Bác Sĩ Zhivago
|
|
Một thằng nhãi ranh đê tiện, tội lỗi, lạc hậu, một thằng dốt nát, học đúp nhiều năm và bị đuổi cổ khỏi trường trung học.
Strelnikov càng kể thêm chi tiết, Zhivago càng cảm thấy chàng nhận dần ra gã trai ấy.
- Tên nó là Teresa Galudin thì phải?
- Đúng đấy.
- Thế thì tất cả những lời nó kể về quân du kích và vụ xử bắn là đúng. Nó không bịa đâu.
- Điểm đáng yêu duy nhất của thằng nhỏ ấy là nó yêu mẹ nó hết mức. Cha nó bị bắt làm con tin và biệt tích luôn. Nó nghe tin mẹ nó ngồi tù và sắp phải chia sẻ số phận với cha nó, nên nó quyết tâm làm tất cả mọi việc để giải thoát cho mẹ nó. Nó đã đến tự thú và xin được thu dụng ở ban Cheka một huyện nọ. Người ta đồng ý tha thứ mọi tội lỗi cho nó với điều kiện nó phải nộp cho họ một con mồi lớn. Nó bèn chỉ điểm chỗ ẩn trốn của tôi. Tôi đã đoán trước sự phản bội của nó và đã biến đi kịp thời.
Nhờ những nỗ lực phi thường, sau cả ngàn cuộc phiêu lưu mạo hiểm, tôi đã vượt qua miền Sibiri, lần mò về đây, về nơi mà ai ai cũng biết tôi từ lâu, song sẽ là nơi bất ngờ nhất vì họ không thể ngờ tôi lại bạo gan đến như vậy. Và quả thật họ vẫn đang lùng kiếm tôi ở vùng ngoại ô Trita, trong khi tôi đã mò vào ngôi nhà này hoặc các nơi lẩn trốn khác tại địa phương này. Nhưng bây giờ thì cùng đường rồi. Họ cũng đã lần ra dấu vết tôi cả ở đây ông hãy nghe tôi. Trời tối rồi. Sắp đến cái giờ mà tôi không ưa, bởi vì từ lâu tôi đã mất ngủ. Chắc ông biết căn bệnh ấy khổ sở như thế nào. Nếu ông chưa đốt hết các cây nến của tôi, những cây nến thật tuyệt, bằng bạch lạp chính hiệu, phải vậy không ông, thì ta hãy trò chuyện chừng nào ông còn chịu đựng được, với tất cả sự xa xỉ, suốt đêm, dưới ánh nên.
- Nến vẫn còn nguyên đó. Tôi mới chỉ mở có một bao. Tôi toàn dùng đèn dầu hoả mà tôi tìm thấy ở đây.
- Ông có bánh mì chứ?
- Không.
- Thế ông sống bằng gì? À mà tôi hỏi một câu thật ngớ ngẩn? Bằng khoai, tôi biết.
- Đúng vậy. Khoai ở đây thì tha hồ. Các chủ nhân của khu nhà này là những người giàu kinh nghiệm và biết lo xa. Họ biết cách bảo quản khoai. Toàn bộ số khoai còn tốt nguyên ở dưới nhà hầm. Không bị mốc thối hoặc cứng lạnh.
Đột nhiên Strelnikov quay sang nói về cách mạng.
|
Chương 194
- Tất cả những điều tôi sắp nói với ông đây, ông không hiểu nổi đâu. Ông đã sống theo lối khác. Có một thế giới của các vùng ngoại ô, thế giới các đường xe lửa và xóm thợ. Rác rưởi, chật chội, nghèo đói, nhân cách của người lao động bị lăng mạ, người phụ nữ bị khinh khi rẻ rúng. Có sự trâng tráo không hề bị trừng phạt của sa đoạ và trác táng, của các gã công tử bột, của đám sinh viên con nhà giàu. Người ta pha trò hoặc nổi giận khinh bỉ trước những giọt nước mắt và lời thở than của những kẻ bị ăn cướp, bị sỉ nhục, bị lăng mạ. Quyền thống trị thuộc về những kẻ ăn bám lười biếng, những kẻ chỉ nổi bật ở chỗ chúng không bận tâm gì hết, không tìm gì hết, không đem tới hoặc để lại một cái gì tốt đẹp cho cuộc sống?
