Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 119
Khi các khu ngoại ô bị cháy, các bồn dầu, các cột dây thép và các biển quảng cáo đã lùi xa và khuất hẳn, nhường chỗ cho những cảnh khác xuất hiện, như các cánh rừng, các quả núi nhỏ có con dường rộng lát đá chạy ngoằn ngoèo lúc ẩn lúc hiện, thì Samdeviatov nói:
- Ta trở về chỗ ngồi thôi. Tôi sắp xuống ga rồi. Ông bà cũng vậy. Chỉ sau tôi một ga thôi. Cẩn thận kẻo đi quá đấy.
- Ông thông thuộc vùng này quá nhỉ?
- Rành hơn cả thổ công, trong khoảng chu vi một trăm dặm. Tôi là luật gia mà. Tôi đã hành nghề hai chục năm. Bao nhiêu vụ kiện cáo, chỗ nào tôi chả đến.
- Bây giờ cũng thế?
- Chứ sao.
- Bây giờ thì còn kiện cáo xét xử được nhỉ?
- Bất cứ gì ông muốn. Những hợp đồng cũ còn dang dở, Các vụ tiền nong và cam kết chưa được thực hiện, công việc cứ gọi là ngập đầu, đến sợ.
- Chẳng lẽ những vụ việc kiểu đó chưa bị xoá bỏ hay sao?
- Về phương diện tên gọi, thì dĩ nhiên đã bị xoá bỏ. Nhưng trên thực tế, lại vẫn cần đến những việc xung khắc nhau trong cùng một thời điểm. Nào là quốc hữu hoá các xí nghiệm, nào là bảo đảm phương tiện chuyên chở, cụ thể là xe ngựa, cho Hội đồng kinh tế quốc dân của tỉnh. Trong khi đó, tất cả mọi người đều muốn sống cả. Những nét đặc thù của thời kỳ quá độ, khi lý luận chưa đi đôi với thực tế. Đây chính là lúc cần đến những người hiểu nhanh, tháo vát, có bản lĩnh, như chúng tôi chẳng hạn. Phúc thay cho kẻ nào được hưởng cái cảnh sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Tuy đôi khi cũng chết dở như cha tôi thường nói. Một nửa tỉnh này phải sống dựa vào tôi. Thỉnh thoảng tôi sẽ đến Varykino thăm quý vị, về việc cung cấp gỗ, củi. Bằng xe ngựa, tất nhiên. Con ngựa của tôi đang bị què. Nếu nó lành lặn, chẳng đời nào tôi chịu ngồi xe lưa để bị nhồi lên nhồi xuống, lộn cả ruột gan! Ông xem, nó bò ì ạch như rùa thế này mà gọi là xe lửa à! Khi nào đến Varykino, tôi sẽ có thể giúp ích gia đình ông bà. Cái gia đình lão quản lý Miculisyn của ông bà, tôi chẳng lạ gì.
- Ông có biết tại sao chúng tôi về đây và dự định làm gì không?
- Cũng sơ sơ thôi. Tôi đoán được, tôi biết. Mối quyến luyến muôn thuở của con người với đất đai. Niềm mơ ước được sống bằng hai bàn tay của mình.
- Thế mà xem chừng ông lại phản đối thì phải? Ông có nhận xét gì?
- Mơ mộng ngây thơ, mộng hưởng thú điền viên. Nhưng cũng chả sao. Cầu Chúa phù hộ ông bà, riêng tôi, tôi không tin. Cái mộng ấy là không tưởng, viển vông, thô thiển.
- Liệu lão Mikulisyn sẽ đón tiếp chúng tôi ra sao?
- Lão ta sẽ không cho quý vị bước qua ngưỡng cửa nhà lão, lão sẽ lấy lá dắt tay quý vị ra ngoài, và lão có lý! Lão đang chết dở, có đến ngàn lẻ một chuyện rối rắm, các nhà máy không hoạt động, thợ thuyền bỏ đi tứ tán, lão chả có phương tiện để sinh sống, giữa lúc đó thì quý vị lại kéo đến. Chà, vui ơi là vui! Chỉ còn thiếu mỗi quý vị nữa thôi. Giá lão có giết quý vị, tôi cũng chả trách lão.
