Người tôi yêu đã mãi mãi ra đi
|
|
Chương 10: Thời gian sau của năm thứ hai đại học, trước kia chúng tôi còn có thể nhẫn nại giống như bạn bè bình thường trước mặt người khác, nhưng càng ngày càng có cảm giác giấy không thể nào bọc được lửa. Đôi lúc em sẽ thản nhiên dựa người vào tôi, lúc tản bộ cũng vươn bàn tay ra nắm lấy tay tôi… Nhiều lần thiếu chút nữa bị người khác phát hiện, cũng may cuối cùng đều ổn cả. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện xem có nên nói cho bạn bè thân thiết biết hay không, bởi vì thực sự cảm thấy cũng không có gì nghiêm trọng, nói không chừng người khác cũng sẽ tiếp nhận thôi. Đang lúc muốn thử, trong trường lại xảy ra một chuyện động trời khiến chúng tôi không thể nói bất cứ điều gì, từ đó về sau lại càng cẩn thận hơn… Năm hai chúng tôi có hai nữ sinh ở kí túc xá lén hôn nhau và bị một bạn học bắt gặp, vì vậy viết đơn gửi lên Ban Giám hiệu, kiên quyết không muốn chung phòng với người biến thái như vậy. Vốn là trường học thu xếp chuyện này bằng cách để hai cô gái đó lên tiếng xin lỗi, sau đó mọi chuyện nhà trường sẽ không để cho lan rộng nữa, về sau sẽ êm đẹp cả. Thế nhưng hai người họ không nguyện, còn viết một tờ đơn rằng :”Chúng tôi yêu nhau. Hơn thế sẽ ở chung một chỗ. Không một ai có thể xen vào.” Nhà trường khi biết chuyện đã xé nát tờ giấy, về sau cũng không cho phép họ theo học nữa. Buổi tối đám bạn cùng phòng sôi nổi thảo luận về chuyện nọ, tôi cùng Tôn Dập hai mặt nhìn nhau. Buổi sáng chính mắt tôi thấy một trong hai cô gái ấy bị mẹ quát mắng ngay trước cửa phòng, lúc ấy thảng như trong người đổ mồ hôi lạnh, nhìn người phụ nữ kia tôi chợt nghĩ đến mẹ của mình, còn nữ sinh đang dũng cảm chịu đựng kia chính là tôi… Từ đó về sau tôi và em cố tình tạo ra chút khoảng cách, không hề như hình với bóng dính chặt lấy nhau nữa. Thi thoảng khi mọi người không để ý, chúng tôi sẽ lại nhìn nhau, mỉm cười. Tuy rằng chỉ là một cái cười rất nhẹ, tôi vẫn cảm thấy ấm áp vô cùng. Vụng trộm như vậy cũng là một loại hạnh phúc nho nhỏ, cả hai đều thấy thỏa mãn, bởi vì chúng tôi biết như vậy là đủ… Tôn Dâp rất thông minh, em lại cố gắng rất nhiều so với những người khác, thành tích không đứng nhất thì cũng là nhì. Tôi dĩ nhiên cũng không thể để mình kém em xa quá, vì vậy tích cực học tập, cùng chung tiến bộ, cả ngày ngâm mình trong đống sách. Khi kết thúc năm học thứ hai, hai chúng tôi có thành tích vượt xa các sinh viên cùng khóa, giáo sư vì thế để chúng tôi từ năm thứ ba trở đi sẽ cùng theo trợ giảng. Tiền nhận được khi làm trợ giảng cũng không tính là nhiều, nhưng hai chúng tôi gộp lại cũng được một khoản kha khá, liền ra ngoài thuê phòng trọ. Nơi chúng tôi thuê không lớn, chỉ có một phòng ngủ, một phòng ăn, một phòng vệ sinh, ngay cả phòng khách cũng không có nhưng cũng không cần thiết. Nơi đó cách trường học bốn trạm đường, giao thông cũng coi là thuận lợi. Kể từ ngày hôm đó, tôi và em lại như thể quay trở lại khoảng thời gian ngắn ngủi khi tôi lần đầu tiên tới nhà của em. Bình thường là tôi nấu cơm, bởi vì vấn đề ăn uống thực rất đơn giản, mỗi bữa đều là một vài món bình dị, mặc dù không nấu tốt lắm, nhưng vẫn có thể ăn mỗi ngày. Nhưng là như thế cũng tốt, em đã rất mất sức khi phải làm những việc khác, vì thế việc nhà tôi nên làm, nhiều lắm là để cho em lau cái bát cái đĩa mà thôi. Mặc dù bệnh của em vẫn không tìm được cách chữa, nhưng dường như đã có chuyển biến tốt hơn. Đi khám định kì tại bệnh viện và biết được tình hình so với lúc trước không còn nguy hiểm như thế, vết thương trong cơ thể cũng không phát triển lớn hơn, từ tận đáy lòng chúng tôi cảm thấy cực kì vui sướng. Có lẽ đó là do tình yêu bảo hộ, khiến cho ông Trời cũng phải động lòng, không để cho chúng tôi phải xa nhau… Ngày trước em sống không hạnh phúc, tôi cứ ngỡ là do bệnh tật hành hạ, lại phải phẫu thuật nhiều như thế, không biết lúc nào thì ra đi. Tôi biết chỉ ngần ấy thôi cũng khiến cho cuộc sống của em thêm mệt mỏi, lại không nghĩ rằng trong lòng em còn có một nỗi khổ khác. Ngày đó tôi lục tung đồ đạc để tìm thứ mình cần, vô tình thấy được cuốn sổ tiết kiệm của em, mở ra nhìn, những con số trong đó khiến tôi hít vào một hơi, run run đếm dãy số, đếm nhiều lần mới xác định được không phải hơn một vạn mà là hơn mười vạn. Không suy nghĩ nhiều, tôi liền hỏi chuyện em. Em nhàn nhạt bảo rằng đó là tiền tiêu vặt ba em cho, không dùng hết nên dồn lại thành nhiều như vậy. Tôi không tin, nói: “Sao có thể nhiều như vậy…” “Từ trung học liền bắt đầu cho em tiền, mỗi tháng so với người khác cũng nhiều hơn một phần. Lên đại học thì nhiều gấp đôi, em cũng không dùng đến nhiều. Mọi người dùng hết bốn trăm thì em cũng chỉ bốn trăm. Đây đều là tiền của ông ấy, em sẽ gửi lại.” Nghe em lạnh nhạt nói về ba, lòng tôi có điểm lạnh nên khuyên em một chút. “Thật ra thì ba em đối với em thật tốt, em nghĩ một chút là thấy, ông ấy còn đưa em sang Mỹ chữa bệnh cơ mà, lại cho em nhiều tiền trang trải cuộc sống như vậy, chắc cũng làm việc cực nhọc…” Tôi vẫn nghĩ mối quan hệ giữa em và ba em trở nên như vậy là vì sau khi mẹ em mất, ba lại đi bước nữa, hơn nữa cuộc sống trong quá khứ của em lại chẳng có gì là hạnh phúc. Thấy em cúi đầu không nói gì, tôi tiếp tục: “Ông ấy đi bước nữa cũng là chuyện của ông ấy, em cũng đừng để trong lòng. Dù sao bây giờ ba em sống tốt, mẹ em cũng sẽ thanh thản. Em cũng nên khiến ba em vui…” “Không.” Em lạnh lùng cắt lời. “Ông ấy tái hôn cũng không có gì, em một chút cũng không