Đêm. Mưa
|
|
– Anh xin lỗi … – Anh đi đi – Nó nói – Anh cút đi. Xem mắt. Lấy vợ đi. Đừng ở đây thương hại cho tôi nữa! – Em chưa hiểu rõ chuyện rồi. – Còn gì hơn nữa! Tôi biết tôi là kẻ phá quấy tương lai hạnh phúc của anh. Rằng anh phải có một gia đình, một người vợ, những người con. Tôi biết những điều ấy là chính đáng. Nhưng, vì sao anh còn đối tốt với tôi đến thế? Nhẽ ra, anh đừng bao giờ nói chuyện với tôi vào cái đêm ấy … – An. Nghe anh đã. – Nhẽ ra anh đừng nên xuất hiện trong cuộc đời tôi! Để tôi được thanh thản mà ra đi! Ít nhất tôi cũng còn được gặp lại mẹ tôi … – Anh xin em! Nghe anh đã! – Nếu anh chỉ đối tốt với tôi bằng một lòng thương hại thì anh cũng đừng bảo tôi sống cùng anh như thế! Để tôi khỏi phải nuôi cái ảo tưởng rằng cuối cùng thì cuộc đời cũng có một người thật lòng quan tâm tới tôi, thật lòng có tình cảm với tôi … – Anh có! – Kiên nắm lấy ngực áo anh, dằn tiếng với nó – Đúng là như thế! Suốt bao lâu nay, đến giờ thì anh biết tình cảm này là thật! – Dối trá! Anh còn giả bộ như thế để ép tôi sống làm gì! Làm sao tôi biết được đó có phải chỉ là một cách nói thương hại của anh hay không! Kiên ôm lấy gương mặt nó, cúi xuống sát nó. Đôi môi vẫn còn hơi lạnh của anh làm xót đôi môi nứt nẻ của nó. Nó ngỡ ngàng, cố nhấc mình dậy. Đôi môi muốn lột những lớp da, đôi môi rỉ máu, đôi môi tím tái, sau một cái hôn nhiều, đã hồng trở lại. Biết bao những người khác đang nhìn anh và nó, dưới ánh đèn tube sáng tỏ. Nó nhìn lặng vào đôi mắt của anh, đôi mắt cương nghị, chân thành, mộc mạc. Bàn tay anh nắm chặt cánh tay của nó khiến nó đã thấy đau. Nhưng lồng ngực nó, chưa bao giờ ấm nóng đến thế. 19. “Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc.” (Trần Dần) An 24 tuổi. Nếu không phải mẹ nó ngoại tình, nó, người con đầu lòng của mẹ nó, có thể đã có một người cha rõ ràng. Và nếu dượng là bố nó, cuộc đời nó đã khác. Nó sẽ có một vị trí khác trong ngôi nhà bốn tầng ấy. Nó có thể có anh em ruột. Hàng ngày, nó đi học, về với bố mẹ, được mẹ chăm bẵm, được bố dạy dỗ. Sau mỗi ngày họp phụ huynh, nó không phải trả lời câu hỏi của cô giáo:”Sao bố mẹ em không đến?” Nó sẽ có hàng chục, hàng trăm bức ảnh chụp. Với bố, với mẹ, với em, với bạn bè. Bức nào cũng cười híp mắt, bức nào cũng có những bàn tay ấm áp đặt trên vai. Nó sẽ học giỏi, tha hồ đi đá bóng, đi bơi, tập tành. Nó sẽ cao lớn hơn, học đại học, sẽ có một ngày dẫn Ngọc về nhà và nói:”Đây là bạn gái con.” 24 tuổi. Vừa tròn hai giáp. Nó đã học xong đại học, đi làm. Những tháng lương đầu tiên nó sẽ đem tặng mẹ, rồi nó sẽ để dành, mua một chiếc xe máy hầm hố ưng ý, một cái điện thoại hợp thời, mua cho bạn gái những món quà đẹp. Không chừng, nó với Ngọc đã thành hôn. Bố mẹ vun đắp cho một ngôi nhà mới, một tổ ấm mới. Và những đứa trẻ mang dòng máu của nó được ra đời trong vòng tay yêu thương, ngập tràn hy vọng. Người ta sẽ còn tham vọng hơn thế. Làm CEO, mở công ty riêng, mua ô tô, tậu biệt thự, chu du khắp thế giới. 24 tuổi, nhiều người đã thành công hơn cả những tham vọng ấy. 24 tuổi, một người như thế đâu sẽ lang thang như một đứa trẻ cơ nhỡ. 24 tuổi. Vừa tròn hai giáp. 12 năm trước, nó đã hiểu một đứa trẻ mồ côi thì không được đòi hỏi. Đã hiểu cuộc đời sẽ luôn thiên vị, và người được thiên vị không bao giờ là nó. Nó đã biết chán đời, đạp xe loanh quanh mỗi giờ tan học. Nhìn cảnh vật Hà Nội bốn mùa, luân chuyển, tuần hoàn. Và nghĩ, tương lai mình ra sao? 12 tuổi. Đã biết mùi thuốc lá. Hút thử xem có đỡ buồn không, có làm trận đòn của dượng đỡ đau không. Chỉ thấy khói thuốc từ miệng mình, như có một tâm sự khác.