Còn chúng tôi, chúng tôi chấp nhận cuộc đời như một cuộc hành quân, chúng tôi dời non lấp biển vì lợi ích của những người chúng tôi yêu. Và mặc dù chúng tôi không đem lại cho họ được điều gì, ngoài sự đau khổ, chúng tôi không mảy may xúc phạm họ, bởi vì chúng tôi còn chịu hy sinh cực khổ hơn họ nhiều.
Nhưng trước khi tôi nói tiếp, tôi thấy mình có bổn phận báo với ông điều này. Sự thể như sau. Ông nên đi khỏi nơi đây, chớ nên trì hoãn, nếu ông còn ham sống. Vòng vây quanh tôi đang siết chặt, và dù nó kết thúc ra sao đi nữa, thì ông cũng bị liên lụy, ông đã dính đến hồ sơ về tôi chỉ bởi nguyên cái việc là ông ngồi nói chuyện với tôi. Ngoài ra, ở đây có nhiều chó sói, mới rồi tôi đã phải bắn chúng để tự vệ.
- À, thì ra là ông bắn?
- Vâng. Chắc ông đã nghe thấy. Lúc ấy tôi đang đi tới một chỗ ẩn náu khác, nhưng gần đến nơi, căn cứ vào các dấu hiệu khác nhau, tôi hiểu chỗ ấy đã bị lộ, và chắc rằng những người ở đó hẳn đã bị giết. Tôi sẽ lưu lại ở nhà ông chóng thôi, chỉ qua đêm nay, sáng mai tôi sẽ đi liền. Vậy xin phép ông, tôi kể tiếp:
Nhưng phải chăng những khu phố mờ ám, những cỗ xe sang trọng chở gái của bọn công tử ăn diện phóng như bay chỉ có ở Moskva, chỉ có ở nước Nga? Phố phường, phố phường ban đêm, phố phường ban đêm của thế kỷ, những con ngựa béo tốt thì ở đâu mà chả có. Cái gì đã thâu gộp thời đại này, cái gì đã gộp thế kỷ 19 thành một chương mục trong lịch sử. Đó là sự phát sinh tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Những cuộc cách mạng đã nổ ra, những thanh niên giàu lòng hy sinh đã leo lên các chiến lũy. Các nhà chính luận cố vắt óc nghĩ cách kiềm chế sự trâng tráo hèn hạ của đồng tiền, đề cao và bảo vệ nhân phẩm của người nghèo. Chủ nghĩa Marx xuất hiện. Nó tìm ra căn nguyên của cái ác và phương thuốc chữa trị. Nó đã trở thành sức mạnh hùng hậu của thế kỷ. Nào rác rưởi, nào ánh hào quang thánh thiện, nào sự truỵ lạc, nào các khu thợ thuyền, những bản tuyên ngôn và những chiến luỹ, tất cả đều phát sinh từ các khu phố mờ ám của thế kỷ.
Chà, nàng xinh đẹp biết mấy khi còn là một thiếu nữ, một nữ sinh trung học? Ông chẳng biết gì đâu. Nàng thường đến chơi với cô bạn gái của nàng sống trong khu nhà của nhân viên đường xe lửa Brest. Hồi đó tuyến đường ấy mang tên như vậy, sau này đã bị đổi tên mấy lần. Cha tôi, hiện là thẩm phán toà án quân sự Yuratin, bấy giờ làm thợ cả ở khu vực nhà ga.
