Kính Vạn Hoa - Tập 4
|
|
Chương 05
Chương 5 Còn lại một mình, Quý ròm không ngớt vò đầu bứt tóc. Nó tự nguyền rủa mình tơi bời. Đã biết nhược điểm của mình rồi, đã quyết tâm sửa chữa, thế mà cuối cùng nó vẫn không làm được, lại hét toáng lên khiến thằng bạn nó ôm tập chuồn mất. Thật khổ! Bụng Quý ròm cứ thắc tha thắc thỏm. Nó vừa ân hận lại vừa lo lắng. Nó sợ sau vố này, Tiểu Long sẽ "cạch" luôn trò học chung. Nó nhớ hôm trước Tiểu Long trách nó "Mày quát tháo ghê quá", nó đã hùng hồn hứa hẹn "Tao sẽ không quát tháo nữa". Vậy mà chỉ mới qua một buổi học, lời hứa của nó đã bay vèo theo gió. Kiểu này chắc chắn Tiểu Long sẽ không tin lời nó nữa. Và không khéo cái thằng bạn vốn sợ toán hơn sợ hùm beo này sẽ thừa cơ biến luôn, chỉ sau một buổi học chứ không cần đến hai buổi như lời trù ẻo của nhỏ Diệp. Nhỏ Diệp đúng là yêu tinh. Quý ròm vừa mới nghĩ đến nó, nó đã xuất hiện ngay sau lưng. - Anh Tiểu Long đâu rồi? - Nhỏ Diệp ỏn ẻn hỏi, mặt cười. Quý ròm chột dạ ngoảnh mặt đi chỗ khác: - Về rồi! - Ảnh về luôn hả? - Nhỏ Diệp lại hỏi, giọng ngây thơ hết biết. Quý ròm giật thót. Nó cảnh giác liếc cô em gái: - Về luôn là sao? Nhỏ Diệp nheo mắt: - Về luôn tức là về luôn chứ là sao! Nghĩa là không bao giờ quay lại đây nữa ấy! - Mày nói nhăng nói cuội gì thế? - Mặt Quý ròm bỗng chốc sa sầm - Bộ mày không nghĩ ra được câu nào tử tế hơn sao? Thấy ông anh cau mày sừng sộ, nhỏ Diệp lật đật lùi tuốt ra xa. - Làm gì anh nạt nộ em ghê thế! - Đến khi thấy đã đạt được một khoảng cách an toàn, nhỏ Diệp liền dẩu môi đáp trả - Bộ hồi chiều đến giờ anh nạt nộ anh Tiểu Long chưa đủ sao? - Cái con nhãi này! Tao nạt nộ Tiểu Long hồi nào? Mặt Quý ròm hầm hầm. Nếu nhỏ Diệp đứng xớ rớ gần đó, nó đã thò tay cốc cho một phát u đầu rồi. - Xí! Anh đừng có chối! Em đứng đằng sau em nghe thấy hết chứ bộ! - Dóc đi! - Quý ròm nhìn nhỏ Diệp bằng ánh mắt nghi ngờ - Cứ chốc chốc lại liếc ra phía cửa sau canh chừng mày, tao có thấy mà đứng đó đâu! Nói xong, chợt biết mình bị hớ, Quý ròm liền im bặt. Nhưng nhỏ Diệp đã ranh mãnh chộp ngay cơ hội: - Anh bảo anh không nạt nộ, quát tháo, việc gì anh phải canh chừng em? Hết đường tránh né, Quý ròm đành xuôi xị: - Thì cũng có quát tháo chút đỉnh, nhưng tao chỉ quát nho nhỏ thôi! - Nho nhỏ đâu mà nho nhỏ! - Nhỏ Diệp hỉnh mũi - Em nghe anh hét ầm ầm cứ như sập nhà tới nơi! Rồi không đợi Quý ròm kịp biện hộ, nó láu lỉnh tiếp: - Dạy học chứ đâu phải tra tấn kẻ cướp mà anh nạt nộ om sòm thế! Thấy nhỏ em nhại lại câu nói của bà hôm trước để "chơi xỏ" mình, Quý ròm tức điên. Nó chẳng buồn đóng vai hiền lành tử tế nữa. - Ừ, tao nạt nột đấy, thì đã sao? - Quý ròm ưỡn ngực - Giảng bài thì phải nạt nột chứ! Các thầy cô trên lớp thỉnh thoảng cũng la mắng mình vậy! - Nhưng các thầy cô đâu có la mắng giống như anh! - Nhỏ Diệp vặn lại - Các thầy cô đâu có bảo học trò mình là đồ tham ăn, đồ tai lừa, lại đòi còn cắt đầu học trò thảy vào nồi nước sôi luộc lên nữa! Nhỏ Diệp hăm hở kể ra một lô một lốc những "tội lỗi" của Quý ròm. Cứng họng, Quý ròm đâm bướng: - Ừ, tính tao thế đấy! Nhờ vậy, "học trò" mới tiến bộ! - Ở đó mà tiến bộ! - Nhỏ Diệp "hứ" một tiếng - "Học trò" ôm tập trốn luôn thì có! Đang lo ngay ngáy về chuyện đó, giờ bị nhỏ Diệp lôi ra châm chích, Quý ròm nóng mặt đập tay xuống bàn đánh "rầm" một tiếng: - Mày đừng có nói xui! Ai bảo mày Tiểu Long trốn luôn? Thấy ông anh bắt đầu động tay động chân, nhỏ Diệp không dám mở miệng chọc tức nữa. Nó rụt cổ và len lén chuồn một mạch ra nhà sau. Còn Quý ròm, sau một trận cãi nhau với nhỏ Diệp, nó càng bần thần tợn. Đã mấy lần, nó định chạy qua nhà Tiểu Long xem thằng bạn mình có còn giận mình không và nhất là nó có định học chung với mình nữa không, nhưng sau một hồi nghĩ lui nghĩ tới, Quý ròm đành tặc lưỡi dẹp bỏ ý định đó. "Thầy giáo" mà hạ mình đi năn nỉ "học trò" thì ê mặt quá! Thôi để sáng mai đến lớp mình sẽ nói chuyện với nó! Quý ròm buồn rầu nhủ bụng. Nhưng sáng hôm sau, Quý ròm chẳng làm sao cạy miệng Tiểu Long được. Ngồi trong lớp, Tiểu Long cứ khoanh tay trước ngực, mắt nhìn thẳng lên bảng. Quý ròm tha hồ hỏi han, nó cứ ngồi im như phổng, không ừ hử một tiếng. Tới giờ ra chơi, nó lỉnh đi đâu mất biệt. Quý ròm đảo quanh sân, thò đầu vào khắp các dãy lớp, xộc cả vào căng-tin lẫn phòng y tế, vẫn chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Đến khi tiếng trống chấm dứt giờ chơi vang lên, Quý ròm mới thấy Tiểu Long lò dò từ cuối hành lang đi lại. - Mày đi đâu nãy giờ tao tìm không thấy? - Quý ròm không kềm được thắc mắc. - Tao ngồi trong... nhà cầu! Quý ròm trố mắt: - Mày ngồi trong đó suốt từ lúc ra chơi đến giờ? Tiểu Long thản nhiên: - Ừ. Tao đau bụng. Rõ ràng nó cố ý tránh mặt mình! Quý ròm nghĩ thầm và mặc dù biết Tiểu Long nói dối nhưng không bắt bẻ vào đâu được, nó đành lẳng lặng bước lại xếp hàng vô lớp. Hai tiết sau là môn hình của thầy Hiếu. Xui làm sao, Tiểu Long lại bị kêu lên bảng và tất nhiên sau khi đứng thuỗn mặt ra trước những câu hỏi không lấy gì làm khó của thầy, nó khệ nệ khuân thêm một con dê-rô về chỗ ngồi để bổ sung vào bộ sưu tập bất đắc dĩ của mình. Quý ròm thở dài thườn thượt. Nó có cảm tưởng như chính nó phải chịu trách nhiệm về sự kém cỏi của bạn mình. Nếu nó bỏ được cái tật la lối, nếu nó tận tình kèm cặp cho Tiểu Long ngay từ đầu năm học thì thằng bạn của nó đâu đến nỗi học hành lẹt đẹt như thế này. Quý ròm áy náy liếc sang bên cạnh. Thấy mặt Tiểu Long xụ xuống, biết nó đang bực, Quý ròm đành chép miệng làm thinh. Mãi đến lúc hai đứa lững thững trên đường về, Quý ròm mới lại gần Tiểu Long, ngập ngừng hỏi: - Bộ mày giận tao hả? - Có giận gì đâu! - Tiểu Long đáp, mắt vẫn nhìn thẳng tới trước. - Không giận sao khi nãy trong lớp tao hỏi gì mày cũng không buồn trả lời. Lần này thì Tiểu Long im lặng. Trước những "chứng cớ" Quý ròm trưng ra, nó không biết phải thanh minh thế nào. - Thôi bỏ qua đi! - Quý ròm khẽ hắng giọng - Con trai gì mà giận dai như con gái! Tiểu Long thu nắm tay quệt mũi: - Ai bảo mày kêu tai tao là tai lừa! - ... - Rồi lại còn bảo đầu tao làm bằng chất này chất nọ nữa! - ... - Vậy mà mày hứa với tao là mày sẽ không quát tháo! Tiểu Long tiếp tục trách cứ. Trong khi đó, Quý ròm vẫn lặng thinh rảo bước. Đầu nó cúi xuống, vẻ biết lỗi. Đợi bạn mình trút hết cơn bực dọc, Quý ròm mới từ từ ngẩng mặt lên, giọng quả quyết: - Ngày mai tao nhất định sẽ không quát tháo nữa! Lần này tao nhất định sẽ không quát tháo nữa! Lần này tao hứa chắc! Tiểu Long chẳng tỏ vẻ gì xiêu lòng. Nó nhún vai: - Chiều mai tao không tới học chung với mày nữa đâu! Quý ròm nhăn nhó: - Tao hứa rồi mà! - Mày hứa kệ mày! Tao không tin! - Mặt Tiểu Long vẫn lạnh băng. Thấy không lay chuyển được Tiểu Long, Quý ròm nhíu mày nghĩ kế. Nó bắt đầu vòng vo: - Mày biết câu "Chân mình những lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người" không? Tiểu Long liếm môi: - Không biết! Rồi nó nhìn Quý ròm bằng ánh mắt ngờ vực: - Câu đó ý nghĩa là sao? Quý ròm nghiêm trang: - Câu đó ý nói đến những người khuyết điểm đầy mình không lo sửa, lại đi bới móc khuyết điểm của người khác! Lời giải thích đầy ngụ ý của Quý ròm khiến Tiểu Long đâm chột dạ: - Nhưng câu đó thì liên quan gì đến tao? - Liên quan mật thiết chứ sao không! - Quý ròm nheo nheo