Thích Ông Rồi, Làm Sao Đây
|
|
Chương 27
Tụi tôi đang trong tình trạng lục đục nội bộ, ừ, là lục đục nội bộ thật đấy! Nhỏ Thảo không thèm nhìn mặt ông Huy, cũng cạch luôn cái mặt tôi ra khỏi tầm nhìn của nó. Bạn bè, có gì nó cứ nói thẳng ra, im im mãi thế thì quái nào biết nó đang giận gì. Lần trước đánh nó đúng là tôi sai, nhưng chỉ là nhất thời không kiểm soát được mới như vậy.
Haiz, tôi quấy quấy ly trà chanh. Đá va chạm vào ly phát ra âm thanh “leng keng” nghe vui tai.
Sáng chủ nhật mỗi tuần, bốn đứa con gái ton ton đi ăn sáng rồi trà chanh chém gió với nhau. Đây là lần đầu tiên, hội con gái thiếu mất cái Thảo.
– Có đứa nào biết tại sao nó chia tay không? Kể tao nghe với!
– Biết chết.
Cái Phương cùng Trang “trưởng” phun hai câu ngắn gọn, đầy xúc tích vào mặt tôi.
Trang “trưởng” lên giọng:
– Chắc vài hôm nữa tụi nó gương vỡ lại lành thôi, mày quan tâm làm gì cho mệt xác.
– Tao lạy mày, phán như thánh. Cũng vì chuyện đó mà giờ mặt tao nó còn chả thèm nhìn nữa là, tao còn lỡ tay cho nó cái tát. – Nói đến khúc cuối, mặt tôi lại xịu xuống như bánh bao nhúng nước.
– Gì kinh vậy? Rồi sao, nó phang lại mày mấy cái? – Cái Phương trợn to mắt ếch lên nhìn.
– Phang phang cái đầu mày! Tao cho mày liệt luôn giờ. Nó làm gì tao còn đỡ, đằng này nó chỉ nói tao một câu. Và đến giờ tao vẫn chưa hiểu nó nói cái gì.
“À, quen được ông Tuấn là phúc lớn của mày đấy, nên biết trân trọng đi.”
“Chỉ là tao hơi tiếc khi lúc đó bỏ cuộc sớm như vậy.”
Trang “trưởng” bỏ một viên cá viên chiên vào miệng nhai nhóp nhép rồi bắt đầu phán:
– Nếu nói mày là ăn mày thì ông Tuấn được xem là cục tiền lớn nhất mày có được, nếu nói mày là con chó thì ông Tuấn chính là cục xương ngon nhất mà mày được gặm, nếu nói mày là con lợn thì ông Tuấn chính là thùng cám heo thơm nhất mà mày được ăn. Còn nói đơn giản mày là một con người bình thường thì ông Tuấn chính là món quà may mắn nhất mà trời ban cho.
Biểu cảm duy nhất của tôi lúc này, khi nghe nó nói chính là cười-khinh-bỉ, vô cùng khinh bỉ. Nó đang tâng bốc một tên con trai lên tận trời và nỡ lòng nào nhẫn tâm đạp con bạn tương thân tương ái của nó xuống tận bùn lầy.
– Nếu được là tao của 4 năm trước, tao sẽ đá văng mày ra xa ngàn mét trước khi để mày xâm lược cuộc đời của tao.
Nó lấy tay che miệng cười hố hố như con tâm thần trốn viện.
– Túm cái váy lại là thế này, đơn giản thôi, cái Thảo nó ganh mày đấy!
– Hở? Mày có lộn không vậy?
Cái Phương im lặng nãy giờ mới giơ tay đánh tôi một rõ đau.
– Con bò ạ, mày ngu cũng vừa phải thôi, mày sợ người ta giành hết cái ngu của mày hay sao mà ôm hết vào người vậy con?! – Đây, cuộc đời của một con người gắn liền với súc vật. – Này nhé, nhỏ Thảo thích ông Tuấn hồi năm lớp 6, lúc mới vào trường ấy. Trong lớp đứa nào cũng biết, chỉ có con bò như mày là khi nào cũng ngơ ngơ ngác ngác.
– Nhưng nó đối với ông Tuấn hết lâu rồi, hình như từ lúc nó thấy ổng để ý mày.
– Nói vậy tao mang cơ thể của một con người bình thường và sống dưới đầu óc của một con bò trong từng ấy năm trời?
Hai đứa nó nhìn tôi rồi búng tay cái tách, cái Trang còn khuyến mãi thêm một câu:
– Không có đứa nào ngu, chỉ có đứa không biết mình ngu.
Tôi đang tự suy nghĩ, không biết có nên bổ đầu mình ra để xem trong đó có chất xám hay không? Hôm nay, bị chửi cũng đáng.
Đang nói chuyện giữa chừng thì cái Phương có điện thoại. Không biết người trong điện thoại nói với nó cái gì, mặt nó dần chuyển trắng bệch rồi lắp bắp:
– Ông Phong nói…
———
Ba đứa tụi tôi leo lên xe đạp, chạy đua đến sân bóng rổ.
“Ông Phong nói tên Tuấn với tên Huy đang đánh nhau ở sân bóng rổ.”
– Cái tên điên này! – Tôi lầm bầm chửi rủa trong miệng.
Sân bóng rổ lúc này không đông đúc như tôi vẫn tưởng, chỉ có khoảng chục người nhưng hầu hết đều đứng vây quanh sân bóng. Đứng từ xa thấp thoáng vẫn có thể thấy có hai người đang di chuyển trên sân.
Tôi với hai nhỏ kia chạy lại. Phong “cùi” với ông Lâm chỉ tặc lưỡi chỉ vào trong sân:
– Hai tên đấy chơi bóng mà cứ như đánh nhau. Mấy đứa tụi tôi bị đẩy ra ngoài làm khán giả nếu không muốn bị liên lụy.
– Mấy ông không cản sao?
– Cản thế nào được? Hai đứa tụi nó lúc này như hổ báo ấy.
Tôi nhìn vào trong sân. Hai trên con trai mặt mày nhễ nhại mồi hôi chạy tới chạy lui trên sân, tiếng giày ma sát với sân tạo nên tiếng rít chói tai.
Tên Huy đang dẫn bóng tiến về phía hắn đang ở đầu rổ bên kia. Tiếng bóng va chạm với sàn đấu không hề nhẹ, dường như toàn bộ sức lực của người chơi đều dồn hết vào đó. Tên Huy áp sát rổ, nhảy lên. Tưởng chừng bóng sẽ vào rổ nhưng ngược lại, đường bóng chệch đi, trái bóng lao thẳng vào mặt hắn.
“Uỳnh” một tiếng, hắn ngã lăn ra sàn đấu.
Tiếp đó, không có âm thanh, một sự im lặng đáng sợ bao trùm cả sân bóng. Tụi tôi vẫn đứng nhìn, không đứa nào dám lên tiếng trước.
Tôi không chạy vào sân đấu, không ngăn hắn không phải vì tôi sợ mà đơn giản là tôi biết hắn sẽ không thích. Chuyện của con trai, tự con trai sẽ giải quyết với nhau. Hắn không hay gây sự vô cớ, sẽ có lý do, nếu không hắn đã không chịu đứng yên để trái bóng kia đập vào mặt mình.
– Tại sao mày không né?
Tên Huy trừng mắt nhìn hắn, trong giọng nói ẩn chứa một chút ngạc nhiên cùng sự tức giận.
– Bởi vì tao không thể né.
Hắn đứng dậy, xoa một bên má đau rát.
– Tao mong trái bóng đó có thể khiến mày bình tĩnh lại. Tao không thể nói chuyện với người điên.
Tên Huy đứng yên, không nói gì.
– Tao biết mày đang suy nghĩ cái gì. Trên đời này không có ai hoàn hảo, mày không cần phải thắng người khác, thắng được chính bản thân mình là mày đã thắng được tất cả mọi người rồi. Chuyện này không có ai sai ai đúng, chỉ có người hối hận, cả mày và cả người đó.
Hắn nói xong liền rời đi, tên Huy nằm rạp xuống sân, hướng mắt nhìn lên bầu trời. Tôi biết, bầu trời không phải là một màu xanh mà là một màu đen ảm đạm.
——–
– Đau không?
– Cũng thường.
– Gãy cái răng nào chưa?
– Suýt chứ chưa.
Hai đứa chạy hai chiếc xe song song trên đường. Nắng xuyên qua kẽ lá, rải đầy khắp mặt đường. Ánh nắng gay gắt của buổi trưa khiến tôi nhíu cả mắt lại.
Hắn thuộc tuýt người thích bị hành hạ, nên ăn có trái bóng, bầm một bên má cũng chẳng nhằm nhò gì.
– Này, không buồn chứ?
– Hử, buồn gì?
Tôi theo quán tính hỏi lại. Mắt dán xuống mặt đường, nhìn bánh xe lăn đều lăn đều giẫm lên cái bóng của hắn.
Hắn nhìn sang tôi.
– Chuyện bà với cái Thảo.
– Chắc khoảng hai ba ngày gì đấy là nó lại bình thường thôi. Mà này, – Tôi nhăn mặt quay sang nhìn hắn, – Tui không biết với tui ông là may mắn hay xui xẻo nữa.
Hắn nghe tôi nói thì ngẩn người ra một chút, sau đó là bật cười.
Tôi bực mình, chửi rủa:
– Đồ điên.
– Đồ ngu. – Hắn cũng chả vừa là bao.
Tôi lặng thinh không đáp, đạp một lèo về đến trước cửa nhà. Tôi vừa bước xuống xe hắn cũng dừng ngay bên cạnh.
– Giận à?
Giận quái nào mà giận. Tôi là đang chấp nhận, cố gắng chấp nhận cái sự thật phũ phàng này đây.
– Hay là đang thừa nhận mình ngu?
Tôi bây giờ đang rất là ngứa tay, đang rất muốn tát luôn má bên kia để xem hắn nhe răng cười thế nào. Hắn ngậm miệng lại một chút thì có ai nói hắn câm đâu, sao cứ cố tình đào bới điểm xấu của tôi rồi phơi bày ra cho thiên hạ coi vậy chứ.
Tôi liếc hắn một cái đến rách của mắt.
– Đứng đó chờ đi!
Tôi nói xong một câu rồi bỏ vào nhà.
Này này, tôi có đi nhầm nhà không? Sao bỗng dưng nhà tôi thành cái chợ tụ họp vậy?
Với cả, cái thể loại gì đây?
Hậu cung phiên bản đời thực à?
Nhóc Thiên ngồi ở giữa, bên cạnh có thêm hai ba đứa con gái vây quanh, nhìn mấy nhỏ như muốn leo lên người nó ngồi luôn không bằng. Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến một loại keo, vâng, không gì khác là keo dính chuột ấy ạ. Đối diện là mấy nhóc con trai đang rất siêng năng, cặm cụi, chăm chú làm bài, đối với sự việc trước mắt coi như không nghe, không thấy. Đây, hình tượng thái giám ngoan ngoãn kinh điển là đây!
Cuối cùng, ngồi ở vị chủ xị, không ai khác là nhóc lớp trưởng. Tay bấm bút liên hồi, mặt nhăn mày nhó, bặm môi nghiến răng trèo trẹo. Nhi à, chị rất thương em cơ mà nhìn em lúc này không khác gì phi tần thất sủng trong hậu cung.
Có người nào đó quá ư ngứa mắt với cảnh tượng trước mắt, không chịu nổi bèn hùng hổ đứng dậy mà quát:
– Này, đi học hay hẹn hò yêu đương tập thể thế hả?
Có thêm tên nhóc nào đó vẫn chú tâm ghi ghi viết viết vào vở, đối với dàn mỹ nữ cạnh mình không thấy, không biết; đối với tiếng quát của nhỏ nào đó như không nghe.
– Về rồi hả bà chị?
Lúc này tôi bỗng dưng được mọi người trong nhà chú ý. Mấy nhỏ con gái e thẹn đứng lên chào tôi, con trai thì cúi đầu chào như học sinh ngoan ngoãn. Nhóc Nhi xấu hổ đến cúi gằm cả mặt, lí nhí nói được mấy chữ: “Em chào chị!”.
Tôi đối với sự đón tiếp quá đáng này chỉ biết cười trừ, gật gật đầu đến gãy cả cổ.
– Không sao, mấy đứa cứ học tiếp đi.
Tôi lỉnh lên lầu, nhưng đi được giữa chừng thấy không ổn nên quay lại hỏi:
– Mấy đứa đang chơi trò hậu cung đấy à?
Không gian ngay lập tức ngưng đọng hoàn toàn. Mấy nhỏ nào đó tản dần, tản dần ra, tìm một chỗ thoáng đãng rộng rãi rồi đáp xuống. Nhóc Nhi cúi luôn cả mặt xuống tờ giấy, cứ như nó sắp dính chặt đến nơi. Mấy cậu con trai lấy lại bộ dáng thường ngày, hùng dũng gác chân lên ghế mà ngồi. Chỉ có thằng nhóc đó là hai vai run run, dùng đầu gối nghĩ cũng biết, nó đang cố nhịn cười.
Tôi lần đầu biết, lời nói của mình có bao nhiêu lực sát thương.
Tôi lên phòng, lấy cho hắn cái mũ. Trước khi hắn đi còn ra dáng chị cả bảo ban em nhỏ, bảo hắn về nhà phải chừm đá, nếu có toạt da chảy máu gì thì phải sát trùng vết thương rồi bôi thuốc này nọ, còn nếu hắn có đung đưa cái răng nào thì qua nhà tôi, tôi chở đến nha sĩ.
Buổi trưa hôm đó, tôi đã khóc hết nước mắt khi nghe tin cái dàn hậu cung đó sẽ ở nhà mình đến chiều vì cái nhiệm vụ cao cả mang tên “học nhóm”, càng đau khổ hơn khi nghe tin ba mẹ không có ở nhà. Thế thì, ai, ai sẽ nấu cơm cho tôi ăn đây?
Tôi, cái kẻ to đầu nhất, đứng đầu danh sách bị gạch tên bởi tôi chỉ biết nấu mỳ gói. Còn nhìn cái dàn “phi tần” kia đủ biết chả bao giờ lăn vào bếp rồi. Đám con trai thì khỏi nói. Giờ chỉ còn lại mình nhóc Thiên, nhưng tôi biết dù con chị nó có chết đói nó cũng chả bao giờ đụng vào bếp núc.
Hội bàn tròn “Hậu cung” bắt đầu.
– Trong này đứa nào biết nấu ăn?
Tôi nhìn qua từng gương mặt. Nhóc Thiên thì muốn thưở vẫn vậy, mọi chuyện đều như không liên quan đến nó. Tụi con trai thì giả lơ đi, con gái thì miễn bàn. Dẫu biết là vậy nhưng sự thật quá phũ phàng, cái hy vọng ăn cơm nhỏ nhoi của tôi bị đập nát không thương tiếc.
Một cánh tay bất ngờ giơ lên.
– Chị, em có biết sơ sơ.
Quên nhỉ, tôi còn nhỏ em dâu tương lai này mà. Hai mắt tôi sáng rực lên, tự dưng thấy mấy hạt cơm đang vờn vờn trước mặt.
– OK! Duyệt! Giờ nhà bếp là của em, muốn làm gì thì làm cơ mà phải có cơm ngon cho chị ăn là được.
Thế này sao mà không yêu được cơ chứ? Giỏi thế này, xinh thế này còn biết nấu ăn nữa – cái công việc mà dù đã cố gắng suốt 14 năm (gần 15 năm) qua tôi vẫn chưa làm được.
