Học Sinh Chuyển Lớp Phần 1 và 2
|
|
-Sao ăn ít thế Con? -Dạ, no rồi Mẹ, Mẹ nấu ăn ngon quá!
Sau một lúc nịnh nọt đồng thời đánh lạc hướng, tôi lên phòng nhẹ nhàng với lấy chiếc balo. Nhẹ nhàng hơn nữa, từ từ lôi chiếc bánh mì ngọt ra khỏi cái ngăn bên trong cùng. Từ từ đưa nó lên trước mặt, suy nghĩ:
-Không biết là có ý gì không nhỉ? -Ngữ Yên hôm nay khác thường thật!
Cám dỗ vẫn là cám dỗ, nhất là ở tuổi tò mò, tôi mở vỏ, xé một miếng bánh. Khẽ đưa lên miệng và cảm nhận. Chẳng hiểu Ngữ Yên có bỏ gì bên trong không mà sao nó ngon đến kì lạ. Vẫn cái loại bánh ngọt ở tiệm tạp hoá gần nhà bán, bình thường tôi nhai rệu rạo. Thế mà chiều hôm ấy,vừa học bài vừa thỉnh thoảng tôi lại ăn một chút, vì sợ rằng nó hết mất. Lần đầu tiên trong đời, tôi ăn một cái bánh ngọt trong bốn tiếng đồng hồ. Chứ bình thường, theo lời thằng Hoàng nhận xét:
-Một ổ bánh mì, tao tính mày ngoặm ba ngoặm là hết!
Cơm no, rượu, à quên nước say, tôi sửa sang quần áo, xách chiếc tuấn mã chinh chiến cùng thằng em họ bao năm, đóng cửa nhà lại rồi đạp xe ra chờ Nguyệt và Nhân. Đạp xe lên học mà tâm trạng cứ như đi du xuân, mặt mũi phơi phới.
-Tao đạp mày một cái nhe thằng Tín!-Nhân đen hì hục đuổi theo tôi. -Ơ, sao thằng bạn yêu quý lại đòi đạp tao thế?-Tôi chẳng để ý đến thái độ hằn học của thằng Nhân. -Chầm chậm chờ tao, không thấy tao đang đèo Nguyệt à, nặng như heo-Nhân đen đưa tay quệt trán nhễ nhại mồ hôi. -Ông nói ai Heo vậy?
Nguyệt vừa thốt xong câu, Nhân đen đã rú lên đúng như Heo bị thọc tiết. Con gái đúng là nguy hiểm, mà đặc biệt là nhéo. Nguyệt cũng như Dung, chắc bầm tím cả ngày chứ chẳng chơi. Ngữ Yên cũng vậy. Thương thằng bạn, tôi hào sảng:
-Đưa con heo sang đây, tao đèo!
Tôi đèo Nguyệt vẫn chạy băng băng, dẫn đầu đoàn, bỏ cả hai thằng bạn đến cả chục mét chứ chẳng chơi:
-Hôm nay vui vậy? -Hôm nay hả, bình thường mà! -Xạo, cái mặt vênh thế kia mà bình thường! -À, à, hôm nay trời đẹp nên vui!-Tôi lấy cớ chống đối. -Trời sắp mưa tới nơi mà kêu đẹp nữa?-Nguyệt vẫn kiên quyết tới cùng.
Tôi cứ cười hềnh hệch, chẳng hiểu hôm nay ăn nhầm cái gì mà mặt tôi cứ gọi là tươi như hoa. Tính ra, ăn nhầm cái bánh mì chứ mấy.
-Làm lành với Dung rồi chứ gì?-Nguyệt ở đằng sau vẫn chưa buông tha, nói vọng lên.
|
-Ờ, cũng có…! -Vậy là có chuyện khác….! -Có chuyện gì đâu, thì vui thôi mà, chẳng có chuyện gì hết, Nguyệt bảo chuyện gì là gì? -Nói như thế là có rồi nhé! -……….! -Ngữ Yên phải không?
Nghe đến Ngữ Yên chẳng khác nào sét đánh trúng tim đen. Tôi chuệch choạc tay lái, chiếc xe lảo đảo như được điều khiển bởi thằng say rượu. Hành động đấy chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này cả. Nguyệt cười giòn tan.
-Trúng tim đen rồi nhé! -Bậy, tim tớ không có đen nhé! -Ái chà, còn tới với cậu ở đây nữa à? Từ hồi giờ toàn gọi tên mà giờ thân thiện vậy?
