Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 133
"Mùa xuân. Chúng tôi đang chuẩn bị công việc vườn tược Không bụng dạ nghĩ đến nhật ký. Mặc dù tôi vẫn thích viết nhật ký. Đành phải gác việc này đến mùa đông vậy.
Mới đây, lần này thì đúng vàơ ngày thứ ba trước Lễ Tro, giữa lúc đường sá lầy lội, có một người nông dân bị bệnh đi xe trượt tuyết đến nhà tôi, bất chấp nỗi vất vả dọc đường. Dĩ nhiên là tôi từ chối việc chữa bệnh. "Xin lỗi bác, tôi đã bỏ nghề lâu rồi, chẳng có thuốc men dụng cụ gì hết thì chữa bệnh làm sao được". Nhưng đâu dễ thoái thác dễ dàng như thế. "Xin ông cứu giúp, da tôi cứ bị tróc đi. Bác sĩ hãy thương tôi. Bệnh tật khổ lắm".
Biết làm sao được? Trái tim không phải là sắt đá. Phải khám cho bác ta vậy. "Bác cởi áo ra". Tôi xem xét. "Bác bị bệnh lao da". Vừa khám, tôi vừa liếc mắt ra cửa sổ, nhìn chai Phenol (Lạy Chúa, xin đừng hỏi, tôi đào đâu ra chai thuốc ấy và một số thứ tối cần thiết khác! Tất cả đều là nhờ Samdeviatov). Tôi thấy ngoài sân mới thêm một chiếc xe nữa, tôi tự nhủ: lại một bệnh nhân! Nhưng không, đấy là chú em Epgrap của tôi đến bất thình lình như từ trên mây đáp xuống sân nhà tôi. Trong chốc lát, cả nhà tranh nhau kéo tay, rúu áo Epgrap: nào Tonia, nào bé Xasa, nào cha vợ tôi. Rồi khi xong việc, tôi cũng lại họp mặt với họ. Cả một trận mưa câu hỏi: "Làm sao chú biết mà đến đây chú từ đâu tới?" Vẫn như hồi trước, Epgrap chỉ mỉm cười, nhún vai, tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi, thật là kỳ diệu và bí ẩn.
Epgrap ở lại chơi gần hai tuần lễ, thường lên thành phố Yuratin. Rồi chú bất ngờ biến mất như có phù phép. Trong thời gian chú ở chơi với gia đình tôi, tôi đã kịp nhận thấy chú ấy còn có thế lực hơn cả Samdeviatov, nhưng chú làm gì và quen biết ai thì khó biết hơn. Chú từ đâu tới? Nhờ đâu chú có thế lực lớn? Chú đang làm gì? Trước khi biến đi, chú có hứa sẽ lo liệu cho việc làm ăn sinh sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn, để Tonia có thời giờ chăm sóc bé Xasa, còn tôi được rảnh rỗi mà chuyên tâm vào y học vào văn chương. Chúng tôi tò mò hỏi chú định giúp bằng cách gì, thì chú chỉ im lặng mỉm cười.
Nhưng chú không đánh lừa đâu. Có một vài dấu hiệu chứng tỏ điều kiện sinh sống của gia đình tôi chắc chắn sẽ thay đổi.
Kỳ lạ thật. Đấy là chú em cùng cha khác mẹ của tôi. Chú với tôi mang chung một họ. Song thú thực, tôi lại biết về chú ít hơn về tất cả những người khác.
Đây là lần thứ hai Epgrap bước vào cuộc đời tôi như một quý nhân phò trợ, một cứu tinh giải thoát mọi khó khăn. Có lẽ trong tiểu sử mỗi người, bên cạnh các nhân vât chính tham gia, còn phải có một mãnh lực vô tri, bí ẩn, một nhân vật gần như mang tính chất tượng trưng, sẵn sàng hiện ra giúp đỡ mà không cần mời gọi, và chú em Epgrap của tôi đang giữ cái vai trò "ông Thiện" bí mật ấy chăng?"
