Một chiều mưa rả rích ở bệnh viện huyện, tôi quay mặt đi để che giấu những cảm xúc buồn tủi xen lẫn hạnh phúc. Kia là bà ngoại tôi, người mà tôi yêu thương như cha mẹ, người đã truyền hơi ấm cho tôi và giúp tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống này, bà vừa trở về từ cái chết, hơi thở yếu ớt lim dim đôi mắt nhăn nheo, già nua nhìn ngắm tôi. Hồi ông nội tôi còn sống, lần nào tôi đi học ở Tỉnh về, nội cũng bảo “bây coi vô thăm bà ngoại nghe không, năm đó bây bị trúng gió ngủ, ngủ li bì; may mà có ông bà ngoại đến thăm kịp lúc và cứu giúp, nếu không thì…”. Tôi hiểu ân tình của ông bà dành cho con cháu còn nhiều hơn thế nữa, theo thời gian tình yêu mà tôi dành cho ông bà càng lớn. Có điều là, tôi lấy chồng và lập nghiệp ở xa… Ngồi ở cuối giường bệnh, ông ngoại nắm bàn tay xương xẩu của bà nắn nhẹ. Bàn tay từng nắm lấy tay ông chèo chống xuồng đưa đàn con trốn chạy bọn Pôn Pốt càn quét. Mẹ tôi kể năm ấy, mẹ tôi chưa lên mười, mẹ đang cùng ông ngoại bơi xuồng đi giăng câu và cắt lúa chét ngoài đồng thì nghe tiếng thụt ô bích vô xóm, thế là ông tôi quýnh quáng bơi xuồng đi tìm mấy cậu dì đang đi thả bò, cắt cỏ… Lo cho các con ẩn nắp an toàn rồi ông lật đật quay về tìm bà, mặc cho nguy hiểm vẫn luôn rình rập. Trước mắt ông là cảnh tượng nhà cửa ngun ngút khói đen, gà vịt chạy tán loạn, kêu vang thảm thiết một góc trời. Trong làn nước mắt nhòe nhoẹt, ông tìm thấy người vợ tần tảo của mình một tay ẳm nách đứa con đang khóc sướt mướt, còn tay kia bưng thúng nếp chui lên từ cái hầm sau nhà…Gia đình thoát nạn năm đó, ông bà tôi chí thú làm ăn, mua thêm được đất ruộng và bò heo. Các con được đến trường và thành gia lập thất đề huề. Những tưởng cuộc sống êm đẹp, mĩ mãn lắm, nhưng khi ở cái tuổi xế chiều, ông tôi lại rẽ lối… Đời người phải chăng chỉ hạnh phúc một giai đoạn nào đó rồi “tắt”? Đời người phải chăng chỉ yêu thương nhau nhau thực sự khi còn “trẻ khỏe”? Cả đời hy sinh cho gia đình, bây giờ về già ông bất chấp điều tiếng chỉ để sống cho mình. Ông dùng những viên gạch cũ phủ rêu xanh để chấp vá tình cảm, xây tổ ấm tạm bợ với những phụ nữ trẻ tuổi, góa chồng. Hồi xưa bà ngoại với ông cũng vì tiếng sét ái tình mà bất chấp sự cản ngăn của cha mẹ hai bên. Rồi hơn năm mươi năm, ông bà sống với nhau từ tình yêu mặn nồng chuyển sang hai từ thoạt nghe qua thì hơi phũ phàng nhưng thực tế là vậy, chỉ còn “tình nghĩa” với nhau. Những năm nghèo khó, lo chạy gạo từng bữa, lo nuôi bò, chăn heo, trồng lúa một năm ba vụ, rồi rẫy bắp rẫy dưa,… ông bà chỉ có thể dành cho nhau dăm ba câu chuyện trong bữa cơm và những buổi ông đưa rước bà đi chợ sớm. Ông bà từng có những trận cải vã, những chuyến ra đi bỏ nhà bỏ cửa… nhưng rồi vì con cái lại hàn gắn với nhau. Gia đình hạnh phúc thực sự trong chính khoảng thời gian khốn khó ấy. Biết chuyện của