- Lập đừng áy náy… ai cũng có nỗi khổ tâm riêng.
Hân nhẹ nhàng động viên, Lập cảm động kể lể:
- Con từng khuyên nó đừng làm việc xấu cho mợ Phượng nữa, nó chỉ ậm ậm ừ ừ, chả biết có nghe lời con không hay là ậm ừ để đấy.
Thông tin từ phía Lập khiến Hân hơi bất ngờ, cô khéo léo hỏi thêm:
- Ban nãy Lập kể rằng Gù khoe mợ Phượng cho rất nhiều tiền đi sửa răng. Theo như mợ thấy thì mợ Phượng không phóng khoáng với người giúp việc như vậy, có khi nào… Gù đã làm việc gì giúp mợ ấy?
- Mợ nhắc con mới nhớ. Chắc Gù sợ bị con chửi nên nó không dám kể chi tiết, nó chỉ kêu đấy là cái giá mợ Phượng phải trả để nó xoá hình.
- Hình gì cơ? Không lẽ Gù lại hại con gái nhà ai, phải chụp ảnh về làm bằng chứng cho mợ Phượng?
Hân giả bộ đặt nghi vấn, Lập cười cười nói:
- Hình gì thì con không biết. Nhưng sau khi nghe tin con Đào mất, nó ám ảnh tới nỗi không thể làm được chuyện của một thằng nền ông nữa rồi mợ ạ, nên nếu nó có đồng ý giúp mợ Phượng hại ai đi chăng nữa thì con đoán chắc nó cũng chỉ cắn người ta vài cái tạo vết bầm, lấy ít mực đỏ tạo hiện trường giả rồi chụp ảnh để nhận tiền thưởng của mợ Phượng thôi chứ nó không thể nào hoàn thiện được bước cuối cùng đâu.
Vậy nếu Gù thực sự là kẻ đã hại Hân thì Gù không thể nào làm tới bến luôn phải không? Mỗi lần nghĩ về cái chuyện bẩn thỉu đó, Hân đều rất u uất, rất căm phẫn nên cô không đủ sáng suốt để suy nghĩ về bước cuối cùng như Lập vừa nói. Bản thân cô vốn cũng không có kinh nghiệm trong việc này, tất cả những gì cô biết đều qua sách vở hoặc do người khác kể lại. Hiện tại, khi cố nhớ lại những gì đã xảy ra với mình, cô chỉ thấy một nỗi đau tột cùng, nỗi đau của sự nhục nhã, ê chề, thế nên việc kẻ đó đã làm tới bước thứ bao nhiêu, cô không thể phán đoán được chính xác một trăm phần trăm. Nhưng dù sao thì cũng không quan trọng, bởi đối với Hân, chỉ cần bị kẻ xấu động chạm đã là vấy bẩn rồi. Cô chỉ muốn dành riêng tất cả những gì đẹp đẽ nhất của mình cho cậu Hoan. Sực nhớ tới chồng, Hân hỏi Lập:
- Cậu đâu rồi? Cậu lại bận công chuyện à Lập?
- Không mợ ạ. Cậu ở nhà với mợ suốt hôm qua mà. Ban nãy thấy mợ nằm sõng soài dưới sàn, cậu sốc quá nên bị ngơ. Chắc thằng Quyết đưa cậu qua chỗ bà Tuyết nghỉ ngơi rồi. Cậu nom hổ báo cáo chồn thế thôi chứ sống tình cảm phết đấy mợ ạ, hồi con cá vàng của cậu nghẻo, cậu buồn mất gần một tuần liền.