Tới đây chấm dứt nhật ký của bác sĩ Zhivago. Từ đó, chàng không viết tiếp nữa.
|
Chương 134
Trong phòng đọc sách của thư viện thành phố Yuratin, bác sĩ Zhivago đang xem lướt qua những cuốn sách chàng vừa mượn. Phòng đọc đủ chỗ cho cả trăm độc giả, có vô số cửa sổ.
Các dãy bàn dài và hẹp chạy suốt đến tận các cửa sổ. Thư viện đóng cửa vào lúc chập tối. Về mùa xuân, buổi tối thành phố không thắp đèn đường. Tuy nhiên, Zhivago cũng chả bao giờ ngồi lỳ đọc sách hoặc kề cà ở thành phố muộn hơn giờ ăn chiều. Chàng gửi con ngựa mà Miculisyn cho mượn, tại quán trọ của Samdeviatov, đọc sách cả buổi sáng, rồi khoảng giữa trưa thì cưỡi ngựa trở vể Varykino.
Hồi chưa đến thư viện đọc sách, Zhivago hiếm khi lên Yuratin. Chàng chẳng có việc gì đặc biệt ở đây cả. Chàng biết rất ít về thành phố này. Nên khi trước mắt chàng, phòng đọc sách đông dần người thì ngồi gần chàng, kẻ ngồi xa, chàng cảm thấy như mình đang làm quen với thành phố, đang đứng ở một trong những ngã tư đông đúc của nó, và tựa hồ không phải là các độc giả Yura- tin, mà chính là các căn nhà và đường phố của họ đang tụ tập ở đây.
Tuy nhiên qua các khung cửa sổ, cũng có thể lấy thành phố Yuratin đích thực, chính cống, chứ không phải trong tưởng tượng. Cạnh chiếc cửa sổ ở giữa phòng, cửa sổ lớn nhất, có đặt một thùng nước đã đun sôi. Những độc giả nghỉ giải lao thường ra ngoài cầu thang hút thuốc, hoặc đứng quanh thùng uống nước, rồi sau khi đổ nước thừa vào một cái bô, họ tụ tập bên cửa sổ ngắm nhìn cảnh thành phố.
Độc giả có hai loại: những độc giả lâu năm thuộc thành phần trí thức ở địa phương, chiếm đa số, và hhững người bình dân.
Loại thứ nhất, phần đông là phụ nữ, ăn mặc xuềnh xoàng, không để ý săn sóc diện mạo bề ngoài, mặt mày tiều tuỵ, hốc hác xám bủng vì nhiều nguyên nhân - vì đói, vì bệnh hoàng đản, vì phù thũng. Họ là các độc giả thường xuyên của phòng đọc họ quen thân với các nhân viên thư viện và cảm thấy ở đây thoải mái như ở nhà mình.
Những người bình dân mặt mũi tươi tỉnh, khỏe mạnh, ăn mặc chỉnh tề như đi dự hội, họ bước vào phòng đọc với dáng điệu lúng tứng, rụt rè như bước vào nhà thờ, họ xuất hiện ồn ào hơn lẽ thường, chẳng phải vì họ không biết nội quy, mà vì họ muốn bước vào thật lặng lẽ, song lại chưa biết làm chủ những bước chân và giọng nói mạnh mẽ của họ.
Ở bức tường đối diện với các cửa sổ có một cái khám. Trong đó kê một cái bục cao, ngăn cách với toàn bộ phần còn lại của phòng đọc. Đấy là nơi làm việc của các nhân viên phòng đọc, viên thủ thư và hai nữ phụ tá của ông ta. Một trong hai phụ tá ấy mặt mày cau có, quàng chiếc khăn len, cứ luôn tay hết nhấc ra lại đeo vào cái kính kẹp mũi, hẳn không phải vì nhu cầu nhìn ngó, mà là tuỳ thuộc vào sự thay đổi tâm trạng luôn xoành xoạch của mình. Cô thứ hai mặc áo sơ mi lụa đen, chắc chắn bị bệnh đau ngực, và hầu như lúc nào cũng áp chiếc khăn tay vào miệng và mũi, nói và thở đều qua chiếc khăn.
