HOA TƯ DẪN
|
|
HOA TƯ DẪN- ĐƯỜNG THẤT CÔNG TỬ Giới thiệu nội dung: Đây là một câu chuyện xảy ra vào thời loạn thế. Những ngày thành tan nước mất, công chúa Vệ Quốc là Diệp Trăn đã hi sinh thân mình vì nước, và nhờ viên giao châu nên chết đi sống lại. Khi nàng gảy lên điệu Hoa Tư, có thể khiến người sống người chết đều trắng xương và bước vào mộng cảnh và hồi ức. Trong những khúc nhạc được tạo thành từ ma thuật chính là xót xa và đau khổ của người đời. Mà nàng và thế tử Trần quốc – hết lần này tới lần khác gặp nhau trong mộng cảnh, thân phận nặng nề, duyên cũng nặng nề. Điệu Hoa Tư thanh bình, liệu có thể khiến mỗi người nhớ nhung về những ngày đã qua, không còn đau thương nữa? Ta không thể lớn lên như một nàng công chúa, nhưng ta có thể chết đi như một nàng công chúa (Diệp Trăn) Ta mong nàng còn sống, có thể cười với ta, khóc với ta, giận dữ với ta, ta chỉ có một nguyện vọng như thế này mà thôi (Tô Dự) Tác giả: Đường Thất Công Tử là một nhà văn nữ Trung Quốc thuộc thế hệ 8X, khi còn học trung học đã đọc sách của Oscar Wilde, trong đó có một câu mà cô luôn ghi nhớ: "Một người muốn trở lại tuổi thanh xuân chỉ cần làm lại những việc ngốc nghếch đã từng làm là đủ rồi". Thế nên hàng ngày cô đều làm những việc ngốc nghếch, vừa tươi trẻ, lại vừa cảm thấy mình cứ tiếp tục tươi trẻ mãi như thế này thật không hay. [c] (Diêu Khiêm)
Tôi rất ít viết lời tựa cho tác phẩm, bởi tôi biết tôi không đủ tư cách, trong sáng tác văn học, tôi chẳng qua là một độc giả, một học trò nhỏ, trong mắt tôi, có thể viết ra một câu chuyện, một áng văn gây xúc động lòng người đều là thành tựu phi phàm, tôi hâm mộ những người tài năng như thế, tôi vui lòng để họ dẫn dắt vào những áng văn, những câu chuyện xúc động đó. Nếu bảo tôi nói ra cảm nghĩ sau khi đọc, tôi có thể nói thao thao bất tuyệt, nhưng muốn tôi viết lời tựa thì quá khó cho tôi. Nhưng lần này thì hơi khác, bởi vì đã lên kế hoạch sau khi về hưu sẽ viết nhiều một chút nên mới làm quen với một số nhà xuất bản, vì vậy có cơ duyên được xem trước sáng tác mới Hoa Tư dẫn của Đường Thất Công Tử, do may mắn được đọc trước, nên không nén nổi nói vài câu tâm đắc.
Trước đó tôi chưa hề đọc tác phẩm của Đường Thất Công Tử, nhưng từng đọc bình luận thấy có người đánh giá như sau:
"Những câu chuyện xúc động với văn phong lưu loát, tình tiết, ngôn ngữ đậm chất hài của Đường Thất Công Tử đã làm rung động bao con tim nam thanh nữ tú, được vinh danh là bạo chúa của trái tim". Bây giờ do hiếu kỳ mà đọc hết Hoa Tư dẫn, quả nhiên danh bất hư truyền! Những câu chuyện của chị có cấu tứ của điện ảnh, cho dù đây là truyện cổ trang, nhưng có tình tiết giống tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Góc nhìn và tình cảm đượm màu cổ, kim đến nỗi dường như vượt qua giới hạn thời không, khiến trí tưởng tượng của người đọc càng thỏa sức tung hoành. Đọc xong Hoa Tư dẫn tôi có một sự hiếu kỳ từ góc độ của độc giả đối với bản thân Đường Thất Công Tử, qua sắp xếp của nhà xuất bản, tôi có cơ hội nói chuyện điện thoại với chị, giọng nữ trẻ trung trong trẻo ở đầu dây bên kia khác hẳn một tác giả thâm trầm trong hình dung của tôi. Tôi đặc biệt hiếu kỳ hỏi chị có xem bộ phim Inception, chị trả lời, những người đã xem tiểu thuyết này đều hỏi chị như vậy, chị quả thực có xem, nhưng là sau khi viết xong tiểu thuyết này, điều đó khiến tôi bội phần khâm phục trí tưởng tượng siêu phàm của chị.
Tôi nghĩ chỉ có người trong giới cầm bút, mới có thể bay bổng trong một không gian tràn đầy sáng tạo như vậy cùng với cây bút của mình, giống như cậu bé Harry Potter cưỡi trên chiếc chổi của cậu ta. Từ đáy lòng tôi hy vọng chị tiếp tục khiến những người yêu thích văn tài của chị có thêm những chuyến du lịch kỳ thú vượt thời không cùng với ngòi bút tài hoa của chị.
[/c]
|
Chương mở đầu
1. Công chúa tuẫn tiết
Các vị tiên sinh kể chuyện trong trà lầu, phàm những người luống tuổi chắc hẳn đều từng nghe nói một câu chuyện xảy ra ở quốc đô nước Vệ sáu mươi bảy năm trước.
Câu chuyện tình tiết thế nào ngày nay không ai nói rõ được, tuy nhiên hết thảy bình luận cho dù nội dung khác nhau, nhưng phần luận về nhân quả sự việc lại hoàn toàn thống nhất.
Đều nói, Vệ vương những năm trước đắc tội với Trần vương, bốn năm sau Trần quốc tìm cơ hội thôn tính Vệ quốc. Trần thế tử Tô Dự đích thân xuất chinh, đánh thẳng vào Vệ vương đô. Vệ vương yếu hèn lựa chọn quy hàng, công chúa út Diệp Trăn quyết không chịu nhục, trang điểm đẹp đẽ, đứng trên tường thành đanh thép chỉ trích, trên chỉ trích quốc chủ, dưới chỉ trích ba quân, sau đó hướng về vương cung bái biệt ba vái, rồi mình ngọc nhảy từ trên tường thành cao trăm trượng xuống, tuẫn tiết cùng Vệ quốc.
Các sử quan gọi cố sự này là truyền kỳ, về sau nhiều bậc đế vương hậu thế đã phê ngự bút bên lề sách sử, rằng Vệ công chúa Diệp Trăn bộc lộ chút hào khí cuối cùng của Vệ quốc, xứng là liệt nữ.
Sáu mươi bảy năm Cửu Châu phân phân hợp hợp, hợp hợp phân phân, truyện xưa lùi vào dĩ vãng, bá tính hồi tưởng lại giống như hồi tưởng giai thoại truyền kỳ. Còn nghĩa cử tuẫn tiết của Diệp Trăn công chúa mặc dù gây xúc động mãnh liệt, sau khi lược bỏ sắc màu thần thánh và truyền kỳ, lại không khiến thiên hạ nhớ lâu bằng thiên diễm tình ngang trái của nàng với Trần thế tử Tô Dự, mặc dù không ai biết thực hư thế nào.
Sử sách Cửu Châu cũng viết về mối tình Tô – Diệp, nhưng không nhiều, chỉ ghi lại một chuyện nhỏ, kể rằng khi Trần thế tử Tô Dự tiếp nhận quốc ấn quy hàng của Vệ vương ở triều đường Vệ quốc, đã hỏi lão Vệ vương: "Nghe đồn Văn Xương công chúa của quý quốc là đệ nhất tài nữ trong thiên hạ, cầm kỳ thi họa rất mực tinh thông, nhất là tài vẽ tranh sơn thủy, Vệ công từng so sánh quốc ấn này với công chúa, không biết hôm nay bản cung có được vinh hạnh thỉnh cầu Văn Xương công chúa họa cho một bức chân dung?". Văn Xương công chúa chính là phong hiệu của Diệp Trăn đã tuẫn tiết, với hàm ý văn đức phồn thịnh.