– Gọi sẵn xe cấp cứu, cần thiết thì gọi luôn xe cứu hỏa đi! Không chết do ngộ độc thực phẩm cũng mất mạng do cháy nhà.
Thằng miệng thúi này, rõ vô duyên.
|
Chương 28
Tôi đẩy cửa phòng nhóc Thiên, hùng dũng tiến vào, sau đó để thân thể rơi tự do xuống giường nó. Nó ở đâu kệ nó, tôi bây giờ rất cần một chỗ để nghỉ ngơi. Công nhận, giường nó êm thật, cũng công nhận, không có mấy cái miệng lèo nhèo bên tai yên tĩnh thật.
Bây giờ mới hiểu thế nào là có nhà mà không thể về.
– Bộ bà không có phòng hay sao mà ám qua bên này mãi vậy?
Nó bước ra từ phòng tắm, cổ vẫn còn quấn khăn.
– Cái đám phi tần của mày làm loạn bên đó rồi, tao không chạy nạn qua đây thì còn biết đi đâu.
Nhắc đến lại thấy đau đầu, mấy nhỏ con gái ấy không để cho tôi yên được giờ phút nào, lải nhải bên tai đủ điều. Tôi lại là một con người lịch sự, có văn hóa, không thể nào mà mắng thẳng mặt rồi đuổi thẳng thừng thế được. Bởi vậy, tốt nhất là chui vào cái xó nào đấy mà mấy nhỏ không thể tới được và nó đây – phòng nhóc Thiên. Con gái, dù có thích đối phương đến thế nào cũng không thể tự tiện mò vào phòng con trai được, huống hồ tôi dám chắc mấy cô bé đó vẫn chưa đủ gan để làm điều này.
À thêm một điều nữa, thằng nhóc này, nó chắc chắn sẽ không-bao-giờ-thích!
Nó nhìn tôi hừ lạnh nhưng cũng không nói gì, ngồi xuống ghế cạnh bàn học lấy khăn lau tóc.
Tôi nhìn nó. Khuôn mặt nghiêng nghiêng, tóc thấm nước rũ xuống. Mũi cao, môi mỏng, cũng tạm ổn. Da trắng, má hồng, cứ như sắp búng ra sữa đến nơi. Nhìn đi nhìn lại, thế quái nào cũng giống một đứa em trai rất đáng yêu. Đôi khi còn xinh xinh y hệt con gái.
– Thiên, nếu tao không phải chị mày chắc tao cũng đổ trước mày rồi đấy.
Tôi chống cằm, trơ tráo đưa mắt nhìn nó. Ngoại trừ vẻ ngoài trông giống một tên nhóc đáng yêu thì tính tình cũng không tệ, hiểu chuyện, miệng tuy xấu nhưng lòng thì tốt. Bảo làm sao mấy em cùng tuổi cùng mấy chị lớn tuổi không thích cho được.
Nó cầm lấy điện thoại, nhấn số, giây tiếp theo tôi bị nó làm cho nghẹn cả họng.
– Được thôi, để tui báo ông Tuấn một tiếng rồi tui với bà đến với nhau. Tui không ngại làm người thứ ba đâu.
Cho tôi rút lại toàn bộ lời khen lúc nãy, nó chỉ đáng-yêu khi nó không nói, lúc nó mở miệng toàn làm người ta một cứng họng, hai nói không nên lời.
Tôi ôm cái gối ôm của nó lăn qua lăn lại trên giường, mở miệng liền đổi đề tài.
– Mày lần sau có dắt về cũng dắt một đứa thôi, đừng có đem theo cái dàn hậu cung đó về nữa. Tao khổ lắm.
Không thể ăn cũng không thể ngủ, còn gì đau lòng hơn.
– Bà cũng ngồi đó rồi người ta dâng tới miệng chứ có động vào đâu mà rên. – Nó nhìn tôi khinh bỉ.
Tôi sán tới, cười cười hỏi:
– Mày, không lo à?
– Có. Lo cái nhà bếp với mấy cái nồi, còn có cả bát đĩa nữa.
– Thật à?
-… – Không thèm đáp.
– Nhóc Nhi vừa mới làm vỡ cái đĩa, bị đứt tay nhưng chắc không sao đâu.
Tôi nằm vật ra giường, liếc mắt xem biểu hiện trên mặt nó thế nào. Mặt thì kiểu “ta đây không quan tâm” thế mà ngồi không yên lại chạy xuống dưới.
– Tui xuống uống nước.
– Ngoan ha, giờ đi còn báo cáo cụ thể nữa.
Tên nào đấy liếc mắt lườm tôi một cái rồi ra ngoài. Tôi tót xuống giường, khóa luôn cửa phòng lại. Nó mà biết tôi lừa nó thì thế nào cũng xử đẹp tôi.
•
•
Tôi ngồi ngay ngắn trên bàn ăn, ở đây tôi là lớn nhất nên đương nhiên ghế chủ xị phải dành cho tôi. Từng món ăn được bày ra, xem nào, có cá, có thịt, có canh, có trứng. Không biết ăn vào thế nào nhưng nhìn chung có vẻ tạm ổn, chắc cũng nuốt xuống được.
– Nào, mời mọi người ăn cơm!
Tôi gắp miếng cá, nuốt xuống.
Gắp miếng trứng, nuốt xuống.
Gắp miếng thịt, chấm với mắm, nhấm nhấm rồi để luôn trong chén.
Lấy muỗng, múc miếng canh, đánh cái “ực” xuống thẳng dưới bụng.
Trong bàn ăn, mọi người vẫn cố tỏ vẻ tự nhiên nhất nhưng nhìn qua cũng biết chẳng ai đủ can đảm gắp thêm đũa thức ăn nào nữa, trừ kẻ nào đó.
Tôi đá đá chân nó dưới bàn, nói khẽ:
– Mày bị mất vị giác rồi à?
Cá mặn, trứng mặn, nước mắm lại quá cay, canh thì chẳng khác nào nước lã. Tôi mặc dù đã cố nhưng không thể ăn đến miếng thứ hai, nghĩ lại cái vị đó tự dưng thấy gì đó trào trào lên cổ.
– Không.
Tôi còn định hỏi thế sao còn ăn thì nhóc Nhi bỗng dưng đứng dậy. Cô nhóc cúi đầu xin lỗi.
– Xin lỗi, làm mọi người thất vọng rồi. Mình sẽ dọn ngay bây giờ.
Trong giọng nói cô nhóc có cái gì đó buồn lắm. Thùy Nhi liên tục cúi đầu nên tôi không biết được vẻ mặt của em ấy lúc này. Vài câu nói châm chọc của tụi con gái vang lên, cô nhóc không phản kháng, chỉ lặng lẽ thu dọn từng đĩa thức ăn.
Lúc Thùy Nhi đến chỗ nhóc Thiên với tôi, nhóc Thiên cũng buông đũa xuống không ăn nữa.
Nó ra lệnh:
– Ngẩng đầu lên!
Con bé vẫn tiếp tục thu dọn bát đĩa.
– Tui nói là NGẨNG ĐẦU LÊN! Bà không làm gì sai thì việc gì phải cúi đầu chứ.
Nó bất ngờ lớn giọng làm tôi cũng giật mình theo.
– Nhưng mà… – Nhóc Nhi giương mắt nhìn nó, giọng con bé nghèn nghẹn uất ức thấy rõ.
– Không nhưng nhị gì hết. Không sai thì không việc gì phải cúi đầu cho người ta cười nhạo mình.
Tôi nhìn mấy nhỏ con gái, quả nhiên là im re không hé một lời.
– Nhưng đúng là đồ tui nấu không thể ăn được.
– Lần này không được thì nấu lại lần nữa.
– Nhưng…
– Em yên tâm, nhóc Thiên sẽ giúp em. Nó nhìn vậy thôi chứ nấu ăn ngon lắm. – Tôi xen vào.
Nhìn mặt nó, không nói gì có nghĩa là đồng ý. Trước khi vào nhà bếp nó còn không quên bỏ lại một câu:
– Ai không thể chờ hay không thể nuốt nổi đống thức ăn này thì có thể về. Cửa đằng kia, không tiễn! Hẹn chiều gặp lại.
Được lắm nhóc con! Tôi nhìn nó búng tay cái tách. Nhìn mặt mấy mấy nhỏ con gái đúng tội, nhưng mà cũng ngoan ngoãn ngồi im trên bàn ăn. Tôi nhón nhón đi vào trong bếp.
Thùy Nhi mặt ỉu xìu đứng bên cạnh nó, nó thì đang cố “cứu vớt” lại các món ăn.
– Về sau không biết làm thì đừng có nhận bừa, làm khổ người khác. – Nó nói.
– Tui bảo tui biết sơ sơ chứ có phải giỏi đâu. Với lại, ông giỏi thì sao ngay từ đầu không làm?
– Không thích.
Thùy Nhi bĩu môi, ánh mắt khinh khỉnh nhìn nó.
– Tui nói một thì bà cãi 10, thế sao khi người khác nói bà lại im re vậy?
Cô nhóc cúi đầu.
– Thì đúng là thức ăn dở tệ thật, bắt tui cãi thế nào chứ?!
Nhóc Thiên dừng động tác lại, lấy tay nhéo mũi Thùy Nhi kéo lên.
– Đã bảo là không sai thì không được cúi đầu, nhìn ghét lắm!
Cô nhóc nhăn mặt, nó khẽ cười:
– Chỉ được cái “khôn nhà dại chợ”.
Tôi lấy cái bát, ấm nước, gói mỳ tôm rồi chuồn êm lên phòng. Chuyện tụi nó kệ tụi nó, tôi giờ phải lo cho cái bụng mình trước đã.
———
Trước ngày lên đường đi thi một ngày, tất cả các đội tuyển được nhà trường đãi ăn liên hoan. Ba món ăn bất hủ của trường gồm: bột lọc với chả, sữa đậu nành. Theo thầy cô thì, bột lọc ăn vào để dính kiến thức, uống sữa đậu để đậu. Mấy đứa lớp tôi thì nhìn cái thực đơn đến méo cả mặt.
Trước ngày thi mà ăn mấy thứ này là thấy xui rồi.
Ăn chả + uống sữa đậu = chả + đậu = chả đậu. =.=”
Trong ngày này tôi cũng “hân hạnh” gặp lại Uyển Nhi. Cô nàng nói chung vẫn vậy, tự tin và luôn là tâm điểm của sự chú ý. Cô nàng có đến chúc hắn thi tốt nhưng tôi đứng bên cạnh thì nhận được cái liếc mắt. Hoa khôi có nói nhỏ với tôi một câu: “Tôi không bỏ cuộc, nhất định sẽ cưa được cậu ấy.”
– Uyển Nhi nói gì vậy?
– Nói ông chuẩn bị tâm lý, bạn ấy sẽ theo đuổi ông. – Tôi hút sữa, nhàn nhã trả lời.
– Vậy nói giùm bạn ấy, thật ngại quá, chậu này có hoa rồi.
– Tự đi mà nói!
Tưởng đùa ai dè hắn đi thật. Tôi phải kéo hắn lại.
– Điên à?
– Bà bảo tui đi mà. – Ngây thơ.
Tôi lườm hắn, hắn cười.
– Thôi, uống sữa đi nào. Lấy sức mai thi cho tốt!
.
.
Chiều hôm đó, cả lớp tôi kéo lên chùa cầu may mắn. Đừng hỏi vì sao trước khi thi mà chả có đứa nào cặm cụi ôn bài hay làm bài này nọ, cái đó là luật bất thành văn rồi, trước khi thi một ngày chỉ có chơi và chơi, không bàn về chuyện học.
Đi xa mệt thì mệt nhưng có cái vui ơi là vui. Hát hò, đập phá, nhảy múa này nọ loạn xạ cả lên. Nhỏ Thảo vẫn chưa làm lành với ông Huy và đương nhiên, nó vẫn chưa chịu nói chuyện với tôi. Trong khi đó, tình cảm giữa hắn với tên Huy có vẻ tốt hơn sau ngày hôm đó, vẫn làm bạn và điên khùng với nhau như mọi ngày.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có sự cố xảy ra trên đường về. Xe hắn bị đứt xích. Xui xẻo hơn là chẳng có quán sửa xe nào trên đường. Suốt đường về, tụi nó phải lần lượt thay nhau kéo tôi với hắn. Về được đến khu phố nhà tôi thì tay trái tôi đã không còn cảm giác gì rồi. Đúng là chẳng có cái xui nào giống cái xui này.
Tôi với hắn đành dắt bộ quãng đường về nhà còn lại. Tôi lười, tay thì mỏi, không muốn xuống đi bộ nên ngồi yên sau để hắn dắt. Hắn nhìn tôi chẳng khác gì một đứa con nít lớn đầu thích làm nũng.
Đi được một quãng…
– Này, xuống đi, biết nặng lắm không?
Tôi lắc đầu, bám luôn trên xe.
Thêm một quãng nữa…
– Xuống đi, nặng thật đó!
Tôi vẫn ngồi ì trên xe.
Tôi nhìn hắn im lặng dắt xe mà phát cười, cả cái dáng muốn cáu mà chẳng thể nào cáu được. Nắng chiều không có gay gắt bằng nắng trưa nhưng cũng chói chang lắm. Mồ hôi làm ướt cả áo sơ mi trắng, đầu thì đầu trần. Thấy cũng thương thương!
Tôi nhảy phóc xuống xe, lấy mũ đội cho hắn, còn mình trùm mũ áo. Tránh đi cái nhìn của hắn, tôi giả lơ bước đi trước.
Tay tôi đột nhiên bị kéo lại đằng sau…
– Này, tui hát cho bà nghe nhé!
“…Nắng vàng góc phố, hoa nghiêng dài trong mắt,
Và thu nhẹ trôi rất êm
Chiều nay không có mưa bay
Và anh ngủ quên đã lâu rồi
Ngủ quên trên phố một mình.
Mưa là khúc hát, mưa là năm tháng,
Còn em là những nhớ mong của đời anh.
Chiều nay ko có mưa bay,
Chỉ có những con đường dài
Cùng anh ngồi hát vu vơ…”
(Chiều nay không có mưa bay – Trung Quân Idol)
Tên nào đó rất tự nhiên nắm luôn tay của người nào đó, lại còn hát rất chi là vui vẻ.
– Em nào mà làm “anh” nhớ mong ghê vậy? – Tôi đùa.
– Em này này! – Hắn vung tay lên.
– “Em này này” ở đây rồi còn tìm làm gì nữa?
– Đề phòng trước, – Hắn cười, hơi hơi xiết chặt tay tôi bảo, – Nhưng đừng biến mất vào ngày mưa.
– Vì sao?
– Mưa lạnh. Khó tìm.
– Đồ khùng.
Một buổi chiều, trên đường, có hai cái bóng đi song song nhau, có một điểm nối ở giữa. Bên cạnh, bánh xe đạp vẫn lăn đều.
——–
Ngày thi, 15/3.
5.30′ sáng, tôi dậy làm VSCN.
6h, xách xe qua nhà hắn.
Tôi nhấn chuông, người ra mở cửa cho tôi là mẹ hắn. Mẹ Phan hình như chạy ra từ trong bếp, vẫn còn mang nguyên tạp dề. Bà một mực kéo tôi vào nhà ăn sáng, tôi còn muốn từ chối thì hắn từ đâu xuất hiện ra lệnh:
– Vào nhà ăn sáng!
Còn tự tiện dắt luôn xe đạp tôi vào cổng, tôi giờ, có muốn từ chối cũng chẳng thế được.
Vào nhà người ta đã ăn chực mà ngồi không cũng kì, nên tôi vào bếp phụ mẹ Phan bưng bát đũa ra. Hắn cũng ngoan ngoãn vào bếp giúp tôi xếp bát đũa.
