Bác Sĩ Zhivago
|
|
Chương 206
Một buổi sáng cuối tháng tám, Zhivago từ dưới bến xe điện ở góc phố Gazetnyi bước lên chuyến xe điện chạy ngược đường Nikitsaia từ Đại học Tổng hợp đến phố Kudrinskaia.
Đây là lần đầu tiên chàng tới làm vệc ở bệnh viện Botkin, hồi ấy gọi là bệnh viện Soldatelko. Có lẽ đây cũng là lần thứ nhất chàng đến bệnh viện ấy vì lý do công vụ.
Zhivago không gặp may. Chàng đi phải chiếc xe đã hư, cứ gặp hết tai hoạ này đến trục trặc khác. Khi thì một chiếc xe ngựa trật bánh xuống đường rày, chắn ngay phía trước, khiến tàu điện phải ngừng lại. Khi thì bên dưới sàn xe hoặc trên nóc toa hỏng bộ phận cách điện, điện bị chập mạch và có cái gì cháy nổ lách tách. Bác tài chốc chốc lại cầm cờlê bước xuống tàu, đi vòng quanh toa, chui vào gầm xe hoặc ngồi xổm lúi húi chữa chỗ bị hư hỏng ở giữa bánh xe và bậc lên xuống cuối toa.
Chuyến xe không may ấy cản trở giao thông trên toàn chuyến đường. Nhiều chuyến chạy sau đó đã bị nó chắn đường, cứ nối đuôi nhau mỗi lúc một dài. Đuôi đoàn xe đã ở quá sân Quần Ngựa và đang tiếp tục dài thêm. Những hành khách từ các chuyến xe đằng sau kéo lên chuyến xe đầu là thủ phạm gây ra cảnh tắc nghẽn, họ tưởng như thế sẽ tranh thủ được thời gian. Giữa buổi sáng nóng bức hôm đó, đứng trong toa tàu chật lèn thật là ngột ngạt. Phía trên đầu đám đông hành khách đang dồn từ các chuyến xe đằng sau lên, một đám mây đen tím bầm từ phía cổng Nikita đang đùn mỗi lúc một cao lên trời. Sắp có giông.
Zhivago ngồi trên một cái ghế cá nhân ở bên trái, bị ép sát vào cửa sổ. Vỉa hè bên trái đường Nikitskaia, chỗ có Nhạc viện, luôn luôn ở trước mặt chàng. Dù muốn hay không, tuy đang mải nghĩ đến chuyện khác song những người đi bộ và đi xe phía đường bên này đều lọt vào tầm mắt của chàng.
Chàng để ý đến một bà già tóc bạc phơ, đội mũ rơm màu sáng có đính mấy bông hoa cúc và hoa thủy sa bằng vải, mặc chiếc áo váy kiểu cổ màu tím nhạt, bó sát lấy người, tay vung vẩy một cái gói nhỏ dèn dẹt, đang chậm chạp lê bước. Bà lão có vẻ mệt lử vì nóng bức, chốc chốc lại dùng tấm khăn viền ren lau mồ hôi trên lông mày và trên môi, trên mặt.
Con đường bà lão đi song song với chuyến xe điện. Đã mấy lần Zhivago mất hút bóng bà, khi tàu được sửa xong lại chạy và vượt qua bà. Và mấy lần bà lại hiện ra trong tầm mắt chàng, khi xe điện lại bị hỏng, phải đỗ để sửa, bà lại đuổi kịp xe.
Zhivago nhớ đến các bài toán đố của học trò về cách tính thời gian và thứ tự của những chuyến xe lửa khởi hành vào các giờ khác nhau, chạy với vận tốc khác nhau; chàng muốn nhớ lại cách giải chung nhất các bài toán đó, nhưng không kết quả, chàng đành bỏ dở và chuyển sang những suy tưởng còn rắc rối hơn.
Chàng nghĩ về một số cuộc đời đang tiếp diễn bên nhau, đang vận động với tốc độ khác nhau, cuộc đời người này bên cạnh cuộc đời người kia, đến một ngày nào đó thì số phận người này vượt qua số phận người kia và ai là kẻ sống lâu hơn.
Chàng thấy một cái gì như nguyên lý tương đối được áp dụng vào trường đời nhưng cuối cùng chàng bị lẫn lộn lung tung, nên lại thôi không nghĩ đến sự giống nhau ấy nữa.
Một lằn chớp lóe sáng, kế đó sấm nổ vang. Chuyến tàu điện bất hạnh một lần nữa lại trục trặc ở đoạn dốc từ phố Kudrinskaia xuống Sở thú. Một lát sau, bà lão mặc áo tím hiện ra trong khung cửa sổ, vượt chiếc tàu và đi xa dần. Những giọt mưa nặng hạt đầu tiên đã rơi xuống đường, xuống người bà lão Một cơn gió cuốn đầy bụi, thổi rạp cả cây lá, tìm cách giật bay chiếc mũ của bà lão, lùa dưới váy bà rồi đột nhiên tắt hẳn.
Zhivago cảm thấy người nôn nao, mất sức, chân tay rã rời. Chàng gượng đứng dậy khỏi ghế, giật lên giật xuống hai cái dây đai giữ cửa sổ để mở nó ra. Nhưng chàng không mở nổi.