Sử sách chỉ sơ lược vài nét như vậy, những người biết chuyện năm xưa đã sớm về với cát bụi trong thế tình điên đảo sáu mươi bảy năm. Thiên tình sử truyền kỳ bi tráng đó cũng bị phủ bụi thời gian. Dân gian tuy truyền miệng, cũng chẳng qua như đuổi theo cái bóng, không biết thực hư thế nào. Muốn lần lại câu chuyện này, phải quay về mùa xuân sáu mươi bảy năm trước.
|
2. Mất nước
Mùa xuân sáu mươi bảy năm trước, khắp dải đất phía bắc Trường Giang Cửu Châu, suốt nửa năm ròng ông trời không ban cho nửa giọt mưa. Vệ quốc, một trong những chư hầu của đất Cửu Châu mặc dù ở ngay bên bờ Đoan Hà, nước cũng chỉ đủ cho muôn dân khỏi chết khát, toàn bộ hoa màu nuôi sống muôn dân đều chết khô. Không quá hai mùa, nạn đói hoành hành trên toàn lãnh thổ đại Vệ, quang cảnh vô cùng thê thảm.
Vệ vương nửa đời vô dụng, kinh động bởi trận thiên tai ác hiểm, lần đầu tiên từ trong đống son phấn hiểu ra, nhanh chóng hạ lệnh quan phủ các nơi mở kho lương thực, cứu tế muôn dân. Quân vương mặc dù nhất thời anh minh, nhưng tệ nạn hủ bại thâm căn cố đế từ lâu nhất thời không có cách nào dẹp được, từng đạo chiếu chỉ đã ban, kho lương đã mở, lương thực đã chia, vạn thạch lương thực kìn kìn chuyển ra, nhưng đến tay dân chỉ còn miếng cháo loãng. Muôn dân giương mắt nhìn quan phủ bố thí cho miếng cháo, không ngờ miếng cháo quả nhiên chỉ được một miếng, không dư một hạt để làm giống cho vụ sau.
Mắt thấy đã bị tuyệt đường sống, trăm họ đành phải vùng lên. Trăm họ nổi loạn bất chấp đạo vua tôi, tất phải có cớ, họ nói trời đã lâu không ban mưa là do Vệ vương vô đức, khiến ông trời phẫn nộ, để dẹp nộ khí của đấng cao xanh tất phải đuổi Vệ vương vô đức ra khỏi ngôi báu.
Lời đồn lan tới thâm cung vương đô nhanh như gió, Vệ vương choáng váng bàng hoàng bởi lời kết tội của muôn dân, tức tốc thiết triều lệnh cho quần thần bàn kế dẹp phản. Quần thần quen đạo làm quan, nói vài câu giả dối, ca tụng thánh chúa anh minh, coi như xong bổn phận.
Chỉ có một cát sĩ (kẻ sĩ tốt) mới tiếp quản chức vụ của thân phụ, chưa có kinh nghiệm làm quan, thật thà tâu lên: "Thiên hạ đều nói Huệ Nhất tiên sinh ở Thanh Ngôn tông trên núi Nhạn Hồi là bậc đại trí, nếu mời được tiên sinh xuống núi, có lẽ sẽ có kế hay, không cần động binh". Thanh Ngôn tông là quốc tông của Vệ quốc, cầu phúc cho Vệ quốc, phù hộ cho quốc mệnh, tông chủ thế hệ này là Huệ Nhất tiên sinh.
Có lẽ số phận đã định khí số của Vệ quốc đã tận, chính trong đêm Vệ vương phái sứ giả đến quốc tông mời Huệ Nhất, lão tông chủ tuổi hạc bát tuần đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi tạ thế, Huệ Nhất tiên sinh đã lưu lại một cẩm nang, trong cẩm nang là một tờ giấy trắng, viết tám chữ theo lối bạch thoại: "Hội minh phương dĩ, đại họa đông lai" (Cần liên minh với các chư hầu, đại họa đến từ phía đông). Vệ vương cầm cẩm nang nghiền ngẫm suốt một đêm trong thư phòng. Cung nhân ngủ gật bên ngoài loáng thoáng nghe thấy tiếng nức nở từ thư phòng vẳng ra.
Huệ Nhất phán đoán như thần, vừa qua mồng chín tháng chín, Trần quốc, láng giềng phía đông dấy binh công phạt Vệ quốc. Lý do là năm trước vào dịp chư hầu hội minh, Vệ hầu vương lúc đi săn đã cố ý bắn rách một nửa góc áo Trần hầu vương, Vệ hầu ngang nhiên coi thường quân uy Trần hầu, hạ nhục Trần quốc. Mười vạn đại quân Trần thế như gió bão, nhất lộ thẳng tiến, hầu như không gặp trở ngại, chưa đầy hai tháng đại quân đã dàn hàng bên ngoài vương thành Vệ quốc.
Toàn thiên hạ nhìn nhận cuộc chiến này như một trò cười, mấy mưu sĩ của Trần hầu thậm chí còn đánh cuộc sau lưng, xem lão Vệ hầu vô dụng có thể trụ được mấy ngày. Trần thế tử Tô Dự đúng lúc đi ngang qua, phe phảy chiếc quạt bạch ngọc trong tay: "Muộn nhất là giờ ngọ ngày mai".
Chính ngọ hôm sau, mặt trời lười biếng trốn sau mây đen, hé ra một vòng sáng trắng, vương đô Vệ quốc giống như chiếc hộp đựng dế chọi treo lơ lửng trên không.
Giờ ngọ ba khắc, lá cờ hàng trắng quả nhiên kéo lên ở phía đầu thành, từ khi được thiên tử phong hầu, phúc trạch của Vệ quốc kéo dài tám mươi sáu năm, cuối cùng chấm dứt trong năm đó. Lão quốc vương thân hành rước Tô Dự vào cung, tông thất, quần thần lớn bé nhất loạt quỳ phục trước triều đường, họ đều là những thần tử thông tỏ sách thánh hiền, rất hiểu thời cuộc, chim khôn luôn biết tìm cây tốt nương đậu.
Sau giờ ngọ, mặt trời trốn hẳn sau tầng mây, hoàn toàn không thấy ánh sáng, ông trời hạn hán đã lâu, nay dường như mới mở mắt, đột nhiên rót mấy giọt mưa. Trần thế tử Tô Dự mình khoác áo lông hạc, tay cầm chiếc quạt ngà mười hai nan, đường đường đứng bên vương tọa triều đường, tiếp nhận quốc ấn do lão Vệ vương trình lên, hỏi vài điều về Văn Xương công chúa, không khác một chữ so với ghi chép của sử quan.
Có điều, thế tử Tô Dự không vinh hạnh có được bút tích của Diệp Trăn, khi chàng nói câu đó với lão Vệ vương trước triều đường, Diệp Trăn đã trèo lên tường thành vương cung. Cuộc hội ngộ đầu tiên của Tô Dự và Diệp Trăn có sử liệu để tra cứu là trong buổi chiều đúng ngày Vệ quốc diệt vong, cách bức thành cao trăm trượng, giữa hai đầu sinh tử.
Chàng thậm chí không nhìn rõ dung nhan khuynh thành của Diệp Trăn như lời đồn đại, mặc dù chàng nghe đồn từ lâu. Nghe nói một trăm ngày sau khi Diệp Trăn ra đời, Vệ vương chiêm bao thấy một trưởng tăng điên điên khùng khùng, trưởng tăng phán rằng, mặc dù xuất thân hoàng tộc, nhưng công chúa là người bạc mệnh vô phúc, vương cung phế khí quá nặng, nếu nuôi dưỡng trong cung nhất định không thể sống qua mười sáu tuổi.
Nghe đồn Vệ vương tin lời trưởng tăng, ngay từ nhỏ đã gửi nuôi cô trong Thanh Ngôn tông, quốc tông của Vệ quốc để cầu bình an, thề không gặp lại trước khi công chúa mười sáu tuổi. Lại nghe đồn hai năm trước, vào ngày mừng thọ Vệ vương, Diệp Trăn đã vẽ bức "Sơn cư đồ" làm quà mừng thọ phụ thân, được tân khách trầm trồ thán phục, Vệ vương cả mừng.