Mẹ Phan đem một tôi phở lớn đẩy về phía tôi
– Ăn nhiều vào mới có sức thi, con ạ!
– Dạ, con cảm ơn bác.
Cả nhà hắn, một bàn ba người ngồi nói cười vui vẻ, tôi không tiện xen vào nên chỉ ngồi ăn rồi ăn. Nhìn kĩ thì hắn trông rất giống ba, nhưng lại có cái vẻ gì đấy tựa tựa mẹ, nhất là đôi mắt. Ba hắn có vẻ là một người vui tính, nói câu nào là khiến cả nhà cười câu nấy, và hình như hơi sợ mẹ hắn. Mỗi lần bà liếc mắt một cái là ông lại im re. Mẹ Phan thì cởi mở, vui vẻ khỏi phải nói rồi. Còn tính cách của hắn, chắc do đột biến mà ra.
– Tâm này, thằng con bác trên lớp chắc được con gái yêu thích lắm nhỉ? – Ba Phan hỏi tôi.
– Dạ, cũng nhiều bác ạ!
– Thằng này, bác biết mà, nó giống bác. Ngoài cái vẻ đẹp trai ra thì nó cũng giỏi nhiều thứ lắm, không giống mấy thằng chỉ được cái mã bây giờ đâu.
Tôi gật đầu cười trừ.
– Con với nó ngồi chung bàn, nó có làm phiền gì con thì cho bác xin lỗi nhé. Thằng bé đối xử với con tốt chứ? – Lần này tới lượt mẹ Phan.
– Dạ…tốt ạ!
Trừ những lúc cãi nhau, móc mỉa, đào bới điểm xấu, lên mặt dạy đời, ra lệnh này nọ thì còn lại đều tốt hết.
– Bác biết mà, thằng Tuấn nhà bác nó chỉ xấu ở cái miệng thôi chứ ruột gan phèo phổi ở trỏng đều tốt hết. Có gì mai sau con lấy nó về rồi con sửa nó từ từ cũng được.
Tôi nghe đến đây thì sặc luôn cả nước. Bác à, bác có lo xa quá không vậy?
Tôi nhận cốc nước từ tay hắn, nốc cạn một hơi. Tự dưng lại thấy mặt mình nóng bừng, không biết nên trả lời thế nào. Thế mà có cái người nào đó che miệng cố nín cười.
Mẹ Phan như nhận ra sự khó xử của tôi, bèn xua tay bảo:
– Được rồi, bác chỉ đùa thôi mà! Nhưng cho bác hỏi một điều, con với nó là gì của nhau vậy? Nó chẳng bao giờ dẫn riêng một đứa con gái về nhà hết.
Tôi cúi gằm mặt, không biết nói sao bây giờ. Len lén đưa mắt lên nhìn hắn tìm cứu viện thì hắn lại bỏ đi đâu mất. Tôi ngồi ấp úng nửa giờ cũng không nặn ra được một chữ.
– Được rồi, ba mẹ tha đi! Tụi con còn phải đi học nữa.
Hắn kéo tôi đi. Tôi đứng dậy không quên chào ba mẹ Phan.
Tôi đi trước, hắn theo sau. Tôi còn loáng thoáng nghe được đoạn đối thoại của cái gia đình này.
– Nhóc con, cuối cùng con bé là…
– Bạn gái con.
– Ông thấy chưa? Nào nào, chung tiền cho tôi! Tôi đã bảo là nó nhất định thích con bé mà.
– Bớt nửa đi!
– Không. Đưa mau!
-…
Tôi đến giờ, mặc dù đã yên vị trên xe nhưng mặt vẫn còn nóng bừng. Thế này thì, cho dù có mời chắc tôi không dám đến nhà hắn ăn sáng nữa đâu. Quá, quá là đau tim!
– Mở ngăn thứ nhất lấy sữa uống đi!
Tôi làm theo lời hắn. Miệng vừa hút sữa vừa nói.
– Ba mẹ Phan có vẻ thương ông nhỉ?
– Tào lao, ba mẹ không thương con thì thương ai?! Thấy thế nào?
– Nói chung rất vui vẻ, rất có không khí ấm cúng của một gia đình.
– Mẹ bảo, lần sau lại mời bà tới.
– Thôi tui không dám đâu, hãi rồi. – Tôi lắc lắc đầu, nhe răng cười.
Đi lên trường, chưa gì đã thấy nguyên một dàn ô tô đợi sẵn. Bởi vì mỗi môn sẽ thi ở mỗi hội đồng thi khác nhau nên đương nhiên phải phân ra nhiều xe khác nhau. Đội Địa tụi tôi đi chung xe với đội Sử, còn hắn ở đội Toán thì chung xe với Lý, Hóa. Nói chung là mỗi đứa một nơi nên chỉ có thể gặp mặt rồi chúng nhau lên đường bình an. Trước lúc lên xe, cả lớp tôi tụ tập lại một chỗ chồng tay lên nhau thể hiện quyết tâm.
Dù thế nào thì cũng phải oanh oanh liệt liệt đi về.
Tôi nhận được lời chúc của rất nhiều người, trong đó có cả cậu bạn Thế Nam và có cả…nhỏ Thảo. Mặc dù nó chỉ gửi tin nhắn nhưng đối với tôi như vậy là đủ.
“Mày cũng thi tốt nha!”
Tôi chuẩn bị bước lên xe thì hắn từ đâu ra kéo tôi lại, quăng cho tôi hộp sữa.
– Uống đi cho đầu nó thông minh ra, làm bài cho tốt!
– Tui chỉ sợ, uống nhiều quá nó không có đường ra thì khổ.
– Vậy đi, tui dắt bà đi thăm Washington City lấy tinh thần. – Hắn nhăn nhở cười.
– Ông đi một mình đi! – Gần ra chiến trường rồi mà nhìn hắn chẳng chút lo gì cả.
– Này, lại đây bảo!
Hắn đột nhiên kéo tôi lại gần rồi bẹo má.
– Bình tĩnh, tự tin, chiến thắng! Không việc gì phải sợ, cố lên, tui tin bà làm được mà!
Hắn nói giọng chắc nịch, khí thế tôi có thể đã rất hừng hực nếu không có thêm câu sau của hắn.
– Nếu làm không được thì bà xác định đào mồ chôn luôn cái hạnh kiểm của mình đi.
Hắn nói xong câu đó liền nhẹ nhàng rời đi.
– Đồ-đáng-chết, Phan Thiên Tuấn!
Sáng hôm đó, năm chiếc xe chở các sĩ tử hùng dũng ra chiến trường.
|
Chương 29
“Rầm! Rầm! Rầm!”
– Này, mấy ông không mở cửa thì đừng trách!
– Mở cửa, mở cửa ra!
-…
Một đám đông ồn ào tập trung trước cửa lớp. Chả biết có chuyện gì mà đám chị em phụ nữ trong lớp giống như bạo động thế kia. Nhìn cái cửa đóng kín như thế thì chắc lại tụi con trai bày trò đây.
Với sức công phá của lớp trưởng cùng với mấy cái miệng không-hề-nhỏ của hội chị em trong lớp thì chắc bên kia có vài tên chống đỡ không nổi rồi.
– Tụi mày nhanh lên, hết giờ rồi!
– Mấy nhỏ này có phải là con gái không vậy, khỏe quá trời quá đất.
Giọng này thì chắc của tên Lâm không sai.
– Mấy thằng kia, làm gì trong đó vậy hả? – Cả “chị” Minh cũng lên tiếng.
– Nhanh nhanh đi, Boss lớn đến rồi!
Đến khi cánh cửa bật mở, biểu hiện chung của cả đám con gái là trợn tròn mắt và há hốc mồm. Giây sau đó là ôm bụng cười nắc nẻ, cười lăn lộn, cười quên cả trời đất.
Nhìn mà xem, ha ha, cái đám luôn tự nhận mình là nam nhi, lúc nào cũng chê con gái tụi tôi điệu đà này nọ thế mà đang mặc cái gì đây? Nếu không lầm thì nó là váy, còn là váy sọc ca-rô màu hồng mới ghê. Giờ thì lớp này đồng giới hết rồi nhỉ?
Mấy tên con trai bị tụi con gái cười đến thối cả mặt, ngượng ngùng nhìn nhau chả biết làm thế nào.
Trang “trưởng” là đứa lấy lại bình tĩnh đầu tiên, bảo:
– Mục đích mấy ông đến Trái Đất là gì vậy?
Mặt mấy ổng càng ngày càng thối không thể tả.
– Thấy chưa, tao bảo mấy bả sẽ cười vào mặt tụi mình cho xem!
– Cái này…mát vậy mà sao mấy bả mang được vậy nhỉ?
Chị em con gái cười thì cười nhưng cũng vào lớp đứa nào yên vị chỗ nấy. Nhỏ Trang tiện tay đóng cửa lại. Nếu lớp ngoài mà thấy thì còn gì là mặt mũi con trai 9A1.
Cánh con trai xếp thành hai hàng trên bục giảng, mặt ông nào ông nấy như cà chua cuối mùa. Dù rất muốn nhịn cười nhưng lại nhìn xuống cái chân dưới mấy cái váy, cái nào cũng to như cột đình mà lại toàn lông với cả lá là tôi lại không thể nhịn được cười.
Đèn trong phòng bị tắt. Trên bảng trình chiếu lần lượt hiện lên từng khuôn mặt quen thuộc. Tụi con gái phía dưới gần như vỡ òa lên.
“Ngày gọi tia nắng lóng lánh qua hàng mi,
Chở nụ cười em tươi lung linh trên phố.
Ngại ngùng như thế, đôi môi em khẽ cười,
Đôi chân em cất lời,
Tình yêu ngày xanh là em hồn nhiên.
Vui là con gái, ha!
Vui là con gái ha!…”
Đám con trai bắt đầu hát, thêm cái động tác cầm váy nhún qua nhún lại y hệt mấy đứa mẫu giáo. Tự dưng thấy mấy ổng đáng yêu gì đâu!
“… Tiếng thương, tiếng yêu,
Tiếng ca, tiếng lòng,
Nhẹ thôi người ơi!
Hát em nghe mùa yêu.
Vui là con gái, ha, là con gái thật tuyệt!
Vừa thấy em tinh khôi trẻ con.
Vui là con gái, ha, là con gái thật tuyệt!
Lại thấy em ưu tư trầm ngâm.
Vui là con gái, ha, là con gái thật tuyệt!
Thấy em phiêu du cùng mây.”
“I’M A GIRL!”
Hành động quá ư dễ thương của đám con trai làm tim của một nửa trong lớp rung rinh dữ dội.
Một tên xấu hổ bước ra phát biểu:
– 8/3 qua lâu rồi nhưng vì bận thi nên giờ mới có thể làm món quà nho nhỏ tặng cho con gái lớp mình. Chúc một phần không thể thiếu của lớp ngày càng xinh, học giỏi, bớt dữ lại, bớt ăn hiếp tụi tui lại. Mong năm nào mấy bà cũng vui vẻ trong cái ngày này và mãi mãi đáng yêu như vậy nhé, con gái 9A1!
Nói không đầu không đuôi, cũng không ra hồn nhưng lại làm con gái cảm động đến rơi nước mắt. Không ngờ con trai lớp này lại tinh tế đến thế.
– Con trai tụi em cũng chúc Boss càng ngày càng xinh, gặt hái được nhiều thành công trong việc giảng dạy và nhanh có cái kết hạnh phúc với người ấy để tụi em còn được ăn cưới nữa.
Ngày hôm đó, ngày yên bình nhất thế giới, ít nhất là đối với 9A1. Với con gái, con trai trở thành một điều gì đó đặc biệt lắm và tự dưng, con gái thấy con trai dễ thương hẳn.
Chợt nhớ, sáng hôm nay, có người nào đấy chẳng thèm qua nhà chở mình đi học, thì ra… lên đây “thử” váy.
.
.
Kiểm tra 15′ Văn.
“Chị” Minh ác thế đấy, thi về chưa được bao lâu, nghĩ ngơi, chơi bời còn chưa đã đã tống liền cho tụi tôi một đống bài kiểm tra. Hôm trước mới một tiết xong giờ lại đến 15′, đến chóng cả mặt.
Mà lớp tôi thì kêu khổ thôi rồi. Đường đường là lớp Chuyên, nam đương nhiên nhiều hơn nữ, thiên về tự nhiên cũng là lẽ thường. Xui xẻo thế nào GVCN lại dạy Văn. Toán khó, Lý khó, Hóa khó tụi nó có thể ngồi hàng giờ để giải cho ra nhưng đến Văn thì cắn bút cả ngày cũng chả lọt ra nửa chữ. Vậy nên, mặc dù là môn của GVCN nhưng đừng hỏi tụi nó tại sao lại be bét thế. Cơ mà nói đi cũng phải nói lại, nếu không có “chị” Minh “đôn đốc” thì chắc tụi nó đã chết chìm trong thi học kì với môn Văn rồi.
Tên bên cạnh tôi, hắn có thể giỏi tất cả các môn, nhưng chắc chắn không có Văn. Không biết có phải hắn bị chai lì cảm xúc hay không, mà cũng không phải, nói huỵch tẹt ra là hắn chả biết viết cái gì cả. Lớp 6 học tả, hắn tả cuốn sách Ngữ Văn trong 8 câu, không thừa không thiếu. Lúc đấy tôi đã thấy ngờ ngợ hắn rồi. Qua thêm mấy năm nữa, tôi biết thêm một điều, với môn Văn, hắn không phải ngu bình thường, nói hắn không biết gì cũng chả sai. Nếu bắt hắn làm văn kể một câu chuyện, chắc chắn một điều là câu chuyện đó không có thực và thêm một điều nữa là nó nhạt như nước lã. À còn nữa, nó ngắn đến không ngờ. Lớn lên lớp 8, lớp 9, học Văn toàn là nghị luận với cả thuyết minh, không học thì chả biết chém thế nào. Người ta học ý chính, học dàn bài, hắn thì học luôn cả bài vì thực chất dù có để luôn cái dàn bài trước mặt hắn cũng chả biết diễn đạt thế nào để thành bài văn.
Chốt một câu, hắn hoàn toàn ngu văn, mà cái ngu này không thể chữa được.
Đề bài: Hãy viết một đoạn văn 5 câu nói về tình yêu học trò, trong đó có sử dụng các phép liên kết câu trong văn bản.
Trời, cái đề kiểu gì vậy?
Tôi bất giác nhìn sang hắn. Hắn ngơ ngác nhìn cái đề kì quái trên bảng, sau đó lại quay sang nhìn tôi.
– Là viết thế nào?
Đấy, ngồi chung với hắn 4 năm và mỗi lần kiểm tra Văn thì đó luôn là câu đầu tiên hắn nói với tôi.
– Tui biết chết liền. – “Chị” Minh đúng thật chả bao giờ ra đề giống ai.
– “Tình yêu học trò” là cái quái gì?
Hắn vừa nói xong câu đó, không hẹn mà tôi với hắn cùng quay sang hai hướng khác.
Đồ điên, cứ thích nói linh tinh!
Ngồi một lát thì góc áo bị người nào đó kéo. Tôi giả lơ, tên nào đó lại tiên tục giật giật.
Tôi quay sang hắn hỏi:
– Học liên kết câu chưa?
– Rồi.
– Biết tình cảm học trò là cái gì chưa?
Cái đầu to có hai con mắt ngơ ngơ nhìn tôi, sau cái đầu đó gật gật.
– Vậy viết đi!
– Viết thế nào?
– Nghĩ gì viết nấy! Ví dụ như ông đi lên trường sớm, ông gặp cái bạn nào xinh xinh í, tóc bạn í dài bay bay trong gió, bạn í nhìn ông cười rõ xinh rồi ông để ý bạn í, thế đấy.