ông, mối quan hệ tam tứ đại đồng đường vốn đã rời rạc, giờ trở nên “đìu hiu” hơn. Số con cái, dâu rễ và cháu chắt thấu hiểu và cảm thông cho ông đếm chưa hết mấy ngón trên bàn tay. Chỉ có dì ba thương và bênh vực ông bằng lý lẽ chắc nịch rằng “thôi, ai chăm sóc lo được cho cha thì lo, chớ cha ở nhà ra vô thui thủi, mắt mờ có xem tivi được như trước đâu. Hồi trước có ngày nào cha được nghỉ ngơi, hết đi chài lưới bắt cá, đến xịt thuốc sạ phân, cày ruộng, chăn bò… gì cũng làm. Giờ ông “câu con cá” thì phải tốn miếng mồi… Tụi bây cứ xúm lại xúi giục nhau đừng cho tiền cha. Sao tụi bây không nghĩ cho cha?”. Đa phần người trẻ khó chấp nhận chuyện một ông già quá thất tuần, sắp gần đất xa trời mà còn đi tìm tình yêu, hạnh phúc. Họ không hiểu thì hầm hầm ra mặt, giè bễu, đỡ hơn chút thì cũng liếc xéo liếc ngang. Ngày trước ông bà thường chở nhau đi chợ, bà ngày mấy lượt châm trà vô chiếc bình được bọc trong vỏ trái dừa khô, con cháu có chuyện gì ông bà cũng đứng ra phân xử phải quấy, con cái nợ nần khó khăn cũng đều được ông bà giúp đỡ không điều kiện… Còn giờ, nhà cửa vắng lạnh, con cháu ít lui tới, bà thì như bộ xương khô nằm ngó trâng trâng trần nhà mặc cho đám muỗi bu lấy bu để, còn ông thì đi “chén chú chén anh”, đi với nồi cơm nguội, con dâu đã đem đi ngâm cho ngày mai dễ rửa. Ông mang bụng đói vào giấc ngủ mà chẳng dám một lời thở than. Có thể mối quan hệ gia đình bên ngoại tôi đã lỏng lẽo dần theo thời gian, một sự nghiệt ngã đau lòng khôn tả. Giờ bà ngoại không đuổi được con gà, không bắt nổi nồi cơm, nghiêng trở mình còn khó khăn thì làm sao có thể quản mọi chuyện trong ngoài như trước. Mới ngày nào, một tay bà nuôi heo, chẻ củi, phơi lúa và bán rau… phụ ông nuôi chục đứa con ăn học. Bà tiện tặn tới mức chỉ dùng cà ràng nấu cơm củi, khói nghi ngút. Vậy mà ấm nhà, con cháu tề tựu vui vầy. Còn bây giờ, người già nằm đó rũ rượi với tháng ngày bệnh tật, trẻ bận việc mưu sinh, nhỏ bận học thêm và những thú vui bất tận từ game, từ những trò ảo. Con cháu ai nấy đều bận rộn và có những thú vui riêng. Thời đại công nghệ nên mấy đứa cháu dường như chỉ dán mắt vô máy tính, điện thoại, bà nằm chèo queo nhớ tới mấy câu chuyện, chẳng biết kể cho ai nghe. Chúng sẵn sàng nói chuyện hàng giờ với người bạn lạ hoắc nào đó trên facebook, chớ đâu có thời giờ tâm tình với bà. Có lẽ, chuyện cổ tích giờ hiếm khi được bà kể cho nghe là vậy. Không ai dám nói ra nhưng sự thực là luôn dành sẵn những ý nghĩ ái ngại dành cho nhau. Các mối quan hệ ruột thịt dường như đã trở nên lõng lẻo, giãn nở đến nổi sắp đứt lìa. Làm sao để các thế hệ trong một đại gia đình luôn thấu hiểu và cảm thông cho nhau? Làm sao có thể quay về thời gian xưa cũ để lũ chúng tôi quây quần bên mâm cơm, nghe ông bà kể chuyện xưa tích cũ và răn dạy điều hay lẽ phải trong đời? Phải làm sao…?
|