Đêm. Mưa
|
|
– Ai cũng nói mẹ em là một con đĩ – Nó sùi sụt – Chưa một ai nói rằng bà là người tốt. – Nhưng mẹ em rất yêu thương em. Anh có thể nói chắc chắn với em như thế. Bọn anh đều là trẻ mồ côi. Nhưng bọn anh biết rằng mẹ mình yêu thương mình. Vì nếu không bà đã để anh chết khi còn là trứng nước, hoặc gói vào một túi nilon cho chuột bọ, cho chó ăn. Bọn anh luôn tự an ủi mình rằng mẹ chỉ là một người yếu đuối trước cuộc sống, không thể tự mình lo cho con cái, và vì thế mới phải dằn lòng để con lại trong một bệnh viện, trước cổng một cô nhi viện hay một ngôi chùa. Phải không em? Sống đã là một ân huệ. Phải không em? An đã im lặng rất lâu. Khi nó đã lên xe, lại dựa đầu vào vai Kiên đi qua những con đường, nó nói với anh, rất khẽ: – Nếu đời này kiếp này anh không lấy vợ, thì anh có thể cho em sống cùng như thế này không? – Cả nếu anh có vợ, anh vẫn có thể sống cùng em như thế này. Nó vừa vui, vừa buồn. Nó không cười, cũng không khóc. Gương mặt nó lạnh lùng, vô cảm. – Nếu như, em làm vợ anh, anh có đồng ý không? Kiên sững người nhìn nó. – Em yêu anh – Nó vẫn nói bằng thứ giọng vô thanh sắc – Nếu không phải vì tình yêu này, chắc em đã không còn sống đến lúc này. Lắng một chút, nó nói tiếp. – Em biết anh chỉ coi em như một người em trai. Hoặc tệ hơn, là thương hại cho một người bất hạnh. Nhưng tình cảm của em với anh thì không phải thế. Tận cùng, em biết, em yêu anh. Nó lại ngừng lại ít lâu trước khi vẫn nói đều đều như không có xúc cảm. – Em hiểu anh sẽ thấy ghê tởm em thế nào. Vì em không phải con gái. Nhưng trái tim con người ai chẳng có. Và anh là người đầu tiên, người duy nhất, khiến em xúc động như thế. Xúc động đến yêu thương. 17. “Tình người đa đoan.” Kiên chọn cách im lặng. Anh có vẻ xem như cuộc nói chuyện ấy không tồn tại. Anh đưa nó về nhà trọ, lại đi chợ như mọi khi, bình luận về chuyện thời sự, hỏi han nó về sức khỏe, vật dụng gia đình. Nó biết nó đã đẩy anh vào tình huống khó xử. Nhưng nó không hối hận. Trước sau gì khối lòng của nó cũng phải tường tỏ. Để dẫu nó có chết, nó cũng được một lần, thanh thản với chính mình. Một ngày chủ nhật tháng mười hai, trời có nắng, hanh hao. Anh sửa bình nóng lạnh cho phòng kế bên, có hai cô sinh viên ở trọ. Nó giặt giũ. Bích và một người phụ nữ lớn tuổi tới phòng. Bà có lẽ đã hơn sáu mươi tuổi, quàng một cái khăn nhung, tóc hoa râm búi gọn. – Mẹ Hải! – Anh vội trở về phòng khi nghe thấy tiếng Bích gọi – Sao hôm nay mẹ lại tới chỗ con thế này? Kiên xắn áo vào nhà tắm rửa tay rồi pha nước, ngồi trò chuyện cùng bà. Anh cũng bảo nó bỏ lại chậu quần áo, ra cùng anh. – Hôm nay mẹ sang nhà Bích chơi – Bà nói, nhìn quanh căn phòng – Bích lại rủ mẹ sang đây. Đúng là không ai bằng được thằng Kiên của mẹ, ở đâu cũng gọn gàng. À – bà nhìn nó – con là bạn cùng chỗ làm với Kiên à? – Không đâu mẹ – Bích cướp lời Kiên khi thấy anh ngần ngừ – Anh Kiên nuôi cậu ấy như em trai. Bà lắc đầu, chép miệng. – Thế con tên là gì? – Cháu tên An – Nó