– Vậy thôi hả?
– Ừ.
15′ sau, khi nhìn sang bài làm của hắn, mặt tôi chỉ có thể nói là không-nói-nên-lời.
Trích nguyên văn bài làm của học sinh Phan Thiên Tuấn:
“Một buổi sáng mùa thu đẹp trời, tôi lên trường sớm để trực nhật. Trời trong xanh có gió nhẹ, mây trắng trôi lững lờ. Giữa sân trường, một tấm áo trắng đang đứng, tóc đen dài bay bay trong gió. Tôi tưởng tượng khi cậu ấy quay lại, nở nụ cười với tôi, tim tôi như tan ra. Khẽ cất tiếng gọi, “cậu ấy” quay lại, thì ra là bác lao công.”
– Tui không ngờ ông với bác lao công có “kỉ niệm đẹp” thế đấy.
Tôi ngồi sau xe hắn, trùm áo đội mũ núp nắng sau lưng hắn. Thế quái nào mà dù dưỡng thế nào da tôi cũng chẳng thể trắng bằng hắn, mặc dù hắn thường xuyên giơ đầu trần ra đường. Con gái mà đen hơn con trai ra đường cũng ngại chứ, chỉ biết trách ông trời đối xử quá bất công thôi.
– Lúc nãy bà bảo tui làm thế mà.
– Nhưng cũng phải cho bạn gái nào xinh xinh thì chuyện nó mới lãng mạn, tự dưng thêm bác lao công vào, rõ vô duyên.
– Giờ đó ngoại trừ bác lao công ra còn ai nữa đâu, thực tế nó vậy mà.
Trời ạ, đôi khi ổng thật thà một cách quá đáng!
– Với tại cái người muốn viết thì lại xấu một cái quá đáng, đến nỗi chả biết viết gì.
– Này này, nói gì vậy hả? Nói lại xem.
Tôi nhéo hông hắn thật mạnh.
– Đau đau, được rồi, đẹp, đau, đã bảo là đẹp mà…
Ngày trả bài, chuyện tình sáng sớm của hắn với bác lao công được vinh dự đọc trước lớp, khỏi phải nói tụi trong lớp cười ngả nghiêng thế nào. Tụi nó còn nhìn tôi kiểu “Mày ngược đãi ổng nên ổng mới tìm đến với bác lao công đấy!”, tôi thật muốn tìm cái lỗ chó nào chui xuống cho xong.
——–
Trời mùa hè càng ngày càng nóng, nóng như lửa đốt, nóng hầm hập, nóng đổ mồ hôi. Một buổi chiều thứ 7 nóng chảy mỡ, tôi nằm phè phỡn ở nhà với… quạt máy, bên cạnh là ly nước đầy đá. Uống rồi đi ra, uống rồi lại đi ra, cái hành động đó lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Nhà có mỗi một chiếc máy lạnh mà khổ nỗi giờ nó nằm ngoài tiệm sửa chữa đời nào rồi. Tôi chỉ biết kêu than. Sao lại nóng thế này, sao Việt Nam lại nóng như thiêu người thế này?
– Tâm ơi, Tâm! Tâm ơi!
Trưa nắng nóng mà đứa nào đến nhà tôi gọi hồn thế không biết. Dù không muốn nhưng tôi vẫn phải chạy muốn mở cửa, đơn giản ngoài tôi ra thì trong nhà bây giờ chẳng có ma nào.
– Trưa nắng mày đến nhà tao làm gì vậy?
Cái Trang mặt mũi đỏ bừng đứng trước nhà tôi. Nó vừa dắt xe vào nhà vừa thở, thở như chưa bao giờ được thở.
Tôi chỉ vào cái balo sau lưng nó hỏi:
– Mày định qua nhà tao tị nạn hả? Xui cho mày, máy lạnh nhà tao hư rồi.
– Tao đâu có tệ như mày. Vào trong đi, ngoài này nóng quá! Tao đạp đến nhà mày muốn đứt hơi.
Đặt cốc nước đá xuống bàn, nó thỏa mãn nằm lăn ra giường tôi.
Trang “trưởng” nói:
– Tao định qua nhà nhỏ Thảo.
– Thì qua đó đi.
– Nó rủ tao qua nhà nó ở lại, ba mẹ nó đi công tác rồi, giờ nó chỉ ở nhà một mình. Tao định rủ mày đi chung luôn.
– Thôi tao không đi đâu, mày rủ nhỏ Phương đi.
– Cái Phương nó bận rồi.
Tôi với nó còn chưa làm hòa, giờ tự dưng mặt dày qua nhà nó, còn ở lại mới ghê. Giận thì hết rồi nhưng nhìn mặt nhau cứ thấy kì kì.
– Vậy mày đi một mình đi.
– Hai đứa tụi bây bướng như nhau, bạn bè chẳng lẽ cả đời không nhìn mặt nhau. Nó không chịu nhường thì thôi mày nhường nó chút đi.
– Nhưng mà… nó kì kì.
– Kì quái gì? Đi đi mà, tao năn nỉ. Mày với nó nhân dịp này làm lành luôn.
– Thôi, tao thấy…
Tôi thì ngại mà nhỏ Trang thì cứ ở một bên tru tréo, một câu “đi”, hai câu “đi”, ba câu “đi”. Đấu tranh tư tưởng một hồi, thôi thì làm người mặt dày một lần cũng chả chết ai.
Để lại thông báo cho ba mẹ, tôi xách balo lên và đi.
.
.
Nhỏ Thảo ra mở cửa, tôi thì cười hơ hớ như con ngố. Nó chẳng nói gì cả, cũng chả tỏ ra khó chịu hay mừng rỡ gì. Nó càng ngày trông càng giống cái Phương, ít nói hẳn.
Vào nhà nó nhiều lần rồi nhưng chưa bao giờ thấy mất tự nhiên như lần này. Có cảm giác như mình không được hoan nghênh nhưng cứ mặt dày đi tới.
– Vậy chiều nay ăn gì?
Cái Trang vào bếp lục lọi một hồi rồi ngơ ngác hỏi nhỏ Thảo.
– Để tao ra chợ, mày ở nhà cắm cơm đi.
– Ok, mà nhớ mua đồ ăn vặt, cả nước nữa. Tâm, mày đi với nó đi.
Tôi nhìn sang cái Trang muốn hỏi: “Cái quái gì vậy?”.
Nó chẳng nói chẳng rằng tống luôn hai đứa ra khỏi cửa, còn nháy mắt rất chi là “đáng yêu”. Nhưng làm cho nó thất vọng rồi. Tôi với cái Thảo cả đoạn đi lẫn đoạn về chẳng thèm nói với nhau câu nào. Tôi cũng muốn bắt chuyện nhưng khi nhìn nó lại thôi.
Buổi tối, ba đứa lần lượt thăm nhà tắm rồi leo lên giường nằm. Nhà cái Thảo có mình nó là con một nên sướng phải biết, trong phòng lắp sẵn máy điều hòa, chẳng bù cho nhà tôi. Ba đứa nằm một giường công nhận là có chút chật, cái Trang nằm giữa tôi với nhỏ Thảo. Trang “trưởng” chính là người đề cử vụ xem TV nhưng chưa hết bộ phim đã lăn đùng ra ngủ mất tiêu.
Tôi nằm xoay qua xoay lại một hồi vẫn không thể nào ngủ được trong khi đó cái con nhỏ bên cạnh lại ngáy khò khò ngon lành. Chợt điện thoại dưới gối rung lên… Tôi nhổm người dậy nhìn sang bên kia, thấy nhỏ Thảo quay lưng lại, chắc đã ngủ rồi nên tôi mới dám bắt điện thoại.
Tôi hạ giọng xuống mức nhỏ nhất:
– Này điên à, giờ này điện làm gì?
– Mới 10h30′ mà. Nghe giọng… đang dấu giếm gì phải không?
Nếu lúc trước tôi ở nhà thì khác, một mình một phòng chả phải sợ bố con thằng nào. Nhưng bây giờ là đang ở nhà người ta, đâu thể làm theo ý mình. Với cả, tôi mà phá giấc ngủ của cái Trang, nó nhất định sẽ băm vằm, xé xác tôi ra.
Bên kia thấy tôi không trả lời nên lại tiếp tục.
– Này này, đừng có nói đang có động vật giống đực trong phòng ấy nhé!
– Không chỉ một mà là hai. – Tôi đùa.
Bên kia đột nhiên im lặng một hồi, sau đó…
– Chôn sống không cho nó đẻ trứng.
– Đã là giống đực thì lấy trứng đâu mà đẻ.
– Vậy thiến nó đi.
Tôi “…”
– Thật ra tui đang ở nhà nhỏ Thảo.
– Làm lành rồi à?
– Lành đâu? Do nó đang ở nhà một mình, tui bị cái Trang lôi qua ấy chứ.
– Con gái mấy bà giận dai ghê, như con trai tụi tôi đây có phải khỏe không.
Tôi tức mình chửi:
– Còn không phải do ông.
– Này này, tui là vô tội nhé. Đừng có mà “giận cá chém thớt”.
Tôi hỏi hắn:
– Sao ông biết nhỏ Thảo thích ông mà ông không nói cho tui?
– Hâm à? Nói cho bà làm gì với cả chuyện này lâu rồi, đâu còn quan trọng nữa.
Nằm một chút, tôi lại hỏi hắn:
– Này, mẫu người con gái ông thích là như thế nào?
– Một là học thật giỏi và không có gì cả, hai là không học giỏi và có tất cả.
Bên kia còn vang lên tiếng cười.
– Tui không có đùa.
– Bà đừng tự làm tổn thương mình, dù tui có nói ra thì bà cũng không trúng được một cái trong đó đâu. Vừa xấu vừa khờ lại còn không biết phấn đấu như bà thì trên đời này chỉ có một thôi.
– Vừa xấu tính lại xấu bụng như ông trên đời này cũng chỉ có một thôi.
Đầu dây bên kia tiếng cười còn to hơn.
– Không nói chuyện nữa, con vừa xấu vừa khờ này đi ngủ đây. Tối nay gặp ác mộng nhé!
Tôi tắt điện thoại được một lát thì có tin nhắn tới.
From Die Cún: Thấy ác mộng cũng chẳng bằng thấy bà đâu.
Tôi không trả lời, nói chuyện với hắn quá hại não.
– Mày với ổng trông chẳng giống như đang yêu nhau nhỉ?
Tôi nghe tiếng nhỏ Thảo nói, âm thanh nhỏ nhẹ vang lên trong không gian yên ắng.
Tôi cười:
– Chắc tao với ổng không giống người bình thường.
Chẳng có cảm giác gì như đang yêu cả, nhưng tôi lại thích cái cảm giác này, nhẹ nhàng và thoải mái.
– Tao cũng từng được như mày đấy, cũng có người quan tâm, có người bên cạnh, có người làm tao vui, làm tao cười, nhường nhịn tao đủ thứ, chia sẻ với tao mọi điều. Nhưng tao lỡ đánh mất người đó rồi.
Tôi im lặng, nghe nó nói tiếp.
– Tao thừa nhận là tao cảm thấy ganh tỵ với mày. Mọi chuyện tao đều đem ông Tuấn với người đó ra so sánh, và tự dưng tao thấy… Ngu ngốc quá phải không? Vì sự tham lam, ích kỉ của bản thân, tao đã làm người đó tổn thương, khiến những người bên cạnh tao cảm thấy không vui.
– Mày đúng là một đứa ngu. Một người hoàn hảo nhưng không thương mày thì đem về cũng chẳng để làm gì đâu, ông Huy là người tốt mặc dù đôi khi cũng hơi trẻ con. Ổng đã suýt đánh nhau với ông Tuấn chỉ vì mày đấy, ổng muốn hơn.
Nhỏ Thảo đột nhiên im lặng không nói.
Tôi nói tiếp:
– Người đó vẫn đang chờ mày đấy, đừng bướng nữa và về đi!
.
.
– Tao xin lỗi.
Tôi cuộn trong chăn, mỉm cười.
——
Mới 5h sáng, hai đứa nó bật dậy rồi lôi đầu tôi dậy với lý do “Đi biển”.
Biển biếc gì chứ, tôi muốn ngủ, tôi buồn ngủ, chỉ muốn ngủ.
– Tụi mày đi đi, tao ở nhà.
Tôi lại vùi đầu vào chăn ngủ tiếp.
– Đi đi, tắm biển sáng cho khỏe người.
– Nhanh, dậy nhanh, mày lười chảy thây ra.
Và bằng cách nào đó, tôi đã ra biển và ngồi gật lên gật xuống trên cát. Mặt dù muốn nhìn để thấy cái gọi là “bình minh trên biển” nhưng hai mắt tôi cứ díu cả lại, đầu óc cũng đình chỉ hoạt động chuyển sang trạng thái ngủ.
Hai đứa nó vừa đến đã lao ngay xuống biển, tôi không thích lắm, mà thật ra là không biết bơi nên chả ham xuống nước làm gì. Tôi ngồi trên cát làm nhiệm vụ trông dép, giữ đồ nhưng trong tình trạng này thì sợ có người lấy trộm tôi cũng chẳng biết nữa là.
Ngủ ngồi như thế này thật là mỏi cổ, đầu hết gục sang bên này lại nghiêng bên kia. Bỗng từ đâu có người ngồi xuống cạnh tôi, còn bảo:
– Không xuống biển mà ngồi đây làm gì?
– Buồn ngủ.
– Riết rồi như heo.
Kẻ nào đó mắng.
– Xuống biển đi, đừng ở đây ồn ào!
Tôi quay đầu sang bên kia tiếp tục ngủ.
Được một lúc thì nắng chiếu thẳng vào mặt nên chẳng thể nào ngủ được nữa. Người xuống tắm biển cũng càng lúc càng đông hơn.
Tôi vươn người, ngáp một cái rõ to, vô tình đụng trúng kẻ nào đó ngồi bên cạnh. Xoa xoa mắt đẫm nước, tôi mắt nhắm mắt mở nhìn sang.
Chưa kịp nhìn được gì đã bị tên chết tiệt nào đó đập ngay khăn giấy vào mặt.
– Nhìn mặt bà giờ rõ khiếp!
– Có ai bảo ông nhìn đâu, chẳng biết cái gì gọi là “thương hoa tiếc ngọc”.
Tôi lấy khăn lau mặt. Giờ chả cần nhìn cũng đủ biết là ai, nói chuyện với tôi với giọng điệu mắc dịch ấy thì ngoài hắn ra chẳng còn ai.
– Vậy muốn “thương hoa tiếc ngọc” hả? – Hắn bỗng cười cười rồi đổi giọng. – Bạn Tâm ngồi im nha, để bạn Tuấn lau mặt cho bạn Tâm ha.
Chưa kịp để hắn sấn tới, tôi đã đạp hắn ra xa.
– Biến nhanh!
Hắn lăn quay ra cát cười ha ha. Tôi thấy chẳng có gì đáng cười cả. Lướt mắt nhìn xung quanh, thấy có mấy em gái xinh xinh đang đưa mắt nhìn hắn, lại nhìn đến hắn trông chẳng khác gì một tên dở người lăn quay trên đất.
Tôi chép miệng, cố ý nói lớn:
– Chẹp, tiếc thật, đẹp trai mà bị điên.
Mấy em gái quay đầu đi luôn, không một lần nhìn lại.
.
.
Chắc chẳng có đứa nào như tôi, ra biển lúc 5h sáng, ngủ gà ngủ gật trên cát đến khi mặt trời chiếu thẳng mặt mới chịu tỉnh. Lúc tôi muốn xuống thì mọi người muốn về.