|
12 tuổi. Vào cấp 2. Bạn bè không còn như lũ trẻ con tiểu học, chạy quanh nó và trêu chọc:”An mồ côi! An không bố không mẹ!”. Bạn bè nhiều người đã hiểu không nên đem điều ấy ra để cười cợt. Nhưng bạn bè không biết mỗi lần bạn bè tụ tập kể chuyện gia đình, trách móc bố mẹ không chiều theo ý thích, khoe những món đồ mới, rủ nhau đi sinh nhật, đi chơi, là mỗi lần nó ngồi im, cảm thấy mình như đang ở một cái lề rất xa. 12 tuổi đã biết Tết không vui. Đã biết đời không đẹp. Đã biết mơ ước sẽ chỉ là hão huyền. 24 tuổi. Đã biết Tết là dịp buồn nhất. Đã biết đời mình không thể dùng một từ nào khác ngoài xấu số. Đã biết mình phải chối bỏ mơ ước của mình. Dù mơ ước giản đơn nhường nào. Không dám mơ một ngôi nhà, chỉ một phòng trọ là đủ. Không dám mơ một gia đình, chỉ một người mình yêu thương là đủ. Không dám mơ một sự nghiệp đường hoàng, chỉ một công việc với chút tiền công eo hẹp cũng đủ. Ấy nhưng cũng không sao mơ được. Vẫn cứ một mình. Vẫn cứ đây đó không một mái nhà. Vẫn những ngày chật vật lo một bữa cơm no. Chỉ bám vào hy vọng rằng, không có nó, người ta sẽ hạnh phúc. Giá không vì nó, mẹ nó đã chẳng phải chịu những nỗi nhục ê chề. Giá nó không ở đó, dượng nó sẽ không bao giờ phải thù hận. Giá nó là một người khác hiểu chuyện hơn, Thành đã không chết. Và giá nó là một cô gái, nó đã được cho phép mình đến với anh. Mẹ Hải tức giận với nó:”Sao con có thể nghĩ đến những điều ấy? Hai đứa là đàn ông cơ mà? Chuyện ấy là phi tự nhiên!” Bản thân nó sinh ra đã chứa đựng sai lầm. Bản thân cái tên của nó đã là sai lầm. Ngay cả con người nó cũng không còn đúng đắn. Trái tim nó đã rung động vì một người đàn ông khác. Thân thể nó đã ái ân với nhiều người đàn ông khác. Chỉ còn một mẩu lý trí ghi nhớ cho nó rằng nó từng có một người bạn gái, cô gái ngồi cùng bàn hồi cấp ba, trong một trò chơi tình yêu nhăng nhít, cả lớp ghép đôi hai đứa nó. Và nó với cô, đạp xe cùng nhau, nói chuyện về trường lớp, thời tiết, về tương lai. Nó muốn thi đại học nhưng chắc khả năng không đủ. Ngọc nói sẽ thi ngoại thương, động viên nó cứ thi cử. Ngày Ngọc đỗ, nó tới chúc mừng. Một tháng sau, cô nói, mình đã yêu người khác. Chuyện tình đầu đời chỉ có thế. Không hề thấy khổ đau, không hề thấy luyến tiếc. Nhưng với anh, tất cả đều khác. Khác từ lần đầu tiên. Nó nằm trên giường, anh nằm dưới đất. Bỡ ngỡ vì có một người đặt mình cao hơn bản thân. Bỡ ngỡ vì căn phòng nhỏ mà tình cảm ở trong