HOA TƯ DẪN
|
|
Thử nghĩ, khi chăn gối cùng quốc mẫu, nhìn khuôn mặt từ bi của bà, lòng rối loạn, ngay cả lúc trên giường cũng gợi nhớ chính sự, làm sao chịu nổi, đành phải nạp thiếp.
Nhưng rút cục thế nào, làm sao chúng ta biết được, có lẽ là do đàn ông ham nữ sắc nên mới không ngừng nạp thiếp.
Có điều Thẩm Ngạn nạp người thiếp này là vì cái gọi là tình yêu, hơn nữa lại là chuyện duy nhất khiến người ta không thể chịu được. Người đầu tiên không thể chịu được chính là Tống Ngưng.
Tống Ngưng nhờ một vị thân vương của Lê Trang Công ngăn chặn chuyện này. Cô ngồi trong một ngôi thủy đình giữa hồ sen, đầy gió và nắng, ven hồ có những cây to không rõ tên, một màu xanh mát quen thuộc, như trong tranh. Thẩm Ngạn đứng trước mặt cô, đó là lần gặp mặt thứ ba sau hôn lễ, chàng cau mày cúi nhìn Tống Ngưng hỏi: "Cố tình phá hôn sự của tôi với Thê Thê, rốt cuộc cô muốn gì?".
Cô đặt cuốn sách trên tay xuống, ngước nhìn chàng, một Tống Ngưng từng luôn mỉm cười trên sa trường ác liệt, giọng nói trầm trầm, hai má ẩn hiện lúm đồng tiền mê hồn: "Tôi muốn gì ư? Câu hỏi khéo thật, tôi chẳng muốn gì hết, chỉ là có một vài thứ Liễu Thê Thê không xứng đáng có".
Chàng lạnh lùng: "Cô không chịu nổi Thê Thê, còn tôi không chịu nổi cô".
Lúm đồng tiền trên má Tống Ngưng càng sâu: "Thẩm Ngạn, chàng không thể không chấp nhận tôi, bởi hôn ước của chúng ta là minh ước giữa hai nước Lê, Khương".
Mặt chàng lộ vẻ phẫn nộ cố nén: "Đêm tân hôn chúng ta đã giao ước, tôi và cô không liên quan đến nhau".
Cô nhìn bàn tay mình, giọng nói dửng dưng: "Thực ra vốn cũng chẳng có gì, chỉ là thấy hai người ân ái như vậy, mà tôi được gả tới đây, cô đơn một mình, nên rất chạnh lòng".
Chàng phẩy tay áo cười khẩy: "Tống Ngưng, cô còn nhớ ban đầu ai đề nghị hôn sự này không?".
Bóng chàng biến mất ở chỗ rẽ, một lúc sau, cô cúi đầu giở cuốn sách trên tay, gió lại thổi, những giọt nước mắt rơi trên sách, ướt nhòe con chữ. Cô giơ tay áo lau nước mắt, lại cúi đầu đọc tiếp, như không có chuyện gì.
Không lâu sau, ở nước Hạ cách Khương một con sông, quốc vương băng hà, công tử Trang Nghi lên ngôi. Hai tháng sau, Hạ Trang Nghi tân đế nước Hạ xuất binh chinh phạt nước Khương. Khương vương lệnh cho Thẩm Ngạn xuất chiến.
Tháng tư, cỏ héo hoa tàn, trên bầu trời một vầng trăng hoang lạnh, Tống Ngưng ngồi tựa bên song, lặng ngắm vầng trăng lùi dần phía cuối trời. Rút cục cô không thể để Thẩm Ngạn ra đi bỏ mạng ở chiến trường, chàng không phải là đấng phu quân như ý, nhưng nửa năm trước vừa gặp, cô đã thầm yêu chàng, chàng là vị anh hùng của lòng cô. Có những người chưa từng trải, lãng mạn, yêu một lần là nhớ suốt trăm năm, đó chính là Tống Ngưng.
Giờ Dần, cô lục trong hòm lấy ra bộ chiến giáp mang theo khi xuất giá, tháo tấm bảo vệ trước ngực, váy lê quét đất, một mình băng qua hoa viên đến thẳng Chỉ Lan Viện, nơi ở của Thẩm Ngạn. Đám hầu nữ của Chỉ Lan Viện ấp úng hồi lâu, nói: "Tướng quân, tướng quân... không ở trong phòng".
Sắc mặt Tống Ngưng nhợt nhạt: "Ở Hà Phong Viện ư?".
Đám người hầu cúi gằm không dám trả lời. Cô nhét tấm giáp bọc trong mảnh lụa vào tay một hầu nữ, nói: "Chàng không có ở đây, vật này nhờ cô...".
Chưa nói xong, đám người hầu đột nhiên ngẩng đầu vui sướng: "Tướng quân!".
Thẩm Ngạn bước vào cửa viện, trời còn chưa sáng, những chiếc đèn lồng trong sân lờ mờ tỏa sáng, ánh sáng vàng vọt bao trùm bóng chàng. Cô nghe thấy tiếng chàng, ở ngay sau lưng, cứng nhắc: "Cô làm gì ở đây?".
Cô quay lại, đứng sững ra đó, nhìn chàng một hồi từ đầu đến chân, mỉm cười. Nụ cười chưa hiện lên mắt, đó chỉ là thói quen của cô.
Cô đưa cho chàng bọc lụa trong tay: "Không có gì, nghe nói chàng sắp xuất chinh, tôi đến đưa chàng tấm giáp bảo vệ bằng đá Thanh Tùng, chắc chắn hơn nhiều so với tấm giáp thông thường, nó đã không ít lần cứu tôi thoát chết. Bây giờ tôi không ra trận nữa, phiền chàng mang theo ra chiến trường dùng khi cần thiết".
Chàng khẽ nhíu mày, nhìn cô, lúc sau nói: "Nghe nói, tấm giáp này là báu vật huynh trưởng tặng cô".
Cô ngước mắt, nụ cười thoáng hiện: "Ồ, chàng cũng biết? Nói là báu vật bởi vì nó có thể bảo vệ được tính mạng, không bảo vệ được cũng chẳng là gì. Cho chàng mượn không phải có ý để chàng nợ nần gì tôi. Chàng nói đúng, chúng ta vốn chẳng liên quan đến nhau, nhưng danh phận đã định, nếu chàng chết nơi chiến trường, đại gia đình trong Thẩm phủ này sẽ do tôi gánh vác, thực là vất vả, trách nhiệm của ai do người đó gánh, chàng thấy có đúng không?".
Chàng ngắm kỹ tấm giáp màu ngọc bích trong tay, giống như màu xanh của thảm lá sen đang trải trước mắt. Cô gật đầu định đi, chàng kéo lại: "Cô có thể tái giá".
Cô nhìn bàn tay nắm ống tay áo mình, ánh mắt nhích lên, dừng lại ở hình cây trúc thêu sống động như nghiêng trong gió trên vạt áo chàng, cười tươi như hoa: "Sao cơ?". Chàng buông tay áo cô nói: "Nếu tôi chết cô có thể tái giá".
Cô cúi đầu, trầm tư, lúc sau nói: "À, đúng".
Cô ngẩng đầu, hai lúm đồng tiền mê hồn lại hiện trên má: "Vậy chàng nên chết ngoài chiến trường, đừng trở về nữa, mãi mãi không nên trở về nữa".
Đám người hầu đứng bên sợ run, nhưng cô lại mỉm cười, ánh mắt lạnh lùng. Đúng là không thể đoán được tâm tư đàn bà, đoán già đoán non, cuối cùng cũng không đoán ra.
Trên đời có kiểu đàn bà không câu nói nào khiến người khác bận tâm, cũng có kiểu đàn bà mỗi câu nói đều khiến người ta không thể không suy nghĩ.
Cô đi vội vã, cuối cùng để lại cho chàng một hình bóng đoan trang, duyên dáng, cũng đầy ngạo mạn thách thức. Chàng nắm chặt tấm giáp màu ngọc, nhìn mãi về phía bóng người vừa khuất, ánh mắt thâm trầm.
Thẩm Ngưng ra đi đã hai tháng.
Tháng tám, hương quế ngào ngạt, tin vui từ Hà Phong Viện truyền ra, Thê Thê cô nương đã có thai, lão tướng quân và phu nhân vui mừng khôn xiết. Liễu Thê Thê có thể coi là khách của Thẩm phủ, khách trong nhà có thai, cũng là hạt giống nhà mình, điều này cũng phải thôi, nhưng khách lại có thai ngay trước mặt con dâu danh chín ngôn thuận, thực tình cũng khiến lão tướng quân và phu nhân khó xử. Lúc Tống Ngưng đến thỉnh an, lão phu nhân mới ướm một câu: "Rút cục để cho cốt nhục họ Thẩm lưu lạc bên ngoài cũng không hay gì".
Tống Ngưng mỉm cười gật đầu: "Mẹ nói phải".
