Đã Có Anh Trong Nỗi Nhớ Của Em Chưa ?
|
|
Vũ tự dưng kéo tôi sát hơn khiến cô Oanh đi gần quay sang lườm hai đứa. Tôi hốt hoảng đẩy ra.
Vào tới hội trường, chúng tôi chia làm hai, một bên dành cho nữ, một bên của nam sinh. Dòng chữ “giáo dục giới tính” to hoành tráng trên bục, tôi định kiếm chỗ nào góc cuối ngồi nhưng đã chật kín, đang lúc lúng túng thì bị gọi lên hàng đầu.
Hic hic.
Tiếng nhạc trên tai tôi đã tắt. Thầy tổng phụ trách bắt đầu vào đề. Lần lượt từng thầy cô giảng giải về vấn đề tâm lý tuổi mới lớn, rồi cái gỉ gi gì đó. Nghe xấu hổ chết đi, tôi chỉ biết cúi gằm mặt.
Có người chuyển tới tôi chiếc điện thoại của Vũ và tiếng nhạc lại cất lên. Đó là, một bài hát tiếng Anh nhẹ nhàng, khắc hẳn với dòng nhạc xập xình Vũ thường nghe. Dù nghe không hiểu gì nhưng tôi áng chừng phải có tới chục lần từ “I love You” có trong bài. Giai điệu bài hát hay quá, nhưng nó mang ẩn ý gì chứ. Tôi không muốn hiểu thì cũng đã hiểu rồi.
Sau đó điện thoại của Vũ rung, người gửi là T.Q.P.A.
“Thả tóc ra không lộ tai nghe.”
Tôi ngoái lại, Vũ đang ngồi bên cạnh Phong. Vũ nhìn tôi cười tươi lắm, còn Phong thì không để ý gì cả.
Vũ để chế độ khóa màn hình, tôi lại không rành lắm nên trừ khi bỏ tai nghe, còn không cụm từ “I love You” cứ lảng vảng quanh tai. Sau đó tôi đưa đến quyết định vừa nghe nhạc vừa nghe giảng, vì dù sao như thầy Tổng phụ trách nói, giáo dục giới tính là một môn khoa học cung cấp đầy đủ kiến thức về cơ thể học, tâm lý học, kỹ năng tự bảo vệ. Đây là bài học bổ ích, rất quan trọng cho lứa tuổi vị thành niên.
“Giờ tôi cần một nam sinh và một nữ sinh lên đây. Ai xung phong.”
Đương nhiên là không rồi, bọn học sinh chúng tôi cắm mặt xuống… đếm ngón chân.
“À, trong đây tôi thấy bạn Trịnh Quốc Phong Anh, xin mời bạn lên đây. Được rồi, vậy đã có một bạn nam rất đẹp trai, có bạn nữ nào muốn đứng cùng với cool guy không?”
Phong phải lên ư, thật tội nghiệp cậu ấy. Sau khi một nhân vật nam bị lên thì cả lũ con trai thở phào nhẹ nhõm, đến lượt bọn con gái tụi tôi ghẹt thở. Gì chứ mấy chuyện nhạy cảm thế này ở tuổi tôi đứa nào chẳng thẹn.
“Em!”
Âm thanh ấy giống như thánh chỉ giáng xuống. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đặt trong hoàn cảnh hết sức tình cờ. Tôi nói là trùng hợp vì đúng lúc thầy nhìn xuống, điện thoại của Vũ phát sáng. Tin nhắn từ tổng đài thông báo khuyến mại, mà tôi đang cầm nó trong tay.
Sự thật là tôi phải lên, đứng đối diện Phong, thầy đứng giữa. Hai đứa lẽ nào là công cụ cho bài giảng ngoại khóa, chỉ dám nghĩ đến đó mặt tôi đỏ lựng.
“Nói thầy nghe em thấy gì ở bạn nữ này.”
“…”
Gì vậy cà? Thầy… sao lại hỏi đúng câu tôi luôn canh cánh trong lòng.
Phong chậm trả lời quá. Hai đứa cứ đừng nhìn nhau vậy thôi. Vậy nhưng tôi vẫn rất vui và háo hức chờ đợi cậu ấy nói gì.
“Em chưa thấy gì nổi bật.”
Đó không phải câu trả lời tôi muốn nghe, cái tôi muốn biết là Phong còn nhớ về mình không?
