Chị Dâu Em Chồng
|
|
Chap 15. Thương giả thương dối
Đùa kiểu vậy là đùa kiểu gì? Chị đâu có đùa nhỉ? Chị ngẩn tò te chả hiểu mô tê gì, cậu thì chẳng giải thích thêm lấy nửa lời. Niệm của bây giờ hình như không cởi mở với chị như Niệm của ngày xưa thì phải? Mà sao có thể như xưa được chứ? Chí ít ngày đó chị và Niệm còn giống nhau, cùng mang trong mình những hoài bão và khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, tuy ghét nhau nhưng rất hay tìm nhau thủ thỉ: - Này, sau này đây thành nhà thiết kế nổi tiếng, đây mở công ty xong đây cho đấy chức bảo vệ nhé. Đây sẽ xây cho đấy một cái chòi ngoài cổng, nhất đấy nhá! - Chỉ sợ đến lúc đó đây đã mua đứt công ty của đấy rồi. Nhưng đấy yên tâm, đây sẽ vẫn giữ cái chòi đó, xong cả ngày đấy chỉ việc ngồi bên trong lè lưỡi giống em Nơnơ ý. Niệm đáp đầy khốn nạn, hồi ấy nói giỡn vậy thôi mà giờ cậu đã đầu tư công ty nọ công ty kia, còn chị, đến một cái xưởng may nho nhỏ cũng chẳng thành lập nổi. Tự dưng nghĩ tới lòng cứ buồn nao nao à, chị ít nói hẳn, buổi tối tới khu nghỉ dưỡng chị không buôn dưa với mẹ Hoà và dì Kỷ mà ngồi một góc phòng vẽ vời linh tinh. Chiếc điện thoại mới này chị giành được nhờ thắng cuộc thi uống rượu, bên trong cài sẵn nhiều ứng dụng đồ hoạ thú vị lắm. - Hoan hô mẹ Hoài vẽ đẹp tuyệt vời á! Mẹ Hoài vẽ thêm em Nana với cô Nơnơ cho Bông đi mẹ. Có Bông ở bên vỗ tay khuyến khích khiến chị hứng khởi hẳn lên, Bông đợi mẹ vẽ xong thì tí tởn đem ra chỗ cậu Niệm khoe khoang. Khác với ba Hoàng luôn khen hết lời, cậu liếc qua rồi nhận xét: - Tranh không có hồn, xấu. Eo cậu Niệm đáng ghét ghê luôn á, Bông không thèm nói chuyện với cậu nữa, ôm điện thoại về méc mẹ: - Tranh đẹp thế mà cậu chê, cậu xấu tính. Mẹ Hoài mà không bị ngã thì còn vẽ đẹp nữa mẹ nhờ? Bông vừa dứt lời thì cậu Niệm giật mình liếc qua phía đó, chị Hoài cười trừ. Là vụ tai nạn tám năm về trước, nhưng kể với Bông chị chỉ dùng từ "ngã" cho con hiểu thôi. Mẹ Quỳnh vẫn luôn bảo chị không được trách người gây tai nạn, bởi lỗi là do ba chị mắt kém không nhìn thấy biển cấm xe máy. Về lý chị công nhận ba chị sai, nhưng về tình thì lẽ ra người ta nên gọi xe cấp cứu giúp ba con chị chứ, chỉ một cú điện thoại thôi mà? Đằng này chắc họ sợ tội, sợ phiền phức nên trốn biệt tăm. Thời gian đó gia đình chị rơi vào khó khăn cùng cực, nếu không có anh Hoàng thực sự chị chẳng biết mình sẽ vượt qua như nào? Chị tưởng Niệm cũng biết chuyện cơ, bởi năm ấy dì Kỷ thường xuyên về thăm gia đình chị, nhưng trông bộ dạng ngạc nhiên của cậu bây giờ thì có lẽ dì chưa từng kể với con trai. Cậu nhìn chị chằm chằm như đợi thêm lời giải thích, dù sao chuyện cũng qua lâu rồi, chị chẳng muốn nhắc lại nên chỉ ôm Bông dặn dò: - Tại mẹ Hoài chạy nhanh quá nên bị vấp đấy, Bông phải đi đứng cẩn thận nhớ chưa? Không được chạy nhanh như mẹ Hoài kẻo bị ngã là run tay vẽ xấu đó. Dạo này Bông hễ hứng lên là lại chạy vù vù chả chịu nhìn trước ngó sau nên chị kiếm đại cái cớ đe con bé, Bông dạ rất ngoan, ngược lại cậu Niệm nhàn nhạt bảo: - Một người nếu cứ mãi đổ lỗi cho số phận thì họ sẽ không bao giờ làm được trò trống gì cả. Chỉ một câu nói bâng quơ vậy thôi mà hại chị tối nằm trằn trọc không sao vào giấc được. Tuy thái độ cao ngạo của Niệm động chạm tới lòng tự ái của chị, nhưng suy nghĩ kỹ một chút lại thấy cậu nói chẳng sai chút nào. Chị, rõ ràng là đang đổ tại cho số phận mà. Bao năm qua chị đã từng cố gắng một cách triệt để chưa? Hay mới chỉ vẽ vài ba tiếng thấy không được như xưa bèn nản chí? Là chị tự cho phép mình bỏ cuộc, tự vỗ về bản thân mình đàn bà con gái ở nhà làm hậu thuẫn cho chồng cũng tốt. Cơ mà đâu có tốt? Làm quần quật tối ngày nhưng có khác nào kẻ ăn bám? Cay đắng, tủi nhục, chị bật dậy tu liền tù tì hai cốc cà phê, thấy phòng Niệm vẫn sáng đèn nên bạo gan gọi cậu: - Này, cho chị mượn máy tính bảng được không? - Muốn vẽ lại bức tranh hồi tối à? Ơ nó đi guốc trong bụng chị hả? Chị ngơ ngác gật đầu, Niệm lấy máy rồi chỉ qua cho chị cách dùng mấy ứng dụng. Cậu bé năm nào quả thực đã trưởng thành rồi, vòm ngực săn chắc cùng tấm lưng rộng lớn kia đủ để tôn dáng bất cứ chiếc áo sơ mi nào. Chỉ là, có những thói quen xấu mãi chẳng chịu bỏ, để ý thấy tóc cậu hơi ướt, chị buột miệng càu nhàu: - Đã dặn bao lần đừng tắm khuya rồi cơ mà? - Dặn bao lần là dặn lúc nào? Cậu hỏi, chị vô tư đáp: - Thì ngày xưa ấy, chắc ai đó quên rồi. Niệm nhìn chị, nhìn qua cả sợi dây bình an dì Kỷ cho đang đeo trên tay chị, cậu cười nhạt, rồi cậu bảo: - Ừ, đúng là có người đã quên. Chị chau mày liếc qua cổ tay Niệm, khác với anh Hoàng chê sợi dây của dì quê, cậu vẫn đeo chiều lòng mẹ. Có điều, chị chợt phát hiện ra trên tay cậu vẫn còn hình xăm năm xưa, là hình hai trái tim lồng vào nhau ghép từ những bông hoa baby nhỏ. Trên tay chị từng có một hình xăm giống y hệt nhưng sau này lấy chồng anh Hoàng không thích vợ xăm trổ nên chị xoá đi rồi. Ngày xưa chị trẻ trâu lắm, nghe Niệm dụ ngọt đi xăm cho nó bá đạo. Cơ mà hình xăm là chị vẽ mẫu rồi đưa cho anh thợ nhé, Niệm chỉ ăn theo chị thôi. - Chê người ta vẽ xấu mà vẫn giữ tới giờ á? Niệm tất nhiên hiểu chị ám chỉ cậu giữ cái gì. Cậu bối rối lấy đồng hồ đeo vào để che đi, đoạn giải thích: - Chưa có thời gian để xoá. Phải rồi, mọi khi thằng bé thường đeo đồng hồ, thảo nào chị không thấy. Niệm tìm cho chị chiếc bút cảm ứng, chị cũng không nán lại lâu phiền cậu mà cầm máy tính bảng và bút về phòng hì hụi vẽ. Lần này chị cố gắng cẩn thận tỉ mẩn hơn, phóng to màn hình hết cỡ để vẽ từng nét một, tẩy đi tẩy lại đến lúc nào ưng ý mới thôi. Tới bảy giờ sáng chị vẽ xong em Nana, phần em Nơnơ thì tối đi chơi với mọi người về chị lao vào vẽ tiếp. Mất gần hai đêm thức trắng chị mới hoàn thành tác phẩm, là lần đầu tiên sau ngầy ấy năm chị cảm thấy hài lòng với nét vẽ của mình. Chị vui đến mức quên cả chuyện vợ chồng đang giận nhau, phấn khởi chụp màn hình hai bức tranh, một bức cũ, một bức vừa vẽ rồi gửi cho ông xã hỏi han: "Thấy vợ tiến bộ nhiều không?" "Ơ hai bức tranh giống hệt nhau mà vợ?" Anh nhắn lại sau nửa tiếng khiến chị tiu nghỉu hẳn đi. Dì Kỷ, mẹ Hoà, Bông cũng nói y hệt chồng chị luôn, ai cũng kêu bức nào cũng đẹp, chả có gì khác nhau. Mỗi cậu Niệm là có quan điểm hơi khác người. - Ánh mắt Nơnơ rất ấm áp, còn mắt Nana thì tinh nghịch. Cả bộ lông cũng mềm mại hơn trước nhiều. Chỉ một câu nhận xét bâng quơ thế thôi mà chị tưởng như lòng mình đang được nở hoa. Cái cảm giác được công nhận nó hạnh phúc ghê lắm. À, hoá ra trước giờ chị bị rào cản tâm lý vậy thôi chứ chị cũng không vô dụng lắm đâu. Chỉ cần tin tưởng vào bản thân mình, cố gắng kiên trì nỗ lực thì sẽ làm được thôi mà. Rất nhiều năm rồi chị mới cười rạng rỡ đến thế. Niệm ngẩng lên nhìn chị, khoé môi hơi cong, phát hiện ra ở gần đống tài liệu cạnh cậu có chiếc máy tính bảng mới toanh, chị hí hửng gạ cậu bán lại máy cũ. Tại chiếc máy đó mượt ghê lắm, mượt hơn cả máy anh Hoàng mua cho cô Bích ý, chị dùng thích mê. Cậu ra bừa cái giá tám trăm hai mốt ngàn, chị vớ được món hời ngay lập tức tiền trao cháo múc. - Đừng nói gì với mẹ Hoà chị mua lại máy nhé, cứ bảo là cậu không dùng nên cho chị ý. Tại tiền sinh hoạt phí ở nhà chị mẹ quản hết. Mẹ mà biết tuần trước anh Hoàng giấu mẹ cho chị hai triệu sợ mẹ lại chửi chị. Cậu ừ thờ ơ như chẳng liên quan, nhưng đầu óc đã chẳng thể tập trung vào bài viết phân tích thị trường chứng khoán trong tạp chí kinh tế số mới nhất nữa rồi. Ánh mắt cậu có chút gì đó xót xa, cũng có chút gì đó man mác buồn. Chị thì chẳng để ý lắm, dặn thằng bé xong liền hớn hở về phòng gọi điện cho ông xã kể với anh sắp tới chị sẽ chuyên tâm vẽ và may để trở lại với lĩnh vực thời trang chứ không đi làm ở công ty anh nữa. Chị nhờ chồng lên mạng tìm xem bên nước ngoài có loại thuốc chữa run tay mới ra không, trước chị cũng lấy thuốc chỗ chị Thư nhưng bôi vào không tiến triển mấy. Chồng chị ở đầu dây bên kia nghe giọng vợ nỉ non thấy nhớ dã man, hôm qua mới chính thức được bổ nhiệm lên chức mà chả có vợ ở nhà chia vui, đến chán. - Yên tâm, chồng sẽ mua thuốc cho vợ. Dù có khuynh gia bại sản chồng cũng vẫn sẽ chiều vợ. Nhưng mà chồng vẫn buồn vợ đó, vợ biết không? Giọng anh hơi tủi thân, chị ngọt ngào ản ủi: - Vợ biết, nhưng chuyện qua rồi vợ đâu thể làm gì nữa? Vợ đâu có làm điều gì có lỗi với chồng đâu? - Rồi, chồng thương vợ lắm nên mới bỏ qua đó. Anh đồng ý cho vợ trở lại nghề may, nếu vợ hứa chỉ may đồ nữ thì anh sẽ mở hẳn tiệm may cho vợ làm chủ. - Uầy, thật á? Chồng em hào phóng thế! Sướng! Nghe vợ nịnh bùi hết cả tai, anh vui vẻ phóng xe xuống khu nghỉ dưỡng với vợ. Gặp vợ một cái lòng dạ nhẹ nhõm hẳn đi, anh chạy tới ẵm vợ lên quay vòng vòng. Dì Kỷ nom tụi nhỏ tình củm chợt tủm tỉm cười, con trai dì hình như không được khoẻ lắm, dì vừa nghe con bảo có công chuyện cần giải quyết thì đã thấy chiếc xe màu đen đậu ngay ngoài cổng. Thằng nhỏ lái xe mặc vest màu xanh nhạt, lịch sự xuống mở cửa xe đón Niệm. - Chào cậu ạ. Bây giờ về thành phố à cậu? Có người khẽ gật đầu, trầm mặc bước vào xe. Chiếc xe đưa cậu rời khỏi thị trấn du lịch, rẽ qua con đường lớn chạy dọc ven biển. Xa xa dưới kia có rặng dừa xanh ngút ngàn, có những con sóng táp bờ nhè nhẹ, và dường như...còn có người con gái năm ấy, cô gái đội nón lụp xụp, mặc chiếc áo chống nắng rộng thùng thình, quần xắn ống thấp ống cao chạy tung tăng bên bờ cát trắng, miệng í ới gọi cậu: - Niệm! Niệm ơi! Chị bắt được nhiều cua chưa nè? - Nhiều. Giỏi lắm! Cô gái ấy rất dễ cười, chỉ cần được khen một câu thôi, liền cười toe toét. Nụ cười tỏa nắng khiến đối phương muốn bẹo má mãi không thôi. - Á, đau chị á! Ác thế? Đấy mà không bỏ tay ra sau này định tỏ tình với em gái nào chị đến chị méc đó, méc rằng đấy rất ác độc, cho em kia chạy mất dép luôn. - Khỏi méc, người ta biết rồi. Cậu đáp, có người há hốc vì sốc. - Ơ có người thương rồi á? Thằng nhỏ này nom vậy mà khá ghê. Quen ở đâu đấy? Xinh không? Chắc xinh nhỉ? - Xinh. Lúc người ta cười xinh hơn đấy lúc khóc. - Nói thừa, ai cười thì chả xinh hơn đây lúc khóc. Tại mặt mếu với nước mắt nước mũi ròng ròng lem luốc á. - Ôi dào lem với chả luốc cái gì? Lý do lý trấu vớ vẩn, tại là tại đấy xấu sẵn rồi ý. Nom cái mặt này...xấu ghê! Cậu cười cười phủi đi ít cát dính trên mặt ai kia, còn tranh thủ cơ hội giật buộc tóc của người ta. Cô gái ấy bừng bừng tức giận đòi lại đồ. Cậu giơ cao thật cao, có người chân kiễng không tới đập luôn sống mũi vào môi cậu. Thi thoảng dường như cậu vẫn nhìn thấy bóng họ đuổi nhau, cả những dấu chân trần in rõ rệt, nhưng không phải trên bờ cát mịn màng ướt át kia, mà là trong tim cậu. Bởi thực ra...trên bờ cát năm ấy...hiện đã chẳng còn gì ngoài những hoài niệm. Chiếc xe chạy êm ru tiến về thành phố, ba ngày sau cũng có một chiếc xe khác đưa mọi người từ khu nghỉ dưỡng về nhà. Lòng bà Hoà nẫu nề chưa từng thấy, với niềm hi vọng ít ỏi, bà hỏi Hằng đã tranh thủ cơ hội mần ăn được gì chưa? Hằng bịa đại rằng ba nó mới gọi lên, cấm không cho làm cái chuyện chen chân vào gia đình người khác như vậy nên giờ nó chịu thôi. Bao công sức vun vén cho cái Hằng và anh Hoàng coi như đổ hết xuống sông xuống bể, bà Hoà bắt đầu sốt sắng trở lại