Cũng như loại độc giả thứ nhất, ba nhân viên thư viện cũng mang những bộ mặt chảy dài, phì phị, cũng nước da màu đất xam xám, nhèo nhẽo, màu dưa leo muối mốc meo. Cả ba cứ thay nhau làm cùng một việc, họ rì rầm cắt nghĩa cho các độc giả mới bản nội quy phòng đọc, xem các phiếu mượn sách, trao sách ra và nhận lại. Còn thừa thời giờ nào, thì họ đều câm cúi lập các bản thống kê hàng năm gì đó.
Và lạ thay, do sự liên tưởng khó hiểu giữa các ý nghĩ, trước cái thành phố đang hiện diện bên ngoài cửa sổ và được tưởng tượng ở trong phòng, thứ nữa, do sự giống nhau nhất định được gợi ra bởi vô số bộ mặt phù thũng xám ngoét ở xung quanh, tựa hồ tất cả mọi người đều bị bệnh bướu cổ, bác sĩ Zhivago chợt nhớ đến người đàn bà bẻ ghi khó tính trên ga xe lửa ngoại ô vào buổi sáng hôm nào, chợt nhớ đến toàn cảnh Yuratin nhìn từ xa. Samdeviatov ngồi bên cạnh chàng trên sàn tàu và những lời giải thích của ông ta. Những lời giải thích được đưa ra cách xa thành phố ấy, chàng muốn đem gắn với những gì chàng đang thấy lúc này, ở ngay bên cạnh giữa lòng bức tranh. Nhưng chàng đã quên các lời giải thích của Samdeviatov, nên việc đối chiếu chẳng đem lại kết qua gì.
|
Chương 135
Zhivago ngồi ở cuối phòng, các cuốn sách đặt xung quanh. Trước mặt chàng là chồng tập chi thống kê của Hội đồng quản hạt địa phương và mấy cuốn viết về đặc điểm dân tộc học của miền này. Chàng đã thử hỏi mượn thêm hai cuốn khảo luận về lịch sử Pugachov(1), nhưng cô thủ thư mặc áo sơ mi đen nói nhỏ với chàng qua chiếc khăn áp môi, rằng không thể cho một người mượn nhiều sách cùng một lúc, rằng nếu muốn mượn mấy cuốn sách đó, thì chàng phải trả lại một phần số sách vừa mượn.
Bởi vậy Zhivago liền vội vã và chăm chú đọc lướt qua các cuốn sách chưa kịp phân loại, để xếp riêng ra những tài liệu cần thiết nhất, và để đem những cuốn còn lại đổi lấy hai tập khảo luận lịch sử nọ. Chàng giở nhanh các tuyển tập và lướt mắt xem mục lục, hoàn toàn chuyên chú vào công việc không hề nhìn ngang nhìn ngửa đi đâu. Phòng đọc đông người không cản trở hoặc làm xao nhãng sự chú ý của chàng. Chàng đã quan sát kỹ những người ngồi bên cạnh, nên không cần ngước mắt khỏi trang sảch, chàng vẫn hình dung rõ về họ! với cảm giác rằng cho đến lúc chàng ra về, thành phần những người ấy vẫn không thay đổi, hệt như ngôi nhà thờ và các toà nhà của thành phố vẫn ở đúng vị trí của chúng phía bên ngoài cửa sổ kia.
Nhưng mặt trời thì không đứng yên. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ vừa qua, nó luôn luôn xê dịch và đã vượt quá góc nhìn phía Đông của thư viện. Bây giờ nó rọi qua các cửa sổ ở bức tường phía Nam, làm chói mắt những độc giả ngồi gần phía ấy nhất, khiến họ khó đọc.
Cô thủ thư bị sổ mũi bèn rời khỏi bục, đi ra chỗ cửa sổ. Các cửa sổ phía này đều có rèm trắng gấp nếp che bớt ánh sàng. Cô thủ thư buông rèm xuống che các cửa sổ, trừ cái cuối cùng ở trong bóng râm. Tới đó, cô ta kéo sợi dây để mở cái ô cửa nhỏ thông gió, rồi hắt hơi.
