Kính Vạn Hoa - Tập 5
|
|
Chương 05
Chương 5 Liên tiếp nhiều ngày sau đó, tình hình vẫn chẳng sáng sủa lên được tí nào. Tùng và Đạt vẫn “cô đơn” bên nhau như hai chiếc bóng. Từ lớp ra sân rồi từ sân vào lớp, lúc nào cũng chỉ có hai đứa cặp kè lẽo đẽo. Trên đường về cũng vậy, vẫn chỉ hai chiếc bóng âm thầm lầm lũi sánh vai nhau. Tùng vẫn chẳng hiểu tại sao lại ra như vậy. Con Tai To của nhà nó nuôi, nó muốn đánh đập hành hạ gì mặc nó, ba mẹ nó không “tẩy chay” nó thì thôi, mắc mớ gì tụi bạn lại nghỉ chơi với nó. Đòn “trả thù” của thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương hóa ra “độc” còn hơn ong chích! Tùng ấm ức lắm. Nó tức Nghị, Cúc Phương lẫn cả tụi bạn trong lớp. Rõ là một lũ đạo đức giả! Nhưng tức mấy đứa này cũng chẳng làm gì được, nó quay sang trút nỗi phẫn uất lên đầu Tai To. Thừa lúc không có ai, nó đi ngang qua Tai To vung chân đá một cái, đi lại đá một cái. Mỗi cái đá kèm theo một lời mắng: - Tại mày mà ra tất cả nè! Tùng làm riết, Tai To đâm sợ đến nỗi bây giờ hễ thấy Tùng thấp thoáng nơi đâu là nó cụp đuôi lảng tuốt ra xa. Một hôm nhỏ Hạnh tình cờ phát giác ra thái độ kỳ lạ của Tai To, liền thộp cổ Tùng, hỏi: - Này, này, em làm gì mà con Tai To cứ thấy em là trốn biệt thế kia? Tùng giằng ra khỏi tay chị, nhăn nhó: - Em có làm gì nó đâu! Nhỏ Hạnh nhìn Tùng bằng ánh mắt nghiêm khắc: - Em hay đánh đập nó lắm phải không? - Đánh đập đâu mà đánh đập! – Tùng kêu lên đầy oan ức – Chị ở nhà suốt ngày với em, nếu em đánh nó hẳn chị phải nghe thấy chứ? Lời phân trần của Tùng không phải là không có lý. Trong lòng nhỏ Hạnh vẫn đầy rẫy những nghi ngờ nhưng không tìm ra cớ nào để hạch hỏi tiếp, đành buông một lời dọa dẫm bâng quơ: - Em liệu hồn đấy! Mẹ mà biết thì em chỉ có nát đít! Rồi mặc kệ thằng em đứng tiu nghỉu bên cạnh, Hạnh ngồi xổm xuống đất, dịu dàng gọi: - Tai To, lại đây chị bảo! Vừa nghe tiếng nhỏ Hạnh, Tai To chụm chân phóng vèo lại, đuôi ngoáy tít. Nó vừa chồm lên người cô chủ nhỏ vừa kêu rin tít trong cổ họng ra chiều mừng rỡ lắm. Cái cảnh quấn quít giữa nhỏ Hạnh và Tai To làm Tùng muốn lộn ruột. Với nó thì nhỏ Hạnh lúc nào cũng gắt gỏng, hoạnh họe trong khi đối với Tai To, chị nó lại rù rì âu yếm cứ như thể nó là cục cưng gia bảo. Như vậy là nó chiếm đứt mất vị trí của mình rồi! – Tùng ghen tức nhủ bụng – Bây giờ nó là thằng Tùng còn mình chỉ là một đứa lạ hoắc lạ hươ nào đó trong nhà! Giọng nhỏ Hạnh vang lên như muốn đổ thêm dầu vào lửa. Nó vừa vuốt ve Tai To vừa nhỏ nhẹ hỏi: - Ở nhà Tùng hay bắt nạt Tai To lắm phải không? Không rõ Tai To có hiểu được câu nói của cô chủ nhỏ hay không mà bỗng nhiên nó lại đưa mắt nhìn Tùng khiến Tùng phải quay mặt đi, sợ bất thần nó gật đầu thì khốn. Nói tiếng người thì họa may kiếp sau Tai To mới nói được chứ gục gặc cái đầu lõng thõng hai nhánh tai kia thì khi cao hứng con Tai To có thể làm được dễ dàng. Nhỏ Hạnh lại thủ thỉ : - Khi nào Tùng hiếp đáp Tai To thì Tai To kêu lên thật to cho chị biết nhé! Tới nước này thì Tùng hết chịu nổi. Để mặ bà chị với con cún cưng tâm sự với nhau, Tùng bỏ ra đứng trước bao lơn nhìn xe cộ chạy qua chạy lại dưới phố. Nhưng ngắm cảnh một hồi mà sao lòng Tùng chẳng nguôi khuây được tí tẹo nào. Nó vẫn đang chán lắm. Ở trường thì bị bạn bè làm mặt lạnh, về nhà thì bị bà chị làm mặt ngầu, Tùng chẳng biết phải nương thân ở đâu trên trái đất bao la này mới gọi là yên phận. Tuy nhiên, mọi phiền phức đối với Tùng không dừng lại ở đó. Hôm học tiết tập làm văn, cô Tú Duyên bỗng nhiên cắc cớ ra đề: “Gia đình em có nuôi một con chó rất khôn. Em hãy tả con chó đó”. Tùng là một trong những học sinh giỏi văn của lớp Bốn A trường Họa Mi. Trước nay những bài tập làm văn của nó bao giờ cũng được điểm cao nhất nhì trong lớp. Vì vậy, tập làm văn là tiết học mà nó mong ngóng nhất trong tuần. Nhưng hôm nay thì cái môn học ưa thích nhất này đã hoàn toàn phản lại nó. Tất nhiên Tùng thừa biết thế nào cô Tú Duyên cũng sẽ ra đề tả con chó. Học loại văn miêu tả loài vật, đã tả qua mèo, gà, vịt, chim... thì đằng nào cũng sẽ tả đến chó. Nhưng đúng ngay vào lúc nó và thằng Đạt đang bị cả lớp hè nhau nghỉ chơi về cái tội hành hạ con Tai To, cô Tú Duyên lại bắt nó tả chó chẳng khác nào muốn “ám sát” nó. Ngay khi cô vừa chép đề lên bảng, dưới lớp đã nổi lên những tiếng rúc ra rúc rích rồi. Dĩ nhiên Tùng biết tỏng những âm thanh nhạo báng đó nhắm vào ai. Nhưng nó không phản ứng gì chỉ mím môi ngồi im, lắng tai nghe cô giảng. Kỳ này nó quyết làm bài văn điểm cao nhất lớp để “trả thù” bọn bạn lắm chuyện kia. Mà tụi kia đúng là lắm chuyện thật. Cô vừa mới nói: - Các em có thể mở bài bằng câu “Bố em thường nuôi chó để trong vườn”... Đã có đứa giơ tay cắt ngang: - Thưa cô, nhà em không có vườn thì sao ạ? Cô mỉm cười: - Nếu không có vườnt thì nuôi chó để trông nhà chứ sao! Đây là cô chỉ ví dụ thôi mà! Cô Tú Duyên đúng là hiền thật! – Tùng ấm ức nghĩ - Nếu là mình, gặp những câu hỏi vớ vẩn như thế, mình sẽ cóc thèm trả lời, có khi mình còn phạt tên học trò lẻo mép kia một mẻ ra trò nữa không chừng! Nhưng Tùng chẳng có thì giờ để bực tức lâu. Cô Tú Duyên bắt đầu giảng đến phần thân bài. Cô hướng dẫn học trò cách tả hình dánh bên ngoài như thế nào, tả hoạt động ra sao... Tùng nghển cổ nghe như nuốt lấy từng lời. Dàn bài gợi ý của cô thật chi tiết và rõ ràng, mặc dù một đôi chỗ khiến Tùng không khỏi hoang mang. Chẳng hạn cô bảo phải tả sự quyến luyến của con vật đối với chủ. Trong khi đó, con Tai To ở nhà chẳng hề quyến luyến Tùng lấy một mảy. Nó chỉ thầm mong Tùng biến đi cho khuất mắt. Đến phần cảm tưởng lại càng gay! Phải nói lên được tình cảm yêu thương và quý mến của mình dành cho con vật! Tùng khẽ cựa mình trên ghế, tặc tặc lưỡi: Thôi kệ, cô hướng dẫn thế nào mình cứ làm y như vậy! Mình rất căm con Tai To nhưng nếu viết điều đó vào bài làm, không khéo cô lại sổ toẹt bài mình đi mất! Tính toán đâu đó xong xuôi, Tùng thở một hơi nhẹ nhõm và yên tâm hí hoáy làm bài. Tùng không ngờ mình có thể miêu tả con Tai To đễ dàng và sống động đến như vậy. Từ ngày Tai To soán đoạt mất vai trò “cậu hoàng con” của nó, hình ảnh của Tai To luôn lởn vởn trong đầu nó, từ những cú phóng người liều lĩnh từ ghế qua đi-văng, từ thái độ xun xoe trước giờ cơm đến điệu bộ cuống cuồng khi thấy Đạt đẩy cửa bước vào nhà... Bây giờ tất cả những điều đó tuôn ra theo ngòi bút một cách tự nhiên và trơn tru đến Tùng cũng không ngờ. Và đúng như mong mỏi của Tùng, hôm trả bài, bài của nó đạt điểm cao nhất lớp. Khi cô ra đề tả con chó, nghe những tiếng cười giễu cợt chung quanh, Tùng ức lắm. Nó nhủ bụng sẽ cố làm bài văn thật hay để “trả thù”. Nhưng khổ nỗi, sự đời chẳng bao giờ đi theo ý muốn của con người. Bài văn của Tùng hay thì hay thật, nhưng “thù cũ” không những không trả xong mà lại còn chất chồng thêm “thù mới”. Cả lớp cười hí hí khi nghe cô Tú Duyên bảo bài của Tùng là bài tập làm văn duy nhất đạt 9 điểm. Sự nhốn nháo của lớp học khiến cô khẽ cau mày. Cô đập đập cây thước kẻ lên bảng: - Các em im lặng để nghe cô đọc bài văn xuất sắc của bạn Tùng! Nghe vậy, cả lớp cố nín cười, dỏng tai chờ đợi. Nhưng sự im lặng giả vờ đó chẳng kéo dài được bao lâu. Khi cô Tú Duyên đọc đến phần kết luận “Con Tai To nhà em là con chó hiền lành và ngoan ngoãn nhất mà em được biết. Vì vậy, em rất yêu quí nó và đối xử với nó đầy dịu dàng, yêu thương như đối xử với một đứa em bé bỏng trong gia đình” thì tụi bạn không nhịn được nữa. Những tràng cười ngặt nghẽo nổ ra khắp lớp như một cơn bão thình lình ập đến. Nhiều đứa cười vẹo cả người, nước mắt nước mũi tèm lem. Trong khi đó, Tùng ngồi