Trong màn mưa mênh mang, Tô Dự tay cầm quạt đứng dưới lầu, chợt nhớ tới lời nói của vương muội Tô Nghi trước lúc chàng xuất chinh: "Nghe đồn Văn Xương công chúa Vệ quốc vô cùng xinh đẹp, lại trí tuệ tài hoa, là một giai nhân tài mạo vẹn toàn, huynh xuất chinh lần này khi giương cờ chiến thắng, liệu có đón được Văn Xương công chúa về cung, làm chị dâu của muội?". Chiếc váy dài của Diệp Trăn bay phấp phới trên tường thành, đột nhiên bóng người mảnh dẻ từ trên thành cao trăm trượng lao xuống như một con chim trắng, chiếc váy nhuốm đỏ khi nàng nằm trên đất, trong hàng quân bên dưới ào lên tiếng khóc than của tướng sĩ Vệ quốc.
Tô Dự nhìn thân hình nhuốm máu phía xa, thẫn thờ hồi lâu mới gập chiếc quạt trong tay, nói: "Hậu táng theo chế lễ dành cho công chúa".
|
PHẦN 1 - TẬN KIẾP PHÙ DU - CHƯƠNG 1 Cô hôn mắt chàng, run rẩy chống tay ngồi dậy, ôm mặt chàng, "Em sẽ cứu chàng, cho dù phải chết, em cũng cứu chàng".
Tháng tư, sắc xuân ngập tràn núi rừng, Quân sư phụ cuối cùng đã trở về sau sáu tháng biệt tăm. Có nghĩa là những vết khâu trên cơ thể tôi không lâu nữa có thể cắt chỉ.
Sáu tháng nay, toàn thân tôi bị băng bó kín. Ban đầu, tôi còn có hứng thú nhảy ra ngoài dọa đồng môn. Nhưng không lâu sau, tôi phát hiện chẳng môn sinh nào sợ hãi khi họ đã bị dọa một lần. Mà tôi lại không thể nhận ra những ai đã từng bị dọa, những ai chưa. Vậy là tôi mất hứng đi trêu mọi người.
Hai tháng trôi qua, tôi đã thấy hơi khó chịu. Nhiều đồng môn tưởng tôi không chịu đựng nổi hàng ngày mang cơ thể quấn đầy băng, đi ngâm bốn canh giờ trong bể thuốc. Thực ra, ngâm thuốc như vậy dưỡng thương rất tốt. Chỉ có điều, sau khi ngâm, phải giữ nguyên những lớp băng ướt sũng như vậy ngồi chờ cho đến lúc khô, điều này khiến tôi vô cùng khó chịu. Sự khó chịu càng tăng khi thời tiết lạnh dần.
Về sau, tôi nghĩ phàm những anh hùng cái thế, đều phải chấp nhận những thử thách rèn luyện đặc biệt hà khắc của sư phụ. Quân sư phụ ắt là muốn giúp tôi rèn luyện bản lĩnh, nghị lực. Vì vậy, dẫu trong những ngày tháng chạp buốt giá căm căm, tôi cũng cắn răng chịu đựng, quyết không bỏ cuộc, cho dù có thể bị nhiễm thương hàn.
Kiên trì được nửa năm, qua mấy lần cảm thương hàn, quả nhiên khả năng kháng hàn của tôi tăng lên rõ rệt. Tôi nói chuyện đó với Quân sư phụ, sư phụ trầm tư giây lát, rồi hóm hỉnh trả lời: "À... ta quên không bảo con, cạnh nhà tắm có một cái lò có thể giúp vải băng trên người khô nhanh, ha ha...".
Quân sư phụ chính là tông chủ Quân Vu giáo. Quân Vu giáo lập nghiệp trên núi Quân Vu, thuộc địa phận nước Trần. Nghe nói, ông tổ khai sơn lập giáo không phải họ Quân mà là họ Vương, xuất thân nghèo khó, cha mẹ đặt tên là Vương Tiểu Nhị(*).
Về sau, Vương Tiểu Nhị được một bậc cao nhân truyền võ, sau khi thành tài, lập ra giáo phái trên núi Quân Vu. Nhưng không chiêu mộ được đệ tử tốt, hỏi ra mới biết, khi nghe danh giáo chủ Quân Vu là Vương Tiểu Nhị, mọi người đều cho rằng đó là lớp dạy nghề phụ việc, đệ tử học xong sẽ phục vụ trong các quán ăn trên khắp nước.
Vương Tiểu Nhị đành mời một ông thầy đồ gần đó đổi tên cho. Ông thầy xem xét đại thế thiên hạ, rồi phán, các họ lớn như Đông Phương, Tây Môn, Nam Quan, Bắc Đường, Thượng Quan, Mộ Dung đều đã lập giáo phái riêng; Hai họ Đông Quách và Nam Quách mặc dù chưa lập giáo, song nếu lấy họ này sẽ khó khăn trong việc giải thích lai lịch, chi bằng lấy ngay tên địa danh, lập giáo phái trên núi Quân Vu, vậy lấy họ Quân Vu, coi như sáng tạo ra một họ kép mới, họ Quân Vu.
Nhưng lại nghĩ, tạo ra họ kép phải lập hồ sơ trình quan phủ, thủ tục phức tạp, lại không có người tiến cử, chi bằng tốt nhất dùng ngay họ "Quân", vả lại họ này nghe rất khí thế, rất "quân tử". Vương Tiểu Nhị thấy có lý, bèn đổi thành họ "Quân" và nghe theo đề nghị của ông thầy, dựa theo âm cổ dịch trực tiếp hai chữ "Tiểu Nhị" thành Thiếu Song, tên đầy đủ là Quân Thiếu Song.
Sau khi Vương Tiểu Nhị đổi tên thành Quân Thiếu Song quả nhiên chiêu mộ được rất nhiều đồ đệ. Từ đó thanh thế của Quân Vu giáo mạnh dần. Quân sư phụ chính là cháu bảy đời của sư tổ Quân Thiếu Song.
Từ nhỏ tôi đã biết Quân sư phụ. Lúc đó tôi còn sống trong Thanh Ngôn tông – quốc tông của nước Vệ. Sư phụ đầu tiên của tôi là Huệ Nhất, tuổi tuy cao nhưng vẫn tráng kiện, ăn uống cũng tốt, đến món đậu phộng rang vẫn còn nhai được. Quân sư phụ đưa con trai đến sống gần Thanh Ngôn tông, ở trong một căn nhà tranh cách núi Nhạn Hồi hai dặm, thường đến chơi cờ với sư phụ tôi.
Lúc sư phụ đưa tôi lên núi ngắm mặt trời mọc, thường nghỉ lại ở căn nhà đó của Quân sư phụ. Trong nhà chỉ có một chiếc giường. Mỗi lần tôi và sư phụ đến, bao giờ tôi cũng được dành cho chiếc giường đó. Ba người còn lại trải chiếu nằm dưới đất. Điều đó khiến tôi rất khoái trá, vì mỗi lần tới đó, tôi trở thành người đặc biệt.
Sau này, tôi nói chuyện đó với Quân Vỹ, con trai của Quân sư phụ. Quân Vỹ nói: "Như thế chứng tỏ có lẽ muội là một công chúa bẩm sinh, chỉ có công chúa mới thích khác người". Nhưng tôi không đồng ý với lý giải của Quân Vỹ, công chúa không phải là thích khác người, mà là quen với sự khác người. Chủ yếu là do không ai dám giống công chúa. Giữa thích và quen rất khác nhau. Điều này nhiều năm sau khi phải đối diện với cái chết, tôi mới thấu hiểu sâu sắc.
Quân Vỹ là người am tường kim cổ, anh ta biết rất rành về lai lịch những thê thiếp của hoàng đế các triều đại, thậm chí cả những người được hoàng đế ân sủng một đêm, chưa kịp rước về.
Quân Vỹ cho rằng, gia sự ảnh hưởng quốc sự, quốc sự là việc lớn của thiên hạ, mà gia sự của các bậc đế vương hầu hết là do hậu cung gây ra. Thực ra, chỉ cần các vị hoàng đế không quá ham mê nữ sắc, không nạp nhiều phi tần là sẽ không xảy ra chuyện gì. Nhưng không nạp thêm phi tần thì quả là tàn nhẫn đối với hoàng đế, hoàng đế cảm thấy không thể tàn nhẫn với bản thân, thế là họ lựa chọn tàn nhẫn với thiên hạ.
Quan điểm của Quân Vỹ là hòa hợp hậu cung của hoàng đế chính là hòa hợp toàn thiên hạ. Từ đó, cả đời anh ta tập trung suy nghĩ, làm thế nào để hòa hợp hậu cung của hoàng đế.