Người ta quát to với chàng rằng cánh cửa sổ đã bị đóng chết vào khung, nhưng chàng đang cố thắng cơn buồn nôn, cơn lo sợ nào đó, nên chàng không biết là người ta đang quát bảo chàng và chàng không để ý xem họ nói gì. Chàng tiếp tục giật lên giật xuống cái khuôn cửa về phía mình và đột nhiên cảm thấy một cơn đau chưa từng thấy và khó bề cứu vãn ở trong ngực. Chàng hiểu rằng chàng đã làm đứt tung một cái gì đó trong người mình, đã gây ra một hành động chết người và thế là hết. Ngay lúc ấy, chuyến tàu điện bắt đầu chuyển bánh, nhưng chạy được vài chục mét trên đường Presna, nó lại phải đỗ
Bằng một nỗ lực phi thường của ý chí, chàng lảo đảo cố len qua đám đông hành khách đứng chật ních cả lối đi giữa các hàng ghế, lần ra được bậc lên xuống cuối toa. Mọi người không chịu cho chàng len qua, cứ hậm hà hậm hực với chàng. Chàng cảm thấy luồng không khí mát làm cho chàng hồi sinh, có lẽ tất cả chưa phải là hết, có lẽ đã dễ chịu hơn.
Chàng lại bắt đầu len qua đám người bu chật bậc lên xuống, chàng bị họ chửi rủa, xô đẩy huých vào người. Chẳng thèm để ý đến tiếng chửi bới, chàng chen qua, từ trên bậc toa của chuyến tàu đang đỗ bước xuống đường, bước một bước, hai bước, ba bước, rồi ngã vật xuống mặt đường lát đá để không bao giờ dậy nữa.
Tiếng xôn xao nổi lên cùng với những câu tranh cãi, những lời khuyên. Mấy người đứng trên bậc toa bước xuống, vây quanh người bị ngã. Chẳng mấy chốc họ đã xác định rằng chàng đã tắt thở và tim ngừng đập. Từ hai bên vỉa hè, người ta kéo tới chỗ đám đông vây quanh nạn nhân, kẻ thì yên tâm, kẻ lại thất vọng trước việc người chết nằm đó không phải bị tàu cán, nên chẳng liên can gì đến chuyến tàu. Đám người mỗi lúc một đông thêm. Bà lão mặc áo tím cũng đến gần, đứng một lát, nhìn mặt người chết, nghe mọi người bàn tán, rồi lại tiếp tục đi. Bà lão là một ngoại kiều, nhưng cũng hiểu là một số người khuyên nên khiêng xác nạn nhân lên tàu điện chở tới bệnh viện, một số khác bảo rằng phải gọi công an. Bà lão bỏ đi, chứ không chờ xem người ta quyết định ra sao.
Bà lão mặc áo tím là người Pháp, quốc tịch Thụy Sĩ, chính là Mazmoaden Flori ở Meliuzev, giờ đã già lụ khụ. Suốt mười hai năm nay bà làm đơn xin phép hồi hương. Mãi gần đây, đơn từ của bà mới được giải quyết xong xuôi. Bà lên Moskva để nhận thị thực xuất cảnh. Hôm ấy bà tới toà đại sứ nước bà để nhận nó, vừa đi vừa phe phẩy quạt bằng các thứ hồ sơ giấy tờ được bọc trong một tờ bìa và buộc một dải băng. Bà đi vượt chuyến tàu điện lần thứ mười, hoàn toàn không biết rằng bà đã vượt Zhivago và sống lâu hơn hẳn chàng.
|
Chương 207
Từ ngoài hành lang nhìn vào qua cửa sổ có thể thấy một góc phòng vớí chiếc bàn kê xéo. Trên bàn đặt chiếc quan tài hướng phía chân người quá cố ra ngoài cửa, ở phần đó chiếc quan tài thấp và hẹp, dần lại, trông như một con thuyền độc mộc được đẽo sơ sài. Đó chính là chiếc bàn viết của Zhivago.
Trong phòng không còn chiếc bàn nào khác. Các tập bản thảo đã được nhét vào ngăn kéo, và chiếc bàn được dùng để đặt quan tài. Chiếc gối đưới đầu được kê rất cao, xác chết nằm trong quan tài như nằm gối đầu trên một cái dốc núi.
Xung quanh thi thể chàng có rất nhiều hoa, cả những bụi tử đinh hương màu trắng rất hiếm vào mùa đó, những bông anh thảo, những chậu hoặc giỏ hoa sinerari. Hoa che cả ánh sáng từ cửa sổ. Ánh sáng len qua kẽ các bông hoa, hắt vào khuôn mặt màu sáp và hai bàn tay người chết, vào lớp gỗ và mặt vải lót quan tài. Những bóng râm dường như vừa ngừng đung đưa, vẽ thành hình trang trí đẹp mắt trên bàn.
Thời kỳ đó, tục lệ hoả táng đã được phổ biến khá rộng rãi. Với hy vọng nhận tiền trợ cấp cho hai đứa bé, lo toan cho tương lai học hành của chúng và vì không muốn ảnh hưởng xấu đến địa vị của Marina ở nhiệm sở, người ta từ chối việc làm ma ở nhà thờ và quyết định hoả táng như một thường dân. Người ta đã báo cho các cơ quan hữu trách và chờ đợi đại diện của các cơ quan đó tới.
Trong thời gian chờ đợi, căn phòng trống vắng y như một căn nhà mà người chủ cũ đã dọn đi, còn người chủ mới thì chưa tới Bầu không khí yên tĩnh chỉ bị khuấy động bởi các bước chân rón rén và tiếng giầy khe khẽ của những người đến nghiêng mình trước linh cữu. Số người ấy không nhiều, song cũng đông hơn dự đoán. Tin về cái chết của một người gần như vô danh đã lan đi khắp phạm vi những người quen biết với tốc độ nhanh chóng lạ thường. Trong số những người đến chia buồn, có nhiều người biết Zhivago vào những thời gian khác nhau mà sau đó chàng đã mất liên lạc hoặc quên đi vào những giai đoạn khác nhau. Đông hơn cả là những người bạn vô danh hâm mộ tư tưởng khoa học và thơ văn của chàng, họ chưa hề biết mặt con người đã lôi cuốn họ và đây là lần đầu tiên họ đến để nhìn chàng và vĩnh biệt chàng.
