Họa Quốc Tập 2
|
|
Tên truyện : Họa Quốc - tập 2
Tác giả: Thập Tứ Khuyết
Dịch giả: Lục Bích
Thể loại: Ngôn tình cổ đại, tranh giành quyền lực, nữ đế, HE
Độ dài: 2 tập
Tình trạng : bản xuất bản
|
Là hoa tàn hoa rụng của ba thu
Là duyên sâu duyên mỏng của một đời
Là sự tích lũy trùng điệp của lịch sử
Là mắc mớ buồn vui của luân hồi
Là giữ trọn lời thề
Là số mệnh lưu luyến
Cũng là hết thảy, hết thảy những gì thuộc về chàng trước mắt ta.
Bộ thứ tư: Ngọc vỡ
Cầu xin chàng… đừng chết
Cầu xin chàng…
Công tử… của ta.
Hồi thứ mười hai: Hồi thành Ngày hai mươi tư, tháng sáu, năm Đông Bích thứ tư. Trăng treo giữa trời, cung đăng sáng rực. Trong Gia Ninh cung vô cùng náo nhiệt. Phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía, đèn đỏ rượu xanh, ca vũ thái bình. Toàn bộ phi tử mỹ nhân của hậu cung đều tập trung trong một sảnh đường để tham gia thọ yến lần thứ mười chín của Khương quý nhân – Khương Họa Nguyệt. Trên ghế chủ thượng, Chiêu Doãn mỉm cười thể hiện rõ tâm trạng vui vẻ hơn ngày thường, thậm chí còn tự tay gắp thức ăn cho người được chúc thọ, khiến Khương Họa Nguyệt vốn bị lạnh nhạt hơn nửa năm nay mừng khôn xiết, cảm động đến mức mắt đỏ rưng rưng. Rượu quá nửa tuần, Điền Cửu bỗng xuất hiện, thì thầm mấy câu gì đó bên tai đại thái giám La Hoành, khiến sắc mặt ông ta đột ngột biến đổi, vội vàng tiến lên mật tấu với Chiêu Doãn. Khương Họa Nguyệt thấy vậy, trái tim nàng chùng xuống, một dự cảm không lành trỗi dậy, nhưng Chiêu Doãn vẫn yên vị trên ghế, vẻ mặt bình tĩnh, không vui cũng chẳng giận, La Hoành vẫn nói gì đó, rõ ràng ông ta đang rất lo lắng. Cuối cùng, Chiêu Doãn giơ một tay lên, ra hiệu cho La Hoành lui ra, ông ta vội nói: “Nhưng hoàng thượng…” Chiêu Doãn lại xua xua tay. La Hoành lập tức khom lưng lui ra. Khương Họa Nguyệt không kìm được hỏi: “Hoàng thượng, có chuyện gì sao?”. Chiêu Doãn rời mắt khỏi đám ca múa phía trước, y cười với nàng: “Không có chuyện gì. Tối nay, không gì quan trọng bằng sinh nhật của ái phi”. Lúc này, trái tim đang treo lơ lửng của Khương Họa Nguyệt mới rơi phịch xuống, nàng thở phào, ngọt ngào nói: “Hoàng thượng đối với thần thiếp thật tốt…”, vừa thì thầm nàng vừa ngả người về phía y. Chiêu Doãn cũng không cự tuyệt, y đưa tay ôm lấy nàng, cùng dựa vào ghế rồng xem ca múa. Ân sủng rõ ràng như thế, khiến đám phi tử ngồi đấy không khỏi bặm môi nghiến răng, trong lòng thầm chua xót, không hiểu tại sao chỉ trong một đêm mà Khương quý nhân lại bắt đầu được sủng ái. Những kẻ hiếu sự càng không nhịn được nghĩ, tại sao cảnh tượng như thế này mà Hy Hòa phu nhân và Cơ quý tần không có mặt cơ chứ, nếu hai người bọn họ cũng có mặt, thì Khương Họa Nguyệt đâu thể một mình chiếm hết vinh quang như vậy được. Nhưng hai người đó, một người nói ngọc thể bất an, còn một người ba ngày trước đã đến Định Quốc tự bái Phật vẫn chưa về, mãi đến lúc thọ yến kết thúc cũng chẳng thấy bóng dáng. Tiệc tàn, Chiêu Doãn đương nhiên cũng ở lại trong Gia Ninh cung, nhưng vào giờ Dần một khắc, y đột nhiên tỉnh giấc, không làm kinh động đến Khương Họa Nguyệt đang say giấc nồng bên cạnh, khoác áo bước ra khỏi phòng. Bên ngoài tĩnh mịch yên ắng, đám cung nhân đều bị đuổi đi ngủ cả, thị vệ gác đêm nhận được mệnh lệnh từ trước, nhìn thấy y, cũng chỉ cúi người hành lễ, không phát ra tiếng động nào. Điền Cửu giống như ma trơi trong đêm trăng, lặng lẽ đứng đợi y trong gió, trên tay cầm một chiếc áo khoác, thấy y bước ra khỏi cửa cung liền tức tốc chạy tới, khoác áo lên mình y. Chiêu Doãn vừa đi vừa hỏi: “Người đâu?”. “Đều đợi ở Bách Ngôn đường”. “Để các ngươi đợi lâu rồi”. “Làm nô tài, đợi chủ tử là chuyện đương nhiên. Hơn nữa, chủ tử vì nhận lời Thục phi nương nương mới không thể đi khỏi được, thuộc hạ biết ạ”. Chiêu Doãn cười nhạt, vẻ mặt không nhìn ra là vui mừng hay châm biếm, cứ cao sâu không thể nắm bắt như thế, y đến thẳng ngự thư phòng, sau đó rẽ qua cửa ngách, tiến vào một gian mật thất. Mật thất không có cửa sổ, nhưng lại được bài trí cực kỳ trang nhã, gồm một chiếc bàn ngọc dài, bên cạnh là tám chiếc ghế tựa êm, trên mỗi chiếc ghế đều có một người đang ngồi đợi, tuy mỗi người một vẻ, nhưng đều là những nam tử tài hoa, người lớn tuổi nhất cũng không quá ba mươi, mà người nhỏ tuổi nhất lại chưa đến hai mươi. Cửa mở, tám người lũ lượt đứng dậy khấu đầu bái kiến. Chiêu Doãn xua tay, rảo bước đến ngồi xuống bên bàn, nói; “Nói đi. Rốt cuộc là chuyện gì?”. Người mặc chiếc áo dài màu xanh ngọc lam, mặt vuông chữ điền, đường nét khuôn mặt tuy rất bình thường nhưng đôi mắt sáng và tinh nhanh đến bức người; vừa nghe Chiêu Doãn nói xong liền đứng dậy, sang sảng tấu: “Hoàng thượng, chúng thuộc hạ vừa nhận được tin mật mới nhất: Năm ngày tới, người đăng cơ trong buổi thọ yến của Trình vương không phải là đại hoàng tử Lân Tố, mà là đế nữ Di Thù. Tất cả đều do một tay Kỳ Úc hầu tác thành”. Chiêu Doãn hơi chau mày, không nói gì. Người mặc áo tím, mặt chuột tai dơi, dáng vẻ cay nghiệt, giọng cao hơn người đầu tiên đứng lên thưa: “Trước đây, thuộc hạ đã cảm thấy việc Kỳ Úc hầu tự mình đến Trình quốc là chuyện vô cùng không ổn. Sau khi hắn đến đó, quả nhiên phóng túng làm càn, thay đổi càn khôn, phá hoại toàn bộ kế hoạch mà chúng ta đã dày công suy tính bao năm!”. Một thiếu niên áo xanh lục chừng mười tám mười chín tuổi lạnh nhạt nói: “Bây giờ như thế này, thực ra cũng không có gì không tốt”. “Thế nào gọi là không có gì không tốt?”. Giọng của người áo tím đột nhiên trở nên gay gắt, quay người giận dữ nhìn thiếu niên áo xanh lục, nói: “Đừng quên tâm nguyện ban đầu của chúng ta là gì! Đâu phải chỉ mở thêm vài bến cảng, thu thêm ít tiền thuế, kiếm thêm ít bạc đâu! Theo ta thấy, nếu mục đích ban đầu không đạt được, thì có nghĩa là có tổn thất. Mà có tổn thất, chính là vô cùng không tốt”. Người mặc áo lam gật đầu tán đồng: “Không sai. Di Thù xưng đế, bề ngoài thân thiện với nước ta, nào là mở bến cảng rồi ưu đãi thuế má; nhưng lại hoàn toàn khác so với kế hoạch lúc đầu của chúng ta. Chúng ta căn bản không cần tiền tài kỹ thuật bí mật, cái chúng ta cần là ba nước hỗn loạn, để chúng ta tọa sơn quan hổ đấu làm ngư ông đắc lợi, là lấy chiến tranh để nuôi đất nước, là xưng hùng bốn bể! Đến nay, Kỳ Úc hầu làm vậy, chẳng phải là khoái đao trảm loạn ma[1] mau chóng triệt tiêu tình trạng hỗn loạn vốn có, cứ thế này hai nước Yên, Nghi theo đà sẽ chiếm lợi thế, thế lực đất nước tất sẽ thịnh vượng, mà Trình quốc cũng có thời gian nghỉ ngơi hưu dưỡng”. [1] Câu thành ngữ mang ý nghĩa là giải quyết dứt khoát, giải quyết nhanh gọn giống như rút nhanh đao chém đứt mớ đay rối vậy. Một nam tử áo xám chậm rãi mở miệng nói: “Đừng quên, nữ nhân xưng đế, là mối họa lớn”. Thiếu niên áo xanh lục xen lời một cách thản nhiên: “Xin nhắc các vị nhớ cho một điểm – Đừng bao giờ coi thường nữ nhân”. Hắn nhếch khóe môi, cười cười: “Đừng coi thường Di Thù. Hơn nữa, nàng ta chỉ dựa vào bản thân đã có thể khiến Kỳ Úc hầu giơ tay viện trợ. Thử hỏi, đổi lại có mấy người trong các vị ngồi đây có thể làm được điều này?”