Bác Sĩ Zhivago
|
|
- Tớ nói giỡn tí mà, thôi, cho qua đi. Để tớ kể cho cậu nghe chuyện này. Tớ vừa rồi có sang chơi bên trấn Paginsck. Ở đó có một diễn giả đến giảng một bài về "Giải phóng cá nhân". Hay ơi là hay. Tớ thích món ấy lắm. Mẹ kiếp, tớ sẽ theo phái vô chính phủ. Ông ta bảo: sức mạnh ở trong lòng chúng ta. Giới tính và tính nết, ông ta bảo, là sự thức tỉnh của điện động vật. Sao? Đúng là thần đồng. Nhưng tớ uống nhiều quá rồi. Xung quanh họ ồn ào quá, chả nghe thấy gì nữa, điếc cả tai. Tớ không chịu nổi nữa, cậu đừng nói; Teresa. Kìa, tớ bảo cậu khoá mõm lại cơ mà, đồ con lừa, đồ bám váy mẹ, câm đi!
- Nghe đây, Goska, mày hãy trả lời tao một câu này nữa thôi Tao chưa nghe thông tất cả những chữ nói về chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn chữ "kẻ phá hoại". Nghĩa là gì hở mày?
- Tao thì tao thừa sức giảng cho mày nghe những chữ ấy, nhưng mà tao đã bảo tao xỉn rồi, để tao yên đi, Teresa. Kẻ phá hoại nghĩa là kẻ nhập bọn với những đứa khác. Nếu bảo mày là kẻ phá hoại, tức thị mày là đồng bọn với những đứa khác. Hiểu chưa, đồ ngốc?
- Tao cũng nghĩ đây là một câu chửi. Còn về khoản sức điện thì mày nói đúng. Tao đã tính gửi mua ở Petersburg một cái dây lưng điện theo như lời chào hàng. Để tăng sức hoạt động. Mua theo kiểu lĩnh hoá giao ngân ấy mà. Thình lình xảy ra cuộc đảo chính mới. Chả còn bụng dạ nghĩ đến dây lưng nữa.
Teresa chưa nói dứt. Các giọng nói say rượu lè nhè bị át hẳn bởi một tiếng nổ vang rền ở gần đâu đây. Trong chốc lát, tiếng huyên náo quanh dãy bàn ăn im bặt. Một phút sau nó lại nổi lên loạn xạ hơn. Một phần tử cử toạ hấp tấp đứng dậy.
Những kẻ tỉnh hơn thì còn đứng vững. Những kẻ khác thì loạng choạng cố bước đi, nhưng không cất bước nổi, lảo đảo ngã chổng kềng xuống gầm bàn và lập tức ngáy khò khò. Cánh đàn bà kêu rú lên. Thật là nhốn nháo, quân hồi vô phòng.
Galudin ném cái nhìn sang hai bên để tìm thủ phạm. Thoạt tiên lão ta nghĩ rằng tiếng nổ xảy ra ở trong làng Kuteinyi, ngay gần đây, thậm chí sát dãy bàn ăn. Gân cổ lão nổi lên, mặt đỏ tía tai, lão hét váng lên:
- Thằng Judas nào trà trộn vào hàng ngũ chúng ta để gây rối đấy? Thằng chó đẻ nào nghịch lựu đạn thế hả? Dù nó là con tôi tôi cũng sẽ bóp cổ nó, quân rắn độc! Thưa quý vị, chúng ta sẽ không chấp nhận cái trò đùa giỡn kiểu ấy! Tôi yêu cầu mở cuộc lùng xét. Ta hãy vây quanh làng Kuteinyi! Tóm cổ tên xách động! Chớ có để thằng chó đẻ ấy tẩu thoát.
Thoạt đầu người ta còn nghe lão nói. Sau đó sự chú ý của mọi người chuyển về phía có một cột khói đen đang từ từ bốc lên cao từ trụ sở hành chính xã tại làng Malyi Ermolai. Ai nấy đổ xô ra chỗ bờ khe để nhìn xuống, xem dưới kia có chuyện gì.
Từ trong trụ sở đang bốc cháy, chạy ra mấy tân binh không quần áo ngoài, một cậu trong bọn chỉ xỏ vội được chiếc quần xà lỏn, chân không giày, kế đó là đại tá Streze cùng mấy quân nhân của ban trưng binh làm nhiệm vụ khám sức khỏe. Đám kỵ binh và cảnh sát tay vung súng ngắn, rạp mình trên những con ngựa đang ưỡn thân phi nhân như các con rắn uốn éo, chạy khắp ngả trong làng. Chúng đang săn lùng kẻ nào đó.
Rất nhiều người đang chạy sang làng Kuteinyi. Tiếng chuông báo động từ trên tháp chuông tu viện dồn dập đuổi theo họ.
Sự việc sao đó diễn biến cực kỳ mau lẹ. Lúc trời gần tối, đại tá Streze cùng đám lính cô-dắc xông lên làng Kuteinyi để tiếp tục lùng bắt. Chúng cắt lính bao vây xung quanh làng rồi xộc vào từng nhà, từng trang trại.
Một nửa người dự tiệc lúc này vẫn say bí tỉ, đang nằm ngủ khò khò, đầu gục xuống mép bàn hoặc nằm ngổn ngang dưới gầm bàn. Khi hay tin cảnh binh xông vào làng, thì trời đã tối hẳn.
Để thoát bọn cảnh binh, một đám thanh niên chạy biến về ngả cuối làng, rồi họ chen lấn xô đẩy nhau để chui xuống gầm một nhà kho đầu tiên họ bắt gặp, qua cái cửa kho thấp dưới mặt đất. Vì trời tối, họ chẳng hiểu đây là nhà kho của ai, nhưng căn cứ vào mùi cá và dầu hôi, thì chắc đây là kho của hợp tác xã tiêu thụ.
