Cô Giáo Ở Nhà Tôi
|
|
Chương 90: Nhìn em già đi
Hương rất giỏi, đó là một sự thật ai cũng biết, vì thế chẳng ai bất ngờ khi Hương chẳng mấy chốc tậu được thêm một căn nhà cho ba mẹ, còn thuận tiện mua cả một chiếc xe hơi chở vợ chở con đi học đi làm. Chuỗi cửa hàng của chị Ngọc ngày càng phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc chị ấy thành lập công ty để quản lý, có một đội ngũ đàng hoàng để quảng bá và quản lý nhân viên. Trong công ty cũng không thiếu kẻ chim sẻ muốn lên làm phượng hoàng, muốn lật đổ vợ chính để giàu mà không cần vất vả. Hương phải cảnh cáo rất nhiều người nhưng thủ đoạn của các bạn càng lúc càng tinh vi, càng lúc càng khiến người ta chán ghét. Giống như hôm nay có một bạn đồng nghiệp xin được về chung xe, vì hai người nhà khá gần nhau. Hương từ chối không được nên cũng chở bạn ấy về, bạn ấy mở cửa ra định ngồi cạnh ghế lái thì bị cô nói: "Xin lỗi nha, chỗ này của vợ chị." Cô bạn đồng nghiệp kia có vẻ không vui mà ngồi vào ghế sau, Hương vừa đi vừa nói chuyện vẩn vơ, nhưng câu vẩn vơ nào cũng nhắc đến vợ mình. Đi được đến quận nhất rồi Hương mới ái ngại nói: "Xin lỗi nha, vợ chị đang ở đây, chị đón về luôn, em ngại không?" "Không ạ, không ngại đâu ạ." Hương thấy vợ mình đang đi cùng chị Ngọc ra khỏi nhà, bé Thương đang được bồng trên tay, thấy xe bèn cười tít cả mắt, cứ nhốn nháo khỏi tay mẹ để chạy đến bên xe của cô. Hương nhanh nhẩu xuống xe để mở cửa cho Dung, bé Thương nhào lên người cô mà thơm vào má một cái, đáng yêu bảo rằng: "Mẹ mới nói với dì là nhớ mẹ Hương quá." "Vậy hả?" Hương đưa mắt sang nhìn Dung, ý tứ trêu chọc rõ ràng. Dung nhìn vào bên trong xe của Hương, đây là người thứ ba trong năm rồi, Hương của nàng cũng thật đào hoa! Kỉ niệm một năm đám cưới rồi chẳng mấy chốc mà đến kỉ niệm mười năm đám cưới, bé Thương càng lúc càng lớn đồng nghĩa với chuyện hai người càng lúc càng già, một năm rồi lại một năm trôi qua nhanh như gió thoảng. Dung về hưu non, cả ngày chỉ ở nhà chăm lo cho con và Hương, mái tóc của nàng cũng lấm bạc vì sương gió. Ngày nào hàng xóm cũng thấy hai người ô môi đi tập thể dục, hai người dắt tay nhau đi khắp khuôn viên chung cư, nói chuyện rôm rả rồi ghé sang quán cà phê để uống hai ly nước ép. Chưa ngày nào trong năm hai người gọi món gì khác ngoại trừ nước ép hoa quả, có khi chủ quán tò mò hỏi thì Dung bảo sức khỏe của người mình thương không tốt, cần phải bảo quản kĩ hơn. Dung chạm vào tuổi năm mươi mấy, lúc đó Hương cũng trạc ngoài bốn mươi, chậm chạp thành hai bà sắp lão. Dung đem mái tóc dài của mình búi lại phía sau, cố định bằng một cây trâm ngọc đắt tiền mà Hương đặt làm cho mình, tạm biệt mái tóc thề dài đen bóng mà nàng yêu. Hương thì càng lúc càng mặn mà hơn, mặc dù tuổi tác có ảnh hưởng đến nhưng em ấy được rèn giũa rất tốt, dáng vẻ này hoàn toàn là của một kẻ làm mưa làm gió trên thương trường. Em ấy thu hút là như thế nhưng chưa bao giờ Dung ghen, không phải vì tâm tính nàng quá tốt mà không ghen, nàng chỉ tự nhủ là em ấy yêu nàng nhất định sẽ không có gì khuất tất sau lưng nàng, còn nếu em ấy có, em ấy sẽ mất đi một người hoàn toàn yêu em ấy là nàng, mất một gia đình hoàn chỉnh, mất đi cả những thứ em ấy gần dựng bấy lâu nay. Nàng tin Hương, còn Hương thì chưa bao giờ khiến nàng nghi ngờ dù chỉ một chút, đi đâu làm gì cũng báo, ngày nào cũng nói lời yêu thương nàng, lúc nào cũng cho nàng biết em ấy si mê nàng, si mê cơ thể nàng, xem trọng gia đình này. Đối với Dung như vậy đã quá đủ, nàng còn cần chi ghen tuông bừa bãi, cần chi phải quản thúc em ấy? Chẳng phải tất cả thời gian em ấy có thể đều muốn chạy về bên nàng rồi sao? Đó là lý do mấy mươi năm nay Dung chẳng có một ngày ghen. Rảnh rỗi hai người sẽ đi du lịch cùng nhau, từ những địa điểm trong nước đến nước ngoài, hai người muốn ngắm cả thế giới cùng nhau. Hương từ bỏ công việc để về hưu cùng vợ mình, hai người trở thành hai người phụ nữ trung niên rảnh rỗi, ngày ngày cùng nhau tập thể dục, đi du lịch, rồi lại đi xem phim, hẹn hò, cả ngày chỉ toàn là bóng hình của đối phương. Bé Thương mỗi lúc một lớn, tròn mười tám tuổi Hương đã cho con bé ra khỏi nhà, dù sao con bé cũng là người giàu nhất nhà, cũng chẳng sợ ra đường sẽ chịu đói chịu khổ. Ngày Thương còn nhỏ Dung thường hay dạy hát cho con bé, con bé lớn lên với niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt, sau