Hoa Tư Dẫn
|
|
Vừa định căn dặn chàng mấy câu, lại nghe thấy tiếng cười khúc khích, ngẩng đầu nhìn thấy chàng trai áo trắng đứng cách không xa. Vị trí của người này quả rất hiểm, ở khoảng cách gần như vậy lại không nhìn rõ mặt, chỉ thoáng thấy một vật hình tròn màu đen anh ta cầm trong tay. Tôi căng mắt nhìn về phía đó nhưng vẫn nhìn không rõ mặt anh ta, vừa ngoảnh đầu định tiếp tục dặn dò Mộ Ngôn, thấy chàng đăm đăm nhìn cành hợp hoan trong tay, ánh mắt khó dò. Tôi ngạc nhiên nhìn chàng, không biết cành cây xoàng đó có gì đáng nhìn. Lát sau, Mộ Ngôn nén cười ngước mắt: “Khi chia tay, người ta tặng nhau cành liễu, ngụ ý là lưu luyến không muốn xa, hôm nay chúng ta chia tay A Phất lại tặng cành hợp hoan, có phải là muốn…”. Tôi càng ngạc nhiên nhìn chàng: “Muốn gì”. Chàng cầm cành cây, giọng trang nghiêm: “Hợp hoan”. “… Hợp cái con khỉ!”. Trong khi chúng tôi nói chuyện, Chấp Túc đứng bên thần sắc bình thường, chàng trai áo trắng lại luôn mỉm cười như kẻ ngẩn ngơ, lúc này cuối cùng không nhịn được, bật cười to: “Thế… công tử, công tử tìm đâu ra bảo bối này vậy?”. Giọng nói hơi quen, Mộ Ngôn cúi đầu sửa lại cổ áo cho tôi, không nói gì, còn tôi thầm lục tìm trong trí nhớ, xem đã nghe thấy giọng nói này ở đâu. Còn chưa kịp tìm ra, qua tấm gương đồng phản chiếu, nhìn thấy chàng trai áo trắng thong thả bước tới. Dưới ánh nắng sớm, tôi tròn mắt há miệng nhìn khuôn mặt rõ dần trước mắt, mái tóc như dao cắt, lông mày như vẽ, mắt như nước mùa thu sóng sánh đào hoa, bước chân nhàn tản ung dung, so với chàng trai đêm qua nhìn thấy trong mơ, ngoài vài nét phong sương hoàn toàn không có gì khác biệt. Công Nghi Phỉ ở Bối Trung. Ngoài ra, vật tròn tròn màu đen chàng ta vẫn cầm trong tay dưới tán cây cũng lọt vào mắt tôi. Tôi nhướn mày, không biết tại sao lại buột miệng hỏi một câu: “Chiếc vòng trong tay huynh là của ai?”. Chàng ta sững người, lại giơ chiếc vòng ngọc màu đen ra trước ánh nắng ngắm nhìn: “Cô nương cũng thấy nó đẹp ư?”. Khóe mắt như cười có vẻ âu yếm, lời nói ra lại lạnh lùng: “Không biết, hình như sinh ra đã mang nó”. Không hề nhắc đến chủ nhân thực sự của chiếc vòng. Mộ Ngôn gửi gắm tôi cho Công Nghi Phỉ, rõ ràng tôi đầy thắc mắc trước biểu hiện của chàng trai áo trắng vừa rồi, nhưng nghĩ đến triết học xử thế trong thời loạn mà sư phụ đã dạy, ví dụ, ở đời nên ít quan tâm những chuyện không đâu, trên đường thấy chuyện bất bình nên tránh xa, liền lặng lẽ xua đuổi ý nghĩ muốn làm rõ chuyện này, kiên nhẫn chờ Mộ Ngôn xong câu chuyện với Công Nghi Phỉ. Không biết hai người nói những gì, loáng thoáng nghe thấy tiếng cười ranh mãnh của Công Nghi Phỉ: “Nói ra e chẳng ai tin, Mộ công tử có tiếng là người cẩn trọng, mọi việc dự trù đủ đường lui, vậy mà lại có điểm yếu, chính là một cô gái yếu ớt ngây thơ, hai vị công chúa Đường quốc và Lầu quốc nếu biết chắc tức ói máu”. Tôi dỏng tai, nghển cổ nhìn phản ứng của Mộ Ngôn, thấy chàng phe phảy quạt hơi liếc về phía tôi, lại lập tức quay đi, nghiêng đầu có thể nhìn thấy nụ cười thoáng trên miệng chàng, giọng dù cố hạ thấp, nhưng vẫn bị tôi nghe thấy: “Việc này chẳng phải huynh hiểu rõ nhất sao? Cái gọi là điểm yếu, hoặc là nên tự tay phá hủy, hoặc là giữ gìn cẩn mật. Mặc dù từ thượng cổ, phàm những kẻ làm việc lớn đều chọn phương án thứ nhất, nhưng con người tôi luôn cảm thấy đời người nơi trần thế tựa phù vân ngắn ngủi, nếu có điểm yếu cũng là chuyện tốt”. Công Nghi Phỉ ngạc nhiên nhìn chàng, thú thực tôi cũng ngạc nhiên không kém, sửng sốt nhìn chàng, có lẽ cảm thấy ánh mắt tôi, mắt chàng hơi liếc lại, tôi vội vàng khép áo ngồi ngay ngắn, giả bộ không nghe thấy gì, ngoẹo đầu thầm nghĩ mình phải đối xử thật tốt thật tốt với chàng. Lát sau, hai người nói chuyện xong, Công Nghi Phỉ đi theo sau Mộ Ngôn, một trước một sau thong thả bước đến. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, sắp đến giờ lên đường, thấy Mộ Ngôn như có gì muốn nói với tôi, Nhưng tôi không cho chàng cơ hội, tranh nói trước, sợ không đủ thời gian, nắm tay áo chàng vội vàng nói ra những điều vẫn luôn muốn nói với chàng: “Buổi tối nên đi ngủ sớm, không được thức khuya”. Có thể chàng sẽ cho là quá ấu trĩ. “Lúc ngủ phải chèn chăn thật chặt, không được đạp chăn ra”. Nếu là các cô gái từng trải, lúc xa người yêu chắc sẽ có những cách thức từng trải hơn. “Trời lạnh phải mặc nhiều áo, đừng nghĩ mình có sức khỏe mà bất chấp”. Nhưng những chuyện đó tôi không biết. “Không nên kén ăn, rau xanh, thịt, đều phải ăn”. Nếu tôi ở bên, sẽ dần dần học cách chăm sóc chàng như vậy. Cả khu nhà trúc bỗng yên tĩnh, cũng không nghe thấy tiếng cười châm chọc của ai, còn một điều quan trọng nhất chưa nói ra, tôi liếm môi, phải lấy can đảm mới nói được, cổ hơi khô, đang định mở miệng, đột nhiên bị Mộ Ngôn cười ngắt lời: “Những điều đó tôi phải dặn em mới đúng…”. Tôi lườm chàng: “Em nghiêm túc đấy”. Chàng nhìn tôi một lát, không cười nữa, gập cái quạt trong tay, gật đầu: “Được tôi nhớ, còn gì nữa?”. Khó khăn lắm mới lấy đủ can đảm nhưng lại bị ngắt lời, có cảm giác khó nói tiếp, ngẩng đầu liếc nhanh chàng một cái, đằng hắng một cái, nhìn xuống đất: “Còn, còn nữa chính là…”, tỏ ra dữ dằn: “Không được nhìn các cô gái đẹp, có cô gái đẹp nào làm quen cũng không được bắt chuyện!”. Chàng khẽ cười, đặt tay lên vai tôi: “Ờ, còn gì nữa?”. Đột nhiên hơi buồn, tôi cúi đầu ủ rũ nhìn mũi giày dưới chân: “Phải sớm quay về đón em”. Đầu bị nâng lên, chàng chăm chú nhìn tôi một lát, môi ai chạm nhẹ vào trán: “Khi hoa phật tang tàn, tôi sẽ đến đón em”. Trong một sớm mùa hè chói nắng, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, người xuôi xuống núi, người lên núi, hai con đường trước mặt như vươn ra ngàn dặm, như số phận chia ly. Tôi không thể biết trước, nhưng mơ hồ cảm thấy bất an, tự cổ đến nay, phàm những đôi khi chia tay lấy mùa hoa làm lời hứa hẹn, cơ hồ đều lỡ dở, vì lỡ mùa hoa nên không tìm lại, vì không tìm lại nên lỡ dở. Cảnh vật rộn ràng lướt qua bên cạnh, suốt đường yến hót oanh ca, không lâu sau trước mặt tôi xuất hiện những bậc đá xanh trải dài, lốm đốm ánh nắng, bóng cây soi trên bậc đá phủ rêu xanh, giống như một mảnh gấm thêu chìm đường chỉ cùng màu trên mặt đá. Dừng chân ngẩng đầu nhìn lên, những chiếc cột sừng sững, lầu gác trùng trùng, chóp mái hiên cong viền bạch ngọc, rèm châu ngũ sắc lóng lánh hào quang, sơn môn uy nghi trước mặt, tất cả giống hệt cảnh nhìn thấy đêm qua. Công Nghi Phỉ ngoái nhìn tôi: “Có lẽ Quân cô nương thấy mệt?”. Thực ra, chỉ là do trong đầu hiện lên bóng người thướt tha cầm chiếc ô cán trúc. Tôi lắc đầu, đi theo chàng ta, bước lên những bậc đá cổ xưa, khi đến gần sơn môn, cuối cùng vẫn không kìm được, buột miệng hỏi: “Cô Trúc sơn này là sản nghiệp của Công Nghi gia?”. Công Nghi Phỉ dừng chân, một chiếc gương đồng lớn treo trước lầu chính trên cao phản chiếu bóng áo trắng của chàng ta: “Trước đây không phải, Cô Trúc sơn là thánh địa của hoa phật tang, mỗi năm đến kỳ hoa nở, khách đến thưởng hoa đông như hội cho nên năm năm trước tôi đã mua lại, một nơi thanh tịnh thế này nên yên tĩnh thì hơn”. Tôi bước hai bậc lại gần chàng ta, đến trước sơn môn, giơ tay chạm bức rèm châu lóng lánh: “Sơn môn trông khá cổ kính, bức rèm ngũ sắc này xem chừng lại rất mới”. Công Nghi Phỉ nửa cười nửa không, xoay xoay chiếc vòng ngọc trong tay, “Quân cô nương, xin mời!”. Rèm châu rung lên, tiếng ngọc lanh canh. Tôi giơ tay chạm một chuỗi ngọc: “Thực ra có thể tháo bức rèm này, luôn thay mới có phần lãng phí”. Chàng ta cúi đầu, tư lự, “Nhưng nếu tháo đi sẽ cảm thấy thiêu thiếu”. Tôi nhìn chàng ta: “Thiếu gì cơ?”