Nghe Lập nói vậy, Hân sốt sắng đi thăm chồng. Lâu lắm mới có dịp cậu Hoan nương tựa vào bà Tuyết, cả người cậu cứ run cầm cập, cậu não nề nằm trên giường của bà, vật vã như một đứa nhỏ bị khủng hoảng cần được bu che chở khiến bà hạnh phúc lắm. Lúc nghe con Huệ nói thầm là mợ Hân muốn gặp cậu, mợ đang đứng đợi bên ngoài hiên, bà thấy phiền khủng khiếp. Sợ cậu nghe thấy nên bà cũng ghé tai Huệ nói thầm, ra lệnh cho nó đuổi khéo mợ về. Nó đi một lúc thì bà nhận được tin nhắn của mợ:
“Con biết bu bị thiếu thốn tình cảm, nhưng bu cách ly cậu trong lúc cậu gặp khủng hoảng chỉ càng làm cho tình trạng của cậu trở nên tồi tệ hơn mà thôi.”
Bà Tuyết cười khẩy, có gì mà tồi tệ chứ? Đợt thằng Lộc mất, cậu cũng bị sang chấn tâm lý như thế này. Vì quá ngột ngạt nên cậu hay tới chỗ con Oanh và chỗ bà để giải khuây. Bà Tuyết biết cậu có bệnh tâm lý, nếu gặp bác sĩ thì tình trạng sẽ nhanh được cải thiện. Nhưng bà thấy bệnh đó không nguy hiểm lắm nên mặc kệ. Chỉ run sợ xíu thôi mà, chỉ những lúc như thế cậu mới thực sự cần bà, bám víu lấy bà. Bà đoán có lẽ con Oanh cũng nghĩ thế, bởi vậy nên sau khi vượt qua trầm uất, cậu luôn nhớ ơn nó và chỉ qua lại với một mình nó. Bà từng tưởng cậu coi trọng nó hơn mợ Hân, chỉ là, hôm nay bà mới nhận ra mình đã nhầm. Bà nhớ hồi xưa có lần cậu gọi cho bà nói:
- Bu Tuyết! Oanh bị bệnh bu ạ, nó phun ra máu, người co giật xong ngất lịm. Dì Liên bảo với cậu giờ phải mua một loại thuốc cực đắt tiền mới cứu được. Cậu chuyển hết tiền thầy Tài cho cậu tuần này qua cho Oanh rồi, sang tuần mới thầy bắn tiền cậu gửi bu tiền tiêu vặt sau nhé!
Nghe câu chuyện cậu kể sặc mùi xàm xí nhưng vì dì con Oanh là bà Liên, bạn cũ của bà Tuyết nên bà nể tình không thèm sân si với nó. Tiền thì cậu gửi sau cũng được, vì bà biết tính cậu xông xênh không bớt của bu đồng nào đâu. Vấn đề ở đây là con Oanh nguy kịch như vậy mà giọng cậu cũng chỉ hơi buồn, ngược lại, mợ Hân mà hơi bị làm sao xíu thôi cậu liền sồn sồn lên. Nghe thằng Quyết kể bà mới biết cậu rơi vào tình trạng như hiện tại là do cậu thấy mợ Hân nằm sõng soài dưới sàn. Chắc cậu tưởng mợ rời xa cậu rồi nên trở nên trầm uất. Thực ra bà có thể nói cho cậu biết mợ đã không sao cả, nhưng vì luyến tiếc những phút giây tình cảm bên con trai, bà giấu nhẹm. Bà trìu mến vỗ về cậu, ngọt giọng an ủi:
- Không sao cả, có bu ở đây rồi mà. Bu thương cậu Hoan nhất. Cậu Hoan cũng thương bu nhất nha!
Cậu chẳng nói gì cả, chỉ ứa nước mắt. Bà Tuyết cũng ứa nước mắt theo. Vốn bị ông Tài chơi cho vố đau từ khi còn trẻ nên bà không tin tưởng vào tình yêu nam nữ, bà chỉ thương duy nhất một mình cậu. Bà không hài lòng với kiểu phân định tình cảm phu thê và tình cảm mẫu tử như cậu nói, bà chỉ thích phân định vị trí, ở trong lòng cậu, bà thích bà phải là số một. Việc cậu xót mợ và từng nổi cáu đuổi bà ra khỏi nhà đã khiến bà bị bất an. Không biết chia sẻ muộn phiền với ai, bà đã ca cẩm với bà Liên. Đời bà Liên cũng khổ ghê lắm. Bà Liên kể với bà Tuyết hồi xưa chính bu ruột của mợ Hân đã cướp đi người đàn ông của bà Liên, sau đó bà Hà xúi bà Liên bán hàng giả, lừa đảo tiền của người ta khiến bà Liên phải vào tù. Do cải tạo tốt nên bà Liên được ra tù sớm hơn so với dự kiến.