. Người áo tím cười lạnh: “Cho nên ta mới nói hành động này có vấn đề! Về tình về lý, Kỳ Úc hầu đều không nên phù trợ Di Thù, nhưng hắn lại giúp nàng ta. Còn nữa, hắn đã tự ý quyết định mà không hề bẩm báo với thánh thượng. Rốt cuộc hắn có ý gì?”. Lời vừa thốt ra, khắp phòng im bặt. Trong bầu không khí im lìm dị thường đó, Chiêu Doãn tiện tay nhấc một chiếc bút lông trên bàn lên nghịch chơi, mọi người đổ dồn ánh mắt vào y, đợi chờ thái độ của y, nhưng y vẫn không tỏ vẻ gì khác, chỉ khẽ nheo mắt, nói: “Nói tiếp đi, chớ dừng lại”. Vậy nên người áo tím đành tiếp tục nói: “Hoàng thượng, thuộc hạ tuyệt đối không có thành kiến với Kỳ Úc hầu. Những việc hắn làm vì hoàng thượng mấy năm nay cũng thực sự là tận tâm tận lực. Nhưng, chính vì biểu hiện trước đây của hắn quá tốt, cho nên hắn ngày càng được ngài coi trọng, quyền lực ngài trao cho hắn cũng ngày càng lớn. Bốn nước quanh đây, thiên hạ ai chẳng biết Kỳ Úc hầu đứng đầu quần thần Bích quốc; còn muôn dân bách tính Bích quốc thì ai chẳng tôn sùng hắn như thần như thánh chứ. Tuy hắn không nắm quân quyền, nhưng mấy đại danh tướng hiện nay có người nào không do hắn đề bạt tiến cử; tuy hắn không can thiệp đến quan văn, nhưng hai kỳ thi đều do hắn cầm trịch… Trong lúc không ai hay biết, hắn đã có vô số môn nhân; trong lúc không ai hay biết, hắn đã ban ơn đầy nội; và cũng chính trong cái lúc không ai hay biết ấy… hắn đã trở thành một kẻ vô cùng có thế lực”. Khóe mắt Chiêu Doãn giật giật mấy cái, nhưng y vẫn im lặng. Người áo tím hít sâu một hơi, thở dài nói: “Hoàng thượng, lịch sử đã minh chứng thần tử mà có quyền thế quá lớn, danh vọng quá cao, tất sẽ dẫn đến làm phản. Khi một người bị đẩy đến một độ cao nào đó, cho dù bản chất của hắn đơn thuần đến đâu, lý tưởng của hắn tầm thường đến đâu, thì cũng đều không thể chống nổi hai chữ ‘thời thế’. Nhớ Hán Cao Tổ Lưu Bang năm xưa chẳng qua chỉ là một tên đình trưởng nhỏ bé, còn bị cha mắng là ‘vô lại’, ai có thể nghĩ ngày sau ngài lại thống nhất Trung Nguyên, thậm chí đánh bại chiến thần Hạng Vũ? Trần Thắng Ngô Quảng vốn là bần nông nhưng có thể khiến thiên hạ Đại Tần diệt vong; Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cũng chỉ từ một cấm vệ quân thăng một lèo lên thành Ngự tiền Đô kiểm hiệu, cuối cùng khoác hoàng bào đoạt được Hậu Chu… Hoàng thượng, những chuyện như vậy trong sử sách chúng ta nghe còn ít sao?”. “Chú ý đến ngôn từ của ngươi”. Nam tử áo xám lạnh lùng nói: “Hạng Vũ tự kiêu, Tần vương ngu tối, Chu chủ vô năng, há có thể đem ra so sánh với hoàng thượng của chúng ta?”. “Được, không nhắc chuyện cổ nhân. Vậy đơn cử Hộ quốc đại tướng Tiết Hoài mới đây, năm đó đối với tiên đế cũng là lòng son dạ sắt, lên núi đao xuống biển lửa; đối với đương kim thánh thượng lại càng tận tâm phù trợ, toàn lực bảo vệ. Kết quả thì thế nào? Lẽ nào chúng ta còn cần một Tiết Hoài thứ hai?”. Nói đoạn ánh mắt người áo tím sắc như dao lia qua gương mặt của từng người, vẻ mặt mỗi người một khác. Thiếu niên áo xanh lục trầm ngâm hồi lâu, ngẩng lên quay lại nhìn người áo tím nói: “Ngươi nói nhiều như thế, nhưng ta chỉ muốn biết – Từ trước đến giờ Kỳ Úc hầu đã làm sai điều gì?” “Hắn chưa được cho phép đã lén lút đến Trình quốc, là tội thứ nhất; hắn không màng đến nguyện vọng ban đầu của hoàng thượng, bình định Trình loạn, đó là tội thứ hai; hắn phù trợ một tân vương khôn ngoan, đó là tội thứ ba. Dựa vào ba tội danh này đủ khép hắn vào tội chết cả trăm lần”. Nói đến đây, trong mắt người áo tím bỗng lóe lên một ánh nhìn thô tục, hắn cười lạnh nói: “Nếu ba tội danh này chưa đủ, ta còn có thể chỉ ra nhiều hơn nữa, còn chưa kể hắn và Thục phi quá thân mật. Theo tin mật thám, từ khi hắn gặp Thục phi đến giờ, hai người dính nhau như hình với bóng”. Sắc mặt của thiếu niên áo xanh lục hơi nhợt nhạt, cuối cùng lặng im. Tự nghìn xưa, đế vương kỵ nhất chuyện thần tử dám dòm ngó đồ của mình, hơn nữa, trên danh nghĩa Khương Thục phi đáng lẽ vốn là thê tử của Kỳ Úc hầu, nhưng giữa đường bị một đạo thánh chỉ của hoàng đế cưỡng ép cướp đi. Trong tình huống này, dụng ý của hoàng thượng hẳn đã rất rõ ràng, là thần tử thì càng phải tránh né mới phải, nhưng Kỳ Úc hầu vẫn không né tránh. Thật không biết là hắn quá ngay thẳng không kiêng dè; hay là cố ý thị uy với hoàng thượng? Thấy mọi người trầm mặc, người áo tím quay sang, khom người nói với Chiêu Doãn: “Hoàng thượng, thuộc hạ và Kỳ Úc hầu không hề có tư thù, nói ra những lời công kích này thần cũng không cố ý đối đầu với hầu gia. Chúng thần chỉ là mưu sĩ của hoàng thượng, chức trách của chúng thần là vì hoàng thượng mà suy nghĩ sao cho đế thuật chu toàn, phòng trừ hậu họa về sau. Mà sau khi thương thảo, kết quả chúng ta có được chính là quyền thế của Kỳ úc hầu quá lớn, lớn đến mức có thể ảnh hưởng đến đế vị. Nên, việc trước mắt là phải làm cho hắn suy yếu đi. Nếu để hắn tiếp tục lớn mạnh, thì e rằng đến lúc muốn kìm chế hắn cũng không kịp. Hơn nữa, hoàng thượng chỉ sủng ái mình hầu gia, trước mắt tuy không xảy ra mối hiểm họa lớn nào, nhưng sau này khó tránh dẫn đến sự bất mãn của quần thần. Trời cao giáng mưa, phải chú ý ban đều, nếu chỉ luôn ban cho một chỗ thì mảnh đất đó phì nhiêu, còn chỗ khác sẽ thiếu nước nên cạn khô. Xin hoàng thượng suy xét cho kỹ”. Chiêu Doãn vừa chăm chú lại vừa lơ đễnh kẹp cán bút, dùng ngón tay cái khẽ đẩy, chiếc bút xoay xoay như bay giữa các ngón tay, y cứ lặp đi lặp lại như vậy hết lần này đến lần khác.
