Đời Callboy
|
|
Tuổi trẻ là tuổi của sự bùng nổ, của những kế hoạch, ước mơ và hoài bão. Trong tôi cũng ấp ủ một khát vọng mãnh liệt được đổi đời, giàu có hơn để có thể mang tới cho gia đình mình một cuộc sống khác. Nhiều đêm lênh đênh trên biển cùng anh hai, ngước nhìn lên bầu trời, tôi chợt nhớ lời cha từng nói: “Mỗi ngôi sao tượng trưng cho một đời người, khi người ta mất đi thì ngôi sao cũng biến mất”. Ngôi sao của cha có lẽ đã vụt tắt từ nhiều năm trước. Và đâu đó trên vũ trụ kia, ngôi sao của tôi thì vẫn đang sáng. Nhưng tôi không muốn nó sáng một cách lu mờ, lập loè như thế kia. Tôi muốn nó phải tỏa sáng, ít nhất phải mang đủ ánh sáng đến cho ngôi sao của mẹ, của anh em tôi, của gia đình tôi.
Gia đình tôi bây giờ cũng vẫn không giàu, nhưng không còn cái cảnh bữa đói bữa no nữa. Công việc của anh hai đã ổn định hơn, mỗi chuyến chài lưới đều nặng trĩu cá, buôn bán thuận lợi. Với sự an tâm về gia đình hiện tại, tôi nghĩ mình có thể bắt đầu thực hiện ước mơ của mình, đi đến những vùng đất mới để học hỏi và làm giàu.
Chưa kể, nỗi lo lắng vì sự khác biệt của mình sẽ sớm bị phát hiện lại càng thôi thúc tôi muốn được đi xa hơn bao giờ hết. Nhưng đi về đâu đây khi tôi chưa từng bước chân ra khỏi làng chài nhỏ bé mà mình đang sống, cũng như ngoài gia đình ra, tôi không còn một ai thân thích ở xa.
Đất hứa!
Nhiều lần lên chợ, tôi nghe người ta nói với nhau rằng: Sài Gòn là miền đất hứa… Có người lên Sài Gòn làm chưa đầy hai năm mà về quê xây nhà cho gia đình. Nghe hấp dẫn quá! Nhưng một thân một mình lên Sài Gòn, tôi có đủ can đảm? Tôi có dám đi đến một nơi mình chưa từng biết để tạo dựng cuộc sống hay không?
Một lần tình cờ sau đó không lâu, tôi gặp lại Tâm, thằng bạn thân lúc trước ở cùng làng chài với tôi. Nghe đâu hai năm nay nó lên Sài Gòn sống và làm việc trên đó, tháng nào cũng gởi về nhà cả triệu đồng (đến đây, tôi phải giải thích thêm rằng, tiền triệu ở thời điểm lúc này là rất kinh khủng với cả làng chài nơi tôi sống). Nhìn nó mà tôi nhận không ra, quần jean áo pull sạch sẽ tươm tất, trắng trẻo cao ráo, lại còn rất đẹp trai.
Tay bắt mặt mừng, tôi và Tâm tíu tít như hai đứa trẻ con cởi truồng tắm mưa ngày xưa. Tâm nói với tôi, nó làm ở Sài Gòn, lương khá, được ông chủ đối xử tốt lắm. Lòng tôi lại dấy lên những ham muốn về đổi đời, về giàu sang và về trốn chạy khỏi những kỳ thị có thể sẽ đối mặt. Tôi hỏi kỹ hơn về cuộc sống Sài Gòn và cũng không quên nói cho Tâm biết ý định muốn lên Sài Gòn kiếm kế mưu sinh của mình. Tâm ủng hộ tôi! Nó ngay lập tức cho tôi địa chỉ đang ở trọ với lời
|
hứa khi nào lên cứ tìm, nó sẽ cho tôi ở nhờ một thời gian và giới thiệu công việc cho tôi. - Mày cứ lên Sài Gòn rồi kiếm tao, có gì anh em đùm bọc nhau mà sống. Đất Sài Gòn rộng lớn hơn cái làng chài này nhiều, chẳng ai quan tâm mình là ai đâu, miễn sao có chỗ để làm ra đồng tiền là được rồi. Sài Gòn cái gì cũng có. Yên tâm.
Tôi còn hiểu câu nói của Tâm theo một nghĩa khác, ở Sài Gòn, chắc hẳn cũng sẽ có nhiều người con trai nhưng thích con trai như tôi… nên tôi chắc hẳn sẽ không lạc loài, phải lo sợ che giấu bản thân mình như hiện tại.
Vậy là tôi đã có đủ cơ sở vững vàng để bắt đầu thực hiện ước mơ của mình!
