Học Sinh Chuyển Lớp Phần 1 và 2
|
|
-Bạn vi phạm thì lớp mình bị trừ thi đua! -Mình đã nói mình không muốn, hôm nay xe bus chạy sớm thôi! -Thế sao Nhân và Nguyệt không trễ.
Tôi cứng họng ngay, công nhận bình thường, tôi họa hằn mới đi chuyến một để lên lớp sớm, trừ mấy bữa bị phạt trực nhật. Nếu không thì đi tuyến hai. Lên trường cũng còn tầm mười phút mới vào học. Chẳng hiểu sao tài xế hôm nay chạy sớm, bắt tôi leo tuyến thứ ba đến trường.
-Thì giờ mình vi phạm, bạn ghi đi, mình có xin bạn không ghi đâu-Lại nhỏ nhẹ, tuy nhiên hơi cùn, tôi đấu khẩu với nó! -Hết cách, bạn xem lại ý thức, đừng có là gánh nặng cho lớp!
Xong, vậy là vô tình nó đụng ngay cái tính sĩ diện lẫn háu đá của tuổi trẻ trong tôi. Nó mà bùng phát thì khó kìm nén lắm, huống gì nó dám nói tôi là gánh nặng trước mặt mọi người, đặc biệt trước mặt Nàng.
-Bạn cán bộ thích ghi thì ghi, biết đâu có người vực không nổi lớp dậy!
Tôi cũng đụng ngay cái chức vụ cấp cao. Hai thằng tôi đứng tranh cãi ồn ào, mấy đứa bạn xông vào can ngăn. Nguyệt níu tay áo tôi kéo về chỗ. Nhưng có lẽ đã muộn, mãi tranh cãi hăng máu, hai thằng không để ý tiếng gõ bút vào song cửa báo hiệu của Ngữ Yên.
-Gì mà ồn ào vậy Cờ đỏ! -Dạ,……..!
Bà thanh tra cờ đỏ khối mười hai hầm hố, cái mặt nhìn là biết dữ thế nào rồi. Tay đeo cái băng màu đỏ” thanh tra cờ đỏ”, tạo nên một sức mạnh đàn áp những phần tử nổi loạn. Và đầu năm là hai thằng nổi loạn trong lớp 11a11.
-Hai em tên gì! -Dạ……T -Dạ….Hải!
Bà lạnh mặt nhìn tôi, quay qua nhìn thằng Hải, rồi quay lại đảo mấy vòng nhìn hai thằng, lắc đầu kiểu như bó tay với hai thằng khó cải tạo.
-Yên, ghi hết hai bạn này vào nhé!
Vậy là Ngữ Yên đành phải đại nghĩa diệt thân, ghi tên tôi và tên thằng Hải vào cuốn sổ trực, cái tội danh dài ngoằng “ mất trật tự sinh hoạt 15’ đầu giờ”.
Tránh được cái vỏ dưa, đạp ngay cái vỏ dừa khô rốc và cằn cỗi, y chang thằng Hải hay cằn nhằn vậy. Tôi nhìn nó ánh mắt tóe lửa “ đấy, để tao đi thì đỡ bị trừ mười điểm không” đẩy tội danh sang cho nó. Nó cũng hơn kém gì tôi, quay qua lắc đầu, ánh mắt tức giận lắm. Lớp tôi thở dài ngao ngán hai ông tướng hiếu thắng, lặng lẽ cúi xuống cuốn sách văn cho hai tiết đầu. Còn Dung thì nhìn tôi, ánh mắt không vừa lòng thấy rõ. “ thôi, cán bộ bênh nhau rồi”.
|
Nghĩ thế tôi mặc kệ thằng Hải, lững thửng bước về cái bàn giữa. Nguyệt nhìn tôi khẽ động viên.
-Thôi mà, có gì đâu mà to tiếng! -Ừ, lớp trưởng mà, chức to lắm! -Thôi mà, ngồi hạ hỏa đi.
Tất nhiên với trách nhiệm cũng như tư thù thì thằng Hải đều phải ghi rõ vào trong cuốn sổ lớp. Với cái lý do, tôi nghe tình báo báo lại rất là sặc mùi tư thù:
“ Bạn T đi học muộn, Hải nhắc nhở và bị cờ đỏ trừ điểm”.
Vậy là tất cả tội danh đều được thành lập. Nhưng kiểu ghi theo nghĩa đen thế kia, hiển nhiên tôi là thủ phạm của tội danh một, đáng lẽ đã được trắng án, và nguyên nhân của tội danh hai. Một mũi tên trúng hai con chim, nó trở thành người thiện sứ hòa bình can ngăn phần tử nổi loạn nên vô tình bị hiểu nhầm.