Cuối tháng, hoa quế nở tràn lan trên núi Cù ở ngoại thành, Tống Ngưng nhìn về ngọn núi phía xa, nói với người hầu đem theo khi rời cố quốc: "Hãy mời Thê Thê cô nương ngày mai lên núi Cù thưởng ngoạn hoa quế". Người hầu gửi thiệp tới Hà Phong Viện, Liễu Thê Thê nhận lời.
Ngày hôm sau, Tống Ngưng hành lý đơn giản, chỉ mang theo một người hầu. Người hầu một tay xách chiếc làn đựng ít đồ điểm tâm, một tay khoác bọc hành lý. Trái với Tống Ngưng, Liễu Thê Thê long trọng hơn nhiều, ngồi trên kiệu bốn người khiêng, lại thêm hai vú già, bốn hầu nữ.
Tống Ngưng cười: "Đi ngắm hoa lại mang theo nhiều người như vậy, thật mất hứng".
Vú già cười nói: "Có lẽ phu nhân không biết, tướng quân vừa rồi có thư về, dặn dò chúng nô tỳ chăm sóc chu đáo Thê Thê cô nương, giờ Thê Thê cô nương đã mang cốt nhục của tướng quân, chúng nô tỳ không dám sơ suất".
Tống Ngưng phe phẩy chiếc quạt, không nói gì. Người hầu của cô cười khẩy: "Nghe vú già nói vậy, không được sơ suất đối với Thê Thê cô nương, nghĩa là có thể sơ suất đối với công chúa của chúng tôi ư. Nói câu này hơi khó nghe, nhưng ở nước Lê chúng tôi, khi công chúa đứng thì kẻ dưới không dám ngồi, khi công chúa ngồi, kẻ dưới nếu chưa được công chúa cho phép vẫn phải quỳ. Đến nước Khương các vị thì ngược lại. Công chúa bộ hành lên núi ngắm hoa, vậy mà cô nương nhà các ngươi lại ngồi kiệu, phải chăng lễ nghĩa của nước Khương là như vậy?".
Vú già nghe thế, quỳ sụp xuống đất, tự tát vào mặt mình.
Rèm kiệu vén lên, Liễu Thê Thê bước xuống đỡ vú già, đôi tay có mùi thuốc thoang thoảng giơ lên làm những động tác rất duyên dáng, đẹp mắt, vú già lo lắng giải thích: "Cô nương nói cô không ngồi kiệu nữa, vừa rồi là cô không hiểu lễ nghĩa, cô ấy sẽ đi bộ theo hầu phu nhân".
Ngọn núi Cù cao sừng sững, đi suốt một ngày vất vả, một người mang thai đâu dễ kham nổi. Đêm đó về phủ, Liễu Thê Thê liên tục ra máu. Sáng hôm sau, có tin nói Liễu Thê Thê bị sảy thai. Người hầu của Tống Ngưng lo lắng: "Nếu tướng quân nổi giận thì làm thế nào". Tống Ngưng ngồi đọc sách bên cửa sổ, hoa quế trong vườn nở rộ, hương quế ngào ngạt trong gió. Liễu Thê Thê bị sảy thai, suy cho cùng là do Tống Ngưng, nhưng đứa trẻ đó không danh chính ngôn thuận nên lão tướng quân và phu nhân mặc dù có thương xót cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ có thể bù đắp vật chất cho Thê Thê, nhân sâm, yến sào, hạt sen... mọi thứ quý bổ đều sai người mang tới Hà Phong viện.
Chỉ có Liễu Thê Thê vẫn khóc ròng, không ăn uống gì. Để khỏi lãng phí đành phải để vú già, người hầu ăn giúp, kết quả là trong thời gian ngắn, ngoài Liễu Thê Thê vẫn giữ được thân hình thon thả, tất cả kẻ ăn người ở của Hà Phong viện đều béo tốt trông thấy, ngay cả hai con chim sẻ làm tổ trên hốc cửa đình viện cũng béo mẫm vì được hưởng lộc thừa.
Thời gian này, Tống Ngưng cáo bệnh, chỉ ở trong phòng rất ít ra ngoài, không gặp gỡ ai.
Cuối cùng có một người cô không thể không gặp. Đó là chòm sao ma quỷ trong số mệnh của cô. Cô đã vì chàng cởi bỏ chiến giáp, cài hoa, khoác áo đỏ tân nương, trái tim dịu dàng ăm ắp yêu thương vượt đường trường vạn dặm theo chàng, vậy mà chàng không để mắt đến cô.
Tháng chín, tin thắng trận truyền về kinh đô, Thẩm Ngạn khải hoàn dẫn quân trở về triều. Tống Ngưng ngồi bên hồ thả mồi cho cá, nghĩ ngợi một hồi, ngẩng đầu hỏi hầu nữ: "Chàng đã trở về, ngươi nói xem, liệu chàng có giết ta?".
Cốc trà trên tay hầu nữ rơi xuống đất. Tống Ngưng cười: "Thân thủ của ta không bằng chàng, nhưng cũng không dễ để chàng lấy mạng, cùng lắm đánh một trận, ngươi khỏi lo".
Hầu nữ quỳ trước mặt: "Ở đây công chúa sống chẳng vui vẻ gì, nô tỳ cũng thấy người không vui. Sao chúng ta không trở về nước Lê? Công chúa, chúng ta về nước thôi".
Tống Ngưng nhìn đàn cá đớp mồi dưới hồ sen, nói: "Đây là hôn sự giữa hai nước, ngươi tưởng muốn đi là đi được hay sao?".
Mọi sự không thể cứu vãn đều bắt đầu từ đêm đó. Tôi nói như vậy là bởi vì tôi nhìn thấy tất cả, nhìn thấy tính mạng Tống Ngưng bắt đầu từ đêm đó nhích dần đến cái chết. Đẩy cô tới cõi chết chính là tình yêu của cô và bàn tay Thẩm Ngạn. Chàng lao đến như mang theo mưa gió, trên mình vẫn mặc bộ chiến bào màu bạc, giống như lần đầu họ gặp nhau, nhưng trong mắt chàng bừng bừng lửa giận, như một vị Tu La đến từ địa ngục.
Cuối cùng, cô không địch được chàng, chưa đầy hai chiêu, kiếm của chàng đã chẹn dưới họng cô. Cô vội vàng dùng tay nắm thanh kiếm, lưỡi kiếm vừa nhích, lướt qua năm ngón tay cô, sâu tới tận xương. Chắc chắn rất đau nhưng cô không để ý, chỉ nhìn xuống tay mình: "Chàng thực sự muốn giết tôi ư?".
Giọng chàng lạnh lùng: "Tống Ngưng, cái thứ dính trên tay cô là tính mệnh con trai tôi. Cô ép Thê Thê lên núi, cô không nghĩ sẽ giết chết nó?". Cô ngẩng phắt đầu, lông mày giãn ra, tiếng rất nhỏ nhẹ: "Đó không phải là lỗi của tôi, tôi chưa từng sinh con làm sao biết được người có thai lại có thể xảy ra chuyện đó, leo núi là có thể bị sẩy thai. Chàng không có duyên với đứa bé đó lại đổ lỗi lên đầu tôi, Thẩm Ngạn, chàng làm vậy có phải quá vô lý không?".
Cô nói ra những lời đó không phải là lời lòng cô muốn nói, chỉ là do bị chàng kích nộ. Cô nhìn khuôn mặt rắn đanh của chàng cảm thấy buồn cười, liền bật cười thành tiếng: "Thẩm Ngạn, chàng biết đấy, ngoài tôi ra, không ai đủ tư cách sinh đích tôn cho nhà họ Thẩm". Cô nghĩ, tình yêu của mình gần như sắp chết, ngày trước cô nhìn Thẩm Ngạn, chỉ mong mọi việc với chàng đều suôn sẻ. Bây giờ, lúc nào cũng muốn chàng không vui. Nhưng chàng không vui, cô cũng không thấy vui, giống như con dao hai lưỡi, làm tổn thương người khác, cũng làm tổn thương chính mình.
|
Câu nói vui của cô lại khiến chàng kích động. Cô nhìn thấy cơn sóng phẫn nộ trong mắt chàng. Cô cảm thấy thanh kiếm của chàng sắp xuyên qua tay đâm vào họng mình. Nhưng phán đoán của cô đã sai. Thanh kiếm của Thẩm Ngạn không tiến thêm một phân nào nữa, mà rút khỏi tay cô, dính một vệt máu tươi, đầu thanh kiếm áp vào ngực áo cô, khẽ hất, những chiếc khuy đứt tung.
Phu quân của cô đang đứng trước mặt cô, dùng một thanh kiếm nhuốm máu hất toạc áo ngoài của cô, sóng hận trong mắt biến thành nụ cười khẩy lạnh lùng trên môi, giọng nói giễu cợt ghê người: "Tống Ngưng, tôi chưa gặp người đàn bà nào độc ác như cô".
Lần động phòng chậm đúng chín tháng.
Cô vùng vẫy giãy giụa, nếu đối phương là một nho sinh, cô không những có thể vùng ra được mà còn đánh cho gã một trận. Nhưng đây lại là một tướng quân, võ nghệ vào bậc nhất nước Lê, lại có sở trường đánh giáp lá cà, cô đành bó tay.
