Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 138
Ông đưa tay đây và hãy ngoan ngoãn theo tôi. Ở đây có ai căn phòng tối om và chất đồ ngổn ngang, cao đến trần nhà.
Ông có thể bị vấp chân hoặc va người vào đâu đó.
- Đúng là một mê cung. Một mình chắc tôi chẳng lần ra lối đi.Tại sao vậy? Nhà đang sửa à?
- Đâu có. Không phải thế đâu nhà này là của người khác. Thậm chí tôi chả biết chủ cũ là ai. Trước kia chúng tôi có chỗ riêng, trong toà nhà của trường trung học, do Nhà nước cấp. Khi Ban nhà đất của Xô viết thành phố lấy trường trung học, thì họ chuyển hai mẹ con tôi đến ở một góc của ngôi nhà bỏ không này. Đây, đồ đạc của chủ cũ còn chất cả ở đây. Rất nhiều đồ gỗ. Tôi chẳng cần đến tài sản của kẻ khác. Tôi chất đồ đạc của họ vào hai căn phòng này rồi sơn trắng các cửa sổ. Đừng buông tay tôi mà lạc bây giờ. Thế. Quẹo phải. Giờ thì thoát cái mê cung. Kia là cửa phòng tôi. Vào đây sẽ thấy sáng hơn. Coi chừng, bậc cửa đấy.
Khi Zhivago theo Lara bước vào phòng nàng, chàng kinh ngạc vì phong cảnh nhìn thấy qua cái cửa sổ đối diện với cửa ra vào. Cửa sổ nhìn xuống sân, xuống phần sau các ngôi nhà bên cạnh và khu đất trống của thành phố ở ven sông. Ở đó, các bầy dê và cừu đang gặm cỏ, bộ lông dài của chúng quét đất hệt như các vạt áo lông không cài cúc. Ngoài ra, ở đó, trên hai cây cột đối diện với cửa sổ, treo lủng lẳng một tấm biển quảng cáo mà Zhivago đã biết: "Moro và Vetchinkin. Máy gieo hạt. Máy đập lúa".
Dưới ảnh hưởng của tấm biển vừa nhìn thấy, Zhivago bèn kể luôn cho Lara nghe về chuyến đi của chàng cùng gia đình tới miền Ural này. Chàng quên mất rằng có dư luận đồn Strelnikov với chồng nàng là một, nên chả nghĩ ngợi gì, chàng bèn kể luôn cuộc gặp gỡ giữa chàng với Strelnikov trên toa tàu bọc sắt. Đoạn này của câu chuyện đã gây ấn tượng đặc biệt tới Lara.
- Ông đã gặp Strelnikov thật ư? - Lara hỏi lại. - Bây giờ tôi sẽ không nói thêm gì nữa với ông điều đó. Nhưng đó là một điều rất có ý nghĩa! Đúng là một sự tiền định nào đấy buộc hai ông phải gặp nhau. Một ngày kia tôi sẽ giải thích cho ông nghe, lúc ấy ông sẽ hết sức kinh ngạc. Nếu tôi không lầm, thì Strelnikov đã gây cho ông một ấn tượng tốt hơn là xấu phải không?
- Vâng. Có lẽ vậy. Đáng lẽ ông ta phải làm cho tôi căm ghét mới đúng. Chúng tôi đã đi ngang qua những nơi bị ông ta đàn áp và phá huỷ. Tôi tưởng sẽ gặp một kẻ tàn sát binh lính hoặc một gã cuồng tín cách mạng chỉ quen đàn áp mọi người, song tôi không thấy ông ta thuộc hai loại đó. Kể cũng hay, khi ta gặp một người khác hẳn điều ta chờ đợi, khác hẳn với quan niệm có sẵn của ta về họ. Một kẻ bị xếp vào loại nào đó, thế thì là hết, là bị lên án với tư cách làm người rồi. Nếu người ta không thể liệt họ vào loại nào, nếu họ không tiêu biểu, thì như thế chứng tỏ họ có được một nửa những gì con người phải có. Họ được giải phóng khỏi bản thân mình, họ đạt được một chút, dù chỉ là một chút, sự bất tử.
- Nghe nói ông ta không có chân trong Đảng.
- Vâng, tôi có cảm tưởng như vậy. Điều gì khiến ta cảm mến ông ta? Ấy là số phận bi đát của ông ta. Tôi cho rằng ông ta sẽ bị chết thảm. Ông ta sẽ phải chuộc những cái ác do mình gây ra. Những người cách mạng tự tiện xử trí là rất đáng sợ, không phải vì họ là những kẻ hung ác, mà vì họ là thứ máy móc nằm ngoài vòng kiểm soát, là những cỗ xe bị trật đường ray. Strelnikov cũng điên cuồng như bọn kia, nhưng ông ta điên cuồng không phải do mớ lý thuyết trong sách vở, mà là do những gì ông ta từng phải nếm trải và gánh chịu. Tôi không rõ các uẩn khúc của ông ta, nhưng tôi tin rằng ông ta có uẩn khúc. Sự liên minh của ông ta với những người Bolsevich là ngẫu nhiên. Chừng nào ông ta còn cần cho họ, họ sẽ chịu đựng ông ta và cho đi chung một đường. Nhưng ngay khi không cần đến ông ta nữa, lập tức họ sẽ gạt bỏ và giày xéo ông ta không chút hối tiếc, như họ đã xử nhiều chuyên gia quân sự trước ông ta.
