Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 169
Không phải chính chàng, mà là một cái gì rộng lớn hơn bản thân chàng, đang khóc nức nở trong lòng chàng bằng những từ ngữ dịu dàng và sáng rực lên như lân tinh, trong bóng tối. Và chàng hoà nước mắt của chàng với nước mắt của tâm hồn chàng. Chàng thương thân trách phận.
"Mình ngã bệnh, mình ốm mất rồi". - Chàng thoáng nghĩ trong những giây phút minh mẫn giữa giấc ngủ, giữa cơn sốt mê man. - "Dẫu sao đây cũng là một chứng bệnh thương hàn chưa được nói đến trong các sách hướng dẫn, chưa được học ở khoa Y. Phải kiếm thức ăn, kẻo mình sẽ chết đói".
Nhưng vừa thử chống khuỷu tay nhỏm dậy, chàng đã thấy ngay là mình không còn đủ sức để động đậy tay chân, và rồi chàng lại ngất lịm rồi ngủ thiếp đi.
"Mình cứ để nguyên quần áo nằm ở đây bao lâu rồi nhỉ?"- Chàng tự hỏi trong một giây tỉnh lại. "Mấy giờ? Mấy ngày? Lúc mình ngã người xuống đi-văng, trời mới sang xuân. Bây giờ ngoài cửa sổ có băng giá phủ một lớp xốp và bẩn làm tối cả căn buồng".
Trong bếp, lũ chuột làm chén đĩa đổ loảng xoảng, leo thoăn thoắt dọc bờ tường bên kia rồi rơi bình bịch xuống sàn, kêu chí cha chí chóe, nghe thảm thiết một cách đáng ghét.
Rồi chàng lại ngủ, lại tỉnh dậy, thấy các cửa sổ phủ băng giá tràn ngập ánh hồng ấm áp, như các chiếc ly pha lê rót đầy rượu vang đỏ. Chàng tự hỏi, đấy là ánh bình minh hay là ánh hoàng hôn?
Một lần chàng tưởng như nghe thấy có những tiếng người ngay ở bên cạnh chàng, và chàng tuyệt vọng cho rằng mình đã hoá điên. Giàn giụa nước mãt thương hại bản thân, chàng uất ức hướng lên trời mà trách không thành tiếng: "Ôi sao Người lại không cho con được thấy dung nhan Người, ánh sáng muôn đời của chúng con, sao Người nỡ phủ bóng tồl địa ngục xuống kẻ tôi tớ này?".
Bỗng chàng hiểu rằng chàng không mê, rằng sự thực nhãn tiền là chàng đã được thay quần áo, tắm rửa và mặc chiếc áo sơ-mi sạch bong, chàng đang nằm không phải trên đi- văng, mà trên giường có trải đệm mới, rằng Lara ngồi cạnh giường, cúi xuống gần chàng, tóc nàng lẫn với tóc chàng, nước mắt nàng hoà với nước mắt chàng. Và chàng ngất đi vì sung sướng.
|
Chương 170
Trong cơn mê vừa rồi, chàng đã trách trời hờ hững, thì bây giờ bầu trời bao la sà xuống sát giường chàng, và hai cánh tay phụ nữ mập mạp, trắng trẻo đến tận vai, giang về phía chàng. Nỗi sung sướng khiến chàng xây xẩm mặt mày và chàng rơi xuống vực sâu hạnh phúc như người ngã ra bất tỉnh.
Cả đời chàng đã không ngừng hoạt động, luôn luôn bận bịu, làm việc nhà, chữa bệnh, suy nghĩ, nghiên cứu, sáng tác.
Bây giờ dễ chịu xiết bao khi tạm ngưng hoạt động, ngưng tranh đấu và suy nghĩ, tạm thời trao phó công việc đó cho thiên nhiên, còn chính mình thì trở thành một vật thể, một ý định, một tác phẩm trong đôi bàn tay nhân ái, tuyệt diệu, hào phóng ban phát cái đẹp, của thiên nhiên!
Zhivago bình phục nhanh chóng. Lara chăm chút, săn sóc cho chàng khỏi bệnh bằng sự tận tuỵ của nàng, bằng vẻ kiều diễm thiên thần của nàng, bằng những câu hỏi và câu trả lời thỏ thẻ, dịu dàng, thoảng như hơi thở của nàng.