khi thi đại học cũng thi vào nhạc viện, ước muốn sẽ trở thành một nhạc sĩ. Sau khi Thương đi rồi hai vợ chồng lại sống với nhau hệt như lúc mới quen, cái cảm giác gông xiềng đeo trên người mười mấy hai chục năm cuối cùng cũng được giải tỏa, hôm đó Hương mua cả heo sữa về mời cha mẹ hàng xóm láng giềng ăn. "Dung này." Hương gọi khi thấy vợ mình đang tìm những sợi tóc bạc con con để nhổ, thật ra tháo mắt kính ra chị ấy cũng không còn thấy rõ nữa rồi, cả một đời dạy dỗ học sinh, dù bắn tia laser một lần cũng không thể làm mắt chị ấy tốt hơn được. Dung nghiêng người nhìn cô, khóe miệng lúc nào cũng như ươm sẵn một nụ cười: "Dạ?" "Không cần nhổ đâu, mình đang sống với nhau cho đến răng long đầu bạc đó, chị phải chấp nhận điều này!" Hương hôn lên bên má của chị ấy, nụ hôn mà ngày nào cô cũng hôn, hôn mãi không thấy chán. Ngày cưới nhau Hương đã hứa là sẽ yêu chị đến trọn đời trọn kiếp, lời hứa này được hai người gìn giữ cẩn thận, mãi đến về sau cũng không bao giờ chia cách đối phương. "Nhưng chị cảm thấy hơi ngứa ngứa đầu, muốn nhổ." Dung mặc dù mắt không quá tỏ nhưng vẫn muốn nhổ tóc, bình thường nếu có Thương Thương sẽ nhổ giúp nàng, nhưng bạn cùng giường của nàng đã tiện tay cho con gái của nàng ra đường ở, vậy nên bây giờ ngứa cũng phải tự nhổ, mà Hương mắt cũng không tỏ để nhổ giúp nàng. Hương đành bắt một cái ghế lại, căng mắt ra mà canh nhổ tóc bạc cho Dung, nhổ mãi cũng không được một sợi nào, Hương thấp thấp giọng nói: "Vợ ơi, hay là mình ra ban công cho sáng, ở đây tối quá không nhổ được." "Có đèn mà?" Dung nhìn lên trần, đèn chẳng phải vẫn mở sáng chưng ư? "Nhưng mà không đủ sáng vợ ơi." "Vậy mình ra ban công nhổ." Dung lọ mọ bắt cái ghế ra ngoài ban công ngồi, Hương cũng cầm nhíp theo sau, cố gắng thêm một tiếng nữa cũng chỉ nhổ được hai cọng. Mà hai cọng đó được nhổ ra Hương vô cùng tự hào, cầm cọng tóc trên tay mà nói: "Thấy chưa, sáng một chút là em nhổ được liền!" "Giỏi ta." Nhưng ngoại trừ hai cọng đó ra trong vòng một tiếng sau Hương cũng không nhổ được nữa, mặc dù trên đầu Dung vô cùng nhiều tóc bạc. Trình độ mù lòa của hai vợ chồng hai người trở nên vô cùng nghiêm trọng, vậy mà dám đuổi nhân tài nhổ tóc bạc ra khỏi nhà, lúc này Dung mới trách vài câu. "Ai mượn con làm phiền mình mấy chục năm làm chi, làm phiền hoài." "Con mình mà." Hương cất cây nhíp vào túi, ôm lấy vợ mình vào lòng thật chặt: "Hiện tại mình sẽ là vợ chồng son, kệ con đi, được không?" "Được." Dung nghe vậy cũng mủi lòng mà đồng ý. Hương cười hề hề gian trá: "Vậy cho xem ngực tí đi." "Già rồi mà còn không nên nết." Tiếng cười của hai người mãi mãi vui vẻ như thế, tình yêu của hai người mãi mãi đầm ấm như thế... Hoàn SG, 2019.10.16 — P.s: Vậy là kết thúc quãng hành trình hơn một tháng chúng mình đi cùng nhau, hi vọng sau khi đọc truyện xong vẫn còn đọng một chút gì đó lại trong các bạn, hi vọng các bạn còn nhớ Dung và Hương cùng tình yêu nhỏ của hai người họ. Cám ơn các bạn ủng hộ nồng nhiệt đến vậy, gặp lại ở những câu truyện sau nhé?
|
Ngoại truyện: Ghen hụt
Trong vòng mười năm chung sống Dung cũng chẳng mảy may ghen lấy một lần, phần là nàng tin Hương, phần là nàng ỷ y vào tình yêu của mình và Hương, vậy nên cho dù có bao nhiêu bóng hồng tiếp cận Hương nàng cũng không để tâm, cũng không vì như vậy mà khiến cho tình yêu của hai người bị lung lay. Nhưng cũng có một lần Dung ghen, lúc đó nàng mới phát hiện ra rằng mình không ghen chính là vì thái độ của Hương làm nàng an tâm, khi thiếu đi một phần thái độ đó nàng mới biết cảm giác chim sợ cành cong là như thế nào. Nàng cũng sợ tình yêu của Hương bị lung lay, sợ mất em ấy. Hôm đó có người nói với Dung rằng thấy Hương hẹn hò với một người đàn ông ở quán cà phê, còn cười nói rất vui vẻ. Dung cũng cảm kích nhận thông tin đó nhưng lại không để trong lòng, tối đó Hương cũng dịu dàng vùi tay vào mái tóc nàng để mát xa cho nàng, nàng chỉ hỏi vu vơ về một ngày của Hương, Hương trả lời đi uống cà phê với bạn và nàng tin người đàn ông đó chính là bạn của Hương. Dung phát hiện ra quỹ thời gian của Hương dành cho người bạn kia ngày càng nhiều, có ngày Hương còn mang cả hoa về nhà, không phải là một bó mà là ba bó. Có hôm Hương còn mang về rất nhiều bóng bay đẹp đẽ, nàng trầm ngâm nhìn một nhà tràn ngập không khí tình yêu mới mẻ, chỉ buồn buồn nói rằng: "Ở đâu ra mà nhiều thứ lặt vặt vậy em?" "Của