Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 197
Chặng đường cuối cùng, gần Moskva hơn, Zhivago đáp xe lửa, còn những chặng đầu, dài hơn nhiều, chàng phải cuốc bộ.
Cảnh tượng các làng mạc chàng đi bộ qua cũng không khá hơn những gì chàng thấy ở Sibiri và vùng Ural trong cuộc chạy trốn khỏi khu du kích. Khác chăng là hồi ấy chàng lặn lội giữa mùa đông, còn lần này là vào cuối mùa hè và đầu mùa thu ấm áp khô ráo, nên hành trình dễ dàng hơn hẳn.
Một nửa số làng xóm chàng đi qua hoang vắng như vừa trải qua trận càn quét của quân địch, ruộng đồng bị bỏ hoang hoặc không ai thu hoạch mùa màng. Vả lại đó cũng chính là hậu quả của chiến tranh - của cuộc nội chiến.
Hai ba ngày cuối tháng chín, chàng đi dọc theo một bờ sông cao, dốc đứng. Con sông chảy ở bên phải và chàng đi ngược dòng. Bên trái, từ bờ đường đến tít tận chân trời đầy mây, là những cánh đồng không được gặt hái trải dài mút tầm mắt. Thỉnh thoảng ruộng đồng nhường chỗ cho các cánh rừng um tùm, phần lớn là sồi, du và phong. Có những khe sâu chạy từ trong rừng ra sông, cắt ngang mặt đường thành những cái hãm dựng đứng và những cái dốc ngược.
Trên các thửa ruộng, lúa mạch đen quá chín, đến nỗi tách hạt ra và rụng xuống đất. Zhivago vốc từng vốc đầy bỏ vào miệng, vất vả nhai trệu trạo; chàng đành ăn theo cách đó trong những trường hợp đặc biệt khó khăn, không làm sao nấu được một bát cháo. Dạ dày chàng tiêu hoá rất tồi cái thứ đồ ăn sống sít, nhai trệu trạo như thế.
Zhivago chưa bao giờ trong đời thấy lúa mạch đen có màu nâu sẫm đe dọa kiểu ấy, màu của vàng lâu ngày bị nám đen. Nếu được thu hoạch đúng lúc, màu của nó sáng hơn nhiều.
Những cánh đồng màu lửa bị cháy mà không có ngọn lửa ấy, những cánh đồng đang hét lên kêu cứu mà không nghe có tiếng kêu ấy, được viền tứ phía bởi một bầu trời thản nhiên câm lặng, đã ngả sang đông, mà trên đó, như trên một bộ mặt u ám, trôi không ngừng nghỉ những đám mây tuyết sắp thành từng lớp dài, ở giữa đen sẫm, hai bên mép trắng phau.
Và tất cả đều chuyển động chầm chậm, đều đều. Dòng sông chảy xuôi. Con đường đi ngược về phía chàng. Những đám mây như rủ nhau đi theo một chiều với chàng. Những thửa ruộng cũng không chịu đứng yên. Có cái gì đang chuyển động trong đó, có tiếng kêu chít chít khe khẽ liên tục khiến người ta ghê tởm.
Lũ chuột đồng sinh sôi nẩy nở nhiều đến mức chưa từng thấy. Những đêm chàng phải ngủ trên bờ ruộng, lũ chuột cứ bò ngang bò dọc trên mặt, trên tay chàng, chui lủi cả vào trong ống tay áo và ống quần. Ban ngày, từng đàn chuột no nê, đông như kiến, chạy rình rịch qua đường, ngay dưới chân người và khi bị xéo lên thì biến thành đống bầy nhầy, trơn trượt, giãy giụa, kêu chí chóe.
Nhũng bầy chó hoang trong các làng lông lá xồm xoàm, trông phát khiếp, cứ nhìn nhau, như để đồng loã xem khi nào chúng nhảy xổ tới cắn xé chàng, chúng cứ lẽo đẽo bám theo chàng ở một khoảng cách đáng kể. Chúng sống bằng xác chết, nhưng cũng không từ lũ chuột sống, đang lúc nhúc sinh sôi nảy nở đầy đồng, chúng cứ từ xa nhìn chàng và bám theo một cách tự tin, luôn luôn chờ đợi một cái gì. Lạ thay, chúng không dám vào rừng, nên khi chàng càng tới gần rừng, thì chúng càng tản dần, quay trở lại làng hoặc biến mất.
Hồi ấy rừng cây và ruộng đồng là hai cảnh tượng hoàn toàn tương phản. Ruộng đồng côi cút vì vắng bóng người, như bị phó mặc cho quỷ dữ. Còn các cánh rừng thoát được bàn tay con người thì lại tự do khoe sắc như các tù nhân được giải phóng. Thường thường, người ta nhất là đám trẻ con trong làng, không để cho các trái cây kịp chín vì đã bẻ hái từ lúc còn xanh.
Giờ đây khắp các sườn đồi, sườn khe trong rừng đều um tùm, cành lá đã ngả màu vàng đượm như bị nắng thu rắc bụi làm mờ sạm đi. Từ đám cành lá nhô ra lủng lẳng từng chùm ba, bốn trái hạt dẻ một, trông như bó hoa được thắt nơ, trái nào trái ấy chín mẫm, sẵn sàng tách ra khỏi vỏ bất cứ lúc nào.