Đám thanh niên đi trốn này chả có lầm lỗi gì hết. Họ bỏ trốn là do lầm tưởng. Đa số làm thế vì vội vã hấp tấp, vì đang say rượu nên chả hiểu đầu của tai nheo ra sao. Một số có quan hệ quen biết với những người mà họ tưởng rằng đang bị chê trách và có thể gây hại cho họ. Bây giờ mọi chuyện đều mang màu sắc chính trị. Sự nghịch ngợm và quấy phá ở vùng Xô viết bị coi là dấu hiệu phần tử Trăm Đen(3), còn ở vùng bạch vệ thì bị coi là dân bolsevich. Thì ra, đã có những người khác chui vào trốn ở đây trước họ. Khoảng trống giữa mặt đất và sàn kho đã đầy người.
Những thanh niên làng Kuteinyi thì say mềm, đang nằm gáy khò khò, chốc chốc lại nghiến răng ken két, rên rỉ trong giấc ngủ, hoặc đang ngồi nôn thốc nôn tháo. Dưới kho tối như hũ nút, ngạt thở và vô cùng hôi hám. Những người chui vào sau cùng vội lấy đất đá bít cửa lại để bên ngoài khỏi phát giác chỗ ẩn nấp của họ. Lát sau, tiếng ngáy, tiếng rên chấm dứt hẳn.
Yên lặng hoàn toàn. Ai nấy đã ngủ yên. Chỉ trong một góc kho còn tiếng thì thào của hai gã thanh niên sợ mất mật là Teresa Galudin và Koska Nekhvalenyk, con trai một phú ông bên làng Ermolai, một gã du đãng.
- Đừng có bô bô cái mồm như thế, đồ nhãi ranh, mày định giết chết cả lũ chúng tao hả? Mày có nghe thấy bọn lính của Streze đang lùng sục ngoài kia không? Chúng nó đã từ cuối làng vòng lại, đang dàn hàng ngang mà tìm, sắp đến cái kho này rồi. Đó, chúng nó đấy. Giả chết đi, rún thở lại, tao thì bóp cổ này bây giờ! Thôi, xong rồi, hên cho mày đó, chúng nó đi xa rồi. Rút về rồi. Thế mày mò đến đây làm cái khỉ mốc gì vậy? Cứ phải theo đuôi những người khác mới được à? Có đứa nào động đến mày đâu?
- Tôi nghe thằng Goska trốn đã đành. Cả gia đình nó đang bị để ý, bị nghi ngờ. Nó có họ hàng ở Khodatscoie. Làm thợ cả, gốc gác thợ thuyền mà lại. Nằm im, đồ ngu, đừng có cựa quậy.
Chúng nó phóng uế, ói mửa lung tưng cả xung quanh. Mày mà nhúc nhích, chạm phải, thì mày sẽ làm dính sang cả tao. Mày không ngửi thấy mùi hôi thối sặc sụa đấy à. Có biết tại sao Streze lục soát khắp làng không? Lão ta tìm bắt cái bọn ở trấn Paginsck trốn về đây đấy.
- Đầu đuôi câu chuyện thế nào, hở Koska?
- Tại cái thằng Sanka nhà Papnutkin mà ra cả. Bọn tao đang đứng xếp hàng, trần như nhộng, để khám sức khỏe. Đến lượt thằng Sanka. Nó không chịu cởi quần áo. Nó mới uống rượu ở đâu về. Nó đến trụ sở với bộ dạng say mèm. Viên thư ký góp ý với nó, bảo nó: "Anh hãy cởi quần áo ra". Lịch sự. Gọi nó bằng "anh" tử tế. Viên chức quân đội mà lại. Thế mà thằng Sanka đốp lại: "Tao đếch cởi. Tao cóc muốn khoe của quý với mọi người". Làm như nó mắc cỡ lắm không bằng. Đoạn nó xích gần tới bên hông viên thư ký, làm như chả có chuyện gì, rồi bất ngờ - pập! Nó giáng một quả đấm tống vào quai hàm thằng cha kia. Đúng thế. Mày biết không, chưa ai kịp chớp mắt, nó, thằng Sanka ấy, nó cúi xuống, chộp cái chân bàn và, - hấp! nó lật nhào cái bàn cùng với hết thảy các thứ ở trên như bút mực, các bảng danh sách! Lão Streze từ cửa trụ sở quát to vào: "Tôi không tha thứ những trò côn đồ! Tôi sẽ cho các anh biết thế nào là một cuộc cách mạng không đổ máu, thế nào là coi thường pháp luật ở địa điểm trưng binh. Thằng chủ mưu đâu?"
Lúc ấy Sanka chạy ra phía cửa sổ, miệng kêu to: "Khốn rồi, lượm đồ trốn thôi! Ở đây thì chết cả đám, anh em ơi!". Tao vơ vội quần áo, vừa chạy vừa mặc đồ, theo sau Sanka. Nó đấm vỡ cửa kính, vọt ngay ra đường, đố ai đuổi kịp đấy. Tao lao theo. Thêm mấy đứa nữa, bọn tao vắt chân lên cổ mà chạy. Tụi lính lao ra đuổi theo. Mày hỏi đầu đuôi câu chuyện thế nào ấy à? Đếch thằng nào biết đâu.
- Còn trái bom?
- Bom gì?
- Đứa nào ném bom? Ơ hay, không bom thì lựu đạn vậy?
