Bản Tình Ca Xót Xa
|
|
Lâm chỉ xuống trang giấy trước mặt Ngôn. Trang giấy phủ kín những đường nét bút bi vẽ theo phong cách graffiti. Những đường nét đậm đặc. Từng mảng sáng tối tương phản. Không gian ba chiều của các hình khối càng khiến cho sự tương phản kích cỡ thêm ấn tượng. Rất nhiều con chữ chồng chéo lên nhau với đủ các dạng tròn, vuông, sắc cạnh, méo mó... Nhưng tất cả đều chỉ có hai ký tự: A và H.
“À, kể ra thì... ông cũng đúng đấy. Súp-pơ-trừu!” Ngôn cười. Thực ra anh cũng không tin vào mắt mình khi nhìn xuống bức hình hỗn hợp các đường nét.
“‘Trừu’ quá đến mức cái thằng vẽ ra cũng chẳng hiểu gì phải không? Chắc là viết tắt của ‘ăn hành’ hả? Ờ, trông cũng tội mà thôi cũng kệ! He he he!” Lâm vui vẻ nói.
“Kệ tôi!”
Ngôn nhìn ngắm lại các khối chữ H và A. Trân trân một lúc lâu. Ngôn thở dài, đưa tay xé bỏ trang giấy. Sau một giây cân nhắc, anh vo nó thành một cục tròn rồi nhét vào cặp.
* * *
Tháng bảy.
“Đêm hè gió thổi hiu hiu
Bỗng nhiên nhớ nhớ người yêu nơi nào
Trời đêm chẳng một vì sao
Lòng em chẳng một khoảng nào cho tôi!...”
Có tiếng ếch kêu từ điện thoại Ngôn. Anh bật dậy như lò xo, với tay bắt chộp lấy chiếc điện thoại.
Đó là tin nhắn từ lớp trưởng, thông báo lịch đăng ký tín chỉ.
Ngôn thầm nghĩ: “Thôi nào. Tỉnh táo đi chứ. Đừng có điên nữa mà.”
Lần nào cũng vậy, mỗi khi tiếng ếch ấy reo lên, mọi thứ âm thanh xung quanh Ngôn gần như ngưng đọng và chẳng thể nào lọt vào tai anh.
Ngôn quyết định đổi nhạc chuông tin nhắn. Anh mở danh sách nhạc trên Window media và nhấp chuột chuyển từng bài.
Bình tĩnh lại nào! Mình đã chịu đựng được hai tháng rồi... Cố lên! Sẽ chẳng đời nào có tin nhắn từ em ấy đâu... Đừng hoang tưởng nữa, Ngôn ơi... Nào, nhớ lại những bài nghiên cứu về tự kỷ ám thị đi. Mình sẽ nói: “không yêu Huế Anh”, “không yêu Huế Anh”... Và chắc chắn phương pháp này sẽ thành công. Thực hành mỗi tối, chắc chắn sẽ có tác dụng. Và... để cho hiệu quả hơn...
Ngôn lấy trong cặp ra một tờ giấy A4, dùng chiếc bút dạ mực đen viết bốn chữ thật to “KHÔNG YÊU HUẾ ANH” và dán lên tường.
Đêm hè nóng bức. Ngôn cởi trần, nằm trên giường, ngửa mặt lên trần nhà, kê đầu lên hai bàn tay, bắt chân chữ ngũ.
Ngày mai, mình sẽ đọc nốt chương cuối cuốn “Đắc nhân tâm”. Xong sẽ xem phim Titanic để học tiếng Anh. Sẽ rất hay. Sẽ rất hiệu quả khi học từ vựng nhờ các câu phụ đề tiếng Anh. Mình sẽ đọc to, nói lớn những từ nghe được. Mình sẽ rất chú ý đến các cụm từ, các thành ngữ. Cuộc đối thoại giữa các nhân vật... Jack và Rose... Hay nhỉ, sao người ta có thể nghĩ ra được cái kịch bản với các tình tiết thú vị giữa các nhân vật như vậy nhỉ? Jack và Rose. Rõ ràng là không thể đến với nhau cơ mà. Nhưng rồi... Rose đã nghe theo tiếng gọi tình yêu... Đã yêu Jack... Thật là hay... Thật tuyệt vời... Huế Anh có như vậy không nhỉ? Nếu một ngày kia, em ấy hẹn mình ở “con đường tình yêu” và nói: “Em yêu anh.” Chà, thật là hay! Mình sẽ ôm em ấy vào lòng. Mọi quá khứ sẽ cho qua. Chỉ có khoảnh khắc lúc ấy. Và tương lai mà thôi. Nhưng... cái gì thế này...? Mình làm sao thế này? A… a… a!...
Mọi suy nghĩ lại dẫn Ngôn về hình ảnh Huế Anh.