Những giờ phút ấy, trong cảnh im lặng chung không có bất cứ nghi lễ gì, người ta gần như cảm thấy rõ ràng sự mất mát, và chỉ các bông hoa thay thế tiếng kinh cầu hồn và tang nghi mà thôi.
Các bông hoa ấy không chỉ nở và thơm ngát, mà tựa hồ đang đồng loạt toả hương cho mau tàn, ban phát mùi thơm cho tất cả mọi người như đang thực hiện một công việc gì đó.
Có thể dễ dàng hình dung vương quốc thảo mộc là láng giềng gần nhất của vương quốc thần chết. Ở đấy, trong màu xanh lá cây của đất, giữa các hàng cây nơi nghĩa trang, giữa các mầm hoa đang nhú lên từ các luống đất, có lẽ quy tụ các bí mật của sự biến hoá và những bí ẩn của sự sống mà ta cố tìm hiểu.
Lúc Chúa Giêsu từ trong quan tài bước ra, Maria Madelen thoạt tiên không nhận ra, tưởng lầm Ngài là bác làm vườn đi trong nghĩa địa. (Nàng cứ ngỡ Người ấy là kẻ làm vườn… ).
|
Chương 208
Khi linh cữu được đưa về nơi cư ngụ cuối cùng của người quá cố ở phố Kamerghe và khi hai anh bạn bị chấn động vì nghe tin Zhivago chết, cùng với Marina từ ngoài cổng chạy vào căn phòng cửa mở toang, thì Marina đã như người mất trí, cô cứ lăn lộn dưới đất, đập đầu vào mép chiếc ghế dài có lưng dựa, dùng làm ghế ngồi ở gần cửa, nơi người ta tạm đặt thi thể Zhivago trong lúc chờ mua quan tài về và thu dọn căn phòng.
Cô vừa khóc như mưa như gió vừa lẩm bẩm hoặc kêu lên những tiếng uất nghẹn. Đến một nửa những tiếng cô nói bật ra ngoài ý muốn của cô. Cô kể lể với người chết như dân chúng vẫn làm khi gia quyến có người qua đời, chẳng ngại ngần ai hoặc để ý đến ai. Cô cứ bám chặt đến người nằm đó, không sao gỡ ra được, để mang xác vào phòng trong tắm rửa và đặt vào quan tài, tức căn phòng ấy đã được dọn dẹp và mang hết các thứ đồ gỗ không cần thiết ra ngoài. Tất cả những chuyện ấy đã thuộc về hôm qua. Hôm nay cơn đau khổ điên dại của cô đã dịu đi nhường chỗ cho sự câm lặng ngây ngô, nhưng cô vẫn như người mất hồn, không nói một lời và cũng không còn nhớ mình là ai nữa.
Cô ngồi trong phòng suốt buổi chiều và cả đêm qua, không đi đâu hết. Người ta phải bế bé Clara vào để cô cho bú và đưa bé Kapa cùng cô vú em ít tuổi vào với cô.
Bên cạnh cô có Misa và Nika cũng đau buồn không kém. Bác Macken cha cô cũng đến ngồi trên chiếc ghế dài cạnh con, vừa khẽ sụt sịt vừa hỉ mũi ầm ĩ. Bà mẹ và các chị gái của Marina cũng tới bên cô khóc lóc rồi lui ra.
Trong số những người ấy, nổi bật lên một người đàn ông và một người phụ nữ. Hai người ấy không tự xưng là họ gần gũi với người chết hơn mấy người vừa kể. Họ cũng không ganh đua đau khổ với ba mẹ con Marina, với hai anh bạn của Zhivago. Họ tỏ ra kín đáo hơn. Hai người ấy không đòi hỏi gì cả, nhưng họ có quyền đối với người quá cố những quyền hết sức đặc biệt. Không một ai động chạm, cũng không một ai phủ nhận những cái quyền khó hiểu và không được nói ra mà cả hai người ấy bằng cách nào đã có được. Chính họ đã rõ ràng đứng ra đảm đương việc chôn cất và lo liệu tất cả mọi việc từ đầu với một thái độ hoàn toàn bình thản, tựa hồ điều đó khiến họ mãn nguyện. Tinh thần cao cả ấy của họ nổi bật trước mắt hết thảy mọi người và tạo ra một ấn tượng lạ lùng. Hai người ấy có dính líu chẳng những tới việc mai táng, mà còn tới cả cái chết này, nhưng không phải như những kẻ có tội trực tiếp hay gián tiếp, mà như những người, sau khi sự việc xảy ra, đành bằng lòng chấp nhận biến cố ấy và coi nó chẳng phải là điều hệ trọng nhất. Một số ít người có biết họ, một số khác đoán được họ là ai, số đông còn lại thì không biết gì về họ cả.
Nhưng khi người đàn ông có cặp mắt him híp, gợi tính hiếu kỳ, của dân Kirgizia và người phụ nữ xinh đẹp dù không mấy trang điểm ấy bước vào gian phòng đặt quan tài, thì hết thảy mọi người đang đứng, ngồi hoặc đi lại trong đó, kể cả Marina, đều không ai bảo ai, bỏ cả ra ngoài, rời những chỗ ngồi trên dãy ghế đẩu kê dọc tường, chen vai nhau bước ra hành lang hoặc gian ngoài; chỉ còn người đàn ông và người phụ nữ ở lại bên trong cánh cửa khép hờ, như hai người am hiểu, có nhiệm vụ thực hiện một công việc gì đó trực tiếp liên quan tới sự chôn cất và vô cùng hệ trọng. Bây giờ cũng vậy. Hai người ấy đang ngồi một mình với nhau trên hai chiếc ghế đẩu kê cạnh tường và họ bắt đầu nói chuyện công việc.