mắt - Mày có phải là đứa biết giữ lời hứa đâu mà đi trách tao! Lời phán bất ngờ của Quý ròm làm Tiểu Long giãy nảy: - Đừng có xạo! Tao không giữ lời hứa hồi nào? Quý ròm hừ giọng: - Bộ mày không nhớ cái ngoéo tay cam kết học chung giữa tao với mày hôm trước hả? Đòn phản công của Quý ròm quả là đòn độc! Tiểu Long lập tức xụi lơ: - Nhớ... nhớ... Thừa thắng xông lên, Quý ròm quắc mắt ra oai: - Nhớ sao bây giờ mày đòi nghỉ học? - Tại mày chứ bộ! - Tiểu Long chống chế một cách khổ sở - Ai bảo mày nạt nộ hò hét om sòm chi! - Nhưng trước khi bắt đầu học, tao đã nói trước với mày rồi! Tao đã bảo học với tao thì phải học liên tục đến nơi đến chốn, dẫu gặp bất cứ chuyện gì cũng không được bỏ ngang, lúc đó mày không phản đối sao bây giờ lại giở quẻ? Quý ròm làm một tràng, giọng điệu hùng hồn không thua gì công tố viên đang buộc tội trước toà. Mặt Tiểu Long thoạt xanh thoạt đỏ. Đến lúc này, nó mới biết nó mắc mưu Quý ròm. Hóa ra cái thằng còm nhỏm còm nhom này đã giăng bẫy định "hãm hại" nó từ lâu. Bây giờ Tiểu Long mới hiểu cái từ "bất cứ chuyện gì" trong câu nói hôm trước của Quý ròm nhằm ám chỉ cái trò la lối nhặng xị mà Quý ròm thường "xử dụng" như một loại... đồ dùng dạy học. Sự ma mãnh của Quý ròm khiến Tiểu Long vừa tức lại vừa tức cười: - Thôi được rồi, tao sẽ giữ lời hứa! Bầu không khí căng thẳng trong phút chốc bỗng biến mất. Quý ròm mừng rơn: - Vậy chiều mai mày vẫn đến chứ? - Đến! Tiểu Long đáp gọn lỏn. Nó không nhắc gì đến chuyện Quý ròm quát tháo. Nhưng Quý ròm hiểu. Rằng nó cần phải giữ mồm giữ miệng nếu không muốn "tình thầy trò" ngày thêm sứt mẻ.
|
Chương 06
Chương 6 Quý ròm đã giữ lời. Buổi học chung thứ hai ngọt ngào như ướp mật. Không những không một tiếng quát, ngay cả một câu lớn giọng cũng không có. Thay vào đó là những tiếng thủ thỉ, rù rì nghe như tiếng gió reo trong lá. Quý ròm biến thành một con người khác, điềm đạm, trầm tĩnh, hệt như có một chiếc đũa thần vừa chạm vào người nó. Kể cả khi Tiểu Long không hiểu bài, cứ cãi chày cãi cối nó vẫn kiên nhẫn giảng đi giảng lại. Chẳng hạn khi học về hình chữ nhật, Quý ròm nói: - Một tứ giác có 3 góc vuông là hình chữ nhật. Tiểu Long cãi ngay: - Sao lại ba góc vuông? Bốn góc vuông chứ? - Thì ai chả biết hình chữ nhật có bốn góc vuông! - Quý ròm ôn tồn - Nhưng khi làm toán, mình chỉ cần chứng minh nó có ba góc vuông là đủ! Tiểu Long chớp mắt: - Thế ngộ nhỡ góc thứ tư nó không vuông thì sao? Bình thường gặp nhũng thắc mắc ngớ ngẩn như thế này, Quý ròm đã nổi cáu gắt ầm lên. Nhưng bữa nay, ông thầy nóng tính này đang quyết làm một cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy. Quý ròm không những không nổi nóng, lại còn mỉm cười rộng lượng: - Đâu? Mày thử vẽ một tứ giác có ba góc vuông và một góc không vuông tao xem nào! Tiểu Long lập tức cúi đầu hí hoáy. Nguệch ngoạc một hồi, nó ngước mắt lên, cười lỏn lẻn: - Ờ há! Nếu có ba góc vuông thì góc thứ tư nó cũng... tự động vuông theo! - Tao đã nói rồi mà mày không tin! Quý ròm khụt khịt mũi, vẻ giận dỗi. Nếu trước đây, đừng hòng moi được ở mồm nó một câu trách móc nhẹ nhàng như thế. Cứ vậy, buổi học trôi qua một cách nhẹ nhàng, êm ả, thật chả bù không khí náo loạn như có giặc trước đây. Cũng như lần trước, ngồi giảng bài mà cặp mắt Quý ròm cứ liếc chừng về phía cửa sau. Nhưng khác với tâm trạng nơm nớp lần trước, lần này Quý ròm mỏi mắt ngóng tìm hình bóng nhỏ Diệp cốt để khoe mẽ. Nhưng xui cho Quý ròm, chiều nay chả hiểu nhỏ Diệp đi đâu biệt tăm biệt tích. Từ khi Tiểu Long bước chân vô nhà cho đến lúc nó ôm tập đi ra, nhỏ Diệp chẳng một lần thấp thoáng. Quý ròm ức lắm. Lâu lâu, năm thì mười họa nó mới sắm vai tử tế trọn vẹn được một bữa, vậy mà nhỏ Diệp lại không có mặt để chứng kiến, thật hoài công! Mãi gần đến giờ cơm, Quý ròm mới bắt gặp nhỏ Diệp ở đâu đằng trước lững thững đi vô. - Mày đi đâu giờ này mới về? - Nghĩ đến công sức mình phải bỏ ra để nín nhịn Tiểu Long từ trưa đến giờ không được ai "thưởng thức", Quý ròm bực mình gắt. Nhỏ Diệp rụt cổ: - Em có đi đâu đâu! Mặt Quý ròm hầm hầm: - Không đi đâu mà biệt dạng từ trưa đến giờ? Nhỏ Diệp chỉ tay ra cổng: - Em chơi nhảy dây với mấy đứa bạn ngay đằng trước nhà đây mà! Biết mình mắng oan cô em, nhưng đang lỡ trớn, Quý ròm nạt luôn: - Mày thì lúc nào cũng dây với nhợ! Lớn tồng ngồng rồi mà cứ chơi trò con nít! Nhỏ Diệp "hứ" một tiếng: - Bọn con gái tụi em đứa nào chả chơi nhảy dây! Chứ không chơi nhảy dây thì biết chơi trò gì? Quý ròm không phải là con gái. Mà trước nay nó cũng chẳng để ý xem bọn con gái thường chơi trò gì. Vì vậy, bị vặn vẹo thình lình, nó ngớ người một hồi rồi ậm ừ: - Thiếu gì trò! Nhỏ Diệp lườm ông anh: - Như trò gì chẳng hạn? - Trò gì hả? - Quý ròm gãi gãi đầu - Như trò ngồi xem... anh mình dạy học chẳng hạn! - Ối trời ơi, cái đó mà gọi là trò! - Nhỏ Diệp bụm miệng cười hích hích - Mà chả cần xem em cũng biết anh dạy học như thế nào rồi! Quý ròm quắc mắt: - Dạy như thế nào? - Thì giống như anh đang quát em đây nè! - Nhỏ Diệp vừa đáp vừa bước lui, đề phòng sấm sét thình lình nổ ra. Sấm sét sém tí nữa nổ ra thật. Quý ròm nhích người tới và cung tay lên. Nhưng sau một thoáng ngần ngừ, nó lại bỏ tay xuống. Nhỏ Diệp đã không tin mình có thể giảng bài một cách ôn tồn, hòa nhã, nếu bây giờ mình tỏ ra dữ dằn với nó, nó lại càng không tin! Quý ròm nghĩ bụng và nó lặng lẽ quay vào phòng sau khi buông thõng một câu: - Để rồi xem! Khi nói như vậy, Quý ròm định bụng sẽ chứng minh cho nhỏ Diệp thấy là nó đã suy nghĩ về ông anh lệch lạc như thế nào. Buổi học kế tiếp, Quý ròm mừng rơn khi thấy nhỏ Diệp quanh quẩn trong nhà, chẳng đi đâu. Ôn bài xong, nó chạy xuống nhà sau phụ với bà lặt rau, bóc vỏ đậu, chốc chốc lại thò đầu lên nhà trên “quan sát” lớp học của ông anh. Giả bộ như không biết có người nhìn trộm, Quý ròm cắm cúi viết viết vẽ vẽ, vừa hí hoáy vừa kiên trì giảng bài cho Tiểu Long từng li từng tí, tất nhiên bằng âm điệu ngọt ngào nhất mà nó có thể có được. Sự thay đổi thái độ của Quý rờm khiến Tiểu Long vô cùng phấn khởi. Buổi học hôm trước, chính nhờ Quý ròm hướng dẫn từ tốn và nhẹ nhàng mà Tiểu Long hiểu bài được chút chút. Tiểu Long không ảo tưởng rằng nếu cứ học hành êm thắm như thết này, trước sau gì trình độ của nó cũng sẽ được cãi thiện. Nhưng cái mầm hy vọng của Tiểu Long vừa nhú lên chưa kịp đâm chồi nảy búp đã nhanh chóng bị ông thầy của mình vùi dập tơi tả. Quý ròm vẫn chứng nào tật nấy. Đã quyết kiềm chế mọi nóng nảy để Tiểu Long khỏi trách cứ và giận dỗi, để nhỏ Diệp phải trố mắt ngẩng ngơ nhưng rốt cuộc Quý ròm đã không thực hiện nổi ý định đệp đẽ của mình. Dường như đối với nó, đóng vai hiền lành được một buổi đã là quá sức. Tới buổi thứ hai, nó không còn chịu đựng nổi “công việc nặng nề” đó. Bảo nó dạy mà đừng hò hét khác nào bảo các vũ công nghe nhạc mà đừng nhịp chân. Nó cứ thấy bứt rứt thế nào. Thực ra thì trong mấy chục phút đầu, Quý ròm cũng đã cố nhỏ nhẹ lắm lắm. Những gì Tiểu Long không hiểu, nó tự bắt mình nhẫn nại giảng đi giảng lại cả chục lần. Trước những thắc mắc cực kỳ ngớ ngẩn của thằng bạn lờ khờ này, nó cũng sẵn sàng bấm bụng giải đáp không sót một câu. Nhưng đến khi học qua bài hình thoi, thì Quý ròm không còn giữ bình tĩnh nổi. Quý ròm định nghĩa: - Hình thoi là hình bình