Không! Không!... Đừng để một chút nào, câu nói nào trong đầu mình nhắc đến tên em ấy! Hoặc nếu có, thì sẽ thế này: mình-không-yêu-Huế-Anh. Mình không yêu Huế Anh. Không yêu Huế Anh. Không yêu!... Không yêu!...
Có phải mình thật tội nghiệp, đáng thương hại không nhỉ? Người ta không yêu mình thì thôi, làm sao cứ phải đâm đầu vào một tình yêu đơn phương thế này? Tại sao nhỉ?...
Tại sao mình lại là người đến sau?
Mình có nên tiếp tục chinh chiến? Hay là đợi chờ... Một ngày kia, hai người sẽ chia tay... Mình sẽ thay Khánh Tân để chăm sóc cho Huế Anh trọn đời... Nhưng khi đó, người ta nhìn mình sẽ như một cái bóng của Khánh Tân, chứ không phải là Sơn Ngôn, một Sơn Ngôn khác biệt. Kệ, mình sẽ yêu em ấy và chăm sóc em ấy theo một cách khác biệt, chứ không phải là cái bóng của Khánh Tân. Mình không chỉ là một người thay thế vị trí. Mình sẽ là một người yêu mến Huế Anh một cách chân thành và đích thực.
Nhưng liệu rằng... ngay cả khi em ấy chia tay Khánh Tân, chắc gì em ấy đã yêu mình? Chắc gì lòng em ấy đã có tên mình... Có khi nào... Chưa chắc... Có thể có. Có thể không. Không thể nói trước được điều gì...
Nhưng về phía mình thì sao? Một tình yêu chân chính có thể lay chuyển trái tim em ấy được không nhỉ? Mà... mình có thể là một người chung tình không nhỉ? Nhiều khi nhìn ngắm các cô gái khác, mình cũng hay xúc động... Mình là một chàng lãng tử... con người của nghệ thuật... Nhỡ đâu sau này... Nếu mình và em ấy đến với nhau trong tình yêu, liệu mình có giữ được tâm hồn khỏi những cám dỗ từ các vẻ đẹp bên ngoài không? Mình sẽ là một người chung thủy chứ? Nếu không như thế, mình chẳng đáng được em ấy yêu. Thật chẳng xứng đáng chút nào. Không, mình phải là một người chung tình. Chỉ một tình yêu duy nhất. Một tâm hồn thiện hảo như em ấy xứng đáng có một tình yêu chung thủy... Một tình yêu chung thủy...
Có thể là với mình được không nhỉ? Có thể không? Định mệnh có thể đưa em ấy đến với mình không? Có thể không?... A a a... Nhức đầu quá... Đỉnh đầu mình ê ẩm, nặng nề... Mấy giờ rồi nhỉ?... Hai giờ sáng. Nằm đã được ba tiếng đồng hồ rồi... Đáng lẽ giờ này mình phải ngủ được rồi chứ? Sao mình không thể ngủ được nhỉ?... Mình phải ngủ để mai có sức... Phải ngủ đi... Ngủ đi... Đừng suy nghĩ nữa... Những suy nghĩ khiến mình không thể ngủ... Không được để một suy nghĩ nào xuất hiện trong đầu nữa... Mình phải để đầu óc được thư giãn... Phải giãn ra... Trống rỗng...
Ngôn nhắm mắt. Màn đêm bao phủ anh. Bộ óc anh buông thả, cố gắng không nặn ra một lời nào nữa. Anh thấy lực nghĩ của não mình đã hạ xuống mức tối thiểu. Trống rỗng. Trong một vài khoảnh khắc hiếm hoi, những tiếng nói vang vọng nào đó lại muốn trỗi lên. Nhưng Ngôn nhìn thấy, đè chúng xuống. Mọi hoạt động của bộ não đều được giãn ra.
Đỉnh đầu Ngôn vẫn nhức như có lớp cơ nào đó trên vỏ sọ bị bấu véo, hành hạ, bị đè bóp với áp lực nhỏ nhưng liên tục từng hồi.
Ngôn nhổm dậy, ngồi trên bàn tọa và hai bàn chân. Hai cánh tay anh ôm lấy hai đầu gối. Anh nhìn trân trân vào màn đêm mờ mịt. Bóng tối sâu thẳm vô tận. Anh nghe rõ tiếng tóc tách của vòi nước dưới nhà. Tư thế ngồi giúp anh bớt nhức đầu hơn. Nhưng trôi qua mười lăm phút đằng đẵng, đôi mắt của Ngôn vẫn không díp xuống, không trĩu nặng được.