Zhivago nhét đầy các túi quần áo và chiếc tay nải để ăn dần. Chàng cứ vừa đi đường vừa luôn miệng cắn hạt dẻ. Đó là thức ăn chính của chàng suốt cả một tuần.
Bác sĩ Zhivago có cảm tưởng rằng chàng thấy đồng ruộng đang lâm bệnh nặng, trong cơn sốt mê man, còn rừng cây thì đang trong thời gian lành bệnh, lại sức, rằng Chúa đang sống trong rừng, còn ngoài ruộng đồng thì nghe văng vẳng có tiếng cười nhạo báng độc ác của quỷ sứ.
|
Chương 198
Chính vào những ngày ấy, bác sĩ ghé vào một làng đã bị cháy ra tro, dân chúng bỏ đi cả. Trước khi bị cháy, nhà cửa chỉ được dựng thành một dãy, nhìn qua đường, ra phía sông.
Chỉ còn lại một vài nhà, song cũng bị cháy sém bên ngoài. Và cũng chẳng có ai ở. Những ngôi nhà khác chỉ còn là những đống than với bộ khung lò sưởi đen thui chĩa lên trời.
Bờ sông dốc đứng bị dân làng ngày trước đào khoét thành từng hốc lỗ chỗ để lấy đá làm cối xay bột. Có ba chiếc cối xay như vậy, chưa được đẽo xong, nằm lăn lóc trước cửa ngôỉ nhà cuối dãy, một trong mấy ngôi nhà còn lại. Nó cũng trống không như mấy ngôi nhà kia.
Zhivago bước vào nhà. Chiều hôm ấy lặng gió, nhưng chàng vừa bước vào thì đúng là có một luồng gió ùa vào theo.
Các cọng cỏ khô và xơ gai bay tung tứ phía, các mảnh giấy dán tường bị bong hồ bắt đầu động đậy như sóng. Mọi thứ trong nhà đều chuyển động, sột soạt. Lũ chuột chạy tán loạn, kêu chít chít, vì cũng như khắp vùng này, trong nhà lúc nhúc những chuột là chuột.
Bác sĩ bước ra ngoài. Mặt trời đang lặn ở bên kia cánh đồng, phía sau lưng chàng. Ánh hoàng hôn ấm áp nhuộm vàng bờ sông phía đối diện. Các bụi cây và những vũng nước ở bên ấy in bóng dài mờ mờ ra tận giữa sông. Zhivago bước qua đường, ngồi nghỉ trên một chiếc cối xay nằm chỏng chơ bên vệ cỏ.
Từ dưới bờ sông nhô lên một cái đầu tóc hoe vàng, rồi đôi vai, kế đến đôi tay. Từ dưới sông, một người xách một thùng nước đầy theo con đường mòn đi lên. Ngườì ấy nhìn thấy bác sĩ bèn đứng lại, nửa người từ thắt lưng trở xuống bị khuất dưới bờ sông dốc.
- Này bác ơi, bác có muốn uống nước không, tôi mang lên cho. Bác đừng làm gì tôi, tôi cũng sẽ không động tới bác.
- Cảm ơn cháu. Có nước cho tôi uống với. Cứ lên đây, đừng sợ. Chú không làm hại cháu đâu.
Người xách nước đó hoá ra là một gã trai còn ít tuổi, đi chân đất, áo quần rách rưới, đầu tóc rối bù.
Mặc dù cậu ta nói những lời thân thiện, song cậu ta lại nhìn Zhivago chòng chọc, đầy dò xét. Vì một lý do khó hiểu nào đó cậu ta có vẻ xúc động lạ lùng. Cậu ta hồi hộp đặt thùng nước xuống đất, chạy vội lên chỗ bác sĩ, nửa chừng lại dừng chân lẩm bẩm:
- Không thể… Không thể… Không thể có chuyện đó. Chắc mình nhìn lầm. Xin lỗi, dầu sao tôi cũng mạn phép hỏi đồng chí. Hình như đúng đồng chí là người quen. Đúng rồi? Đúng rồi! Chú bác sĩ?
- Còn cháu là ai?
- Chú không nhận ra cháu à?
- Không.
- Cháu đi cùng một chuyến tàu với chú từ Moskva, cùng ngồi một toa. Cháu bị bắt đi lao công chiến trường, có lính áp giải ấy mà.
Đó là Vasia. Cậu ta sụp xuống hôn tay bác sĩ và khóc oà. Làng bị đốt cháy này là làng Veretenich, nơi chôn rau cắt rốn của Vasia. Mẹ cậu đã chết. Khi làng bị phá huỷ, bị cháy, Vasia chui xuống trốn dưới một cái hang ở bờ sông, chỗ người ta đào để lấy đá, song mẹ cậu lại tưởng cậu bị giải lên tỉnh, bà liền phát điên vì đau khổ và nhảy xuống sông Penga trầm mình, dòng sông mà bác sĩ và Vasia đang ngồi trên bờ trò chuyện. Hai đứa em gái của cậu, bé Alenca và Ariska, theo nguồn tin chưa chính xác, nghe đâu đang sống trong trại mồ côi ở huyện khác. Bác sĩ đem Vasia về Moskva theo mình.