bạn em đó." Hương cởi áo sơ mi của mình ra móc lên trên giá, mái tóc dài vừa chấm vai của em ấy cũng được em ấy búi lên, cởi hết quần áo ngay trước mặt nàng mà chẳng có chút gì ngại ngùng hay sợ sệt. Thấy nàng còn nhìn nên em ấy khẽ cười: "Chị muốn tắm chung với em hả?" "Không, thôi em tắm đi." Nói rồi Dung khép cánh cửa nhà tắm lại rồi ra phòng khách dọn dẹp mớ bong bóng cho gọn, nàng nghĩ nàng sẽ tin Hương, nhưng sự thật chứng minh rằng nàng cũng phải đề phòng một chút. Nàng không biết người mà Hương đang tiếp xúc là ai, chàng trai đó như thế nào, là bạn hay là một kẻ đang tán tỉnh em ấy. Mặc dù Dung biết nếu phát hiện ra hai người họ có tình cảm với nhau nàng cũng không giải quyết được gì, nhưng mà biết còn hơn không, nếu nàng biết thì nàng chỉ hi vọng em ấy để bé Thương lại sống với nàng, cho dù cuộc sống có mất hẳn đi màu sắc vì thiếu em ấy nàng vẫn sẽ vui vì em ấy có được hạnh phúc. Không phải vì nàng quá cao cả, chỉ là nàng yêu Hương đến độ đem em ấy đặt trên mình, cảm xúc của em ấy lúc nào cũng hơn hẳn cảm xúc của nàng. Dung thấy zalo báo có tin nhắn mới từ Hoàng Bách, chỉ là chưa kịp xem tin nhắn thì Hương đi từ nhà tắm ra, vừa đi vừa vò vò mái tóc ẩm ướt của mình. Sau khi lau tóc xong em ấy liền đi đến chỗ nàng để mát xa cho nàng, như mọi ngày mà hôn lên má, lên trán nàng âu yếm, còn cẩn thận hỏi: "Hôm nay hình như ngày được đúng không?" Bình thường Dung thường đính lên lịch những ngày nào "được" làm chuyện xấu hổ kia, phần vì muốn Hương sống thanh tâm quả dục, phần vì muốn gia đình đi vào nếp nhất định. Nhưng hôm nay Dung không còn một chút hứng thú nào nữa, chỉ nghĩ đến việc ngoài đường em ấy cười nói với người đàn ông khác, ban đêm lại đòi hỏi nàng, nàng không chấp nhận được. "Hôm nay chị tới tháng rồi, để sau đi." Hương bĩu môi dài xuống chạm đất, dằn nàng lên giường để hôn chán chê rồi giải tán, nàng giả vờ nhắm mắt ngủ thì thấy em ấy đang cầm điện thoại nhắn tin gì đó, nhắn xong mới ngủ. Đợi em ấy ngủ say nàng lấy điện thoại của em ấy lên xem thì phát hiện đã xóa hết tin nhắn rồi, lúc này Dung mới biết được rằng chỉ cần lòng tin của nàng dành cho Hương không còn nữa thì nàng cũng sẽ ghen như người trần mắt thịt khác. Nàng biết người đó tên gọi Hoàng Bách, tìm trên facebook thì thấy có bạn chung với tất cả mọi người trừ nàng ra, có khi nào mọi người đều đã biết rồi mà sợ nàng u mê nên không dám nói cho nàng biết không? Cho đến một ngày nàng đi làm về thấy nhà không có ai, ngay cả bé Thương cũng sang nhà ông bà nội rồi. Nàng tắm thay đồ xong cũng lọ mọ sang thì thấy người đàn ông tên Hoàng Bách kia đang đứng phụ Hương việc nhà. Tim Dung như vỡ vụn, nàng thấy họ trông âm dương hòa hợp như vậy càng sợ hãi hơn nữa, có lẽ nào Hương thật sự yêu người khác không? Nàng biết Hương từ khi Hương mới mười bảy tuổi, ở độ tuổi mà em ấy còn chưa yêu một ai, khi em ấy biết yêu thì yêu nàng mười mấy năm, chưa hề biết yêu đương với đàn ông là như thế nào. Nàng chỉ sợ người đàn ông này cuốn bay tâm trí của Hương, tranh giành thứ tình yêu vốn dĩ là của nàng kia. Nàng chỉ sợ em ấy siêu lòng. "Con, làm gì đứng đực ra đó vậy? Lại ăn nho nè con." Bà Trân tuy đã già nhưng chẳng hề lú lẫn chút nào, bằng chứng là đứa cháu ngoan của bà ngồi kế bên để bà đút nho ăn, bà còn biết nho nào nho ngon, cháu bà thích gì bỏ gì. Khi đút cho Thương ăn còn không quên khen cháu bà ăn giỏi quá. Bách quay người lại nhìn Dung, nụ cười trên gương mặt điển trai ấy còn có thể khiến Dung khựng người lại, phải rồi, người ta đẹp trai đến vậy... Nói chuyện một chút Dung mới trốn vào trong bếp nấu ăn, để cho mọi người thoải mái nói chuyện với nhau ngoài phòng khách. Nàng vừa suy nghĩ vừa tủi thân muốn khóc, những tưởng bản thân không còn biết ghen nữa nhưng thì ra nàng vẫn sẽ ghen, là ghen đến độ muốn khóc nức nở. Có lẽ nào nàng sẽ mất Hương không? Mất đi tình yêu bao nhiêu năm của nàng. Nàng đưa tay lau đi giọt nước mắt rơi vội của mình, ai ngờ bị ớt làm cho nóng đỏ một bên má, nước mắt lúc này rơi còn mãnh liệt hơn. Hương đi vào bên trong nhà bếp tìm vợ mình để phụ một tay, vốn là đồ ăn nãy giờ cô nấu xong rồi, chỉ cần cắt một ít ớt để làm nước chấm nữa nên mới để cho vợ mình làm. Chuyện trong nhà ngay cả một ngón tay cô còn sợ chị đụng sẽ mệt, đừng nói là bắt chị làm việc gì, vậy mà lúc nào cô cũng không ngăn được tinh thần hăng hái của