Mở đầu Khi mở mắt, điều đầu tiên tôi nhận ra là toàn bộ cơ thể không tài nào cử động được: còng sắt nơi cổ tay, dây xích dưới cổ chân và gông mang trên cổ.
Mùi ẩm mốc xộc vào hai khoang mũi làm tôi định thần nhìn lên, nheo nheo mắt. Căn phòng ọp ẹp, tối tăm, chỉ le lói thứ ánh sáng phát ra từ cây đuốc cắm bên ngoài. Những song sắt rỉ sét xếp thành hình vuông chỉ đủ rộng để một cánh tay thò ra. Lót dưới sàn là thứ rơm rạ tôi chưa từng thấy bao giờ, phủ đều hai bên góc tường. Một con chuột chạy ngang qua làm tôi giật bắn.
Nói tóm lại thì tôi đang ở trong ngục!
“Đừng làm loạn nữa, Bảng à!”
Cùng hoàn cảnh éo le với tôi là năm người đàn ông đang ngồi xếp bằng, một già, một trung niên, hai thanh niên và một thiếu niên. Họ quần áo bẩn thỉu, đầy máu me, tóc tai rối xù. Cậu bạn thiếu niên ngồi cạnh tôi ngay bên trái mắt đỏ hoe, từng giọt lệ rơi xuống, nhỏ tí tách lên thanh gông gỗ.
Bối rối và hốt hoảng trước cảnh tượng ấy, tôi ngước nhìn sang cụ ông, người duy nhất đang khoác lên mình khí chất bình thản. Ông ngồi xếp bằng, dáng vẻ như một ông bụt trong truyện cổ tích, hoặc là vị đạo sĩ nào đó đang ẩn mình ngồi thiền trên núi với tà áo trắng, râu tóc bạc phơ và khuôn mặt hiền hậu. Trong sạch và thanh cao, đầu tôi bỗng hiện lên hai chữ đầy cảm thán, ông không nên thuộc về nơi này!
Nhưng một khi đã nhìn xuyên qua được cái dáng hình thản nhiên, vô lo vô nghĩa kia, tôi bỗng chợt nhận ra rằng trong đôi mắt gần như trống rỗng ấy của ông đầy vẻ cam chịu, phảng phất chút gì đó là sự hối tiếc. Dường như cảm nhận được ánh nhìn dò hỏi, ông quay qua phía tôi:
“Ta biết con trách ta, con trai,” ông thở ra, “Ta cũng hối đã không nghe lời của Hoàng Phúc. Mọi sự đã xảy ra như thế, rằng ý trời đã đoạt. Dòng họ chúng ta trong sạch hay không, cũng chỉ có ơn trên và tiên đế mới tỏ tường.”
Tôi định đi tới an ủi ông, dù cặp dây xích dưới mắt cá chân không cho phép.
“Đau đớn thay,” ông tiếp tục thì thào, “hàng trăm sinh mạng chỉ vì ta mà liên lụy, lại là máu thịt của ta…”
Lúc này tôi mới chịu khó lắng tai nghe, quả thật có tiếng khóc của phụ nữ và trẻ em vang vọng đâu đây. Kèm theo đó là tiếng lính gác mắng chửi.
“Câm họng hết đi! Chết đến nơi rồi mà còn to mồm!”.
Đây là đâu? Vào cái thời đại nào thế này? Tôi muốn hét lên. Sao lại có thể đối xử tàn nhẫn với con người như vậy? Công lý trong thùng rác hết rồi ư?
“Cha à,” cậu bạn thiếu niên bên cạnh lên tiếng, “còn dì Mẫn…”
“Cha chỉ hi vọng Thị Mẫn đã trốn ra khỏi thành,” cụ ông, à nhầm, “cha” của tôi trả lời khẽ, giọng không giấu vẻ lo lắng, “Thái hậu đang cho người truy lùng ráo riết những phụ nữ có mang trong và ngoài Đông Kinh, ta chi e…”
Câu nói bỏ lửng của ông làm căn ngục u ám nay trở nên lạnh lẽo. Dù số phận của người phụ nữ ấy như thế nào, chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn trong thời gian tới. Cậu thiếu niên bên cạnh đổ sụm người xuống, làm cái gông trên cổ như kéo lê luôn cả phần thân trên của cậu. Tôi bất giác ý thức đến tình trạng không mấy khả quan hơn của mình.
Trời đất ơi, định mệnh ơi, làm sao bây giờ, tôi không kiềm chế được mà khẽ rên lên, Mình đã làm gì mà mắc phải tội chết thế này? Làm cách nào để thoát khỏi đây trước khi...
Tiếng bước chân từ xa đi tới.
Huỳnh huỵch, huỳnh huỵch.
Lào xào, lạt xạt.
Bình bịch, bình bịch, bình bịch...