có thể lớn đến thế. Xa anh, nhớ nhung đến bao nhiêu. Không biết rõ gương mặt, không nghe rõ giọng nói, mà nhớ thương đau xót. Trong giấc mơ cũng thấy mình lẽo đẽo đi sau một cái bóng cao lớn, vững chắc.Trong mơ cũng nở nụ cười. Được ở cùng anh, hạnh phúc đến nhường nào. Có người thương cho số phận mình, có người khóc cho những đau đớn trên thân thể mình, có người chẳng ngại ngần chia sẻ cuộc sống riêng tư chỉ để bảo bọc cho mình. Yêu anh đến nhường nào. Cứ ngỡ rằng tình yêu sẽ làm cuộc đời này dù bão tố cũng thành phẳng lặng, sẽ xóa nhòa mọi ranh giới, mọi tì vết. Sẽ chỉ còn anh, và nó, trong một căn phòng trọ, bên hoa thạch thảo bình dị, với nắng mùa đông khô khan nhưng dịu ấm. Yêu anh đến quên rằng, mình vẫn chỉ là mình, một đứa trẻ lỗi số rủi vận. Rằng ít nhất nếu nó là một cô gái xấu xí, bất hạnh, nó cũng có quyền được đến với anh, chỉ vì đơn giản, điều ấy không phi lý. Nó biết khát vọng về một gia đình không bao giờ nguôi ngoai trong anh. Anh vẫn luôn nghĩ đến một mái ấm, có vợ, có con. Bích, mẹ Hải, mọi người và cả nó đều không nghi ngờ điều ấy. Nó cảm ơn cuộc đời vì đã một lần le lói trong nó ánh sáng về một câu chuyện tình yêu. Và nó bằng lòng với định mệnh, rằng sự hiện diện của nó chỉ khiến mọi chuyện xung quanh nó trở thành bi kịch. Nó bỏ đi. Để lại cho anh một lá thư. Cảm ơn anh, cảm ơn chị Bích, cảm ơn mẹ Hải. Xin lỗi mọi người. Chúc anh hạnh phúc. Nó biết anh nói yêu nó chỉ vì anh thương cảm nó. Nó sẽ không cố tự lừa gạt mình thêm nữa, không đẩy anh vào những trạng huống khó khăn thêm nữa. Anh hãy lấy vợ, sinh con. Nó nóng lòng muốn thấy mặt con anh. Nếu anh còn muốn cho nó một ân huệ lớn, thì hãy để một đứa trẻ trên đời nhìn thấy nó và gọi:”Chú An.” Dù nó không chắc mình còn sống đến khi ấy. Nụ hôn của anh vẫn nằm trên môi nó hàng đêm. Nụ hôn khiến nó cả trong những đêm lạnh lẽo nhất cũng thấy bờ môi mình căng ấm. Khiến nó có thể nhắm mắt lìa đời mà vẫn nở nụ cười. Nụ hôn của anh là món quà thân xác lớn nhất mà cuộc đời này đã trao tặng nó. Nó sẽ mãi mãi yên lòng với món quà ấy. — Nó gặp Ngọc vào một buổi tối cận Tết. Chính nó cũng không hiểu vì sao cô nhận ra nó. Hà Nội quá lớn so với sự cô độc của nó. Nó cứ nghĩ dù trái đất có tròn đến đâu, nó cũng chẳng thể nào tình cờ gặp lại những người biết nó. Nhưng cô lại gọi tên nó. Gọi lớn. Khiến nó phải quay đầu lại như phản xạ. Cô bước ra từ một chiếc Volkswagen, tiến tới gần nó.