Dọc đường, cậu ta kể cho chàng nghe nhiều chuyện ghê sợ.
|
Chương 199
- Đấy là vụ hè thu bị bỏ phí ngoài đồng. Vừa gieo xong thì tai hoạ ập đến. Khi cô Polia ra đi. Chú còn nhớ cô Polia chứ?
- Không, chưa bao giờ chú biết cô ấy cả. Cô ấy là ai vậy?
- Sao lại chưa biết. Cô Chiagunova ấy! Cùng đi tàu với chúng ta ấy. Người có khuôn mặt niềm nở, mập mạp, trắng trẻo.
- Cái cô cứ luôn luôn gỡ tóc ra rồi tết vào thành bím phải không?
- Bím tóc, bím tóc! Đúng, đúng đấy! Bím tóc!
- À, thế thì nhớ rồi. Hượm đã. Mà này, sau đó chú có gặp cô ấy ở Sibiri, tại một thị trấn, lúc đang đi ngoài phố.
- Có thể thế được ư? Chú gặp cô Polia?
- Ơ hay, cháu làm sao vậy, Vasia? Sao cháu cứ lắc tay chú như một thằng điên thế? Khéo không gãy tay chú bây giờ. Mà sao lại đỏ mặt lên như con gái vậy?
- Cô ấy ra sao? Chú kể nhanh đi.
- Lúc chú gặp thì cô ấy vẫn khỏe mạnh. Cô ấy có kể về cháu. Hình như cô ấy đã ở chơi nhà cháu thì phải. Nhưng chú không nhớ rõ đâu, chú có thể lẫn lộn.
- Không, đúng đấy, đúng đấy! Cô ấy có ở nhà cháu? Ở nhà cháu? Mẹ cháu quý cô ấy như em ruột vậy. Cô ấy hiền lành. Chịu khó. Khéo tay khéo chân lắm. Hồi cô ấy còn ở nhà cháu, gia đình rất đầy đủ. Nhưng người ta cứ đơm đặt nói xấu, khiến cô ấy phải bỏ làng cháu mà đi vì không yên tâm nổi với bọn họ.
Trong làng có thằng cha Khaclam khốn kiếp. Hắn săn đón tán tỉnh cô Polia. Một tên hớt lẻo tồi tệ. Nhưng cô ấy đâu thèm để mắt đến hắn. Hắn để bụng thù cô ấy. Hắn rêu rao nói xấu cô Polia với cháu. Hắn vu khống đủ thứ, đến mức cô Polia phải bỏ đi. Kế đó xảy ra một chuyện.
Một vụ giết người kinh khủng đã xẩy ra ở gần đây. Một phụ nữ goá chồng, sống cô độc ở một cái trại ven rừng, gần làng Buiscoie. Chị ta đi đôi giày đàn ông, có sỏ giây cao su. Chị ta nuôi một con chó dữ, buộc dây xích, nó thường chạy dọc hàng rào thép gai quanh trại, tên nó là Gorlan. Chị ta tự làm lấy việc nhà, việc nông trại, không cần ai phụ giúp. Thế rồi mùa đông ập đến bất ngờ. Tuyết rơi quá sớm. Chị ta lại chưa bới hết khoai. Chị ta đến làng và bảo "Các người hãy giúp tôi, tôi sẽ trả tiền hoặc một phần khoai bới được".
Cháu nhận đến bới khoai cho người ta. Cháu đến trại, thì thấy thằng cha Khaclam đã có mặt ở đấy. Hắn nhận làm giúp trước cháu. Chị ta, không nói cho cháu biết điều đó. Nhưng chẳng lẽ đi đánh lộn để tranh việc. Cháu với hắn bèn làm chung. Đúng hôm thời tiết xấu nhất. Vừa mưa vừa tuyết, bùn đất nhão nhoẹt. Bới được khoai rồi, còn phải đốt lá rụng và xông khói ấm cho khô khoai. Công việc xong xuôi, chị ta thanh toán công xá tử tế. Chị ta bảo Khaclam ra về, còn cháu, chị ta nháy mắt ra ý bảo "tôi còn muốn nhờ cậu chút việc, cậu hãy ở lại hoặc ghé đến sau cũng được".
Lần khác, cháu đến gặp chị ta. Chị ta nói, "tôi không muốn giao số khoai còn thừa cho đội trưng thu lương thực của nhà nước. Cậu là một chàng trai tử tế", chị ta bảo thế, "tôi biết cậu sẽ không tố cáo tôi. Đấy cậu xem, tôi không hề giấu giếm gì cậu. Kể ra, tôi cũng có thể tự mình đào hố giấu khoai, nhưng cậu xem, thời tiết xấu thế nào. Tôi để muộn quá, mùa đông đến mất rồi. Mình tôi không kham nổi. Cậu hãy đào hố giúp tôi, cậu sẽ được đền bù xứng đáng. Tôi với cậu sẽ sấy khoai và cất xuống đó".
Cháu đào giúp chị ta một cái hố bí mật, đáy phình ra, trên miệng hẹp lại, như một cái bình. Hai chị em cùng hun khói nóng cho khô và ấm trong lòng hố. Đúng cái hôm có bão tuyết. Khoai được giấu xuống đó cẩn thận, rồi lắp đất kín bên trên. Khỏi chê. Dĩ nhiên, cháu không hé môi kể cho ai biết cái hố ấy. Kể cả mẹ và hai em cháu, cháu cũng không nói cho biết.