Con gái đúng là khó qua mặt được họ chuyện gì? Đôi khi bạn có thể lỡ miệng, bộc lộ một từ thôi, họ cũng nhận ra sự khác biệt trong nội tâm của bạn. Đôi khi, qua một hành động, họ cũng có thể hiểu phần nào con người bạn. Nguyệt cũng không phải là ngoại lệ.
-Này nhé, rõ ràng ra đấy!-Nguyệt nhắc nhở tôi. -…………Ờ, biết mà!-Mồ hôi tôi toát ra sau lưng.
Có vẻ như câu nói của Nguyệt mới là trọng tâm của mọi vấn đền. Hình như tôi đang bị lung lạc giữa hai thái cực. Một bên là Yên, một bên là Dung. Bình thường Ngữ Yên tạo nên một sự lưu luyến, phảng phất trong kí ức, không thể so với Dung, khi Dung luôn rực rỡ, mãnh liệt và thường xuyên xuất hiện trước mặt tôi. Nhưng thời gian này thì khác, Ngữ Yên bỗng nhiên cũng rực rỡ không kém cạnh. Vậy thì rốt cuộc, ai rực rỡ hơn ai? Ngay cả tôi cũng không thể đánh giá rõ ràng. Thường thì vẫn khẳng định Dung luôn quan trọng. Nhưng khi tiếp xúc với Ngữ Yên thì mọi chuyện lại khác. Chẳng lẽ, tôi vô tình trở thành kẻ bắt cá hai tay như một số lời nhận xét ác ý.
-Gì mà ngẩn tò te mày!-Thằng Hoàng đạp lướt qua tôi, không quên một cú cốc đau đớn. -Á, cái thằng này, dám đụng đến bố mày à!
Tôi nghiến răng kèn kẹt, nhấn mạnh pê-đan đuổi theo trả thù. Tốc độ xe càng tăng, mặc cho Nguyệt hai tay giữ hai bên hông của tôi bám chắc, tôi vẫn nhấn mạnh pê-đan rượt theo thằng bạn. Nhân đen ngơ ngác cũng rượt theo. Chẳng khác nào bốn đứa tôi đang tham gia Tour De France cả.
-Cán đích!-Tôi và thằng Hoàng cùng cạch chân chống xe xuống cùng lúc! -Cán xe!-Thằng Nhân đen húc thẳng xe nó vào đít xe thằng Hoàng, thở hổn hển. -Cái thằng ăn hại này, tao chấp người rồi đấy nhé! -Cái thằng chỉ ăn là giỏi.
Hai thằng tôi đua nhau mạt sát thằng Nhân đen tệ hại. Nguyệt thì giật giật tay áo tôi. Tôi tưởng cô nàng nảy lòng từ bi, muốn hai thằng tôi tha cho thằng Nhân nên gạt phăng:
-Nguyệt để im, phải dặn dò bạn tập luyện thể…..! -Ê, Tín……!-Đến lượt thằng Hoàng giật giật tay áo của tôi.
Tôi ngơ ngác, quay lại đằng sau. Lần này thì dù có muốn tôi cũng phải tha cho thằng Nhân mất thôi. Bởi vì tâm trí tôi còn đâu nữa mà mạt sát thằng bạn cơ chứ.
Chiếc ghế đá trước nhà Thầy, một cô gái tóc dài đen tuyền đang ngồi học bài. Đôi mắt to đen láy dễn thương, mái tóc khẽ nghiêng qua một bên chẳng khác nào bức tranh cô gái bên hoa Huệ hay Cúc gì đấy? Khuôn mặt ánh lên vẽ dễ thương cực kì quen thuộc. Ngay cả thằng Hoàng và thằng Nhân còn há hốc mồm ra chứ nói gì đến tôi. Cô gái ấy còn sáng hơn cả chiếc bóng đèn đang toả ánh sáng.
-Ơ……ơ…Yên!-Tôi lắp bắp.
Cô gái ấy theo tiếng gọi quay lại, đôi môi tạo nên một nụ cười hoàn mỹ, một tuyệt tác của nhân gian là đây. Tôi như kẻ bị thôi miên, ngây dại cười lại trước khi Thầy chủ nhiệm tôi giải bùa cho tôi:
-Vào lớp học thôi mấy đứa!
|
Tôi choàng tỉnh, cất ngay bộ mặt ngờ nghệch đi, khẽ lay lay thằng Hoàng lẫn thằng Nhân, cả đám trình bày nghi thức lễ phép với Thầy. Thầy chủ nhiệm tôi khẽ mỉm cười, rồi quay sang Yên:
-Cháu vào lớp luôn đi! -Dạ, thưa Chú!