quan tâm. Dù sao mẹ mất được một năm ông ấy mới làm thế, cũng coi như hợp tình hợp lí. Em chưa từng nghĩ việc này có gì không ổn.” “Thế vì sao…” Lần này tôi thực sự không hiểu, vô duyên vô cớ lãnh đạm với ba như thế, nhất định không phải tính cách của em. Nhất định là có chuyện gì đó. Tôi kéo em ngồi xuống giường, còn mình thì đứng trước mặt em, nâng mặt em lên để nhìn sâu vào đôi mắt ấy, hỏi: “Nói cho anh biết, có chuyện gì xảy ra? Nói một chút thôi, có lẽ anh có thể giúp em.” Em dùng sức quay mặt đi, lắc đầu. “Anh không hiểu, ba mẹ anh đối với anh tốt như vậy, em nói gì anh cũng sẽ không tin đâu.” Tôi lại đặt tay lên cằm em, buộc em đối mặt với mình, nghiêm túc nói: “Em nói ra đi, để trong lòng sẽ không thoải mái. Anh đảm bảo em nói gì anh cũng sẽ tin em.” Em mê man nhìn tôi, trong mắt hiện lên những tia đau xót, cúi đầu. “Anh biết không, từ khi em lên bốn, năm tuổi, mẹ thường phải nằm viện. Khi đó vì chữa bệnh cho mẹ, ông ấy tốn rất nhiều tiền. Nhưng mẹ vẫn rất yếu, sau đó ngay cả nhà cũng không được về, liên tục làm phẫu thuật.Tâm tình ông ấy rất xấu, ở bên ngoài uống say, quay về nhà sẽ lôi em ra đánh…” Ban đầu giọng nói của em vẫn bình thường, nhưng khi nói đến bị đánh liền lộ rõ sự nghèn nghẹn. Hít sau mấy cái, lại hạ thấp âm thanh, em tiếp tục nói. “Bốn năm năm như thế, em vẫn thường bị đánh, ông ấy…” Nâng khuôn mặt em lên, lại phát hiện trong đôi mắt toàn là những lệ, một người lạnh lùng kiêu hãnh như vậy, cư nhiên khóc. Tôi chưa một lần trông thấy em như thế, ngay cả khi nói về căn bệnh của mình, em cũng như nói về chuyện không liên quan đến mình. Nhưng vấn đề này, mới nói được đôi câu cũng đã thực sự khó khăn, vì thế tôi hiểu ra chuyện này thực nghiêm trọng. Khẽ vuốt ve mái tóc em, nhẹ nhàng nói. “Nói cho anh biết, ông ấy đánh em thế nào…” Kế tiếp đó tôi hoàn toàn không dám tin vào mắt mình. Toàn thân em run lẩy bẩy, nước mắt cuối cùng cũng rơi ra, nức nở không nói nên lời. Ánh mắt ấy chứa chan nỗi sợ hãi, thống khổ, và cả tuyệt vọng… “Ông ấy đánh…sau đó đem em… nhốt trong phòng vệ sinh. Ở trong đó, rất tối, thực sự rất sợ. Em quỳ rạp trong đó, không thể thoát ra…Khóc, ông ấy lại đánh, đau…nhưng không được phép khóc, sau đó lại bị nhốt lại…” Em còn chưa nói xong, tôi không để em nói tiếp, dùng sức ôm lấy em. Em khi ấy thực sự run nhiều lắm, tôi cũng không kiềm được nước mắt. Bốn, mà cũng có lẽ là năm năm, tuổi thơ của em trôi qua như vậy. Bị đánh mà không có ai cứu, không có ai ngăn lại người ba mất kiểm soát. Nhất định em đã rất tuyệt vọng, rất sợ, phải không? Dĩ nhiên là sợ chứ, nhìn bộ dạng của em bây giờ cũng hiểu. Một đứa nhở có khi bị người khác lớn giọng mấy câu thôi đã òa khóc, huống chi là…như vậy… Tôi rốt cuộc cũng biết vì sao em không dám nhìn những thứ hơi kinh dị một chút, trước đây tôi cứ cười em nhát gan. Đối với bóng tối em cũng cực kì nhạy cảm, buổi tối lúc đi trên những đoạn đường không đèn sẽ khẩn trương đi sát vào tôi. Khi trời nhá nhem tối, đèn trong phòng sẽ bật hết lên. Lúc ngủ cũng không tắt hết đèn, tay em ôm chặt cái gối, trằn trọc hồi lâu mới có thể ngủ… Tôn Dập của tôi, chuyện của em khiến người ta đau lòng như vậy. Người con trai có vẻ ngoài anh tuấn lạnh lùng như thế, nào ai biết ẩn sau trong tâm hồn em là vết thương đã không thể xóa nhòa. Trong trí nhớ của em, liệu có hai chữ “vui vẻ” hay không? Thật thương em rất nhiều, hết thảy trong mắt tôi đều vô cùng đáng sợ, đáng sợ đến khó tin, khó có thể tưởng tượng được. Em đã chịu đựng nhiều đến thế, mang trên người bao vết thương đau, đến tôi bên, và cho tôi hạnh phúc. Tôi cũng cảm thấy rất tức giận, mặc dù ba em đúng là có điểm tội nghiệp, nhưng em nào có lỗi gì đâu? Tại sao lại nhốt em lại mà đánh đập? Em đã mang trong mình căn bệnh đó, từ khi chào đời liền gánh theo sự đớn đau, bất hạnh, ngay cả lựa chọn em cũng không thể, vậy tại sao, đối xử với em như thế…Tại sao…làm tổn thương người tôi yêu nhiều đến vậy… Nén lại những giọt nước mắt, tôi biết mình không được khóc. Tôn Dập cần an ủi, cần có người cho em cảm giác an toàn, tôi không thể để cho em cảm thấy đơn độc. Lúc này, tôi là người duy nhất em có thể dựa vào… Trong mắt tôi, em từ lâu đã không còn khoác trên người dáng vẻ lãnh đạm như ngày mới quen, ở bên nhau dài lâu, em càng đem hết thảy những bi thương lẩn khuất trong tâm cho tôi nhìn, tất cả, chỉ có bi thương mà thôi… Đêm hôm đó, tôi ôm em trong lòng như bảo bối, thật lâu mới giúp em ngừng khóc và ngủ thiếp đi. Cả đêm em lại gặp ác mộng không ngừng, nhiều lần tỉnh, thấy đôi mày em nhíu lại, thân thể rúc vào tôi, khuôn mặt tràn ngập sự sợ hãi. Tôi thật lâu cũng không quên được nét mặt em ngày đó
|
Chương 11: Thời gian càng gần ngày tốt nghiệp thì mọi người càng đôn đáo đi tìm công việc cho mình. Từ khi theo giáo sư làm trợ giảng, chúng tôi cũng được giới thiệu đến làm thực tập ở một công ty và cũng đã ký hợp đồng, cho nên có thể nói là ổn định hơn mọi người một chút… Nhưng Tôn Dập dường như không thực sự vui vẻ, suốt một thời gian dài trông em luôn buồn buồn, nhiều lần gặng hỏi, mới ấp úng nói, ba em muốn em sang Mỹ du học. Tôi trầm mặc hỏi: “Em có muốn không?” Em cúi đầu không nói, một lúc lâu mới mở miệng. “Hạo Nhiên, em dĩ nhiên không muốn cùng anh tách ra. Nhưng mà, bệnh của em khi tới đó có hi vọng chữa được hơn, nếu như tốt hơn, em có thể tự mình làm ra tiền, mời bác sĩ, đi khám bệnh. Dù sao dựa vào ông ấy không phải chuyện lâu dài. Và phải tiêu tiền ông ấy đưa, em cảm thấy căm ghét