- Ông tin như vậy ư?
- Chắc chắn sẽ như vậy.
- Ông ta không có cách gì thoát thân hay sao? Bỏ trốn chẳng hạn.
- Trốn đi đâu hở cô? Ngày xưa, dưới thời Sa Hoàng thì được. Còn thời nay cứ thử trốn xem!
- Thương thật. Chuyện ông kể khiến tôi thương ông ấy. Còn ông, ông thay đổi hẳn, trước đây ông luận xét về cách mạng không có vẻ gay gắt và khó chịu như vừa rồi.
- Cái gì cũng có mức độ của nó, cô Lara ạ. Vấn đề là ở đấy Sau một thời gian như vừa qua, đã đến lúc phải đi tới một cái gì đó. Đằng này, té ra đối với những người cổ vũ cuộc cách mạng, những sự thay đổi và đảo lộn tứ tung là một sự tự nhiên thân thiết độc nhất, đến nỗi họ chẳng thiết gì hết, ngoài việc hãy giao cho họ một cái gì đó cỡ như địa cầu này. Việc xây dựng các thế giới, các thời kỳ quá độ là mục đích tự thân của họ. Họ chưa học được cái gì khác, họ chẳng biết làm gì hết. Thế cô có biết tại sao có cái cảnh chuẩn bị tất bật, bất tận ấy không? Vì thiếu vắng những năng lực có sẵn nhất định, vì bất tài. Con người sinh ra để sống, hiện tượng đời sống, tặng phẩm đời sống hoàn toàn không phải là chuyện đùa! Vậy thì tại sao lại đem thay thế cuộc sống bằng trò múa rối con nít của những giả tưởng non nớt, bằng những trò trốn học sang Mỹ của đám học trò như Sekhov đã tả ấy? Nhưng thôi. Bây giờ đến lượt tôi hỏi. Chúng tôi đáp xe lửa tới gần thành phố vào cái buổi sáng thành phố này chuyển qua tay Hồng quân. Cô cũng có mặt trong biến cố lớn lao ấy chứ?
- Ôi, khỏi phải bàn? Dĩ nhiên. Lửa cháy rần rần tứ phía. Mẹ con tôi suýt nữa chết cháy. Cái nhà này, như tôi đã nói, bị rung dữ dội! Đến bây giờ ở ngoài sân, cạnh cổng ấy, vẫn còn một quả đại bác chưa nổ. Các vụ cướp phá, pháo kích, những trò xấu xa. Như mọi cuộc thay đổi chính quyền. Nhưng đến lúc ấy chúng tôi đã biết cả, đã quen cả rồi. Chả phải lần đầu. Cái hồi bọn bạch vệ còn đóng quân ở đây, thôi thì đủ trò tệ hại? Nào giết chóc ngoài phố vì tư thù cá nhân, nào tống tiền, nào điên loạn! À, mà tôi chưa kể với ông điểm chủ yếu. Anh chàng Galiulin của chúng ta! Một nhân vật quan trọng của quân Tiệp ở đây. Một thứ quan Toàn quyền.
- Tôi biết. Tôi có nghe. Cô gặp anh ta à?
- Gặp luôn là đằng khác. Nhờ anh ta, tôi đã cứu sống bao nhiêu người. Đã giấu trong nhà được bao nhiêu người! Phải công bằng mà nhận xét về anh ta. Anh ta đã xử sự rất hào hiệp, không chê trách vào đâu được, khác hẳn bọn vô lại lau nhau, bọn sỹ quan kỵ binh cô-dắc, bọn hạ sĩ quan cảnh sát. Nhưng hồi đó quyền thế lại thuộc về bọn vô lại lau nhau ấy, chứ không phải thuộc về những người tử tế. Galiulin giúp tôi nhiều việc. Cảm ơn anh ấy. Chúng tôi chẳng là chỗ quen biết cũ mà. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn qua chơi ở khu nhà, nơi anh ấy đã lớn lên. Các gia đình công nhân hoả xa sống ở khu nhà đó. Bấy giờ tôi đã chứng kiến cảnh nghèo khổ và sự lao động vất vả. Vì thế thái độ của tôi đối với cách mạng khác thái độ của ông. Cách mạng gần tôi hơn. Đối với tôi, cách mạng có nhiều điều thân thiết. Riêng Galiulin, con trai một bác lao công, lại đột nhiên trở thành đại tá, thậm chí thành ông tướng bạch vệ, thì lạ thật. Tôi là thường dân nên không hiểu gì về cấp bậc. Nghề của tôi là giáo viên dạy Sử. Vâng, đúng như thế đấy, ông Zhivago ạ. Tôi đã giúp nhiều người. Tôi thường đến gặp Galiulin. Chúng tôi vẫn nhắc đến ông luôn. Ấy là tại tôi bao giờ cũng có các mối quen biết và những người che chở dưới mọi chỉnh thể, và dưới chế độ nào cũng có những điều phiền muộn, mất mát. Chỉ trong những cuốn sách tồi, những người đang sống mới bị chia thành hai phe và không tiếp xúc với nhau. Còn trong thực tế, mọi thứ đều đan quyện vào nhau vô cùng mật thiết! Phải là một kẻ tầm thường ghê gớm, thì mới chỉ sắm một vai trong đời, giữ một vị trí trong xã hội, chỉ có cùng một giá trị kia thôi! Kìa, con đấy à?