- Đó ông thấy chưa, ông là một tay bolsevich, song chính ông cũng không phủ nhận rằng như thế này thì chẳng phải là sống nữa, mà là một cái gì chưa ừng thấy, một cơn ác mộng, một sự phi lý.
- Dĩ nhiên nhưng đó lại là một tất yếu lịch sử. Phải trải qua nó mới được.
- Sao lại là một tất yếu?
- Bác sĩ là con nít hay giả vờ ngây thơ? Ông từ cung trăng rơi xuống à? Bọn tham ăn và lười biếng đè đầu cười cổ những người lao động nghèo đói, hành hạ họ đến chết, cái cảnh ấy phải tồn tại mãi hay sao? Rồi còn các hình thức sỉ nhục và áp bức khác? Lẽ nào ông không nhận ra, rằng nhân dân nổi giận, muốn được hưởng một cuộc sống công bằng, muốn tìm kiếm chân lý, đó là đòi hỏi chính đáng và hợp pháp của họ? Hay ông tưởng rằng một sự phá vỡ tận gốc có thể đạt được ở các viện Duma, bằng con đường nghị viện, rằng có thể không cần đến chuyên chính?
- Chúng ta đang nói về những điều khác nhau, và giá có tranh cãi hàng trăm năm thì cũng chả thống nhất ý kiến với nhau được. Dạo trước, tôi cũng có tinh thần ủng hộ cách mạng lắm, nhưng bây giờ tôi cho rằng sẽ không thể dùng bạo lực mà giành được kết quả tốt đẹp. Phải dùng điều thiện lôi cuốn người ta tới cái thiện. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Ta hãy trở lại chuyện Mikulisyn. Nếu lão ta định đối xử với chúng tôi như vậy thì chúng tôi còn đến đó làm gì nữa? Chúng tôi phải quay về Moskva thôi.
Vô lý chưa. Thứ nhất, chả lẽ trên đời này chỉ có một nhà Miculisyn? Thứ hai, Miculisyn là người tốt bụng ghê gớm, tốt bụng đến mức tội lỗi. Lão sẽ làm ồn lên tí chút, sẽ ca cẩm vài câu rồi đấu dịu ngay. Lão sẽ cởi chiếc áo lót và chia mẩu bánh cuối cùng của lão cho ông bà.
Rồi Samdeviatov kể tiếp.
|
Chương 120
Hai mươi nhăm năm về trước, khi đang là sinh viên Học viện Kỹ nghệ ở Petersburg, Miculisyn đã bị đưa quản thúc ở Yuratin. Về đây được ít lâu, Miculisyn kiếm được chân quản lý cho cụ Cruyghe và cưới vợ. Thuở đó, ở đây có bốn chị em nhà Tunsev, - đông hơn trong vở kịch của Sekhov một người, - là Agripina, Evdokia, Galia và Seraphima. Dân ở đây dùng thứ tự chị em để gọi họ là cô Hai, cô Ba, cô Tư, cô út. Miculisyn đã kết hôn với cô Hai.
Sau đó ít lâu, vợ chồng Miculisyn đẻ con trai. Vì tôn thờ tư tưởng tự do, người cha ngốc ngếch ấy bèn đặt cho con một cái tên ít gặp là Leveri, nôm na là Lipca. Lipca lớn lên thành một cậu bé hết sức tinh quái, tỏ ra có những năng khiếu khác thường. Chiến tranh bùng nổ. Thằng nhỏ mới mười lăm tuổi đã sửa giấy khai sinh và trốn nhà, tình nguyện ra mặt trận. Cô Hai, mẹ cậu, vốn hay đau yếu, không chịu nổi chuyện buồn phiền ấy, đã ngã bệnh để không bao giờ ngồi dậy nữa, và đã qua đời mùa đông năm kia, ngay trước cuộc cách mạng.
Chiến tranh kết thúc, Lipa trở về. Cậu đã trở thành một người như thế nào? Thưa, một vị thiếu uý anh hùng, được gắn ba tấm huân chương, được giới thiệu rùm beng là một đại biểu bolsevich ngoài mặt trận. Bác sĩ có nghe nói đến "Anh em ở Rờ" bao giờ chưa?
- Xin lỗi, chưa được nghe.