chính mình.” Những điều em nói rất có lí, thế nhưng tôi ngoài mặt lại không chấp nhận, nhiều ngày liền không thèm để ý đến em. Em cả ngày đáng thương đi sau lưng tôi, làm những món tôi thích, chọc cho tôi vui cười, ngay cả nói chuyện cũng chú ý đến nét mặt của tôi…Mặc dù cuối cùng chúng tôi cũng làm hòa, nhưng bây giờ nghĩ lại, thái độ dành cho em thời gian đó thật khiến tôi hối hận. Bình an tốt nghiệp, thuận lợi có được một công việc tốt trong thành phố, Tôn Dập thì bắt đầu nghiên cứu về việc ra nước ngoài. Chúng tôi vẫn ở tại phòng trọ thuê khi trước,trừ thỉnh thoảng nghĩ đến việc phải tách nhau ra cảm thấy thật khổ sở, còn lại mọi thứ không có gì thay đổi. Nhưng là khi đó tôi hạnh phúc, công việc thuận lợi, tình yêu ngọt ngào. Nếu như mỗi ngày đều trải qua bình bình đạm đạm như vậy tôi cũng không mong muốn gì hơn. Một thời gian sau đó, ba gọi điện tới nói mẹ tôi ở nhà bị bệnh, mau về nhà một chuyến… Tôi đi chuyến đêm về nhà, nhìn thấy người mẹ yêu dấu của mình đang ngồi trên xe lăn. Sau khi tốt nghiệp tôi đã quay trở về thăm nhà, khi ấy mẹ vẫn còn tốt lắm, hai mẹ con còn cùng nhau đi dạo… Ba nói cho tôi biết, đó là ung thư xương giai đoạn cuối… Đêm đó lần tôi tiên tôi thức trọn, sáng hôm sau kiên định nói cho ba: “Đưa mẹ tới Thượng Hải đi, chúng ta chữa bệnh cho mẹ.” Ba cười rất vui mừng, gật đầu liên tục. Tôi biết ông ấy cũng muốn thế, chỉ là không nói ra, sợ làm tôi thêm mệt nhọc. Mẹ là một người phụ nữ rất kiên cường, bất luận có thống khổ đến thế nào cũng nói với ba không sao hết, không đau , không khó chịu. Bà cật lực phối hợp trị liệu, chúng tôi biết, mẹ so với bất kể ai khác còn muốn tiếp tục sống… Từ ngày mẹ nằm viện, bố tôi một bước cũng không rời đi, thậm chí lúc tôi đến trông mẹ ông ấy cũng không rời đi. Tôi bảo nhiều lần, nói ba nên chăm sóc bản thân nữa, ban đêm tôi sẽ ở lại với mẹ. Nhưng ông ấy kiên quyết không đi, nói gì cũng không chịu đi. Mặc dù ngoài miệng mẹ tôi bảo đi đi, nhưng tôi cũng nhìn ra được mẹ cũng mong ba ở lại. Hai người gắn bó với nhau nhiều năm như thế, ai cũng biết thời gian không có nhiều nữa, mỗi phút bên nhau đều đáng trân trọng… Ba mẹ tôi đều làm nghề giáo, ba dạy Vật lý, mẹ dạy Toán. Cả hai cũng thông thạo tiếng Nga và tiếng Anh cho nên việc làm thu nhập không tệ. Nhưng để chi trả cho mối tiền thuốc thang khổng lồ, đến tiền tiết kiệm trong ngân hàng cũng đã dùng đến. Có một hôm tôi cùng ba nói chuyện qua điện thoại về vấn đề này, có thể chúng tôi nên hỏi vay họ hàng thân thích. Vừa mới cúp máy, Tôn Dập đã mang cuốn sổ tiết kiệm kia đưa cho tôi. Tôi thực sự không biết phải nói gì lúc đó. Em lại ôn hòa nhìn tôi mà cười. “Cầm đi, cùng lắm em không trả lại cho ông ấy, coi như cho bao nhiêu em đã tiêu hết bấy nhiêu. Mẹ anh đối với em tốt như vậy, em vẫn luôn coi bà là mẹ ruột của mình. Tiền là để tiêu, nên dùng để chữa bệnh cho mẹ. Sau này mẹ nấu đồ ăn ngon cho em là được.” Em nhét cuốn sổ vào lòng bàn tay tôi, rồi lại nắm tay tôi thật chặt. Tôi lại tiếp tục không biết nói gì. Tiền đó có thể giúp mẹ tôi chữa bệnh, thế nhưng tôi biết số tiền đó với em có ý nghĩa lắm. Em có thể cùng tôi chen lên chuyến xe buýt chật chội, ăn những món ăn vỉa hè đạm bạc, lại mua đồ giảm giá…Em chi tiêu rất tiết kiệm, không động đến số tiền ba em gửi. Em luôn muốn đem số tiền ấy trả lại, đó là trừng phạt lớn nhất cho những tổn thương ông ấy gây ra, cũng là sự cự tuyệt của em. Số tiền này, là tôn nghiêm em có. Vậy mà em dễ dàng bỏ qua. Tôi biết mẹ không thể qua khỏi, tiêu tiền nhiều hơn nữa cũng không thể khỏi. Chỉ là tôi muốn gánh vác, bảo tôi mặc kệ mẹ nằm đó, bị bệnh tật hành hạ, tôi không làm được. Dùng tất cả những gì có thể để chữa bệnh cho mẹ, chống chọi đến tận giây phút cuối cùng, chỉ cần bà không ra đi, tôi là có một tia hi vọng, không phải sao? Vậy mà, tiền chưa dùng, mẹ đã ra đi…Hai tháng ngắn ngủi, tôi cố giữ cho tinh thần lạc quan, mẹ thì bị những cơn đau hành hạ sống không bằng chết, khuôn mặt không còn nét hồng hào ngày trước, cả tấm thân chỉ còn là da bọc xương… Ba luôn ở cạnh mẹ, chính ông là người để tôi thấy thế nào gọi là bất kể chuyện gì xảy ra cũng không tách dời. Nguyện vọng cuối cùng của mẹ là trở về nhà, mẹ rõ tình trạng của mình, bởi thế mong rằng, nhà là nơi cuối cùng linh hồn mẹ an nghỉ. Xe của bệnh viện đưa mẹ tôi về nhà, cùng chúng tôi trở về còn có Tôn Dập. Khi đó em đã nhận được thông báo trúng tuyển của hai trường đại học, đang bề bộn lo làm các giấy tờ thủ tục, bổ túc tiếng Anh. Bận rộn nhiều việc nhưng em kiên quyết ở cạnh tôi không đi… Sau khi trở về, những người đến thăm bệnh mẹ rất đông, mỗi ngày đều có mấy nhóm. Cũng bắt đầu phải lo hậu sự, tôi là con một, vì thế mọi nhiệm vụ đều gánh hết trên vai. Ba ngày ngày đều ngồi bên mẹ, dáng vẻ vô cùng tiều tụy, ông ấy cũng khiến tôi thực lo lắng. Một buổi trưa ba ngày sau đó, mẹ qua đời. Linh cữu của mẹ đặt ngoài phòng khách, người những người nối tiếp nhau vào viếng mẹ, họ hàng có, đồng nghiệp có, học sinh có…Ba tự nhốt mình trong phòng, ngay cả tiếp khách cũng không. Tôi dĩ nhiên hiểu cho ba, thay ông lo liệu mọi chuyện, lại khuyên ông ấy nên ăn chút gì đó. Công việc phải lo thật nhiều, đến mức tôi không có một khắc ngơi tay mà đau buồn. Mỗi tối đều quỳ bên di ảnh của mẹ, ngủ luôn trên sàn, em cũng ở bên tôi… Ngày mẹ mất mọi người đều có mặt đông đủ, trong nhà chật chội những người. Buổi sáng ngày đưa mẹ đi hỏa táng, trước khi đi tôi đến trước cửa phòng ba, nói: “Ba, chúng ta nên đi thôi. Ba