Thầy quay sang hỏi tôi câu tương tự.
“Em thấy gì ở cậu ta?”
Thậm chí thầy còn hiểu luôn tôi muốn nhắn nhủ gì với Phong nữa.
“Bạn ấy… là một bạn nam.”
Chẳng lẽ lại là bạn nữ, hic hic, vốn từ của tôi chạy đi đâu hết rồi. Bên dưới cười như chợ vỡ.
“Cặp này không được rồi, bạn nữ chưa gì đã đỏ tía tai. Chắc lo bạn trai ghen. Thầy mời một bạn khác.”
Tôi đi xuống, để Lệ Quyên lên, vì bạn ấy xung phong.
Mặt tôi không còn đỏ lựng mà méo xẹo. Đã vậy điện thoại của Vũ còn đổ chuông, có tin nhắn tới từ T.Q.P.A.
“Rất tốt.”
Tôi nhìn lướt qua rồi nhét điện thoại sâu trong cặp, đợi lúc về đem trả. Đã buồn lại còn bị xát muối.
Vẫn với câu hỏi trên, vậy mà Phong nói về Lệ Quyên rất nhiều, đến nỗi mà tụi nữ sinh còn òa lên thích thú.
Lệ Quyên bị thầy vặn vẹo đủ thứ, nhưng bạn ấy đối đáp rất tự tin. Còn Phong tiếp nhận những vấn đề này hết sức bình thường bởi ở nước ngoài họ có hẳn môn học giáo dục giới tính cho học sinh từ cấp I. Tôi nghe tai nọ luồn sang tai kia, cơ mà nếu bị thầy chất vấn, hỏi han đủ kiểu như thế chắc chỉ biết đứng chôn chân chết ngượng, nên cũng gọi là có chút may mắn.
Từ các câu hỏi về ấn tượng ban đầu, thầy đưa chúng tôi đến các giai đoạn phát triển tình yêu tuổi học trò qua lời kể sinh động và hài hước, giới hạn những điều nên và không nên,…
“Thôi hạ nhiệt, bớt căng thẳng. Hai đứa song ca một bài rồi thầy thả cho về.”
|
Tiếng vỗ tay reo hò rầm rầm. Trong khi tôi hát rất dở, Lệ Quyên lại hát hay. Phong thì không nói làm gì, từ xưa cậu ấy đã được các cô dạy mẫu giáo cho đứng giữa mười bạn nữ để hát.
“Hát bài gì nhỉ?”
Lệ Quyên quay sang trao đổi với Phong.
“Nơi tình yêu bắt đầu/ Cơn mưa tình yêu/…”
Có rất nhiều lời đề nghị.
“Con chim vành khuyên thì sao?”
Phong không nói với Quyên, không nói qua mic mà hướng về tôi. Và chẳng có lý do nào để tôi đưa mắt nhìn về phía khác. Trong khoảng khắc ấy, khoảnh khắc của hai chúng tôi, của con bé Chun ngây ngô và thằng nhóc cùng bàn, chúng tôi đã hát bài “Con chim vành khuyên” bị thiếu lời, giờ đây, khoảnh khắc này, tôi đã chạm được vào quá khứ, vào những nỗi nhớ và vô vàn kỉ niệm tươi đẹp.
“Bài gì cơ?”
Quyên hỏi lại, Phong trao đổi với cô bạn để chọn bài rồi nhận cây đàn ghi-ta từ thầy Tổng phụ trách. Cậu ấy ngồi lên một cái ghế, bắt đầu bản nhạc dạo.
Tiếng Anh vốn chẳng ăn ai, không hiểu sao tôi nghe và cảm nhận được hết những gì trong bài hát ấy.
“Remember when, we never needed each other
The best of friends like
Sister and Brother
We understood, we'd never be,
Alone
…
What can I do, to make you mine
Falling so hard so fast this time
What did I say, what did you do?
How did I fall in love with you?
…
How did I fall in love with you?
…”
Làm sao tôi lại phải lòng em cơ chứ?
Làm sao tôi lại phải lòng em cơ chứ?
Tôi ngẩn ngơ theo giai điệu bài hát. Dường như căn phòng này chẳng còn ai khác ngoài tôi và cậu ấy nữa, dường như tiếng đàn ấy chỉ dành cho tôi, dường như chúng tôi còn nhớ, chúng tôi từng là những người bạn, thân thiết như anh em một nhà, chúng tôi biết: mình không bao giờ cô đơn…
Hoặc là chỉ mình tôi cảm nhận thấy vậy. Vì Lệ Quyên mới là người hát chính.