Theo sau là tiếng đạp gót khoan thai của ủng vải lên cỏ rơm, kèm theo tiếng khóc oà lên từ các buồng giam bên cạnh. Mọi người trong căn ngục đều ngước nhìn lên, cảnh giác. Nhưng cũng có người dường như đã biết, rằng thời gian của mình sắp kết thúc. “Cha" tôi nhắm nghiền đôi mắt, sỏi đời, mệt mỏi và u buồn như chính tâm trạng của ông lúc này. Một giọt lệ rơi xuống, lặng lẽ từ khoé mắt, như thể ông đang đứng trước bài vị của chính mình và của cả gia tộc.
Ông nhìn thẳng vào mắt tôi. Biết bao điều chưa thể nói, biết bao nhiêu việc chưa thể làm. Tất cả những giọt nước mắt cay đắng nhất sẽ rơi xuống cho những người thân yêu vô tội này.
“Thánh chỉ đến!” giọng run rẩy của một viên quan phá tan bầu không khí ảm đạm. “Tất cả quỳ xuống!”
Tôi bất giác khịt mũi. Ông quan à, phải chăng ông có vấn đề về thần kinh? Trói gô người ta như thế này thì làm sao mà quỳ?
“Thừa thiên hưng vận, hoàng thái hậu chế viết,” tên quan tiếp tục, giọng đã lấy lại sự bình tĩnh, “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ một thân gian xảo, lựa chọn thời cơ, ngày 4 tháng 8 đợi tiên đế Thái Tông đến Lệ Chi Viên rồi ám hại, đầu độc người đến tử vong. Là chủ mưu sự việc. Hành khiển Nguyễn Trãi thân nhận ân đức như trời biển của tiên đế, được người tin dùng, lại cùng thiếp âm mưu sát hại hoàng đế. Là đồng phạm sự việc. Nay chứng cớ đã rõ, tội đã nhận, Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi đã bị kết án, tam tộc tru di...”
Tôi lặng người tiếp nhận thông tin từ thánh chỉ. Nguyễn Trãi? Nguyễn Thị Lộ? Lệ Chi Viên? Thái Tông đế?
“Hôm nay, ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, lập tức cho thi hành án! Khâm thử!” Nói rồi giọng eo éo của hắn liền đanh lại. “Người đâu?”
Binh lính bỗng từ đâu tràn vào căn ngục, lôi kéo từng người ra ngoài. Tôi bị một tên to con thô bạo xốc lên, nhưng người vừa đứng dậy đã run rẩy, hai chân không vững nên đã bị ngã nhào, trán đập vào song sắt, rên lên hai tiếng thảm thuơng.
Quãng đường đi khỏi ngục, lướt nhìn thấy những khuôn mặt khốn khổ của từng người, từng người tử tù bị lôi ra ngoài, tâm trí tôi có cảm giác như muốn nổ tung bởi những thứ cảm xúc khó gọi tên, những ý nghĩ nghuệch ngoạc và trừu tượng. Đúng, tôi biết mình sắp chết. Tôi biết họ, những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội cũng sắp chết.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực.
Cay cú, giận dữ và kinh tởm...
Buồn bã, đau đớn và xót thương...
Đời có bao giờ là công bằng?
Chết có phải là hết?
Tôi có sợ không? Có chứ! Sợ lắm!
Sợ cho ai? Sợ cho tôi, hay cho những tù nhân kia nữa.
Quá nhiều ước mơ, quá nhiều hoài bão, tất cả đều sẽ bị chôn vùi cùng vị vua Thái Tông kia. Sinh mạng một con người thật là rẻ rúng quá!
Xiềng xích còn đó, bọn tôi bị nhốt vào một cái cũi bằng gỗ, được gắn vào một chiếc xe ngựa. Xe bắt đầu chạy, chầm chậm. Chạy qua những ngôi nhà lát ngói đỏ trong kinh thành. Chạy ngang những người dân đang hiếu kì đứng hai bên đường, bàn tán, khóc lóc, và cả xỉ vả. Chạy dọc những con đường đất thẳng tắp, rồi uốn lượn.
Chạy đến nơi bị hành hình.
Đến khu vực gần bờ sông, xe ngựa chở phụ nữ và trẻ em bỗng nhiên dừng lại. Trước sự kinh hoàng của tôi và mọi người, họ bị đẩy vào chiếc cũi bằng sắt và bị dìm xuống dòng nước siết. Tiếng la hét thảm thiết lại vang lên. Trẻ em khóc đến nức nở. Con khóc mẹ, cháu khóc dì. Tim tôi bị bóp nghẹt.
“Không...KHÔNG! ĐỪNG MÀ! MAU DỪNG XE LẠI!”
Trong đám người chỉ có tôi là vùng dậy, hai tay siết chặt thanh củi mà hét lên, những tiếng hét mà tôi biết là hoàn toàn vô nghĩa.
“KHÔNG!!!”
Xe tiếp tục chạy, đều đều. Nếu không có hai chiếc còng trên tay, chắc chắn tôi sẽ đấm gãy cũi gỗ mà nhảy ra ngoài. Chưa kịp làm gì thì tên lính đã đâm cây thương vào đùi tôi.
“Câm họng!”
Điều đó không hề làm tôi e sợ, chỉ khiến cơn lửa giận bùng lên, phừng phực ngọn lửa của công lý. Tôi nghiến răng chịu đau, gào lên thật to:
“Một lũ vô nhân tính các ngươi,” sau đó đôi chân phản chủ liền sụm xuống. Bất lực, tôi đành phải thì thầm với bản thân, “Nguyễn Bảng ta thề, thề với trời đất, thề với tổ tiên, thề với các vị tiên đế, một ngày nào đó gia tộc họ Nguyễn này sẽ được minh oan. Ta thề, chính mình sẽ là người đem lại trong sạch cho dòng họ, để tiếng thơm cho cha ta, mẹ ta, anh em ta. Nếu không, Nguyễn Bảng này sẽ chẳng bao giờ được yên giấc.”
Tôi đang nói cái gì thế? Cái đó là Nguyễn Bảng nói, hay là chính tôi đã nói? Phải chăng tôi chính là Nguyễn Bảng?
Không! Tôi không phải là Nguyễn Bảng! Nguyễn Trãi cũng không phải là cha tôi. Những chuyện này không có thật!
Sai lầm! Cánh tay lôi tôi ra khỏi củi rất thật. Vết thương trên đùi đang chảy máu đầm đìa cũng rất thật. Tên đao phủ bịt mặt đang đứng trên đài cao lại càng rất thật.
Không! Không thể! Tôi không thể chết lúc này được!
Từng người bước lên, từng nhát đao giáng xuống...
Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ...
Từng người, từng người...
Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng...
Máu đỏ chảy trên lưỡi đao, nhiễu xuống từng giọt, từng giọt...
Nguyễn Bảng...
Không! Chuyện này không thể xảy ra! Là không thể!
Dù chống cự quyết liệt, tôi vẫn bị lôi lên đài, ấn người quỳ xuống, đầu gối đập lên sàn, cổ kề sát vào thanh thớt gỗ. Lúc này, cái chết đang cận kề, thay vì đầu óc mụ đi vì kinh hãi, tôi lại tỉnh như sáo.
Và điều đó còn khiến tôi kinh hãi hơn gấp trăm ngàn lần.
Tôi nhìn ra được vết rỉ sét trên thanh đao sáng loáng, nghe được tiếng gió gửi về từ núi rừng, ngửi được mùi máu tanh tưởi, cảm nhận được sự thô ráp của bộ đồ tù bằng vải lanh, và nếm được vị mặn chát của dòng nước mắt đang chảy ra.
“Ta thề...”
Đó là câu nói cuối cùng của tôi, trước khi lưỡi đao kịp giáng xuống...
|
Chương 1 QUYẾT ĐỊNH
Tôi đưa ra quyết định vào một ngày đầu hè. Tháng sáu. Nắng chói chang sưởi ấm cả thành phố Bellingham, bang Washington, nơi mà quanh năm nếu không lạnh lẽo thì cũng ẩm ướt. Bầu trời hôm nay dường như trong xanh hơn mọi ngày. Mây trắng bồng bềnh trôi như mớ kẹo bông gòn, mà nếu còn nhỏ ắt hẳn tôi sẽ mê tít.
Nếu như được ban cho tài hội hoạ (như ai kia) thì chắc tôi đã ngồi hàng giờ ngoài sân sau và ghi dấu lại khoảnh khắc hiếm hoi của bức tranh thiên nhiên xinh đẹp nơi mình đang sống. Tiếc thay, tôi lại ngồi đây, chết dí một mình trong góc phòng, không một ánh đèn, hai tay bó gối và suy nghĩ về những chuyện đã qua.
Mà nhắc đến những chuyện đã qua...
Đã là ba ngày, mười tiếng và hai mươi lăm phút sau giấc mơ hãi hùng đêm hôm ấy, và tôi gần như vẫn không dám chợp mắt. Mấy đêm thức trắng làm tôi mệt mỏi đến mức thiếp đi lúc về sáng, để rồi hình ảnh đoạn đầu đài lại hiện lên và tôi thức dậy la hét thảm thiết hơn lần trước. Cổ và gáy tôi luôn có cảm giác đau nhức, âm ỉ và dai dẳng, như đang bị cây đao vô hình cứa vào. Những ảo ảnh về ngục tối và tiếng than khóc của phụ nữ và trẻ em trước khi ra pháp trường, tôi đến giờ vẫn còn nhớ như in.
Đã có lúc tôi sợ mình hoá rồ!
Nhưng may làm sao vào ngày hôm ấy, khi cái đầu đủ sáng suốt và đưa ra được quyết định trọng đại này, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất cần thực hiện.
Cảm giác như cả gánh nặng được nhấc khỏi đôi vai!
Nhưng lỡ kế hoạch này bị bác bỏ thì sao, một giọng nói nhỏ xíu phản bác, chẳng lẽ mày sẽ bị điên và ám ảnh suốt đời?