Khi cô ta hắt hơi đến lần thứ mười hai mười hai gì đó, thì Zhivago đoán chính cô ta là em vợ của Miculisyn, một trong bốn cô con gái nhà Tunsev mà Samdeviatov đã kể. Cũng như các độc giả khác, chàng ngẩng đầu lên nhìn về phía cô ta.
Lúc ấy chàng thấy vừa có sự thay đổi xảy ra trong phòng. Ở đầu kia có thêm một nữ độc giả mới. Zhivago nhận ngay ra Lara. Nàng ngồi quay lưng về phía Zhivago và thì thầm nói chuyện với cô thủ thư bị sổ mũi đang cúi mình xuống nói khẽ gì đó với nàng. Cuộc trao đổi ấy hẳn phải có tác dụng gì rất tốt đẹp với cô thủ thư: trong nháy mắt, cô ta chẳng những khỏi hẳn cơn hắt hơi đáng giận, mà còn cất được cả cái vẻ cau có lo âu Cô ta nhìn Lara bằng ánh mắt thân ái, biết ơn, cất vào tlíi chiếc khăn tay từ trước đến giờ vẫn áp trên môi, rồi trở về chỗ làm việc của mình, vẻ vui sướng, tự tin và tươi cười.
Cảnh tượng có chi tiết cảm động ấy không giấu được một số người đang ở trong phòng. Từ nhiều phía, người ta nhìn Lara với vẻ cảm mến và họ cũng mỉm cười. Căn cứ vào các dấu hiệu nhỏ nhặt ấy, Zhivago xác định ở thành phố này người ta quen biết và yêu mến Lara tới mức nào!
Chú thích:
(1) Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân ở Nga gần cuối thế kỷ 18.
|
Chương 136
Ý định đầu tiên của Zhivago là đứng dậy và lại chỗ nàng. Nhưng cảm giác thiếu thoải mái và ngại rắc rối, vốn rất xa lạ với chàng, song lại hình thành từ lâu trong quan hệ của chàng đối với Lara, đã ngăn giữ chàng. Chàng quyết định không quấy rầy nàng và cũng không làm gián đoạn công việc của chính mình. Để chống lại sự cám dỗ nhìn về phía nàng, chàng xoay chéo chiếc ghế so với cái bàn, gần như quay lưng về phía các độc giả khác, và chàng vùi đầu vào đọc với một cuốn sách cầm tay, một cuốn để mở trên đầu gối.
Song ý nghĩ của chàng cứ phiêu đãng tận đâu đâu, chẳng dính dáng gì đến những điều chàng đọc. Đột nhiên, chàng hiểu rằng cái tiếng nói mà chàng nghe thấy trong giấc mơ ở Varykino vào một đêm đông, chính là giọng của Lara. Chàng ngạc nhiên trước phát hiện đó, bèn xoay chiếc ghế về vị trí cũ, - Vội vàng đến mức khiến mấy người xung quanh phải để ý, - sao cho có thể nhìn rõ Lara, và chàng bắt đầu ngắm nàng.
Chàng thấy nàng từ phía sau lưng, hơi nghiêng nghiêng. Nàng mặc, chiếc áo blu kẻ ô, màu sáng, có dây thắt lưng, nàng đọc mải mê, quên cả mình, y như trẻ con, đầu hơi nghiêng sang bên vai phải. Đôi lúc nàng đăm chiêu ngước mắt nhìn lên trần nhà hoặc nheo nheo đâu đó phía trước, sau đó lại một tay chống cằm, tay kia cầm bút chì ghi rất nhanh các đoạn trích vào một cuốn vở.