Đỉnh đầu đã khá hơn. Ngôn nằm xuống như cũ, thở dài. Phải mất thêm nửa tiếng sau, giấc ngủ mới đến với anh.
|
Tháng tám, Ngôn ốm một trận dữ dội, ròng rã gần ba mươi ngày. Đôi mắt anh thâm quầng, hai má hóp lại. Những ngày học đầu tiên của năm thứ tư đã vắng mặt anh. Ngôn nằm dài ở nhà, tiều tụy. Mỗi ngày, cứ khi trời hửng sáng thì anh thức giấc với cái mũi khốn khổ - anh bị viêm mũi dị ứng nặng. Càng ngày, xoang mũi anh càng trầm trọng hơn.
Tháng chín, hai cánh tay gầy guộc cố gắng lái xe đến trường.
Mùa thu thương nhớ. Mùa thu cô đơn. Mùa thu có gió, có nắng nhè nhẹ. Mùa thu khẽ khàng thổi đến cho tâm hồn cô quạnh thêm nao nao. Lay lắt hàng cây, phất phơ tầng mây...
“Nắng sớm mai hát theo làn gió
Vui niềm vui anh có trong đời
Đâu đây đôi mắt em cười
Bâng khuâng xao xuyến... tháng mười yêu thương...”
Ngôn hình dung khuôn mặt rạng ngời của Huế Anh và mỉm cười. Ba tháng chiến đấu chống lại chính mình với quyết tâm gạt bỏ mối tình đơn phương của Ngôn đã kết thúc mà thất bại thuộc về phe chủ chiến. Anh chấp nhận sống trong nỗi tơ tưởng, tương tư mỗi ngày. Anh không thể dập tắt được những suy nghĩ về hình bóng Huế Anh trong lòng anh.
Sắp tròn một năm...
Ngôn dạo bước trên con đường vắng lặng trước sân khoa Sinh. Anh vừa đến lớp và nhận được thông báo nghỉ học. Anh quyết định tận dụng buổi trống tiết để nhìn ngắm trời đất và thư giãn cho đầu óc thảnh thơi. Anh lắng nghe hơi thở mình. Anh khẽ búng một chiếc lá trên cành nhãn. Lắc lắc cổ, xoay xoay vai, anh nhận thấy mình đã tươi tỉnh hơn và khỏe khoắn hơn.
“Vì sao em hỡi
Làm sao biết được
Tình yêu trái ngang con tim hoang mang lầm lỡ trao
Niềm riêng không nói
Nhìn em với người
Vì tôi đến sau nên ôm thương đau
Giờ trách ai?...”
Ngôn thọc tay vào túi quần, miệng khẽ hát ca khúc “Yêu vì ai, yêu vì em” của Dương 565. Miệng mỉm cười, lòng cảm thấy thú vị: “Hầy... Nếu không phải vì cái lỗ mũi thò lò này... biết đâu mình đã làm ca sĩ rồi... Hờ hờ...”
“Đi đâu đấy Ngôn?”
Có tiếng gọi của Nong, cậu bạn cùng khóa của Ngôn. Nong ở trong ký túc xá, tay đang cầm một tấm thẻ ATM. Quay sang bên, mỉm cười chào, Ngôn bộc bạch luôn:
“À, đi ra rồi lại đi vào cậu ạ... Hôm nay lớp tớ bị bỏ bom hàng loạt. ‘Các cụ’ chẳng thông báo gì nên mình đến trường mất công toi.”
“Chắc là thầy báo sát giờ quá à? Hay là các tổ trường nhắn tin báo sót?”
“Ừm, có thể do đường truyền điện thoại.”
“Làm Ngôn phí mất mấy tiếng đi xe bus ấy nhỉ?”
“Ha ha ha. Tớ đi xe máy cậu ạ. Cũng mỏi mông mất ba mươi phút.”
“À, vậy à?...”
“Còn cậu đang đi đâu đấy?”
“À, ở nhà tớ vừa gửi tiền lên. Tớ ra ATM rút tiền đây. Cứ mỗi lần như thế này lại nhớ mẹ kinh khủng Ngôn ạ. Ngôn có đi chơi đâu thì tí qua phòng tớ chơi nhé.”
“Hi hi. Ừ. Cảm ơn Nong. Tớ lượn lờ một vòng rồi về đây. Mẹ tớ cũng đang mong tớ lắm. Hờ hờ.”
“Ừ. Chào cậu nhé.”
Nụ cười hồn nhiên và giọng nói chất phác của cậu bạn người miền núi làm Ngôn vui hơn. Ngày trước, cách đây một thời gian, dường như đã lâu lắm rồi, Ngôn cũng đã từng hồn nhiên và vui tươi như vậy. Ngôn còn nhớ rõ có một lần, trong một tiết Toán hồi lớp 11, sau khi trả bài kiểm tra một tiết, thầy giáo Quý nói:
“Bài đợt này của lớp, điểm dưới trung bình rất nhiều. Do vậy, tôi cảnh báo với các em: nếu cứ với tình hình này thì điểm tổng kết cuối kỳ của các em sẽ rất thấp. Tôi đề nghị các em phải chỉnh đốn cách học hành ngay!”