- Không một ai biết được cả?
Thế nhưng chưa đầy một tháng sau, trại của chị ta bị cướp phá. Những bà con bên làng Buiscoie kể rằng khi họ đi ngang qua trại, họ thấy cửa nhà tanh bành, đồ đạc bị dọn sạch, chị goá biến mất tăm, con chó Gorlan thì giật đứt xích trốn đi.
Ít lâu sau, khi trời ấm lại đợt đầu, lúc ấy sắp sang năm mới, vào kỳ vọng lễ thánh Basin, trời mưa rào mấy trận, rửa sạch các đống tuyết, tuyết tan trơ mặt đất ra. Con chó Gorlan chạy về trại, cứ lấy chân bới khu đất, đúng chỗ giấu khoai. Nó bới mãi chỗ miệng hố, hất đất sang xung quanh, và từ dưới hố lôi ra hai cái chân của chủ nó đi đôi giày có dây buộc. Chú bảo có khiếp không!
Ở làng cháu ai cũng thương xót chị ta. Chả ai nghi cho thằng Khaclam. Mà nghi sao được? Mà tin sao được cơ chứ?
Nếu hắn giết, thì hắn đâu còn dám can đảm ở lại làng mà cứ đi nghênh ngang như thế? Thì hắn phải cao chạy xa bay khỏi làng rồi.
Đám kulak đầu tiên trong làng lấy làm hể hả về vụ giết người ở trại. Bọn chúng lợi dụng để gây rối trong làng. Chúng nói, bà con thấy chưa, bọn người thành thị khôn khéo chưa.
Đấy là chúng muốn đe dọa, cho bà con một bài học: chớ có mà giấu lúa, chôn khoai. Vậy mà thiên hạ ngu ngốc cứ đồn rằng họ thấy tụi cướp trong rừng kéo ra cướp trại. Dân quê đến là khờ dại! Bà con cứ nghe theo bọn người thành thị nữa đi. Chúng sẽ làm cho bà con khốn khổ, chết đói nhăn răng ra. Dân làng muốn yên thân thì hãy đi theo chúng tôi. Chúng tôi sẽ chỉ bảo cho. Khi nào chúng lột sạch những gì quý báu, những gì bà con phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được, thì bà con cứ bảo chúng rằng chẳng làm gì có lúa khoai dư thừa. Cùng lắm thì mang chàng nạng ra mà chống cự. Ai làm trái ý dân làng thì liệu thần hồn. Ông già bà lão cứ khen phải rối rít, hội họp tùm lum. Thằng cha hớt lẻo Khaclam chỉ chờ có thế. Nó lẳng lặng lên tỉnh để trình báo. Ở làng người ta đang làm loạn như thế này thế nọ, vậy mà các vị ngồi đây khoanh tay à? Phải lập Uỷ ban dân nghèo ở đó. Nếu các vị cho phép, tôi sẽ xử chúng đâu ra đấy trong nháy mắt. Sau đó hắn trốn biệt khỏi làng, chả thấy mặt hắn đâu nữa.
Mọi chuyện tiếp diễn một cách rất tự nhiên. Không ai gây sự, cũng chẳng ai có lỗi. Trên tỉnh phái về làng một toán Hồng quân. Và lập toà án lưu động. Cháu bị bắt ngay lập tức. Thằng cha Khaclam đã vu cho cháu. Nào là cháu đã bỏ trốn đợt lao công chiến trường, nào là cháu xúi bẩy dân làng nổi loạn, nào là cháu giết chị phụ nữ goá chồng. Cháu bị giam giữ cẩn thận.
May thay, cháu đã nghĩ cách nạy ván sàn trốn thoát. Cháu xuống trốn trong hang đất ở bờ sông. Làng xóm bốc cháy trên đầu cháu, cháu đâu có thấy, mẹ cháu gieo mình xuống sông, cháu cũng chẳng hay. Mọi chuyện cứ tự nhiên xảy ra. Toán lính Hồng quân đóng trong một ngôi nhà gỗ, đua nhau nốc rượu say bí tỉ. Ban đêm họ vô ý chuyện củi lửa, thế là nhà cháy thành tro, lây lan sang các nhà bên cạnh. Dân làng chạy thoát ra khỏi các ngôi nhà đang cháy, còn toán lính Hồng quân thì rõ ràng bị thiêu sống không thoát một mống. Không ai xua đuổi dân làng đi khỏi đống tro tàn. Tự họ bỏ làng ra đi tứ tán, vì họ sợ còn xảy ra những tai ương khác. Bọn nhà giàu đầu têu lại tung tin nói rằng người ta sẽ xử bắn một phần mười dân làng.
Lúc cháu trở lên làng, cháu không còn gặp một ai. Bà con đã bỏ làng đi hết, chắc đang lang bạt đâu đó.
|
Chương 200
Zhivago và Vasia đến Moskva vào mùa xuân năm một ngàn chín trăm hai mươi hai, đầu thời kỳ chính sách kinh tế mới. Trời trong sáng, ấm áp. Những vệt nắng, phản chiếu từ các vòm tròn dát vàng của nhà thờ Chúa Cứu Thế, hắt xuống cái quảng trường lát các viên đá hình chữ nhật, có cỏ mọc ở các kẽ đá.