không nhìn mẹ lần cuối sao?” Trong phòng yên tĩnh, một lát sau cửa mở ra, trông ba phờ phạc đi rất nhiều, đôi mắt hằn những tia máu. Ông đi tới trước quan tài, ý bảo tôi mở nắp ra. Mẹ đã nằm nơi đó ba ngày, mặc thọ y, an tĩnh. Ba đứng đó, run run vuốt ve gò má hao gầy của mẹ… Nhiều năm như vậy, ba vẫn luôn chở che, yêu thương mẹ, chưa từng tức giận, thậm chí nặng lời cũng không có. Mẹ tuy 50 tuổi lại vẫn như một thiếu nữ một dạng làm nũng với ba. Bây giờ, người ba yêu thương nhất đang nằm nơi đó, trước mắt ba, chuẩn bị hóa thành tro bụi… Ba không khóc cũng không nói lời nào, chỉ là lặng yên ngắm nhìn mẹ tôi. Nhiều người có mặt ở đó, trông thấy vậy và khóc. Cho đến tận khi đó tôi mới ý thức được rằng, tôi đã không còn mẹ…nước mắt nhanh chóng trào ra, cả người bắt đầu run rẩy. Tôn Dập kéo tôi vào phòng ngủ, đóng cửa lại, ôm tôi. Dựa vào tấm thân gầy nhỏ của em, tôi khóc gào lên như một đứa nhỏ, tôi biết em cũng khóc, nhưng em không lên tiếng, chỉ ôm tôi thật chặt. Mọi việc sắp xếp ổn thỏa, tôi nhanh chóng phải trở lại với công việc của mình. Tôi khuyên ba đến ở cùng nhưng ba nhất định chỉ muốn ở nhà của mình, thế nên tôi và em lên đường trở về căn phòng cũ, để ba một mình trong căn nhà đã từng có mẹ. Cũng không lâu sau đó tôi đã trở lại nhà, ba bị bệnh, hơn nữa thái độ rất tiêu cực, không chịu phối hợp điều trị. Tôi cũng không thể cứ thế rời đi, vì thế đưa ba tới Thượng Hải nằm viện. Cuộc sống của tôi khi ấy rất mệt mỏi. Không ở công ty thì là đến bệnh viện, sau đó lại quay về chỗ trọ. Tôn Dập giúp tôi chăm sóc ba nhiều, nhưng tâm trạng của ba vẫn như cũ, cho nên khôi phục rất chậm. Thẳng cho đến khi em phải ra nước ngoài thực sự, bệnh tình của ba vẫn không có biến chuyển tích cực. Tôi chỉ có thể dùng “sứt đầu bể trán” để hình dung về cuộc sống trong những ngày tháng đó. Trong lúc khó khăn, thật may có bác của tôi giúp đỡ, tôi không biết lấy gì báo đáp ơn huệ đối với những gì bác ấy làm… Từ ngày còn trẻ bác đã ra nước ngoài du học, sau đó làm ăn phát tài rồi cùng bác gái an dưỡng về hưu. Bác trai có xây dựng một viện dưỡng lão, trong lần về thăm gia đình tôi, nhìn thấy ba tôi một dạng như vậy, thương lượng rất lâu liền quyết định đưa ba tôi tới nơi của bác. Chúng tôi hoàn tất các thủ tục tại bệnh viện, lo liệu mọi thứ chu toàn…Trong mấy tháng, tôi một mình tiễn mẹ, Tôn Dập và ba. Cả người giống như bị hút sạch năng lượng, thực không biết đang sống hay đã chết.
|
Chương 12: Những năm gần đây ba vẫn luôn ở chỗ của bác. Năm đó bệnh tật như vậy, tâm đau lại là nguyên nhân chính. Sang bên kia, hoàn cảnh sống đổi thay, lại có bác trai tôi bầu bạn cho nên rất nhanh liền khôi phục. Khỏi bệnh rồi ba vẫn ở lại đó, hai năm rồi, mỗi năm tôi đều đi một chuyến đến thăm ông ấy. Cuộc sống của ba cũng không tệ, mỗi ngày đều dành thời gian nghỉ ngơi trên những cánh đồng cỏ bạt ngàn, có lúc sẽ cùng bác trai học trồng thứ này thứ kia. Đặc biệt là con gái của bác trai, con bé rất quý mến ba tôi, mỗi khi không phải đi học liền dính lấy ba tôi như cái đuôi vậy, nỗi đau mất vợ của ba tôi cuối cùng cũng vơi dần. Nhắc tới mẹ, ba sẽ mỉm cười thật tươi. Tôi biết để quên cần phải có thời gian, tôi đợi… Tôn Dập đi Mỹ rồi, ngày đó tôi bị biến cố trong nhà làm cho mệt mỏi vô cùng, một mình em lo liệu chu toàn việc của mình, lại mỗi ngày nấu cơm, để tôi mang những đồ ăn đầy đủ dinh dưỡng đó vào viện cho ba… Quãng thời gian ấy quả là em đã giúp tôi nhiều lắm, chỉ là tôi quá bận rộn mà bỏ quên em, giờ này nghĩ lại mới phát hiện, ngày đó nếu không có em yên lặng ở bên, có lẽ tôi đã ngã gục không chừng… Đêm trước khi em đi, tôi ở bệnh viện đến khuya mới trở về nhà, em đã chuẩn bị đồ đạc xong cả, hai va li đầy đồ. Nhìn thấy đống hành lí tôi mới ý thức được em sắp rời đi rồi, vì thế càng thêm buồn khổ, nằm xuống cạnh em cũng không nói chuyện, càng không ngủ được. Em đưa cánh tay vòng qua cổ tôi, cả hai trầm mặc thật lâu, cuối cùng em lên tiếng trước. “Hạo Nhiên, ngày mai em đi rồi.” Tôi nói: “Ừ, anh biết.” Thế rồi cả hai lại rơi vào yên lặng… Thật ra tôi rất quan tâm đến chuyện em đi, nhưng là giai đoạn đó thực sự quá gian nan khiến tôi có phần không chống đỡ được, cho nên nói ra lại là lời như thể không quan tâm em. Em mặc dù chưa từng trách, nhưng tôi biết trong lòng em, khẳng định là thấy mất mát. Nhất thời không biết trong lòng cảm thấy thế nào, tôi cố gắng khắc sâu thật kĩ bộ dáng của em, không biết bao lâu nữa mới có thể gặp lại… “Dập, anh muốn nghe em hát.” Đột nhiên rất muốn nghe em hát, thật lâu rồi không có khi nào rảnh rỗi mà nghe em hát, có chút nhớ. Ánh mắt em sáng ngời, nhìn tôi một lúc sau đó mới chậm rãi hát. “Tại sao đối một người rơi nước mắt, anh chẳng lẽ không hiểu đó là tình yêu? Chỉ có những giọt nước mắt rơi vì người mình yêu, mới là những gì đáng trân quý nhất. Một giọt cũng là yêu, tất cả đều là yêu… Tại sao đối một người rơi nước mắt, anh chẳng lẽ không hiểu đó là tình yêu? Nếu như không phải chia xa, có lẽ nước mắt đã không rơi nhiều đến vậy. Nước mắt, sẽ không rơi xuống…” Tôi không nghĩ em sẽ hát một bài buồn như vậy, ca khúc này tôi từng nghe một nữ ca sĩ hát. Em dùng chất giọng hơi khàn của mình mà hát, từng lời lẽ như chạm đến phần sâu nhất trong lòng tôi, khóe mắt cay cay, nước mắt… Sáng hôm sau tôi cùng em kéo hành lí tới trạm xe, tôi còn bận rộn cho nên chỉ tiễn em đến đó được thôi. Xa xa nhìn thấy chiếc xe buýt đang tới, chậm rãi dừng lại, em bất chợt đem chiếc khăn quàng vào cổ tôi. Tôi