Một bé gái độ tám tuổi, có hai bím tóc đuôi sam nhỏ, bước vào phòng. Kẽ mắt hẹp, góc mắt hơi xếch khiến cô bé có vẻ tinh quá Lúc cười, nó hơi ngước mắt lên. Lúc ở bên ngoài cửa, nó đã biết mẹ có khách, nhưng khi bước vào, nó thấy lại tỏ vẻ ngạc nhiên một cách vô tình. Nó nhún người xuống để chào rồi ném về phía bác sĩ Zhivago cái nhìn trân trân, dạn dĩ của một đứa trẻ lớn lên trong cảnh thiếu cha mẹ và sớm biết nghĩ.
- Đó là Katenka, con gái tôi. Mong hai bác cháu thân nhau.
- Cô đã cho tôi xem ảnh cháu, hồi ta ở Meliuzev. Cháu chóng lớn và thay đổi nhiểu quá nhỉ?
- Thì ra con ở nhà à? Mẹ cứ ngỡ con đang đi chơi. Con vào lúc nào, mẹ chả nghe thấy.
- Con đang lấy cái chìa khoá trong lỗ hổng, thì một con chuột to tướng phóng ra. Con hét lên và bỏ chạy! Sợ chết khiếp được mẹ ạ!
Lúc nói, Katenka có điệu bộ thật dễ thương, nó mở to cặp mắt láu cá và chúm tròn cái miệng như chú cá nhỏ vừa bị bắt ra khỏi nước.
- Thôi con về phòng con đi. Mẹ sẽ mời bác đây ở lại dùng bữa chiều, lúc nào bắc chảo trong bếp ra, mẹ sẽ gọi con.
- Cảm ơn, nhưng tôi không thể ở lại được. Kể từ khi tôi lên thành phố đọc sách, gia đình tôi ăn bữa trưa rất muộn, mãi sáu giờ chiều kia. Tôi đã quen không về trễ, mà riêng chuyện đi đã mất ba, bốn tiếng đồng hồ rồi. Vì vậy tôi mới đến thăm cô sớm thế này, mong cô tha lỗi. Có lẽ tôi sắp phải từ biệt cô ngay bây giờ.
- Thì ông ở lại nửa tiếng nữa thôi.
- Rất vui lòng.
|
Chương 139
- Còn bây giờ, tôi cũng xin thành thực đáp lại lòng thành thực của ông. Cái ông Strelnikov ông kể lúc nãy chính là chồng tôi. Pasa Pavlovich Antipop, mà tôi đã lặn lội ra mặt trận để tìm và tôi đã rất có lý khi không tin ở cái chết của anh ấy.
- Tôi không ngạc nhiên, tôi biết trước cô sẽ nói vậy. Tôi đã nghe câu chuyện hoang đường ấy và cho rằng nó chẳng có lý chút nào. Vì vậy, tôi mới vô tình đi kể một cách thoải mái và không chút dè dặt với cô về ông ta, tựa hồ chẳng có những lời đồn đại kia. Nhưng đúng là những lời đồn đại phi lý. Tôi đã gặp con người ấy. Sao người ta có thể gắn cô với ông ta được nhỉ? Có gì chung giữa hai người đâu?
- Tuy nhiên, đó là sự thực đấy. Ông Zhivago ạ.
Strelnikov đúng là Pasa Anhtipov, chồng tôi. Tôi đồng ý với dư luận chung. Bé Katenka cũng biết thế và nó hãnh diện về cha nó. Strelnikov chỉ là cái tên đi mượn, một bí danh, như tất cả những người hoạt động cách mạng đều có. Vì một lý do nào đấy, anh ấy phải sống và hoạt động dưới một cái tên giả. Cái dạo anh ấy đánh chiếm Yuratin này và nã pháo vào đầu chúng tôi, anh ấy biết rằng mẹ con tôi ở đây, nhưng không một lần tìm hiểu xem chúng tôi sống chết ra sao, để khỏi lộ tung tích của anh ấy. Đấy là bổn phận của anh ấy, hẳn thế. Giả dụ anh ấy có hỏi tôi, anh ấy phải hành động thế nào, thì chúng tôi cũng sẽ khuyên anh ấy làm đúng như vậy thôi. Ông sẽ bảo rằng, việc tôi không bị ai động đến, việc tôi được Xô viết thành phố bố trí chỗ ở, vân vân, là bằng chứng gián tiếp cho thấy anh ấy kín đáo săn sóc mẹ con tôi! Dầu vậy, ông cũng không thể lý giải được điều này: ở ngay sát nách, mà dứng vững trước sự cám dỗ về thăm vợ con! Đầu óc tôi, trí khôn của tôi không thể hiểu nổi điều đó. Đó là một cái gì vượt quá sức hiểu của tôi, không phải là cuộc sống nữa, mà là một thứ thái dộ dũng cảm công dân của người La Mã, một trong những điều bí ẩn thời nay. Nhưng tôi đang sa vào ảnh hưởng của ông và bắt đầu hót theo ông mất rồi. Tôi chả muốn sự thể ra như vậy. Tôi với ông không đồng nhất về tư tưởng. Đành rằng có những cái khó nắm bắt, những cái không cần thiết, thì tôi với ông quan niệm giống nhau. Nhưng khi đụng tới những chuyện rộng lớn, đến triết lý cuộc sống, thì tôi với ông cứ đối lập nhau lại hay hơn.