Những câu chuyện thì thầm, kể cả những lời phù phiếm nhất, cũng đầy ý nghĩa như các lời đối thoại của Platon.
Cái vực sâu ngăn cách họ với thế giới bên ngoài khiến họ gần nhau còn hơn cả sự hoà hợp tâm hồn. Cả hai cũng không ưa như nhau cái nét điển hình tiền định trong con người thời nay, cái vẻ hăng hái mang tính chất bách vở, cái nhiệt tình mang tính chất khoa trương và sự tẻ nhạt không chút bay bổng mà vô số cán bộ khoa học, nghệ thuật đang ra sức phổ biến rộng rãi để thiên tài vẫn tiếp tục là sự hiếm hoi, hi hữu.
Tình yêu của họ vô cùng rộng lớn. Nhưng tất cả mọi người đều yêu có điều là người ta không để ý tới tính chất kỳ lạ của tình cảm.
Riêng đối với họ, - và đây là điểm đặc thù của họ, - những khoảnh khắc, trong đó hơi hướng đam mê xen vào sự tồn tại của con người trần tục nơi họ, như ngọn gió vĩnh cửu, chính là những giây phút họ linh nghiệm và nhận biết những điều luôn luôn mới mẻ về bản thân mình và về cuộc sống.
|
Chương 171
- Dĩ nhiên, anh phải trở về với gia đình anh. Em sẽ không giữ anh thêm một ngày, nếu việc đó là thừa. Nhưng anh xem tình hình hiện nay ra sao. Chúng ta vừa hoà mình gắn bó với nước Nga Xô viết, thì liền bị cảnh tàn phá của nó nuốt chửng chúng ta. Người ta đang lấy miền Sibiri và miền Đông để lắp các lỗ hổng của nước Nga. Anh không biết đấy thôi. Trong thời gian anh ốm liệt giường, ở thành phố này có biết bao thay đổi. Người ta chuyển các kho hàng dự trữ của thành phố chúng ta về trung ương, về Moskva. Đối với Moskva, số hàng ấy chỉ là muối bỏ biển, chả khác gì bỏ vào cái thùng không đáy, trong khi ở đây chúng ta không có lương thực thực phẩm. Bưu điện không hoạt động, xe lửa chỉ toàn chở lúa mì, không chở khách. Dân chúng thành phố lại kêu ca than vãn như trước cuộc nổi dậy của Gaiđa(1), và Uỷ ban Cheka lại làm dữ để đối phó với sự bất mãn.
Và anh đi sao được, khi anh còn yếu lẩy bẩy, da bọc xương như thế này? Chẳng lẽ lại cuốc bộ? Mà có cuốc bộ cũng chẳng bao giờ về tới nơi! Anh cứ cố gắng lại sức dần và khỏe lên đã, bấy giờ hãy hay.
Em chả dám khuyên anh, nhưng ở địa vị anh, trước khi đi tìm gia đình ở Moskva, em sẽ xin đi làm ít lâu, đúng nghề chuyên môn của mình, hẳn thế. Người ta coi trọng việc đó. Em sẽ làm việc ở Sở Y tế chẳng hạn. Sở Y tế đặt trụ sở tại Ty Y tế ngày trước.
Bằng không, anh cứ thử nghĩ xem. Cha của anh là một nhà triệu phú ở Sibiri đã tự vẫn, còn vợ anh là cháu gái một gia đình điền chủ kiêm kỹ nghệ gia ở vùng này. Anh từng sống với du kích và đã bỏ trốn. Nói gì thì nói, đấy cũng là việc rời bỏ hàng ngũ quân đội cách mạng, là đào ngũ. Dầu thế nào mặc lòng, anh cũng không thể sống vô nghề nghiệp, mất các quyền công dân. Địa vị của em cũng chẳng vững vàng gì hơn. Em sẽ đi làm. Em sẽ đến Sở Giáo dục. Tình thế của em cũng đang hết sức nguy hiểm.
- Sao lại nguy hiểm. Đã có Strelnikov kia mà?