|
Người áo tím và áo lam đối mắt nhìn nhau, người áo lam lên tiếng: “Thuộc hạ biết hoàng thượng yêu quý hầu gia, hầu gia đích thực là nhân tài trăm năm mới có, chúng thuộc hạ tuyệt đối không có ý ‘đại nhân tài thì không phải là kẻ thánh thượng có thể chế ngự’. Khi nuôi hổ, nếu ta cho ăn một cách mù quáng thì không thể khiến con hổ thực sự biết nghe lời, cách huấn luyện tốt nhất là đan xen giữa việc lúc nào nên thưởng thịt, lúc nào cần phạt roi. Hoàng thượng đã cho con hổ hầu gia này ăn quá nhiều thịt, bây giờ là lúc nên phạt vài roi, để hắn nhớ ai mới là chủ nhân của hắn. Như thế, sau này hắn mới không dám hành sự mà không thông báo”. Người áo tím lại bổ sung thêm: “Cũng có nghĩa là, thực ra phù trợ ai xưng đế không quan trọng, quan trọng là trước khi hành sự hắn phải xin ý chỉ của hoàng thượng. Chỉ khi hoàng thượng đồng ý, hắn mới được phép thực hiện. Nếu hoàng thượng không đồng ý, hắn tuyệt đối không được làm!”. “Cạch” một tiếng, chiếc bút trượt khỏi tay Chiêu Doãn rớt xuống chiếc bàn dài, lăn lông lốc đến tận cuối bàn. Vừa khéo lăn qua mặt tám vị mưu sĩ ngồi ở đó. Ánh mắt tám người lóe sáng, đối với tình huống này rất khó để nói rõ hành động vừa rồi của hoàng thượng là vô tình hay cố ý, trong lòng ai nấy đều thầm cân nhắc. Sau đó bọn họ lại nghe thấy một tiếng thở dài nhẹ nhàng thoát ra từ hai cánh môi cong cong mềm mỏng nhưng ưu mỹ khó tả đó, thánh thượng của bọn họ, cuối cùng đã thu ánh mắt chiếu trên chiếc bút về, nhìn thẳng vào mọi người, chậm rãi mở miệng: “Một lần cuối cùng”. Tám người quay sang nhìn nhau. Chiêu Doãn đứng dậy, dửng dưng lặp lại một lần nữa như đang ra lệnh với bọn họ, lại như đang tự nói với chính mình: “Một lần cuối cùng”. Nói đoạn, rũ áo bỏ đi để lại tám người đang trố mắt nhìn nhau, không hiểu ra sao. Đợi khi Chiêu Doãn bước ra khỏi Bách Ngôn đường, lại qua một lúc lâu, mới có một giọng nói e dè cất lên phá vỡ sự im lặng: “Hoàng thượng nói một lần cuối cùng, là… ý gì?”. Thiếu niên áo xanh lục lạnh lùng nói: “Ta nghĩ, hoàng thượng muốn nói, đây là lần cuối cùng người dung túng Kỳ Úc hầu mà không truy cứu”. Người áo lam nhíu mày: “Cũng có nghĩa là…”. Người áo tím tiếp lời: “Cũng có nghĩa là, lần sau Kỳ Úc hầu tái phạm cũng là lúc hắn bị hủy diệt”. Trong nhà, một cây nến bỗng cháy xèo xèo bùng lên hoa nến, khiến ánh sáng hắt ra sáng bừng trong khoảnh khắc, cũng khiến cho bức hoành phi “Bách Ngôn đường” bằng gỗ mun treo phía trước sảnh hiện rõ vẻ kỳ dị. Mà khi đó, Chiêu Doãn đã đi ra hành lang dài bên ngoài thư phòng, ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng hạ huyền[2] treo trên bầu trời, một chú quạ vừa bay vụt qua, rớt lại hai tiếng kêu “quạ quạ”. [2] Trăng hạ huyền là trăng sau ngày rằm. Điền Cửu theo sát phía sau y, nghe thấy vậy bèn búng ngón tay, chú quạ đen đó kêu lên thảm thiết, rồi từ trên tầng không rơi xuống, cách chân Chiêu Doãn đúng nửa thước. “Tiểu nhân sẽ đi xử lý”. Điền Cửu nhanh như tên chạy lên phía trước, định nhặt con quạ, nhưng Chiêu Doãn bình thản giẫm lên mình con quạ, đi tiếp. Điền Cửu hơi sững lại, hắn ngước mắt thăm dò thái độ của chủ tử, dưới ánh trăng gương mặt xanh xao hơn bình thường đó bởi không cười nên càng có vẻ cao thâm khó đoán. “Hoàng thượng?”. Hắn cẩn thận dè dặt mở miệng. Dưới đêm trăng, ngũ quan Chiêu Doãn được nhuộm ánh bạc nhàn nhạt, đôi mắt đen thẫm, ngoài vẻ tuấn mỹ và tà mỵ ra lại phô bày một vẻ u sầu khó tả thành lời. Y cứ ngẩng đầu như thế, ngước nhìn vầng trăng trên bầu trời, trầm lặng đứng hồi lâu, rồi mới nói sáu chữ: “Trẫm muốn đi thăm Hy Hòa”. Bảo Hoa. Hai chữ đại tự viết bằng Điệp thể[3] khắc trên tấm hoành phi bằng ngọc phỉ thúy, bốn góc còn khảm thêm một viên dạ minh châu lớn bằng mắt rồng, tô điểm cho cánh cửa cao bằng gỗ tử đàn và bậc thang bằng đá cẩm thạch trắng ở phía dưới. [3] Điệp thể: Một thể chữ thư pháp, tạo hình xòe sang hai bên như cánh bướm. Theo cầu thang đi lên, sau bảy tầng hành lang quanh co là tòa nhà tường bằng lưu ly, sàn bằng thủy tinh. Dù đêm đã khuya, nhưng đèn đuốc vẫn sáng trưng, loáng thoáng tiếng tơ tiếng trúc từ đại sảnh vẳng ra, nghe không chân thực chút nào. Chiêu Doãn không đi sang phía đó, mà men theo con đường nhỏ của Bích lâm rẽ ngoặt sang một góc, rồi đi vào hậu viện. So với sự huyên náo ồn ào của tiền viện, hậu viện lại lặng ngắt như tờ. Hai cung nhân ngồi cạnh bậc thềm ở cuối hành lang đang thì thầm to nhỏ, thấy y xuất hiện đều giật thót kinh sợ, toan khom mình hành lễ thì y đã vén bức rèm voan trắng đi vào trong. Ánh trăng hắt qua song cửa sổ đang mở, soi rõ căn phòng tĩnh mịch. Trong ánh trăng tĩnh mịch ấy, một nữ nhân đắp chăn nằm trên giường, mái tóc đen dài giống như thác nước buông xõa bên gối, nàng nhắm mắt, hơi thở đều đều. Chiêu Doãn nhẹ bước qua đó. Ánh trăng rớt trên mặt Hy Hòa, rèm mi và chiếc mũi cao của nàng hắt xuống chiếc bóng lờ mờ, ngũ quan trong lúc say ngủ nhìn bình tĩnh mà hiền hòa. Chiêu Doãn ngồi xuống cạnh giường, nhìn nàng hồi lâu, trong đáy mắt y dường như có thứ gì đó mở ra biến thành sâu thẳm và mềm yếu. Y giơ ngón tay cẩn thận dè chừng khẽ vuốt ve bờ môi nàng. Thế là Hy Hòa nhếch khóe môi nhoẻn cười. Ánh mắt Chiêu Doãn lóe sáng, rồi cũng cười theo nàng. “Đừng làm ồn…”. Hy Hòa hơi nghiêng nghiêng đầu nũng nịu. Chiêu Doãn cúi người xuống hôn nàng, Hy Hòa vừa cười vừa vô ý xua tay, lý nhí nói: “Đừng làm ồn nữa… Tiểu Hồng”. Động tác của Chiêu Doãn bỗng nhiên sững lại. Ánh trăng như lụa. Làn da của mỹ nhân dưới lớp lụa trắng ngần, ngũ quan sáng rõ đẹp đẽ. Đặc biệt giờ khắc này, nụ cười càng tươi rói, cho dù vẫn đang trong mộng chưa tỉnh, nhưng đầu mày khóe mắt đều hàm chứa vẻ quyền rũ khôn tả, dấy lên sự phong lưu vô tận, đẹp đến khuynh quốc khuynh thành. Y cứ giữ tư thế cúi lưng như thế một lúc lâu mới chầm chậm ngồi thẳng dậy. Lại lần nữa nhìn Hy Hòa đang nằm trên giường, ánh mắt đầy băng giá. Hy Hòa dường như ý thức được điều gì, rèm mi rung rung, nàng ta đã tỉnh lại. Thấy y, nàng ta có chút ngạc nhiên lại có chút hoang mang: “Hoàng thượng”, lời còn chưa dứt, Chiêu Doãn đã giang tay, ôm nàng ta thật chặt vào trong lòng. Hy Hòa vô thức giãy ra, Chiêu Doãn khẽ thả lỏng, nhưng vẫn không buông tay ra. Hy Hòa không giãy nữa mà lười biếng hỏi: “Đêm nay không phải là thọ yến của Khương quý nhân sao? Hoàng thượng không ở chỗ quý nhân, mà đến chỗ thiếp làm gì?”