Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 128
"Chúng tôi cứ đọc đi đọc lại "Evgenhi-Oneghin" và các bản trường ca. Hôm qua Samdeviatov tới, mang theo nhiều quà tặng. Chúng tôi vừa ngồi uống trà, ăn bánh ngọt, vừa đàm đạo bất tận về nghệ thuật.
Từ bao lâu nay, tôi vẫn quan niệm rằng nghệ thuật không phải là tên gọi của một loại hình hay một lĩnh vực bao gồm hằng hà sa số các khái niệm và các hiện tượng được phân nhánh tỉ mỉ. Trái lại, nghệ thuật là một cái gì rất thu hẹp, rất tập trung, biểu thị cái khởi nguyên nằm trong thành phần của tác phẩm nghệ thuật, nó là tên gọi của cái sức mạnh được vận dụng hoặc của cái chân lý được khai thác trong tác phẩm ấy.
Và tôi không bao giờ cảm thấy nghệ thuật là đối tượng hoặc một phương diện của hình thức; mà đúng ra nó là cái bộ phận bí ẩn và ẩn tàng của nội dung. Tôi thấy điều đó rõ như ban ngày, tôi cảm nhận điều đó bằng hết thảy các thớ thịt đường gân trong con người tôi, nhưng biết diễn tả hoặc phát biểu tư tưởng ấy như thế nào nhỉ?
Các tác phẩm nói bằng nhiều cách: bằng các đề tài, bằng các hoàn cảnh, các cốt truyện, các nhân vật. Nhưng trên tất cả, nó hấp dẫn ta bởi sự hiện diện của nghệ thuật chứa đựng trong tác phẩm. Sự hiện diện của nghệ thuật trên các trang "Tội ác và trừng phạt" khiến ta xúc động nhiều hơn là tội ác của Rasconhikov.
Nghệ thuật thời cổ sơ, nghệ thuật Ai Cập, nghệ thuật Hy Lạp, nghệ thuật thời nay tuy trải qua bao ngàn năm, song chắc chắn vẫn là một và vẫn vậy thôi. Đó là một tư tưởng nào đó, một sự khẳng định nào đó về cuộc sống, - sự khẳng định này có tầm khái quát khá rộng nên không thể chia nhỏ thành các từ ngữ riêng biệt, và khi một nguyên tử của sức mạnh ấy đi vào thành phần của một hỗn hợp phức tạp hơn, thì cái phần tử nghệ thuật ấy sẽ có ý nghĩa nặng hơn hết thảy phần còn lại và nó là thực chất, là linh hồn nền tảng của những gì được miêu tả
|
Chương 129
"Tôi bị cảm lạnh, ho và có lẽ kèm theo sốt nóng thể nhẹ. Suốt ngày cứ như có một cục gì vương vưởng lan lên cổ họng, mắc kẹt ở đó, khiến tôi nghẹn thở. Gay go rồi. Đó là động mạch chủ. Những triệu chứng đầu tiên của bệnh đau tim mà bà mẹ tội nghiệp của tôi đã di truyền đến tôi. Có, thật vậy chăng? Sao sớm thế nhỉ? Nếu đúng vậy, thì tôi sẽ chẳng được sống lâu trên cõi đời này.
Có mùi khen khét trong phòng, mùi vải đang được ủi. Ai đó đang ui đồ, chốc chốc lại cời một cục than nóng đỏ ra khỏi lò sưởi, gắp bỏ vào bàn ủi và đậy nắp bàn ủi lại nghe lạch cạch như tiếng hai hàm răng va vào nhau. Điều này gợi nhớ một cái gì đó nhưng tôi chưa nhớ ra được. Hiện tượng dễ quên này chắc do tôi đang bệnh.
May thay, Samdeviatov mang xà bông, dầu hôi tới, cả nhà liền tiến hành giặt giũ toàn bộ quần áo và đồ lót giường.
Bé Xasa không người coi sóc suốt hai ngày ấy. Khi tôi ngồi viết nó chui vào gầm bàn, ngồi lên cái then ngang nối giữa hai chân bàn và bắt chước Samdeviatov mỗi lần tới đều cho nó ra ngồi xe trượt tuyết, nó làm như đang chở tôi trên xe.
Khi nào khỏi bệnh, tôi cần lên thành phố đọc vài cuốn sách về lịch sử và dân tộc học ở miền này. Người ta quả quyết rằng ở đấy có một thư viện tuyệt diệu nhờ mấy đợt quyên góp lớn lập nên. Tôi thèm viết. Phải khẩn trương mới được. Thấm thoát sắp sang xuân rồi. Lúc ấy chả còn bụng dạ nào để đọc sách và viết lách.