Zhivago kiểm chứng lại những nhận xét của chàng hồi ở thị trấn Meliuzev. Chàng nghĩ. "Nàng chả thiết làm mê lòng người, chẳng thiết đẹp để quyến rũ ai. Nàng coi thường cái phương tiện đó của bản tính đàn bà và hình như nàng đang muốn trừng trị bản thân mình vì mình quá xinh đẹp như vậy. Và cái sự thù ghét kiêu hãnh đối với chính bản thân ấy lại càng làm cho nàng hấp dẫn hơn bội phần. Tất cả những gì nàng đang làm mới đẹp làm sao. Nàng đọc sách, mà coi đó như không phải là hoạt động cao quý nhất của con người, tựa hồ đấy chỉ là một việc hết sức giản đơn, loài vật cũng làm được. Hệt như nàng gánh nước hay gọt khoai".
Những suy tưởng ấy khiến Zhivago yên tâm. Một sự bình yên hiếm có thâm nhập tâm hồn chàng. Các ý nghĩ của chàng không còn chạy loạn lên nữa. Bất giác chàng mỉm cười. Sự hiện diện của Lara tác động đến chàng hệt như đến cô thủ thư cau có kia.
Chàng chẳng để ý đến vị trí chiếc ghế của mình nữa, cũng không sợ bị quấy nhiễu hay đãng trí, chàng làm việc chừng hơn một tiếng đồng hồ, còn miệt mài và chăm chú hơn ca trước khi Lara đến. Chàng đã xem lướt hết cả đống sách cao trước mặt, chọn ra những điều cần thiết nhất, thậm chí còn kịp ngốn xong hai bài báo quan trọng trong số đó. Chàng quyết định hôm nay làm được như vậy là tốt, chàng bắt đầu thu dọn sách để đem trả. Mọi tư tưởng xa lạ quấy nhiễu ý thức chàng đều tiêu tan. Với lương tâm thanh thản và không một chút ẩn ý xấu, chàng nghĩ rằng sau vài giờ làm việc chăm chỉ, chàng có quyền gặp lại người quen cũ và cho phép mình hưởng niềm vui đó một cách chính đáng. Nhưng khi chàng đứng dậy đưa mắt nhìn khắp phòng, thì Lara đã chẳng còn ở đây nữa.
Trên cái bục, chỗ Zhivago đem sách đến trả, số sách Lara đã trả vẫn chưa được cất đi, toàn là những tài liệu hướng dẫn về chủ nghĩa Mac. Chắc nàng lại được bổ nhiệm làm giáo viên như cũ và đang tự lực cánh sinh học tập chính trị tại nhà.
Các phiếu yêu cầu của Lara vẫn gài trong các cuốn sách, đầu phiếu thò ra ngoài, có ghi địa chỉ của nàng, rất dễ đọc.
Zhivago bèn ghi địa chỉ ấy và ngạc nhiên về tên gọi của nó.
"Phố Thương Gia, đối diện nhà có tượng".
Zhivago bèn hỏi một độc giả và được biết rằng cái lối nói "nhà có tượng" ở Yuratin này cũng phổ biến như cách gọi các phố theo tên nhà thờ xứ của Moskva hoặc cái tên "cạnh nhà ngũ giác" ở Petersburg.
Toà "nhà có tượng" là một ngôi nhà u tối, màu xám thép, có các trụ đỡ hình người và tượng các vị thần nghệ thuật cố đại tay cầm trống, đan lia và mặt nạ. Một thương gia từ thế kỷ trước đã xây nó làm nhà hát riêng, tại gia. Người thừa kế của ông ta đã bán toà nhà cho Nghiệp đoàn Thương gia. Vì thế cái phố mang tên đó. Người ta dùng tên toà nhà để chỉ toàn bộ khu vực lân cận. Hiện nay, "nhà có tượng", là trụ sở Thành uỷ, và trên bức tường của cái nền nhà nghiêng nghiêng, dốc ra phố, nơi trước kia vẫn dán la liệt các tờ quảng cáo kịch và xiếc, bây giờ treo các sắc lệnh và nghị định của Chính phủ.
|
Chương 137
Đó là một ngày gió rét đầu tháng năm. Sau khi làm xong vài công việc của thành phố và đảo qua thư viện, Zhivago đột nhiên thay đổi mọi ý định để đi tìm Lara.