Các lệnh cấm tư nhân kinh doanh đã được bãi bỏ, người ta cho phép buôn bán tự do trong phạm vi quy định chặt chẽ.
Những kẻ buôn bán đồ cũ ở chợ trời thực hiện các dịch vụ trao đổi hàng hoá. Quy mô nhỏ bé của các dịch vụ ấy thúc đẩy việc đầu cơ trục lợi và đưa đến tình trạng lạm dụng. Trò móc nối vặt vãnh của đám dân buôn chẳng đem lại cái gì mới và cũng chẳng tạo ra thêm chút hàng hoá nào cho tình thế kiệt quệ ở thành thị. Nhưng cứ mua đi bán lại các món hàng đến hàng chục lần với giá mỗi lúc mỗi cao cũng giúp họ làm giàu.
Những người có được một vài thư viện tư nhỏ bé đã tập trung sách của họ về một chỗ. Họ xin Xô viết thành phố cho mở các hợp tác xã mua bán sách báo. Họ xin được một địa điểm. Đó là một cái kho giày dép bị bỏ hoang từ mấy tháng đầu cách mạng hoặc một cái nhà ấm của hội trồng hoa cũng đã đóng cửa từ mấy năm nay. Dưới vòm nhà rộng rãi ấy, họ bày bán các bộ sách mỏng lượm lặt ở các nơi mang về.
Các bà vợ giáo sư, thời kỳ khó khăn từng bí mật làm loại bánh mỳ trắng đem bán, bất chấp lệnh cấm, bây giờ đem bán công khai trong một xưởng xe đạp nào đó từng hoạt động suốt những năm ấy. Bây giờ các bà đã chuyển hướng, chấp nhận cách mạng và thay vì nói "Vâng" hoặc "Được", họ bắt đầu nói:
"Đồng ý" hoặc "Tán thành".
Tới Moskva, Zhivago bảo Vasia:
- Có lẽ cháu nên làm một việc gì đó, Vasia ạ.
- Cháu cũng nghĩ thế, cháu nên đi học.
- Hẳn thế.
- Cháu còn một mơ ước nữa. Cháu muốn vẽ chân dung mẹ cháu theo trí nhớ.
- Hay lắm. Nhưng muốn vậy, phải biết vẽ. Cháu đã thử vẽ lần nào chưa?
- Hồi ở khu Apracsin, khi chú không để mắt tới, cháu vẫn chơi trò dùng than vẽ hình.
Vasia không có năng khiếu đặc biệt về môn vẽ, nhưng cũng đủ khả năng để học hội hoạ ứng dụng. Nhờ chỗ quen biết, Zhivago đã gửi cậu ta vào phân khoa phổ thông của trường Stơrôganov cũ, rồi từ phân khoa ấy cậu ta được chuyển sang khoa ấn loát. Tại đó cậu ta học kỹ thuật in thạch bản, nghề in typô, nghề đóng bìa sách và nghệ thuật trang trí sách.
Zhivago và Vasia cộng tác với nhau. Bác sĩ viết các tập sách mỏng, độ hai chục trang, về các vấn đề hết sức khác nhau, còn Vasia thì đem đến trường để in như một cách làm bài thi được tính cho cậu khi mãn khoá học. Những cuốn sách mỏng, được in một số bản theo kiểu đó, đã được mang bán tại các tiệm sách cũ mới mở và do các người quen của hai thầy trò làm chủ.
Trong các tập sách ấy, Zhivago trình bày triết lý của chàng, các quan điểm y học của chàng, các cách xác định sức khỏe và bệnh tật, các tư tưởng về thuyết biến hình và tiến hoá, về nhân cách như là cơ sở sinh lý học của cơ thể, các ý kiến của chàng về lịch sử và tôn giáo, không khác bao nhiêu so với các ý kiến của cậu Nicolai và cô Seraphima, các bài ký về những vùng khởi nghĩa Pugachev mà chàng từng đi qua, các bài thơ và truyện ngắn của chàng.
Các tác phẩm ấy được tnnh bày dễ hiểu, theo hình thức đàm thoại, song rất xa với mục tiêu mà các nhà truyền bá kiến thức phổ thông chủ trương, bởi vì chúng chứa đựng những quan điểm tùy tiện, chưa được kiểm chứng đầy đủ, song được cái rất sống động và độc đáo. Sách bán chạy và được những nhà hoạt động nghiệp dư đánh giá cao. Thời đó, làm thơ, dịch truyện, tất cả trở thành nghề chuyên môn, có các công trình nghiên cứu lý luận về đủ mọi thứ, có các viện nghiên cứu dành cho tất cả mọi thứ. Xuất hiện các thứ Cung tư tưởng, Hàn lâm viện tư tưởng nghệ thuật, Zhivago là tiến sĩ nằm trong biên chế của một nửa các thứ hàn lâm viện vô danh ấy.
Chàng và Vasia chung sống hoà thuận với nhau trong một thời gian dài. Họ thay đổi chỗ ở xoành xoạch, chỗ nào cũng khó ở và thiếu tiện nghi theo nhiều cách khác nhau.