- Nếu vậy, có kể cũng chả thấy hay. Có nhìn ra cái xa kia ông cũng chả thú gì. Nó lừng danh ở diểm nào? Hiện nay thì nó nổi tiếng nhờ du kích quân. Du kích quân là gì? Lực lượng nòng cốt của cuộc nội chiến của cuộc chiến, bao gồm hai thành phần. Tổ chức chính trị nắm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng; và số binh lính xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, sau khi nước Nga bại trận, số anh em này không chịu tuân lệnh chính quyền cũ. Đó hai cái đó liên kết lại thành quân du kích. Thành phần của nó rất da dạng. Phần đông là trung nông. Nhưng bên cạnh đó cũng đủ hạng người. Nào cố nông, nào tu sĩ, nào con em kulak cầm súng chống lại cha ông họ. Nào những tên vô chính phủ có lý luận hẳn hoi, nào những gã khố rách áo ôm không có thẻ căn cước. Nào những anh chàng đần độn đã quá tuổi lấy vợ mà vẫn ế, bị đuổi khỏi trường trung học vì dốt nát và quá tuổi . Rồi cả những tù binh vốn là lính Đức, lính áo, được hứa hẹn trả lại tự do và cho về quê hương. Và một trong những đơn vị của cái quân đội nhân dân đông đảo mang tên "Anh em ở Rờ" ấy được đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lennyc, hay Lipca, Liveri, con trai của Miculisyn Stapanovich Aveckia, thì cũng thế.
- Ông bảo sao?
- Bảo cái điều bác sĩ vừa nghe đó. Nhưng để tôi kể tiếp. Sau khi vợ chết, Miculisyn tục huyền. Người vợ kế tên là Elena Proslovna, một cô nữ sinh trung học đúng là vừa rời ghế nhà trường thì được đưa ra xe dâu. Vốn đã ngây thơ một cách tự nhiên, cô nàng còn cố tình làm bộ ngây thơ hơn, vốn đã trẻ, còn giả bộ trẻ hơn. Cô nàng cứ làm bộ uốn a uốn éo, ríu ra ríu rít ngây thơ hồn nhiên, ngớ nga ngớ ngẩn, nhí nha nhí nhảnh như thế. Hễ gặp ai cũng bắt đầu sát hạch người ta: "Tướng Suvorop sinh năm nào?", "Hãy kể các trường hợp đồng dạng của hình tam giác". Và nếu bắt bí hoặc nói móc được người ta, là cô nàng hoan hỉ ra mặt. Nhưng chỉ vài giờ nữa bác sĩ sẽ gặp cô nàng và sẽ biết tôi tả có đúng hay không thôi.
Ông chồng lại có những điểm yếu riêng của lão: cái píp và những câu nói theo kiểu chính thống giáo. Lẽ ra lão phải là một nhà hàng hải, hồi ở trường Kỹ nghệ, lão đã học ngành đóng tàu. Điều này vẫn còn thấy rõ qua vẻ ngoài và các thói quen của lão. Lão cạo mặt rất cẩn thận, suốt ngày cái píp không bao giờ rời miệng, lão nói qua kẽ răng một cách từ tốn, lịch sự. Hàm dưới nhô ra vì luôn luôn ngậm pip, cặp mắt xám lạnh ồ suýt nữa tôi quên mất chi hết này: Lão là đảng viên Đảng Ese, được khu bầu vào Hội nghị Lập hiến.
- Điều đó rất quan trọng. Nghĩa là, hai cha con ông ta là đối thủ chính trị, thù địch với nhau à?
- Trên danh nghĩa, hẳn thế. Còn trên thực tế, thì "Anh em ở Rờ" không đánh nhau với Varykino. Nhưng để tôi kể tiếp cho mà nghe. Ba cô em vợ trước của Miculisyn hiện vẫn ở Yuratin. Cả ba đều là gái già. Thời thế thay đổi, các cô gái cũng đổi thay.
Cô Ba, tức Evdokia, làm thủ thư của thư viện thành phố. Một cô gái xinh xắn, da ngăm ngăm, e thẹn hết chỗ nói. Động một tí, mặt cô đã thẹn đỏ như gấc. Phòng đọc sách cứ yên ắng như trong nhà mồ. Cô Ba mắc chứng sổ mũi kinh niên, khi nổi cơn thì cô hắt hơi có đến hai chục cái liền, cô xấu hổ chỉ muốn độn thổ cho rồi. Nhưng biết làm thế nào? Bệnh thần kinh mà.