. Chàng ta hơi sững lại, tay hất một chuỗi ngọc trên bức rèm, giọng trầm tư: “Có lẽ là khoái cảm đốt tiền”. “…”. Tôi không biết sơn môn này có ý nghĩa thế nào đối với Công Nghi Phỉ, hình như chàng ta không bận tâm, cõ lẽ đã quên một cô gái từng gặp thuở thiếu thời, cô gái tóc đen áo trắng cầm chiếc ô cán trúc, không biết đã chết ở đâu, từ bao giờ. Những cây cổ thụ chọc trời mọc hai bên đường, vừa bước vào đã cảm thấy có vô số đôi mắt ẩn giữa tán lá rậm rạp đang lạnh lùng nhìn tôi, cánh cổng sơn môn đồ sộ này là ký ức tàn dư không thể tiêu tan của cô gái đã chết. Phía sau sơn môn lại là thềm đá trăm bậc, trên thềm đá, một đại viện đồ sộ uy nghi thấp thoáng bóng cây cổ thụ, quy mô có thể sánh với hành cung vương thất, thầm nghĩ Công Nghi Phỉ quả nhiên rất giàu có, giàu như thế, sau lưng không phải là thế lực nắm thóp triều đình, thì là thế lực phản triều đình. Mộ Ngôn có quan hệ với gia tộc như thế thật đáng lo ngại. Dọc đường không ai nói gì, đến gần biệt viện, thấy cửa biệt viện đóng chặt, trước cửa không có ai, tôi cảm thấy rất lạ, một thiếu nên có vẻ là người hầu cưỡi một con ngựa gầy loạng choạng không biết từ đâu đến, hình như bị ngã ngựa, quỳ khóc trước mặt Công Nghi Phỉ: “Đại nhân, đại nhân đã về, phu nhân và đại tiểu thư đánh nhau, Tiêu Phong sắp chết rồi, Thúy Nhi tỷ tỷ bảo nô tài đi tìm đại nhân…”. Lời chưa dứt, bóng trắng trước mắt vụt lóe, Công Nghi Phỉ thoắt cái đã kéo tôi lên lưng con ngựa đang thở dốc, như một mũi tên vòng qua bức tường vây cao sừng sững của biệt viện, phóng vọt đi. Tôi ngồi trên ngựa chỉ kịp hỏi một câu: “Những ai vậy, phu nhân, đại tiểu thư nào?”. Giọng Công Nghi Phỉ ngập ngừng phía trên: “Đại tỷ và phu nhân tôi bất hòa đã lâu, thỉnh thoảng lại xích mích, để Quân cô nương nhìn thấy, thật hổ thẹn”. Nhưng lại không thấy chàng ta có vẻ hổ thẹn chút nào. Tiếng gió rít bên tai, tôi nói như ma xui quỷ khiến: “Đại tỷ có phải là song sinh với huynh?”. Người phía sau chợt lặng thinh, lát sau khẽ cười, giọng bình thường, mạch lạc: “Phải”. Bàn tay nắm bờm ngựa suýt tuột, tôi suýt lăn xuống đất, sao có thể, tôi lẩm nhẩm ba chữ đó trong đầu, cuối cùng cố nén không để bật ra miệng. Chuyện Công Nghi Phỉ có chị gái song sinh còn sống trên đời cũng lạ lùng và khó tin như chuyện Quân Vỹ từ nhỏ đến giờ vẫn thầm yêu tôi. Nghe đồn, gia tộc Công Nghi sinh sống ở Bối Trung tuyệt nhiên không cho phép tồn tại trẻ song sinh, nếu sinh đôi nhất định giữ một bỏ một. Chuyện này chủ yếu là do hung thú Thiên Hà, thần hộ vệ của gia tộc Công Nghi quá vô dụng. Trước nay, trưởng tộc Công Nghi xác lập quyền uy của mình chủ yếu dùng phép chiêu hoán hung thú, nhưng hung thú vô dụng đó không thể phân biệt được sự khác nhau giữa hai người song sinh, ví dụ trong họ có người sinh ra một cặp anh em song sinh, nếu có ngày người anh được kế thừa ngôi vị trưởng tộc, sau khi cắt máu tuyên thệ với Thiên Hà, có khả năng sai khiến Thiên Hà, người em trai có cùng huyết thống nếu mạo danh anh trai sai khiến Thiên Hà tạo phản thì quá dễ dàng. Giống như một vị anh hùng vô địch, trên đời không ai địch nổi nhưng một khi vị anh hùng mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng không sống nổi. Những cặp song sinh chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh hiểm nghèo cho gia tộc Công Nghi, căn bệnh đó chính là nội loạn. Một gia tộc dù mạnh đến đâu cũng sẽ suy yếu nếu có nội loạn, đó là kinh nghiệm. Những bậc trưởng lão cơ mưu đã sớm nhìn ra điểm đó. Gia tộc Công Nghi kế truyền bảy trăm năm, có không ít người xúi quẩy sinh đôi, cho dù là thai long phượng cũng đều bị xử lý, người được lựa chọn là niềm tự hào của trời, từ đó được mọi người tôn sùng, người không được chọn thì nhỏ mọn như cây cỏ, lập tức mất mạng. Điều thú vị là nhiều thế hệ trưởng tộc có thành tựu nhất lại hầu như đều xuất thân song sinh. Món nợ đầu tiên phải gánh chịu khi đặt chân đến thế gian chính là máu của huynh đệ cùng huyết thống, cảnh ngộ đó có lẽ khiến người ta trở nên vô tình. Bảy năm trước, lúc gia tộc Công Nghi bị hủy diệt, hình như nghe nói trưởng tộc thế hệ này có một người chị song sinh, dạo đó nghe chuyện chỉ biết thở dài. Bây giờ lại biết người chị đó vẫn sống, thật là chuyện kỳ lạ khó tin, chẳng phải người chị đó khi ra đời đã bị ném xuống Đoan Hà tế thần hộ vệ của dòng họ rồi sao? Chuyện về sau chứng minh sự kinh ngạc của tôi là không đáng, điều kỳ diệu của sự việc không chỉ dừng ở đó, như một triết gia đã nói, cuộc sống luôn luôn có những chuyện đáng kinh ngạc, bạn không sắp kinh ngạc thì cũng đang kinh ngạc. Con ngựa gầy hổn hển đưa chúng tôi tới một bãi cỏ xanh rộng lớn, đến một khoảnh đất đỏ trống không, tôi thấy một con tuấn mã đen bóng hí lên rồi khụy xuống, đất đỏ bốc lên mù mịt. Công Nghi Phỉ kéo tôi nhảy xuống ngựa, khi vừa chạm đất, mới nhìn thấy một cô gái áo hồng tay cầm kiếm, quỳ bên cạnh con ngựa, đang ôm cánh tay phải hình như bị thương, khuôn mặt như hoa tường vi đầy ấm ức, một vẻ đẹp phong mãn mơn mởn. Nô bộc hoảng hốt nhất tề nhường lối đi, Công Nghi Phỉ vội chạy đến đỡ cô gái dậy, có lẽ chạm vào vết thương, cô rên một tiếng, kiếm dài chống đất, cánh tay không bị thương giơ lên níu cánh tay chàng ta, giọng tủi thân, nói như khóc: “Hãy đi xem Tiêu Phong thế nào, có phải bị người đàn bà điên đó đánh chết rồi không!”.
|
Công Nghi Phỉ vốn dĩ mặt luôn tươi cười, lúc này cau mày, nhẫn nại dìu cô gái áo hồng đi đến kiểm tra con tuấn mã vừa ngã. Còn mắt tôi lại đăm đăm nhìn cô gái áo trắng đứng bên cạnh chuồng ngựa phía xa. Mái tóc đen như thác nước, đôi mắt lạnh như đầm sâu, một dải lụa đen đính ngọc buộc ngang trán, trong tay là chiếc roi chín khúc màu bạc. Vĩnh An, Khanh Tửu Tửu. Cô gái tôi vốn tưởng đã chết đứng dưới ánh sáng như một bức tượng ngọc tạc, bóng đổ dài dưới chân, một người sống thực sự. Tôi nhìn kỹ một lát, không kìm nổi muốn đi ra chỗ cô, bỗng nghe tiếng Công Nghi Phỉ trầm giọng hỏi: “Huân tỷ, đã xảy ra chuyện gì?”. Chàng ta ngẩng đầu nhìn về phía cô, cô gái áo hồng đang chúi trong lòng chàng ta hai tay run run, đôi mắt phẫn nộ đẫm nước, con ngựa đen bên cạnh gọi là Tiêu Phong sau khi thở hắt ra mấy hơi đã nằm im bất động. Huân tỷ? Giọng cô thanh như tiếng ngọc bội va nhau, lạnh lùng vang lên: “Tôi kiếm thuật kém, không cẩn thận bị tuột tay, làm cô ấy bị thương. Còn về con ngựa chẳng phải tối qua nó đã làm ngã đệ, một con ngựa tồi ngay chủ cũng không nhận ra giữ lại làm gì”. Tôi nhìn kỹ cô gái áo trắng đang nói, ánh mắt cô lướt tới, lạnh như băng tuyết nghìn năm không tan trên núi, dừng một lát, thu lại cái roi, quay phắt người bỏ đi. Cô gái áo hồng khóc to: “Cô ta đánh chết Tiêu Phong, lại còn làm thiếp bị thương vậy mà chàng vẫn để cô ta đi…”. Công Nghi Phỉ lạnh lùng ngắt lời cô: “Nàng cũng quá bướng, đầu óc tỷ tỷ có vấn đề, bảo nàng hãy tránh xa, nàng lại đi chọc tức người ta”. Cô gái áo hồng trợn mắt nhìn chàng: “Rốt cuộc chàng có phải là phu quân của thiếp không?”. Công Nghi Phỉ dìu cô đứng dậy: “Hỏi hay lắm, ngoài ta, thử hỏi trên đời còn ai có thể dung túng cho nàng như thế”. Cô gái áo hồng đẩy chàng ra đứng lên, mắt vẫn còn ánh nước, lại mím môi, nói cứng: “Trên đời này người thương thiếp nhất là cha thiếp, nhưng cha thiếp, cha thiếp…”. Chưa nói hết đã ngồi sụp xuống đất òa khóc. Công Nghi Phỉ cũng ngồi xuống, lấy chiếc khăn mùi xoa từ trong ống tay áo đưa cho cô: “Đừng khóc, nhìn xem, trông nàng có ra dáng phu nhân không”. Giọng có vẻ nghiêm khắc nhưng lời lại dịu dàng. Tôi ngẩng đầu nhìn về phía Khanh Tửu Tửu vừa đi, mặt trời di chuyển sau những đám mây nhỏ để lại những bóng râm dị hình trên bãi cỏ, gió lại thổi tan đi, bồ công anh rung rinh múa, hoa phật tang vàng rực nở ngập cánh đồng và triền núi, dập dờn đuổi nhau như sóng, bóng trắng đó đi xa dần, khuất hẳn ở phía cuối cánh đồng hoa phật tang. Năm ngày sau đó tôi không gặp Khanh Tửu Tửu, nô bộc trong biệt viện nói, đó không phải là Khanh Tửu Tửu nào hết, mà là Công Nghi Huân, chị em song sinh của Công Nghi Phỉ, từ nhỏ lưu lạc bên ngoài, cảnh ngộ rất đáng thương, vào một đêm trăng hai năm trước được đưa tới biệt viện của Công Nghi gia, chia lìa nhiều năm cuối cùng trở về đoàn tụ với tiểu đệ song sinh. Nghe nói đêm đó phu nhân của Công Nghi Phỉ không thể tin chuyện đó, cho rằng người đó mạo danh, hầm hầm đi đến hoa đình, nhưng lại sững người khi nhìn thấy dung mạo của Công Nghi Huân. Tôi muốn hỏi dò phần kết câu chuyện, người nô bộc đang hào hứng kể bỗng dừng lại, sau đó mặc cho tôi gạn hỏi thế nào cũng nhất định không chịu mở miệng, tôi đoán có lẽ một đại tiểu thư đầu óc không bình thường, gia nhân cũng không tiện nói ra với người ngoài. Tôi không biết đầu óc Công Nghi Huân có phải bất bình thường thật không, nhìn có vẻ không giống, nhưng Công Nghi Phỉ đã nói cô ta