– Ông ra đây với ai?
– Ba thằng đực rựa tụi nó chứ ai.
– Tui đi với cái Trang, nhỏ Thảo mà giờ không biết tụi nó đâu rồi.
– Khi mấy đứa nó tung tăng tung tẩy dưới đó thì mắt bà còn chưa mở nổi thì biết cái gì.
Tôi thúc vào hông hắn một cú. Chôn tạm đồ dưới cát, tôi với hắn xuống biển.
– Không xuống tắm mà ngồi trên đó làm gì?
– Tui sợ bà bị bắt cóc. Lỡ có chuyện gì mai sau con tui mất mẹ thì khổ.
Tôi thẳng chân đạp luôn hắn xuống nước, can tội phát ngôn linh tinh.
Và khi nước bắn lên người, tôi mới phát hiện ra một điều đặc biệt. Thế quái nào tôi mang áo trắng nãy giờ mà tôi không biết? Hôm qua mang áo phông này đi ngủ, sáng sớm… Ôi tôi chết mất!
Vốn định chạy ngược lại lên bờ, ai ngờ tên khốn nào đấy cầm tay lôi tôi xuống nước để trả thù.
Nước mặn sộc vào mũi, tràn vào miệng, mắt thì cay xè. Tôi có cảm giác như mình muốn khóc đến nơi.
– Này, chơi kiểu gì kì vậy hả?
Tôi dụi mắt, lấy tay đập liên tiếp vào người hắn.
– Xuống biển phải tắm chứ! Một mình tui tắm thì đâu có công bằng. – Hắn nhe răng cười.
– Tui đi tìm nhỏ Thảo đây.
Hiện tại, không thể ở chung với tên này được, tôi cần tìm cứu viện.
Chẳng nói chẳng rằng, hắn đột nhiên kéo tôi ra ngoài xa, đến khi mực nước ngang vai tôi thì dừng lại.
Hắn quay phắt lại hỏi tôi:
– Sao không chịu nói sớm?
– Nói gì cơ?
Tự dưng kéo tôi ra đây rồi bắt tôi nói gì mới được.
– Chết tiệt…
Hắn tự dưng chửi bậy rồi vò đầu bứt tai cả nửa buổi, cuối cùng là hắn cởi áo.
Tôi theo bản năng la toáng lên:
– Này này, ông định làm gì vậy hả? Ở đây là nơi công cộng, cấm làm bậy à.
– Bậy bậy cái đầu bà, mặc áo đó vào đi!
Hắn quăng cái áo đen cho rồi xong rồi xoay lưng về phía tôi luôn. Tôi chỉ biết im lặng làm theo lời hắn, nhặt cái áo đen ướt nhẹp mang vào, tự dưng thấy xấu hổ kinh khủng.
Chẳng nói chẳng rằng, hai đứa xoay lưng vào nhau. Tôi ngâm hơn nửa mặt xuống nước, xấu hổ, quá ư xấu hổ.
– E hèm, đi tìm tụi nó chứ nhỉ!
Chẳng để hắn kịp đáp, tôi vội chuồn trước, hắn lẽo đẽo theo sau.
Thấy cái Trang ở cùng chỗ ông Phong, tôi mừng đến rơi nước mắt. Thấy tôi mang áo hắn, hắn lại đang cởi trần, sự việc này gây chấn động mãnh liệt.
– Hai đứa mày… làm chuyện gì mờ ám xong phải không?
Tụi nó sấn lại hỏi tới tấp.
– Ê Tuấn, có bao giờ mày tắm biển mà cởi áo đâu, sao hôm nay lại…
Tôi bí quá phải kéo cái Trang ra một góc để thủ thỉ chuyện-khó-nói.
– Mấy chú trật tự, chẳng có chuyện gì để phải ồn ào cả. Mà nếu có chuyện thì cũng phải để đôi trẻ tự giải quyết chứ mình xen vào chả ích lợi gì đâu.
– Mày nói cái quái gì vậy hả? – Tôi nghiến răng nói.
Nó còn quay sang tên Tuấn giơ ngón… trỏ.
Không thấy ông Huy với nhỏ Thảo đâu, tôi thấy lạ mới hỏi.
– Hai đứa nó dắt nhau đi tìm nơi tâm sự rồi.
Đúng lúc ấy thì hai con người đó quay lại, mặt mày ai cũng toe toét. Thế này thì đủ biết là “cơm lành, canh ngọt” lại rồi.
.
.
Lúc ra về, có người kéo tôi lại mắng.
– Hậu đậu vừa thôi, lỡ không có tui thì biết làm thế nào?
– Lấy áo thằng khác mang. – Tôi đùa.
– Dám?
– Sao lại không? Nhưng tiếc là áo thằng khác không thơm được thế này.
Tôi giả lơ nói.
– Thật không?
– Xạo đấy.
Thật ra là áo thằng khác không mặc thích thế này.
Mặc dù, mặc vào trông tôi như con ngố.
– À này, nhìn ông… chẳng khác gì con gái.
Nói xong, tôi chạy thẳng.
Tối về, không biết đầu hắn bị nhiễm mặn hay sao mà gửi cho tôi một tấm hình bán-khỏa-thân, cùng với cái tít “Men thế này mà bảo giống con gái à?”. Tôi gắng lắm mới không để nước phọt ra ngoài.
Nghĩ lại, cứ như thằng bê. =.=”
|
Chương 30
Một buổi tối của một ngày bình thường, trời đen thui và đầy sao, tôi nằm ềnh ra giường, thưởng thức khuôn mặt ngàn năm có một của thằng em trai yêu quý.
Nó ngồi ghế đối diện giường, vòng tay càu nhàu:
– Bà ngồi dậy đàng hoàng coi, khó coi quá đi mất.
Tôi bơ lời nó nói, vung tay vung chân đủ kiểu làm dáng rồi ra lệnh cho nó:
– Nô tỳ đâu? Bổn cung muốn ăn sữa chua?
– Nô tỳ cái khỉ…
– Định giúp thế mà, haiz, thôi bỏ đi!
Vừa nghe tôi nói, kẻ nào đấy vác cái mặt mâm xuống bếp, dù muốn dù không chốc sau lại mang lên cho tôi hộp sữa chua.
– Thái giám đâu, Trẫm khát nước.
Thế là có kẻ nào đấy lại lò dò xuống bếp.
– Thái giám, Trẫm nóng.
– Nô tỳ, Bổn cung muốn ăn kem.
– Thái giám…
– Nô tỳ…
-…
Các thầy cô và các mẹ luôn luôn dạy các bạn, khi muốn nhờ người khác giúp đỡ mình, ngoài nói “làm ơn” một cách thật nhỏ nhẹ và chân thành ra thì các bạn còn phải thể hiện bằng hành động. Hành động là như thế nào? Đầu tiên, các bạn phải biết ngoan ngoãn và biết nghe lời. Thứ hai, các bạn phải làm theo mọi yêu cầu mà người ta muốn, cái này gọi là “có qua có lại mới toại lòng nhau” đấy. Điều cuối cùng, các bạn phải luôn luôn nở nụ cười, trong mọi hoàn cảnh đều cần nụ cười, nó cho thấy mọi sự đều là do bạn “muốn” chứ không phải “bắt buộc”.
Đây, nhóc Thiên cũng đang trong tình cảnh này, nó là người nhờ và tôi là người được nhờ. Làm chị nó bao lâu nay, được cơ hội này không cho nó ăn hành thì hơi phí.
– Giờ muốn gì nữa?
Nó nhìn tôi như kiểu “Nếu không phải có việc thì bà đừng mơ!”.
Tôi lại nằm sải ra giường.
– Được rồi, chị đây sẽ theo yêu cầu của mày.
– Nhớ đấy!
Nó nói xong câu đấy, đi thằng một mạch về phòng.
Tôi lấy máy ra nhắn tin.
Tôi: “Này tình yêu ơi, mai mình hẹn hò nhở?”.
Một lát thì máy báo có tin nhắn.
Die Cún: “Nhớ người ta đến thế cơ à?”
Tôi: “Nhớ cái mông.”
Một lúc sau vẫn không thấy hắn nhắn tin lại, tôi mới nhắn thêm một tin nữa.
Tôi: “Này, đi đâu vậy?”.
Die Cún: “Tránh chỗ để bà còn giải quyết nỗi buồn, bảo nhớ cái mông còn gì”.
Tôi: =.=”
.
.
– Bà bảo hẹn hò là ở đây hả? Cả hai đứa nhóc kia nữa.
Hắn chỉ về đằng sau, mắt lườm tôi như muốn nói “Bà đang đùa à?”.
– Ừ, người ta nhờ chẳng lẽ mình không giúp.
– Nhưng tui đã đồng ý đâu.
Giọng điệu hắn cực kì, cực-kì-không-hài-lòng.
– Tui biết ông sẽ đồng ý mà. Ông cũng rảnh mà, cứ coi như làm việc bán thời gian kiếm thêm kinh nghiệm đi.
Tôi đứng ở một bên thổi thêm gió mát, nhìn mặt hắn cau có phát sợ.
Kẻ nào đấy hầm hầm bỏ vào trước.
– Vào thôi, hai người đúng là lằng nhằng. – Nhóc Thiên.
Nhà Em dâu mới mở một quán cà phê, hôm nay là ngày khai trương nhưng lại có trục trặc về nhân sự. Thành khử nhóc Nhi nhờ thằng em nhà tôi đến phụ giúp, nó chắc nghĩ ít người quá nên lôi cả tôi, tôi thấy vui nên kéo theo cả hắn.
Tiệm nằm ở khu phố sầm uất nhất của thành phố, với cái tên khá ngộ “Xon Xen”. Quán chỉ có một tầng nhưng được cái rộng và trang trí khá bắt mắt. Nhìn kiểu cách trang trí của quán thì có lẽ đối tượng hướng đến là học sinh và sinh viên, nhưng nếu có người muốn chọn một chỗ phù hợp để làm việc thì nơi đây cũng không phải là ý kiến tồi.
Ba đứa tôi được Em dâu dẫn về phía sau thay quần áo. Nói cho oai vậy thôi chứ đồng phục quán chỉ có chiếc áo sơ-mi xanh kẻ sọc đen, trên đó có in hình logo quán. Xong xuôi, cả đám được đưa ra quầy bar và lần lượt được phân việc. Hắn đứng làm ông thần gác cửa, nhóc Nhi, tôi với cái Thiên làm phục vụ. Ngoài ra, trong quán còn có hai người ở quầy làm nhiệm vụ pha chế.
Tôi đến trước một tủ kính lớn, bên trong chứa đủ loại bánh nhiều kích cỡ khác nhau, chỉ một chữ thôi: “thèm”.
– Có muốn ăn không?
– Dạ, cháu chào cô.
Nếu không lầm thì đây là mẹ Em dâu, trẻ hơn tôi nghĩ. Nhóc Nhi chắc giống mẹ, xinh thế còn gì.
– Hôm nay làm phiền các cháu rồi!
– Dạ, không sao đâu ạ!
Lúc ấy thì hắn với nhóc Thiên cũng bước tới, một lớn một nhỏ cúi chào.
– Cháu chào cô.
Không biết sao nhưng tôi có cảm giác mẹ Thùy Nhi rất ưa hai tên này, bà cười rất tươi.
– Hai đứa đẹp trai ghê! Vậy có đứa nào có hứng thú với con gái cô không vậy?
Cái này có được gọi là công khai bán người không?
Trai lớn nhẹ nhàng lùi sau hai bước, xuống đứng cạnh tôi. Chúng tôi đối với ánh mắt giết người của Trai nhỏ thấy như không thấy, đứng huýt sáo xem trò vui.
– Vậy là cháu muốn làm con rể cô hả?
Nhóc Thiên cố tỏ ra như không có chuyện gì nhưng tai thì đỏ rần cả lên. Đang chờ xem nó nói gì thì nhóc Nhi chen vào.
– Cái danh sách con rể của mẹ lên đến trăm người rồi đấy, mẹ vẫn muốn nạp thêm sao?
– Mẹ chỉ đùa, đùa thôi mà. Nhưng thằng nhóc này nhìn được nhất…
– Mẹ. – Thùy Nhi cắt ngang.
– Được rồi, mẹ chưa nói gì hết.
Mẹ Thùy Nhi cười giả lả rồi bước về sau tủ bánh, mắt vẫn nháy nháy nhìn nhóc Thiên.
– Ông đừng tin, mẹ tui đùa đấy.
– Tui biết.
Trai nhỏ nói xong liền hầm hầm bỏ đi. Nhóc Nhi nhìn nó ngơ ngác không hiểu, tôi với hắn nhìn nhau cười. Thằng nhóc này chắc chắn đang giận.
.
.
Chúng tôi đón lượt khách đầu tiên là một nhóm 4 người con gái. Nhìn vẻ bề ngoài thì có vẻ là sinh viên đại học, họ đem theo cả sách vở và thảo luận về đề tài gì đấy. Tôi đem đồ uống ra có nghe nhưng chẳng hiểu bao nhiêu.
Giữa trưa, khách vào quán cũng đông hơn, có người ngồi uống có người mang về. Khách hàng ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến cả các cô bác trung niên, tầm tầm như học sinh tụi tôi là nhiều nhất.
Tôi chạy đi chạy lại xung quanh mệt muốn xỉu, nhóc Thiên cũng chẳng khá hơn, còn Thùy Nhi thì đang tất bật với đống ly đĩa đằng sau quán. Hắn thì mồ hôi chảy ròng, ướt đẫm cả áo thế mà miệng vẫn cứ toe toét, tay thì vịn lên nắm cửa.
– Kính chào quý khách!
Đang tính chạy lại đưa hắn cái khăn thì có người gọi.
– Chị ơi, chị!
– Quý khách gọi thêm gì ạ?
Người gọi tôi là hai đứa con gái, chắc bằng tuổi, ăn mặc khá kiểu cách.
Một người chỉ ta về phía cửa, hỏi tôi:
– Cái cậu đứng ở cửa ấy tên là Thiên Tuấn phải không?
Cái quái gì thế này? Tôi bèn cất lại cuốn sổ, tươi cười trả lời:
– Đúng rồi.
Cô bạn ấy nghe tôi trả lời thì reo lên với người bên cạnh, hai người còn nói nói gì đấy tôi nghe không rõ.
– Xin hỏi quý khách có việc gì? – Tươi cười.
– Có thể cho tụi em xin số cậu ấy được không ạ?
Bộ tôi già lắm sao mà kêu tôi là “chị” mà kêu hắn là “cậu” ngọt xớt thế. Với lại, xin số hắn mà sao hỏi đúng người vậy (=.=”). Cảm giác khi có gái hỏi số bạn trai mình thật… khó tả.
– Xin lỗi nhưng chúng tôi không thể tiết lộ thông tin cá nhân của nhân viên được. – Duy trì tươi cười.
Chưa kịp để đối phương đáp tôi đã nói thêm:
– Nếu không có việc gì thì tôi xin phép, quán đang rất đông.
Bước tới chỗ hắn, quăng cho hắn cái khăn ướt rồi bảo:
– Lau đi!
– Sao mặt cau có thế?
– Nóng nên thế!
Hắn đột nhiên kéo tôi lại gần, sau đó lấy nguyên cái khăn đập lên mặt tôi. Miệng thì lẩm nhẩm cái gì đó vui vẻ lắm.
Có cảm giác tóc mái bị vén lên, người nào đó lau mặt cho mình. Cách một lớp khăn, hắn nhéo mũi tôi.
– Nhăn mãi rồi như bà già, tui còn chưa xử bà vụ hôm nay đâu đó.