- Nhưng ta hãy trở lại chuyện Strelnikov.
- Hiện nay anh ấy đang ở Sibiri, và ông nói đúng, tôi cũng nghe đồn rằng người ta chê trách anh ấy, tôi nghe mà cứ lạnh cả tim. Hiện anh ấy đang ở Sibiri, ở một trong những mũi nhọn của chúng ta, đang giáng đòn chí tử vào người bạn thuở thiếu thời và sau đó cũng từng là chiến hữu của anh ấy ở ngoài mặt trận, ấy là anh chàng Galiulin tội nghiệp, một người thừa biết tên thật của Strelnikov, biết tôi là vợ anh ấy, song với một sự tế nhị cao quý, không hề để tôi cảm thấy một chút gì về điều đó, mặc dầu chỉ nghe nhắc đến cái tên Strelnikov, Galiulin đã sôi máu và hết cả bình tĩnh rồi. Vâng, vậy là hiện tại anh ấy đang ở Sibiri. Cái dạo anh ấy còn ở vùng này (anh ấy ở đây khá lâu và lúc nào cũng sống trên cái toa tàu bọc thép mà ông đã gặp anh ấy) tôi luôn luôn tìm cách chạm trán với anh ấy một cách bất chợt, tình cờ. Thỉnh thoảng anh ấy có đến bộ tham mưu, đặt ở trụ sở trước kia của Bộ chỉ huy Komus - quân đội của Hội nghị Lập hiến. Số phận thật trớ trêu. Lối vào bộ tham mưu lại nằm ngay ở chỗ Galiulin vẫn tiếp tôi dạo trước, khi tôi đến nhờ Galiulin can thiệp để cứu giúp một số người. Chẳng hạn hồi ấy ở trường võ bị có chuyện làm xôn xao dư luận: bọn học viên rình rập và bắn chết những giáo viên không vừa ý chúng, viện cớ họ có cảm tình với Bolsevich. Hoặc khi bắt đầu những cuộc truy lùng và tàn sát dân Do Thái. À, nhân câu chuyện, tôi nói với ông, nếu chúng ta là lao động trí óc ở thành phố này, thì một nửa số người quen biết của ta sẽ là dân Do Thái. Và vào giai đoạn tàn sát ấy, khi những trò dã man, hèn hạ ấy xảy ra, thì ngoài sự phẫn nộ, xấu hổ và thương xót, chúng tôi còn bị ám ảnh bởi cảm giác nặng nề về tính chất hai mặt, rằng sự thông cảm của mình chỉ tiến bộ được một nửa, còn nửa kia là dư vị giả dối đáng ghét.
Những người từng một thời giải phóng nhân loại khỏi cái ách tôn thờ ngẫu tượng, và hiện nay rất nhiều người trong số họ đã hiến thân cho sự nghiệp giải phóng nhân loại khỏi sự xấu xa của xã hội, - Những người ấy lại bất lực, không tự giải phóng được khỏi chính bản thân mình, khỏi sự trung thành với cái danh xưng lỗi thời, vốn có từ trước thời hồng hoang, đã mất hết ý nghĩa; họ lại không thể vươn lên trên họ và hoà nhập hoàn toàn với những dân tộc còn lại, với những người mà cơ sở tín ngưỡng do chính họ tạo nên, với những người hẳn sẽ rất gần gũi với họ, ví thử họ biết rõ hơn về những người ấy. Có lẽ những trò xua đuổi, truy lùng và tàn sát đang buộc họ vào cái tư thế hết sức vô ích và tai hại kia, vào sự biệt lập quên mình đáng xấu hổ và chỉ đem lại toàn tai họa kia, nhưng trong cái đó, còn có cả sự già cỗi nội tâm, sự mỏi mệt lịch sử nhiều đời. Tôi không ưa cái lối tự khích lệ mỉa mai của họ, sự nghèo nàn khái niệm và trí tưởng tượng dè dặt của họ. Cái đó khiến ta khó chịu như nghe những người già nói về tuổi già hay người ốm nói về bệnh tật. Ông đồng ý chứ?
- Tôi chưa nghĩ đến điều đó. Tôi có một anh bạn tên là Misa Gordon, cũng có những quan điểm như cô.