“Về thôi, còn đơ ra làm gì nữa.”
Tôi ngẩng lên nhìn Vũ, cậu ấy lấy về chiếc điện thoại. Tôi mới nhớ ra, nãy giờ, còn một bài hát khác vẫn cứ chạy đi chạy lại trong chiếc tai nghe mà tôi đã nhét tận sâu trong cặp.
|
XVIII.
Ngày nào cũng vậy, tôi dắt xe ra khỏi nhà lúc 6h25 và hì hục đạp cho tới gần kịch giờ trống vào. Trong lúc xếp hàng gửi xe, vừa hay gặp Phong, cậu ấy cũng đạp xe tới trường, thế mà từ lúc vào năm học tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp.
“Cứ nghĩ Ch… cậu thường đi học sớm.”
Phong chủ động bắt chuyện với tôi, cậu ấy vẫn còn nhớ con bé Chun ngày trước sáng nào cũng gào ầm trước cửa nhà hàng xóm để thúc thằng bạn mau chóng đến trường chăng?
“À thì… hôm qua thức khuya quá!”
Đó là câu trả lời mà cậu nhóc ấy thường nói, và tôi đã thuộc nằm lòng, để bất chợt bây giờ Phong hỏi, tôi đem ra trả lời.
Điều đó khiến cậu ấy cười, một nụ cười rạng rỡ dưới ánh nắng sớm.
Tôi để xe cạnh bên xe cậu ấy, rồi cùng đi vào lớp, vẫn luôn là Phong bước trước, tôi chậm chạp theo sau mà sao cảm thấy lòng ấm áp lạ kỳ.
Chỉ tiếc tôi không còn được ngồi bên cạnh cậu ấy trong giờ học nữa.
Vì bên cạnh tôi giờ là Vũ.
Vũ đang ngồi chơi bài, cậu ấy ngồi hẳn lên bàn, chân để nguyên đôi giày lên ghế bàn trên. Đáng lẽ lúc này là thời gian kiểm tra bài tập, nhưng cả lớp trưởng, tổ trưởng và lớp phó cũng tham gia cùng, xung quanh còn có sự cổ động của các bạn khác.
Ngoài lối chơi tiến lên tôi biết chơi ba cây, còn lại không biết nên chẳng rõ họ đang chơi gì. Tôi về chỗ nhìn tấm lưng hoành tráng của Vũ lù lù trước mặt, thi thoảng cậu ấy cười nghiêng ngả, suýt làm rơi cặp của chính mình.
Quên chưa nói, lớp phó lớp tôi chính là Lệ Quyên, ván bài vừa rồi người thắng là Quyên, bạn ấy hét lên vui sướng khiến tôi giật bắn mình. Sao tôi cứ thấy bạn ấy cá tính, hợp với Vũ hơn Phong.
Bài của Vũ khá đẹp theo như những bạn xung quanh bình luận nhưng cậu ấy để thua. Chắc thích được Lệ Quyên tét tay đây mà. Vũ đưa tay trước mặt Quyên để bạn ấy soi xem nên đánh chỗ nào, ngắm nghía một lúc, Quyên mới giơ cao hai ngón tay và đánh rất khẽ.
Đã thế Lệ Quyên còn hỏi: “Có đau không?”
Vũ trả lời rằng: “Có.”
Nhìn bọn họ đẹp đôi thật, hơn cả Phong. Tôi nghĩ Phong nên với một bạn nữ hiền hiền, ví dụ như là… tôi chẳng hạn.
Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy nhà chỉ có tôi và ông, mẹ chở bà đi khám bệnh, còn bố đi làm, chú Dương gửi Phong sang để đi đám. Ông tưới nước cho mấy chậu hoa xong thì mắt lim dim, ngủ luôn trên đi-văng. Phong chờ ông gáy o o, lôi cái kính lúp trong túi quần ra, giơ trước chậu hoa mười giờ. Cậu ấy cứ đứng giữa hiên nhà hứng nắng và bảo rằng sẽ cho tôi xem hiện tượng lạ.
Cánh hoa mười giờ bị héo rồi bốc khói.
