Bước Vào Lối Thoát
|
|
Truyện: Bước ‘Vào’ Lối Thoát Tác giả: Hủ Tỷ Thể loại: Truyện gay người lớn, thầy giáo x học sinh, cuộc sống thôn quê, ngược, H.E Nguồn: Hutydanmei.wordpress.com
*** “Bây giờ em không cần tiến thêm bước nào nữa về phía anh, nếu rằng em đang ở trong ngục sâu tội lỗi mà không thể tự mình thoát khỏi, đừng sợ hãi và cũng đừng đau khổ, cứ ở đó…chờ anh! Anh không thể kéo em ra, chỉ có thể trầm mê cùng em…” ***
|
CHƯƠNG 1. Mùa thu năm 2006. Thầy Khương chuyển công tác từ thành phố về miền quê hẻo lánh này, thầy làm việc ở trường của Từ, dạy môn Toán học. Từ nhớ như in cái ngày đầu năm lớp 10, cậu vẫn còn là một thằng con trai ngây thơ với vài mối tình vụn cùng mấy cô nàng đỏng đảnh chung lớp học, ấy vậy mà khi vừa nhìn thấy thầy Khương, cậu lại bị thu hút theo một cách kì hoặc không hiểu nổi. Cậu chỉ biết khi nhìn vào mắt người đàn ông này, cậu như bị thôi miên, đến tận lúc tỉnh táo lại mới chợt phát hiện ra… “A! Cái này gọi là ‘tình yêu sét đánh’, chăng?”
Cũng chẳng biết có phải sét đánh hay không, mà đến tận sau này và sau này nữa hình bóng thầy Khương cứ như một vết tích khét lẹt ăn sâu vào tim Từ, muốn gở ra cách nào cũng không thể được. Càng ăn sâu thì càng khiến tim cậu như lở loét và đau buốt đi. Trước khi thầy Khương đến, Từ là một học sinh không phải nổi trội nhất lớp về thành tích hay vì cái gì khác. Và sau khi thầy Khương đến, Từ cũng vẫn là một cậu bé trầm tĩnh với gương mặt điển trai hiền lành nhưng đôi mắt to trong veo lúc nào cũng gợi cho người ta cái nhìn buồn bã xa xăm nào đó. Thứ duy nhất đổi thay, có lẽ chính là cảm xúc của cậu. Cậu thường xuyên chỉ im lặng nhìn người nào đó giảng bài, nhìn người kia đứng trên bục giảng kể chuyện tếu của anh khi còn dạy ở thành phố – một nơi xa lạ nào đó mà Từ chưa bao giờ bước chân tới, thỉnh thoảng khi tan trường cậu lại lén lút đi phía sau người kia đến tận lúc anh ta về đến nhà rồi mình cậu lại đứng bên gốc cây mà lặng đi một lúc lâu. Thầy Khương thật sự rất phong độ. Anh phỏng tầm 28 tuổi, vóc người cao lớn rắn rỏi, tóc cắt ngắn tua tủa, gương mặt điển trai rất sáng sủa và thông minh, anh không thích cạo râu, râu lún phún bên mép và dưới cằm càng làm tôn lên thần thái quyến rũ của một người đàn ông thực sự. Mặc dù làm nghề giáo, mặc dù rất nghiêm trong bài giảng, nhưng tính cách thầy Khương lại đặc biệt “lạ” hơn đa phần những giáo viên khác ở nhà trường. Thầy không thích sự mẫu mực, thỉnh thoảng tùy hứng một chút, nhưng đó cũng là đặc điểm khiến anh càng thêm nổi trội trong mắt đám học sinh và cả trong mắt Từ. Thầy Khương đối xử với Từ cũng không có gì khác so với những học sinh trong lớp, thỉnh thoảng nếu cậu không làm bài tập sẽ bị thầy phạt, mắng vài câu, cũng có lúc hai người vô tình chạm mặt ở đâu đó trong khuôn viên trường, Từ mỉm cười gật đầu chào, thầy cũng mỉm cười gật đầu đáp trả. Hai người xa lạ, luôn giữ một khoảng cách thầy trò khách sáo tiểu tiết. Mọi thứ vẫn chậm chạp trôi qua không có gì biến đổi ở làng quê hẻo lánh này, cho tới một ngày nọ… Tờ mờ sáng, Từ đã tranh thủ dậy chuẩn bị đi học. Đường quê lúc rạng đông rất vắng vẻ, hai bên đường cây cỏ mọc cao vút, dế vẫn cứ rách rách kêu, phía trước con đường gồ ghề là màn sương rất đậm phủ lấy những ruộng nương và rừng cây xanh rậm rạp. Từ chuyên tâm đạp xe, nhưng thỉnh thoảng không khống chế được tay lái khi khí lạnh chớm đông cứ ập tới bất thình lình. Đạp đi được một đoạn đường, chiếc xe cũ kĩ của cậu lại trở chứng “cạch cạch” vài tiếng thì hỏng đạp, Từ khó chịu dừng lại, gác chóng xe rồi khum xuống kiểm tra. Xích vẫn còn, có lẽ là vuột chó. Nhìn trái nhìn phải, dáo dác xung quanh cũng không thấy ngôi nhà nào. Từ chán nản nhìn đồng hồ đeo tay rồi tự tặc lưỡi bất mãn một tiếng. Ở vùng quê nghèo khó này muốn tìm một ngôi nhà đã khó, tìm một chỗ sửa xe đạp thì lại khó hơn. Cậu đá vào chiếc xe trở chứng của mình rồi lại bực dọc mà treo cặp quảy lên tay láy, chậm chạp dẫn xe đi. Đến một đoạn đường, đột nhiên Từ nghe thấy tiếng xe máy rừm rừm phía sau mình, theo phản xạ quay lại thì thấy người chạy đến trùng hợp chính là thầy Khương, mắt Từ hơi căng ra, đến tận lúc thầy Khương dừng xe bên cạnh cậu, cậu cũng chưa tìm được phản ứng mà trơ ra như phỗng. – Ủa Từ, xe đạp bị gì vậy em? Nghe tiếng con gái quen thuộc, Từ mới giật mình nhận ra người ngồi phía sau thầy Khương chính là chị Hứa, chị họ của cậu. Chị Hứa là người xinh đẹp có tiếng ở đây, ở đâu cũng có thể nghe người ta bàn tán về nhan sắc và sự duyên dáng của chị. Chị có gương mặt tròn phúc hậu, mắt to, nụ cười đẹp tỏa nắng và quan trọng hơn chị là một cô gái nhân hậu và chân tình. Có một thời gian, khi nghe thấy tin chị và thầy Khương có quen biết nhau, Từ cảm thấy trong lòng mình vừa có ganh vừa có ngưỡng mộ. Cậu ước phải chi mình sinh ra là phận con gái như chị, vậy thì trong lòng cậu cũng không cần thiết chất chứa nhiều khổ niềm mà không thể bày tỏ với người kia. Từ ném những suy nghĩ lung tung đi, lễ phép mà đáp: – Dạ, xe bị vuột chó hay gì rồi chị. Em định mang tới gởi nhà chú Năm nhờ chú sửa giúp. – Chậc, sao xui xẻo dữ vậy? Chị Hứa bước xuống xe, rồi quay sang nói với thầy Khương: – Thằng em họ nhà em đó thầy, học lớp 10 rồi! – Ừ, tôi biết chứ. – Ủa vậy là thầy có dạy lớp nó hả? – Ừ. Từ giật mình nhìn lên, bắt