- Vậy chú biết tin gì rồi, chú Epgrap?
- Việc hoả táng sẽ được tiến hành vào chiều tối hôm nay.
Nửa giờ nữa công đoàn cán bộ y tế sẽ đến chở quan tài tới câu lạc bộ công đoàn. Tang lễ sẽ cử hành vào lúc bốn giờ chiều. Các thứ giấy tờ chẳng cái nào hợp lệ cả. Sổ lao động đã quá hạn, thẻ công đoàn là loại cũ, chưa được đổi thẻ mới vì đã mấy năm nay anh ấy không đóng công đoàn phí. Phải thu xếp xong xuôi tất cả những việc đó. Vì thế mà dây dưa chậm trễ. Trước giờ di quan, cũng chả bao lâu nữa, ta phải chuẩn bị đi là vừa, tôi sẽ để chị ở đây một mình như chị đề nghị. Xin lỗi chị. Chị nghe thấy chứ? Có điện thoại. Xin chị chờ cho một lát.
Epgrap bước ra hành lang, nơi có rất đông những bạn đồng nghiệp xa lạ của bác sĩ Zhivago, những bạn học từ thời phổ thông, những nhân viên ở bệnh viện, những người từng in và bán sách của Zhivago. Marina cùng hai đứa con cũng ngồi ngoài đó, bên mép chiếc ghế dài, cô ôm chặt hai đứa con và lấy vạt áo măngtô đắp cho chúng (trời hôm nay lạnh, có luồng gió thổi vào từ ngoài cửa chính), chờ người ta mở cửa cho cô vào, y như người vợ tù nhân chờ lính gác cho vào trong phòng khách của nhà tù. Hành lang chật ních những người là người, phải mở cả cửa về phía cầu thang. Rất đông người đứng, đi lại và hút thuốc ở gian phòng ngoài và ở đầu cẩu thang. Ở các bậc cầu thang và càng ra gần cổng, tiếng nói chuyện càng to hơn và tự nhiên hơn. Giữa tiếng rì rầm của đám đông, Epgrap phải căng tai nghe và khum lòng bàn tay che ống nói để trả lời điện thoại bằng giọng nho nhỏ đúng theo phép lịch sự, chắc là về trình tự công việc mai táng và về hoàn cảnh qua đời của bác sĩ Zhivago. Sau đó anh trở vào phòng và công việc lại tiếp tục.
- Chị Lara, xin chị hãy ở lại sau khi hoả táng. Tôi có một đề nghị quan trọng đối với chị. Tôi không biết chị dừng chân ở đâu Rất mong chị cho tôi biết, tôi có thể kiếm chị tại nơi nào. Tôi muốn sắp xếp các thứ giấy tờ của anh tôi càng sớm càng tốt, ngay ngày mai hoặc ngày mốt. Tôi cần sự giúp đỡ của chị. Chị biết rất nhiều điều, có lẽ biết nhiều hơn tất cả mọi người.
Chị có nói sơ sơ rằng chị mới từ Yarkut đến Moskva được hơn một ngày và sẽ lưu lại ở đây lâu, rằng chị đã lên căn phòng này vì một lý do khác, rất tình cờ, chứ không hề biết là anh tôi đã sống ở đây mấy tháng qua và có chuyện gì xảy ra ở đây. Một số câu nói của chị, tôi chưa hiểu rõ, và tôi cũng không dám xin chị giải thích, nhưng mong chị đừng biến đi, vì tôi không biết địa chỉ của chị. Tốt nhất là chúng ta dành một vài ngày để xếp đặt các bản thảo trong cùng một căn nhà hoặc gần nhà nhau, chẳng hạn ở ngay hai phòng khác thuộc khu nhà này. Việc đó thu xếp được thôi. Tôi biết người quản lý ở đây.
- Chú nói rằng chú không hiểu lời tôi. Có gì khó hiểu đâu? Tôi đến Moskva, tôi gửi hành lý ở kho bảo quản ngoài ga, rồi đi một vòng những đường phố cũ mà tôi đã quên đến một nửa. Tôi cứ đi đi mãi, sau khi xuôi đường Kuznesky Most và ngược lên phố Kuznesky Pereulok, thì đột nhiên nhận ra con đường Kamerghe vô cùng quen thuộc này. Chính căn phòng này là nơi xưa kia, anh Pasa chồng tôi, nay đã mất, từng ở trọ hồi anh ấy học đại học, vâng, chính căn phòng mà tôi và chú đang ngồi này. Lúc ấy tôi nghĩ, ừ, thì mình thử lên xem, biết đâu chả gặp lại các chủ cũ còn sống. Nhưng phải hôm sau, tức là ngày hôm nay, tôi mới biết rằng chủ cũ không còn nữa và mọi chuyện ở đây đã khác hẳn, sau khi hỏi thăm mọi người.