về việc kiếm người đẻ thằng cháu đích tôn. Cơ mà lần này bà khôn hơn rồi chứ không dại như mấy lần trước, bà kéo con trai vào phòng riêng dặn dò: - Anh cứ bí mật gửi thằng cu ở đâu cho mẹ thì gửi, đừng cho con Hoài biết kẻo nó lại làm um lên nhức đầu. Đợi đến lúc gạo nấu thành cơm rồi hãng công khai. - Ôi thế kiểu gì nhà con cũng giận mẹ ạ. - Ôi dào giận anh nịnh mấy câu là xong mà. Nếu anh không thích phiền hà thì mẹ đón về rồi mẹ kêu mẹ nhặt thằng nhỏ ngoài đường, chả liên quan tới anh. Mẹ nghĩ chu toàn quá khiến anh thán phục vô cùng, kiếm đâu ra người mẹ tuyệt vời như mẹ anh chứ? Anh gật gù ôm mẹ cảm ơn. Con Hằng trông thấy lén bĩu môi dè bỉu, ôi chao may mà nó giác ngộ sớm đấy nhá, chứ không sau này về nhà bà Hoà làm dâu, mẹ chồng với chồng cứ thì thọt tỉ tê với nhau lừa gạt mình như thế thì toi. Kể ra dạo này Hằng cũng nhàn lắm cơ, có việc gì tụi con Giang đều bố trí người sang làm giúp hết, cưng nựng nó từ đầu tới chân, mong sao đến lúc nó về làm dâu bà Kỷ nể tình cũ tăng lương cho cả lũ được nhờ. Hằng quen thói sướng đâm ra thái độ bắt đầu méo mó kênh kiệu, bắt nạt bạn bè cùng trang lứa chán liền chuyển đối tượng sang cô Hoài. Có bữa đang ngồi ăn phở với cậu Niệm, nó hắng giọng nhờ cô lấy cho nó ít rau mùi. Con Giang há hốc vì sốc, con Hằng dám ngang nhiên sai cả vợ chú Hoàng cơ đấy, máu dễ sợ. Chị dâu cậu Niệm đẹp khủng khiếp lắm, bạn cậu cũng nhiều người đẹp, nhưng đa phần là điệu. Cô Hoài thì khác, chẳng mấy khi ngồi trước gương nửa tiếng đồng hồ dặm phấn hay chăm chút da tóc từng li từng tí giống cô Đan, cơ mà được cái người chuẩn sẵn, lại biết cách phối đồ nên nhìn vẫn chất. Tính cô đơn giản ấy mà, thi thoảng nhà hết dầu gội vẫn chạy sang đây xin mấy quả bồ kết về dùng, nay cô đang cắt thêm củ sả thì tiện tay hái cho Hằng luôn rổ rau mùi, ai ngờ con này được nước làm tới. - Ơ cô chưa rửa á? Rồi còn phải xắt nhỏ nữa chứ? Mấy đứa người làm liếc cô Hoài chau mày mà thấy run, cô thản nhiên mang rau ra vòi nước rửa rồi thái cho con Hằng mới choáng chứ. Hằng nom bộ dạng ngoan ngoãn của cô sướng như mở cờ trong bụng, biết điều thế là tốt á, mai sau Hằng lấy cậu nếu chú Hoàng cần giúp đỡ gì trong công việc Hằng còn xem xét cho. Mặt Hằng vênh như cái bánh đa nướng, đang định ra giọng bề trên cảm ơn vợ chú Hoàng thì thế nào bị cô úp luôn cả rổ rau vừa thái lên đầu. Có đứa ức nghẹn họng, ngặt nỗi biết đánh nhau với cô Hoài không thắng nổi nên chỉ dấm dúi lườm trộm sau lưng. Cậu Niệm ngồi phía đối diện tủm tỉm cười, Hằng biết Hằng đáng yêu rồi á, nhưng không ngờ nhất cử nhất động của Hằng đều khiến cậu thấy thú vị như vậy. Hằng được đà xị mặt nhõng nhẹo, cậu phủi phủi rau trên mái tóc cho Hằng, trìu mến dỗ dành: - Thương mà. Trong khi lồng ngực Hằng rộn ràng nao nức thì chị Hoài lại thấy tim mình hơi nhói. Chị vội chạy về nhà uống cốc sữa ấm rồi cố gắng trấn tĩnh. Hai cái từ "thương mà" đó, cớ sao quen thế? Thương mà, thương mà, thương mà...ai thương ai? Rốt cuộc chị đã nghe thấy ở đâu? Trong dịp gì? Vì đâu lòng chị cứ não nề không yên, đêm đến thì mơ rõ kỳ quái. Chị mơ thấy một cô gái trẻ khóc lóc sướt mướt, có một người con trai đang ôm cô ấy trong lòng, anh ta vừa hôn trán trấn an cô ấy, vừa xoa đầu dỗ dành: - Thương mà...đừng khóc...thương mà... - Thương thương cái mồm á, thương giả thương dối, thương thật thì đã không bỏ người ta ý. Cô gái vẫn nức nở không nguôi, anh chàng kia siết cô ấy chặt hơn, kiên nhẫn vỗ về: - Linh tinh, ai bỏ ai? Ai nỡ bỏ? Đâu có bỏ đâu, chỉ là...tạm xa nhau một xíu thôi mà. - Không phải đâu, không phải một xíu đâu, rất nhiều xíu ý, xa nhiều xíu lắm á, không chịu đâu. - Đâu có, một xíu thật mà, tháng sau người ta lại về, mỗi tháng về một lần, chịu không? Chàng trai thoả thuận, cô gái lắc đầu nguầy nguậy. Chàng trai dụi mặt vào cổ cô ấy, luôn miệng năn nỉ xin mà, thương mà, thương lắm luôn. Cô gái làm bộ ghét bỏ đẩy chàng trai ra, cau có cằn nhằn: - Chả chịu đâu, về thế để mà mệt chết à? - Thế phải làm sao bây giờ? Chàng trai dịu dàng hỏi, cô gái nũng nịu: - Phải đền cho người ta á, đền nhiều thật nhiều luôn ý! - Ừ, đền nhé. Chàng trai thì thầm rồi cúi xuống ngậm lấy gò má người thương, không phải một chiếc hôn thông thường mà là một cái nhá rất sâu, rất tham lam, và phải rất lâu mới buông. Có vẻ như cô gái bị đau, nước mắt ướt đẫm đôi hàng mi ấy, chị còn trông thấy cả sống mũi đỏ quạch của chàng trai kia, nhưng kỳ lạ thay, lại chẳng rõ mặt họ. Rốt cuộc, họ là ai?
|
Chap 16. Liên quan à?
Liệu có phải hai vợ chồng chị? Không đâu, anh Hoàng thương chị lắm, anh không bao giờ bỏ chị đâu. Vả lại trước mặt anh chị nào có bánh bèo với nhõng nhẹo như thế. Cái đứa con gái điệu chảy nước đó, không thể nào là chị đâu, chị mạnh mẽ lắm chứ đùa à. Chắc là bộ phim nào đó chị từng xem nhưng lâu rồi nên quên, chắc mẩm như vậy nên lòng chị nhẹ nhõm hẳn, chị vui vẻ ngồi vào bàn vẽ vời. Kể ra đống thuốc chồng đặt cho chị bên nước ngoài tốt phết, chị chịu khó bôi đúng giờ mấy bữa nay tay bớt run hẳn đi đấy. Chị mê vẽ khủng khiếp, có hôm vẽ ở nhà chưa xong chị mang máy đến lớp học tiếng Anh, đợi cô giáo cho ra chơi liền lấy ra tỉ mẩn tô màu. Có anh bạn cùng lớp trông thấy tranh chị mừng như vớ được vàng, căn bản tại công ty sách do anh quản lý vừa bị đổ mấy cái bìa, mà sắp tới hội sách rồi nên anh đang căng não lắm. Anh thấy bạn bên cạnh tài năng quá nên đưa luôn ý tưởng bìa truyện nhờ vẽ thử. Khác với một số hoạ sĩ nổi tiếng còn bận rộn nhiều dự án cứ khất lần mãi, bạn Hoài ở nhà nội trợ nên có khá nhiều thời gian rảnh. Ngay đêm hôm đó bạn gửi cho anh bản phác thảo, tác giả chỉ nhìn qua đã ưng. Lúc lên màu có một số chỗ tác giả chưa hài lòng nhưng chỉ cần bảo là Hoài sẽ sửa lại ngay, mất ba ngày liền xong cái bìa đầu tiên. Anh sung sướng đẩy Hoài sang vẽ bìa cho các tác giả khác, cứ thế sau hai tuần, một mình bạn chiến gọn năm cái bìa. Hoài là hoạ sĩ chưa có tên tuổi nên giá dao động tầm triệu rưỡi tới hai triệu một bìa, nhưng vì bạn nhiệt huyết quá nên anh thoáng tay trả luôn một cục mười lăm triệu. Chị Hoài cầm tiền trong tay mà ngỡ như mơ, đã lâu lắm rồi chị mới được cầm những đồng tiền do chính mình làm ra. Chị phấn khởi gửi mười triệu về quê cho ba Hùng mẹ Quỳnh, còn lại đem mua quà cho chồng, em chồng, ba mẹ chồng, chị Thư và thêm cả dì Kỷ nữa. Chị ít khi thì thụt với mẹ Hoà nhưng với dì Kỷ thì lần nào cũng buôn cả tối không hết dưa, dì nghe Hoài kể mà mừng thay con bé. Gớm nhà họ Dương được cô cháu dâu giỏi ghê, không khéo mấy nữa thành nhà thiết kế hay hoạ sĩ nổi tiếng dì thơm lây ý chứ. - Mình có tài thì mình cứ đi làm con ạ, dì ủng hộ. Mà thuốc em Niệm mua con bôi có thấy đỡ hơn không? - Ơ...thuốc...con tưởng nhà con mua chứ ạ? - À, Hoàng bận nên gửi tiền nhờ Bích mua, tài khoản con bé không thanh toán được ở bên nước ngoài nên em nhờ Niệm, là Niệm chọn thuốc cho con đó. - Dạ, vậy để lát con lên cảm ơn cậu. - Ừ, em đang đánh cờ với chú Nhất và ông Thuận trên lầu đấy. Gớm hai ông già cứ dụ thằng bé uống, ghét. Dì Kỷ càu nhàu, chị Hoài ngồi chém gió với dì thêm một lúc mới lên phòng ới Niệm chị cảm ơn. Niệm chả thèm đáp luôn, cái thằng, dạ một tiếng thì chết à? Hư hỗn! Nhiều lúc ghét Niệm cơ mà ngẫm thấy may thật đấy, nếu không có cậu xỉa xói chị lấy đâu ra động lực tập vẽ lại? Rồi em nó không bán rẻ máy tính bảng thì làm sao chị có công cụ kiếm cơm? Nghĩ vậy nên chị soạn tin nhắn: "Chị vẽ năm cái bìa kiếm được mười lăm triệu đó, vẽ trong có hai tuần thôi. Chị giỏi không?" Gửi tin đi rồi chị mới thấy mình hâm hấp, chẳng hiểu sao tự dưng lại đem khoe với Niệm? Số tiền đó với cậu đâu là gì? Với cả đâu phải lúc nào chị cũng được nhờ vẽ nhiều bìa thế đâu? Biết là thế mà sao chị vẫn cứ hồi hộp nhìn màn hình điện thoại, cho đến khi nó nhấp nháy. "Hỏi làm gì? Liên quan à?" "Gớm hỏi có một câu làm gì mà phũ thế?" Chị mỉa mai, Niệm rất nhanh đã nhắn lại: "Có phũ đến mấy cũng không bằng ai đó." Ơ, Niệm bâng quơ cái gì vậy? Điên à? Chị bĩu môi quay người, lúc đi xuống đụng trúng cái Hằng, hình như chú Nhất gọi Giang mang thêm rượu lên nhưng Hằng đem hộ thì phải. Con nhỏ bữa nay cứ là lạ kiểu gì ý nhỉ? Thiếu thiếu cái gì đó? Là...Ôi khiếp! Đàn bà con gái với nhau chị ngượng thay nó luôn, cậu Niệm nào có hiền như anh Hoàng mà giở cái chiêu đó? Hồi xưa có bận chị quên đem áo nhỏ vào buồng tắm, cứ ngỡ phòng không có ai nên khoác tạm cái áo sơ mi rồi chạy vù ra ngoài lấy. Nào ngờ Niệm với Bách qua chơi, Bách thấy chị liền ghé tai Niệm trêu chọc cái gì đó. Niệm đỏ bừng hai bên má, một đạp đá Bách lăn ra sàn, tóm cổ thằng bạn lôi ra khỏi phòng, còn không quên vọng vào quát chị: - Còn như thế một lần nữa thì đây bóp chết đấy. Tất nhiên, chị đâu có ngây dại mà hai lần mắc cùng một lỗi. Chị tưởng mấy bạn giúp việc trong nhà phải lấy chuyện của chị ra làm gương, ấy thế mà vẫn có bạn bạo gan y như bé Hằng bây giờ, kết cục được dì Kỷ lên mời về quê. Dì xuất hiện quá đúng lúc khiến chị không thể không nghi ngờ Niệm, bởi vậy nên chị mới mủi lòng dặn Hằng: - Liệu cơm mà gắp mắm nghe con, cậu Niệm nguy hiểm lắm, không động được đâu. Đến cô nhiều lúc còn thua cậu nữa là con còn trẻ dại. Gớm cô ghen tỵ với Hằng thì cô cứ nói ra, việc gì phải giả bộ cao cả khuyên nhủ. Hằng nghe nhức cái tai ghê cơ, nó bĩu môi rõ dài, chẹp miệng cảm thán: - Ôi chao với loại đàn bà sân si tầm thường như cô cậu mới phải chấn chỉnh chứ với con thì không có chuyện đấy đâu ạ. Cô khỏi lo nhiều già người cô nhé, cô cũng đâu còn trẻ nữa nhỉ? Cố gắng giữ sức đẻ lấy thằng cu không sau này chú Hoàng rước vợ bé về thì nhục lắm cô ạ. Ôi cái con này, không vì đang ở bên nhà dì thì chị vả cho nó vài cái rồi. Ăn với chả nói, kênh kiệu láo toét, chị bực mình mặc xác nó chả thèm quan tâm nữa. Giá kể lúc đó chị kiên nhẫn khuyên bảo con bé hơn một chút, hoặc giá kể sáng hôm sau mẹ Hoà sai chị sang dì kêu ba về chị đi liền có phải hay không. Đây chị lại cứ cố nấn ná vẽ nốt hại mẹ sốt ruột, lật đật xỏ dép đi tìm chồng, khiến mẹ phải chứng kiến cảnh đau thương nhất trong cuộc đời một người đàn bà. Tiếng mẹ la thất thanh, cớ sao thảm thương đến thế? - Ới bà con làng nước ơi, ới hàng xóm láng giềng ới các con ơi, sang đây mà xem này. Sang đây mà xót xa cho cái thân già này này. Cả đời lam lũ tần tảo, hết lòng hi sinh vì chồng vì con, để rồi rốt cuộc tôi nhận được cái sừng dài sừng sững thế này hả? Chị cất vội chiếc máy tính bảng để lao sang với mẹ, sốc muốn xỉu khi thấy ba Thuận và bé Hằng đang ôm nhau ngủ khì khì dưới sàn. Chí ít trên người ba chị vẫn còn cái quần xà lỏn, chứ con Hằng, ôi thôi, nó chả còn cái gì sất. Mẹ Hoà dường như cũng chả thiết tha cái gì nữa, thể diện, phép tắc, tự trọng, quẳng hết cho chó gặm đi. Mẹ Hoà của ngày hôm nay chỉ là một người đàn bà bình thường thôi, một người đàn bà hừng hực xắn ống tay áo lao tới giật tóc con đàn bà khác đang nằm e ấp trong lòng chồng mình. - Mày bố láo bố toét hả con? Mày tính giật chồng bà hả con? Hôm nay mày chết với bà nghe con! Hằng nghe ồn ào bên tai giật mình tỉnh giấc. Ơ bà Hoà? Ơ sao bà Hoà lại đánh nó? Ơ cả ông Thuận nữa? Ơ sao ông Thuận lại nằm cạnh nó? Rõ ràng tối qua lúc nó mang rượu lên thì ông Thuận và