Như Mùa Đông Rơi Xuống
|
|
Như Mùa Đông Rơi Xuống Tác giả: Fuyu Thể loại: Teen
Nội dung:
Như Mùa Đông Rơi Xuống câu chuyện thuộc thể loại teen của tác giả Fuyu là những rung động, thổn thức khi nhớ lại những kỉ niệm của tuổi học trò.
Bạn đọc có thể sẽ bắt gặp hình ảnh của chính mình trong những dòng tâm sự của tác giả, đó là những lần đầu chuẩn bị cho cuộc hẹn hò bí mật với người bạn trai mới quen.
Hay đơn giản là những ánh mắt nhìn nhau lướt qua nhau với bao điều muốn nói mà vẫn rụt rè, tác giả đã rất tài tình với những lời văn đậm chất tự sự không gây nhàm chán..
|
Chương 1: Aishiteru Bước ra khỏi cổng trường, Dũng bực bội đá bay lon nước ngọt ai vô ý uống xong không vứt. Nhưng đá xong rồi, ngẫm nghĩ sao cậu lại chạy đến nhặt, ném vào thùng rác gần đó. Lon nước ngọt rỗng bay một vòng đẹp mắt rồi rơi vào thùng gọn ơ. Tài ném của nó cũng hơi bị ổn đấy chứ, có đùa đâu, thế mà bị loại khỏi đội bóng rổ ở giây phút cuối cùng cũng chỉ vì phong độ có hơi thất thường ở mấy bữa tập cuối. Ấm ức. Không phải tự kiêu nhưng nó thấy mình là một trong những đứa chơi khá nhất đội. Vậy mà bị gạch ra khỏi danh sách thi đấu. Mấy tên khác trong đội tuyển nhìn nó ái ngại, và cả khó hiểu nữa. Thế mà thầy chẳng một lời giải thích, chỉ bảo nó về suy ngẫm thêm. Tự nhiên Dũng thấy trời sáng nay cũng u ám hệt như tâm trạng của nó vậy.
Có một tiếng vỗ tay nho nhỏ sau lưng. Dũng quay lại, thấy Tố Nguyên, cô bạn chung lớp. Đang tự hỏi, chẳng hiểu hôm nay chủ nhật mà Nguyên lên trường làm gì. Nhưng nhìn thấy mấy ngón tay vẫn còn mấy vệt phấn màu thì nó chợt nhớ ra là tuần này lớp nó phụ trách báo tường. Chắc Nguyên lên trang trí.
- Ném hay!
- Chẳng hay đâu, nếu hay thì đã chẳng rơi khỏi đội tuyển một cách…….như thế. – Dũng chẳng biết phải tìm từ nào cho chính xác.
Nguyên nhìn cậu, nhíu mày thông cảm. Rồi nhoẻn miệng cười.
- Thôi, thua keo này ta bày keo khác mà. Đi!
Nhưng chẳng biết thế nào, hai đứa lại đồng loạt quên ví, vét hết túi, thấy còn mấy đồng lẻ nên quyết định đi cà phê bệt. Nguyên mua thêm hai bị bánh tráng trộn, rồi ngồi xuống như những người khác mà măm măm ngon lành. Dũng chưa đi thử cà phê bệt bao giờ nên cứ lóng ngóng, ngài ngại. Nhưng trông dáng vẻ Nguyên thì xem chừng hay ra đây lắm. Mà nó phải công nhận là cái thú bệt này nó cũng hay hay. Nguyên lôi máy nghe nhạc ra, màu đỏ chói, lục lọi một lúc rồi đưa cho nó một bên tai nghe.
Một bài hát có giai điệu rất nhẹ nhàng, và hay, nhưng lời thì Dũng chẳng hiểu gì cả.
- Cái gì đấy?
- Một bài hát tớ thích.
Nguyên lém lỉnh cười, rồi chậm rãi đọc lời của bài hát.
Mỗi chúng ta đều là mỗi bông hoa duy nhất có mặt ở thế gian này
Mỗi chúng ta đều có hạt giống riêng
Vậy nên cứ cố hết sứ mình
Để những hạt giống ấy nở rộ thành hoa
….
Những bông hoa dù bé nhỏ, hay lớn
Không có ai giống ai
Bạn chẳng cần là số một
Bắt đầu với việc là chính mình, bạn đã là người đặc biệt.
Dũng gật gù.
- Cũng hay đấy nhỉ? bài hát tên gì thế?
- Sekai ni hitotsu dake no hana của SMAP.
Tai cậu tự dưng ù đi.
- Cái quái gì thế? Làm sao mà tớ nhớ được. Thôi, nhắn tin cho tớ tên bài hát đi.
