Năm 2004 tôi vào Huế ôn thi đại học cùng với hai người chị chung lý tưởng, và tất nhiên sống chung cùng phòng trọ. Cả ba chúng tôi chơi thân với hai người anh phòng trọ gần bên, khác chủ. Anh Ngọc đang học văn bằng hai tiếng anh, anh Nguyễn học luật năm cuối. Tôi vừa ôn thi đại học vừa học thêm vi tính. Ngoài giờ đi học ở trung tâm, tôi được anh Ngọc dạy kèm, vì anh có đầy đủ vi tính và máy in cùng với điện thoại bàn. Học trò của anh không chỉ riêng tôi nhưng còn có nhiều học trò khác được anh đến tận nơi dạy bảo. Các anh chỉ bảo cho chị em chúng tôi như những người em cùng quê, không chỉ môn tin học mà còn giúp đỡ về cuộc sống tinh thần. Anh Ngọc là người chững chạc và trưởng thành, trong con mắt của tôi anh là một người anh, một người thầy đúng mực. Ngược lại, anh Nguyễn thì giống như trẻ con. Sinh viên mà, đang tuổi ăn tuổi học, vô tư học và chơi, chưa tính toán làm chi cho đau đầu. Còn chị em chúng tôi lại là những đứa trẻ 18-19, ranh mạnh, tinh nghịch, đặc biệt là tôi. Mỗi lần tụ tập với nhau chơi trò chơi là tôi luôn giành phần thắng, còn anh Nguyễn thì chẳng bao giờ nhượng bộ tôi, chỉ có anh Ngọc lúc nào cũng chiều ý tôi. Chúng tôi thường cãi vã ầm ĩ khi tụ tập bày trò chơi bài. Mỗi lần anh sang phòng thì ôi thôi, chúng tôi phải gác bút múa võ mồm và khu phố cũng điếc tai. Đã nhiều lần, dì chủ nhà của chúng tôi xuống nhắc nhở, lúc đầu thì nhỏ nhẹ, sau thì răn đe nhưng không dám đuổi vì chúng tôi toàn là những đứa trẻ dễ thương. Nhiều lần chúng tôi choáng nhau bằng sách vở và những thứ gì có bên cạnh, 10 giờ đêm còn ầm ĩ. Một lần, lúc chơi bài, tôi hỏi: - Anh Nguyễn có người yêu chưa? Sao không thấy anh đi chơi chỗ khác mà cứ sang quấy bọn em vậy? Tôi thấy anh cười, một nụ cười ngượng ngùng. Anh trả lời: - Yêu gì! Như thế này sướng hơn mà em. Chị em chúng tôi cũng cười trừ, còn tôi vẫn không quên châm chọc: - Người như anh thì ai yêu? … Lần khác, trời đã khuya, chị em chúng tôi đang học bài thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa. Thấy anh, tôi giật mình hỏi: - Giờ này không học bài còn sang đây làm gì nữa? Gạt tôi qua một bên, anh bước vào và nói oang oang: - Chơi bài, chơi bài đi. Anh học căng thẳng quá nên sang đây chơi. Tôi chạy lại trước mặt anh, chống tay phản đối: - Không chơi, không chơi. Anh về đi để bọ em còn học bài chứ. Còn hai chị thì chiều ý anh, gác bút, xếp sách vở và đi lấy bộ bài rồi ngồi xuống dưới nền nhà cùng anh. Mà nói chiều ý anh nhưng thực ra không có cách gì khác, nếu không anh vẫn ở lì ở đó thì chúng tôi làm sao học bài, nên phải chơi. Ngày kia tôi đang học vi tính ở phòng trọ của anh, anh Ngọc đang hướng dẫn tôi học một cách chăm chú, bỗng tôi thấy nhờn nhợn dưới chân, nhìn xuống, tôi giật mình kinh sợ với một con rắn nhựa. Tôi đứng bật dậy rời khỏi bàn học và hét lớn, ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh về phòng mình. Anh Ngọc thì ngơ ngác, anh biết con rắn nhựa và biết anh Nguyễn cầm đến đặt ở đó khi anh còn chỉ bài