Bức bình phong trước giường vẽ một đầm nước, trên có vầng trăng lạnh dưới có mấy con vịt trời giỡn nước. Cô lạnh run người, hai tay ôm chặt lưng Thẩm Ngạn. Máu rỉ ra từ vết thương trên ngón tay, nhuộm đỏ một vùng da màu kiều mạch trên lưng chàng, giống như đóa hoa hồng nở trên kẽ đá trên cánh đồng hoang. Cuối cùng cô không thể giả bộ cười được nữa, nước mắt chảy dài xuống má. Tiếng cô bên tai chàng giống như tiếng rên của con thú nhỏ.
Từ nhỏ cô đã mồ côi cha mẹ, lớn lên nơi chiến trường, đại huynh cũng không có thời gian chăm sóc cô, ngã thì tự đứng dậy, đau quá thì dùng bàn tay nhỏ tự xoa vết thương, Tống Ngưng trên chiến trường luôn mỉm cười, bởi vì cô hiểu, không nên để đại huynh lo lắng, lâu dần thành quen, không biết khóc bao giờ.
Trong cuộc đời, đó là lần đầu tiên cô bật khóc, bản thân cô cảm thấy hoảng loạn bởi cô thực sự thấy đau, đau đến tận tim, mà không giống như hồi bé, xoa vài cái là hết. Cô nặng nề thở dốc, mũi đỏ ửng, không còn vẻ oai phong như trước, cũng không thể can trường như trước.
Cô mới mười bảy tuổi. Giọng cô suy sụp, van nài: "Thẩm Ngạn, chàng ghét tôi như vậy, chàng ghét tôi như vậy. Thẩm Ngạn, buông tôi ra, xin chàng buông tôi ra".
Nhưng tiếng chàng vẫn ở bên tai cô: "Nỗi đau của cô có bằng nỗi đau mất cốt nhục của tôi không? Tống Ngưng cô muốn gì, tôi sẽ cho cô, chỉ cần chúng ta từ nay rõ ràng, cô có biết rõ ràng là thế nào không?".
Trong không khí toàn mùi máu, tôi không ngửi thấy, nhưng có thể nhìn thấy.
Móng tay cô ấn sâu vào lưng chàng, cô không khóc được nữa, giọng nói tắc nghẹn bay lên không, thê lương như lá mùa thu: "Thẩm Ngạn, chàng đối với tôi như vậy, chàng là kẻ vô tâm".
Bàn tay phải Tống Ngưng trở nên tàn phế trong đêm đó, vốn là bàn tay cầm thương, tung ra bảy bảy bốn mươi chín chiêu thương pháp, duyên dáng đẹp như múa, khiến thiên hạ trầm trồ. Thanh kiếm đã làm bàn tay ấy bị thương, làm trái tim cô bị thương, đã hủy diệt tất cả nhiệt thành của cô đối với Thẩm Ngạn.
Cô tỉnh dậy, Thẩm Ngạn nằm bên cạnh cô, mắt cô lờ mờ nhận ra khuôn mặt tuấn tú, cặp lông mày hơi chau. Cô nghĩ đó là người cô từng yêu, trong mênh mông biển người cô lại chọn đúng chàng. Thanh kiếm của chàng rơi dưới đất, bàn tay phải của cô cũng không cầm lên được, cô nghiêng người, dùng tay trái lần tìm thanh đoản kiếm nặng gần bốn chục cân, làm kinh động chàng, ngay lúc chàng vừa mở mắt, cô nắm chắc chuôi kiếm đâm mạnh vào sườn chàng một nhát. Chàng rên một tiếng, nhìn thấy một giọt nước trào ra từ khóe mắt cô, lăn xuống, để lại một vệt dài trên má.
Ngày trước, cô đã tìm chàng giữa hàng ngàn thi thể, cô đã cõng chàng vượt qua núi tuyết đi tìm lang y. Cô thức trắng ba ngày ba đêm, nhưng đều là quá khứ. Đã là quá khứ thì không nên nhắc lại. Cô nghiêng đầu nhìn chàng, cuối cùng hiện ra vẻ thơ ngây thiếu nữ, mặt đầy ngấn nước, nhưng môi lại nhếch lên nói ra những câu tuyệt tình: "Thẩm Ngạn, tại sao chàng còn trở về, sao chàng không chết ở chiến trường?".
Chàng nắm chặt bàn tay trái cầm kiếm của cô, đột nhiên kéo mạnh cô vào lòng, thanh đoản kiếm sắc đâm càng sâu. Máu trào ra từ miệng, tiếng chàng lạnh lùng lại vang bên tai: "Đây chính là điều cô muốn? Cô muốn tôi phải chết?".
Tống Ngưng kể lại với tôi chuyện đêm hôm đó, đã nhiều năm, trên cặp mày nhàn nhạt dường như vẫn hằn nỗi đau khổ, dường như không thể nhớ lại. Cô không biết, thực ra tôi đã nhìn thấy tất cả, đó nhất định là một đêm ma mộng. Mặc dù thực ra tôi không hiểu lắm ma mộng là gì, đó là một từ thường thấy trong tiểu thuyết của Quân Vỹ. Đại khái là từ viết tắt của giấc mộng ma quái gì đó.
Khung cảnh cuối cùng của hôm đó là một đêm tối mịt mùng, mưa thu tí tách, hoa nguyệt quế lặng lẽ tỏa hương trong mưa.
Thẩm Ngạn không chết, nhát kiếm đó mặc dù đâm khá sâu, đáng tiếc là không trúng chỗ hiểm, đại phu nói chỉ cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chưa đầy ba tháng sẽ bình phục như thường.
Nhưng hai tháng sau, Tống Ngưng có tin vui. Liễu Thê Thê thu dọn quần áo, nửa đêm lặng lẽ rời Thẩm phủ. Ngày hôm sau hay tin, Thẩm Ngạn dù thân đang mang vết thương nặng cũng đi tìm khắp nơi, sau khi tìm được, đưa Liễu Thê Thê đến sống ở một biệt viện, bản thân chàng cũng rời khỏi Thẩm phủ, chuyển đến biệt viện sống cùng Liễu Thê Thê, không coi Thẩm phủ là nhà nữa.
Tháng sáu năm sau, Tống Ngưng sinh hạ một bé trai.
Thẩm Ngạn đưa tay đón đứa trẻ, giọng dửng dưng: "Cô hận tôi?".
Chàng nhìn bức bình phong trước giường: "Tôi tưởng cô không muốn sinh nó ra".
Tống Ngưng nằm sau bức bình phong, cơ thể rất yếu, vẫn hít một hơi dài, khẽ cười: "Sao lại không sinh, đó là đích tôn nhà họ Thẩm. Sau này khi chàng chết đi, nó sẽ nối nghiệp nhà họ Thẩm".
Trong mắt chàng lóe ra tia lạnh, trao đứa bé cho vú già bên cạnh, phảy tay áo bỏ đi. Đứa bé oa oa khóc sau lưng, chàng dừng lại ở cửa nói: "Tống Ngưng, thiên hạ có người đàn bà nào một lòng mong chồng chết ở chiến trường?".
Giọng Tống Ngưng yếu ớt vượt qua mấy bức rèm: "Sao?".
Thấm thoát đã bốn năm, thời gian không quay trở lại, hai nước Khương, Lê lại gây chiến, chiến tranh liên miên. Nhưng chuyện đó chẳng có gì quan trọng đối với vụ trao đổi của tôi, quan trọng là Liễu Thê Thê lại sinh cho họ Thẩm một sinh mạng mới, một bé gái. Chuyện này khiến cả biệt viện buồn bã trong một thời gian dài.
Vì tôi đứng về phía Tống Ngưng, bất giác nghĩ Liễu Thê Thê buồn bã như vậy là do chỉ sinh được con gái, tài sản được chia sẽ không nhiều. Nhưng cũng chỉ đoán vậy thôi, rất có thể người ta buồn tiếc vì không sinh được con trai cho Thẩm Ngạn.
Vú già trong biệt viện lại động viên Liễu Thê Thê, rằng đối với Thẩm Ngạn chỉ cần cô sinh hạ bé gái, mẹ tròn con vuông là tốt rồi, vả lại không dễ dàng có được đứa bé này, động viên mãi cô mới nguôi nguôi, đồng thời sự yêu chiều của Thẩm Ngạn đối với đứa bé cũng kịp thời bù đắp an ủi cho cô.
Tôi bất giác lại nghĩ, Liễu Thê Thê có thể nhanh chóng chuyển buồn thành vui như vậy, có lẽ là do Thẩm Ngạn đã lặng lẽ chia lại tài sản, cho cô ta số tiền lớn. Nếu Quân Vỹ có ở đây thấy tôi nghĩ vậy, nhất định sẽ bảo tôi có tâm hồn đen tối, suy diễn sự việc theo hướng xấu. Nhưng tôi nghĩ, nếu chuyện đó xảy ra thật mà tôi vẫn còn suy nghĩ theo hướng trong sáng, thì e là tôi đã trở thành thánh mẫu rồi.