- Vậy là tôi thường tới đó đón gặp Pasa. Hy vọng thấy anh ấy đi vào hoặc đi ra. Thời trước, cái chỗ ấy là văn phòng của viên toàn quyền. Bây giờ trên cửa gắn tấm biển nhỏ: "Phòng khíếu nại" Có lẽ ông cũng đã thấy nơi ấy? Đây là nơi đẹp nhất thành phố. Cửa nhìn ra cái quảng trường lát đá vuông. Quảng trường là công viên thành phố, với các loại cây tứ cầu sơn trà cây thích. Tôi đứng lẫn trong đám người xếp hàng trên vỉa hè và chờ đợi. Dĩ nhiên tôi không đòi được tiếp, không xưng tôi là vợ Strelnikov, vả lại, họ của hai người khác nhau(1). Còn tiếng nói của trái tim là cái quái gì ở đây? Họ có những quy tắc hoàn toàn khác. Chẳng hạn, thân sinh của anh ấy là Pavel Ferapoltovich Antipop, một cựu chính trị phạm bị phát vãng, xưa kia làm thợ, nay làm ở toà án, rất gần đây, trên đường cái quan đi Sibiri. Ở nơi xưa kia ông ấy bị lưu đày. Và cả ông Tiverzin là bạn của ông ấy, hai người đều là thành viên của toà án quân sự cách mạng. Thế mà ông nghĩ sao? Pasa không buồn thổ lộ với bố rằng mình là ai, còn ông bố thì cũng chả tự ái, cứ coi như chuyện đương nhiên. Nếu anh còn giấu danh tính, tức là nó không thể lộ tên thật. Họ là đá, chứ không phải là người nữa. Nguyên tắc. Kỷ luật. Đúng, giả sử cuối cùng tôi có chứng minh được rằng tôi là vợ anh ấy đi nữa, thì sao, hệ trọng quá hả! Ở đấy người ta có để tâm đến vợ con chăng? Giữa thời buổi này chăng? Vô sản thế giới, tạo dựng lại vũ trụ, đấy mới là chuyện đáng bàn, cái đó tôi hiểu. Đằng này, một sinh vật có hai chân, đại loại như một mụ vợ ấy à, xì, thì cũng chả gì hơn một con chấy con rận.
Viên sĩ quan tuy tùng thỉnh thoảng bước ra, hỏi ai muốn gặp anh ấy có việc gì, rồi cho vài người vào. Tôi không xưng họ tên; vào gặp có việc gì, thì tôi trả lời là có chuyện riêng, có thể biết trước rằng mình sẽ bị từ chối. Viên sĩ quan tuỳ từng nhún vai, nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Thế là tôi không gặp Pasa lần nào cả.
Chắc ông tưởng anh ấy khinh rẻ mẹ con tôi, không còn thương và nhớ đến mẹ con tôi chăng, ngược lại! Tôi biết anh ấy quá mà! Vì quá dư thừa tình cảm mà anh ấy bày ra như thế! Anh ấy cần đặt xuống dưới chân mẹ con tôi tất cả các vòng hoa chiến thắng, để trở về không phải với hai bàn tay trắng, mà là trong niềm vinh quang của người chiến thắng! Để làm cho hai mẹ con tôi trở nên bất tử! Để chúng tôi phải loá mắt! Như một đứa trẻ con.
Katenka lại bước vào phòng. Lara nhấc bổng đứa bé đang ngơ ngác lên tay, đung đưa nó, cù nó, hôn nó và ôm nó đến nghẹt thở.
Chú thích:(1) Ở Nga phụ nữ có chồng thường mang họ của chồng.
|
Chương 140
Zhivago cưỡi ngựa từ thành phố trở về Varykino. Chàng đã qua lại vùng này không biết bao nhiêu lần. Chàng đã quá quen thuộc với con đường, đến nỗi chẳng còn để ý hoặc có cảm xúc gì với nó nữa.
Chàng sắp tới ngã ba trong rừng, nơi có đường quẹo dẫn đến xóm chài Vaxilepscoie trên sông Sacma. Ở ngã ba có dựng tấm biển quảng cáo nông cơ của hãng Moro-Vetchinkin, tấm biển thứ ba trong vùng. Thường thường, chàng về tới đó vào lúc hoàng hôn. Hôm nay cũng vậy, trời sắp tối.
Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày chàng ở lại thành phố, chứ không trở về Varykino vào buổi chiều. Chàng ở lại nhà Lara, nhưng bảo với gia đình rằng chàng bận việc trên thành phố nên phải nghỉ lại ở quán trọ nhà Samdeviatôp.
Chàng và Lara đã chuyển sang lối xưng hô "anh - em" từ lâu.
Chàng đang lừa dối Tonia và giấu nàng những điều ngày càng nghiêm trọng hơn, những điều khó bề tha thứ. Chưa bao giờ có chuyện như thế này.
Chàng yêu vợ tới độ sùng bái. Đối với chàng, sự yên tĩnh của tâm hồn nàng, sự yên ổn của nàng là điều quý giá nhất trên đời. Chàng bảo vệ danh dự cho nàng bằng tất cả khả năng mình còn hơn cả cha nàng và chính nàng. Nếu có kẻ nào làm tổn thương lòng kiêu hãnh của nàng, chàng sẵn sàng xé xác kẻ đó bằng chính đôi tay chàng. Thế mà bây giờ, kẻ xúc phạm ấy lại chính là chàng.
Ở nhà trong gia đình, chàng luôn có cảm giác mình là một tên tội phạm chưa bị phát giác. Gia đình không hay biết gì vẫn niềm nở yêu thương chàng khiến chàng lấy làm đau đớn. Giữa lúc đang vui vẻ chuyện trò, chàng chợt nhớ đến tội lỗi của mình, thì sững cả người ra và không còn nghe hiểu điều gì xung quanh nữa.