Tôi tìm cách dập tắt thứ suy nghĩ tiêu cực kia ngay lập tức.
Phải đánh trống lảng bản thân mới được! Nên làm gì bây giờ? Tôi đứng bật dậy, luống cuống chạy ra khỏi căn phòng ngủ tù túng, hướng về căn nhà kho ngoài sân sau.
Bình tĩnh nào, tôi tự nhủ, tay vô thức nắm lấy cây trường côn, mày sẽ làm được! Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà!
Ai cũng có sở thích riêng cho chính mình. Còn tôi ư? Tôi đã mê mẩn môn võ cổ truyền Việt Nam từ khi còn nhỏ. Sau nhiều năm tầm sư học đạo, võ thuật đã dạy cho tôi hai thứ vô cùng cần thiết trong lúc này: sự tự tin và tính kiểm soát.
Thế nên nắm chắc cây trường côn trong tay, tôi gọi thật to tên bài quyền Bát Quái và đưa tay lên bái tổ.
***
Cây gậy gỗ trong tay xoay vun vút theo nhịp từng động tác, tôi vừa uyển chuyển thực hiện vừa lẩm bẩm:
“Phát bản linh thủ, xà vương khai môn. Long du điền hải, điểu thủy đăng thiên”[1]
Chân tôi lướt nhanh trên đám cỏ xanh mơn mởn được chính mình cắt tỉa lúc sáng. Đâu đây, tiếng chim bồ câu đang gọi nhau về tổ.
Cơn gió chiều bỗng thổi qua, mát rượi.
“Xuyên sơn định trận, nhất tướng ngũ môn. Bát quái đồng thần, lưỡng kê linh thủ...”
Con mèo Seb nhà hàng xóm kêu lên mấy tiếng thảm thương, nửa người bị mắc kẹt trên cành phong già, chắc là do nghịch ngợm trèo lên tối hôm qua. Nghe tiếng tôi phía bên kia hàng rào, nó liền ngoái đầu lại nhìn. Tôi nhìn nó, nó liếc tôi. Cả hai chào nhau meo meo vài tiếng xã giao.
“Vạn phụng như hoa, bát phương loạn xạ Điểu trá yên phi, thạch thân xuất thế…”
Tâm trí tôi giờ đây quay cuồng, vừa muốn dồn hết vào từng đường côn sắc nét, vừa muốn đồng nhất với thiên nhiên. Nó như thể bản thân đang bước vào một thế giới khác, nơi mà thể xác lẫn tâm hồn hòa nhập lại làm một, được cảm ứng với âm dương của vũ trụ.
Tiếng bước chân nhẹ tênh của ai đó đang rón rén tiến lại gần. Dù đang tập trung cao độ để xoay người trên không và tiếp đất đúng kĩ thuật, một chút gì đó trong thân tâm tôi vẫn đang hoài nghi về mục đích xuất hiện của kẻ đằng sau kia.
Chắc không có gì đâu, tôi nghĩ thầm, thôi kệ, đánh tiếp!
Vô thức thay đổi tấn đứng và xoay gót chân 180 độ, cách mũi tôi khoảng hai inch hiện là thanh đoản đao sáng loáng, lưỡi đao lấp lánh phản chiếu trong ánh trời chiều (và quan trọng là đẹp hơn cái thanh rỉ sét đã “chém đầu” tôi hôm trước).
Nghĩ xong tôi lại tự trách bản thân. Cách liên tưởng kiểu này chả khác nào đạp tâm trạng đang tốt của tôi xuống tận đáy! Theo phản xạ, tôi dùng cây côn hất văng mũi đao ra và nhìn chằm chằm thủ phạm, người giờ đây đang nhăn răng ra cười.
“Mày dở quá, có vậy cũng không phát hiện ra,” tên đó vừa nhướn mày vừa vui vẻ đỡ lấy đường côn của tôi, “phải chăng ‘đệ tử’ đã giỏi hơn ‘sư phụ’?”
“Hoặc là ‘đệ tử’ quá tệ nên ‘sư phụ’ mới không thèm chấp!” Tôi chống chế, né đi thanh đao sượt qua mặt.
“Dạo này mày làm sao vậy? Cứ hay hậm hực và cáu kỉnh...”
Tôi im lặng, mím môi tấn công. Đường côn xé không khí, lao tới bụng đối phương.
Bụp!
“Ui da! Này, trả lời đi chứ! Có chuyện gì đang làm mày buồn bực, hử? Lại là cơn ác mộng hôm bữa?”
“Không có gì!” Tôi đáp cụt lủn. “Lát tao sẽ giải thích!”
Nói rồi tôi hụp người xuống, định gạt chân cái tên nhiều chuyện kia. Cậu ta hích lên một tiếng vô cùng mất hình tượng, nhưng đã may sao nhảy lên kịp thời khỏi mặt đất. Lườm tôi sắc lẹm, cậu vung đao lên trả đòn.
Cạch!
“Sử dụng cổ tay!” Tôi nhắc nhở. “Mày còn nhớ bài Đao pháp lúc trước thầy Jefferson mới dạy?”