Nhưng bà Liên không kể với bà Tuyết ngày được trở về với tự do, bà tới công ty tìm ông Hậu, mong muốn nối lại tình xưa. Bà tới năm bảy lần nhưng ông Hậu không tiếp, nhưng lại được anh bảo vệ ở công ty ông Hậu hết sức săn đón. Hai trái tim cô đơn va vào nhau tìm hơi ấm, và thật bất ngờ, hai tháng sau bà mang thai đứa con của ông bảo vệ. Khi đứa nhỏ ra đời, vì sợ vợ nên ông bảo vệ chối bỏ hai mẹ con bà. Do kinh tế khó khăn nên bà đem con về quê, lén đặt trước cửa nhà một gia đình hiếm muộn lâu năm kèm mẩu giấy có dòng chữ đánh máy với nội dung nhờ vả họ nuôi con hộ rồi đứng lấp ở bụi tre, thấy họ ra đón đứa trẻ bà mới yên tâm rời đi. Vì bà Liên không để lại danh tính nên gia đình kia không hề biết ba mẹ ruột của con gái họ là ai. Suốt bao nhiêu năm, mỗi lần về quê bà chỉ đi ngang qua nhà đó, nhìn con từ xa chứ không tới gần làm thân. Cơ mà nửa tháng trước, bắt gặp con nhỏ đứng cười đùa với ông Tài ngoài cổng biệt phủ, vì biết tương lai nó sẽ rộng mở nên hôm sau bà đã tìm gặp nó ngay để nhận con. Vì muốn “drama hoá” cuộc đời của mình, bà Liên đã kể với con gái rằng con là con ruột của ông Hậu, con đã bị bà Hà bắt đi ngay từ lúc lọt lòng. Bấy nhiêu năm, bà vẫn luôn ráo riết tìm con. Giờ tìm được con rồi, bà thấy lòng mình nhẹ nhõm xiết bao. Con bé đã tin lời bà luôn mà chẳng đòi hỏi bằng chứng cụ thể. Nó còn tỏ ra rất vui mừng nữa. Nó nói nó đã nghi ngờ thân phận của mình từ lâu rồi, bởi vì nó thấy những người ở tầng lớp dưới như thầy bu nuôi của nó thì không thể nào đẻ ra được đứa con gái thượng đẳng như nó. Cái mặt nó giống ông bảo vệ như đúc, nhưng cái tính nó thì không bần hàn như tính ông. Hai mẹ con hợp chuyện nhau ghê lắm, nghe bà kể về những năm tháng thanh xuân bị bà Hà chèn ép, nó rơm rớm nước mắt ôm bà, hứa sẽ giúp bà trả thù.