Mấy thằng chiến hữu của tôi, ngoài Linh vẹo thì đều giơ cái ngón tay number one đưa về phía tôi.
“ Ngon lành mày, cãi ngang với cán bộ lớp” “Quả là anh hùng không nể sợ ai”.
Tất nhiên phóng lao thì phải theo lao, bỏ mặc tiết sinh hoạt lớp tuần sau, tôi giơ ngón tay number one rồi chỉ về ngực mình, trước cái cười nghiêng ngả của Nguyệt, và cái nhìn khó chịu của Dung. Ngữ Yên đứng ngoài lớp cũng phải bụm miệng cười. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản. Chẳng hiểu là do tôi có sức hút hay không mà hai tiết văn tiếp theo lại trở thành tâm điểm. Chẳng là thầy dạy văn tôi chẳng hiểu sao nổi hứng đầu năm học, lôi tôi lên đọc bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bỏ cả mấy tháng trời chưa thuộc nổi quá hai khổ, đã thế bài thơ này còn chuyển đổi thành nhạc nữa. Báo hại tôi đọc thơ mà như hát, làm cả lớp tôi ôm bụng mà cười bò ra. Ngay cả Dung cũng phải bụm miệng cười khúc khích.
-Tôi kêu anh lên đọc thơ, chứ không phải hát! -Dạ, da…..-Mồ hôi tôi ròng ròng. -Đọc mấy khổ sau, đọc chứ không hát! -Dạ……thầy để em đọc!
Khổ nổi mấy khổ thơ sau, một chữ tôi cũng chẳng nhớ. Ậm ờ:
-Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông dường nào….
Cuối cùng, làm trò cười mua vui cho thiên hạ, tôi vác theo con thuyền dùng để đạp vịt về chỗ:
-Hai điểm, thuyền với chả biển của anh đấy!
Rầu rĩ vác cuốn vở trắng tinh, ăn con hai đỏ chói. Kiểu này về nhà đốt phong long quá. Đi qua chỗ thằng cán bộ cấp cao mà nó cứ cười đểu , đúng là trong chiến tranh, nụ cười rất dễ gây ức chế cho kẻ địch. Phong mập và Kiên cận thì khá khẩm hơn tôi, mỗi thằng hai con sáu về chỗ, vì đọc ấp úng. Hai thằng nhìn tôi, lần này thì chúng nó tự number one chúng nó luôn rồi.
Hai tiết sau, trúng ngay tiết Lí. Tôi thoải mái và dễ thở hơn một chút, vì tôi biết rõ tính thầy dạy môn này. Rất hiếm khi thầy kiểm tra những người học khá trong lớp, và nhăm nhe những bạn yếu môn này. Hai tiết sau tôi thoải mái rung đùi và ngồi cười. Ngày đầu tiên đi học năm mười một. Mâu thuẫn giữa dân thường và cán bộ tiếp tục được đào sâu, chiến tranh lạnh nổ ra. Đối phương sẵn sàng cười vào mặt kẻ địch mỗi khi thất thế, như thằng Hải cười vào mặt tôi khi tôi có thuyền đạp vịt.
|
Trưa cơm nước nhanh gọn, trái với tác phong lề mề, tôi có mặt trên lớp chung với Nguyệt và Nhân đen.
-Mày làm gì mà thằng Hải nó me mày hoài vậy! -Tao có biết đâu, chắc nó kết tao!
Nguyệt đi bên cạnh và cười:
-Thấy gớm, ông ơi, tự tin quá! -Cô không bên chồng cô, mà bênh thằng khác, ý gì đấy hả? -Tớ cóc thèm!
Vừa ngồi xuống chỗ, thằng Vũ đã lù lù hiện lên, đưa cuốn sách cho tôi:
-Ế, giải hộ bài này! -Nói năng kì vậy! -Ờ……giải hộ bài này cái, không hiểu! Tôi hắng dọng hách dịch, nửa đùa nửa thật giỡn mặt thằng đệ tử, tôi bị chức vụ đè, thì giờ phải tập cho đệ tử làm quen. -À, cái này nè, nó phản ứng với cái này trong hỗn hợp nè! Thằng Vũ sáng dạ, nói cái là nó hiểu ngay vấn đề nó khúc mắc, toan cầm cuốn sách lên bàn nó để làm tiếp. -Ế! -Gì nữa? -Căn-tin hậu tạ chứ
Thằng bạn khẽ gật đầu, theo tôi xuống căn-tin.
-Gì mà sáng nay gay gắt quá vậy? -Ờ, nó gây tao chứ bộ, muốn trừ điểm đấy mà! -Lạy hai thằng mày, Yên đã bỏ qua rồi, còn không muốn, muốn trừ nhiều hơn.