. “Trẫm nhớ nàng”. “Hả?”. Hy Hòa nhướn mày, nếu nói là kinh ngạc chẳng thà nói là châm biếm còn hơn. Chiêu Doãn lại vùi đầu vào hõm cổ nàng ta, hít sâu một hơi, lầm rầm như thể nói mơ: “Hy Hòa… Hy Hòa… Hy Hòa của trẫm…”. Làn môi của Hy Hòa khẽ mấp máy, dường như muốn nói điều gì, nhưng cuối cùng vẫn không nói ra. “Nàng có biết lần đầu tiên trẫm thấy nàng là khi nào không?”. Hy Hòa nhếch miệng: “Lẽ nào không phải cái ngày các cung nữ mới tiến cung đến bái kiến Tiết hoàng hậu sao?”. Chiêu Doãn lắc đầu: “Không phải. Trước đó trẫm đã thấy nàng rồi, biết nàng rồi”. Ánh mắt Hy Hòa lóe lên một tia dị sắc, vẻ mặt đột ngột cảnh giác mấy phần. “Đó là tháng ba tiết xuân còn lạnh, nàng ăn mặc rất phong phanh, mũi và bàn tay đều đỏ lên vì giá lạnh ngồi giặt quần áo bên hồ, sau đó nàng lại lấy từ phía sau ra một bình rượu, uống vài ngụm rồi tiếp tục giặt…”. Chiêu Doãn nói đến đây thì thả tay ra, tách mình ra khỏi nàng ta, thấy vẻ mặt Hy Hòa hoang mang, y lại cười cười, đưa tay vuốt mái tóc nàng bằng một thái độ dịu dàng vô song, nói: “Khi đó, nàng quá chú tâm giặt quần áo, hoàn toàn không biết ta vẫn luôn ngồi trong xe ngựa ngắm nàng ở bên đường, bắt đầu từ khi đó, ta đã tự nhủ nhất định phải có được nàng”. Gương mặt Hy hòa bắt đầu biểu lộ vẻ chán ghét. Còn Chiêu Doãn lại không hề giận dữ trước vẻ mặt của nàng, ngược lại còn cười: “Nàng có biết tại sao không?’. Hy Hòa không đáp. Ánh mắt Chiêu Doãn xuyên qua vai nàng nhìn về phía xa, lạnh nhạt nói: “Từ khi trẫm biết ghi nhớ đến nay, cảnh tượng nhìn thấy nhiều nhất chính là hình ảnh mẹ đang giặt quần áo. Bà xuất thân hèn kém, phụ vương nhất thời hứng khởi lâm hạnh bà, cuối cùng quên bà. Những cung nữ như bà đối với bà vừa đố kỵ lại vừa mỉa mai, lũ lượt giậu đổ bìm leo, thường xuyên sai bà đi làm những công việc khổ cực nhất mệt mỏi nhất. Bản tính bà yếu đuối, hết thảy đều phục tùng, mọi người ném quần áo cho bà, bà đều ngoan ngoãn đi giặt. Trời lạnh giá rét, đôi bàn tay bà sưng vù như chiếc bánh bao, nứt toác vô số vết, một giọt nước thấm vào mà đau thấu tận tim gan, để giảm bớt đau đớn bà phải đến trù phòng ăn trộm rượu…”. Hy Hòa nhìn y chằm chằm, lần này nàng ta hoàn toàn sững sờ. Từ khi nàng ta vào cung đến nay, hưởng hết ân sủng, có thể nói là người ở bên Chiêu Doãn nhiều nhất trong hậu cung, nhưng đây là lần đầu tiên nghe thấy Chiêu Doãn kể lại những chuyện thời thơ ấu của mình. Bóng trăng che phủ, khuôn mặt Chiêu Doãn vì thế mà nhìn không rõ, chỉ có đôi mắt vừa sâu thẳm lại vừa sáng rỡ, khi giấu đi nụ cười gian tà thường ngày lại để lộ một vẻ bi thương khôn tả. “Bà uống rượu vào thì trở nên vui vẻ, vừa ca hát vừa giặt quần áo, bà không xinh đẹp nhưng hát rất hay. Mỗi khi ta nghe thấy tiếng hát của bà, ta cũng sẽ quên đi bao nhiêu bất hạnh mà mẹ con ta đã trải qua. Thế nhưng, vì mất quá nhiều rượu nên đám đầu bếp phát hiện ra, bọn họ chửi mắng bà bằng những lời khó nghe nhất thế gian này, dùng đồ đạc ném bà, bà kéo ta chạy trốn thục mạng, ta không biết những đứa trẻ đồng trang lứa bên ngoài cung sống ra sao, nhưng có lẽ, ta của khi đó cũng chẳng khác thằng nhỏ ăn mày đầu đường xó chợ là bao nhiêu”. Hy Hòa thấp giọng nói: “Chẳng trách hoàng thượng thích Cơ Hốt đến thế…”. Chiêu Doãn đảo mắt, nhìn thẳng vào mắt nàng. “Cơ Hốt hát rất hay, không phải vậy sao?”. Chiêu Doãn nhếch môi khẽ cười, lắc đầu nói: “Không… không, không liên quan đến chuyện đó… Cơ, Cơ Hốt nàng ta… không giống. Nàng ta khác các nàng…”. Hy Hòa hừ lạnh một tiếng, lộ vẻ không đồng ý. Chiêu Doãn nắm chặt tay nàng, tiếp tục nói: “Mùa đông năm ta lên chín tuổi đó, có một sáng, mẹ đi giặt quần áo, còn ta ở trong phòng đợi bà, đợi mãi đợi mãi, đợi đến khi trời tối mịt cũng không thấy bà về. Thế là ta ra ngoài tìm, mới phát hiện ra bà bị ngất bên hồ, một nửa thân mình chìm trong nước lạnh giá. Ta nắm tay bà, ra sức lắc, ra sức gọi, nhưng lắc gọi thế nào bà cũng không tỉnh lại. Ta cảm thấy sợ hãi vô cùng, sợ bà cứ như thế mà chết, bỏ ta mà đi. Thỉnh thoảng có cung nữ thái giám đi qua, ta cầu xin họ giúp đỡ, nhưng không ai giúp ta, không một ai. Cuối cùng không còn cách nào khác, ta phải về nhà kiếm một tấm ván gỗ và dây thừng, đẩy mẹ ta lên tấm ván gỗ, rồi lấy dây thừng buộc bà lại cho chắc, kéo từng chút từng chút một về nhà. Khoảng cách từ bờ hồ đến căn nhà nhỏ tổng cộng năm trăm bước chân, ta kéo mất ba tiếng đồng hồ. Không có trăng sáng, chỉ có ánh đèn tù mù hắt từ phía xa xa lại, ta vừa kéo vừa run rẩy, đến khóc cũng không thể khóc lên nổi”. “Bà ấy chết rồi ư?”. Chiêu Doãn chăm chú nhìn sâu vào đôi mắt Hy Hòa, im lặng một lúc lâu, mới trả Iời nàng: “Nếu như nàng nói ngay lúc đó thì bà ấy chưa chết.” Hy Hòa mím môi: “Vậy… sau đó sao?” “Bà ấy nằm liệt giường suốt mười ngày trời mới ra đi.” Hy Hòa “à” một tiếng rồi không nói gì nữa.