- Trời đất, mày tưởng tụi tao ném không bằng?
- Thế thì ai ném?
- Làm sao tao biết được? Chắc một đứa nào khác. Nó thấy tất cả loạn ngậu xị, nó nghĩ, ừ, thì cho cả xã nổ tung lên chơi cho vui. Họ sẽ chẳng ngờ đến mình. Có lẽ một cha chính trị phạm nào đó. Đám chính trị phạm từ Paginsck ấy, bọn họ ở đây nhan nhản ra đó. Suỵt, im mày! Có tiếng người. Nghe thấy chưa, tụi lính của Streze quay lại. Đúng rồi, thôi chết cả lũ rồi. Tao bảo mày im cái mõm kia mà.
Tiếng người đến gần hơn. Tiếng ủng nghiến kèn kẹt. Tiếng đinh thúc ngựa lịch bịch.
- Ông đừng cãi. Không ai đánh lừa được ta. Ta không phải kẻ ngu cho đứa khác lừa. Rõ ràng ta nghe có tiếng chúng nó nói chuyện đâu đây, - giọng nói Petersburg của viên đại tá vang lên dõng dạc, nghe rất oai.
- Thưa ngài, rất có thể ngài tưởng là nghe thấy đấy thôi, - Ông già Otviagistin, một người chuyên chế biến cá, làm lý trưởng bên làng Ermolai, nói để viên đại tá nguội đi. - Ngài nghe có tiếng người là phải thôi, vì ta đang ở giữa làng chứ đâu phải ở ngoài bãi tha ma. Rất có thể người ta nói chuyện thật. Trong các gia đình chả lẽ mọi người cứ câm miệng cả à. Cũng có thể ai đó đang ú ớ vì nằm mơ bị ma xó đè.
- Thôi thôi ta sẽ cho các người biết thế nào là giả bộ quê mùa dốt nát! Ma xó! Làng các người sa sút tinh thần lắm. Các người cứ giả bộ ngờ nghệch đi, đến lúc cách mạng thế giới xảy ra thì hối không kịp đâu. Ma xó với chả táo quân!
- Mong ngài đại tá lượng tình cho. Cách mạng thế giới gì ở cái xó xỉnh này ạ! Dân làng chúng con toàn một lũ dốt đặc cán mai, sống giữa nơi khỉ ho cò gáy. Đến sách lễ họ còn đọc chẳng thông, thì họ biết gì về cách mạng.
Các người đều một giọng lưỡi như thế khi chưa bị bắt quả tang. Phải lục soát toàn bộ khu nhà hợp tác xã tiêu thụ từ trên xuống dưới. Phải lục hết các hòm tủ, phải nhìn kỹ các hầm quầy hàng, khám xét tất cả những kho lán phụ cận.
- Xin tuân lệnh ngài đại tá.
- Phải bắt cho được, dù sống hay chết, mấy tên Sanka, Koska, dù chúng nó có chui xuống dáy biển chăng nữa! Cả thằng Teresa nhà Galudin nữa. Bất kể thằng cha nó đọc ra rả các bài diễn văn ái quốc ái quần. Làm bộ tinh thần cao lắm. Ngược lại là đằng khác. Hắn không ru ngủ được ta. Một gã con buôn đi diễn thuyết, tức là tình hình tồi tệ. Đáng ngờ. Trái lẽ thường. Ta được mật báo cho biết rằng nhà của chúng ở Crestovodvigiensck có che giấu bọn chính trị phạm và các cuộc họp kín. Phải bắt thằng con hắn. Ta chưa quyết định cách xử lý hắn, nhưng nếu phát giác được điều gì phi pháp, ta sẽ thẳng tay treo cổ hắn để làm gương cho kẻ khác.
Bọn lùng sục bỏ đi: Khi chúng đã đi xa hẳn, Koska hỏi Teresa đang sợ gần chết từ nãy đến giờ:
- Nghe rõ chưa?
- Rồi, - Teresa trả lời, giọng lạc hẳn đi.
- Bây giờ tao với mày, với thằng Sanka, thằng Goska chỉ còn mỗi cách là trốn vào rừng. Tao không bảo là mình sẽ ở đây mãi. Cho đến khi nào chúng nguôi đi. Bấy giờ sẽ liệu sau, có thể ta sẽ lại về làng.
Chú thích:
(1) Một dân tộc ít người ở phía Đông hồ Baikan, thuộc miền Đông Sibiri.
(2) Kostet lấy bí danh là tên phụ nữ.
(3) Một tổ chức gồm các phần tử du đãng có vũ trang, chống lại phong trào cách mạng thời kỳ 1905 – 1907
|
Chương 147
Zhivago bị du kích cầm tù đã hơn một năm. Cảnh mất tự do của chàng có giới hạn rất không rõ ràng. Nơi giam cầm chàng không có tường rào bao quanh. Chàng không hề bị canh chừng hay bị theo dõi. Đoàn quân du kích luôn luôn đi chuyển. Zhivago theo họ đến khắp nơi. Quân du kích không hề tách biệt, không hề ngăn cách với dân chúng. Họ lẫn vào với dân, trà trộn trong dân, mỗi khi kéo qua các thôn xóm và thị trấn. Dường như cả sự độc lập giam cầm ấy đều không hề có.
Bác sĩ vẫn được tự do, có điều là chàng chẳng biết cách tận dụng nó. Sự phụ thuộc, sự cầm tù của chàng không khác gì những hình thức câu thúc khác trong cuộc sống, những hình thức cũng thường vô hình, vô cảm và có vẻ không thực, mà chỉ là ảo giác, hư cấu như thế. Mặc dù vắng bóng xiềng xích, gông cùm và giám thi, song bác sĩ vẫn buộc phải phục vụ tình cảnh mất tự do, dù bề ngoài có vẻ tưởng tượng, của mình.