Bệnh đau đầu mỗi ngày một tăng. Tôi ngủ không ngon. Tôi mơ một giấc mơ phí lý, một trong những giấc mơ bị quên ngay khi tỉnh dậy. Tôi quên diễn biến giấc mơ, chỉ còn nhớ cái nguyên nhân khiến mình tỉnh dậy. Đó là tiếng nói của một người phụ nữ mà tôi đã nghe thấy trong mơ và tiếng vang vọng của nó. Tôi nhớ rõ giọng nói ấy và tái hiện nó trong ký ức tôi điểm lại trong óc những phụ nữ quen biết, mong tìm ra trong số họ ai là người có giọng nói trầm nặng, dịu dàng và ướt át ấy. Không thấy ai cả. Tôi nghĩ có lẽ mình đã quá quen với Tonia nên điều đó làm giảm thính giác của tôi đối với nàng chăng. Tôi thử quên nàng là vợ và đẩy lui hình ảnh của nàng tới một khoảng cách đủ xa để làm sáng tỏ sự thật. Không, đó vẫn không phải là giọng nói của nàng. Vậy là vẫn chưa xác định được giọng nói kia là của ai.
Nhân tiện nói về mộng mị. Mọi người vẫn cho rằng ban đêm ta thường mơ thấy những gì gây ấn tượng mạnh nhất lúc ban ngày, lúc ta tỉnh. Riêng tôi nhận thấy hoàn toàn ngược lại.
Nhiều lần tôi để ý rằng chính những cái ta ít để ý ban ngày, những tư tưởng chưa được suy ngẫm đến cùng, những lời nói chơi và thoảng qua, thì đêm đến sẽ trở lại, hiện ra nguyên hình và trở thành đầu đề của các giấc mơ, như để trả mối hận đã bị ta coi thường chúng lúc ban ngày".
|
Chương 130
"Đêm trong sáng và băng giá. Vạn vật hiện ra trọn vẹn và rực rỡ khác thường. Đất, trời, trăng, sao, được băng giá kết dính lại với nhau. Những bóng cây in rõ nét, như được cắt gọt và lồi lên, trên những con đường đôi trong hoa viên. Luôn luôn có cảm giác tựa hồ những bóng đen nào đó cứ đi cắt ngang con đường ở các chỗ khác nhau. Những ngôi sao lớn treo lơ lửng giữa các cành cây trong cánh rừng như những chiếc đèn bằng mi-ca xanh. Cả bầu trời chi chít những ngôi sao nhỏ, như đồng cỏ mùa hè đầy các bông cúc điểm nhặt.
Tối tối, chúng tôi tiếp tục trò chuyện về Puskin. Chúng tôi phân tích những bài Puskin làm hồi còn học trường lítsê, in trong tập đầu. Biết bao điều lệ thuộc vào việc lựa chọn cách luật của thơ!. Khi Puskin viết những câu thơ dài, thì giới hạn đua tranh của chàng thi sĩ trẻ tuổi là Thi xã Arzamat (1), chàng muốn không thua kém các bậc đàn anh, muốn lừa phỉnh ông bác ruột (2) bằng các điển tích thần thoại, bằng giọng văn hoa mĩ, bằng cách giả bộ hư hỏng và ham mê chủ nghĩa khoái lạc, bằng cách vờ ra vẻ ta đây thạo đời từ sớm.
Nhưng vừa thoát ly khỏi sự bắt chước Osian hoặc Pacni, hoặc từ sau bài "Những hồi ức ở Hoàng Thôn", chàng thi sĩ non trẻ lập tức dùng các câu thơ ngắn trong "Tỉnh Lỵ" hoặc "Thư gửi em gái tôi", hay bài "Gửi lọ mực của tôi" viết ở Kishinev sau đó ít lâu, hoặc dùng các nhịp điệu trong "Thư gửi Yudin", thì toàn bộ nhà thơ Puskin tương lai đã thức dậy trong chàng thiếu niên này.
Ánh sáng và không khí, tiếng ồn ào của cuộc sống, các sự vật các thực thể từ bên ngoài ùa vào thơ chàng như ùa vào một căn phòng vừa mở cửa sổ. Các sự vật của thế giới bên ngoài, các vật dụng sinh hoạt, các danh từ cứ chen lấn xô đấy nhau giành giật các dòng thơ, loại bỏ đi những từ loại kém chính xác định hơn. Đồ vật, sự vật, luôn luôn chỉ thấy các vật thể xếp hàng thành từng cột hoà vận ở rìa bài thơ.