Cô Tư, tức Galia, là phúc lành của bốn chị em nàng. Một cô gái cực kỳ sôi nổi, khéo chân khéo tay một cách thần tình. Cô không nề hà bất cứ việc gì. Ai cũng phải công nhận rằng Lipca, hay Lexnyc, vị chỉ huy du kích quân, giống bà dì ấy của mình. Vừa thấy cô Tư làm thợ may trong xưởng may hay xưởng làm bít-tất, thế mà thoáng một cái đã thấy cô làm thợ hớt tóc rồi. Bác sĩ có để ý trên ga xe lửa Razvilie ở chỗ bẻ ghi, có mụ đàn bà cứ dứ dứ nắm đấm và lè lưỡi doạ chúng ta không? Lúc ấy tôi nghĩ thầm: ô kìa, cô Galia lại chuyển sang bẻ ghi đường sắt rồi kìa? Nhưng có lẽ không phải cô Galia, vì Galia phải trẻ hơn nhiều.
Cô út Seraphima, là nỗi khổ tâm của gia đình. Cô này là một trí thức học rộng, uyên bác. Cô học triết, thích thơ ca. Trong mấy năm cách mạng, dưới ảnh hưởng của không khí hào hứng của các cuộc biểu tình trên đường phố và các bài diễn thuyết ở các quảng trường, cô đâm ra ương bướng, mắc cái bệnh điên mê tín ngưỡng. Mấy bà chị đi làm, nhốt cô vào trong phòng, khoá trái cửa lại, nhưng cô mở phắt cửa sổ, vọt ra đường, múa may ngoài phố, khi đám đông tự tập lại xem, thì cô rao giảng rằng Đấng cứu thế đã trở lại và ngày tận thế đã đến. Nhưng thôi, tôi ba hoa mãi, sắp tới ga rồi. Tôi xuống ga này. Bác sĩ sẽ xuống ga sau. Chuẩn bị đi là vừa.
Lúc Samdeviatov đã xuống tàu. Tonia nói:
- Em không biết anh nghĩ sao, chứ theo ý em, thì đúng là số mình rất hên mới gặp được người này. Em cảm thấy ông ta sẽ đóng một vai trò hữu ích trong cuộc sống của gia đình nhà mình.
- Rất có thể, em ạ. Nhưng anh chả vui khi người ta nhận ra em vì em giống ông em, khi người ta vẫn nhớ ông em rõ thế. Ngay như Samdeviatov vừa nghe anh nhắc đến Varykino, đã buông ra những lời cay độc: "Varykino, các nhà máy của Cruyghe. Tình cờ đồng chí có phải là bà con thân thích hay người kế nghiệp của Cruyghe không đấy?". Anh sợ rằng chúng ta chạy đến đây là để sống mai danh ẩn tích, nhưng hoá ra sẽ bị lộ liễu hơn cả ở Moskva mất thôi. Dĩ nhiên, bây giờ đã đâm lao thì phải theo lao. Song tốt nhất là không xuất đầu lộ diện, mà nên náu mình kín đáo hơn. Nhìn chung, anh có những dự cảm chẳng lành. Thôi, ta đánh thức ba và Niusa dậy, sửa soạn hành lý để còn xuống tàu là vừa.
|
Chương 121
Đứng trên sân ga Torfianaia. Tonia cứ đếm đi đếm lại số người trong gia đình và số hành lý mang theo, xem có quên gì trên toa nữa không. Rõ ràng nàng cảm thấy dưới chân mình lớp cát của sân ga, mà vẫn canh cánh nỗi lo nhỡ ga và tai vẫn nghe tiếng tàu chạy xình xịch, mặc dù đoàn tàu đang đứng bất động rành rành trước mắt nàng. Điều đó khiến nàng khó bề tỉnh táo trong việc nghe, nhìn và suy nghL các hành khách còn đi tiếp đang đứng trên toa nói lời từ biệt với nàng, nhưng nàng không để ý đến họ. Nàng cũng chẳng để ý đến cái đoàn tàu rời ga lúc nào, chỉ phát hiện nó đã biến đi, sau khi nàng nhìn thấy cánh đồng xanh rì và bầu trời xanh biếc lộ ra ở phía bên kia đường tàu trống.