Thế là trong playlist toàn nhạc rock có thêm một bài hát tiếng Nhật mà tối nào cậu cũng nghe một chút rồi mới đi ngủ.
**************************************
Tố Nguyên là cô nàng kỳ quặc nhất lớp, có lẽ vậy. Thực ra cô bạn cũng xinh đấy, nhưng mỗi tội khác biệt quá nên không có nhiều bạn thân lắm. Có lẽ vì trong khi mọi người thích nghe Kpop thì cậu ấy lại chỉ chúi mũi vào mấy cuốn truyện tranh Nhật, nghiên cứu kỹ thuật vẽ, và đi học cả tiếng Nhật nữa. Cô bạn thuộc lòng những chuyện thú vị ở xứ sở hoa anh đào. Lại còn hay vẽ linh tinh trong giờ học. Cuốn sách giáo khoa nào cậu ấy cũng vẽ ở bất kỳ chỗ nào còn trống. Có lần Dũng cầm cuốn sách toán của cậu ấy, giờ ngược từ trang cuối lại thật nhanh, thấy một chuỗi hành động của một thằng nhóc lùn tịt ném trái banh vào rổ ba, bốn lần mà toàn trúng mặt. Hệt như một bộ phim hoạt hình ngắn. Dũng phì cười.
Chính Dũng cũng không thân cận với cô nàng lắm. Nhưng khi tiếp xúc, cậu nhận ra Nguyên cũng giống như bao cô bạn gái khác thôi. Thích ăn vặt, thích hoa, dễ thương nhiều mà lắm rắc rối. Thậm chí là rắc rối một cách dễ chịu.
Dũng không đến sân bóng nữa. Cục tự ái vẫn còn đó khiến cho cậu cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với thất bại đầu tiên của mình. Thay vào đó, cậu dành nhiều thời gian để ở nhà chơi game và lang thang Facebook. Hùng, đồng đội thân thiết nhất của cậu nhắn tin hỏi thì cậu trả lời đơn giản là ốm. Tố Nguyên chẳng hỏi han gì, chỉ gửi cho cậu đường link một bộ phim Nhật lên tường Facebook, tựa là Rookies. Cậu ấy để lại vài dòng ngắn gọn: “Phim hay lắm. Xem đi để giết thời gian
Cuối cùng thì Dũng cũng chấp nhận chuyện mình bị đá ra khỏi đội tuyển, một cách bình thản hơn cậu nghĩ. Vì chẳng có ai tự mình chìm đắm trong nỗi buồn cả. Thêm nữa, thi thoảng Tố Nguyên lại quăng mấy bài hát yêu thích vào Facebook của cậu để lên dây cót tinh thần. Mà lời bài hát nào cũng kiểu như: “Tôi chắc rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp, đâu cần tuyệt vọng”…. Nghe mãi rồi thì những lời ấy cũng thấm vào đầu, chẳng ít thì nhiều. Và dư âm của bộ phim Rookies vẫn còn đó.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, Dũng phải công nhận là cậu có lơ là tập luyện nên bị xuống phong độ thật. Vậy nên bị thầy gạch tên ra khỏi danh sách cũng không trách ai được ngoài chính mình. Trận đấu sắp tới rất quan trọng nên ai cũng chăm chỉ, chú tâm, dồn hết sức. Chỉ có Dũng là lừng khừng. Cõ lẽ một phần vì cậu nghĩ mình giỏi, ai dám thay ra, nên chắc chắn là có một suất thi đấu chính thức rồi. Có thể Dũng chơi giỏi thật, nhưng thiếu lửa, và đối với thầy, như thế chưa đủ. Dũng quyết định đi tập trở lại, sau khi chân thành xin lỗi thầy huấn luyện. Không vào đội tuyển thì đã sao, chỉ cần được chơi bóng rổ là cậu thấy vui rồi. Quan trọng hơn, giờ đây, cậu nhận ra bản thân yêu bóng rổ hơn mình nghĩ rất nhiều. Nhất định từ nay về sau, cậu sẽ chơi bóng bằng toàn bộ khả năng và đam mê của mình.
Tan học, Dũng nhanh chóng thu dọn mọi thứ trên bàn cho vào cặp rồi sải ba bước dài đến bàn của Nguyên.
- Tớ hết buồn rồi, nên không cần động viên tớ nữa nhá.
Nguyên cười, giơ tay làm dấu ok. Tự dung Dũng thấy mình có hứng muốn đi đâu đó chơi, đi đâu đó ăn uống.
- Đi cà phê bệt không? Tớ khao.