không bình thường, nghĩa là cô ta không bình thường thật, giống như khi phụ vương nói tôi là kẻ máu lạnh vô tình, cho dù tôi nhiệt huyết sục sôi cũng vô nghĩa, đây chính là sức mạnh của quyền lực. Qua nhiều lần lân la hỏi chuyện gia nhân trong nhà, tôi được biết thêm, Công Nghi Phỉ có thái độ kỳ thị đối với người chị sinh song của mình. Nghe nói khi Công Nghi Huân mới trở về, cậu em trai mặc dù tình cảm không thật thân thiết nhưng cũng không có vấn đề gì lớn, thực ra chị em thất lạc đã lâu, có những xa cách nhất định cũng là lẽ thường. Nhưng bầu không khí có vẻ hòa hợp đó chỉ kéo dài trong hai tháng đầu, dần dần mọi người phát hiện, có những lúc, việc làm của Công Nghi Huân thật rất khó lý giải. Đương nhiên, hầu như cô ít làm việc, nhưng động làm việc gì hầu như đều xảy ra chuyện. Tháng thứ ba sau khi Công Nghi Huân trở về Công Nghi gia, có người đến mời Công Nghi Phỉ tham dự cuộc thi đấu chim ưng, hai con chim ưng trên không hăm hở lao vào nhau, một con sau khi bị thương muốn chạy trốn, con kia hiếu thắng truy đuổi đến cùng, hai con xông thẳng về phía Công Nghi Phỉ ngồi xem trên đài cao, bị Công Nghi Huân ngồi bên cạnh dùng chiếc roi chín khúc quật chết trong chớp mắt, cuối cùng phải bồi thường không ít tiền cho vị khách chủ nhân của con chim. Đó là lần thứ nhất, Công Nghi Huân luôn muốn bảo vệ Công Nghi Phỉ. Hai năm sau đó những việc tương tự xảy ra không biết bao nhiêu lần, Công Nghi gia do vậy phải bồi thường không biết bao nhiêu tiền. Đồng thời, thích khách hãm hại hoặc sắp hãm hại Công Nghi Phỉ bị chết dưới chiếc roi chín khúc của Công Nghi Huân cũng không ít. Mặc dù tôi có nhiều anh chị, nhưng đều cùng cha khác mẹ, hơn nữa hầu như không đi lại với nhau, tôi không hiểu chính xác cái gọi là tình anh em, từ nhỏ thân thiết nhất có lẽ là Quân Vỹ, nhưng tôi hình dung ra một chuyện như sau, giả sử có một ngày, Quân Vỹ thích viết tiểu thuyết, hy vọng có được cuốn tiểu thuyết độc quyền của một tiểu thuyết gia danh tiếng nào đó, nhưng con trai tiểu thuyết gia đó lại ra điều kiện chỉ có gả tôi cho anh ta thì Quân Vỹ mới được độc quyền cuốn tiểu thuyết của cha anh ta. Tôi suy nghĩ một lát xem mình có vì Quân Vỹ mà nhận lời không, cuối cùng cảm thấy, cho dù Quân Vỹ đánh ngất tôi đem gả cho người ta, khi tỉnh dậy tôi cũng nhất định trốn về… Nhưng trước một hoàn cảnh tương tự, Công Nghi Huân lại chủ động nhận lời, chỉ vì một cuốn kỳ phổ quý hiếm, vì muốn người em song sinh có được món quà sinh nhật vừa ý nhất. Theo lời đồn, khi đối phương mang sính lễ đến cửa Công Nghi Phỉ mới biết chuyện, một người trước nay cho dù núi Thái Sơn sụp đổ cũng không thay đổi sắc mặt, lần này lại nổi giận thực sự, đem một đội quản gia, người hầu cùng đồ sính lễ vứt ra khỏi cửa Công Nghi gia như vứt một món đồ. Sau đó quan hệ chị em vốn không thân thiết dần dần xa cách, đến hôm nay, theo cách nói của gia nhân trong nhà, Công Nghi Phỉ hầu như không coi mình có người chị đó nữa. Công Nghi Phỉ nói Công Nghi Huân đầu óc không bình thường, tôi nghĩ không phải chàng ta nói bừa, có lẽ trải qua những chuyện đó chàng ta thực sự cảm thấy đầu cô có vấn đề. Nhưng tôi biết một điều mà chàng ta không biết. Bất luận bọn họ cho là thế nào, tôi biết Công Nghi Huân chính là Khanh Tửu Tửu. Đương nhiên Khanh Tửu Tửu cầm chiếc ô đứng trước sơn môn đã chết, trên thế gian có một dạng tồn tại, ý thức và tinh thần đã phân tán được nhập trở lại vào cơ thể, sau đó, họ quên hết con người trước đây của mình, sinh vật đó nếu đến thế gian được gọi là ma. Tôi không tin Khanh Tử Tửu là chị em song sinh với Công Nghi Phỉ, gia tộc Công Nghi xưa nay rất cương quyết trong chuyện xử trí trẻ song sinh. Nếu Khanh Tửu Tửu không phải là chị em song sinh của Công Nghi Phỉ, vậy thì Công Nghi Huân do hồn phách của Khanh Tửu Tửu nhập vào đương nhiên cũng không phải. Nhưng suy đến cùng, đó chỉ là trực giác của tôi. Quân sư phụ không muốn tôi ra ngoài gây chuyện. Lúc còn nhỏ tôi cho rằng biết nhiều mới hạnh phúc, không biết là bất hạnh, sau khi lớn lên bị dồn ép không còn lối thoát, mới cảm thấy nhiều lúc vô tri là phúc, hiểu biết nhân gian càng ít càng nhẹ nhõm thoải mái. Do vậy tôi kìm chế ý muốn tiếp cận Công Nghi Huân. Nhưng tôi không đi tìm cô, cô lại chủ động đến tìm tôi. Hôm đó có gió lạnh, trong tiểu viện dành cho khách, Hoa tử vi màu tím trong vườn đung đưa trong tán lá xanh, cả một tấm thảm hoa lớn dềnh lên như sóng mỗi khi có gió thổi. Công Nghi Huân rẽ hoa đi vào, xiêm áo trắng muốt du nhàn như ẩn hiện, như một đóa hoa được sóng đẩy đến trước mặt tôi, chúng tôi đối diện qua song cửa sổ: “Thiên hạ thênh thang quả không hiếm sự lạ, tôi là một bóng ma, còn cô là một người chết hồi sinh do luyện Hoa Tư dẫn”. Cô hơi cụp mắt, một đôi mắt không có thần, màu lam nhạt như dòng nước chảy qua nghìn núi in bóng trời xanh, trên trời dưới đất một màn tuyết mỏng. Tôi chống tay vào má nhìn cô: “Vì sao cô đến tìm tôi? Muốn tôi dệt cho cô giấc mộng ư? Cô đã được nghe về Hoa Tư dẫn thì nhất định đã biết cái giá phải trả nếu muốn tôi dệt cho mộng cảnh?”. Tôi nhìn mắt cô: “Cái giá này cô không trả được, sinh mệnh của một con ma không có ý nghĩa với tôi”. Cô ngước mắt, ánh mắt lướt qua thảm hoa tử vi nhấp nhô ngoài cửa sổ, “Dệt mộng ư? Thuật sỹ giúp tôi nhập vào cơ thể mới từng nói đến công dụng này của Hoa Tư dẫn. Nhưng tôi không muốn ảo mộng nào từ cô. Tôi không biết Hoa Tư dẫn dệt mộng cần một cái giá như thế nào, thiên hạ cũng chẳng mấy người biết, điều tôi muốn chân thực hơn rất nhiều. Cô nhìn tôi, “Cô nhất định có thể nhìn thấy phần ký ức của cuộc đời trước đây được phong ấn vào cơ thể tôi”. Mặt tôi suýt đập xuống bàn, có thể thấy lời cô khiến tôi chấn động thế nào, nếu có tái sinh, bóng ma cơ hồ tương đương với chuyển kiếp của con người, giống như chúng ta sinh ra đều quên hết ký ức về tiền kiếp của mình, ma lại càng thế, làm sao có thể có cái gọi là ký ức của cuộc đời trước. Có lẽ nhìn thấy băn khoăn của tôi, ngón tay trắng như tuyết của cô đưa lên che mắt, đó là đôi đồng tử màu lam nhạt: “Ở đây phong ấn ký ức của tôi với tư cách là người. Nghe nói sau khi tôi chết bảy năm trước, thuật sỹ dùng năm năm giúp tôi tái sinh, lấy ra phần ý thức tàn dư trước khi chết phong vào hai viên ngọc châu, đưa vào cơ thể tôi. Nhưng tôi bây giờ không phải là tôi trước đây, không có ký ức đó, tôi chẳng là gì hết”. Tôi lạ lùng nhìn cô: “Vậy vì sao cô đến tìm tôi? Chỉ cần nhờ thuật sỹ kia mở phong ấn ra là được, như vậy cô sẽ là cô hoàn chỉnh”. Gió lùa qua cửa sổ, trong mắt cô lóe lên bao điều, còn chưa kịp nắm bắt đã yên tĩnh trở lại: “Tử Khác nói đúng, trẻ như thế đã chết, không phải là một số phận tốt, những ký ức đó không cần cũng được. Chàng nhờ thuật sỹ tái sinh cho tôi, nghe nói tiền kiếp tôi nợ A Phỉ rất nhiều, tâm nguyện duy nhất là được trả ơn, mượn cơ duyên đó sống lại trở thành một sinh mệnh mới. Nhưng gần đây tôi nghĩ, một cuộc đời dù không tốt đến đâu cũng có những ký ức đẹp, khi Tử Khác đưa tôi đến Công Nghi gia đã nói A Phỉ vẫn nhớ nhung tôi. Nhưng bây giờ tôi lại hoài nghi những lời đó. Những ký ức được phong ấn vào cơ thể tôi thuật sỹ không có cách nào nhìn thấy, như cô nói, chỉ cần mở phong ấn, nhưng ký ức xấu khiến người ta đau khổ tôi không muốn biết, chỉ cần những ký ức đẹp. Hoa Tư dẫn có lẽ làm được điều đó, nếu cô đồng ý giúp tôi, cô muốn gì tôi sẽ cố làm cho cô. Còn ký ức của tôi, sau khi cô nhìn thấy, xin hãy kể cho tôi nghe những gì đẹp nhất”. Cô nói phải, Hoa Tư dẫn quả thực có thể nhìn thấy ký ức được phong ấn, chuyện này giống như lén đi vào giấc mơ của người khác, chỉ là khi vào ký ức của cô phải chú ý giữ an toàn cho bản thân, ngoài ra không bị hao tổn gì. Lát lâu sau, tôi khẽ nói: “Tử Khác? Tên tự của Trần thế tử Tô Dự?”. Cô nhìn tôi khẽ gật đầu: “Phải, Tô Dự, Tô Tử Khác”. Tôi cười: “Tôi có thể giúp cô, tôi không cần trả ơn gì hết”. Quân sư phụ cứu sống tôi, mục đích là để tôi đi hành thích Trần vương, thấm thoát ra đi đã kha khá thời gian, nhưng vẫn chưa có chuẩn bị nào cho việc đó, lần này vừa may có thể mượn ký ức của Công Nghi Huân để thăm dò. Cũng cần nói thêm, gia tộc Công Nghi bảy năm trước có thể coi là một cánh tay của nước Trần.