Mười tám tuổi và quyết định đổi đời!
Hôm nay là ngày sinh nhật của tôi, lần thứ mười tám! Có vẻ như cuộc sống bận rộn quá nên không ai nhớ đến ngày này… Nhưng dù sao thì tôi cũng nhớ vì đó là ngày của riêng tôi. Buổi cơm chiều, tôi thưa với mẹ chuyện mình sẽ lên Sài Gòn làm việc. Mẹ rất ngạc nhiên, tôi thấy trong mắt mẹ có một chút gì đó do dự, muốn ngăn cản. Nhưng cuối cùng bà cũng đồng ý.
- Thì con cũng lớn rồi, đi đây đi đó để học cái khôn cũng nên. Nhưng đi đâu thì đi, làm gì cũng được, nhớ cẩn thận, giữ thân… Với lại nhớ lời cha dạy, “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.
Khác với mẹ, hai đứa em la toáng lên, năn nỉ tôi ở lại… Tôi phải dùng hết lời dỗ, chúng mới thôi sụt sịt để đi ngủ… Và trong bữa cơm đó, duy nhất một người không lên tiếng, đó là anh hai.
Đêm khuya, má và hai đứa em đã ngủ. Tôi nằm cạnh anh hai, còn thao thức, hồi hộp về những chuyện đang đợi mình phía trước. Tôi nghe giọng anh hai.
- Còn thức không?
- Dạ còn!
- Thế, mày đi thật à?
- Dạ, đi kiếm cái gì để làm, để học, để giúp nhà…
- Sao phải đi, nhà mình cũng đâu còn khó khăn như trước?
- Dạ…
- Ừ, mà thôi, mày cũng mười tám tuổi rồi, cũng nên đi đây đi đó… Thôi, ngủ đi, à, quên nữa… Chúc mừng sinh nhật nha! – Anh hai khựng lại một chút. – Em trai…
Bất chợt anh hai hôn nhẹ lên trán tôi rồi vòng tay ôm ngang bụng tôi – Cái hành động mà nếu kể ra, cả làng chài này chẳng ai tin rằng anh em chúng tôi vẫn thường dành cho nhau. Chỉ là tôi không nghĩ, anh hai sẽ làm vì lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi thật sự tin mình đã lớn, anh hai không làm thế nữa!… Đêm đó, tôi mơ một giấc mơ thật đẹp.
Mười tám tuổi lẻ một ngày!…
Hôm sau, tôi quyết định sẽ đi ngay vì sợ nếu như để thêm vài ngày nữa thì tình cảm quyến luyến với gia đình sẽ làm chùn bước tôi. Mẹ lấy hết tiền dành dụm của cả nhà, gói ghém được hơn triệu bạc, đưa cho tôi. Tôi mân mê xấp tiền xếp cẩn thận, chực khóc. Mẹ cười.
|
- Đàn ông đàn ang gì mà… Tôi lên đường, đón xe vào Sài Gòn, mở ra một bước ngoặt mới trong đời mình.
Chương 2: Sài Gòn
Tôi tới Sài Gòn khi trời đã nhá nhem tối. Xe vừa cập bến, một không khí nhộn nhịp, một hình ảnh rực rỡ lung linh sắc màu đã vội tràn vào thị giác. Khác hẳn làng quê cô quạnh với màu xám buồn bã mà tôi đã sống hết mười tám năm đầu đời, Sài Gòn như một bức tranh trộn lẫn bởi những gam màu tươi tắn, sinh động, dẫu tất cả chúng ta đều biết rằng đâu đó vẫn có những mảng xám, những góc khuất tồn tại trong bức tranh ấy.
Cảm giác đầu tiên tôi có được là Sài Gòn thật đông đúc và chật chội, bao nhiêu con người chen chúc nhau trên đường, lăn lộn trong dòng mưu sinh. Tôi biết chẳng bao lâu nữa, chính tôi cũng sẽ hòa mình vào dòng người đó. Cơ thể rồi sẽ phảng phất mùi của bụi đường, của mồ hôi, nắng nóng, mùi của những con người luôn tất bật mưu sinh. Mùi của Sài Gòn. Tôi như đứa bé chập chững bước vào khu vườn thần tiên xa lạ, háo hức nhưng vẫn thoáng gì đó sợ hãi, lo âu.
Bước xuống xe, tôi lúng túng với bao nhiêu lời chèo kéo từ hơn chục người chạy xe ôm chung quanh mình. Họ chỉ vào những hành khách trên xe với những cái tên tự đặt thật buồn cười, “áo đỏ, áo vàng, áo hoa, quần jean đen, giỏ xách bự…”, những cái tên chỉ định để phân chia, tranh giành khách với nhau, và người khách đó có quyết định đi xe hay không thì còn tùy thuộc vào độ may mắn của anh xe ôm.
