Tơ Đồng Rỏ Máu
|
|
Cả hai dừng chân trước căn phòng thuộc khu vực theo dõi bệnh nhân nặng. Tuy dành riêng cho bệnh nhân không còn khả năng chữa trị nữa nhưng cơ sở vật chất vẫn y hệt như các khu vực khác, vẫn giữ gam màu ấm, sáng sủa, tường dán giấy màu xanh da trời, treo những bức tranh sơn thủy êm đềm nhẹ nhõm, ánh sáng đầy đủ mà không chói mắt. Ba Du Sinh nhìn qua cửa kính, nói, “Lão ấy kìa, giường giữa.” Trên cái giường trắng là một ông già vóc người khô héo đang nằm, cái chụp thở ô xi gắn vào mũi là sợ dây cuối cùng duy trì sự sống của ông ta. Na Lan nói nhỏ, “Thoáng nhìn, em đã có được câu trả lời đầu tiên.” “Thế à?” “Em vốn định đến để các định bệnh nặng đến mức nào và có đủ tiêu chuẩn để được ra bệnh viện dân sự điều trị không, nhưng dù không có chuyên môn y khoa em cũng nhận ra rằng bệnh tình của ông ta đã rất nguy kịch.” Na Lan nói. Ba Du Sinh, “U não, bệnh động mạch vành khá nặng, tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh liệt rung Pac-kin-sơn, tiểu đường… đủ cả…” “Và tâm thần phân liệt nặng nữa.” “Ừ nhỉ, trước mặt cô, anh không dám múa rìu qua mắt thợ, suýt nữa quên béng điều đó! Bị ngần ấy bệnh nặng, xét đến vấn đề nhân quyền và nhân đạo, đều nên được đưa ra điều trị ở bệnh viện dân sự…” “… dù rằng phạm tội cưỡng dâm và giết người bất thành!” Na Lan thở dồn khi nhìn cẳng tay gầy đét như que củi thò ra ngoài chăn. “Có điều, với tội phạm nguy hiểm, hình như pháp luật kiểm soát rất chặt việc điều trị dân sự.”
|
Ba Du Sinh gật đầu, “Nhưng lão ốm quá nặng, bệnh viện nhà tù không đủ điều kiện chữa chạy thì lão phải được chuyển ra ngoài. Để đảm bảo, bên anh đã xin phép tòa án, đồng thời tổ chức giám sát lão một cách thỏa đáng. Tình trạng như lúc này, lão rất ít có khả năng gây ra mối nguy gì. Các bác sĩ cũng đều nhận định rằng sự sống của lão chỉ có thể tính từng ngày.” “Bệnh nặng như vậy mà còn hứng thú chuyện phiếm với em à!” Na Lan hiếm khi dùng giọng châm biếm thế này, nhất là trước mặt Ba Du Sinh. Nhưng chẳng biết hôm nay cô bị rơi vào từ trường kỳ quái nào mà không giữ được khả năng tự kiểm soát. Hay là, phạm nhân đang nằm chờ bảo lãnh kia chính là một nguyên nhân? “Lão nằng nặc đòi gặp cô.” “Vì liên quan đến vụ án ‘ngón tay khăn máu’?” Na Lan bỗng cảm thấy nói ra mấy chữ “ngón tay khăn máu” nghe thật cải lương, mà cũng thật ghê rợn. Ba Du Sinh hơn do dự, gật đầu, “Ít ra thì… chính lão đã gọi như thế.”
|
Chương 3 Ngón Tay Khăn Máu Ông già nằm trên giường bệnh là một bệnh nhân tâm thần phân liệt phạm tội hiếp dâm, đòi gặp đích danh Na Lan, nói là muốn tiết lộ một bí mật gây chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc. Sự thật này chắc chắn sẽ trở thành một dòng status được lan truyền rộng khắp trên weibo[1]. [1] Mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Sự thật về vụ án “Ngón tay khăn máu”! Trong ba mươi năm qua, ở Giang Kinh đã xảy ra một loạt vụ án phụ nữ mất tích, các vụ việc cách nhau một hai năm hoặc vài năm. Tính đến nay, đã có ít nhất mười phụ nữ là nạn nhân của dạng vụ án này. Giang Kinh là thành phố lớn, dân số cả chục triệu người, không hiếm các vụ mất tích, nhưng loạt vụ án mất tích này có chung một đặc điểm. Đặc điểm khủng khiếp. Một ngày mùa xuân năm 1980, có một công chức bình thường đang sốt ruốt sốt gan vì chờ đợi, mong mỏi một điều thần kỳ rằng cô em gái Nghê Phượng Anh đã mất tích một tuần sẽ trở về nhà. Nhưng chỉ thấy xuất hiện một chiếc xe đạp đưa thư cùng một bưu kiện nhỏ. Bao bì không ghi họ tên địa chỉ người gửi. Bên trong là một hộp giấy, trong hộp giấy là một chiếc khăn tay màu trắng, góc khăn có ghi tên Nghê Phượng Anh do chính cô thêu. Giữa khăn là một vết đỏ thắm. Mở khăn ra, một ngón tay trắng nhợt!