– Tội gì? Nãy tui còn ngăn không cho số điện thoại ông phát tán nữa cơ mà.
– A, thì ra…
Hắn chợt muốn nói gì đó lại thôi, nhìn tôi với vẻ rất hài lòng.
Tôi kéo tay hắn ra, nhéo hông hắn nhắc:
– Khách đến kìa!
Một cái đầm trắng vừa bước vào đã kêu lên hai chữ:
– Thiên Tuấn.
.
.
Tự dưng tôi từ phục vụ bị đẩy xuống làm người gác cửa, còn hắn từ người gác cửa đột nhiên được thăng chức lên làm nhân viên phục vụ. Tôi muốn gào lên, “Chân lí ở đâu?”. Càng muốn gào to hơn nữa là tại sao, tại sao hắn phải phục vụ theo yêu cầu của Đầm trắng chứ.
Nhóc Thiên đi qua để lại một câu:
– Khách hàng là Thượng Đế.
Thùy Nhi khó xử:
– Tại chị Nhi cứ bắt buộc phải là anh Tuấn phục vụ nên…
– Không sao đâu. Chị cứ nghĩ chỗ đó không phải người ngồi thôi.
– Hử?
– Đừng quan tâm đến bả, mỗi khi bả giận thì mọi thứ trước mắt bả đều hóa thành động vật hết. Tránh xa bả ra không thì tốn tiền chích dại đấy.
Nó nói xong còn kéo luôn nhóc Nhi đi luôn.
Uyển Nhi không biết cố tình hay cố ý mà chọn đúng quán này để vào. Vừa vào đã líu ríu bám lấy hắn không rời, sau cái vụ đó, hình như chỉ số mặt dày của cô nàng càng tăng thì phải. Quán cũng có rất đông con trai, Uyển Nhi vừa đến đã lôi kéo được sự chú ý của họ, cả hai anh ở quầy pha chế cũng nhìn mãi không thôi, thế mà cô nàng cứ mở miệng là Thiên Tuấn, ngậm miệng lại cũng Thiên Tuấn, cũng chả thèm quan tâm đến sự hiện diện của tôi.
Cô nàng đi cùng ba người bạn, hai nam một nữ. Mấy người đó hỏi là bạn trai à, cô nàng cũng vui vẻ gật đầu, còn hắn chỉ bảo: “Đùa hơi quá đấy!”. Đi bốn người, nhưng lại gọi tận 5 ly nước, nhìn cái cảnh cô nàng một mực kéo hắn ngồi xuống thật muốn sôi gan. Cái cảm giác bạn trai mình mà cứ như bạn trai người thế này…
Tôi tiến về phía nhóc Thiên.
– Đổi chỗ cho tao!
Tôi tươi cười tiến về bàn số 5, tiện chân chen giữa hai người nọ, cũng tiện tay kéo luôn cánh tay đang bám trên người hắn.
– Xin lỗi nhưng có thể cho tôi biết quý khách cần gì không ạ?
Uyển Nhi hất mặt nhìn tôi, vòng tay nói:
– Không phải tôi đã yêu cầu cậu này phục vụ rồi sao?
– Ở đây có phục vụ bánh, phục vụ nước, chứ không phục vụ người. Đang trong giờ làm việc, nếu cần, quý khách có thể gặp mặt và nói chuyện sau giờ làm, nếu cậu này đồng ý.
Tôi nghiến răng nghiến lợi nói mấy chữ cuối, người nào đó đứng bên cạnh huýt sáo, tâm trạng rất vui vẻ.
Uyển Nhi nhất thời cứng họng, bèn quay sang hắn chữa ngượng:
– Làm phiền cậu rồi!
– Không sao.
.
.
Chúng tôi kết thúc khá sớm, một ngày làm việc thử cũng được coi là khá vui vẻ, nếu bỏ ra những chuyện khiến tôi không cười nổi. Chúng tôi được mẹ Thùy Nhi biếu cho rất nhiều bánh ngọt, cả đồ uống nữa. Bà còn bảo nếu rãnh thì có thể ghé đây làm thêm, sẽ trả công đầy đủ.
Hắn đề nghị:
– Còn sớm, hay mình đi ăn ha!
Không ai trả lời.
– Ổng rủ đi ăn kìa? – Nhóc Thiên.
– Ai đâu? Ở đây ngoài tao với mày ra còn có ai khác sao?
Tôi quăng cho hắn cục bơ to đùng.
– Này…
– Bây giờ trong mắt bả, một thì anh là con cún, hai là không khí không hơn.
Hắn nghe nhóc Thiên nói vậy không những không giận mà còn cười đến không thể ngậm mồm lại. Động vật nó khác người chỗ đấy đấy! (=.=)
Hắn đến cạnh tôi nói:
– Này, tui đùa chút thôi mà!
– Đem tui ra để chọc chắc ông vui lắm ha. – Mặt hình sự.
– Trả thù vụ hôm nay.
Hắn đúng là thù dai như đĩa, có cái việc cỏn con thế mà cũng để trong lòng.
Tôi nhăn mặt mắng:
– Đồ con nít!
– Con nít mà có người ghen.
Hắn há miệng cười to hơn, lộ hết cả răng khểnh.
Tôi “…” có gì đáng cười chứ?
Hắn cúi đầu nói nhỏ vào tai tôi:
– Một thằng con trai tốt là không để bạn gái mình ghen vì đứa con gái khác, nhưng… lâu lâu nhìn bà giận cũng hay.
– Ông đi chết đi!
Hắn chợt nắm nhẹ tay tôi.
– Tui có thể sẽ không tốt nhưng ít nhất tui sẽ không là lý do khiến bà buồn.
Tôi đơ mất vài giây, nhìn nụ cười nửa đùa nửa thật của hắn. Sau đó, tôi quay lưng bỏ đi để lại một câu:
– Sến phát khiếp.
Hắn chạy lên quàng vai bá cổ tôi như một thằng con trai, còn tiện tay vò rối tóc tôi.
– Tình yêu ơi, anh đưa tình yêu đi ăn! Tình yêu mập mạp chút thì anh mới có thể bán với giá cao được.
Mùi hương này, hơi ấm này, vòng tay này, cả hơi thở nữa, mọi thứ đều rất quen thuộc đối với tôi, có thể chẳng còn cái đỏ mặt vụng về mỗi khi bị hắn chạm vào nhưng thay vào đó là cảm giác ấm áp khó nói nên lời.
Có thể tiếp xúc nhiều quá nên bị chai cũng nên.
.
.
Tôi với nhóc Thiên vừa về tới nhà thì thấy ba đang bước từ trên lầu xuống. Ông nhìn tôi khiến tôi có chút… chột dạ.
– Hôm nay con lại đi chơi với cậu ta sao?
– Dạ, nhưng có cả thằng Thiên nữa.
Ông chuyển hướng sang nhìn em tôi.
– Con lên phòng đi, ba có chuyện muốn nói với chị con.
– Có phải chuyện giữa chị con với anh Tuấn? – Nó không nghe lời mà đứng trơ ra đó hỏi lại ba.
Ông nghiêm khắc nhìn hai đứa tôi. Nhóc Thiên cũng nhìn lại ông, tôi chỉ biết cúi đầu.
Ba tôi chỉ là một công chức nhà nước. Mới lần đầu tiếp xúc, mọi người có thể nghĩ ông hài hước và khá dễ tính bởi những câu nói đùa và tính cách thoải mái của ông nhưng chỉ có người trong nhà mới biết được ông nghiêm khắc cỡ nào. Với con cái, ông có thể cho chúng tôi thỏa thích làm những gì chúng tôi muốn tuy nhiên chỉ trong một giới hạn nhất định, vì ông biết chúng tôi đủ lớn và biết những gì thực sự tốt cho mình, ông cho chúng tôi quyền lựa chọn mọi thứ. Chúng tôi có thể xem ông là bạn, nói chuyện với ông nhưng nếu vượt qua cái giới hạn ông đã vạch ra, ông sẽ răn dạy chúng tôi với tư cách là một người cha, một người cha nghiêm khắc.
Thường ngày tôi có thể đùa giỡn với ông nhưng chỉ khi xảy ra chuyện, chỉ có nhóc Thiên là dám ngẩng đầu nhìn ông. Còn tôi, tôi sợ cái nhìn của ông, nó khiến tôi có cảm giác mình vừa làm ra điều gì đó kinh khủng lắm.
Ông ngồi trên ghế, còn chúng tôi đứng.
– Đây chỉ là chuyện của chị con, không liên quan nên con lên phòng đi.
– Vậy nếu bây giờ con bảo con cũng có bạn gái thì có phải ba cũng có chuyện muốn nói với con phải không?
Nó cứng đầu đáp.
Thằng em này, lúc nào nó cũng bướng như vậy. Tuổi thơ của tôi, thời thơ ấu trẻ trâu đều trải qua cùng nó. Nó có thể nói năng không lọt tai, đôi khi lại xóc xỉa tôi không thương tiếc nhưng mỗi khi có chuyện nó lại luôn là người đầu tiên bên cạnh tôi. Khi tôi có lỗi, nó cũng là người đầu tiên đứng ra nhận tội thay, mặc dù cuối cùng đều là hai đứa cùng chịu phạt. Nhớ lúc nhỏ, tôi có lần bị mấy đứa trong xóm bắt nạt, nó đã lao ra đánh cho tụi đó một trận, còn đe dọa: “Tụi bây còn đụng vào chị tao nữa là chết với tao.”. Tối về, ba tôi biết chuyện, ông đánh nó một trận, nó đau nhưng tôi khóc.
Nó cười hề hề bảo tôi:
– Thiên sẽ là siêu nhân, Thiên sẽ bảo vệ chị hai suốt đời.
Thời đấy nó thích siêu nhân lắm, cái gì cũng siêu nhân siêu nhân, còn ước mơ mai sau lớn lên đi bảo vệ thế giới. Nghĩ lại thì thằng nhóc hồi đó khác giờ nhiều quá, chẳng còn léo nhéo gọi tôi “chị hai, chị hai”, không biết do đâu mà đổi tính đổi nết đến vậy. Mặc dù thế nhưng nó vẫn ở cạnh tôi đấy thôi, lúc nào cũng đứng ra làm “siêu nhân” cho tôi, khóc với nó cũng nhiều mà cười với nó cũng nhiều.
– Thiên, lên phòng! Dù thế nào thì con cũng không ở bên cạnh chị suốt đời được đâu. – Ba tôi không phải yêu cầu mà là ra lệnh.
Tôi cười vỗ vai nó:
– Ba nói đúng đấy, mày lên phòng đi! Chuyện có liên quan đến mày đâu, với lại mày sợ ba ăn thịt tao chắc, ba có phải quái vật đâu.
– Nhưng mà… – Nó ngập ngừng.
– Đi đi!
Nó bước lên phòng nhưng vẫn cố nghoảnh đầu lại nhìn.
Không gian yên lặng hẳn kể từ lúc nhóc Thiên bước lên phòng, nghe rõ cả tiếng quạt máy đang chạy ro ro trên trần nhà. Sự yên lặng này khiến tôi khó thở.
Ba đã từng nhắc ngầm tôi về chuyện này, nhưng tôi lại cố tình quên nó đi. Nhưng tránh thế nào cũng sẽ có ngày này, tôi và ba mẹ cần một cuộc nói chuyện.
Ông mở lời trước:
– Hai đứa qua lại với nhau lâu chưa?
– Dạ, tụi con cũng mới gần đây.
– Con thật sự thích cậu ta?
– Dạ, vâng.
Ông im lặng, tôi nghe tiếng ông thở dài.
– Con lớn rồi, những chuyện rung động tuổi mới lớn thế này là điều không thể tránh khỏi, ba không cấm con nhưng bây giờ không phải là lúc thích hợp, cả con và cả cậu ấy. Tình cảm học trò là một tình cảm rất đẹp, rất trong sáng, tuy nhiên nó rất dễ vỡ. Tụi con không đủ chín chắn để hiểu “tình yêu” là như thế nào, và thường bị tổn thương về những điều nhỏ nhặt nhất.
Tôi im lặng.
Ông nói tiếp.
– Ba cũng từng một thời là con như bây giờ. Chỉ cần một ai đó xinh xắn, học giỏi, ngoan hiền, một vài khoảnh khắc chạm nhẹ cũng đủ làm ta chú ý đến người đó, rung động vì người đó. Đó không phải là tình yêu, chỉ là một chút rung động nhất thời, giống như tê liệt khi bị sét đánh ấy. Khi con lớn và nhìn lại, con sẽ thấy nó chỉ như một kỉ niệm đã qua.
Ông nhẹ nhàng gọi tôi:
– Con gái à, tình cảm của tụi con chỉ nên dừng ở mức bạn bè, con chưa đủ lớn để đi xa hơn. Con và cậu ấy chỉ đang ngộ nhận nhất thời thôi, đó không phải là tình yêu. Con đã là học sinh cuối cấp, con nên dành thời gian cho việc học nhiều hơn. Con còn cả một tương lai phía trước, đừng vì những tình cảm này mà khiến bản thân phải hối hận.
Ông nói đúng, nói rất đúng. Tôi với hắn chưa đủ lớn để biết thế nào là tình yêu, tôi cũng không dám cược rằng mối quan hệ này sẽ kéo dài mãi mãi.
Nhưng tôi không hối hận về quyết định của mình.
– Ba, con biết ba lo cho con. Nhưng đó không phải tình cảm xấu.
– Ba không hề nói nó xấu nhưng nó không phù hợp với con hiện giờ. Con có chắc rằng mình sẽ vẫn học tập tốt khi đang yêu, con dám tự tin mình sẽ đỗ vào trường cấp ba nguyện vọng.
Tôi không trả lời.
– Hãy dừng lại đi, khi con còn có thể. Con là một đứa biết suy nghĩ, ba biết con biết điều gì tốt cho mình.
Một cỗ xôn xao sộc lên tận mũi, làm đỏ mắt.
– Ba, – Tôi ngẩng đầu nhìn ông, – Con sẽ thi trường Chuyên, nếu con rớt thì ba đúng. Từ giờ đến lúc đó, con mong ba chấp nhận.
Ba tôi thoáng chốc sững người. Sau đó, ông cười, một nụ cười buồn. Với tôi, như thế có nghĩa là ông đồng ý.
Tôi cố tình bước nhanh lên phòng, tự dưng giữa chừng tôi lại muốn nói với ông một điều.
– Ba, cảm ơn vì đã lo cho con.
—–
Tình yêu học trò, ai cũng bảo đó là thứ tình cảm đẹp nhưng mong manh dễ vỡ. Nhiều người bảo đó chỉ là những rung động ngây ngô lúc đầu, đến nhanh nhưng rồi đi cũng nhanh. Tình cảm ấy không sâu đậm, không vững vàng, đôi khi chỉ cần một con sóng nhỏ cũng có thể lật.
Tôi không tin vào thứ tình cảm ấy nhưng tôi tin hắn.
“Tui có thể sẽ không tốt nhưng ít nhất tui sẽ không là lý do khiến bà buồn.”
—–
Tối hôm đó, mẹ có lên phòng nói chuyện với tôi. Bà cũng đồng ý với ý kiến của ba, bà muốn tôi chú tâm vào việc học hành. Bà cũng đã xem kết quả kì thi học sinh giỏi thành phố của tôi, thứ mà tôi muốn khoe lúc mới về nhà, bà rất vui.
Mẹ nói:
– Nếu con chứng minh được chuyện tình cảm sẽ không ảnh hưởng đến chuyện học hành thì ba mẹ sẽ không phản đối nữa. – Bà dừng một chút lại nói tiếp, – Người con đã chọn chắc chắn không phải bình thường.