“À! Nhớ chứ!” Mặt cậu chợt sáng rỡ. “Để tao ra đòn lại!”
Bọn tôi vờn nhau cho đến khi mệt nhoài. “Học trò” chăm học nên “thầy” cũng không nỡ, thế là tôi đành dành thời gian còn lại “dạy” luôn cả bài mới.
Bọn tôi tập hăng say đến nỗi không hay biết rằng mặt trời đã lặn quá nửa trên đường chân trời. Chỉ khi có tiếng gọi vọng ra từ nhà bếp, bọn tôi mới chịu buông vũ khí:
“Pax, Andrey, vào ăn cơm đi các con!”
***
Tôi là Pax William Deng-Raines (hay còn được gọi bằng tên tiếng Việt là Đặng Duy An). Anh bạn “đệ tử” của tôi là Andrey Sylvester Zakharov.
Mối quan hệ của bọn tôi còn có thể diễn tả thêm bằng ba cụm từ: bạn thân thiết nhất trên đời, anh em kết nghĩa, và đồng bọn!
Chuyện kể ra thì dài lắm! Từ khi Andrey về sống với gia đình này năm 12 tuổi, bọn tôi đã coi nhau như anh em ruột thịt. Trước đây, cả hai là hàng xóm, nhà cậu ấy sát ngay bên cạnh và chúng tôi hay chơi chung trong cùng một khoảng sân. Sau một biến cố gia đình thì ba mẹ tôi quyết định nhận luôn người bạn thân của con trai mình làm con nuôi.
“Sao rồi?” Mẹ tôi bất chợt lên tiếng. “Hai đứa có kế hoạch gì cho mùa hè này chưa?”
“Con nghĩ chắc xin đi làm thêm ở phòng mạch gia đình gần nhà và đi tình nguyện ở trại dưỡng lão,” Andrey nhún vai. “Con muốn để dành tiền chi trả học phí đại học.”
“Tao nhớ mày có học bổng cả Đại học Seattle và Đại học Washington mà! Đã vậy mày còn được nhận vào đại học John Hopkins.” Tôi ngước lên từ tô canh súp. “Chẳng lẽ tiền trong ngân hàng của mày hết rồi?”
“Cái quan trọng ở đây không chỉ là tiền, Pax! Tao cần kinh nghiệm thực tập nữa!” Andrey vừa ăn ngấu nghiến miếng cá hồi nướng, vừa từ tốn giải thích. “Với lại ngành y cũng chẳng rẻ gì…Tao đơn giản là muốn tự lập thôi!”
Ba mẹ tôi trao đổi ánh nhìn với nhau rồi nhìn sang đứa con nuôi, ánh mắt không giấu vẻ tự hào. Lòng tôi bất giác nhói lên. Thật đáng ghen tị mà! Andrey là thế đó! Tự tin, độc lập, trưởng thành...
Ai như đứa con bất tài, vô dụng này…
“Còn An thì sao?”[2] Mẹ chợt quay sang phía tôi, mỉm cười. “Con muốn làm gì trong hè này?”
Nghe thấy câu hỏi của mẹ làm tôi hơi bất ngờ. Mẹ chỉ thường dùng tiếng Việt mỗi khi muốn trò chuyện riêng tư với tôi.
“Dạ... ừm…”
“Sao thế con?”
Làm thế nào bây giờ? Trong thân tâm tôi đã biết rất rõ mình muốn gì. Đưa ra quyết định là một chuyện, nhưng làm sao để quyết định ấy được đưa vào thực tế lại là một vấn đề nan giải gấp chục lần. Hít một hơi thật sâu, tôi thận trọng tìm cách trả lời. Andrey bên dưới thúc vào cẳng chân tôi một cách mất kiên nhẫn. Ba tôi gõ gõ các ngón tay trên mặt bàn, nóng ruột chờ đợi. Mẹ tôi, ngược lại, chỉ cười khích lệ.
“Pax?” Ba tôi hỏi.
“Ê? Mày còn ở đó không vậy?”
Thôi vậy, tôi thở dài, cứ nói thẳng nói thật luôn cho nó lành.
“Hè này…” tôi nghiến răng, “Hè này... con, con muốn về quê ngoại, mẹ à! Con muốn về Việt Nam!”
***
Cả nhà trố mắt nhìn như thể tôi vừa mới văng tục trước mặt đứa con nít nào đó. Cũng không có gì ngạc nhiên khi từ trước tới giờ tôi chưa lần nào có ý định hay đề nghị muốn xuất ngoại, dù ngành học tương lai của tôi lại là Quan hệ Quốc tế.
“Được rồi. Pax, tại sao con lại muốn về Việt Nam? Theo ba nhớ thì có bao giờ con chịu đi chơi xa đâu?” Ba tôi hỏi, bộ dạng tò mò đúng y như bản chất công việc trong chính phủ của ông.
“Con muốn đi khám phá cho mở mang đầu óc thôi, ba à!” Tôi cười tươi rói đến híp cả mắt.