cho tôi, nhưng anh không ngờ tôi sợ đến mức đó. Anh Nguyễn không tha cho tôi mà chạy lại cầm con rắn đó đuổi theo tôi về tận phòng trọ, phòng chúng tôi cách phòng anh 200 mét. Tôi chạy về tới phòng, vào trong khóa cửa lại và thở hồng hộc với gương mặt tái xanh, muốn xỉu. Hai chị đang ở nhà thấy tôi chạy về không hiểu chuyện gì xảy ra cho tôi, vì biết tôi đang đi học vi tính. Đỡ tôi lên giường. Chị Lê hỏi tôi: - Có chuyện chi vậy Minh?” Vừa lúc đó anh Nguyễn cũng tới nơi. Chị Thu chạy ra, thấy anh Nguyễn tay cầm con rắn nhựa và hiểu mọi chuyện, chị chặn anh ở cửa phòng, tay kia khép cửa lại, chị nói: - Anh làm nó chết khiếp, mặt cắt không ra máu và xỉu kìa. Chị Lê đang dìu nó ở trong. Rồi chị Thu đưa tay xua xua, vừa đẩy anh ra: - Về, về, về đi. Đùa vừa thôi. Những ngày tiếp theo tôi không sang phòng anh học vi tính như thường lệ nữa, vì tôi vẫn còn ám ảnh bởi con rắn kia. Không thấy tôi qua học như lịch trình, trưa hôm đó, anh Ngọc qua phòng chúng tôi bảo: - Sao Minh không sang học vậy? - Em sợ lắm! Em biết là con rắn nhựa nhưng em vẫn sợ. Tôi nhìn anh trả lời. - Mình vứt con rắn đi rồi, mai sang học bài nhé! Anh Ngọc dỗ dành cho tôi yên tâm. Những ngày tiếp theo tôi tiếp tục qua phòng hai anh để học vi tính như thường lệ. Anh Nguyễn thấy tôi và cười e thẹn. Tôi dám chắc là anh Ngọc đã mắng anh và cho anh bài học gì đó. Còn tôi, tôi vẫn ấm ức và không quên mối thù đó. Một tối nọ, tôi ôm sách sang phòng hai anh học bài cùng với một chị phòng kế bên. Tôi thấy anh Nguyễn đã cuộn mình ấm áp trong chăn bông, lúc đó mới chỉ 20 giờ, tôi rón rén đi lấy chai nước mắm nhúng đầu ngón tay vào chai, nhẹ nhàng lại bên giường anh nằm, tôi cho giọt nước mắm vào miệng anh. Thế là vừa lạnh, vừa mặn anh trướng mắt nhìn tôi. Như chiếc lò xo, anh bật dậy đuổi tôi nhưng tôi chạy mất tăm. Liếm môi xong anh quay lại giường ngủ tiếp và trùm chăn kín đầu đỡ tôi phá. Tôi quay lại học tiếp. Anh Ngọc và chị Liên thì cười. Chị Liên nói: ¬ - Hai đứa bọn bây giống chó và mèo. Còn thằng Nguyễn thì lười, không chịu dậy đi rửa. Chị Liên mắng yêu. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi vừa đi lễ về, nghe gõ cửa. Chị Thu ra mở cửa. Thấy anh lù lù như con gà dịch, với bộ dạng ngái ngủ, môi thì như củ khoai từ đã luộc chín, dính chặt nhau. Chúng tôi hiểu chuyện và nhìn anh cười hả hê. Còn anh thì giương bộ mặt hằm hằm sát khí. Anh chỉ tay ở môi ra hiệu, ý nói: anh không thể nói được. Tôi bảo: - cho chết cái tội lười bẩn. Lúc đêm không dậy mà rửa đi, sợ rét làm chi? Còn anh chỉ biết im lặng ngậm bồ hòn trở về phòng và những ngày sau đó anh không dám đi đâu. Còn tôi coi như trút được nợ thù. Chuyện đó rồi lâu ngày cũng qua, chủ nhật ba chị em chúng tôi cùng với chị Liên, bạn ở cùng chị sang phòng hai anh để chơi, tán chuyện. Một người trong nhóm bạn với tay ở giá sách anh Ngọc lấy quyển sách Tử Vi, cả nhóm cùng đọc xem về tuổi của mình. Trong chúng tôi người thì học luật, người học sử, người học văn, còn tôi thì đang