ông Nhất say khướt rồi mà, chỉ có cậu Niệm vẫn tỉnh táo thôi. Hằng thấy cậu đang trầm ngâm nghiên cứu thế cờ dang dở trên bàn thì bẽn lẽn tiến tới tiếp thêm rượu vào chén của cậu. Cậu cũng cười cười rót rượu cho nó, nó và cậu cùng uống cùng cười, thế rồi, khi phát hiện ra cậu đã ngà ngà say, nó bạo gan tháo cởi những mảnh vải mỏng tanh rồi điệu đà nép vào lồng ngực cậu. Chẳng phải lúc say là lúc người ta sống thật với lòng mình nhất hay sao? Hằng cho cậu cơ hội để mở lòng, nó tin người thông minh như cậu sẽ biết chớp thời cơ để tiến tới. Những tưởng sẽ là một đêm mặn nồng và những tháng ngày trải hoa hồng phía trước, nào ngờ thức giấc, mọi thứ vỡ tan như bong bóng xà phòng. Nó chẳng những không được làm dâu của tập đoàn Nhất Kỷ mà còn bị bà Hoà dần cho một trận thừa sống thiếu chết. - Bà ơi con xin bà mà. Con xin bà đó. Là hiểu nhầm thôi mà. Bà đánh con thế nào cũng được, xin bà nhỏ tiếng thôi kẻo cậu Niệm thức giấc cậu biết cậu đau lòng lắm đó bà. Hằng thống khổ nhìn sang chiếc sập gỗ phía trên, nơi mà cậu Niệm với ông Nhất vẫn đang say giấc nồng. Nếu như nó biết đêm qua chính cậu là người đạp nó xuống dưới sàn, để nó lăn lông lốc rồi tưởng ông Thuận là cậu, lao tới xà nẹo thì chắc nó sẽ chẳng thương cậu đến thế đâu. Tiếc rằng nó bị rượu làm cho lú lẫn nên tâm can vẫn cứ cảm thấy có lỗi với cậu. Hằng lừa lừa bà Hoà, với chiếc váy mặc vào rồi chạy vội ra khỏi phòng, nó mong cậu Niệm đừng bao giờ biết, nhưng hỡi ôi, cuộc sống mà, cậu dậy, đi ngang qua đúng lúc bà Hoà túm được nó, và không hề liếc qua lấy một cái. - Con biết cậu giận con, cậu đau, tim con cũng đau lắm. Nhưng mà cậu ơi cậu hiểu cho con, lòng con chỉ có mình cậu thôi. Cậu à, đừng vì con mà buồn nghe cậu. Bà Hoà nghe con nhỏ ỉ ôi lại càng ngứa tai, cái thứ gì đâu hết đòi đẻ con cho con trai bà, quyến rũ chồng bà rồi giờ lại lả lơi với cháu bà. Cái thứ mất nết này tẩn vài ba trận cũng không ăn thua đâu, phải trói rồi quẳng xuống hồ cho cá rỉa thịt mới đáng. Nghĩ là làm, bà hùng hổ lôi Hằng ra vườn, con dâu bà thấy tình huống nguy kịch vội xông tới cản mẹ chồng. Ôi mẹ chị uống có chút dấm chua như kiểu uống nước tăng lực ý, túm áo đẩy con dâu một phát đập đầu vào tường. Trán chị sưng một cục to tướng, nhưng sợ xảy ra án mạng nên vẫn phải gắng gượng đứng dậy lao vào ôm mẹ rồi kêu con Hằng mau chạy. Mẹ điên máu đẩy chị phát nữa, lần này may có cậu Niệm đứng đằng sau, đập vào người cậu vẫn hơn đập vào tường cứng. Cậu giúp chị giữ mẹ Hoà, Hằng thấy cậu tuy vừa phải trải qua cú sốc chấn động tâm lý nhưng vẫn bảo vệ mình thì cảm động khủng khiếp. Đúng là lúc nguy nan mới hiểu lòng người, tụi con Giang thân với Hằng như thế mà chả dám xông ra cứu nguy, chỉ có cậu Niệm can đảm thôi, cả cô Hoài nữa, dù cô ấy đáng ghét nhưng được cái nghĩa khí. - Bà Kỷ đi thể dục về biết chuyện thì kiểu gì bà cũng đuổi con, thôi con về quê luôn cho đỡ nhục. Chuyện ầm ĩ tới mức này sĩ diện con gái của con bị quẳng hết cho chó gặm rồi, con không còn mặt mũi nào mà đối diện với bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng sống ở cái khu này nữa. Nhưng con còn thương cậu nhiều lắm á, nên nếu cậu không quên được con thì cậu cứ gọi cho con bất cứ lúc nào cậu nhé, con sẽ bất chấp bắt xe lên ngay với cậu. Hằng nói xong thì sụt sịt chạy về nhà gom áo quần. Cứ nghĩ tới cái cảnh ôm ông Thuận nó lại buồn nôn không sao tả nổi, nó khóc miết, nó khinh bỉ chính bản thân mình. Chị Hoài thấy thương thương nên dúi cho mấy trăm ngàn rồi kêu lên cô đèo ra bến xe Giáp Bát. Hằng ngồi sau xe máy của cô, nức nở ôm cô tâm sự: - Con cảm ơn cô. Thực ra nhiều lần con bực cô vì cô cứ lanh chanh xía mũi vào chuyện của con. Cơ mà sống lâu con biết cô không hèn như chú Hoàng, thôi thì đời cô vớ phải thằng chồng như thế là oan nghiệt rồi. Bữa nào được mùa con sẽ gửi yến gạo tám thơm lên biếu cô trả ơn cô nhé! Chị Hoài nghe nó nói phì cười, thở dài dặn con nhỏ còn trẻ thì cố gắng học cái nghề mai sau tự chủ kinh tế đỡ khổ. Đưa nó đi có vài cây số thôi mà lúc về nhà đầu óc chị choáng váng dễ sợ, ban đầu cứ tưởng trúng gió, sau soi gương nhìn thấy cái chỗ sưng vù trên trái mới tá hoả. Ôi to dữ, thảo nào đau thế, dưới nhà mẹ Hoà còn đang chửi ầm ầm nữa chứ, mặc cho vợ chồng chị động viên mẹ vẫn cứ khóc lóc thảm thiết. Ba Thuận thanh minh ba say chả biết gì, mất gần một tiếng năn nỉ ỉ ôi rốt cuộc mẹ chị cũng nguôi, còn chị đầu càng lúc càng đau, ong ong như có cả tổ ong bò vẽ bay qua bay lại, chị lí nhí khều ông xã: - Chồng ơi đưa em đi khám. Anh đang thắt cà vạt, quay lại nom vợ mà xót hết cả ruột. Anh lấy dầu xoa cho vợ rồi vỗ về chị: - Giờ anh bận mất rồi. Vợ chịu khó nằm nghỉ đợi anh nhé, lát xong việc anh về, vợ thích đi đâu anh đưa đi đó. Chị suýt quên khuấy mất hôm nay dì Kỷ khai trương đồng loạt chuỗi nhà hàng Kỷ Niệm chuyên phục vụ các món chay. Vụ làm ăn này chồng chị có góp vốn chung, là một trong mười người được cắt băng khánh thành nên anh hứng khởi ghê lắm, đêm qua cứ nhờ vợ tư vấn mãi bộ vest nào mặc lên phong độ cơ mà. Chị hiểu là việc quan trọng nên kêu chồng cứ đi đi, chỉ là, chị ở nhà đầu óc cứ mỗi lúc một buốt. Rốt cuộc, chịu không nổi, chị vùng dậy thay đồ, tự mình lết ra trạm xá gần nhà. Mọi khi chạy vù cái đến, nay người nó làm sao ra tới đầu ngõ đã toát mồ hôi hột, toàn thân nhức mỏi, xương cốt rã rời kiệt quệ. Đã thế còn nghe tiếng còi xe rõ chói tai. Vẫn như mọi lần, chị lại bị giật mình. Cơ mà lần này không có đồ để rơi, chỉ có chị chân tay loạng choạng đổ rầm xuống lòng đường. Ở mạn xa xa, có người hoảng hốt lao xe về phía chị, chính là cái người ban nãy vừa cười khoái trá khi bấm còi trêu ngươi chị. Chị muốn lắm chửi cho nó một trận, tiếc rằng, sức cùng lực kiệt, mi mắt chị sụp xuống lúc nào không hay. Lúc chị tỉnh táo trở lại đã thấy mình ở một nơi xa lạ, giường êm đệm ấm, chăn gối sạch sẽ tinh tươm, bên cạnh còn có em y tá xinh tươi ghê lắm, chị sốt sắng miêu tả triệu chứng đau đầu của mình cho em ấy, em vỗ vai chị trấn an: - Cục sưng trên trán không có gì nguy hiểm đâu ạ, mấy hôm là lặn thôi chị. Còn chị choáng và xỉu em đoán do chị thức nhiều đêm liền nên căng thẳng, tại em thấy quầng mắt chị hơi thâm. Dạo này chị gặp áp lực ạ? - Không đâu em, tại chị ham vẽ quá ấy mà. Nếu không có vấn đề gì chắc chị về được rồi nhỉ? Chị phải đóng tiền viện phí ở đâu hả em? - Ơ...chị cứ nằm truyền thêm bình nước đi đã, viện phí có người đóng rồi chị...anh kia... Chị theo tầm mắt cô ý tá ngoảnh lại đằng sau, sực nhớ ra kẻ xấu xa hại mình ngã chổng vó ngay ngoài ngõ, đã thế phải trả thù hắn triệt để. - Vậy chị nghe em, bé cứ lấy cho chị loại xịn nhất nhé, em chồng chị sẽ trả tiền đầy đủ, Niệm nhỉ? Chị nháy mắt trêu Niệm rồi thiu thiu ngủ mất. Thường thì trong thời gian bệnh nhân nghỉ ngơi y tá không cần ngồi bên cạnh túc trực, nhưng Ngân lại không nỡ rời khỏi. Ánh mắt cô dính chặt vào người đàn ông đang ngồi làm việc ở ghế sô pha phía đối diện. Đây là bệnh viện tư có chi phí đắt đỏ nhất nhì thành phố, vậy mà lúc chọn phòng VIP anh còn chẳng thèm liếc qua bảng giá, chỉ đơn giản ký giấy rồi đưa cô chiếc thẻ bạch kim. Nhờ đó cô biết tên anh, Nhất Niệm, một cái tên thật lạ, và cũng thật hay. Thủ tục xong xuôi gửi lại anh chiếc thẻ, nghe hai tiếng cảm ơn từ người con trai đó tim cô tưởng chừng muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Chị dâu anh không những dáng dấp chuẩn như người mẫu mà đường nét trên khuôn mặt cũng rất thanh thoát, người đẹp như này chắc anh trai anh phải có tiềm lực lắm mới rước được, điều đó chứng tỏ xuất thân của anh Niệm không hề tầm thường. Giá như chai nước truyền của chị Hoài đừng bao giờ hết thì tốt, để cô có cơ hội gần anh thêm chút nữa. Tiếc rằng, thời gian trôi qua nhanh quá, ngay khi cô vừa rút kim truyền, anh đã đi qua đề nghị: - Phiền em ra ngoài một chút được không? Cách anh nói chuyện sao mà lịch sự đến thế? Hai má Ngân nóng bừng, dạ nhẹ một tiếng rồi ngoan ngoãn nghe lời. Khi cánh cửa phòng khép lại, có người khẽ ngồi xuống vị trí của y tá ban nãy. Ban đầu chỉ tính ngồi vậy thôi, nhưng rồi, lại không nhịn nổi đưa tay sờ sờ lên cục u kia. Có kẻ thấy đau, thức giấc lườm nguýt. - Đau! Tại cậu đó! Tại cậu chơi con Hằng hại mẹ Hoà đẩy chị. Tại cậu bóp còi xe hại chị giật thót cả người. Nói chung tất cả là tại cậu. - Ừ. Ừ thôi á? Không bao biện gì à? Thằng này bữa nay hiền lạ? Chị được thể càng đanh đá: - Xin lỗi chị đi, em xin lỗi chị Hoài ạ. - Xin lỗi. Chị biết ngay nó không chịu ạ mà, nhưng thôi, biết xin lỗi là ngoan rồi. Niệm rảnh quá hay sao mà lấy táo ra ngồi gọt. Ôi hồi xưa thấy chị gọt được cái vỏ dài ơi là dài Niệm cũng thích thú học đòi, tiếc rằng học mãi không xong, thằng bé chán nản mè nheo: - Chẳng được, hay đấy bắt tay đây đi? Dân miền biển bọn chị mới nghe cô giáo bắt tay học sinh rèn chữ chứ chưa từng nghe bắt tay gọt táo bao giờ cả. Chị chả biết phải làm sao, đành cầm tay Niệm hỏi han: - Chắc sợ dao nên run tay hả? Chị xoa một lúc hết run thì gọt tiếp nhá! Mỗi lần chị cầm kim thêu bị run tay mẹ Quỳnh cũng làm thế đó. Chị xoa tay cho Niệm mà má nó lại nóng, nhưng xong rốt cuộc cậu cũng gọt được chiếc vỏ dài không đứt đoạn. Rồi Niệm sung sướng bổ thành miếng đưa chị. - Ngon không? Táo đây gọt ngon nhỉ? - Ai gọt chả thế? Quan trọng là do quả táo chứ. Chị lý sự, Niệm đểu cáng không cho chị ăn nữa. Cái thằng, cứ phải nịnh táo Niệm gọt ngọt nhất quả đất nó mới chịu cơ. Ngày ấy chị em vô tư lắm, có cái gì cầm tống thẳng vào miệng nhau luôn à, giờ lớn rồi thì khác, cậu bổ táo xong chỉ để vào chiếc đĩa bên cạnh thôi. Chị ăn được vài miếng thì chồng gọi điện thắc mắc vợ đang ở đâu, anh về nhà không thấy. Chị hỏi Niệm rồi nói anh nghe địa chỉ bệnh viện, chồng kêu sẽ đến đón vợ ngay, đoạn anh càu nhàu: - Ôi dồi hôm nay bực hết cả mình vợ ạ, đợi suốt cả buổi mà không cắt được băng khánh thành. Rõ ràng cậu gọi điện báo không tới rồi mà dì Kỷ cứ nhất định đòi đợi cậu. Anh hiểu lòng dì, nhưng anh điên cậu dã man, có gì thì phải báo trước một hôm chứ, đằng này cứ làm việc theo cảm tính thế thì bao giờ cho trưởng thành được? - Cậu...cậu đưa em vào viện chồng ạ. Chị ấp úng giải thích, anh cáu: - Đưa vợ vào viện thì mất bao lâu? Giỏi lắm nửa tiếng là cùng chứ gì? Cậu kiếm cớ thì có, tác phong chả chuyên nghiệp gì sất, tối ngày chỉ thích ra vẻ ta đây gây khó dễ cho người khác, đến nản. Chị Hoài đang định nói đỡ cậu vài câu thì chồng đã kêu anh có cuộc gọi đến. Chị cúp máy xong ngẩng lên thì thấy căn phòng trống không, chẳng rõ Niệm đã rời đi từ lúc nào rồi? Trên bàn ngoài đĩa táo còn rổ cherry chín căng mọng, chị mỉm cười ôm chiếc rổ nhâm nhi từng quả một. Tầm năm phút sau chồng gọi lại cho chị, anh bảo dì Kỷ vừa gọi báo cậu Niệm đang trên đường tới rồi, anh vòng lại cắt băng khánh thành xong sẽ qua đón vợ ngay. Chỉ là, lúc xong việc anh nhận được tin nhắn báo tin vui. Rõ ràng là tin vui, nhưng sao anh lại hoảng hốt đến thế? Tay anh cầm điện thoại mà run cầm cập, anh căng thẳng bấm số gọi em gái thông báo: - Bích à, mày sắp được lên chức cô rồi đấy! - Hả? Thật hay đùa thế? Mụ Hoài dính rồi hả? Nhất ông rồi còn gì? Mới lên chức Giám đốc giờ lại lên chức ba.