Con trai Tống Ngưng càng lớn càng giống mẹ, được đặt tên là Thẩm Lạc.
Thẩm Lạc hai má cũng có lúm đồng tiền mờ mờ, ba tuổi đã học thuộc những câu rất cao thâm trong sách. Nếu gặp chữ khó, không đọc được cũng nhất định không muốn người khác nhắc, chỉ ngồi yên, chống hai bàn tay bụ bẫm dưới cằm, trầm ngâm cố nhớ lại.
Mùa đông, mặc áo bông dày, cử động khó khăn, nhưng tính bướng bỉnh, nó nhất định không chịu thay đổi tạo hình, cố chống tay vào cằm, nhưng được cái nọ lại mất cái kia, mấy lần ngã nhào từ trên ghế, đau cũng không khóc, chỉ lấy tay xoa xoa, lại đứng dậy. Điểm này giống hệt Tống Ngưng.
Thẩm Lạc thông minh lanh lợi, nhưng lại không nhận ra cha ruột, mỗi lần nhìn thấy Thẩm Ngạn, nó đều gọi bằng chú, không gọi cha. Chứng tỏ nó rất ít cơ hội gặp Thẩm Ngạn, nghĩa là mẹ nó và Thẩm Ngạn cũng rất ít gặp nhau. Nhưng một đứa trẻ thông minh, mới hai tuổi đã biết đọc những chữ rất phức tạp, thật sự không thể biết nó không nhận ra Thẩm Ngạn hay chỉ tỏ ra như thế. Nhưng một đứa trẻ đáng yêu như vậy không ngờ lại chết yểu.
Chuyện xảy ra rất sớm, vào một ngày đông lúc Thẩm Lạc bốn tuổi.
Hôm đó, Thẩm Ngạn đưa đứa con gái đến Thẩm phủ thăm lão tướng quân và lão phu nhân, cô con gái nhỏ trốn người hầu, một mình vào chơi ở hoa viên thì gặp Thẩm Lạc. Hai đứa trẻ không biết tại sao cãi nhau, giằng co, cả hai không may ngã xuống hồ sen. Lúc cứu lên bờ, cũng chưa việc gì, nhưng vì Thẩm Lạc đang mắc thương hàn, bị nhiễm nước lạnh, khiến bệnh lại càng nặng, sốt cao mấy ngày liền, đến ngày thứ ba, trời còn chưa sáng, đôi mắt to khép lại trên khuôn mặt đỏ ửng vì sốt, phút chốc Thẩm Lạc đã ra đi.
Sự việc khiến Tống Ngưng gục hẳn.
Tôi nhìn thấy một vầng mặt trời mùa đông từ từ nhô lên phía cuối Nhạc thành, thân thể bé nhỏ của Thẩm Lạc nằm trong lòng Tống Ngưng, sắc mặt vẫn hồng hào như đang ngủ. Cô ôm con ngồi trên bậc cửa hoa đình, rèm bốn phía cuốn cao, ánh mặt trời vàng vọt chiếu lên người Thẩm Lạc. Cô nâng thằng bé lên cao gọi: "Con trai, mặt trời lên rồi, chẳng phải con đã nói nửa tháng nay không thấy mặt trời, cái chăn của con đã sắp mốc rồi sao? Hôm nay, cuối cùng đã có mặt trời, mau nào, mang chăn của con ra phơi đi".
Nhưng Thẩm Lạc không tỉnh dậy được nữa. Nước mắt giàn giụa chảy trên má Tống Ngưng, rơi xuống đôi mắt nhắm nghiền của đứa con, giống như nó đang còn sống, nhìn thấy mẹ đau khổ, nó cũng trào nước mắt.
Thẩm Ngạn cùng tùy tùng xuất hiện trong hoa viên, Tống Ngưng tay nắm thanh kiếm đi ra khỏi hoa đình, thanh kiếm sắc sáng loáng càng tôn chiếc váy dài màu bạc lóng lánh, khuôn mặt vẫn giữ nụ cười không biểu cảm, như đóa sen hồng nở trên nền tuyết lạnh. Một cô gái đẹp như vậy!
Thanh kiếm lao vút về phía Thẩm Ngạn, tiếng xé gió làm rung cả cánh hoa. Cô đoán được vị trí chàng sẽ né tránh. Nhát kiếm này vung lên sẽ kết thúc mọi ân oán tình thù giữa hai người, chỉ có điều, không ngờ chàng vẫn đứng yên, mắt trừng trừng nhìn thanh kiếm lao tới.
Thanh kiếm bất lực, đành đâm chệch sang bên, chàng loạng choạng hai bước rồi đứng lại, nắm bàn tay cầm kiếm của cô: "A Ngưng".
Cô ngẩng đầu nhìn chàng, như không hề quen biết: "Tại sao con trai tôi chết rồi, mà các người vẫn còn sống được, chàng và Liễu Thê Thê lại vẫn sống được".
Suốt cả đời, tôi chưa từng nghe một giọng nào bi thương đến vậy.
Thanh kiếm sượt qua ống tay áo Thẩm Ngạn, thấm ra một vệt máu. Cô nhìn vết thương của chàng, muốn rút tay khỏi tay chàng, nhưng không được, cuối cùng, máu ứ đọng bấy lâu trong tim cô phun ra nhuộm đỏ chiếc áo trắng muốt của chàng. Chàng ôm chặt cô, còn cô khụy xuống trong vòng tay chàng.
Từ đó Tống Ngưng đổ bệnh.
Mọi chuyện về sau diễn ra như đã biết.
Câu chuyện là như vậy. Tống Ngưng hôm nay ngồi trên chiếc giường mây trong thủy đình, sắc diện dửng dưng, dường như mọi thứ trong mắt cô đều nhạt nhòa. Cô dùng một câu tổng kết mọi chuyện trong bảy năm qua. "Quân Phất, yêu một người dễ dàng như vậy, hận một người cũng dễ dàng như vậy".
Tôi không dám dễ dàng đồng lòng với cô, giống như tôi yêu Mộ Ngôn. Tôi yêu chàng quả thực không dễ dàng. Nếu chàng không hai lần cứu mạng tôi, chúng tôi chỉ như khách qua đường. Khoan nói tôi chủ động yêu chàng, dù chàng chủ động yêu tôi, tôi cũng không cho chàng cơ hội.
Mà cho dù tôi yêu chàng, cuộc đời này cũng không thể cho chàng cơ hội để chàng làm tổn thương tôi, để tôi hận chàng. Đương nhiên, tất cả chuyện đó có thể xảy ra khi tôi là một người sống. Mà đời này tôi đã chết, bây giờ đã là người chết, ý nghĩ dù kiên định cũng chỉ là ý nghĩ mà thôi, lúc rỗi rãi nghĩ ngợi một chút, tự an ủi mình...
Thực ra, tôi thấy tất cả bi kịch đều do Thẩm Ngạn quá chung tình. Nếu chàng không chung tình như vậy thì hoàn toàn có thể có được sự hòa hợp viên mãn giữa ba người. Kết cục khiến người sống, kẻ chết, thật tang thương.
Lúc sắp chia tay, Tống Ngưng mệt mỏi nói: "Bây giờ nghĩ lại, từ đầu đến cuối, người tôi yêu e rằng chỉ là một ảo ảnh trong lòng".
Tôi gật đầu đồng tình.
Cô nhẹ nhàng nói: "Quân Phất, cô có thể giúp tôi sống lại ảo ảnh đó không, trong mơ thôi?".
Mặt trời lặn dần về tây, dư quang ánh lên mặt hồ sen. Tôi gật đầu: "Cho tôi thời gian hai ngày, phu nhân xem liệu có đủ để phu nhân lo liệu những việc còn lại trên trần thế. Hai ngày sau, chúng ta vẫn hẹn gặp trên hồ này, tôi sẽ dệt cho phu nhân một giấc mộng".
|
PHẦN 1 - CHƯƠNG 4 Hai ngày sau, mọi người đang ngồi ăn sáng. Không khí thoáng đãng, muỗi cũng ít. Tôi nhắc tới chuyện hôm nay phải đi vào giấc mộng của Tống Ngưng, sửa lại những điều tiếc nuối, xem Tiểu Lam có thể đi cùng tôi.
Vì đường đến nước Khương quá thuận lợi, nên anh ta không có cơ hội thể hiện bản lĩnh, thật đáng tiếc cho tấm lòng thành như vậy. Lần này cùng tôi vào giấc mộng ắt xảy ra rất nhiều chuyện khó lường, anh ta sẽ có cơ hội cứu tôi khỏi nước sôi lửa bỏng, vừa có thể bù đắp những điều đáng tiếc anh ta chưa làm được đối với chúng tôi, cũng thực hiện lời anh ta hứa với tôi cách đây mười sáu ngày bốn canh giờ ba khắc.