chị. "Trời ơi chị sao vậy?" Khi thấy cô, chị vội vã ngồi thụp xuống núp ở góc tường bếp, nhìn trông rất kì lạ. Hương kéo chị nhẹ nhàng để chị không ngã thì thấy chị khóc rất nhiều, hai má còn có dấu đỏ ửng do bỏng. "Bỏng mặt rồi hả? Trời ơi vợ ơi!" Hương vừa lo vừa vội, chỉ hận không thể chịu thay cho vợ mình. Cô run run tay muốn bồng vợ mình ra ngoài thì chị dùng dằng không chịu, bà Trân nghe trời ơi trời hỡi nên chạy vào xem, thấy một màn này còn nhìn thấy ớt ở trên thớt, bà hừ một tiếng trách yêu con dâu mình: "Coi con kìa, ớt cay cả mặt rồi!" "Còn đứng im ở đó làm gì, mau lấy giấm lau cho Dung đi, để cho nóng cháy mặt vậy hả?" Bà quát con gái của mình, vừa quát vừa đi lại gần bếp kiếm chai giấm hoặc rượu, thấy Hương chắn đường còn không quên mắng thêm một câu: "Tránh ra, đứng sàn sàn là mẹ đá rớt xuống lầu à?" Hương vội vã tránh ra, bà lấy giấm rồi kéo Dung về phòng mình để bôi cho con bé. Là mẹ chồng của con bé hơn mười năm nên bà Trân biết rõ tính con bé như thế nào, chuyện cắt ớt này nếu con bé không thất thần hay có chuyện gì con bé cũng không để mình bị thương như thế, bà biết ít nhất là có nội tình bên trong. "Sao vậy con, kể mẹ nghe đi?" Dung cũng không giấu gì bà mà kể hết, không ngờ bà cười đến sặc cả nước miếng. Cười đến độ cả nhà trực sẵn ở cửa chờ bà cười quá mà xỉu thì lôi vào bệnh viện cho nhanh. "Bà nội ơi..." Bà Trân nhịn cười, bảo Dung ngồi yên ở đó rồi mở cửa ra. Triết thấy cảnh tượng khóc cười lung tung như vậy cũng không biết sao, chỉ bảo bà nội rằng mẹ mình có chuẩn bị đồ ăn vặt kêu mang qua đây, còn bảo rằng: "Con muốn gửi thiệp cho ông bà nội với mẹ Dung mẹ Hương đến dự đám cưới của con... Cũng cám ơn mẹ Hương giúp con chuẩn bị tới giờ luôn, hehe." Hoàng Bách cũng đi vào bên trong phòng, trong đầu Dung lúc này như có gì đó nổ ra, thì ra nàng nhảy số quá nhanh chứ không phải Hương phản bội nàng... Thì ra là quê xệ như vậy. "À..." Dung định nói nhưng lại thôi, vốn nàng định nói chị Ngọc thường than trong nhà chị không ai yêu đàn ông, cuối cùng cũng có người yêu đàn ông rồi. Cu Triết sắm một anh chồng mới tinh. Tối đó Dung trốn Hương như trốn tà, vì mỗi khi giáp mặt với nhau Hương sẽ hỏi ghen hả, ghen hả, nàng chỉ muốn đào lỗ chôn mình. Thì ra là cậu chàng sợ người yêu biết mình sẽ chuẩn bị tỏ tình nên mới nhắn xong rồi dặn xóa, vậy mà nàng ghen như thật... ___ P.s: Ai ưa ngọt thì xem đến chương này là được rồi, hết ngọt rồi đó mọi người ơi, mấy chương sau đắng lắm.
|
Ngoại truyện: Người con gái ta thương
Không phải Hân chưa từng biết cảm mến người khác, cô đã từng cảm mến cậu bạn chung lớp năm cô mười hai tuổi, thích mái tóc vàng vì nắng của cậu, thích cách cậu cười sáng như ánh mặt trời ngày hè, thích cậu một cách rụt rè và ngây thơ như bao nhiêu thiếu nữ khác tuổi trăng tròn. Nhưng cô chưa từng biết yêu cho đến khi gặp Dung, người con gái dịu dàng nhu mì chiếm lấy hầu hết tâm trí của cô. Người con gái cô thương... là vợ ngoan của kẻ khác. Chuyện này khiến cô đau lòng bao nhiêu đêm, buồn bã bao nhiêu đêm. Có những giấc mơ cô mơ rằng mình được chị chấp nhận tình yêu, được chị dịu dàng nói rằng: "Hân ơi, chị thương em nhiều lắm." Nhưng giấc mơ cũng chỉ là những giấc mơ hoang đường, khi tỉnh giấc cũng chẳng còn gì xót lại ngoại trừ nước mắt. Như lúc này đây chị gắp đồ ăn cho cô, đôi mắt hạnh trải qua biết bao nhiêu phong sương nhìn lấy cô gái ngồi bên cạnh cô, dịu dàng bảo rằng: "Phải chăm sóc cho người ta thiệt tốt đó nha, đừng có lông ba lông bông nữa, bé Thương năm nay cũng mười bảy tuổi rồi. Em cũng lớn tướng rồi mà cứ như con nít." "Biết rồi mà!" Cô cười, cô biết rồi, người mà cô thương chẳng phải đã đối xử rất tốt rồi ư? Cô gái ngồi bên cạnh cô lúc này chẳng qua là một cô gái ham hư vinh nào đó mà cô gặp ở thương trường, nhìn vào khối tài sản mà cô đã có sau hai mươi năm gầy dựng, thích những thứ xa xỉ mà cô có thể cho. Vậy nên cô đáp ứng hết mọi nhu cầu cô ấy cần, chỉ mong cô ấy sẽ ngoan chứ không như những cô gái khác, tiền trong khả năng cô đều có thể cho. Cô biết mình lợi dụng người phụ nữ khác, vậy nên cô thả cho họ rất thoải mái, cũng không phải cô không biết họ ngoại tình sau lưng cô, chỉ có mặt khi cô cần đi hội họp gì đó, còn lại đều giành thời gian cho những mối khác của họ. Đối với họ cô chẳng khác gì một con ngu dư tiền, có thể cho tiền mà không đòi hỏi tình dục, không đòi