Từ ngày thằng Vũ chơi với đám chiến hữu, không ít thì nhiều đã đổi tính nết, trở nên hòa đồng và vui vẻ hơn. Ngay cả trong cách nó nói, cũng có phần nào hao hao giống tụi tôi. Thành viên không thường trực nay trở thành thành viên chính thức của hội chiến hữu.
-Ờ, biết sao được, à mà nhắc tới Yên mới nhớ! -Nhớ gì? -Thật là bạn thôi à?
Nó ngơ ngác nhìn tôi:
-Ừ, nói lừa làm gì! -Tiếc nhỉ, trai tài gái sắc! -Không sao, làm bạn cũng tốt thôi, vì ít nhất, tình cảm không thể gượng ép, nếu không chẳng khác gì ngục tù.
Phải nói thằng đệ tử của tôi phát ngôn y chang bà Nữ tặc vậy. Mà nhắc tới Nữ tặc tôi vẫn nhớ cái câu:
-Xuyến về đây T! Không biết nó có nghĩa là gì? Bước tiến mới cho tình cảm chăng?
|
CHAP 84: CHIẾN SỰ LEO THANG.
Từ cái bữa tranh cãi nổ ra, “đôi bạn đối đầu” cùng nằm trong sổ trực của Ngữ Yên thì có vẻ tình hình chiến sự leo thang đến mức cao điểm. Hiển nhiên trong lớp thằng Hải vẫn xứng đáng là tấm gương đạo đức, cánh chim đầu đàn để mỗi người noi theo. Nhiều bạn nói nó là “con ngoan, trò giỏi “ cũng chẳng có sai.
Còn về phần tôi, một phần tử nổi loạn, thì không được như nó, mà là trái ngược hoàn toàn. Đi muộn có, chọc phá bạn trong lớp có, ồn ào mất trật tự có. Thằng Hải luôn được tuyên dương trên bảng vàng thì sổ đen luôn luôn có tên tôi, như số trời đã mặc định.
Có chăng, tôi nhỉnh hơn nó về lực học trong mấy môn tự nhiên, ít nhất là cũng có vẻ tự hào về cái gọi là “ Tài Năng”. Nhưng ở đời, muốn thành tài phải thành nhân trước, chẳng phải vì thế mà trên bức tường đặt bảng đen có dòng chữ “ Tiên học lễ, hậu học văn hay sao”.
Ngay trên dòng chữ đó, Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cao vời vợi. “Người có tài mà không có đức thì là kẻ vô dụng, kẻ có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Làm việc gì cũng khó chứ không phải là không làm được. Vậy đấy!
Quy chiếu theo câu đó, tôi là kẻ vô dụng, còn thằng Hải dĩ nhiên gặp khó hơn tôi. Chẳng vì thế mà ngày hôm nay nó ngắc ngứ trước câu hỏi hóc búa của môn Lí, để tôi cười sằng sặc dưới lớp. Thầy dạy Lí lôi cổ tôi lên , chia bảng ra làm hai. Vậy là tôi chấp nó chạy trước, mà cuối cùng cũng xong cái đáp số. Quay đầu nhìn lại thì thấy nó vẫn toát mồ hôi hột đang hoàn thành bước tính toán cuối cùng.
Còn thứ hai đầu tuần, chắc nó cũng hả hê lắm khi tên tôi trở thành niềm tự hào mới. Một tuần học vi phạm đủ mười lỗi. Công nhận nó quan sát tôi kĩ thật. Đến vẽ bậy vào vở nháp mà nó cũng quy cho cái tội” Không tập trung”.
-Sao thế T, nhiêu tuổi rồi? -Dạ…mười bảy!
Tôi thật thà đáp lại thầy tôi, để mặc bọn bạn cười sằng sặc vì cái tính thật thà. Đương nhiên ý thầy chủ nhiệm tôi muốn hỏi là lớn như vậy rồi mà vẫn nghịch ngợm đấy mà.
Sau một chặp mắng mỏ tôi, khiến cho lữa nộ bất mãn tuôn trào, tôi lấy hết sĩ khí:
-Dạ thưa thầy! -Có gì không vừa lòng à? -Em thấy mấy cái nhỏ nhặt thì để tụi em tự giải quyết với nhau, không nên làm phiền thầy làm gì!
Cả lớp tôi mắt tròn mắt dẹt, quay lại nhìn cái thằng nào vừa ngông cuồng phát ngon ra câu ấy. Hung thủ kiêm luôn luật sư bào chữa. Đám chiến hữu còn tưởng mình mơ ngủ, lắp bắp đưa tay “suỵt” tôi im lặng.