|
– An phải không? – Ừ An – Nó nói – Ngọc đi đâu đấy? – Trên đường về nhà bạn thôi. An quên đường nhà bạn rồi à? – An cũng chẳng để ý – Nó cười – Ừ nhỉ, hết đoạn phố kia là đến nhà Ngọc rồi nhỉ. – Bao nhiêu năm rồi mới gặp An đấy nhỉ? – Cô chợt ôm miệng nhìn nó – An đang làm gì đấy? – Kiếm sống – Nó cố đáp bằng cái giọng bình ổn nhất – Hơi bẩn thỉu một chút nhưng cũng đủ sống mà. – Mình qua kia, cà phê đi. – Thôi. Bạn dơ dáy thế này vào những chỗ như thế làm gì. Người ta đuổi đi đấy. – An đừng nói thế – Cô trào nước mắt với nó – Dù gì An cũng là bạn của Ngọc. Đi. Ngọc muốn nói chuyện với An một chút. – Thôi thế ngồi quán nước ngoài này cũng được. Ngọc để xe ở đấy không sao chứ? – Không sao đâu. Nó gọi một cốc trà nóng. Ngọc gọi một chai sữa. – Ngọc giỏi thật – Nó nói – Đã mua được ô tô rồi à? – Là xe của chồng bạn đấy. Anh ấy đi nước ngoài suốt nên xe để bạn đi. – Ngọc lấy chồng rồi à? Lấy ai thế? – Bạn kể cho An rồi đấy. Học ở Anh ý. – À. Nhất Ngọc rồi. – Hồi cưới bạn cũng cố liên lạc cho An đến vui cùng nhưng không sao gọi cho An được. Yahoo cũng không thấy onl. – Ừ. Mấy năm rồi bạn không lên mạng nữa. Nó xoay cốc trà, sưởi ấm hai bàn tay. Ngọc vẫn nhìn nó, lộ rõ sự thương xót. Nó nghĩ Ngọc muốn ôm nó, nhưng sợ bẩn, cô lại rụt tay về. Thậm chí cô cũng không dám ngồi quá gần nó. – Ngọc không hiểu. Sao An bỏ học? Sao An bỏ nhà đi? Rồi giờ như thế này? – An vốn không có nhà. Trước nay dì dượng nuôi cơm. Đợt vừa rồi bạn nghiện ngập, đi trại, về thì dì dượng đuổi đi. Nên bạn đành sống thế này, được chăng hay chớ. Bao giờ trời bảo chết thì chết. – Xin An. Thời này dễ sống mà. Sao An phải khổ thế? An về xin lỗi dì dượng xem. Hay để Ngọc hỏi bạn bè tìm giúp một công việc nhé. An thích làm việc thế nào? – Thôi Ngọc ạ. Bạn ngửa tay xin người khác nhiều quá rồi. Giờ bạn mới có đủ quyết tâm để tự mưu sinh. Nhiều người cũng từ nhặt rác mà làm giàu đấy – Nó gượng cười – Thôi đừng lo cho An. Thế Ngọc đã có tin vui chưa? – Chưa. Cũng vì anh ấy đi suốt. – Ngọc bảo hắn ta ở nhà với Ngọc đi. An bảo thật đấy. Vợ chồng thì phải ở với nhau. Làm ăn thế nào thì làm ăn, gia đình phải bên nhau thì mới bền vững được. – Bạn đang thương An đấy. An đừng nói xa chuyện nữa. Hay An cầm ít tiền tạm sống đã. – Không. Giờ có tiền là bạn lại nghiện ngập thôi. Thèm thuốc lắm. Lúc nào cũng thèm. Mà vì nghèo quá nên mới không mua thuốc. Giờ mà bạn cho An tiền là bạn đẩy An vào trại đấy. Ngọc gục đầu xuống hai bàn tay, bật khóc. – Thôi nào. Đừng thương bạn. Mỗi người mỗi cảnh mà. Thay vì thương, hãy động viên cho bạn sống mạnh mẽ đi. Biết đâu rồi sau này bạn sẽ làm giàu được, sẽ đường hoàng đi cạnh Ngọc. – An đừng bỏ cuộc! Đừng bao giờ bỏ cuộc nhé! Nó không nghĩ đấy lại là cuộc nói chuyện của hai con người 24 tuổi. Cứ như mới là những thiếu niên chưa qua ngưỡng 20 đang đắn đo trước các nẻo đường đời. An nói vậy cho Ngọc yên lòng. Chứ có ai mà không tủi thân, trong đêm mùa đông, kéo lê một cái bao toàn đồ ve chai, đi giữa phố phường đô hội, rồi tự tìm cho mình một chỗ ngủ, trên một cái ghế đá, một băng chờ xe bus. Trời không lạnh lắm nhưng cũng đủ để người ta phải đắp một cái chăn len dày. Còn nó thì co người, đi cho mình một đôi tất mà chỉ lúc ngủ mới dám đi sợ ban ngày đi nhiều bị rách, bị dính nước, cới áo khoác để trùm lên người mình rồi gác tay cố tìm một giấc mơ. Có ai bảo lang thang là không khổ. Hà Nội rộng lớn, biết bao con người cũng đang như nó. Thiên trường địa cửu, biết bao số phận cũng đang lang thang tìm giấc mơ như nó. Những số phận không dám mơ những điều bình dị nhất trong đời thật, chỉ biết hy vọng, trong giấc mơ mỏng manh kia, mình sẽ được gặp lại người mình yêu.