Ngay khi về Moskva, Zhivago đã tới ngôi nhà của gia đình ở đường Sipsep Vragiec, ngôi nhà cũ mà người ta bảo chàng rằng các người thân của chàng từ hồi về Moskva không ghé đến lần nào. Do họ bị trục xuất, những căn phòng đứng tên chàng và gia đình đã được cấp cho người khác đến ở, mọi đồ đạc của riêng chàng và gia đình cũng không còn một thứ gì. Thấy chàng, mọi người xa lánh chàng như một người quen nguy hiểm.
Macken đã lên chức và không còn ở đường Sipsep nữa. Bác đã cử làm quản trị trưởng khu cư xá Hàng Bột, nơi bác ta cùng gia đình có quyền chiếm căn hộ của viên quản lý cũ. Tuy nhiên, bác ta chọn căn buồng của người gác cửa cũ, nền đất, có vòi nước và cái lò sưởi lớn kiểu Nga chiếm một nửa căn buồng.
Tất cả các dãy nhà trong khu cư xá về mùa đông đều bị nứt ống dẫn nước và ống lò sưởi, chỉ riêng căn buồng của người gác cửa là ấm áp và nước không bị đóng băng hoặc lạnh giá.
Rồi đến giai đoạn quan hệ giữa Zhivago và Vasia trở nên lạnh nhạt. Vasia đã phát triển nhanh lạ lùng. Cậu ta bắt đầu nói và nghĩ khác hẳn lời nói lẫn cách nghĩ của cậu bé chân đất, tóc tai rối bù ở làng Veretenich trên sông Penga ngày nào.
Tính chất hiển nhiên, tuyệt đối của những chân lý do cách mạng đưa ra ngày càng lôi cuốn cậu ta. Lời lẽ bóng bẩy, không hoàn toàn dễ hiểu của bác sĩ, bị cậu cho là luận điệu sai trái, đang bị lên án, một luận điệu đuối lý nên tìm cách lảng tránh.
Bác sĩ tới lui nhiều cơ quan khác nhau. Chàng làm đơn xin đề nghị họ giải quyết hai việc. Một là về mặt thanh minh chính trị cho gia đình để gia đình chàng được quyền hợp pháp trở về Tổ quốc, mặt khác, chàng xin hộ chiếu cho mình sang Paris đoàn tụ với vợ con.
Vasia ngạc nhiên về sự uể oải và kém hăng hái của Zhivago trong việc lo liệu xin xỏ đó. Zhivago chưa chi đã cho rằng mọi cố gắng bỏ ra đều vô ích, chàng cũng quá tự tin và hài lòng khi luôn miệng tuyên bố rằng mọi nỗ lực chạy chọt tiếp theo cũng chỉ uổng công mà thôi.
Vasia ngày càng hay chỉ trích chàng. Chàng cũng không phật lòng về những lời chỉ trích hữu lý đó. Nhưng quan hệ giữa chàng với Vasia đã bị tổn thương. Cuối cùng họ từ bỏ nhau.
Zhivago để lại căn phòng hai người thuê chung cho Vasia, còn chàng thì dọn đến khu cư xá Hàng Bột, nơi Macken đầy quyền thế cấp cho chàng một góc khu nhà cũ của gia đình Sventitski.
Chỗ này ở cuối khu nhà, gồm một buồng tắm cũ không ai dùng, căn phòng có một cửa sổ ở sát buồng tắm và một cái bếp xiêu vẹo nối liền với cái cửa hậu đã bị đổ đến lưng chừng. Zhivago dọn đến đây, bỏ hẳn nghề y, bắt đầu sống bừa bãi, ngừng đi lại với những người quen biết và lâm vào cảnh đói nghèo.
|
Chương 201
Hôm đó là một ngày chủ nhật mùa đông u ám. Khói các bếp lò không bốc lên thành từng cột trên các mái nhà, mà lại đùn từng làn đen mỏng qua những cửa sổ mỏng thông gió, là chỗ tuy có lệnh cấm, người ta vẫn tiếp tục bắt các ống dẫn khói bằng sắt của các thứ bếp lò tạm bợ ra đó. Sinh hoạt thành phố vẫn chưa trở lại bình thường. Dân trong khu cư xá Hàng Bột không được tắm rửa, đầy mụn nhọt, rét run vì lạnh.
Nhân ngày chủ nhật, cả gia đình Macken họp mặt đông đủ Cái bàn cả gia đình Macken đang ngồi ăn trưa bây giờ trước kia là bàn phát bánh mì theo tem phiếu định lượng. Hồi ấy, sáng sớm, các gia đình sống trong khu cư xá đem tem phiếu bánh mì đến đây, người ta dùng kéo cắt rời từng ô nhỏ, phân loại, đếm kỹ, gói từng loại vào một cái túi hay một tờ giấy, rồi mang đến cửa hàng bánh mì. Lúc mang bánh về, cũng trên chiếc bàn ấy, người ta cắt ngang cắt dọc thành từng miếng nhỏ, đem cân rồi phân phát cho từng hộ tùy theo khẩu phần. Tất cả những chuyện đó bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Sổ tem phiếu lương thực đã được thay thế bằng các hình thức kiểm định khác. Bên chiếc bàn dài ấy, gia đình Macken đang ăn uống ngon lành, họ nhai tóp ta tóp tép, bạnh cả quai hàm.