|
“Mười ngày đó, không một ai đến thăm bà ấy, đương nhiên, cũng không có ai đến thăm ta. Vầng thái dương nhô cao từng chút từng chút một, rồi lại lặn xuống từng chút từng chút một, chiếc bóng cũng từng chút từng chút một di chuyển men theo khe cửa, rất chậm rất chậm. Ta nhìn những chiếc bóng đó, trong cơn mờ mịt nghĩ rằng tại sao ta lại gặp phải số mệnh như thế, ta là một hoàng tử cơ mà, có thân phận cao quý nhất trên đời, tại sao lại có một tuổi thơ như thế? Tại sao thái tử Thuyên bọn họ có thể muốn gì được nấy, áo gấm cơm ngọc, còn ta đến đưa mẹ mình về nhà cũng không có ai giơ tay ra giúp? Tại sao những phi tử khác bị bệnh là có ngự y đến hầu hạ, còn mẹ ta lại ngắc ngoải hơi tàn trên giường suốt mười ngày, không một ai đến hỏi thăm một câu? Thế gian này tại sao lại bất công đến vậy? Tại sao phải đối xử với ta và bà ấy như thế? Ta… ta…”. Chiêu Doãn từ từ nắm chặt tay, giọng nói trong chốc lát trở nên thật nặng nề: “Ta không cam tâm!”. Hy Hòa im lặng nhìn y với biểu cảm phức tạp, mãi sau mới nói: “Tại sao hoàng thượng phải nói cho thiếp những chuyện này?”. “Tại… sao… ư?”. Chiêu Doãn chậm rãi nhắc lại một lần nữa ba chữ đó, bỗng nụ cười u uất đen tối lại xuất hiện. Trong lòng Hy Hòa thoáng lo sợ, mỗi khi Chiêu Doãn cười như vậy nghĩa là có người sắp gặp xui xẻo. Quả nhiên, câu sau của Chiêu Doãn chính là: “Vài năm sau đó ta biết được tại sao ta lại phải gánh chịu tất cả cảnh ngộ trớ trêu đó, biết được nguyên nhân thực sự vì sao ta phải sống khổ sở như thế, mà nguyên nhân đó thực ra lại vô cùng giản đơn, chỉ có hai chữ – nàng muốn biết không?”. Y đột nhiên kéo cánh tay nàng, khiến cả người nàng bị lôi lại gần sau đó nhả từng chữ một trong khoảng cách gần như gang tấc: “Cơ… Anh”. Hy Hòa run rẩy từng cơn. “Cơ Anh! Là Cơ Anh khiến tuổi thơ của ta bất hạnh như vậy, là Cơ Anh đã cướp đi cuộc đời hạnh phúc đáng nhẽ ta sẽ có! Cho nên, khi ta biết tất cả đầu mối tội lỗi này đều bắt nguồn từ hắn, việc đầu tiên ta làm là sai người giám sát hắn, xem xem con cưng thực sự của ông trời kia sống cuộc đời vinh hoa phú quý khác biệt hoàn toàn với ta như thế nào!”. Chiêu Doãn nói đến đây, mắt bỗng lộ ra vẻ mơ màng, y nhìn nàng đăm đắm, ánh mắt lần nữa lại trở nên bi thương vô tận: “Sau đó, ta… nhìn thấy nàng. Ta nhìn thấy nàng rồi, à không, trẫm nhìn thấy nàng, Hy Hòa. Ngày hôm đó, trẫm đã nhìn thấy nàng”. Vành mắt Hy Hòa đột nhiên đỏ hoe, khàn giọng nói: “Sao Cơ Anh lại có thể có lỗi với hoàng thượng được?”. Chiêu Doãn không trả lời câu hỏi của nàng, nói thẳng toẹt: “Nàng khi đó đã là tình nhân của Cơ Anh, hơn nữa, khi giặt quần áo, nàng lại dùng cách giống như mẹ ta, uống rượu để xua lạnh… Khoảnh khắc đó trẫm cảm thấy vận mệnh bỉ ổi làm sao, cũng đáng thương làm sao. Nó cướp đi của trẫm một người, rồi trả lại cho trẫm một người. Cho nên, mấy ngày sau trẫm tuyên triệu Cơ Tịch vào cung, nói với lão thất phu đó trẫm muốn tình nhân của con trai lão”. Hy Hòa thở hắt ra một hơi lạnh, run rẩy hỏi: “Cho nên, ngày hai mươi chín tháng ba, trong rừng hạnh, Cơ Anh..”. “Ngày hai mươi chín tháng ba, Cơ Anh viết thư hẹn nàng đợi hắn trong rừng hạnh, nhưng mãi mà hắn chẳng xuất hiện. Nàng đợi mãi mà không thấy hắn đến, khi tức giận quay về nhà thì phát hiện cha nàng đã bán nàng cho người khác vì thua bạc. Ngày hôm sau thì nàng vào cung…”. Cả người Hy Hòa bắt đầu run rẩy dữ dội: “Là hoàng thượng sắp đặt… tất cả những việc đó đều do người sắp đặt?”. Chiêu Doãn dán mắt nhìn nàng ta, không hề chớp mắt: “Đúng”. Hy Hòa không chút nghĩ ngợi vung tay, Chiêu Doãn không né tránh, “bốp” một tiếng, trên gương mặt y lằn năm vết ngón tay. “Người! Người… người…”. Hy Hòa chân trần nhảy xuống giường, tức giận đến mức gần như không thở nổi, ôm ngực nói: “Tại sao hoàng thượng phải làm như thế? Tại sao lại phải chia cắt ta và Cơ Anh? Tại sao? Chàng rốt cuộc đã cướp của hoàng thượng thứ gì? Không phải chàng là đại công thần phò trợ hoàng thượng lên ngôi hay sao? Không phải chàng là thần tử mà hoàng thượng tín nhiệm nhất hay sao? Chàng…”. Chiêu Doãn lạnh lùng ngắt lời nàng ta: “Nàng nghĩ xem, hắn vì cái gì mới phò tá trẫm thành tân đế?”. Hy Hòa sững người. “Nàng nghĩ xem, vì cái gì mà Cơ gia không giúp thái tử Thuyên thế lực mạnh nhất, không giúp Tấn vương vốn có danh vọng, không giúp Hoằng vương tài trí hơn người, lại chỉ giúp một kẻ không quyền không thế, xuất thân hàn vi, không chút sở trường như ta?”. Mỗi câu hỏi thốt ra, y lại bước gần Hy Hòa một bước, Hy Hòa bị dồn ép, lùi đến góc tường, cuối cùng không còn chỗ lùi nữa nàng ta thất thanh kêu lên, ngồi thụp xuống đất. Chiêu Doãn từ trên cao nhìn xuống nàng ta như thế, ánh mắt sắc nhọn lạnh lẽo như kiếm như băng, giống như hết thảy mũi nhọn sắc bén trên đời này: “Chính là vì hắn nợ ta! Hy Hòa, Tiểu Hồng của nàng đã thực sự nợ ta quá nhiều quá nhiều, cho nên, ngay cả đền nàng cho ta thì hắn vẫn nợ ta, còn lâu hắn mới trả đủ, mãi mãi không trả đủ”. Là bao nhiêu năm về trước, một ngọn đèn cô lẻ chiếu sáng gian phòng tối tăm, chiếu sáng người đó mặt mày điên cuồng, soi tỏ y đang gào thét – Nợ ta, nợ ta, cả đời này kiếp này hắn đều nợ ta! Đầu Cơ Anh vã mồ hôi lạnh, chàng tỉnh dậy. Tim chàng bỗng nhói đau dữ dội, tựa như bất cứ lúc nào cũng có thể xé rách lồng ngực chui ra, cơ thể lại hoàn toàn bất động, giống như đang chìm trong đầm lầy, không thể nào cựa quậy nổi. Chàng há to miệng, hít vào thở ra thật sâu, nhưng vẫn không cảm nhận được sức mạnh của không khí, chỉ cảm thấy bản thân mình sắp đứt hơi đến nơi. Chính lúc này có người kéo màn sang một bên, rồi một bàn tay ôm chặt lấy cánh tay chàng, một bàn tay khác cầm bình thuốc lạnh ngắt áp lên môi chàng, chất lỏng đắng ngắt rót xuống, không khí dường như cũng theo đó mà tràn vào khoang mũi, cảm giác ngạt thở biến mất trong tích tắc, lúc này chàng mới có thể thả lỏng người. Đập vào mắt chàng là khuôn mặt nhỏ nhắn đang mặt chau mày nhíu của Tiết Thái: “Ngài bị bóng đè rồi”. Cơ Anh thở hổn hển, ánh mắt có chút bải hoải vì cơn đau vừa mới qua đi. Tiết Thái cất bình thuốc, đột nhiên lại quay người, hỏi một câu: “Tiểu Hồng là ai?”