|
20. …Cuộc đời lạ lùng, cuộc đời ước mơ những điều viễn vông Lòng người lạ lùng, lòng hay mong nhớ những điều hư không An chưa bao giờ được đặt chân đến biển. Gần nhất cũng phải đi sang Quảng Ninh, Hải Phòng, mà nó thì chưa từng có điều kiện đi những tỉnh ấy. Nhưng nó nghĩ, biển ắt phải là nơi vô cùng. Bờ biển đầy cát, lóng lánh ánh nắng. Mặt biển mênh mông, sóng cuộn nơi chân trời. Nó sẽ giang hai tay đón gió biển, sẽ ngẩng đầu nghe tiếng chim bói cá và để vị mặn mòi ngấm vào mái tóc. Biển chắc chắn là rất đẹp.Vì biển là bến đỗ của những ước mơ. Nơi ấy, ước mơ được hòa vào sự vô biên. Nó nằm mơ, nó thấy Thành đứng bên biển lớn. Anh đứng trước những con sóng, đút cả hai tay vào túi quần. Cái áo vest của anh bị gió biển thổi tung. Anh vẫn đứng vững, nhìn hoàng hôn, mỉm cười. – Anh! – Nó gọi – Anh Thành! Anh quay lại với nó. – Anh đã đi đâu? – Nó ôm chầm lấy anh – Em rất nhớ anh, anh biết không? – Anh biết chứ – Anh cũng ôm nó, hôn lên trán nó – Anh chỉ phải đi đến một nơi xa, rất xa. Một ít ngày nữa là anh trở về. An này – Anh rủ rỉ bên tai nó – Khi nào anh về, em nhất định phải cùng Kiên đến thăm anh nhé … Nó mở mắt, một bà lão đẩy một cái xe đẩy đầy quần áo, đồ đạc cũ đến cạnh nó. – Con ơi. Người ta mới cho u được nắm xôi ngon lắm. U ăn không hết, con ăn dùm u nhé. – Sao u không để lại còn ăn trưa? – Đêm nay giao thừa, người qua đường dễ bố thí cho u. U thấy con nằm lạnh, chắc đói lắm. Thôi ăn đi. Nó nhận lấy gói xôi mới nguyên, lễ phép cảm ơn người đàn bà tóc đã bạc, gương mặt đã nhăn nheo chấm đồi mồi. Nó vẫn thỉnh thoảng gặp bà. Có khi bà cho nó đôi tất, cái áo cũ, có khi lại cho nắm xôi, cái bánh. Nhưng bà chẳng bao giờ ngồi lại nói chuyện với nó. Nhiều người nói sau lưng là bà lẩn thẩn, con cái không nuôi, nên mới sống lang thang vậy. Nó nghĩ bà đã phải bảy mươi tuổi, lưng đã còng, tay chân da đã dính xương. Cuộc đời chẳng thiếu sự đau khổ ban phát cho con người, nó nghĩ nặng trĩu. “Thành sắp về rồi.” Một ý nghĩ lóe lên trong nó khiến nó vui vẻ vô thức trước khi chợt trào nước mắt. Nó ôm lấy miệng, nước mắt đong đầy khóe mắt, chảy xuống. Thành sắp về rồi … Sao Thành có thể về với nó được nữa? Giọng nói của anh như vẫn còn vang vang bên tai nó. Chất giọng trầm ấm, còn thoáng vẻ hồn nhiên. Đêm giao thừa, có lẽ đã quá ba giờ sáng. Những người đi chơi muộn nhất cũng đã ngại ra đường. Chỉ còn những ánh đèn đường chiếu lên giọt nước mắt trên má nó. – Kia. Nó ở kia kìa. An nghe thấy tiếng bà lão và tiếng xe đẩy cút kít của