|
Chap 17. Say vợ như đi tàu say sóng
- Mọi chuyện không như mày tưởng đâu. Anh đang lo lắm, mày xem có cách nào giúp anh thoát vụ này không? - Vụ gì? Anh không nói em giúp làm sao? Anh Hoàng kể lể một thôi một hồi, cô Bích nghe xong tự dưng thấy sởn gai ốc, cô càu nhàu: - Ôi ông anh của tôi ơi, ngoài đường thiếu gái hay sao mà anh lại làm cái trò bất nhân đó? Anh chơi ác dữ? - Anh có nỗi khổ mày không hiểu được đâu. Anh xin thề là sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Anh chưa từng có ý định sẽ có con với em ấy. - Thề thốt giờ được cái khỉ mốc gì. Anh không lo vun vén quả này anh với bà Hoài đứt là cái chắc. - Thì thế nên anh mới phải hỏi ý kiến mày đây. Liệu anh nên bảo với Hoài anh thuê một con nhỏ ở quê thụ tinh nhân tạo giúp hai vợ chồng rồi sau này con ra đời cứ thế đón về hay nên làm giống mẹ Hoà nói, coi như đứa trẻ mẹ nhặt về nuôi, chả liên quan tới anh? - Hai cách đều ngu. Linh cảm phụ nữ nhạy lắm mấy chuyện này không đùa được đâu. Thôi thế này đi, bây giờ anh cố gắng chiều vợ thật nhiều để mụ cảm động. Đợi đứa trẻ ra đời thì anh ôm con về thú nhận với chị. - Gì? Điên! Mày muốn giết anh à? - Từ từ, chưa gì đã sồn sồn lên thế? Ai kêu ông nói tất đâu, mình chỉ nói một nửa của sự thật thôi, ngốc nghếch. Dỏng tai lên mà nghe đây này... Cô Bích chỉ điểm từng chút một, lòng anh Hoàng vẫn hơi bồn chồn, anh hỏi dò: - Mày có chắc vợ anh sẽ xuôi không? - Chắc chắn, nếu anh nói đúng như em bảo thì chị Hoài sẽ không có cớ để trách anh, tại anh làm tất cả chỉ vì muốn tốt cho chị. Thêm nữa, chị vẫn luôn ghi nhớ vụ năm xưa anh giúp đỡ gia đình chị, cảm giác mắc ơn cộng thêm ăn năn vì không đẻ được sẽ khiến chị nguôi ngoai thôi. Ối dồi có cô em gái ranh mãnh sướng nhể? Anh hiểu mà, vợ anh không phải người ăn cháo đá bát, ai giúp vợ dù chỉ là việc nhỏ thôi vợ cũng sẽ cố gắng đền đáp cho bằng được nữa là anh, người chồng đầu gối tay ấp suốt tám năm trời. Tâm trạng phấn chấn hẳn lên, anh lái xe qua viện đón vợ, đưa vợ ăn tiệm sang chảnh xong dắt vợ đi mua thật nhiều váy đẹp. Đêm đến vừa bóp vai cho vợ anh vừa thỏ thẻ mởi gửi biếu ba mẹ vợ năm chục triệu để hai cụ trang hoàng lại cái phòng khách. Vợ cười rõ rạng rỡ, còn kêu lấy được anh đúng là phúc phận đời vợ. - Ôi chỉ cần vợ vui bảo anh xuống biển mò kim anh cũng chịu nữa là có vài đồng bạc. Anh dõng dạc khẳng định, gớm chả biết có phải do lên chức không mà ông xã chững chạc hẳn ra, hàng ngày đi làm về liền tranh thủ dọn nhà cho vợ có thời gian may và vẽ, thậm chí tới đầu tháng mười một có đám cưới cô cháu họ nhà dì Kỷ anh còn ôm vợ thủ thỉ: - Thôi ở ngoại thành xa thì tối nay vợ ngủ lại sáng mai hãng về cũng được, đỡ vất vả. Chứ đêm qua vợ thức may nốt cái áo dài cho dì Kỷ mà nay lại phải đi đi về về mấy chục cây chồng xót ruột lắm. Có bà vợ cảm động gật đầu, có ông chồng mừng huýnh, chạy vào nhà tắm soạn vội tin nhắn: "Đừng tủi thân hại sức khoẻ, chịu khó nghỉ ngơi đi, tối anh qua đưa đi ăn cháo cá nhé." "Chả thèm." Ai đó nhắn lại cộc lốc, thời gian vừa rồi anh mải ở nhà chiều vợ nên cô ấy giận là đúng thôi. Tuy nhiên cái người này chả bao giờ đánh anh giống vợ đâu. Dễ thương ghê lắm, nhưng chỉ dừng lại ở dễ thương thôi, anh thương được, nhưng không yêu được. Vì thương hại, day dứt nên anh luôn cố gắng bù đắp cho người ta hết sức có thể. - Chồng ơi ở trong đó lâu thế, bị đau bụng á? Vợ gọi vọng vào quan tâm, anh làm bộ ôm bụng chạy ra than vãn chắc tại tối qua đi gặp đối tác uống hơi nhiều. Vợ ân cần lấy thuốc cho anh. Vợ đã thay váy chuẩn bị đi đám cưới rồi cơ đấy, vợ chọn đồ đơn giản nhưng tinh tế lắm nhé, nom đẹp đến đứng tim. - Eo, vợ làm anh ngất ngây con gà tây mất thôi, sao vợ đẹp quá trời quá đất vậy vợ? Anh ước biến vợ thành người tý hon ý, xong đút vào túi áo, lúc nào thích là đem ra hít hà thôi. Anh say vợ như đi tàu say sóng rồi nè! - Gớm chồng làm việc ở xí nghiệp bánh kẹo hay nhà máy sản xuất mật vậy? Ngọt thế! Cậu Bách đưa ba Thuận mẹ Hoà, cô Bích với Bông đi chơi rồi, mình vợ đi đại diện gia đình kể cũng buồn, chồng có đi cùng vợ không? - Ôi chồng muốn lắm cơ mà bận quá vợ ạ. Mai anh còn phải xuống xưởng từ năm giờ sáng kia kìa. - Vậy thôi vợ đi đây, chắc mai vợ mới về. Dứt lời, chị cẩn thận gấp bộ áo dài đem sang cho dì. Chị kêu chị may tặng rồi mà dì cứ nhất mực trả tiền, còn ép chị nhận lấy may, coi như dì là khách hàng đầu tiên kể từ khi chị quay lại với nghề. Biết tủ đồ của dì chẳng thiếu váy áo hàng hiệu nên chị dành hai tối liền chỉ để vẽ bản phác, gần một ngày trời săn lùng các chợ vải tìm chất ưng ý. Chị muốn bộ áo dài của dì phải thật đặc biệt, có chút phá cách nhưng vẫn sang trọng quý phái. Mới đầu vào may tay còn hơi run, cơ mà chị lại nhớ tới lời Niệm nói để cố gắng. Chị sẽ không đổ tại hoàn cảnh nữa đâu, cứ tập dần rồi sẽ quen thôi mà. Có tối chị ngồi đơm ngọc trai hồng lên phần cổ áo của dì mà nhức tê cả tay, mỗi lần như vậy chị nghỉ tầm năm mười phút rồi lại cần mẫn làm tiếp. Tuy hơi cực nhưng đổi lại nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dì khi khoác trên mình bộ áo dài cháu dâu may là chị thấy mãn nguyện rồi. Bữa đó dì Kỷ không chỉ là nàng thơ trong mắt chú Nhất mà còn là tâm điểm chú ý của đám đông. các bà các cô gặp dì cứ hỏi han tới tấp: - Ối dồi nom như gái đôi mươi ý nhờ, bộ áo dài đặt ở đâu mà sang chảnh thế. Thêu thủ công hết phải không? - Ừ, đặt may chỗ con cháu. Tuy hơi đắt nhưng muốn thiết kế riêng có một không hai thì phải chịu chi chứ bà nhỉ? - Công nhận, đắt xắt ra miếng, đáng đồng tiền bát gạo. Cho tôi số điện thoại đặt may với. - À con bé Hoài vợ thằng Hoàng đó. Xưa nó được nhiều giải thiết kế lắm nhưng giờ ở nhà làm nội trợ nên chẳng nhận may nhiều đâu. Phải chỗ thân quen lắm nó mới làm ý, để tôi nói khó nhờ nó may cho các bà nhé! - Ừ, nói giùm một câu với. Chỉ cần là thiết kế riêng không đụng hàng thì tiền nong không thành vấn đề. Chị Hoài đứng một góc nghe dì làm giá cho mình mà phì cười. Vợ của doanh nhân thành đạt có khác, chỉ vài câu đưa đẩy đã gọi về cho cháu một đống đơn đặt hàng, toàn khách sộp mới cưng chứ, bõ công chị vất vả suốt nhiều ngày trời. May có thuốc tốt Niệm mua, chị dùng xong không những đỡ run tay mà da dẻ còn mịn màng hơn nhiều. Chị đang tính nhờ cậu đặt thêm đợt thuốc nữa thì thằng bé đã ghé qua đưa cho chị chiếc túi giấy, bên trong có ba tuýp thuốc mới cứng. - Ơ sao biết chị sắp hết thuốc? Quan tâm chị thế? - Ai mà biết? Ai quan tâm? Mơ hả? - Không biết sao mua? Chị hỏi vặn, tại chị nghe dì Kỷ kể cậu từng hỏi dì chị bị ngã như nào. Dì bịa rằng chị sẩy chân rớt xuống hồ vào mùa đông giá buốt nên từ đó bị chứng run tay. Chắc chuyện không vui nên dì chẳng muốn khơi lại, chị cũng vậy. Cậu nghe chị hỏi thì tỏ vẻ chẳng liên quan, lấp liếm kêu mua đại thôi. Vành tai cậu hơi đỏ, bất chợt lòng chị dâng lên nỗi khát khao được chạm vào vành tai ấy rồi xoắn một cái thật mạnh. Chị thường tự lừa chính mình rằng bản thân là người sòng phẳng, ai gây sự với chị trước chị mới tính sổ với người ta, nhưng thực ra không phải như vậy. Thực ra, rất xấu hổ khi phải thú nhận rằng, chị luôn có ham muốn chèn ép Niệm, ngay cả khi cậu không làm gì chị cả. Cơ mà tự dưng gây sự thì không hay cho lắm, thế nên chị cố ý mỉa mai: - Khiếp nom Niệm bữa nay xấu trai nhờ? Cậu nhìn chị, chỉ liếc qua thôi nhưng có vẻ cậu đoán được người ta muốn gì. Như để đáp ứng nguyện vọng của đối phương, cậu đánh nhẹ vào vai chị, cho chị một cái cớ hoàn hảo để trả đũa. Cậu biết, chị sẽ ra đòn không khoan nhượng. Quả đúng là như thế, chị xoắn tai cậu, đau điếng. Đau, nhưng rất chân thực, khác hoàn toàn với những giấc mơ hàng đêm của cậu, khi tỉnh giấc rồi, cảnh không như xưa, người chẳng còn đó, đến chút cảm giác hiếm hoi cũng biến mất. Chị thấy cậu tâm trạng thì chắc mẩm mình hơi quá tay, cuối buổi tiệc đành đền bù cậu bó hoa cưới. Kể cũng lạ đời, già khắm khú rồi còn nhận được hoa từ cô dâu, chị đâu có cần chứ? Tặng Niệm luôn! Chị xin Niệm cho chị đi nhờ xe về nhà, tại chị sốt ruột anh Hoàng đau bụng đêm nằm một mình tội nghiệp anh. Hai người về tới ngã tư gần nhà thì chị trông thấy xe ông xã điềm nhiên đi ngang qua trước mặt. Đùa à? Sao bảo mai phải xuống xưởng từ năm giờ sáng? Vợ còn đang tính mai dậy sớm đồ xôi để chồng ăn cho chắc dạ mà. Chị gọi điện nhưng anh không bắt máy, đoán anh có việc quan trọng, lo chồng khờ bị người ta bắt nạt nên chị bắt Niệm phóng xe đuổi theo. Chẳng biết do Niệm lái lụa hay do anh Hoàng chủ quan nữa, anh không hề biết vợ và cậu đi ngay phía sau mình. Bởi vậy nên khi rẽ tới con ngõ quen thuộc, anh vô tư xuống xe, lao tới ôm người phụ nữ đang chờ mình trước cổng. - Tháng mười một trời se se lạnh rồi dặn ở trong nhà thôi mà cứ ra ngoài đứng đợi làm gì không biết? Anh trách, ai đó thở dài tâm tình: - Thì mãi chẳng thấy tới, em lo á. Nãy vừa mới giận anh xong mà giờ vẫn quan tâm anh, anh cảm động siết chặt cô ấy vào trong lòng, cố gắng đền bù bằng những chiếc thơm ngọt ngào lên đôi gò má đầy đặn. Người đàn bà nép trong lòng anh cười khúc khích, còn người đàn bà đứng cách anh một đoạn chẳng xa lắm, chính là vợ anh, nước mắt chợt lăn dài bên đôi gò má. Cả người chị nổi đầy gai ốc, cái cảm giác ấy, nó choáng váng, nó tủi nhục, nó đau, nó buốt, nó xót xa đến thấu xương thấu tuỷ. Cái cảm giác mà, bị phản bội bởi người đàn ông chị gửi gắm cả cuộc đời, người đàn ông mà chị hết mực tin tưởng, người mà hàng ngày chị vẫn gọi là...chồng. Giá như người con gái anh đang ôm trong lòng là một người xa lạ thì có lẽ chị sẽ nhào đến làm cho ra ngô ra khoai. Nhưng không, không phải ai khác, không phải tình một đêm vụng trộm nơi công sở, không phải cô nhóc nào trẻ người non dạ anh gặp ở quán bar, mà là...người có chiếc bánh giò cũng bẻ chia đôi cho chị, là người năm xưa luôn xách balô hộ chị mỗi lần hai chị em đi học chung, cưu mang chị khi chị chân ướt chân ráo lên thành phố, và còn là, người phụ nữ chị thương nhiều như chị gái ruột của mình. Một người như thế, sao chị có thể xông tới giật tóc, đấm, đá? Không. Chị không thể. Chị không làm được. Uất hận bủa vây tim gan chị, bức chị phát rồ, nhưng chị lại không có cách nào giải toả. Chị lầm lì quay người, dồn hết u uất làm thành một cú đấm giáng mạnh vào lưng Niệm, cau có quát thằng bé cút sang ghế bên cạnh. Còn chị, lao thẳng vào ghế lái, mím môi khởi động xe, tăng tốc từ từ sau đó cố ý làm một cú "drift" đầy ngoạn mục tạo ra những tiếng động vô cùng chói tai. Anh Hoàng lúc này mới giật mình lẩm bẩm chửi thằng điên nào mà vô ý vô tứ, may mà ngõ to chứ ngõ nhỏ khéo xảy ra va chạm thì khổ. Thế rồi, anh tò mò nhìn về phía chiếc xe, tá hoả khi phát hiện ra con mui trần màu xanh lá cây, một trong những chiếc xe trong bộ sưu tập đồ sộ của cậu Niệm. Cơ mà cậu bữa nay chỉ ngồi ghế phụ thôi, còn ghế lái...vợ...vợ anh. Có người sợ tái mét mặt mày, ngay lập tức nhào lên xe đuổi theo bà xã. Chị Hoài nhìn thấy xe chồng qua gương chiếu hậu chỉ nhếch mép cười nhạt, trình độ ông xã đua với chị sao nổi mà đòi đú? Chỉ chưa đầy năm phút, chị đã gọn ghẽ cắt đuôi anh. Không hẳn do anh kém, mà do chị là học trò của Niệm, một tay