Nói dối trắng trợn không phải là sở trường của tôi, nhưng ai lại dám nói ra sự thật cơ chứ! Ngồi ngay cạnh tôi, ánh mắt của Andrey hệt như hai tia la de quét qua, nheo nheo lại đầy ngờ vực. Thêm một cú đá vô ống khuyển đau điếng làm tôi giật bắn.
Mày làm cái trò gì vậy thằng khỉ kia, tôi quay phắt sang, quắc mắt.
Tao cần biết SỰ THẬT, cậu trừng mắt nhìn lại.
Lát nữa đi, tôi chớp chớp mắt vài lần rồi liếc qua phía ba, người đang thì thầm gì đó với mẹ.
“Được rồi! Mẹ sẽ cho con đi!” Mẹ tôi vỗ tay cái bộp.
Tuyệt vời, tôi giơ hai nắm đấm lên cao, miệng cười toe toét.
“Nhưng với một điều kiện: Con phải có người theo cùng!”
Cái gì, lớn già đầu như mình mà cần người hộ tống?
“Mẹ à!”Tôi định mè nheo nhưng nhớ tới quan điểm mình sắp chứng minh nên thôi. “Tuần sau là con 18 tuổi rồi. Con có thể đi một mình…”
“Nhất định không được!” Mẹ nghiêm mặt cắt ngang làm tôi ỉu xìu. “Ít nhất Andrey nên đi cùng với con, hay rủ thêm Nicholas được nữa thì càng tốt.”Tới đây Andrey bên cạnh chợt nhảy dựng lên như bị kiến lửa cắn.
Mẹ nghĩ ngợi thêm chút nữa rồi tiếp lời, “Hoặc là bác Quỳnh. Hoặc là cậu Garth. Hoặc là anh họ Peter của con. Nói chung là ai cũng được.”
“Ba và mẹ không thể đi cùng con trong mùa hè này,” ba tôi giải thích. “Ba bị điều tới Arizona để giải quyết một vụ án, còn mẹ con thì sắp qua châu Âu dự hội thảo học vấn. Ba biết rằng Việt Nam là quê hương thứ hai của con, nhưng ở bên đó vẫn còn lộn xộn lắm. Con đi đứng không cẩn thận là gặp nguy hiểm như chơi, nào là lừa đảo, nào là cướp giật, trộm cắp… nhất là ở mấy thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Bộ con tưởng khách nước ngoài đi đâu cũng an toàn, hử?”
Nói đến đây tôi không khỏi thở dài. Bệnh nghề nghiệp của ba lại tái phát!
“Với lại, đây là lần đầu tiên con trở về Việt Nam sau... 16 năm rồi còn gì!”
“Hồi đó con mới hai tuổi,” tôi làu bàu, “tất nhiên là con chả nhớ gì!”
“Bởi thế đi hai người vẫn tốt hơn một. Nên con phải có người theo cùng!”Mẹ tôi vỗ tay xuống bàn, nhẹ nhàng nhưng lại rất nghiêm khắc, như muốn đặt dấu chấm hết cho chủ đề này. Đó là cách mà mẹ muốn nói “Cấm cãi!”.
Ba tôi ngoài đời nguy hiểm vậy mà về nhà còn nể mẹ lắm, nói gì đến bọn tôi!
Tôi ngồi xẹp xuống như quả bóng đang xì hơi mà còn bị bàn toạ đè lên, dẹp lép. Khoác lên bộ mặt đáng thương nhất của mình, tôi quay qua người anh em tốt, người nãy giờ chỉ nắm được câu chuyện nửa vời và mong chờ phần còn lại.
“Andrey Zakharov, mày qua Việt Nam với tao nha?”
***
“Vậy ý mày muốn nói với tao nãy giờ là,” Andrey điềm tĩnh kết luận, tay gõ liên hồi trên bàn phím, viết cái thứ mà tôi nghi ngờ là đơn xin việc, “mày sẵn sàng lôi tao đi nửa vòng Trái Đất chỉ để tìm hiểu nguồn gốc của cơn ác mộng xảy ra ba ngày trước?”
Sau bữa ăn tối kết thúc trong im lặng, bọn tôi chạy một mạch về phòng ngủ và tôi bắt đầu xì ra sự việc. Đơn giản vì lúc ở bàn ăn, thằng khỉ Andrey đã giả bộ ngồi suy nghĩ lâu ơi là lâu, nói là đang suy xét những lí do “chính đáng” để đi du lịch với tôi thay vì phải làm quần quật trong bệnh viện vào mùa hè, và tuyên bố với nụ cười đểu giả rằng “Để tao coi đã!" khiến tôi ứa gan.
Đến khi tôi nhắc đến cái tên Nicholas thì cậu ta hết cười nổi và làu bàu, “Thằng đó mà đi thì tao không đi!”