- Không ý kiến gì. Đồ uống miễn phí mà.
******************************
Tin vui đến vào lúc Dũng chẳng ngờ nhất, vì lúc đấy đang còn mê mải ngủ gật. Tối hôm qua thức khuya xem hết bộ phim trinh thám nên bây giờ tranh thủ mấy phút nghỉ giải lao ít ỏi mà ngủ. Hùng sang lớp Dũng, chẳng nói chẳng rằng mà đập thật mạnh vào vai nó. Tỉnh luôn!
- Ê, nghe tin gì chưa?
- Một thằng bị đánh hội đồng vì phá giấc ngủ của người khác hả?
Hùng xua xua tay, chẳng thèm quan tâm câu nói đầy vẻ ‘đe dọa’ kia.
- Một đứa trong danh sách thi đấu chính thức mới mổ ruột thừa hôm qua nên thầy cho mày vào kìa.
Dũng bật dậy.
- Thật không?
- Thật.
Còn hơn cả vui, mà chính là như có cái gì vỡ òa từ bên trong nó, thêm một chút ái ngại cho cậu bạn kia nữa. Dũng đập tay thật mạnh với thằng bạn thay cho những cảm xúc đang hiện hữu đó, và cười toe toét.
Và người đầu tiên Dũng báo tin vui là Nguyên. Cô bạn cũng cười thật tươi, cứ nắm tay Dũng mà lắc.
- Thật á? Chúc mừng cậu.
- Nguyên đi xem tớ thi đấu nhé.
- Được không?
- Có gì mà không được.
- Thế sau đó cà phê bệt nữa, nhỉ?
- Thêm bánh tráng trộn.
Nguyên bật cười. Cô bạn hứa là sẽ đến bằng một cái ngoéo tay. Như trẻ con, nhưng mà ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Tối hôm đó, không dung Dũng chợt nghĩ, sao mà giống một buổi hẹn hò quá trời. Liệu Nguyên có hiểu lầm không? Mà ngạc nhiên hơn cả là cậu cũng không sợ cô bạn hiểu lầm.
Hình như Dũng vừa khám phá ra điều gì lạ lắm. Nhưng đó hẳn là một điều tuyệt diệu vì nó cứ làm cậu cười hoài.
*******************
Nghỉ tập giữa buổi. Hùng ném cho cậu trai nước suối. Dũng tu một hơi gần hết nửa chai.
- Tập vừa thôi, giữ sức mai đấu.
- Biết rồi. Ê, biết chỗ nào học tiếng Nhật không?
- Hả? Chi vậy?
Dũng không trả lời vội, nhấp thêm một ngụm nữa, đoạn đưa khăn lau sạch mồ hôi.
- Hừm, nghĩ lại rồi, không cần thiết, mà e là cũng không kịp. Cậu biết câu ‘Tớ thích cậu’ trong tiếng Nhật thì nói thế nào không? Tớ chỉ cần có thế thôi. Còn sau đó chắc dùng tiếng Việt được rồi.
- Hâm à? Mai thi đấu được không đấy?
Đáp lại vẻ mặt ngỡ ngàng của thằng bạn, Dũng chỉ nhăn răng cười.
***********************
“Aishiteru!”
|
Chương 2: Bản tình ca màu blue Hôm nay trời mưa rất to và rất lâu. Tôi ngồi trên xe buýt ngắm phố cứ nhòe đi qua ô cửa kính đầy nước, và ngắm cả những giọt nước liên tiếp vỡ trên mặt kính, tai nghe iPod, cuốn sách Mono ở trên gối. Tôi luôn mang theo cuốn sách này, và mở ra bất kỳ trang nào một cách ngẫu hứng, chỉ để đọc vậy thôi. Tôi đã đọc nó nhiều đến mức mạch truyện như được vẽ sơ đồ trong đầu, chỉ cần một tình tiết cũng có thể làm tất cả hiện ra, và các nhân vật nhảy múa trên đấy. Vô tình iPod vang lên những giai điệu tuyệt hay của Wake me up when September end, Green Day hát. Những ký ức theo đó chợt ùa về trong tôi. Vẹn nguyên.
****************************
Giữa năm lớp 11, bố tôi được thuyên chuyển công tác, bố mẹ tôi chuyển nhà, tôi cũng vì thế mà phải chuyển trường theo. Thật sự mà nói, điều này chẳng thích thú chút nào. Chia tay bạn cũ và làm quen với những người bạn mới không phải là việc dễ dàng gì với một đứa khó kết bạn như tôi. Vốn dĩ tôi là đứa ít nói, lại có vẻ lơ đãng, lúc nào cũng như đang lửng lơ ở đâu đó trong thế giới của riêng mình và người khác ngại bước vào. Chưa đi học nhưng lúc sắp xếp lại hành lý trong căn phòng mới, tôi đã hình dung được quãng thời gian cô độc trong những ngày đầu mới đến.