Mà tôi kể thêm làm gì khi chính tôi lúc hỏi thăm, chú cũng có mặt? Tôi ngạc nhiên vô cùng, y như sét đánh ngang tai: cửa phòng mở toang, trong phòng đông người, một chiếc quan tài, trong quan tài có một xác người. Tôi bước vào, đến gần, tôi tưởng lúc ấy tôi phát điên hoặc đang mê sảng, nhưng thôi, chú đã chứng kiến tất cả cảnh đó, phải vậy không chú, tôi chả cần kể thêm.
|
- Xin lỗi chị Lara, tôi mạn phép ngắt lời chị. Tôi đã nói với chị, rằng hai anh em tôi không ngờ căn phòng này lại gắn với nhiều kỷ niệm lạ lùng trong quá khứ như vậy. Chẳng hạn có thời anh Pasa đã ở đây. Nhưng lạ hơn là một câu chị đã buột miệng nói ra. Câu gì ư, vâng, tôi xin thưa ngay. Về Pasa Antipop, dưới bí danh hoạt động quân sự cách mạng là Strelnikov, tôi từng nghe nhắc đến thời kỳ đầu cuộc.Nội chiến, nghe gần như hàng ngày, và cũng đã một, hai lần gặp anh ấy mà không ngờ rằng một ngày kia anh ấy lại có liên quan đến tôi vì lý do gia đình. Nhưng xin lỗi chị, có lẽ tôi nghe nhầm chăng, tôi cảm thấy hình như chị bảo là Pasa bị bắn chết. Lẽ nào chị không biết rằng anh ấy đã tự sát?
- Có giả thuyết nói như vậy, nhưng tôi không tin. Không bao giờ Pasa lại tự sát cả.
- Nhưng đó lại là sự thực hoàn toàn. Pasa đã tự bắn vào đầu trong ngôi nhà mà chị đã bỏ đi, để về Yuratin và đi Vladivostok. Việc đó xảy ra ít hôm, sau khi chị mang con gái ra đi. Anh tôi đã thấy xác Pasa và chôn cất tử tế. Lẽ nào những tin đó lại không đến tai chị?
- Không hề. Tôi nghe những tin khác kia. Như vậy, quả thật anh ấy tự sát à? Nhiều người nói thế, song tôi không tin. Ngay trong ngôi nhà ấy ư? Không thể có chuyện đó? Chú đã cho tôi biết một chi tiết vô cùng quan trọng? Xin lỗi chú, chú có biết là Pasa và Zhivago có gặp nhau không? Có nói chuyện với nhau hay không?
- Theo lời anh Yuri kể cho tôi, thì họ đã trò chuyện rất lâu với nhau.
-Thực thế ư? Lạy Chúa. Như thế thì hơn (Lara thong thả làm dấu thánh). Sự ngẫu nhiên hoàn cảnh mới kỳ lạ xiết bao, đúng là theo sự sắp đặt của đấng Tối cao? Chú cho phép tôi sẽ trở câu chuyện đó và hỏi rõ chú về mọi chi tiết chứ? Đối với tôi, mọi chi tiết nhỏ nhặt của câu chuyện ấy đều vô cùng quý báu.
Còn bây giờ thì tôi không đủ sức. Phải vậy không chú? Tôi bị xúc động quá. Để tôi im lặng, ngồi nghỉ một lát cho tỉnh trí đã. Phải vậy không chú?
- Dĩ nhiên, vâng, dĩ nhiên, xin chị cứ tự nhiên.
- Phải vậy không chú?
- Hẳn thế rồi.
- Ôi, suýt nữa tôi quên. Chú đề nghị tôi đừng bỏ đi sau khi hoả táng. Được. Tôi hứa sẽ không biến đi đâu. Tôi sẽ trở lại phòng này gặp chú và sẽ ở chỗ chú chỉ cho tôi, bao nhiêu lâu là tùy chú. Chúng ta sẽ xếp đặt các bản thảo của anh Yuri. Tôi sẽ giúp chú. Quả thật có lẽ tôi sẽ giúp được chú ít nhiều. Điều đó sẽ an ủi tôi xiết bao? Tôi cảm nhận được từng nét chữ của anh ấy bằng dòng máu của trái tim và bằng từng đường gân thớ thịt. Và rồi tôi cũng có việc phải nhờ chú giúp, phải vậy không chú? Hình như chú là luật sư, hoặc ít ra là người thông thạo các thể lệ hiện hành, các thể lệ cũ và mới. Ngoài ra, tôi rất cần biết nên đến cơ quan nào để xin loại giấy chứng nhận gì. Không phải ai cũng biết, phải vậy không chú? Tôi cần lời khuyên của chú về một chuyện khổ tâm ghê gớm. Đó là chuyện một đứa bé. Nhưng để sau khi đến nơi hoả táng trở về, ta sẽ nói chuyện đó. Suốt đời tôi cứ phải tìm kiếm một người nào đó, phải vậy không chú. Chú thử nói xem, giả dụ cần tìm dấu vết một đứa con đã giao cho người lạ nuôi dưỡng, thì có cơ quan nào lưu trữ, ở cấp toàn liên bang, hồ sơ các trại trẻ mồ côi hay không? Người ta có kê khai số trẻ em bị bỏ rơi trong cả nước hay không? Nhưng xin chú đừng trả lời ngay bây giờ, tôi van chú. Để sau, để sau. Ôi khủng khiếp, khủng khiếp quá! Cuộc đời đáng sợ quá, phải vậy không chú. Tôi không biết sự việc sẽ ra sao khi con gái tôi lên Moskva, nhưng hiện thời tôi có thể ở lại căn phòng này ít lâu. Cháu Katenka có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc và kịch. Nó bắt chước tất cả các vai rất tài tình và diễn trọn từng màn kịch do nó tự nghĩ ra. Hơn nữa, chỉ nghe qua một lần, nó có thể hát thuộc lòng từng bè trong nhạc kịch, một đứa bé kỳ lạ, phải vậy không chú. Tôi muốn gửi cháu vào lớp dự bị trường nghệ thuật sân khấu hoặc nhạc viện, chỗ nào bằng lòng nhận nó vào nội trú. Chính vì thế mà tôi đã lên Moskva trước một mình để thu xếp, sau đó tôi sẽ rời Moskva. Nhưng kể hết sao được, phải vậy không chú? Để sau hẵng hay. Còn bây giờ tôi sẽ đợi một lát cho cơn xúc động lắng xuống, tôi sẽ im lặng, tập trung tư tưởng, xua đuổi nỗi hoảng sợ. Hơn nữa, ta đã bắt gia quyến của anh Yuri phải chờ quá lâu ngoài hành lang. Ngoài ấy đang có tiếng xôn xao đi lại. Chắc người của Sở mai táng đã tới. Trong lúc tôi ngồi suy nghĩ một lát chú hãy mở cửa cho người ta vào. Đến giờ rồi, phải vậy không chú, khoan, khoan đã. Phải để một chiếc ghế dài bên cạnh quan tài, kẻo không thể với tới anh Yuri được. Tôi đã thủ kiễng chân, nhưng vẫn khó lắm. Cần có chỗ cho ba mẹ con cô Marina chứ. Ngoài ra, còn phải theo đúng tục lệ. "Hãy hôn tôi, cái hôn cuối cùng". Ôi, tôi không thể, tôi không thể. Đau đớn quá! Phải vậy không.