Thấy lớp có vẻ xuống tinh thần, thầy trở lại với nét hiền hậu như ngày thường:
“Tôi mong các em sẽ làm tốt. Không nên vì buồn bực quá mà thành ra sợ học, lười học. Thua keo này, ta bày keo khác...”
Có tiếng nói leo từ bàn thứ ba, khuất sau lưng Tấn Béo:
“Kể cả keo này là... keo con voi!”
Cả thầy và các bạn ồ cười, quay lại nhìn xem ai vừa phát biểu. Hóa ra là Ngôn. Anh thích pha trò cho mọi người cười. Khi nghe những câu bông đùa của Ngôn, ai cũng vui và nhẹ nhõm hơn đang khi không khí nặng nề cứ bao trùm lên mọi tâm hồn.
Nhưng nụ cười của chính Ngôn dường đã xuất hiện ít hơn từ tháng mười hai năm trước.
Sau khi vòng qua khu thư viện, Ngôn tìm một chỗ ngồi ở bệ đá ong trên vỉa hè của “con đường tình yêu”. Được trồng dọc suốt con đường ấy, hàng cây lộc vừng xanh mướt dường như không bao giờ biết đến già cỗi là gì, mỗi ngày vẫn phủ bóng trên vai các đôi tình nhân.
Ngôn rút chiếc điện thoại ra, truy cập vào mạng. Anh vào email, soạn một bức thư gửi đến người thương mến của mình:
“Huế Anh yêu quý,
Dạo này em có khỏe không? Em vẫn học tốt chứ?
Đã lâu lắm rồi không được gặp lại em, anh nhớ em lắm. Nhiều tháng qua, trong anh đã có nhiều suy nghĩ về em, về tình cảm anh dành cho em. Có lẽ khi đọc thư này, chắc em ngạc nhiên lắm phải không? Và em sẽ lại buồn lắm phải không? Em sẽ lại lo lắng cho nỗi vô vọng của anh, lo cho những xáo trộn xảy đến trong đời anh? Huế Anh đừng lo. Anh biết em luôn có thiện cảm với anh, không muốn anh phải đau buồn. Anh biết. Giờ đây anh đã nghĩ thoáng hơn nhiều rồi. Anh vẫn yêu em. Nhưng anh sẽ không bi lụy vì tình yêu ấy đâu. Thú thật là thời gian vừa qua, anh đã đau khổ nhiều. Vì anh biết trái tim em sẽ không bao giờ dành một chỗ nào cho anh. Anh đã phân vân và anh đã yếu đuối. Anh đã buồn sầu nhiều, và đã suy nghĩ rất nhiều. Có những đêm anh mất ngủ đến tận hai, ba giờ sáng. Anh cũng đã từng quyết tâm sẽ quên em. Nhưng chưa bao giờ quyết tâm ấy của anh trở thành hiện thực. Tình cảm của anh dành cho em mạnh hơn bất cứ quyết tâm rẽ hướng nào dậy lên trong lòng anh.
Sau rất nhiều suy nghĩ, cuối cùng anh đã quyết định: không bi lụy, đau khổ nữa. Anh sẽ phải sống sao cho em không buồn vì anh, không thất vọng về anh. Người ta từng nói: yêu là chết cho người mình yêu, là sống cho người mình yêu. Khi không được ở bên em, anh không thể làm gì cho em được, chỉ trừ một việc là sẽ sống yêu đời, lạc quan. Vì anh nghĩ rằng nếu em biết anh sống vui vẻ, hạnh phúc và thành đạt, chắc chắn em cũng vui lắm phải không? Dù không được có được tình yêu của em, nhưng anh sẽ tự nhắc mình sẽ sống lạc quan như vậy. Anh sẽ không để em phải buồn vì anh.
Anh luôn muốn được gặp lại em, được trò chuyện bên em, và yêu em. Nhưng giờ đây, em đang hạnh phúc trong một tình yêu, và chắc hẳn mọi ước vọng của anh sẽ không có câu trả lời như ý, nên anh sẽ không tìm đến và làm phiền em đâu. Anh chỉ viết bức thư này gửi đến em, để bày tỏ tình cảm chân thành của anh, để mọi dồn nén bấy lâu nay của anh được giải phóng. Dù sao chăng nữa, mong em hãy biết rằng: bất cứ khi nào em cần, anh sẽ đến với em.
Anh luôn muốn em hạnh phúc.
Và sẽ cố gắng sống tốt để em hạnh phúc.