- Chính vì Strelnikov đấy anh ạ. Trước kia em từng nói với anh rằng anh ấy có rất nhiều kẻ thù. Ngày nay Hồng quân đã thắng lợi hoàn toàn. Những quân nhân ngoài Đảng từng giữ các cương vị cao và biết quá nhiều điều, đang bị thải hồi. Bị thải hồi còn là may, có khi còn bị thủ tiêu cho hết sạch dấu vết. Trong danh sách ấy, Pasa là người đầu tiên, bị đe dọa hơn cả. Anh ấy đang ở miền Viễn Đông. Nghe đâu anh ấy đã bỏ trốn.
Người ta đang truy nã anh ấy. Nhưng thôi, không nói về Pasa nữa. Em chả muốn khóc, vì chỉ cần nhắc thêm một lời về anh ấy, chắc em sẽ khóc oà lên mất.
- Em đã yêu và đến bây giờ vẫn còn yêu anh ta đến thế cơ à?
- Chẳng gì anh ấy cũng là chồng em, anh ạ. Đấy là một tính cách cao cả và trong sáng. Em có lỗi lớn với anh ấy. Bảo rằng em không làm điều gì xấu cho anh ấy, là nói sai. Nhưng anh ấy là người có ý nghĩa lớn lao, một người vô cùng thẳng thắn, trong khi em chả ra gì cả, em không bằng cái móng tay anh ấy. Lỗi của em là ở chỗ đó. Nhưng thôi, xin đừng nhắc đến chuyện ấy. Để khi khác em sẽ tự trở lại chuyện này, em hứa với anh như vậy. Tonia của anh là một người vợ lạ thường. Một phụ nữ theo kiểu Batiseli(2) miêu tả. Em đã có mặt hôm chị ấy sinh nở. Em với Tonia hợp nhau kinh khủng. Nhưng chuyện đó để dịp khác sẽ nói, em van anh. Vâng, vậy là chúng mình hãy đi làm. Sáng sáng hai ta sẽ cùng đi làm. Hàng tháng sẽ nhận được hàng tỷ đồng tiền lương. Ở đây, trước khi xảy ra cuộc đảo lộn lần cuối cùng, người ta vẫn tiêu loại giấy bạc Sibiri. Cách đây ít lâu, loại giấy bạc ấy đã bị huỷ bỏ, và suốt thời gian anh ốm, người ta sống không có tiền tệ gì hết. Đúng thế. Anh thử tưởng tượng xem. Thật khó tin, nhưng rồi cũng đã qua được khó khăn ấy. Vừa rồi người ta chở đến ngân khố cũ cả một đoàn tàu chất đầy tiền, nghe đâu ít nhất cũng tới bốn chục toa. Tiền mới được in trên các tờ giấy lớn hai màu, xanh và đỏ, như tem thư, và chia thành từng ô. Mỗi ô xanh có giá trị năm triệu, mỗi ô đỏ thì mười triệu. Họ in lèm nhèm, màu sắc nhòe nhoẹt, dễ phai.
- Anh đã thấy loại tiền ấy. Chúng được phát hành ngay trước khi gia đình anh rời Moskva tới đây.
Chú thích:(1) Gaida Radon (1892-1948) một trong những kẻ tổ chức cuộc nổi loạn của binh đoàn Tiệp Khắc (1918), tư lệnh quân bạch vệ của Konchak ở miền Sibiri. Sau này bị toà án nhân dân Tiệp Khắc kết án tử hình.
(2) Batiseli, tên thật là A. Philipepi (1445-1519), danh hoạ Ý. Đại diện thời Phục Hưng sơ kỳ, chuyên vẽ về đề tài tôn giáo và thần thoại, tác phẩm giàu chất thơ bay bổng màu sắc tinh tế.
|
Chương 172
- Em đã làm gì ở Varykino lâu thế? Vì thực ra ở đấy tan hoang, có còn ai đâu? Cái gì đã giữ chân em ở đấy?
- Hai mẹ con em dọn dẹp nhà cửa cho anh. Em sẽ về đó trước tiên. Em không muốn để anh thấy nhà cửa của anh trong tình trạng ấy.
- Tình trạng thế nào? Tan hoang, lộn xộn lắm hả?
- Lộn xộn và đầy rác rưởi. Em đã lau dọn sạch cả rồi.
- Em chưa nói hết, cứ giấu anh điều gì đó, cứ lảng chuyện. Nhưng thôi, tùy em, anh chả dám nài. Em hãy kể cho anh biết về Tonia. Cháu gái được đặt tên là gì?