học đông y. Tôi giành lấy quyển sách và tìm tuổi Nhâm Tuất của anh Nguyễn, tìm phần nhược điểm mà sách nói đến rồi đọc to cho cả phòng nghe, tất nhiên đôi lúc tôi còn thêm bớt lời trong đó nữa để tăng phần xấu của anh. Anh Nguyễn vội chạy lại cướp sách rồi tìm tuổi tý, là tuổi của tôi và hai bạn khác và bắt chước tôi đọc điểm yếu của tuổi tý. Chúng tôi bắt đầu tranh cãi to tiếng đến nỗi chủ nhà ra mắng yêu “các cháu ồn quá!” Sau khi bị nhắc nhở ai nấy im phăng phắc, bắt đầu dùng hành động lườm nguýt, húc chỏ tay, cười trừ. Anh Nguyễn không thua chúng tôi và bắt đầu khơi ra chuyện khác để tra hỏi chúng tôi. Rằng anh đang có một cái nick tên là “chiều van gái” chọc anh lâu rồi, anh khẳng định cái nichk đó là của một trong ba đứa chúng tôi, mà người đáng nghi nhất là con Minh, chứ mấy em này có thể tha nghi. Vì qua biểu hiện hằng ngày của Minh là đáng nghi nhất. Còn tôi, bị nói trúng tim nhưng vẫn bình tĩnh tìm đường phân bua. - Nè, sao lúc nào anh cũng nghĩ xấu Minh vậy? Không nghĩ tốt được sao? Người chi mà bẩn, đáng ghét thật. Còn anh thì cười, cái điệu cười sao mà đáng ghét vậy chứ? Tôi lủm bủm: Cái điệu cười giống như nhân vật Hoàng trong tác phẩm “Đôi mắt” của Nam Cao ấy. Không ngờ câu nói của tôi làm anh khoái chí và cười to thêm vì tức. Tôi nói: có anh Ngọc làm chứng cho em nghe, anh Ngọc chỉ lập cho em chỉ mỗi một cái nick thôi. Cái nick này tất nhiên là anh có. Từ lúc nãy đến giờ anh Ngọc ngồi làm việc trên máy tính và cười vì tính trẻ con cả nhóm chúng tôi bày đủ trò. Giờ anh mới có dịp lên tiếng, anh nói: - Minh nói đúng đó, Ngọc chỉ lập cho Minh có một nick thôi. Còn tôi thì đắc ý. Vì anh Ngọc mà nói gì ai cũng tin. Anh là một người tiền bối của cả nhóm. Một người thầy rất trọng của tôi và mọi người. Tôi thè lưỡi nhải anh và phân bua: - Anh đừng có mà đổ oan cho Minh nghe, đã có thầy làm chứng cho Minh đó. Hihi. Còn anh Nguyễn tất nhiên tin anh Ngọc nhưng lại không tin tôi vì nhìn tôi đắc ý với những hành động trêu ngươi. Tiếp theo chúng tôi vẫn cãi nhau. Anh Nguyễn vẫn bịa ra những chuyện khác để sinh sự. Mấy chúng tôi cùng hội cùng thuyền và sẵn sàng để nghênh chiến với anh, nhằm không phân thắng bại. Cãi vã trong niềm vui háo thắng, không gây hận thù chia rẽ, cãi nhau vì kiếm cớ để ngồi chơi với nhau. Nếu có một ngày chúng tôi ngồi với nhau bằng những câu chuyện thân mật thì chắc sẽ ngưỡng chết mất. Có bạn còn nói rằng hai chúng tôi không có hòa bình nhưng lại không gây thù hận. Thực ra cái nick mà anh nói đến là của tôi, nhưng không phải “chiều van gái” như anh đọc mà là “chiều vắng ai – chieuvangai”. Chị Thu đã nhờ người lập nó, chị không dùng và cho tôi nên tôi dùng để chọc đùa một số người bạn. Vì thực ra hồi đó chúng tôi còn dốt về mạng xã hội lắm. Nói về anh Nguyễn, có lần anh đi sinh nhật bạn cùng với nhóm chúng tôi, là con trai nên bạn bè chúc rượu, anh có bệnh đau dạ dày và không uống được rượu, nhưng khi chúng bạn kích nặng lời anh không biết sao để tránh. Anh đang