- Bây giờ tôi sẽ để tất cả mọi người vào phòng. Nhưng trước hết, xin chị hãy nghe đây. Chị vừa nói nhiều điều bí ẩn và nêu ra hàng loạt câu hỏi rõ ràng đang khiến chị khổ tâm, nên tôi khó trả lời ngay. Song tôi muốn chị biết cho điều này. Tôi sẵn sàng và thành tâm giúp chị làm tất cả những gì chị cần. Và mong chị nhớ cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên tuyệt vọng. Hy vọng và hành động là bổn phận của chúng ta trong cơn hoạn nạn. Bó tay thất vọng tức là quên lãng và trốn tránh bổn phận. Bây giờ tôi sẽ để mọi người vào vĩnh biệt anh Yuri. Về chiếc ghế dài, chị nói đúng, tôi sẽ kiếm một chiếc đặt ở đó.
Nhưng Lara đã không nghe thấy Epgrap nữa. Nàng không nghe tiếng Epgrap mở cửa và đám đông ngoài hành lang ùa vào, nàng không nghe thấy tiếng Epgrap điều đình với những nhân viên Sở mai táng và những người chủ yếu sẽ đưa tiễn Zhivago, không nghe thấy tiếng chân đi lại, tiếng nức nở của Marina, tiếng ho húng hắng của những người đàn ông, tiếng kêu khóc của những người đàn bà.
Những âm thanh đều đều từng nhịp cứ đung đưa nàng như sóng khiến nàng nôn nao cả người. Nàng cố hết sức chống lại để khỏi ngất đi. Trái tim nàng như bị xé nát, đầu óc quay cuồng. Nàng cúi gục đầu, đắm mình vào các ức đoán, suy tưởng và hồi ức. Nàng chìm đắm và vùi mình vào trong đó, như thể trong vài giờ đồng hồ nàng sống trước cái lứa tuổi vài chục năm sau, khi nàng đã trở thành một bà già, cái lứa tuổi mà không chắc gì nàng đạt tới. Nàng chìm đắm trong suy tưởng, y như chìm xuống chỗ sâu nhất, xuống tận đáy nỗi bất hạnh của mình. Nàng nghĩ: "Thế là chẳng còn ai. Người thì chết. Người thì tự sát. Chỉ còn sót lại mỗi cái kẻ đáng bị giết, kẻ mà nàng đã ám sát, nhưng lại bắn trượt, cái kẻ tầm thường xa lạ, vô tích sự đã biến cuộc đời nàng thành một chuỗi tội lỗi mà chính nàng không hay biết. Và cái con quái vật tầm thường ấy thì vẫn đang nhởn nhơ, loăng quăng ở các xó xỉnh thần bí của châu Á mà chỉ những người sưu tập tem thư mới biết đến. Không còn ai gần gũi và cần thiết còn lại nữa.
Ôi, đúng hôm lễ Giáng Sinh, trước khi ta nổ súng bắn vào con quái vật đê hèn ấy, ta đã cùng chàng thiếu niên Pasa trò chuyện trong căn phòng này vào buổi tối, còn Yuri mà người ta đang vĩnh biệt kia lúc ấy chưa hề bước vào cuộc đời ta".
Nàng bắt đầu căng óc nhớ lại câu chuyện đêm Giáng Sinh ấy giữa nàng với Pasa, nhưng không sao nhớ ra điều gì, ngoài cây nến nhỏ thắp sáng ở bệ cửa sổ và làm tan chảy lớp băng phủ mặt kính cạnh ngọn lửa, tạo thành một vòng tròn nhỏ.
Nàng có biết rằng người chết nằm trên bàn kia đã nhìn thấy và đã để ý đến ngọn nến như con mắt ấy khi đi xe qua ngoài phố. Nàng có biết rằng chính từ khi nhìn thấy ngọn lửa ấy từ ngoài đường, - "Ngọn nến cháy trên bàn, ngọn nến cháy", sự tiền định của chàng đã bước vào đời chàng?
Các ý nghĩ của nàng bị phân tán dần. Nàng nhủ thầm: "Rất tiếc là người ta không làm tang lễ theo kiểu ở nhà thờ! Làm như thế mới trang trọng? Phần lớn những người đã chết không xứng đáng hưởng. Còn Yuri yêu quý của ta thật xứng đáng sao cho làm tang lễ trọng thể ở nhà thờ, xứng đáng với câu kinh cầu hồn "Tiếng nức nở trên mồ thành khúc Tụng ca!"
