Đây không phải là một câu truyện kể, đây là một dòng nhật ký của một người vô danh.
Thứ 5 ngày 11 tháng 6 năm 2017
Tôi loạng choạng dắt xe máy ra khỏi cửa, dưới ánh nắng mặt trời chói chang vẫn mặc chiếc áo khoác dày cộm. Mắt mờ đi vì cái rét từ trong thâm tâm, tôi liếm đôi môi khô khốc, cố kéo tay áo khoác xuống phủ hết cánh tay để che đi dấu vết kia.
Hôm nay tôi bỏ học.
Lái xe đi vòng vòng khắp thành phố Hà Nội, tôi nhận ra ánh mắt của những người hiếu kỳ xung quanh đang chiếu tới mình chằm chằm. Không sao, đã quen rồi. Tôi kéo mũ bảo hiểm xát xuống tận mắt kính, che đi mái tóc rũ rượi chẳng thèm chải chuốt, và hơn cả là che đi đôi mắt đang đỏ hoe.
Kìm nén, tôi đã cố gắng hơn!
Những giọt nước mắt vẫn cứ lăn dài trên má, nhỏ xuống thấm đẫm chiếc khẩu trang. Tôi hỉ mũi, không hề cảm thấy tởm lợm chất dịch nhờn nhờn đang chảy xuống môi.
Đứng chờ tám mươi lăm giây đèn đỏ giữa ngã tư Đại Cồ Việt giao với phố Huế, tôi nhất thời vọt lên trước mọi người, cố đứng một mình một khoảng trống trước mặt dưới cái nắng gay gắt. Một vài người sau lưng lẩm bẩm chửi, tôi nghe rõ câu “Đúng là thần kinh.”
Tốt thôi, vì tôi chưa bao giờ bình thường.
Mắt tôi mờ đi, tôi đưa tay dụi lớp nước mặn đắng. Cả cánh tay trái rát vô cùng, tôi bấm mạnh vào vết đau để mình tỉnh táo hơn, lại lảo đảo cho xe máy chạy khi nghe những tiếng còi hậm hực cứ vang lên phía sau. Hôm qua tôi bị xe taxi húc cho một cái ê ẩm, nên hôm nay không muốn thêm một cái đau đớn nữa.
Nhưng thực sự vẫn đau mà.
Rẽ vào con phố Bùi Thị Xuân, tôi hoa mắt, nhanh tấp lại bên lề đường nơi hàng ngày vẫn gửi xe đi làm. Ông bác trông xe nhìn dáng vẻ kỳ lạ của tôi, cũng chẳng buồn hỏi, chỉ gật đầu một cái.
Tôi không dám bỏ khẩu trang, chỉ cúi đầu: “Cháu chào bác.”
Đáp lại lời tôi, ông bác kia chỉ lầm bầm vài câu khó hiểu rồi đem xe tôi dắt vào trong nhà.
Ông ấy cũng kỳ lạ chả kém gì tôi.
Tôi nặng nhọc khoác chiếc balol ên vai, mặc dù chẳng có gì bên trong nhưng vẫn cảm thấy thật nặng. Tôi cười khổ, có lẽ dạo gần đây sức khỏe của tôi không tốt.
Chậm rãi bước về phía cửa hàng, hôm nay tôi bỏ học, chẳng biết đi đâu nữa nên đành đổi ca cho con bé Thanh làm cùng để lên trông cửa hàng.
Cửa hàng chị chủ tôi thuê ở tầng hai, bên dưới mặt tiền còn một shop quần áo khác nữa. Tôi đẩy cửa bước vào, lặng lẽ lướt qua con bé nhân viên ở tầng một, cũng chẳng chào hỏi nhau một câu.
Chuyện làm ăn buôn bán, thái độ thù địch hoặc bằng mặt nhưng không bằng lòng giữa các nhân viên là khó tránh khỏi. Tôi không bận tâm cho lắm, đi thẳng lên tầng hai.