Ngoài đại sự cả đời đó, Quân Vỹ còn có một niềm đam mê khác. Đam mê viết tiểu thuyết. Nhưng Quân sư phụ rất không tán thành. Bởi lẽ, sư phụ mong muốn con trai sẽ trở thành một kiếm khách nổi tiếng thiên hạ. Hễ thấy anh ta viết tiểu thuyết là tịch thu bản thảo, phạt chép kiếm pháp.
Thế là anh ta đành văn võ kết hợp, lén viết tiểu thuyết trong quá trình chép phạt kiếm pháp. Trong những bản kiếm pháp Quân Vỹ chép phạt, thỉnh thoảng có đoạn đại loại như: "Mỗi ngày khi mặt trời chiếu sáng, nàng dùng đôi tay trần cởi từng lớp xiêm y, để tấm thân như men sứ lõa lồ dưới ánh mặt trời. Đó là nơi cực lạnh, nàng ngồi trên chiếc giường băng lạnh, phát ra tia sáng trắng lạnh người, lạnh, rất lạnh, vô cùng lạnh, nàng cứ ngồi khoanh chân như thế, mặt hướng về bắc, lưng quay về nam. Hơi khí vận hành đủ một vòng viên mãn. Nàng không hề biết, xa xa cách đó mười trượng, phía sau lớp lớp giậu tường vi mùa đông đang có một đôi mắt đen thẫm lần theo từng tấc da thịt nàng".
Thực ra không ai nghĩ, đó là bốn câu luận về tâm thái trong kiếm pháp: "Lúc trời lạnh nhất, ngồi trên giường băng, lõa thể mặt hướng về bắc, vận khí đủ một vòng". Sau này, Quân Vỹ trở thành kiếm khách giỏi viết tiểu thuyết nhất và tiểu thuyết gia kiếm pháp cao cường nhất.
Bản thân tôi vì lớn lên trong Thanh Ngôn tông phái, tông phái quy định đàn ông không được để tóc. Cả tông môn gần hai ngàn người, trừ tôi tất cả đều là đàn ông. Vì vậy, toàn tông môn chỉ có mình tôi để tóc dài. Điều này khiến tôi có những lệch lạc trong nhận thức đầu tiên về giới tính, trong một thời gian dài tôi cho là sự khác biệt lớn nhất giữa đàn ông và đàn bà là đàn bà thì để tóc dài, đàn ông thì đầu trọc. Thế là đương nhiên tôi cho rằng Quân sư phụ và Quân Vỹ đều là đàn bà. Cảm giác tương đồng giới tính khiến tôi trở nên thân thiết với họ.
Rất tự nhiên, sau này tôi cuối cùng cũng vỡ lẽ, cha con họ đều là đàn ông. Nhưng ý nghĩ họ là đàn bà đã thâm căn cố đế trong tôi, khiến sau này tôi không thể nào đối xử với Quân Vỹ theo tình cảm nam nữ. Luôn coi anh ta là chị em của tôi, quan hệ vốn là thanh mai trúc mã, bị tôi biến thành chỉ thuần thanh mai.
Lúc ba tuổi, vì một cơ duyên ngẫu nhiên tôi biết mình là công chúa nước Vệ, nhưng tôi thấy chuyện này cũng rất bình thường. Chủ yếu là do lúc đó tôi chẳng hiểu "công chúa" là gì. Quân Vỹ lớn hơn tôi một tuổi. Biết hơn tôi một chút, anh ta nói: "Công chúa thực ra là một tầng lớp đặc quyền". Tôi hỏi: "Đặc quyền nghĩa là gì?". Quân Vỹ trả lời: "Là mọi điều muội muốn đều có thể làm, những điều không thích có thể không làm". Nghe Quân Vỹ nói vậy, trưa hôm đó tôi dứt khoát không chịu rửa bát, buổi tối cũng không giặt quần áo, kết quả tôi bị sư phụ phạt quỳ tới nửa đêm.
Từ đó về sau, tôi thực sự quên mình là công chúa. Cũng năm đó, sư phụ thấy tôi cũng đã lớn liền dạy tôi cầm kỳ thi họa. Sư phụ cho rằng, con người ta sống trên đời nên có gì đó để gửi gắm nỗi lòng.
Nếu cầm kỳ thi họa tôi đều tinh thông đương nhiên là tốt nhất, coi như đã thành nhân tài. Hoặc nếu chỉ giỏi một trong tứ tài đó cũng tốt, ít nhất cũng là một chuyên gia. Tôi hỏi sư phụ: "Ngộ nhỡ sau này con không những không giỏi mà còn hoài nghi ý nghĩa những thứ phải học đó thì sao?". Sư phụ trầm ngâm rồi trả lời: "Triết gia, dù gì cũng là một nhà gì đó...".
Không biết tại sao, Quân Vỹ không bái sư phụ tôi làm thầy nhưng lại có thể cùng học với tôi. Sư phụ giải thích là học thuật vốn không biên giới, không phân biệt sư môn. Quân Vỹ lại bí mật tiết lộ với tôi, đó là do cha anh ta đã tặng sư phụ mười cây nhân sâm nghìn tuổi.
Quả nhiên, học thuật là không biên giới, biên giới quốc gia cũng có thể mua được. Học cùng với Quân Vỹ, lúc tập viết chữ còn có thể chịu được, nhưng lúc học đàn thì tôi thực sự khó chịu. Lúc đầu, chúng tôi mỗi người một cây đàn, ngồi đối diện ở hai đầu phòng, cùng chơi đàn. Hậu quả trực tiếp là ở cái tuổi tôi còn chưa hiểu tại sao dư âm của nó có thể dai dẳng ba ngày không dứt, điều đầu tiên tôi hiểu là tại sao tiếng đàn như quỷ ám đó có thể khiến người ta như bị cắn xé, tan nát cõi lòng.
Chúng tôi mỗi người đều cảm thấy người kia chơi quá tuyệt, làm cho mình đau khổ, lại càng cố tạo ra âm thanh diệu kỳ khiến người kia càng đau khổ để trả thù. Cây đàn trong ấn tượng của tôi là một hung khí, không phải nhạc cụ. Điều đó cũng lý giải vì sao tôi học được cách giết người bằng tiếng đàn mà mãi mãi không học được cách dùng tiếng đàn để cứu người, đó hoàn toàn là ám ảnh tâm lý Quân Vỹ tạo cho tôi. Nhưng sau khi tôi học được cách giết người bằng tiếng đàn, muốn dùng tiếng đàn để cứu người thì tất cả đã chết.
Lúc mười tuổi, tôi nhặt được một con hổ con vừa mở mắt. Con hổ đó theo tôi suốt đời, thể hiện lòng trung thành tột bậc của một con dã thú. Mặc dù nghĩ lại hồi đó, tôi và Quân Vỹ nhặt con hổ đó chẳng qua chỉ vì định giết thịt nó. Đúng lúc cha Quân Vỹ bị sư phụ tôi thuyết phục, quyết làm một người bảo vệ động vật, khiến Quân Vỹ ba tháng liền không biết tới mùi thịt. Còn tôi sống trong tông phái cũng ít ăn thịt, đúng lúc chúng tôi thèm thịt nhất.
Sau này, không ăn thịt con hổ đó hoàn toàn là do chúng tôi thấy có thể nuôi nó lớn hơn chút nữa, như vậy thịt mới có thể làm được nhiều món khác nhau. Bây giờ nghĩ lại, lúc đó tôi có thể kìm chế cơn thèm, không giết Tiểu Hoàng đúng là một việc đáng khâm phục. Tiểu Hoàng là tên con hổ đó. Sau này, khi đã tìm hiểu kỹ tôi phát hiện con hổ đó thuộc loài hổ quý. Tôi và Quân Vỹ đều rất vui, bởi vì bán nó có thể kiếm được món tiền to. Nhưng khổ nỗi không tìm được người mua, đành giữ nó lại.
Đến khi chúng tôi tìm được người mua, thì cả hai đã lớn, chúng tôi cũng dần dần có tiền, không cần phải trông vào tiền bán hổ nữa. Điều đó khiến chúng tôi không khỏi than thở, đời người là vậy, con đường phát tài sao mà gian khổ.