Ba lần liều trốn đều bị bắt lại. Chàng không bị hình phạt gì cả, nhưng đúng là đùa với lửa. Chàng đành từ bỏ ý định chạy trốn.
Chàng được lòng vị chỉ huy du kích là Liveri Miculisyn. Anh ta ưu đãi, cho chàng ngủ chung lều và thích bầu bạn với chàng. Chàng vất vả chịu đựng sự thân mật bị ép buộc này.
Thời kỳ này quân du kích gần như liên tục dồn sang phía Đông. Đôi khi sự chuyển dịch ấy là một bộ phận của kế hoạch tổng công kích nhằm quét quân đội Konchak ra khỏi miền Tây Sibiri. Đôi khi, nếu bọn bạch vệ thọc vào sau lưng quân du kích và định bao vây họ, thì cuộc di chuyển vẫn về hướng Đông mang tính chất một cuộc rút lui. Trong một thời gian dài Zhivago không hiểu gì về điều bí ẩn ấy.
Các thị trấn và làng xóm ven đường cái quan, nơi quân du kích đi ngang qua hoặc xuyên qua, rất là khác nhau, tùy theo sự may rủi của thời vận quân sự, - Là làng Đỏ hoặc làng Trắng. Nhìn bề ngoài, thực khó mà biết chính quyền bên trong nằm trong tay ai. Khi đoàn quân kéo qua các thị trấn và làng xóm ấy, chính đoàn quân dài dằng dặc đó trở thành lực lượng chủ yếu ở đây.
Các ngôi nhà ở cả hai bên đường tựa hồ co lại và lún thấp xuống đất, trong khi các tốp kỵ binh, ngựa, đại bác và những đơn vị bộ binh đông đảo, áo capốt cuộn tròn khoác trên ba lô sau lưng, đạp bùn mà đi, tưởng chừng cao lớn hơn cả các mái nhà Một lần, trong một thị trấn như thế, bác sĩ tiếp nhận một chiến lợi phẩm là một kho thuốc Anh mà một tốp sĩ quan bạch vệ dưới quyền tướng Kappen phải bỏ lại trong lúc rút lui.
Ngày hôm ấy mưa và ấm, có hai màu. Tất cả những chỗ có ánh sáng chiếu vào dường như có màu trắng, còn tất cả phần còn lại là màu đen. Trong tâm hồn cũng vậy, chỉ có cái bóng tranh tối tranh sáng, không có sự chuyển tiếp hoặc pha sắc khả dĩ làm dịu nhẹ nỗi lòng.
Con đường bị giày xéo bởi những cuộc chuyển quân thường xuyên đã biến thành một dòng bùn đen. Người ta chỉ có thể qua đường mà không lấm chân ở một vài nơi cách nhau rất xa, sau khi mất công đi vòng vèo hàng quãng dài. Trong hoàn cảnh đó, ở trấn Paginsck, bác sĩ Zhivago đã gặp lại người bạn đồng hành trên xe lửa ngày trước là Pelaghen Chiagunova.
Chị ta nhận ra chàng trước. Chàng phải mất một phút mới nhớ lại được khuôn mặt quen quen của người phụ nữ đang đăm đăm nhìn chàng từ phía bên kia đường, như từ bờ đối diện của một dòng kênh, cái nhìn ngụ ý nước đôi, rằng chị ta quyết chào hỏi chàng nếu chàng nhận ra chị ta, bằng không, chị ta cũng sẵn sàng quay đi. Chàng đã nhận ra. Cùng với hình ảnh toa tàu đông nghẹt những tốp người bị cưỡng bức ra phục vụ chiến trường, những người lính áp giải, và người phụ nữ có bím tóc đuôi sam hất ra trước ngực, chàng chợt thấy hiện lên hình ảnh những người thân trong gia đình chàng, những chi tiết của cuộc tản cư cách đây hai năm dồn dập hiện về rõ mồn một, những khuôn mặt thân yêu mà chàng vẫn nhớ thương da diết đến não lòng chợt hiện ra sống động trước mắt chàng.
Chàng hất hàm ra hiệu để Chiagunova cùng chàng đi ngược lên phố một quãng nữa mới có thể qua đường nhờ có một hàng đá xếp nhô trên mặt bùn. Chàng tới chỗ đó, sang gặp và chào hỏi chị ta.
Chiagunova kể cho chàng nhiều chuyện. Sau khi nhắc chàng nhớ đến cậu thiếu niên Vasia ngây thơ, bị trưng dụng bất hợp pháp vào quân đoàn lao công chiến trường và ở cùng một toa với họ, chị ta tả lại cuộc sống của mình ở nhà của mẹ Vasia tại làng Veretenich: Tại đó, chị ta cảm thấy rất thoải mái.
Nhưng dân làng không thích trong làng có người đàn bà xa lạ từ nơi khác đến. Họ lên án chị ta, làm như chị ta có quan hệ gần gũi nọ kia với Vasia. Chị ta đành ra di để tránh các hậu quả xấu hơn. Chị đến ở với bà chị Olga Galudina tại thành phố Crestovozdvigiensck. Nghe đồn có người trông thấy Pritylev ở Paginsck này, nên chị ta tới đây. Hoá ra là họ đồn sai. Còn chị ta tìm được việc làm nên đã ở lại đây.