- Masa. Để tưởng niệm mẹ anh.
- Em kể về họ đi.
- Cho em khất ít lâu nữa. Em đã bảo anh rằng em khó cầm nước mắt mà.
- Cái anh chàng Samdeviatov cho em mượn ngựa ấy là một nhân vật thú vị. Em thấy sao?
- Hết sức thú vị.
- Anh vốn biết ông ta rất rõ. Ông ta từng là bạn của gia đình anh ở đây, đã giúp gia đình anh từ hồi mới chuyển về vùng này.
- Em biết. Anh ấy có kể với em.
- Chắc em với ông ta thân nhau phải không? Ông ta cũng hết lòng giúp đỡ em chứ?
- Phải nói là anh ấy làm ơn cho em khó mà kể xiết. Không có sự giúp đỡ của anh ấy, chả biết em sẽ xoay sở ra sao.
- Cũng dễ hiểu thôi. Chắc hai bạn chỉ có quan hệ bạn bè thường tình, giao thiệp qua loa? Chắc ông ta bám riết lấy em?
- Khỏi phải nói. Không rời một bước.
- Còn em thì sao? Nhưng xin lỗi, anh đang vượt quá giới hạn cho phép. Anh có quyền gì mà cứ căn vặn em nhỉ? Mong em bỏ qua cho thái độ tọc mạch của anh.
- Ồ, không sao. Chắc anh quan tâm đến chuyện khác, muốn biết quan hệ giữa em và anh ấy thuộc loại gì phải không? Anh muốn biết, có chuyện riêng tư gì xen vào sự giao hảo hai bên không chứ gì? Dĩ nhiên là không có. Em mang ơn Samdeviatov nhiều lắm, em mắc nợ anh ấy lớn lắm, song dù anh ấy có lấy vàng dát lên người em, có dâng cả cuộc đời cho em, thì điều đó cũng sẽ không làm cho em gần thêm anh ấy một bước nào. Từ bé em vốn căm ghét những người có nếp sống xa lạ với em như anh ấy. Trong phạm vi sinh hoạt, những người tháo vát, tự tin, có uy quyền như thế là loại không ai thay thế được. Nhưng trong lĩnh vực tình cảm, cái thói tự mãn, vênh váo của đám đàn ông giỏi tán ấy khiến em ghê tởm. Em quan niệm rất khác về sự thân thiết và về cuộc sống. Nhưng không chỉ có thế. Trên phương diện đạo đức, Samdeviatov khiến em nhớ tới một kẻ khác còn đáng ghê tởm hơn nhiều, kẻ đã đưa em tới nông nỗi này và cũng nhờ hắn mà em được như bây giờ.
- Anh chưa hiểu. Em cứ "nông nỗi này" là thế nào? Em giải thích đi. Theo anh, em là người tốt đẹp nhất trần đời.
- Chà, Yuri yêu quý, sao anh lại nói thế? Em kể chuyện nghiêm túc, thế sao anh lại khách sáo như ở phòng lễ tân. Anh hỏi, em đến nông nỗi nào. Em bị giày vò, tâm hồn em bị rạn nứt suốt đời rồi. Người ta đã phạm tội biến em thành đàn bà quá sớm, đẩy em vào đời từ phía xấu xa nhất, theo quan niệm tầm thường, sai trái của một kẻ ăn bám tự tin, đứng tuổi thời xưa, một kẻ sử dụng tất cả mọi thứ, tự cho phép mình làm mọi chuyện.