Nói vậy chứ một khi đã hiểu rõ Andrey thì sẽ biết anh em bọn tôi đi đâu cũng có nhau. Rằng cậu ta sẵn sàng bỏ việc để đi trải nghiệm cùng với tôi. Điều đó làm tôi vô cùng cảm kích (tuy nhiên có kề dao vô cổ tôi cũng sẽ không bao giờ nói ra!)
“Vậy là mày mơ mình là con trai của Nguyễn Trãi và bị chém đầu oan?”
Với vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, Andrey đã lên mạng (chính xác hơn là Wikipedia) để tìm hiểu và xác thực thông tin tôi mới giải thích, rằng vụ án Lệ Chi Viên cũng như Nguyễn Trãi là có thật. Trái ngược với những gì tôi nghĩ, thay vì cười vô mặt tôi và giở giọng đại ca “Mày lại tưởng tượng linh tinh!” như mọi lần, cậu lại có thái độ hoàn toàn nghiêm túc khi tôi thuật lại giấc mơ. Andrey cũng là người đã chạy qua phòng tôi đầu tiên khi nghe thấy tiếng hét thủng nóc ba ngày trước.
“Ừ, đại loại thế. Mày có tin là giờ này gáy tao còn đau nhức, giống như bị đao chém vào?” Tôi lấy tay xoa xoa ót. “Lâu lâu tao còn nghĩ mình nghe thấy tiếng than khóc của đàn bà và con nít nữa cơ!”
“Trời đất! Sao mày không nói gì với tao?” Andrey vò mái đầu đinh. “Sao không đi gặp bác sĩ tâm…”
“Đi gặp xong rồi bị bắt tống vô một đống thuốc an thần với thuốc ngủ? Thôi, em xin kiếu ạ!”
Andrey ngồi suy nghĩ một hồi. Tôi cảm giác nếu đầu cậu là một cái máy ắt hẳn đinh, ốc, bù lon và bánh răng đang xoay loạn xạ. Tôi dùng thời gian này ngó qua đơn xin việc của cậu.
“Mục tiêu: Hoàn thiện kĩ năng tác nghiệp để vào được trường y. Học vấn: Tốt nghiệp loại xuất sắc trường trung học Bellingham...” Tôi đọc to lên.
“Mày nghĩ rằng chuyện này có liên quan đến vấn đề tâm linh?” Andrey bật hỏi.
“Ừ,” tôi nhìn lên, gật đầu cái rụp. “Bởi vậy tao mới muốn về Việt Nam tìm hiểu, có thể là điềm báo hay ẩn khuất gì đó chưa sáng tỏ. Mình có thể đi bảo tàng lịch sử hoặc mấy cái di tích thời Lê. Tao cá là bên đó có tới mấy đền thờ của Nguyễn Trãi ngoài miền Bắc…”
“Vậy là mày muốn tranh thủ đi phượt và trải nghiệm thực tế luôn chứ gì? Rồi sau đó đến đền thờ cầu xin ông ta đừng ‘ám’ mày nữa?”
“Chính xác!”
Bọn tôi im lặng một hồi lâu. Tiếng Andrey gõ lạch cạch trên bàn phím lại vang lên đều đều. Tôi quay đầu tập trung vô màn hình tivi. Chương trình thực tế về sinh tồn trong hoang dã đang tới hồi gây cấn. Hai thí sinh đang tranh cãi với nhau về việc ai đốt lửa trại bằng đá lửa và ai sẽ đi săn thú. Khi sự việc chuẩn bị đến hồi mất kiểm soát thì một cô gái khác trong đội nhảy vô can ngăn.
Sự mâu thuẫn của bọn họ làm tôi bất giác nhớ tới tình hình của Andrey và ‘ai kia’…
“Ê, tao rủ Nick đi cùng bọn mình nha!”
***
Đúng như dự đoán, tôi đã chọc vào tổ ong. Andrey đưa cặp mắt tối sầm về phía tôi.
“Mày nói cái gì? Nói lại thử xem!”
“Tao, nói, là, tụi, mình, rủ…”
“Tao biết mày đã nói gì!” Andrey chặn họng tôi, mất hết kiên nhẫn. “Nhưng tại sao phải rủ thêm cái thằng khốn kia nữa? Tao với mày đi là đủ rồi!”
“Tại vì ba đứa mình là bạn thân thiết của nhau? Sẵn sàng vào sinh ra tử?”
“Nhưng cũng sẵn sàng bỏ bạn giữa trời tối lạnh lẽo để đi chơi với gái!” Andrey gào lên như con sư tư bị chọc vô mũi. “Mày cũng có mặt ở đó mà! Rõ ràng là bắt hai đứa mình đứng hai tiếng đồng hồ ngoài quán bar, lạnh teo tờ-rim chờ nó mang chứng minh giả[3] đến. Để rồi một tin nhắn: ‘Xin lỗi nha, Claire gọi, có việc gấp!’ và cuộc chơi bị huỷ như không có chuyện gì to tát!”
Andrey hệt như cái van bị xì, xả hết ấm ức ra thành một tràng dài. Xong cậu ta bẻ tay rôm rốp.