đã nóng nảy: “Em làm gì hả, mau quàng đi, anh không lạnh!” Đám người đông đúc chen lên phía trước, em cũng bị cuốn theo dòng người ấy, xa tôi. Em có quay đầu lại nhìn tôi…tôi vẫn ngơ ngác đứng một chỗ, nhìn chiếc xe đi xa cho đến khi khuất hẳn. Thế rồi mới phát hiện ra, còn chưa kịp nói lời hẹn gặp lại. Chiếc khăn đó tôi vẫn dùng, đó là một chiếc khăn lông cho nên thật ấm áp. Mùi hương của em lưu trên đó cũng không thể giữ lại được lâu, mỗi lần vùi mặt vào tấm khăn choàng đó, tôi cố sức hít hà một chút hương vị của em còn lưu lại. Nhưng, như thế thì có ích gì đâu, người đã không còn bên cạnh tôi. Chiếc khăn, cũng chỉ là đồ vật mà thôi. Chúng tôi ở hai phía của địa cầu, chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại và mạng internet. Nhưng chỉ nghe được tiếng mà không gặp được em, tâm tình tôi cực kì thống khổ. Mỗi lần nghe giọng em khàn khàn trong điện thoại, nói “Em vẫn khỏe.” khiến tôi phát điên muốn ôm em thật chặt, không để em đi nữa. Tôi rõ ràng là yêu em, nhưng em lại không ở bên cạnh tôi được, nhớ tới những ngày tháng ở bên nhau liền cảm thấy đó như thể mộng, hiện tại đã quá xa vời… Những tháng ngày cô độc ấy, tôi quẳng mình vào công việc, mà thật ra hiện tại vẫn thế, hết giờ hành chính sẽ tiếp tục làm thêm giờ, chẳng còn thiết về nhà. Mà nói là “nhà” cũng không hẳn, không có ai ở đó đợi tôi trở về, không có tiếng nói cũng chẳng có hơi ấm, đối với tôi mà nói, “nhà” đó là nơi che mưa che gió, không có tình cảm… Một năm rưỡi sau đó, bởi vì công việc làm tốt cho nên tôi thăng chức. Một buổi trưa, tôi đột ngột nhận được điện thọai từ một số máy lạ, nhưng trong điện thoại là chất giọng thân thuộc của em, nhưng nghe rất vô lực. “Hạo Nhiên, em về rồi.” Tôi nhất thời không kịp phản ứng, hồi lâu mới vội vã hỏi: “Em đang ở đâu?” “Bệnh viện.” Tôi xin nghỉ, tức tốc tới bệnh viện mà em bảo… Em đang nằm trên giường bệnh truyền nước biển, ánh mắt đang nhìn ra cửa. Trông thấy tôi, đôi mắt thoáng chốc hồng lên, không lên tiếng, chỉ nhìn tôi thật lâu, khóe miệng nhếch lên một chút, coi như là mỉm cười… Cổ họng tôi khô khốc một trận, đi tới giường nhìn em thật kỹ. Em gầy đi nhiều, hơi thở khó nhọc, cánh mũi từng đợt từng đợt hít thở khó khăn, tựa như sinh mệnh của em cũng yếu ớt là thế. Cách tay em để dưới lớp chăn mỏng màu trắng, lúc này khẳng khiu chỉ còn lại da bọc xương. Đã có chuyện gì xảy ra? Tại sao lại thành như vậy? Trước khi đi rõ ràng em còn tốt lắm… Chúng tôi cứ yên lặng nhìn nhau như vậy, ánh mắt phức tạp, hỗn độn. Lúc này một người đàn ông trung niên đi vào, em mới nói. “Ba em.” Tôi quay lại nhìn, cúi chào, sau đó ba em đưa tôi ra ban công phòng bệnh nói chuyện. “Cậu là Hạo Nhiên? Trước tôi có nghe nó nói về cậu, một người bạn.” Đứng đối diện với người đàn ông cao chừng vai mình, trong lòng tôi chợt cảm thấy khó tả. Đây là ba em, người giúp em chữa bệnh, cũng là người gây cho em bao sợ hãi. Tôi hận ông ấy vì khiến em tổn thương, thế nhưng nhìn thấy dáng vẻ vì em mà nghiêm túc tìm bác sĩ giỏi lại không khỏi mềm lòng. Dù sao Tôn Dập cũng là con của ông, có lẽ, ông ấy cũng đã cảm thấy hối hận… “Tôn Dập…xảy ra chuyện gì vậy ạ? Tại sao đột nhiên lại bị như vậy?” Tôi vội vội vàng vàng hỏi chuyện quan trọng nhất. “Nó ở bên Mỹ đột nhiên ngất xỉu, được bạn học đưa đi bệnh viện, bác sĩ bên đó nói tình hình khá nghiêm trọng, cần phải làm phẫu thuật.” Ba em từ từ nói, đôi mắt hướng về phía đâu đó, thở dài. “Ở bên kia nó có một mình cũng không tiện, tôi đã hỏi xem làm phẫu thuật trong nước có được không, kết quả được, hơn nữa tỉ lệ thành công cũng rất cao. Bệnh viện Bắc Kinh, Thượng Hải đều không tồi.” Ông ấy dừng lại, nhìn tôi. “Nhưng là, Tôn Dập nhất quyết muốn làm bên đó.” Qua bả vai của người đàn ông này, tôi nhìn vào phía trong phòng qua lớp cửa kính, Tôn Dập cũng đang nhìn tôi, ánh mắt vô cùng mềm mại. Tôi nhịn không được cảm thấy đau đớn, Tôn Dập của tôi, em lại một lần nữa trải qua cơn sinh tử, lại một lần nữa chịu đựng đau đớn kịch liệt. Tôi không chịu thay cho em được, thậm chí ngay cả chia sẻ cũng không được, chỉ nhìn em cô độc đối diện… Ba em lại nói: “Mau vào xem tình hình nó một chút đi, dường như không ổn lắm. Hệt như mẹ nó ngày trước, ngày mai còn phải làm kiểm tra.” Tôi đã đi gặp giám đốc xin nghỉ phép, mỗi năm ở công ty, tôi có một tháng nghỉ phép, nhưng từ trước tới nay chưa lần nào dùng đến. Thế nên khi xin nghỉ, rất nhanh liền được phê chuẩn. Sáng ngày hôm sau, tôi mang thật nhiều đồ ăn mà em thích đến bệnh viện. Trước tiên phải bồi bổ cho em đã… Vừa tới cửa, tôi thoáng nghe thấy em và ba đang to tiếng trong phòng bệnh. Tiếng của em không lớn, lại ngắt quãng, nhưng hết sức kiên định. “Con đã quyết định rồi, ba cũng không thể cản!” “Không được!” Ba em gần như gầm lên. “Hiến tặng thân thể? Con nghĩ lại xem, con có thể sống! Mà không sống cũng không tặng cái gì hết, phải được chôn vào phần mộ của dòng họ!” Từng từ ba em nói, tôi nghe không thiếu một chữ, em muốn hiến tặng…em,…muốn…di thể… Tôi chỉ biết em phải chịu đựng thống khổ, chưa từng nghĩ đến ngày em sẽ ra đi mãi mãi, chưa từng ý thức rằng em sẽ chết, đúng hơn là không dám nghĩ. Thời gian xa em, cuộc sống không có em đã đủ khốn khổ, đều lấy đi của tôi mọi nhẫn nại, càng không tưởng tượng nếu em chết, tôi sẽ như thế nào. Thế giới này không có em, tôi sống vì lẽ gì đây? Tôi không bước vào phòng bệnh mà chạy vào phòng vệ sinh kế đó, đem mọi đau khổ trở thành nước mắt chảy ra ngoài. Thật lâu sau đó, rửa mặt thật