nói. – Con ăn uống thêm vào. Trông con xanh và gầy quá. Con trai không được thế đâu con ạ. Mình phải khỏe mạnh mới đương đầu với đời được. Mình có khỏe khoắn, mình làm gì cũng mới được con ạ. Giọng bà không dịu dàng, cách nói còn như của một người phụ nữ quen nhiều lời dạy bảo trẻ con. Nhưng An đã nghe bà nói mà cúi đầu lặng lẽ, và chỉ một lúc, ngoảnh mặt cố che nước mắt. – Mẹ ạ – Kiên nắm chặt lấy tay nó – Em ấy mất mẹ từ thấm bé … – Khổ – Bà đứng dậy, rời khỏi giường và xuống ngồi dưới chiếu, quàng tay ôm nó, thở dài – Đứa nào cũng khổ. Đứa nào mẹ cũng thương … Đã lớn ngần này tuổi rồi. Phải mạnh mẽ lên con ạ. Không ai thương thì con cứ đến với mẹ. Chứ đừng có đầu hàng cuộc đời, con ạ … Căn phòng hướng nắng, chút ấm áp của một ngày đông đã phủ màu vàng rượp lên tóc nó, dù những cơn gió se se vẫn thoảng qua làm tờ lịch tường phất phơ nhè nhẹ. – Ô hay cái thằng này – Mẹ Hải cốc đầu nó khi nó xin phép đứng dậy đi giặt nốt chậu quần áo, trong lúc Kiên xuống dưới tiễn Bích về nhà cho kịp giờ cơm trưa với nhà chồng – Sẹo đau thế, còn vào nước lạnh, nó giật lên nhức sao mà chịu được. Để mẹ giặt cho. – Không mẹ ơi – Nó vội kéo bà – Không sao đâu. Thỉnh thoảng con mới giặt đồ. Bình thường anh Kiên làm hết con đứng nhìn cũng không đành. – Anh em ở với nhau không phải so đo thế – Bà nghiêm giọng – Thằng nào khỏe thì thằng ấy làm việc nặng. Mẹ không thiên vị thằng nào nhưng mẹ cũng không bắt phải công bằng quá. Mình sống với nhau, thương nhau, chứ tị nhau tí việc vặt thì còn giúp nhau những việc lớn thế nào được.
|
Nhưng bà vẫn giặt nốt chậu quần áo cho chúng. Bà còn quát Kiên sa sả: – Chúng mày ăn mặc thế này mà được à? Cái quần này mẹ thấy mấy năm nay rồi. Mua cái khác. Không thì bảo mẹ tiện chợ mẹ mua cho. – Không cần đâu mẹ ơi – Anh cười trừ – Nó đã rách đâu. – Thời nào rồi! Đi làm có tiền hẳn hoi rồi còn ăn mặc thế con gái nó nhìn nó cười đấy con ạ. Mà lâu rồi con vẫn nói chuyện với Quyên đấy chứ? – Vâng. Cũng thỉnh thoảng. Tháng trước cô ấy bảo sắp có con đầu lòng. Cô ấy bảo siêu âm con trai đấy mẹ ạ. Bà lắc đầu, chép miệng. – Thế con có tính lấy vợ không? 30 tuổi rồi. Ít ỏi gì. – Con vẫn muốn có cái nhà trước đã. Mà tiền thì cứ trượt giá mãi – Anh gãi đầu bối rối – Con cứ nghĩ đi làm gom được vài trăm triệu là đủ, ai dè, giờ không có tiền tỉ không mua được. – Con ạ. Con là đứa khá nhất của mẹ. Thế mà giờ ai cũng thấy lo cho con. Đến giờ công việc cũng ổn rồi, tuổi tác cũng cứng rồi, con liệu kiếm một người vợ đã. Rồi hai vợ chồng làm ăn mua nhà mua cửa sau cũng được. Miễn là lấy được người hợp tâm đầu, sống hạnh phúc cho các mẹ được yên tâm. Rồi sớm có cháu. Cái quan trọng nhất đời người là thấy được tương lai của mình trong các thế hệ sau. Bà thở dài não nượt. – Chứ con cứ lủi thủi thế này mãi, có làm ra tiền, có mua được nhà thì ích gì, hả con? Cái Quyên nó vin vào cớ ấy để bỏ con. Chứ nó gia đình cũng có điều kiện, nếu nó yêu con, gia đình nó vun vén cho một chút thì có được một cái nhà có khó đâu. Thôi, con cứ xem yêu được ai thì yêu, không thì để mẹ nhờ người ta mai mối cho. Bất giác nó nhận ra anh đang nhìn nó. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt của nó, anh liền ngoảnh đi. – Vâng. Mẹ ạ – Anh đáp. – Còn thằng An. Bình thường có ăn uống được không? Không để mẹ đem cho ít thuốc bổ. Cứ nhìn đứa nào gầy ốm là mẹ xót ruột. Có phải năm 45 đâu mà cứ kham khổ thế. Mãi đến chiều Kiên mới đưa mẹ Hải về. Nó đi theo tiễn mẹ ra đến ngõ, cố cười thật tươi để mẹ yên tâm ra về. Bà đúng là một người luôn phải nuôi trẻ con, luôn nuôi nấng trẻ con, nó thấy bà nói với chúng nó cũng như nói với những đứa trẻ. Bà nói nhiều, nói dài dòng, nhưng chan chứa tình cảm. Như sợ mình chỉ cần bớt một vài từ, đứa trẻ nghe bà sẽ không hiểu hết ý của bà, sẽ thấy tủi thân. Nó nghĩ bà giống như mọi người mẹ khác, mà cũng khác mọi người mẹ khác. Chưa bao giờ nó hiểu được tấm lòng của một người phụ nữ có thể bao dung đến thế, tình cảm đến thế, vô vụ lợi đến thế, không thứ gì trên đời có thể so sánh được. Nhưng khi bà đi khỏi, khi đầu óc nó không phải loay hoay với những lời quan tâm của bà, những gì bà nói với Kiên khiến nó thẫn thờ. Nó nhìn lên tờ lịch vẫn bay bay trong gió lạnh. Một năm sắp qua. Kiên sắp ba mươi mốt tuổi. Nhà trọ có hai gia đình, một gia đình ở tầng một, một gia đình ở tầng hai. Họ đều đang có con nhỏ. Hàng ngày nó vẫn nhìn những người mẹ bế bồng, cưng nựng, dỗ ăn từng thìa bột, thìa cháo, nhìn những ông bố để con trên vai, rong con đi chơi, hay bi bô đồ chơi với con. Nó vẫn theo thói quen, nhìn vào những đứa trẻ ấy để nghĩ đến mình. Chưa bao giờ nó thử, nhìn vào những người cha, người mẹ đang tươi cười mãn nguyện ấy và nghĩ cho Kiên. Một người như anh sẽ là một người cha tốt, và con của anh sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc. Nó đứng ngay cạnh cửa sổ, nhìn ra bên ngoài. Trời lộng nắng, lộng gió. Tương lai một con người, ý nghĩa cuộc sống của một con người, hình như đúng như mẹ Hải nói, nằm trong đứa con của mình. Nó cũng hiểu vì sao anh lại im lặng khi nghe tâm tư của nó. Nếu nó là một cô gái, câu chuyện này đã khác. Nó nhớ đến những gì Thành nói, mẹ Hải nói. Nếu nó là một đứa con gái, tình yêu này đã khác. Mối tình này đã khác. Đâu có đường cùng đạo tuyệt. Đâu có ngang trời ngược đất. Nó ngẩng đầu, cười khẩy. Cười khẩy với cả chút ánh nắng đang mân mê làm ấm mái tóc của mình. — Bích đến nhà nó vào buổi trưa thứ ba. Giờ đó không bao giờ Kiên ở nhà. Vì thế nó biết chị chủ đích muốn gặp nó. – Em có theo đạo không? – Chị nói. – Em không. – Ừm. Sắp đến Giáng Sinh rồi. Nó rót cho chị cốc nước, biết chị đang tìm một cách vào đề khác thay vì sự liên tưởng vụng về ấy. – Anh Kiên đã nói với em sắp tới anh ấy đi xem mắt chưa? – Dạ chưa – Nó điềm đạm. – Hai mươi ba này anh ấy đi xem mắt. Chị muốn bảo anh Kiên mua luôn một món quà giáng sinh cho cô ấy. Dù sao nó cũng thành một dịp chung rồi, chứ không phải dịp riêng của người Công giáo nữa.