- Anh cũng đang đoán được. Anh đã giả định một điều gì. Hượm đã. Cũng để hình dung nỗi đau đớn người lớn của em thời ấy, nỗi kinh hãi khi còn ngây thơ non nớt, sự xúc phạm đầu tiên mà một thiếu nữ chưa trưởng thành phải chịu đựng. Nhưng đấy là chuyện dĩ vãng. Anh muốn nói rằng nỗi đau khổ về chuyện đó bây giờ không phải là sự phiền muộn của em, mà là của những người đang yêu em, như anh chẳng hạn. Chính anh mới phải vò đầu bứt tai và tuyệt vọng vì đến muộn, vì hồi ấy anh đã không có ở bên em để ngăn chặn chuyện đó, nếu nó quả thực làm cho em đau khổ. Lạ thật. Anh cảm thấy anh chỉ có thể ghen một cách dữ dội, ghen đến chết đi được, ghen lồng ghen lộn với kẻ thấp kém hơn, xa lạ hơn. Sự đua tranh với kẻ hơn anh lại gợi cho anh có những cảm xúc khác hẳn. Nếu một người giống anh về phương diện tinh thần và được anh quý mến lại yêu cùng một phụ nữ mà anh yêu, thì chắc anh sẽ có tình thân ái ưu tư với người ấy, chứ quyết không cảm thấy nặng nề khó chịu hoặc muốn tranh giành. Dĩ nhiên, anh sẽ không thể chia sẻ với y, dù trong chốc lát, đối tượng say mê của anh. Song, hẳn là anh sẽ rút lui với cảm giác đau khổ khác hẳn sự ghen tuông, với cảm giác không đến nỗi bốc khói và khát máu. Cũng sẽ xảy ra đúng như thế, nếu anh đụng độ với một nghệ sĩ tài giỏi hơn hẳn anh trong những công việc giống như anh đang làm. Chắc anh sẽ từ bỏ những tìm tòi của mình, vì chúng chỉ vụng về lặp lại những gì người kia đã thắng anh. Nhưng anh đã lạc đề. Anh nghĩ, giả dụ em chả có điều gì phải phàn nàn và hối tiếc, thì anh lại không yêu em mãnh liệt như thế này. Anh không yêu những người luôn luôn đúng, những người chưa vấp ngã, lẩm lạc. Đức hạnh của họ chết cứng và rất ít giá trị. Cái đẹp của cuộc sống không mở ra cho họ.
- Chính em muốn nói đến cái đẹp ấy. Em thiết nghĩ, muốn thấy được nó, phải có trí tưởng tượng nguyên vẹn, và sự cảm thụ thanh tân. Song người ta đã cướp mất của em đúng hai thứ ấy. Có lẽ em đã có lối nhìn đời riêng của em, ví thử ngay từ bước đầu tiên em không nhìn thấy cuộc đời mang dấu vết hèn hạ của kẻ khác. Nhưng không chỉ có vậy. Vì một kẻ tầm thường, vô luân và tự mãn xâm nhập vào cuộc đời thiếu nữ của em, mà hỏng cả cuộc hôn nhân sau đó của em với một con người siêu việt rất say mê em và cũng được em hết mực yêu thương.
- Hượm đã. Về chồng em, em hãy kể sau. Anh đã bảo em rằng thường thường anh chỉ ghen với những kẻ thấp kém hơn hoặc ngang hàng với anh. Với chồng em, anh không ghen đâu. Nhưng còn kẻ kia?
- " Kẻ kia " nào?
- Cái kẻ phóng đãng đã làm hại đời em ấy. Hắn là ai vậy?
- Một luật sư khá nổi tiếng ở Moskva. Hắn là bạn của cha em, sau khi cha em mất, hắn đã giúp đỡ mẹ em về phương diện vật chất trong lúc gia đình em túng thiếu. Một kẻ độc thân, giàu có. Có lẽ việc em đang bôi nhọ hắn thế này chứng tỏ em quá chú ý đến hắn và dành cho hắn một tầm mức quan trọng mà hắn không hề có. Hắn chỉ là một kẻ rất bình thường. Nếu anh muốn, em sẽ nói tên hắn cho anh biết.
- Không cần. Anh biết. Có lần anh đã trông thấy hắn.
- Thật ư?
- Một lần ở buồng khách sạn, hôm mẹ em uống thuốc độc để tự vẫn. Vào lúc đêm khuya. Dạo ấy chúng mình còn nhỏ, đều là học sinh trung học.
- À, em nhớ rồi. Anh đến với mấy người nữa và đứng trong bóng tối ở phòng ngoài. Nếu anh không nhắc đến, chắc tự em chẳng bao giờ nhớ tới cảnh tượng đó. Hình như hồi ở Meliuzev, anh cũng đã nhắc tới chuyện ấy với em.
- Komarovski có mặt ở đó.
- Thế ư? Rất có thể. Người ta dễ gặp em đi với hắn. Em với hắn thường gặp nhau luôn mà.