đua lão làng. Việc đầu tiên Niệm làm sau khi lấy được bằng lái xe là lôi chị đi chơi tứ tung, chị giống Niệm, mê tốc độ cao nên có lượn lờ cả ngày cũng chả chán. Chị nhờ Niệm dạy chị lái xe, ngoài ra Niệm còn dạy chị trượt băng, dạy chị nói tiếng Anh, dạy chị chơi các loại nhạc cụ cơ bản. Và đặc biệt, Niệm chỉ cho chị cách phòng thân khi gặp kẻ xấu. Tuổi trẻ của chị cũng rực rỡ lắm chứ bộ, ham học hỏi, thích thách thức bản thân, thích khám phá những vùng đất mới mẻ. Chỉ là, cái thời thanh xuân đầy nhiệt huyết ấy, sao lại ngắn ngủi đến vậy? Chị tự hỏi chị đã làm gì với bản thân mình trong suốt tám năm qua? Lấy chồng thành phố, trở thành người đàn bà mẫu mực của gia đình, được bao cô gái dưới quê ngưỡng mộ vì cuộc đời êm đềm suôn sẻ. Nực cười. Thật nực cười quá! Mải miên man với những dòng suy nghĩ chồng chéo, chị không để ý mình đã lái xe ra khỏi thành phố từ lúc nào. Đúng là Niệm có khác, chị phóng nhanh như thế mà cậu vẫn bình thản như không, đổi lại anh Hoàng có khi mặt cắt không còn giọt máu rồi ấy chứ. Chị đánh tay lái rẽ sang bên phải, đậu xe chễm chệ giữa bãi đất trống ven sông. - Cho chị mượn xe đêm nay, cậu về trước đi. Sở dĩ chị bảo vậy vì chị biết chỉ cần một cú điện thoại chắc chắn sẽ có người tới rước Niệm. Tuy nhiên, thằng bé không gọi. Chị cũng chả quan tâm, chẳng biết có phải do gió từ mặt sông hay không mà người chị run run, Niệm giúp chị đóng mui xe sau đó chỉnh nhiệt độ ấm hơn. Chị chợt nhớ ra rất hiếm khi anh Hoàng chủ động chỉnh nhiệt độ cho vợ, mỗi lần chị ho như cuốc kêu anh lại nịnh ngọt vợ yêu chịu khó đắp chăn chứ trời hè để nhiệt độ cao anh chịu không nổi. Rồi khi trời đông giá rét, mặc dì Kỷ kêu không cần anh vẫn cứ nhờ chị tự tay gói giò biếu chú dì để anh dễ dàng thăng tiến trong công việc. Gần chục cân giò anh mà anh không cho xay, bắt phải giã mới ngon, hại chị mấy ngày điêu đứng. Chị cứ ngỡ nếu chị thực hiện đúng nghĩa vụ của người vợ thì anh sẽ không có cớ gì để làm sai trái với lương tâm của một người chồng. Nhưng...thật buồn! Tủi thân, chị nấc lên từng tiếng. Người bên cạnh cởi áo vest vứt cho chị, chị cầm lấy vừa chùi mặt vừa khóc nức nở. Điệu bộ thảm thương của chị khiến cậu nhớ tới người con gái năm ấy, cái người ôm gối rấm rứt cả buổi vì không được giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế thời trang. Cậu của khi đó, chẳng biết làm cách nào ngoài vỗ vai người ta nói nhỏ: - Đừng khóc, xấu lắm. - Xấu kệ xấu. Xinh đẹp có để làm gì đâu? - Dù sao cũng được giải ba rồi mà, bao nhiêu người tham dự được giải ba là giỏi lắm rồi ý. - Không thèm, thích giải nhất cơ. Giải nhất mới được học bổng đi Mỹ du học, giải ba đâu có được đâu. Có người tức tưởi, có người an ủi vậy năm sau thi lại nha. Người kia lắc đầu không chịu, bực bội càu nhàu: - Đợi tới năm sau thì người ấy đã đi xa mất rồi. Chị đang buồn nên buột miệng, rõ ràng chị rất ghét Niệm, nhiều lúc căm thù luôn ấy, nhưng từ khi nghe tin thằng nhỏ sắp phải xa nhà chị lại như ngồi trên đống lửa. Lòng chị bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, cứ tưởng tượng ra có đứa con gái khác thế chỗ của chị bây giờ, tối ngày đấm đá hành hạ Niệm là chị lại chịu không nổi. Lúc nghe Bách kể có cuộc thi thiết kế tài trợ học bổng cho người xuất sắc nhất chị cười ngây ngô nguyên một ngày. Chị phải thi thôi, phải thi để lấy giải nhất, được giải nhất rồi chị sẽ sang Mỹ giày vò Niệm. Ai kêu chị ghét Niệm quá mà! Cơ mà chị đâu có dại mà nói thẳng toẹt ý định của mình, lúc Niệm hỏi người ấy là ai chị chỉ đáp bừa: - Thì cái anh hàng xóm nhà người ta ý. Sợ thật! Bịa như kiểu cậu chưa từng về cái xóm đó bao giờ không bằng, cậu cố nén cười thắc mắc: - Cái anh Hiệp bán lợn giống đấy hả? Gần nhà chị có mỗi anh Hiệp là con trai lớn tuổi hơn chị mới tức chứ, bị bắt bài, chị gân cổ lên cãi. - Bộ bán lợn giống thì không được đi Mỹ à? Người ta xuất khẩu cả tấn ấy chứ, đấy chả biết gì thì thôi. - Ghê! Đấy chắc không? - Chắc chắn. - Nếu sai thì sao? Sai thì đấy mất gì? - Mất gì chả được. - Được, cứng miệng thế là tốt. Giờ đây sẽ gọi về hỏi mẹ đấy, nếu như anh Hiệp lợn giống không đi Mỹ thì sau này đấy chuẩn bị tinh thần đẻ thuê cho đây nhé!
|
Chap 18. Đấy làm loạn chưa đủ hả?
- Ơ gì vậy? Quên đi! Đấy thích đẻ thì lấy vợ chứ. - Đây chả thích lấy vợ, rắc rối, gò bó. Cái thằng, nó coi chị như công cụ giúp nó làm tròn bổn phận với chú Nhất dì Kỷ vậy hả? Chị tức mình đá Niệm rầm rầm. Khoé môi cậu hơi cong, cậu tất nhiên biết cô gái ấy vừa nói dối, bởi đôi gò má kia chín đỏ đầy thẹn thùng. Cậu đủ thông minh để biết đối phương ám chỉ mình, nhưng thực sự, không đủ thông minh để hiểu vì sao người ta có thể thay lòng nhanh đến vậy? Ảnh cưới mẹ cậu gửi sang là thật, video Bách quay hai vợ chồng họ tay trong tay đi mua sắm cũng là thật. Phẫn nộ kèm theo sĩ diện đàn ông ngút ngàn không cho phép cậu bi luỵ, chỉ đơn giản nhắn đi một tin ngắn gọn: "Chúc mừng." Những tưởng sẽ nhận được một lời giải thích sướt mướt hay một cái cớ bao biện dài dằng dặc cho hành động phản bội. Nhưng không, không có, không hề có. "Cảm ơn cậu. Chị nghe dì Kỷ kể cậu bị ốm mấy tháng nay nên không về dự đám cưới anh chị được. Chắc do thay đổi khí hậu phải không? Nghe nói bên đó mùa đông còn có tuyết, chắc lạnh lắm, nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé!" Cả một tin nhắn dài dằng dặc nhưng không có lấy một câu xin lỗi, ngay cả thái độ ăn năn cũng chẳng thấy đâu. Ngược lại, người ta vô tư đến phát sợ, vô tư như chưa từng có chuyện gì xảy ra, như thể những giận hờn vu vơ, những hứa hẹn mùi mẫn và cả những chiếc hôn ngọt ngào vào một buổi đêm nào đó chỉ là giấc mộng của riêng cậu. Sự thật phũ phàng khiến cậu không sao thích ứng nổi, rồi một ngày trong cơn say, cậu trút giận bằng cách gửi tin nhắn thứ hai: "Vì sao vậy?" Đợi rất lâu, rất rất lâu, nhưng không có người hồi âm. Và từ đó cũng không có tin nhắn nào gửi đi nữa, cho tới một ngày cậu biết người ấy đi chuyển phôi thai, sự thất bại của lần trước nhất định sẽ khiến cô ấy căng thẳng. Chắc chắn sẽ có rất nhiều những đau đớn, đáng đời kẻ phản bội, một kẻ sống sai như thế ra đường sét đánh cũng đáng, cậu tự nhủ. Nhưng rồi, tay lại táy máy với điện thoại soạn vài ký tự: "21.08. 7pm." Cũng định thần là phải xoá đi rồi, nhưng bất cẩn thế nào ấn nhầm nút gửi. Vậy là, rốt cuộc gửi đi tổng cộng ba tin nhắn trong suốt tám năm, quá nhiều cho một người con gái không xứng đáng. Một người mà cậu cứ nghĩ sẽ sung sướng lắm khi họ lâm vào cảnh khốn đốn, ngặt nỗi, khi chứng kiến tận mắt, trong lòng không hề dễ chịu như tưởng tượng, ngược lại là cảm giác trĩu nặng như có đá đè. Cậu thở dài cầm bó hoa cưới chọc chọc vào cổ ai đó, người ta bị nhột, bất giác bật cười khúc khích: - Á...buồn chị, ghét! Chị tức mình giằng lấy bó hoa Niệm đang cầm, nheo mắt ngắm nghía rồi buồn buồn tâm sự: - Mấy bông cẩm tú cầu này nom sang chảnh Niệm nhờ? Hồi con gái chị hay mơ mộng về đám cưới của mình lắm, lễ đường sẽ là một khu vườn cổ tích với thật nhiều hoa baby trắng và hoa hồng đỏ thẫm xếp hình trái tim hai bên lối đi chính, chị khoác trên người chiếc váy trắng lộng lẫy do chính mình thiết kế, bẽn lẽn bước bên ba đi tới chỗ người đàn ông mình yêu thương. Cậu biết, năm xưa có người ngồi xích đu mộng mơ suốt, hại cậu sốt ruột đến mức phải lên kế hoạch tìm địa điểm dần, tại sợ lúc người ta sẵn sàng lấy chồng rồi mà mình chưa chuẩn bị chu đáo thì mất mặt, ngẫm lại thấy mình ngu. - Chỉ là, thực tế bao giờ chả khác ảo tưởng. Ngày đó mẹ Hoà không thích có cô con dâu nghèo rớt mồng tơi như chị nên mọi thứ tổ chức qua loa lắm, không những ăn hỏi bị bỏ mà mục đám cưới cũng chỉ vỏn vẹn vài mâm. Mẹ Quỳnh cứ ôm chị khóc mãi. Giá kể mẹ mà có tiền mẹ sẽ tổ chức rình rang cho con gái mẹ luôn đó, tiếc gì đâu. Mai sau chị mà có phúc phận được làm mẹ chị cũng chẳng tiếc con mình luôn. Cơ mà cậu có mấy cái xe đẹp thì cho chị mượn một cái làm xe rước dâu nhé, cho nó hoàng tráng. Chị thỏ thẻ xin xỏ, cậu thoải mái gật đầu, những lúc chị buồn Niệm hiền lắm ý, chị xin gì cũng cho. Chị đang chán đời nên được thể làm tới, chị xin Niệm sợi dây đỏ dì Kỷ cho Niệm để chị đeo hai sợi cho bớt đen đủi, chị xin chiếc đồng hồ đeo tay hàng hiếm, chị xin lọ nước hoa đặt trên xe, xin luôn cả chiếc áo vest Niệm vừa vứt cho chị, tại chị thấy kiểu may rất đẹp, chị muốn đem về học hỏi. Thực ra cả áo sơ mi và quần âu của Niệm cũng rất chất, nhưng giờ chị mà trấn mất không lẽ cậu trần trụi chạy về nhà? Nghĩ thấy tội thằng nhỏ nên chị thôi, gom góp đống đồ vừa cuỗm được vào túi rồi lái xe ra biển, hít thở thật sâu tận hưởng chút hương vị mằn mặn của biển cả và bình minh đỏ rực phía chân trời xa xa. Đợi tới khi tâm trạng ổn định chị mới quay đầu xe vòng về thành phố, tròn mười giờ sáng chị về tới nhà dì Kỷ, anh Hoàng lao ra mè nheo vợ đi đâu cả đêm hại anh sốt ruột chết đi được. Chị xuống xe, chẳng nói chẳng rằng đi thẳng về nhà, anh đợi vợ ăn uống tắm giặt xong mới bắt đầu phân trần: - Vợ vốn biết mẹ giục anh rất nhiều về việc sinh con mà. Anh thì đâu còn trẻ, qua vài cái Tết nữa là chạm đầu bốn xừ nó rồi, chẳng thể chậm trễ được mãi. Giá kể vợ có thể đẻ cho anh thì anh đã không phải nhức đầu. Anh cố ý nhấn mạnh câu cuối, để vợ cảm thấy trong việc này vợ cũng là người phải chịu trách nhiệm. Sau đó anh mới tiếp tục thủ thỉ: - Vợ từng nói với anh vợ đồng ý cho anh tìm người thụ tinh nhân tạo. Anh sợ tìm người lạ vợ lại xảy ra mâu thuẫn với người ta, bởi thế nên anh mới nhờ Thư, người vợ tin tưởng nhất để mang thai hộ. Thì nói chung là thành công rồi, mình sắp có con rồi đấy vợ ạ. Còn chuyện tối qua cũng chẳng có gì, Thư nhắn tin thèm của chua, anh nghĩ mình là cha đứa trẻ thì nên có trách nhiệm một chút, thế là anh mua ít cóc với xoài dầm phóng xe mang tới. Trước đó anh có gặp đối tác uống chút rượu nên ngà ngà say, lúc đến nơi thấy cô ấy mặc cái áo hoa giống của vợ lại nhìn nhầm là vợ, tưởng vợ đi đám cưới về rẽ qua đấy rồi xuống dưới đợi anh, thế xong anh cứ thế nhào vào ôm thôi. Anh biết anh sai, anh ngu muội, nhưng anh thề là lúc đó anh nhớ vợ quá, mới xa vợ có vài tiếng thôi mà anh thấy nhớ vợ cồn cào như chồi non nhớ mùa xuân ý, thế nên anh mới có một phút dại dột. Vậy là chị Thư đẻ giúp chị sao? Chị sắp có con rồi à? Con của chồng chị và con của chị gái yêu quý, và tất nhiên cũng là con của chị. Cái việc thụ tinh nó gian nan kinh khủng, chị từng trải qua nên chị biết mà. Chị Thư nhất định thương chị lắm nên mới cam tâm tình nguyện đẻ hộ. Chắc chị Thư lo anh Hoàng nhờ con bé khác kiểu như con Hằng nó lại cướp chồng của em gái. Cơ mà, cái nụ cười khúc khích của chị khi e ấp trong lòng anh là gì vậy? Chị phải đẩy anh ra mới đúng chứ nhỉ? Hay chị bị sốc? Sốc sao không la lên? Liệu có phải trong thời gian thực hiện thụ tinh nhân tạo chị Thư đã trót cảm nắng anh không? Nếu vậy tất nhiên lỗi ở phía chồng chị rồi, đàn ông không thả thính thì đàn bà làm sao mà dính? Cái thói ở đâu, đã trăng hoa còn không dám nhận, cứ cầm tay vợ kêu yêu Hoài nhất trên đời mới đáng sợ chứ. - Thôi anh im mồm đi cho vợ nhờ. Ngà ngà say cái con khỉ. Anh có bao giờ dặn em