Gió thổi cuốn cát và bụi mù mịt như mây, cản cả đường đi của chàng. Chốc chốc chàng lại phải quay mặt, nhắm mắt, cúi đầu chờ đám bụi tạt qua hết mới tiếp tục cất bước.
Lara sống ở góc phố Thương Gia với phố Novosvan đối diện với "nhà có tượng" là ngôi nhà màu xám thép tôi tối, xanh xanh, mà Zhivago trông thấy đây là lần đầu. Toà nhà quả thực rất hợp với tên gọi của nó và gợi nên một cảm giác lạ lùng, lo ngại.
Toàn bộ phần trên ngôi nhà được bao quanh bởi các cột đỡ hình phụ nữ trong thần thoại, to gấp rưỡi người thật. Giữa hai cơn lốc bụi che khuất mặt tiền ngôi nhà, trong chốc lát Zhivago có cảm tưởng rằng toàn bộ phụ nữ ở trong nhà đã ra ban công, đang nghiêng mình trên bao lơn cúi xuống nhìn chàng và đường phố Thương Gia ở bên dưới.
Có thể lên nhà Lara theo hai lối, qua cửa chính mở ra phố Thương Gia, hoặc qua sân, nếu từ phố Novosvan tới. Chàng không biết có lối thứ nhất, nên chàng chọn lối thứ hai.
Lúc chàng vừa vào cổng thì gió cuốn lên trời một dám đất bụi và rác rưởi từ khắp sân, khiến chàng không nhìn rõ cái sân. Mấy ả gà mái bị một chú gà trống đuổi, vừa chạy qua chân chàng vừa kêu cục tác ầm ĩ.
Khi đám bụi đen tan đi, Zhivago thấy Lara đang đứng bên giếng. Lúc cơn lốc cuốn lên bất ngờ, thì nàng đã lấy đầy hai thùng nước và móc vào chiếc đòn gánh đặt trên vai trái. Để che cho tóc khỏi bụi, nàng vội lấy tấm khăn vuông trùm lên đầu, thắt nút ở trước trán. Nàng dùng hai đầu gối kẹp vào cái vạt áo choàng mà gió đang thổi phùng ra, để nó khỏi bị tốc lên.
Nàng sắp cất bước đi vào nhà, thì một cơn gió khác nổi lên, thổi bay chiếc khăn vuông ra khỏi đầu, làm tóc nàng rối tung, gió cuốn tấm khăn đến tận cuối hàng rào, nơi đám gà mái vẫn đang cục ta cục tác ầm ĩ.
Zhivago chạy theo chiếc khăn nhặt nó lên và đem đến trao cho Lara đang đứng sững bên giếng. Vẫn giữ vẻ tự nhiên thường lệ, nàng không reo to một tiếng nào để lộ sự ngạc nhiên hay bối rối của mình. Nàng chỉ thốt lên:
- Zhivago?
- Lara!
- Phép lạ nào đây? Sao lại thế này?
- Xin cô hãy đặt thùng xuống, để tôi gánh dùm.
- Tôi chả bao giờ ngừng lại nửa vời, tôi không đời nào bỏ dở việc đang làm. Nếu ông đến thăm tôi, thì xin mời ông vào nhà.
- Tôi có thể đến thăm ai nữa kia chứ?
- Biết đâu đấy.
- Dầu sao, xin cô cho phép chuyển cái đòn gánh từ vai cô sang vai tôi. Tôi chẳng thể đứng không, mà nhìn cô vất vả được.
- Vất vả gì đâu. Tôi không chịu đâu. Ông sẽ làm nước sóng sánh ra cầu thang mất thôi. Tốt hơn, xin ông hãy nói ngọn gió nào đã đưa ông lại? Ông đã ở đây hơn một năm rồi, thế mà vẫn chưa bao giờ rảnh rỗi để tới nhà tôi phải không?
- Tại sao cô biết?