hỏi một mối quan hệ nhất định, ắt hẳn cô đã ngu ngốc hết thuốc chữa. "Thôi em về nhé?" Cô cười, ra hiệu cho "bạn gái" mình cũng đứng lên ra về. Dung tiễn cô ra đến bãi đỗ xe trong khi "bạn gái" cô đi vệ sinh, chị đứng dựa vào cửa xe của cô, chẳng phải là giáo viên của cô mà vẫn rất ra dáng nghiêm nghị để dạy bảo cô: "Người này nữa là thì chị hết tay để đếm phải chuyển sang đếm bằng chân rồi, em có định nghiêm túc không đó?" "Trời ơi cô Dung ơi, nghiêm túc đó chứ, mà cũng phải coi duyên tới đâu chứ chị!" Dung khịt khịt mũi không hài lòng, mỗi khi chị ấy không hài lòng gì đó mũi sẽ nhăn lại, cô để ý hết cả. Cô nắm chặt quai cầm của chiếc túi xách, cảm nhận sự đau đớn từ bàn tay khiến cô không mụ mị nữa, đây là hiện thực và chị ở hiện thực chẳng có tình cảm với cô, cô không được nhầm lẫn giữa hiện thực và giấc mơ hư ảo của mình, cô không có chị... mãi mãi không có chị... "Nhớ đó! Lớn rồi phải có một chỗ yên ổn, không còn nhỏ nữa đâu!" "Em biết rồi, chị mau lên nhà đi Hương đợi." Dung gật đầu, còn không quên dặn cô thêm một lần nữa. Cô mỉm cười đáp lại những khi chị cằn nhằn mình, cho đến khi bóng chị khuất dần khỏi hành lang cô mới leo lên xe của mình, "bạn gái" của cô nhắn tin bảo rằng không cần đợi, người ta đã bắt Grab về rồi, cô chạy xe mình ra khỏi khuôn viên chung cư, chạy thẳng một mạch chạy thẳng ra đường lớn. Trong đầu cô ngổn ngan suy nghĩ về chị, chẳng hiểu sao cô lại yêu chị đến độ không thể nào giải thoát cho bản thân như thế, cô cứ hi vọng mình sẽ yêu người khác nhưng không thể nào có một bắt đầu và kết thúc tốt, cô muốn quên chị nhưng hình bóng chị lảng vảng trong đầu mình, hai mươi năm chẳng hề phai nhạt, có lẽ kiếp trước cô nợ chị, nợ chị nhiều đến độ trả cũng không nổi. Mẹ cô đi xem bói, người ta nói rằng kiếp trước cô đã từng hại người cô thương chết đi, vậy nên kiếp này người ta tới đòi mạng. Cô không hề tin bói toán, vậy mà cô nguyện ý tin rằng chị đến đây để đòi nợ mình, ắt hẳn cô làm chị đau đớn rất nhiều nên mới phải trả giá bằng sự cô độc như thế... Bé Thương ăn sinh nhật mười tám tuổi cũng là lúc cô bỏ Sài Gòn tìm lên vùng cao để làm thiện nguyện, cô cho Thương một nửa số tiền cô kiếm được cả cuộc đời mình, còn một nửa cô đem đi từ thiện. Cô biết ông bà ngoại của Thương có cho con bé một số tiền ăn cả đời không hết, nhưng cô cũng muốn cho con bé tiền của mình, dù sao cả đời này cô sống cũng chỉ vì chị và con gái của chị... cô thương con bé như là con gái ruột của mình. Cô biết Thương đủ lớn để chăm sóc cho mẹ mình rồi, vậy nên cô mạnh dạn bỏ đi, để lại chị và tình yêu đơn phương của mình ở Sài Gòn hoa lệ. Cô ăn ở và sinh hoạt với người nghèo, cô di chuyển khắp các vùng sâu vùng xa ở Tây Bắc để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Đem tình yêu một người biến thành tình yêu vạn người, cô biết rằng ở nơi đó chị đang sống yên ổn là được, tình yêu này cô xin phép được cất giữ chúng mãi mãi ở trong tim. Dung biết rằng Hân bỏ đi rồi, cô không cản được ý định của em ấy nên đành phải nhìn em ấy xách ba lô bỏ đi. Ý chí của em ấy mãnh liệt đến độ cô cũng bị thuyết phục, chỉ đành vẫy tay chào ở sân bay tiễn em ấy lên đường. "Đi đường cẩn thận nha mẹ..." Thương lưu luyến không nỡ rời xa mẹ nuôi của mình, mười tám năm nay ở bên bảo vệ cô, bây giờ mẹ đi rồi cô không thể nào không rơi nước mắt. Cô khóc như mưa, mẹ Dung phải vuốt ve tóc cô dỗ dành cô không khóc nữa. Hương chỉ vỗ vai Hân bảo rằng: "Cẩn thận đường xá." Hân mỉm cười nâng ba lô của mình lên, bàn tay nắm lại vô cùng quyết tâm: "Em nhất định sẽ giúp cho rất nhiều người! Dù sao tiền cũng kiếm được từ xã hội, em nên trả lại cho xã hội!" "Bình an." Dung mỉm cười chúc Hân lần cuối, nhìn em ấy cười nhưng nàng cảm nhận được sự bi thương trong mắt của em ấy, nàng sợ phải biết chúng là loại cảm xúc gì, nàng cố tình phớt lờ chúng, phớt lờ cả hai mươi năm nay. Một năm sau gia đình Dung chỉ có thể liên lạc với Hân qua điện thoại, qua hình chụp và thư từ, một năm nữa trôi qua cũng chỉ liên lạc được qua điện thoại, cho đến một ngày báo đài liên tục đưa tin về một vụ sạt lở ở nơi Hân đang ở. Dung lo lắng gọi điện thoại nhưng thuê bao báo là không liên lạc được. Cho đến khi có người gọi cho nàng báo rằng Hân đã mất trong vụ sạt lở rồi, đáng lẽ ra em ấy có thể tránh được nhưng em ấy vẫn cố gắng ở trong cơn bão lớn đó mà cứu những người trong vùng