|
Chương 3 Công Nghi Huân nói cô chỉ muốn biết những phần đẹp đẽ trong quá khứ, xem ra đây không phải là người hay suy nghĩ, thật tiếc là không thể giới thiệu cho Quân Vỹ. Có một số người nghĩ nhiều làm ít, còn những người chỉ biết cắm cúi làm việc suy nghĩ thường đơn thuần. Nghe các gia nhân nói sau lưng, hai năm nay Công Nghi Huân làm khá nhiều, bất luận là việc gì chung quy là làm không ít việc, có thể thấy cô là người ít suy nghĩ. Thực ra con người ta sống trên đời, bất luận làm nhiều hay ít, chỉ cần cảm thấy niềm vui trong đó là được, khi người ta vui, thế giới của người đó sẽ vui, những người trong thế giới của họ cũng vui, mỗi người đều có thế giới của mình, những người có duyên với nhau, thế giới của họ mới có một phần trùng nhau. Tôi nghĩ, Công Nghi Huân đến tìm tôi nhờ giúp là muốn tìm phần thế giới trùng với thế giới của Công Nghi Phỉ. Đêm trăng tròn, Công Nghi Huân vẫn y phục trắng muốt một lần nữa đến ngôi tiểu viện dành cho khách trong biệt viện của Công Nghi gia gặp tôi. Nghe nói đêm nay bên ngoài chính đường sẽ có yến tiệc mừng tiết hoài nguyệt, có lẽ sẽ không ai quấy rầy chúng tôi. Gia nhân để một chiếc giường dưới giàn nho trong sân, những chùm nho xanh trĩu quả lủng lẳng, tựa như vô số chiếc bình phỉ thúy màu xanh, ánh trăng lạnh êm đềm lọt qua kẽ lá nho chiếu trên chiếc giường trải tấm nệm mỏng và bức bình phong nhỏ vẽ cành hoa che phía trước. Vừa sắp đặt xong, bóng áo trắng thanh nhã của Công Nghi Phỉ đã xuất hiện ở cổng viện. Chàng ta dừng lại nhìn Công Nghi Huân, không tỏ thái độ gì: “Tìm mãi, thì ra tỷ ở đây”. Công Nghi Huân bước lên mấy bước lại dừng lại, bóng đổ dài dưới trăng. Công Nghi Phỉ lạnh nhạt liếc nhìn cô, ánh mắt di chuyển đến tôi, đôi mắt đào hoa như nước mùa thu tươi cười: “Gia tỷ đã thân thiết với Quân cô nương, vậy tối nay xin nhờ cô nương chăm nom dùm, đừng để tỷ ấy ra khỏi nơi này”. Tôi băn khoăn nhìn chàng ta, không biết là ý gì, còn chàng ta đã quay đi, được một đoạn lại dừng: “Chuyện năm trước tôi không muốn lại xảy ra”. Công Nghi Huân nãy giờ không nói gì, quay người đi đến bên giường, tôi hiếu kỳ: “Năm trước đã xảy ra chuyện gì?”. Cô khép áo nằm lên giường, lạnh nhạt: “Không có gì, các nhà quyền quý mời khách đến dự tiệc mừng tiết hoài nguyệt, có lẽ cô cũng nghe nói”. Quả là tôi có nghe, các bậc công hầu khanh tướng, thế gia thường tổ chức yến tiệc trong đêm trăng tròn, nói một cách văn hoa nho nhã là ngắm trăng uống rượu hát ca, nhớ những ngày qua, vân vân, thực ra là một hình thức xã giao hưởng lạc, ca kỹ mua vui trong yến tiệc mọi người đều có thể tùy ý trêu đùa hành lạc. Cửu Châu tồn tại đến nay để lại không ít lề thói phong lưu, tiết hoài nguyệt là một trong số đó. Tôi ngồi lại gần giường, cô nhắm mắt, lạnh lùng nói tiếp: “Trong tiệc đó của Công Nghi gia năm ngoái, gia chủ các nơi đến dự rất đông, tôi đi dạo bên ngoài, gặp hai vị khách say, bị tưởng nhầm là ca kỹ mua vui trong yến tiệc”. Tôi xê dịch bức bình phong che gió: “Sau đó thì sao?”. Tay ôm trán, vẻ mệt mỏi, giọng cô lại bình thản rất mực: “Sau đó ư? Tôi lấy của mỗi người một cánh tay”. Tôi tròn mắt: “Sao?”. Cô nói: “A Phỉ rất giận, cơ hồ việc gì tôi làm cũng khiến đệ ấy giận, có lẽ tôi bị hai kẻ đó khinh bạc đệ ấy mới không giận?”. Tôi nghĩ, nói: “Có lẽ, chàng ta giận là bởi vì họ dám khinh cô”. Cô nhấc tay khỏi trán, mở mắt, lạnh lùng nhìn tôi: “Tôi không còn tin những lời như thế nữa”. Mây che lấp mặt trăng, hoa rơi lả tả, trong tiếng đàn êm êm như tiếng nước, Công Nghi Huân dần dần thở đều, có lẽ đã ngủ. Tiếng đàn này không phải là Hoa Tư điệu, chỉ có tác dụng ru ngủ. Bóng ma phiêu du bên ngoài quy luật thời gian thực ra không có Hoa Tư điệu lấy tính mạng làm nhạc phổ, tôi không cần mạng của một con ma, cô không trả được cái giá đắt như thế, thực ra tôi cũng không dệt được Hoa Tư mộng của cô. May có ký ức được phong ấn trong hai hạt trân châu chính là đôi đồng tử trong mắt, cũng may nguyện vọng của cô chỉ là muốn tôi nhìn giúp những ký ức được phong ấn trong đó. Đối với bóng ma, tinh thần có trước thân xác ký gửi, sự kết hợp giữa tinh thần và thân xác ký gửi cũng giống như sự kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần và thể xác của con người, nhưng đối với bóng ma, tinh thần chứa những ký ức tàn dư không bị trói buộc bởi thân xác mà nó nương náu, dễ tách khỏi thân xác đó, cũng dễ bị nhìn trộm. Năng lực dùng Hoa Tư dẫn thôi động ý thức tự thân của nó, nhìn thấu tinh thần đó của chủ nhân viên giao châu được gọi là ảo chi đồng. Trong điều kiện đối phương tinh thần bình ổn, khỏi nói chỉ bị phong ấn, cho dù ký ức được bảo mật đến đâu, ảo chi đồng cũng có thể đọc được. Đương nhiên chuyện đó không hay lắm, nhìn chung tôi không đi đọc ký ức của một con ma. Chủ yếu là vì lớn bằng ngần này, tôi vẫn chưa từng gặp ma. Giả sử Mộ Ngôn là một con ma, hàng ngày nếu rỗi rãi tôi đọc ký ức của chàng xem chơi. Tôi nhắm mắt, trước mắt một dải ánh sáng luân lưu. Cát, sỏi mù mịt, cây xanh khô héo, phong cảnh thê lương loang loáng vút qua trước mắt. Trong khe suối lạnh quạ hoang lượn lờ, trong chớp mắt, một chùm tia sáng bùng phát như sao rơi. Bên tai có tiếng mưa lắc rắc, tầm mắt đột nhiên rộng mở. Nhìn thấy phía trước sơn môn huy hoàng một bức rèm châu ngũ sắc, mấy phiến đá xanh, cô gái áo trắng đón chiếc vòng ngọc màu đen trong tay chàng trai áo trắng, chiếc ô hơi nâng lên, một khuôn mặt trắng như tuyết không thần sắc. Đó là Khanh Tửu Tửu, cũng là Công Nghi Huân, thì ra quả nhiên đây là cảnh họ lần đầu quen nhau. Hình ảnh nhìn thấy đêm đó lần lượt lướt qua trong đầu, thầm nghĩ, nên tiết kiệm thời gian, phảy những giọt nước mưa bám trên người, quả quyết lướt qua chi tiết đó đi nắm bắt ý thức đoạn tiếp theo, vừa chớp mắt, mở ra, bàng hoàng bước vào một màn đêm mịt mùng vô tận. Tôi hơi sợ, nắm chặt ống tay áo, Mộ Ngôn không có ở đây, không có ai để bám vào. Khi mắt đã nhìn thấy vạn vật trong bóng tối, tôi cũng không căng thẳng nữa, sau một tiếng động cực nhẹ, ánh đèn chớp lóe, cuối cùng nhìn thấy ánh sáng từ dưới đất từ từ dâng lên, bên tai có tiếng hát văng vẳng, trôi nổi, ngân nga, cảnh sắc hiện dần theo ánh sáng tựa bức tranh thủy