Toà nhà ga xây bằng dá. Có hai chiếc ghế dài kê ở hai bên lối ra vào. Gia đình bác sĩ Zhivago là số hàng khách duy nhất xuống ga này. Họ đặt hành lý và ngồi xuống một trong hai hai chiếc ghế dài vừa nói.
Họ ngạc nhiên trước cảnh vắng vẻ, yên tĩnh, sạch sẽ của nhà ga, không thấy cảnh đông đúc, cãi cọ ồn ào xung quanh mình. Cuộc sống ở chốn hẻo lánh này như bị tụt lại, không theo kịp bước tiến chung của lịch sử. Còn mệt nó mới bắt kịp tình trạng rồ dại của thủ đô.
Nhà ga ẩn mình trong một cánh rừng bạch dương, khi tàu chạy vào ga, trong toa tối hẳn lại. Bây giờ, trên tay và trên mặt người, trên lớp cát vàng sạch sẽ của sân ga, trên mặt đất và trên mái nhà cứ chờn vờn những cái bóng của các ngọn cây đang dua trong gió nhẹ. Tiếng chim hót vang trong rừng hoà hợp với không khí tươi mát của rừng. Những âm thanh trong lành hoàn toàn trong lành, tràn ngập và thấm đượm khắp rừng. Có hai con đường, đường xe lửa và dường bộ, chạy qua rừng. Các cành cây rủ xuống la đà cả hai bên đường cứ như các cánh tay áo dài quét đất của rừng.
Đột nhiên mắt và tai của Tonia trở lại bình thường, mọi thứ ập đến với cảm thức của nàng cùng một lúc. Tiếng hót líu lo của bầy chim, sự thanh khiết của cánh rừng vắng vẻ, sự bình yện của cánh vật xung quanh. Trong óc nàng đã sắp sẵn câu hỏi với chồng: "Em không ngờ rằng chúng mình sẽ đến được nơi ấy bình an vô sự. Hắn ta, cái gã Strelnikov của anh ấy, hắn giả bộ độ lượng cao cả, thả anh ra, nhưng hắn lại đánh điện đến ga này chỉ thị cho họ bắt giữ cả nhà mình lại, khi nhà mình xuống ga này. Anh ơi, em chả tin vào sự cao quý của bọn chúng. Tất cả chuyện đó chỉ là thứ tử tế ngoài mặt". Nhưng thay vì nói như thế, nàng lại thốt lên: "Tuyệt vời!" trước khung cảnh kỳ diệu bao quanh. Rồi nàng không thể nói nên lời. Nước mắt trào ra. Nàng khóc oà lên.
Nghe tiếng khóc nức nở, viên xếp ga từ trong nhà ga bước ra. Đấy là một ông già người thấp nhỏ, dáng đi nhanh nhẹ.
Ông già bước vội tới bên chiếc ghế dài, đưa tay lên riềm chiếc mũi lưỡi chai chóp đỏ để chào gia đình Zhivago và hỏi:
- Có lẽ tiểu thư đây cần vài giọt thuốc an thần chăng? Tủ thuốc của ga chúng tôi có loại đó.
Giáo sư Gromeko trả lời:
- Cảm ơn ông. Chuyện vặt thôi, không sao đâu.
- Đó là những nỗi lo lắng, vất vả trong cuộc hành trình. Thường thường ai cũng vậy cả. Lại thêm trời nóng như ở châu Phi, hiếm thấy ở miền này. Đã thế, lại còn các biến cố của Yuratin nữa.
- Chúng tôi có thấy các đám cháy lúc tàu chạy ngang qua thành phố ấy.
- Nếu tôi không lầm, chắc gia đình ông từ nước Nga tới.
- Từ trung tâm của nó.
- Từ Moskva? Thế thì chả lạ gì khi tiểu thư đây xúc động mạnh. Nghe đồn Moskva thành bình địa rồi phải không?.
- Họ phóng đại đấy? Nhưng đúng là cũng xảy ra lắm chuyện. Đây là con gái tôi, anh này là còn rể tôi. Cháu bé kia là con của hai vợ chồng nó. Còn đây là Niusa, người giúp việc trông nom cháu bé.