gặp nụ cười phong tình kia, lòng nhói lên cảm giác giục giã như trống đánh. Thầy Khương vẫn như mọi ngày, gương mặt điển trai không góc chết, mắt sáng, mày kiếm, giọng nói thì trầm ấm êm tai. Hôm nay anh mặc một chiếc áo sơ mi nâu ôm gọn cơ thể rắn rỏi, quần tây sẫm có vài vết gấp nhăn nheo, thậm chí anh còn đang mang đôi dép lê bình dân để lộ cả năm ngón chân đều đều . Từ không lấy đó là điểm trừ để nói anh là kiểu nhà giáo xuề xòa. Mà ngược lại, cậu rõ biết thầy Khương là người thích sự mộc mạc, đôi khi sự qua loa của anh lại chính là một cá tính riêng biệt. – Xe cũ quá rồi, em mang tới tiệm sẵn cái gì cần thay thì thay hết một lượt, phòng khi lúc gấp gáp thì lại bị thế này. Chị Hứa gật đầu, nói: – Thầy Khương nói đúng rồi, mà…rồi bây giờ đến trường kịp không? Từ nhìn đồng hồ, gượng gạo đáp: – Không biết nữa…Mà chị đi đâu sớm vậy? – Chị hả, mang đồ giao cho cô ba ngoài chợ nè. Đi nửa đường thì gặp thầy, thầy cho quá giang. Mà em cũng gần tới giờ học rồi, đi kiểu này biết khi nào tới? Hay là… – Chị Hứa quay sang nhìn thầy Khương, nói tiếp:- Thầy chở giùm thằng em của em đến trường được không? Chứ trễ học, tội nó! Từ bối rối đáp: – Thôi, thôi…em đi xíu là tới. Thầy Khương nhìn Từ rồi lại nhìn chị Hứa, nói: – Vậy cô Hứa, cô đi đường cẩn thận! – Em biết rồi! À, Từ…Để xe đạp đó chị dẫn lên nhà chú Năm giùm cho.Mau lên xe thầy Khương đi, đi mau kẻo trễ! Từ khó xử nhìn hai người, nhưng vì sự nhiệt tình của chị Hứa cậu đành đi tới, loay hoay một lúc mới chịu lên xe thầy Khương. Chị Hứa cười rạng rỡ nhìn thầy Khương, nói: – Cám ơn thầy! – Có gì đâu! Tôi đi đây. – Thầy Khương đáp ngắn sau đó rồ xe chạy đi. Từ quay nhìn chị Hứa ở phía sau đang vẫy vẫy tay chào mình,chiếc xe chạy càng xa, sương càng mù mịt quấn quanh lấy người con gái gầy gầy kia, đến lúc phía sau chỉ còn là một mảng trắng mờ Từ quay lại, nhìn vào bờ vai rộng của thầy Khương, ngửi thấy khí sương lạnh cuốn theo thức vị nam tính đang cuộn vào mũi mình thanh mát, đánh thức nhiều giác quan trên người cậu, cậu ngẩn ngơ đưa bàn tay ra định chạm vào bờ vai có sức quyến rũ mãnh liệt kia thì bất chợt nghe thấy tiếng nói: – Em và Hứa bà con thế nào? Từ giật mình rụt tay về, ngượng ngùng đáp lại: – Cha chị là bác hai của em, sau khi bác mất thì chị về ở với gia đình em nhưng hai năm gần đây chị đã dọn về nhà cũ rồi, chị nói muốn tự mình tự lập. – Ồ, vậy à…Hứa là cô gái kiên cường, tôi phục chị họ em lắm. Giọng Từ nhỏ dần. – Em cũng vậy. Chị nói ước mơ của chị là trở thành thợ may giỏi và mở một cửa hàng bán tạp hóa. – Tốt, người có ước mơ, biết phấn đấu thì rất đáng ca ngợi. Còn em? Học xong, em muốn làm nghề gì? Từ nghe thấy câu hỏi đó, trong lòng thấy hổ thẹn một chút, cậu nhỏ giọng đáp: – Em không có ước mơ, chỉ là…học xong cấp ba rồi thì…về nhà làm ruộng vườn phụ cha mẹ thôi! – Ồ, vậy à… Chiếc xe rẽ những lối cua loằn ngoằn, thỉnh thoảng vấp đá lớn thì nảy lên, cả người Từ không có điểm tựa nên cứ vậy mà đổ ập lên lưng người ngồi trước. Cũng có lúc xe mắc “ổ gà”, thụp lên thụp xuống như đang chơi nhún nhảy khiến cả hai vô cùng chật vật. Thầy Khương cười thành tiếng sau khi vượt qua đoạn đường ghồ ghề nhất, nói: – Đường quê thế này, có té xuống cũng có đất bùn đệm đỡ đau còn như ở thành phố, không cẩn thận thì chạy trời cũng không tránh tốn một mớ tiền khấm khá ở bệnh viện.Thật là sáng suốt khi tôi quyết định ở đây dưỡng già! – Thầy còn trẻ chán, nhưng…em không hiểu vì sao thầy lại chọn bỏ một nơi phồn hoa để tìm về chỗ khỉ ho cò gáy này. Thầy Khương trầm tư một lát, trong đôi mắt đen sâu hút hiện lên những cảm xúc miên man khó tả, lát sau anh mới đáp lại Từ: – Yên ả thế này, có gì không tốt? Sáng dậy tập thể dục, tưới nước cho mấy chậu kiểng ngoài sân, trưa chiều đi làm, tối về đọc sách, đánh cờ rồi…lên giường ngủ! Từ cười trộm. Chưa bao giờ cậu biết người mình thầm thương trộm nhớ lại có mớ tư duy lão hóa nhanh như vậy, cuộc sống ở làng quê nói tốt thì tốt, nhưng đặc biệt đối với những người đã từng quen với lối sống xô bồ của thị thành thì thật khó để chấp nhận nhịp sống vận trệ như muốn đứng yên của nơi này, cậu cũng sinh ra tò mò về cuộc sống trước đó của thầy Khương khi còn ở thành phố, rằng rốt cuộc vì sao một người như thầy lại quyết định thay đổi cuộc sống của mình một cách chóng vánh và hoàn toàn như vậy. Cậu muốn biết nhiều hơn về anh, muốn đặt chân vào cuộc đời anh, nhưng cậu vẫn còn sợ hãi nhiều. Nhất là đây chính là độ tuổi tâm lý đầy biến động của một thiếu niên sắp sửa bước tới tuổi người lớn, cậu sợ cảm giác mà mình dành cho thầy chỉ là thứ rung động nhất thời của một thằng con nít. Nhưng ở khía cạnh nào khác, Từ lại có niềm tin mãnh liệt rằng…tình cảm mà cậu dành cho người kia không thể tự nhiên tới, cũng không thể tự nhiên mà mất đi được.
|
CHƯƠNG 2 Một mảng nhỏ sân trường chìm trong sương sớm,những giọt nắng đầu tiên, tinh khôi và rạng rỡ đã chậm chạp liếm lên mặt sân,từ từ xua đi khí lạnh đang áp bức. Chân bước vội giẫm rộp lên mấy cái lá vàng khô cong queo trên đất, Từ xốc cặp quảy bước nhanh tới lớp học nhốn nháo của mình. Vừa bước vào trong đã nghe một tiếng “ồ” thật lớn, cậu dáo dác, ngơ ngác nhìn những cặp mắt đang đánh giá mình mà lấy làm khó hiểu. – Ê Từ, hôm nay sao ông được vinh hạnh ngồi xe “anh vợ hotboy” tới lớp vậy?