Số mệnh đã an bài mỗi lần tôi gặp chuyện lớn đều chỉ có một mình, hơn nữa còn bị thương. Sư phụ nói, "Con đã nghe nói chưa, ông trời đặt trọng trách lên vai người nào, trước tiên cũng đều thử gân cốt người đó...". Tôi có thể tưởng tượng, trọng trách lớn nhất mà ông trời có thể đặt lên vai tôi chắc chắc không ngoài khả năng sau khi sư phụ qua đời, tiếp nhận tông y, trở thành tông chủ. Nhưng về sau, Quân Vỹ lén lấy tông quy cho tôi xem, trong đó quy định rõ, nữ nhi và phù thủy không được đảm nhận chức vụ trong quốc tông, thế là giấc mộng của tôi tan thành mây khói.
Nhiều người sau khi vỡ mộng thường đi vào tà đạo. Dưới chân núi cũng có một thích khách do mưu việc lớn không thành mà lưu lạc giang hồ, sau chuyển nghề mổ lợn. Lại có nho sinh do hỏng thi mà chuyển sang viết tiểu thuyết dâm ô, vẽ tranh khiêu dâm. Nhưng trước sau tôi vẫn cho rằng, mơ mộng và lấy vợ cũng gần như nhau, cái cũ chưa qua, cái mới sao đến được, hơn nữa cái mới thường tốt hơn cái cũ, mộng cũ tan vỡ là để xây mộng mới. Đó là việc đáng mừng, có gì đáng chán nản.
Tôi chia sẻ suy nghĩ này với Quân Vỹ, anh ta cũng cho là có lý. Thế là buổi chiều anh ta hăm hở xuống núi an ủi Vương Mục Tượng, người đàn ông vừa mất vợ: "Vợ mất thì sớm muộn cũng có người đàn bà mới đến với anh. Vợ mới chắc chắn tốt hơn vợ cũ. Đó là một việc đáng mừng. Anh cứ vui lên, việc gì phải đau lòng". Hậu quả là bị Vương Mục Tượng vác chổi đuổi đánh, Quân Vỹ không thể giải thích được gì, thậm chí còn thấy bị tổn thương. Tôi đành an ủi anh ta: "Người đời thường tỏ ra tức giận khi chân tướng bị bại lộ để che đậy nỗi xấu hổ trong lòng".
Trong cái đêm giấc mộng trở thành tông chủ tan vỡ, tôi dự định lúc trời sẩm tối sẽ ra ngoài, vào rừng bẫy chim để thay đổi tâm trạng, tìm cảm giác mới mẻ, dệt giấc mơ mới, lấy lại niềm tin. Có thể thấy, tôi thực sự là một người theo chủ nghĩa tích cực.
Ngoài ra, tính cách tích cực đó còn thể hiện trong cuộc sống riêng tư của tôi. Ví dụ, tôi không bao giờ hoài nghi, một ngày nào sau này tôi có chồng, chẳng may anh ta mất sớm, tôi sẽ không ngần ngại thu dọn hành trang ra đi ngay trong đêm anh ta tắt thở, đi tìm người chồng mới.
Nhưng cho tới cái đêm tôi bị lây cảm cúm từ Quân sư phụ, vẫn quen cho rằng người chồng tương lai của mình là Quân Vỹ, thấy anh ta vô tư nhảy nhót trước mặt mình, tôi thầm nghĩ: Ôi trời, sao mình có thể lập tức đi tìm hạnh phúc mới khi con người này vừa tắt thở?
May mà suy nghĩ đó chỉ kéo dài đến cái đêm giữa hạ khi tôi mười bốn tuổi, đêm dự định xây lại giấc mơ đó.
Về cái đêm giữa hạ đó, có bao nhiêu mỹ tự để mô tả, nhưng chân thực nhất chính là ba chữ: quá tàn nhẫn. Nghe nói trong đêm giữa hạ, rắn độc đặc biệt trở nên hung dữ. Trong tông môn đã có ba người bị rắn độc cắn khi đi ra ngoài vào ban đêm, mong những người khác cảnh giác, phải cẩn thận hơn khi ra ngoài.
Khi còn nhỏ, tôi luôn tin rằng mình là người đặc biệt, sẽ không giống ba người bất hạnh kia, lần ra ngoài đó không mang theo hùng hoàng (1). Bây giờ nghĩ lại, ba người trong tông môn chết vì bị rắn độc chắc cũng nghĩ rằng mình đặc biệt.
Con người ta ai cũng cho rằng mình đặc biệt, thực ra trong mắt người khác chẳng có gì đặc biệt, trong mắt rắn độc lại càng không có gì đặc biệt. Có lẽ đối với loài rắn độc, chỉ có người mang theo hùng hoàng thì mới đặc biệt.
Lúc còn nhỏ, chúng ta thường muốn tỏ ra khác người, lúc trưởng thành lại muốn giống mọi người. Nếu có thể ngược lại, chẳng phải quá tốt hay sao, chí ít tính mạng của ba người trong môn phái cũng được bảo toàn, cho dù trở thành người thực vật. Nhưng tôi lại không mang theo hùng hoàng, rõ ràng rắn độc thấy tôi chẳng có gì đặc biệt Một con rắn xanh, đuôi nhỏ, mồm có viền trắng đớp vào chân tôi một cái, chất độc ngấm vào máu truyền khắp cơ thể. Tôi lảo đảo một lúc, dần dần ngã gục, vào lúc ý thức mơ hồ, cuối cùng tôi hiểu ra đạo lý tôi đã nói ở trên. Tôi lại còn nhớ đến hai bức tranh vẽ ngôi cổ tự trong núi mà tôi phải vẽ hai ngày mới xong, không biết đã được bồi dán chưa, sau khi nhớ lại, cảm thấy chẳng có gì lưu luyến, có thể yên tâm nhắm mắt, tôi dần dần thanh thản nhắm mắt, rồi không mở ra được nữa .
Đúng lúc đó, có tiếng giày đạp trên lá khô lạo xạo vẳng lại mỗi lúc một gần, cuối cùng dừng lại bên tôi, ôm lấy tôi, thoảng ngửi thấy mùi hương mai thanh lạnh, có thể hình dung ra trong đêm thanh vắng dưới muôn ánh sao sán lạn, hoa mai tháng hai nở đầy các triền núi.
Lúc tỉnh dậy, cảm thấy huyết dịch sôi sục trong người, chảy xuống tụ ở vùng bụng, tay sờ lên bụng, từng trận đau âm ỉ. Gót chân chỗ bị rắn cắn tê cứng, chạm vào vật gì mềm mềm âm ấm, đầu gối hơi co, bắp chân như bị treo trên không. Toàn thân cảm giác kỳ dị như vậy, tôi không chịu được, muốn mở mắt xem có chuyện gì. Vừa mở ra, thấy ngay một cảnh tượng khủng khiếp. Đó là cảnh trong hang núi, tôi nằm trên chiếc giường đá, dưới ánh trăng bàng bạc, chân phải bị một người đàn ông nắm chặt. Ngón tay mảnh khảnh, trắng muốt, miệng anh ta ngậm chặt vết thương ở gót chân tôi. Tôi chỉ nhìn được phía đó, phía bên kia đã bị món tóc xõa che khuất, khiến tôi chỉ muốn vén tóc anh ta để nhìn cho kỹ. Anh ta không biết tôi đã tỉnh, toàn thân anh ta y phục đen tuyền, lặng lẽ ngồi cạnh mép giường, miệng vẫn ngậm chặt gót chân tôi. Ống tay áo dài rộng trùm trên chân tôi, cúi đầu, có thể nhìn thấy những đường viền hoa văn cùng màu ở cổ tay.
Mọi vật xung quanh mờ mờ, không thể nhìn rõ. Món tóc đen mướt xõa xuống, chạm vào chân tôi. Trộm nghĩ nếu cả hai không ở tư thế kỳ quặc như vậy, sự hội ngộ giữa một thiếu nữ xinh đẹp và một chàng công tử hào hoa sẽ bay bổng lãng mạn như nét chữ thảo của nhà đại thư pháp. Tự nhiên, tôi cảm thấy đang bị người ta cợt nhả, liền thuận thế đạp cho anh ta một cái. Cú đạp quá mạnh, khiến máu ở chỗ kín trong người ục ra.