Tôi hay lui tới khu nhà kia và thường gặp nàng ở đó. Nàng còn là một thiếu nữ, một cô bé, nhưng đã có thể đọc thấy trên vẻ mặt và ánh mắt nàng tư tưởng căng thẳng, nỗi lo âu của thời đại Tất cả các đề tài của thời đại, toàn bộ nước mắt và sự hờn giận của thế kỷ, tất cả những thôi thúc, toàn bộ nỗi thù hằn chồng chất và niềm kiêu hãnh của thời đại đều được ghi trên khuôn mặt và trong dáng điệu của nàng, trong sự pha trộn giữa tính ngượng ngùng thanh tân và sự cân đối táo bạo của nàng. Có thể nhân danh nàng, qua đôi môi nàng mà đưa ra lời buộc tội thế kỷ. Ông phải đồng ý với tôi rằng đó không phải là chuyện tầm thường. Đó là thứ giống như một thiên chức, một phẩn thưởng quý giá. Phải có cái đó từ lúc bẩm sinh, phải có quyền mới được hưởng cái đó.
- Ông nói về nàng rất tài tình. Hồi ấy tôi đã được thấy nàng đúng như ông vừa tả. Cô nữ sinh trung học hoà hợp trong nàng với một nhân vật đang nắm giữ một bí mật không phải của trẻ con. Bóng nàng trải dài trên tường là sự vận động đầy lo âu để tự vệ Tôi đã thấy nàng như thế. Và tôi đang nhớ nàng đúng như thế. Ông vừa diễn tả điều đó rất tuyệt.
- Ông đã thấy nàng và đang nhớ nàng ư? Thế ông đã làm gì để được như vậy?
- Đó là một chuyện hoàn toàn khác.
- Thôi được. Không biết ông có thấy không, toàn bộ cái thế kỷ hai mươi này với tất cả các cuộc cách mạng của Paris, mấy thế hệ kiều dân Nga, bắt đầu từ Gersen (1), tất cả những mưu tính thủ tiêu Sa hoàng, không được thực hiện hoặc đã được thực hiện, toàn bộ phong trào công nhân thế giới, toàn bộ chủ nghĩa Marx trong các nghị viện và đại học đường châu âu, toàn bộ hệ thống tư tưởng mới, với tính cách tân kỳ và mau lẹ của những kết luận, sự giễu cợt, toàn bộ sự tàn nhẫn mang tính chất phụ trợ được đưa ra nhân danh tình thương, tất cả những cái đó điều được Lenin hấp thụ và thể hiện dưới dạng khái quát bởi con người mình, để đả phá mọi tội lỗi của cái cũ như một hiện thân của hình phạt.
Bên cạnh Lenin nổi lên hình ảnh cực kỳ lớn lao của nước Nga, một đất nước trước mặt toàn thế giới, đột nhiên bừng sáng ngọn nến chuộc tội cho mọi tai ương bất hạnh của loài người. Nhưng tôi nói tất cả những điều đó với ông để làm gì nhỉ? Bởi đối với ông, đó chỉ là tiếng não bạt chập cheng, chỉ là các âm thanh trống rỗng.
Vì cô thiếu nữ ấy, tôi đã vào đại học, vì nàng tôi đã trở thành nhà giáo và đến dạy học ở cái thành phố Yuratin mà hồi ấy tôi chưa hề biết đến nay. Tôi đã ngốn hàng đống sách và tích luỹ vô vàn kiến thức để có ích cho nàng và có thể giúp được nàng ngay khi nàng cần tới tôi. Tôi đã ra mặt trận, để sau ba năm thành hôn lại chinh phục được nàng, rồi sau khi chiến tranh kết thúc và từ trại tù binh trở về, tôi đã nhân cơ hội bị người ta coi như đã chết, đội một cái tên giả để hoàn toàn hiến mình cho cách mạng, để đền bù cho nàng tất cả những thiệt thòi nàng đã chịu đựng, để xoá sạch những kỷ niệm đáng buồn ấy để không còn phải quay lại quá khứ, để không còn những khu phố mờ ám nữa. Và trong khi ấy hai mẹ con nàng, nàng và con gái tôi, ở ngay bên cạnh, ngay trong thành phố thôi? Tôi đã tốn bao sức lực để kìm hãm ước muốn lao tới tấp tới gặp mẹ con nàng! Nhưng tôi muốn hoàn thành sự nghiệp của đời mình trước đã. Ôi, lúc này tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được nhìn mẹ con nàng dù chỉ một lần thôi. Mỗi khi nàng bước vào phòng, thì hệt như cửa sổ tự mở ra; căn phòng tràn ngập ánh sáng và khí trời.