Tôi nói xong câu đó, ba người đang ăn nhất loạt đánh rơi đũa, chỉ có Tiểu Lam phản ứng khá nhanh, đôi đũa mới rơi lưng chừng đã nhanh tay chộp lại, còn Quân Vỹ và Chấp Túc đành phải gọi người hầu lấy cho đôi đũa khác. Quân Vỹ ngạc nhiên là bởi thay vì để anh ta cùng tôi đi vào giấc mộng, tôi lại mời Tiểu Lam, trong khi Quân Vỹ mới là người Quân sư phụ ủy thác bảo vệ tôi.
Nhưng sự lựa chọn của tôi quả thực cũng có nỗi khổ riêng. Bởi Quân Vỹ mặc dù được gọi là kiếm khách, nhưng thực chất vẫn là một tiểu thuyết gia, thường hay nảy sinh cảm hứng trong lúc đối phó với sự cố trên đường, những lúc đó, anh ta thường quyết định kết thúc cuộc đấu, tìm một nơi yên tĩnh để viết tiểu thuyết, bỏ quên bạn đường trong trận địa.
Đó là nguyên do tại sao Tiểu Hoàng vốn là con hổ đã được thuần dưỡng, có lúc còn hung hãn hơn hổ hoang dã. Tiểu Hoàng cũng không nhớ đã bao lần Quân Vỹ do cảm hứng phát tác đã bỏ quên tôi trong làn mưa tên bão giáo.
Có thể thấy, nếu mệnh không lớn, tìm một người hộ vệ như Quân Vỹ rủi ro cũng vô cùng lớn, bởi vì... cảm hứng khó nắm bắt như vậy, tai nạn... cũng khó nắm bắt như vậy, nếu lựa chọn, ngay Tiểu Hoàng cũng không lựa chọn Quân Vỹ, huống hồ tôi, một người thân thủ rất bình thường
Mặc dù trong lòng nghĩ vậy nhưng tôi không thể làm tổn thương lòng tự trọng của Quân Vỹ, suy nghĩ một lát, tôi nói với anh ta: "Chủ yếu là huynh phải ở lại để bảo vệ cây đàn của muội. Huynh xem, nếu như mọi người đều đi vào giấc mộng của Tống Ngưng, ai đó thừa cơ đến phá đàn của muội thì làm thế nào?".
Quân Vỹ nghe xong mặt sa sầm, suy nghĩ một lát, ngoái đầu dặn Tiểu Lam: "Tuy chuyến đi lần này mục đích là để A Phất dệt giấc mộng cho Tống Ngưng. Nhưng cảnh trong mộng, anh và A Phất gặp phải lại là cảnh thật, bị thương là bị thương thật, chết cũng là chết thật. Mọi sự phải nhất nhất cẩn trọng, anh chết không sao, nhưng nhất thiết phải bảo vệ A Phất".
Tiểu Lam không nói gì, đang dùng đũa gắp chiếc bánh chẻo nhân tôm bóng mỡ cuối cùng trong lồng hấp, tôi nhìn cái bánh nuốt nước bọt. Đôi đũa dừng lại giữa chừng, đôi mắt đẹp của anh ta liếc về phía tôi, nửa cười nửa không: "Quân cô nương thích món này?".
Tôi nhìn theo miếng bánh trên đũa của anh ta, lắc đầu tiếc nuối. Đôi đũa chuyển hướng, trong nháy mắt chiếc bánh rơi trúng đĩa của tôi, màu xanh của đôi đũa tre lẫn với màu vỏ bánh xanh bóng. Cách cầm đũa của anh ta sao mà duyên dáng, nho nhã như một công tử quý tộc được giáo dưỡng nghiêm cẩn.
Tôi thực sự chẳng thèm thuồng gì cái bánh đó, chỉ là sở thích ngày trước, bây giờ nhìn thấy không khỏi lưu luyến, nhưng vì không có vị giác nên có ăn cũng như nhai nến mà thôi, đã vậy không nên lãng phí, thế là tôi gắp trả vào đĩa anh ta. Lúc đôi đũa của tôi đang ở phía trên bát canh, Quân Vỹ hét lên: "Các người làm gì vậy, không nghe thấy lời tôi nói sao?".
Tôi giật bắn người, chiếc bánh rơi tõm vào bát canh, Tiểu Lam nhanh tay kéo tôi về phía sau. Chỉ thấy "bụp" một tiếng, nước canh bắn tung tóe. Quân Vỹ giận dữ nhìn tôi, chiếc áo trắng muốt của anh ta bắn đầy nước canh.
Tiểu Lam cũng nhìn Quân Vỹ, nói giọng nghiêm túc: "Lời người anh em dặn dò, tại hạ xin ghi nhớ, tại hạ có chết cũng không hề gì, nhất định phải bảo vệ Quân cô nương".
Vỹ nghiến răng: "Không cần bảo vệ cô ta, bây giờ anh giết chết cô ta cũng được".
Tôi nói: "Ấy, như thế không hay...". Tiểu Lam nhìn tôi nửa cười nửa không, đang định nói thì Chấp Túc nãy giờ im lặng chợt lên tiếng: "Cô nương lại biết mật la ảo thuật, đã lâu đông lục chưa có ai...".
Chưa nói hết đã bị Quân Vỹ giận dữ ngắt lời: "Cô ấy gia cảnh bần hàn, học được chút ảo thuật để kiếm sống, có gì đáng lạ
Mặt Chấp Túc đầy vẻ kinh ngạc.
Tiểu Lam mỉm cười nhìn tôi: "Gia cảnh bần hàn? Kiếm sống?".
Tôi nhìn Quân Vỹ, xem xét vẻ mặt của anh ta, cảm thấy không nên phủ định những gì anh ta xây dựng về tôi, gật đầu: "Đúng...". Chấp Túc: "...".
Tiểu Lam: "...".
Ăn sáng xong, Quân Vỹ về phòng thay quần áo, Chấp Túc không biết chạy đi có việc gì, chỉ còn tôi và Tiểu Lam ngồi đợi. Tôi ngồi trên chiếc ghế gỗ tử đàn hương, suy nghĩ, làm thế nào để dệt giấc mộng Thẩm Ngạn yêu Tống Ngưng. Giấc mộng do Hoa Tư điệu dệt ra gọi là Hoa Tư mộng, Hoa Tư mộng chỉ là tái hiện quá khứ. Một Thẩm Ngạn trong tưởng tượng mà Tống Ngưng nói kỳ thực không tạo ra được.
Tôi và Tiểu Lam nhập vào Hoa Tư mộng của Tống Ngưng là để thay đổi quá khứ của cô, để ngăn những chuyện đau khổ xảy ra trong quá khứ, khiến trong giấc mộng cô được sung sướng hạnh phúc, không còn phiền muộn, có điều vui vẻ thế nào, không phiền muộn ra sao, nếu trong lòng vẫn còn tham vọng thì đó chính là nguồn gốc khổ đau.
Tôi nghĩ, có lẽ chúng tôi có thể bắt cóc Tống Ngưng trên chiến trận ở cánh đồng hoang Thương Lộc, không để cô ta đi cứu Thẩm Ngạn, Thẩm Ngạn lúc đó sẽ chết. Nhưng nếu vậy quá khác so với kỳ vọng của Tống Ngưng, tôi lại nghĩ, hay là đánh cược một phen?
Đúng lúc đang suy nghĩ miên man thì Tiểu Lam xen vào, cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi. Anh ta ngắm nghía cây đàn thất huyền của tôi, một lúc lâu sau, nói: "Quân cô nương nói, có phải nếu cây đàn này bị hỏng sẽ phiền toái lớn?".
Tôi trả lời: "Phải".
Anh ta ngạc nhiên: "Thế nào là phiền toái lớn? Nếu cây đàn này hỏng nghĩa là Hoa Tư mộng tan vỡ?".
Tôi lặng người một lúc, không hiểu tại sao anh ta lại có ý nghĩ đáng sợ như vậy, tôi lắc đầu: "Không phải, chỉ là nếu cây đàn bị hỏng thì tôi phải bỏ ra hai thù vàng (*) để mua cây đàn mới mà thôi". Anh ta nhìn tôi không nói gì.
Tôi cũng nhìn anh ta.
Không gian bỗng nhiên tĩnh lặng.
Đột nhiên đôi mắt đẹp của anh ta dâng lên nụ cười, nụ cười đẹp đến nỗi khiến lòng tôi đau nhói.
Anh ta cười: "Nhìn Quân cô nương thế này rất giống một người tôi từng quen".
Tôi nghe nói vậy thực ra trong lòng không vui. Giống như hồi tôi ở Thanh Ngôn tông, nghe nói một người họ Lưu sống ở chân núi muốn vợ vui lòng, mới khen cô ta giống cô đào nổi tiếng Trương Bạch Chi, kết quả là bị vợ vác xẻng đuổi đánh bảy dặm đường. Mặc dù Trương Bạch Chi đẹp khuynh quốc khuynh thành, trong khi Lưu phu nhân chỉ cao thước mốt, nặng gần sáu chục ký.