Mở đèn, tôi nặng nề bước đến chiếc ghế salon, dựa cả cơ thể vào tường. Tôi nhắm mắt, bên tai văng vẳng bản nhạc buồn từ loa nhạc ở tầng dưới. Nước măt lại không cầm được mà lăn dài.
Tủi thân vì chính bản thân mình.
Tôi không cởi áo khoác, cứ ngồi mãi như vậy cho đến khi nhận được cuộc gọi đến. Tôi máy móc gạt trên cái màn hình cảm ứng nứt vỡ.
Là cái Trang – một đứa bạn đại học của tôi.
“Anh không đi học à?” Giọng nó có chút trách móc, có lẽ bởi vì nó đang ngồi một mình.
“Ừ, anh đi làm.”
Bên kia ‘hừ’ một tiếng rồi lẩm bẩm: “Đi làm được mấy đồng bạc thì mất buổi học, cuối kỳ điểm kém đừng có trách ai.”
Nói rồi, nó tắt máy.
Tôi kéo khẩu trang, cười cười. Những lúc khó khăn, bạn bè chẳng một ai bên cạnh, lúc này lại nói mấy câu đạo lý đó, có hơi gượng gạo quá không?
Chẳng biết đã qua bao lâu, tôi mới chật vật đứng dậy, kéo kéo khóa áo. Những vết rạch trên tay trái vẫn sưng đỏ, tôi nhìn nó chằm chằm, bất giác sống mũi lại cay sè. Tôi điên rồi, thực sự điên rồi!
Màn hình điện thoại nứt vỡ, tôi đã không nhớ mình dùng bao nhiêu lực để đập nó thật mạnh vào tường. Câu nói của người con gái đó lại như thoảng bên tai, “Anh có thể trút giận lên em.”
Em có thể trút giận lên tôi được, em có thể đem tôi làm cái bao cát, cái sọt rác để em đá em quăng, nhưng tôi thì không thể làm vậy với em. Kể cả lúc tôi có bao nhiêu tức giận, tôi cũng chỉ hành hạ chính bản thân mình.
Tôi có quá ngược đãi bản thân rồi không? Ồ, khi tự ngược trở thành một thói quen, nó sẽ mang đến cho bạn cảm giác tốt hơn.
Tôi là con gái, là con thứ hai trong một gia đình công nhân viên chức bình thường. Ngoài việc luôn bị phân biệt đối xử với anh trai hơn mình bảy tuổi, thì thực sự tôi chẳng có gì để kể nữa, thật đấy.
Tôi không muốn nhắc đến những việc chạm đến tận sự tự ái, lòng tự trọng chút xíu còn sót lại, nó như nhát dao đâm thẳng vào trái tim, vặn một đường thật chặt để xoáy ra từng đợt máu đỏ, thấm đẫm mạch máu như những chiếc gai nhọn.
Em và tôi, như một trời – một vực, từ ngoại hình – đến gia cảnh.
Nếu đem lên bàn cân so sánh, thì em sẽ chẳng bao giờ muốn so sánh với tôi, bởi vì tôi luôn ở vị trí thấp kém hơn rất nhiều.
Ấy thế nhưng cái việc so sánh, lại luôn khiến em vừa lòng hơn đúng không? – Tôi mệt lắm, tôi thực sự quá đau.
Tôi mở máy tính, lướt vài trang mạng xã hội, nhìn nick facebook em online, cũng không muốn nhắn tin đến. Một vài tiếng trước, em có bảo “Anh không muốn nhắn tin với em nữa thì thôi ý.” Tôi trả lời, “Ừ.”
Tôi chỉ muốn một mình, thực đó, đã có ai có cái cảm giác như tôi chưa? Muốn một mình để buồn, muốn một mình để khóc, muốn một mình để tự làm bản thân đau. Một nửa muốn buông xuôi, một nửa muốn níu giữ.
Như giữa sự sống và cái cái chết chỉ là một ranh giới mong manh, và tôi thì lựa chọn đứng giữa đường ranh giới ấy.