Cái lò sưởi lớn kiểu Nga nổi cao giữa nhà chiếm một nửa căn buồng, trên mặt trải một tấm mền bông khâu chần, mép rủ xuống xung quanh.
Ở bức tường trước, cạnh lối ra vào, phía trên bồn nước, có một cái vòi nước. Dọc hai bên hông nhà kê mấy chiếc ghế dài, dưới gầm nhét đủ các thứ bao, túi, rương, hòm đựng vật dụng.
Phía bên trái có một cái bàn để làm bếp. Phía trên bàn có một cái tủ bát đĩa đóng vào tường.
Lò sưởi đang cháy. Trong nhà nóng bức. Bà vợ Macken là Agafia đứng trước lò, tay áo xắn cao, dùng que cời dài xê dịch các nồi thức ăn lúc gần lại, lúc cách xa nhau tùy theo mức độ cần thiết. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của bà khi thì được ánh lửa đỏ trong lò rọi sáng, khi thì bị mờ đi vì hơi nóng các món ăn đang nấu bốc lên. Bà xê dịch các nồi sang một bên, kéo từ bên trong ra chiếc bánh nướng đặt trên một tấm sắt, khéo léo lật ngược mặt chiếc bánh, rồi lại đẩy sâu vào một lát nữa cho vàng thêm. Zhivago xách hai cái sô bước vào nhà.
Chúc cả nhà ngon miệng.
- Mời ông vào đây dùng bữa với chúng tôi nào.
- Cám ơn, tôi ăn trưa rồi.
- Chúng tôi lạ gì bữa ăn trưa của ông. Ông hãy ngồi xuống đây ăn một chút gì cho ấm bụng. Đừng khách sáo. Mấy củ khoai nướng, bánh nướng, nhân hành mỡ thôi.
- Cám ơn, tôi ăn rồi, thật mà. Bác Macken, xin lỗi bác tôi cứ phải xuống xách nước nhiều lần, làm ướt lạnh cả nhà bác. Tôi muốn lấy luôn một lần kha khá để trữ sẵn. Tôi đã cọ rửa sạch cái bồn tắm bằng kẽm của gia đình Sventitski, tôi sẽ trữ nước vào đó và vào các thùng gỗ nữa. Hôm nay, tôi sẽ xách dăm, mười chuyến, sau một thời gian nữa mới lại dám làm phiền bác. Mong bác tha lỗi cho tôi. Ngoài nhà bác ra, tôi chả còn biết xin nước ở nhà ai.
- Ông cứ lấy bao nhiêu tùy ý, tôi chả tiếc. Ông xin nước đường thì không có, chứ nước lã thì vô khối. Ông cứ việc xách, chúng tôi không đòi ông trả tiền đâu.
Cả bàn ăn phá lên cười.
Khi Zhivago xuống xách chuyến thứ ba, gia chủ đã hơi đổi giọng:
- Các con rể tôi hỏi ông là ai. Tôi nói, chúng nó không tin. Kìa cứ lấy nước đi, đừng ngại. Có điều đừng để nước ra sàn, ông ngố ạ. Đấy, ông làm nước sánh ra ngưỡng cửa rồi đấy. Nó đông lại thì ông có mang xà beng xuống cạy đi không. Khép cánh cửa cho kín chút nữa, kẻo gió lạnh lùa vào, gớm sao mà vô ý tứ. Phải, tôi trả lời các anh con rể ông là ai, họ không tin. Người ta đã tốn bao nhiêu tiền của để ông ăn học, nhưng được cái tích sự gì nào?
Khi Zhivago chuyển nước tới chuyến thứ năm hoặc thứ sáu, thì Macken cau mặt:
- Lần này nữa thôi nhé. Cũng nên biết điều đôi chút chứ.
May có con Marina, con gái út của tôi, nó bênh ông, nếu không, nhìn cái cảnh ông làm văng nước tung tóe như thợ hồ thế kia, tôi đóng cửa lại rồi. Ông nhớ con bé Marina chứ? Đấy, cái con bé tóc đen đen, ngồi ở cuối bàn kia kìa. Hừ, trông nó đỏ mặt kìa. Nó cứ luôn mồm, bố, bố đừng xử tệ với ông bác sĩ. Mà có ai chạm đến ông đâu. Nó làm điện báo viên ở Bưu điện thành phố nó hiểu cả tiếng ngoại quốc cơ đấy. Nó bảo ông bác sĩ thật đáng thương. Nó sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu giúp ông đấy. Có phải tại tôi mà ông ra nông nỗi này đâu. Ai bảo bỏ nhà cửa giữa thời buổi nhiễu nhương mà đi Sibiri. Tại ông cả thôi. Ông thấy đấy, chúng tôi ở đây suốt thời kỳ đói kém, suốt thời kỳ bọn bạch vệ bao vây, mà có suy chuyển gì đâu. Ông hãy tự trách ông thôi. Ông không biết giữ bà Tonia, để bà ấy phải vất vưởng ở nước ngoài. Chuyện đó chả liên quan gì đến tôi. Đó là việc của ông. Có điều ông đừng giận, tôi hỏi ông làm gì với ngần ấy nước? Chắc không phải người ta thuê ông làm sân trượt băng đấy chứ? Ai thừa hơi để bụng giận ông, đồ gà rù.