- Tôi biết trước đây ông yêu quý nàng đến mức nào. Nhưng xin lỗi ông, ông có ý niệm gì về tình yêu của nàng đối với ông không?
- Xin lỗi, ông vừa nói gì?
- Tôi nói, ông có biết nàng yêu ông đến mức nào, nàng yêu ông hơn hết thảy mọi người trên đời, hay không?
- Ông căn cứ vào đâu mà nói như vậy?
|
- Chính nàng đã nói với tôi như vậy.
- Nàng nói với ông?
- Vâng…
- Xin lỗi. Tôi hiểu, lời cầu xin của tôi là quá quắt, nhưng nếu điều này nằm trong phạm vi sự khiêm nhường và nếu ông đủ sức xin ông vui lòng nhớ lại thật chính xác, đúng từng lời mà nàng đã nói với ông.
- Tôi sẵn sàng. Nàng đã gọi ông là mẫu mực về một con người mà nàng chưa thấy ai có thể sánh nổi, là người duy nhất vươn tới tầm cao thành thực, nàng nói rằng giả dụ nàng trông thấy ở góc ở góc biển chân trời một lần nữa hiện ra ánh đèn ngôi nhà mà nàng với ông từng chung sống, thì nàng sẽ quỳ xuống, lết bằng đầu gối đến ngưỡng cửa ngôi nhà đó, dù nàng đang ở bất cứ đâu đi nữa.
- Xin lỗi ông. Nếu điều này không động chạm tới một cái gì bất khả xâm phạm của ông, xin ông vui lòng nhớ lại, nàng đã nói câu ấy khi nào, trong hoàn cảnh nào?
- Lúc nàng đang dọn dẹp căn phòng này. Kế đó nàng mang tấm thảm ra rũ ngoài sân.
- Xin lỗi, tấm thảm nào ạ? Ở đây có hai tấm.
- Tấm lớn ấy.
- Một mình nàng không mang nổi nó. Ông đã giúp nàng chứ?
- Vâng.
- Mỗi người, ông và nàng, cầm một đầu tấm thảm. Nàng ngửa mặt ra phía sau, vung cao hai tay như trên một cây đu, nàng quay đầu để tránh bụi bay mù, nàng nheo mắt và cười ha hả phải không? Phải vậy không ông? Tôi biết thói quen của nàng quá mà? Sau đó hai người đi lại phía nhau, gấp tấm thảm lại thoạt đầu gập đôi, sau đó gập tư, và trong lúc làm việc đó, nàng luôn miệng nói đùa và nô giỡn chứ gì? Phải vậy không ông? Phải vậy không ông?
Họ đứng dậy, mỗi người đi ra một cửa sổ và nhìn về một hướng khác nhau. Sau vài phút im lặng, Strelnikov lại gần Zhivago. Anh ta cầm hai bàn tay bác sĩ áp lên ngực mình và nói tiếp nói bằng giọng vội vã như cũ:
- Xin lỗi ông, tôi hiểu rằng tôi động chạm đến một cái gì quý báu và thầm kín. Nhưng nếu có thể, tôi còn muốn được hỏi thêm ông. Chỉ xin ông chớ bỏ đi. Đừng để tôi lại một mình.