Thương mến,
Anh Ngôn.”
Rà soát lại ba bốn lần nữa, Ngôn mới nhấn nút gửi bức thư đi rồi cất điện thoại vào túi, thở dài.
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 11 Ads Một tuần đã trôi qua. Không có hồi âm nào từ Huế Anh. Qua những lần trò chuyện trước đây, Ngôn biết cô có thói quen thường xuyên kiểm tra email để nhận bài học tiếng Pháp từ trang Croire.
Hay là dạo này em ấy bận học quá nên không có thời gian lên mạng? Hay là đường truyền bên máy em ấy có vấn đề? Hoặc có thể... Không. Chắc không phải thế. Em ấy rất độ lượng, bao dung, không bao giờ phớt lờ thư của mình như vậy đâu…
Sau khi tắt máy tính, Ngôn mặc quần áo chỉnh tề, đeo cặp đi xuống nhà dưới. Dắt xe ra khỏi cửa, Ngôn nghe thấy tiếng mẹ hỏi:
“Đi sớm vậy con? Mới mười hai rưỡi mà.”
“Một giờ con vào lớp rồi ạ.” Ngôn ngoái lại.
“Ăn chưa kịp xuống cơm đã đi rồi. Mà làm gì cứ suốt ngày cắm cúi vào cái máy tính thế?”
“Thôi mẹ, lúc nãy ăn xong con chỉ lên gác có mười phút thôi mà. Con phải đi ngay đây.”
Tiếng nổ của bô xe máy khiến Ngôn không nghe rõ câu cuối cùng của mẹ anh. Ngôn phóng xe ra đầu ngõ rồi mới đội mũ bảo hiểm, xong phi thẳng đến trường.
...
Buổi chiều hôm nay, lớp Ngôn vui mừng hoan hỉ khi hết hai tiết Sinh lý thực vật, lớp trưởng thông báo ba tiết còn lại của môn Tiến hóa được nghỉ. Ngôn gật gù thu dọn cuốn tập ghi chép chứa đầy những hình vẽ vào cặp rồi thất thểu nối bước các bạn đi ra ngoài hành lang.
Ngôn chưa muốn về ngay. Sau khi lượn xe vòng qua con đường Đại học Quốc gia, anh rẽ hướng ra Phạm Văn Đồng, rồi phóng một mạch đến công viên Hòa Bình.
Gửi xe xong, Ngôn lang thang qua các con đường thơ mộng ven hồ. Một buổi chiều thu nắng nhẹ. Khoảng không gian mênh mông, sắc màu xanh non của thảm cỏ như giúp các cơ trên người Ngôn giãn ra. Anh bước từng bước ngắn, nhịp nhàng, thảnh thơi, hai cánh tay thì tung ra hai sải rộng. Không một điều gì gò bó anh lúc này, nhưng đôi mắt và vành miệng Ngôn vẫn cứ thẫn thờ. Rồi anh cười khẩy khi nhớ lại câu hát của Justa Tee trong bài “Forever alone”:
“Dừng chân đôi lúc trên con đường dài không có ai để nhớ thương
Thì ra hạnh phúc bấy lâu nay tôi tìm là được tung hoành khắp bốn phương
Đông, Tây và Nam, Bắc - Tôi đi
Chẳng cần một ai hết - Tôi đi
Cô đơn nhưng tôi chắc
Rằng mình luôn yêu mến cuộc sống muôn màu...”
Ngôn tựa khuỷa tay lên thành cầu bắc qua hồ nước và thầm nghĩ: “Làm sao có thể hạnh phúc được khi tâm hồn vẫn cứ thương nhớ về em cơ chứ?”
Ánh mắt Ngôn lững lờ dõi theo đôi cánh chim đang chao lượn trên bầu trời. Vừa nhìn xa xa, Ngôn vừa đưa những đầu ngón tay lên, với lấy và tưởng tượng mình đang cầm nắm, vuốt ve cảnh vật.
Bỗng nhiên, anh thấy có đôi trai gái đang ngồi bên nhau gần một triền cỏ ven hồ, cách Ngôn một quãng không quá xa để anh có thể nhìn rõ họ. Mắt Ngôn mở to ra. Người nam thanh niên cao to, có khuôn mặt vuông vức rắn rỏi, áo phông đen, quần kaki nâu đậm; cô gái đeo kính cận, nét hây hây với làn da trắng muốt, mặc chiếc áo tím sọc lam, váy trắng. Đó là Khánh Tân và Giang Thảo.
Mình có nhìn nhầm không đây? Họ quen nhau à? Thế này nghĩa là sao nhỉ? Nếu đây không phải Giang Thảo, mà là Huế Anh, thì... chẳng có gì gọi là bình thường hơn. Nhưng rõ ràng... chính là Giang Thảo cao cao mình vẫn hay gặp trên lớp mà.