|
– Vâng. – Cô gái này hai mươi lăm tuổi, là con gái một người họ hàng của mẹ Hải. Học ngoại thương. Gia đình tuy ở quê nhưng cũng khá lắm. Chính chị cũng nói chuyện với cô ấy rồi. Cô ấy rất ưng anh Kiên. – Vâng. – Nếu như lần này tốt đẹp, chị và mẹ Hải rất muốn tạo điều kiện cho họ được ở chung. Nên nếu được thì em thuê một phòng khác, ở cùng nhà này cũng được. Nhưng phải để hai anh chị được riêng tư. – Vâng. – Em đừng nghĩ là chị với mẹ nghĩ xấu về em. Chỉ là mọi người đều muốn anh ấy sớm có gia đình. Chứ nhìn anh ấy cứ đơn độc mãi, chẳng ai đành lòng được … Mà sao, em không đi làm? – Vâng. – Em không thể cứ ăn bám anh ấy thế này được! Sau này anh ấy con vợ, còn con, sao nuôi em được mãi. Mà em xem, em cũng là con trai trưởng thành đàng hoàng rồi, đời thiếu gì việc? Em cũng phải tự lo lấy thân em đi chứ? Nó im lặng. – Em phải hiểu, có tự làm ra đồng tiền của mình thì mới thấy nó đáng quý. Có tự gây dựng cuộc sống của mình thì mới thấy nó có giá trị. Còn không thể cứ vin vào cái cớ hoàn cảnh gia đình để nhu nhược. Biết bao nhiêu người sinh ra đã mồ côi, có người còn tật nguyền, dị dạng, họ vẫn sống, quyết tâm mà sống. Thế sao em không làm được? Bích không uống một ngụm nước nào, cô đứng dậy. – Chị xin lỗi đã nói em nặng lời. Chỉ vì chị không chịu được cái cảnh em cứ bám ríu mãi lấy anh Kiên. Mà từng đồng tiền của anh ấy đều là mồ hôi công sức của anh ấy, chứ có phải là trên trời rơi xuống đâu! Bích bỏ đi. An đóng cửa. Nó đem cốc nước vào phòng tắm. Nó sẽ đổ nước, tráng cốc, lau khô cốc, để lại lên giá cốc. Nhẽ ra là thế. Nhưng khi bắt gặp mình trong gương, nó quăng cái cốc thủy tinh vào tấm gương. Nó bước ra nhà, đập xuống đất bất cứ thứ gì nó với được trong tay. Những chiếc bát, lọ hoa, cốc chén, xoong, nồi, đồng hồ, lịch tường, lịch bàn … Nó ném xuống đất, liên hồi, liền tay. Nó giằng những đồ vật đang treo, nó xé thành từng mảnh những món quần áo, chăn, gối. Nó đâm con dao xuống cái đệm, róc lên từng thớ bông. Không một tiếng khóc, không một lời nói. An ngồi rồi nằm ngửa giữa căn phòng còn bay những mẩu bông, những lát giấy dán tường. Nó nằm trên những mảnh vỡ ngổn ngang. Và nước mắt lăn xuống. Mọi người đập cửa phòng nó. Nó nghe thấy giọng của một trong mấy đứa con gái phòng bên cạnh: – Anh An ơi! Có chuyện gì thế! Cái gì mà rầm rầm lên thế? Nó nằm nghiêng người, co gối lên. Con dao nó nắm chặt trong tay ép vào ngực nó, lạnh ngắt. Lọ hoa thạch thảo nó và anh mua hôm chủ nhật. Những cánh hoa giờ nằm ngơ ngác trên những mảnh thủy tinh, vẫn còn đọng