- Kính chào. Kính chảo cả nhà. Rất hân hạnh. Tôi cũng được báo trước vài điều. Ông Samdeviatov có điện thoại cho tôi từ ga Sacma, bảo bác sĩ Zhivago đưa gia đình từ Moskva tới đề nghị tôi tìm cách giúp đỡ. Vậy bác sĩ Zhivago chính là ông phải không?
- Không, bác sĩ Zhivago là con rể tôi, đây anh này, còn tôi làm ngành khác, tôi là nhà nông học, giáo sư Gromeko.
- Xin lỗi, tôi nhầm. Rất hân hạnh được làm quen.
- Vậy ra, theo lời ông nói, ông cũng biết luật sư Samdeviatov à?
- Ai mà chẳng biết con người kỳ diệu ấy. Niềm hy vọng của chúng tôi, người nuôi sống chúng tôi đấy. Không có ông ấy khéo bọn chúng tôi ở đây chết ngáp từ lâu rồi. Đúng. Ông ấy bảo tôi hãy hết lòng giúp đỡ gia đình bác sĩ . Tôi trả lời, xin lĩnh ý. Tôi đã hứa với ông ấy. Vậy nếu gia đình cần xe ngựa hay bất cứ phương tiện gì khác, tôi xin lo liệu. Nhà ta định về đâu ạ?
- Chúng tôi về Varykino. Nơi ấy có xa đây không ông?
- Đi Varykino à? Hèn nào từ nãy tôi cứ nghĩ mãi chưa biết con gái ông giống ai như đúc. Bây giờ nhắc đến Varykino thì tôi hiểu ra rồi. Thì chính tôi với cụ Cruyghe đã xây dựng cái đường sắt này mà lại. Bây giờ để tôi lo liệu xe cộ cho gia đình. Ê, Donat! Donat! Trong khi chờ đợi, bác hãy mang hành lý của các vị đây vào phòng đợi nhé! Còn ngựa thì sao nhỉ? Này, bác hãy chạy ra quán nước hỏi xem có được không. Hình như sáng nay thấy lão Văc luẩn quẩn ở đây thì phải. Hỏi xem lão ta còn ở đây không. Bảo lão chở bốn người khách đi Varykino, hành lý kể như chẳng có gì đáng kể. Khách xa đến. Thôi, bác chạy quàng lên đi. Còn thưa tiểu thư, tôi xin lấy tư cách một người cha để khuyên tiểu thư một điều. Tôi cố ý không hỏi tiểu thư có quan hệ họ hàng thế nào với cụ Cruyghe, nhưng xin tiểu thư cứ thận trọng hơn về điểm ấy. Chớ nên thổ lộ với tất cả mọi người. Thời buổi này, chắc tiểu thư cũng hiểu…
Nghe nhắc đến cái tên Văc, ba người mới đến kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau. Họ vẫn nhớ những cây chuyện bà Anna Ivanovna kể về anh thợ rèn kỳ dị đã rèn cho mình một bộ ruột bằng sắt không thể hư, và những câu chuyện lạ lùng khó tin khác về địa phương này.
|
Chương 122
Con ngựa chở họ là một con ngựa cái màu trắng vừa mới đẻ con. Xà ích là một ông già tai to, tóc bờm xờm, bạc như cước. Mọi thứ lão ta mang trên người đều màu trắng vì nhiều lý do khác nhau. Đôi dép mới của lão chưa kịp xỉn lại vì ít được dùng đến, còn quần áo của lão thì đã mất màu, bạc phếch vì dầu dãi với thời gian.
Con ngựa non mình đen như than, cái đầu nhỏ lông xoăn xoăn, giống như một con ngựa gỗ làm đồ chơi, bộ vó nhỏ nhoi còn run lẩy bẩy, lon ton chạy theo ngựa mẹ.
Mấy người khách ngồi ở hai bên thành xe phải bám chặt lấy mép xe để khỏi bị hất xuống, vì đường rất xóc. Lòng họ thanh thản mơ ước của họ đang thành hiện thực, họ đang tiến gần tới đích của cuộc hành trình. Buổi hoàng hôn của một ngày đẹp trời cứ trải rộng cảnh huy hoàng một cách thong thả, như dùng dằng nửa ở nửa đi.