Nàng cảm thấy dạt dào hãnh diện và an ủi, cũng như mỗi lần nàng nghĩ đến Zhivago hoặc trong mấy khoảng thời gian ngắn ngủi chung sống với chàng. Cái hơi thở tự do và vô tư luôn luôn toát ra từ chàng lúc này lại bao phủ lấy nàng.
Nàng vội rời ghế đứng dậy. Một cái gì khó híểu vừa xảy ra với nàng. Nàng muốn chàng giúp sức để vượt qua, dù trong một thời gian ngắn, vượt ra khỏi vòng kiềm toả của những nỗi đau khổ, để được tự do, được hít thở không khí trong lành và cảm nhận niềm hạnh phúc của sự giải thoát. Niềm hạnh phúc ấy nàng hằng mơ ước và hình dung, là được vĩnh biệt chàng, được dịp và được quyền một mình khóc chàng thoả thích, không bị ngăn trở. Và với vẻ vội vã của sự khao khát mãnh liệt, nàng đưa mắt nhìn đám đông, một cái nhìn tột cùng đau đớn, không thấy gì hết vì nhoà lệ, y như bị bác sĩ nhãn khoa nhỏ các giọt thuốc cay xé vào mắt, khiến tất cả mọi người xê dịch, sụt sịt tránh ra bên ngoài, cuối cùng để lại một mình nàng trong phòng. Cánh cửa được khép lại. Nàng vừa làm dấu thánh giá rất nhanh, vừa bước tới bên quan tài, đứng trên chiếc ghế mà Epgrap đã kê, chậm rãi đặt ba dấu thánh giá lớn trên xác chết, rồi áp môi vào vầng trán lạnh và hai bàn tay. Nàng không cảm thấy rằng vầng trán lạnh ngắt dường như đã hóp lại như một bàn tay nắm chặt. May là nàng không để ý tới điều đó. Nàng chết sững, trong giây lát không nói, không nghĩ, cũng không khóc, dùng cả con người nàng, đầu nàng, ngực nàng, tâm hồn nàng, và hai cánh tay lớn như tâm hồn của nàng mà phủ xuống giữa lòng quan tài, giữa các bông hoa và xác chết.
|
Chương 209
Toàn thân nàng rung chuyển vì những cơn nức nở bị kìm giữ lại. Chừng nào nàng có thể, nàng còn cố nén, nhưng đột nhiên tất cả những cái đó trở nên quá sức nàng, nước mắt trào ra ròng ròng, làm ướt đôi má, chiếc áo váy, hai tay và chiếc quan tài mà nàng đang ôm chặt.
Nàng không nói, không nghĩ gì. Hàng loạt ý nghĩ, những sự giống nhau, những hiểu biết, những sự thực hiển nhiên cứ tự chúng trôi vùn vụt qua tâm trí nàng như những đám mây bay trên trời và như xưa kia, trong lúc hai người trò chuyện ban đêm với nhau. Chính những cái đó ngày trước thường đem lại hạnh phúc và sự giải thoát. Một sự thông hiểu nồng nàn, không thuộc về đầu óc, tự gợi ra cho nhau. Một sự thông hiểu mang tính chất bản năng, trực tiếp.
Tâm trí nàng lúc này đang đầy ắp sự hiểu biết âm u, lờ mờ về cái chết, nàng sẵn sàng đón nhận, không chút bối rối trước cái chết. Tựa hồ nàng đã sống hai mươi cuộc đời, đã mất Zhivago không biết bao nhiêu lần và đã tích luỹ được cả một kho kinh nghiệm của trái tim về mặt này, đến mức hết thảy những gì nàng đang cảm nhận và đang làm bên chiếc quan tài đều đúng chỗ và đúng lúc.
Ôi kỳ diệu biết bao tình yêu của họ, một tình yêu tự do chưa từng thấy, không giống bất kỳ mối tình nào khác! Họ suy nghĩ như người ta ca hát.
Họ yêu nhau chẳng phải vì tất yếu, chẳng phải vì họ bị "say mê nung nấu" như người ta vẫn diễn tả một cách sai lầm.
Họ yêu nhau vì hết thảy mọi thứ xung quanh đều muốn như thế: cả trái đất dưới chân họ lẫn bầu trời trên đầu họ, cả những đám mây và các hàng cây. Tình yêu của họ làm vui lòng những người xung quanh có lẽ còn hơn cả làm vui lòng chính họ.
Những người không quen biết ở ngoài đường, những viễn cảnh đang sắp hàng trong cuộc dạo chơi của chúng, những căn phòng, nơi họ sống và gặp nhau, hết thảy đều thích tình yêu của họ.
Ôi, thế đấy, ôi đó chính là điều chủ yếu đã liên kết họ lại và làm cho họ thân thiết với nhau! Chẳng bao giờ, ngay cả trong những giây phút hạnh phúc tràn trề nhất, mê mẩn nhất, chẳng bao giờ họ quên đi cái điều cao cả và gây xúc động mạnh nhất là được hưởng thụ vẻ đẹp chung của thế giới, cảm thấy chính họ nằm trong bức tranh chung, cảm giác mình thuộc về vẻ đẹp của toàn bộ cảnh quan, thuộc về toàn vũ trụ.
Họ chỉ thở bằng sự hoà hợp ấy. Bởi lẽ đó? việc đề cao con người lên trên toàn bộ thiên nhiên còn lại, cái lối ve vãn con người cho hợp thời trang và sự tôn sùng con người đã không lôi cuốn được họ. Họ cảm thấy những nguyên tắc của một thể chế xã hội giả dối, một, thể chế được biến thành chính trị, có vẻ như là trò thủ công đáng thương và tiếp tục là điều khó hiểu.