nước. Lòng nó như một chén trà đã đầy ứ, gắng gượng níu những giọt nước trên miệng chén. Chỉ một cánh hoa thạch thảo rơi cũng đủ làm mặt nước rung rinh, sóng sánh. Thế mà, một trận cuồng phong lại ập tới. 18. – Hồi còn nhỏ. Anh thích nhất chơi diều. Chạy dọc những con đường ngát gió, nhìn cánh diều vươn lên bầu trời. Dây diều giật cứng trong tay, như được cầm gió, lái gió. Những buổi chiều mùa hè, hoàng hôn về muộn. Chơi diều đến mỏi chân, mỏi tay mà vẫn không đành lòng thu cánh diều lại, vẫn muốn được nhìn nó chao liệng cùng ráng nắng, cùng những ông trăng, ông sao, nghĩ mãi đến những điều vơ vẩn … An ho, nó quặn bụng, nôn mửa. Cái đầu vẫn gục trên vai anh, hai cánh tay buông thõng. Anh xốc lưng một cái, vẫn cõng nó và bước đều đặn. Trời đã về khuya, cái lạnh khô khan cứa vào từng nếp da.
|
– Như tất cả những đứa khác. Hồi nhỏ anh muốn biết mặt bố mẹ mình, muốn được bố mẹ đón về. Biết đâu, bên kia, trong nội thành sầm uất kia, có một ngôi nhà của anh, với bố và mẹ anh. Nhà của anh có hình thù thế nào nhỉ? Mấy tầng? Có sân không? Phòng riêng của anh như thế nào nhỉ? Anh sẽ có một cái đài cassette riêng chứ? – Kiên cười – Em biết không? Ngày trước, có một lần mấy anh em bọn anh hè nhau mở tung một cái đài. Bọn anh chỉ muốn xem ai có thể ở trong nó mà nói được suốt ngày như thế. Cả lũ bị mẹ Hải đánh đòn. Hỏng mất cái đài. Nên hồi nhỏ anh vẫn mong muốn có một cái đài khác. Hơi thở của An nóng hổi bên tai anh. Nó tiếp tục nôn lên người anh, vật đầu qua bên vai kia. – Từ khi anh lớn. Anh biết mình sẽ chẳng bao giờ biết được bố mẹ mình là ai. Mãi mãi, anh vẫn chỉ là một đứa trẻ mồ côi không thể biết nguồn gốc của mình. Mãi mãi … “Vỡ hết rồi! Tàn hết rồi!” An lấy tay quẹt mũi mình, lảm nhảm thảm thiết. “Treo trăng! Treo trăng lên!” – Anh em chúng ta chỉ là hệ quả của những cuộc tình sai đạo lý. Cớ gì chúng ta còn phải giữ đạo lý? Cớ gì cuộc đời còn đẻ ra đạo lý? Nếu không có đạo lý thì đã chẳng có những điều không đạo lý đó sao! Kiên dẫm mạnh chân xuống vỉa hè lấm tấm lá phượng rơi rụng. Anh lắc đầu, gương mặt nhăn nhúm, phẫn uất. – Chó chết cái cuộc đời này! Chó chết! “Chó chết!” Nó lẩm nhẩm theo anh, rồi cọ đầu vào cổ anh, nuốt những giọt nước bọt chua loét. – Ừ! An ạ! Chó chết! Cuộc đời anh em mình thật quả là rắm chó! “Rắm chó!” Nó quàng tay lên ôm cổ anh, cái mũi lạnh buốt quệt vào má anh và đôi mắt nhắm nghiền chảy nước mắt xuống vành tai anh. – Anh đã nghe thấy những điều em nói rồi … Anh đã nghe thấy nước mắt của em rồi …. An ạ! Kiên cúi đầu, nước mắt