- Đất truyền lan tin đồn. Vả lại cuối cùng thì tôi cũng nhìn thấy ông ở thư viện.
- Thế sao cô không gọi tôi?
- Ông sẽ chẳng làm cho tôi tin được rằng ông đã không trông thấy tôi.
Lara hơi loạng choạng gánh đôi thùng nước đi trước dẫn đường cho Zhivago chui qua một cái cửa tò vò thấp. Đấy là cửa sau của tầng trệt. Đến đây, nàng nhanh nhẹn khuỵu gối, đặt đôi thùng xuống nền đất, nhấc đòn gánh ra khỏi vai, đứng thẳng dậy và bắt đầu lau tay bằng một chiếc khăn nhỏ xíu không rõ lôi từ đâu ra.
- Nào, để tôi dẫn ông qua lối trong nhà ra cửa chính. Ở đó sáng sủa. Ông sẽ đợi tôi ở đấy một lát. Tôi sẽ gánh nước lên từ cửa sau, tôi sẽ dọn dẹp qua loa trên nhà và trang điểm tí chút. Ông thấy cái cầu thang của chúng tôi đây. Bậc bằng gang có trang trí họa tiết. Từ trên, có thể nhìn suốt qua các bậc gang ấy. Nhà cũ bị rung chuyển nhẹ nhẹ hồi đánh nhau ở thành phố. Khu này bị pháo kích mà. Ông xem, các hòn đá bị rời ra. Gạch bị thủng lỗ chỗ. Đây, cái lỗ hổng này tôi và cháu Katenka vẫn giấu chìa khoá phòng, rồi lắp một hòn gạch vào, mỗi khi chúng tôi ra khỏi nhà. Xin ông nhớ cho. Lỡ hôm nào ông tới mà không gặp tôi, mời ông cứ mở cửa lên nhà, cứ tự nhiên như ở nhà mình vậy, trong lúc chờ tôi về. Ông thấy không, cái chìa nằm đây này, nhưng tôi không cần chìa, tôi sẽ đi lối sau và mở cửa từ bên trong. Ở đây chỉ khổ mỗi một cái là chuột. Hàng đàn hàng lũ, chả làm sao diệt được chúng. Chúng nhảy cả lên đầu mình. Nhà này cũ quá rồi, tường vách hư nát, nứt rạn hết cả. Chỗ nào nứt nhỏ, tôi còn bịt kín và giết chuột được. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Hôm nào rảnh, có lẽ phải nhờ ông giúp một tay. Những lỗ hổng dưới sàn nhà và kẽ chân tường phải bít lại. Được chứ ạ? Thôi, ông đứng đây, nghĩ vài chuyện gì đó một lát nhé. Tôi sẽ không bắt ông chờ lâu đâu, tôi gọi ông ngay đấy.
Trong lúc chờ đợi, Zhivago bắt đầu đưa mắt nhìn các bức tường tróc lỡ của lối vào, các phiến gang đúc của cầu thang.
Chàng tự nhủ: "Lúc ở thư viện, mình đã so sánh vẻ mải mê đọc sách của nàng với sự hăng hái và hăm hở mà nàng sẽ vận dụng vào việc lao động chân tay thực sự. Bây giờ ngược lại, nàng gánh nước y như nàng đọc sách, nhẹ nhàng, chả vất vả gì Nàng ung dung uyển chuyển trong mọi việc. Tựa hồ, từ thời thơ ấu nàng đã lấy đà một lần cho cả cuộc đời, và bây giờ mọi việc làm của nàng cứ diễn ra thuận theo cái đà ấy, một cách tự nhiên, dễ dàng. Điều này còn thể hiện ở đường nét của tấm lưng thon thả khi nàng cúi xuống, ở nụ cười khiến môi nàng hé ra và cằm nàng tròn lại, ở lời ăn tiếng nói và cả trong các ý nghĩ của nàng".
- Zhivago! - từ ngưỡng cửa cạnh đầu cầu thang phía trên, có tiếng gọi vọng xuống. Chàng bèn đi lên.
|