hành có hai cạnh kề bằng nhau. Vừa nòi Quý ròm vừa vẽ ra giấy một hình bình hành. Xong, nó bôi đi một khúc để hai cạnh đáy bằng với hai cạnh bên, rồi hỏi: - Mày có thấy ở hình bình hành này, các cạnh kề bằng nhau không ? Tiểu Long gật đầu: - Thấy. - Vậy đó là hình gì? Tiểu Long hít vô một hơi: - Hình bình hành. - Trời đất! – Quý ròm vò đầu, cố kiềm giọng – Tao mới vừa bảo mày hình bình hành mà có hai cạnh kề bằng nhau thì đó là hình thoi kia mà! Nhưng cái hình thoi vẽ trong sách đâu phải dậy! – Tiểu Long tròn mắt – Cái đỉn nó phải quay lên trên như đầu con diều giấy của tụi con nít thì mới đúng là hình thoi chứ? Nãy giờ giảng khô cả họng, Quý ròm đã bực. Giờ lại thấy tên học trò thì chậm mà lại ham cải bướng, nó hết dằn nổi, liền lớn giọng gầm gừ: - Vậy theo mày, cái hình này không phải là hình thoi phải không? Thấy mặt ông thầy bất thần đổi sắc, Tiểu Long hơi ngán. Nhưng nó vẫn cố biện bạch: - Thì là hình thoi! Nhưng khi nào đỉnh nó quay lên trời thì nó là hình thoi. Còn khi nó nằm ngang như thế này thì nó là… hình bình hành! - Hình bình hành cái đầu mày! Quý ròm nổi cơn lôi đình. Nó quên béng mất nó đang phải “trình diễn” một bộ mặt tươi tắn trước vị khán giả đang thập thò trong bóng tối là nhỏ Diệp. Giọng Quý ròm tiếp tục bốc lửa: - Nếu nó đã là hình thoi thì dù quay tới quay lui quay xuôi quay ngược gì nó cũng cứ là hình thoi! Cũng như mày đã là thằng Tiểu Long thì dù có nằm ngang nằm ngửa hay thậm chí chúc đầu mày xuống đất, mày cũng vẫn là thằng Tiểu Long chứ chẳng thể biến thành… thằng Quý ròm được! Thấy Quý ròm đột nhiên hét sùi bọt mép, lại lôi mình ra quay vòng vòng để làm ví dụ, Tiểu Long ức lắm. Nếu như bữa trước, gặp cảnh này, nó đã xô ghế đứng dậy bỏ về rồi. Nhưng sáng hôm qua, Quý ròm mới nhắc nó về cái vụ ngoéo tay cam kết học chung. Đó là chưa kể cái điều khoản oái ăm “không được bỏ học dù xảy ra bất cứ chuyện gì” mà ngay từ hôm “khai giảng” Quý ròm đã tinh quái đề ra để “trói tay trói chân” nó. Tiểu Long biết mình mắc bẫy thằng ròm, nhưng nó không muốn nuốt lời, mặc dù Quý ròm nuốt lời lia lịa. Quý ròm hứa sẽ không quát tháo nhưng nó chỉ giả vờ êm ái được có một ngày, sau đó nó quát còn lớn hơn. Nhưng Quý ròm là “nhà ảo thuật”, Tiểu Long không muốn so bì với nó. Tiểu Long là một võ sĩ. Người luyện võ bao giờ cũng trọng tín nghĩa. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, đó là tinh thần của người hiệp sĩ mã thượng. Chính vì cái tinh thần “một lời đã nói, bốn ngựa khó theo” đó mà hôm nay Tiểu Long mím môi ngồi im, mặc cho Quý ròm nói hành nói tỏi. Tất nhiên Quý ròm chẳng biết thằng bạn mình đang nghĩ gì trong đầu. Miễn thấy Tiểu Long không trở chứng đòi về là nó khoái rồi. - Hiểu chưa hả, ngốc tử? Quý ròm khịt mũi. Nó chẳng buồn e dè hay giữ kẻ nữa. - Hiểu. Tiểu Long gật đầu bừa. Kể từ giây phút đó, Quý ròm hỏi gì, Tiểu Long cũng la “hiểu”, mặc dù nó chả hiểu gì sất. Đầu nó cứ ong ong như có hàng chục con ruồi đang bay ở trỏng. Có tài thánh Quý ròm mới biết được điều đó. Nó sướng rên trong bụng khi thấy mình giảng tới đâu, tên học trò to xác của mình mau mắn gât đầu tới đó. Chỉ đến cuối buổi học, kêu Tiểu Long nhắc lại những định lý, thấy thằng này ngẩn tò te, Quý ròm mới bật ngửa. - Trời ơi là trời! Đất ơi là đất! – Quý ròm đưa tay vò đầu, miệng mếu xệch – Nãy giờ cái tay lừa của mày để đâu, sao không chịu vểnh lên nghe tao giảng hở trời? - Thì tao vẫn để trên đầu chứ đâu! Tiểu Long nén giận, đáp. Miệng nó cũng mếu xệch không thua gì miệng Quý ròm.
|
Chương 07
Chương 7 ĐẾN LÚC NÀY THÌ TIỂU LONG BIẾT là chẳng thể trong mong gì vào quyết tâm thay đổi của Quý ròm. Tiểu Long chẳng lạ gì tính nết của thằng bạn mình. Quý ròm mặt nào cũng được, lại rất tốt với bạn bè, chỉ có mỗi tật ưa càu nhàu, cáu gắt. Cái tật đó ăn sâu vào người Quý ròm đến nổi nó đã hứa tới hứa lui với Tiểu Long bao nhiêu lần rằng sẽ không bao giờ lớn tiếng khi kèm cho Tiểu Long học nữa, vậy mà rốt cuộc “mèo vẫn cứ hoàn mèo” Năm, sáu buổi học chung gần đây, Quý ròm đã không buồn sắm vai hiền từ, nho nhã nữa. Bữa nò nó cũng gắt om lên . Mà nó càng gắt, Tiểu Long càng quíu, càng thấy các hình vẽ quay tít mù, cạnh với góc cứ lẫn lộn và rối tung cả lên. Và Tiểu Long càng rối thì Quý ròm lại càng gắt. Thoạt đầu thì Tiểu Long nín nhịn nhưng bị Quý ròm quát tháo một hồi, nó nổi khùng vặc lại. Thế là buổi học ồn lên như cái chợ và cuối cùng bao giờ cũng kết thúc bằng cảnh cả thầy lẫn trò ngã người ra ghết thở dốc nhìn nhau. Tất nhiên trình độ toán học của Tiêu Long chẳng thể nào nhích lên nổi trong một “lớp học” lúc nào cũng sôi sùng sục như sắp sửa nổ tung ra như vậy. Tiểu Long thừa biết điều đó. Nhưng nó không bỏ học. Mỗi tuần ba buổi, chiều nào nó cũng ôm tập đến nhà Quý ròm một cách đều đặn. Danh dự của nhà võ không cho phép nó đơn phương hủy bỏ lời cam kết học chung. Hơn nữa, nó cũng không muốn làm bạn mình buồn. Dù sao Quý ròm cũng rất là tốt với nó. Quý ròm thực tăm muốn giúp nó học hành tiến bộ. Mỗi tuần bỏ ra ba buổi để kèm nó học, đối với một đứa làm biếng có hạng như Quý ròm không phải là một điểu đơn giản. Chỉ có điều, tính tình nóng nảy và tật gắt gỏng đã ngăn cản Quý ròm đạt được mục đích. Trái lại, đôi khi còn khiến Tiểu Long tức anh ách. Tiểu Long tức nhất là ngồi học với Quý ròm đã bị bạn rầy la, về nhà lại bị mấy ông la rầy. Thỉnh thoảng giở tập Tiểu Long ra kiểm tra, anh Tuấn và anh Tú lại ngỡ ngàng kêu lên: - Em đi học thêm cả nửa tháng nay sao điểm số chẳng nhích lên lấy một tẹo nào vậy hả ? Nhưng lúc đó Tiểu Long chỉ biết ú ớ. Nó chẳng thể kể tội bạn mình, đành bỏ mặt ngồi im. Hai ông anh lại càng nghi: - Em có đi học thêm thật không đấy? Hay lại đi chơi? - Thật chứ sao lại không thật! - Tiểu Long tự ái mím môi – Không tin, các anh cứ đi hỏi Quý ròm xem! Thấy Tiểu Long lộ vẻ bất bình, hai ông anh thôi không hạch sách nữa. Hết anh Tuấn anh Tú, lại tới nhỏ Oanh. - Anh Long nè! - Gì? - Nghe nói anh Quý giỏi toán lắm phải không? - Ừ. Tiểu Long phấp phỏng đáp, không hiểu sao nhỏ Oanh tự dưng lại quan tâm đến “đề tài” này. Quả như Tiểu Long lo lắng, nhỏ Oanh đột ngột “quẹo cua”: - Mấy tuần nay anh Quý kèm anh học, vậy chắc bây giờ anh cũng giỏi toán lắm rồi chứ gì? Câu hỏi cắc cớ của nhỏ Oanh khiến Tiểu Long giật thót. Nó gãi cổ, ấp úng: - Học toán chứ phải học… ăn đâu mà nhoáng một cái đã giỏi ngay được! Nhỏ Oanh liếm môi: - Thì không giỏi nhiểu cũng giỏi chút chút chứ? Đang rầu rỉ về chuyện học thêm, lại thấy nhỏ Oanh cứ quanh quẩn tới hỏi tới lui “giỏi” với “không giỏi”, Tiểu Long đâm bực: - Nhưng mày thắc mắc chuyện này chi vậy? Tao học thêm chứ có phải mày học thêm đâu! Nhỏ Oanh cười cầu tài: - Nhưng em có một bài toán khó lắm, định nhớ anh giải dùm em! Nghe thấy chữ “toán”, Tiểu Long đã “hết (hết trang 114 – 115) muốn sống”, lại nghe thêm chữ “khó lắm” nữa, nó càng muốn xỉu. Họ thêm với Quý ròm đâu có nghĩa là biến ngay thành Quý ròm, sao con nhỏ này nó ngốc thế nhỉ! Nó cứ làm như mình là “thần đồng toán” không bằng! Tiểu Long ngán ngẩm nhủ thầm nhưng ngoài mặt nó vẫn làm bộ thản nhiên: - Sao mày không nhờ anh Tuấn hoặc anh Tú giả? Mọi khi mày vẫn nhờ kia mà! - Nhưng lần này em không dám! - Nhỏ Oanh rụt cổ - Em mà mở miệng thế nào cũng bị la! Tiểu Long trố mắt: - Tap chả hiểu