tháng mười một trời se se lạnh rồi ở trong nhà đâu mà nhầm với chả tưởng? Mặt anh Hoàng đen kịt, ban nãy phóng vội về nhà nhờ con Bích bày mưu vỗ về vợ, anh chỉ kể anh ôm và thơm cô ấy, quên béng mất chi tiết trời se se lạnh mới nhục chứ. Anh biết thân biết phận dâng chổi lên, ngoan ngoãn ngồi im dưới sàn nhà cho vợ quật tưng bừng khói lửa. Việc đánh chửi là việc của vợ, anh mặc xác, việc của anh giờ là ôm chân vợ ra sức năn nỉ nịnh nọt: - Thì đàn ông ai chả có tý máu bay bướm trong người, anh chả dám mong vợ thông cảm, vợ cứ đánh anh đi cho hả dạ, đánh chết anh cũng được, chỉ cần không bỏ anh là được. - Đàn ông bay bướm em còn xem xét nhé, chứ cái loại đàn ông ve vãn chị gái của vợ thì em cũng đến chịu anh rồi. Từ nay trở đi chấm dứt ngay cho em, hiểu chưa? Chị Thư xứng đáng có được người đàn ông tốt hơn anh. Anh Hoàng sợ sệt gật đầu, chị Hoài chửi chồng sa sả như hát hay. Cô Bích đứng hóng hớt bên ngoài thấy xót anh trai ghê, cái tội ngu kể có câu chuyện cũng thiếu tình tiết, tình hình ra nông nỗi này thì cô cũng chịu rồi. May mà mẹ Hoà đang bên dì Kỷ chứ không nhỡ mẹ thương anh chửi chị, chị tự ái bỏ đi thì anh khóc mất. Mà cớ sao chị đổ hết tội lỗi lên đầu anh còn chị Thư chỉ là nạn nhân vậy? Bà đó không mồi chài thì anh Hoàng khờ làm sao mà vấp ngã được? Lẽ thường đánh ghen người ta đánh nhân tình của chồng chứ mấy ai đập chồng như bà Hoài. Rõ ràng hai người cùng sai nhưng chị Hoài thiên vị chị Thư hơn, trong lòng chị anh Hoàng thế mà lại đứng sau cả chị gái kết nghĩa. Chị Hoài không hề trách móc hay hờn dỗi chị Thư như cô tưởng, chị Thư gọi điện kêu chiều nay chị đi công tác, cuối tháng chị em mình gặp nhau chị Hoài chỉ vâng rất ngoan. Sau hôm đó tuy chị Hoài không nhắc tới việc mèo mả gà đồng của anh Hoàng nhưng chị không dùng chung phòng với chồng nữa. Đối với anh Hoàng việc vợ chưa bỏ về quê đã là tốt lắm rồi, tối tối anh vẫn qua chỗ Bông để được gần vợ hơn nhưng chỉ cần chị lừ mắt anh lập tức ngoan ngoãn cun cút về phòng. Ghét là ghét cái con Bông ý, có mẹ Hoài ngủ chung nó kiêu hẳn lên. - Mẹ Bích...à quên...cô Bích mau về phòng đi á, Bông thích ngủ riêng với mẹ Hoài cơ. Cái con nhỏ này chơi trò chơi gia đình suốt với cô và anh Bách nên giờ nó hay gọi nhầm thành mẹ Bích lắm. Nhưng hễ nhớ nhớ ra nó liền sửa luôn, chị Hoài ôm Bông nịnh con bé cho cô ở đây. Tự dưng cô thấy chị dễ thương quá chừng, người đâu vừa đẹp vừa giỏi vừa tốt bụng. Nhờ dì Kỷ chị giờ có nguồn khách hàng riêng, thế nhưng chị vẫn giúp cô sửa qua áo quần nhập về để bán ở shop đấy, mà chỗ chị em nên chẳng bao giờ lấy công. Nhiều việc quá nên một mình chị Hoài làm không xuể, chị phải thuê thêm thợ may phụ. Cô gợi ý mấy em gái trẻ trẻ năng động nhưng chị không chịu, toàn nhận mấy chị già đã có chồng ở nhà làm nội trợ giống chị thôi. Hầu như các chị kia đều biết may cơ bản rồi nên chị Hoài chỉ mất vài buổi để hướng dẫn thêm. Làm ăn uy tín, chất lượng tốt, mẫu mã độc lại chưa bao giờ trễ hẹn giao hàng nên thương hiệu may "Thu Hoài" của chị ngày càng đông, thu nhập theo tuần của chị Hoài bây giờ còn cao hơn lương tháng của mấy bà chị họ cô đi làm công ty ý chứ, cơ mà kể ra họ cứ kêu cô phét mới tức. Có tiền rủnh rỉnh chị trả thêm cho con Giang để nó xong việc nhà dì Kỷ thì qua dọn nhà cô, chị hay chở xe máy đưa mẹ Hoà đi mua sắm nữa nên mẹ cưng chị lắm, cơ bản vì mẹ chưa biết chuyện chị Thư có bầu, dạo này có gì cũng ới con dâu: - Hoài may cho mẹ bộ áo dài nhé, tuần sau mẹ có đám cưới. May đẹp hơn bộ của dì Kỷ đấy. - Dạ, mẹ yên tâm. Chị Hoài lễ phép đáp, thời gian gần đây chị dành toàn bộ tâm sức vào công việc, mọi thứ tiến triển rất tốt, chuyện gia đình cũng tàm tạm, cớ sao lòng chị vẫn trống trải đến thế? Chị sợ lắm mỗi lần chồng đi làm về, chị sợ phải nhìn thấy anh, sợ nghe anh nói những lời đường mật, sợ phải giả bộ quan tâm anh trước mặt người lớn. Bởi vậy nên cứ tầm chiều chiều biết chồng sắp tan ca là chị lại lấy cớ đi giao áo quần cho khách để trốn nhà. Chị thích đi bộ lang thang khắp chỗ này chỗ kia, chán chê mê mỏi thì ghé vào quán bia nào đó gọi một cốc ngồi nhâm nhi. Có hôm chị uống một mình, có hôm chán quá chị táy máy soạn tin nhắn: "Ra quán bia ăn lạc rang với chị không?" "Không rảnh." Rất nhanh đã có tin hồi âm, chị tiu nghỉu hẳn đi. Rõ là không rảnh cơ mà nửa tiếng sau đã thấy mặt. - Ơ chị đã nói tên quán đâu nhờ? Đừng nói cậu cài định vị vào điện thoại chị nhé, cái điện thoại nè nè, chị thắng trò chơi uống rượu hôm cậu về ý. - Vớ vẩn. Đang khát thì ghé vào thôi, chẳng liên quan. Vậy hử? May quá, may mà Niệm đang khát nên chị mới có người trút muộn phiền. Chị chẳng biết tìm ai cả, dì Kỷ thân với mẹ Hoà chị đâu dám nói, kể cho mẹ Quỳnh thì chị sợ mẹ chửi chị, tại mẹ mắng chị bao lần con gái con lứa nhu mì một chút, cứ sồn sồn lên đánh chồng rồi nó chán nó theo gái thì đừng có gọi mẹ khóc lóc, mẹ không thương đâu. Đó, mẹ doạ trước thế rồi chị còn mặt mũi nào nữa? - Chị ý, chị biết lỗi là ở chị. Ai kêu chị không biết đẻ? Ai kêu chị cứ đè đầu cưỡi cổ anh cơ, để rồi anh bị rung động với người dịu dàng nết na. Chị sai, chị biết chứ. Cơ mà...chị đau lắm...chị cứ ngỡ nếu mình đối xử thật lòng thật dạ với một người thì người đó sẽ không phụ mình. Cậu gật đầu đồng tình với chị, cậu cũng từng nghĩ vậy đấy. Cậu cũng cứ nghĩ nếu mình yêu một người bằng toàn bộ nhiệt huyết tuổi trẻ, thì người đó sẽ không phụ mình. Tiếc rằng, đôi khi sự thật dẫu có phũ phàng thì người ta vẫn phải chấp nhận. Ví như, người ngồi trước mặt cậu đây, đã không còn là người con gái của cậu nữa, từ lâu...đã là vợ của anh cậu rồi. Cái sự thật đó, sao cay đắng, sao chua chát? Cậu cười nhạt, với cốc bia của "bà chị dâu" tu cạn, ánh mắt thâm trầm nhìn về phía mặt hồ xa xa. - Nè, ăn lạc không nè? Uống ngụm bia thì phải nhâm nhi mấy viên lạc cho nó bùi bùi chứ. Có người chìa bàn tay ra trước mặt cậu, trong lòng bàn tay thon thon ấy là mấy viên lạc đã được bóc vỏ sạch sẽ. Chẳng biết từ khi nào cái người này phát hiện ra việc cậu bài xích đồ ăn có vỏ chỉ đơn giản vì lười bóc. Tuy nhiên người ta lại không biết ngoài mẹ Kỷ ra cậu không có dũng khí nếm đồ do người khác bóc. Bởi vậy nên có lần đi ăn liên hoan, ai đó cứ hồn nhiên như con điên bóc tôm đặt vào bát của cậu. Cậu khổ sở gẩy con tôm sang chiếc đĩa bên cạnh, xong còn cẩn thận gẩy luôn chỗ cơm dính tôm nữa. Được bóc cho con nào cậu gạt ra bằng sạch con đó, chuyện sẽ chẳng có gì nếu như anh trai ngồi cạnh không ra sức gắp thứ cậu vừa bỏ đi vào bát mình, vừa nhai ngồm ngoàm vừa lẻo mép nịnh ngọt: - Hoài đẹp với khéo tay ghê ấy. Đã có mối nào chưa để anh đăng ký xin một suất trồng cây si? Ghê! Ông anh thả thính công khai luôn kìa. Tự dưng cậu thấy không được vui cho lắm, tôm rõ ràng là bóc cho cậu mà? Ông Hoàng có hiểu thế nào là phép lịch sự tối thiểu không nhỉ? Chắc không đâu, hiểu thì đã không lanh chanh. Cũng vì có ông anh kết nghĩa quá lầy bựa nên cậu đành phải vượt qua rào cản của bản thân, nhắm mắt nhắm mũi đánh liều đưa con tôm lên miệng nếm thử. Thịt tôm ngọt, giòn, chua chua thơm thơm mùi chanh ớt, nói chung cũng ngon đấy. Cậu huých tay ai đó, thấy người ta quay sang nhìn mình thì lười biếng liếc về phía đĩa sò điệp nướng mỡ hành. Người ta hiểu ý, vui vẻ ngồi tách vỏ sò giúp cậu. Sau đó lần lượt đến cua rang muối, trứng cút luộc, ốc xào dừa, món nào có vỏ cậu cũng nếm qua hết, tự nhủ cũng có sao đâu? Cơ mà, sự thực là...có sao. Riết rồi thành quen, quen rồi thành nghiện, nghiện rồi thành phụ thuộc. Một khi phụ thuộc rồi, đến lúc mất đi, trong lòng sẽ xuất hiện một khoảng trống, rất rộng, rất sâu. - Không ăn đâu. Cậu từ chối những viên lạc từ tay chị, tự nhắc nhở bản thân mình phải cai nghiện một cách triệt để. Chị tưởng cậu không thích lạc nên í ới gọi một con cua hấp bia cỡ lớn. Đợi cua ra rồi, vừa bóc vào bát cậu chị vừa tâm tình: - Ăn thoải mái đi, chị mời. Chị giờ hơi bị giàu rồi đấy, mấy năm nữa ai phải sủa còn chưa biết đâu. Nhớ tới hẹn ước năm xưa, thấy mình có chút hi vọng chiến thắng chị lại phấn khởi hết cả người. Biết đâu được đấy, nhỡ Niệm phá sản xong nợ nần chồng chất thì sao? Lúc đó chị sẽ dang rộng vòng tay để giúp đỡ Niệm, giống như Niệm đang giúp chị bây giờ, mua thuốc cho chị, bán rẻ máy tính bảng cho chị, truyền cho chị động lực quay trở lại với công việc. Công việc càng thuận lợi thì chị càng nuối tiếc, đã nhiều đêm liền chị không sao ngủ được tròn giấc. Chị ước ngày đó chị tin tưởng vào bản thân mình hơn một chút, tin rằng mình vẫn còn giá trị. Nhưng không, chị quá hèn nhát, sau biến cố ấy chị rơi vào bi luỵ, trầm uất với gánh nặng là món nợ của gia đình trên vai. Lúc đó anh Hoàng xuất hiện như chiếc phao cứu sinh quý giá, chị thực sự rất hối hận, bởi bây giờ nếu được chọn lại, nhất định chị sẽ tự bơi về bờ. Chị khóc. Mấy bữa nay trước mặt mọi người chị kiềm nén nhiều quá, gặp Niệm tự dưng mếu máo bật khóc. - Chị khóc chẳng phải chị yếu đuối gì đâu, tại Niệm chê cua chị bóc đó, hại chị tủi thân. Biết thừa người ta bịa nhưng cái mặt nhăn nhó càu nhàu, cái bộ dạng hí húi bóc cua, cả cái cách vắt chanh trộn trộn vào hỗn hợp bột canh và tiêu, tất cả, cớ sao thân thuộc đến thế? Đến cái mức mà cậu tưởng như mình đang bị ảo giác đưa về quãng thời gian trong quá khứ, bất giác không tự chủ được mà gắp lên một gắp. Dường như vẫn là hương vị năm ấy, hương vị của ngày xưa tháng cũ, hương vị mà chỉ duy nhất ở nơi cô gái này mới có. - Ngon lắm. Cậu buột miệng nhận xét, giọng hơi trầm, cố gắng đè xuống một loạt cảm xúc ngổn ngang trong lòng. Chị cười, chị chẳng biết chị vừa phá hỏng kế hoạch cai nghiện của cậu đâu, chị vẫn cứ bù lu bù loa lên ăn vạ: - Giá kể hôm đó Niệm không cho chị đi nhờ xe về thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra rồi. Chị sẽ vẫn tôn trọng ông xã như xưa, ngày ngày chị sẽ vẫn tươi cười rạng rỡ. Chỉ tại cậu mà giờ chị ngán lão tới tận cổ. Mà có khi lão cũng ngán chị ấy chứ, cái mồm xoen xoét suốt ngày nhưng tâm nghĩ gì thì bố ai mà biết được, không biết chừng vài ba bữa nữa trúng tiếng sét ái tình lại đá bay vợ ra khỏi nhà cũng nên. Chị mà ế là tại cậu đó, tất cả là tại cậu. - Ừ. - Ừ cái gì mà ừ? Bắt đền cậu đấy! - Đền gì? Đền chồng cho chị. Chị nghĩ thoáng qua vậy thôi chứ không nói ra, tại việc đó thì chẳng cần đến Niệm ý. Tự chị cũng kiếm được chồng. Chị tu liên tiếp mấy cốc bia liền, hai má nóng phừng phừng, chị bắt đầu không kiểm soát được mình, bắt đầu loạng choạng đứng dậy nói nhảm: - Em chào các bác đang nhậu trong quán ạ. Em xin phép được giới thiệu em tên là Thu Hoài, tình hình là có khi em sắp ế rồi. Em sẽ hát tặng các bác ở đây một bài, bác nào còn độc thân vui tính mà thấy em cũng đường được thì mình trao đổi số điện thoại làm quen nha... Chị còn chưa kịp thả thính thêm em cao mét bảy hai, số đo ba vòng chín hai, năm chín, chín tư thì đã bị kẻ đáng ghét nào đó bịt miệng kéo đi rồi tống thẳng vào xe. Chị ấm ức đánh cậu bùm bụp, mắng cậu phá hỏng chuyện đại sự của chị. Cậu điên máu giữ chặt hai tay chị, gằn giọng hỏi: - Đấy làm loạn chưa đủ hả? Đây chết rồi hay sao mà đấy phải đi xin số điện thoại thằng khác?