Phú Luân vác cái bụng phệ đi tới, cặp cái tay béo ú đầy mỡ lên vai Từ, cười cợt hỏi. – Thì quá giang thôi. Dần hiểu ra ý tứ của những cặp mắt đang soi mói mình, Từ cũng chẳng lấy bận tâm mà đi thẳng về chỗ ngồi. Phú Luân không buông tha, tiếp tục chạy về chỗ ngồi của cậu, hỏi tiếp: – Mà tự nhiên sao hôm nay “anh vợ” tốt bụng mà giúp đỡ học sinh hoạn nạn như vậy chứ? Bình thường trông thầy rất khó gần, thỉnh thoảng tui thấy thầy còn xa cách học sinh nữa… – Đừng có nói quá, tại thầy ít nói chuyện với tụi mình chứ đâu có chứng minh thầy xa cách tụi mình đâu. Sáng sớm này xe tui bị hư giữa đường nên thầy Khương cho quá giang thôi, mấy người cứ quan trọng hóa vấn đề. – Haha, tụi con gái trong lớp chỉ đang ngưỡng mộ ông thôi. – Tào lao. Từ vỗ mạnh vào cái hông phúng phính mỡ của Phú Luân sau đó quay đi lấy tập sách từ cặp xếp vào hộc bàn. Phú Luân vẫn ngồi đó ăn kẹo mút sữa bò, cười thú vị nhìn Từ như vẫn chưa muốn bỏ qua chủ đề ban nãy. Quả nhiên, im lặng chưa được bao lâu, cậu bạn lại nói tiếp: – “Anh vợ hotboy” biết ông là em của chị Hứa không? -…Vừa biết… – Hèn gì mới cho ông quá giang. Chứ thử hỏi là người khác đi, đời nào chứ… Từ ngẩn nhìn Phú Luân định nói gì, nhưng rồi lại ngậm miệng, câm nín quay đi. Cậu lôi mớ bài tập toán ra chuẩn bị làm rồi lại phát hiện mình chẳng biết cái gì về nó cả. Thích học thầy Khương là một chuyện, dở toán là một chuyện hoàn toàn khác. Xưa nay Từ chưa bao giờ quá chú tâm hay đặt mục tiêu gì to tát cho chuyện học của mình, vì đơn giản cậu quyết định sẽ nghỉ học sau khi học hết lớp 12. Sau đó thì về phụ giúp cha mẹ ruộng vườn, an nhàn mà sống suốt quãng đời còn lại bên cạnh ông bà. Cậu không có ước muốn gì lớn lao, chỉ mong có thể yên bình mà sống bên cạnh mình yêu thương, như vậy là đủ. Từ chán nản dẹp tập vở vào trong hộc bàn, trườn dài lên bàn học. Sau một lúc mới cất giọng lười biếng hỏi: – Luân, sao ông biết chị Hứa với thầy… Phú Luân lóng tai nghe, chưa đợi Từ dứt tiếng đã hồ hởi đáp: – Tưởng chuyện gì, chuyện chị Hứa với “anh vợ” ông nghĩ ở đây có mấy người không biết? Thậm chí cả cái miệt này đến con nít năm sáu tuổi còn biết rằng bọn họ đẹp đôi tới cỡ nào. Má tui suốt ngày cứ tặc lưỡi chạch chạch nói ước gì có con dâu như chị Hứa, có chàng rể như thầy Khương…Tui nghe mà đến phát chán bà. Từ không nói gì, chỉ là im lặng mơ màn suy nghĩ. Cá nhân cậu cũng thấy chị Hứa và thầy Khương đẹp đôi lắm, tính cách chị Hứa nhiệt tình, thầy Khương nhiều lúc thì lãnh đạm, bọn họ mà kết hợp thì thành một cặp đôi đẹp hình, vừa nết, khiến người ta ngưỡng mộ khôn thôi. Từ thấy một tương lai xa vời khi bọn họ lấy nhau và sinh ra một đàn con xinh đẹp, gia đình quay quần ấm cúng, con trai con gái hiếu thuận gọi mẹ kêu cha, thật là ấm áp biết bao. Nhưng cũng chính vì nghĩ tới những thứ xa vời kia, tim của Từ co siết nhói lên một trận đau đớn vô cớ, nhưng cậu biết không phải vô cớ, tất cả đều xuất phát vì một nguyên nhân thầm kín mà cả đời cậu chẳng muốn nói cho ai biết. Dị tính là chuyện thuận tự nhiên không có gì đáng nói, nhưng đồng tính là một cái tội, Từ chỉ biết, ở địa phương này người ta định nghĩa tình yêu của người đồng giới như cái gì đó kinh khủng lắm và cũng hư thối lắm. Cái mà chẳng ai dám va vào, vì kết cục của những người đồng giới ở đây chỉ có duy nhất một con đường… CHẾT! Tự sát hoặc bị người ta ghẻ lạnh đến chết. Ẩn sâu trong cái vẻ yên bình nơi đây này chính là những nghiệt ngã khi con người không được cởi mở tư duy với những thứ trái luân thường hay tự nhiên, từ đó sinh ra những bi kịch và bất hạnh nối tiếp. Từ là người khao khát hạnh phúc hơn bất kì ai, nếu được lựa chọn, cậu không dại gì để chọn yêu một người cùng giới tính với mình để rồi đau khổ? Nhưng tình yêu đến chẳng bao giờ báo trước cho ai, và khi nó đến rồi, một là niềm nở đón tiếp như khách quý, hai là xua đuổi, phủ nhận nó đi. Và, Từ đang chênh vênh giữa hai lựa chọn đó, cái tuổi 16 – 17 không đủ chính chắn để cậu tin vào quyết định nào là chính xác nhất. Quay trở về thực tại sau bao suy nghĩ miên man, Từ mệt mỏi thở dài, lặng lẽ cất tâm sự vào lại trong lòng. Đài Hân – cô bạn thân học chung lớp Từ vừa bước vào đã nhanh chân chạy đến bên cạnh cậu, hồ hởi khoe: – Ê Từ, nãy tui gặp thầy Khương ngoài kia, lúc chào thầy, thầy còn cười gật đầu chào lại tui nữa.Quoa, lúc thầy cười thực sự là đẹp trai lắm lắm luôn… Phú Luân nhếch miệng cười, nói: – Bà làm như mới nhìn thấy người ta cười vậy, làm quá lên! – Nhưng mà đây là lần đầu tiên thầy cười với tui chứ bộ, ai mà không khoái! – Được rồi, được rồi, sợ người ta không biết bà hám trai à? -Xí, trai đẹp không ham thì ham cái gì, xấu xí như ông có chó nó thèm, đồ ghen ăn tức ở! – Đài Hân, bà quá đáng nha… Từ ngoáy ngoáy hai lỗ tai đang lùng bùng. Lúc nào cũng vậy, ở bên cạnh hai người này thì tha hồ nghe họ cãi vả mấy chuyện nhảm không chịu nổi, nhưng cậu cũng ngầm thừa nhận Phú Luân và Đài Hân là hai người bạn thân hiếm hoi của mình từ khi bước chân vào Phổ thông đến giờ. Đơn giản vì bình thường gương mặt của Từ được người ta miêu tả là khá đẹp trai, nhưng rất buồn. Nhất là đôi mắt của cậu, một đôi mắt gây ám ảnh người nhìn. Vừa trong trẻo, vừa đẹp, vừa buồn lại vừa miên man. Thời gian đầu cũng chỉ vì “đôi mắt lạ” này, chẳng