chết sững trên ghế, mặt mày thoạt xanh thoạt đỏ. Cô Tú Duyên hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng bất thường của học trò mình. Cô hỏi, giọng ngơ ngác pha lẫn giận dữ: - Các em làm gì thế? Chẳng lẽ đây không phải là một bài văn hay sao? - Thưa cô, hay ạ! – Cả lớp đồng thanh. - Thế sao các em lại cười? - Thưa cô, tại nó tức cười ạ! – Nghị nói. Cô liền chỉ ngay Nghị: - Nghị! Em hãy cho cô biết bài văn của bạn Tùng tức cười chỗ nào? Nghị đứng dậy. Nó gãi đầu: - Thưa cô, bài văn của bạn Tùng tức cười ở chỗ... ở chỗ... Cô nghiêm mặt: - Ở chỗ nào? Làm gì mà em ấp a ấp úng thế? - Thưa cô, - Nghị chớp chớp mắt – Nó tức cười ở chỗ bạn Tùng nói không đúng sự thật ạ! - Không đúng sự thật là sao? – Cô Tú Duyên vẫn chưa hiểu. Nghị lại gãi đầu: - Là... bạn Tùng không thực sự yêu quí con Tai To như bạn ấy viết trong bài! Bạn ấy hay lôi con chó của mình ra hành hạ lắm ạ! Tố cáo của Nghị khiến cô Tú Duyên sửng sốt. Cô hướng mắt về phía Tùng: - Có đúng vậy không Tùng? Tùng ngượng ngập đứng dậy, chưa kịp nói, nhỏ Cúc Phương đã bô bô: - Thưa cô, đúng đấy ạ! Bạn ấy lấy bao ni-lông bịt mõm con Tai To rồi còn cột mấy lon thiếc vào đuôi để nó hoảng sợ chạy quýnh lên chơi ạ! Cúc Phương vừa dứt lời, nhiều cái miệng liền nhao nhao phụ họa: - Thưa cô, tụi em cũng biết chuyện đó ạ! Bạn Tùng đối xử với con chó của mình ác lắm cô ơi! Những đòn tấn công tới tấp từ bốn phía khiến Tùng cứ đứng thộn mặt ra, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Nó không lường được tình thế lại xoay ra như thế này. Nó cố làm bài thật hay để mong được điểm cao, không ngờ lại “trót” hay đến mức cô giáo phải đọc trước lớp, mọi sự vì thế đâm ra hỏng bét. Lúc này nó ao ước phải chi nó có thể biến thành người vô hình như trong phim bộ nó vừa mới xem tuần trước. Như vậy nó mới mong thoát khỏi làn sóng công kích và tố khổ của tụi bạn. Sau khi hàng loạt “nhân chứng” nối tiếp nhau lên tiếng, cô Tú Duyên chẳng buồn tra hỏi “bị cáo” Tùng nữa. Cô chỉ khẽ thở dài ra hiệu cho nó ngồi xuống và nhẹ nhàng bảo: - Em không nên đối xử với con chó của mình như vậy! Trong các vật nuôi, chó là con vật gần gũi nhất và trung thành nhất đối với con người! Rồi trước những đôi mắt tròn xoe của học trò, cô lần lượt kể những mẩu chuyện ca ngợi lòng trung thành của chó đối với chủ, từ chuyện chó theo chủ ra trận, lúc chủ bị thương, đã cắn vào chân ngựa đối phương để cản trở sự truy đuổi của quân giặc như thế nào đến chuyện chó dắt bà lão mù đi ăn xin, khi chủ qua đời, đã quanh quẩn ở bên mộ rồi nhịn đói chết theo ra làm sao... Cô kể bốn, năm chuyện, chuyện nào cũng cảm động đến nỗi nghe xong, cả lớp cứ ngẩn ngơ. Nhỏ Cúc Phương và bọn con gái “mít ướt” không ngớt khụt khịt mũi, mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe. Cuối cùng, cô kết luận: - Tóm lại, chó là con vật khôn ngoan, trung thành, siêng năng, được việc, chó là bạn của con người. Nó quyến luyến ta và ta nên yêu mến nó! Cô Tú Duyên vừa dứt câu bỗng có một đứa vọt miệng: - Thưa cô, nhưng chó cũng làm nhiều chuyện bậy bạ lắm ạ! Cả lớp ngạc nhiên ngoảnh nhìn. Hóa ra đứa vừa lên tiếng phá bĩnh là Đạt. Nãy giờ thấy thằng bạn chí cốt của mình bị cả lớp hùa vào lên án, Đạt hậm hực lắm. Nhưng không nghĩ ra cách nào “cứu” bạn, nó đành ngậm miệng làm thinh. Nay thấy cô giáo cứ luôn miệng ca ngợi “đức tính” của mấy con chó, nghĩ đến chuyện con Mi-na khốn khiếp ở nhà vẫn hành tội mình bấy lâu nay, Đạt không nén được bất bình, liền ngứa miệng thốt lên. - Làm chuyện bậy bạ là làm những chuyện gì thế em? – Cô nhìn Đạt, tò mò hỏi. Đạt liếm môi: - Chẳng hạn như con Mi-na nhà em đó cô! Nó cứ ị vãi tứ tung làm em ngày nào cũng quét dọn khổ lắm cô ơi! - Hê hê! – Một giọng châm chọc vang lên – Mình làm ra mà không dám nhận, lại đổ vấy cho con Mi-na! Cô nhìn về phía có tiếng nói, trợn mắt “suỵt” khẽ rồi quay lại dịu dàng nói với Đạt: - Nuôi một con chó trong nhà cũng như nuôi một em bé, ta phải dạy dỗ, tập luyện thì nó mới có những thói quen tốt! Điều quan trong là tình cảm mình dành cho nó như thế nào. Nếu em yêu thương nó, em mới có thể kiên nhẫn dạy cho nó được! - Bạn Đạt không thương loài vật đâu cô ơi! – Lại nhỏ Cúc Phương lên tiếng hạch tội, nó vừa nói vừa nhìn Đạt bằng ánh mắt hả hê, chắc nó đang nhớ đến chuyện thằng này ngăn cản không cho nó vào nhà Tùng để “giải thoát” cho con Tai To bữa trước – Tất cả những trò tai ác của bạn Tùng toàn là do bạn Đạt bày ra cả đó cô! Lời tố cáo bất thần của nhỏ Cúc Phương khiến Đạt co rúm người lại như bị ong đốt. Nó vừa sợ vừa giận. Giận Cúc Phương và giận cả chính nó. Tụi nó đã quên mình rồi, tự dưng mình lại đứng lên bép xép làm chi cho tụi nó nhớ ra không biết! Thật ngu ơi là ngu! Đạt lẩm bẩm rủa thầm và thừa lúc cô ngó đi chỗ khác, nó rón rén ngồi xuống. Nhưng cô Tú Duyên đã trông thấy. - Đạt, đứng lên! – Cô hắng giọng – Cô đã cho em ngồi xuống đâu! Chẳng biết làm sao, Đạt đành khép nép đứng lên, và mặt nó bỗng nhăn như bị khi nghe cô tuyên bố: - Bây giờ cô sẽ đọc lên bài của em để các bạn xem thử em có viết “không đúng sự thật” như bài của bạn Tùng hay không!
|
Chương 06
Chương 6 Tùng thù thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương tím gan tím ruột. Dĩ nhiên hùa nhau lên án Tùng trong tiết tập làm văn sáng nay không chỉ có hai đứa này. Nhưng so với cả bọn, Nghị và Cúc Phương to mồm nhất. Suốt buổi, chúng không tiếc lời “tố khổ” những “tội trạng” của Tùng với cô giáo. Đạt điểm văn cao nhất lớp, lẽ ra Tùng phải ngồi trên “tột đỉnh vinh quang”, nhưng vì hai đứa này, buổi lễ đăng quanh của Tùng bỗng biến thành một phiên tòa đằng đằng sát khí. Nhưng nhỏ Cúc Phương là con gái, Tùng chẳng thể gây hấn. Nó chỉ lăm lăm chờ hỏi tội Nghị. Tiếng trống ra chơi vừa vang lên, Tùng liền chạy vội lại chỗ Đạt ngồi. Hai đứa nháy nhó nhau lỉnh ra trước hành lang âm thầm mai phục. Một lát, Nghị lững thừng bước ra. Sau khi đảo mắt một vòng khắp sân trường, Nghị hăm hở rảo về phía gốc phượng kế hàng rào nơi một nhóm bốn, năm đứa đang chơi đá cầu. Tùng và Đạt lập tức rồi khỏi chỗ nấp, nhanh nhẹn bám theo. Nghị hoàn toàn không hay biết tai họa đang sắp sửa ập đến sau lưng mình. Đang đi, bỗng một cú thúc mạnh vào người từ phía sau khiến nó mất đà chúi nhủi tới trước, sém tí nữa té lăn quay ra đất. Phải lạng choạng có đến mươi bước, Nghị mới lấy lại được thăng bằng. Hoàn hồn ngoảnh lại, thấy Đạt và Tùng đang đứng nhe răng cười hềnh hệch, Nghị tức điên: - Tụi mày chơi trò gì vậy? Tùng khinh khỉnh: - Trò của mày! Nghị hừ mũi: - Tao chả có trò nào lén lút như thế cả! - Có đấy! – Tùng nheo mắt – Mày có trò “chó cắn trộm”! Sáng nay mày mới “cắn trộm” tao mấy phát, sao mày mau quên thế? - Cái đó chẳng phải là “cắn trộm”! – Nghị đỏ mặt – Cô giáo hỏi thì tao nói! Đạt nhếch mép: - Như vậy là đồ mách lẻo! - Tao cũng chẳng mách lẻo! Tùng độc địa: - Vậy mày là đồ... đồ mật thám! Tới đây thì Nghị hết chịu nổi. Nó sầm mặt: - Tụi mày muốn gì nào? Tùng huơ nắm đấm: - Muốn “tặng” mày cái này chứ muốn gì! - Ghê nhỉ? – Nghị ưỡn ngực thách thức – Mày giỏi thì đụng vào người tao xem! Tùng chạm khẽ đầu ngón tay vào ngực Nghị: - Tao đụng rồi đấy! - Đụng thế thì ăn thua gì! – Nghị cười khảy – Mày đụng mạnh thử xem! - Thế mà không mạnh à? - Chả mạnh tí ti nào cả! – Nghị bĩu môi. Tùng liền “đụng” thêm một cái nữa, lần này mạnh hơn một chút xíu. - Vẫn chẳng ngứa ngáy gì! – Nghị tiếp tục khiêu khích – Đụng mạnh hơn tí nữa thì mày sẽ biết! Lời lẽ của Nghị làm Đạt đứng bên tức khí. - Mày cứ đụng thật mạnh vào xem nó làm gì! – Đạt bảo Tùng, giọng hùng hổ. Rồi sợ Tùng do dự, nó thêm – Chẳng lẽ mày lại sợ nó à? - Xì! Tao mà sợ nó! Tùng hừ giọng và như để chứng minh cho lời nói của mình, nó liền xô mạnh vào ngực Nghị. Cú đẩy bất ngờ của Tùng khiến Nghị lảo đảo suýt ngã. - A, mày dám! Nghị gầm lên một tiếng và sau khi gượng lại được, nó bặm môi lao thẳng vào người Tùng như một mũi tên vút ra từ dây cung. Trong thoáng mắt, cả hai đứa quấn lấy nhau, tay đấm chân đá huỳnh huỵch. Đám bạn chung quanh lập tức bỏ dở trò chơi chạy lại. Nhiều đứa vừa chạy vừa reo: - A ha, đi xem đấu võ đài! Khán giả kéo tới mỗi lúc một đông, bu kín vòng trong vòng ngoài. Lúc này, hai đấu thủ đã ngã nhoài ra đất, ôm nhau lăn lộn, đất cát bay mù mịt. Đạt nhảy loi choi chung quanh, khản cổ hò hét: - Ráng lên, ráng lên Tùng! Đè cổ nó xuống! Nhưng mặc cho thằng bạn đứng ngoài không ngừng cổ vũ, Tùng vẫn chẳng làm sao áp đảo được địch thủ. Thằng Nghị to con hơn nên không những Tùng không “đè cổ” được nó mà ngược lại còn bị nó đè sấp mặt xuống đất không tài nào ngóc lên được. Tùng chỏi hai cùi tay xuống đất cố vùng dậy nhưng chỉ ngọ ngoạy một cách bất lực. Đúng vào lúc Tùng hết gắng gượng nổi, chuẩn bị gục mặt xuống “cạp đất” bỗng có tiếng con gái la hoảng: - ối! Ai như thằng Tùng em chị Hạnh! Đó là nhỏ Oanh, nhỏ Diệp và nhỏ Thùy Vân. Ba đứa đang chơi nhảy dây kết đó, thấy đằng này bỗng nhiên nhốn nháo bèn tò mò kéo lại xem thử chuyện gì. Nào ngờ vừa nhướn cổ dòm vào, nhỏ Diệp nhận ngay ra một trong hai ông nhóc đang vật nhau tít mù dưới đất kia là Tùng, liền hốt hoảg la lên và vội vã xông vào. - Buông ra ngay! – Nhỏ Diệp hét lên – Không được đánh nhau nữa! Đang say máu, Nghị cố tình giả điếc. Nó vẫn một tay ghì chặt người Tùng, tay kia đè lên gáy đối thủ, ấn lấy ấn để. Thấy Nghị chẳng có vẻ gì muốn buông tha Tùng, nhỏ Oanh hừ giọng: - Hai bạn mà không thôi trò vật nhau, tôi đi méc thầy giám thị à! Lời hăm dọa của nhỏ Oanh hiệu nghiệm như thần. Vừa nghe tới ba chữ “thầy giám thị”, mặt Nghị đột nhiên tái mét. Nó lật đật nhỏm dậy và nhớn nhác nhìn quanh. Và mặc dù không phát hiện ra điều gì khả nghi, trống ngực Nghị vẫn đập thình thịch và sau khi láo liên đảo mắt thêm một vòng, nó vội vàng lủi ngay vào đám đông, bộ tịch cuống quít hệt như một con thỏ lủi vào bụi rậm. Sự rút lui của Nghị lập tức kéo theo sự tan rã của đám đông hiếu kỳ. Không còn đám đánh nhau nữa, các vị khán giả nhóc tì nhanh chóng tản ra, tiếp tục những trò chơi bỏ dở. Lúc này, bên cạnh Tùng chỉ còn Đạt và ba cô bạn gái lớp Năm B. Tùng vừa lồm cồm ngồi dậy, đang còn loay hoay phủi bụi trên người, nhỏ Diệp đã hỏi: - Sao em lại đi đánh nhau với bạn thế? Trong ba cô bạn gái trước mặt, Tùng chỉ biết nhỏ Diệp và nhỏ Oanh. Nhỏ Diệp là em anh Quý ròm, nhỏ Oanh em anh Tiểu Long, Tùng chẳng lạ gì. Cả hai đều lớn hơn Tùng một tuổi, học trên Tùng một lớp, lại là con gái, đến trường chẳng bao giờ chơi chung nhưng khi về nhà, nhỏ Oanh và nhỏ Diệp đều xem Tùng thân thiết như một đứa em trai, lúc nào cũng sẵn lòng chiều chuộng những vòi vĩnh của Tùng. Nhưng trước mặt Tùng lúc này, ngoài nhỏ Diệp và nhỏ Oanh còn có thêm một con nhỏ lạ hoắc nữa. Chính vì vậy mà khi nghe nhỏ Diệp hỏi, Tùng đã muốn phải gắng kềm lại. - Tại bạn ấy gây sự trước chứ bộ! – Tùng sụt sịt đáp. - Bạn ấy vô cớ đánh em à? – Nhỏ Diệp hỏi. Tùng liếm môi: - Không phải vậy! Bạn ấy không đánh! Nhỏ Diệp tròn mắt: - Như vậy nghĩa là sao? Trước những câu “chất vấn” tới tấp của nhỏ Diệp, Tùng đâm lúng túng. Nó chẳng biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào. Đạt đứng cạnh thấy vậy, ngứa miệng thốt: - Đầu đuôi cũng tại môn tập làm văm mà ra! Lời giải thích chẳng ra đầu ra đũa của Đạt càng khiến mọi chuyện thêm tối mò. Nhỏ Oanh nãy giờ không nói gì, nghe vậy bèn vọt miệng: - Môn tập làm văn thì dính dáng gì ở đây? - Dính dáng chứ sao không! – Đạt khịt mũi, rồi nó hùng hồn tường thuật – Cô giáo ra đề tập làm văn tả con chó, bài của bạn Tùng đạt điểm cao nhất, được cô giáo khen ngợi và đem ra đọc trước lớp. Mấy bạn khác ghen tức liền đem chuyện của bạn Tùng méc với cô giáo! - Méc chuyện gì? – Nhỏ Oanh và nhỏ Diệp cùng bật hỏi, câu chuyện của Đạt khiến chúng thắc mắc quá xá. Cả nhỏ Thùy Vân vô can cũng há hốc miệng và tự động nhích lại gần. Thấy người nghe quan tâm đến câu chuyện của mình, Đạt khoái chí đến mức không để ý đến cái nhăn mặt đầy phật ý của Tùng. Nó kể tiếp bằng giọng hăm hở: - Thì các bạn ấy méc chuyện bạn Tùng lấy bao ni-lông bịt mõm con Tai To, chuyện bạn Tùng cột lon thiếc kêu leng keng vào đuôi Tai To làm nó hoảng vía chạy cuống lên! Các bạn ấy bảo bạn Tùng không hề yêu thương con chó của mình như đã tả trong bài! Bạn Tùng nổi dóa lên, thế là sinh sự! Trước vẻ mặt hau háu của ba vị thính giả, Đạt hào hứng kể một lèo. Nó quên bẵng chính nó là người đã bày ra những trò quái ác đó. Nghe xong, nhỏ Oanh và nhỏ Diệp ngẩn người ra nhìn Tùng: - Ôi, sao em chơi ác thế? - Ác gì đâu! Em chỉ đùa chơi một tí thôi mà! Tùng làu bàu thanh minh. Rồi linh cảm hai bà chị đang đứng trước mặt nó cũng thuộc về cùng một phe với bọn thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương, Tùng liền hắng giọng: - Bọn em đi đây! Sắp có trống vào học rồi! Nói xong, không đợi người đối diện có ý kiến, nó cầm tay Đạt lôi tuột đi. Ba đứa con gái chỉ biết thộn mặt ngơ ngác trông theo.
|
Chương 07
Chương 7 Cuộc gặp gỡ “định mệnh” với nhỏ Oanh và nhỏ Diệp trên trường không ngờ lại trở thành “tai họa” đối với Tùng. Với những chuyện như thế này, bọn con gái không thể nào giữ kín được. Ngay trưa hôm đó, nhỏ Diệp đã kể lại với Quý ròm, còn nhỏ Oanh kể lại với Tiểu Long. Buổi chiều, khi đến kèm cho Tiểu Long học, nhỏ Hạnh liền biết tỏng hết những gì vừa xảy ra với thằng em mình ở trên trường. Chiều tối, vừa về đến nhà, nhỏ Hạnh đã kêu Tùng ra. - Giỏi nhỉ? Nhỏ Hạnh nheo mắt nhìn em, buông một câu gọn lỏn. Tùng giật thót: - Chị bảo giỏi gì cơ? - Còn làm bộ làm tịch nữa hả? - Nhỏ Hạnh hừ giọng – Chả phải dạo này em giỏi đánh nhau với bạn là gì! Câu nói của bà chị làm Tùng lạnh toát sống lưng. Thoạt đầu nó định chối biến nhưng sức nhớ chị mình vừa từ nhà nhỏ Oanh về, nó đâm xụi lơ: - Tại bạn ấy chứ bộ! Ai bảo bạn ấy méc tội em với cô giáo! Nhỏ Hạnh nghiêm nghị: - Nhưng vấn đề là bạn ấy méc đúng không? Hay là bạn ấy bịa chuyện để nói xấu em? - Tất nhiên là bạn ấy nói đúng! – Giọng Tùng xuôi xị – Nhưng... - Em chả cần phải bào chữa! – Nhỏ Hạnh cắt ngang, rồi nó nói tiếp, giọng đe dọa – Chị sẽ kể chuyện này lại với ba mẹ! - Chị đừng kể! – Mặt Tùng méo xệch – Ba mẹ mà biết em đánh nhau, em sẽ nhừ đòn mất! - Em yên chí! Chị sẽ không méc ba mẹ về tội em đánh nhau đâu! Nhưng chị sẽ kể về chuyện em đã đối xử với con Tai To như thế nào! Tùng nài nỉ: - Chuyện này chị cũng đừng kể! - Chị sẽ kể! – Nhỏ Hạnh nhún vai, giọng dứt khoát – Nếu chị không kể, con Tai To sẽ đến chết vì em mất! - Chị chỉ nói! – Tùng phụng phịu – Em có làm gì đau đớn cho nó đâu! Nhưng mặc cho Tùng van vỉ, lần này nhỏ Hạnh nhất quyết không bỏ qua. Nó kể tuốt tuột hết mọi chuyện với ba. Tối đó, ba ngập ngừng bảo mẹ: - Không ổn rồi em ạ! - Gì cơ? – Mẹ không hiểu ba định nói gì. Ba thở dài: - Phải đem cho con Tai To đi thôi! - Sao lại cho? – Mẹ ngạc nhiên – Nó đang sống yên ổn ở nhà ta kia mà? Ba chép miệng: - Đó là em tưởng thế thôi! - Sao lại tưởng? – Mẹ tròn mắt – Em chả hiểu gì cả! - Như thế này này... Ba “e hèm” một tiếng rồi chậm rãi thuật lại cho mẹ nghe những gì ba vừa biết về mối “quan hệ căng thẳng” giữa Tùng và Tai To. Kể xong, ba tặc lưỡi kết luận: - Như vậy Tai To không thể tiếp tục ở lại đây được! - Vấn đề nghiêm trọng đến thế ư? – Mẹ lộ vẻ băn