Chỗ ngồi của tôi ở cạnh cửa sổ, có thể trông ra khoảnh sân trồng hoa và tán phượng xanh rì. Ngồi cùng bàn với tôi là một cậu con trai. Ngay ngày đầu tiên tôi đến, cậu đã mỉm cười chào và nói.
- Xem ra bạn sẽ cứu mình khỏi kiếp ngồi một mình rồi. Chào mừng đến với trường mới.
Tôi khẽ mỉm cười chào lại.
- Bạn tên gì?
- Mình là Mai Khanh.
- Chúng ta cùng tên đấy. Tớ là Huy Khanh.
Huy Khanh luôn ngồi một mình từ lúc vào học cấp ba đến giờ. Vì thế cậu ấy gọi tôi là kẻ cứu tinh, cứu rỗi…..bất cứ từ nào. Tôi biết cậu ấy chỉ đang cố gắng để tôi cảm thấy dễ chịu. Mà đúng là tôi cảm thấy những lo lắng về hòa nhập đã không còn nữa. Tôi cảm thấy dễ chịu thật sự.
Học một thời gian, tôi nhận ra Huy Khanh được rất nhiều bạn nữ thích. Họ nhìn trộm cậu ở bất cứ đâu. Trong lớp, trên sân bóng, trong căng tin…. Họ cũng hay giả vờ nhờ cậu chỉ bài hộ hoặc tặng một món quà nhân dịp nào đó. Có lẽ vì Khanh là một cậu bạn điển trai với cặp mắt màu nâu ấm, đôi môi trẻ con lúc nào cũng mỉm cười. Cậu hay trêu đùa mọi người, nhưng cũng rất tốt bụng.
Tôi nhận ra mình cũng thích Khanh. Nhưng không phải vì tất cả những lý do đó. Chúng chỉ là một phần thôi. Khanh không giống bất cứ một cậu bạn nào tôi gặp trước đây. Khanh giúp tôi trực nhật, không ngại phải cầm chổi. Có lần cậu còn mang giúp tôi cái cặp to đùng đầy sách vở lên cầu thang. Cậu chu đáo và đáng tin cậy. Cậu làm tôi bật cười thoải mái. Cậu làm tôi bối rối. Những xúc cảm kỳ lạ đó, lần đầu tiên tôi biết đến. Nhưng tôi không biểu lộ ra ngoài, cũng không giả vờ nhờ cậu chỉ bài giùm. Đơn giản, tôi để cảm xúc yên lặng trong lòng.
Chúng tôi rất hay nói chuyện với nhau. Và một lần, chúng tôi phát hiện ra cả hai cùng thích món bánh mì trong căng tin: nhồi nhiều trứng cút và chả, nước mắm nêm mặn một chút. Tôi thích nhất hình ảnh Khanh ôm cây đàn ghi ta mượn được trong phòng chơi nhạc của trường và gảy lên những giai điệu tuyệt diệu vào mỗi giờ chơi. Cậu chỉ chơi đàn, không hát. Chỉ duy nhất một lần cậu hát Wake me up when Steptember end với giọng trầm ấm. Thỉnh thoảng, cậu chơi đàn, còn tôi hát. Những lúc như thế, tôi có cảm giác chúng tôi là một đôi. Và chỉ cần như thế là đủ.
********************
Hôm sinh nhật tôi, mưa rơi. Mưa từ tiết ba và đến tận lúc tan học vẫn không có dấu hiệu tạnh. Tôi đứng ở cuối cầu thang, nhìn ra màn mưa trước mắt đầy âu lo, vừa có chút gì đó lơ đãng. Khanh đến bên cạnh tôi tự lúc nào, nói bằng giọng châm chọc như mọi hôm.
- Hình như có một kẻ sợ mưa ướt ở đây này.
- Cậu cũng thế thôi.
- Đâu. Tớ có áo mưa mà.
Khanh lấy trong cặp ra hai cái áo mưa còn mới nguyên, đưa cho tôi một cái.
- Mới mua trong căng tin đấy. Mặc vào đi. Khanh về cùng không, tớ cho đi nhờ xe? Nói trước, xe đạp thôi đấy nhé.
- Tớ đi xe buýt được rồi.
- Mặc nguyên áo mưa à? Ý kiến tệ quá đấy. Quyết định vậy đi, tớ sẽ cho cậu đi nhờ xe và không lấy tiền công.