Tôi cố tách ra khỏi đám đông ồn ào, tay ôm chặt cái giỏ xách trong đó có tiền và vài bộ quần áo đem theo, đầu thì liên tục lắc để từ chối những lời mời chào xe ôm đang bủa vây. Vội băng qua đường, tôi ghé vào một hàng cơm bên vỉa hè, kêu cho mình một đĩa cơm khô khốc rồi từ từ ăn và tính toán những bước tiếp theo trong hành trình đổi đời tại miền đất hứa.
- Em trai mới ở quê lên đây kiếm việc làm hả? – Giọng một người đàn ông hỏi, tôi quay qua nhìn thì thấy một thanh niên khoảng ngoài hai lăm, dáng người gầy và nước da đen nhẻm, mặt dày dặn gió sương, đang ngồi ăn cơm cạnh tôi.
- Dạ? Sao anh biết?
- Nhìn mặt là biết, kiểu như chú mày anh gặp hàng ngày. Để anh giới thiệu cho một chỗ ở, giá bình dân nhưng được cái sạch sẽ, khu an ninh, đàng hoàng.
- Dạ em cảm ơn anh, nhưng em có chỗ ở rồi, chỉ chưa biết đường tới đó.
- À, vậy cũng không sao, anh đây chạy xe ôm nên để anh chở chú em tới đó. Thấy chú em thật thà, anh tính giá hữu nghị cho, có địa chỉ không?
Tôi lấy mảnh giấy ghi địa chỉ trong túi áo ra cho anh xe ôm coi rồi cả hai nhanh chóng ăn hết đĩa cơm bám đầy bụi
|
đường và lên xe để tới chỗ trọ của Tâm. Trong lòng thầm mừng vì gặp được một người tốt, nhiệt tình giúp đỡ mình. “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ.
Đường Sài Gòn khúc khuỷu quanh co…”
Tôi bỗng nhớ đến câu hát trong bài hát ru của mẹ khi đi trong lòng Sài Gòn. Vài con đường lấp lánh ánh đèn nê-ông đủ sắc màu, rực rỡ như một đêm vũ hội. Có lần khi ngồi nhậu cùng nhau ở quê, Tâm nói với tôi.
- Ở Sài Gòn, mày chỉ cần có đủ tiền, rồi cứ việc ở trần ở truồng, đi từ đầu đường đến cuối đường là có đầy đủ quần áo, xe cộ, đồng hồ, mắt kiếng.
Đến hôm nay tôi mới hiểu hết những gì Tâm nói. Những cửa hàng tràn ngập trên đường Sài Gòn, họ bán tất cả những thứ hào nhoáng nhất mà con người ta có thể khoác lên mình, quần áo, xe cộ, giày dép, trang sức, đến những thứ hàng hóa mà tôi cũng không biết công dụng của nó để làm gì. Và tôi băn khoăn tự hỏi, liệu họ có bán cả đạo đức và nhân phẩm hay không?
Anh xe ôm thỉnh thoảng hỏi thăm vài câu về gia đình, hoàn cảnh, tôi tình thật kể cho anh nghe về chuyện của mình, cũng như việc đây là lần đầu tiên lên Sài Gòn lập nghiệp. Đi được một lúc thì trời tối hẳn, thấy đi đã lâu nhưng chưa tới, tôi hỏi anh xe ôm, có phần hơi sốt ruột.
- Gần tới chưa anh? Sao em thấy mình đi lòng vòng hoài vậy.
- Trời ơi, địa chỉ xa thì mình phải đi lâu chứ sao chú em. Hết con đường này là tới rồi.
Nói rồi anh ta rẽ vào một con đường nhỏ, rất vắng vẻ và tối tăm, không có bóng xe chạy qua. Đi được khoảng nửa đường thì anh ta dừng lại, tôi lo lắng hỏi:
- Ủa, sao anh dừng lại giữa đường?
- Chú đứng coi xe, chờ anh chút. Anh tấp vào lề đường giải quyết một cái rồi đi tiếp, mắc tè quá.
Tôi đứng ngoài xe chờ đợi, nhìn anh xe ôm lịch phịch chạy vào vách tường loang lổ vệt vôi tróc ra từng mảng rồi “giải quyết nhu cầu sinh lý”. Xong việc, anh xe ôm đi ngược ra, mắt nhìn lom lom về phía tôi. Khi tới gần sát chỗ tôi đang đứng, hắn bất thần tống cho tôi một cú đá thật mạnh vào ngay bụng khiến tôi ngã khuỵu xuống đường, và trong lúc tôi còn chưa hoàn hồn, hắn ta đưa tay giựt cái giỏ xách của tôi rồi nhảy thốc lên xe, rồ ga chạy đi mất.