khoăn. - Dĩ nhiên rồi! – Ba bóp trán – Một đứa trẻ khi chưa học được cách yêu thương loài vật thì không nên sống chung với con Tai To! Mẹ chớp mắt: - Nhưng em nghĩ đây chỉ là trò đùa nghịch trẻ con đối với một con chó! - Không hoàn toàn là như thế! – Ba khẽ lắc đầu – Với một con chó to lớn, một con bẹc-giê chẳng hạn, Tùng sẽ không bao giờ dám đùa nghịch với cái kiểu đã đùa nghịch với Tai To. Chuyện đó chỉ xảy ra với chú cún bé nhỏ, hiền lành nhà ta. Tất cả thoạt đầu chỉ là những trò chơi vô tâm và tự phát. Nhưng lâu dần sẽ hình thành nơi đứa trẻ khuynh hướng hiếp đáp những kẻ yếu hơn mình và thói quen thích thú khi làm những chuyện đó! Và điều đó vô cùng nguy hiểm cho việc phát triển và rèn luyện nhân cách! Những phân tích của ba khiến mẹ giật mình, cảm thấy vấn đề đột nhiên trở nên quan trọng đến mức không thể cứu vãn. Trán mẹ nhíu lại: - Nhưng Tai To là một con chó... ba màu! - Chuyện đó thì em khỏi lo! – Ba chuyển qua giọng khôi hài – Anh và em cũng là những sinh vật ba màu đấy thôi! Riêng con mắt đã có hai màu đen trắng, thêm màu da vàng nữa là đạt yêu cầu “ba màu” rồi còn gì! Câu bông đùa của ba làm mẹ bật cười. Nhưng rồi mẹ nghiêm mặt lại: - Anh định đem con Tai To cho ai thế? Ba gật gù: - Anh sẽ gọi điện thoại cho chú Xuân! - Chú Xuân chồng cô Lài ư? Mẹ hỏi nhưng không cần ba trả lời. Chú Xuân là bạn ba, cũng làm nghề viết báo. Chú Xuân rất thích nuôi chó. Nhà chú hiện nay có đến hàng chục con là ít, trong đó gần phân nửa là những con chó hoang quen sống lang thang bờ bụi, một hôm đi lạc vào nhà được chủ nhân cho ăn uống tử tế, mến người mà ở lại. Nhưng mặc dù đã có cả chục con chó trong nhà, mỗi lần đến chơi với ba, bao giờ chú Xuân cũng nằn nì hỏi xin Tai To. Chú bảo nhà chú lắm chó nhưng không có con nào đẹp như Tai To thật. Hễ thấy nó là chú ôm vào lòng vuốt ve nựng nịu, miệng không ngớt trầm trồ: - Ôi, chú cún đáng yêu của ta! Xin hoài không được nhưng chú Xuân vẫn thích gọi Tai To là “của ta”. Nhỏ Hạnh trêu chú, chú bảo gọi vậy cho “hên”. Và hôm nay thì chú Xuân hên thật. Khi nghe ba bảo sẽ gọi điện thoại nhắn chú Xuân đến đón Tai To, mẹ yên tâm ngay. Ai chứ chú Xuân thì mẹ không lo. Sống với chú, hẳn Tai To sẽ được chăm sóc chu đáo! Trưa hôm sau, ba tuyên bố quyết định đem cho Tai To ngay trong bữa cơm. Nhỏ Hạnh giãy nảy: - Không được! Con không chịu đâu! Nói xong, nó buông đũa, bưng mặt khóc thút thít. Hôm qua khi kể lại mọi chuyện với ba, nhỏ Hạnh hoàn toàn không nghĩ ba sẽ đi đến một quyết định như thế. Không chỉ nhỏ Hạnh, mặt dì khuê cũng buồn dàu dàu. Dì không vùng vằng phản đối như nhỏ Hạnh, mà nhìn ba ngẩn ngơ: - Sao thế hở anh? Ba nhìn Tùng, nói bằng giọng trào phúng: - Đơn giản là Tùng với Tai To không thể sống chung với nhau được! Người ta bảo hai con hổ không thể sống chung một rừng mà lại! Ba cố làm ra vẻ khôi hài nhưng chẳng ai cười. Mọi người đang rầu rĩ vì sự ra đi của Tai To. Ngay cả Tùng cũng không cười, nó mím môi lại, hiểu rằng mọi chuyện thế là vỡ lở và thất thỏm không biết ba mẹ sẽ xử trí với nó như thế nào. Nhưng dường như ba chẳng tỏ vẻ gì muốn phạt Tùng. Sau khi giải thích với dì Khuê về lý do ra đi của Tai To, ba bưng chén lên đủng đỉnh và cơm và bắt đầu nói sang đề tài khác. Thái độ của ba cho biết câu chuyện về Tai To coi như đã xong, không cần phải bàn cãi gì nữa. Mọi người không bàn cãi, nhưng không vì thế mà không khí bớt nặng nề. Biết mẹ, dì Khuê và nhỏ Hạnh rất yêu quí Tai To và việc Tai To ra đi chắc chắn làm mọi người nẫu ruột, ba cố kể những mẩu chuyện vui, thỉnh thoảng chêm vài lời pha trò, nhưng mọi người đều hưởng ứng một cách uể oải, gượng gạo. Nhỏ Hạnh cứ gằm đầu vào cái chén trên tay, vừa ăn vừa sụt sịt. Dì Khuê rệu rạo nhai cơm, mắt đỏ hoe. Riêng mẹ từ đầu đến cuối không thốt một lời nào, chốc chốc lại buông ra những tiếng thở dài não nuột. Tùng không buồn một tẹo nào trước sự ra đi của Tai To nhưng thấy ai nấy đều xụi lơ, nó bỗng đâm ra bứt rứt. Nó có cảm giác nó chính là kẻ đem lại nỗi phiền muộn cho mọi người. Liếc lại đằng góc phòng, thấy Tai To đang nằm hiền lành, mõm gối lên hai chân trước, ngoan ngoãn chờ tới giờ ăn của mình, Tùng chợt thấy tội tội. Ừ nhỉ, thằng quỷ con này có lúc trông cũng đáng yêu ra phết! Tai To dường như cũng linh cảm được sự ra đi của mình. Mặt nó buồn rười rượi khiến Tùng bất giác cảm thấy nao nao. Khi cả nhà ăn xong, dì Khuê đem phần cơm dành riêng cho nó đặt ngay trước mõm, thái độ của nó cũng chẳng vồ vập như mọi bữa. Tai To chỉ khẽ ve vẫy đuôi, gí mũi vào đĩa thức ăn hít hít hai, ba cái rồi ngoảnh đầu đi chỗ khác hệt như một đứa bé hờn dỗi. Dì Khuê ngồi xổm bên cạnh, tay không ngớt vuốt ve bộ lông mềm mại của Tai To, miệng dỗ dành: - Ăn đi cưng! Ăn đi mà! Rồi thấy Tai To vẫn hờ hững, dì chép miệng trấn an: - Mày đừng lo! nói vậy chứ không ai nỡ đem cho mày đâu! Ăn đi! Dì Khuê nói với Tai To nhưng Tùng có cảm giác như dì đang trách móc mình. Nó đang nhột nhạt, chưa biết nên ngồi lại hay bỏ đi, đã nghe nhỏ Hạnh tiếp lời: - Ráng ăn một chút đi Tai To! Rồi chị sẽ năn nỉ ba mẹ giữ cưng lại! Ở nhà này chỉ có một người ghét bỏ cưng thôi, còn những người khác ai cũng thương cưng hết ấy! Câu nói của bà chị làm Tùng tức anh ách. Nó sầm mặt: - Chị ám chỉ ai vậy? Nhỏ Hạnh nghinh mặt: - Người nào thường bắt nạt Tai To thì người đó tự biết lấy! Hỏi làm chi! Nhỏ Hạnh thường ngày vốn ăn nói nhỏ nhẹ. Bữa nay đang ấm ức về chuyện Tai To sắp bị đem cho, nó đâm gắt gỏng, chẳng buồn nương nhẹ với “thủ phạm”. Thấy bà chị nổi khùng, lại có dì Khuê ngồi bên sẵn sàng... nổi khùng theo, Tùng không dám nói đi nói lại. Nó mím môi ngồi im một cách tức tối. Lúc nãy, thấy cả nhà từ người tới vật ai nấy đều buồn thỉu buồn thiu trước cảnh “sinh ly tử biệt”, Tùng không ngăn được xao xuyến. Nó định bụng chờ đến tối sẽ thủ thỉ xin mẹ cho Tai To ở lại. Nó sẵn sàng hứa với mẹ là sẽ không bao giờ hành hạ con Tai To nữa. Nó sẽ yêu thương Tai To như mọi người yêu thương... Nhưng đó là lúc nãy. Bây giờ những ý định đẹp đẽ đó đã nhanh chóng tan biến sau khi hết bà dì tới bà chị thi nhau xiên xỏ, chì chiết nó. Thế đấy! – Tùng cay đắng nhủ thầm – Mọi người luôn luôn “coi trọng” con Tai To hơn mình! Hễ có chuyện gì dính dáng đến Tai To là mình bao giờ cũng bị trách mắng. Mà Tai To là gì? Nó chẳng là gì cả! Nó chỉ là một con cún thôi. Cũng như mọi con cún khác trên đời. Tai To đâu phải là một con cún bằng vàng! Tùng càng nghĩ càng cảm thấy ghen tức. Và nó quyết định mặc kệ mọi chuyện. Tai To cứ việc cuốn gói ra khỏi nhà. Nó đến ở với chú Xuân chứ có phải đến chỗ chết đâu mà phải lo cuống lên. Chú Xuân xuất hiện ngay chiều hôm sau. Buổi trưa vừa nhận được cú điện thoại của ba, đầu giờ chiều chú đã đứng ngay trước của lưới, đập rầm rầm: - Nào, nào! Mở cửa đi nào! Vừa thấy ba bước ra, chú đã reo ầm: - Ôi, ông anh ơi! Tôi có nghe nhầm không đấy! Ông anh định tặng con Tai To cho tội thật à? Ba mở rộng cửa, mỉm cười: - Mời vào! Nếu không thật thì tôi chả gọi chú làm gì! Ba nói rõ ràng như thế mà chú Xuân vẫn chưa tin. Chú nhúc nhích hai hàng ria mép, bỡ ngỡ hỏi: - Nhưng tại sao ông anh lại nghĩ ra được một quyết định tuyệt diệu như thế? Thần linh mách bảo à? - Chả thần linh nào mách bảo cả! – Ba tặc lưỡi – Không thích nuôi nữa thì tặng quách cho chú rồi! Đang nói, ba chợt nhìn thấy sợi dây chú Xuân vẫn cầm trên tay nãy giờ: - Chú mang theo cái gì thế? - À! – Chú Xuân giũ sợi dây dài ra – Đây là sợi xích bằng da! Rồi chú rút từ trong túi quần ra một cái vòng nhỏ cũng bằng da thuộc: - Còn đây là cái vòng đeo cổ! Và chú cười khoe chiếc răng sún: - Tôi sẽ dắt bộ con