sạt lở, em ấy giúp được năm người, nhưng bù lại bằng mạng sống của chính mình. Em ấy mất đi trong một đêm mưa tầm tã, vùi chôn mạng sống của mình ở dưới vùng trời Tây Bắc. Trong đám tang của Hân, Dung chỉ lẳng lặng đốt giấy tiền vàng bạc, nàng chẳng dám khóc vì sợ nước mắt của mình sẽ làm em ấy nặng lòng. Nhưng nàng trách, vừa đốt giấy tiền vàng mã vừa trách: "Em biết chị không thích đốt giấy tiền vàng mã mà em lại chết trước chị, hư!" Hương chỉ lẳng lặng ôm vợ mình vào lòng, hôn lên trán, lên tóc chị dỗ dành. "Hương... Không phải Hân hứa sẽ chết sau để đi rải tro cho chị hả? Tự nhiên lại chết trước?" Dung ngước mặt mình lên nhìn Hương, nước mắt của nàng rơi lúc nào còn không hay. Nàng dặn bản thân mình không khóc nhưng không hề biết rằng nàng đã khóc từ lúc nào. "Ngoan..." Hương vuốt ve lưng áo của vợ mình, đôi mắt cũng phiếm hồng từ lúc nào. Luật sư của Hân đến đám tang để phổ biến những gì Hân để lại trong di chúc, mọi thứ theo ước nguyện của Hân mà làm, chỉ giao cho Dung một lá thư mỏng manh. Có vẻ như em ấy luôn dự trù cho cái chết của mình... phải cô đơn thế nào mới có thể lo liệu cho cái chết của mình chu toàn như thế... Mất một năm sau Dung mới dám mở bức thư kia ra đọc, trong thư chỉ có vài dòng chữ đề rằng: "Hình như em chết rồi thì phải? Đừng buồn vì em rời đi trước, mặc dù em không muốn chết trước chị đâu. Em đợi chị... đợi chị hoàn thành lời hứa của mình. Có lẽ lúc này em nói ra điều này sẽ không làm chị thấy khó xử nữa đâu nhỉ? Em muốn nói là em yêu chị, yêu chị từ khi chị còn mặc áo dài màu cam nhạt màu nắng, yêu chị từ khi chị còn vương vấn gông xiềng cho đến khi chị già đi xấu như quả ấu. Cười rồi đúng không? Vui lên cho Hương đừng lo, nhớ nhé, vui luôn phần của em đấy." Ngày hôm ấy khi cơn đau từ đất cát đè lên mình khiến Hân ngất đi, trong mê man một phần giữa sự sống và cái chết, cô thấy chị ngồi bên cạnh cô dịu dàng, tay chị vuốt mái tóc bị cát làm dơ của cô, chạm vào dòng máu nóng trên trán cô tứa ra, ôn tồn nói rằng: "Đừng sợ... Hân, đừng sợ." Hân cố gắng cười một nụ cười méo mó, nàng chẳng phải là người hạnh phúc nhất rồi ư? Trước khi chết còn có thể mơ thấy chị, người con gái mà cô thương suốt cả cuộc đời.
|
Ngoại truyện: Gia đình lạ lẫm
Tôi là Thương, Huỳnh Vũ Hoài Thương. Cái tên sến súa như vậy đã theo tôi được hai mươi năm trời, ngày ra làm nhạc sĩ tôi có xin mẹ cho đổi tên, mẹ đồng ý, vậy nên cái tên này đã không còn theo tôi nữa. Nhà tôi là một gia đình rất đặc biệt, tôi không có cha mà có tận hai người mẹ, người ta hay gọi là gia đình bê đê, ô môi, hay những cái tên nào khác mà họ có thể nghĩ ra. Tôi có ông bà ngoại, mẹ tôi không thích cho tôi tiếp xúc với ông bà nhưng tôi vẫn len lén gặp, ông bà ghét mẹ tôi vô cùng nhưng lại thương tôi, bao nhiêu thứ ngon, thứ đẹp đều cho tôi hết, có lẽ vì tôi là cháu duy nhất trong nhà. Mẹ Dung thường trầm ngâm nghe tôi kể về ông bà ngoại, ông bà khỏe thế nào, sống tốt thế nào. Đôi khi tôi thấy nước mắt rươm rướm trên mi của mẹ, mẹ muốn khóc nhưng lại giả như là chẳng sao, tôi cũng không vạch trần mẹ. Có lẽ là mẹ vẫn còn thương ông bà ngoại rất nhiều, cho dù bao nhiêu lần gặp mặt cũng bị chửi, bị đánh, bị mỉa mai. Tôi cũng có ông bà nội, ôi, ông bà nội của tôi hệt như ông bụt và bà tiên, họ yêu thương tôi đến độ tôi cũng sắp bị chiều hư đến nơi. Mỗi khi bị mẹ mắng tôi thường chạy ngay sang nhà ông bà nội, mách lẻo một hơi rồi nghênh ngang cùng ông bà nội đi sang nhà mẹ, thành sủng vật không thể nào bị mắng chửi. Mẹ Hương của tôi tuy không phải quá đẹp nhưng gương mặt nghiêm nghị và trang trọng, có lẽ là do khoảng cách từ ngày hôm đó cho nên mẹ không còn thân cận với tôi quá nhiều nữa, thái độ hoàn toàn nghiêm khắc, chỉ cần nói năng hơi lớn tiếng một chút mẹ sẽ mắng tôi, tôi biết là do tôi sai, vậy nên tôi cũng cố gắng thay đổi rất nhiều. Còn mẹ Dung, một người mẹ luôn dịu dàng và lắng nghe tôi, mẹ biết tôi cần gì và đang nghĩ gì, mẹ có thể dùng hàng giờ để hát cùng tôi những bài hát tôi mới sáng tác, mẹ có thể cùng tôi đi mua sắm đồ con gái, có thể cùng tôi tâm sự chuyện tôi thích một cậu bạn nào đó. Tôi xem mẹ như một người bạn tin cậy của mình, chuyện tôi kể cho mẹ chưa bao giờ lọt ra bên ngoài. Nhưng con người ai cũng có khi lầm lỗi, tôi cũng vậy. Đó là một kỉ niệm tôi nhớ mãi không quên. Năm đó tôi mười lăm tuổi, chỉ mới chuyển sang trường