mặc mở ra. Đưa mắt nhìn quanh, bóng người trùng trùng. Ngẩng đầu, tôi thấy trên đỉnh treo một chiếc đèn cực lớn hình tán cây, chiếc trụ đèn bằng đồng đen tựa tháp ngọc chín tầng, lửa cháy rực trong mười mấy bát đèn, khiến tòa chính đường sáng như ban ngày. Phía trên chính đường cao rộng là giếng trời có lan can bao quanh, chính giữa là một cái bục cao bằng đá nổi vân hoa, ba cô gái mình vận đại hỉ bào màu đỏ đứng trên đó, cô gái bên trái ôm cây tỳ bà cúi đầu vừa đàn vừa hát. Trên những hàng ghế xung quanh cách đó hai trượng nam nhân ngồi chật kín, từ thiếu niên mười ba, mười bốn đến ông già bảy, tám chục tuổi, nếu chiêu mộ quân dịch mọi người cũng hưởng ứng nhiệt tình như vậy, quốc gia này ắt hẳn có tiền đồ. Lầu hai gồm những ô nhỏ trang trí vô cũng trang nhã, đằng sau những lan can hình vuông chạm trổ tinh xảo là những bức rèm che, đó là những phòng hoa phục vụ khách giầu sang. Tôi suy nghĩ một hồi, sau khi nhận ra mình đang ở đâu, bịt mắt thở dài, cảm thấy sao mình có duyên với lầu xanh đến vậy. Mặc dù nhiều lúc cũng muốn thể hiện sự thoải mái phóng khoáng, nhưng quả thực không có ý nghĩ rằng đời này nhất định phải đến đó một lần mới bõ công sống trong thế giới này . Số phận lại hơi quá hiểu lòng người, trong vụ của Thập Tam Nguyệt tôi đã buộc phải đi dạo lầu xanh một lượt, lần này lại phải dạo qua lần nữa. Hơn nữa nhìn quang cảnh, xem ra, lần này lại còn gặp đúng dịp lầu xanh mở hội chọn tân hoa khôi và đấu giá đêm đầu tiên của hoa khôi. Cô gái áo đỏ trên đài vừa đánh xong khúc nhạc, khách ở lầu trên lầu dưới đua nhau trả giá, bia báo giá liên tục giơ lên, có thể thấy, đúng là cả đời phong lưu không bằng một đêm phong lưu. Nhưng đêm đầu tiên của hoa khôi không phải ai cũng đủ ngân lượng để mua, làn sóng ồn ào qua đi, chỉ còn hai vị khách ở trong phòng hoa lầu hai tranh nhau ngã giá. Tôi thật không hiểu, những người đó bỏ nhiều tiền như thế mua một cô gái, chỉ được ngủ một đêm, sao không đem số tiền đó đi mua cô gái khác có thể ngủ suốt đời. Bức rèm châu dài sát đất vây quanh che khuất vị khách bên trong, thân giá của cô gái áo đỏ tên gọi Ổn Liên đã lên tới ba ngàn lẻ năm đồng vàng. Sở dĩ có số tiền lẻ đó là bởi vì bất luận người khách ở phòng hoa trả giá thế nào, phòng hoa đối diện luôn thong thả trả thêm năm đồng. Có lẽ là cảm thấy có gì bất thường, ca vũ ở lầu dưới đều ngừng lại, lầu trên lầu dưới im phăng phắc. Mọi người đang nóng lòng chờ xem kết cục cuộc mặc cả, phía cửa lớn đột nhiên có tiếng ồn ào. Từ xa nhìn lại, bóng áo trắng phấp phới phát ra ánh bạc, mấy gã trai tráng có vẻ là bảo vệ của lầu xanh bị chiếc roi bạc trong tay vị khách dồn vào chính đường. Chỉ riêng chiếc áo trắng toát trên người vị khách đã tỏa hơi lạnh, người đó chỉ có thể là Khanh Tửu Tửu. Mấy cô gái đứng dưới đang chờ đến lượt lên đài dự tuyển mặt sợ hãi biến sắc, các vị khách cũng hốt hoảng lảng đi, vị khách mới đến còn chưa kịp bước qua bậc cửa, cửa lớn nãy giờ vốn chật ních người, “ào” một tiếng chạy sạch không còn một mống. Cô gái áo trắng tay cầm roi bạc bước vào chính đường, mấy người áo đen có vẻ là tùy tùng xếp hàng hai theo vào. Quả nhiên là Khanh Tửu Tửu. Chủ lầu vừa liếc mắt đã biết là khách đặc biệt, mặt tươi như hoa bước ra đón: “Tiểu thư chắc là vào nhầm chỗ, chúng tôi ở đây không kinh doanh các cô gái…”. Lời chưa dứt đã bị lạnh lùng cắt ngang: “Các người ở đây không kinh doanh các cô gái thật ư?”. Từ sau bức rèm châu ở phòng hoa bên phải bỗng vọng ra tiếng nói, giọng không to nhưng do không khí yên lặng nên nghe rất rõ, sau đó bức rèm được vén lên, hiện ra một người đàn ông dáng nho nhã. Thật trăm lần phán đoán cũng không ngờ người đó lại là Công Nghi Phỉ. Công Nghi Phỉ vận áo chùng gấm từ trên cao nhìn thẳng vào Khanh Tửu Tửu, vẻ ngạc nhiên thoáng qua, mặt lại như cười, vén một cánh rèm vào chiếc móc vàng bên cạnh. Dưới lầu một ca kỹ che miệng ỏn ẻn nói thầm: “A, người ở trong Ứng Mai hiên thì ra là Công Nghi công tử…”. Một giọng khác giản dị hơn hỏi: “Là ai thế?”. Cô ca kỹ giọng trầm trồ: “Trưởng tộc gia tộc Công Nghi ở Bối Trung, được đồn đại là tư phong lừng danh, văn tài nức tiếng, Công Nghi Phỉ”. Ngừng một lát nói tiếp, “Ổn Liên đúng là có phúc”. Hai cô gái nói chuyện gần trong gang tấc, tôi cũng nghe thấy, huống hồ Khanh Tửu Tửu. Nhưng mắt cô chỉ thoáng liếc vào phòng hoa được gọi là Ứng Mai hiên ở lầu hai, thu lại chiếc roi, cúi đầu thong thả bước lên cầu thang gỗ trải thảm đỏ. Chủ lầu đứng phía sau giậm chân: “Cô nương đã đến tham quan thanh lâu, ít ra cũng nên vận nam trang, kẻo ảnh hưởng quy củ nghề chúng tôi…”, lập tức được mấy người áo đen đi sau cô gái dúi vàng lá bịt miệng. Ánh mắt cả phòng dồn vào Khanh Tửu Tửu, nhưng cô dường như không nhận ra, đi thẳng tới phòng hoa đối diện Ứng Mai hiên. Lát sau rèm vén lên, thấy một thiếu niên bảnh bao áo gấm đai ngọc vội vã đứng lên đón Khanh Tửu Tửu: “A Ninh không nên đến nơi này làm tỷ tỷ không vui, A Ninh…”. Khanh Tửu Tửu thong thả ngắt lời, tay chống cằm, cúi đầu nhìn mấy cô gái trên đài còn chưa ngã giá: “Đệ thích cô nào?”. Thiếu niên bối rối: “Gì cơ?”. Công Nghi Phỉ đối diện nãy giờ im lặng, lắc chén rượu trong tay: “Vừa rồi tại hạ đã trả đến ba ngàn lẻ năm đồng vàng, xem ra ý huynh đài là muốn…”. Nói đến đó mỉm cười ngừng lại, nhìn đăm đăm Khanh Tửu Tửu ngồi cạnh rèm châu: “… muốn tác thành cho tại hạ chăng?”. Chàng thiếu niên cúi đầu không dám nói, Khanh Tửu Tửu ngước mắt, lơ đãng nhìn vị khách, ánh mắt lại hướng vào chiếc bục cao bên dưới, ngón tay hơi ngừng trên mặt bàn gỗ đàn: “Hai vạn đồng vàng, tôi mua cả ba cô”. Khách trên lầu dưới lầu đều trố mắt, tôi cũng trố mắt. Nhìn xung quanh chỉ thấy Công Nghi Phỉ một mình ung dung tự rót rượu uống, khóe mắt cười cười. Chưa bao giờ thấy một cô gái mua gái lầu xanh ngang nhiên, hào phóng, bức ép đến thế. Khiến người ta không thể không thán phục. Chủ lầu há mồm không nói được gì, không biết là kinh ngạc hay là vui mừng, hai vạn đồng vàng gọi ba cô, ngay những gã công tử phá gia nhất Cửu Châu này cũng không dám vung tay như vậy. Chàng thiếu niên tên A Ninh mặt hết trắng lại đỏ, bối rối: “Chẳng, chẳng phải tỷ đến bắt đệ về nhà sao, sao lại…”.