anh hòa nước mắt nó trôi dọc gò má anh. Rồi anh lại xốc lưng mình, ngẩng đầu, hát, hát lớn. Hát để trong cơn say nhập nhòa nó cũng nghe được lời anh. Hát để trần gian những loài cây vô tình nhất cũng nghe thấy. Hát bằng một giọng đã khàn vì sương đêm tràn vào cổ, vì tiếng khóc đã chặn ở đáy lòng. “… Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông Mảnh trăng mồ côi mùa đông.” “….Ta còn em hàng phố cũ rêu phong Và từng mái ngói xô nghiêng Nao nao kỷ niệm Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng Chợt hoàng hôn về tự bao giờ ….” — Trời đổ lá trước mắt nó. Nó bước đi trên những mảnh thủy tinh vỡ vụn, rướm máu. Con đường dài, hun hút. Hai bên đường, cỏ cây trơ trọi, những cánh hoa cũng tan chảy, nhỏ giọt xuống mặt đất. Gương mặt nhỏ nhắn của một người phụ nữ choán ngợp mắt nó. Bà ngồi trên ghế, mặc áo dài trắng, một tay mân mê những cánh hoa cúc trắng rải kín mặt bàn. Hàng mi dài của bà trĩu nặng, đọng nước mắt. Giọt nước mắt trong vắt, phản chiếu màu trắng của cánh hoa, màu nâu trầm của chiếc bàn gỗ và như cả màu đỏ tím của hoàng hôn ngoài cửa sổ. Nó cảm thấy hương hoa huệ ở đâu đây. Mùi hương ngọt ngào, quanh quẩn trong không gian như cũng muốn làm đậm thêm màu trắng mịn tinh khôi. Hoa huệ nở nghiêng, như gương mặt ưu sầu của người phụ nữ, ngoảnh khỏi cuộc đời. Nó thấy bà ở cuối con đường, mặc chiếc áo dài trắng, bên một đoạn đường ray cũ kĩ. Tiếng tàu xình xịch đến gần tai nó. Nó vội lao đi. Nó gào gọi bà. Nhưng con đường cứ dài mãi. Và bà quay lại nhìn nó một thoáng, trước khi nhắm mắt đặt chân xuống đường ray. Nó quỳ xuống. Đoàn tàu chạy qua ngay sát nó, tốc bay cả mái tóc nó. Khi chỉ còn lại nó và đoạn đường ray cũ kĩ, khi người phụ nữ đã biến mất như một cơn gió hòa vào hư không, nó nhìn thấy một con sông và một cây cầu gỗ. Bà đứng bên kia sông. Đứng cạnh bà, một thanh niên trẻ măng, mặc một bộ vest lịch lãm, một tay đút túi quần. Anh mỉm cười với nó. Mái tóc mềm của anh lượn sóng. Bàn tay anh vẫy chào nó. Nó đặt chân lên chiếc cầu, những thanh gỗ lót đột nhiên chao đảo. Nó vẫn cố bám vào thành cầu, bước từng bước một. – An! An! Những trận gió dữ làm nó chững lại. Cây cầu muốn lộn ngược, cuộn xoắn, hất tung nó xuống dòng nước chảy xiết. Khi nó tạm đứng vững và nhìn lên phía trước, nó thấy người thanh niên không còn vẫy nó. Anh và người phụ nữ không còn nhìn nó. Họ nhìn về phía sau nó, ánh mắt đầy trắc ẩn. – An! An ơi! Nó quay lại giọng gào thống thiết đằng sau nó. Cây cầu vỡ vụn. Dòng sông cũng biến mất. Chỉ còn những viên gạch