cấp ba. Vì ở trường cấp hai ai cũng biết tôi có hai người mẹ như thế, cho đến khi qua trường cấp ba là môi trường mới, các bạn bới móc đời tư của tôi lên rồi suốt ngày trêu chọc tôi. Mọi hôm chỉ trêu chọc nho nhỏ, cho đến một hôm có một đàn chị đến, nắm lấy tóc tôi rồi cười ha hả bảo rằng: "Ê, nghe nói mẹ mày đồng tính hả?" "Không liên quan gì đến chị!" Tôi vùng vẫy cố thoát ra, nhưng bàn tay ghì chặt trên đầu tôi khiến da đầu cũng tê rần, đau đến độ muốn rớt nước mắt. Nhưng càng đau tôi càng không thể nào thể hiện ra, cố gắng giấu vào không cho ai biết. Đàn chị kéo tôi lên giữa lớp, huênh hoang bảo: "Xin giới thiệu với mọi người, đây là con bé con của bê đê đây." Tôi xấu hổ, nhục nhã trước những tiếng cười của các bạn cùng lớp, đối với họ chỉ là một tràng cười còn đối với tôi là tất cả những sự sỉ nhục. Chiều hôm đó tôi về nhà với đầu tóc rối bù, lúc này chỉ có mẹ Dung ở nhà, mẹ có thể phát hiện ra tôi rất lạ, vậy nên mẹ nắm lấy cánh tay tôi lại hỏi: "Con có sao không?" Có lẽ là do tôi khá phản nghịch vào độ tuổi này, cũng có lẽ là tôi quá xấu hổ nhục nhã về chuyện buổi trưa mà lớn tiếng cãi với mẹ, tôi hét thật to: "Tại sao mẹ không lấy đàn ông! Tại sao mẹ lại bệnh hoạn như vậy?" Mẹ chết trân nhìn tôi, môi mẹ run run không thốt nổi ra lời, đôi bờ vai mỏng manh cũng run rẩy. "Mẹ... mẹ... mẹ..." "Con ước gì ba mẹ con giống ba mẹ bình thường!" Tôi hét lên một tiếng rồi vùng tay chạy ra khỏi mẹ, mẹ cũng không cản tôi lại, lúc đó tôi còn giận mẹ thật nhiều. Tối hôm đó mẹ Hương về, tôi cứ tưởng mẹ sẽ mách cho mẹ Hương đánh tôi một trận nhưng mà mẹ không làm vậy. Cửa phòng của hai người đóng lại im lặng, nhưng bên trong phòng tôi có nghe tiếng khóc của mẹ Dung, nhỏ, nhưng khiến tôi hối hận không thôi. Bảy giờ tối, tôi nghe tiếng khóc thút thít của mẹ. Tám giờ, tôi lại áp tai vào cửa lắng nghe thì vẫn nghe tiếng mẹ Dung khóc nho nhỏ, tiếng mẹ Hương dỗ dành. Chín giờ, tiếng khóc cũng im lại, hai mẹ đã ngủ. Chín giờ rưỡi tôi đang ngủ thì nghe tiếng ồn ào giữa nhà, vội vã mang dép vào chạy ra thì thấy mọi người tụ tập rất đông ở phòng khách, họ mang mẹ Dung ra khỏi phòng một cách hốt hoảng. Tôi không còn thần trí nào mà mặc áo khoác vào, chỉ ngồi thinh lặng trên xe cấp cứu với một trái tim thấp thỏm, mẹ rốt cuộc bị gì rồi, sao mặt mẹ tái nhợt đến thế? Bác sĩ bảo tim của mẹ Dung không tốt, không phải vì kích động mà có chuyện, chẳng qua kích động chỉ khiến cho bệnh của mẹ tệ hơn. Bác sĩ bảo có thể chữa trị nhưng mạng sống giữ được hay không bác sĩ không chắc, trong vòng bảy ngày hôn mê không sống thì chết, gia đình nên chuẩn bị tinh thần. Tôi còn nghe nói là tim của mẹ hình như bị tắc nghẽn mạch, máu không thể lưu thông được, điều bác sĩ có thể làm đó chính là cố tình làm cho thông mạch máu, cứu được mẹ không là chuyện của Chúa tính. Đó là lần đầu tiên mẹ Hương tát tôi, một cái tát thật đau. Đó cũng là lần khiến quan hệ giữa tôi và mẹ Hương không còn như xưa nữa, mặc dù đã làm lành nhưng mẹ lúc nào cũng giữ thái độ xa lánh với tôi. "Mẹ cũng ước mẹ có một đứa con hiểu chuyện hơn." Mẹ Hương đã nói như thế, đáp trả lại câu nói của tôi dành cho mẹ Dung vào buổi chiều. Thật ra hai người mẹ của tôi còn tốt hơn những gia đình bạo hành khác, những gia đình hờ hững và túng thiếu, những gia đình không có một chút đối đãi tình yêu nào. Nhưng trong một phút nào đó tôi đã quên mất mà tổn thương mẹ mình, đó là lỗi của tôi. "Con xin lỗi... con xin lỗi mẹ..." Tôi còn không ngăn được nước mắt của mình, mẹ Hương chỉ im lặng là ngồi thừ bên ngoài phòng bệnh, bác sĩ không cho hai mẹ con tôi vào căn phòng toàn bệnh nhân bệnh nặng như thế này. Bảy ngày hôm sau rốt cuộc mẹ tôi cũng khỏe lại và chuyển sang phòng bệnh bình thường, khi thấy tôi, mẹ tôi chỉ bảo mẹ Hương đi ra ngoài cho hai mẹ con nói chuyện. Mẹ Hương vừa ra khỏi phòng bệnh tôi đã quỳ xuống để nhận lỗi với mẹ mình, mẹ chỉ mỉm cười kéo tay tôi dậy, bảo là: "Cho dù có thế nào mẹ cũng không hối hận khi sinh ra con, mẹ thương con lắm." Tôi khóc còn dữ hơn, tại sao mẹ lúc nào cũng tốt với tôi như thế, tôi tổn thương mẹ mẹ cũng không để tâm. "Con xin lỗi mẹ..." Tôi dựa vào người bà mà khóc, tôi còn sợ nếu ngày hôm đó không cứu được tôi đã mất mẹ vĩnh viễn. Thôi, thà là mẹ như thế còn hơn, tôi vẫn muốn là một gia đình hoàn chỉnh. Và sự việc này cũng là sự việc khiến tôi hối hận cả đời.