16.
Bây giờ thì nàng bắt đầu vĩnh biệt chàng bằng những lời lẽ đơn giản, thông thường trong một cuộc trò chuyện thân mật, tỉnh táo, một cuộc trò chuyện phá vỡ khuôn khổ thực tại và không có ý nghĩa, hệt như của các đoạn hợp xướng hoặc độc thoại của các vở bi kịch, hệt như sự vô nghĩa của lời nói như thơ, của âm nhạc và của những ước lệ khác là những thứ chỉ được biện minh bằng tính ước lệ của cảm xúc. Tính ước lệ của trường hợp này, một trường hợp biện minh cho cuộc trò chuyện nhẹ nhàng thoải mái và kéo dài của nàng, chính là những giọt nước mắt của nàng dồn dập trào ra, làm ngập chìm các lời lẽ thường nhật, đơn giản của nàng.
Tựa hồ chính những lời lẽ ướt đẫm nước mắt ấy tự chúng kết dính thành tiếng thì thầm dịu dàng, liến láu của nàng, nghe như tiếng gió rì rào lay động các cành lá óng mượt ẩm ướt vì cơn mưa ấm.
Thế là hai đứa mình được ở bên nhau, anh Yuri yêu quý. Nhưng Chúa đã cho hai đứa mình gặp lại nhau trong hoàn cảnh thế nào? Anh thử nghĩ xem, đáng sợ xiết bao? Ôi, em không thể chịu đựng nổi. Khủng khiếp quá anh ơi? Em đang khóc rống lên đây? Anh thử nghĩ xem! Đây lại là một cái gì theo kiểu chúng mình, trong tầm hiểu biết của chúng mình. Sự ra đi của anh, sự tận cùng của đời em. Lại một cái gì lớn lao, không thể tránh. Bí ẩn của sự sống, bí ẩn của cái chết, sự quyến rũ của thiên tài, sự quyến rũ của sự khám phá, những cái đó, Vâng, vâng, chúng mình đều hiểu. Còn như những chuyện xích mích vặt vãnh trên thế giới, đại loại như xây dựng lại địa cầu, thì xin lỗi các vị, xin các vị miễn cho, đấy không thuộc phần chúng tôi.
Vĩnh biệt anh yêu dấu và lớn lao của em, vĩnh biệt niềm kiêu hãnh của em, vĩnh biệt dòng sông nhỏ chảy xiết và sâu thẳm của em, em mới yêu tiếng sóng vỗ dạt dào hàng ngày của anh, em mới thích gieo mình vào các làn sóng mát lạnh của anh xiết bao?
Anh nhớ không, em đã chia tay với anh hôm đó, trong gió tuyết như thế nào chứ anh? Anh đã lừa dối em! Lẽ nào em ra đi khi thiếu anh? Ôi em biết, em biết mà, anh đã làm việc đó quá sức anh, vì anh tưởng đem lại hạnh phúc cho em. Và chính hôm ấy tất cả đã sụp đổ. Ôi, lạy Chúa, em đã điêu đứng, đã chịu đựng biết bao cảnh oan trái ở nơi xa kia? Nhưng anh đâu có biết. Ôi, em đã làm trò gì, anh Yuri yêu quý, em đã làm bao nhiêu việc dại dột! Em là một kẻ tội lỗi gớm ghiếc, anh không ngờ được đâu? Nhưng em không có lỗi. Sau đó em đã nằm nhà thương ba tháng, trọn một tháng mê man bất tỉnh. Từ đó em coi như không còn sống nữa, Yuri yêu quý. Tâm hồn em chẳng lúc nào yên, vì thương xót và đau khổ. Nhưng em chưa nói, chưa thổ lộ điều chủ yếu đâu. Em không thể, em không đủ sức nhắc đến cái đó. Khi em nghĩ đến đoạn đời đó của em, tóc em dựng đứng lên vì kinh hãi! Và thậm chí, anh biết không, em không dám bảo đảm rằng em hoàn toàn bình thường. Nhưng anh thấy đó, em không uống rượu như nhiều người khác, em không sa ngã vào con đường ấy, bởi vì một người phụ nữ rượu chè say sưa thì thực là hết rồi, là ngoài sức tưởng tượng rồi, phải vậy không anh.
Nàng còn nói nữa, còn nức nở đau đớn. Đột nhiên nàng ngẩng đầu lên ngơ ngác và nhìn quanh. Mọi người đã vào phòng từ lúc nào, ai nấy đi lại, vẻ mặt đăm đăm lo lắng. Nàng từ trên ghế bước xuống sàn, lảo đảo rời khỏi chiếc quan tài, đưa tay lau mắt, như để vuốt nốt những giọt lệ cuối cùng chưa chịu trào ra và vẩy xuống đất.
Những người đàn ông bước lại bên quan tài và nâng nó lên bằng ba tấm vải. Cuộc di cữu bắt đầu.
Lara ở lại mấy ngày trên phố Kamerghe. Việc sắp xếp bản thảo của Zhivago, mà Epgrap đã nhờ nàng, đã được thực hiện, nhưng không được hoàn tất đến cùng. Nàng cũng đã trò chuyện với Epgrap, như nàng đã đề nghị. Qua câu chuyện ấy, Epgrap được nàng cho biết một điều quan trọng.
Một hôm Lara ra phố và không trở về nhà nữa. Chắc nàng đã bị bắt giữ ở ngoài đường, và nàng đã chết hoặc mất tích không rõ ở đâu, bị quên lãng dưới một con số vô danh trong những bản danh sách sau này bị thất lạc, tại một trong vô số trại tập trung hỗn hợp hoặc dành riêng cho đàn bà phương Bắc.
|