có ai dám bắt chuyện với Từ cả. Nhưng dần dần sau đó thì có hai người “mặt dày mày dạn” đi tới làm quen, đó chính là Phú Luân và Đài Hân. Từ đó cả ba thân thiết với nhau luôn. Phú Luân là chàng béo mê gái, còn Đài Hân lại là cô nàng đỏng đảnh mê trai, nhìn theo khía cạnh nào đó thì hai người họ lại khá hợp tính hợp nết. Đài Hân sau khi cãi vả với Phú Luân vài câu thì chợt quay sang nhìn Từ, nói: – Quên mất, hồi nãy tui mới gặp Kim, Kim nói khi nào ông đến thì nhắc ông qua lớp nó. – Ờ. Từ đáp gọn sau đó đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, vừa đi vài bước đã nghe thấy tiếng í ới sau lưng mình: – Hú hí ít thôi, sắp vào học rồi đó nha chàng trai. Tiết đầu là của “anh vợ hotboy” đó, vào trễ là biết số phận! Từ vẫy vẫy tay ra hiệu một lần rồi cũng không quay lại mà bước thẳng đi. Kim là bạn gái Từ. Kim mặc dù chỉ cao dưới mét 50, nhưng gương mặt lại khá ưa nhìn với núm đồng tiền hún sâu bên má mỗi lúc cười tươi càng làm tăng lên nét duyên ngầm của cô. Ban đầu là cô chủ động nhắn tin vào điện thoại của Từ trước, sau đó một thời gian liên lạc qua lại thì hai người mới chính thức quen nhau. Từ không phải loại con trai phong lưu đào hoa, nhưng cậu cũng không phủ nhận mình đã từng quen hơn mười người bạn trước khi đến với Kim. Điều duy nhất giải thích cho sự giàu có về tình trường này chính là vì Từ chưa bao giờ yêu người con gái nào thật lòng. Khi quen nhau thái độ cậu luôn ỡm ờ mờ nhạt, cũng vì đó mà Từ liên tục bị bạn gái đá, mặc dù cũng có vài người thương cậu thật lòng nhưng họ cũng không thể chịu nổi cái tính cách khó chấp nhận đó của cậu. Từ cũng không mấy quan tâm, kẻ đi người tới, cứ như vậy mà che mắt người khác, che mắt gia đình rằng mình là một đứa con trai “thẳng”. Lớp Kim ngay bên cạnh lớp Từ, lúc vừa mới bước sang, cậu đã nhanh chóng nhìn thấy bạn gái ngồi ở một góc trong lớp đang chỉnh chu mái tóc búp ngang vai. Từ bước tới, nhưng cậu cũng tinh mắt nhận ra người con gái ngồi bên cạnh Kim chính là Tiệp Nguyễn Nghi – một nàng công chúa xinh đẹp với gương mặt rất sắc sảo, làn da trắng như bông tuyết và mái tóc dày xoăn bồng bềnh thời thượng. Nhưng có điều tính cách cô gái này lại nổi tiếng là không mấy tốt đẹp, thậm chí bị người ta gán cho cái mác là “chảnh”, kiêu căng, tự phụ. Và một điều đáng nói nữa, Nguyễn Nghi lại chính là em gái ruột của thầy Khương. Lúc Từ bước đến gần, vừa đó nghe thấy giọng nói không mấy hứng thú của Nguyễn Nghi: – Gì? Bạn trai mới của Kim sao? Cứ tưởng anh chàng nào đẹp trai lắm, ai ngờ lại là người này… Từ không bày tỏ thái độ gì, chỉ nhìn Kim, hỏi: – Kim tìm Từ sao? Thực ra người mù cũng nhận ra Kim cũng không mấy thích Nguyễn Nghi. Nhưng vì Nguyễn Nghi là em gái của thầy Khương, vả lại thỉnh thoảng Kim còn nhận được mấy món trang sức đắt giá mà Nguyễn Nghi đã chán, nên bất đắc dĩ cô nàng chọn cách nhún nhường mà chơi cùng người hết sức kiêu ngạo kia. Từ cũng biết rõ chuyện này, cậu càng không muốn can giám gì về chuyện bạn bè của bạn gái, thỉnh thoảng cố lơ đi thái độ “gợi đòn”của Nguyễn Nghi thôi. Kim vào thế khó xử, nhìn bạn thân mình rồi lại nhìn sang bạn trai, nói: – Chắc hôm nay chúng ta không thể đi mua sách cùng nhau được rồi Từ, Kim…Lúc nãy Nghi nói hôm nay bạn ấy mời Kim đến nhà chơi, nên… Nguyễn Nghi không chút hào hứng nói: – Thôi thôi, muốn đi thì Kim đi đi, tui đâu muốn ép buộc ai đâu…Tới hay không cũng được, đâu có gì quan trọng… Từ hơi thấy khó chịu, vùng trán cậu đã nhăn lại dù thế giọng nói cất ra vẫn là hòa nhã: – Từ cũng định nói, hôm nay xe đạp Từ bị hư rồi, thôi thì để lần sau đi cũng được. Kim cứ cùng bạn chơi vui vẻ đi! – Vậy…Từ có muốn đi cùng tụi tui không? Lúc Kim vừa hỏi xong, Nguyễn Nghi lập tức cao giọng kiểu cách nói: – Ủa, tui có mời sao? Từ quay đi vài giây, sau đó vì hết chịu nỗi tính cách chua ngoa của người con gái này nên đành cất tiếng: – Tôi cũng không muốn tới đâu, “bạn học của Kim”, bạn đâu cần dùng chất giọng đó để nói chuyện với người khác? Không sợ làm Kim buồn sao? Tiệp Nguyễn Nghi khoanh tay trước ngực, cười khách nói: – Người ta buồn thì liên quan gì đến tôi? Mà nè, bộ tôi tên “bạn học của Kim” sao? Mấy người không biết phép lịch sự tối thiểu hả? – Bạn đã không tôn trọng người ta, thì đừng có mơ người ta tôn trọng bạn. Hình như bạn quen với cách sống nhạt nhẽo khi bạn còn ở thành phố rồi, nhưng nếu đã quyết định sống ở đây, làm ơn thay đổi cư xử của mình đi! Vì cứ như vậy chỉ làm cho bạn thêm…rẻ mạt thôi! Kim sợ hãi nhìn hai người, quay sang níu lấy Từ nói: – Từ…đừng nói nữa, Nghi giận bây giờ… Từ cũng không phải muốn lời qua tiếng lại với một đứa con gái vì như thế trông vừa ấu trĩ vừa mất mặt, nhưng vì quá bức xúc nên rốt cuộc cậu cũng thẳng thắn nói ra những gì mình nghĩ. Nói xong định quay đi thì bất ngờ bị giáng một tát như trời đánh vào má. Chỗ vừa bị ma sát đã ửng đỏ lên hình dấu tay, Từ ngỡ ngàng nhìn người trước mắt như vẫn chưa tin được cách đáp trả chợ búa kia. Lát sau cậu chỉ nhìn Nguyễn Nghi, tự mình cười khách một tiếng: – Không ngờ đây là em gái của thầy Khương… Nói xong thì tự mình bước đi. Nguyễn Nghi tức giận đến mức gương mặt xinh đẹp đỏ ửng lên, nhìn theo bóng lưng Từ, gào lên một tiếng dữ tợn. – Lưu Thể Từ! Tôi không phải tên “em gái thầy Khương”.