Chính tôi sắp ra đi rồi. Ông thử nghĩ, sau sáu năm xa cách, sáu năm chịu đựng ghê gớm. Nhưng tôi cứ tưởng vẫn chưa giành hoàn toàn tự do. Tôi cứ tự nhủ phải giành lấy tự do trước đã bấy giờ tôi sẽ hoàn toàn thuộc về hai mẹ con nàng, hai bàn tay tôi sẽ thảnh thơi hoàn toàn. Ai ngờ mọi công lao xây đắp của tôi đã tan thành mây khói. Ngày mai người ta sẽ bắt tôi. Ông là người thân thiết và gần gũi của nàng. Có lẽ một ngày kia ông sẽ gặp nàng. Nhưng thôi, tôi cầu xin làm gì kia chứ?
Thật là điên rồ. Người ta sẽ bắt tôi và không để cho tôi được biện minh. Họ sẽ lập tức vồ lấy tôi, họ sẽ la ó chửi bới mà bịt miệng tôi lại. Tôi lại không biết cái trò ấy diễn ra như thế nào hay sao?
Chú thích:(1) Gersen A. I. (1812 - 1870 ), nhà cách mạng nhà văn nhà triết học Nga.
|
Chương 195
Cuối cùng chàng cũng được một giấc ngủ thật sự. Lần đầu tiên sau bao ngày, Zhivago không để ý mình đã thiếp đi như thế nào, khi vừa đặt mình xuống giường. Strelnikov ngủ lại ở đây.
Chàng sắp xếp cho anh ta nằm ở phòng bên cạnh. Trong những giây phút ngắn ngủi, khi chàng tỉnh giấc để trở mình hoặc kéo cái chăn bị tuột xuống sàn, chàng cảm thấy sức mạnh bồi bổ của một giấc ngủ ngon và chàng lại khoan khoái thiếp đi. Vào khoảng nửa đêm về sáng, chàng mơ liên tiếp những giấc mơ ngắn về thời thơ ấu, những giấc mơ dễ hiểu và giàu chi tiết, rất dễ dàng coi là sự thực.
Chẳng hạn, chàng mơ thấy bức tranh thuốc nước của mẹ chàng vẽ cảnh bờ biển nước Ý, đang treo trên tường đột nhiên rơi xuống sàn và làm cho chàng thức giấc vì tiếng kính vỡ.
Chàng mở mắt ra. Không phải, đấy là tiếng động khác. Chắc là Pasa Antipop, chồng của Lara, tức Strelnikov, lại bắn dọa lũ chó sói trong khe Sutma, như lão Văc đã nói. Ồ không phải thế, vô lý quá. Đúng là bức tranh đã rớt khỏi tường. Các mảnh kính vỡ còn nằm trên sàn nhà kia kìa, chàng tin như thế trong lúc giấc mơ tiếp diễn trở lại.
Chàng thức giấc với cơn nhức đầu vì đã ngủ quá lâu. Một lúc sau chàng vẫn cứ lơ mơ không biết mình là ai và đang ở đâu, trong thế giới nào.
Đột nhiên chàng nhớ ra: "Ờ mà còn Strelnikov ngủ đêm nhà mình. Muộn lắm rồi. Mặc quần áo vào thôi. Chắc anh ta đã dậy, nếu chưa, mình sẽ đánh thức, sẽ đi pha cà phê để cùng uống với nhau".
- Ông Pasa?