|
Khanh Tửu Tửu nhìn cậu ta từ đầu xuống chân, nhấc chén trà đang tỏa khói trên bàn lên: “Đã đến tranh giành mỹ nhân với người ta thì phải thắng, mọi ngày…”. Ánh mắt từ sau làn khói mông lung liếc qua, “… ta dạy đệ thế nào?”. Chàng thiếu niên ngây người, cúi đầu rất thấp, cô uống hai ngụm trà rồi đứng dậy đi ra, khi rèm buông xuống, mắt liếc xuống lầu dưới một cái, “Ba cô đó nhan sắc cũng được, chọn một cô vừa ý nhất, đêm nay không cần về nhà”. Không có ai nhìn thấy tôi, có nghĩa là từ khi Khanh Tửu Tửu xuất hiện, tôi có thể điều chỉnh góc độ, quan sát mỗi biểu hiện của cô. Đây quả là một đại mỹ nhân, nhưng lạnh như băng tạc, không thấy nụ cười, dù chỉ là cười khẩy, dường như không hứng thú với bất cứ thứ gì trên đời. Nhưng trong ký ức này, tiểu đệ của cô lại là một thiếu niên có tên là Khanh Ninh kia. Mà lần thứ hai cô gặp Công Nghi Phỉ lại là lúc chàng ta tranh giành hoa khôi lầu xanh với tiểu đệ của cô. Ảo chi đồng chỉ có thể nhìn thấy ký ức, nhưng không thể hiểu được tâm tư của chủ nhân, cho nên tôi cũng không hiểu. Đi theo Khanh Tửu Tửu ra khỏi lầu xanh mới phát hiện lầu này bên một chiếc hồ, ven bờ liễu rủ như rèm buông. Trên hồ bóng trăng nhàn nhạt. Tùy tùng áo đen lẫn vào đêm tối, bị cô lưu lại tại chỗ, tay xách chiếc đèn nhỏ, một mình cô đi dạo quanh hồ. Tôi đi theo sát, gần như đi một vòng quanh hồ. Đến một chỗ có bậc đá xuống hồ thì nhìn thấy một chiếc thuyền mộc neo sát mép nước, người đứng ở mui thuyền lại là Công Nghi Phỉ vừa rồi còn uống rượu ở lầu xanh. Công Nghi Phỉ vẻ đào hoa phóng túng, tay cầm một chung rượu bằng gốm xanh, đang cúi đầu rót rượu xuống hồ, nghe thấy tiếng động hơi ngẩng đầu, nhìn thấy người đến là Khanh Tửu Tửu, mỉm cười ra ý ngạc nhiên: “Khanh tiểu thư”. Khanh Tửu Tửu khoan thai bước đến trước thuyền, dừng lại ngước nhìn chàng: “Trăng thanh nước biếc, Công Nghi công tử đồng ẩm với hồ, thật phong nhã”. Chàng thu lại chiếc chung, mắt tươi cười, giọng xem chừng đầy tủi thân: “Mấy giai nhân vừa ý lại bị tiểu thư cướp mất, không người đối ẩm họa vần, đành một mình tìm chút thú vui”. Dừng lại thở dài, “… Không may chèo thuyền không thạo, mới nghĩ ra hối lộ thần hồ hai chung rượu nhạt, mong thần hồ không gây khó dễ”. Ánh mắt nhìn Khanh Tửu Tửu, chàng hơi ngẩng đầu chìa tay cho cô, “Có điều, lần này tương ngộ cùng tiểu thư, xem ra ông trời đã đoái thương, không biết có thể cho Phỉ một vinh hạnh, mời tiểu thư cùng du thuyền thưởng ngoạn cảnh hồ”. Giọng nói có vẻ tội nghiệp, nét mặt lại hân hoan khích lệ, tôi thầm nghĩ diễn như thế quá xoàng, không bẩm sinh như Mộ Ngôn, với tính cách của Khanh Tửu Tửu có họa là uống nhầm thuốc mới nhận lời. Nhưng không biết Khanh Tửu Tửu nghĩ thế nào. Gió lay cành liễu, Khanh Tửu Tửu giơ bàn tay trắng ngà, cổ tay đeo chiếc vòng ngọc màu đen túm ống tay áo Công Nghi Phỉ, nghiêng người lấy đà nhảy lên thuyền. Chiếc thuyến gỗ chòng chành, hai người đứng rất gần nhau, cô đưa chiếc đèn trong tay cho chàng,“Công Nghi công tử chèo thuyền nhất định phải cẩn trọng”. Tôi nhân cơ hội cũng lên thuyền, đứng một góc, đương nhiên tôi không có trọng lượng, không ảnh hưởng gì tới cái gọi là trọng tải. Mắt Công Nghi Phỉ lóe sáng, nhưng chỉ thoáng qua, khi thuyền đã chèo ra xa bờ mới khẽ cười: “Tiểu thư lên thuyền thế này thật khiến Phỉ kinh ngạc, lẽ nào không sợ Phỉ có dụng tâm, mạo phạm tiểu thư?”. Trên chiếc bàn trà nhỏ trong thuyền có hai chiếc gối thủy tinh lóng lánh, Khanh Tửu Tửu đưa mắt ngắm nghía, chậm rãi nói: “Vậy còn để xem Công Nghi công tử có đánh bại được Tửu Tửu không đã”. Chiếc thuyền chầm chậm dừng lại giữa hồ, Công Nghi Phỉ tay ôm đầu, giả bộ phiền não, “Biết thế này, tại hạ đã không hối lộ thần hồ hai chung rượu, để ông ta nổi sóng lật ngã cả hai ta có phải tốt không”. Cô chống tay vào má, mắt nhìn mặt chàng: “Thế nào?”. Chàng rời chỗ đến ngồi đối diện cô, chỉ cách chiếc bàn trà nhỏ, tay cầm chung rượu đã rót: “Tiểu thư có thật lòng muốn biết?”. Hình như cô suy nghĩ thật, ngẩng nhìn chàng, hỏi lại: “Thế nào?”. Ánh mắt chàng từ chung rượu gốm màu xanh di chuyển đến mặt cô, không cười nữa, trầm tĩnh nhìn cô: “Tiểu thư thân thủ cao cường, thầm nghĩ lúc này chỉ có như vậy mới có thể đến gần tiểu thư. Tâm nguyện của Phỉ rất bé nhỏ, sau khi chia tay ở núi Cô Trúc, bấy lâu chỉ mong có dịp đến gần tiểu thư một chút”. Sự thổ lộ đường đột mà khéo léo, quá một chút là giống đùa cợt, bớt một chút là đối phương không hiểu mình nói gì, tôi thầm tán thưởng, Công Nghi Phỉ đúng là thiên tài về khoản này. Theo tưởng tượng của tôi Khanh Tửu Tửu sắc mặt lúc nào cũng không biểu cảm có lẽ sẽ giả bộ không nghe thấy, vậy là Công Nghi Phỉ đã thổ lộ uổng công. Nhưng cũng may, chuyện trái với quy luật tiểu thuyết tình cảm đó không xảy ra. Khanh Tửu Tửu nãy giờ chống má, bàn tay nghịch chiếc gối thủy tinh thoáng dừng, từ từ ngồi thẳng người, ánh mắt hơi ngạc nhiên, trầm tĩnh nhìn Công Nghi Phỉ, phía xa vẳng đến tiếng tiêu đồng, cô cầm cái gối nghiêng người nhích lại gần chàng, hai người gần nhau trong hơi thở, tư thế rất âu yếm nhưng giọng cô lạnh băng: “Chàng muốn cứu tôi một phen? Có phải chàng thực lòng muốn thế?”. Đôi mắt trong như nước mùa thu của chàng xao động. Cô xích lại gần hơn, môi cơ hồ chạm vào tai chàng: “Nếu tôi nhảy xuống, chàng có cứu thật không?”. Cô hơi nghiêng đầu, né ra một chút, giọng rất thanh rất nhạt, không nhận ra cảm xúc: “Tôi không biết bơi, chàng không cứu, tôi sẽ chết”. Một món tóc xõa trên trán cô, Công Nghi Phỉ nắm lấy, chàng cúi đầu, nhìn không rõ biểu cảm, giọng ôn tồn: “Lời nói ra như giễu cợt Phỉ mỗ, tiểu thư cảm thấy tâm ý của Phỉ… quá nực cười? Hay là cảm thấy Phỉ không biết tự lượng sức…”. Lời chưa dứt, món tóc tuột khỏi tay chàng, “ùm” một tiếng, nước như hoa bắn lên mạn thuyền, qua làn nước hoa vọt lên, thấy bóng trắng như đóa hoa sen đã chìm xuống hồ. Lại “ùm” một tiếng, nước trào lên, Công Nghi Phỉ đã ôm Khanh Tửu Tửu đang ho sặc sụa vì sặc nước lên thuyền, y phục hai người ướt sũng, mặt Công Nghi Phỉ tái nhợt: “Tiểu thư…”. Khanh Tửu Tửu đang vuốt ngực, giơ tay nắm vạt áo Công Nghi Phỉ, trong đôi mắt lạnh có bóng trăng: “Tôi chưa bao giờ đùa ai”. Lại ho một tiếng, “Chàng cũng đừng đùa tôi”. Mặt áp lại gần chàng, hơi thở cách trong gang tấc, “Đã vậy, mười ngày sau đến Khanh gia cầu hôn tôi”. Câu nói bất ngờ đáng kinh ngạc, nhưng dưới ánh trăng Khanh Tửu Tửu người ướt sũng nhìn chàng đăm đăm: “Chàng có bằng lòng?”. Ánh mắt trong veo của chàng xao động, không trả lời ngay. Cô lạnh mặt đẩy chàng ra, giọng lạnh thấu tận xương: “Không bằng lòng ư? Những lời nhớ nhung chàng nói vừa rồi quả nhiên là dối trá. Nhưng Vĩnh An Khanh Tửu Tửu không phải là người chàng muốn giễu là giễu, Công Nghi công tử”. Vẻ sửng sốt của chàng cuối cùng trở lại bình thường, mặt hồ xanh sẫm dưới trăng, nụ cười dâng đầy trong mắt: “Sao có thể? Mười ngày sau, ta đến cưới nàng”. Chàng nắm tay cô, miệng hơi nhếch, “Ta chưa thích một ai, nhưng Tửu Tửu, ta vừa nhìn thấy nàng đã cảm thấy nàng phải là của ta”. Cô ngoảnh đầu, nhìn chiếc đảo nhỏ không xa trên mặt hồ, “Chàng nhìn thấy các cô gái thanh lâu, cũng cảm thấy họ phải là của chàng à?”. Chàng bật cười: “Họ không phải là của ta, nàng thấy đấy, nàng thích ta cũng không tranh với nàng”. Cô ngoảnh lại, vẻ trầm tư, lát sau lấy ra chiếc vòng ngọc đen trên cổ tay: “Đến ngày hẹn cha muốn thiếp ca vũ kén chồng. Chàng hãy đến xem thiếp múa, phổ một khúc hay hơn trình cho cha, như vậy chàng sẽ lấy được thiếp. Cha thiếp từng ca ngợi văn tài của chàng, đáng tiếc lần này kén chồng không phải là vịnh thơ gieo vần, về nhạc lý được cha khen hay, thiên hạ hiện chỉ có Trần thế tử Tô Dự”. Chàng tươi cười nắm tay cô: “Ý nàng là muốn ta nhờ biểu đệ giúp?”