Trong khi đó tai hoạ xảy ra với những người thân yêu của chị. Chị được tin làng Veretenich bị triệt hạ vì không tllân lệnh trưng thu lương thực thừa. Nhà của mẹ con Vasia bị cháy và có một người trong gia đình bị chết. Nhà bà chị Galudina ở Crestovozdvigiensck thì bị tịch thu gia sản. Ông anh rể của chị bị bỏ tù hoặc bị xử bắn. Thằng cháu thì mất tích. Thời gian đầu bà chị Galudina lâm cảnh đói khát khổ sở, nhưng bây giờ đang đi ở cho một gia đình nông dân có họ hàng xa tại xóm thợ Dvonasck.
Tình cờ Chiagunova lại làm công trong cái hiệu thuốc Paginsck mà bác sĩ Zhivago có nhiệm vụ tịch thu tài sản. Việc tịch thu này sẽ đẩy tất cả những người sống nhờ vào tiệm thuốc, trong đó có chị, tới cảnh kiệt quệ. Nhưng bác sĩ Zhivago đâu có quyền bãi lệnh. Chiagunova đã chứng kiến việc tịch thu kho thuốc ấy Chiếc xe của Zhivago được đưa vào sân sau của hiệu thuốc đến tận cửa kho. Các chai thuốc, các thùng thuốc được buộc bằng cành liễu nhỏ, bị khuân từ trong kho ra chất lên xe.
Các nhân viên của tiệm thuốc buồn bã nhìn cảnh ấy và tâm trạng của họ dường như lây sang cả con ngựa gày còm, ghẻ lở của tiệm thuốc đang đứng trong tàu ngựa ngó ra. Ngày mưa sắp tàn. Trời quang được một chút. Mặt trời đang lặn hé ra sau những đám mây đen bao bọc, trong chốc lát, ném những tia nắng màu đồng đỏ sậm xuống sân nhuộm vàng mấy vũng phân ngựa nhão nhoẹt một cách đáng sợ. Nước phân quá đậm đặc, gió không lay động nổi vũng nước ấy. Nhưng đám nước mưa tràn ngập ngoài đường cái thì gợn sông lấp loáng với những tia nắng đỏ bầm.
Đoàn quân vẫn đi, đi mãi hai bên mép đường, vòng tránh các vũng nước sâu như ao hồ. Trong số thuốc men tịch thu được có cả một hộp cocain, thứ ma tuý mà vị chỉ huy du kích luôn đem ra hít ngửi ít lâu nay.
|
Chương 148
Bác sĩ bận lút đầu với công việc của đoàn quân ở rừng. Mùa đông thì bệnh sốt phát ban, mùa hè thì bệnh kiết ly, cộng với số thương binh ngày một nhiều do chiến sự gia tăng.
Mặc dù gặp thất bại và chủ yếu phải rút lui, hàng ngũ du kích quân không ngừng được bổ sung bởi những người dân mới vùng dậy ở các vùng đoàn quân đi qua và bởi những người rời bỏ hàng ngũ kẻ thù chạy sang với du kích. Trong vòng một năm rưỡi Zhivago ở với họ, số lượng du kích quân đã tăng lên mười lần, thực sự bằng con số mà Liveri bịa ra để khoe khoang tại cuộc họp ban tham mưu bí mật ở thành phố Crestovozdvigiensck hôm nào.
Zhivago có thêm mấy y tá quân y mới ra trường, đủ trình độ cần thiết, phụ giúp chàng. Về điều trị thương binh, cánh tay phải của chàng là Kereni Laiot, đảng viên cộng sản Hungary, bác sĩ quân y bị áo bắt làm tù binh, mà ở trại người ta gọi là đồng chí Laiusi, và viên y sĩ người Khovat, tên là Anghelia, cũng là tù binh của áo. Với Laiot, Zhivago trao đổi bằng tiếng Đức, người thứ hai vốn gốc dân Slavơ miền Bancăng, thì hiểu lõm bõm đôi chút tiếng Nga.
Theo công ước quốc tế về Hội chữ thập đỏ, các bác sĩ quân y và nhân viên các đơn vị cứu thương không được quyền võ trang và tham chiến. Nhưng một lần bác sĩ Zhivago đã buộc phải vi phạm quy chế ấy, trái với ý muốn của chàng. Chàng bị đụng một trận đánh nhỏ giữa cánh đồng, phải chia sẻ số phận với các chiến hữu và phải bắn để tự vệ.
Đơn vị du kích nằm rải thành phòng tuyến ở bìa rừng. Zhivago nằm cạnh anh chiến sĩ điện báo. Phía sau lưng đơn vị là rừng tai ga, đằng trước mặt là một bãi trống khá rộng và trơ trụi nơi bọn bạch vệ đang xông lên tiến công.
Chúng đã tới rất gần, Zhivago nhìn rõ mặt từng người. Đó là những cậu thiếu niên, thanh niên trẻ măng xuất thân từ các tầng lớp không phải quân nhân của xã hội thủ đô, và những người nhiều tuổi hơn bị động viên từ lực lượng dự bị. Nhưng sự hăng hái được khởi xướng từ bọn trẻ, những sinh viên năm thứ nhất các học sinh trường trung học hệ tám năm mới ghi tên làm quân tình nguyện.
Bác sĩ không quen biết tên nào cả, nhưng khuôn mặt của một nửa số lính ấy khá quen thuộc đối với chàng. Một số tên gợi chàng nhớ đến các bạn học ngày xưa. Không chừng chúng nó là con em của họ cũng nên? Những đứa khác tựa hồ chàng thường gặp giữa đám đông trong nhà hát hay ngoài đường phố hồi xưa. Những khuôn mặt biểu cảm, hấp dẫn của chúng, chàng cảm thấy gần gũi, gần như của những người cùng giới với chàng.