- Sao em lại đỏ mặt?
- Vì nghe anh nói đến tên hắn. Vì không quen và bất ngờ.
- Cùng đi với anh còn có một người bạn học cùng lớp với anh. Em có biết lúc ấy anh ta đã nói cho anh biết điều gì không. Anh ta nhận ra Komarovski chính là kẻ anh ta đã gặp một lần trong hoàn cảnh tình cờ, bất ngờ. Một bữa, dọc đường cậu học sinh trung học Misa Gordon ấy đã chứng kiến vụ tự tử của cha anh, nhà kỹ nghệ triệu phú. Misa cùng đi một chuyến tàu với cha anh. Cha anh đã lao người xuống đường tự tử trong lúc tàu đang chạy. Komarovski bấy giờ đi theo làm cố vấn pháp lý cho cha anh. Hắn đã chuốc rượu liên tục cho cha anh say mèm, đã làm rối công việc của cha anh, đẩy ông tới chỗ phá sản và tuyệt vọng. Hắn là thủ phạm trong vụ cha anh tự tử và biến anh thành kẻ mồ côi.
- Không thể thế được! Một chi tiết lạ lùng làm sao, chẳng lẽ thật thế ư? Vậy hắn cũng là ác thần của cả anh nữa sao? Điều đó càng làm cho chúng mình thân thiết với nhau. Quả là một sự tiền định!
- Đó, hắn chính là kẻ anh ghen đến độ lồng lộn, không sao chịu nổi, vì hắn từng chiếm đoạt em.
- Ơ hay em có yêu hắn đâu. Chẳng những thế, em còn khinh bỉ hắn.
- Chắc gì em đã hiểu toàn bộ con người em. Bản chất của con người, nhất là của đàn bà, hết sức khó hiểu và đầy mâu thuẫn? Có thể, vì một khía cạnh nào đó trong sự ghê tởm của em đối với hắn, mà em lại lệ thuộc vào hắn, nhiều hơn vào bất cứ ai khác là người mà em yêu hoàn toàn theo ý em, không chút ép buộc.
- Điều anh vừa nói thực là kinh khủng. Và như một sự thường tình, anh đã diễn tả chính xác đến nỗi em thấy cái sự phản tự nhiên ấy như là một sự thật. Nhưng nếu thế thì đáng sợ vô cùng.
|
Chương 173
- Hãy kể cho anh nghe thêm về chồng em đi. "Trong sổ đoạn trường, tên chúng tôi cùng ghi ở một dòng", theo cách nói của Sêchspia.
- Ô tác phẩm nào vậy?
- "Roméo và Julliet".
- Em kể nhiều với anh về Pasa ở Moliuzev, hồi em đang tìm kiếm anh ấy. Và sau đó, ở Yuratin này, trong những buổi gặp gỡ đầu tiên với anh, khi anh kể rằng Pasa muốn bắt giữ anh trên toa tàu của anh ấy. Hình như em đã kể với anh rồi, mà cũng có lẽ chưa kể cũng nên, rằng một lần em nhìn thấy Pasa từ xa, lúc anh ấy đang bước lên xe hơi. Nhưng anh cũng hình dung được đấy, người ta bảo vệ anh ấy ghê lắm. Em thấy Pasa hầu như không thay đổi. Vẫn khuôn mặt đẹp trai, trung thực, cương nghị, trung thực nhất trong mọi khuôn mặt em từng thấy trên đời. Một tính cách quả cảm, hoàn toàn không kiểu cách, không làm bộ làm tịch. Trước thế nào, sau vẫn y như vậy. Tuy nhiên em vẫn nhận ra một sự thay đổi và nó khiến em lo ngại.
Đúng là một cái gì trừu tượng đã nhập vào khuôn mặt ấy và làm cho nó mất màu sắc độc đáo. Khuôn mặt sống động của con người hoá thành một thứ hiện thân, một nguyên tắc, một cách diễn tả tư tưởng. Tim em thắt lại khi nhận ra điều ấy. Em hiểu rằng đấy là hậu quả của những sức mạnh mà Pasa đã hiến thân cho chúng, những sức mạnh tuy cao cả thật đấy, nhưng lại có thể giết người một cách tàn nhẫn và một ngày kia cũng sẽ không tha cho anh ấy. Em có cảm tưởng Pasa đã bị đánh dấu và đó là cái dấu phải lên đoạn đầu đài. Nhưng có lẽ em lẫn lộn lung tung rồi. Có lẽ em bị ảnh hưởng những cách diễn đạt của anh khi anh miêu tả lần hai anh gặp nhau. Ngoài sự đồng nhất tình cảm giữa chúng mình, em còn vay mượn của anh bao nhiêu là thứ?