|
CHƯƠNG 3 Từ trở vào lớp học, vẫn như bình thường mà đi về phía chỗ ngồi. Xoa xoa bên má nóng rang của mình, cậu nhìn sang bên hộp bút của Đài Hân, với tay lục đục trong đó lấy ra một cái gương nhỏ mà soi mặt. Đài Hân nhìn thấy, không khỏi ngạc nhiên hỏi: – Mặt ông sao vậy? – Bị đánh. – Cậu thản nhiên đáp lại. – Ai đánh ông? – Nhỏ Nguyễn Nghi.
Phú Luân ngồi cách đó không xa, vừa nghe thấy cái tên “Nguyễn Nghi” thì kích động vội quay sang Từ, gấp gáp hỏi: – Ông giở trò gì với “vợ” tui hả Từ??? Từ suýt xoa bên má đang nóng rát, lưỡi đẩy nhẹ bên má trong, cảm nhận cái đau tê tê khó chịu. – Con nhỏ cũng có sức gớm, chỉ nói vài câu mà đánh thẳng tay như vậy… Đài Hân xoa xoa cằm, tỏ ra thâm thúy nói: – Mặc dù không biết ông nói gì, nhưng để nhỏ đó ra tay như vậy thì ắt hẳn ông đã chọc điên nó lắm đây…Tui hả dạ lắm, lâu nay gai mắt nó lắm rồi. Từ…giỏi lắm! Phú Luân bậm môi, trợn mắt. – Từ…ông đúng là không đáng mặt quân tử. Dám ăn hiếp “vợ” của bạn như vậy… – Cho xin đi. Nhìn xem ai ăn hiếp ai, còn ông nữa, hở miệng ra là tự nhận người ta là “vợ” mình, có ngày thầy Khương nghe được xem có lột da ông ra không. – Đài Hân cười khách nói. – Gì chứ…bây giờ Nguyễn Nghi chưa suy nghĩ kĩ, chứ sao này tui dám chắc người đẹp sẽ chủ động sà vào lòng tui thôi! – Si tâm vọng tưởng! Chờ đến hai người họ cải vả xong một trận thì tiếng trống báo hiệu vào học cũng “tùng tùng tùng” vang lên. Không khí nhốn nháo dần đi qua, ai nấy đều về chỗ ngồi của mình mà chờ đợi tiết toán học đầu tiên của thầy Khương. Mấy cô gái trong lớp thỉnh thoảng lấy gương ra soi, chải chuốt đầu tóc một chút, lưng ưỡn thẳng, ngực nẩy ra, miệng cười chúm chím. Thầy Khương vào lớp. Vẫn như mọi khi, trên tay anh gói gọn là quyển sách toán học 11 nhào nát và một cây thước gỗ dài 50cm. Áo sơ mi nâu đóng thùng, thân hình cao lớn ung dung, gương mặt điển trai sắc gọn và thần thái thì vừa gợi sự thản nhiên vừa gợi nét nghiêm nghị. – Học sinh! – Tiếng cậu bạn lớp trưởng thanh thao vang lên. Cả lớp đều phép tắc đứng dậy. Từ chăm chú nhìn người kia đi đến ghế rồi ngồi xuống, nhìn đến lúc anh đưa tay ra hiệu cho lớp “ngồi”, nhìn đến lúc anh giở sách toán ra xem bài học cũ đã giảng tới đâu. Suốt quá trình, cậu chỉ mong mỏi duy nhất một ánh nhìn, nhưng đáng tiếc. Vẫn như mọi ngày, thầy Khương sẽ không vô cớ mà nhìn cậu, cậu lại chỉ biết âm thầm theo dõi anh, theo dõi từng động tác nhỏ nhặt nhất. – Tổ trưởng mang bài tập về nhà của các bạn lên đây! Một câu nói của thầy Khương khiến toàn thân Từ đột nhiên lạnh lẽo hẳn. Đài Hân quay sang hỏi Từ: – Làm chưa cha? – Nhìn mặt nó là biết chưa rồi! – Phú Luân cười khanh khách mà nói xen. Từ giở quyển bài tập trống trơn của mình ra, khẽ thở ra một tiếng. Những người không làm bài bị cho đứng lên, đương nhiên Từ không thể thoát tội. Xung quanh cậu cũng có không ít học sinh bị thầy bắt đứng thế nhưng đa phần chỉ là con gái, những đứa con gái thích làm nổi để được chú ý. Thầy Khương đảo mắt nhìn những cá nhân “tiêu biểu”, gương mặt anh không mảy may cảm xúc gì chỉ là đều đều giọng nói: – Mỗi người 0 điểm kiểm tra miệng, còn nữa, về nhà nhớ chép 50 lần bài tập rồi nộp lên. Tiết sau tôi kiểm tra, nếu không nộp thì phạt tăng lên gấp đôi, buổi thứ 3 không nộp thì ra ngoài! Bây giờ mấy em đọc tên lên giúp tôi. Mấy đứa con gái lại bất bình mà than vắn thở dài, nhưng cũng chẳng có ai dám ý kiến gì cả. Bởi vì tất cả đều đã hiểu tính thầy Khương, tốt nhất lúc anh còn đang kiên nhẫn nói chuyện câu có đầy đủ chủ ngữ vị ngữ thì không ai nên biểu kiến gì. Phú Luân là đứa đặc biệt học giỏi toán, lúc cậu bạn được gọi lên trả bài thì rất tự tin, vanh vách mà trả lời những câu hỏi của thầy Khương. “- Hai biến cố cùng liên quan đến một phép thử A và B được gọi là độc lập nếu xảy ra biến cố này không ảnh hưởng đến xác xuất xảy ra của biến cố kia. Hai biến cố độc lập A và B xảy ra khi và chỉ khi…” Đến câu hỏi cuối cùng, không biết ma xuôi quỷ khiến gì Phú Luân lại lỡ miệng gọi thầy Khương là… “thưa anh vợ”, cả lớp nghe xong thì ôm bụng cười ngặt nghẽo. Riêng Từ chỉ cười khẩy một tiếng, mắng: – Thằng dở! Mặt mài Phú Luân vừa xanh vừa đỏ như con tắc kẻ đổi màu, liếc nhìn qua thầy Khương thì thở phào nhẹ nhõm khi thấy thầy cũng nhếch miệng cười rất sâu. Nụ cười phong tinh vạn chủng khiến dưới lớp đều ngơ ngác một hồi. – Muốn làm em rể tôi thì ít nhất em cũng nên giảm cân đi! Thầy Khương nửa đùa nửa thật nói lại càng khiến lớp học nhộn nhịp hơn một chút, Phú Luân vì quá ngượng nên ngắc nga ngắc ngứ một hồi thì quên béng mất bài học mà cậu ta đã cất công học kĩ lưỡng. Kết thúc giờ trả bài, Phú Luân lủi thủi đi về chỗ ngồi mình sau đó cũng không nói lên tiếng nào nữa. Từ và Đài Hân nhìn thấy liền nháy mắt với nhau, thầm thương cảm cho cậu bạn sau một giây lỡ miệng mà trở thành trò đùa cho cả lớp. Thầy Khương vẫn chưa giấu ý cười nhìn xuống Phú Luân, vô tình chạm đến ánh mắt của Từ, giây đó anh lập tức dời tầm nhìn đi. Từ bắt gặp khoảnh khắc, lòng chạnh lại như có vật gõ mạnh vào tim mình tê tê, cậu thầm nghĩ: “Bộ nhìn thẳng vào mắt mình, thầy khó chịu lắm hay sao…” Thầy Khương đứng trước bảng, nghiêm giọng trở lại, nói: – Vui đủ rồi, chúng ta qua bài mới! ** Lúc tan trường, đám