gì cả! - Như thế này này! - Nhỏ Oanh nhăn nhó giải thích – Đây không phải là bài toán mới! Bài toán này thầy em đã cho ba, bốn tuần nay rồi, và thầy cũng đã giảng rồi… Tiểu Long ngạc nhiên, không đợi nhỏ Oanh nói tiếp: - Thầy mày đã giảng rồi sao bây giờ mày lại nhờ tao giảng nữa? - Thì thầy em đã giảng, còn cho chép cả bài giải nữa! - Nhỏ Oanh nuốt nước bọt – Nhưng em vẫn chả hiểu tẹo nào cả! Càng nghe nhỏ Oanh “quảng cáo” bài toán, Tiểu Long lại càng hốt. Mặc dù đây là toán lớp năm, nhưng hóc búa đến mức thầy giảng xong mà học trò vẫn ù ù cạc cạc thì cỡ Tiểu Long chưa chắc đã hiểu nổi. Tiểu Long lo lắm. Nhưng nó chưa kịp nghĩ ra cách gì thoái thác thì nhỏ Oanh đã chạy vụt lại bàn học lục cặp lôi cuốn tập toán ra. Liếc lại đằng sau, thấy nhỏ Oanh cầm cuốn tập huơ huơ, Tiểu Long có cảm giác như nhỏ em mình đang huơ… gươm, bất giác nó rùng mình thót bụng lại. Nhỏ Oanh không hề biết gì về tâm trạng thắc thỏm của ông anh. Nó cầm cuốn tập lại, giở ngay trang có “bài toán khó lắm”, hí hửng chìa tới trước mặt Tiểu Long: - Bài này nè ! Hết đường rút lui, Tiểu Long đành nhìn vào trang vở,nhẩm đọc đề toán, hy vọng cách đây ba, bốn năm mình đã từng làm qua bài toán này rồi. Nhưng càng đọc, trán Tiểu Long càng vã mồ hôi. Bài toán trước mặt nó chẳng có vẻ gì là quen thuộc cả. Lại khó ơi là khó! Cứ thể như toán lớp mười bị in nhầm vào sách lớp năm vậy! Tưởng mình bị hoa mắt, Tiểu Long quay mặt ra ngoài trời một hồi rồi lại nhìn vào tập. Nhưng trước mắt nó, cái đề toán vẫn y như cũ, nghĩa là vẫn khiến nó “hết muốn sống”: “Một người bán trứng, bán lần thứ nhất nửa số trứng người đó có và 0,5 quả trứng. Lần thứ hai bán nửa số trứng còn lại và 0,5 quả trứng. Lần thứ ba…” Đây chính là bài toán hôm trước nhờ Quý ròm giải và bị Quý ròm doạ cắt đầu liệng vào nồi nước sôi. Nhưng Tiểu Long không phải là Quý ròm. Nó nhìn vào đề toán như nhìn vào một cái hang đen ngòm, chẳng biết đường vào ngõ nào, lối ra ở đâu. Đọc tới phần bài giảng phía dưới, Tiểu Long càng hoang mang tợn. Toán tiếc cái quái gì mà đọc xong lời giải vẫn thấy đầu óc sáng ra được tí ti công cụ nào! Cứ như là thể là đánh đố ấy! Hèn gì nhỏ Oanh đã học qua gần cả tháng vẫn cú ấm a ấm ức nhờ nó giảng lại! Trong khi Tiểu Long mắt hoa mày váng thì nhỏ Oanh vẫn luôn miệng giục: - Sao, anh giảng được chứ? - Tất nhiên là được! - Tiểu Long cố nói cứng. Nhỏ Oanh nhìn Tiểu Long lom hom: - Được sao anh ngồi im vậy? - Thì từ từ đã! - Tiểu Long tìm cách câu giờ - Giờ tao phải đi công chuyện! Tối về tao giảng cho!. Khi nói như vậy, Tiểu Long định bụng sẽ chạy qua hỏi Quý ròm. Nhỏ Diệp học cùng lớp với nhỏ Oanh, chắc chắn trong tập nhỏ Diệp thế nào cũng có bài toán chết toi này. Tiểu Long ngán cái tật la lối của Quý ròm tới tận cổ nhưng trong trường hợp oái ăn như thế này, không níu áo thằng ròm đó không xong! Nhỏ Oanh có tài thánh mới đọc được mưu tính trong đầu ông anh. Nó hồn nhiên gấp tập lại: - Nhớ đấy nhé! Anh đi lẹ đi rồi về giảng cho em! Tiểu Long không nói không rằng. Nó lui cui dắt xe đạp ra khỏi nhà, bụng lo ngay ngáy không biết giờ này Quý ròm còn ngồi ở nhà hay đang chạy chơi đâu. Đang phải vội vả, suýt chút nữa Tiểu Long đã ui phải nhỏ Hạnh đang lững thửng đạp xe từ ngoài đầu hẻm đi vô. Nó lật đật thắng kít xe lại, ngạc nhiên hỏi: - Hạnh đi đâu đây? Nhỏ Hạnh chống chân xuống đất: - Hạnh định ghé Long hỏi mượn cuốn lịch sử! Cuốn lịch sử của bạn mình, Long giữa phải không? - Ừ! - Tiểu Long gật đầu – Để tôi vào lấy đưa Hạnh! Đến lúc này, nhỏ Hạnh mới sực nhớ bạn mình đang chuẩn bị đi đâu đó, liền áy náy hỏi: - Long định đi đâu hả? - Tôi định qua nhà Quý ròm! Tiểu Long quay đầu xe, vội vã đáp nhanh. Nó sợ nhỏ Hạnh hỏi tới. Không ngờ nhỏ Hạnh hỏi tới thật: - Long qua nhà Quý chi vậy? - Qua chơi vậy thôi! Tiểu Long đáp, giọng cố tỏ ra hờ hững. - Hạnh không tin! - Nhỏ Hạnh “xì” một tiếng - Người ta chỉ đi chơi vào đầu giờ chiều hoặc sau bữa cơm tối thôi. Chẳng ai đi chơi vào lúc chạng vạng này cả! - Thì tất nhiên cũng có tí chuyện! - Biết không thể qua mắt được nhỏ bạn tinh quá này, Tiểu Long đành ấp úng đáp xuôi theo. - Long định nhờ Quý giải toán giùm chứ gì? - Nhỏ Hạnh bất ngờ hỏi thẳng. Tiểu Long giật mình: - Sao Hạnh biết? Câu hỏi thực thà của Tiểu Long chẳng khác nào một lời thú nhận. Nhỏ Hạnh mỉm cười: - Hạnh chỉ đoán vậy thôi! Nhưng mà đúng không? - Ừ thì cũng có một bài kho khó! - Tiểu Long bối rối đưa nắm tay quệt mũi. - Nếu vậy Lon khỏi cần chạy qua nhà Quý làm gì cho xa! - Nhỏ Hạnh ân cần nói – Để lát vào nhà Hạnh chỉ giùm cho! Lời đề nghị của nhỏ Hạnh khiến Tiểu Long mừng rơn. Nhỏ Hạnh giỏi toán không kém gì Quý ròm, lại ăn nói ôn tồn hoà nhã, thật chẳng hiểu có chút gì giống với miệng lưỡi của thằng ròm kia. Trước đây, Tiểu Long lần nào cũng có cảm kích về sự kiên nhẫn của bạn mình. Người ta thông minh “nói một hiểu mười” trong khi Tiểu Long toàn ngược lại. Nhỏ Hạnh giảng mười nó chỉ hiểu được một. Nhưng nhỏ Hạnh chẳng bao giờ nổi nóng, mặc dù lần nào giảng bài cho Tiểu Long mặt nó cũng đỏ gay vì phải nói nhiều. Nó vừa đưa tay lau mồ hôi vừa kiên trì giảng giải tới lui kỳ cho đến khi Tiểu Long hiểu được mới thôi. Nhỏ Hạnh tuyệt vời là thết nhưng Tiểu Long chẳng bao giờ nghĩ đấn chuyện học chung với nó. Nhỏ Hạnh dù sao cũng là con gái, tự dưng hạ mình tôn nó làm “thầy” thì quả là ngượng miệng. Chính vì ý nghĩ đó mà Tiểu Long thà đưa mặt cho Quý ròm xài để chứ nhất định không chịu chạy đi nhờ vả cô bạn đáng yêu của mình. Hôm nay lại khác. Hôm nay nhỏ Hạnh đi tìm nó chứ không phải nó đi tìm nhỏ Hạnh. Và cũng chính nhỏ Hạnh mở miệng đề nghĩ “xin” được giải toán cho nó chứ nó cũng không hề lên tiếng “cầu cứu”. Do đó, sau khi về nhà, Tiểu Long hăng hái lục tìm cuốn tập của nhỏ Oanh, giở bài toán khi nãy ra cho nhỏ Hạnh xem: - Bài này nè! Nhỏ Hạnh liếc qua bài toán rồi ngồi trước mắt nhìn Tiểu Long, mặt chưng hửng: - Toán lớp năm mà? Đang hào hứng, Tiểu Long quên béng mất chuyện đó. Nghe nhỏ Hạnh thắc mắc, nó sực nhớ, liền đỏ mặt: - Ừ, đây là bài toán của nhỏ Oanh! - Rồi ngượng nghịu nói thêm – Nhưng khó lắm! Nhỏ Hạnh nhìn vào tập, lại “ủa” thêm một tiếng: - Bài này đã được giải được rồi kia mà? - Thì trên lớp thầy nhỏ Oanh đã giải rồi! - Tiểu Long lúng túng đưa tay quệt mũi – Nhưng nó vẫn không hiểu! Nó hỏi tôi, tôi cũng… không hiểu nốt! Thấy mặt bạn mình có vẻ ngượng ngập, nhỏ Hạnh liền gật gù tặc lưỡi: - Đây là đề toán thi học sinh giỏi toàn quốc, không phải toán bình thường đâu! Nghe vậy, Tiểu Long hớn hở thở phào: - Hèn gì! Đúng lúc đó nhỏ Oanh từ đằng sau bếp đi lên. - A, chị Hạnh! – Nó reo lên - Chị mới tới hả? - Ừ, chị tới mượn anh Long cuốn sách! Nhỏ Oanh liếc Tiểu Long: - Anh bảo đi công chuyện gì đó, giờ có đi không? Tiểu Long lắc đầu: - Thôi không đi nữa! - Rồi nó ngó lơ chỗ khác, chép miệng tiếp - Sẵn chị Hạnh tới chơi, để tao nhờ chỉ giảng bài cho mày luôn! - Ối, hay quá! Nhỏ Oanh sung sướng reo. Từ lâu nó đã nghe đồn chị Hạnh là “siêu học sinh”, là “nhà thông thái” số một của trường Tự Do. Đượoc chị giảng bài cho thì còn gì bằng! Chắc chắn là ăn đứt các ông anh của nó! Đang phấn khởi, nhỏ Oanh không còn bụng dạ nào để thắc mắc tại aso khi có chị Hạnh tới giảng bài giùm thì ông anh của mình chẳng buồn đi “công chuyện” gì gì đó nữa.