kĩ, đôi mắt đã không còn đỏ, mới lấy dũng khí đi gặp em… Em đang ngồi dựa trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, bộ dáng dịu dàng ấy càng khiến tâm tôi đau nhức. Cố nặn ra một nụ cười, dùng chất giọng bình thường nhất có thể, tôi bảo em: “Chào buổi sáng, Tôn Dập, em đã ăn sáng chưa? Xem anh mang gì đến cho em này.” Em mở mắt, mê man nhìn tôi, không biết em suy nghĩ gì, ánh mắt hơi hồng hồng, sửng sốt mấy giây, đưa ống tay áo lên xoa xoa khóe mắt, vội vàng mỉm cười. “Hạo Nhiên, anh đến sớm vậy, em phải kiểm tra máu rồi mới ăn.” Tôi gật đầu một cái, giả bọ không trông thấy sự lúng túng của em, đem đồ ăn để trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường bệnh. “Oa, nhiều đồ quá. Anh cũng biết em rất thích mà.” “Ba em đâu?” Tôi nhìn quanh phòng, đây là phòng cấp cứu riêng, cũng là phòng bệnh luôn. Có lẽ ba em đã tốn không ít tiền để cho em chữa trị trong một môi trường như vậy. “Ông ấy đi lấy sổ khám bệnh, rất nhanh quay lại thôi.” Vừa dứt lời cửa liền đẩy ra, nhưng người tới là y tá chứ không phải ba em. “Giường số 39, Tôn Dập.” “Vâng.” Em mau chóng đáp lời nữ y tá. “Phải lấy máu. Vẫn chưa ăn gì chứ?” “Vẫn chưa.” Y tá nhanh nhẹn mở túi y tế ra, em vén tay áo lên, để lộ ra cánh tay gầy gò. Y tá dùng một sợ dây mềm buộc trên cánh tay em, tôi đứng một bên mờ mịt nhìn. Cô y tá cầm lên một cái kim tiêm, mau chóng lấy máu em, từng giọt máu đỏ thẫm được lấy ra. Tôn Dập chăm chú nhìn vào cánh tay mình, an tĩnh… Chỉ chốc lát là lấy máu hoàn tất, y tá rút mũi kim tiêm ra khỏi em, tôi thở phào nhẹ nhõm, bàn tay vô thức nắm chặt đã toát ra một lớp mồ hôi mỏng. Thế nhưng vừa rút ra, y tá lại một lần nữa cắm cây kim tiêm vào da em, trong lòng tôi cả kinh, lên tiếng: “Những thứ này, phải làm nhiều vậy sao?” Y tá chăm chú với công việc của mình, chỉ ừ mộ tiếng. Tôi nhìn em, cả người tôi đã cứng đờ rồi, vẫn cố mỉm cười một chút. Trời mới biết trông tôi khó coi thế nào. Những lần sau tương đối khó khăn, em mỗi lần đều hít vào một hơi thật mạnh, y tá vẫn bình tĩnh điều chỉnh mũi kim, một hồi rút ra lại đẩy tới một chút. Tôi gắt gao nhìn chỗ da thịt em bị hành, cảm thấy thực khủng khiếp. Kim kia là đâm vào da thịt người, như thế nào có thể động nhiều vậy… Tôn Dập từ từ rũ mi mắt xuống, từ đầu tới cuối nhíu mày một cái cũng không. Lần thứ ba lấy máu còn phiền toái hơn, vô luận y tá có điều chỉnh thế nào thì máu vẫn chảy ra rất ít, cánh tay trắng nõn của em giờ chuyển sang một màu tím tái, tôi biết nó cũng mất đi cảm giác rồi. Cánh tay yếu gầy như thế, có bao nhiêu máu để lấy đây… Y tá lau mồ hôi, không thể làm gì khác đành rút cây kim ra, cõi lòng tôi cũng rơi bộp xuống đất. Y tá đi vòng sang bên kia giường, dùng bông khử trùng cánh tay bên kia… “Này này, vẫn phải lấy tiếp sao?” Tôi vội vàng hô lên. Y tá liếc tôi một cái. “Cánh tay bên kia không lấy nổi, dĩ nhiên phải lấy bên này rồi.” Nói xong, lại đâm cây kim vào cánh tay em. Hôm đó tổng cộng rút máu sáu lần, tôi tưởng như là mình thì sẽ ngất mất. Lúc y tá rời khỏi, chân tôi đã mềm nhũn, vô lực dựa vào tường không động đậy được.
|
. Chương 13: Suốt một ngày tôi và ba của em ở trong bệnh viện, đẩy em trên chiếc xe lăn làm kiểm tra tới kiểm tra lui. Vì đã quen cho nên Tôn Dập nhớ hết phòng khám nào thì ở chỗ nào, chẳng bù cho tôi, vào bệnh viện mà cứ ngơ ra, cái gì cũng không biết, toàn phải chạy loạn khắp nơi. Bận rộn suốt cả ngày, khi trời tối cũng là lúc em hoàn thành việc kiểm tra, tôi giúp ba em tắm cho em. Ở trong phòng tắm nhỏ hẹp, tôi cầm vòi hoa sen gội đầu cho em, em vẫn ngoan ngoãn ngồi một chỗ để cho ba kì lưng giúp. Nước làm cho tóc em mềm xuống, dòng chảy theo đó chảy xuống da em, có lẽ là vì nước nóng cho nên làn da vốn tái nhợt bỗng ửng hồng một mảng. Tôn Dập hít vào một hơi, lồng ngực phập phồng. Việc tắm đối với em là khá nguy hiểm, em không được ở trong không gian có hơi nóng lâu. Bởi thế chúng tôi rất nhanh liền tắm sạch sẽ cho em. Em mới uống thuốc y tá đưa đến, tình trạng của em thực sự không tốt, đến thở cũng rất khổ sở, cả người mềm oặt chống tay lên thành dựa. Tôi cũng không quản tóc em còn chưa khô hết, kéo em tựa vào người mình. Em ngẩng mặt lên nhìn tôi, đôi môi kiều diễm, ánh mắt mang chút hốt hoảng…Tôi cúi đầu thật nhanh hôn lên đôi môi ấy, ghé vào tai em thì thầm “Anh yêu em.” Đó là lần đầu tiên, tôi ở trước mặt em, nói yêu em. Từ trước chúng tôi đều là để ở trong tâm, tình yêu dành cho người kia cũng chỉ thể hiện bởi cuộc sống sinh hoạt chung, cũng chưa từng đòi hỏi đối phương phải hứa hẹn gì. Tôi đưa tay ra lấy quần áo mà ba em đang định mang từ ngoài vào. “Bác đưa quần áo cho cháu đi, dù sao quần áo cháu cũng ướt cả rồi, cháu sẽ giúp cậu ấy.” Ông ấy đưa quần áo sạch của em cho tôi, tôi giúp em mặc đồ. Nhìn dáng vẻ đang há hốc kinh ngạc của em như đang muốn nói gì đó, nhưng là ba em đang ở ngoài cho nên cuối cùng vẫn không nói câu nào. Em muốn nói gì đây? “Em cũng yêu anh” sao? Nhưng thân thể của em không cho phép em nói chữ ‘yêu’, cả hai chúng tôi cũng không chịu nổi điều đó, chúng tôi không có cơ hội, không có thời gian, không có tương lai… Tôn Dập cau mày nằm trên giường, cũng không còn sớm nữa nên ba em giục tôi mau trở về… Lúc đứng chờ thang máy, ông ấy cũng đứng cạnh tôi, thở dài rồi bảo: “Cậu nếu ngày mai rảnh rỗi, thì cứ tới đây nhé. Sau này, có lẽ không…” Tôi không để ba em nói hết câu đó, cười, đáp lại: ‘Mai cháu sẽ tới.” Một đêm mất ngủ… Ngày hôm sau tôi đến bệnh viện thì vừa đúng