Hiện tại, hai mẹ con bà hứa với nhau sẽ tạm thời giữ bí mật về mối quan hệ của bọn họ. Con gái là người đã cho bà lọ độc tam hoa mà nhiều năm trước nó thó trộm được ở nhà bà Tương. Chính bà Liên là người bày kế cho bà Tuyết dùng độc để trừng trị con gái lớn của bà Hà. Ban đầu nhận được chiếc lọ nhỏ chứa nước độc do bà Liên gửi tới, bà Tuyết cũng không biết đó là độc tam hoa, vì bà Liên chỉ bảo sau khi uống vào thần trí mợ Hân sẽ không còn minh mẫn, mợ sẽ không dám láo với bà nữa. Bà Tuyết nghe xuôi tai nên trong bữa tối hôm đó bà đã rình lúc mọi người không để ý để đổ nước độc vào chén canh bà múc cho mợ Hân. Biểu hiện sau đó của mợ rất giống bị trúng độc tam hoa khiến bà thất kinh. Bà gọi điện cho bà Liên hỏi cho ra nhẽ thì bà ấy cười cười bảo nếu Hân thực sự độc ác như bà Hoa, nó chết cũng đáng, giữ lại nó, cuộc đời bà Tuyết sẽ khốn khổ như khi bà Hoa còn sống thôi. Nhưng bà Tuyết vẫn rất áy náy. Bà ghét mợ Hân, nhưng cứ nghĩ tới chuyện bà Hoa từng bị chất độc đó bức chết bà lại rét run. Lúc thầy Thanh khám cho mợ, bà sốt ruột đi tới đi lui quanh căn nhà sàn của cậu mợ, tự trách mình nóng nảy bồng bột. Nghe thầy Thanh nói mợ sẽ không sao, bà vô thức thở phào. Bà còn cầu nguyện cho mợ sớm khoẻ lại. Tuy nhiên, bữa nay mợ qua chỗ bà đòi thăm cậu, bà lại thấy ghét. Bà hậm hực nhắn tin cho mợ:
“Con trai bu, bu tự lo được, mợ khỏi quản.”
Mợ Hân rất nhanh đã nhắn tin hỏi bà:
“Bu chưa nói cho cậu biết con tỉnh rồi phải không?”
“Nói hay không là việc của bu.”
“Tại sao bu lại làm vậy? Bu hiểu rất rõ cậu có bệnh tâm lý mà! Xin bu đừng đối xử với cậu như vậy!”
“Mợ khỏi dạy khôn bu!”
Vì bà Tuyết liên tục trả lời cộc cằn cùn nên Hân đành dùng biện pháp mạnh:
“Con chỉ có thể nhẫn nại được thêm mười phút nữa. Sau mười phút ấy, nếu bu vẫn cương quyết không để con gặp cậu, thầy Tài sẽ biết ai dùng độc tam hoa với con.”
Nhận được tin nhắn, bà Tuyết run cầm cập. Con quỷ cái! Sao nó biết?
“Mợ đừng nói tào lao.”
“Con không bao giờ nói gì mà không chắc chắn cả.”
Mợ Hân nhấn mạnh. Có tật giật mình, bà Tuyết sợ hãi xoá toàn bộ tin nhắn của mợ Hân đi, sau đó vội vã vỗ má cậu Hoan thông báo mợ Hân đã tỉnh. Cậu mới đầu cứ nói bà lừa cậu, nhưng bà kêu mợ đang đợi cậu bên ngoài, cậu nửa tin nửa ngờ mò mẫm ra ngoài đó. Thấy mợ Hân đứng ở hiên nhà, cậu hơi bị đơ. Mợ Hân nom bộ dạng của cậu thì mắt mũi đỏ hoe, mợ phải lên tiếng trước:
- Em chào chồng!
Cậu Hoan kiểu như bị vỡ oà, cậu lao ra ôm chầm lấy mợ, mếu máo trách móc:
- Chào cái gì mà chào? Chào cái đầu nhà mày ý! Con nấm lùn mất nết! Hư hỗn! Khốn nạn! Cậu nhớ mày sắp chết bà nó luôn rồi đây này!
Một giọt nước mắt chảy dài trên gò má Hân, cô xúc động vòng tay qua ôm chồng. Cậu mợ đang sướt mướt tình củm là thế mà thằng Lập dám đi qua cà khịa:
- Ơ kìa! Sao lại là “nhớ” hả cậu? Chỉ là “nghĩ tới” thôi chứ ạ! Nhớ với chả nhung, mất hết cả cái sĩ diện của thằng nền ông!
Cậu Hoan tức điếng người, cậu lừ mắt quát Lập:
- Gớm thôi! Thời đại nào rồi mà còn sĩ với chả diện? Vợ cậu, cậu cứ thích nhớ đấy, mắc mớ gì tới mày? CÚT!