- Không đâu, em hãy kể về cuộc sống của vợ chồng em trước cách mạng.
- Từ bé, em đã mơ ước rất sớm về sự trong trắng. Pasa đã giúp em thực hiện được giấc mơ ấy. Bọn em gần như cùng lớn lên dưới một mái nhà. Em, Pasa, Galiulin. Anh ấy say mê em từ hồi bọn em mới lớn. Mỗi lần thấy em, Pasa lại sững sờ, bàng hoàng cả người. Chắc em nói và biết điều đó như thế này là không hay ho gì. Nhưng còn tệ hơn, nếu em giả bộ không biết.
Em là niềm say mê thơ dại của anh ấy. Một niềm say đắm mê mẩn mà người ta cố giấu kín, mà lòng kiêu hãnh của tuổi thơ không cho phép bộc lộ, song lại hiện rành rành trên mặt khiến ai cũng thấy. Chúng em chơi thân với nhau. Chúng mình giống nhau bao nhiêu, thì em và Pasa lại khác nhau bấy nhiêu. Song bấy giờ em đã chọn Pasa theo tiếng gọi của trái tim. Em đã quyết định sẽ gắn bó đời mình với chàng thiếu niên tuyệt vời ấy ngay khi cả hai đứa cùng bước vào đời, và trong thâm tâm em đã đính hôn với Pasa.
Và anh xem, Pasa có rất nhiều năng khiếu? Những năng khiếu lạ thường? Là con một người thợ bẻ ghi hoặc một người gác đường tàu bình thường, thế mà chỉ nhờ tài năng, lao động kiên trì, anh ấy vươn tới những đỉnh cao, em định nói là trình độ thì phải hơn, của kiến thức đại học hiện thời trong hai ngành chuyên môn, toán học và văn chương. Thành đạt như thế đâu phải dễ dàng.
- Vậy cái gì đã cản trở hạnh phúc gia đình, nếu hai bên yêu nhau tha thiết đến thế?
- Ôi thật khó trả lời câu hỏi đó. Để em kể hết với anh điều này. Nhưng lạ thay, ai đời một phụ nữ yếu đuối như em, lại đi giải thích cho một người đàn ông thông minh như anh, về cuộc sống hiện nay nói chung, về cuộc sống của con người ở những Nga, về lý do tại sao các gia đình, trong đó có gia đình anh và gia đình em, bị tan nát? Ôi, đâu phải là tại con người, tại tính nết hợp nhau hay không hợp, tại yêu hay không yêu. Tất cả những gì là thứ sinh, là bình ổn, tất cả những gì liên quan đến nếp sống thường ngày, đến tổ ấm và trật tự của con người, đều bị tan biến cùng với sự đảo lộn và bị hủy hoại. Chỉ còn lại cái sức mạnh tinh thần trần trụi, đã bị lột trần hoàn toàn, cái sức mạnh không thuộc về sinh hoạt, không được ứng dụng và đối với thứ tinh thần ấy chả có gì thay đổi cả, bởi lẽ bao đời nay nó vẫn co ro, run rẩy hướng tới một tinh thần khác cũng bị lột trần và cô đơn như nó, ở gần nó nhất. Chúng mình giống như
Adams và Eva, hai kẻ chả có gì che thân hồi mới khai thiên lập địa, và bây giờ chúng mình cũng lại bơ vơ và bị lột trần vào buổi tận thế như hồi đầu kia. Và chúng mình là kỷ niệm cuối cùng về toàn bộ sự vĩ đại, vô cùng vĩ đại, đã được tạo ra trên thế gian sau bao ngàn năm giữa Adams, Eva với hai ta, và chính là để tưởng mệm những kỳ quan đã mất ấy, mà hai ta đang thở và yêu, cùng khóc, và cùng dựa vào nhau, nép vào nhau.
|