lát vỉa hè và những chiếc lá bàng, lá phượng rơi lặng lẽ. Nó ngẩng đầu nhìn bầu trời, nhận ra một cánh diều giấy đang bay vi vút bên ráng chiều rực đỏ. Và một cơn gió mát rượi ập tới nó. An mở mắt. Mùi thuốc sát trùng đánh thức những cảm giác tồi tệ bên trong kí ức của nó. Nó lại thấy nhột mũi, lợ lợ cái ống truyền trong họng, thấy miệng mình khát khô, và một bên cánh tay nhức nhối những mũi kim chưa tan vết. – Con! – Mẹ Hải tất tả đến cạnh nó – Con thấy thế nào rồi? Nó khe khẽ lắc đầu ý nói nó không thể trả lời bà. Chắc chắn trong người nó đang thấy cực kì khốn khổ. – Không sao đâu con – Bà nắm lấy tay nó – Để mẹ gọi bác sĩ cho con. Hết bác sĩ, rồi y tá, rồi lại bác sĩ tới lui giường nó suốt một buổi từ khi nó tỉnh. Mẹ Hải không rời khỏi nó một phút. Bà dỗ dành nó ăn uống, lau người cho nó, canh chừng thuốc thang cho nó. Thỉnh thoảng nó lim dim ngủ được dăm phút rồi tỉnh, nó vẫn thấy mẹ cầm bàn tay nó thật chặt, thật ấm. Có lẽ là vào buổi tối, vài tiếng sau khi nó hồi tỉnh, Kiên xách cặp lồng vào chỗ nó, vẫn còn húng hắng ho. Mẹ Hải hỏi anh về món cháo, nói với anh những gì bác sĩ căn dặn về nó. – Con trông em nó. Để mẹ ra ngoài mua cho em nó thêm ít bánh, ăn đỡ nhạt miệng. – Thôi mẹ cứ để con – Anh vội nói. – Con mới từ nhà đến đây, cứ ngồi cho ấm. Nói chuyện với em nó đi. Mẹ cũng đi lại cho đỡ buồn chân. – Dạ vâng. Anh nhìn nó. Nó ngoảnh đi. Khi anh định nắm lấy tay nó, nó giật lại vào chăn. Nó nghe thấy tiếng thở dài thườn thượt của anh.
|
– Anh xin lỗi … – Anh đi đi – Nó nói – Anh cút đi. Xem mắt. Lấy vợ đi. Đừng ở đây thương hại cho tôi nữa! – Em chưa hiểu rõ chuyện rồi. – Còn gì hơn nữa! Tôi biết tôi là kẻ phá quấy tương lai hạnh phúc của anh. Rằng anh phải có một gia đình, một người vợ, những người con. Tôi biết những điều ấy là chính đáng. Nhưng, vì sao anh còn đối tốt với tôi đến thế? Nhẽ ra, anh đừng bao giờ nói chuyện với tôi vào cái đêm ấy … – An. Nghe anh đã. – Nhẽ ra anh đừng nên xuất hiện trong cuộc đời tôi! Để tôi được thanh thản mà ra đi! Ít nhất tôi cũng còn được gặp lại mẹ tôi … – Anh xin em! Nghe anh đã! – Nếu anh chỉ đối tốt với tôi bằng một lòng thương hại thì anh cũng đừng bảo tôi sống cùng anh như thế! Để tôi khỏi phải nuôi cái ảo tưởng rằng cuối cùng thì cuộc đời cũng có một người thật lòng quan tâm tới tôi, thật lòng có tình cảm với tôi … – Anh có! – Kiên nắm lấy ngực áo anh, dằn tiếng với nó – Đúng là như thế! Suốt bao lâu nay, đến giờ thì anh biết tình cảm này là thật! – Dối trá! Anh còn giả bộ như thế để ép tôi sống làm