|
Chương 08
Chương 8 Nhỏ Hạnh rất thắc mắc về Tiểu Long . Hôm giảng bài toán về những quả trứng, nhỏ Hạnh ngạc nhiên thấy nhỏ Oanh hiểu những ngoắt ngoéo của bài toán nhanh hơn nhiều so với ông anh của mình . Tất nhiên trước mặt cô em, nhỏ Hạnh không tiện mở miệng kiểm tra sự tiếp thu của ông anh nhưng mỗi lần giảng tới chỗ khó, nó kín đáo đưa mắt nhìn Tiểu Long ra ý hỏi thì thấy thằng này cứ ngồi trơ mắt ếch . Thực ra, nhỏ Hạnh làm gì chẳng biết Tiểu Long rất kém toán . Nhưng cả mấy tuần nay, Quý ròm cứ bô bô khoe với nhỏ Hạnh rằng nó đang kèm cho Tiểu Long học . Mà được một đứa "siêu toán" như Quý ròm kèm cặp thì không có lý gì Tiểu Long cứ ì à ì ạch mãi được ! Vậy mà theo như nhỏ Hạnh quan sát thì Tiểu Long dường như chẳng khá lên được tẹo nào . Bữa đó, sau khi giảng xong bài toán bán trứng, đợi nhỏ Oanh cất tập và đi ra phía sau, nhỏ Hạnh làm bộ tình cờ nhắc tới những công thức và những định lý mới học trên lớp, rồi sau đó nó vờ quên, nhờ Tiểu Long nhắc dùm . Dĩ nhiên là Tiểu Long ngồi thộn ra như thằng bù nhìn rơm . Tới lúc này thì nhỏ Hạnh biết chắc những ngờ vực của mình quả không lầm . Nó ngỡ ngàng hỏi : - Bộ Long không nhớ gì về những điều thầy Hiếu giảng hết sao ? Tiểu Long gãi đầu, bối rối : - Ừ, không hiểu sao tôi cứ quên béng hết cả ! Nhỏ Hạnh chớp mắt : - Nhưng dạo này Long đang học thêm với Quý kia mà ? - Ừ . Tiếng "ừ" của Tiểu Long không có một ý nghĩa gì rõ rệt . Nhỏ Hạnh cau mày : - Thế sao ... Nhỏ Hạnh ngập ngừng không nói hết câu , nhưng Tiểu Long thừa hiểu bạn mình muốn nói gì . Nó nhìn ra cửa, thở dài : - Học với Quý ròm cũng như không ! Lời than thở của Tiểu Long khiến nhỏ Hạnh ngơ ngác : - Sao lại như không ? Quý giỏi toán lắm kia mà ? Tiểu Long thu nắm tay quẹt mũi : - Quý ròm giỏi thì giỏi thật, nhưng nó quát tháo ghê quá! Nghe nó quát một hồi, chữ nghĩa chạy đi đâu hết ráo! Nhỏ Hạnh cố nén cười: - Nhưng nếu vậy sao Long theo học với Quý lâu thế? Gần những cả tháng kia mà? - Tôi không muốn nghỉ, sợ Quý ròm buồn! - Tiểu Long chép miệng - Hơn nữa, trước khi học Quý ròm đã ra điều kiện "dù gặp bất cứ chuyện gì cũng không được bỏ ngang", bây giờ muốn thoái lui cũng không được! Nghe tới đây, nhỏ Hạnh không nhịn được liền phì cười. Nó chưa thấy ai ranh ma như Quý ròm. Biết mình không thể nào bỏ được tật la lối, liền láu lỉnh công bố một thứ "nội qui" không giống ai để bắt chẹt Tiểu Long. Nhỏ Hạnh cũng không thấy ai thật thà như Tiểu Long. Trước một điều kiện khả nghi như thế cũng không hề phản đối hoặc hỏi cho ra lẽ, cứ nhắm mắt nhắm mũi chấp nhận bừa để bây giờ than dài thở vắn. Cười đã, ngoảnh lại thấy Tiểu Long ngồi buồn xo, nhỏ Hạnh vội lên tiếng an ủi: - Thôi Long đừng buồn nữa! Để Hạnh chỉ cho Long học! Tiểu Long như không tin vào tai mình: - Hạnh kèm cho tôi học? - Ừ. Đề nghị bất ngờ của nhỏ Hạnh làm Tiểu Long ngẩn ngơ. Nó quên béng mất chuyện nhỏ Hạnh là... con gái. Một nỗi ấm áp len vào tim nó. Nhưng khi niềm phấn khích qua đi, Tiểu Long buồn bã lắc đầu: - Không được đâu! - Sao không được? - Nhỏ Hạnh tròn mắt. Tiểu Long nuốt nước bọt: - Tôi đã lỡ ngoéo tay với Quý ròm rồi, không thể bỏ nó để quay sang học với Hạnh được! - Long khờ ghê! - Nhỏ Hạnh nhăn mũi - Hạnh có bảo Long thôi học với Quý đâu! Rồi xòe bàn tay ra trước mặt Tiểu Long, nhỏ Hạnh vừa đếm vừa chậm rãi giải thích: - Đây nè! Thứ ba, thứ năm, thứ bảy Long học với Quý. Còn những chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu Long học với Hạnh! Sao, như vậy được không? Nghe nhỏ Hạnh sắp xếp như vậy, Tiểu Long đã định gật đầu nhưng đến phút chót bỗng dưng nó lại đổi ý: - Cũng không được! Tôi không thể học với Hạnh được! - Sao lại vẫn không được? - Nhỏ Hạnh chưng hửng - Một ngày Long học với Quý, một ngày Long học với Hạnh kia mà? - Thì vậy! - Tiểu Long nhăn nhó - Nhưng tôi không thể chiều nào cũng ôm tập đi học thêm được! Nhà tôi vắng người, tôi phải ở nhà trông em và thỉnh thoảng đi lấy hàng cho mẹ! Tiểu Long giải thích một cách khổ sở. Từ chối lòng tốt của bạn, nó cảm thấy áy náy làm sao! Hơn nữa, nó còn sợ nhỏ Hạnh giận mình. Nhưng nhỏ Hạnh chỉ cười xòa: - Tưởng gì! Hạnh có bắt Long phải tới nhà Hạnh học đâu! Mỗi tuần ba buổi, Hạnh sẽ tới nhà Long! Bữa đó, cho đến lúc nhỏ Hạnh ra về, Tiểu Long vẫn chẳng nói được một câu ra hồn. Thái độ của nhỏ Hạnh khiến nó cảm động đến mức không còn giữ được vẻ tự nhiên. Hóa ra bạn gái là thế! Nó dịu dàng hơn bạn trai gấp tỉ tỉ lần! Thật chả bù với thằng Quý ròm lúc nào cũng om sòm ầm ĩ cứ như thể trời sập đến nơi! Tôn một đứa con gái nhiệt tình và tử tế như nhỏ Hạnh lên làm "sư phụ" xét ra cũng không có gì quá đáng! Vả lại, đây là nó tự nguyện xin kèm cho mình học chứ mình có làm "đơn xin nhập học" nộp cho nó đâu! Trước khi bắt đầu học với "cô giáo Hạnh", Tiểu Long đã tự trấn an mình như thế và nó rất lấy làm hài lòng với ý nghĩ hay ho đó. Quý ròm dĩ nhiên không hề hay biết gì về chuyện Tiểu Long học thêm với nhỏ Hạnh. Sợ Quý ròm tự ái, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã thỏa thuận với nhau không để lộ chuyện này cho bất kỳ một ai. Với Quý ròm, lại càng giấu biến. Vì vậy Quý ròm như nở từng khúc ruột khi thấy tên học trò chậm chạp của mình bỗng dưng tiến bộ vượt bực. Những buổi học chung gần đây, Quý ròm giảng đến đâu Tiểu Long hiểu đến đó y như thể nó vừa uống thuốc tiên vậy. Thoạt đầu nói câu gì thấy Tiểu Long cũng gật, Quý ròm không yên bụng, tưởng nó giở mửng cũ, hiểu hay không gì cũng gật tuốt. Nhưng đến khi kiểm tra lại sự thành thực của học trò bằng cách hỏi vặn hỏi vẹo đủ kiểu, hỏi kiểu nào thấy Tiểu Long cũng đáp ro ro, Quý ròm mới thật yên dạ. Nó sung sướng nhận xét: - Mày khá lên thấy rõ rồi đấy! Lần đầu tiên được "thầy" khen, Tiểu Long thích lắm. Nó cảm thấy người mình lâng lâng như đang bay bổng. Quý ròm lại gật gù: - Lúc về nhà, mày coi lại bài kỹ lắm phải không? - Ừ, kỹ lắm! - Tiểu Long hùa theo - Hôm nào tao cũng học đến tận tối mịt! - Mày cố gắng như vậy là tốt! - Quý ròm lên giọng "sư phụ" - Cứ cái đà này chẳng bao lâu mày sẽ học giỏi ngang tao với nhỏ Hạnh cho mà xem! Thấy Quý ròm bắt đầu giở giọng huênh hoang, Tiểu Long buồn cười quá xá nhưng ngoài mặt nó vẫn giữ vẻ nghiêm trang: - Ừ, tao sẽ cố! Thái độ ngoan ngoãn của tên học trò khiến ông thầy cười tít mắt. Quý ròm không ngờ mình có khiếu dạy học đến thế. Tiểu Long vừa giỏi lại vừa ngoan. Mà nào có lâu la gì, mình chỉ mới kèm cho nó học chỉ hơn một tháng rưỡi chứ mấy! Càng ngẫm nghĩ, Quý ròm càng phục mình. Càng phục mình, nó càng ba hoa. Ngả người vào lưng ghế, Quý ròm nheo mắt nhìn Tiểu Long, hắng giọng hỏi: - Bây giờ mày có công nhận phương pháp giảng dạy của tao hiệu quả chưa? - Công nhận! - Tiểu Long tặc lưỡi. Không để ý đến vẻ mặt thờ ơ của tên học trò, Quý ròm hí hửng "phỏng vấn" tiếp: - Vậy mày có công nhận nhờ tao... quát tháo nên mày mới cố học và đạt được tiến bộ như bây giờ không? Ngay từ khi Quý ròm vừa mở "máy nổ", Tiểu Long đã định bụng nó nói nhăng nói nhít gì mặc xác, mình cứ gật đầu bừa cho xong. Nhưng không ngờ Quý ròm được đằng chân lân đằng đầu. Nó hỏi cắc cớ kiểu đó, Tiểu Long không biết phải phản ứng ra sao. Chính cái trò nạt nộ bắng nhắng của Quý ròm trước đây khiến Tiểu Long bữa nào ngồi học đầu óc cũng quay tít thò lò như cối xay thóc, người cứ hừng hực như sắp lên cơn sốt. Nếu không nhờ nhỏ Hạnh "ra tay nghĩa hiệp", giờ này chắc Tiểu Long vẫn còn học hành ì ạch như trâu nghé kéo cày và còn bị mấy cái hình thang, hình thoi chết tiệt kia làm khổ dài dài. Vậy mà bây giờ Quý ròm bắt Tiểu Long phải lớn tiếng ca ngợi "công trạng" của cái trò quát tháo đinh tai đó thì quả là o ép thằng bạn của mình quá. Để bảo vệ bí mật về chuyện học chung giữa nó và nhỏ Hạnh, Tiểu Long sẵn sàng nói dối Quý ròm mọi thứ. Nhưng nói dối đến mức ngoác miệng bảo "nhờ mày quát tháo tao mới giỏi giang" thì Tiểu Long cảm thấy lương tâm cắn rứt quá xá. Hỏi một hồi thấy Tiểu Long không đáp, mặt mày lại nhăn nhăn nhó nhó, Quý ròm sốt ruột: - Sao, tao nói có đúng không? - Ờ... ờ... - Tiểu Long ấp úng một cách khổ sở. Thấy tên học trò ngoan ngoãn tự dưng giở quẻ, Quý ròm điên tiết: - Đúng thì nói đúng, sai thì nói sai chứ "ờ, ờ" cái gì! Sao, đúng không? Quý ròm đột ngột gầm lên khiến Tiểu Long hoảng vía. Nó lật đật gật đầu như cái máy: - Đúng... đúng... - Đúng thì nói đúng đại từ đầu cho rồi, còn bày đặt ngẫm nghĩ! - Quý ròm khoái chí cười toe. Tiểu Long dở cười dở mếu. Cuối cùng chẳng biết làm sao, nó đành toét miệng cười phụ họa. Chứ chẳng lẽ ông thầy đang ngồi cười hề hề mà học trò lại nhăn răng ra khóc?
|
Chương 09
Chương 9 TỪ NGÀY NHỎ HẠNH ĐẾN NHÀ “phụ đạo”, trình độ của anh em Tiểu Long tăng tiến hẳn. Sở dĩ nói bốn chữ “anh em Tiểu Long” bởi vì không chỉ ông anh mà cả cô em cũng tranh thủ nhờ “cô giáo” dễ mến này giảng giải biết bao nhiêu là thứ. Hễ thấy nhỏ Hạnh kêu Tiểu Long ngồi vào học, bao giờ nhỏ Oanh cũng lấy tập của mình ra ngồi kế bên, chốc chốc lại quay sang hỏi: - Chị Hạnh ơi! Hai số tự nhiên có tích bằng 50 thì chúng có phải là những đại lượng tỉ lệ nghịch không? - Chị Hạnh ơi! Chị có biết bài toán “một con vịt trời đang bay gặp một đàn vịt trời” không? Lát chị chỉ dùm em nhé! Chưa bao giờ nhỏ Hạnh từ chối một yêu cầu nào của nhỏ Oanh. Trước cặp mắt đen láy, mở to chờ đợi của cô em gái của bạn mình, bao giờ nhỏ Hạnh cũng dễ dãi gật đầu và sau đó thế nào nó cũng tận tình giảng giải cho đến chừng nào nhỏ Oanh thông suốt hết mới thôi. Nhỏ Oanh không chỉ dừng lại ở môn toán. Có những hôm nó “lấn” sang các “lãnh vực” khác: - Chị Hạnh ơi! “Mưa! Mưa!” là câu rút gọn hay câu đặt biệt hả chị? Và kể cả trong những trường hợp như vậy, “cô giáo” Hạnh cũng luôn luôn làm nó thỏa mãn. Nhỏ Hạnh biết nhà Tiểu Long khó khăn hơn nhà mình và nhà Quý ròm. Cả nhà Tiểu Long đều làm lụng vất vả, kể cả hai ông anh phải nghỉ học bất đắc dĩ từ năm lớp chín. Mỗi buồi chiều, Tiểu Long và nhỏ Oanh vừa trông nhà vừa phụ đi lấy hàng cho mẹ. Nhỏ Oanh là con gái, lại phải làm việc nhà thay mẹ. Mà việc nha thì bao nhiêu là thứ, chỉ nghĩ đến thôi nhỏ Hạnh đã phát khiếp. Ở nhà nhỏ Hạnh, mọi việc đã có dì Khuê làm giúp nên nó chả phải động tay động chân, chỉ lo học. Vậy mà nhỏ Oanh bé xíu kia, trạc cỡ tuổi với thằng Tùng em nó chứ mấy, đã phải cáng đáng hết mọi chuyện trong nhà khiến nó phục lăn. “Trách nhiệm” của nhỏ Oanh nặng nề như vậy thì lấy đâu ra thì giờ để đi học thêm như những đứa trẻ ham học khác? Mà nếu sắp xếp được giờ giấc thì không chắc bố mẹ của Tiểu Long sẽ dễ dàng lo liệu được khoản họcc phí cho con mình! Nhỏ Hạnh xao xuyến nhủ bụng và vì thế nó cảm thấy xung sướng khi được giúp đỡ cho cô em vất vả của bạn mình. Sự hiện diện của nhỏ Hạnh vào những chiều ngày chẵn khiến căn nhà lụp xụp của Tiểu Long ấm áp hẳn lên. Tính tình dịu dàng của nó khiên mẹ của Tiểu Long rất quý mến. Nhỏ Oanh thì khỏi nói, càng ngày nó càng quyến luyến “cô giáo” Hạnh, lúc nào cũng lăng xăng quanh chỗ nhỏ Hạnh ngồi. Tiểu Long tất nhiên là rất hài lòng về bạn mình. Nói chung, với nhỏ Hạnh, mọi cái điều đáng điểm mười. À, nhưng không, vẫn còn một “điểm yếu” nho nhỏ. Hôm “khai giảng” lớp học thêm, Tiểu Long pha một ly nước chanh đặt trước mặt nhỏ Hạnh để bạn mình vừa giảng bài vừa “thấm giọng”. Nhưng nhỏ Hạnh chỉ uống đâu được hai, ba hớp. Đến khi Tiểu Long cúi đấu hí hoáy làm bài, bỗng nghe một tiếng “xoảng”, nó giật mình ngẩng đầu lên, thấy “cô giáo” mặt mày xanh lè xanh lét. Chiếc ly trên bàn biến mất. Còn dưới chân nhỏ Hạnh nước đổ lênh láng, mảnh thủy tinh văng tứ tung. - Hạnh… Hạnh… Nhỏ Hạnh ấp úng, mặt từ xanh chuyển qua đỏ. Tiểu Long mỉm cười trấn an: - Hạnh đừng lo! Nhà còn khối ly mà sợ gì! Rồi ngó quanh quất, không thấy nhỏ Oanh đâu, Tiểu Long xô ghế đứng lên: - Để tôi dọn chỗ này cho! Rồi không để ý Tiểu Long kịp ngăn cản, nhỏ Hạnh bước vội ra nhà sau tìm ki, chổi và giẻ lau. Tưởng thế là xong, nhưng đến khi nhỏ Hạnh đem rác đi đổ, chẳng biết nó lục đục gì sau bếp mà một lát sau, Tiểu Long lại giật nảy người khi nghe vang lên một tiếng “xoảng” thứ hai nữa. Hoảng hốt, Tiểu Long chạy vù xuống bếp. Nhỏ Hạnh đang thất sắc đứng nhìn những mảnh vỡ trên nền nhà, mặt lộ rõ vẻ hoang mang. - Hạnh lại làm vỡ ly nữa hả? - Tiểu Long như không tin vào mắt mình. - Ừ! - Nhỏ Hạnh lí nhí. Tiểu Long ngạc nhiên: - Chiếc ly này ở đâu ra vậy? - Ở trên kia! - Nhỏ Hạnh chỉ tay lên đầu chạn gỗ - Hạnh định lấy xuống rót một ly nước khác