“Giời ạ! Hai đứa làm cái gì thế hả giời! Mày có biết ông phải lên tận Tuyên Quang mang chậu hoa này về không?”
“Hoa này ở đâu chả có ông? Cháu đang nghiên cứu khoa học.”
Phong vẫn còn định soi kính vào chậu xương rồng.
“Lôi tờ giấy ra mà soi chứ chúng mày có biết hoa này là quà kỉ niệm của ông không?”
Tôi và Phong ngồi nghe ông kể về mối tình đầu của mình, ông dặn không được kể với bà vì đó là những kỉ niệm vô cùng tươi đẹp trước khi gặp bà. Rằng ông và mối tình đầu là bạn từ thuở lọt lòng, ngày ông đi nhập ngũ hai người hứa hẹn nhiều lắm, một vài năm sau ông về thăm nhà thì bà ấy đã lấy chồng tận Tuyên Quang, con hai tuổi rồi. Nhìn hai đứa tụi tôi chơi với nhau khiến ông nhớ đến người cũ, và dặn Phong:
“Sau này đừng nghe những gì con Chun thề thốt.”
Giờ thì tôi mới hiểu sao ông nói vậy, còn khi ấy tôi chỉ biết nghe Phong trả lời rằng:
“Cháu sẽ lấy nó trước khi đi xa.”
“Thằng này khôn đáo để!”
Rốt cục mười năm sau tôi lăn ra cười, chứ lúc đó mặt tôi ngơ ngác lắm.
Vũ đã về chỗ từ lúc nào, hội bài bạc cũng đã giải tán, cậu ấy nhìn vẻ mặt tươi rói của tôi, cau mày.
“Vũ có người bạn thơ ấu nào không?”
Tôi nghĩ chắc Vũ còn có nhiều hơn Phong, và cũng nghịch chẳng kém gì.
“Hả...?”
“Bạn hàng xóm chẳng hạn?”
“…”
Không thấy Vũ trả lời nên tôi cũng chẳng hỏi thêm.
Rất lâu sau cậu ấy nói:
“Như mày với thằng Phong hả?”
Tôi không trả lời,
Vì tôi thấy mình trong đôi mắt Vũ.
Suốt ba tiết học, bình thường cậu ấy sẽ lấn ngăn sang bên, ngang nhiên cướp thước kẻ khi tôi đang dùng, hoặc là tự tiện đặt tai nghe lên tai tôi nhưng bây giờ mọi thứ trở lại tuần đầu tiên khi tôi ngồi bên Vũ, không có bất cứ giao tiếp nào, dù chỉ qua ánh mắt.
Đến giờ ra chơi tiết sau, Vũ ra ngoài. Và trở về cùng tiếng thét của các bạn nữ.
Vũ cầm trên tay con chuột nhựa dẻo, chìa ra trước mặt bất kì bạn nữ nào đi qua, khiến các bạn ấy hét ầm ĩ. Vũ còn ném thẳng con chuột vào vở ghi bài của Lệ Quyên, rồi hai người chuyển sang cãi cọ, chốc chốc Vũ lại đung đưa con chuột làm Quyên sợ hết vía.
Nói tới chuột, tôi lại nhớ đến anh Sơn (thực ra anh ấy tên Sơn Anh) tặng cho một cái hộp rất dễ thương, anh bảo tôi mở ra vì thứ bên trong còn dễ thương hơn nhiều. Nghe theo, tôi mở hộp quà và thích thú với con chuột chút chít bên trong nhưng vẻ mặt hồ hởi của tôi không làm anh hài lòng. Tôi đem hộp quà chạy sang khoe Phong với suy nghĩ rằng cậu ấy còn thích nó hơn tôi nữa.
“Ai cho mày hộp quà này, khai mau?”
“Anh họ tớ. Hôm nay nhà tớ đi vắng hết nên anh Sơn tới trông nhà và trông tớ luôn.”
“Ờ.”
|
Phong thích chơi với anh họ của tôi lắm, hai người thường hợp tác bắt nạt tôi nên mừng ra mặt. Phong giật lấy cái hộp và mở ngay, vì có lò xo nên con chuột nhựa bật ra bất thình lình. Cậu ấy sợ hãi ném con chuột của tôi rơi từ tầng hai xuống hè. Thấy thế anh Sơn chạy ra, anh nói:
“Phong, mày làm chết con chuột của con Chun rồi.”