Tai To về nhà! - Dắt bộ? – Ba ngạc nhiên. Ba ngạc nhiên là phải. Nhà chú Xuân thuộc một quận vùng ven, ở bên kia kinh Tàu Hủ. Thực ra nhà chú Xuân cách nhà Tùng không xa lắm, khoảng gần hai cây số, chỉ quẹo chừng bốn, năm cua đường là tới. Nhưng đấy là nói lúc chạy xe. Còn đi bộ thì lại là chuyện khác, xa lăng lắc. Đó là chưa kể còn phải qua đò. Vì vậy, nghe chú Xuân bảo sẽ cùng với Tai To đi bộ về nhà, ba tưởng chú nói đùa. Nhưng chú Xuân không đùa. - Tôi nói dóc với ông anh làm chi! – Chú nói – Khi nãy tôi đi xích-lô từ bến đò Cây Me tới đây chứ đâu có cỡi xe gắn máy! Rồi trước vẻ mặt ngơ ngác của ba, chú hào hứng giải thích: - Có gì lạ mà ông anh phải trố mắt lên như thế! Một trong những cái thú của người nuôi chó là dắt chúng dạo chơi dung dăng dung dẻ ngoài phố! Nhất là với một con chó xinh xắn như con Tai To này! Tại ông anh ít nuôi chó nên ông anh không biết đấy thôi! Nói xong, chú quay mặt vào nhà trong kêu lớn: - Nào, Tai To đâu! Ra đây chúng ta đi bát phố một vòng nào! Thường, mỗi khi chú Xuân đến chơi, Tai To bao giờ cũng mừng rỡ chạy ra đón và quấn quít hàng giờ bên chú. Nhưng hôm nay chẳng thấy tăm hơi nó đâu. Thậm chí, chú gọi đến bốn, năm tiếng, Tai To vẫn không buồn đáp lại. Cứ như thể nó đi vắng đâu cả tuần nay rồi. Ba và chú Xuân đi xuống nhà sau. - Con Tai To đâu rồi dì? – Ba hỏi dì Khuê. Dì Khuê vẫn cúi mặt trên rổ rau, giọng thật như đếm: - Em không biết! Từ trưa đến giờ em chẳng thấy nó đâu! Ba biết thừa là dì Khuê nói dối nhưng ba không buồn gạn hỏi. Ba ngoắt chú Xuân, cả hai lui cui sục sạo trong các ngóc ngách. Chú Xuân vừa đảo mắt dò tìm vừa cất giọng ngọt ngào: - Tai To ới ời! Tao có miếng thịt bò cho mày đây này! Mày không ra thì tao ăn mất đấy! Chốc chốc chú lại đổi “tông”: - Á, à, tao biết mày nấp ở đâu rồi! Mày không ra thì tao chui vào tao... nấp chung với mày đấy! Từ khi chú Xuân đập cửa, Tùng chui ngay vào phòng ngủ. Nó không dám lởn vở ở nhà ngoài, sợ sẽ bắt gặp ánh mắt oán trách của dì Khuê và nhỏ Hạnh. Tùng đứng đằng sau bức vách, áp tai vào khe hở tò mò theo dõi cuộc đối đáp giữa ba và chú Xuân. Đến khi nghe chú Xuân giở giọng bông lơn gọi Tai To, nó phải cố lắm mới khỏi phì cười. - Tai To ơi hỡi Tai To! – Chú Xuân lại cất giọng ngâm ngợi – Nếu nghe tao gọi thì lòi đuôi ra! Nhưng mặc cho chú giở trò, Tai To vẫn biệt dạng. Nó chẳng thò đuôi cũng chẳng thò đầu. Chỉ có Tùng là khổ sở vì phải cố nhịn cười. - Chắc nó ở đâu trên gác! – Ba nói. Và trước khi quay đi, không hiểu nghĩ sao ba bỗng hắng giọng nói: - Tai To! Ra đây bảo nào! Ba vừa dứt lời bỗng có tiếng ư ử phát ra từ trong chạn đựng chén bát. Linh cảm được chuyện chẳng lành, từ khi được dì Khuê giúi vào trong chạn, Tai To nằm im thít giữa đống chén như một cục bông. Từ trước đến nay nó vẫn yêu mến và quyến luyến chú Xuân nhưng hôm nay tiếng gọi quen thuộc của chú không hiểu sao lại làm nó lo lắng. Khi nghe tiếng chân của chú đến gần, nó hồi hộp thu người lại, cố không động đậy, thâm chí gần như không cả thở. Nghệ thuật bất động của Tai To phải nói là đã đạt đến mức hoàn hảo. Chỉ đến khi nghe tiếng gọi của chủ thì nó mới bồn chồn bật lên tiếng rên khẽ. Tiếng rên của Tai To làm dì Khuê tái mặt. Còn chú Xuân thì tươi hơn hớn. Chú mở cửa chạn, cúi đầu nhìn vào: - A ha! Thì ra chú mày chơi trò đi trốn đi tìm ở trong này! Nhưng chú chưa kịp thò tay vào thì nhỏ Hạnh ở trên gác bất thần phóng vèo xuống. - Đừng, chú ơi! – Nó chạy bổ lại và kêu lên bằng giọng nức nở đến tội – Chú đừng bắt con Tai To của cháu!
|
Chương 08
Chương 8 Rốt cuộc Tai To vẫn ra đi với chú Xuân. Ba đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi gọi điện cho chú và quyết định của ba không thể thay đổi được. Ba ôm lấy bờ vai đang rung lên của cô con gái yêu, trầm giọng an ủi: - Nín đi con! Nhà chú Xuân cũng gần đây thôi mà! Mỗi tuần ba sẽ chở con qua đó thăm Tai To! Nghe ba nói vậy, nhỏ Hạnh cảm thấy nhẹ nhõm được phần nào. Nhưng nó không nói gì, chỉ gục đầu trên ngực ba “híc híc”. Không chỉ có con Hạnh khóc. Tùng rón rén rời phòng ngủ, nhón gót bước lại đầu hành lang nhìn qua khe cửa, thấy dì Khuê cũng đang ngồi thổn thức bên rổ rau, chốc chốc lại đưa tay áo lên quẹt nước mắt. May mà mẹ đi làm! Nếu mẹ ở nhà, chắc mẹ cũng sụt sà sụt sịt như thế, có khi đến phút chót mẹ đòi giữ con Tai To lại không chừng! Lúc đó thì gay go to! Tùng hoang mang nhủ bụng và nó sè sẹ bỏ ra nhà trước lôi tập vở ra cắm cúi ngồi học, cố quên đi câu chuyện về Tai To. Tùng cố quên câu chuyện Tai To nhưng khổ nỗi câu chuyện Tai To lại không chịu quên Tùng. Chú Xuân đem con Tai To đi chừng hai ngày là lớp biết hết. Đầu đuôi cũng do thằng Đạt lẻo mép. Nó đến chơi nhà Tùng, không thấy Tai To đâu, liền giương mắt ếch lên hỏi han hết người này đến người khác. Đến khi biết chuyện, nó nôn nóng chờ đến sáng hôm sau là vọt lẹ lên trường “phi báo” cho cả lớp, ra cái điều ta đây vừa biết được một tin quan trọng. Cái thằng ngốc ơi là ngốc! Về “vụ án” hành hạ Tai To vừa rồi, nó bị ghép tội chung với mình mà bây giờ nó làm như nó vô can, cứ xoen xoét cái mồm, thật khổ! Mà Tùng khổ thật! Từ khi tin tức về con Tai To loan đi, tụi bạn liền xúm lại quanh Tùng thi nhau chất vấn, dò xét, xỏ xiên, bình luận, thôi thì không thiếu một thứ gì! Nhỏ Cúc Phương cứ tò tò đi theo Tùng, luôn mồm hỏi: - Bạn cho con Tai To đi đâu vậy? Nhớ đến “mối thù” trước đây, Tùng sầm mặt: - Đi đâu hỏi làm gì? Cúc Phương nhỏ nhẹ: - Phương hỏi để Phương ghé thăm! Tùng nhết mép: - Bạn muốn biết thì bạn đi mà hỏi thằng Đạt hớt lẻo ấy! - Phương đã hỏi rồi nhưng Đạt không biết! – Giọng Cúc Phương vẫn nhẫn nại – Đạt chỉ biết là nhà bạn vừa cho con Tai To đi thôi! Vẻ cầu cạnh của nhỏ Cúc Phương không lay chuyển được Tùng. Nó lạnh lùng: - Cái thằng hớt lẻo đó mà không biết thì chẳng ai biết! Biết Tùng chưa quên thù cũ, nhỏ Cúc Phương đành buồn bả bỏ đi, chờ dịp khác. Nhưng ở đời chẳng thiếu gì người muốn làm khổ Tùng. Nhỏ Cúc Phương vừa đi thì Nghị trờ tới. Nó hỏi Tùng đúng cái câu Cúc Phương vừa hỏi: - Bạn cho con Tai To đi đâu vậy? Với Nghị thì Tùng chẳng cần dài dòng. Nó quạu quọ: - Tao không biết! Mày muốn biết thì đi tìm thấy bói mà hỏi! Nghị chẳng phải tay vừa. Nó đốp lại ngay, cũng chẳng buồn kêu Tùng là “bạn” nữa: - Chẳng cần xem thầy, tao cũng biết! Tóm lại là nhà mày chẳng cho con Tai To đi đâu cả! Câu nói của Nghị khiến Tùng chưng hửng: - Ai bảo mày vậỷ - Cần gì ai bảo! – Nghị nheo nheo mắt – Tao thừa biết là con Tai To chết rồi! - Chết? – Tùng ngạc nhiên. - Chứ sao! – Nghị gật gù - Mày hành hạ Tai To như thế, nó sống làm sao nổi! - Láo toét! – Sự phỏng đoán có ý kết tội của Nghị làm Tùng tức điên. - Có mày láo toét thì có! – Nghị vẫn thản nhiên – Con Tai To chết rồi mà mày bảo là đem cho! Mặt Tùng nóng bừng bừng. Nó ngoác mồm cãi: - Nhà tao đem con Tai To cho chú Xuân rõ ràng! Mày đừng có đoán mò! - Chú Xuân nào? - Thì chú Xuân chứ chú Xuân nào! Bạn của ba tao ấy! Nghị liếm môi: - Thế nhà chú ấy ở đâu? Tùng vung tay: - Nhà chú ấy ở bên kia kinh Tàu Hủ chứ đâu! Leo lên đò chạy vèo một cái là tới! Nghị gãi cằm: - Thế nhà chú ấy... số mấy, ở đường nào? Nãy giờ Nghị dùng kế “khích tướng” để âm thầm thăm dò tung tích Tai To. Trong khi đó, Tùng vô tình rơi vào bẫy của Nghị, cứ tức khí nói huyên thiên. Nhưng đúng vào lúc Tùng sắp sửa buột miệng khai ra địa chỉ mới của Tai To, nó bỗng khựng lại. Câu hỏi quá xá cụ thể của Nghị khiến nó sinh nghi. - À, à! – Nó liếc Nghị, nhăn nhăn mũi – Tao không có để mày lừa đâu! Nghị giật thót: - Tao có lừa gì đâu! Tùng hừ giọng: - Cúc Phương dọ hỏi tao cả buổi không được, nó