Tôi lúng túng mặc áo mưa. Chợt Khanh à lên như thể nhớ ra điều gì đó. Cậu lấy từ trong cặp ra một gói quà.
- Chúc mừng sinh nhật!
Tôi lúng túng lần nữa, đến nỗi nhận gói quà mà ngay lời cảm ơn cũng không nói ra được. Không biết tại sao cậu ấy biết sinh nhật mình nhưng cũng chẳng dám hỏi. Những cô bạn khác đang đứng trú mưa ở cuối cầu thang nhìn tôi đầy ghen tị. Tự dưng tôi thấy vui vui.
Món quà là một cuốn sách có tựa Mono, tác giả là một nhà văn Đức. Nói chung, tôi thấy cuốn sách rất dễ thương. Nó gần giống như một câu chuyện cổ tích mang hơi thở hiện đại vậy. Khanh nói rằng tôi giống cô bé Mono đó lắm, lúc nào cũng có vẻ lơ đãng, nhưng lại rất dịu dàng.
*********************
Có một điều ạ lùng về Khanh mà mãi sau này tôi mới để ý. Khanh thỉnh thoảng lại xin nghỉ ốm. Có lần chỉ một, hai ngày, có lần lâu hơn. Mới đầu tôi không chú ý nhưng thấy Khanh cứ nghỉ mãi, tôi tò mò. Một lần tôi hỏi.
- Khanh bị ốm gì đấy?
- Không có gì, chỉ ố vặt thôi.
Nhìn gương mặt không tin nổi của tôi, Khanh nhún vai theo kiểu ôi-tớ -thua-rồi và thì thầm.
- Thật ra, tớ vờ ốm thôi. Để hoàn thành nốt chiếc máy bay tớ đang làm dở.
Tôi tròn mắt nhìn Khanh. Biết rằng đó chỉ là một lý do vớ vẩn, một lời nói đùa của cậu. Nhưng trong ánh mắt lại lấp lánh một niềm yêu thích khó tả. Có lẽ Khanh thích máy bay.
- Vậy khi nào cậu hoàn thành nó rồi thì cho tớ đi nhờ nhà về nhé. Đi xe đạp chậm lắm.
Tôi kết thúc vấn đề ở đó vì biết cậu sẽ không nói lý do nghỉ học. Đến lượt Khanh trong mắt nhìn tôi. Rồi cậu chống cằm nhìn tôi và nói.
- Nói chuyện với Khanh thích thật!
Tôi thấy mặt mình nóng bừng lên. Và tôi vờ như đang cặm cụi ghi chép.
Một hôm, Khanh lại ngỉ ốm, hẳn một tuần. Mãi không thấy cậu ấy đi học. Tôi lo lắng đến nhà tìm. Lúc đó tôi mới biết cậu ấy đang ở bệnh viện.
Khanh bị ốm nặng. Thể chất vốn yếu hơn người bình thường. Tôi chẳng rõ đó là bệnh gì, nhưng cậu ấy không đến trường nữa mà ở bệnh viện để theo dõi. Tôi hay đến thăm. Có những hôm, cậu vui vẻ nghe tôi kể chuyện, hoặc cậu kể chuyện. Cũng có những hôm cậu không nói gì, chỉ trầm tư. Những lúc như thế, tôi lặng lẽ ngồi cạnh, xếp những chiếc máy bay giấy đủ màu và để vào một cái hũ thủy tinh cho cậu.
Có hôm Khanh khỏe, trở lại trường học. Chiều hôm đó tan học, tôi và cậu ấy ở lại trên tầng ba, phóng những chiếc máy bay giấy mà tôi đã gấp bay khắp trường. Những chiếc máy bay chao liệng, nương theo gió đi thật xa. Khanh cười tươi. Cậu bảo rằng khung cảnh này thật đẹp, và cậu muốn nhớ mãi.
Mấy hôm sau, Khanh nghỉ học. Cậu ấy lại phải nhập viện. lần này, bệnh cậu trở nặng đến mức giáo viên phải thông báo có lẽ cậu ấy sẽ nghỉ học khá lâu.
*******************
Một hôm, như mọi hôm, tôi đến bệnh viện. Khi tôi đến, Khanh nằm đó, trên giường bệnh trải drap trắng, gần khung cửa sổ nắng chiếu vào mơ màng. Tôi ngồi cạnh, đọc sách, và gấp máy bay giấy. Trong nắng, hình ảnh của Khanh như nhạt dần rồi sẽ biến mất. Tôi cảm thấy một sự sợ hãi mơ hồ. Trong vô thức, tôi nắm chặt tay Khanh. Cậu bạn ra hiệu bảo tôi lại gần. Tưởng cậu định nói gì, tôi cúi gần xuống. Bất ngờ, một bụ hôn lướt nhẹ qua môi. Tôi sững sờ nhìn Khanh. Cậu chỉ mỉm cười dịu dàng. Tự dưng tôi muốn bật khóc như một đứa trẻ.