. “Hử?”. Cơ Anh hơi sững sờ. Tiết Thái nhìn chàng: “Ban nãy ngài vừa gọi cái tên này”. Cơ Anh liếc nhìn xuống, không tỏ thái độ gì, Tiết Thái lại nói: “Được rồi, không cần nói đâu”. Nói đoạn, hắn tiếp tục bước về phía trước. Khi hắn vén mức màn chắn gió, Cơ Anh lên tiếng: “Đại Thiên thế giới[4], chúng sinh muôn vàn, có thể nói cái tên là đặc chất bẩm sinh. Khi tất cả mọi người cùng dùng một cái tên giống nhau để gọi ngươi, cái tên đó đã trở thành tượng trưng cho ngươi. Nhưng, luôn có một người vô cùng đặc biệt với ngươi, vì thế, cũng sẽ dùng một cái tên khác để gọi ngươi”. Nói đến đây, chàng dừng lại một lát, khóe môi khẽ nhếch lên, nở một nụ cười nhàn nhạt: “Tiểu Hồng chính là cái tên đặc biệt đó của ta”. [4] Viết tắt của “Tam Thiên Đại Thiên thế giới”, là thuật ngữ Phật giáo, thường được hiểu với nghĩa là một thế giới có phạm vi rất rộng lớn. Tiết Thái im lặng nhìn chàng, ánh mắt sáng lấp lánh. Hàng lông mày Cơ Anh chau lại, kế đó lại duỗi ra, dáng điệu mang theo một chút xấu hổ hiếm gặp, càng lúc càng dịu dàng hơn: “Cách xưng hô này có phải rất cổ quái không?”. “Không cổ quái!”. Tiết Thái đáp: “Ngài vốn dĩ thích màu đỏ”. Lần này đến lượt Cơ Anh ngạc nhiên: “Sao ngươi biết?”. Người đời đều biết Kỳ Úc hầu thích màu trắng, đến thánh thượng cũng ban thưởng cho chàng Bạch Trạch. “Trong thọ yến của hữu tướng năm đó, ta hỏi xin ngài chiếc bản chỉ, ngài nhất định không cho. Mà chiếc bản chỉ đó màu đỏ”. Nụ cười của Cơ Anh nhạt dần, gương mặt trong khoảnh khắc đã nhuốm màu bi thương. Nơi sâu thẳm của màng nhĩ bỗng khẽ rung lên, phảng phất như có âm thanh từ phương xa vọng lại, xa xôi như cách cả một đời. Giọng nói đó nói: “Ta gọi chàng là gì nhỉ? Ta á, sẽ không gọi chàng là công tử, như thế nghe xa cách quá; cũng không thể gọi chàng là Cơ Anh, như thế nghe bình thường quá; càng không thể gọi chàng là Cơ lang, như thế nghe khoa trương quá… Ta muốn dùng một cái tên khác tất cả mọi người trên thế gian này để gọi chàng, như thế mới chứng minh được, đối với chàng, ta cũng khác với tất cả mọi người trên thế gian này. Đối với chàng, ta khác với mọi người, đúng không? Tiểu Hồng… của ta”. “A ha, lông mày của chàng chau lại kìa, khóe mắt cũng nheo lại, chàng không thích cái tên này sao? Tại sao thế? Chàng không thích màu đỏ à? Nhưng mà, màu đỏ là màu ta thích nhất. Thích nhất nhất đấy. Ta dùng màu sắc mà ta thích nhất nhất, để gọi chàng – người mà ta thích nhất nhất, nghĩ như thế, chàng sẽ chấp nhận được phải không? Tiểu Hồng… của ta”. “Ta không biết thích một người là cảm giác như thế nào. Nhưng mỗi lần gặp được chàng, trong lòng ta rất ấm áp. Mỗi lần không gặp được chàng, chỉ cần nhớ đến chàng, là ta lại cảm thấy lạnh lẽo biết bao. Quá trình tỉa cây, hái hoa, rao bán vốn khô khan và kéo dài, thế nhưng, nghĩ đến dáng hình của chàng, nghĩ đến những lời chàng đã nói với ta và cả những lời chàng sắp nói, thời gian đã trôi nhanh hơn, vụt cái đã qua. Thần kỳ biết bao, tại sao trong sinh mệnh con người, lại xuất hiện kỳ tích nhường này? Rõ ràng không có gì thay đổi, nhưng chỉ vì có thêm một người, từ đây, ánh dương mỗi ngày đều mới mẻ, không khí mỗi ngày đều thơm hương, những người xa lạ ta gặp đều trở nên thân thiết và dễ nhìn hơn… Chàng có phải tiên nhân trong truyền thuyết, đến để thi triển phép thuật mầu nhiệm với ta hay không? Mà sao lại khiến ta trở nên vui vẻ và hạnh phúc thế này. Tiểu Hồng… của ta”. “Ta thực sự vui vì chàng xuất thân quý tộc, gia thế hiển hách. Ấy, dường như chàng hơi ngạc nhiên, chàng không vui sao? Hãy nghe ta nói hết đi mà. Ta cảm kích biết bao vì ông trời đã thiên vị cho chàng như thế, khiến chàng vừa ra đời đã có được những thứ tốt đẹp nhất thế gian – Được các văn sĩ xuất chúng dạy dỗ, được rèn giũa và hun đúc bởi nền văn hóa thượng lưu tao nhã, giúp chàng có được học thức uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, khiêm nhường cung kính văn nhã độ lượng, chiếm được vị trí cao mà những kẻ phàm phu tục tử vì thiếu điều kiện nên cả đời cũng không thể đuổi kịp. Xuất thân của chàng đã tạo thành chàng của hiện tại, cho nên, bây giờ ta mới có thể gặp được chàng tót vời như thế này, cho nên ta rất vui. Tiểu Hồng… của ta.” “Tiểu Hồng… của ta”. “Tiểu Hồng… của ta”. Giọng nói đó xoay tròn, quẩn quanh, lặp lại. Hết lần này đến lần khác, từng từ từng chữ rõ ràng đến thế, mà biểu cảm trên gương mặt của người nói khi đó, lúc nhíu mày lúc nhoẻn cười, lúc nhướn mi lúc chớp mắt, vẫn rõ ràng như thế. Thế gian này, đau đớn nhất chính là hai chữ “đặc biệt”. Khi ngươi gặp một người đặc biệt, khi những gì người đó nói với ngươi, làm cho ngươi đều hoàn toàn khác những người bình thường khác, thì chắc chắn nàng đã trở thành khắc cốt ghi tâm của ngươi. Đặc biệt là, khi đó, năm đó, còn thơ ngây biết mấy. Cơ Anh trầm ngâm trong giây lát, khoác áo xuống giường, đẩy cửa ra, bên ngoài đêm lạnh như nước. “Ánh trăng này chiếu xuống Trình quốc, cũng chiếu xuống Bích quốc”. Đối diện với câu nói chẳng đầu chẳng cuối của chàng, Tiết Thái không hề tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ lạnh nhạt tiếp lời: “Nhưng dưới ánh trăng của Bích quốc, mới có thứ mà chủ nhân nhớ nhung”. Cơ Anh nghe xong, thái độ lại càng trầm xuống hơn, một lúc lâu sau chàng mới quay người, nhìn thẳng vào mắt Tiết Thái nói: “Có thứ của ta. Phải chăng cũng có thứ của ngươi?”. Tiết Thái cụp mắt, thấp giọng nói: “Nô tài không có thứ gì để nhớ nhung”. Cơ Anh nhìn hắn đăm đăm một lúc, rồi lần nữa ngẩng đầu nhìn vầng trăng hạ huyền trên bầu trời, thầm thì: “Không có cũng tốt. Bởi vì một khi có rồi là không thể cắt đứt nổi. Giống như ta giờ phút này, lại… muốn về nhà đến thế”. Chàng ngừng lại một lát, nhắc lại: “Ta muốn về nhà, Tiểu Thái”. Ánh mắt Tiết Thái lóe lên mấy cái, rồi cũng chìm vào tịch liêu.