Tôi và người đó lần đầu gặp nhau, tôi đạp anh ta một cái, hậu quả là bật ra máu tháng đầu tiên.
Anh ta đương nhiên không bị đạp ngã, nhìn thấy tôi ra chân, anh ta lập tức lùi về sau, có thể thấy anh ta phản ứng rất nhanh. Còn tôi hoàn toàn không nhận ra rút cục anh ta làm thế nào đang từ tư thế ngồi chuyển sang tư thế đứng. Tôi nheo mắt nhìn anh ta, dưới ánh trăng màu bạc rọi vào cửa hang, dáng người anh ta to cao thẳng tắp, một chiếc mặt nạ màu bạc che nửa khuôn mặt bắt đầu từ sống mũi tới trán, phía dưới là đôi môi mỏng lạnh lùng, hàm dưới là một đường vòng cung tuyệt đẹp.
Một thoáng yên lặng.
Anh ta lau vết máu dính trên môi, nhếch mép: "Ghê gớm thật, tôi cứu cô, vậy mà cô lấy oán trả ơn". Nhưng cơ thể ra quá nhiều máu khiến tôi hoảng sợ, không thể giải thích được gì, đột nhiên òa khóc. Trong khi khóc, vùng bụng vận động quá mạnh, khiến váy tôi dần dần ướt hết, máu trào từng đợt, càng lúc càng nghiêm trọng. Nhưng tồi tệ nhất là, hôm đó tôi mặc váy trắng. Ánh mắt anh ta bắt đầu hướng vào chiếc váy của tôi, ngập ngừng một lát, anh ta hỏi: "Nước hồi à?".
Tôi nức nở: "Cám ơn, tôi không khát. Nhưng có lẽ tôi bị xuất huyết, sắp chết rồi".
Anh ta tiếp tục chú ý tới chiếc váy của tôi, chặc lưỡi một tiếng: "Cô không chết đâu, chỉ là thấy nước hồi mà thôi".
Tôi không hiểu: "Nước hồi là gì?".
Anh ta lưỡng lự một lát: "Chuyện này mẹ cô nên nói với cô chứ".
Tôi nói: "Anh à, tôi không có mẹ, anh hãy nói với tôi đi". Thật khó tưởng tượng, tôi nhận được toàn bộ kiến thức về "nước hồi" từ một người đàn ông xa lạ. Nhưng càng khó tưởng tượng nếu sư phụ đích thân nói với tôi là, "Nước hồi chính là tử cung xuất huyết có quy luật, theo chu kỳ...". Ngay ông trời cũng cảm thấy như vậy là làm khó cho một ông lão bảy mươi chín tuổi, nên đã không để cho ông phải nói.
|
Anh ta bảo tên anh ta là Mộ Ngôn. Đương nhiên đó không phải là tên thật. Nếu một người đeo mặt nạ, thì cái tên tất nhiên cũng sẽ là tên giả, nếu không sẽ mất đi ý nghĩa của việc giấu mặt.
Tôi nói với anh ta tôi tên là Quân Phú Quý, hoàn toàn chỉ là do lo sợ, biết đâu con người này là kẻ thù của cha tôi. Một khi biết tôi là con gái của ông rất có thể hắn sẽ giết tôi để rửa hận. Trong lịch sử đã có những bi kịch như vậy, rất nhiều công chúa bị liên lụy, mất mạng, nếu không cũng bị ép gả cho người nào đó, để rồi sống trong hôn nhân bất hạnh.
Vậy là, chúng tôi ở bốn, năm ngày trong hang núi, uống nước suối bên ngoài, ăn các loài cá dưới suối. Tôi không thể về nhà ngay được vì chất độc còn chưa giải hết, bởi vì Mộ Ngôn cho rằng, đã cứu người phải cứu tới cùng, cũng như tiễn Phật phải tiễn đến tận Tây Thiên, làm nửa vời không phải là tính cách của anh ta.
Hằng ngày tôi đều phải uống một loại thuốc, sau đó chích cổ tay lấy ra nửa cốc máu. Khi tôi chích máu, Mộ Ngôn thường ngồi trên phiến đá trước giường chơi đàn. Đó là một loại đàn bảy dây, dây được làm bằng tơ tằm, mỗi lần gảy phát ra những âm thanh tròn mượt. Mỗi lần Mộ Ngôn chơi đàn đều khiến tôi nhớ tới Quân Vỹ và tiếng đàn khiến người ta chỉ muốn chết ngay cho xong của anh ta. Rồi lại thấy tiếc là anh ta không được nghe tiếng đàn tuyệt diệu của người ngồi trước mặt tôi, để anh ta xấu hổ mà tự sát, không dám đầu độc tôi bằng tiếng đàn của mình nữa.
Trong năm ngày, tôi thực sự rất muốn lật mặt nạ của Mộ Ngôn, để xem rốt cuộc mặt mũi anh ta thế nào. Nhưng cứ nghĩ tới làm vậy có thể bị anh ta chém chết, lại không dám động đậy. Cũng chỉ hiếu kỳ mà thôi, có lúc chuyện chẳng liên quan đến mình, nhưng vẫn muốn làm cho rõ, đúng là bới việc ra làm.
Buổi chiều ngày thứ sáu, vết thương ở chân tôi cũng đã khá hơn nhiều, có thể đi lại được. Mộ Ngôn dặn tôi: "Không cần phải chích máu nữa, sáng sớm mai tôi sẽ đưa cô về".
Không ngờ lại chia tay nhanh như vậy, quan trọng là tôi vẫn chưa lật được mặt nạ của anh ta, tôi nhất thời không chịu được, đứng chôn chân tại chỗ. Anh ta hỏi: "Sao, chưa muốn đi hả?".
Tôi lắc đầu trả lời: "Không phải, không phải. Nhưng mà, anh không đi với tôi sao? Cái hang núi này làm gì có nhiều đồ, anh cũng đâu phải sẽ sống mãi ở đây".
Anh ta trầm ngâm trả lời: "Tôi không đi được, tôi phải ở lại đây".
Tôi nói: "Nhưng anh ở lại đây làm gì? Anh có một mình, ở lại đây chẳng có ai nói chuyện với anh, chẳng có ai nghe anh đàn".
Anh ta gục đầu trên cây đàn: "Tôi phải đợi một người, e là nếu tôi đi, người tôi cần đợi sẽ không tìm thấy tôi".
Tôi lập tức cảm thấy bối rối, nếu tiếp tục hỏi sợ rằng can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư của anh ta, nhưng nếu không hỏi sẽ mãi mãi không biết câu trả lời. Tôi nói: "Chuyện này...".
Anh ta đứng dậy, cười: "Nói đến là đến, hôm nay có thể là ngày may mắn".
Tôi ngẩng đẩu nhìn, cửa hang có tiếng động. Không biết từ lúc nào, một toán người áo đen, bịt mặt đã đứng ở đó. Lúc tôi ngước nhìn, họ đã nhất loạt rút binh khí. Động tác cũng đều tăm tắp như trang phục của họ, có thể thấy đây là một toán quân có kỷ luật. Điều lạ lùng là động tác của họ giống hệt nhau, từng binh khí sáng loáng rút ra đều tăm tắp. Đương nhiên, sau này tôi mới biết binh khí của họ mặc dù trông tựa như lưỡi hái, thực ra gọi là dao quắm. Chỉ khác một chút thôi, lưỡi hái dùng để cắt lúa, dao quắm dùng để chặt đầu.
Bởi tôi ít khi xuống núi, chưa từng trải, vừa trông thấy mười mấy lưỡi dao trong tay toán người đứng thành hàng phía trước đã sợ chết khiếp, Mộ Ngôn đứng chắn đằng trước, tôi lo lắng hỏi anh ta:
"Anh có đệ tử nào không?".
Anh ta chưa kịp trả lời, mười mấy con dao đã vung lên. Anh ta đẩy tôi ra, vọt người lên, chỉ thấy bóng áo choàng đen tung hoành giữa ánh dao sáng loáng, khiến tôi hoa mắt.
Động tác của anh ta nhanh như chớp, tôi không dám chớp mắt, cũng chỉ thỉnh thoảng nhìn rõ một hai động tác. Ví như, từ đằng sau chộp cổ tay một người áo đen, kéo người đó quay nửa vòng, thanh đao trên tay lập tức chém đứt cổ người áo đen phía sau định đâm anh ta, máu tươi phun ra. Anh ta còn kịp né sang một bên tránh tia máu vọt.