|
Chap 19. Em người yêu tôi
- Hả? Chị ngơ ngác nhìn cậu, hai tai cậu đỏ lừ, chợt nhận ra mình nhất thời hồ đồ, có người đành chữa ngượng: - Thì đây quen rất nhiều anh độc thân, đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn của đấy. Đấy cứ hỏi đây là được, không cần phải hát hò ở quán nhậu như thế, mất giá. - Ừ, cũng đúng. Nhớ giới thiệu cho chị anh nào gà trống nuôi con, tại chị đâu có đẻ được đâu. - Biết rồi. - Nếu được thì tìm anh nào cao cao một chút, chị đỡ phải đi dép bệt mỗi lần hẹn hò. - Mét tám bảy đủ cao chưa? - Những mét tám bảy cơ á? Cao bằng cậu luôn đó hả? Eo thế thì được quá đi chứ nị. Chị thích chí cảm ơn rối rít, Niệm mắng nhỏ chị là đồ hâm. Cơ mà hôm nay Niệm xưng "đây đấy" hơi bị nhiều nhé, nghe nó dễ thương gì đâu, tự dưng chị thấy nhớ thuở xưa quá, cái thuở mà bọn họ còn ở trong độ tuổi rực rỡ nhất, tối ngày rong ruổi khắp nơi. Đi cùng Niệm chị chẳng bao giờ phải dậy sớm chuẩn bị đủ thứ đồ lỉnh kỉnh như đi với anh Hoàng, căn bản mọi thứ cần thiết đã ở trong balô của Niệm rồi, chị chỉ việc mang đồ của chị thôi. Với cả hễ có Niệm là chị sinh cái tính ỷ lại, đầu óc cứ lơ ma lơ mơ ý. Có lần hai đứa dồn tiền vào một ví để chị cầm một thể cho tiện, thế nào mà đến khu du lịch chị mới nhớ ra để quên béng mất ở nhà. Thấy trong túi áo còn sót hai mươi ngàn nên chị đưa Niệm rồi dặn dò: - Thôi đấy cầm tạm lấy trưa mua bánh mì mà ăn, không cần cho đây đâu, lỗi tại đây, đây chấp nhận nhịn đói. - Đấy định làm màu để đây xót đấy hả? - Ai thèm đấy xót? Người ta nói thật mà, cứ đi ăn đi, kệ người ta, thân gái mỏng manh nhịn một bữa thì cùng lắm là tụt huyết áp xong xỉu giữa đường chứ gì? Chị giả bộ làm kiêu, tuy nhiên trong câu nói vẫn không quên thêm chút màu mè. Niệm phì cười cốc trán chị, đoạn cầm tiền đi mua giấy và bút chì. Thế rồi, nó chọn một chỗ rất bắt mắt, đỏng đảnh đứng làm dáng bắt chị phải vẽ nó. Chưa hết, chị vẽ xong cái nó liền cầm tranh đi ba hoa: - Công nhận vẽ đẹp dã man con ngan mà rẻ thối ra, có ba mươi ngàn thôi mà trông như thật. Mấy cô cậu sinh viên đứng gần đó nghe mồi chào thích thú chạy tới thuê chị vẽ. Cái giá ba mươi ngàn quả thật không đắt, cộng thêm có Niệm đẹp trai kéo khách thành ra người ta bu lại ngày một đông. Chị vẽ khá nhanh nên chỉ vài ba tiếng đã kiếm được kha khá. Thực ra nếu chị hoặc Niệm gọi điện cho dì Kỷ thì kiểu gì dì cũng sai người đem tiền đến. Tuy nhiên lúc đó chị ngại vì bản thân chỉ là người giúp việc, còn Niệm thì vốn hiếu thắng, thằng bé sẽ không tìm sự trợ giúp nếu như nó có thể tự giải quyết vấn đề của mình. Tính cậu trái ngược với chồng chị, anh chỉ thích tìm phương án nhẹ nhàng nhất thôi. Vì anh mà biết bao nhiêu lần chị phải muối mặt sang nhờ vả dì Kỷ. Bình thường chị vô tư chẳng để ý mấy chuyện đó, nhưng từ lúc trông thấy anh xà nẹo chị Thư xong lại nói dối trắng trợn chị bắt đầu suy nghĩ rất nhiều về quãng đường tám năm qua của mình, càng nghĩ càng vỡ lẽ ra nhiều điều, càng nghĩ càng chán, càng thất vọng. Mà mỗi lúc chị chán, chị lại thích xin đồ Niệm, nay thấy Niệm có cái áo khoác đẹp quá, chị đòi luôn. Niệm hơi lườm, nhưng xong vẫn ngoan ngoãn ngồi im cho chị trấn đồ rồi đưa chị về nhà. Áo khoác xịn thật, màu sang, chất tốt nên tuy nhẹ tênh mà mặc vào vẫn ấm ghê lắm. Anh Hoàng thấy vợ khen cái áo mãi liền tò mò mặc thử. - Công nhận ấm, cơ mà nom quê chết. Vợ may như này chả ai thèm mua đâu. Chị hiểu ý anh chứ, không phải ai cũng cao và có phần ngực rộng như cậu để hợp được với thiết kế đó. Với lại trước giờ có mẫu gì hay, mới lạ chị đều chỉ xem với tinh thần học hỏi mở mang đầu óc thôi chứ chẳng bao giờ bắt chước cả. Chị thích làm ra những sản phẩm mang phong cách của riêng mình, mỗi lần giao hàng, niềm vui lớn nhất của chị là nụ cười mãn nguyện của khách và những phản hồi tích cực dành cho thương hiệu may "Thu Hoài". Tất nhiên, kiếm được nhiều tiền cũng là chuyện tốt, rất nhiều năm rồi chị mới có thể tự mua quà cho chị Thư bằng chính đồng tiền do mình làm ra. Chị gặp chị gái vào một ngày cuối tháng mười một như đã hẹn. Vẫn như mọi khi, mỗi lần biết Hoài qua chơi, trên bàn tiếp khách của Thư luôn có một rổ cherry nhỏ, nếu đúng mùa sẽ là những trái tươi mọng nước, trái mùa thì Thư sẽ kiếm cherry sấy khô. Và lần này, còn thêm một quyển sổ khám thai của mẹ Hạt Đậu nữa. Chị Hoài cầm lên đọc ngấu nghiến từng chữ, sau đó nghèn nghẹn bảo: - Hạt Đậu của mẹ Hoài nom cưng quá, con ngoan đừng quấy bác Thư, mau chào đời rồi mẹ đón về nuôi nhé! Cái gì vậy? Bác Thư? Còn nữa, con Thư, Thư không nuôi nổi hay sao mà phải để Hoài đón về? Không lẽ Hoài vẫn nghĩ chị mang thai hộ Hoài? Thảo nào anh Hoàng lại gọi điện dặn chị nói dối rằng chị làm thụ tinh nhân tạo. Chị chịu thôi, rõ ràng Hạt Đậu sinh ra từ tình yêu lớn lao của cả ba lẫn mẹ, sao chị có thể bịa chuyện trắng trợn như vậy được chứ? Tuy nhiên, do sợ anh Hoàng giận nên thay vì nói thẳng, chị kêu cần vào nhà vệ sinh rồi cố ý làm rớt điện thoại xuống đất. Đúng như chị dự đoán, khi chị trở ra, chiếc điện thoại đã vỡ tan tành. Mắt Hoài mọng nước, em ấy khuỵ xuống ngay chân ghế sô pha, run run hỏi: - Em...em vừa xem cái gì thế này hả Thư? Không phải thụ tinh nhân tạo, ĐÚNG KHÔNG? Thư à...sao...sao Thư có thể...làm vậy với em? - Vậy còn Hoài? Sao em có thể làm thế với chị? Rõ ràng vài tuần trước khi em xảy ra tai nạn chị đã nhắn tin thú nhận người tình bí mật của chị là anh Hoàng rồi mà. Hoài cũng nhắn lại chúc mừng chị, vậy mà sao em vẫn có thể mặt dày dụ dỗ anh được hả Hoài? Chị Thư cay đắng hỏi lại, cảm xúc của Hoài bây giờ chắc chắn không chua chát bằng một phần mười chị ngày ấy đâu. Trước khi Hoài tới chị đã mở khoá hết cả thư mục ảnh kín, thậm chí thay luôn cả hình nền nóng bỏng. Ban nãy ở trong nhà vệ sinh chị dùng số khác gọi vào máy mình để khi điện thoại kêu, Hoài có thể nhìn rõ bức hình đó. Với tính cách của Hoài, em ấy nhất định sẽ kiểm tra chiếc điện thoại, chuyện gì Hoài cần biết, hôm nay, Hoài sẽ biết hết. Từ những bức ảnh anh Hoàng bồng chị mà trên vai chị có xăm dòng chữ "Kim Thư yêu Minh Hoàng" tới những ngọt ngào nóng bỏng của hai người trong suốt tám năm dài đằng đẵng. Nếu như Hạt Đậu không xuất hiện, có lẽ tám năm cũng chẳng là gì, chị có thể chấp nhận làm người tình trong bóng tối của anh mười năm, hai mươi năm, kể cả trọn kiếp. Nhưng con tới bất ngờ khiến mọi thứ bị đảo lộn, so với việc em gái bé bỏng bị tổn thương thì chị sợ con mình phải chịu thiệt thòi hơn nhiều. Chị không muốn mỗi lần ba Hoàng qua thăm Hạt Đậu lại phải lén lút giống như mỗi lần anh tới tìm chị. Chị muốn con được danh chính ngôn thuận sống trong tình yêu thương của nhà nội. Bởi đã lựa chọn, nên chị chấp nhận phải trả giá đắt, chấp nhận đối diện với Hoài. - Em cho chị đáp án trước được không Hoài? Đừng nói là em quên rồi nhé! - Em...em không quên. Chỉ là...em cứ ngỡ tin chị nhắn ám chỉ anh Hoàng lớp trưởng lớp đại học của chị. Tại anh ấy hay mua đồ ăn cho chị mà. Rồi chị còn kể anh yêu chị nhiều lắm, trong khi những năm đó anh Hoàng chồng em tỏ tình với em không biết bao nhiêu lần. Chính vì ông xã quá chân thành nên có nằm mơ chị Hoài cũng không ngờ được "anh Hoàng" của hai người lại cùng là một anh. Dạo đó chị bận lắm, đầu bù tóc rối tối ngày chuẩn bị cho cuộc thi thiết kế thời trang với khát khao sẽ giành được giải cao để có cơ hội sang Mỹ. Rồi kết quả báo về không như mong đợi, cộng thêm việc Niệm sắp xa nhà khiến chị buồn bực suốt nhiều ngày liền, chả có tâm trạng mà quan tâm đến chuyện của chị Thư. Đợt ấy hễ rảnh là chị liền bám riết lấy Niệm, tại chị sợ sau này Niệm đi mất rồi chị không còn ai để bắt nạt nữa. Chị cố gắng giải thích cho Thư hiểu, ngặt nỗi chị ấy không tin. - Thôi em đừng bao biện. Anh Hoàng đã bao giờ yêu em mà em kêu anh tỏ tình không biết bao nhiêu lần? - Cứ cho là em bao biện đi. Vậy còn chị, sao lúc em lấy anh chị không xông tới chửi cho em một trận? - Vì chị cảm giác đôi co với cái đứa mặt dày như em chẳng được tích sự gì cả. Kiểu gì em cũng có cách thoái thác thôi. Như bây giờ chẳng hạn, nào là Hoàng lớp trưởng, nào là Niệm xa nhà, mới đó mà em đã có một đống lý do rồi. Em ghét Niệm như hắt nước đổ đi, nó sang Mỹ em chả mừng quá ấy chứ. Em xạo nó vừa. Chị Thư lý luận, chị Hoài chịu thua. Công nhận, đến chị còn không hiểu nổi chính mình nữa là chị ấy. - Hồi đó chị đã muốn từ mặt hai người luôn. Sau ba tháng làm tình nguyện ở Tây Bắc chị đã định chuyển vào Nam sinh sống, nhưng không ngờ anh lại chạy ra ga tìm chị. Anh kể rất nhiều về việc em chèn ép đánh đập anh, giận lên còn đuổi không cho anh ngủ chung nữa. Anh nói anh bất đắc dĩ lắm mới phải lấy em, chị xót anh lắm em biết không? Anh cứ ôm chị suốt, thế rồi tàu đến nhưng chị không nỡ lên. Đêm đó ở với anh em biết chị cắn rứt lương tâm cỡ nào không? Chị biết làm vậy là có lỗi với vợ anh, chính là em gái chị. Nhưng mà, chị không sao kiểm soát được bản thân mình. Thế nên sau này chị tuyệt nhiên không bao giờ nhắc tới những chuyện tế nhị nữa. Bởi chị biết hai chúng ta đều sai, chỉ tội cho anh Hoàng ở giữa phải chịu nhiều thiệt thòi. Tội cái con khỉ? Chị Hoài nghe chuyện chỉ muốn tăng xông. Giờ thì chị đã hiểu vì sao chị Thư rất ít khi dè bỉu người khác mà thi thoảng lại hay chê anh Hoàng hiền đụt rồi những lúc chị điên lên muốn bỏ chồng chị ấy đều ủng hộ. Chị Hoài cười đắng, chị Thư lấy ra một tấm ảnh siêu âm cũ đặt vào tay em gái rồi trầm ngâm hỏi: - Dì Hoài biết em bé này là ai không? Không phải Hạt Đậu sao? Không phải đâu, vì bức ảnh này đã sờn mép rồi. Không lẽ giữa hai người còn có đứa trẻ nào khác? Đối