Tôi nhìn xuống qua ban công, con chuột nằm bất tỉnh dưới nền xi măng, vì vậy tôi gào ầm lên, lao xuống tầng dưới nhặt chuột lên ấp vào lòng. Anh Sơn nói rằng rơi từ trên cao như thế con chuột chết mất, mặt anh buồn thiu, vậy nhưng còn cầm đuôi chuột ngoe nguẩy trước mặt Phong khiến cậu ấy chạy một mạch về nhà đóng sập cửa luôn. Còn lại hai anh em, dù đã được anh Sơn giải thích rằng đó là chuột bất tử nhưng mãi tôi mới nín, suốt cả ngày chỉ nắm chặt con chuột mà hỏi nó có còn sống không?
Thì ra Phong sợ chuột, cậu ấy không sợ gì khác ngoài chuột. Ha ha, từ lần ấy, mỗi khi Phong không cho chơi cùng, tôi lại giả vờ chạy về nhà lấy con chuột ra, vì sợ bị mấy thằng trong xóm nắm được điểm yếu nên Phong buộc phải cho tôi bám đuôi suốt cả ngày.
Không biết bây giờ cậu ấy còn sợ chuột nữa không, không biết rằng tôi còn có thể lấy điều kiện đó để được chơi với Phong. Tôi bật cười khúc khích.
“Mày cười cái gì?”
Vũ đã về chỗ, cậu ấy nhét con chuột vào cặp mình, để cách xa tôi.
“À, thấy vui thì cười thôi.”
“…”
Vũ nhìn tôi một lượt.
“Mày… không thấy khó chịu vì những trò đùa của tao với đứa khác ư?”
“Khó chịu? Có gì phải khó chịu?”
Tôi chả hiểu Vũ, cậu ấy trêu chọc ai thì liên quan gì đến tôi, cũng đâu ảnh hưởng đến tôi chứ. Nhưng từ sau đó, cậu ấy làm mặt lạnh thật sự luôn, như một người nào đó đã lấy đi tiếng cười của Vũ.
Vũ vẫn hòa đồng với các bạn như thế. Trừ tôi.
Tôi không cho đó là chuyện quan trọng, vì ngoài mình ra còn rất nhiều người thích chơi và muốn ngồi cạnh cậu ấy, cho nên tôi lẳng lặng cắp cặp đi về nhường chỗ cho các bạn khác bàn bạc với Vũ về vụ đi chơi cuối tuần.
Thực ra tôi có một nỗi mong chờ, đó là được gặp Phong ở nhà để xe. Lớp 11B1 chưa được tan, ở lại chờ kì kì thế nào ấy, tôi có còn là con bé Chun lùn tịt ngồi đếm lá bàng đợi Phong nữa đâu.
Do đó tôi đi về.
Trời đã sang thu, những chiếc lá vàng rụng đầy trên đường, tiếng vỡ giòn tan mỗi khi bánh xe lăn qua nghe thật thích tai, tôi vừa đi vừa hát, bài “Con chim vành khuyên”, hát trôi chảy, không hề thiếu từ nào.
Khi tôi quay sang bên thì Phong đã đi cạnh từ bao giờ, mồ hôi lấm tấm trên trán. Tôi lại bắt gặp nụ cười của cậu ấy, xấu hổ quá đi.
“Lâm Anh đã thuộc lời bài hát ấy rồi à?”
“Hứ, cậu cũng có nhớ lời đâu.”
Tôi và Phong đạp xe song song, băng qua những cơn nắng thu nhè nhẹ. Rồi tôi chợt nhớ, với Phong, bảng chữ cái abc chỉ mất ba ngày để học thuộc nằm lòng, trong khi đó tôi với cái Yến, cái Mai, mỗi ngày học hai chữ.
Thì ra hồi đó Phong cố tình hát sai để được đứng góc lớp cùng tôi.
“Nhà cậu về cùng đường với tớ à? Sao chưa bao giờ tớ bắt gặp cậu? Cậu về nước lâu chưa? Tớ còn giữ năm bảy viên bi của cậu đấy, còn cả…”
Phong chỉ cười và nghe tôi nói, nếu cậu ấy có thể kiên nhẫn, tôi sẽ kể cho cậu ấy rất nhiều, kể cả về nỗi nhớ của tôi.