|
Hồi thứ mười ba: Cờ đêm
Đi một mạch về phía Tây xuyên qua một dãy tường bao con đường nhỏ vốn được lát đá đã được sửa thành lát gỗ, hai bên còn có tay vịn, dưới ván rỗng không, đi lên đó phát ra âm thanh lộc cộc. Cách một quãng nhất định, ở chỗ tiếp nối của mỗi nhịp tay vịn còn treo một ngọn đèn sáng, những chiếc đèn đó phía dưới là nến, phía trên là tinh dầu, loại dầu đó không biết làm từ gì mà đốt lên lại tỏa ra thứ mùi thơm thoang thoảng. Bấy giờ mưa đêm lất phất, hương thơm thấm phổi, cảnh trí càng làm người ta thư thái, phòng ốc tuy không tinh xảo mỹ lệ, nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi rèm mỗi ghế, mỗi chi tiết đều chất chứa tâm tư ở trong đó. Phía cuối hành lang gỗ là hai gian phòng nhỏ. Từ xa Khương Trầm Ngư đã nghe thấy tiếng động lách cách rất có quy luật, đến gần thì hóa ra là một nữ tử đang ngồi dệt vải. Cửa phòng mở rộng, nữ tử đó đang ngồi trước khung cửi quay lưng lại với khách, chiếc áo bằng vải gai màu xanh nhạt, mái tóc dài đen nhánh buông xõa mềm mại trên áo tựa dòng nước chảy, tựa luồng ánh sáng, khung cảnh rõ ràng là “tĩnh” nhưng lại có cảm giác “động” vô cùng vi diệu. Chỉ nhìn bóng dáng ấy, Khương Trầm Ngư liền khẳng định: Không nghi ngờ gì nữa đó chínhlà Đỗ Quyên. Trong những lời đồn đại đều nói Đỗ Quyên là người xấu xí, không phải là một mỹ nhân. Nhưng nữ tử xuất thân bần hàn lại thêm đôi mắt mù lòa này lại có thể khiến một nam nhân như Vệ Ngọc Hành dám vì nàng ta mà chối từ thiên kim tướng gia, vứt bỏ tiền đồ, ắt phải có điểm đặc biệt. Mà điểm đặc biệt này có lẽ bắt nguồn từ sự tồn tại yên tĩnh mà linh động của Đỗ Quyên. Rõ ràng hai bàn tay và đôi chân của nàng ta đều đang thực hiện động tác dệt vải trên khung cửi nhưng nhìn lại có vẻ trầm tĩnh; rõ ràng có vẻ rất trầm tĩnh nhưng lại khiến người ta cảm thấy mỗi điểm trên cơ thể nàng ta như đang nói chuyện, như đang biểu đạt điều gì. Vẻ vừa mâu thuẫn vừa hài hòa đó dường như tập trung hên người nàng ta một cách rất tự nhiên. Khương Trầm Ngư không kìm được nghĩ, từ nhỏ tới lớn nàng đã gặp nhiều nữ tử, dung mạo tuyệt mỹ như Hy Hòa, hiền thục mẫn tuệ như Tiết Mính, yểu điệu khéo léo như tỉ tỉ, yêu mị như Di Thù… nhưng người như Đỗ Quyên, thì quả thực đây là lần đầu tiên nàng gặp. Nàng đang nghĩ thì tiếng khung cửi ngừng lại, nữ tử đó thong thả đứng dậy, quay người lại, khom lưng thi lễ: “Dân nữ Đỗ Quyên bái kiến hầu gia.” Giang Vãn Y vội đáp: “Xin phu nhân mau đứng dậy.” Dưới ánh đèn gương mặt Đỗ Quyên vô cùng gầy gò, mày nhạt môi mỏng, hai mắt đờ đẫn, không có chút thần sắc nào. So với sự linh hoạt của bóng lưng, khuôn mặt không chút linh lợi này rõ ràng tầm thường biết bao. Lẽ nào ban đầu Tuyên Lưu đau lòng tuyệt vọng là vì thân là thiên kim tướng phủ dung mạo hoa nhường nguyệt thẹn, nhưng cuối cùng lại thua một cô gái mù, mà còn là một cô gái mù xấu xí. Đỗ Quyên nói: “Dì Mai, dọn chỗ. Cũng lấy cho cô nương này một chiếc ghế đi”. Khương Trầm Ngư không kìm được hỏi: “Sao phu nhân biết còn có ta nữa?”. Nàng đã cố ý nhẹ bước, tại sao Đỗ Quyên vẫn có thể biết còn một người thứ ba đang ở đây? Hơn nữa, còn nói toạc ra là một “cô nương”? Đỗ Quyên nhếch môi cười cười: “Ngày nào ta cũng đi trên hành lang gỗ trước cửa hơn chục lần, bốn năm qua mỗi một âm thanh trên ván gỗ ta đều khắc sâu trong tim. Đến bao nhiêu người, là người như thế nào, cao hay thấp, béo hay gầy, ta đều có thể phân biệt đến bảy, tám phần. Nếu như ta đoán không nhầm, cô nương là một mỹ nữ thân hình yểu điệu, cử chỉ đoan trang. Bởi vì, bước chân của cô nương rất khẽ, rất ổn định, rất ngay ngắn, khi bước đi váy áo không phát ra tiếng loạt xoạt, rõ ràng đã được dạy dỗ cực kỳ tốt”. Khương Trầm Ngư chỉ còn nước thán phục. Đỗ Quyên lại tiếp: “Không chỉ như thế, ta còn đoán được cô nương cũng có thân phận cao quý. Bởi theo lý mà nói, nếu người đi cùng hầu gia là người hầu trợ thủ hoặc là đồ đệ thì sẽ phải đi sau ngài. Nhưng cô nương và hầu gia lại sánh vai mà đến, từ đó có thể thấy được địa vị của cô nương chắc chắn không dưới hầu gia, cho nên ta mới sai dì Mai dọn thêm một chỗ ngồi”. Trong lòng Khương Trầm Ngư cả kinh, bấy giờ mới ý thức được vừa nãy mình không chú ý, đúng là đã đi ngang hàng với Giang Vãn Y. Tuy là người mù nhưng khả năng nhận biết lại còn tinh chuẩn hơn cả người mắt sáng, vị Đỗ Quyên phu nhân này quả nhiên không phải người bình thường. Trong lòng nàng bội phục, vội nói: “Phu nhân quá khen rồi, tiểu nữ đâu phải quý nhân gì, chẳng qua chỉ là sư muội của Đông Bích hầu mà thôi, vì từ nhỏ đã được chiều chuộng cho nên thiếu lễ phép, dám đi ngang hàng với huynh ấy. Phu nhân mau mời ngồi, nghe nói phu nhân bệnh đã lâu ngày, sư huynh tiểu nữ đang muốn khám bệnh cho phu nhân đó”. Đỗ Quyên cười nói: “Cũng được. Xin đa tạ hầu gia”. Giang Vãn Y đặt hòm thuốc xuống, Khương Trầm Ngư đứng bên hỗ trợ một cách thành thục, lấy chiếc đệm mềm đặt dưới cổ tay Đỗ Quyên, chuẩn bị xong Giang Vãn Y ngồi xuống ghế, bắt mạch cho Đỗ Quyên một lúc, nét mặt vốn dĩ căng thẳng chăm chú giãn ra, khẽ cười nói: “Phu nhân hơi suy nhược, nhưng cũng không phải là bệnh nặng, chịu khó nghỉ ngơi an dưỡng nhiều hơn thì sẽ không thành vấn đề”. Khương Trầm Ngư hơi bất ngờ, nàng cứ tưởng Vệ Ngọc Hành không cho họ khám bệnh là vì bệnh của vợ hắn có ẩn tình gì, ai ngờ lại không có gì nguy hại. Lẽ nào nàng đã cả nghĩ chăng? Nàng nghe thấy Đỗ Quyên nói: “Vậy thì tốt. Dân nữ vốn dĩ không mắc bệnh nặng, chỉ vì khí hậu Hồi thành ẩm ướt nhiều gió, tuy đã đến đây nhiều năm nhưng vẫn không thể thích nghi được nên thường xuyên mệt mỏi. Có điều, bản tính của dân nữ không chịu nhàn rỗi, một ngày không chăm hoa cắt cỏ là cảm thấy thiếu thiếu gì đó, ngủ không yên…”. Khương Trầm Ngư than: “Tài trồng hoa của phu nhân quả thật hiếm có…”. Đỗ Quyên lập tức quay mặt về phía nàng, đôi đồng tử không có thần sắc cũng nhìn nàng không chớp, cơ hồ mang theo vài phần mong chờ nhiệt thành, nói: “Cô nương thích những bông hoa đó sao?”