Nếu điều đó xảy ra trong bữa ăn, thì miếng ăn nuốt xuống bị tắc ở cổ họng chàng, chàng đành đặt muỗng, đẩy cái dĩa ra một bên. Chàng nghẹn ngào, cố giữ cho nước mắt khỏi trào ra. "Anh làm sao thế? - Tonia ngơ ngác. - "Chắc anh biết có chuyện gì chẳng lành ở trên thành phố phải không? Có ai bị bắt chăng? Hay là bị xử bắn? Nói đi anh. Đừng sợ làm em buồn. Anh nói ra sẽ thấy dễ chịu hơn".
Phải chăng chàng đã phản bội Tonia vì thích ai đó hơn nàng? Không, chàng chẳng chọn ai, chẳng so sánh nàng với ai.
Tư tưởng "quyền tự do luyến ái" những kiểu nói đại loại "quyền và nhu cầu tình cảm" đều là xa lạ đối với chàng. Nói và nghĩ đến những chuyện như thế bị chàng coi là đê tiện. Trong đời chàng chưa hề hái "các bông hoa khoái lạc", không xếp mình vào loại siêu nhân hay thần thánh, không đòi cho mình các đặc ân. Chàng đang khổ sở vì bị lương tâm cắn rứt.
"Rồi sẽ ra sao? - Đôi khi chàng tự hỏi mà không tìm được câu trả lời nên cứ hy vọng vào một phép lạ, vào sự can thiệp của những hoàn cảnh bất ngờ nào đó sẽ đem lại cách giải quyết giùm cho chàng.
Nhưng hôm nay thì không thế. Chàng đã nhất quyết cởi bỏ thẳng thừng cái mối bòng bong ấy. Chàng về nhà với một quyết định có sẵn: chàng sẽ thú nhận tất cả với Tonia, xin nàng tha thứ và sẽ không bao giờ gặp Lara nữa.
Thật tình mọi chuyện ở đây không thuận chèo mát mái hoàn toàn. Lúc này chàng cảm thấy rằng vẫn chưa thật rõ, vẫn còn mập mờ cái chuyện chàng dứt tình mãi mãi, chàng đoạn tuyệt hẳn với Lara. Sáng hôm nay, chàng tuyên bố với Lara rằng chàng muốn thú nhận tất cả với Tonia, rằng chàng và Lara không thể tiếp tục gặp nhau được nữa, nhưng bây giờ chàng có cảm tưởng rằng giọng nói của chàng lúc ấy quá mềm yếu chưa đủ cương quyết. Lara cũng hiểu chàng đang khổ tâm như thế nào, nên không muốn làm chàng buồn thêm bằng những cảnh não lòng.
Nàng gắng gượng bình tĩnh để nghe chàng nói hết. Câu chuyện giải thích giữa hai người diễn ra trong một căn phòng bỏ trống của chủ cũ, mà Lara không ở, phòng này nhìn ra phố Thương Gia. Những giọt lệ chảy dài trên má Lara, những giọt lệ mà nàng không hề cảm nhận được, giống như những giọt nước mưa lúc ấy đang chảy trên mặt các pho tượng đá ở ngôi nhà phía đối diện. Nàng khẽ nói, bằng giọng chân thành, chứ không hề tỏ bộ cao thượng:
"Anh cứ làm những điều mà anh cho là tốt nhất, đừng lo lắng gì cho em. Em sẽ đủ nghị lực vượt qua tất cả".
Và nàng không biết mình đang khóc, nên không lau các giọt nước mắt đi.
Khi nghĩ rằng Lara có thể hiểu lầm chàng, rằng chàng đã để mặc nàng với sự hiểu lầm ấy, với những hy vọng hão huyền, thì chàng đã định quay ngựa phi trở lại thành phố để nói nốt cái điều còn mập mờ kia, và chủ yếu là để từ biệt nàng một cách thống thiết hơn, dịu dàng hơn, đúng với một cuộc biệt ly vĩnh viễn thực sự. Khó khăn lắm chàng mới tự chủ được để đi tiếp về nhà.
Mặt trời càng xuống thấp, cánh rừng càng lạnh và tối hơn. Nó toả ra mùi lá ướt y hệt mùi chiếc chổi kết bằng cành cây đẫm hơi nước đặt ở cửa buồng tắm hơi nước. Từng đàn muỗi lơ lửng trong không trung như những cái phao bơi trên mặt nước, cứ vo ve đều đều một điệu, nghe đến là buồn.
Chàng cứ luôn tay đập chết những con bám vào mặt, vào cổ chàng, và những tiếng đập của bàn tay vào lớp da đẫm mồ hôi nghe cứ bành bạch, rất hợp với nhịp ngựa phi, với tiếng lạch xạch của đai yên ngựa, với tiếng vó ngựa giẫm lép bép dưới bùn và tiếng sôi bụng thoát ra từ trong bụng con ngựa. Bỗng nhiên ở đằng xa, nơi ánh hoàng hôn bị mắc vướng, chợt nổi lên tiếng hót hoạ mi:
- "Osnho! Osnhi" (Dậy đi! Dậy đi!) - Tiếng gọi có sức thuyết phục ấy nghe gần giống với tiếng gọi trước ngày Phục Sinh: "Linh hồn của ta, hỡi linh hồn của ta! Dậy đi thôi, sao cứ ngủ mê hoài!".