Nhưng không được, có tiếng còi xe phía sau. Vũ phóng lên đi vào giữa, nếu Phong không đánh lái ra ngoài chắc chắn sẽ bị tông.
“Bạn về lối này sao?”
“Sao mày về lối này?”
Câu trước là tôi hỏi Vũ, còn câu sau Vũ hỏi Phong, hai câu nói được phát ra gần như đồng thời.
“Nhà tao ở khu dưới này.”
“Nói láo, mày ở khu đô thị phía nam, ngược đường hoàn toàn, xuống đây làm gì?”
Vũ tra hỏi Phong bằng được.
“Về nhà chứ làm gì, thôi tao về trước. Lâm Anh, tớ đi trước nhé!”
Ơ, cả ba có thể cùng về được mà, tôi chưa kịp chào Phong đã phóng xe vượt qua ngã tư trước khi đèn đỏ. Tôi đi tiếp đoạn đường cùng Vũ, nhưng cậu ấy đi xe máy, dù vừa bóp phanh vừa đi thì tôi vẫn cảm thấy mình chậm chạp.
Vũ không nói với tôi một câu nào, còn tôi, vốn không biết nói gì với cậu ấy, về chuyện trường lớp thì Vũ còn rành hơn tôi, về chuyện học hành cậu ấy càng không muốn nghe. Cho đến khi rẽ vào ngõ, tôi mới nói:
“Bạn đi đâu vậy?”
“Tống mày về nhà!”
“À, cảm ơn Vũ, nhưng đường vào nhà tớ lắt léo lắm, bạn không thể nhớ đường ra đâu.”
“Điện thoại tao để làm gì?!”
Biết là Vũ có thể tra đường qua bản đồ nhưng nếu cậu ấy tiễn tôi về tận nhà vào giữa trưa vắng vẻ thế này không hay chút nào. Như hiểu được suy nghĩ đó, Vũ vòng xe quay lại luôn, chẳng nói chẳng rằng. Tôi dừng lại nhìn Vũ ra khỏi ngõ.
Gần tới đầu ngõ, Vũ phanh xe, chống chân và ngoái lại:
“Lâm Anh, tao… rất thích mày!”
Những lời nói của Vũ bị một anh sinh viên đi qua nghe thấy hết, anh ấy đi lướt qua tôi, lẩm nhẩm: “Nói yêu luôn đi còn bày đặt. Sến quá em trai ạ!”
Nhưng tôi không hề thấy sến, cũng không hiểu cảm giác lúc này của mình nữa, vì thực ra so với trước lúc Vũ nói thế, tâm trạng của tôi vẫn vậy.
|
XIX.
Tôi lôi số bi của Phong ra đếm, những năm qua, mỗi khi rảnh rỗi tôi lại làm việc này. Còn viên bi “dị dạng” trong veo mà cậu ấy tặng riêng, tôi đặt trong chiếc hộp đựng huân chương của ông.
“Chun, cháu lại tha mấy viên bi ra làm gì?”
Ông gõ cửa phòng tôi rồi đẩy vào lấy cuốn từ điển tiếng Việt.
“Dạ? Có chuyện gì vậy ông nội?”
“Chả có chuyện gì hết, thằng cu Vũ thế nào? Nó còn thích cháu nữa không?”
Tôi đã cố không nghĩ tới chuyện đó mà ông đột nhiên nhắc tới, hơn nữa ông mới gặp cậu ấy duy nhất một lần.
“Ông… ông hỏi gì kì cục thế, Vũ… Vũ… Sao ông hỏi cháu về Vũ, cháu biết sao được?”
“Thì nó hay hay nên ông hỏi không được hả?”
“Phong cũng hay hay sao ông không hỏi. Mà thôi cháu làm bài tiếp đây.”
Tôi với lấy cuốn sách trên cao đưa ông rồi bới bài tập ra để làm, chỉ chờ ông đi sẽ lại lôi bi ra ngắm nghía.
“Con bé này kì cục, ra đấm lưng cho ông.”
Tôi gấp vở, lấy lọ cao đem ra bóp vai giúp ông. Mới đấm được hai phút mắt ông đã lim dim buồn ngủ.
Sáng hôm sau đi học, Vũ đã đứng ở đầu ngõ bằng xe đạp, vẻ mặt còn ngái ngủ. Cậu ấy đứng đây để làm gì, tiện đường qua chăng?