Nếu đọc đến đây, mà các bạn, hay nhiều bạn có cảm giác tương đồng với tôi, thì tôi hi vọng các bạn cũng đừng dùng những vật sắc nhọn đâm vào bản thân, hay ném phá một thứ đồ nào đó ở gần bên mình. Hãy cùng nhau tâm sự được không?
Bởi vì tôi hiểu, tôi hiểu cái cảm giác này, cái cảm giác đau đớn thầm lặng từ trong tâm hồn, từ trong sâu thẳm trái tim mà chẳng ai hay. Nó như cào cấu, sé rách cơ thể, tâm trí, để một ngày nào đó, sẽ chết đi cái cảm xúc yêu thương hờn giận, một ngày nào đó, chữ ‘tâm’ cũng chết đi.
Tôi là ai? Đừng quan trọng. Chỉ là chuyện của tôi dài lắm.
Tôi có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ, kể cho các bạn nghe những chuyện mình đã từng trải, nhưng tôi không muốn đem đến cái cảm giác thương tâm cho chính mình.
Tôi là một người đồng tính, đương nhiên, tôi không che giấu điều đó với bạn bè. Một bạn nam đã từng nói với tôi, rằng cậu ấy rất ngưỡng mộ tình yêu của tôi và Em. Bởi vì, chắc chẳng kiếm ra một cô gái nào quan tâm, chiều chuộng tôi như Em cả.
Có phải mọi người đang tự hỏi, một cô gái tốt đến vậy, hơn tôi về mọi thứ, tại sao lại đâm đầu vào yêu một kẻ như tôi đúng không? Nhiều khi, chính bản thân Em cũng không rõ.
Người ta nói rằng, Em yêu tôi, thực đúng như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Nào có sai, tôi chỉ cười cười không dám phản bác.
Tôi đây không cần tiền, yêu em cũng không phải vì tiền của em. Tôi không theo đuổi em, là do tình cảm của em khiến tôi yêu em.
Mồm miệng người đời như con dao hai lưỡi, độc lắm, đâm cho tôi nhiều nhát tưởng như sắp chết, thế nhưng chính Em là người kéo tôi đứng lên, lấp đầy vết thương bằng sự quan tâm lo lắng.
Họ bảo tôi là kẻ đào mỏ, tôi nào có mở miệng đồi em mua ch mình cái này cái kia. Tôi chưa từng đòi hỏi điều gì từ Em.
Tôi chỉ van xin em ở lại bên tôi. Lời van xin của kẻ hèn mọn.
Khi tôi viết những dòng này, tôi thực sự đang khóc. Khóc vì sự hèn kém, khóc vì sự tủi thân.
Tôi luôn cầu xin, nhưng là cầu xin sự yêu thương. Tôi không cần bố thí, không cần tiền.
Tôi cần em.
Nhưng những lúc tôi cần, thực sự cần, Em đều không ở bên tôi. Hoặc vô tình đẩy tôi lún sâu hơn vào vực thẳm.
Tôi muốn đi biển, được cùng em nhìn ngắm biển rộng bao la. Nhưng giờ…
Tôi muốn được biển cả ôm vào lòng, muốn được con sóng vỗ về. Tôi muốn lặn thật sâu cùng nước biển, để nước biển hòa cùng nước mắt mặn đắng làm một.
Ít nhất, có lẽ tôi không còn sợ hãi, không còn đau đớn hay cô đơn.
Tôi kinh hoàng khi nhận ra mình lại muốn chết, cái ý định tử tử hai lần không thành lại quay lại. Con người không ai là không sợ chết, nhưng nếu chết mang một ý nghĩa khác – một sự giải thoát thì nó lại rất ‘cần’.
Có người từng nói, Sống là tồn tại, nhưng tồn tại chưa chắc đã là sống.
Tôi sống là vì em, tồn tại là vì em. Mục đích của tôi chỉ có thế, chỉ để được ở bên em – chỉ vì tôi muốn vậy – tôi cầu xin em.
Một kẻ mất đi mục đích sống, là một kẻ thất bại.
Tôi sụp đổ, gục ngã, cúi đầu trước em.