****************************
Sau này, tôi không còn gặp lại Khanh nữa, dù muốn hay không. Cuộc sống trở về với nhịp điệu thường ngày. Tôi cũng bận rộn với những dự định riêng. Nhưng tôi không bao giờ quên Khanh. Hình ảnh cậu in sâu trong tâm và nụ hôn đầu vẫn vẹn nguyên sự dịu ngọt của nó. Thỉnh thoảng, mỗi lần đọc lại cuốn Mono, hay nhìn mưa rơi, tôi lại như thấy khung cảnh quen thuộc năm xưa. Và như thấy cậu, vẫn hình ảnh không bao giờ đổi. Bên cạnh cửa sổ lớp học trông ra tán phượng xanh rì, cậu đang ôm đàn và hát Wake me up when Steptember end với giọng rất ấm.
|
Chương 3: Gã nhà quê.
1. Thi xong đại học, tôi đến quán trà sữa của người chị họ phụ giúp việc. Chị tôi hiện đang chuẩn bị đón chào em bé đầu tiên nên giao việc quản lý cho anh Nguyên, em trai chị, người mà tôi cũng gọi là anh họ. Anh Nguyên là một gã đẹp trai, lắm tài lẻ, suy nghĩ nhiều khi kỳ quặc đến lập dị. Tóm lại là một người hay ho nhưng khó hiểu. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ yêu kiểu người giống như vậy. Mệt lắm.
Không hứng thú đi chơi xa, ở nhà mãi cũng chán nên tôi mới đi phụ quán. Mục đích là để đỡ nhàm chán chứ chẳng phải vì thiếu tiền tiêu vặt. Cũng là để chứng minh cho mẹ tôi thấy, con gái của mẹ không phải là tiểu thư, cũng biết lao động như ai, và lớn rồi. Tôi chọn làm ca tối để buổi sáng còn lang thang. Đi nhà sách, đi window shopping. Đi xem phim, đi chơi với bạn bè….. Đã nói, tôi đi làm thêm không phải là để kiếm tiền tiêu vặt.
Làm việc cùng ca với tôi có vài người. Trong số đó, tôi chú ý nhiều nhất đến người mới được nhận vào làm. Cậu ta đen nhẻm, kiểu tóc rất….ngố tàu, mắt hiền khô lúc nào cũng ngơ ngác nhìn xung quanh. Hôm cậu ta đến xin việc, tôi suýt nữa bật cười thành tiếng trước bộ dạng rụt rè ngó quanh, chiếc ba lô khư khư trước ngực như sợ bị ai đó giật mất.
Khi tôi hỏi tên, cậu ta ấp úng: “Tớ…. tớ tên Điền. Trần Văn Điền.” Tên gì mà quê một cục, lúc đó tô đã nghĩ như vậy đấy.
Tối đó, khi mẹ đưa cốc sữa, tôi hào hứng khoe.
- Hôm nay quán có một gã nhà quê đến xin việc đó mẹ.
Bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ, tôi im lặng.
2. Điền không nhanh nhẹn. Những ngày đầu còn lúng túng, hay làm bể ly tách. Nghe anh Nguyên bảo sẽ trừ lương, cậu ta chỉ ngoan ngoãn gật đầu. Nhưng Điền rất chăm chỉ, và dần dần làm việc có tiến bộ hơn. Cậu ta hiền khô nên tôi rất thích bắt nạt. Mỗi khi lười, tôi lại nhờ Điền rửa hộ phần ly tách của mình. Thậm chí chuyện lau sàn nhà và lau bàn, cậu ta cũng làm luôn. Và chẳng phàn nàn gì. Có hôm tôi chợt muốn ăn bánh donut, mà muốn mua bánh ấy thì phải sang đường rồi đi bộ thêm một quãng nữa.Tôi lười đi nên bảo.
- Này, Điền, cậu sang cửa hàng bánh Donut bên kia đường mua hộ tớ cái bánh donut phủ chocolate nhé.
Điền đứng tần ngần một lúc.
- Bánh gì cơ?
- Donut ấy. – Tôi chợt dừng việc rửa cái cốc to đựng trà sữa xoài như phát hiện ra điều gì đó. – Cậu không biết bánh đó á?