Con đường hết chạy qua rừng, lại băng qua bãi trống. Trong rừng, mỗi khi bánh xe vấp phải rễ cây, khách trên xe lại ngã chúi vào nhau và cau mày nhăn nhó, khom lưng lại. Ở chỗ bãi trống, nơi không gian như hân hoan ngả mũ đón chào, họ lại ngồi thẳng người lên và họ nguậy đầu cho thoải mái.
Vùng này nhiều đồi núi. Bao giờ cũng thế, đồi núi có diện mại và bộ mặt riêng của chúng. Chúng nổi lên như những cái bóng đen sẫm khổng lồ và ngạo nghễ, lặng lẽ dò xét khách qua đường. Ánh hồng êm dịu rọi theo họ băng qua cánh đồng trống khiến họ yên tâm và hy vọng.
Mọi thứ đều khiến họ thích thú và ngạc nhiên, nhất là những lời lẽ huyên thuyên bất tận của ông già xà ích hơi kỳ quặc này. Lời nói của lão còn mang dấu vết của thứ tiếng Nga cổ xưa nay đă không ai dùng nữa, những cách diễn tả của dân Tacta và các phương ngữ, pha trộn với những chữ tối nghĩa do chính lão đặt ra.
Mỗi khi chú ngựa non tụt lại đằng sau, con ngựa mẹ đều dừng lại để chờ. Chú ngựa non bắt kịp mẹ bằng các bước nhảy duyên dáng, chờn vờn như sóng. Nó vụng về xích bốn chân lại gần nhau, mon men đến sát hông xe, thò cái cổ dài với cái đầu nhỏ xíu xuống dưới gọng xe để bú mẹ.
- Em vẫn không sao hiểu được, - Tonia nói to với chồng.
Nàng phải dằn từng tiếng, để lỡ lúc xe xóc bất ngờ, khỏi cắn phải lưỡi mình.
- Chẳng lẽ kia chính là lão Văc mà mẹ vẫn kể ngày trước. Bao nhiêu phi lý ấy mà, anh nhớ chứ? Chuyện anh chàng thợ rèn bị lòi ruột trong một cuộc ẩu đả, đã tự chế ra bộ ruột khác thay vào. Tóm lại, anh chàng thợ rèn Văc Ruột Sắt ấy em hiểu rằng đó chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng chẳng lẽ chuyện kể về chính ông già này ư?
- Dĩ nhiên là không. Thứ nhất, chính em vừa bảo đó là chuyện cổ tích, chuyện dân gian. Thứ hai, cái chuyện dân gian ấy như mẹ nói hôm kể lại, đã xảy ra trước cả thời mẹ hàng trăm năm rồi. Nhưng đừng nói to lên thế! Ông lão nghe thấy sẽ tức mình - Ông lão chả nghe thấy đâu. Nghễnh ngãng lắm rồi. Mà có nghe thấy chắc gì đã hiểu. Lẫn cẫn rồi.
- Ê cái thằng ngựa khỉ này! - chả hiểu tại sao lão xà ích lại gọi con ngựa là thằng, khi đét roi vào mông nó, - vì chính lão hiểu hơn ai hết, rằng đó là con ngựa cái. - Nực cái chi như nực cạnh vạc dầu thế ni! Y như rằng là đám tử tôn của Abraham quanh hoả lò dân Ba Tư dậy. Quỷ Thần ơi, mỗ bảo mi đấy, thằng khỉ ạ!
Đột nhiên lão cao hứng xướng lên mấy câu ca dao do thợ thuyền vùng này đặt ra ngày xưa.
Ai ơi chớ ở mỏ này,
Đường thì lầm bui, suốt ngày chẳng ngơi
Bánh kia chủ chẳng cho xơi
Uống toàn nước suối cầm hơi đục ngầu.
Đục ngầu bởi nước vịt bơi.
Vịt ơi vịt hỡi, thêm sầu lòng em.
|
Sầu đâu tại rượu tại nem.
Sầu vì chàng phải một phen lên đường.
Em ơi, anh chả ngại ngùng.
Anh đâu ngu muội như phường xấu xa.
Anh đi lên tỉnh Sibia
Tìm nơi ở đợ đặng mà nương thân.
Ê coong ngựa trời đánh thánh dật này! Bà coong ngó giùm tôi coi, cái coong nghẽo chết tiệt ni! Mình quất nó, nó hất mình! Bao giờ mi mới chịu chạy hả? Cái rừng tai ga rù sao mà đi mãi chẳng tận. Sức mạnh nhâng dâng trong nớ, anh em bưng biền trong nớ. Ê, thằng ngựa khỉ, mi lại đứng chết gí đó rồi!