Ý thức nghĩa vụ, theo quan niệm của chúng, đã khích lệ chúng trở nên hăng say cuồng nhiệt một cách vô ích và đầy khiêu khích. Chúng tiến thành một hàng thưa thớt, ưỡn ngực hiên ngang hơn cả sĩ quan ngự lâm quân, chúng bất chấp nguy hiểm, không thèm chạy từng quãng hoặc nằm xuống đất, mặc dù bãi trống có nhiều mô đất và gò đống dùng để ẩn nấp rất tốt. Làn đạn của quân du kích quét ngã chúng gần hết.
Ở giữa bãi trống trơ trụi, nơi bọn bạch vệ đang tiến công, có một cây bị chết cháy. Nó bị sét đánh, bị lửa thiêu, hoặc bị đốt sém bởi các cuộc giao tranh trước đây. Mỗi tên lính bộ binh tình nguyện kia trong lúc tiến lên đều nhìn vào cái cây ấy, cố chống chọi cái ý muốn nấp vào sau thân cây để nhắm bắn chính xác và an toàn hơn, nhưng chúng coi khinh nó và tiếp tục tiến tới.
Du kích chỉ có một ít đạn nên phải tiết kiệm. Lệnh đưa ra và được tất cả ủng hộ, là chỉ bắn từ cự ly gần và từ những vị trí thấy rõ mục tiêu!
Zhivago không có súng, nằm trên cỏ quan sát diễn biến trận đánh. Toàn bộ sự thông cảm chàng dành cho cái bọn trẻ đang chết một cách anh dũng kia. Chàng thật tâm mong cho chúng thắng trận. Đó là con em những gia đình rõ ràng rất gần gũi về tinh thần với chàng, có cùng nền giáo dục cùng nề nếp luân lý, cùng những quan niệm như chàng.
Chàng thoáng nảy ra ý nghĩ chạy xuóng bãi trống đầu hàng chúng, do đó sẽ lấy lại được tự do. Nhưng làm như thế là liều lĩnh, quá nguy hiểm.
Giả sử chàng chạy được tới giữa bãi trống, hai tay giơ cao, thì chàng có thể sẽ bị hạ thủ từ cả hai phía, vào lưng và vào ngực, phiá du kích thì để trừng phạt chàng về tội phản bội, phía bạch vệ thì vì không hiểu ý định của chàng. Chàng đã mấy lần lâm vào cảnh ngộ tương tự, chàng đã suy tính mọi khả năng và từ lâu đã gạt bỏ mọi kế hoạch trốn chạy ấy. Chàng đành nhẫn nhục bằng lòng với hai cảm xúc trái ngược ấy, nằm sấp hướng mặt về phía bãi trống, không có vũ khí, nấp mình trong cỏ mà theo dõi diễn biến trận đánh.
Song phải nằm một chỗ quan sát thụ động trận đánh một mất một còn đang diễn ra quanh mình thì quả là vô nghĩa và vượt quá sức người. Và vấn đề không phải ở lòng trung thành với cái bên đang cầm chân chàng, không phải ở sự tự bảo vệ mình, mà là ở chỗ phải tuân theo diễn biến trước mắt, phải phục tùng những quỵ luật của tấn thảm kịch đang diễn ra xung quanh chàng. Không tham gia vào đó tức là chống lại quy luật cần phải làm những gì người ta đang làm. Trận đánh đang diễn ra. Người ta đang bắn vào chàng và các chiến hữu của chàng. Cần phải bắn trả.
Bởi vậy khi anh chiến sĩ điện báo nằm bên cạnh chàng giãy đành đạch rồi nằm duỗi thẳng cẳng bất động, thì chàng bèn bò lại bên anh ta, gỡ lấy bao đạn và cây súng của anh ta, trở về chỗ cũ của mình, nạp đạn và súng và bắn hết viên nọ đến viên kia.
Nhưng lòng thương hại không cho phép chàng nhắm vào những thanh niên mà chàng cảm mến. Mà bắn chỉ thiên thì là hành động quá ngu ngốc và lố bịch, trái với dự định của chàng. Vì thế chàng chọn những lúc không có ai giữa tầm súng của chàng và mục tiêu, để nhắm bắn vào cái cây khô cháy. Chàng có thủ pháp riêng của chàng.
Lúc điểm ngắm chính xác dần, chàng khẽ ấn tay vào cò súng. Ấn rất nhẹ, theo kiểu bắn chơi, để viên đạn bay đi theo đúng dự kiến, trúng vào các cành thấp xung quanh cái cây cháy xém làm cho chúng rơi lả tả.
|
Nhưng than ôi! Dù chàng hết sức cẩn thận để khỏi bắn trúng ai, song kẻ này kẻ nọ trong đám lính đang tấn công vẫn hiện ra vào cái khoảnh khắc quyết định giữa chàng và mục tiêu để rơi đúng vào xạ tuyến khi súng nổ. Chàng đã bắn bị thương hai tên, tên thứ ba vô phúc gục chết gần gốc cây.
Cuối cùng tên chỉ huy bạch vệ cầm chắc là cuộc tấn công chỉ vô ích, bèn ra lệnh rút lui.
Đơn vị du kích ít người. Lực lượng chính không có ở đây: một số đang trên đường hành quân, một số đang giao chiến với những lực lượng lớn hơn của quân địch ở phía khác. Để khỏi bộc lộ sự thua kém về quân số của mình, anh em du kích không xông ra truy kích bọn địch.