sáu giờ rưỡi sáng, Tôn Dập sắc mặt vẫn nhàn nhạt như vậy, đang ngồi yên trên giường, ba em thì đang ăn bữa sáng. “Ăn sáng chưa?” Nhìn thấy tôi nên ba em đã hỏi thế… Tôi lắc đầu, rời giường liền thay đồ chạy tới đây, đâu nghĩ tới ăn uống gì…Ông ấy đưa cho tôi một cái bánh bao, bảo “Có nhiều lắm, cậu ăn đi.” Tôi nhìn về phía em, em gật đầu một cái. “Em hôm nay không thể ăn sáng, anh ăn đi.” Tôi nhận lấy cái bánh, ăn mà mùi vị là gì cũng chẳng rõ… Bảy giờ là đến giờ phải vào phòng phẫu thuật, thế nhưng đến phút chót vẫn không thấy có bác sĩ đến gặp, ba em có chút nóng nảy liền đi tìm y tá hỏi chuyện. Lúc trong phòng chỉ còn lại tôi và em, tương đối trầm mặc, chúng tôi chỉ lặng lẽ nhìn đối phương. Không có ai khác ở đây, cũng không cần che giấu ánh mắt tràn đầy tình cảm, em nhìn tôi, nói: “Hạo Nhiên, đừng lo lắng, em sẽ thật tốt.” Tôi gật mạnh đầu, lại không nhịn được cảm giác chua xót dâng lên trong lòng. “Chờ lần phẫu thuật này xong, em không sao nữa, cũng sẽ không về lại bên kia, chúng ta sẽ ở bên nhau, mỗi ngày đều gặp nhau…” Tôi nhịn lại dòng nước mẳ trực tuôn, không nói được lời nào, chỉ biết ra sức gật đầu. Hành lang truyền tới tiếng bánh xe lăn vòng của chiếc giường cấp cứu, bác sĩ sắp tới. Đi theo em đến cửa, bác sĩ ý bảo chúng tôi dừng lại… Cánh cửa chậm rãi đóng lại, Tôn Dập đột nhiên ngước lên nhìn tôi, ánh mắt tràn ngập sự lo sợ, và hoảng hốt…Tâm can tôi bất chợt đau như bị ai nhéo, nước mắt đến cuối cùng vẫn là không kiềm được. “Tôn Dập!” Tôi đánh mất lý chí, liều mình xông tới chỗ em, thế là bàn tay bị kẹp. Mọi người nhìn thấy thì sợ hết hồn, ba em vội vàng kéo tôi lại, vị bác sĩ nhìn tôi như trách cứ vì làm gián đoạn, sau đó lại ấn nút đóng cửa. Tấm cửa kim loại lạnh băng đóng chặt, tôi không thể làm gì khác ngoài nhắm chặt mắt lại… Đó là một ngày dài nhất trong cuộc đời tôi. Trong phòng bệnh, trên hành lang, trước cánh cửa đó, tôi cứ đi qua đi lại, không ngừng nhìn đồng hồ. Từng giờ đồng hồ trôi qua, đến trưa…rồi tới tận một giờ chiều, tôi đành theo ba em đến căn tin bệnh viện ăn chút gì đó lót dạ. Cơm ở bệnh viện đúng là khó ăn, từng chút từng chút nuốt xuống, tôi có cảm giác dạ dày mình quặn lại. Ba giờ rưỡi cửa phòng phẫu thuật cũng mở ra, họ nói phẫu thuật rất thành công, bảo chúng tôi chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt hợp lí cho em, trước mắt em sẽ nằm trong phòng điều trị tăng cường (ICU). Ba em vội vàng sắp xếp khăn lông, chậu rửa các loại đồ, tôi ngồi lặng trên băng ghế ngoài hành lang, cảm thấy thực may mắn, chỉ là làm thế nào cũng không cười nổi… Chúng tôi mặc vào bô đồ y tá đưa sau đó vào phòng chăm sóc đặc biệt, nhìn xem em thế nào. Em nằm một chỗ, dáng người đơn bạc yếu gầy. Nếu lúc trước nói rằng trông em nhợt nhạt, thì bây giờ là cả người trắng bệch, ngay cả đôi môi hay móng tay cũng không còn chút sắc nào. Em giống như đã bị rút kiệt linh hồn, trầm trầm ngủ say… Trên người em cắm đủ loại dây lằng nhằng, máu trong túi truyền tích tắc rỏ xuống… Những thứ dây dợ ấy, giống như từ trước đến nay, buộc chặt vận mệnh của em, cõi lòng tôi nát bấy… Năm phút ngắn ngủi, y tá liền vội vàng bảo chúng tôi đi ra. Tôi cũng nên trở về, cũng sắp quay lại công ty làm việc rồi. Tôi nói với ba em: “Cháu sẽ lại đến.” Ba em lắc đầu một cái. “Mấy ngày nay cậu đẽ phải mệt mỏi nhiều rồi, nằm trong phòng ICU nên còn lâu nữa mới lại được vào, nên không cần tới đâu. Chờ nó tỉnh lại tôi sẽ gọi điện cho.” Tôi vẫn là muốn đến, mặc dù đến cũng không làm gì. Không gặp em, không nói chuyện với em được… Ba em đưa tôi tới chỗ thang máy, trầm ngâm một lát, chần chừ mở miệng nói: “Lúc nào nó ra khỏi phòng ICU, tôi cũng phải trở về. Thời gian này trong nhà và cả công ty xảy ra nhiều chuyện quá. Tôi cũng tìm hộ tá chuẩn bị chăm sóc cho nó, nhưng là nếu rảnh, cậu có thể đến thăm nó chứ? Nó ở đây….rất cô đơn.” Trong lòng dâng lên một trận chua xót, tôi mỉm cười gật đầu một cái.
|
Chương 14: Bốn ngày tiếp đó tôi không đến bệnh viện, nhưng mỗi ngày đều gọi cho ba em để hỏi tình hình em ra sao. Mấy ngày đó, tôi rửa bát thì làm đổ cả mâm, ở công ty cầm văn kiện giấy tờ thì bất cẩn làm rơi tứ tung, công việc cũng làm không hiệu quả, đi đường còn đụng phải người khác…chỉ thiếu nước công ty cho tôi nghỉ việc. Buổi tối ngày thứ tư tôi gọi cho ba em, ông nói: “Tôn Dập ngày mai là chuyển đến phòng thường rồi.” Ngay hôm sau đó, nhân lúc nghỉ trưa tôi liền tới bệnh viện, đại khái là em cũng phải trải qua cả buổi sáng thăm khám, cho nên đã ngủ. Hộ tá là một người đàn ông trung tuổi được bác sĩ ở đây đề xuất, bởi vì người này có nhiều năm kinh nghiêm, cho nên có thể tin tưởng. Ba em mời tôi ăn trưa ở một tiệm cơm nhỏ gần đó, sau đó chúng tôi trở về với công việc của mình. Ông ấy ra sân bay trở về lo liệu công việc, tôi thì quay lại công ty. Tan ca tôi lại tới bệnh viện, Tôn Dập lúc này đã tỉnh, trông thấy tôi em đã rất vui mừng, trên khuôn mặt suy yếu nở ra một nụ cười nhè nhẹ. Người hộ tá đang giúp em ăn cháo, mới ăn vài thìa em đã lắc đầu, không ăn nữa. Lúc người hộ tá ra ngoài dùng bữa tối, tôi ngồi bên giường cùng em trò chuyện. Nghĩ xem nên nói chuyện gì, thế rồi tôi kể em nghe việc ở công ty, đồng nghiệp đùa giỡn nhau thế nào, làm việc thế nào. Được một hồi, em nhịn cười bảo tôi: “Đừng chọc em cười, vết thương liền đau…” Nhìn em vui vẻ mà vẫn yếu như vậy, tôi đột nhiên đau lòng vô cùng, cuống quýt hỏi em “Đau lắm hả? Thế nào rồi còn đau không?” Em lắc đầu, cười cười: “Không đau nữa. Nhìn