bà. Nhưng nó chưa kịp ngoái ra để nhìn bà thì một cái bóng cao lớn đã đổ trước mắt nó. Nó không nhìn được anh vì anh đứng khuất những bóng đèn đường. Nó chỉ thấy viền má anh hóp hơn, người anh sọp vào sau lớp áo len màu ghi. Anh quỳ gối xuống trước mặt nó, ôm chặt nó vào lòng. Hai cánh tay anh run rẩy. Hơi thở dồn dập của anh nóng hổi bên tai nó, và cả tiếng sụt sịt, cả giọt nước mắt từ cằm anh rơi xuống gáy nó. Tất cả ngỡ như trong mơ. Hay nó đang mơ. Và hiện thực là bờ biển cát trắng với bóng Thành đứng cùng gió trời. Hay cả cuộc đời này vốn dĩ chỉ là một giấc mơ. Anh ôm xiết lấy nó, vòng tay cứng cáp làm nó thấy đau. Nhưng nó chỉ muốn anh có thể xiết nó hơn nữa, để nó tin vòng tay của anh là thật, không phải đêm, không phải sương, không phải gió, không phải một giấc mơ trùng điệp. – Ơn trời! Em còn sống! Hơn một tháng rồi anh tìm em. Em có biết không? Nó ngả đầu lên vai anh, không đáp. – Sao em có thể làm như thế với anh? Sao em có thể vị kỉ như thế? Mẹ Hải rồi sẽ hiểu. Bích rồi sẽ hiểu. Trần đời này rồi sẽ hiểu. – Hiểu điều gì cơ chứ? – Nó cay đắng. – Hiểu anh yêu em đến thế nào. Lần thứ hai, nó nhìn vào đôi mắt anh. Đôi mắt đã trũng hơn, đã thâm vì những đêm mất ngủ. Nó sờ tay lên gò má anh, gò má đã hốc hác, tái nhợt vì mất sức. Cái cằm tua tủa một lượt râu. Và đôi môi thâm tím, cái mũi lạnh ngắt, mái tóc dài xơ cứng lâu ngày không cắt gội. – Anh yêu em, thật chứ? – Thật chứ. Anh khóc. Nó vỗ về anh, ngực nén tiếng nấc. Đêm giao thừa trời chuyển lạnh, gió mùa đông bắc đã rít từ cuối con đường. Bà lão đứng nhìn chúng, khẽ mỉm cười rồi lại quay đi, cút kít chiếc xe đẩy. — Căn phòng vẫn y nguyên những đổ vỡ ngổn ngang. Khu nhà trọ đã về quê hết, tịch mịch. – Em đi rồi. Anh chẳng còn tâm trạng mà ở nhà dọn dẹp. Giờ mình làm thế nào đây nhỉ? Mùng một kị dọn dẹp. – Mình cứ dọn dẹp đi, anh ạ. Giông cả năm thì có sao chứ. Cũng chỉ là cả năm mình cùng quét nhà. Anh hôn lên má nó. Anh với nó đã đi bộ suốt đêm, đi gần ba tiếng đồng hồ mới về đến nhà trọ. Anh bỏ việc, hàng ngày đi khắp các đường phố tìm nó, gặp ai lang thang ngoài đường anh cũng hỏi về nó. – Anh đã qua khu ấy mấy lần rồi, mà sao không lần nào gặp em? – Anh đi thì em cũng đi – Nó cười – Chứ em có đứng một chỗ để anh đi tìm đâu. Anh véo tai nó. Rồi người quét, người nhặt, người dọn, người lau. Anh không trách móc nó về bất cứ món đồ đạc nào, ngoại trừ lọ hoa thạch thảo. Hoa thạch thảo đã khô vàng, cánh mỏng tang la liệt trên sàn, chỉ một làn gió cũng bay bổng khắp căn phòng.