gì! Làm sao tôi biết được đó có phải chỉ là một cách nói thương hại của anh hay không! Kiên ôm lấy gương mặt nó, cúi xuống sát nó. Đôi môi vẫn còn hơi lạnh của anh làm xót đôi môi nứt nẻ của nó. Nó ngỡ ngàng, cố nhấc mình dậy. Đôi môi muốn lột những lớp da, đôi môi rỉ máu, đôi môi tím tái, sau một cái hôn nhiều, đã hồng trở lại. Biết bao những người khác đang nhìn anh và nó, dưới ánh đèn tube sáng tỏ. Nó nhìn lặng vào đôi mắt của anh, đôi mắt cương nghị, chân thành, mộc mạc. Bàn tay anh nắm chặt cánh tay của nó khiến nó đã thấy đau. Nhưng lồng ngực nó, chưa bao giờ ấm nóng đến thế. 19. “Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc.” (Trần Dần) An 24 tuổi. Nếu không phải mẹ nó ngoại tình, nó, người con đầu lòng của mẹ nó, có thể đã có một người cha rõ ràng. Và nếu dượng là bố nó, cuộc đời nó đã khác. Nó sẽ có một vị trí khác trong ngôi nhà bốn tầng ấy. Nó có thể có anh em ruột. Hàng ngày, nó đi học, về với bố mẹ, được mẹ chăm bẵm, được bố dạy dỗ. Sau mỗi ngày họp phụ huynh, nó không phải trả lời câu hỏi của cô giáo:”Sao bố mẹ em không đến?” Nó sẽ có hàng chục, hàng trăm bức ảnh chụp. Với bố, với mẹ, với em, với bạn bè. Bức nào cũng cười híp mắt, bức nào cũng có những bàn tay ấm áp đặt trên vai. Nó sẽ học giỏi, tha hồ đi đá bóng, đi bơi, tập tành. Nó sẽ cao lớn hơn, học đại học, sẽ có một ngày dẫn Ngọc về nhà và nói:”Đây là bạn gái con.” 24 tuổi. Vừa tròn hai giáp. Nó đã học xong đại học, đi làm. Những tháng lương đầu tiên nó sẽ đem tặng mẹ, rồi nó sẽ để dành, mua một chiếc xe máy hầm hố ưng ý, một cái điện thoại hợp thời, mua cho bạn gái những món quà đẹp. Không chừng, nó với Ngọc đã thành hôn. Bố mẹ vun đắp cho một ngôi nhà mới, một tổ ấm mới. Và những đứa trẻ mang dòng máu của nó được ra đời trong vòng tay yêu thương, ngập tràn hy vọng. Người ta sẽ còn tham vọng hơn thế. Làm CEO, mở công ty riêng, mua ô tô, tậu biệt thự, chu du khắp thế giới. 24 tuổi, nhiều người đã thành công hơn cả những tham vọng ấy. 24 tuổi, một người như thế đâu sẽ lang thang như một đứa trẻ cơ nhỡ. 24 tuổi. Vừa tròn hai giáp. 12 năm trước, nó đã hiểu một đứa trẻ mồ côi thì không được đòi hỏi. Đã hiểu cuộc đời sẽ luôn thiên vị, và người được thiên vị không bao giờ là nó. Nó đã biết chán đời, đạp xe loanh quanh mỗi giờ tan học. Nhìn cảnh vật Hà Nội bốn mùa, luân chuyển, tuần hoàn. Và nghĩ, tương lai mình ra sao? 12 tuổi. Đã biết mùi thuốc lá. Hút thử xem có đỡ buồn không, có làm trận đòn của dượng đỡ đau không. Chỉ thấy khói thuốc từ miệng mình, như có một tâm sự khác.
|