diện với ánh mắt kinh ngạc của chị Hoài, chị Thư buồn buồn tâm sự: - Em là Hướng Dương dì ạ. Em mất đúng vào ngày cưới của dì và ba Hoàng, lỗi do mẹ cứ mải miết chạy theo chiếc xe hoa của dì và ba, tại mẹ không để ý đường trơn. Dì có biết lần nào mẹ Thư làm thụ tinh cho dì Hướng Dương cũng về thăm mẹ không? Đêm đêm em cứ la bên tai mẹ mãi, em trách mẹ vì sao mẹ làm như vậy, nhỡ ba Hoàng có con khác rồi ba quên em thì sao? Mẹ đau đến nghẹt tim đó, dì biết không? Nhưng mẹ vẫn phải ôm bé, nịnh em rằng ba Hoàng sẽ không bao giờ quên em đâu, còn dì Hoài hiếm muộn bao nhiêu năm bị mẹ chồng thoá mạ tội nghiệp dì lắm, Hướng Dương đừng giận dì, dì đủ khổ rồi. Chị Thư tâm sự tới đó liền bật khóc rưng rức, mỗi lần đợi kết quả thụ tinh nhân tạo chị còn căng thẳng hơn cả Hoài. Trong thâm tâm chị tất nhiên mong em gái mình có được mụn con, nhưng chị vẫn sợ chứ, sợ Hoài chửa rồi anh Hoàng mải mê gia đình quên mất chị, sợ cả Hướng Dương sẽ giận mà không về thăm mẹ nữa. Tuy nhiên lúc biết thụ tinh thất bại, lòng chị cũng chẳng nhẹ nhõm mấy, trên cương vị là bác sĩ, chị buồn vì không giúp được bệnh nhân của mình, trên cương vị của người chị, chị xót xa cho em gái bé bỏng. - Chuyện con Hằng đưa cho em que thử thai giả, nguyên nhân sâu xa là do chị. Tại lúc Kim hỏi tình hình em như nào chị lo Kim hại em nên nói dối là không khả quan đâu để nó đỡ nhòm ngó, không ngờ con ghẻ dám bày kế cho Hằng trêu em. Bực con Kim nên chị đã dụ anh Hoàng và nó tới quán bar rồi gửi ảnh anh bồng chị cho em, vì chị biết nhất định anh sẽ nghĩ là Kim gửi và gây nhau với nó. Chị cố ý chọn những bức hình chỉ rõ mỗi chữ "K" để em nghi ngờ Kim, cho em có cớ tìm nó trút giận. - Đúng là em đã nghi chị Kim, hệt như chị tính toán. Em ngu quá phải không? Bị chị và anh Hoàng lừa một vố quá đau. Ngay cả chị Kim cũng bao che cho hai người. - Nó đâu dám nói. Con đó gian lắm, nó lợi dụng anh Hoàng hiền, mỗi lần làm ăn chung lại lén ăn bớt phần tiền lãi của anh, cơ mà chị thấy không đáng kể nên kệ. - Chị đâu có kệ, chị dùng việc đó để khống chế chị Kim mà. Chị giỏi lắm Thư ạ, xuất sắc cả việc xã hội lẫn việc tình cảm, những tin nhắn giữa "sếp yêu" và "cô bác sĩ bé nhỏ" trong máy chị em đọc mà nổi da gà. - Em đừng có giở giọng chế nhạo. Anh đổ tiền cho chị mở bệnh viện, chị không gọi anh là sếp thì gọi là gì? Đời chị nợ anh nhiều lắm em à, cái đợt chị học lên bác sĩ nội trú không có thời gian đi làm thêm, tiền sinh hoạt phí của chị đều do anh lo. Trước đó anh cũng từng âm thầm bỏ một chiếc phong bì nhỏ trên giá sách cho chị. - Chị mơ à? Chiếc phong bì đó là của em, trước khi về nhà dì Kỷ em soạn tiền gửi lại cho chị. Tiền ông Hoàng đưa cho chị hồi chị đến tìm ông ấy vay mượn cũng là tiền may đồ của em, cả việc mở bệnh viện nữa, em mà không thuyết phục thì còn lâu mới có chuyện ông ấy bỏ tiền nhé. - Thôi em bớt nhận vơ đi, em đừng tưởng chị ngu. Chị biết hết đó, chính em mới là người cản trở không cho anh đầu tư, anh phải nài nỉ em mãi mới được. - Vậy là chị tin ông ấy hơn tin em hả? - Tất nhiên rồi. Chị Thư bình thản đáp, người như anh Hoàng không tin thì còn tin được ai trên đời nữa? Con người anh thật thà chất phác lắm, khác hẳn với đám con trai dưới quê chị chỉ mê gái đẹp. Giờ chị chịu khó giữ gìn nhan sắc nom còn ưa nhìn chứ hồi nhỏ chị xấu khủng khiếp, da dẻ đen nhẻm, mắt đeo kính cận to chà bá, khuôn mặt thì vuông vuông khó coi, bị chúng nó chê bai suốt. Chị chẳng được nhiều người cưa cẩm như Hoài đâu. Trong mấy anh có ý với chị thì anh Hoàng là xuất sắc nhất, vừa là trai thành phố vừa phong độ ngời ngời, lại chịu thương chịu khó nữa. Trước mặt Hoài chị chê anh vậy thôi chứ chị ưng anh lắm. - Chị sẽ phải trả giá cho câu "tất nhiên rồi" của mình Thư ạ. Em buồn lắm, em thương em, thương luôn cả chị. Em đoán không nhầm thì người phụ nữ anh ôm dưới Phủ Lý mà cái Nguyệt nói chính là chị, phải không? - Đúng, là chị. - Còn vụ tay em bị run thì sao? - Tay em run phần lớn là do em bị ám ảnh tâm lý. Ngay từ đầu chị đã muốn động viên em cứ kiên trì luyện tập thì dần dần sẽ khỏi. Ngặt nỗi anh Hoàng không đồng tình, anh sợ em trở lại nghề may kiếm được tiền nhiều hơn anh rồi lên mặt với chồng. Chị cũng sợ em bắt nạt anh nên đưa cho em thuốc dưỡng da thông thường. Sau này em đòi dùng thuốc ngoại anh vẫn cẩn thận dặn Bích mua thuốc dưỡng da, ai ngờ Bích nhờ Niệm, và theo như chị đoán thì Niệm đã tự chọn thuốc cho em chứ không đặt loại thuốc Bích nhờ. Chị Thư thở dài thuật lại, còn rất nhiều chuyện trong những năm qua giữa chị và anh Hoàng, chị đều kể bằng sạch. Cho dù mọi thứ ngã ngũ thì chị Hoài cũng không ghét nổi chị gái mình, chị chỉ tởm cái thằng đàn ông chị gọi là chồng thôi, quá kinh tởm. Mãi xế chiều hôm đó chị mới rời bệnh viện, nhưng chị không về nhà mà lững thững đi bộ ra bến xe. Nhà ư? Từ giờ trở đi nơi đó sẽ không bao giờ còn là nhà của chị nữa. Nhà của chị ở biển cơ. Chị về đây, về với ba Hùng mẹ Quỳnh chị đây. Chị nhắn tin dặn hội chị em trong tổ may dặn đừng nhận thêm đơn hàng mới, cố gắng thu xếp nốt những đơn hàng tồn đọng rồi tạm nghỉ, đợi khi nào chị quay lại thành phố thì tính tiếp. Chị mệt mỏi bước lên xe, lần này chị quyết tâm rồi, mẹ Quỳnh có đánh có mắng chị cũng không quay lại nữa đâu. Cứ nghĩ tới Hướng Dương chị lại buốt hết cả ruột, lẽ ra hồi đó chị nên quan tâm tới Thư nhiều hơn một chút, lẽ ra thấy chị Thư bảo ốm không sang dự đám cưới được chị phải chạy qua hỏi han, đằng này chị lại chỉ nhờ mẹ Quỳnh gói xôi cho Thư còn mình thì mải lo tiếp khách với phấn son váy áo. Chính chị đã đẩy câu chuyện của ba người đi xa đến như thế này, chính chị đã gián tiếp hại chết một sinh linh bé bỏng. Chị, sao có thể sống vô trách nhiệm đến vậy? Chị...sao có thể bước tiếp trên chặng đường đó, để rồi sai lầm nối tiếp sai lầm, khiến cả hai chị em đều không có lối thoát. Chị của ngày hôm nay, quyết định rẽ sang một con đường khác, một quyết định dẫu đã muộn màng nhưng chí ít cũng khiến lòng chị nhẹ nhõm hơn đôi chút. Chị tựa dầu vào ô cửa kính, thở dài nhìn dòng xe cộ tấp nập dưới lòng đường. Những buổi vắng vẻ như này bác tài hay chạy lòng vòng quanh bến xe để bắt khách lắm, chạy sang vòng thứ tư thì được thêm năm khách, trong đó có thằng bé quen quen đội mũ lưỡi trai lầm lì tiến tới ngồi cạnh chị. Bấy giờ chị mới giật mình nhớ ra chị đã bỏ bom cậu gần hai tiếng đồng hồ. Tối qua chị sợ qua chỗ chị Thư xong về buồn không có ai tâm sự nên hẹn cậu chiều nay đi nhậu, thế nào mà quên béng mất, cứ thế phăng phăng lên xe về quê. - Ơ chị em mình lại tình cờ gặp nhau hả Niệm? Hay cậu bị mất phương hướng nên rẽ đại lên xe buýt? Chị mỉa mai, lần trước Niệm lấy lý do khát nước rẽ vào quán chị còn tin chứ lần này thì mơ đi. Thằng bé cứng họng không bao biện nổi, chẳng biết do giận chị hay do đầu óc ngơ ngơ không để ý mà lúc phụ xe hỏi tiền vé nó lại đưa thẻ tín dụng mới ngu chứ. Chị phát nhục với cậu luôn mà, đành phải mua vé hộ em nó rồi đanh đá dặn dò: - Nhớ trả tiền cho chị, cả gốc lẫn lãi đấy. Niệm lặng thinh, chị quát: - Ê! Điếc hả? Cậu vẫn im lặng, rốt cuộc là điếc hay là dỗi? - Ơ Niệm bực chị vụ đi nhậu á? Bực làm gì tội nghiệp người ta, đang ế thật rồi đây này, không thương à? - Không. Niệm đáp cụt lủn, chị tủi thân phân trần: - Chị không cố ý mà, tại bữa nay phải nghe cả tá chuyện tanh tởm của anh trai cậu nên đầu óc không được minh mẫn lắm, nó cứ bị quên quên á. Tự dưng nói đến tanh tởm chị lại thấy buồn nôn, Niệm vỗ vỗ lưng giúp chị, nhưng bụng dạ chị trống rỗng có cái gì đâu mà nôn ra. Chắc do cả ngày mệt cộng thêm xe buýt cứ lòng vòng mãi nên hơi say. Đầu óc chị choang choáng, giá kể có cái vỏ quýt ở đây ngửi thì tốt. Chị ngó ngang ngó dọc, ngửi ngửi hít hít xung quanh không thấy có quả quýt nào, cơ mà lại phát hiện ra áo Niệm có mùi rất dễ chịu. Chẳng thèm khách sáo, chị cầm luôn tay thằng nhỏ, ra sức dí mũi vào ống tay áo ngửi ngửi. Công nhận nó át luôn cái mùi khó chịu trong xe, sảng khoái dễ ngủ hẳn đi. Trong giấc mơ ấy, chị lại thấy cô gái hôm trước, cái cô gái mà nằm trong lòng người yêu mè nheo đòi đền nhiều thật nhiều xong bị nhá má rõ đau đó. Cô ấy cũng không phải dạng vừa đâu, nhũng nhiễu anh chàng kia khủng khiếp luôn. - Đền thế mà là đền à? Thế là phạt á. - Thế đền là như thế nào? Chàng trai thắc mắc, cô gái thơm nhẹ lên môi chàng trai, ra điều hiểu biết chỉ dẫn: - Đó! Đền thế mới là đền chứ! Chàng trai gật đầu kiểu như đã hiểu ý, tay anh ta đưa qua vuốt ve mái tóc cô gái, dịu dàng dùng môi mình miết một đường lên cánh môi mềm mại kia. Sự đụng chạm của chàng trai rất chậm rãi, còn có chút cẩn trọng tỉ mẩn như đang nâng niu viên ngọc trân quý. Cô gái thì vô tư hơn, cô ấy vui vẻ vòng tay qua ôm siết lấy người đối diện, cố ý hé mở đôi môi chúm chím hồng hồng để chàng trai có cơ hội đẩy lưỡi vào trong. Dường như cô gái ấy đang rất hạnh phúc, và dường như trái tim chị cũng đập loạn khi chứng kiến đôi uyên ương bọn họ người này đưa đẩy, người kia vỗ về, cứ thế quấn quít bên nhau, dính chặt lấy nhau như đôi sam ngoài biển xa. Rất lâu sau chị mới nghe giọng chàng trai trầm ấm hỏi người thương: - Đền thế đã đủ chưa? - Đủ sao được mà đủ? Chả bõ bèn gì sất. Chàng trai véo má cô gái, mắng yêu: - Ai mà tham thế nhờ? - Ai tham cơ? Ai đấy? Có người tham cơ á? - Có chứ, có cái đứa xinh xinh đang nằm trong lòng người ta nhõng nhẹo giả ngốc nè. Cô gái xị mặt, ngúng nguẩy chất vấn cái đứa xinh xinh là đứa nào? Phải nói rõ ràng ra chứ lập là lập lờ như thế thì biết là ai mới ai? Chàng trai phì cười đáp: - Là em người yêu tôi. Được chưa?
|