Cả bàn lại cười rộ. Marina bực bội nhìn gia đình cô, cô đỏ mặt chê trách họ. Zhivago nghe thấy tiếng cô, ngạc nhiên lắm, nhưng chưa hiểu ẩn ý của nó.
- Nhà tôi phải lau chùi nhiều chỗ, bác Macken ạ. Phải dọn dẹp cho sạch. Lau sàn, rồi giặt giũ.
Mọi người quanh bàn ngạc nhiên.
- Ông nói thế không biết ngượng hay sao? Ông định kiêm luôn chú thợ giặt nữa chắc?
- Ông bác sĩ, ông để tôi cho cháu nó lên làm giúp. Nó sẽ đến lau chùi, giặt giũ giúp ông. Nếu cần, nó sẽ vá quần áo cho ông. Con đừng sợ ông ấy. Ông bác sĩ là người tử tế, hiền lành, không như người khác đâu mà ngại.
- Thưa bà Agafia, tôi đâu dám ạ. Tôi không đời nào để cô Marina phải bẩn tay: Cô ấy có phải người hầu của tôi đâu? Tôi tự xoay sở lấy được mà.
- Bác sĩ bẩn tay thì được, còn tôi không làm nổi hay sao? Ông khó tính quá đấy. Việc gì ông phải từ chối? Thế tôi lên thăm ông, ông cũng đuổi tôi ra chăng?
Marina rất có thể trở thành ca sĩ. Giọng cô thật trong trẻo, du dương, rất thanh và mạnh. Maria nói không to, nhưng nghe vang vang hơn hẳn cuộc trò chuyện thông thường đòi hỏi, tựa hồ không phải do cô phát ra, mà nó ở bên ngoài con người cô. Tưởng chừng nó vọng sang từ phòng bên và từ phía sau lưng cô. Giọng nói ấy là thần hộ mệnh, che chở cô. Không ai muốn xúc phạm hoặc làm buồn lòng một phụ nữ có giọng nói như vậy.
Tình bạn giữa Zhivago và Marina bắt đầu từ bữa xách nước hôm chủ nhật ấy. Cô gái thường lên giúp chàng làm việc trong nhà. Một hôm, cô ở hẳn lại với chàng, không trở về nhà mình nữa. Thế là cô trở thành người vợ thứ ba của Zhivago, người vợ không có giá thú, trong khi chàng vẫn chưa ly dị người vợ thứ nhất. Rồi hai người có con với nhau. Ông bà Macken không khỏi hãnh diện gọi con gái mình là bà bác sĩ, Macken cằn nhằn rằng Zhivago không cưới hỏi và không làm giá thú với Marina. Nhưng vợ bác cãi lại: "Ông điên à? Đang khi bà Tonia còn sống mà làm thế thì còn ra thể thống gì nữa? Thành ra hai vợ à?"
- Bà ngu thì có, - Bác Macken mắng lại. - Kể làm gì cái nhà bà Tonia nữa. Coi như không có bà ta vậy. Chẳng còn luật pháp nào bênh vực bà ta hết.
Zhivago đôi khi nói đùa rằng cuộc tình duyên của chàng với Marina là một cuốn tiểu thuyết hai mươi sô nước, cũng như có những cuốn tiểu thuyết hai mươi chương hay hai mươi hồi.
Marina tha thứ cho bác sĩ những biểu hiện lập dị của chàng thời kỳ đó, cái tính dở dở ương ương của một người đã suy sụp và ý thức được sự suy sụp của mình, cái lối ăn ở luộm thuộm và dơ bẩn mà chàng gây ra. Cô chịu đựng những lời càu nhàu, gắt gỏng và sự bẳn tính của chàng.
Đức hy sinh của cô còn đi xa hơn nữa. Khi vì lỗi của chàng, hai vợ chồng lâm vào cảnh túng quẫn tự nguyện do chính họ tạo ra, Marina không nỡ bỏ chàng một mình ở nhà, nhiều hôm cô đã bỏ cả việc làm ở sở, nơi mọi người rất quý mến cô và lại vui lòng nhận cô trở lại nhiệm sở sau những ngày nghỉ việc miễn cưỡng ấy. Chiều theo óc tưởng tượng của Zhivago, cô đã cùng chàng đi gõ cửa các nhà để xin việc kiếm sống. Hai vợ chồng nhận cưa củi thuê cho các gia đình sống ở các tầng nhà khác nhau trong cư xá. Một số người, nhất là bọn đầu cơ buôn lậu mới phất lên hồi đầu Chính sách kinh tế mới và các nhà hoạt động khoa học và nghệ thuật thân cận Chính phủ, bắt đầu cơi rộng thêm nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới. Một hôm Zhivago và Marina bưng củi dự trữ chất vào phòng làm việc của một căn hộ. Họ đi ủng, bước từng bước thận trọng trên tấm thảm trải sàn để khỏi mang mạt cưa ngoài sân vào nhà.
Chủ nhà ngồi đọc sách một cách chăm chú và kênh kiệu, chẳng thèm để ý nhìn lấy một lần hai vợ chồng người thợ cưa củi thuê. Vợ ông ta đứng ra mặc cả, trông coi công việc và trả tiền công cho họ.
|