Hệt như các loại thơ bốn âm tiết ấy của Puskin, sau này trở nên lừng danh, là một thứ đơn vị đo lường của cuộc sống Nga, một thứ thước đo cuộc sống được rút ra từ toàn bộ đời sống nước Nga, giống như người ta vẫn vẽ khuôn bàn chân để đóng giầy hoặc gọi con số để lựa bao tay cho vừa kích thước.
Tương tự như vậy, sau đó các nhịp điệu của nước Nga biết nói, giọng trầm bổng của tiếng Nga thường nhật đã được thể hiện trong các độ dài ngắn bởi các tiết tấu nhịp ba của thơ
Nekrasov (1) và bởi nhịp thơ đăctin của ông".
Chú thích:(1) Thi xã Arzamat: nhóm thi sỹ ở Petersburg những năm 1815 - 1818, chống thói bắt chước chủ nghĩa cổ điển, bảo vệ chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn.
(2) Ngụ ý Vaxili Lvovich Puskin (1770 - 1830), nhà thơ Nga là bác ruột của nhà thơ A. S. Puskin vĩ đại. V. L. Puskin tham gia Thi xã Acdamat, viết trường ca, thơ ngụ ngôn và trào phúng.
(3) N. A. Nekrasov (1821 - 1877). Nhà thơ nhân dân Nga có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển văn học Nga thế kỷ 19.
|
Chương 131
"Ngoài phận sự làm ruộng hay chữa bệnh, tôi còn muốn thai nghén một cái gì lớn lao, lưu lại dấu ấn, muốn viết một công tnnh khoa học hay một tác phẩm nghệ thuật.
Sinh ra đời, mỗi người đều là một Phaostơ để ôm lấy hết thảy cảm nhận hết thảy, diễn tả hết thảy mọi điều. Biến Phaostơ thành một học giả. ấy là lỗi lầm của những người sống trước cùng thời với Phaostơ. Bước tiến trong khoa học được thực hiện theo luật xô đẩy, bắt đầu từ việc bác bỏ những lầm lẫn, những lý thuyết sai lầm đang ngự trị.
Phaostơ trở thành nghệ sĩ là do các tấm gương dễ lây lan của các ông thầy. Bước tiến trong nghệ thuật được thực hiện theo luật hấp dẫn, bắt đầu từ việc bắt chước, theo đuôi và tôn thờ các bậc tiền bối mà mình ưa thích.
Vậy cái gì đang cản trở tôi làm phận sự, chữa bệnh và viết? Tôi nghĩ, không phải là những thiếu thốn, những sự lang thang trôi giạt, không phải là sự bấp bênh cùng những thay đổi thường xuyên, mà là tinh thần của câu nói huênh hoang đang rất phổ biến, đang ngự trì thời nay, ấy là câu nói kiểu: bình minh của tương lai, xây dựng thế giới mới, đuốc sáng của nhân loại. Thoạt nghe, ta có cảm tưởng: phong phú thay, trí tưởng tượng rộng lớn thay? Nhưng thực ra thì ta thấy nó huênh hoang chính vì nó thiếu tài năng.
Chỉ cái bình thường mới là kỳ tích khi được bàn tay của thiên tài chạm đến. Puskin là bài học hay nhất về mặt đó. Thế mới là ca tụng lao động trung thực, ca fụng nghĩa vụ và các tập quán thường ngày chứ! Bây giờ chúng ta nghe mấy tiếng "tiểu thị dân, tiểu tư sản thành thị" đầy hàm ý chê trách, sự chê trách ấy đã được cảnh báo rằng các câu thơ trong bài "Gia hệ".
"Tôi là tiểu thị dân, tôi là tiểu thị dân" và trong bài "Cuộc du ngoạn của Oneghin":
Giờ đây lý tưởng của tôi
Được làm nội trợ thảnh thơi ở nhà
Ước ao sống cảnh bình hoà
Có tô canh ngọt thật là vừa môi.