Thực ra lòng dạ nữ nhi trong thiên hạ phần lớn đều như nhau, họ thích độc nhất vô nhị không thích khuynh quốc khuynh thành. Tôi nghĩ, nếu phu quân tương lai của tôi cũng nói một câu như Tiểu Lam nói hôm nay, tôi nhất định bắt anh ta quỳ rách đầu gối. Nghĩ chán, tôi lại thấy ý nghĩ đó đúng là thừa, giả sử sau này tôi cũng có đấng phu quân, người đó chỉ có thể là Quân Vỹ, nhưng con người Quân Vỹ dù có quỳ rách đầu gối cũng không thể có trí nhớ tốt hơn.
Giờ Thìn, cả đoàn bốn người, cộng thêm tiểu hổ cùng đi đến thủy đình trên hồ như đã hẹn.
Khí sắc Tống Ngưng đã khá hơn nhiều so với hai hôm trước. Mái tóc vấn cao, một dải lụa trắng buộc ngang trán ở giữa gắn mảnh ngọc bích hình trăng khuyết. Tôi mơ hồ cảm thấy đã gặp cô ở đâu đó, nghĩ mãi, cuối cùng nhớ ra, hai hôm trước qua Hoa Tư điệu tôi đã nhìn thấy cô như vậy trong đêm tân hôn, hôm nay cô cũng trang điểm như thế, chỉ khác là hồi đó cô mặc đại hỉ bào đỏ chói, còn hôm nay chỉ là chiếc váy dài trắng muốt giản dị, toàn thân không hề đeo trang sức.
Tôi nói: "Phu nhân như thế này...".
Cô ta cười: "Nên sửa sang một chút mới đi gặp chàng".
Tôi biết chàng mà cô nhắc tới là ai. Chỉ có thể là Thẩm Ngạn, người cô yêu. Năm Lê Trang Công thứ mười bảy, một ngày đông hàn có băng tuyết, trước cửa khẩu Ngọc Lang, Thẩm Ngạn chỉ cần năm chiêu đã khiến cô ngã ngựa. Trên núi tuyết cạnh cánh đồng hoang Thương Lộc, Thẩm Ngạn nói với cô: "Nếu cô nương không chê, đợi tại hạ lành vết thương, xin đến quý gia cầu hôn cô nương".
Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời Tống Ngưng là chỉ yêu duy nhất một người đàn ông là Thẩm Ngạn. Vì thế một khi mất chàng ta dường như mất tất cả, đến chết cũng không thể nguôi ngoai. Nhưng nếu cô có nhiều đàn ông cùng lúc theo đuổi, mất chàng ta bất quá cũng chỉ là giảm bớt gánh nặng. Lý trí kịp thời không cho phép tôi tiếp tục suy nghĩ lan man, cứ nghĩ tiếp thì câu chuyện này sẽ biến thành truyện nữ tôn(*) mất.
Tống Ngưng nói với tôi: "Quân Phất, nếu có thể được, tôi còn mong được đoàn viên với Lạc Nhi, có phải vậy là quá tham lam, nếu Lạc Nhi còn sống, tháng sau là sinh nhật tròn sáu tuổi, tôi không biết nếu còn sống đến giờ Lạc Nhi sẽ thế nào, ngày xưa nó đáng yêu vô cùng".
Tôi liền giở cây đàn ra, an ủi cô: "Tôi đến đây là để giúp phu nhân thực hiện ước nguyện, tôi sẽ cho mẹ con phu nhân được đoàn viên. Chúng tôi đi đã, phu nhân hãy ngủ một giấc, khi phu nhân ngủ say, tôi sẽ trở lại dệt mộng cho phu nhân".
Tống Ngưng nhắm mắt. Những lời nói cuối cùng của Tống Ngưng đã củng cố niềm tin cho tôi. Tôi nghĩ, tôi vẫn muốn đánh cược một lần.
Hồ sen bạt ngàn một màu lá xanh biếc, điểm xuyết vài bông sen mới hé, người hầu kê giá đàn ven hồ. Tôi thử dây đàn, nhìn thấy Quân Vỹ đang bịt tai, anh ta không biết tôi không còn như ngày xưa nữa, ngón đàn của tôi giờ đã khác.
Ngày trước tôi không thích chơi đàn vì không biết chơi cho ai nghe. Sư phụ đã có tuổi, mỗi lần nghe tôi đàn thường ngủ gật. Quân Vỹ mỗi lần thấy tôi đàn cũng mang đàn ra gẩy, còn tôi mỗi khi nhìn thấy những ngón tay anh ta bấm dây đàn lại không ngăn nổi ý nghĩ muốn đập đàn vào đầu anh ta.
Sau này, Mộ Ngôn xuất hiện, dù tôi không biết hình dáng, không nhớ giọng nói của chàng, nhưng dáng chàng cúi đầu ôm cây đàn dưới ánh trăng tôi chưa bao giờ quên, cả những âm điệu du dương tôi chưa từng nghe. Nhớ đến câu thơ "gửi lòng vào tiếng đàn", sau này tôi chăm chỉ học đàn, chỉ là mong được gảy cho chàng nghe.
Giờ Mão hai khắc, mặt trời ló khỏi đám mây, trải đầy ánh vàng trên mặt đất. Tôi gảy Hoa Tư điệu của Tống Ngưng. Vốn tưởng cô tính cách can trường như vậy, lại cưỡi ngựa chinh chiến mấy năm, Hoa Tư điệu của cô tất sẽ như tiếng sắt tiếng vàng tiếng vó ngựa chen nhau, nhưng âm thanh tuôn ra dưới dây tơ lại âm thầm như nước chảy, đìu hiu thê lương xé gan xé ruột.
Hoa Tư điệu là hiện thân của cõi lòng, giai điệu là tính mệnh, từng tiếng đàn như huyết lệ khóc than, không biết trái tim Tống Ngưng đã tan nát thế nào. Dù can trường đến mấy, cô vẫn là nữ nhi, không chết ở chiến trường, lại chết trong tình yêu.
Gảy thanh âm cuối cùng, trên mặt hồ sen đã có sương mù bay lên, làn sương khói nhuốm hồng mê ly mờ ảo như ẩn như hiện, chỉ có người mang viên giao châu trong cơ thể mới có thể nhìn thấy cảnh tượng kỳ ảo đó.
Tiểu Lam trầm ngâm nhìn về dãy núi xa, không biết đang nghĩ gì. Tôi rời cây đàn đứng lên, bước tới kéo tay anh ta. Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi.
Tôi đang định giải thích, Quân Vỹ đã cao giọng: "Nam nữ thụ thụ bất thân...".
Tôi nói: "Thụ thụ bất thân cái gì, không kéo anh ta, làm sao đưa anh ta vào giấc mộng của Tống Ngưng?".
|
Tiểu Lam không nói gì.
Tôi vẫn nắm tay anh ta.
Vì tôi không còn là người trần thế nên nam hay nữ đối với tôi không còn ý nghĩa gì. Nhưng bị Quân Vỹ nhắc nhở nên cũng không thể không để ý đến suy nghĩ của Tiểu Lam và suy nghĩ của Chấp Túc, nữ hộ vệ của anh ta. Nhưng ngoài kéo anh ta, không có cách nào khác đưa anh ta vào Hoa Tư mộng của Tống Ngưng.
Mặt Chấp Túc lộ vẻ kinh ngạc, miệng đang há ra, rồi dần khép lại. Thấy Tiểu Lam không có ý phản đối, tôi thấy hay là hỏi thẳng anh ta, cân nhắc một hồi tôi nói: "Tôi kéo tay huynh một lúc, huynh không để tâm chứ?".
Anh ta thản nhiên ngẩng đầu nhìn tôi, cặp lông mày khẽ nhướn: "Nếu tôi để tâm thì sao?".
Tôi cũng thản nhiên nhìn trả: "Vậy đành đợi khi chúng ta thoát khỏi giấc mộng của Tống Ngưng, huynh chỉ việc chặt phăng bàn tay huynh đi là xong".
Quân Vỹ nói: "Nếu vậy thì tốt, thế mới là trang nam tử hảo hán".
Tôi nói: "Tốt cái đầu huynh ấy".
Tiểu Lam nhếch mép cười: "Nói đùa vậy thôi, Quân cô nương không để tâm, sao tôi lại để tâm?".
Nụ cười nhếch mép của anh ta đột nhiên khiến tôi hơi ngơ ngẩn. Nhưng lúc này đang làm đại sự, không được nghĩ lung tung. Tôi kéo anh ta cùng nhảy vào quầng sáng màu vàng sương khói mịt mùng trên hồ sen. Nếu có người đi qua, nhất định sẽ nghĩ chúng tôi nắm tay nhau tự vẫn vì tình, lại có Quân Vỹ, Chấp Túc, Tiểu Hoàng đứng trên bờ vẫy tay, chẳng khác gì tiễn biệt, thực không hiểu người ngoài nhìn thấy sẽ nghĩ gì.
Phía sau quầng sáng chính là Hoa Tư mộng của Tống Ngưng. Đây là cảnh một thị trấn phồn hoa, trên không là vầng mặt trời mùa đông bạc màu. Xa hơn nữa có thể nhìn thấy đỉnh núi tuyết, tuyết đọng long lanh in hình trời xanh, giống như những hồ sữa dài trập trùng. Gió lạnh buốt xuyên qua chiếc váy mỏng lạnh thấu xương.