Trong chốc lát, toán áo đen gần chục người, bị anh ta giải quyết chỉ còn hai, ba. Cuối cùng khi cảnh tượng khủng khiếp sắp trôi qua thì một lưỡi dao phi thẳng về phía tôi.
Sư phụ tôi cả đời ghét nhất ẩu đả, chưa bao giờ dạy tôi những miếng võ hộ thân. Mắt thấy con dao đang vù vù lao tới, sắp cắm vào cổ họng mình, tôi kinh hãi đứng im. Quả là một tình huống ghê rợn. Thử tưởng tượng, nếu lúc đó tôi sợ nhũn người, đổ sụp xuống, lưỡi dao thẳng đường phi tới bay qua đầu tôi, vậy là tôi có thể tránh được. Nhưng toàn thân tôi cứng đờ, mặc dù sợ đứng tim, chân tôi cũng không khụy xuống, trở thành tấm bia sống.
Đúng lúc tôi tưởng mình chết chắc, bất chợt một màu đen tuyền trùm lên tôi, giống như mây tan, trời nắng sau cơn mưa, bầu trời từ trên cao ép xuống, chân tôi cuối cùng mềm nhũn khụy xuống dưới bóng đen ấy.
Mộ Ngôn kéo tôi vào lòng, tung người vọt lên không đá nhẹ, lưỡi dao kia bay vút trở lại. "Phập!". Tiếng dao cắm gọn vào da thịt, một người áo đen kinh hoàng lao về phía tôi, phía dưới, chỗ bụng anh ta một chuôi dao thò ra, con dao vừa rồi đã cắm trúng bụng anh ta, sâu lút tới chuôi. Anh ta từ từ quỵ xuống. Thiện ác cuối cùng đã được trả, thiên đạo luân hồi, người áo đen đó rõ ràng không thể tin thiên đạo có thể luân hồi nhanh như vậy.
Một cảnh chết chóc, Mộ Ngôn nói: "Không hiểu tiểu đệ bất tài của ta hàng ngày dạy các ngươi thế nào. Nếu là ngươi, ta sẽ giết cô gái ngay khi vừa bước vào hang này, trước tiên phải khiến đối phương bối rối. Cũng may cuối cùng ngươi cũng tỉnh ngộ, nhưng đã muộn". Người áo đen đó chưa chết hẳn, đồng tử giãn dần, líu lưỡi nói: "Ngươi...".
Mộ Ngôn cười nhạt: "Hắn tưởng ta không biết gì sao, e là hắn quá coi thường đại ca này rồi!".
Người đó không nói gì nữa, chỉ cúi đầu, tay run run giơ lên, xem ra anh ta muốn rút con dao khỏi bụng. Mộ Ngôn lấy tay bịt mắt tôi, trong động vang lên một tiếng rên khủng khiếp, tôi hỏi: "Anh ta làm gì vậy?".
Mộ Ngôn trả lời: "Nước Trần có truyền thuyết, người chết nếu mang hung khí trong người, kiếp sau sẽ vẫn phải theo nghề võ".
Tôi nói: "Vậy có phải anh ta thích làm văn nhân?".
Mộ Ngôn buông tay nói: "Có thể người ta chỉ thích làm dân thường".:
Rất nhiều năm trước, tôi luôn tin rằng, con người ta không thể vô duyên cớ làm việc gì đó, mọi việc phải hỏi rõ nguyên do. Ví dụ, đầu bếp nấu cho tôi món ăn tôi không thích, tôi sẽ chạy đi hỏi đầu bếp, tại sao không làm món khoai tây chiên, tại sao, tại sao, tại sao??? Hỏi một hồi như vậy, thông thường, ngay ngày hôm sau trên bàn ăn của tôi sẽ xuất hiện món khoai tây chiên. Điều này dạy cho tôi tầm quan trọng của hiểu biết, phải có hiểu biết mới hạnh phúc và ngược lại. Từ lúc mười bốn tuổi đến mười bảy tuổi, trong ba năm, tôi đã nhiều lần hồi tưởng suy nghĩ tại sao mình lại thích Mộ Ngôn. Kết luận là bởi vì chàng đã cứu tôi hai lần trong vòng bảy ngày, khi chúng tôi chẳng quen biết nhau.
Quân Vỹ cho rằng, không phải tôi thích thật sự, chỉ là tôi tưởng vậy thôi, còn nếu thích thực sự không cần lý do, không phải hỏi tại sao. Nhưng tôi lại thấy, lý do thích một người, giống như móng của ngôi lầu, trên đời không có ngôi lầu nào không có móng, cũng không có yêu thích không có nguyên do.
Tình cảm của tôi đối với Mộ Ngôn được xây dựng trên nền móng hai lần chàng cứu tính mạng tôi, cũng có thể nói, trên đời này ngoài tính mệnh của tôi, không có gì quan trọng, thuần túy hơn. Quân Vỹ không thể hiểu logic của tôi, chủ yếu là vì bản thân anh ta không có logic.
Chịu ơn người ta một, báo đáp người ta mười, giờ chịu ơn người ta mười rồi thì không gì có thể báo đáp được, mà đạo lý ở đời, nếu không có gì để báo đáp, người ta thường đem thân báo đáp. Nếu lúc ấy tôi ý thức được rằng, tình cảm của mình đã manh nha, tôi đã thầm thích chàng ngay từ khi chàng ra tay cứu mạng, nhất định tôi sẽ hứa trao gửi thân mình cho chàng. Nhưng chính lúc bàn tay chàng rời khỏi mắt tôi, trái tim tôi đã đập thình thịch, nhưng tôi không hiểu tại sao.
Tôi hỏi chàng: "Tại sao vừa rồi anh cứu tôi?".
Chàng nói: "Cô mới chỉ là đứa trẻ, phàm là nam nhi không thể thấy chết không cứu".
Tôi nói: "Nếu tôi đã lớn rồi thì sao?".
Chàng quay người kéo tôi vào trong hang, cười: "Vậy thì càng không thể không cứu".
Tôi vốn có cơ hội tuyệt vời nhưng tôi lại không nắm lấy, khốn khổ hơn, lúc sắp mất cơ hội, tôi vẫn không biết, tôi chỉ ngây ra nhìn nụ cười nửa miệng của chàng. Tôi bảo chàng: "Tôi chẳng biết trả ơn anh thế nào, tôi tặng anh một bức tranh được không, tôi vẽ cũng được, anh muốn tôi vẽ gì tặng anh?".
Lúc đó, ánh sáng trong hang đang đẹp, chàng nghiêng đầu nhìn tôi: "Sao?".
Dáng nghiêng đầu và giọng nói mới tuyệt làm sao.
Tôi bất ngờ bị mê hoặc, không nén nổi ý nghĩ muốn thể hiện một chút với chàng. Tôi tìm khắp nơi, nhưng trong hang chẳng có cái bút nào. Mặc dù có thể đốt cây, lấy than để vẽ, có thể vẽ tranh than trên giấy bồi. Nhưng trước đó mấy ngày, để tiện tôi đã cắt chúng thành những mảnh bằng bàn tay, cùng lắm chỉ có thể vẽ trứng gà, muốn vẽ người e rất khó.
Mộ Ngôn thấy tôi lúi húi tìm kiếm mãi, tay cầm nắm giấy nhỏ không biết làm gì, hình như hiểu ra, chàng đưa cho tôi một cành cây, nói: "Dùng cái này đi, nếu cô thực sự muốn vẽ tranh tặng tôi, vẽ trên đất cũng được".
Tôi cầm cành cây ngẫm nghĩ một lát, run run bắt đầu nét đầu tiên. Nhưng giống như một nghệ nhân thêu tài hoa, dù khéo léo đến mấy cũng không thể thể dùng que sắt tạo ra hoa văn trên vải, tôi cũng bối rối như họ.