thấy anh, đã không còn đau.” Tôi bảo: “Sao? Chẳng lẽ anh là thuốc tê?” Em nghiêm túc gật đầu một cái, nháy mắt một cái. “Đúng vậy, có anh rồi, sẽ không đau. Dùng rồi sẽ nghiện, không thể nào từ bỏ.” Tôi nhẹ nhàng cầm lấy đôi bàn tay của em, nói: “Anh cũng không thể rời khỏi em. Em phải nhanh một chút khỏe lên cho anh. Chờ em khỏe lại, anh dẫn em về nhà.” Chờ em khỏe lại, anh dẫn em về nhà. Nói đến đó, tựa như trong mắt cả hai đều ướt. “Nhà”, một từ vừa ấm áp, lại vừa xa xỉ biết bao. Tôn Dập có nhà, nhưng em không có được hạnh phúc dưới mái nhà đó. Tôi có nhà, nhưng ngồi nhà ấy đã trống hoác chẳng còn ai… Chúng tôi có cơ hội hay không? Dưạ vào nhau, cảm nhận một chút ấm áp, và có đủ dũng khí đi tiếp chặng đường phía trước. Nắm cánh tay em, tựa hồ còn nhỏ hơn trước, cúi đầu nhìn mới nhận ra trên cổ tay em ứ lại máu bầm chưa tan, khắp cánh tay còn có những vết kim, vết dán băng thuốc. Lòng bàn tay và móng tay đều nhàn nhạt, mạch máu ở mu bàn tay cũng trông thấy rõ. Tôi cầm tay em lên nhìn thật lâu, chật vật quay đi chỗ khác lau những nước mắt còn chưa kịp tràn. Em thế nhưng nói xin lỗi, còn cười, rồi cầm lấy tay tôi mà bảo: “Bây giờ trông rất khó coi, nhưng rất nhanh sẽ hết. Em không phải rất nhanh tốt lên hay sao, không được chê.” “Em tốt nhất nhanh khỏe lại, nếu không anh liền mặc kệ em, đi tìm người khác kết hôn.” Em cũng cười, nhưng nụ cười ấy dần lắng xuống nơi đáy mắt. “Hạo Nhiên, nếu anh không gặp em thì tốt. Nếu không gặp em, bây giờ nhất định đã có bạn gái xinh đẹp, không chừng đã kết hôn, chờ một đứa nhỏ chào đời, cùng sống cuộc đời hạnh phúc…” Lòng tôi đau đến xiết chặt bàn tay em. “Đứa ngốc! Em cũng không biết ở cạnh em là hạnh phúc nhất. An tâm dưỡng bệnh, chờ em bình phục thì nhớ đem hạnh phúc của anh trả lại cả vốn lẫn lãi cho anh. Em còn nói như thế nữa anh sẽ giận, cũng sẽ không quan tâm em.” Em gật đầu, mỉm cười, lại hơi sốt. Người hộ tá đã trở lại, chuẩn bị giúp em tắm. Tôn Dập giục tôi trở về: “Mau về đi, ngày mai còn phải đi làm đấy. Anh nhỡ chuyến thì sao?” Để cho em tiết kiệm sức lực, tôi chỉ có thể nghe lời ra về… Nói sớm cũng không phải, về nhà, tắm rửa xong cũng đã chín giờ. Không hiểu nghĩ thế nào, tôi lại quay lại bệnh viện. Lúc đến nơi thì em đã ngủ, người hộ tá cũng đang chuẩn bị ngủ, vì thế ngạc nhiên nhìn tôi, hỏi xem có phải để quên gì ở đây không. Tôi đáp: “Hôm nay cháu sẽ ngủ ở đây, chú cứ về nghỉ ngơi đi, chú vất vả rồi.” Cùng tôi nói vài câu, người đó liền vui vẻ trở lại với người nhà. Tôi nằm lên chiếc giường của người hộ tá, đối diện em, nhìn em say ngủ. Trên người em vẫn còn dây dẫn với điện tâm đồ, nhìn qua rất không thoải mái. Thế nhưng em an tâm ngủ, nhường tôi phần bất an, đi đến bên cạnh nhìn máy theo dõi một chút, trong lòng mới yên tĩnh lại. Không biết qua bao lâu, em đột nhiên nhíu mày, sau đó mơ hồ mở mắt, biểu tình có chút thống khổ. Vết thương lại đau sao? Tôi khẩn trương lại gần… Nhìn thấy tôi, đôi mắt em nheo lại, nhìn kĩ một hồi, lại khó tin nhắm mắt lại, lông mày càng nhíu chặt hơn. Cái đứa ngốc này, dĩ nhiên tôi biết em đang nghĩ gì, trước kia đã có lần tương tự rồi. Ngày đó là mùa xuân đầu tiên của thế kỉ mới, tôi bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà em, em cũng biểu lộ như vậy. Chắc lại nghĩ là ngủ mơ đi, tôi cười, cúi xuống hôn em. Mấy giây sau, em trợn tròn đôi mắt, nâng tay phải lên chạm vào mặt tôi, cuối cùng im lặng, kéo đầu tôi xuống ôm tại bờ vai. “Hạo Nhiên…” Âm thanh ấy phát ra, nghe khàn khàn, nức nở. “Em vừa rồi mơ thấy anh, anh không đi, ở lại đây. Mở mắt ra lại nhìn thấy anh, cho nên nghĩ mình còn chưa tỉnh. Không nghĩ tới anh thực sự…” Tôi nhẹ nhàng ôm lấy đôi vai gầy gò ấy, chỉ ôm cũng sợ khiến em đau. Mặt chạm đến gối em, nước mắt rơi xuống, thấm vào gối. Vốn trong lòng tràn đầy ngọt ngào, nghe em nói vậy, đau lòng đến không biết phải làm sao. Em thực sự rất ngốc, rõ ràng muốn tôi ở lại, thế nhưng nhất quyết đuổi tôi về. Đã thế tôi còn ngu ngốc, cứ thế ra về. Hôn lên chóp mũi lạnh lạnh của em một cái, nói: “Anh không đi nữa, cứ ở bên em như vậy có được không…” Em gật gật đầu, trên mặt ướt nước mắt nhưng cười đến thực vui vẻ, trông hệt như một đứa ngốc… Tôi ngồi bên giường, nắm tay em, chờ em đi vào giấc ngủ. Nhưng là em một chút cũng không buồn ngủ, còn bảo tôi “Anh đi ngủ đi, em đã ngủ nên không buồn ngủ nữa.” “Vậy anh thức cùng em, một mình rất buồn chán.” “Không sao, em quen mà, đi ngủ đi.” Đang nói, y tá trực đêm đi trực bước vào, em liền rút tay lại… “Có chuyện gì vậy? Còn chưa ngủ sao?” Y tá há hốc miệng, tròn mắt nhìn chúng tôi. “Cậu ấy không ngủ được.” Tôi nói. “À, vậy anh đi theo tôi.” Y tá xoay người bước ra, tôi cũng đi theo. Người này đưa cho tôi mấy viên thuốc. “Cậu ấy vẫn luôn như thế, đặc biệt là sau khi phẫu thuật. Mấy tuần lễ gần nhất sẽ thường đau dữ dội, bác sĩ đã dặn chúng tôi nếu để ý thấy cậu ấy ban đêm bị như vậy thì cho uống thuốc. Sau này không uống cũng không sao.” Tôi gật đầu một cái, nói cảm ơn, sau đó đem thuốc về phòng. Em quả nhiên bị đau, thế mà tôi đã không nhìn ra. Em nói là thói quen…Trước kia mỗi lần đều chịu đựng như vậy sao? Mỗi lần sẽ đau đến mức cả đêm không ngủ được? Nghĩ đến vết sẹo dài trên người em, thở dài, không biết em phải làm sao chịu nổi nó. Lại nghĩ đến ngày trước, em một mình cô đơn ở đây… Tôi thở hắt ra, qua đi, để cho nó qua đi, sau này, tôi muốn cùng em chịu đựng, san sẻ những gì sinh mệnh sắp đặt. Cũng sẽ không để em phải một mình nữa.
|