Y sĩ Anghelia dẫn hai y tá mang cáng ra bìa rừng. Zhivago bảo họ săn sóc thương binh, còn chàng bước tới chỗ anh lính điện báo đang nằm bất động, với hy vọng mong manh rằng anh ta còn thở, may ra có thể cứu sống. Nhưng anh ta đã chết.
Để kiểm tra cho chắc chắn, Zhivago cởi cúc áo sơ mi trên ngực anh ta và áp tai nghe tim. Tim đã ngừng đập.
Người chết đeo ở cổ một cái hộp nhỏ đựng ảnh. Zhivago gỡ cái hộp ra. Trong hộp có một tờ giấy nhỏ được gấp lại, các mép gấp đã sờn hết, bọc trong một mảnh vải. Bác sĩ giở tờ giấy ra. Nó bị nát bở đến một nửa.
Mảnh giấy ghép những câu trích từ bài Thánh ca thứ 90, với những chữ sửa đổi và thêm thắt và dân chúng thường đưa vào các bài kinh và càng về sau càng xa với nguyên bản.
Những câu văn của giáo hội Slavơ được dịch sang tiếng Nga. Nguyên văn trong Thánh ca "Người sống dưới sự che chở của Đấng Tối cao", trong bản dịch lại trở thành đầu đề của lời cầu "Sự che chở sống động". Câu thơ trong Thánh ca: "Ngươi sẽ không sợ… mũi tên bay giữa ban ngày", lại biến thành lời khích lệ "Chớ có sợ mũi tên của chiến tranh". Thánh ca nói: "Bởi lẽ nó đã biết danh ta", thì trong tờ giấy ghi "Nó biết danh ta quá muộn". Và "Trong sầu não ta sẽ ở cùng ngươi… " bị viết chệch thành "Mùa đông giá lạnh sắp đến cùng ngươi".
Bản Thánh ca được coi là linh diệu, che mũi tên hòn đạn. Trong cuộc chiến tranh đế quốc 1914 - 1918, binh lính đã đeo nó làm bùa hộ mệnh. Hàng chục năm trôi qua và mãi về sau, những người bị giam cầm đã khâu nó vào quần áo và thầm đọc đi đọc lại khi bị gọi đi lấy cung vào ban đêm.
Từ chỗ anh chiến sĩ điện báo, Zhivago đi ra bãi trống, tới bên xác tên bạch vệ trẻ tuổi bị chàng bắn chết. Trên khuôn mặt khôi ngô của hắn, có thể đọc được những nét hồn nhiên vô tội và nỗi đau khổ đầy bao dung. "Mình giết hắn làm gì nhỉ?" - Zhivago tự hỏi.
Chàng cởi cúc áo capốt của hắn mở phanh vạt áo. Trên lớp vải lót, họ tên của hắn được thêu bằng chữ xiên xiên rất đẹp bởi một bàn tay cẩn thận và âu yếm, chắc là bàn tay người mẹ "Seriozha Ransevich".
Từ chỗ vạt áo sơ mi lòi ra một cây thánh giá nhỏ, một tấm ảnh đeo tròn tròn và một chiếc hộp dẹp bằng vàng, nắp hộp bị thủng một lỗ bằng đầu đinh. Chiếc hộp nửa đóng nửa mở. Một nảnh giấy gấp rơi ra. Zhivago giở mảnh giấy và tưởng mình nhìn nhầm: đó cũng chính là bản Thánh Ca số 90, có điều được in bằng tiếng Slavơ đúng như nguyên bản của nó.
Đúng lúc đó, Seriozha rên lên một tiếng, cựa quậy chân tay. Cậu ta còn sống. Sau đó mới biết cậu ta chỉ bị chấn thương nhẹ ở bên trong. Viên đạn ở cuối tầm bay đập vào mép cứng của lá bùa hộ mệnh người mẹ khâu cho cậu ta đã cứu cậu ta thoát chết. Nhưng biết làm gì với gã thiếu niên bất tỉnh nhân sự này?
Thời kỳ này, sự hung dữ của lính tráng lên tới cực điểm. Tù binh bị bắn bỏ giữa đường dẫn giải, thương binh của đối phương bị giết chết luôn tại trận.
Với thành phần luôn luôn thay đổi của quân đội ở rừng, khi thì nhận thêm những thợ săn mới, khi thì có kẻ bỏ trốn hoặc chạy sang hàng ngũ kẻ thù; nếu biết giữ bí mật thật cẩn thận, có thể nói dối mọi người rằng Seriozha là một chiến sĩ mới gia nhập đơn vị.
Zhivago lột lấy quần áo ngoài của anh chiến sĩ điện báo đã chết, rồi với sự trợ giúp của Anghelia, người mà chàng ngỏ cho biết ý đồ của chàng, chàng thay quần áo cho gã thiếu niên lúc ấy vẫn chưa tỉnh lại.
Chàng và viên y sĩ săn sóc cậu ta. Khi Seriozha hoàn toàn bình phục, họ để cậu ta ra đi, mặc dù cậu ta không giấu giếm hai ân nhân của mình, rằng cậu ta sẽ trở lại với quân đội Konchak và sẽ tiếp tục chiến đấu với Hồng quân.
|
Chương 149
Vào mùa thu du kích đóng căn cứ ở Mõm Cáo, một khu rừng nhỏ nằm trên một quả đồi. Dưới chân đồi, từ ba phía có một dòng sông chảy siết sủi bọt tráng xoá cứ xói mãi vào bờ thành các ổ lõm.
Trước khi du kích đến, bọn bạch vệ dưới quyền tướng Kappen đã đóng doanh trại mùa đông ở đây. Bằng sức lực của chúng và huy động dân cư quanh vùng, chúng đã dựng lên các đồn lũy trong rừng, đến mùa xuân thì chúng bỏ đi. Bây giờ du kích tận dụng các căn hầm, công sự và hào giao thông còn nguyên vẹn.