Đột nhiên, một ý nghĩ hết sức đơn giản lóe lên trong óc chàng. Làm gì phải vội vàng? Đã tự hứa với mình thế nào, chàng sẽ làm đúng thế ấy. Chàng sẽ thú tội: Nhưng ai bảo nhất thiết phải ngày hôm nay? Chàng đã hẹn hò gì với Tonia đâu.
Để dịp khác cũng chưa muộn. Trong thời gian ấy, chàng sẽ còn lên thành phố. Chàng sẽ hoàn tất nốt câu chuyện với Lara, sẽ nói với nàng thật thấm thía, thật chân tình, đủ đền bù mọi nỗi khổ sầu ôi tuyệt quá! Hay quá! Lạ chưa, sao chàng không nghĩ ra được như thế sớm nhỉ!
Vởi ý nghĩ rằng chàng sẽ còn gặp Lara lần nữa, chàng muốn phát điên lên vì vui mừng. Tim chàng đập rộn ràng. Bằng tưởng tượng, chàng như đang sống với cuộc tái ngộ ấy.
Những ngôi nhà dựng bằng thân cây ở ngoại ô, những vỉa hè lát gỗ. Chàng đang trên đường đi tới nhà nàng. Lát nữa, ở phố Novosvan, những bãi trống và khu vực nhà gỗ của thành phố sẽ chấm dứt, bắt đầu khu vực xây bằng nhà đá. Các ngôi nhà nhỏ vùng ngoại ô vụt thoáng qua rất nhanh, như các trang sách đang được giở vội, không phải dùng ngón trỏ lật từng tờ, mà dùng ngón cái đặt trên mép sách cho tất cả mọi tờ lật qua phần phật. Xúc động đến nghẹn thở! Kia, chỗ nàng ở kia rồi, ở cuối phố. Dưới khoảng sáng trắng của bầu trời quang dần về chiều sau khi mưa. Chàng yêu biết mấy những ngôi nhà nhỏ quen thuộc kia trên đường dẫn tới nhà nàng! Giá có thể bồng chúng lên tay mà hôn thoả sức! Những cái gác thượng nhỏ, ở giữa mái nhà, chỉ có một cửa sổ nhìn ra! Các ánh đèn thắp sáng và đèn thờ phản chiếu trong các vũng nước trông như các trái dâu! Dưới cái dải trắng của bầu trời đường phố sau cơn mưa kia. Ở đấy chàng sẽ lại nhận được món quà của tạo hoá, do thượng đế tạo ra, là cái kỳ quan sáng loá ấy. Một bóng người bị bóng tối vây quanh sẽ ra mở cửa đón chàng, hứa hẹn một sự gần gũi từ tốn, lạnh như đêm thanh phương Bắc, một người không của ai cả, chẳng thuộc về ai; - cảm giác ấy cứ dâng lên như đợt sóng đầu tiên của biển đêm, khi ta lao mình ra đón nó trên bờ cát.
Zhivago buông cương, cúi rạp người về đằng trước, ôm lấy cổ ngựa, giụi mặt vào bờm nó. Con ngựa tưởng chủ vuốt ve yêu thương như thế tức là ngụ ý giục nó tận dụng sức lực, bèn tung vó phi nước đại.
Con ngựa lướt đi uyển chuyển, vó câu chỉ hơi chạm đất, Zhivago, ngoài tiếng đập rộn ràng của trái tim đang hân hoan, còn nghe văng vẳng những tiếng gọi nào đó mà chàng cho là ảo giác.
Một tiếng súng nổ gần khiến chàng ù tai. Chàng ngẩng đầu lên, chộp lấy dây cương và kéo căng ra. Con ngựa đang đà phi nhanh, bị kìm lại thì loạng choạng mấy bước, lùi lại và hơi khuỵu hai chân sau, sắp sửa chồm lên dựng đứng.
Trước mặt chàng là ngã ba đường. Bên vệ đường, tấm biển quảng cáo "Moro và Vetchinkin. Máy gieo hạt. Máy đập lúa" hồng lên trong ánh chiều tà. Chặn ngang đường là ba người cưỡi ngựa có võ trang. Một người trẻ măng, đội mũ lưỡi trai của học sinh trung học, có các băng đạn liên thanh khoác chéo trên ngực. Người thứ hai mặc áo capết sĩ quan kỵ binh, đội mũ cabana, loại mũ của kỵ binh cô-dắc. Và một ông béo, trông rất kỳ dị, như được ngụy trang đi dự vũ hội hoá trang, mặc chiếc quần bông chần, chiếc áo bông và đội chiếc mũ linh mục rộng vành sụp xuống tận mắt.