|
– Vì chẳng bao giờ anh thấy em mua hoa. Thế mà lần đầu đi mua hoa, đã để hoa phải héo tàn. – Mai, có chợ, em sẽ đi mua một lọ khác. Rác chất thành hai bao lớn, Kiên ì ạch vách xuống thùng rác chung dưới tầng một. Căn phòng gần như sạch trơn, chỉ còn vớt vát lại cái đệm đã thủng lỗ chỗ và vài món xoong chảo bếp núc. – Tắm nhỉ? – Anh lên lại phòng, vã mồ hôi. – Toàn những chuyện kiêng kị. Cười. Nụ cười bình yên, thanh thản rợp lòng. Suốt chặng đường về, lúc nào nó mỏi chân Kiên lại cõng nó. Bầu trời chuyển sáng, sáng dịu thôi vì gió mùa đã về. Anh nói với nó anh yêu nó, yêu chân thành. Tình yêu khác của anh với Quyên. Với Quyên, anh đâu đã biết tương tư. Với Quyên, anh đâu đã biết tình yêu hóa ra lại khổ sở đến thế. Với Quyên, anh đâu đã nghĩ, một ngày, cho dù cả cuộc đời quay lưng, chỉ cần bên mình còn một bàn tay nắm chặt, mình sẽ vẫn vượt qua. Anh lần đầu tiên cãi mẹ. Anh không biết về gay, không biết một chút gì. Anh chỉ biết rõ tình yêu của mình là thật. Tình yêu chẳng phải là điều màu nhiệm nhất xóa đi sự lẻ loi của con người hay sao? Sao ta phải nghĩ, tình yêu ấy là dành cho ai, một cô gái hay một cậu con trai. Ai mà chẳng có tình yêu? An tin. Dựa vào bờ lưng rộng lớn của anh, nó tin. Có câu chuyện tình yêu nào không ngang trái, chẳng phải vì càng trắc trở, yêu thương mới càng là điều đáng quý đó sao? Nước ấm chảy xuống cái chậu nhựa. Anh xoa dầu gội cho nó, nó vẽ những bọt xà phòng lên mặt anh. Nước dội lên tóc, lên người, gột rửa mọi bụi bẩn. Bất thình lình anh té nước vào người nó. Nó té vào mặt anh. Cười vang. Nó đã đập vỡ cái gương trong phòng tắm, anh loay hoay vừa cạo râu vừa sờ mặt mình. – Để em. Hơi nước ấm làm mờ mọi vật trong nhà tắm nhỏ bé. Nhưng da thịt anh rõ ràng trên tay nó. Những sợi râu cứng đâm vào ngón tay nó. Nụ cười trên môi anh bình yên trước mắt nó. Nó hôn lên bờ cằm chưa cạo sạch, hôn lên gò má, đôi mắt, hôn lên đôi môi anh. Nước ấm đã chảy hết, những giọt nước lạnh chảy xuống chậu bắn lên người anh và nó, hai người đàn ông, vẫn yêu thương môi kề môi giữa hơi nước mờ mịt. Mùng một. Không chợ. Không hàng quán. Nó và anh đều ốm lăn. Nhưng hạnh phúc. Trên cái đệm thủng lỗ chỗ, dưới cái chăn đắp tả tơi, trong căn phòng trống trơn, giữa gió mùa đông bắc gào thét, nó mân mê ngực áo anh, tâm sự cùng anh. – Ra Tết. Mình cùng đi xin việc. Rồi sẽ ngày ngày đi làm, tối về ở cùng nhau. Nếu em muốn có con, mình sẽ ra bệnh viện xin nhận nuôi. – Thủ tục nhận nuôi khó lắm. Mình không phải vợ chồng hợp pháp, chẳng xin được đâu. – Khó khăn nhỉ? – Anh tặc lưỡi – Thôi sao cũng được, chỉ cần có em, anh đã thấy đầy đủ lắm rồi. Anh lại hôn lên tóc nó. – Ái chà. Ra Tết phải đi cắt tóc nữa. – Lại chuyện cấm kị – Nó bật cười. Nó ngồi lên người anh, nhìn anh trìu mến. Anh nhỏm dậy hôn nó. Nó cởi áo anh, chậm rãi đặt tay lên hai mạn sườn anh. – Mình làm chuyện này có được không? – Được chứ anh. Hay làm chuyện này trong mùng một cũng là cấm kị nốt? – Anh chẳng biết. Mà kể cả cấm kị cũng có sao? Nó cười dịu dàng, kéo xuống khóa quần của anh. — – Ra Tết. Em muốn đi thả diều. Nó nói. Kiên chống tay bên cạnh nó, một tay vân vê tóc nó. – Ừ – Anh hôn lên trán nó – Ra ngoại thành là thả được. – Mai là mùng 2, mình sang bên mẹ Hải nhé. – Ừ. Anh cũng định bảo em thế. Không sợ đâu. Mẹ yêu anh em chúng mình. Mẹ sẽ hiểu cho anh em chúng mình thôi. – Và đi thăm mộ một người, nhé anh. – Ừ. Nó nghiêng người, ôm anh. Bầu trời ngoài kia, sau trận gió mùa, sẽ lại trong trẻo, và lộng gió nâng cánh diều chạy dọc bờ biển sóng vỗ chứ? Hết
|