kêu mày tới “điều tra” chứ gì? Rồi không để Nghị phân trần, Tùng khoát tay, giọng dứt khoát: - Tao đã nói rồi! Muốn biết Tai To hiện giờ ở đâu, mày đi kiếm thầy bói mà hỏi! Đuổi được Nghị, Tùng lại phải loay hoay đối phó với những đứa khác. Tùng bực cái đám láo nháo này nhất. Nghị và Cúc Phương là hai đứa hài tội Tùng trên lớp, nhưng dù sao đó cũng là những đứa yêu quí Tai To thực lòng. Vì vậy, tụi nó quan tâm đến số phận của Tai To là điều có thể hiểu được. Còn những đứa khác chưa từng biết mặt mũi Tai To tròn méo ra sao, vậy mà khi nghe thằng Đạt bô bô phao tin, tụi nó cứ lân la lại bên Tùng hỏi thăm tíu tít, làm như thể Tai To là bạn chí cốt của tụi nó không bằng! - Sao mày? – Một đứa khều vai Tùng – Bộ nhà mày cho con Tai To đi thật đấy hả? - Ừ. - Thế sao phải cho đi vậy? Tùng nhấm nhẳng: - Không thích nuôi nữa thì cho chứ sao! Đứa kia bĩu môi: - Chứ không phải mày “tẩm quất” nó ghê quá, ba mẹ mày sợ nó chịu không nổi, phải đem cho nó đi hả? Cái giọng của thằng bạn rõ là giọng gây sự. Tùng thu nắm tay: - Mày muốn chơi nhau hả? - Chạy mau đi! – Đứa bên cạnh thấy vậy liền rụt cổ bảo bạn – Thằng Tùng nó tưởng mày là con Tai To đấy! Một đứa khác láu lỉnh hùa theo: - Đúng rồi đó! Chạy mau đi! Nếu không thì nó lấy bao ni-lông bịt mõm mày lại bây giờ! Hai, ba cái miệng nhao nhao khiến Tùng muốn lộn ruột. Nhưng biết mình thân cô sức yếu, Tùng chẳng dám động thủ. Nó hậm hực quay mình bỏ đi, răng nghiến trèo trẹo. So với ở trường, không khí ở nhà dù sao cũng dễ chịu hơn. Gần như không ai trách móc gì Tùng nữa. Thỉnh thoảng mẹ chỉ nói trống không: - Cứ thấy nhà cửa nó vắng vắng sao ấy! Dì Khuê thì đếm từng này. Hôm trước dì nói: - Thế là đã một ngày! Hôm sau dì lại chép miệng: - Đã hai ngày rồi! Đó là dì tính khoảng thời gian Tai To ra đi. Mà nó cũng chỉ mới đi có hai ngày chứ mấy! Dì thật lẩm cẩm! Hai ngày mà cứ làm như hai năm không bằng! Nhỏ Hạnh không nói gì, không than thở cũng không tính đếm. Nhưng mỗi khi đi học về là nó tót lên gác nằm lì trên đó. Vẻ lặng lẽ của nhỏ Hạnh báo cho Tùng biết là bà chị buồn lắm. Buồn mà không nói ra đó thôi. Riêng Tùng, nó không rõ là mình buồn hay vui. Lúc Tai To còn ở nhà, thấy mọi người nuông chiều nó, Tùng không khỏi ghen tị. Rồi vì nó mà mình thường xuyên bị trách mắng, Tùng càng thêm căm. Nhưng khi Tai To đi rồi, Tùng lại đâm ra... nhớ nhớ, lạ thật! Mà về Tai To thì có rất nhiều điểm để nhớ. Mỗi lần Tùng đi học về, bao giờ Tai To cũng mừng rỡ chạy ra đón. Nhưng nó không dám chạy xồ ra cửa quấn quít bên chân như vẫn làm với ba mẹ, dì Khuê hay nhỏ Hạnh. Với Tùng, Tai To chỉ chạy ra tới giữa nhà rồi đứng đó giương đôi mắt đen láy nhìn ra, đuôi ve vẩy. Những lúc như thế, thái độ của Tai To rất buồn cười. Nó vừa muốn bày tỏ tình cảm của mình với cậu chủ nhỏ lại vừa sợ cậu chủ nổi hứng tung cước vào người mình. Vì vậy, đuôi nó chỉ tung tẩy một cách vừa phải để sẵn sàng cụp xuống chạy trốn bất cứ lúc nào. Khi Tùng bước vào nhà cũng vậy. Tai To vẫn nồng nhiệt đi quanh cậu chủ nhưng nó đánh một vòng khá rộng để đề phòng mọi bất trắc, mắt không ngừng theo dõi nhất cử nhất động của Tùng. Dĩ nhiên là Tùng biết thừa tâm trạng phấp phỏng của Tai To. Trong khi nó thập thò quan sát Tùng thì Tùng cũng kín đáo “nghiên cứu” nó. Những lúc ấy, máu nghịch ngợm trong Tùng lại nổi lên. Nó đột ngột vung tay ra. Chiếc cặp bay vù xuống sàn nhà đánh “rầm” một tiếng. Thế là Tai To hồn xiêu phách lạc, cong lưng chạy bán sống bán chết. Đuổi theo sau là tiếng cười hăng hắc của Tùng. Bây giờ nhớ lại những hình ảnh đó, Tùng không khỏi xao xuyến. Nó không cảm thấy Tai To là một “kẻ tranh chấp” đáng ghét nữa. Dù sao Tai To cũng là một con cún hiền lành, tội nghiệp! Mình đối xử với nó quả có phần bất công thật! Nhưng dù sao tất cả cũng đã muộn màng. Chắc chắn chú Xuân sẽ không đời nào chịu “phóng thích” Tai To về với nhà mình! ý nghĩ đó khiến Tùng bất giác thở dài. Và bây giờ thì nó hiểu tại sao mọi người lại buồn bả vì sự ra đi của Tai To đến thế!
|
Chương 09
Chương 9 Sáng hôm sau nhằm vào ngày thứ năm, ngày Tùng được nghỉ học. Điều đó thật là hên cho nó. Tối hôm trước nằm trằn trọc nghĩ mãi về Tai To, Tùng ngủ trễ hơn mọi bữa. Sáng ra, ba mẹ đi làm, nhỏ Hạnh đi học, còn Tùng vẫn nằm bẹp trên giường, mắt nhắm tịt. Nếu nhằm ngày đi học, dì Khuê chắc sẽ không ngừng than khổ than sở khi phải dựng nó dậy trong một tình trạng như thế. Tùng ngủ một mạch đến hơn tám giờ sáng. Khi dì Khuê xách giỏ chuẩn bị đi chợ, nó vẫn chưa tỉnh ngủ. - Nào, dậy đi cháu! - Dì lay vai nó - Cháu định nằm nướng cho đến lúc cả người cháy thành than hay sao? Nhưng mặc cho dì lay lay đập đập, Tùng vẫn không buồn mở mắt. Nó chỉ ú ớ vài ba tiếng rồi xoay mặt vào tường... ngủ tiếp. - Dậy đi! - Dì Khuê thò tay nắm lấy chân Tùng, giọng nài nỉ - Dậy một chút xíu thôi! Chạy ra đóng cửa cho dì rồi sau đó muốn ngủ tiếp thì ngủ! Cánh cửa lưới nhà Tùng có cả khóa trong lẫn khóa ngoài. Nếu người đi ra là kẻ cuối cùng rời khỏi nhà thì bấm ổ khóa bên ngoài. Ngược lại, nếu trong nhà có người thì người trong nhà phải chạy ra bấm ổ khóa hoặc chốt then cài phía trong. Dãy phố Tùng ở thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ mất trộm nên ba mẹ luôn luôn nêu cao cảnh giác. Ba nói cho "Cẩn tắc vô ưu", rồi gật gù giải thích "Cẩn thận bao giờ cũng hơn". Hôm nào đi làm về, kéo một phát thấy cửa mở toang, nghĩa là quên cài chốt bên trong, thế nào ba cũng nghiêm khắc phê bình. Vì vậy, chẳng ai trong nhà dám chểnh mảng chuyện cửa nẻo, kể cả Tùng. Nhưng hôm nay Tùng buồn ngủ quá. Nghe đến chuyện khóa cửa, nó cũng muốn nhỏm dậy nhưng mắt nó cứ díp lại và hình như có một sức mạnh vô hình nào từ trong đống chăn nệm cứ níu lưng nó xuống. - Dì cứ đi chợ đi! - Tùng nói, mắt nhắm mắt mở, giọng nhừa nhựa - cháu sẽ dậy ngay bây giờ đấy! Chẳng làm sao được, dì Khuê đành tặc lưỡi quay đi sau khi dặn dò kỹ lưỡng: - Nhớ đấy nhé! Cháu mà không dậy khóa cửa, trộm sẽ vào nhà khuân hết đồ đạc đi đấy! - Ối giời! - Tùng nhủ bụng - Dì chỉ giỏi tài dọa! Trộm nào mà dám viếng nhà vào giờ này! Nghĩ vậy nên Tùng tự cho phép mình nằm nán thêm một lát. Ngay cả khi nghe tiếng dì Khuê sập cửa, Tùng vẫn không buồn động đậy. Nó cứ nằm mơ mơ màng màng, xoải chân xoải tay một cách biếng nhác. Tùng không ngờ lúc đó có hai tên trộm đang lảng vảng ở bên ngoài thật. Hai tên trộm, một béo một gầy. Tên gầy cao lòng khòng, mặt choắt như quả cau khô, đi tay không. Tên béo râu ria lởm chởm, thấp hơn đồng bọn gần cả cái đầu, tay cầm đong đưa chiếc giỏ lác. Khi dì Khuê đẩy cửa bước ra, hai tên trộm đang đứng cách đó mấy căn. Cả hai đang tựa người vào lan can, vừa phì phà khói thuốc vừa chỉ trỏ xuống đường nói léo nhéo gì đó. Thái độ của chúng không có gì khả nghi nên dì Khuê chỉ đưa mắt nhìn qua một cái rồi vội vã rảo bước xuống cầu thang. Nhưng khi dì vừa khuất dạng, tên béo đã nháy mắt với tên gầy: - Sao mày? - Yên chí! Tao đã điều tra kỹ càng rồi! Tên béo vẫn chưa yên tâm: - Nhớ trong nhà có người thì sao? - Làm gì có chuyện đó! - Tên gầy trấn an đồng bọn. Tên béo vẫn lộ vẻ trù trừ, hắn liếm môi: - Hình như trong nhà còn một thằng nhóc! Từ sáng đến giờ tụi mình đâu có thấy nó ra khỏi nhà! - Có thể nó đi vắng từ hôm trước! Tên gầy đưa ra lời phỏng đoán. Rồi để đánh tan nỗi ngờ vực trong lòng tên béo, hắn gật gù nói thêm: - Muốn kiểm tra chuyện đó chả có gì khó! Đi theo tao! Nói xong, không để tên béo kịp có ý kiến, tên gầy lững thững tiến về phía nhà Tùng. Đến ngay trước cánh cửa lưới, hắn nhướn mắt nhìn vào bên trong, ngoác miệng rao: - Ai có ve chai, dép đứt, thau nhôm, mủ để