“Tao mà gặp lại thằng đó lần tiếp theo...”
Rất hiếm khi Andrey lên tiếng doạ người, nhưng cậu ta không bao giờ doạ suông. Tôi nuốt nước miếng cái ực. Kì này không chừng anh bạn Nick tới số thật rồi, chọc phải tên nóng tính này!
“Nhưng theo tao biết thì Nick sẽ không bao giờ làm như vậy với tụi mình,” tôi phân bua. “Thằng đó nói là ‘có việc gấp' thì chắc hẳn chuyện này phải rất quan trọng. Tụi mình còn chưa biết Claire là ai mà!”
À, quên mất! Xin giới thiệu Nicholas Z. Kanelos, hay thường gọi là Nick Kane“bị lạc.”[4] Nick năm nay mười chín tuổi và đang theo học năm nhất cao đẳng cộng đồng gần đấy. Cùng với Nick, bọn tôi đã từng làm thành băng nhóm mờ nhạt nhất Trung học Bellingham: một thằng mọt sách, một thằng nghệ sĩ và một thằng hậu đậu.
Bọn tôi bắt đầu chơi thân với nhau từ khi mới vô năm nhất trung học, khi Andrey (lôi theo tôi) xách khay ăn trưa ngồi vào trong góc, không để ý đến “bóng ma" bên cạnh. Cậu ta vô tư trò chuyện với Nick như không có chuyện gì xảy ra. Nick lúc đó nhìn dị hợm lắm: tóc ba màu, khuyên đeo đầy mặt, chân mang dép xỏ ngón, còn mặt lại dính đầy màu nước.
Bây giờ đỡ nhiều rồi.
“Sao mày dễ tha thứ quá vậy hả? Mày không nhớ bữa đó về mày bị cảm tới ba ngày chưa hết?” Andrey giở giọng đàn anh. Bây giờ nếu không còn là “sư phụ" trên sàn đấu thì vai vế gần như bị đảo lộn. Andrey giống như anh trai, còn tôi là thằng em khù khờ.
“Đó chỉ là ngoài ý muốn. Tại tụi mình không mang áo khoác.”
“Thế còn việc mày đứng ngoài đường bị mấy thằng giang hồ hắc ám tưởng là trai–”
“Nhưng sau đó bị mày do tức quá lôi đầu tao về nhà, không quên thụi mỗi tên vài cú,” tôi cắt ngang. “Andrey, nghe này, tao biết mày đang giận Nick, nhưng không có nghĩa là mày sẽ thôi không làm bạn với cậu ta. Mày nghĩ chỉ có mình mày nổi khùng thôi ư? Tao cũng tức thằng đó lắm chứ bộ! Nói thiệt là sau bốn năm chơi chung, đây đâu phải lần đầu tiên ba đứa tụi mình cãi nhau?”
Tôi nhướn mày lên nhìn Andrey. Cậu ta cúi đầu xuống màn hình máy tính, không dám nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Lần này đi tao muốn rủ Nick theo cùng,” tôi đưa ngón tay lên, “thứ nhất là vì kinh nghiệm đi du lịch của cậu ta phong phú, thứ hai là vì hè này cậu ta không có chuyện gì làm và mới để dành được số tiền kha khá, bữa trước nói với tao là muốn đi nước ngoài du lịch, còn thứ ba, quan trọng nhất, là vì muốn hai đứa mày làm lành.”
Tôi hít một hơi thật sâu, “Làm ơn lần này vì tao, nghe Nick giải thích lý do được không?”
Đáp trả tôi là sự im lặng.
“Làm ơn đi mà!”
Vẫn im lặng.
“Andrey, người anh em... Tình bạn chỉ tươi tốt bên suối nguồn tha thứ…”
“Thôi đủ rồi!” Cậu ta thở dài. “Nghe thì nghe. Mày đi hỏi Nicholas coi nó có muốn đến Việt Nam không. Tao về phòng!”
Giống như mọi cuộc tranh luận thua, cậu ta hậm hực đóng laptop, đứng bật dậy, kéo ghế vào nghe cái ‘rẹt' và đóng cửa phòng cái ‘rầm’, trước đó không quên quẳng câu “Ngủ ngon!” vô mặt tôi.
Để lại chủ phòng ngồi trên giường giơ hai nắm đấm lên trời và miệng cười đắc thắng, nhưng niềm vui ấy chỉ vỏn vẹn hai giây khi bản thân chợt nhớ đến việc mình sắp đi ngủ.
“Ngủ ngon cái đầu mày!”
Chú thích: [1] Trích bài thiệu của bài quyền Bát Quái Côn [2] Chữ màu xanh là nói bằng tiếng Việt [3] Ở Mỹ độ tuổi để uống thức uống có cồn là 21. Cả 3 đều dưới độ tuổi cho phép nên phải nhờ Nick đem chứng minh giả đến. [4] Chơi chữ tiếng Anh. Kanelos đồng âm với Kane“lost” = Kane"bị lạc”
|