lạnh lẽo vung lên. Máu chảy đỏ cả mặt tôi. Nụ hoa trong người tôi, nở rộ.
|