bán không? Sau khi giả giọng người buôn ve chai rao hai, ba lần liên tiếp, vẫn thấy bên trong chẳng động tĩnh gì, tên gầy nhún vai: - Thấy chưa! Tao đã bảo nhà không có người mà lại! Đang nói, ánh mắt chợt chạm phải chỗ móc khóa, tên gầy mừng rỡ reo lên: - Ôi, trời giúp ta rồi! Cửa không khóa! Tên béo dè dặt: - Có thể cửa khóa phía trong! Nghe vậy, tên gầy khẽ cau mày. Hắn thò tay cầm cánh cửa kéo nhẹ. Cánh cửa bật ra ngay theo đà kéo của tên gần khiến tên béo tròn mắt: - Sao có chuyện lạ thế này? - Chẳng có gì lạ cả! - Tên gầy phấn khởi - Tất cả là do sự đảng trí của người đàn bà kia thôi! Vừa nói hắn vừa lách người vào. Sau một thoáng ngập ngừng, tên béo cũng lẹ làng lách theo và thò tay khép cửa lại. Sau khi lọt vào nhà, hai tên trộm nép sát tường dọ dẫm từng bước một, mắt láo liên quan sát. Trong phòng khách chẳng có món gì hấp dẫn. Ngoài bộ xa-lông và chiếc đi-văng là bàn học ngổn ngang tập vở của Tùng. Dọc tường là dãy kệ sách đồ sộ, dài ngoằng. Tên béo lẩm bẩm: Toàn là thứ vô tích sự! Treo tít trên cao là chiếc đồng hồ quả lắc. Tên gầy liếm môi: Món này không đáng giá là bao nhưng có thể thó được, chỉ tiếc là treo quá cao, trèo lên trèo xuống bất tiện! Hai tên trộm vừa nhanh nhẹn đảo mắt nhẩm tính giá trị các món đồ vừa lần ra phía sau. Khi bước qua khỏi chiếc tủ buýp-phê dùng làm vách ngăn, cả hai chợt sáng mắt lên. Trước mặt chúng, trên chiếc bàn thấp kê sát tường là chiếc ti-vi 14 inch và ngay bên cạnh là một đầu máy vi-đê-ô hiệu Sony mới toanh. Chiếc ti-vi cồng kềnh tất nhiên không thể mang ra khỏi nhà nhưng cái đầu máy thì quả là gọn nhẹ, chỉ cần thảy tọt vào chiếc giỏ lác là xong. Có xách ngang qua mặt công an thì công an cũng chỉ biết lễ phép cúi chào mà thôi! Tên gầy hất đầu về phía tên béo: - Ra tay đi! Còn chờ gì nữa! Không đợi giục đến lần thứ hai, tên béo vọt lại ôm chiếc đầu máy bằng hai tay, kéo mạnh. Nhưng những dây nhợ nhùng nhằng phía sau đã giữ rịt lại. Chiếc đầu máy không những không tuột ra mà chiếc bàn lại bất thần chao nghiêng khiến những chiếc băng vi-đê-ô đặt hờ hững bên trên rơi xuống sàn nhà phát ra những tiếng "lộp cộp". Sự cố bất ngờ khiến hai tên trộm giật nảy người. Tên béo đè tay lên ngực: - Hú ba hồn bảy vía! - Hồn vía cái đầu mày! - Tên gầy nghiến răng trèo trẹo, mắt long lên - Lấy dao cứa phăng ba sợi dây chết tiệt đó đi chứ còn đứng trơ ra đấy làm gì! Nghe nhắc, tên béo lập tức thò tay vào giỏ lác lấy ra một con dao bén ngót, lưỡi sáng loáng. Hắn lia một phát, sợi dây cắm vào ổ điện đứt phăng. Khoái chí, hắn khoa dao định cắt luôn sợi dây thứ hai nối liền đầu máy với ti-vi nhưng lần này chưa kịp hạ dao xuống, hắn đã rụt tay lại, hốt hoảng ngước mắt nhìn lên. Trên gác đang vang lên những tiếng động lịch kịch, rõ mồn một. Rồi có tiếng chân bước vội về phía cầu thang. Dĩ nhiên tiếng chân đó không của khác hơn là của Tùng. Đang lim dim nửa mơ nửa thức, chợt nghe có tiếng đồ đạc rơi vãi dưới nhà, Tùng vụt ngồi ngay dậy. Trong chớp mắt, cơn buồn ngủ biến mất. Trộm chăng? Tùng nhíu mày lo lắng. Ý nghĩ đó khiến nó tỉnh như sáo. Nhưng rồi cặp lông mày Tùng nhanh chóng dãn ra. Nó tự trấn an: Không thể là trộm được! Bọn này chỉ hành động vào ban đêm thôi! Chẳng tên trộm nào dại dột đến mức vào nhà người ta đánh thó đồ đạc vào lúc trời sáng bảnh như thế này! Nhưng nếu không phải trộm thì ai đang lục đục ở dưới nhà? Hay là dì Khuê đã về? Vô lý! Chả bao giờ dì trở về sớm như thế cả! Mỗi khi ra chợ, bao giờ dì cũng rảo tới rảo lui ít nhất là hai tiếng đồng hồ, thích thú ngắm nghía và sờ mó hết món này đến món khác mặc dù cuối cùng, tính tằn tiện bẩm sinh chẳng cho phép dì mua sắm bao lăm. Đã được dì dẫn đi chợ đôi lần, Tùng chẳng lạ gì cái "tật la cà" của dì. Do đó nó không tin giờ này dì đã ở trong nhà. Đang loay hoay nặn óc, Tùng sực nhớ tới một việc, liền reo khẽ: Thôi, đúng là dì rồi! Hôm nay dì phải vội vàng trở về nhà chính là vì sợ mình cứ nằm ườn ra trên giường, không chịu ngồi dậy chạy đi khóa cửa. Mà chết rồi, mình đâu đã khóa cửa! Thế này thì lôi thôi với dì to! Vừa nghĩ tới đó, Tùng giật thót, vội leo xuống khỏi giường chạy về phía cầu thang. Nó hoàn toàn không hay biết nỗi nguy hiểm đang chờ đợi mình. Không khí chung quanh vẫn vắng lặng như tờ. Tùng vừa lần xuống các bậc thang vừa ngoảnh cổ dòm dáo dác. Chẳng có ai cả. Dì Khuê đâu rồi nhỉ? Tùng tự hỏi, rồi nó tự trả lời: Chắc dì ở dưới bếp! Nhưng không hiểu sao Tùng vẫn cảm thấy lo lo. Nhớ đến tiếng "lộp cộp" lạ lùng lúc nãy tự dưng nó đâm rờn rợn. Nỗi xao xuyến trong lòng mỗi lúc một tăng khiến Tùng bồn chồn không dám bước tiếp. Nó dừng lại ở lưng chừng cầu thang, dỏng tai nghe ngóng. Một tiếng động khẽ đột ngột phát ra từ chỗ tủ quần áo khiến Tùng nơm nớp đảo vội mắt về phía đó. Và tóc gáy nó lập tức dựng đứng cả lên khi từ đằng sau tủ bất thần nhô ra một bộ mặt lạ hoắc, râu ria lởm chởm. Bộ mặt hung hãn đó huơ dao: - Đứng im! Biết điều thì câm mồm! Mệnh lệnh của tên béo thực ra không cần thiết. Quai hàm của Tùng đã cứng đờ. Bảo nó nói lúc này khó hơn là bảo nó câm miệng. Mặt thộn ra, Tùng nhìn lưỡi dao sáng loáng trên tay tên béo bằng ánh mắt sợ hãi. Trong một lúc, không chịu nổi, nó phải quay mặt đi chỗ khác. Tùng không quay mặt đi còn đỡ. Vừa ngoảnh cổ sang bên cạnh suýt một chút nữa nó đã tè vãi ra quần: một bóng người gầy khẳng gầy kheo và cao lòng khòng như cây tre miễu đang đứng lù lù đằng góc nhà và giương cặp mắt trắng dã lên nhìn nó, vẻ đe dọa. Trái tim trong ngực Tùng như muốn bắn ra ngoài. Chân run lên, Tùng phải cố lắm mới không khuỵu xuống. Trong lúc này, nó chỉ biết khấn thầm dì Khuê mau mau trở về dù nó thừa biết điều đó hoàn toàn vô vọng. Tên gầy hất đầu về phía tên béo: - Trói nó lại! Nhét giẻ vô mồm. Tên béo lẹ làng đặt chiếc giỏ lác dựa vào chân tủ nghe "cạch" một tiếng. Đấy là tiếng chiếc đầu máy bên trong chạm vào nền gạch. Xong, tên béo hoa dao lừ lừ tiến lại phía cầu thang nơi Tùng đang đứng chết trân nãy giờ. Đúng trong lúc đó, Tai To đang trên đường trở về nhà. Hôm bị chú Xuân dẫn đi, Tai To đã cực lực phản đối. Nó vừa lẽo đẽo theo chú vừa kêu lên rin rít, đau khổ và phẫn uất. Có lúc nó bướng bỉnh đứng hẳng lại không buồn cất bước khiến chú Xuân phải dỗ dành mãi. Hôm đó, phải mất gấp đôi số thời gian dự tính, chú Xuân mới đưa được Tai To về đến nhà. Cô Lài và cu Tèo thấy Tai To về, liền ùa ra hớn hở: - Ôi, chú cún xinh quá! Cu Tèo nhảy cẫng: - Ba ơi, ba đưa sợi dây cho con dắt nó đi chơi đi! - Không được đâu! Con Tai To này ghê lắm! - Chú Xuân tặc lưỡi - Không khéo con làm sổng nó bây giờ! Nói xong, chú cột một đầu sợi dây vào thanh cửa sổ: - Phải xích nó lại vài ba ngày cho nó quen chỗ đã! Bầy chó nhà chú Xuân thấy con chó lạ liền xúm lại xem. Có con đi vòng quanh Tai to thò mõm hít hít ngửi ngửị Có con nghịch ngợm đưa chân khều vào đôi tai dài của nó khiến Tai To nhe răng "grừ grừ". - Thôi, thôi, giải tán! Tụi mày đừng có mà giở trò ma cũ bắt nạt ma mới! Chú Xuân vung vẩy tay xua bọn chó đi. Bọn chó tản hết. Chỉ còn lại cu Tèo. Cu Tèo thò bàn tay nhỏ nhắn vuốt lên bộ lông mềm mại của Tai To, miệng liến láu: - Tên mày là Tai To hở? Ừ đúng đấy! Tai mày dài ghê là! Được người bạn nhỏ vuốt ve, Tai To chớp mắt đứng yên, thậm chí nó còn khẽ ve vẩy đuôi, vẻ thân thiện. Thấy vậy, cu Tèo thích lắm. Nó vừa vỗ vỗ lên lưng Tai To vừa nhỏ nhẹ "dụ khị": - Mày ở lại đây làm bạn với tao nhé! Mấy con chó kia không dám làm gì mày đâu! Đứa nào gây sự với mày, tao sẽ phạt ngay tắp lự! Tai To cúi đầu ra dáng ngẫm nghĩ. Tai To không biết cu Tèo nói gì nhưng qua cử chỉ và giọng điệu của người bạn