Viên giao châu có tính hàn, tôi vốn đã sợ lạnh, lại gặp gió buốt nên hắt hơi liên tục. Mọi việc đã chuẩn bị chu đáo, nhưng lại quên một điều bây giờ đang là tháng năm đầu mùa hạ, mà trong Hoa Tư mộng lại là mùa đông tháng chạp. Tôi run lập cập hỏi Tiểu Lam: "Huynh có mang tiền không, chúng ta đến hiệu quần áo đã". Chưa nói xong đã thấy hai chiếc áo khoác chìa ra. Tôi không tin vào mắt mình, ngước nhìn Tiểu Lam. Anh ta dúi chiếc áo màu hồng vào tay tôi, còn mình mặc chiếc áo màu trắng. Thấy tôi tròn mắt anh ta nói: "Lúc ăn sáng thấy Quân cô nương nói, khi Thẩm phu nhân cứu Thẩm tướng quân là mùa đông tôi liền sai Chấp Túc đi chuẩn bị hai chiếc áo khoác, không ngờ lại đắc dụng". Tôi ôm chiếc áo, không ngớt lời khen: "Tiểu Lam, huynh chu đáo quá".
Anh ta đứng bên, dửng dưng nhìn tôi: "Chu đáo vừa thôi". Lát sau lại nói: "Mặc ngược rồi".
Mặc áo xong, tôi nói với Tiểu Lam ý nghĩ của mình. Khi chúng tôi tới đây vừa đúng lúc Tống Ngưng tìm thấy Thẩm Ngạn trên chiến trường đầy xác chết và đã đưa chàng vào hang núi tuyết. Thực ra tất cả đều do Thẩm Ngạn nhận nhầm người. Mặc dù không dám đảm bảo, sau khi tỉnh dậy, ánh mắt đầu tiên chàng ta nhìn thấy là Tống Ngưng chứ không phải là Liễu Thê Thê, liệu chàng có lập tức si mê Tống Ngưng như đã si mê Liễu Thê Thê. Nhưng phải thử thôi. Tôi phân tích: Thứ nhất, phải khiến thuộc hạ của đại huynh Tống Ngưng phái đi tìm cô rời khỏi thị trấn, Tống Ngưng mới yên tâm ở lại chăm sóc Thẩm Ngạn trong y quán. Thứ hai, phải khiến Thẩm Ngạn không gặp được cô gái câm Liễu Thê Thê trong y quán, mới loại bỏ được khả năng hai người đó đến với nhau.
Tiểu Lam cho rằng làm như thế rất đúng, giết chết thuộc hạ của đại huynh Tống Ngưng và Liễu Thê Thê là mọi việc sẽ thuận lợi. Nói ra ý nghĩ ác độc đó trên mặt anh ta vẫn thản nhiên như không, dường như giết người dễ dàng như giết kiến.
Thực ra tôi cũng thấy như vậy rất giản tiện. Chỉ có điều giấc mộng do viên giao châu dệt nên, pháp lực của viên giao châu được tu luyện dựa vào hấp thụ giấc mộng đẹp của con người. Giấc mộng phải đẹp mới có thể cám dỗ con người, nhưng quá trình cám dỗ đó nếu tùy tiện gây ra cảnh chết chóc lại bất lợi cho việc tu luyện của viên giao châu. Nói cách khác, giết Liễu Thê Thê và những người khác trong giấc mộng, sinh mệnh tôi lấy được của Tống Ngưng có thể giúp tôi sống thêm một năm rưỡi nữa, nhưng nếu không giết bọn họ, sinh mệnh tôi lấy được của Tống Ngưng có thể giúp tôi sống thêm ba năm. Vì thế tôi cảm thấy, chưa bất đắc dĩ, không giết người vẫn hơn.
Có thể trong ảo mộng đó, để thực hiện lời hứa với Tống Ngưng, cuối cùng tôi vẫn phải giết một người nào đó. Nhưng cuộc trao đổi nào chẳng phải trả giá, chỉ là vạn bất đắc dĩ mà thôi.
Tôi nói với Tiểu Lam: "Hay là chúng ta đừng chọn giải pháp tàn khốc như vậy, cứ dùng biện pháp mềm dẻo trước đã. Có thể giải quyết sự việc bằng thương lượng vẫn hơn phải động gươm đao".
Tiểu Lam trầm tư: "Cô hành sự như vậy, không sợ lỡ việc sao?".
Tiểu Lam bỏ mặc tôi, đi thẳng vào tửu quán bên cạnh. Tôi hỏi người đi đường, biết đó là tửu quán lớn nhất thị trấn. Bước lên tầng hai, chỉ có cái bàn cạnh cửa sổ còn trống bèn ngồi xuống.
Xưa nay tôi luôn thích những cái bàn cạnh cửa sổ trong tửu quán, bởi vì trong truyền thuyết, khách lựa chọn ngồi ở vị trí đó thường là những nhân vật khác thường. Nếu là truyền thuyết tình yêu, khách ngồi ở đó không hoàng đế cũng vương gia, nếu là truyền thuyết giang hồ, khách ngồi ở đó không minh sư cũng giáo chủ.
Những nhân vật huyền bí đó đến tửu lầu dùng bữa hầu như chỉ ngồi bên cửa sổ, những ngón tay thanh tú nâng chung rượu trắng, để lại cho bàn dân thiên hạ xung quanh nửa khuôn mặt nhìn nghiêng, để họ tha hồ bàn tán suy diễn.
Tôi nhìn trước nhìn sau, hỏi Tiểu Lam, "Một tửu lầu lớn thế, sao chỉ có chỗ chúng ta còn trống?".
Anh ta vừa rót trà vừa hất hất cằm.
Tôi không hiểu ý anh ta, thử đoán, "Lẽ nào đúng là vị trí trong truyền thuyết chỉ có thể để nhân vật trong truyền thuyết ngồi, mọi người đa số cảm thấy mình không phải là nhân vật đó, nên mới chủ động để lại vị trí? Ha, thiên hạ đúng là quá tự giác".
Nói xong tôi hắt hơi. Tiểu Lam giơ tay chỉ cửa sổ bên cạnh, "Cánh cửa hỏng, không đóng được".
Tôi không tin, nhìn anh ta, "Hả?" rồi lại hắt hơi lần nữa.
Anh ta trao cho tôi chén trà bốc hơi nghi ngút, chậm rãi nói, "Bên ngoài gió rất to, nếu còn chỗ khác tôi cũng không muốn ngồi ở chỗ đầu gió thế này".
Tôi nói, "Cái này..." vừa nói đến đó, lại hắt hơi lần nữa.
Tiểu nhị nhanh chóng mang thức ăn đến, Tiểu Lam gọi một hũ rượu hâm nóng, thêm mấy món gì đó tôi cũng không để ý, chỉ vô tình nghe thấy bánh chẻo nhân tôm vỏ phỉ thúy. Tôi vừa ngẫm nghĩ vừa xen lời: "Sáng đã ăn bánh chẻo nhân tôm phỉ thúy rồi, đổi món khác đi".
Tiểu Lam nói: "Chẳng phải cô rất thích món này sao?".
Tôi nói: "Tôi ăn gì cũng được, cái chính là huynh thôi, huynh thích gì cứ gọi". Đằng nào tôi ăn gì cũng chỉ có một vị, đó là chẳng có vị nào hết.
Tiểu Lam ngẩng đầu nhìn tôi, tiểu nhị dẻo miệng chen vào: "Cô nương đúng là rất tâm lý".
Tôi gật đầu tán đồng, tiếp tục suy nghĩ. Suy nghĩ làm sao dụ được thuộc hạ của Tống Diễn đi mà không cần đổ máu, hơn nữa trong chuyện này việc đầu tiên cần làm là tìm ra thuộc hạ của Tống Diễn trong trị trấn đông đúc này.
Mặc dù nhờ Hoa Tư điệu của Tống Ngưng tôi có thể thấp thoáng nhìn thấy bóng họ, chỉ có thể nhận ra mấy người đàn ông to khỏe vâm váp, lưng hổ tay gấu, nhưng trong thị trấn này đàn ông như vậy rất nhiều, tôi không thể đến hỏi từng người, "Đại ca, đại ca có phải là binh sĩ nước Lê, mẹ đại ca gọi đại ca về ăn cơm".
Làm như vậy đến bao giờ mới tìm được họ. Rượu được nhanh chóng mang ra, Tiểu Lam đưa cho tôi, đang định đón lấy ủ tay cho ấm. Anh ta lại cầm chung rượu, vẫn không buông ra, tôi giơ tay lấy, mắt anh ta như đầm sâu tĩnh lặng: "Tôi chỉ đường cho cô gái kia, cô giận gì chứ?".
Tôi ngớ ra, không hiểu: "Sao?".
Anh ta cau mày lạnh lùng: "Lại giả bộ rồi, tôi ghét nhất cô giả bộ với tôi".
Tôi chỉ vào mũi mình: "Huynh đang nói với tôi đấy à, huynh nói cô gái nào...".