trong thế bí, thương anh nên tôi giải vây bằng cách đóng vai người yêu rồi đòi anh đưa về vì có việc gấp… Về tới phòng, lần đầu tiên anh nói lời cám ơn tử tế với tôi. Tôi biết, tôi còn quá trẻ con, hiếu thắng, còn anh đã trưởng thành với tư cách sinh viên luật năm cuối. Anh hạ mình để hòa đồng chơi chung với chúng tôi và đáp từ tính hiếu thắng của tôi nên anh mới lý sự, lý sự có ý. Có lần anh nói với tôi: “anh phải tập cãi, may có em làm bạn cãi với anh để anh kiếm ra bài”. … Thời gian thấm thoắt trôi, anh ra trường rồi chia tay chúng tôi vào Buôn Mê Thuật làm việc, thầy Ngọc cũng hết học văn bằng hai và rời xa chúng tôi theo con đường lý tưởng của thầy. Tôi bắt đầu năm học thứ nhất, chúng tôi chỉ thi thoảng nhắn tin qua email bằng những câu xã giao thăm hỏi sức khỏe, công việc và học tập. Ba năm trôi qua, anh trở lại thăm môi trường Huế xưa, là một cựu sinh viên về chốn xưa ôn lại bao kỷ niệm sinh viên thơ mộng. Lúc này trông anh chững chạc trưởng thành, từng trải nhưng với tính trẻ con vẫn chưa đổi thay. Dầu ba năm lặn lỗi với cuộc sống, với công việc, giải quyết hằng trăm vụ ly hôn mà công việc yêu cầu, trông anh già hơn nhiều so với tuổi tác và hói đầu vì luật. Tối hôm đó, chúng tôi rủ nhau đi ăn ốc nóng ở đường Phan Bội Châu nhằm ôn lại kỷ niệm xưa với anh cùng với những người bạn mới của anh. Chúng tôi đi bộ từ đường Trần Phú vòng qua đường Phan Bội Châu, đùa nhau cười vang phố. Đến quán ốc, chúng tôi vẫn chứng nào tật nấy, đùa nghịch, oang oang cả quán, còn anh khác hẳn năm xưa. Anh nghiêm nghị và cười trừ với tư cách của một ông luật. Trên đường về, tôi hỏi anh: - Anh Nguyễn, sao anh không vui? - Vui chứ, thấy tụi em vẫn hồn nhiên. Anh thèm quá! - Vâng, thì cứ vui ngày xưa đi có sao đâu. - Ừ thì… Anh ngần ngãi, gãi đầu. Cười!!! Để thay đổi không khí, vì tôi là người nhạy cảm và hay quan sát tình huống, tôi lấy ra một con vật bằng nhựa mà tôi nhặt được khi trên đường đi. Tôi và cô bạn đi lùi vài bước chân rồi đưa con vật sau anh bóp cho nó kêu “cạp cạp”, như thể tiếng kêu phát ra từ anh. Cả bọn cười ồ lên, những người đi đường và hai bên vía hè thì nhìn chúng tôi cười theo. Còn anh Nguyễn thì cảm thấy xấu hổ, anh ngoảnh lại cướp con vật từ tay tôi nhằm vứt đi, nhưng tay tôi nhanh không kém mà tránh tay anh. Anh nói trong tiếng hờn dỗi, trách móc tôi: - Em nghịch quá Minh ạ, chẳng thay đổi gì cả. Sinh viên năm 3 rồi mà. Tôi vẫn không thay đổi thái độ, cứ cười hoài. Khi anh ngoảnh bước tiếp, tôi lặp lại hành động cũ. Anh bối rối vì sự ngỗ ngịch của tôi. - Ôi, xin em đó. Bữa nay anh làm người lớn rồi, anh không còn trẻ con nữa đâu! Nghe tới đó, tôi tiu nghỉu thủng thẳng bước theo anh với tâm trạng không buồn mà cũng chẳng vui. … Thời gian lặng lẽ trôi. Một năm sau anh lấy vợ. Tôi trở về tu viện để tiếp tục ơn gọi của mình sau khi tốt nghiệp. Sau năm tháng tốt nghiệp, ngày tôi lên đường vào tập viện, tôi được tin anh mất. Tôi lặng người trong giây lát và vô tình để rơi giọt nước mắt.
|