Điền khẽ lắc đầu. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng ai cũng biết bánh donut. Cậu ta mân mê cán chổi, cứ đứng yên, mắt nhìn xuống chân. Tôi bảo.
- À, thôi, tớ không muốn ăn nữa. – Ngập ngừng vài giây, tôi nói thêm. – Cám ơn cậu nhé!
Và cảm thấy có cái gì đó rất khó chịu đè trong lồng ngực. Cảm thấy như thể tôi vừa khiến một người phải thừa nhận mình quê mùa, kém cỏi so với người khác. Cảm giác ấy chẳng dễ chịu gì.
3. Làm việc được nửa tháng, tôi mới sực nhớ là mình chưa biết Điền đến từ đâu. Vốn là đứa nhanh mồm nhanh miệng, mà mẹ hay mắng là nhanh nhảu đoảng, tôi sực nhớ ra điều ấy trong lúc rửa tách nên hỏi ngay.
- Nhà đằng ấy ở đâu?
- Tớ ở tận dưới quê cơ. – Rồi cậu a nói một mạch. – Ti đại học xong, tớ ở lại đây kiếm việc làm thêm để đến lúc nhận giấy báo thì cũng dư dả chút đỉnh cho cuộc sống học hành. Tớ định xin làm ở đây cả ngày, sau khi giao buổi sáng về, không biết anh Nguyên có chịu không?
- Ừm, cậu hỏi anh ấy thử xem sao. Nhưng mà làm việc như thế, cậu không mệt à?
- Ừm! – Điền im lặng không nói gì nữa.
Tôi im lặng. Tay thì lau kĩ mấy cái cốc mà tâm trí suy nghĩ tận đâu. Lúc câu ta giao báo, chắc còn sớm tinh mơ. Lúc ấy, hẳn là tôi còn đang ngủ.
Cuối giờ làm, trong lúc đứng chờ anh Nguyên chở về, tôi thấy Điền dắt xe đạp ra. Cái xe cũ kĩ, màu sơn bạc phếch và yên xe đã rạn nứt lớp da bọc ngoài. Khi chiếc xe lăn bánh, những tiếng lọc cọc rền rĩ vang lên một cách mệt mỏi. Vóc dáng cậu ấy như bị bóng đêm nuốt chửng.
4. Mẹ nhìn tôi tư đầu đến chân, cứ như thể tôi không phải là con gái mẹ vậy. Mà có gì đâu cơ chứ. Chỉ là tôi dậy sớm hơn thường ngày và làm món trứng ốp la cho mọi người điểm tâm thôi mà.
Mẹ tôi mỉm cười.
- Xem ra việc đi làm thêm cũng khiến con lớn lên được một chút ấy nhỉ?
Bố tôi khi ngồi vào bàn cùng tờ báo buổi sáng, cũng ngạc nhiên một chút, và cười. Thằng út chẳng nói năng gì, đã ăn ngay sau khi mời cả nhà rõ to. Nó nhăn mặt.
- Chị hai, món trứng chị hai còn vỏ nè.
Tôi liếc nó. Mẹ thì cười rõ to.
|
Chương 4 5. Tranh thủ quán vắng khách, tôi chạy tót ra ngoài. Một lát sau cầm về hai ổ bánh mì kẹp chả lụa. Tôi đưa cậu ta một cái.
- Nè, ăn đi. Tớ định ăn cả hai nhưng chợt nhớ ra là phải hạn chế ăn, không khéo mập ú lên thì…… Ăn hộ tớ!
Lần khác, tôi mua về hai cái bánh paparoti.
- Anh Nguyên bảo tớ đi mua mà cuối cùng lại không ăn. Bực mình thật đấy. Đi từ đây sang bên kia đường cũng mệt chớ bộ. Ăn hộ tớ!
Anh Nguyên ở đâu thò cái đầu ra.
- Anh có nhờ em mua bánh hồi nào đâu?
- Đấy. Đến nhờ em đi mua mà cũng quên.
Tôi lấp liếm rồi nhanh chóng lẩn vào trong. Cuối ngày, khi thả tôi trước cửa nhà và đợi tôi tháo mũ bảo hiểm trả, anh Nguyên cười.
- Em gái anh falling in love rồi ấy nhỉ?
- Không có đâu ạ.
Tôi đáp tỉnh bơ và rõ ràng. Rồi nhanh chóng vào nhà. Đúng là vậy mà.
Đến ngày nhận lương, tôi nói nhỏ với anh Nguyên.
- Anh nè, tiền lương tháng này của em á……
- Sẽ bị trừ đó nhóc. Em đã làm bể mấy cái ly, biết không hả?