Mọi việc xảy ra trong vòng chưa đầy một phút, khi tôi loạng choạng đứng dậy, phủi bụi đất trên tay chân mình rồi bàng hoàng nhìn về con đường heo hút trước mắt. Tên xe ôm đã không còn thấy bóng dáng và chắc chắn rằng tôi cũng sẽ không tìm được hắn ngay trong lúc này. Vậy là coi như đi tong số tiền trong giỏ xách. Lúc chuẩn bị soạn đồ cho chuyến đi, mẹ dặn tôi rằng “Con đừng bỏ hết tiền vào bóp, trên Sài Gòn có biết người tốt người xấu thế nào đâu, lỡ mà có bị
|
móc bóp vẫn còn tiền trong giỏ xách…” Nhưng ngờ đâu cẩn thận như thế để rồi bị giật mất cái giỏ xách, đúng là người tính không bằng trời tính. Khi đã biết chắc chắn rằng mình đã bị tên xe ôm lừa gạt và giật mất giỏ xách, không thể nào lấy lại được, tôi mới định thần, đưa tay lục lọi trong túi quần, túi áo và cũng may là còn lại mảnh giấy ghi địa chỉ của Tâm với mấy chục ngàn đồng. Chân lang thang ra khỏi con đường vắng vẻ ban nãy, cứ thế tôi bước vô định trên những đường Sài Gòn tấp nập, không biết mình đang đi đâu và đi trong bao lâu. Tôi qua nhiều con đường, đèn vàng sáng đến lóa mắt, người nhiều tới mức nhức cả đầu. Có vài người chạy xe ôm hỏi coi tôi muốn về đâu nhưng tôi chỉ lắc đầu rồi lẳng lặng đi tiếp, đứt tay rồi, có ai mà không sợ cầm dao. Cuối cùng khi chân đã mỏi rã rời, tôi dừng lại nghỉ ở một hồ nước lớn mà về sau mới biết là hồ Con Rùa. Thấy bên góc đường có xe bánh mỳ, tôi lại mua một ổ và lân la hỏi thăm bà bán hàng về địa chỉ chỗ Tâm trọ.
- Cái địa chỉ này tuốt dưới Tân Bình, từ đây xuống đó hơi xa à nha. Cậu có muốn đi thì để tui nói chồng tui chở cậu đi, ổng chạy xe ôm gần đây.
Tôi tính lắc đầu từ chối nhưng rồi ngẫm lại, giờ mình cũng chả còn cái gì để mà mất nên cũng liều để chồng bà bánh mỳ chở đi.
- Cậu đúng là xui, gặp ngay cái đám lừa gạt giựt đồ đó. Tụi tui chạy xe ôm đàng hoàng chân chính nhưng cũng bị đám giựt đồ đó làm cho mang tiếng, cậu có cần tui chở đi tới công an hay quản lý bến xe để nhờ bắt cái thằng đó không?
- Dạ thôi thôi… Mất không bao nhiêu tiền, với lại con lạ nước lạ cái lên đây, mắc công phiền phức lắm chú ơi.
- Cậu không chịu thì thôi nhưng thể nào ngày mai tui cũng tới bến xe để nói cho ban quản lý biết vụ này, để người ta biết mà còn chấn chỉnh, không cho đám giựt đồ đó ra tay hại thêm ai nữa. Tại có mấy người sợ phiền phức như cậu, không dám báo công an nên đám đó mới lộng hành như vậy.
Mới tới Sài Gòn vài tiếng nhưng tôi đã được gặp cả hai loại người tốt và xấu trong cùng một ngành nghề, và tự hỏi mình, rồi đây khi sống ở mảnh đất này, tôi sẽ còn gặp bao nhiêu con người thuộc bao nhiêu dạng khác nhau?
Ông xe ôm cho tôi dừng lại trước cửa một dãy phòng xây san sát nhau, cùng chung một kiểu. Nhìn vào có thể nhận ra ngay là khu nhà ở dành cho sinh viên, công nhân hay những người thu nhập không cao. Đang đứng lóng ngóng trước cửa nhà, một phụ nữ lớn tuổi bước ra hỏi tôi.
- Cậu là ai? Muốn thuê phòng trọ hay kiếm người?
- Dạ, cô cho con hỏi ở đây có ai tên Tâm, ở phòng số 12 không cô.
|