nhỏ, nó cũng lờ mờ đoán ra cu Tèo muốn được kết bạn với nó. Tuy mới gặp cu Tèo lần đầu nhưng Tai To cảm thấy rất mến chú nhóc này. Chú Xuân cũng vậy, lâu nay Tai To vẫn rất mến chú. Nhưng dù sao Tai To cũng không muốn ở lại đây. Nó nhớ nhà. Sự quyến luyến với những người chủ cũ khiến nó không muốn rời xa nơi ăn chốn ở quen thuộc. Tất nhiên gia đình nhỏ Hạnh không phải là những người chủ đầu tiên của Tai To. Tai To ra đời ở một nơi khác. Nhưng rời bỏ nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình từ hồi mới mấy tháng tuổi nên Tai To chẳng nhớ gì nhiều, cũng chẳng có bao lăm kỷ niệm để nhớ. Những ngày tháng sống ở nhà nhỏ Hạnh lại khác. Sự trìu mến, ân cần mà ông bà chủ, dì Khuê và nhỏ Hạnh dành cho nó khiến nó vô cùng cảm kích. Cậu chủ nhỏ thỉnh thoảng giở những trò tai ác làm nó nhiều phen hoảng vía nhưng dù sao cậu cũng không nặng tay nặng chân lắm. Lúc còn ở nhà, Tai To cũng hơi giận cậu một chút đỉnh nhưng bây giờ lưu lạc nơi "đất khách quê người", nó đã quen béng mọi hờn dỗi. Lòng nó bây giờ chỉ tràn ngập nhớ nhung. Lòng nặng trĩu, chiều đó Tai To bỏ ăn. Trong khi đám bạn của nó sục mõm vào những tô cơm trước mặt táp lấy táp để, vừa táp vừa ủi để dò tìm thịt cá, chốc chốc lại gấu ó giành giựt nhau vì một khúc xương trong tô chợt bắn ra đất, thì Tai To chỉ kề mũi vào tô cơm của mình đánh hơi qua loa rồi uể oải nằm mọp xuống, đưa cặp mắt buồn bã nhìn ra khoảnh sân đang vò võ nắng chiều. Vẻ thẫn thờ của Tai To làm Cô Lài chột dạ. Cô lo lắng nhìn chồng: - Nó không chịu ăn kìa anh! Chú Xuân nhún vai: - Em đừng lo! Mới về nhà lạ, chú chó nào chả vậy! Đến khi đói bụng lại cuống quít lên ngay thôi! Nhưng lời tiên đoán của chú Xuân không đúng với trường hợp của Tai Tọ Trưa hôm sau, Tai To vẫn tiếp tục "tuyệt thực". Rồi đến bữa tối, nó cũng không buồn ăn. Nó nhìn tô cơm đầy thịt cá cô Lài dành riêng cho nó bằng ánh mắt hờ hững và rầu rĩ. - Không xong rồi anh ạ! - Cô Lài lắc đầu - Nếu cứ nhịn đói như thế này, Tai To sẽ chết mất thôi! Chú Xuân cũng chẳng biết làm sao đành thở dài: - Đợi thêm ngày mai nữa xem sao! Nếu nó vẫn cứ bỏ ăn, chắc ta phải trả nó về cho chủ cũ thôi! Cu Tèo nãy giờ thấp thỏm theo dõi cuộc cuộc đối đáp của ba mẹ, nghe vậy liền giãy nảy: - Con không chịu đâu! Con không chịu đâu! Tai To phải ở với con! Nói xong, nó òa lên khóc. Rồi thấy khóc cũng chẳng ăng thua gì nó ngồi xuống ôm lấy Tai To, hạ giọng năn nỉ: - Ăn đi Tai To! Tao lạy mày đấy! Ăn đi, ăn một chút xíu thôi cũng được! Nghe cu Tèo dỗ, Tai To khẽ ve vẩy đuôi nhưng vẫ không nhúc nhích. Nó liếc tô cơm với vẻ thờ ơ, lạnh nhạt. Cô Lài dịu dàng xoa đầu con: - Con không dỗ được nó đâu! Nó đang nhớ chị Hạnh với anh Tùng đấy! Cũng như con vậy, đi đâu xa mà con chẳng nhớ nhà! Cu Tèo biết mẹ nói đúng. Vì vậy nó cứ thấy buồn buồn làm sao! Từ lúc đó cho đến trước khi đi ngủ, nó cứ ôm khư khư lấy Tai To như sợ ba mẹ nó sẽ thình lình đem Tai To đi mất. Nhưng chú Xuân chưa kịp đem Tai To đi trả thì nó đã tự động trở về nhà. Tối đó, Tai To không hề chợp mắt. Nó thức suốt đêm dùng răng nhay nhay sợi dây da và đến tờ mờ sáng hôm sau thì sợi dây bị cắn đứt. Không kịp nghĩ lấy sức, vừa được tự do, Tai To đã vội vàng phóng vụt ra cổng trước những cặp mắt ngỡ ngàng của lũ bạn đang nằm rải rác trong sân. Một vài con chồm dậy. Nhưng chúng không sủa, chỉ tò mò ngơ ngác trông theo. Những con chó nhà chú Xuân không lên tiếng nhưng lũ chó của những căn nhà hai bên đường thì cứ sủa nhặng mỗi khi cái bóng trắng của Tai To lướt qua. Mặc dù lũ chó bép xép này chỉ xồ ra cổng ngoác mồm "ăng ẳng" chứ không rượt theo, Tai To vẫn cong đuôi chạy bán sống bán chết. Mãi đến khi ra tới cánh đồng dẫn về phía bờ kinh, Tai To mới dần dần trấn tĩnh và chậm bước lại. Nó thong thả chúi mũi xuống đất đánh hơi dò đường và tiếp túc lần ngược theo lối cũ. Khi mặt trời nhô lên khỏi những mái nhà thấp thì Tai To cũng vừa tới bờ kinh. Nó bồn chồn chạy ngược xuôi, cặp mắt hoang mang nhìn xuống dòng nước đen ngòm, không biết làm cách nào để vượt qua. Đã mấy lần Tai To dọ dẫm lại sát mép nước, rụt rè thò một chân xuống lòng kinh nhưng dòng nước lạnh buốt như cắn vào da khiến nó sợ hãi rụt chân lạị Cuối cùng, Tai To quyết định chui vào ngồi thu lu trong bụi rậm ven đường vừa nghỉ mệt vừa chờ đợi. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, những bóng người đầu tiên xuất hiện bên bờ kinh. Một tốp người khác lũ lượt kéo tới liền sau đó. Rồi tiếp theo là những người cỡi xe đạp và xe gắn máy. Tất cả đều đổ về phía bến đò. Những tiếng trò chuyện râm ran xen lẫn tiếng động cơ làm quãng kinh vắng bỗng chốc ồn lên như đang họp chợ. Tai To vẫn nấp kín trong bụi rậm hồi hộp và láo liên quan sát. Mãi khi chiếc đò máy từ bờ bên kia cập bến, nó mới vội vàng chui ra và khôn ngoan len lỏi vào đoàn người đang lục tục lên đò. Chẳng ai để ý đến nó. Chỉ đến khi đò ra tới giữa dòng mới có người trầm trồ reo lên: - Ôi, con chó của ai mà xinh quá thế này! Lúc ấy mọi người mới đổ dồn mắt về phía Tai To. Và người nào người nấy đều bật lên những tiếng tấm tắc. Không ai nghĩ một con chó xinh như thế lại là một con chó vô chủ. Họ cứ đinh ninh chủ nhân của nó là một khách đi đò nào đấy. Cũng may cho Tai To, chứ nếu biết nó thân đơn thế cô, không khéo một tay bợm nào đó lại tìm cách bắt mất. Đò vừa cập bến, Tai To nôn nóng vượt lên trước và thoắt một cái, nó đã ở trên đường. Để đề phòng mọi bất trắc, chân vừa chạm đất là nó co giò phóng đi ngay. Chạy được một quãng, nó cảnh giác ngoái đầu lại phía sau. Khi không thấy gì khả nghi, nó mới dừng lại cúi xuống đánh hơi và mừng rỡ nhận ra những dấu vết quen thuộc. Khi chạy đến đầu đường Nguyễn Tri Phương thì Tai To có cảm giác đã gần đến nhà lắm rồi. Tim đập giục giã trong ngực, nó hối hả sải bước. Nhưng đang chạy bon bon, Tai To bỗng sựng lại. Ngay chỗ cua quẹo cuối cùng, hai con chó to đùng đang đứng lù lù, nom chẳng khác nào hai con sư tử. Thế này thì gay rồi! Tai To lo lắng nhủ bụng và cố ra vẻ hiền lành vô hại, nó hãm đà phi lại, lững thững đi từng bước một, vừa đi vừa thận trọng dò xét thái độ của hai con chó cản đường kia. Nhưng kế hoạch của Tai To nhanh chóng bị phá sản. Vẻ nhu mì của nó chẳng khiến hai tay anh chị kia động lòng tí ti nào. Nó vừa bén mảng lại gần, cả hai lập tức dạng chân gân cổ sủa gây gâu, lông lá xù cả lên, đầy dọa nạt. Tai To thót bụng lại. Nó định nhắm mắt nhắm mũi phóng vèo qua nhưng những chiếc nanh nhọn hoắt, trắng ỏ của hai tay hộ pháp khiến nó đâm chợn. Để những chiếc nanh đó cắm vào người thì cứ gọi là đi đứt! Sau một thoáng phân vân, Tai To quyết định đi vòng. Nó vội vàng chạy trở lui và đến khi thấy hai con chó kia không tỏ vẻ gì muốn đuổi theo, nó liền băng qua đường và lao vụt về phía ngã tư. Để cho chắc ăn, Tai To đánh thêm một vòng rộng quanh bùng binh trước khi tấp vào lề đường. Nhưng Tai To chưa kịp vào đến lề thì một chiếc xe tải đã bất thần trờ tới. Những người đi đường thất thanh la lên: - Tốp! Tốp! Tốp lại! - Thôi rồi! Chết mất con chó nhà ai rồi! Dĩ nhiên Tai To không thể nghe thấy những tiếng la hốt hoảng đó. Tiếng gầm rú khủng khiếp của động cơ đã làm tai nó ù đặc và trong khi chưa kịp hiểu ra chuyện gì, nó chợt kinh hoàng đến co rúm người lại khi kèm theo những tiếng nổ xé tai kia, một bóng đen đồ sộ như một trái núi hùng hổ chồm lên người nó. Trong nháy mắt, chiếc xe tải đã nuốt gọn chú cún bất hạnh vào bụng. Tội nghiệp Tai To! Nóng lòng trở về với những người chủ cũ, nó đã tận lực vượt qua một chặng đường dài bất chấp hiểm nguy và vất vả nhưng khi sắp về đến nhà thì tai họa thình lình ập đến...
|