Thằng Hải chẳng bỏ lỡ thời cơ:
-Nhỏ nhặt là sao!
|
Thản nhiên không thèm trả lời nó, để chứng tỏ rằng nó không xứng đáng là người ngang hàng để mình trả lời. Thầy tôi cũng hơi bất ngờ về cái ý kiến “liều mạng” của tôi, trầm ngâm :
-Ý em là sao?-Giọng thầy không chứa gì gọi là tức giận cả!
Hắng giọng, chuẩn bị bài thuyết trình sắp được tuôn ra khỏi đầu, tôi chộp lấy cơ hội ngàn vàng:
-Em thấy mấy tội như mất tập trung, hay đổ chỗ, nói chuyện trong giờ học thì để cán bộ lớp tự giải quyết với nhau. Còn mấy tội lớn như nói leo, cúp học, hay không học bài thì mới báo lại với thầy. Ít nhất tụi em cũng lớn rồi, nên mấy chuyện nhỏ đó cũng tự giải quyết được ạ.
Nói ra mà tôi sợ hố, chẳng hiểu lớn tới đâu, chứ riêng tôi một tuần mười lỗi vi phạm thì làm sao mà ai tin tưởng cho được. May thay thầy tôi không chú ý đến cái đó, còn thằng Hải mặt nó đỏ bừng bừng.
-Bạn nghĩ sao, vi phạm mà không báo cáo với thầy! -Thế bạn nghĩ sao, lớp trưởng chỉ có ghi tội rồi báo lại với thầy, mấy chuyện đó bạn không giải quyết được sao mà còn phiền thầy.
Thầy tôi vẫn trầm ngâm suy nghĩ, có lẽ ít nhiều lời nói của tôi cũng có lý. Đã là lớp 11 rồi, ý thức mỗi người, gò ép có được cái gì. Quan trọng là nhận thức của tuổi trẻ nó đến đâu.
-Bạn nghĩ rằng đổi chỗ, xáo trộn chỗ ngồi mà tốt à! -Thế sao bạn không nghĩ, thầy chia ra tổ để kèm nhau học, trong lớp không chỉ nhau, để ra chơi thì chỉ được cái gì.
Khi tôi nói ra câu nói đó, đến tôi cũng phải phục tôi sát đất, huống hồ gì thằng lớp trưởng, nó im bặt, định nói cái gì đó nhưng bị chẹn ở cổ họng. Nghe như tiếng ú ớ như nghẹ bánh in vậy.
Hiển nhiên tôi biết, Thầy chủ nhiệm lớp tôi rất tâm lý, và Thầy cũng đánh giá cao cái gọi là “ Ý thức cá nhân”. Những lời nói của thằng Hải không sai, nhưng những lời nói của tôi hoàn toàn không vô lý. Cả lớp tôi im lặng trước chiến sự được “ hợp thức hóa”. Lũ anh em chiến hữu thì chia nhau ra đặt cược nước mía, thằng thì tin tôi sẽ được toại nguyện, thằng thì đặt cho quyền lực của thằng Hải. Có vẻ là ngang ngửa nhau.
Thầy tôi suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng như Chủ toàn tuyên án:
-Bây giờ sẽ như thế này, ngoài việc chuyển chỗ theo sơ đồ nhóm, và việc mất tập trung, thì mọi việc trong giờ sinh hoạt lớp vẫn báo lên bình thường.
Tôi như muốn nhảy cẩng lên, tuy không thể hạn chế hết quyền lực đang được bành trướng của tân lớp trưởng, nhưng chí ít cũng khiến quyền hạn của nó dừng lại, để cho tôi có chút vùng trời thoải mái.
-Giờ lớp phó lao động đọc danh sách trực nhật!
Cô bạn ở tổ ba cầm cuốn sổ đọc vanh vách:
-Thứ Ba, T trực một mình! -Thứ Tư, T trực một mình! -Thứ Năm, T trực buổi chiều, do sáng lớp mình học thể dục. -Thứ Sáu, Nhân và Phong!, Thứ Bảy, Linh và Hưởng! -Thứ Hai, Hải trực một mình!
Cô bạn ấy lễ phép xin thầy được ngồi xuống. Bình thường thấy nó cũng dễ thương mà chẳng hiểu sao hôm ấy nhìn nó đáng ghét thế, thà rằng nó đọc một lèo từ thứ ba đến thứ năm tôi trực luôn đi. Vậy mà còn ngắt quãng ra, ba lần một mình. Y như trọng phạm vậy. Đám chiến hữu cũng lần lượt vào sổ với tôi, nhưng ít nhất cũng có đôi có cặp, thằng lẻ bóng một mình là thằng kẻ thù của tôi.
Nó đang đưa cặp mắt cười đểu nhìn tôi, vẻ đắc thắng lắm.
“ Ba ngày nghe chưa mày, trực lòi con mắt ra”.
|