Nói bóng gió thế này thì chắc chắn mẹ tôi đã xem luôn kết quả thi của hắn.
—–
Hôm nay là ngày “thần dân F.A tỏ tình”, ai có thương thầm trộm nhớ tuôi thì mau tỏ tình đi, tuôi nhận tất! Hậu cung tuôi đang thiếu người.
|
Chương 31
Từ ngày hùng hồn tuyên bố thi trường Chuyên với bố mẹ, tôi bắt đầu đâm đầu vào học như điên. Đơn giản một điều, với một đứa không giỏi không dốt như tôi thì trường Chuyên là một sự lựa chọn khó khăn, nó quá cao so với tôi. Với cả đầu vào trường Chuyên rất khắc nghiệt, một chọi mười cũng là lẽ thường. Nếu như các thí sinh có cùng một điểm số, thì sẽ xét đến học bạ, mà điểm số về tự nhiên của tôi thì hơi bị đẹt. Biện pháp bây giờ là phải cày cho các cuộc kiểm tra sắp đến, cả kì thi học kì nữa, nhất định phải vớt được chúng, không cho chúng chết chìm. Điển hình là môn Hóa với Hình học.
Môn thi chuyên thì tôi không lo cho lắm, mặc dù không biết học Địa rồi mai sau ra làm cái nghề gì.
Mỗi sáng, hắn vẫn đến đón tôi đi học như thường, ba mẹ có thấy nhưng cũng nhắm mắt mở mắt cho qua. Tôi không nói cho hắn biết và cũng không có ý định nói, nói rồi hắn sẽ làm um lên cho xem. Với cả biện pháp duy nhất hiện giờ là: Tôi phải đỗ trường Chuyên, nói ra rồi hắn sẽ thi giùm tôi chắc. Lâu lâu lợi dụng cái đầu to của hắn để giải bài tập với giảng bài giúp tôi thì được.
Nhóc Thiên đôi khi rảnh cũng giúp tôi học thêm Tiếng Anh, đừng nhìn nó nhỏ mà tưởng nó không biết gì, ba mẹ cho nó đi học Tiếng Anh ở Trung tâm Quốc Tế từ nhỏ đến giờ đâu phải để chơi. Nhưng mà để thằng em lớp 7 bày cho mình, một đứa lớp 9, thì mặt tôi cũng không phải loại dày bình thường. Biết vậy, hồi nhỏ nghe lời ba mẹ đi học thì giờ có phải đỡ hơn không.
Trong khi tôi chăm chỉ học như thế thì mấy đứa đồng trang lứa lại tất bật chuẩn bị cho trại. Và bạn biết đấy, cuộc vui của tụi nó không bao giờ có chữ “học hành”, thế nào thì cũng chơi xong rồi tính tiếp, câu cửa miệng “Ba mươi chưa phải là Tết”. Tôi mà không cù lần thì cũng chả phải cần cù làm gì.
Cái trại này còn không phải bắt nguồn từ việc trường tôi xếp thứ hai toàn đoàn trong kì thi HSG vừa rồi, chỉ sau trường Chuyên An Hải. Vì năm nay kì thi tổ chức muộn nên đáng lẽ sẽ không có trại nhưng với cái lòng tha thiết của đám học sinh năm cuối cấp thì thầy Hiệu Trưởng cũng phải ngậm ngùi đồng ý. Nhưng với điều kiện, chơi xong là phải nghiêm túc học, học để đỗ tốt nghiệp, học để vào trường nguyện vọng.
Chiều nay cả lớp tôi tập trung làm cổng trại, rồi thêm ba cái đồ trang trí này nọ. Cả đám con gái tập trung nhà “chị” Minh – đơn giản vì nhà cô có sân rộng, đủ chỗ chứa 30 cái thây – cả nửa tiếng mà vẫn chưa thấy thằng con trai nào vác xác tới. Con trai lớp này rất ham học hỏi, nhất là với bộ môn Tin học nên chắc giờ đang chôn xác trong cái tiệm Net nào rồi và cuộc hẹn lúc hai giờ khi vào đầu các chàng sẽ thành ba giờ có lẻ.
Tụi con trai ngộ nhở, 100% thì hết 90% đều thích chơi game, và đề tài về game đối với tụi nó không bao giờ là cạn. Tụi nó thích thú thảo luận hàng giờ đồng hồ và không biết mệt là gì. Tin tôi đi, nếu học ở một lớp đông con trai thì dù không muốn nghe những điều ấy cũng sẽ chui vào lỗ tai bạn. Con trai ghiền game cũng như con gái ghiền mua sắm vậy đấy.
Tụi con gái tự dưng hôm nay hiền đột xuất, không gọi, không càu nhàu, không mắng chửi nửa lời, không chờ đám con trai mà bắt tay vào công việc ngay lập tức. Cái này chẳng lẽ là di chứng hậu 8/3 lần trước? Cả đám cùng “chị” Minh lên hết ý tưởng này nọ rồi phân công ra đứa làm cái này, đứa làm cái kia. Tre, nứa, lá dừa, dây thừng,… các loại đã được tìm và đem đến nhà “chị” Minh ngày hôm qua nên giờ chỉ có việc làm rồi trang trí thôi.
Nhưng không có con trai cũng có cái bất lợi:
Thứ nhất, con gái không đủ mạnh.
Thứ hai, con gái không biết cầm búa, rựa,…
….
Thứ n, vô số điều con gái không làm được, hay nói cách khác là lần đầu làm khi vắng con trai.
Ban đầu cũng có tiếng la, tiếng rên nhưng cũng dần dần đi vào quỹ đạo, mặc dù có đứa chảy cả máu tay mà miệng vẫn cười toe toét.
Hơn 3h, cái đám “trời đánh” ấy mới ồn ào đi tới, nhìn cảnh tượng trước mắt cứ như sắp lòi trong đến nơi. Con trai dường như cảm thấy có lỗi, tranh nhau làm việc này đến việc khác mà không hé răng một lời.
Và hình như, con trai thấy thương con gái.
– Mấy bà nghỉ hết đi, để tụi tui làm cho!
– Không cần, tụi này làm được.
– Vậy vào trong nhà vẽ vời trang trí gì đó đi, tụi tui làm cổng trại cho. Nhìn mấy bà làm mà xót cả ruột.
Hôm đó, cả lớp làm trong yên bình lặng lẽ, đứa này làm cái này thì đứa kia làm cái khác, không có đến một tiếng cãi nhau.
Chiều về, cả đám con gái rủ nhau đi chơi và điều tất nhiên là tụi con trai không được tham gia. Sau một hồi kẻ đi trước người đi sau cả một đoạn đường dài thì con gái cũng xiêu lòng, không nỡ đuổi con trai về. Cho đi nhưng với điều kiện tụi con trai trả chầu này.
Ăn uống chỗ này, đập phá chỗ kia cùng nhau thế là hòa, hết giận.
Ông Huy, ông Phong, và một vài chàng khác sớm có “mẹ trẻ” thế là bị nhéo tai, cắn tay gặm chân suốt cả đoạn đường. Số thành phần F.A còn lại trong lớp đứng thổi thêm gió mát, nhìn người ta bị hành mà mình cười toét cả mồm.
Ông Lâm nói với hắn:
– Tao thấy mình thật may mắn khi chưa phải lòng nhỏ nào lớp này.
– Chuyện “mẹ dạy con” thế này thì một lúc nào đó mày cũng sẽ trải qua thôi. – Hắn cười.
Sau lại quay sang tôi hớn hở:
– Này, không có chuyện gì để nói à?
Tôi đang xem cảnh lộn xộn trong lớp nên đáp bừa:
– Chuyện gì?
– Hôm nay tui đến trễ.
– Thì sao?
– Tại vì tui đi chơi net.
– Sao nữa?
– Này…
Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi bảo hắn:
– Chơi gì thì chơi nhưng nhớ đến đúng giờ là được.
Mặt tên nào đó lập tức xịu xuống. Hắn còn bị ông Lâm cười cho một trận.
– Cái thằng điên, bình thường không muốn lại cứ thích bị ngược.
– Mày không biết đâu? Tao khổ tâm lắm.
Kẻ nào đó dựa vào người tên Lâm làm nũng, nói ba cái tào lao gì đó. Đầu tôi đầy vạch đen, vậy hắn muốn bị chửi mới cảm thấy vui hay sao?
——
Năm nay địa điểm cắm trại là Công viên Biển Đông, một công viên ven biển. Nó không quá rộng, nhưng lại kéo dài theo biển. Bao phủ toàn bộ công viên là một màu xanh của cây dừa, bên dưới là một bãi cỏ xanh mướt. Ở đây để rất nhiều tượng đá này nọ với các kiểu hình thù khác nhau, đây còn là chỗ nuôi bồ câu. Nó không quá đẹp, không xây dựng quá cầu kì như các công viên khác nhưng lại là một nơi thu hút giới trẻ. Nếu có dịp đến đây vào các buổi tối cuối tuần, bạn sẽ biết nơi này nhộn nhịp như thế nào, có sinh hoạt câu lạc bộ, có nhảy múa đường phố, tổ chức những buổi gặp mặt,… Thỉnh thoảng tôi ra đây, lang thang theo biển, nghe người ta hát hò, tham gia một vài hoạt động.
Chúng tôi phải tập trung ở công viên từ sớm để dựng trại. Bởi vậy mới 6h hắn đã lò dò xách xe qua nhà tôi. Khi đó tôi còn đang chuẩn bị trên lầu, người ra mở cửa là ba. Tôi đã suýt thót tim khi nhìn từ trên lầu xuống. Ba tôi nhìn hắn một hồi, như đang đánh giá gì đó, tôi không nhìn được mặt ông nên chẳng biết ông có khó chịu hay không. Hắn chào ba tôi xong cũng đứng yên không dám ho he gì. Hai người đàn ông một già một trẻ đứng cạnh nhau cả buổi mà không nói nửa lời, không khí như đặc quánh lại.
Lúc tôi kéo hắn ra khỏi nhà, tôi thấy ba nhăn mặt nhíu mày, lầm bầm cái gì đó rồi bỏ vào nhà.
Hắn kéo tôi đến một quán phở ven đường, nằng nặc bắt tôi vào cho bằng được mặc dù tôi bảo mình không đói.
– Nếu không ăn thì bà phải chịu đói từ giờ đến trưa đó. Người ta dư thịt, bà thì dư xương mà còn muốn nhịn sao!?
Đứng trước quán người ta mà chần chờ mãi không chịu vào cũng kì, thôi thì đành vào vậy. Với cả, tên nào đó hôm nay quá bảnh, quá chói lóa, quá thu hút người đi đường khiến tôi đứng cạnh cũng bị vạ lây. Quần jean đen kết hợp với áo phông cùng áo sơ mi khoác ngoài, nhưng mấy tuổi rồi hắn còn mang quần sắn gấu chứ, nhìn nhây nhây như con nít.
Hắn gọi hai tôi phở bò cỡ lớn. Trong khi chờ người ta mang phở ra, hắn như bà già ngồi lèm bèm đủ thứ, còn tiện tay lấy mọi thứ trong balo ra kiểm tra. Thế là, trong một quán phở, có một bàn dành cho bốn người ngồi phủ la liệt đồ, một thằng con trai cao ráo tay kiểm tra cái này, tay sờ sờ cái khác, miệng thì liên mồm không ngừng.
– Không xong rồi, tui quên mang khăn với bàn chải, cả kem đánh răng nữa.
– Lo quá hóa rồ.
Tôi tặc lưỡi nhìn hắn. Mấy cái cần nhớ thì không nhớ, mấy cái không cần thì lại chất đầy balo. Tôi nhìn đống sữa hộp không cũng muốn chóng mặt, hắn là chê balo nhẹ quá nên thêm đống đó vào cho nặng hay sao.
Tôi sờ sờ bên túi bên cạnh balo. Thế nào lại không có? Mở ra xem thì… chết, lúc nãy hấp tấp quá nên bỏ quên luôn cái khăn với cái bàn chải trên bàn.
Tôi đành bảo hắn:
– Thôi ăn đi, chút nữa tui ghé chợ mua! Dù sao tui cũng quên rồi.
Hắn lau sạch muỗng, lau sạch đũa, rồi tỉ mỉ nêm nếm gia vị cẩn thận cho hai tô phở, xong đẩy một tô về phía tôi.
– Thế mà nói như mình giỏi lắm!
– Còn không phải do ông…
Tôi theo quán tính nói ra, may mà ngừng lại kịp. Tôi cúi đầu ăn, tránh ánh mắt dò xét của hắn.
Hắn nhìn tôi ngập ngừng một chút rồi hỏi:
– Bà có điều gì giấu tui sao? Hồi sáng, ba Dương nhìn tui cũng rất lạ.
– Ông đẹp thì nhiều người nhìn chứ đâu phải mình tui.
– Tâm.
Mỗi lần nói gọi tôi nghiêm túc thế này là tim tôi lại thót lên.
Tôi ngẩng đầu nhìn hắn, hắn cũng nhìn lại tôi. Tôi nhận thấy trong mắt hắn có điều gì đó khó chịu lắm. Cả hình ảnh phản chiếu của tôi trong mắt hắn cũng rất rõ ràng.
– Bà giấu tui chuyện gì à? – Hắn hỏi lại tôi một lần nữa.
– Không có, thật!
Tôi cứng miệng đáp.
– Chuyện tui với bà, gia đình bà…
– Ba mẹ tui biết rồi. – Nói thật.
– Không phản đối?
– Không phản đối. – Ít nhất là từ đây cho đến lúc thi, còn sau đó thì… đợi kết quả rồi nói tiếp.
Hắn nhìn tôi thở nhẹ ra, còn vươn tay vò rối tóc tôi.
– Có chuyện gì thì phải nói đấy, đừng có giấu! Tui không thích.
Mỗi lần hắn nói “Tui không thích” thì chắc chắn một điều: hắn cực kì ghét.
Lúc tính tiền, hắn lại là kẻ chuồn đi trả tiền trước. Hồi trước chưa quen nhau, mọi chi phí khi đi chơi đều chia đều rất sòng phẳng. Nhưng từ lúc quen nhau, bất kể là lúc đi hai đứa hay đi chơi với bạn bè, hắn đều giành phần trả tiền cho cả tôi. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, tôi không muốn nói thẳng nhưng cứ thế này thì thế nào ấy. Tôi thấy mình như kí sinh trùng bu bám theo hắn mà không biết ngượng là gì, nói toẹt ra là, tự dưng thấy hắn như cái máy rút tiền lúc cần. Nhiều đứa có thể bảo là bình thường, quen nhau thì chuyện đó có đáng gì, nhưng tôi lại cảm thấy chả bình thường tẹo nào, thà như trước kia mỗi đứa một nửa đỡ phải khó xử.
Chúng tôi ghé chợ mua một ít vật dụng. Vì mới sáng sớm nên chợ cũng không đông lắm, các hàng quán đang bày hàng ra. Tôi dặn hắn đứng ở ngoài, còn mình vào trong mua đồ. Hắn có gọi tôi lại định nói gì đó nhưng tôi cứ cắm đầu đi thẳng.
Tôi mua hai cái khăn lau mặt màu trắng, hai cái bàn chải màu trắng nốt, thêm một tuýp kem. Đi ngang qua hàng bán mũ, tôi nghĩ ngợi một lúc rồi quyết định mua một cái mũ lưỡi trai.
Đi trên đường, tôi sắp xếp lại mọi thứ rồi bỏ vào balo cho hắn, xếp luôn cái mũ lưỡi trai vào. Hắn chuyên gia quên mang mũ, nhiều hôm trời nắng chang chang cứ đưa cái đầu trần đi về. Lần này trong đám đồ cần thiết trong balo hắn cũng chẳng có mũ, mà trời trên biển thì vừa nắng gắt vừa oi bức.