Đã không biết bao nhiêu lần, tôi cúi gằm mặt trước em, chỉ để nhìn vào bàn tay vô dụng của bản thân mình. Tôi làm được gì đây, trong tay tôi đang có cái gì?
Thực sự - chẳng có một thứ gì cả. Tôi không có tiền, hay đúng hơn là chưa làm được ra nhiều tiền.
Có đôi khi, em gây sự với người khác, tôi hết sức nắm lấy bàn tay với mong muốn làm em nguôi đi cơn giận. Thế nhưng, em luôn gạt ra, với sự khó chịu và lạnh nhạt trong con mắt.
Tôi biết em đang tức giận, nhưng tôi lại là kẻ hứng chịu. Tôi cam tâm, tôi cúi đầu.
Bởi có lẽ các bạn hiểu, khi bạn không có tiền trong tay, bạn sẽ không có tiếng nói. Xã hội đồng tiền, vùi giập tinh thần, ý chí và tình cảm.
Tôi ngồi đối diện em, nhìn cách em chuyên tâm bấm điện thoại, tôi như một kẻ lạc lõng giữa dòng người xô bồ. Lại cúi đầu, tôi mỉm cười cay đắng.
Có đôi khi tôi nghĩ như vậy: Có phải em đang khinh thường tôi không, có phải em không còn tôn trọng tôi nữa?
Một người con gái đã và đang rất yêu tôi, một người con gái đã và đang khiến tôi yêu vô hạn, liệu có nảy ra chút khinh thường đối với tôi – khi tôi không còn một thứ gì trong tay?
Tâm trạng tôi đang không hề tốt, tôi chỉ có thể nghĩ đến những việc tiêu cực.
Em xuất hiện ở cầu thang, nhìn tôi đầy chần chừ.
Tôi nhìn em, lại lặng lẽ cúi xuống bàn phím. Em đặt cặp lồng bún xuống trước mặt tôi, nhẹ giọng nói: “Mẹ làm bảo em mang lên cho anh.”
Bởi tôi vẫn ôm bàn phím, cúi đầu không trả lời, em ngồi xuống bên cạnh tôi, nhìn vết rạch trên cánh tay tôi và chua xót nói: “Sướng nhỉ?”
Cặp lồng bún đầy thịt, thật sự ngon – thế nhưng tôi ăn toàn mặn và cay. Em chạy đi mua nước cho tôi, lẳng lặng ngồi cạnh nhìn tôi ăn. Và em bắt đầu khóc.
Trái tim tôi lại vỡ vụn, tôi lại khiến em đau lòng.
Một giọt nước mắt lại nhỏ xuống bàn phím, tôi khóc, khóc vì em cũng như chính bản thân tôi. Em ôm lấy tôi, nhỏ giọng thì thầm: “Em xin lỗi.”
Đôi khi điều chúng ta cần chẳng là một thứ gì cao xa, có lẽ chỉ một cái ân cần quan tâm nho nhỏ, chẳng cần một lời xin lỗi ngoài môi.
Tôi cần em, rất cần em.
Lòng tôi thắt lại, tôi cảm nhận được nước mắt em thấm trên vai áo. Đầu tôi lại cúi thấp hơn. Giọt nước mắt kia như có sức nặng ngàn cân, đè lên đôi vai, bóp lấy trái tim khiến tôi suy sụp.
“Nhìn em, ngẩng mặt lên.” Em nắm lấy hai má của tôi, kéo đầu tôi thẳng dậy.
Tôi nhìn em qua làn nước mắt mông lung, lại nghe giọng em run lên, “Anh định thế này đến bao giờ?”
Tôi biết mình đang bị áp lực, đang bị ác mộng bị bỏ rơi đeo bám. Tôi nghĩ mình thực sự stress rồi. Tôi nên làm gì đây?
Tôi gục vào lòng em. Em vuốt nhẹ tóc tôi, cúi xuống hôn lên cổ tôi và nói: “Ngoan, em thương anh mà mình.”
Anh cũng thương em, yêu em nhiều lắm.
Nên xin em, đừng tàn nhẫn với anh nữa có được không em?
|