học sinh từ trong lớp ùa ra như ong vỡ tổ, chen chúc, nhồi nhét nhau qua cánh cổng nhỏ xíu, dưới cái năng trưa hậm hực trên dưới ba mươi độ. Từ chen qua đám người, chật vật lắm mới thoát ra được bên ngoài. Cậu xốc cặp quảy trên vai, chập chạp lê bước ra con đường đá đỏ mấp mô xa tít. Đám học sinh trêu ghẹo nhau, cười đùa và xô lấn, có mấy đứa bị đẩy luôn xuống những đầm nước nhỏ ẩn dưới đám cỏ bên vệ đường, chân tay lắm bùn thì lại cáu gắt văng tục vài tiếng. Miền quê tĩnh lặng phút chốc bị phá vỡ bởi tiếng cười đùa náo nức. Từ vừa bước đi, mồ hôi vừa đổ xuống nhễ nhại. Từ trường về chỗ chú Năm Thảo không tính là gần, lại nỗi phải đi dưới trời nắng như đổ lửa thế này và với cái bụng xẹp dính vào bẹ sườn đang gào thét thế này, thì hoàn toàn làm một cực hình đáng sợ. Nhưng cũng may, lúc đi được một đoạn, Từ vô tình nghe thấy tiếng xe máy quen thuộc từ phía sau. Thầy Khương chạy tới, kè bên cạnh Từ rồi nói một câu: – Sao không đợi? Tôi nói sẽ chở em về mà? Từ ngơ ngơ nhìn anh, lát sau mới đáp: – Thầy…có nói sao? Em…không nghe… – Lúc sáng khi đưa em tới cổng trường, tôi nói rồi còn gì. Mà lên xe đi chứ, nắng quá… Từ bối rối nhảy lên xe. Chiếc xe máy rừm lên một tiếng rồi lướt băng băng trên con đường nhỏ hẹp bằng sảy tay người. Qua mấy khúc đường gồ ghề, cả hai lại “nhún lên nhảy xuống”, lúc đó thầy Khương chỉ tặc lưỡi nói: – Đường xấu quá, mùa nắng đã thế này, mùa mưa lầy lội thì ai còn đi được nữa… Từ cũng cười cười, nói: – Thầy chưa ở đây lâu nên không biết, tới lúc mưa là lầy lội luôn, phải mang theo ủng đi mới được. Thầy Khương thú vị mà hỏi lại: – Vậy sao? Vậy mốt tôi phải ra thị xã mua một đôi phòng hờ rồi! Lúc này chiếc xe chở hai người đang băng trên lối mòn nhỏ dẫn qua khu rừng vắng vẻ. Xung quanh đã dần mát mẻ hơn một chút bởi trên cao là những tầng lá xanh xum xuê mát rượi, họa mi, chim chính véo von mà ca hát. Thầy Khương thở phào một hơi, nhẹ giọng nói: – Không khí ở đây tốt quá… Từ miên man nhìn theo mấy cây đa lớn xõa mớ rễ dài và lưa tưa đâm xuống mặt đất, thở dài thành tiếng, nói: – Thầy không thấy nó âm u sao? – Có sao? – Ở đây…từng có người chết. Một làn gió nhẹ đột ngột thổi tới, cuốn thốc đám lá vàng khô quéo trên mặt đất rồi hất tung đi , bầy chim trên cao tan tác vỗ cánh liệng mình lên trời cao. Xung quanh đây, một tầng bụi mịt mù dâng lên trong niềm hốt hoảng của Từ, tay cậu vô thức bấu mạnh vào hông thầy Khương. – Em…Em nói ở đây có người chết sao? – Đôi mắt thầy Khương lóe lên tia tò mò thay vì hoảng sợ. Từ lặng thinh một lát, sau mới đáp lại: – Em cũng chỉ nghe người ta nói, không biết rõ nữa… Thầy Khương nhìn xuống đôi bàn tay run run đang nắm hờ bên hông mình, anh không nói gì nữa, tiếp tục chú tâm vào tay lái. Chiếc xe máy cũ kĩ chậm lướt trên lối mòn nhỏ, nhả lại phía sau đám khói pô trắng mỏng mờ mờ cũng chợt tan nhanh vào cơn gió nhẹ ma mị. Lúc xe đậu lại trước nhà chú Năm Thảo, Từ chưa bước xuống thì đã nghe thấy giọng hồ hởi từ phía trong phát ra: – Ủa là thầy Khương đây mà, chào thầy, dạo này thầy khỏe không? Chú Năm Thảo từ phía trong căn chồi tranh bước ra, tay bắt mặt mừng với thầy Khương. Thầy Khương vì sự nhiệt tình của chú mà hơi bối rối, anh bước xuống gạc chống xe rồi tươi cười đáp lại: – Con bình thường thôi, chú Năm, chú thì sao? – Khỏe re à thầy, lần trước cao thầy cho tôi sứt chân thật tốt, vừa sứt mấy bữa thì ngay chỗ vết thương lành lại liền. – Dạ, vậy thì tốt… Từ đứng một bên chờ cho chú Năm nói xong mới lễ phép bước tới, nói: – Chú Năm, xe con sửa được không vậy chú? Chú Năm Thảo nhìn Từ rồi tặc lưỡi đáp: – Xe mày hết sửa nổi rồi con ơi, hư tùm lum à, chỗ chú cũng không đủ đồ nghề để sửa. Thôi thì cứ để ở đây khi nào chú sửa xong thì hú mày. – Dạ…vậy nhờ chú… – Mà rồi lát nữa mày có giang thầy Khương về à? Từ chưa đáp, thầy Khương đã lên tiếng: – Tiện đường thôi chú Năm. – Thầy Khương, thầy đúng là người tốt. Từ! Mày cảm ơn thầy chưa con? Từ giật mình, nghe theo lời chú Năm nên quay sang rối rít: – Cảm ơn, cảm ơn thầy! – Ừ, có gì đâu… Chú Năm Thảo giữ thầy Khương ở lại uống vài chén trà nóng rồi trò chuyện rôm rả một lúc lâu. Từ ngoan ngoãn ngồi một bên nghe cuộc nói chuyện, đại khái biết được chú Năm Thảo mời thầy Khương “lai rai” vài ly ở đám giỗ thím Năm, sau cùng chú bồi thêm một câu: “ Hôm đó con Hứa cũng tới nữa, con nhỏ coi vậy mà ngoan lắm, trong nhà tôi thương đứa cháu này nhất!” Nghe xong, Từ có chút tủi thân nhưng cảm giác đó không giữ được quá lâu khi bụng cậu bắt đầu biểu tình mà sôi ột ột lên. Thầy Khương bị âm thanh não nề kia làm chú ý, anh nén cười rồi nói với chú Năm rằng mình phải về nhà sớm để trưa còn đi dạy. Lúc rời khỏi nhà chú Năm Thảo, thầy Khương có hỏi Từ một câu: – Chú ấy là chú ruột của em và Hứa sao? – Dạ phải! – Chú ấy và Hứa hơi giống nhau về tính cách, vừa tốt bụng, vừa hiếu khách. – Dạ phải! Từ biết câu trả lời mình rất “có lệ”, nhưng ngoài đồng ý ra cậu không biết nói gì thêm nữa. Chị Hứa vốn rất tốt, vừa xinh đẹp lại chân thành với mọi người, khắp miệt này tìm đâu ra người không thích chị. Từ rất thích và cũng rất ngưỡng mộ chị, nhưng cậu cũng ước thầy Khương đừng suốt ngày cứ khen mỗi mình chị, xem chị như một thánh nữ trăm năm hiếm gặp.