Trong tất cả những cái gì là Nga, hiện nay tôi thích nhất cái chất trẻ con của Puskin và Sekhov, cái tính vô lo e ấp của họ đối với những thứ đao to búa lớn, như cái mục đích tối hậu của nhân loại và sự cứu rỗi chính họ. Tất cả những chuyện ấy, hai ông thừa hiểu, nhưng họ chẳng hơi đâu nghĩ đến những điều huênh hoang đó, - họ chẳng hoài hơi và cũng không có phận sự đề cập! Gogol, Tolstoy, Dostoievsky sẵn sàng chào đón cái chết, họ băn khoăn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, rút ra kết luận, song cho đến phút cuối cùng họ đều bị cuốn hút vào bao nhiêu chuyện riêng tư vụn vặt hàng ngày của cái nghiệp nghệ sĩ, và trong chuỗi dài liên tiếp các sự việc ấy, họ không để ý mình đã sống trọn một cuộc đời, cũng rất riêng tư và chả động chạm đến ai kia; và bây giờ, cái sự riêng tư vụn vặt ấy hoá ra là sự nghiệp chung và, giống như các trái táo ương ương hái trên cây, nó đang được kế thừa, mỗi ngày một thêm ngọt ngào và ý vị.
|
Chương 132
"Những dấu hiệu đầu tiên báo tin xuân về. Tuyết tan. Khi trời thoang thoảng mùi bánh nướng và mùi rượu vôtca, như trong ngày thứ ba ăn mặn trước Lễ Tro, khi mà chính cuốn lịch dường như cũng muốn chơi chữ mặt trời ngái ngủ, hấp háy con mắt ướt nhèm ở trong rừng, cánh rừng cũng ngái ngủ chớp chớp đôi hàng mi nhọn như kim, những vũng nước buổi trưa cứ anh ánh như có bôi mỡ. Thiên nhiên ngáp dài, vươn vai, trở mình rồi lại ngủ thiếp đi.
Ở chương thứ bảy của tác phẩm "Evgenhi-Oneghin" có tả cảnh mùa xuân, toà dinh thự vắng tanh sau khi Oneghin ra đi ngôi mộ Lenski ở dưới chân đồi, bên bờ suối.
Suốt đêm vang tiếng hoạ mi
Chàng tình nhân của mỗi kỳ xuân sang
Tầm xuân xanh biếc mơ màng
Nở bên dòng suối cũng đang dậy thì.Tại sao lại gọi hoạ mi là chàng tình nhân của mùa xuân? Nhìn chung, cái định ngữ nghệ thuật ấy là tự nhiên và hợp chỗ. Quả là tình nhân. Hơn nữa, nghe nó rất hoà vần với "tầm xuân". Nhưng liệu con "Hoạ mi đạo tặc" trong các bài tráng sĩ ca có ảnh hưởng gì tới đây không nhỉ?
Trong tráng sĩ ca, hoạ mi bị gọi là "hoạ mi dạo tặc", con trai của Odieman. Có những câu thơ rất hay về nó!
Phải, vì tiếng hót hoạ mi
Tiếng gầm dã thú đến kỳ động dong
Cỏ kia nằm rạp rối bung.
Hoa kia rớt cánh ngàn bông cũ rời.
Rừng sâu phủ phục nơi nơi
Bao người ngã gục lìa đời còn đâu.Chúng tôi đến Varykino khi trời vừa sang xuân. Chẳng mấy chốc cây cối đều xanh tươi trở lại, nhất là ở khe núi Sutma dưới chân khu nhà của Miculisyn - đầy anh đào, cây trăn, phỉ tứ. Mấy đêm sau thì hoạ mi bắt đầu hót.
Và một lần nữa, hệt như tôi mới nghe hoạ mi hót lần đầu tiên trong đời, tôi lại kinh ngạc thấy nhạc điệu này vượt trội tiếng hót của mọi loài chim khác: thiên nhiên nhảy vọt, khỏi cần chuyển đoạn từ từ, tới giọng láy phong phú và vô song ấy. Đa dạng biết mấy trong sự thay đổi các nét lướt và mạnh mẽ biết mấy cái âm thanh trong trẻo, vang vọng rất xa kia!
Tuôcghênhep đãmiêu tả trong tác phâm nào đó các tiếng lướt láy ấy tiếng sáo của sơn thần, tiếng ríu nt líu lo. Đặc biệt nổi lên hai nhạc cú nói tiếp nhau. Đầu tiên là "Chiốc! chiốc! chiốc" nghe dồn dập, khát khao và lộng lẫy lúc thì nhịp ba, đôi khi kéo dài liên tiếp không đếm xuể, đáp lại nhạc cú này, các bụi cây đẫm sương run rẩy như được mơn trớn, động đậy lá cành để phô sắc đẹp. Tiếng đó là nhạc cú thứ hai chia thành hai nhịp rõ rệt "osnhit! osnhit!", nghe như lời kêu gọi, thấm thía, nài rủ, khẩn khoản và khích lệ "Dậy đi! Dậy đi!"
|