nhưng… nhưng… Nhỏ Hạnh nói tới đây, ngắc ngứ một hồi rồi chớp mắt làm thinh. Vẻ lóng ngóng của nhỏ Hạnh khiến Tiểu Long phì cười: - Nhưng chả hiểu làm sao nó lại tuột khỏi tay chứ gì? - Rồi nó khoát tay – Thôi, lần này Hạnh để tôi “thanh toán” chỗ này cho! Hạnh lên nhà trên ngồi đi! Nhỏ Hạnh không chịu: - Để Hạnh phụ với Long dọn dẹp! Hai đứa loay hoay gom những miễng vỡ vào ki rồi đem đổ xuống hố rác chỗ gốc chuối sau vườn. Lúc đi vào, nhỏ Hạnh nhác thấy chiếc ca nhựa màu xanh treo lủng lẳng trên vách, liền hớn hở reo lên: - Ôi, chiếc ca kìa! Tiểu Long nhìn theo tay chỉ của nhỏ Hạnh, mặt ngơ ngác: - Chiếc ca này có gì lạ đâu! Ở đâu chẳng có những chiếc ca như vậy! Nhỏ Hạnh ấp úng: - Nhưng nó bằng nhựa! Mặt Tiểu Long càng đực ra: - Bằng nhựa thì sao? Nhỏ Hạnh dậm chân: - Thì mình lỡ làm rớt nó cũng không bể chứ sao! Có vậy mà Long cũng không hiểu! - À, à, - Tiểu Long gật gù – Bây giờ thì tôi hiểu rồi! Có nghĩa là Hạnh muốn tôi rót nước cho Hạnh trong chiếc ca này chứ gì? - Thì vậy chứ còn sao nữa! - Nhỏ Hạnh lườm Tiểu Long một cái dài. - Nhưng chả ai lại rót nước mời khách bằng chiếc ca to đùng như thế này cả! – Tiểu Long bối rối nói - Mẹ tôi biết mẹ tôi la chết! - Nhưng Hạnh là bạn của Long chứ đâu phải là khách! - Nhỏ Hạnh cố thuyết phục, rồi thấy Tiểu Long lộ vẻ lưỡng lự, nó hùng hổ nói thêm – Long đừng lo! Khi nào mẹ Long rầy, Hạnh sẽ nói giùm cho! Nhỏ Hạnh đã “năn nỉ’ tới mức đó, Tiểu Long đành phải gượng gạo gật đầu. Hơn nữa nếu Tiểu Long cũng biết nếu nó cứ khăng khăng từ chối đề nghị thẳng thắn của nhỏ Hạnh thì chỉ trong vòng một tuần, nhà nó sẽ không còn lấy một cái ly để uống nước. Nhỏ Oanh không hay biết tất cả những diễn tiến đó nên khi từ ngoài đầu hẻm chạy vô, thấy nhỏ Hạnh đang bưng chiếc ca nhựa to tổ bố, nó liền sửng sốt kêu lên: - Trời đất! Bộ ở nhà hết ly rồi hay sao mà anh Long lấy chiếc ca này rót nước cho chị Hạnh? Trước tiếng la bài hãi của nhỏ Oanh, Tiểu Long và nhỏ Hạnh chẳng biết đáp sao, đành đưa mắt nhìn nhau tủm tỉm cười. Tóm lại, nhỏ Hạnh chỉ mắc mỗi tật vụng về đó thôi. Ngoài ra, nó hầu như không có một khuyết điểm gì đáng kể. Nhưng bù lại, tay chân nó vụng về bao nhiêu thì đầu óc nó lại minh mẫn bây nhiêu. Có những bài toán nom vô cùng rắc rối, hóc hiểm, Tiểu Long nhìn vào muốn hoa cả mắt, nhưn sau khi nhỏ Hnạh giảng xong thì chúng bỗng trở nên đơn giản, dễ hiểu cực kỳ. Nhờ vậy mà Tiểu Long càng ngày càng bớt sợ môn toán. Tiểu Long hết sợ môn toán thì Quý ròm đâm sợ Tiểu Long. Một hôm nó nhìn “học trò” mình bằng ánh mắt là lạ” - Bây giờ mày không còn là thằng Tiểu Long nữa! - Nghĩa là sao? - Tiểu Long ngơ ngác hỏi lại. Quý ròm mỉm cười: - Thằng Tiểu Long bạn tao lờ khờ chứ đâ có thông minh nghe đâu hiểu đó như mày! Nhận xét ưu ái của Quý ròm làm Tiểu Long đỏ mặt: - Tao mà thông minh gì! Tiểu Long nói thật. Nó biết mình chẳng thông minh đến mức “nghe đâu hiểu đó” như Quý ròm khen. Sở dĩ nó có thể tiếp thu mau lẹ những bài giảng của Quý ròm chẳng qua nó đã được học với nhỏ Hạnh từ trước. Mới đây cũng vậy. Quý ròm bảo: - Về môn hình học coi như mày đã theo kịp chương trình ở lớp rồi! Kỳ tới mình đầu học đại số! Trước đây Tiểu Long sợ nhất là môn đại số. So với hình học, đại số rối rắm, phức tạp hơn nhiều. Hình học còn có hình vẽ này nọ, quên sạch sành sanh mọi định lý,nhìn vào mấy cái hình cũng còn đoán non đoán già được chút đỉnh. Đại số thì ôi thôi, toàn những số là số, lại thêm ngoặc lớn ngoặc bé, lũy thừa đồ thị, hàm số phương trình đủ thứ hầm-bà-lằng! Mà đối với Tiểu Long, “tiểu số” nó học còn chưa thông, nói gì đến “đại số”! Đó là chưa kể đến cái “hằng đẳng thức đáng nhớ” quái quỉ gì gì đó. Trong sách người ta bảo là “đáng nhớ” mà sao Tiểu Long cảm thấy nó “chẳng đáng nhớ” tí nào, càng cố nhét vào đầu nó càng cố tìm cách chuồn ra. Nhưng đó là nói “trước đây” kia. Còn từ ngày có nhỏ Hạnh theo “phò tá”, Tiểu Long chẳng biết sợ là gì nữa. Quý ròm mới dặn hộm trước, hôm sau nó đã thủ thỉ với nhỏ Hạnh: - Bữa nay mình học đại số đi! - Sao vậy? Tiểu Long đưa tay quệt mũi: - Chiều mai Quý ròm chuyển qua… đại số! Nhỏ Hạnh bật cười: - Làm gì Long sợ Quý dữ vậy? Miệng tuy nói đùa nhưng nhỏ Hạnh vẫn rút cuốn đại số ra. Rồi bằng lối giảng giải khúch chiết, rành rẽ, nhỏ Hạnh thong thả dẫn cậu học trò to xác len lỏi vào khu rừng rậm của những đa thức rườm rà. Và đúng như Tiểu Long dự đoán,ngày hôm sau sự “thông minh sáng láng” của nó khiến Quý ròm một lần nữa phải kinh ngạc kêu lên: - Trời đất! Cái đầu của mày mấy tuần nay làm bằng chất gì vậy hả Tiểu Long? Thấy thằng ròm này tự dưng lại lôi “cái đầu” mình ra hỏi han về “chất liệu”, Tiểu Long ngạc nhiên và tính đổ quạu. Nhưng chỉ trong thoáng mắt, nó chợt hiểu ra Quý ròm mắng yêu mình, liền lỏn lẻn đáp: - Thì cũng như hồi nào đến giờ thôi chứ chất gì! - Hồi nào đến giờ sao được mà hồi nào đến giờ! – Quý ròm khụt khịt mũi - Hồi trước tao có giảng ráo cả nước bọt mày cũng dễ gì hiểu được a (b + c) tức ab + ac lẹ như bây giờ! - Thì được mày kèm một thời gian, đầu óc tao phải bớt chậm chạp đi chứ! - Tiểu Long vừa đáp vừa cuối nhình xuống đất và gãi gãi đầu. Nhưng Quý ròm không để ý đến cử chỉ đó. Nó khoái chí cười toe: - Ừ hén! Vậy mà tao quên bẳng đi mất! Những ngày sau đó, Tiểu Long còn làm Quý ròm “khoái chí” thêm nhiều lần nữa. Nhưng có lẽ sự kiện sau đây mới làm Quý ròm thực sự nở mày nở mặt. Hôm đó là tiết toán, thấy Hiếu gọi ba, bốn học trò lên kiểm tra, trong đó có cả Tiểu Long. Khi Tiểu Long lững thững ôm tập đi lên bảng, ngoại trừ Quý ròm và nhỏ Hạnh, không ai chờ đợi một điều gì mới mẻ nơi nó cả. Mọi người đã quá quen với cảnh nó đứng ngắc nga ngắc ngứ hàng buổi trước bảng, hết gãi đầu đến gãi tay làm như nhiệm vụ quan trong của nó trong lúc đó là làm sao cho… đỡ ngứa chứ không phải là trả lời những câu hỏi của thầy giáo. Thầy Hiếu cũng chẳng lạ gì đứa học trò kém cõi của mình, vốn xuất sắc trong vai… ông phỗng đá hơn là vai một học sinh lanh lẹ. Nếu có thể để trống cột điểm học sinh trong suốt năm học mà không ảnh hưởng cũng chắng buồn gọi đến tên Tiểu Long làm gì! Vì những lẽ đó mà khi Tiểu Long sè sẹ đặt tập lên bàn và buông thỏng hay tay nghiêm nghị chờ đợi, thầy Hiếu vẫn