|
Không lâu sau đó, công an xác định rằng vết đỏ ở khăn là máu của Nghê Phượng Anh, ngón tay ấy cũng là của cô. Những người cư trú lâu năm tại Giang Kinh vẫn nhớ, trong những năm tháng yên bình ấy, vụ án Nghê Phượng Anh mất tích đã khiến bao người xót xa, đã trở thành đề tài bàn tán ở khắp nơi. Có một thời gian các cô gái trẻ không dám ra khỏi nhà buổi tối. Bấy giờ, một tờ báo chuyên viết về đời thường tên là Tin chiều Tân Giang liên tiếp đăng tin bài về vụ án này, cộng thêm các phim kinh dị, trinh thám chiếu rạp cùng thời như Vụ mưu sát số 405 hay Mây mù trên đỉnh Thần Nữ, khiến âm thanh rùng rợn của cái ác như thấm qua mặt báo mà tác động vào thần kinh của mọi người. Hung thủ có thể là ai? Hồi đó người ta đoán già đoán non, có thể là bọn đặc vụ Mỹ-Tưởng vẫn nằm vùng ở đại lục từ ba mươi năm qua, có thể là tay chân của “bè lũ bốn tên” hoặc bọn xã hội đen Hồng Kông… Một suy đoán có vẻ thực tế hơn là, một gã trai trẻ nào đó cùng làm ở xưởng dệt với Nghê Phượng Anh đã yêu cô nhưng bị cô từ chối. Nhưng dù hung thủ là ai, là nam hay nữ, thì cũng đã ẩn thân rất giỏi, vì hắn vẫn là một câu đố không lời đáp, tung tích Nghê Phượng Anh vẫn mịt mùng. Truyền thông và dân chúng đều chỉ có trí nhớ ngắn hạn, nhất là trong thời đại xã hội đang phát triển rầm rộ, ai cũng tất bật với vô vàn thay đổi từng ngày. Vài ba năm sau, họ đã dần quên khuôn mặt xinh xắn hiền hòa của Nghê Phượng Anh. Thế rồi ba năm sau, một buổi tối mùa hè, Mã Vân bỗng nhiên mất tích.
|
Mã Vân là cô giáo iểu học mới vào nghề một năm. Vào buổi tối mùa hè bất hạnh ấy, khi Giang Kinh đang phải chịu cái nóng ghê gớm chưa từng thấy suốt nhiều năm qua, Mã Vân và mấy cô bạn ra bờ sông Thanh Anh hóng mát, nghịch nước… giống hàng trăm người dân khác của thành phố. Đùa nghịch mãi, rồi nóng bức, Mã Vân xung phong lên đê mua kem về cho mọi người, nào ngờ cô ra đi không bao giờ trở lại. Người đầu tiên liên hệ hai vụ Nghê Phượng Anh và Mã Vân với nhau là Trần Ngọc Đống, một công an ở khu Văn Viên. Anh công an trẻ tuổi thường được gọi là “chú em” này trước đó đã từng tham gia điều tra vụ Nghê Phượng Anh. Khi phần lớn đồng nghiệp cho rằng Mã Vân là vụ án riêng rẽ thì Trần Ngọc Đống đã lờ mờ nhận ra sự liên quan giữa hai vụ mất tích cách nhau ba năm này, anh bèn báo cáo lãnh đạo về sự suy đoán mạnh dạn của mình, nhưng lại phải nghe một cuộc “trao đổi” sâu sắc và tình cảm, “Vụ Nghê Phượng Anh chưa phá được không phải là lỗi của chú em. Trước giờ thời nào chẳng có những vụ bế tắc không thể đóng hồ sơ, chú khỏi cần canh cánh bên lòng hay ngờ vực nhiều như thế. Huống chi, vụ Mã Vân do công an Tân Giang phụ trách, chúng ta chỉ phối hợp tìm hiếm, thu thập tin tức do quần chúng báo lên, còn việc trinh sát cụ thể thì Văn Viên chúng ta không thể nhúng tay vào.” Đúng là thế, Mã Vân cư trú ở Tân Giang, Trần Ngọc Đống không có cơ hội tham gia vào vụ này. Về đến ký túc xá, anh mở cuốn sổ “Ghi chép công tác” ra viết một câu, “Mình có linh cảm rằng chẳng mấy chốc dự đoán của mình sẽ được chứng minh là đúng.”
|