|
CHƯƠNG 4 Hoàng hôn buông xuống, ánh dương chập chững núp xuống phía sau rừng cây âm u, tu hú bắt đầu kêu, từng tiếng, từng tiếng một kéo dài não nề và buồn thiu. Khói bếp lượn lờ trên mấy mái nhà ngói đỏ dần dần tan vào đợt gió chớm hơi đêm lạnh buốt, gió bung khói trắng lên cao rồi hòa vào màu trời tím rịm. – Từ! Tắm lẹ lên rồi ra ăn cơm con! – Dạ, con ra liền! Từ đứng lau sơ người trong cái nhà tắm dựng sơ sài bằng vách tre, không nóc. Ở đây, người dân toàn xây nhà tắm ở ngoài trời, dưới đất lát vài viên gạch ống, xung quanh che chắn tạm lá dừa hay lá chuối khô đơn giản vậy là xong chổ tắm táp tiện lợi. Trước kia Từ thường hay tắm dưới dòng sông kế bên nhà, nhưng kể từ lúc thầy Khương và Nguyễn Nghi dọn đến ở tại căn nhà phía bên kia bờ thì Từ không còn dám trần như nhộng mà tầm nghịch dưới đó nữa. Thỉnh thoảng đứng bên đây cũng sẽ thấy được thầy Khương mặc quần cụt, cởi trần mà phác nước sông lên tắm, những lúc như thế, Từ chỉ yên lặng mà ngắm nhìn người kia. Từ say sưa nhìn cái lưng trần rất rộng, săn chắc và đẹp đến mê muội người nhìn kia, thầm ao ước ngày nào đó mình sẽ được ôm lấy, vùi mặt thỏa thích trên đó. Nhưng đáng tiếc, thực tế cậu có mơ cũng chẳng bao giờ mơ được cái ngày mình được ôm thầy Khương, chạm vào bờ lưng vững chãi của thầy. Đối với cậu, đó mãi mãi chỉ là khát khao quá xa vời. Vừa tắm táp xong xuôi, theo thói quen cậu lại đưa mắt nhìn về phía bên kia bờ sông, hơi thất vọng khi không được nhìn thấy cái bóng lưng quen thuộc. Từ quay về nhà, chuẩn bị ngồi vào bàn cơm chiều ấm cúng của gia đình mình. Mẹ cậu lúc đó đang lui cui dưới bếp nấu nước, thấy Từ đi vào thì nói một tiếng: – Từ, tắm xong rồi thì qua bên chị Hứa kêu chị qua ăn cơm luôn con! Cậu lười nhác nhìn ra mảnh sân lúc này đã bị bóng tối cuốn lấy gần hết, dế chó bắt đầu ngoi lên khỏi tổ của chúng và kêu râm rang. – Chị nói lát chị qua mà, mẹ lo gì… – Cha mày ra ngoài vườn hái rau, lát nữa ổng vào mà chị mày còn chưa qua, ổng cằn nhằn nữa cho xem! – Xe con gởi chú Năm sửa rồi, lấy gì mà đi? – Chậc, cái thằng này, từ đây qua nhà chị có xa bao nhiêu, đi bộ vận động cho nó khỏe ra, làm biếng riết rồi quen tật. Nghe mẹ mình càm ràm, Từ chán nản mà buộc lòng đi ra ngoài ngỏ ngó nghiên ngó dọc mong chị Hứa mau sang. Lúc bác hai của Từ mất, chị Hứa còn rất nhỏ nên nhà cậu nhận chị về nuôi nấng từ nhỏ, khi chị tới tuổi trưởng thành thì lại quyết định trở về nhà trước kia của mình để sinh sống, chị nói vì đó là nhà Tổ nên cần có người hương khói thường xuyên. Mặc dù ở khác nhà, nhưng cha mẹ cậu vẫn xem chị như là đứa con gái ruột ngoan ngoãn, thỉnh thoảng Từ còn ganh tỵ với chị vì chính cha cậu vốn là người rất gia trưởng khắc khe, nhưng mỗi lần nhìn thấy chị thì cứ như một vị cha già hiền từ một mực cưng yêu đứa con gái bảo bối của mình. Từ đứng ngoài ngõ, loay hoay một lát thì thấy từ xa có đèn xe rọi tới, tim cậu nhảy lên thình thịch khi nhận ra đấy là tiếng xe quen thuộc của thấy Khương. Và quả nhiên, thầy Khương chở chị Hứa ngồi phía sau, lúc xe dừng lại, Từ cúi đầu chào anh một tiếng. Thầy Khương gật đầu mỉm cười với cậu, sau đó quay sang nói với chị Hứa: – Cô Hứa vào đi, tôi về đây! Chị Hứa rối rít nói: – Thiệt tình em cảm ơn thầy nhiều lắm, hay là thầy vào nhà uống ly nước rồi hẳn về? – Thôi, cô với Từ vào đi, tôi về. Trời cũng tối rồi, để con Nghi ở nhà một mình nó lại sợ… – Dạ, vậy…thì thầy về cẩn thận… – Ừ! Trước lúc đi, thầy Khương gật đầu chào chị Hứa, thầy nhìn chị với ánh mắt ấm áp dịu dàng khác hẳn bình thường, điều này khiến Từ bất chợt rất không vui. Lúc hai chị em bước vào nhà, Từ vẫn trầm mặc không nói gì. Chỉ có chị Hứa là tinh ý nhận ra thái độ không mấy vui vẻ của đứa em trai nên chị cặp cổ Từ, tinh nghịch hỏi: – Nãy ra đứng chờ chị đó hả? – Dạ. – Từ đáp gọn lỏn. – Sao trông em không vui vậy? Có chuyện gì kể chị nghe? – Đâu có đâu, bình thường mà… – Thật không? – Thật! Lúc ngồi vào bàn ăn, cha Từ gắp thịt bỏ vào chén cho chị Hứa, giọng ông khàn khàn nói: – Ăn nhiều vô, nhìn mày dạo này ốm o như con cò ma vậy. Yêu đương riết rồi vậy hả con? Mẹ Từ cười cười ôn hòa mà nói xen vào: – Ông không biết gì, người ta đang giữ dáng đó mà… Chị Hứa ngại ngùng, ngặm lấy đầu đũa, nói: – Chú thím ba hiểu lầm rồi, con có yêu đương gì ai đâu mà giữ dáng? – Còn mắc cỡ gì nữa con, chuyện mày với thầy Khương ở đây ai chẳng biết hả? Hồi nãy tao nghe tiếng thầy ở ngoài, chắc thầy đưa mày tới đây chứ gì? – Mẹ Từ gắp mấy cọng rau đặt vào chén chị Hứa, thủng thỉnh