Anh ta ngắt lời tôi: "Cô gái cầm cây thương vừa rồi, dáng cao cao, áo tím. Từ lúc tôi khen cây thương của cô ta, giọng nói của cô với tôi bắt đầu lạnh nhạt, còn không thừa nhận mình đang giận, cô giận gì vậy?".
Tôi không hiểu, "Giận ư? Tôi đâu có giận".
Mấy người đàn ông ngồi cách đó vài cái bàn đột nhiên cười rộ, cùng nói: "Chai dấm ở đâu đổ rồi, người anh em, cô ấy đang ghen đấy, ai bảo anh lại khen cô gái khác trước mặt cô ấy, ha ha ha...".
Tôi vẫn không hiểu đầu đuôi thế nào, nhưng bị họ nói to như vậy, bao nhiêu thực khách trong tửu lầu đều dồn mắt về phía này. Tôi lẩm bẩm: "Cô nương áo tím, dáng cao cao, cầm cây thương?".
Anh ta không để ý đến lời tôi, chộp cánh tay tôi, ánh mắt vừa rồi còn lạnh lùng đột nhiên vui như đang cười: "Ghen thật sao?".
Mặt tôi vẫn dửng dưng, giật tay về: "Quả thực tôi không ghen".
Tiểu Lam buông tay tôi. Bởi vì bàn ăn bên cạnh không biết từ đâu xuất hiện một toán người. Toán người đó vận trang phục theo kiểu người Khương, nhưng giọng nói lại là khẩu âm vùng biên giới nước Lê, vừa nghe đã biết là trá hình. Một người có vẻ là toán trưởng hướng về phía Tiểu Lam: "Tiểu huynh đệ nói vừa gặp một cô gái áo tím, tay cầm cây thương, lại còn chỉ đường cho cô ấy, xin hỏi cô gái đó đi về hướng nào?".
Kỳ thực, từ lúc phát hiện ra toán người này, tôi đã lập tức hiểu ý đồ của Tiểu Lam. Cô gái áo tím mà anh ta nói rất nổi bật. Chỉ cần có duyên gặp một lần, tôi không thể không nhận ra cô ta chính là Tống Ngưng.
|
Nếu Tiểu Lam có thể đánh lừa được toán người đi tìm Tống Ngưng, điệu họ rời khỏi thị trấn thì tốt. Đang nghĩ như vậy, quan sát biểu hiện của Tiểu Lam tôi hết sức ngạc nhiên. Lúc này mặt anh ta đầy cảnh giác, hỏi mấy người kia: "Cô gái áo tím đó có quan hệ thế nào với các vị? Các vị định làm gì?". Giống như anh ta quả đã từng gặp cô gái áo tím đó, tuy chỉ thoáng qua, nhưng vô cùng ngưỡng mộ cô, sợ những người đó có ý đồ gì với cô nên muốn bảo vệ cô.
Toán người nhìn nhau, toán trưởng nói vẻ bối rối: "Quả thật không dám giấu, cô nương áo tím mà tiểu huynh đệ đã gặp chính là tiểu thư nhà chúng tôi bỏ nhà đi. Tiểu thư bỏ đi, thiếu gia chúng tôi rất lo lắng, phái mấy huynh đệ bọn tôi đi tìm. Tiểu thư đi về hướng nào, rất mong tiểu huynh đệ chỉ giúp".
Lòng tôi thầm giục, nói đi, nói đi, nói, chỉ bừa một hướng nào đó để họ rời đi, nhưng mặt Tiểu Lam lộ vẻ phân vân. Nghĩ một lát, tôi lập tức hiểu ra, thâm tâm anh ta chắc cũng đang muốn nói một địa chỉ nào đó để bọn họ rời khỏi thị trấn, nhưng vẫn cố nén để họ khỏi nghi ngờ, để họ tin là anh ta nói thật. Kinh nghiệm ở đời cho thấy, bộ dạng càng thật thà càng dễ đánh lừa người khác.
Đối phương quả nhiên tin lời, trịnh trọng nói: "Mấy huynh đệ chúng tôi đến đây chỉ là để tìm tiểu thư, tiểu huynh đệ yên tâm, nếu cô nương áo tím đó không phải là tiểu thư nhà chúng tôi, chúng tôi cũng không làm khó cô ấy, nếu không giữ lời, chúng tôi sẽ bị sét đánh chết".
Tiểu Lam nhìn người đó vẻ đắn đo, mãi sau mới nói: "Đã vậy, nếu cản trở các vị đi tìm người nhà, tại hạ cũng có lỗi... Một canh giờ trước, chúng tôi có gặp một cô nương áo tím ở chân núi Thạch Môn, cô ấy hỏi thăm một kiếm khách họ Kinh trên núi Thang, nói là cần đến thăm kiếm khách đó, hỏi đường lên núi Thang đi thế nào".
Chỉ một câu ngắn ngủi nhưng đã bao hàm bao nội dung, phản ánh sự giằng co trong lòng, sự đắn đo giữa nói và không nói, trong đó có nỗi hoang mang bởi cuối cùng đã nói ra, còn cả sự bất lực khi nói ra không biết hậu quả sẽ thế nào. Anh ta thực hiện hoàn hảo vai diễn của mình, không được xem thật đáng tiếc.
Anh ta vừa nói xong, toán trưởng rên lên: "Đích thực là tác phong của tiểu thư". Anh ta chắp tay cúi chào chúng tôi, cả toán người tức thì mất hút ở cửa tầng hai tửu lầu.
Nhìn bóng họ xa dần, Tiểu Lam ngồi lặng rất lâu, trong vẻ băn khoăn dường như phảng phất nỗi buồn, mãi đến khi qua khung cửa sổ thấy họ đã biến mất ở phía chân trời. Tôi quay đầu, nhìn Tiểu Lam thần sắc đã trở lại bình thường, đang ung dung rót rượu ra chung.
Tôi cảm thấy mình có rất nhiều điều muốn hỏi, Tiểu Lam trước mặt khiến tôi hình như nhìn thấy một khuôn mặt khác của anh ta, tuyệt đối không phải là con người suy sụp chán chường nằm liệt hai ngày sau khi bị cô gái đâm trọng thương. Sự thay đổi của anh ta giống như trồng cây nho kết quả lại kết ra bưởi đào.
Tuy nhiên ngẫm nghĩ về con người anh ta lại cảm thấy mặc dù hơi ngạc nhiên, nhưng cũng chẳng có gì không thỏa đáng, giống như cây nho kia kết ra bưởi đào chứ không phải là sầu riêng hoặc thanh long. Tôi ngồi đối diện với anh ta, giả vờ hỏi: "Núi Thạch Môn, núi Thang, hình như huynh rất thuộc địa hình ở đây?". Tiểu nhị bưng lên món gà rưới nước gừng, anh ta vừa quan sát nước gừng chuyển màu vừa nói: "Bảy năm trước tôi có nghe nói về trận chiến Thương Lộc, nhân lúc rảnh rỗi đến đó tham quan, cũng tìm hiểu tình hình xung quanh". Tôi nói: "Vậy sao huynh biết thuộc hạ của Tống Diễn nhất định ở tửu lầu?". Anh ta nhấc chung rượu ung dung nói: "Họ đến đây làm việc công, lộ phí dùng bạc công, đúng vào bữa trưa, tất nhiên là sẽ đến tửu lầu nổi tiếng nhất thị trấn. Cô đã thấy ai đi làm việc công lại tiết kiệm tiền cho ngân khố triều đình chưa?".
Tôi ngẫm nghĩ, đúng là như vậy.
Lúc tôi là công chúa nước Vệ, được phụ vương phong hiệu là Văn Xương, theo lời đồn đã trở thành người thông minh nhất trong Vệ vương thất. Mặc dù lời đồn đa phần không có thật, nhưng nhưng trong vương cung, so với mọi người tôi cũng có phần tự hào về trí thông minh của mình. Nhưng hôm nay so với Tiểu Lam, lập tức cảm thấy kém hơn nhiều, lẽ nào chứng tỏ nước Vệ diệt vong không phải là do thiên tai địch họa, tất cả đều do vương thất kém người tài?
Tiểu Lam nói: "Vẻ mặt thế này, cô đang nghĩ gì vậy?".
Tôi nói: "Đang nghĩ rất nhiều truyền thuyết thực ra không phải như vậy mà chỉ là do người ta đồn thổi, truyền khẩu rồi thành mà thôi. Truyền thuyết hoàn toàn không xảy ra trong hiện tại, chỉ xảy ra trong quá khứ hoặc tương lai, dưới dạng hư cấu, thực ra không có ý nghĩa, tất cả đều là giá trị ước đoán sai lầm. Nhưng càng sai lầm dường như giá trị càng lớn, mà thực tế giá trị quả nhiên càng lớn...".
Tiểu Lam như không hiểu. Tôi nói: "Thực ra là...".
Anh ta ngắt lời tôi: "Ăn bánh chẻo đi đã, ăn rồi hãy nói". Thế là chúng tôi bắt đầu ăn bánh chẻo.
Nhưng ăn xong thì tôi lại quên mất định nói gì tiếp.
|