Không có tiếng trả lời. "Nghĩa là anh ta vẫn ngủ. Phải nói là ngủ như thế thì say khiếp thật". Zhivago thong thả mặc quần áo và bước sang phòng bên cạnh. Chiếc mũ lông, loại mũ của kỵ binh, của Strelnikov nằm trên bàn, nhưng anh ta không có ở trong nhà. "Chắc anh ta đang đi dạo". - Zhivago nghĩ thầm. "Đi dạo ngoài trời băng giá mà để đầu trần. Một cách rèn luyện. Lẽ ra hôm nay mình nên giã từ vĩnh viễn Varykino và trở về thành phố, nhưng bây giờ muộn rồi. Lại ngủ quên. Sáng nào cũng dậy trễ".
|
Chương 196
Chỉ còn việc kể nốt câu chuyện không mấy phức tạp về Zhivago, tám, chín năm cuối cùng của đời chàng trước khi chết. Trong thời gian đó, chàng ngày càng sa sút và suy sụp, đánh mất vốn kiến thức và kỹ năng nghề y, mất dần khả năng viết văn làm thơ, đôi khi cũng vượt ra khỏi tình trạng nặng nề và suy sụp, phấn chấn trở lại hoạt động được một thời gian ngắn, nhưng rồi, sau một chút bùng cháy như lửa rơm, chàng lại rơi vào trạng thái triền miên thờ ơ hờ hững với chính mình và với mọi sự trên đời. Trong những năm ấy, cái bệnh đau tim vốn có ở chàng từ lâu, mà trước kia chàng đã tự chẩn đoán đúng, song không ngờ nó nặng đến thế, đã gia tăng đến mức trầm trọng.
Chàng về tới Moskva vào đầu thời kỳ chính sách kinh tế mới, thời kỳ mập mờ và giả tạo hơn cả của chế độ Xô viết.
Chàng hốc hác, râu tóc bờm xờm, trông còn mọi rợ hơn cả lẩn trốn khỏi khu du kích trở về Yuratin. Dọc đường, chàng lại dần dần lột bỏ tất cả những gì đáng giá để đổi lấy bánh ăn kèm theo mấy thứ quần áo cũ rách che thân. Bằng cách đó, dọc đường chàng lại ngốn hết chiếc áo lông thứ hai của mình cùng bộ comlê, và chàng xuất hiện giữa phố phường Moskva trong chiếc mũ lông xám xịt, chân quấn xà cạp, mình mặc cái áo capốt lính cũ kỹ đã tuột hết cúc, trông như chiếc áo của phạm nhân. Với cách trang phục ấy, chàng chẳng khác gì vô số chiến sĩ Hồng quân nhan nhản trên các quảng trường, đại lộ và nhà ga của thủ đô.
Chàng đến Moskva không phải chỉ có một mình. Lẽo đẽo theo sát gót chàng đi khắp nơi là một thanh niên nông dân đẹp trai, cũng mặc toàn đồ lính như chàng. Với diện mạo như thế, hai thầy trò xuất hiện trong những phòng khách còn sót lại ở Moskva, nơi Zhivago từng trải qua thời niên thiếu, nơi người ta còn nhớ và tiếp hai thầy trò chàng, sau khi tế nhị hỏi xem hai vị khách đã qua nhà tắm công cộng chưa - dạo đó bệnh sốt phát ban vẫn đang hoành hành. Cũng chính ở đó, trong mấy ngày đầu mới về, Zhivago đã được nghe kể về hoàn cảnh đi ra nước ngoài của gia đình chàng.
Cả hai tránh mặt đám đông, và nếu phải đi thăm ai, thì vì nhút nhát quá đáng, họ cố tránh đến một mình, bởi lẽ họ ngại những lúc không thể im lặng, những lúc tự họ phải tiếp chuyện. Thông thường, khi họ đến nhà người quen mà gặp lúc ở đấy tụ tập đám đông bạn bè, thì họ nổi bật lên bởi hai cái thân xác hom hem, họ bèn lánh vào một góc ít ai để ý và suốt buổi ngồi im, không tham gia câu chuyện chung.
- Với cậu bạn đường trẻ tuổi của mình, chàng bác sĩ cao gầy trong bộ đồ tang thương trông giống như một thường dân lang thang đi tìm chân lý, còn cậu thanh niên luôn luôn theo gót chàng thì y hệt một đệ tử ngoan ngoãn, mù quáng trung thành với ông thầy. Cậu thanh niên ấy là ai?
|