nói. – Dạ, tại hồi chiều thầy ra thị xã, con quá giang thầy đi mua vài thước vải rồi thầy chở con về…Mà…thiệt tình là con và thầy Khương…chưa có gì mà thím… Từ vẫn tập trung chuyên môn trên bàn ăn, không hề tham gia cuộc chuyện trò háo hức của cả nhà. Chị Hứa thỉnh thoảng sẽ gắp gì đó đặt vào chén cho cậu rồi cười hiền một cái, nhưng không hiểu sao cậu lại lấy đó làm thứ khơi màu những giận dữ ấu trĩ trong lòng mình. Cha Từ là người khó tính, thế nhưng trong nhà ai cũng biết ông rất ưng ý thầy Khương, về vẻ bề ngoài đạo mạo và điển trai hay cả trình độ học vấn và ứng xử lễ giáo của thầy. Từ lâu ông đã ngầm “chấm” thầy Khương là cháu rể ưu tú của mình. Lúc chị Hứa vừa nói xong, ông lập tức xen vào: – Là thầy thích mày nên thầy mới giúp đỡ mày, ở miệt này không có thằng đàn ông nào qua được thầy Khương đâu. Làng trên xóm dưới mấy đứa con gái mười chín hai mươi đều rạo rực muốn làm vợ thầy, mày lo mà giữ đi nghen con! Chị Hứa cười hề hề, không đồng tình cũng không chối bỏ, chỉ ỡm ờ nói mọi chuyện tới đâu hay tới đó. Cả bàn náo nhiệt chẳng bao lâu thì im ắng trở lại, vì không còn chuyện để nói nên sự tập trung của cha Từ lại dồn về phía cậu. Ông cau mày khi thấy đứa con trai không chịu ăn cơm mà cứ xăm xơi đồ ăn trong chén, không hài lòng nên ông liền nói: – Mày lớn tòng ngòng rồi, ra dáng thằng con trai không được à? Ăn cơm thì ăn cho đàng hoàng vào, để cơm văng cả ra bàn rồi. Từ dừng đũa, chậm chạp cúi mặt xuống ăn một chút thì ngừng lại, ngước lên nhìn cha mình,nói: – Giờ con nghỉ học luôn được không cha? “Rầm!!” Tiếng động bất thình lình vang lên khiến cả ba người hốt hoảng, Từ nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu của cha mình thì biết rõ phát xét tối hôm nay. Cha Từ nghiến răng, nói: – Mày nói lại thử lần nữa xem! Mẹ Từ liền cất tiếng khuyên ngăn con trai: – Từ! Nói bậy bạ gì vậy? Con phải học cho hết sau này đi thi Tú Tài(đại học) rồi ra trường làm việc chứ! Làm nghề giáo như thầy Khương hay làm nghề y như anh Trác mày cũng tốt lắm. – Đúng rồi Từ, đừng nghỉ giữa chừng như vậy uổng phí công sức mười mấy năm học của mình. – Chị Hứa cũng quan tâm nói. Từ lặng thinh đi. Những lời khuyên kia hoàn là vô dụng đối với cậu, cậu chưa hề có ý nghĩ muốn trở thành bác sĩ hay giáo viên gì cả, cậu chỉ muốn phụ giúp gia đình, tiếp tục nghề ruộng vườn của mấy thế hệ trước kia mà thôi. Nhưng đáng tiếc, cha mẹ cậu lại không hề cho cậu cơ hội để lựa chọn, nhất là cha Từ, ông vô cùng nghiêm khắc một mực muốn cậu học đại học gì đó, rồi sau này trở thành một bác sĩ giỏi được nhiều người khen ngợi, làm rạng danh gia đình dòng họ. – Con học không nổi nữa. Nhưng đối với Từ, điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Cha Từ đã nổi giận thực sự, ông nghiến răng keng két, mặt mũi bậm tợn lên nói: – Đừng có giỡn với tao, không học là cút ra khỏi nhà! – Cha…đừng ép con nữa mà, con học vốn đâu có bằng ai, có thi thố thì cũng không đậu nổi đâu mà học lên bác sĩ hay giáo viên như người ta. Bây giờ là thời đại nào rồi, đâu phải cứ bác sĩ là được người ta kính trọng như thánh sống đâu… – Mất dạy, bữa nay dám triết lý với tao nữa? Cho mày ăn học bao nhiêu năm, hôm nay trở chứng hả? Sao tao lại có đứa con nhu nhược, bất tài như mày? Muốn nghỉ học chứ gì? Để tao đánh cho mày tỉnh táo ra… Lúc cha cậu đi vào trong lấy roi mây, Mẹ cậu hớt hải chạy ra can ngăn, chị Hứa cũng hoảng sợ mà đứng dậy chắn trước mặt Từ như muốn bảo vệ cậu. Cả nhà đều biết, cha cậu là người đàn ông gia trưởng, nghiêm khắc thế nào, bình thường vẫn ổn nhưng nếu khiến ông tức giận thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Từ còn nhớ lúc nhỏ mình quậy phá nhà hàng xóm và bị mắng vốn, lúc đó cha cậu đánh cậu bằng ghế đẩu, hậu quả gãy một cánh tay, mẹ cậu nửa đêm vừa cõng cậu vừa chạy băng băng tới trạm xá, khóc la inh ỏi náo loạn cả một vùng. Ngày hôm nay, không biết tâm tình thất thường thế nào mà Từ lại nói đúng ngay “tử huyệt”, cha cậu đối với chuyện hư danh thì đặc biệt quan tâm, nếu có một ngày Từ quả thật nghỉ học, khiến người trong xóm được dịp bàn tán nói con ông là đứa bất tài phải nghỉ học nửa chừng thì đảm bảo ngày đó cha cậu không đánh chết cậu mới là lạ. Mà cũng không đợi đến ngày đó, không chừng đêm nay cha cậu sẽ “giải thoát” cho cậu nhanh thôi. Mặc cho mẹ mình đang can ngăn trước cây roi mây dài ngoằn, Từ vẫn không nói lời nào, chỉ im lặng, ít ra trong lòng cậu cũng nhẹ nhõm hơn một chút vì được nói ra một trong những điều mà mình ấp ủ bấy lâu.
|