Liveri và bác sĩ Zhivago ở cùng một căn hầm. Đã hai đêm nay anh ta luôn miệng trò chuyện với chàng khiến chàng mất cả ngủ.
- Ước gì tôi biết hiện giờ cái ông già đáng kính của tôi, cha tôi ấy mà, đang làm gì.
"Lạy Chúa, sao mình ghét cái giọng nói trò hề ấy thế không biết. - Zhivago nghĩ thầm. - Trông hắn giống cha như đúc!"
- Căn cứ vào các buổi trao đổi trước đây của chúng ta, tôi kết luận rằng bác sĩ biết khá rõ về lão già ấy. Và tôi có cảm tưởng bác sĩ nghĩ tương đối tốt về lão. Phải vậy không, thưa quý ngài đốc-tờ?
- Ông Liveri, ngày mai chúng ta phải họp bàn về bầu cử ở trên ngọn gò trong rừng thưa. Ngoài ra, sắp phải lập phiên toà xét xử mấy cậu y tá nấu rượu trái phép. Tôi và Laiot chưa chuẩn bị xong hồ sơ tài liệu về vụ đó. Sáng mai, hai chúng tôi sẽ họp bàn với nhau. Thế mà hai đêm nay tôi không ngủ được. Ta hãy gác việc nói chuyện lại vào dịp khác. Mong ông làm ơn cho tôi nhờ.
- Không, dầu sao ta cũng trở lại chuyện lão Miculisyn cái đã. Bác sĩ có nhận xét gì về lão khọm già ấy?
- Ông Liveri, cha ông còn trẻ lắm mà. Tôi không hiểu tại sao ông lại gọi cha mình như thế. Còn bây giờ thì tôi xin trả lời câu hỏi của ông. Tôi vẫn thường bảo ông, rằng tôi không thông thạo các đặc trưng riêng biệt của chủ nghĩa xã hội, nên tôi không thấy có sự dị biệt giữa những người Bolsevich với những nhà xã hội khác. Cha của ông nằm trong số những người làm cho nước Nga lâm cảnh nhiễu nhương rối loạn trong mấy năm qua. Cha của ông là một típ người có tính cách mạng. Cả hai cha con ông đều đại diện cho đặc điểm phân rã của dân Nga.
- Đó là lời khen ngợi hay chê trách đấy?
- Một lần nữa tôi dề nghị gác cuộc tranh luận vào dịp khác thuận tiện hơn ngoài ra, tôi lưu ý ông về món cocain mà ông lại cứ đem ra hít ngửi vô điều độ. Ông cứ tự tiện lấy cocain trong tủ thuốc dự trữ mà tôi có trách nhiệm bảo quản. Chúng ta cần dùng nó vào các mục đích khác, đấy là chưa nói đến chuyện nó là một thứ độc dược và tôi phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của ông.
- Hôm qua bác sĩ lại không dự lớp huấn luyện. Bác sĩ mắc căn bệnh suy dinh dưỡng ý thức - xã hội y như các mụ nhà quê thất học và bọn tiểu thị dân lạc hậu. Trong khi ngài lại là bác sĩ, một người uyên bác và thậm chí hình như còn viết sách nữa. Bác sĩ hãy giải thích xem, tại sao hai chuyện đó lại có thể đi đôi với nhau nào?
- Tôi không biết tại sao. Chắc hai chuyện đó không thể đi đôi với nhau, nhưng biết làm thế nào được. Hoàn cảnh tôi thật đáng thương.
- Nhẫn nhục còn tệ hơn cả kiêu căng. Bác sĩ chớ nên cười giễu cợt theo kiểu đó, mà hãy nghiên cứu chương trình huấn luyện của chúng tôi, thì sẽ thấy ngay sự kiêu căng của bác sĩ là không đúng chỗ chút nào.
- Ông muốn nói sao tùy ông! Sao lại có chuyện kiêu căng ở đây? Tôi rất khâm phục công tác giáo dục của các ông. Tôi có đọc bản đề cương tóm tắt những vấn đề được đem ra thảo luận hàng ngày. Những tư tưởng của ông về sự phát triển tinh thần của binh sĩ, tôi biết cả. Tôi rất khâm phục. Tất cả những điều ông nói về thái độ của người chiến sĩ quân đội nhân dân đối với các đồng chí, đối với những kẻ yếu đuối, những kẻ không được ai che chở, đối với phụ nữ, đạo đức và danh dự trong sáng, - tất cả gần giống như những gì đã tạo nên công xã Dukhobo(1). Đó là một kiểu học thuyết Tolstoy, đó là mơ ước về một cuộc sống xứng đáng. Tuổi niên thiếu của tôi đã được nuôi dưỡng bằng tất cả những quan điểm ấy. Tại sao tôi lại đi giễu cợt nó kia chứ?
Nhưng trước hết, những tư tưởng về sự hoàn thiện toàn bộ, theo như quan niệm từ sau Cách mạng tháng Mười đến nay, không khích lệ được tôi. Thứ đến, tất cả những dluyện đó còn lâu mới được thực hiện, và mới chỉ là những lời nói suông về chuyện đó mà người ta đã phải trả bằng hàng biển máu, khiến tôi thấy có lẽ mục tiêu không biện minh được cho phương tiện. Cuối cùng, và cũng là điểm chủ yếu, khi tôi nghe nhắc đến việc cải tạo đời sống thì tôi không còn làm chủ bản thân được nữa và đâm ra thất vọng.
|