. Lại giả bộ thở dài, “Ta bình sinh không thích đi với hắn, vạn nhất lúc đó nàng lại thích hắn, cha nàng thích hắn, thì biết làm sao? Ta không muốn động thủ với hắn”. Cô để chiếc vòng vào tay chàng: “Hãy nhớ chàng đã nói gì, chàng nói thiếp là của chàng, vậy hãy giành thiếp về cho mình, đừng làm thiếp thất vọng”. Gió thổi qua, con thuyền nhỏ đung đưa, chàng ôm cô: “Lúc nhảy múa nên mặc nhiều xiêm áo, dừng để kẻ khác được hời”. Hai tay cô buông thõng từ từ giơ lên, ôm lấy tấm lưng thanh tú của chàng, chàng cơ hồ cứng người, ôm cô chặt hơn. Cằm cô tì vào bờ vai ướt của chàng, mắt mở to, nhìn lên vầng trăng xa xăm trên trời. Đây là một đôi uyên ương quan hệ phát triển nhanh chóng nhất sau lần gặp đầu tiên mà tôi từng thấy, không hiểu tiếng sét ái tình là thế nào, làm sao biết người mình cần là người này chứ không phải người kia, không phải một người khác, lời hứa lúc này về sau quên hết? Tôi có ý nghĩ như vậy, chủ yếu là nhớ tới người vợ chính thức của Công Nghi Phỉ tám năm sau chính là Công Nghi San, con gái của nhị thúc chàng. Đã biết kết cục như vậy, cuộc cầu thân này sao có thể thuận buồm xuôi gió? Nhưng bất luận thế nào, mười ngày cũng trôi qua rất nhanh. Sáng sớm hôm đó, xung quanh chiếc đài cao tế thần của Khanh gia ở Vĩnh An tụ tập rất đông công tử các bậc thế gia trong thiên hạ, Khanh Tửu Tửu toàn thân áo trắng giản dị, mặt dửng dưng đứng trên đài cao trước một đỉnh hương lớn bốc khói. Những chàng công tử bên dưới tế đàn có người đến đây vì tài sản của Khanh gia, có người vì nhan sắc của cô, duy nhất một người đến vì cô. Nhưng khi cô tìm thấy chàng trong đám đông lại không tỏ vẻ vui mừng, trái lại tay chống vào trán, đôi môi đỏ chỉ khẽ mấp máy, mệt mỏi nhắm mắt như bị kiệt sức. Nhạc sư bên cạnh bắt đầu tấu nhạc. Tôi nghe rất rõ, cô nói: “Vẫn đến sao?”. Đồng thời tôi sực nhớ đến một tin đồn từ mấy năm trước, rằng họ Khanh ở Trần quốc có một thiên kim có tài ca vũ nức tiếng thiên hạ, thầm nghĩ chắc là Khanh Tửu Tửu này. Chỉ là về sau không nghe thấy tin tức gì về tài ca vũ của cô, cho nên thiên hạ không bị chấn động hơn nữa, nhưng ca khúc phối với điệu múa của cô gọi là “Thanh hoa huyền tưởng” một thời rất nổi tiếng, ngay đến một vùng hẻo lánh như núi Quân Vu thỉnh thoảng cũng nghe thấy người ta ngân nga vài câu, có thể thấy nó vô cùng thịnh hành. Điều bất ngờ là ca khúc được đồn thổi thần kỳ đó thực ra cũng bình thường, cơ hồ chỉ hơn các ca khúc của ca kỹ chút đỉnh, chỉ có vậy mà đã chấn động, có thể thấy thiên hạ quá dễ chấn động. Càng bất ngờ hơn đó là hôn sự của hai người lại không hề gặp trở ngại, tất cả các thủ tục rườm ra như vấn danh, ăn hỏi, đều được giản lược loại bỏ, lập tức định ngày thành hôn, thuận lợi đến mức khó tưởng tượng. Nhưng tôi biết kết cục của câu chuyện, kết cục là Khanh Tửu Tửu chết. Điểm lại một lượt, tôi cơ hồ ngửi thấy hơi hướng của âm mưu nào đó, nhưng do bản tính tương đối thuần khiết, lại cho chẳng qua do mình hay nghĩ lung tung. Mặc dù ngày thành hôn đã định vào tháng sau, nhưng đêm đó, Công Nghi Phỉ không về ngay Bối Trung để chuẩn bị. Tôi từng đọc một cuốn tiểu thuyết của Quân Vỹ, kể về một vị công tử phong lưu, đang đêm khuya nhảy tường vào hậu viên của ý trung nhân, hái một cành mai trắng để trước cửa sổ phòng cô. Kết quả hái đúng cành dị mai, khiến ý trung nhân ngủ suốt ngàn đêm. Khi nhìn thấy bóng áo trắng của Công Nghi Phỉ vọt qua tường cao nhảy vào hoa viên của Khanh phủ, giơ tay hái cành phong linh màu tím trên tường, tôi cảm thấy hôm nay đã gặp được một độc giả nhiệt thành của Quân Vỹ. Đáng tiếc Khanh tiểu thư không yếu như cô gái trong truyện đó, dưới một gốc cây to trong hoa viên, tiểu thư đang một mình tập múa, giọng rất lạnh, ca từ đúng là ca khúc “Thanh hoa huyền tưởng”, nhưng nghe khang khác. Đột nhiên cô cảm giác phía sau có người nhìn, khi quay lại, con dao nhỏ kẹp giữa hai ngón tay tức thì phi ra, lúc nhìn rõ là Công Nghi Phỉ, con dao đã ở cách chàng ba thốn(2), một cái né người rất đẹp, con dao sượt qua tóc, cô tái mặt, ngẩng đầu nhìn chàng: “Chàng làm gì ở đây?”. Công Nghi Phỉ tư phong ngời ngời đứng trên bờ tường, trong tay là cành phong linh vừa hái, chỉ bị bay mất mấy sợi tóc: “Còn nàng đang làm gì?”. Hơi cúi xuống nhìn cô, “Ca khúc nàng hát dường như là ca khúc hôm nay ta trình lên nhạc phụ”. Ngừng lại, bổ sung thêm, “Đừng nói nàng không biết ca khúc đó do ai soạn”. Vừa nói vừa nhảy từ trên tường xuống, nhẹ nhàng cài cành phong linh lên tóc cô, càng làm nổi bật mái tóc đen dài óng mướt của cô. Cô ngẩng đầu nhìn chàng, mắt long lanh, nhưng chỉ thoáng qua, tay chàng đặt lên vai cô, cô nghiêng đầu nhìn cảnh sắc trong vườn, “Do chàng soạn thì sao? Cha lại chọn khúc này, trình độ thưởng thức của cha quả đã giảm sút rồi”. Chàng cười càng tươi, cúi đầu ghé sát tai cô: “Thế đêm khuya nàng hát ca khúc kém cỏi của ta, rồi biên ra điệu vũ phối hợp với nó, rồi tập múa một mình, rốt cuộc nàng đang đợi ai?”. Cô hơi cau mày: “Chẳng đợi ai hết”. Chàng lẩm bẩm: “Thì ra đúng là điệu múa soạn riêng cho ca khúc này.”.
|
Cô ngây người, mặt lạnh lùng tỏ ra phẫn nộ, quay người định bỏ đi, bị chàng kéo lại, ngược ánh trăng nhìn ra, trong ánh sáng mờ mờ là một khuôn mặt dịu dàng thâm tình: “Ta muốn xem nàng múa, Tửu Tửu. Sáng nay là múa cho bọn họ xem, đêm nay ta muốn nàng múa cho mình ta xem”. Những lời tình tứ thẳng thắn như thế có thể sẽ khiến các cô gái bình thường khó xử, nhưng Khanh Tửu Tửu không phải là cô gái bình thường, trên mặt không hề có vẻ ngượng ngùng, trái lại nhìn chàng đăm đăm, cất giọng thanh thanh: “Chàng nói phải, thiếp tập múa nhiều năm như vậy là muốn múa cho chàng xem, quả thực thiếp đang đợi chàng đến”. Tôi cảm thấy mỗi lần Công Nghi Phỉ trêu chọc cô mục đích là muốn cô trêu chọc lại. Một cô gái như thế, trí tuệ tuyệt đối không kém ai, ngay cách trêu đùa cũng thật thông minh thú vị. Những lời tình tứ thẳng thắn đó được cất lên bởi một giọng thanh lạnh như vậy, giống như băng tuyết tan khi xuân về, róc rách chảy ra từ khe núi, nghe thật sảng khoái dễ chịu. Ngọn lửa cháy dần trong mắt Công Nghi Phỉ, nhưng cô không nhận ra, thản nhiên nhìn chàng: “Sau đêm nay thiếp sẽ không múa khúc này nữa”. Cô nhìn sâu vào mắt chàng, “Thực ra thiếp không hề thích múa. Những bước vũ này nhờ chàng nhớ giúp”. Âm nhạc quen thuộc vang lên, rất nhiều chỗ khác, nhưng càng dạt dào viên mãn, nhạc điệu cơ bản vẫn là khúc Thanh hoa huyền tưởng, nhưng lúc này lại nhìn thấy một vũ điệu khác hẳn ban ngày. Thân hình mảnh mai khẽ uốn mềm như sóng, tựa như có ba ngàn sợi tơ phiền muộn vấn vít gót chân, tựa bị mười trượng hồng trần mềm mại trói chặt, những ngón tay lại như nở đóa hoa xuân, đây mới là điệu vũ xứng với bốn chữ “danh chấn thiên hạ”. Những ngón tay thanh tú của Công Nghi Phỉ không ngừng lướt trên dây đàn, mắt mơ màng phiêu lãng… âm điệu cuối cùng, cô đứng trước mặt chàng, trán lấm tấm mồ hôi, khuôn mặt vốn trắng như tuyết giờ ửng hồng. Cô hơi ngẩng đầu nhìn chàng, “Đây là một đêm vui nhất của thiếp, sau này nhớ lại cũng sẽ rất vui”. Chàng cười đứng lên, vuốt tóc cô, mũi chạm vào cành hoa phong linh trên tóc cô: “Đêm vui nhất phải là đêm nàng thành hôn với ta”. Tôi đắm chìm trong vũ khúc “Thanh hoa huyền tưởng” đó, mãi không thoát ra được, cảm thấy đây là điệu múa có hồn duy nhất tôi từng xem. Từ nhỏ sư phụ dạy tôi mỗi môn nghệ thuật đều có linh hồn, nghệ không có linh hồn, nhưng nghệ thuật có linh hồn. Một tháng trước hôn lễ, họ luôn bên nhau. Lúc này ngoài xã hội đang thịnh hành ca khúc “Trăng bên hiên”, nghe đồn đó là do Công Nghi Phỉ sáng tác trong lúc chếnh choáng hơi men để tặng vị hôn thê của mình: “Trước hiên lạnh bóng cây lồng bóng nguyệt, hoa rụng đầy theo gió cuốn về đâu…”, được thanh niên nam nữ truyền nhau hát. Tôi cảm thấy yêu nhau hà tất cứ phải ngồi ngoài hiên, nếu thật sự thích một người, người đó ở đâu, thiên đường ở đó, đừng nói ngắm sao, cho dù trong bóng tối dựa vào nhau cũng hạnh phúc… nhưng lập tức lại phát hiện so sánh như vậy không đúng lắm, so với ngắm sao đàn ông đương nhiên càng thích ngồi dựa vào cô gái trong bóng tối hơn. Thực ra tôi vẫn đang chờ đợi, chờ đợi câu chuyện này lao thẳng xuống vực như xe ngựa đứt dây cương. Bởi vì kết quả đã biết là thảm khốc, quá trình càng suôn sẻ chỉ càng khiến người ta thêm hồi hộp thót tim. May mà một tháng cũng không lâu, đoạn ký ức này giống như tia sáng vụt qua trước mặt. Chiếc xe ngựa mất phanh cuối cùng dừng lại trước đêm thành thân, những chuyện không nên xảy ra lại lặng lẽ xẩy ra như định mệnh. Khi Công Nghi Phỉ toàn thân áo chùng tân lang đỏ chói, miệng mỉm cười ngũ quan rạng rỡ lật khăn trùm đỏ của tân nương, đúng lúc đó thần định mệnh trước nay vẫn ngủ gật đột nhiên mở mắt. Dưới mũ phượng ánh vàng lóng lánh, Khanh Tửu Tửu làn da trắng như tuyết tóc không vấn, mặt không trang điểm, hơi nghiêng đầu không biết nghĩ gì. Ánh nến đột ngột chiếu vào mắt, cô giơ tay, nhắm mắt cơ hồ như vô thức, Công Nghi Phỉ bật cười, đưa chén rượu hợp cẩn đến trước mặt cô: “Mặc dù trước nay ta vẫn yêu vẻ tố nhã thanh đạm của nàng, nhưng nàng cũng không nên vì muốn chiều ý ta mà ngay ngày thành hôn cũng trang điểm giản dị như vậy”. Cô ngây người nhìn cốc rượu trước mặt, mắt dần dần trở nên hốt hoảng, lát sau không trả lời câu hỏi của chàng, mà lại gọi tên chàng, “A Phỉ”. Cô hơi ngẩng đầu, lạnh băng nhìn vào đôi mắt tươi cười của chàng, “Đệ định uống rượu hợp cẩn này với chị ruột của mình sao?”