Gió buổi sáng nhè nhẹ lướt qua da mặt, man mát. Trời hôm nay chắc đẹp lắm, trong xanh không một gợn mây, nhìn trời tự dưng thấy cao và xa quá. Tôi dựa đầu vào balo hắn, ngắm nhìn cảnh vật lướt qua tầm mắt. Miệng nghêu ngao hát, tôi cảm nhận vị gió biển đang đến gần.
.
.
“Loa loa, 1 2 3, loa loa! THÔNG BÁO TẤT CẢ CÁC LỚP NHANH CHÓNG TẬP TRUNG!!!”
Khoảng 8h thì việc dựng lều trại cũng xong, chúng tôi kéo nhau ra tập trung giữa sân.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như tránh việc có kẻ lạ đột nhập với mục đích xấu, trường đã cho người làm hàng rào vây lại khu vực cắm trại. Theo tôi thì nó không được đảm bảo cho lắm, nhưng đành vậy, có còn hơn không. 10 lớp chín được chia thành 2 dãy đối diện nhau, còn hai đầu một cái là cổng trại chính, một cái là lều trại giáo viên, ở giữa rất rộng dùng làm nơi sinh hoạt chung.
Lần trại lần này không chỉ chỉ có GVCN các lớp mà ngay cả thầy Hiệu trưởng cũng như thầy Giám thị tham gia. Hiệu trưởng “bụng bự” đầu đội mũ lá rộng vành, mặt đeo kính mát, balo mang ngược càng khiến cho thân hình thầy có phần đồ sộ hơn, thầy cứ liên tục hét vào loa tỏ vẻ hào hứng lắm. Còn thầy Giám thị thì vẫn một thân đen, vẫn… u ám như thường.
Mười lớp 9 dàn hàng ngang đối diện với lều trại thầy cô. Mỗi lớp, mỗi tập thể, một màu áo riêng biệt. Qua cái trại này, không biết đến bao giờ mới được mang lại cái áo lớp, được đứng lại trong cùng một tập thể thân thương.
Thầy Hiệu trưởng là người khai mạc trại. Giọng thầy ấm và nhẹ đến lạ.
– Như các em đã biết, cái trại 3 ngày 2 đêm này có được là do sự cố gắng của tất cả các em trong thời gian vừa qua, không chỉ một năm lớp 9 mà cả bốn năm học. Đây chỉ là lúc tụi em nghiệm thu thành quả.
Mấy trăm đứa học sinh trầm mình vào giọng nói của thầy, vào từng câu chữ. Tôi nghĩ tụi nó cũng giống như tôi, trong lòng có cái gì đó gọi là tự hào, nhưng cũng cảm thấy chút gì đó tiếc nuối cho những thời gian đã qua.
Không có một kịch bản dựng sẵn, không có một tờ giấy nào để xem, thầy cứ nói theo ý thầy và lũ học sinh chúng tôi im lặng ngồi nghe.
– Thời gian vô tâm lắm, nó cứ trôi và chẳng bao giờ đợi con người bắt kịp. Chỉ vài tháng nữa thôi, các em ngồi đây sẽ rời trường, mỗi em sẽ chọn cho mình một hướng đi riêng, một con đường mới. Thế nên, thầy mong các em trân trọng những giây phút này, 3 ngày 2 đêm, nói ngắn không ngắn, nói dài không dài nhưng đủ để con người ngồi lại bên nhau, lắng nghe nhau và hiểu nhau hơn. Hãy cùng những người xung quanh tạo nên những kí ức thật đẹp, cùng thầy cô và các bạn tạo nên những khoảnh khắc đáng quý. Để một mai nào đó nhìn lại, các em sẽ thấy mình đã có một thời học sinh đáng trân trọng dưới ngôi trường THCS Đông Du này. Thầy xin hết!
Kết thúc bài phát biểu, thầy cười nhưng chúng tôi buồn, một vài đứa lặng khóc. Chúng tôi đã cùng nhau đi một đoạn đường dài, và đã gần đến cuối con đường, chúng tôi… sắp phải xa nhau.
Tự dưng muốn thời gian ngừng trôi để chúng tôi ở bên nhau lâu hơn.
Không khí đang trầm xuống thì một giọng nói vui vẻ cất lên.
– Nào nào, có vẻ thầy Hiệu trưởng đã lấy đi không khí của buổi trại cũng như lấy đi một lít nước mắt của các bạn nữ rồi nhỉ?
Một thằng con trai mang áo phông trắng của lớp tôi, mặc quần sắn gấu, đội mũ lưỡi trai ngược đang cố tình lấy lại không khí vốn có của buổi trại. Hình như tôi đã quên mất, hắn là Liên đội trưởng của Đông Du, nói cho dễ hiểu là kẻ cầm đầu mọi hoạt động, công tác của trường này, cũng là người đại diện cho học sinh của toàn trường. Tôi nghe mọi người nói hắn là Liên đội trưởng nam đầu tiên của Đông Du, tất cả các niên khóa trước đều là nữ làm, con trai hay ngại việc rắc rối lắm. Tôi cũng nghe thầy cô nói, hắn không những làm được mà còn làm tất cả mọi việc rất tốt, đến nỗi, mỗi lần họp Liên đội, cô Tổng phụ trách chỉ cần ngồi nghe, mọi việc từ đầu đến cuối đều do hắn chỉ đạo. Hắn đối xử với đàn em cũng tốt, chỉ là… hắn rất nghiêm túc khi làm việc, nên đôi khi cũng khiến kẻ khác mất lòng.
Xuất hiện bên cạnh hắn là Liên đội phó, là con gái, không sai. Mái tóc xoăn buộc lệch, nụ cười còn tươi hơn cả ánh mặt trời, nếu bạn nghĩ đến người đó thì không sai đâu, Liên đội phó là Uyển Nhi. Hai người này đứng cạnh nhau thật chói mắt, át cả nắng.
– Để thay đổi không khí, có bạn nào muốn tham gia văn nghệ không? Ai nghĩ mình đẹp trai, đẹp gái thì xin giơ tay!
Không khí im lìm một lúc, bỗng có một cánh tay giơ lên, một bạn nữ ngồi hàng đầu.
– Hai bạn có thể bắt đầu trước không?
Câu hỏi vừa mới đặt ra liền nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người, tất cả cùng hô vang: “Hát đi, hát đi!”.
Hai người quản trò bối rối nhìn nhau một chút. Hắn tự dưng đưa mắt nhìn xuống tôi, kiểu như muốn hỏi gì đó. Chẳng lẽ, hắn nghĩ tôi sẽ không thích? Đùa gì chứ, tôi đâu có con nít đến mức đó, mặc dù nói thích cũng không phải.
Tôi nhìn hắn cười.
– Vậy được, mình với Uyển Nhi sẽ hát trước.
Hắn đi vào vào lều trại, sau đó đem ra cây ghi-ta gỗ. Không chỉ Uyển Nhi mặt đỏ mà cả mấy nhỏ con gái dưới này tim cũng thình thịch đến nơi.
“Một ngày vui tươi ngập tràn tiếng ca.
Một ngày bình minh chan hòa khắp thế gian.
Một ngày với tóc rối bời.
Một ngày riêng của tôi.
Nằm vươn vai nghe đài FM.
Nhịp nhịp đôi chân theo điệu nhạc rất quen.
Và bờ môi khẽ hát vang lên câu ca,
Một ngày thật đáng yêu!
……
Một sáng quá yêu đời,
Khi bình minh sáng tươi.
Cảm giác rất tuyệt vời,
Theo bạn đi khắp nơi.
Một ngày không lo lắng,
Thật tự tin trong nắng!
Để nghe những tiếng cười luôn ngập tràn mỗi ngày.
Bạn ơi hãy vui lên khi bạn luôn có tôi.
Nào cùng nhau ta hát!
Hoà nhịp trong tiếng gió…”
(Một ngày mới – Quốc Minh ft. Thái Trinh.)
Tiếng gió đưa tiếng hát lên cao, không còn là bài hát riêng của hai người mà là bài hát chung của một tập thể lớn. Nhờ hắn mà mọi người nhanh chóng lấy lại tinh thần, hòa nhập vào cuộc vui. Tức cười một điều là bạn nữ nào xung phong lên hát cũng bắt hắn đệm ghita cho, hắn đánh mệt muốn xỉu nhưng mặt vẫn ráng cười lịch sự.
Ai bảo bày trò!
.
.
Cả buổi sáng, hắn chạy đi hết chỗ này đến chỗ khác, làm hết việc này lại lăng xăng việc kia. Trong khi đó tôi lại đi theo đám bạn cùng lớp cổ vũ cho chúng nó thi đấu. Hò hét muốn khan cả giọng, thắng thua không quan trọng nhưng cỗ vũ cho có tinh thần tập thể.
Mỗi đứa một nơi, một việc thành ra tôi không gặp hắn nhiều, tôi cũng không quan tâm. Mãi đến gần trưa, lúc tôi đang sung sức cổ vũ cho lớp thi nhảy bao bố thì người nào đó hiện ra, cầm tay lôi tôi đi mất. Tôi cố nấn ná ở lại để biết kết quả thì bị hắn nạt.
Đôi khi hắn hành động rất khó hiểu, kiểu như làm trước rồi nói sau, cũng không biết người ta có đồng ý hay không. Hắn lôi tôi xềnh xệch trên cát, đi về hướng ngược lại của khu cắm trại.
– Này này, bỏ tay tui ra, đau quá!
Hắn đột nhiên dừng lại, quay phắt lại nhìn tôi. Cổ tay tôi bị hắn nắm đến hằn lên vệt đỏ.
– Nói đi!
Tôi xoa xoa cổ tay, khó chịu đáp:
– Nói gì chứ?
– Tại sao lại nói dối tui? Việc ba mẹ bà không đồng ý.
Hắn tức giận thực sự. Môi mím chặt nhìn tôi.
Dương Nhất Thiên, thằng em đáng chết! Tại sao tôi lại quên bịt miệng nó chứ? Nó đúng là mầm mống của rắc rối.
– Ba mẹ tui đâu phải không đồng ý.
– Vậy nếu bà rớt Chuyên thì sẽ chia tay với tui phải không?
Hắn bỗng nhiên lớn giọng làm tôi giật mình rụt cổ lại. Tôi giờ đây còn không dám ngẩng đầu lên nhìn hắn. Đừng trách tôi vì sao lại không can đảm được như mấy chị nữ chính trong truyện, mọi hoàn cảnh dù đúng hay sai đều nghênh ngang ngẩng đầu mà cãi lại. Tôi tự nhận mình hèn nhát, tôi không đủ tự tin để đảm bảo rằng “Tôi có thể làm được”. Ngay cả chính bản thân mình cũng không tin được mình thì làm sao khiến kẻ khác tin được chứ. Tôi mà cãi lại chỉ càng khiến bản thân thêm ngu ngốc thôi.
Hắn ra lệnh:
– Tâm, ngẩng đầu lên!
– Thằng Thiên nói rồi, có sai nên biết nhận sai, biết sai thì nên cúi đầu nhận tội.
Tôi vẫn cúi đầu đá đá đống cát dưới chân. Chân tôi hình như va phải vật gì đó, có cám giác đau đau.
– Tui không đùa, ngẩng đầu lên!
Tôi méo mặt nhìn hắn. Máu nhỏ từng giọt xuống cát làm cho tôi biết cảm giác mình không sai. Cái tôi đá vào là vỏ ốc, còn có nó đầy gai trên mình. Sao mà xui thế không biết?
Hắn cũng chú ý đến chân của tôi. Mặt hắn lúc đầu đã nhăn, giờ còn nhăn hơn, hai hàng lông mày cứ như dính sát lại với nhau.
– Giày đâu không mang?
– Xuống biển thì mang giày làm gì?
Trời hôm nay mát nên mọi hoạt động đều tổ chức trên bãi biển, đâu ai xuống biển mà mang giày dép làm gì.
– Bà…
Hắn hít vào một hơi sâu, muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Nhìn mặt hắn thế này thì có vẻ muốn chửi tôi lắm nhưng cố kìm nén lại.
Hắn bất đắc dĩ đưa lưng về phía tôi, bảo:
– Lên đi!
Không phải giả vờ tốt bụng rồi quăng tôi xuống biển chứ?
– Còn không mau? – Lại nạt. Ăn gì hôm nay cau có thế không biết?
– Ông đừng có chửi tui đó.
– Vậy bà nghĩ mà không đáng bị mắng sao? Còn không lên là tui cho đi bộ về.
– Lên đây, lên đây!
Tôi lò dò một chân về phía hắn, công nhận là đau thật.
Ở nhà, tôi đè đầu cưỡi cổ nhóc Thiên cũng nhiều, được ba cõng cũng nhiều. Nhưng lần này ở trên lưng hắn không biết vì sao lại thấy ngượng. Lưng hắn rộng hơn lưng tôi nhiều lắm. Không biết có phải do tôi nặng hay không mà tôi có cảm giác hắn đang gồng lên, người hắn cũng hơi cứng đờ. Tôi vòng tay qua cổ hắn giữ thăng bằng, vô tình chạm đến ngực trái. Ở đó, tim hắn đập rất mạnh.
– Đừng có lung tung!
Hắn lạnh giọng cảnh báo, tai không đỏ, mặt không hồng. Tự dưng tôi muốn chọc hắn ghê.
– Đưa đầu lại đây!
– Hử? Oái, đau!
Hắn lấy đầu hắn cụng mạnh vào đầu tôi, đau đến thấy trời sao.
– Cho đầu tôi truyền cho đầu bà chút chất xám, ngu như lợn.
Tôi xoa xoa đầu, tiện tay vò rối tóc hắn, cố ý bứt một ít tóc cho hắn đau chơi.
– Việc như thế mà dám nói dối tui. Bà làm tui có cảm giác mình chẳng đáng làm một thằng con trai.
Hắn nói cứ như trách tôi thì ít mà tự trách bản thân thì nhiều.
Tôi tựa đầu vào vai hắn. Mùi của con trai cộng với mùi mồi hôi quanh quẩn nơi cánh mũi, nhưng tôi không thấy ghét chút nào.
– Có thể sẽ không thành công nhưng tui sẽ thử, tui muốn cố gắng một lần vì… ông.
Tôi muốn mình cố gắng từng chút, từng chút một để có thể xứng với hắn. Một ngày nào đó, tôi có thể tự tin đứng cạnh hắn, sánh bước cùng hắn.
– Vậy lỡ bà rớt thì sao?
Tôi im lặng.
Nếu rớt thì có thể tôi phải xa hắn, điều dù có nghĩ tôi cũng không muốn nghĩ.
– Tui sẽ cùng bà cố gắng, vì để bà một mình tui không yên tâm chút nào.
Tôi cười, vì biết rằng mình không hề cô đơn. Nếu tôi cười, sẽ có hắn cười cùng tôi. Nếu tôi khóc, hắn sẽ tình nguyện làm khăn giấy. Nếu tôi cố gắng, hắn sẽ ở bên vừa làm người cổ vũ vừa cố gắng cùng tôi.
Hắn không bao giờ để tôi một mình.
– Nghiêm cấm mai sau không được nói dối tui nữa, rõ chưa?
– Yes, sir.
Đi được một quãng, tôi lại hỏi:
– Nếu một mai ông bỏ tui lại một mình thì tui biết làm sao đây?
Hắn cười nói:
– Nếu bà còn thích tui thì chẳng có lý do gì để tui phải đi cả.
Tôi cười đến tít cả mắt, lấy má cọ cọ vào mặt hắn bảo:
– Tui lại thích ông thêm chút nữa.
|