Lần này tôi á khẩu hoàn toàn. Chú, Cháu? Chẳng lẽ Ngữ Yên, à không, vậy là Ngữ Yên có quan hệ họ hàng với Thầy chủ nhiệm tôi. Tôi đứng gãi đầu gãi tai. Chưa bao giờ nghe cô nàng nhắc tới chuyện này. Thảo nào, Ngữ Yên chưa bao giờ đề cập đến vấn đề học thêm Toán. Cũng như không đi học thêm Toán của Thầy bộ môn bên đó.
-Chết mày nhé, Con Thầy vợ bạn gái cơ quan!-Thằng Hoàng thì thầm bên tai phải. -Có phải con đâu, cháu thôi mà-Nhân đen thì thầm bên tai trái. -Con cháu gì chẳng giống nhau!-Thằng Hoàng cười cảnh báo!
Cuối cùng, Nguyệt cốc đầu cả ba thằng, nhắc nhở vào lớp học. Lần này thì không có chuyện tôi với Ngữ Yên được ngồi cùng bàn cuối nữa. Ngữ Yên ngồi bàn đầu với thiên phận thiên kim tiểu thơ của Thầy giáo chủ nhiệm. Còn đám dân đen quậy phá chúng tôi thì tụ tập ở hai chiếc bàn cuối cùng. Ồn ào hơn chợ vỡ.
Lúc ấy, tôi càng chú ý đến Ngữ Yên hơn? Bao nhiêu câu hỏi xoay xung quanh đầu:
-“Ngữ Yên có quan hệ họ hàng với Thầy chủ Nhiệm”. -“Thế sao không thấy Nàng học lớp với tôi?” -“Sao giờ cô Nàng mới học chung lớp Toán này”!
Mặc cho tôi như kẻ mất hồn, bao đứa con trai bạn tôi xung quanh vẫn học hành như thường. Có lẽ với sự góp mặt của Ngữ Yên mà đám bạn học hành phấn chấn hẳn. Cứ có bài tập là xung phong lên bảng ầm ầm, chẳng bù cho đợt trước, toàn đùn đẩy nhau.
Tôi ngồi tĩnh lặng, không tham gia cái trò tạo ấn tượng theo kiểu đó. Chẳng phải tôi người lớn hơn đám bạn, mà bởi vì tôi “cáo già” hơn tụi nó một bậc trong cái trò này. Xung phong lên những bài mà ai cũng làm được thì nó là chuyện đơn giản. Tôi rình rập chờ cơ hội bài nào thật khó, cả lớp vò đầu nhăn trán mới xung phong lên làm người hùng giải cứu chứ. Người quan trọng không phải là người đến đầu tiên, mà là người đến đúng thời điểm, nắm vững quy tắc Thiên thời, Địa lợi, Nhân Hoà.
Buổi học hôm đấy, kết thúc trong sự tiếc nuối của tôi. Bởi không hiểu tụi bạn tôi ăn nhầm thuốc tăng lực hay tu thành chánh quả mà bài nào tụi nó cũng làm phăng phăng. Toan tính đổ xuống sống xuống bể, thành ra tôi là người mờ tịt nhất trong một dàn sao toả sáng lung linh, giải ngân hà đua nhau tạo ấn tượng trước mắt mỹ nhân.
Ngữ Yên bước ra khỏi lớp, tôi nhìn theo trong sự tò mò, lẫn sầu não. Phải chăng như lời thằng Hoàng nói, con Thầy, vợ bạn, gái cơ quan là không nên có dính dáng tới.
|
Học sinh chuyển lớp CHAP 24:THÁNG 9: TÔI KHÔNG YÊU SỰ HOÀN HẢO!
Tôi lững thửng xách chiếc xe đạp dắt ra cổng. Đám bạn lớp tôi đang hào hứng rủ nhau đi ăn chè trôi lẫn bánh chuối chiên, khí thế bàn bạc đằng sau. Tôi chẳng để tâm lắm, bởi vì Ngữ Yên cũng đang chuẩn bị chào Thầy, à quên Chào Chú ra về.
-Dạ, cháu xin phép về trước ạ! -Ừm, đi xe về cẩn thận nha!-Thầy tôi có vẻ quý mến cô cháu lắm.