Tôi vốn định vẽ tư phong trác việt của Mộ Ngôn khi tung người vọt lên, tay không quật ngã hai tên áo đen. Vẽ xong, chàng ngắm nghía hồi lâu rồi nói: "Cô vẽ gì vậy? Trông như con khỉ trèo cây hái đào, lại giống như con gấu chó đang cố với tổ ong...". Ấn tượng lúc đó tôi để lại cho Mộ Ngôn là như vậy, một cô gái tự cho là mình vẽ rất được, lại vẽ chàng giống hệt như một con khỉ hái quả và con gấu chó trèo cây. Bây giờ tôi đã có thể dùng cây vẽ lên đất những nhân vật sinh động như thật, nhưng cuối cùng chẳng có cách nào sửa lại ấn tượng của Mộ Ngôn đối với tôi. Quân Vỹ nói: "Có thể người ta cảm thấy muội vẽ một vật có thể giống bất cứ vật gì, như vậy là rất có tài". Quân Vỹ có suy nghĩ như vậy cho thấy anh ta có tư duy của một kiếm khách. Nhưng vẽ tranh và dụng kiếm khác nhau ở chỗ, khi anh dụng kiếm, trong mắt mọi người, có thể là bất kỳ chiêu nào, đó chính là kiếm thuật xuất chúng. Còn vẽ tranh, nếu vẽ một vật mà người xem lại nhìn thành vật khác thì bức tranh đó chắc chắn không bán được.
Tôi và Mộ Ngôn do số phận run rủi, sống cùng nhau gần sáu ngày. Đêm thứ sáu, trong khi tôi ngủ, chàng rời hang núi. Tôi đợi chàng bốn ngày trong hang. Nhưng chàng không quay lại. Bốn ngày sau tôi buộc phải ra đi, chỉ vì lúc đó đang là mùa hạ, thi thể những người áo đen đang bắt đầu phân hủy, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Nếu tôi và chàng gặp nhau vào mùa đông, lúc tôi vẫn mơ hồ không hiểu thế sự, nhất định tôi sẽ tiếp tục chờ đợi cho tới khi tôi tìm ra nguyên do tôi đợi chàng. Tìm ra rồi, tôi lại có lý do đợi tiếp, đợi cho tới ngày chàng quay trở lại, hoặc vĩnh viễn không trở lại, nhưng đó lại là chuyện khác. Nhưng thực tế, tôi đã sớm bỏ đi, mang theo nỗi buồn vô tận. Lúc đi tôi vẫn nghĩ đợi chàng bốn ngày là để chính thức cáo biệt chàng. Hiển nhiên, đó là một cách nghĩ quá đơn thuần, tôi đã sớm giải phóng tâm hồn để yêu Mộ Ngôn, nhưng lại không thể đồng thời giải phóng trí tuệ để nhận thức rằng mình đang yêu chàng. Đó chính là nguyên nhân tôi để mất chàng. Lúc tôi ra khỏi hang núi, đi được một đoạn xa, quay đầu nhìn lại mới phát hiện, hang này ở phía sau núi Nhạn Hồi. Hai năm sau đó, núi Nhạn Hồi trở thành nơi tôi thường lui tới. Mà sau khi bị Quân Vỹ bắt đọc cuốn tiểu thuyết diễm tình anh ta mới sáng tác, cuối cùng tôi đã hiểu ra tại sao thỉnh thoảng tôi lại nhớ về Mộ Ngôn, tại sao khi chẳng có việc gì cũng đi ra sau núi lang thang một mình. Thì ra tôi giống nhân vật nữ trong tiểu thuyết, tình yêu đã manh nha. Điểm khác nhau duy nhất giữa nhân vật nữ trong truyện và tôi ở chỗ, khi tình cảm nảy nở, cô gái ấy rất hiểu tình lang. Còn tôi khi tôi âm thầm thích Mộ Ngôn, tôi không hề biết chàng ở đâu, chàng bao nhiêu tuổi, có nhà, có ngựa không, nhà và ngựa là trả góp hay trả một lần, song thân có còn, chàng có sống chung với họ...
Từ khi biết mình yêu Mộ Ngôn, tôi vẫn tìm chàng, nhưng bặt vô âm tín, dường như trên đời chưa hề tồn tại con người này, thậm chí tôi còn dựa vào quan hệ của gia tộc để tìm, nhưng cũng không thấy.
Tôi vẫn nghĩ chàng là người nước Trần, nhưng vào thời đại mà thay đổi quốc tịch còn dễ hơn thay đổi đàn bà thì có thể hôm nay chàng là người nước Trần, ngày mai có thể là thần dân nước Vệ của tôi. Tóm lại, ý nghĩ tìm kiếm chàng từ quốc tịch là không thể thực hiện được. Nhưng ngoài thông tin chàng là người nước Trần, tôi không có bất kỳ manh mối nào khác. Bây giờ nghĩ lại thời thiếu nữ tuổi mười lăm, mười sáu đẹp nhất của tôi đều nhanh chóng trôi qua trong bôn ba tìm kiếm, nhưng vẫn vô vọng, khiến tôi đến lúc chết vẫn khắc khoải tiếc nuối.
Rừng phong sau núi đã hai lần ngả vàng sắc thu, tôi sống đến năm mười sáu tuổi. Tương truyền trước mười sáu tuổi tôi không được phép sống trong cảnh xa hoa nhung lụa, nếu không sẽ bị chết yểu. Do đó, phụ vương gửi tôi tới Thanh Ngôn tông, hy vọng có thể tránh được kiếp họa đó. Tôi có thể yên ổn sống qua tuổi mười sáu, mọi người đều rất phấn khởi, cảm thấy từ nay không phải lo lắng nữa. Ngày hôm sau, lập tức có sứ giả tới đón tôi trở về vương cung.
Lúc sắp ra đi, tôi và Quân Vỹ đều rơi lệ, tôi giao chú hổ Tiểu Hoàng cho anh ta chăm sóc. Vì Tiểu Hoàng cần rừng núi, mà Vệ vương cung là một cái lồng son. Lúc đó, Quân sư phụ không biết tại sao lại rời Quân Vu giáo đến ẩn cư ở gần Thanh Ngôn tông, đã đưa Quân Vỹ bái tổ quy tông, và tiếp nhận ngôi vị Quân Vu giáo tông chủ, có nghĩa là với địa vị đó Quân Vỹ đã có đủ tiền có thể nuôi được Tiểu Hoàng. Tôi và Quân Vỹ hẹn nhau, mỗi tháng anh ta sẽ đưa Tiểu Hoàng đến thăm tôi, lộ phí anh ta tự lo.
Phụ vương phong cho tôi là Văn Xương công chúa, để chứng tỏ tôi là vị công chúa có học thức nhất Vệ vương cung. Nhưng thường ngày sư phụ vẫn chê tôi, mặc dù tôi đã theo học mười bốn năm nhưng mới chỉ học được một phần năm học vấn của sư phụ. Xem ra, trình độ văn hóa của tôi như vậy đã được coi là tương đối cao, chứng tỏ người xung quanh hầu như không có văn hóa.
Trên tôi còn có ba ca ca và mười bốn tỷ tỷ. Bọn họ đều là con của những phi tần trong hậu cung của phụ vương. Ba ca ca rất có hứng thú, đại ca hứng thú với thơ phú, nhị ca hứng thú với mỹ nhân, tam ca hứng thú với đàn ông. Tóm lại không một ai có hứng thú trị quốc bình thiên hạ.
Phụ vương mỗi lần nhìn thấy họ đều ngao ngán, chỉ có những lúc trở về hậu cung vui đùa với tân phi mới cảm thấy được an ủi. Lúc mới về vương cung, cảm giác duy nhất của tôi là, trong thời đại loạn, chư hầu phân tranh, quần hùng tranh bá, một quốc gia đã mục rỗng từ trong ra ngoài lại có thể tồn tại đến hôm nay thật đáng kinh ngạc.
Giả sử tôi không phải người nước Vệ, tôi sẽ khuyên bản triều thôn tính nước Vệ, bởi thực sự nước Vệ rất dễ thôn tính.
Trước nay tôi không tin vào giấc mơ của phụ vương và vị trưởng tăng trong giấc mơ mơ đó. Giả sử sinh mệnh con người bị chi phối bởi một thế lực hư vô, thì thế lực hư vô đó ít nhất cũng có sức mạnh thể hiện ra một cách cụ thể, ví như tín ngưỡng, quyền lực, chứ không phải là một giấc mơ. Số mệnh đã định tôi phải chết yểu, chuyện này quả thật muốn tránh cũng không thể.
|