. “Vâng, vô cùng thích. Đặc biệt là cây lan cánh cúc đó… Không giấu gì phu nhân, gia mẫu thích nhất là loài hoa lan này, trong nhà cũng trồng rất nhiều, nhưng loài lan cánh cúc trong truyền thuyết đó lại luôn là nỗi tiếc nuối trong lòng người, đã tìm rất nhiều năm, nghĩ đủ cách nhưng không thể kiếm được. Vì thế, lúc nãy nhìn thấy loài hoa lan đó trong sân tiểu nữ còn không dám tin vào mắt mình, không ngờ trên đời lại có người trồng được loài kỳ hoa hiếm có đó, hơn nữa còn là một cây hoa hoàn mỹ đến vậy…” Lời của nàng còn chưa dứt, Đỗ Quyên đã nắm lấy tay mà nói: “Vậy tặng cho cô nương đi!”. “Hả?”. Đỗ Quyên nhận ra sự thất thố của mình, liền thu tay lại, cười nói: “Danh hoa tặng mỹ nhân. Có thể nuôi dạy nên một cô con gái như cô nương, lệnh đường hẳn cũng là một nữ tử tuyệt vời, vậy thì, bồn hoa lan cánh cúc đó tặng cho bà ấy cũng coi như là danh kiếm gặp anh hùng, tôn thêm vẻ sáng rỡ cho nhau”. “Không không không, sao có thể làm thế được”. Khương Trầm Ngư không ngờ vị Đỗ Quyên phu nhân này lại hào sảng đến vậy, cũng không ngờ nàng ta lại đem loài hoa trân quý nhất thiên hạ này tặng cho người khách lần đầu gặp mặt, tuy trong lòng nàng rất muốn, nhưng vẫn phải chối từ: “Quân tử không đoạt thứ người khác yêu thích, phu nhân đã tốn biết bao tâm huyết tinh lực cho bồn hoa đó, sao tiểu nữ có thể vô duyên vô cớ nhận lễ hậu đến vậy của phu nhân? Tuyệt đối không thể…”. Đỗ Quyên lại giơ tay nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng. Nàng ta dùng đôi bàn tay đầy vết chai do lao động nhiều năm của mình vuốt ve đôi bàn tay da dẻ trơn láng tựa ngọc, khẽ thổi là rách của Khương Trầm Ngư, trên mặt hiện lên vẻ cảm khái: “Lễ hậu hay bạc chẳng qua chỉ là do mắt nhìn của người ngoài. Không biết vì sao, vừa nghe thấy tiếng của cô nương là ta đã thấy thích cô nương, luôn cảm thấy có duyên với cô nương, cho nên, đối với ta mà nói, tặng món quà như thế nào cho người mình thấy có duyên đều không phải là lễ hậu. Nếu như cô nương cố chấp không nhận chẳng phải là đã coi thường ta, cho rằng thân phận ta thấp hèn, không xứng tặng quà cho cô nương sao?”. Khương Trầm Ngư thấy những lời này quá nghiêm trọng, không khỏi có chút hoảng hốt, lúc này Giang Vãn Y mới đứng ra giải vây, nói: “Sư muội, muội nhận đi. Nếu cảm thấy áy náy trong lòng thì hãy tìm một món quà để tặng lại phu nhân là được rồi”. Trong lòng Khương Trầm Ngư thầm cười khổ, câu này nói nghe thật nhẹ nhàng, nhưng trong thời gian ngắn, nàng đi đâu để tìm được quà tặng đáp lễ đây? Hơn nữa, món quà có giá trị ngang với loài hoa vừa quý hiếm vừa mỏng manh đó đâu dễ tìm thế chứ. Đỗ Quyên vỗ nhè nhẹ vào mu bàn tay nàng, dịu dàng nói: “Hầu gia nói không sai, thực ra bây giờ cô nương có thể giúp ta làm một việc”. Khương Trầm Ngư vội nói: “Xin phu nhân sai bảo”. Đỗ Quyên nhẹ nhàng gọi dì Mai, dì Mai hiểu ý quay người bước vào trong nhà, không lâu sau bưng ra một thứ. Khương Trầm Ngư nheo mắt nhìn, thì ra là một bàn cờ. Dì Mai đặt bàn cờ trên bàn, Đỗ Quyên nói: “Ngoài trồng hoa và dệt vải, thực ra ta còn rất thích đánh cờ. Nhưng vì mắt kém nên khi đánh cờ thường chậm hơn người bình thường rất nhiều, vì thế Ngọc Hành cảm thấy thiếu kiên nhẫn khi chơi cờ cùng ta. Mà đám người hầu trong phủ đều không biết chơi cờ, người ngoài thì ta không tiện gặp, kể từ khi đến Hồi thành, đã bốn năm ta chưa hề chơi cờ. Nếu cô nương thực sự muốn cảm tạ ta đã tặng cô nương bồn hoa đó, vậy thì cô nương có thể cùng ta chơi một ván không? Ta nghe đám người hầu nói, cô nương là người chơi cờ giỏi nhất trong đoàn sứ thần, còn từng thắng cả Nghi vương”. Khương Trầm Ngư xấu hổ, quả nhiên con người ta không nên quá phô trương, ban đầu nàng vì cứu Hách Dịch mà cố ý đánh cờ suốt đêm với chàng trên thuyền, chẳng ngờ lại lưu truyền đến tận tai của phu nhân thành chủ Hồi thành. Nhưng đánh cờ cũng chẳng phải là việc khó khăn gì, người ta đã chịu tặng hoa, thì chút yêu cầu mọn này sao có thể thoái thác? “Thế thì tiểu nữ xin được múa rìu qua mắt thợ vậy”. Khương Trầm Ngư ngồi xuống đối diện bàn cờ. Đỗ Quyên quay sang nói với Giang Vãn Y: “Hầu gia có mệt không? Nếu hầu gia cảm thấy mệt, xin mời về phòng nghỉ ngơi trước. Bởi dân nữ đánh cờ rất chậm, tuy chỉ một ván thôi, nhưng không chừng đến sáng cũng chưa đánh xong đâu”. Giang Vãn Y vẫn chưa trả lời, Khương Trầm Ngư đã cười đáp: “Sư huynh không biết gì về kỳ nghệ, nếu ở lại đây, đối với huynh ấy quả là sự giày vò”. Giang Vãn Y ngại ngùng cười nói: “Từ nhỏ ngu độn, gặp phải những chuyện phải động não tính toán là cảm thấy đau đầu. Cho nên, xin lượng thứ ta không thể phụng bồi”. “Vậy cũng được. Dì Mai, tiễn hầu gia về”. Dì Mai tiễn Giang Vãn Y đi rồi, Khương Trầm Ngư nhìn bàn cờ, lại nhìn những quân cờ trong chiếc bát, đang nghĩ xem phải đánh cờ với một người mù như thế nào thì Đỗ Quyên lên tiếng: “Mắt ta bất tiện, nên phiền cô nương giúp đặt quân cờ”. “Phu nhân nói gì vậy, đó là điều nên làm mà”. “Vậy, nếu không ngại, để ta đi trước được chứ?” “Đương nhiên là được”. “Được, vậy nước đầu tiên chính là…”. Đỗ Quyên hít sâu một hơi, chậm rãi nói: “Thiên Nguyên”. Khương Trầm bất giác kinh ngạc. Giang Vãn Y cùng với dì Mai ra khỏi Tây viện, một trận gió to đột nhiên thổi tới, chiếc ô giấy trong tay bỗng gẫy hai nan, trong phút chốc mưa xối xả trút xuống, chỉ nháy mắt đã làm ướt đẫm áo quần. “Mưa to quá”. Hắn than. “Đúng vậy”. Dì Mai đứng đằng sau khe khẽ nói: “Trận mưa tối nay, không tạnh được đâu…”. Giang Vãn Y nghe giọng điệu lạ lùng của dì Mai, vô thức quay đầu lại nhìn, đúng lúc một tia chớp xé rạch màn đêm, khiến gương mặt bà ta trở nên xanh tối, đường nét vốn hiền lành cũng bị bóng tối làm méo mó biến dạng. “Ngươi…”. Giang Vãn Y không thể nói hết câu, gáy đột nhiên bị đánh mạnh, hắn liền ngất lăn ra đất.
|