. Cặp nến long phượng đốt trên cao đúng lúc bùng ra một nắm hỏa tinh, chiếc cốc bạc trong tay Công Nghi Phỉ dừng lại trên không, trên trời đột nhiên bùng nổ một tiếng sấm kinh hoàng, thời gian ngưng lại trong tiếng sấm đó, chỉ có những ngọn nến vẫn cháy rừng rực. Công Nghi Phỉ vẫn cầm chiếc cốc bạc nghiêng người để lên bàn trà, định giơ tay buông bức rèm màu trắng trước giường. Giọng cô căng thẳng, như níu giữ tay chàng: “Đệ còn nhớ mình có một người chị song sinh, tôi cũng chưa quên trên đời có một tiểu đệ cùng huyết thống. A Phỉ, thực ra chính đệ cũng thấy lạ, tại sao trông tôi giống đệ hơn là giống A Ninh, đúng không?”. Cô chờ chàng từ từ ngoảnh lại, “Bởi vì Khanh Ninh không phải là tiểu đệ của tôi, đệ mới là tiểu đệ của tôi. Chúng ta cùng huyết thống, là hai người cốt nhục gần gũi nhất trên thế gian”. Trong ánh nến hồng, sắc mặt Công Nghi Phỉ trắng dần, khóe miệng vẫn nở nụ cười dịu dàng: “Tửu Tửu, nàng mệt rồi”. Cô nhìn sâu vào mắt Công Nghi Phỉ, từ từ nhắm mắt như quá mệt mỏi: “Tại sao đệ không tin?”. Chàng không nói. Cô đứng dậy rời khỏi giường tân hôn, giày mềm bằng tơ đỏ giẫm lên chiếc bậc hình mặt trời để trước giường: “Ngôi trưởng tộc của Công Nghi gia không dung thứ song sinh, mười tám năm trước, tôi là kẻ bị vứt bỏ, thập tử nhất sinh sống lại chính là để hôm nay lấy lại những gì thuộc về mình. Tình cờ gặp gỡ, ca vũ kén chồng, từ đầu đến cuối tất cả đều được sắp đặt”. Hai người cách nhau không đầy ba bước, cô dừng lại nhìn thẳng vào chàng, “Chiếc gậy hình đầu rắn màu đỏ khảm hoa phật tang tượng trưng cho quyền lực của gia tộc Công Nghi do hai mảnh ghép lại, vợ chồng trưởng tộc mỗi người giữ một nửa. Đệ xem, ngoài lấy đệ, không nghĩ ra cách nào tốt hơn để tôi đường hoàng quang minh trở về Công Nghi gia, đường hoàng lấy lại những gì thuộc về tôi”. Không gian như xẻ làm hai nửa, một nửa trôi chầm chậm, một nửa dừng lại, trong nửa dừng lại đó, sắc mặt Công Nghi Phỉ càng trắng bệch, cơ hồ không thể giả bộ cười được nữa. Những lời đó sắc tựa dao, hơn nữa mỗi nhát đều là đòn chí mạng, phụt máu tươi, nhưng cô nhìn thần sắc trắng bợt như bị mất máu quá nhiều của chàng, giọng lại vẫn bình tĩnh như không: “Tôi đã biết đệ từ trước, từ trước khi đệ nhìn thấy tôi, hôm đó tôi cố tình đợi đệ ở Cô Trúc sơn, cố tình đánh rơi chiếc vòng ngọc, đệ tưởng tất cả là ý trời, nhưng ý trời lại chỉ là để chúng ta vừa sinh ra đã gánh chịu số mệnh bi thảm này”. Công Nghi Phỉ sững người nhìn cô, đôi mắt trong như nước mùa thu, đào hoa sóng sánh, giờ đây đào hoa không còn, nước mùa thu cũng cạn. Ngũ quan tuấn mỹ phong lưu ngày xưa giờ trắng nhợt, nhưng vẫn cười một tiếng, nhìn vào khoảng không: “Ta vẫn nhớ, lúc đó nàng nói với ta, nàng không biết bơi, nếu ta không cứu, nàng sẽ chết”. Thần sắc nhàn nhạt, cô nói: “Tôi lừa đệ”. Chàng dừng một lát, lại tiếp: “Khúc ‘Thanh hoa huyền tưởng’ đó, nàng nói là tập đã lâu, đang chờ ta đến, muốn múa cho ta xem”. Cô vẫn lạnh lùng: “Tôi lừa đệ”. Chàng như không nghe thấy: “Đêm đó nàng nói đó là đêm vui nhất của nàng, sau này nhớ lại…”. Cô ngắt lời: “Tất cả đều là lừa dối”, dừng một lát, trầm tư nhìn chàng, “Bộ dạng đệ thế này là đang hận vì mắc lừa tôi sao? Tôi đã cho đệ cơ hội, nhưng đệ lại bỏ qua”. Đứng đối diện với nhau như vậy, chàng cao hơn cô một cái đầu, trông rất giống một đôi Kim Đồng Ngọc Nữ. Chàng hơi nhướn mi, mày hơi cau, lại không nói gì. Cô nghiêm nghị nhìn chàng một lát, bất chợt cau mày: “Cho phép tôi đoán thử, phải chăng là đệ thích tôi thật?”. Chàng ngẩng phắt đầu. Cô nhìn thẳng vào mắt chàng: “Tôi nói đúng không?”. Chàng nhếch mép: “Nàng nói xem?”. Cô lạnh lùng nhìn chàng: “Buồn nôn”. Câu này nhất định làm tổn thương Công Nghi Phỉ, dưới ánh nến, mắt chàng thâm trầm như biển, môi không sắc máu, lát sau bật cười một tiếng, một tay kéo cô ngã vào trong tấm chăn lớn màu đỏ. Lại một tiếng sấm rền, khiến bức rèm trước giường rung lên, cũng lóng lánh như bức rèm châu treo trước sơn môn núi Cô Trúc. Tay chàng chống bên cạnh mái tóc buông xõa của cô, cúi nhìn cô, đôi môi không sắc máu nhếch lên đường cong theo thói quen, áp gần miệng cô: “Đêm xuân một khắc ngàn vàng, trước đây ta đã nghĩ câu nói này quá tục, định trong đêm tân hôn sẽ nói với nàng những lời hay hơn, đêm nay, bỗng nhiên cảm thấy những ý nghĩ đó thật nực cười, Tửu Tửu, những điều nàng nói, nàng tưởng là ta sẽ tin sao?”. Tôi nghĩ chắc cô không ngờ đột nhiên bị chàng đẩy ngã, đến nỗi mãi không phản ứng được gì. Thầm nghĩ, Khanh Tửu Tửu thân thủ cao cường, cũng rất có thể một tay đẩy Công Nghi Phỉ đè lên người mình ra, đánh cho một trận, nếu vậy, cuộc động phòng này quả thật sẽ vô cùng thú vị. Nhưng đợi mãi, không thấy cô ra tay, chỉ bình tĩnh nhìn lên đỉnh màn. Môi chàng áp gần má cô, cũng không thấy có hành động nào tiếp. Nói không tin là một chuyện, nhưng tôi nghĩ, chung quy chàng ta vẫn để bụng những điều cô nói, nếu không đã không bị tổn thương như vậy, nếu không đã vượt qua vạn hiểm hoàn tất đêm động phòng. Mà cái gọi là vạn hiểm đó rõ ràng không thể bao gồm hai người là ruột thịt. Đây là số mệnh, nếu chưa nghe chưa biết chưa có khả năng phản kháng thì số mệnh chung quy vẫn là số mệnh. Bóng rèm khẽ lay, vẫn là cô lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng, thần thái hoàn toàn bình thản, như thể chàng lúc này không làm bộ thân mật âu yếm áp sát vào cổ cô, như thể hai người pha một ấm trà lạnh đang trịnh trọng tâm sự: “Từ lúc tôi hiểu biết đến giờ, lớn lên trong kỹ viện, từ ba tuổi đã bắt đầu học múa. Kỹ viện không phải là chốn bình thường, múa đẹp mới có miếng ăn, múa kém là đói bụng. Hai, ba tuổi còn đỡ, càng lớn càng phải làm nhiều việc nặng. Hồi đó thường phải làm lụng mọi việc trong khi bụng đói. Tôi rất ghét múa. Nhưng ngoài múa, múa đẹp, đẹp nữa, không còn con đường nào khác, khi sáu tuổi tôi đã nghĩ nên tìm một nghề khác để kiếm sống, không phải bán thân. Khi sáu tuổi, đệ nghĩ gì, A Phỉ?”. Giọng cô vẫn không đổi. Đây là lần đầu tôi thấy cô nói nhiều như vậy. Công Nghi Phỉ không trả lời, cơ hồ cô cũng không bận tâm chàng có trả lời hay không: “Lúc tôi tám tuổi, cha nuôi mua tôi về, tôi mới hiểu thì ra tôi cũng có cha mẹ, cha tôi vẫn sống yên lành trên đời, ông ấy có thể nuôi tôi nhưng lại vứt bỏ tôi vì một tội lỗi tôi không gây ra. Mẹ lén cứu tôi, nhưng vì vậy bị cha lạnh nhạt, sau đó buồn phiền qua đời. Mẹ giấu tôi ở một nơi tự cho là an toàn, không ngờ cuối cùng tôi phiêu dạt vào kỹ viện. Một người duy nhất muốn tôi sống trên đời đã ra đi, mẹ của chúng ta, đời tôi chưa một lần được gặp mặt”. Cô ngừng lại, “Nhưng con gái của Ung Cẩn công chúa sao có thể trở thành ca kỹ, xem ra có vẻ quá hoang đường, nhưng suýt nữa, nếu cha nuôi không tìm thấy tôi, chuyện như vậy đã xảy ra. Có lẽ đệ sẽ gặp tôi ở một kỹ viện nào đó, bỏ ra ba ngàn lẻ năm đồng vàng mua đêm đầu tiên của tôi như mua những cô hoa khôi đó…”. “Đừng nói nữa”. Công Nghi Phỉ ngẩng đầu khỏi vai cô, một tay ôm trán, nhắm mắt cười một tiếng, “Hoặc là để người ta chỉ yêu nàng, hoặc là để người ta chỉ hận nàng, Tửu Tửu, nàng như thế, thật không hay”.
|