Ngôn ngạc nhiên và lặng lẽ quan sát họ. Hai người chỉ ngồi bên nhau, chứ không tỏ vẻ âu yếm thân mật gì. Anh chàng kia đang vui vẻ kể một câu chuyện gì đó khiến Giang Thảo phải lấy tay che miệng vì cười. Dáng điệu dịu dàng, e lệ, thỉnh thoảng Thảo liếc sang nhìn Tân trong thoáng chốc, rồi lại đưa ánh mắt hướng ra khoảng không trước mặt.
Thôi nào... Đừng nghĩ linh tinh chứ. Ngôn tự nhủ. Có thể họ chỉ là bạn, bạn cũ, bạn xa cách đã lâu chăng? Hoặc bà con gì đó đi chơi cùng nhau... Chứ chắc gì đã là... Mình đừng nhiều chuyện nữa. Hiểu lầm cho ai đó một cách vô cớ là không công bằng với họ. Về thôi.
Cảm giác không thoải mái khi nhìn thấy gương mặt Khánh Tân thôi thúc Ngôn nhấc chân đi ngay. Nhưng vừa đúng lúc ánh mắt anh định dứt ra thì hình ảnh cánh tay phải của Tân giang ra, vòng qua người Thảo khiến Ngôn không thể không tiếp tục nhìn. Liền đó, Khánh Tân hôn lên má Giang Thảo một nụ thật nhanh rồi mỉm cười. Được ôm vào lòng, Giang Thảo cũng tỏ vẻ hạnh phúc trìu mến, nắm chặt bàn tay Khánh Tân.
Là... là như vậy thật sao? Vậy ra Khánh Tân và Giang Thảo... Thế còn Huế Anh thì sao...?
Ngôn ngỡ ngàng.
Có quá nhiều mớ rối đang cuộn quanh trí óc của Ngôn khiến anh không thể suy luận được tỏ tường.
Một là họ đã chia tay... Hai là Huế Anh đang bị coi thường... Nếu như họ đã chia tay... thì sao nhỉ?... Mình có cơ hội đến với Huế Anh? Chà, thật không nhỉ? Mình đang vui sao? Huế Anh hẳn rất đau khổ, tâm trạng đổ vỡ... Vậy mà mình lại vui sao?... Không, đừng tàn nhẫn với em ấy như thế... Mình sẽ thay thế Khánh Tân ư?... Nhưng nếu Huế Anh vẫn yêu Khánh Tân, mà không biết những gì mình đang thấy đây... thì...
Ngôn tưởng tượng mình bước đến trước mặt Khánh Tân và Giang Thảo để hỏi cho ra lẽ, hỏi “giúp” Huế Anh. Nhưng biết rằng làm như vậy thật là kỳ cục, vả chăng cũng chỉ là người ngoài, chẳng có vai vế gì trong chuyện này cả, nên anh xua ngay cái ý tưởng ấy. Anh toan rút điện thoại ra, định chụp một bức ảnh làm bằng chứng để mang về đưa Huế Anh.
... Xem nào... Có nên làm điều này không nhỉ?... Sao mình cứ thấy... nó làm sao ấy? Có cái gì đó giống kiểu... lén lút, vụng trộm... Mình có phải một thằng hay hóng hớt, đi lo việc thiên hạ đâu nhỉ? Huế Anh sẽ nghĩ gì khi thấy hình ảnh này?... Mình sẽ lại càng làm cho em ấy đau khổ hơn. Mình sẽ nhỏ mọn hơn, vô duyên hơn trong con mắt em ấy... Có lẽ điều mình nên làm không phải là quan tâm đến hai người này nữa, mà là cảm xúc của Huế Anh...
Sau một hồi lặng yên, Ngôn quyết định quay về. Anh cảm thấy vô số xáo trộn trong lòng, nửa mừng, nửa lo một cách kỳ cục. Anh trở lại con đường giữa Đại học Quốc gia, đợi chờ. Anh nghĩ có thể Huế Anh sẽ tan giờ học thêm ở đó. Nhưng đến khi trời đã xẩm tối, chẳng thấy bóng dáng Huế Anh đâu, Ngôn phóng xe về nhà.
* * *
|
Bà cụ bấm nút âm lượng tivi to hơn, tiếng nhạc cải lương vang khắp gian phòng khách. Chẳng mấy khi tìm được kênh nhạc cổ, bà vui lắm. Đôi mắt mờ của bà hướng về phía màn hình, không chớp, vòm miệng móm mém, chỉ còn hai chiếc răng, thỉnh thoảng cất tiếng bình luận sau từng câu hát của diễn viên:
“Ời! Đúng rồi!...”