Bỗng lão quay người nhìn Tonia chằm chằm và nói:
- Nè cô, cô tưởng lão hông biết tông tích nhà cô đấy hả lão ngó chừng cô chất phác quá, cô ơi. Đất sẽ nuốt lão, nếu lão hông nhận ra cô! Lão thừa biết, thừa biết! Lão ngờ hai hòn bi của lão nhắm chệch, chớ đích thị cụ cố Cruyghe đây rồi! (Lão xà ích gọi đôi mắt là hai hòn bi, Cruyghe là Grigô). Cô là cháu cụ cố phải không? Tuồng như lão hổng có biết Grigô là ai? Lão đã hầu hạ cụ cố cùn cả đời, rụng cả răng, đã làm đủ nghề ở nớ, nào dưới mỏ, nào lăn trục, nào coi ngựa. Ê, chạy đi chứ, mi lại đứng rồi, thằng nghẽo. Quân khỉ Tàu, mỗ bảo mi đó, mi nghe thủng chưa hả? Cô vừa hỏi có phải là anh chàng thợ rèn Văc hay không? Cô có hòn bi to, cô làm mẹ rồi mà ngớ ngẩn quá chừng. Anh chàng Văc của cô họ của hắn là Postanogov. Postanogov Ruột Sắt. Hắn ngủ với giun năm mươi năm có lẻ rồi. Còn họ của lão là Mêhônôsin kia. Lão trùng tên với hắn. Đừng có mà nhầm.
Dần dần, bằng lối nói riêng của mình kiểu đó, ông lão kể cho mấy người khách nghe tất cả những gì Samdeviatov đã nói về gia đình Miculisyn. Lão gọi bà vợ hiện tại của Miculisyn là bà Hai, còn người vợ trước, đã quá cố, là "thiên thần", "thiên thần trắng", dịu ngọt như mật ong. Khi kể đến vị chỉ huy du kích Lipca và được biết, rằng danh tiếng Lipca chưa lan đến Moskva, rằng ở kinh đô dân chúng chả nghe nói gì đến "Anh em ở Rờ", thì ông lão cho đó là điều không thể tin nổi.
- Hông nghe, hông nghe nói chi về đồng chí Lesnyc ư? Quân khỉ Tàu, nếu dậy, dân Moskva có tai để làm chi?
Trời bắt đầu nhập nhoạng, khách trên xe thấy bóng mình chạy đằng trước họ, cứ mỗi lúc một ngả dài thêm. Con đường đang dẫn qua một khoảng trống vắng tanh, trơ trụi. Đây đó rải rác vài bụi cây tân lê, cúc gai hoặc cây liễu diệp lá hẹp, có các chùm hoa đâm ra từ các thân cây khẳng khiu nhô cao. Anh chiều tà từ dưới thấp chiếu hắt lên, nới rộng chu vi cái bóng cây ấy khiến chúng giống như những gã lính cưỡi ngựa đứng bất động canh giữ cánh đồng.
Rất xa phía trước, cánh đồng chấm dứt ở chân một dãy đồi Dãy đồi ấy đứng sững, chặn ngang con đường như một bức tường mà bên dưới có thể có một cái khe hoặc một dòng sông. Tựa hồ bầu trời ở đó bị vây bọc bởi một thành luỹ và con đường này đưa tới cổng của thành luỹ ấy.
Trên đỉnh dốc, họ thấy có một ngôi nhà màu trắng, trên tầng, chạy dài.
- Cô có thấy cái tháp canh trên đỉnh non kia hông? - lão Văc hỏi. - Nhà Miculisyn ở chỗ nớ. Còn bên dưới có một cái khe. Sutma là tên người ta gọi nó.
Hai tiếng súng kế tiếp nổi vang trên đồi, vang vọng đi rất xa, lúc to lúc nhỏ.
- Gì thế hả cụ? Có phải du kích họ bắn không? Họ không nhằm bắn chúng cháu đấy chứ?
- Dớ dẩn. Du kích du kiếc gì đâu. Đấy là Miculisyn bắn doạ con chó sói dưới khe Sutma đó.
|