Tôi nhăn mặt.
- Đồ độc tài. Nhưng mà em không nói chuyện đó. Anh nè, tiền lương của em, anh có thể lấy bớt cho vào tiền lương của Điền không?
Anh Nguyên nhìn tôi, ánh mắt nửa ngạc nhiên, nửa thích thú, vẻ tinh quái. Tôi ghét ánh mắt đó. Lúc nào nó cũng khiến tôi có cảm giác như thể mình bị bắt quả tang khi đang làm một việc gì đó vụng trộm.
Tôi nói phủ đầu.
- Em không có falling in love cậu ta đâu nhé.
- Xem ra tiểu thư cũng biết chia sẻ với hoàn cảnh của người khác nhỉ?
Chẳng hiểu sao khi nghe anh Nguyên nói thế, mặt tôi đỏ bừng lên.
- Nhưng mà nếu cậu ta hỏi sao tiền lương của cậu ta không bị trừ mà còn thêm, anh phải nói sao đây? Cậu ta cũng làm bể ly tách, nhưng ít hơn em đấy. có thể cậu ta sẽ tưởng anh để nhầm tiền lương và trả lại thì sao? Đôi khi lòng tốt có thể làm người khác khó xử, nhóc ạ.
Tôi không đề cập đến chuyện đó nữa. Đến khi sắp hết ngày, nghĩa là sắp phát lương, tôi lại hỏi anh Nguyên.
- Thế không có cách nào khác sao hả anh?
Anh Nguyên cười, xoa đầu tôi. Thế nghĩa là làm sao?
Tan giờ làm. Như mọi hôm, tôi đứng chờ anh Nguyên trước cửa. Mọi hôm, Điền vẫn leo lên xe đạp về trước, nhưng mà hôm nay còn tần ngần ở lại. Khi anh Nguyên đã khóa xong cửa, Điền mới nói.
- Anh Nguyên, sao tiền lương của em không bị trừ mà còn có thêm ạ?
Tôi trợn tròn mắt nhìn anh. Anh Nguyên chỉ nhún vai.
- Số ly tách mà cậu làm bể, tôi đã trừ rồi. Còn tôi thưởng thêm là vì cậu đã làm việc chăm chỉ và cẩn thận. Cậu còn làm hộ việc của tiểu thư đây nên tôi trừ lương nó đưa cho cậu. Cộng lại dư ra một ít, vậy thôi.
Điền bối rối nhìn tôi. Tôi liền phẩy tay bảo không sao đâu. Cậu nở một nụ cười nhẹ.
- Dạ, em cám ơn.
- Cố gắng nhé!
Khi dáng cậu ta đã xa rồi, anh Nguyên mới nói với tôi.
- Em không thể giúp cậu ta cả đời được, và anh cũng vậy thôi. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ một phần gì đó bé nhỏ. Cậu ta phải tự nỗ lực, như bây giờ vậy.
6. Tôi đậu. Còn Điền rớt. Cậu ấy không đến làm ở quán nữa. Anh Nguyên đưa tôi một cái túi giấy, bảo Điền gửi lại cho tôi. Tôi mở ra xem. Bên trong là một cái hộp nhựa đựng một chiếc bánh donut phủ chocolate. Tôi tần ngần nhìn cái bánh rồi cầm lên ăn, tuyệt nhiên không nói gì, cũng không biểu lộ chút cảm xúc nào. Anh Nguyên xoa đầu tôi thật khẽ.
- Không sao đâu nhóc.
- Chán anh, em có khóc đâu.
Tôi hất tay anh ra. Rồi nước mắt cứ thế rơi. Như chính cái xoa đầu ấy làm tôi bật khóc. Tôi vừa khóc vừa ăn bánh, không dừng được, như một đứa trẻ.
- Cậu ấy để lại cái bánh như một lời tạm biệt đó. Và cả lời chúc thành công.
Anh Nguyên nói, và mỉm cười.
Đêm ấy, trời trong và những vì sao sáng nhấp nháy. Ngồi bó gối trên sân thượng, lắng nghe âm thanh của lá xào xạc, và mùi hương ngọc lan dịu ngọt thoang thoảng, tôi thấy lòng mình tĩnh lặng. Có cảm giác vừa lớn lên.
“Này, hẹn gặp cậu ở đại học năm sau.” Tôi thì thầm, với gió, hay với ai đó. Chẳng hiểu sao ở tận sâu trong tim, tôi vẫn tin rằng cậu bạn chăm chỉ, hiền lành đó sẽ không dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình. Dẫu rằng ước mơ của cậu ấy phải đi trên một con đường gập ghềnh.
|