Đám bạn tôi tất nhiên đứa nào cũng ham hố nhanh nhẹn nhấn pê-đan đạp thật nhanh. Tiếng huyên náo phá tan sự im lặng của con hẻm nhỏ, leo lét ánh đèn vàng. Để mặc một thằng con trai-vâng đó là chính tôi chậm rãi bám theo đằng sau không một cách quan tâm. Cũng may chúng bạn không quan tâm, bởi vì mục đích của tôi là đối chất với Ngữ Yên.
-Hù!-Tiếng người con gái đi sau tôi vang lên.
Đang miên man suy nghĩ, tôi giật mình lạng tay lái, lảo đảo suýt té. Hoàn hồn lấy lại thế cân bằng, tôi nghe rõ tiếng cười nhẹ nhàng vang lên bên cạnh.
-Nghĩ gì mà tập trung vậy? -Ơ, Yên à?-Tôi là chúa giả bộ mà. -Không Yên thì ai? Ông tướng nghĩ ra ai vậy?
Tôi chầm chậm đạp xe, gió lùa ngược lạnh căm. Nhưng hôm nay không phải là hôm qua, tôi làm gì có cơ hội thể hiện màn ga-lăng nữa chứ. Ngữ Yên đi bên cạnh với chiếc áo khoác ấm ấp, nhìn cô nàng chẳng khác gì con gấu bông dễ thương.
-Thầy là…? -Là chú ruột Yên đó-Ngữ Yên đáp lời như biết rõ tôi đang định hỏi gì? -Thế sao Yên không học bên lớp Thầy? -Hì hì, không thích bàn ra tán vào thôi mà!
Tôi hiểu cái cảm giác này một phần. Khi mà người thân bạn đứng dạy bạn thì mọi thành quả của bạn sẽ một phần nào bị nghi ngời. Ngay chính bản thân tôi khi chuyển qua lớp giữa chừng chẳng bị bàn ra tán vào và phải trải qua một tháng thử thách đấy sao.
-Sao Tín chưa thấy Yên học Toán ở đây lần nào vậy? -Yên học lúc rảnh thôi, giờ vô năm Chú không có thời gian nên học chung với lớp Tín đó.
Hai chiếc xe đạp song song với nhau, thời gian trôi qua thật chậm. Cô gái với chiếc xe mini đi bên cạnh tôi khẽ suýt xoa trước những cơn gió lùa qua. Chẳng ai nói với ai một câu gì, chỉ đi như thế cho đến khi trước mặt hai đứa là một cái ngã ba.
-Tín giờ đi với bạn hả? -Ừ…à, mà sao Yên biết! -Nãy thấy lớp Tín bàn mà…! -Vậy Yên? -Hì hì, Yên về nhà nhé, tạm biệt!
|
Trong đêm tối, một cô bạn đạp xe, ngoái lại nhìn bạn nở nụ cười thật đẹp, thật ấm áp, giơ một tay lên vẫy tạm biệt. Đó không khác nào một bức thanh trật đẹp, thật tươi sáng trong bóng đêm yên tĩnh, một đốm lửa sưởi ấm trong đêm gió lạnh. Bạn còn cảm thấy lạnh và cô đơn không?
Bóng đêm nhanh chóng ôm trọng bóng hình Yên vào lòng. Tôi ngoái đầu nhìn cho đến khi miếng phản quang sau xe Yên cũng biến mất rồi mới nhanh nhẹn nhấn pê-đan đạp phăng phăng. Chẳng hiểu sao tôi muốn hét lên thật lớn. Cứ thế tôi cắm cúi đạp, đạp nhanh chứ không tụi nó ăn hết phần thì toi.
Sáng hôm sau, tôi lê thân đến lớp với bộ mặt còn ngái ngủ. Đến phiên tôi trực nhật vì cái tội danh “giúp bạn đánh nhau”. Xách nước, lau bảng, quét dọn lớp trông đến buồn cười. Đám bạn tôi thì thay phiên nhau mà chọc quê, đã thế chúng nó còn xài chiêu “gậy ông đập lưng ông nữa”:
-Cán bộ cứ để em làm cho, cán bộ lau tay lên bàn ngồi được rồi! -Ấy, thằng nào dám bắt cán bộ quét lớp thế này?-Kiên cận trực nhật hôm qua nên cười nhe răng. -Thằng Nhân xuống quét lớp cho cán bộ, mày ngồi đó mà cười!-Thằng Hoàng cũng không thiếu phần.