chẳng buồn nhìn nó, chỉ hờ hửng hỏi: - Muốn tìm mẫu thức chung của những phân thức đã cho, ta phải làm sao? Hỏi xong, thầy Hiếu nhịp nhịp tay xuống bàn, vẻ như sẵn sàng chờ đợi và chịu đựng sự “câu giờ” của nó. Nhưng trái với suy nghĩ của thầy, vừa nghe câu hỏi xong, Tiểu Long tuôn một tràng ro ro nghe bắt sướng lỗ tai: - Thưa thầy, muốn tìm mẫu thức chung của những phân thức đã cho, ta phải phân tích các mẫu thức thành nhân tử, sau đó ta phải… Tiểu Long “thuyết” một lèo nào là hệ số với luỹ thừa, số mũ với mẫu thức mà bỗng nhiên im bặt như chợt phát hiện ra một chuyện lạ. Thầy Hiếu như không tin vào tai mình. Rồi đoán chừng tên học trò “ăn may” nhờ một câu “trúng tủ”, thầy gật gù thận trọng hỏi tiếp: - Thế muốn quy đồng mẫu thức phải làm sao? Nhưng Tiểu Long đã khiến thầy sửng sốt. Ngay cả với câu hỏi này, Tiểu Long cũng đáp ngay không cần nghĩ ngợi: - Muốn quy đồng mẫu thức, ta phải tìm mẫu thức chung, sau đó nhân tử thức với mẫu thức của mỗi phân thức với nhân tử phụ của nó. Tiểu Long vừa dứt câu, lớp học liền đâm nhốn nháo. Những tiếng xì xào vang lên từ các dãy bàn khiến thầy Hiếu phải quay mặt xuống, hắng giọng: - Các em im lặng nào! Rồi quay sang Tiểu Long, thầy gật gù: - Khá lắm! Nhưng dường như vẫn chưa tin đứa học trò kém cõi xưa nay có thể đạt được một tiến bộ vượt bực như vậy, thầy vói tay lấy viên phấn, bước ra khỏi chỗ ngồi và viết lên bảng một đề toán dài ngoằng, rồi bảo: - Em giải bài toán này được không? Đó là bài toán “tìm tập xác định của các phân thức”. Những bài toán loại này ở nhà nhỏ Hạnh đã bắt Tiểu Long giải đi giải lại hàng chục lần nên nó chẳng còn lạ gì. - Dạ, được ạ! Tiểu Long lễ phép đáp và cầm lấy viên phấn trên tay thầy, nó nhíu mày tình toán và sau đó bắt đầu ghi ra hàng loạt những dãy số. Tiếng phấn kin kít trên mặt bảng đầy vẻ tự tin, mạnh dạn. Nhoáng một cái, bài toán đã được giải xong một cách chính xác. Khi Tiểu Long vừa viết xong đáp số cuối cùng, chưa kịp buông tay, dưới lớp đã lập tức vang lên những tiếng vỗ tay rào rào kèm theo những tiếng reo hò phấn khích: - Bữa nay cá chép hoá rồng, tụi may ơi! - Thật không thể nào tin đuợc ! Có đứa liên hệ với sự kiện đặc biệt vừa xảy ra mấy ngày nay: - Hiện tượng lạ! Nhật thực toàn phần! Có đứa bắt chuớc giọng quảng cáo trên ti-vi: - Kỳ lạ cứ như thể “tôi từ một đất nước xa xôi đến đây” vậy! Bọn học trò ồn ào, huyên náo gấp mấy lần khi nãy nhưng có lẽ lần này thầy Hiếu đã hoàn toàn thỏa mãn về Tiểu Long nên đâm dễ tính hẳn. Mặc cho lũ học trò nhao nhao dưới kia, thầy quay sang Tiểu Long đang đỏ mặt tía tay ben cạnh, giọng vui vẻ: - Thầy rất hài lòng về em, Long ạ! Hôm nay thầy sẽ cho em điểm mười! Sự phấn đấu của em xứng đáng là một tấm gương để cho các bạn khác học tập! Được thầy khen, mặt Tiểu Long càng đỏ nhừ. Và con điểm mười không mơ thấy nổi kia khiến chân nó run run cứ muốn khuỵa xuống. Từ trước đến nay, Tiểu Long chỉ mong đạt được điểm năm môn toán. Chỉ điểm năm thôi, cái điểm trung bình đối với các học sinh khác, Tiểu Long cũng đã vươn hoài không tới, nói chi đến điểm muời là cái điểm cao xa vời vợi chẳng khác nào sao Hoả. Vậy mà hôm nay cài “sao Hoả” đó… rớt trúng đầu nó, bảo nó không muốn xỉu sao được! Nhưng khi cơn ngây ngất qua đi, Tiểu Long lại cảm thấy bần thần trong dạ. Nó hiểu sỡ dĩ nó đạt được tiến bộ như hiện nay, một phần nhờ công sức của nhỏ Hạnh. Nếu không có nhỏ Hạnh tận tình chỉ dẫn, chắc chắn nó không bao giờ có được vinh dự ngày hôm nay. Vậy mà thầy chỉ khen mỗi mình nó, trong khi người âm thầm đóng góp phía sau thầy chẳng hề hay biết, quả là bất công! Ý nghĩ đó khiến Tiểu Long vô cùng bứt rứt. Vì vậy khi thầy Hiều đưa trả tập và ra hiệu cho nó trở về chỗ, Tiểu Long bất thần vọt miệng: - Thưa thầy… - Gì thế em? – Thầy nhẹ nhàng hỏi. - Thưa thầy… - Tiểu Long ấp úng - Sở dĩ em học khá toán là… nhờ bạn kèm đấy ạ! - Ồ, hay quá! - Thầy Hiếu chớp chớp mắt - Thế bạn nào kem em học thế? - Tiểu Long quay mặt xuống chỗ bàn mình ngồi. Nó đã định giơ tay chỉ nhỏ Hạnh nhưng chợt nhìn thấy vẻ mặt hồi hộp chờ đợi của Quý ròm, bất giác nó bỗng phân vân. Nếu bây giờ nó chỉ nhỏ Hạnh, hành động đó chẳng khác nào dội nước lạnh vào mặt Quý ròm. Hẳn Quý ròm thì chẳng có lỗi gì trong chuyện này. Lỗi là do nó. Nó đã lén lút học thêm với nhỏ Hạnh mà không cho Quý ròm biết. Nhưng nó cũng không thể chỉ Quý ròm, bởi như vậy chẳng khác nào nó phủi ơn của nhỏ Hạnh. Và nó sẽ chẳng còn mặt mũi nào để nhìn nhỏ Hạnh nữa. Lần đầu tiên trong đời, Tiểu Long lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Tay nó cứ cào cào nơi túi quần như thể đang mắc kẹt chỗ đó, không thể nào nhấc lên để chỉ trỏ bất cứ ai. Nhưng thầy Hiếu không hiểu đựơc nổi khổ của Tiểu Long. - Bạn nào thế em? - Thầy giục. Đúng vào lúc không thể nấn ná được nữa, Tiểu Long chợt bắt gặp cái nháy mắt của nhỏ Hạnh. Rồi sợ bạn mình không hiểu ý, nhỏ Hạnh khẽ kín đáo hất đầu về phía Quý ròm ra hiệu. - Như kẻ chết đuối vớ được cọc, Tiểu Long mừng rỡ đáp: - Thưa thầy, bạn Quý ạ! Cả lớp đang nín thở theo dõi, bỗng thở ào ra. Tưởng ai chứ “thần đồng toán” Quý ròm mà kèm thì mười thằng Tiểu Long cũng phải giỏi chứ đừng nói là một mình nó! - Quý! - Thầy Hiếu hắng giọng. Nghe thầy gọi, Quý ròm bẽn lẽn đứng lên. - Em là một học sinh giỏi của trường ta, điều đó rất đáng biểu dương! - Thầy chậm rãi nói – Nhưng em biết giúp bạn học giỏi là chuỵện còn đáng khen hơn nữa! Quý ròm là học sinh cưng của thầy Hiếu. Trước nay nó đã được thầy khen không biết bao nhiêu lần, nhưng có lẽ chưa có lời khen nào làm nó xúc đông và sung sướng như bữa nay. Thầy Hiếu không chỉ dừng lại ở đó. Thầy nói với cả lớp: - Thầy đề nghị các em cho một tràng pháo tay để tán thưởng hành động đẹp đẽ của bạn Quý! Đượoc thầy “bật đèn xanh”, cả lớp chôm dậy vỗ tay đôm đốp. Có đứa còn hứng chí thò tay vào ngăn bàn đập thùng thùng. Duy có tiếng vỗ tay của Tiểu Long là uể ải nhưng không ai nhận thầy điều đó, trừ nhỏ Hạnh. Thật ra Quý ròm cũng đáng được biểu dương! – Tiểu Long bâng khuâng nghĩ – Nó đã bỏ bao nhiêu thời gian và công sức để kèm cho mình học, mặc dù không hiệu quả. Nhưng dù sao những tràng pháo tay hôm nay lẽ ra nên dành cho nhỏ Hạnh. Như thế mới phải!
|