Đến đoạn kết, vừa khi hai nhân vật chính đoàn tụ như ý bà thì ánh sáng vụt tắt. Cả xóm mất điện.
“Ôi... rồi!...” Bà cụ thốt lên vì mất hứng. “Huế Anh ơi, đi tìm cây nến thắp lên đi cháu!”
Không nghe thấy tiếng đáp, bà cụ gọi lần nữa:
“Huế Anh ơi!”
“Vâng ạ.” Có tiếng trả lời từ gian buồng bên. “Cháu qua ngay đây bà ạ.”
Cả bố mẹ và anh cả đều vắng nhà. Chỉ còn bà nội, Huế Anh và em bé út.
Sau khi thắp sáng phòng khách, Huế Anh lại trở về bên chiếc giường của cu Lân. Một tay quạt đều cho em bé, một tay sửa lại chiếc gối cho ngay ngắn. Bỗng nhiên một hình ảnh thoáng qua trong ký ức làm Huế Anh xúc động. Cô bưng mặt, ngăn không cho những tiếng nấc thổn thức làm động giấc ngủ thơ ngây của Lân. Trên má Huế Anh, những giọt nước mắt cứ thi nhau lăn tròn. Đêm tối che phủ, bao trùm đôi mắt đen tuyền, long lanh của cô. Huế Anh không để ý đến tiếng í ới gọi nhau của những nhà hàng xóm xung quanh, tiếng chén bát rơi vỡ trong một căn bếp nào đó đằng xa.
Trong lòng cô vẫn còn vang vọng một giọng nói...
“Hãy hiểu cho anh!... Anh đã rất khó xử!... ”
“Đừng gắt lên như vậy nữa! Anh đã ức chế lắm rồi! Em có thôi ngay đi không?”
“Thôi được rồi... Anh sẽ nói hết! Nói hết tất cả!...”
Huế Anh thẫn thờ nhìn vách tường tối đen. Cánh tay vẫn quạt đều đều một cách vô thức. Những kỷ niệm ngày trước đã từng có với Khánh Tân lần lượt hiện lên trong tâm trí cô. Lần đầu tiên gặp nhau trong một hội làng, hai ánh mắt giao nhau bỡ ngỡ, hai nụ cười hé nở yêu thương. Một lần nắm tay. Một câu bày tỏ. Và những ngày tháng giá lạnh bên nhau trong hàng ốc nóng, những chiều đón đưa, những đêm thâu tỉ tê qua điện thoại... Tất cả giống như một khoảng trời xanh bị cuốn quay thành cơn lốc xoáy xám ngắt khổng lồ, hung dữ, khốc liệt, tụ lại một điểm mất hút của câu nói thắt lòng: “Anh chọn cô ấy!”
Chợt mặt bàn học của Huế Anh sáng lên. Chiếc điện thoại rung vì có cuộc gọi đến – Huế Anh không để chế độ nhạc chuông. Trong đêm tối dày đặc, Huế Anh nhìn rõ dòng chữ hiện lên trên màn hình điện thoại: “Anh Ngôn.”
Không muốn đầu bên kia nghe tiếng nấc nghẹn ngào của mình, Huế Anh bấm nút “im lặng”. Chiếc điện thoại chỉ sáng thêm nửa phút rồi tắt lịm. Bóng tối và thinh không trở lại như ban đầu.
Huế Anh chợt nhận ra cơn lốc hung dữ kia đã biến mất, thay vào đó là những tiếng nói thân thương, hồn nhiên như một sớm tinh sương ngày nào...
“Bonjour anh! Anh đến sớm vậy ạ?”
“Hì. Tự nhiên hôm nay trời đẹp nên anh nổi hứng đi sớm đấy.”
...
“Em học chăm chỉ ghê.”
“Chăm chỉ gì đâu anh. Em cũng bình thường thôi. Chắc đợt vừa rồi anh Ngôn cũng giỏi tiếng Pháp lên nhiều ấy chứ?”
“Ừ, anh có khá hơn. Anh có thể nói chuyện với người Pháp bằng tiếng ‘anh’.”
“Uầy. Tiếng của anh. Hi hi. Chắc chắn ông đó sẽ hiểu rằng anh đang nói tiếng Đức.”
“Ha ha. Và nếu em chứng kiến cuộc hội thoại ấy thì sẽ có cơ hội tách ông ấy và anh khỏi một trận ẩu đả đấy.”
...
“Wao! Cái gì đây ạ? Không phải tặng em đấy chứ?”
“Tất nhiên là tặng em rồi. Nhân dịp... ngày mai!”
“Ngày mai ạ?... Hai mươi tháng mười à anh? Ôi, cám ơn anh nhé. Được chúc mừng sớm thế này. Em có nên bóc ra xem ngay không nhỉ?”
“Tùy em. Hi hi.”