Vũ vòng xe đi cùng tôi luôn. Cả hai đứa chẳng nói câu gì, chỉ lăm lăm đạp xe. Đi được một đoạn, chúng tôi trông thấy Phong chở một em bé tầm bốn, năm tuổi. Có thể cậu ấy đưa em trai đi học. Trông em cậu ấy tôi lại nhớ ngày xưa.
“Mày cho đứa nào đi nhà trẻ đấy?”
Thấy tôi dừng lại Vũ cũng dừng ngay trước cổng trường mầm non, gọi với Phong.
Phong nhận ra hai đứa tôi, cậu ấy cười nhẹ, đưa tay ôm gáy, ngay lập tức bị cậu bé kéo vạt áo, chỉ ra hàng quà vặt.
“Anh Phong mua cho Lâm cái chong chóng kia đi.”
Trông hai anh em cậu ấy cứ hay hay thế nào, mà cậu bé tên Lâm, hay Lâm Anh vậy?
“Con trai chơi chong chóng làm gì?”
Vũ nói xen vào.
“Ứ ừ, anh không mua con Nhím nó cắn em đau lắm.”
Trời ạ, thì ra em của Phong bị một đứa con gái bắt nạt. Ngược lại hoàn toàn với anh trai, bắt nạt cả xóm.
Nhìn mặt của tôi Phong nói:
“Những ai tên Lâm Anh đều bị bắt nạt thì phải!”
Thế rồi cậu ấy bảo tôi và Vũ đi trước, trong khi đó Phong mua chong chóng cho Lâm Anh bốn tuổi và dắt em vào lớp. Đương nhiên tôi không đi rồi.
Sau đó ba đứa cùng đi học, tôi đi giữa.
“Em cậu tên giống tớ quá ha, vậy là Trịnh Quốc Lâm Anh?”
“Trịnh Nguyễn Lâm Anh.”
À, em cậu ấy có mang hai họ.
“Bố tớ đặt vậy để nó bắt nạt lại tớ, nhưng chắc không được.”
Vì câu nói ấy mà tôi cười tít cả mắt, Phong cũng cười, vẫn là nụ cười tỏa nắng.
“Mày có đứa em gái cơ mà? Chứ cái nhà hôm trước tao vào chơi đâu phải ở khu này?”
Vũ xen vào làm nụ cười của chúng tôi tắt gấm bởi chất giọng khô cứng, cục mịch.
“Ừ, có cả em gái,… nhà có điều kiện.”
Đó không biết có phải câu nói đùa không, nhưng Phong vội vàng hối chúng tôi đi học nhanh cho kịp giờ.
Bánh xe của hai cậu ấy to hơn nên tôi phải đạp nhanh hơn 1,5 lần, đạp thì cứ đạp, còn quay hay không là việc của chiếc xe.
“Tuột xích rồi!”
Cả hai đồng thanh. Còn mười lăm phút nữa vào lớp, trong mười lăm phút đó tôi không thể tìm được quán sửa xe và kịp tới trường được.
“Giờ chúng ta gửi tạm xe của cậu vào một quán nước, đến trưa về sửa, lên xe tớ đèo.”
Đó được xem như giải pháp hay nhất lúc này, tuy nhiên ngồi sau yên xe con trai cứ ngài ngại sao ấy.
“KHÔNG!” - Vũ phản đối lời Phong tức khắc.
“Thế mày tính sao? Xe của mày đâu có yên sau.”
Vũ nhìn chiếc xe địa hình của mình, mặt nhăn nhó.
“Thôi, tớ tự đem đi sửa được, các cậu đi học nhanh kẻo không kịp.”
“KHÔNG!”
Kiểu gì cũng không chịu, Vũ chống xe của tôi rồi gỡ hộp xích ra, vì là xe mini nên việc tra lại xích không hề dễ dàng. Tay cậu ấy bị dính luyn, đen xì mấy đầu ngón tay.
“Mày có thể lấy xe tao và đèo Lâm Anh.”
Mặt Vũ ngắn lại đến tôi cũng phải ôm bụng cười. Nhưng tôi cười phần lớn vì câu nói của Phong, cậu ấy rõ ràng định nói trước khi Vũ nhúng tay vào chiếc xe. Bây giờ Phong không còn lém lỉnh như ngày xưa nữa, nhưng cậu ấy vẫn còn tinh nghịch lắm.
|