Chúng nó cứ mở miệng ra là nhại tôi, một tiếng cán bộ, hai tiếng cán bộ. Thế mới đau đớn thay cơ chứ, tụi nó cứ ôm bụng cười ngặt nghẽo để mặc tôi mồ hôi toát ra. Trời bên ngoài thì hơi se lạnh mà trong lòng tôi ấm ức đến phát nóng, chỉ muốn túm thằng nào đó, cốc đầu nó vài phát, đá đít nó vài cái cho đỡ tủi thân.
-Tụi mày cứ cười đi, coi chừng sau này tao làm công an thì lại cán bộ cho xin điếu thuốc thì tao tát chết!
Lũ bạn tôi chẳng màng câu đe doạ xa vời phi thực tế đó. Tính khí tôi yêu tự do, thế nên không thích hợp, hoặc theo lời đánh giá của tụi nó:
-Nhân phẩm chưa đủ để đứng trong hàng ngũ Công An đâu cán bộ ơi!
Chỉ có thằng Hải là cười đắc chí lắm. Cái thằng ác nhơn, chắc vẫn còn cay cú vụ tôi mỉa nó cán bộ với sếp nên giờ thấy tôi đồng cảnh ngộ thì rung đùi đắc chí. Thỉnh thoảng ném cho tôi một cái nhìn còn hơn cả sự tự đắc. Nóng máu đỏ hết mặt, tôi thở phì phò, nhanh tay hoàn thành công việc rồi lẻn ra ngoài múc nước rửa tay cho giáo viên, tranh thủ lau mặt cho tỉnh táo.
-Bài thơ này……! -Tùng tùng, tùng…!-Tiếng trống trường vang lên, cắt ngang tiếng giáo viên dạy Văn, chẳng khác nào tiếng trống mở đại tiệc cả.
Hai tiết văn đằng đẵng trôi qua trong chục cơn ngáp sái quai hàm của tôi và nằm gục xuống vì không nhồi nhét nổi của mấy thằng bạn. Chưa kịp yên thân, mấy thằng bạn đã nhắc khéo:
-Cán bộ ơi, lau bảng kìa! -Cán bộ đâu rồi!
Tôi nhảy qua bàn, như một thằng tù khổ sai, bị bọn bạn canh dịch hành hạ, lết thết đi lên bảng. Bạn bè cả lớp ăn theo phong trào cũng hỏi han quan tâm lắm:
-Cán bộ lau bảng à? -Mệt không cán bộ!
Với bạn bè trong lớp, không thân bằng xóm nhà lá thì càng khó xử hơn. Tôi chỉ biết nhe răng ra cười chứ sao. Đang khom người lau ở góc bảng dưới, Dung đi ngang qua tôi, hơi gần và nói với tôi một câu. Câu nói đó đủ nhỏ nhẹ để mình tôi nghe thấy.
-Ra về đợi Dung nhé!
Chính vì câu nói đó, tôi mong cho hai tiết kỹ thuật đằng sau trôi qua thật nhanh chóng. Trên bảng cô cứ dạy, bao nhiêu bệnh về gà, vịt, bao nhiêu chi tiết mặt cắt đều đi bên tai này lọt qua tai kia của tôi hết. Tôi đang nghĩ không biết có chuyện gì mà Dung có vẻ nghiêm túc với tôi như vậy?
Chợt giật mình:
-Chết!-Tôi mơ màng nói lớn giữa lớp. -Bệnh này không chết được Tín nhé, em không được nói leo!
Tôi mặt xanh như tàu lá chuối, còn đám bạn thì thằng nào thằng nấy bò ra bàn mà cười. Đặc biệt như thằng Phong mập, nó còn lau cả nước mắt. Hú hồn, suýt nữa là ngồi vào sổ đầu bài.
Chẳng là tôi thốt ra câu chết vì hơi ớn chuyện giữa Tôi và Nàng. Có khi nào mà Dung thu thập được tin tức rằng tôi và Ngữ Yên thân nhau hơn không nhỉ? Chẳng biết đâu đấy, điệp viên nằm vùng đầy rẫy ra, tai vách mạch rừng mà. Tôi thốt ra câu “chết” là vì lí do ấy. May sao lúc đó đang học về bệnh gia cầm. Thế là Giáo viên tưởng tôi nói leo là bệnh này sẽ chết. Hú vía, đúng là qua cơn đại hoạ.
Giờ ra về, tôi và Dung đều nán lại, cố tình làm ra vẻ bận rộn chờ tụi bạn bước ra khỏi lớp trước. Số lượng học sinh trong lớp tỉ lệ nghịch với tâm trạng bất an của tôi.
-Chừa nhé!
|