“Thôi em để về nhà mới bóc. Chắc chắn đây là một món quà rất tuyệt vời... Cám ơn anh nhiều nhé.”
...
“Je m’applle Hue Anh. Comment tu t’appelles?” (Tôi tên Huế Anh. Bạn tên gì?)
“Je m’applle Son Ngon.” (Tôi tên Sơn Ngôn.)
Huế Anh nhoẻn cười khi nhớ lại câu tạm biệt bắt chước mà quên đổi ngôi của Ngôn:
“Au revoir monsieur!” (Tạm biệt anh!)
...
Mười lăm phút sau, điện thoại Huế Anh lại sáng lên một lần nữa. Huế Anh nhìn trân trân lưỡng lự rồi quay sang bàn, lấy một cốc nước uống. Cầm điện thoại trong tay, sau chút đắn đo, cô bấm nút trả lời:
“Anh Ngôn ạ? Em nghe đây.”
“Huế Anh!” Giọng Ngôn mừng rỡ như Việt kiều hồi hương. “Em... em...”
Nghe tiếng Ngôn lắp bắp, Huế Anh ngạc nhiên:
“Sao vậy anh?”
“Em... Em vẫn khỏe chứ?”
“Vâng ạ. Em vẫn bình thường.” Huế Anh điềm tĩnh nói, nhưng Ngôn hiểu giọng cô có vẻ trầm buồn và khác lạ.
“Em cảm à?”
“Không anh ạ.”
“À... ừm... Anh... à... em... Lâu quá không gặp em nên anh gọi điện hỏi thăm chút.”
“Hì. Vâng ạ. Sao hôm nay em lại được vinh dự thế?... Chẳng mấy khi tôm gọi điện đến nhà rồng. Anh cứ hỏi đi. Hi hi.” Huế Anh cười nhẹ nhàng, đang khi đi ra sân sau nhà.
“Ấy da. Tự nhận là rồng cơ đấy. He he. Thế rồng dạo này học ra sao rồi?”
Chủ đề việc học của Huế Anh luôn hiện ra trong đầu Ngôn trước tiên.
“Rồng học siêu lắm. Lên tận mây xanh rồi nên muốn trở lại cá chép đây ạ. Hi hi. Thế còn anh tôm thì sao? Đã thành giáo sư chưa?”
“Giáo sư thì anh không thèm đâu. Hư danh thôi. Thực ra anh tôm cũng nhiều tiềm năng thiên phú lắm... cơ mà... thôi, đừng nói về chuyện học của anh nữa, kẻo lại noi gương xấu cho lớp đàn em.”
“Hi hi... Anh đang làm gì đấy?”
“À, anh đang ăn bánh. Mời Huế Anh cùng xơi nha.”
“Í uôi. Công ty bố anh và bố em cạnh tranh nhau trên thương trường đấy. Chẳng thèm đâu. Hi hi.”
“Còn em đang làm gì đấy?”
“Chẳng biết làm gì anh ạ. Xóm em vừa mất điện. Lại trở về thời tiền sử rồi.”
“Cơ hội đến rồi. Đợi anh chút, anh mang mấy rổ điện về quê em bán, thế nào cũng giàu to. Ha ha.”
... Gió lộng vườn cây, lá xào xạc. Vầng trăng tròn trên cao chiếu tỏa ánh sáng ra khắp nền trời đêm rằm. Bóng của Huế Anh in trên sân gạch cũng chuyển động qua lại cùng với bước chân cô.
...
|
“Đêm nay gió mùa về đấy. Em nhớ giữ ấm kẻo nhiễm lạnh nhé.”
“Em biết rồi ạ.”
“À... Mai em có rảnh không? Anh có vé giảm giá đặc biệt của quán cà phê gần trường.” Chẳng mấy khi Ngôn biết nói dối.
“Mai em học cả sáng ở Đại học Hà Nội, chiều qua Ngoại ngữ học tiếp đến bốn giờ ạ.”
“Ừm. Vậy bốn giờ mười lăm anh đợi em ở nhà K nhé.”
“Vâng ạ.”
“Em ngủ ngoan nhé. Bonne nuit.”
“Anh ngủ... không hư nhé. Hi hi. Tạm biệt anh.”
“Ừm. Em vào nhà đi kẻo lạnh.”
“Vâng ạ.”
Huế Anh trở vào trong nhà, tiếp tục chăm bé út. Còn Ngôn kết thúc cuộc thoại với nụ cười hân hoan. Anh cảm thấy tâm hồn bình an và ấm áp trong lòng. Vì mặc dù chưa nhắc tới chuyện của Khánh Tân nhưng anh cũng tin chắc mình sẽ có thể làm gì đó để giúp cho Huế Anh tìm lại được nụ cười hài hòa, vui tươi.
|