- Đứng im, đồng chí bác sĩ, - người sĩ quan kỵ binh nói, giọng đều đều, thản nhiên. - Trong trường hợp tuân lệnh, chúng tôi xin bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tính mệnh của đồng chí. Bằng không, chúng tôi sẽ nổ súng ngay, chớ trách. Đồng chí y sĩ của đơn vị chúng tôi mới hy sinh. Chúng tôi buộc phải trưng dụng đồng chí làm công tác y tế. Hãy xuống ngựa và trao dây cương cho đồng chí trẻ tuổi kia. Tôi nhắc lại. Nếu có ý định chạy trốn, chúng tôi sẽ chẳng nể nang gì hết.
- Có phải anh là đồng chí Lensnyc, con trai ông Miculisyn không đấy?
- Không, tôi là Kamenodvoski, trưởng ban liên lạc của đồng chí ấy.
|
Chương 141
Các thành phố, thôn xóm, trạm trại nối tiếp nhau. Thành phố Grestodvigiensk, trấn Omenchino, Paginsck, Tysietcoie, Aglinscoie, xóm Dvonaskaia, trại Vondie, Guatovski ấp Kegiem, trấn Kadevo, xóm Kuteinyi, làng Malyi Ermolai.
Đường cái quan, chạy qua những nơi ấy, cái đường bưu trạm cổ xưa nhất ở Sibiri. Nó cắt ngang các thành phố thành hai phần, như cắt ổ bánh mì, bằng lưỡi dao là đại lộ chính, còn gặp các thôn xóm thì nó lướt qua những ngôi nhà gỗ đứng thành hàng dài hoặc bẻ quẹo thành hình vòng cung, hoặc hình cái móc treo khi gặp một khúc quanh bất ngờ.
Thời xa xưa, khi chưa có đường xe lửa qua Khodatscoie, thì các xe bưu trạm vẫn chạy trên đường cái quan này. Từ Đông sang Tây là các chuyến xe ngựa chở trà, lúa mì và đồ sắt, còn từ Tây sang Đông là các đoàn tù binh đi bộ từng chặng, bị lính áp giải thúc giục. Họ lết đi cho hợp nhịp chân với nhau, cùng khua xiềng xích loảng xoảng. Ấy là những con người bỏ đi những kẻ tuyệt vọng, khủng khiếp như các tia chớp trên trời. Và xung quanh là những cánh rừng âm u, hiểm trở đang xào xạc. Đường bưu trạm sống như một gia đình. Các thành phố, các làng xóm biết nhau, thân thiết với nhau như ruột thịt. Ở Khodatscoie, nơi đường cái quan và đường xe lửa gặp nhau, có các xưởng sửa chữa đầu máy, các xưởng cơ khí đường sắt, có vô số kẻ hành khất rách rưới chen chúc trong các trại, họ ngã bệnh mà chết. Những chính trị phạm mãn hạn phát vãng, ai có hiểu biết kỹ thuật thì được đưa tới đây làm đốc công và ở lại định cư trong tình trạng bị quản thúc.
Suốt dọc con đường này, những Xô viết đầu tiên được thành lập đã bị lật đổ từ lâu. Trong một thời gian, miền này nằm dưới quyền kiểm soát của Chính phủ lâm thời Sibiri, còn bây giờ khắp miền rơi vào vòng thống trị của tổng tư lệnh Konchak.
|
Chương 142
Ở một trong những chặng dài, con đường leo lên một cái dốc khá cao. Tầm mắt mở ra mỗi lúc một xa. Tưởng chừng con dốc lên đến tận trời và tầm mắt nhìn ra vô hạn. Nhưng khi cả người lẫn ngựa đã mệt mỏi dừng chân để lấy hơi, thì đó cũng đã là đỉnh dốc. Trước mặt họ, con đường bò chạy qua một cây cầu và dòng sông Kegiơma chảy cuồn cuộn ở dưới cầu.
Bên kia sông, trên một ngọn dốc còn cao hơn nữa hiện ra bức tường gạch của tu viện Vozdovigien. Con đường chạy dài vòng sườn đồi tư viện và sau mấy quãng khuất giữa các sân sau của ngoại ô, nó thọc sâu vào thành phố.
Ở đằng ấy, con đường một lần nữa ôm lấy mép khuôn viên tư viện ở quảng trường chính, nơi có chiếc cổng sắt lớn hơn sơn màu xanh lá cây mở ra. Tượng thánh trên vòm cổng được một dòng chữ thiếp vàng ôm thành vòng bán nguyệt: "Mừng thánh giá ban sự sống, Đức tin tất thắng".
Bấy giờ mùa đông sắp hết, đang giữa tuần Thánh, cuối tuần Chay. Trên các nẻo đường, tuyết đen dần lại, báo hiệu bắt đầu tan, còn trên các mái nhà tuyết vẫn trắng và phủ cao như những chiếc mũ lông dày.
Những cậu bé leo lên chỗ tháp chuông của tư viện Vozdvi- gien xem những người kéo chuông, thấy các ngôi nhà ở bên dưới như các hộp dựng thánh tích nhỉ được xếp sát vào nhau, mọi người đi lại giữa các ngôi nhà chỉ bé bằng con kiến.
Từ trên tháp chuông, có thể nhận ra vài người theo dáng đi của họ. Một số đến gần các bức tường dán la liệt các sắc lệnh của Tổng tư lệnh Konchak về việc gọi nhập ngũ ba lớp tuổi tiếp theo.
|