|
Ngoại truyện: Ngọc Hương, Phương Dung
Khi ông bà ngoại tôi chết, họ để lại hết tài sản cho tôi, từ căn nhà to rộng mặt tiền đường quận 6 cho đến giấy tờ nhà đất, tiền bạc trong ngân hàng. Hai người mẹ của tôi cũng không có ý muốn lấy đi thứ gì từ tôi, chỉ để cho tôi tự do hưởng nhận tài sản đó. Vậy nên năm mười tám tuổi sau khi ra trường tôi đã có nhà riêng, mẹ Hương bảo tôi đã đến lúc tự lập. Căn nhà đó quả thật rất sang trọng, rộng rãi, khi tôi nhận nhà còn có chút không tin được. Bọn tôi ở một căn chung cư tầm một trăm mét hai phòng ngủ, nhìn đã tưởng to lắm rồi, không ngờ nhà của ông bà ngoại còn to hơn thế nhiều. Tôi đến phòng của ông bà ngoại nhìn thấy bức ảnh ông bà treo trên đầu giường, hai người họ mặc dù không thương mẹ tôi nhưng lại thương tôi hết mực, cho nên tôi cũng không có ác ý với ông bà ngoại, thậm chí còn thương họ rất nhiều. Đóng cửa phòng ngủ của ông bà ngoại lại, tôi tìm đến phòng ngủ của mẹ mình lúc trước khi lấy chồng. Bên trong phòng của mẹ ngăn nắp cẩn thận, giá sách âm trên tường chắc cũng khoảng một ngàn quyển, thành tích của mẹ Dung rất nhiều, tôi không ngờ mẹ mình trước khi lấy chồng lại giỏi giang đến vậy. Tôi lục lọi khắp phòng, vô tình tìm trong nơi sâu nhất là một hộp đồ đan len của mẹ, lúc đó tôi lại thấy khóe mắt cay cay, mẹ tôi từng kể ông bà ngoại không thích mẹ đan len, thì ra mẹ phải giấu kĩ đến vậy. Ngày tôi lấy chồng có hỏi mẹ rằng làm thế nào để gia đình êm ấm, mẹ Dung sờ sờ mái tóc của tôi, nhu mì bảo rằng: "Muốn gia đình êm ấm thì phải quan tâm nhau, chia sẻ với nhau những gì mình nghĩ một cách thật lòng. Ví dụ như nếu mẹ không thích mẹ Hương làm chuyện gì, mẹ sẽ bảo rằng: "Mình ơi, chị chỉ muốn góp ý cho em rằng đồ ngoài đường thay ra treo trên móc sẽ gọn gàng hơn, chị cũng không phải dọn." "Nhưng nói như vậy cải lương lắm mẹ." "Vậy con có thể hét lên vào mặt chồng con, bảo rằng có chút xíu chuyện cũng không làm ra hồn." "Nhưng như vậy vô lễ quá mẹ." "Vậy nên cho dù có sến một chút con cũng phải nói nhẹ nhàng, chẳng ai muốn nghe lời một kẻ ăn to nói lớn. Ai cũng ưa ngọt mà con." Tôi bĩu môi: "Quan trọng là mẹ Hương thương mẹ thôi, mẹ không nói mẹ Hương cũng tự giác." Mẹ Dung mỉm cười: "Vậy nên càng phải lấy đúng người." Nhưng chung quy sinh ly tử biệt cũng không phải là chuyện có thể tránh khỏi, khi con của tôi tầm năm tuổi thì mẹ Dung mất. Hôm đó tôi đi làm bình thường như mọi ngày, có điều khi ngồi ở phòng thu tay tôi bất giác run lên, tim cũng đập như muốn quặn thắt trong lồng ngực. Khoảng chừng nửa tiếng sau thì dì Phương gọi báo là mẹ đã mất rồi. Tôi đoán mẹ Hương còn không có tâm trí để gọi điện. Tôi không tin được mẹ đã mất, vì cách đây vài hôm mẹ còn gửi sang nhà cho tôi một lọ dưa muối chua to, còn bảo tôi thích ăn nên mẹ làm. Mẹ tôi là một người phụ nữ khỏe mạnh và sống rất lành mạnh, tôi không nghĩ là mẹ sẽ mất nhanh đến thế. Khi tôi đến nhà tang lễ thì thấy rất đông người, mẹ tôi nằm bên trong quan tài, một phần ba nắp quan tài mở ra để người thân có thể nhìn thấy mặt người đã mất. Mẹ Hương tiếp đãi những người đến viếng rất chu đáo, mẹ càng tỏ ra ổn tôi càng lo cho mẹ, mẹ thương mẹ Dung như vậy, lúc như thế này mẹ không nên bình tĩnh như vậy mới phải. Dì Phương khóc nấc lên bảo rằng: "Mẹ con nói muốn đi ngủ một chút, không ngờ ngủ một chút là đi rồi..." Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt chẳng nghe lời tôi, chúng rơi xuống lũ lượt thì bị tôi cứng đầu lau đi, có lẽ mẹ Dung thương tôi vì tôi giống mẹ Hương, tính tình bình tĩnh đến cứng nhắc. Có lẽ bây giờ tâm tình của mẹ Hương đang giống tôi, đau mà cố giả vờ như chẳng sao cả. "Dung sống rất tốt, vậy nên em ấy chết rất nhẹ nhàng... Đó là phúc của em ấy." Dì Thư dỗ dành dì Phương, bảo rằng mẹ tôi sống phúc đức lắm mới chết "ngọt" như vậy. Tôi cũng không biết phúc đức đó là loại phúc đức gì, chỉ thấy bản thân mình sắp chống đỡ không nổi nữa rồi. Qua câu chuyện mọi người thuật lại tôi mới biết mẹ đang xem tivi thì ngáp dài bảo buồn ngủ, hơi chóng mặt, mẹ Hương đi làm nước chanh cho mẹ uống cho lại sức, vừa làm xong đem vào phòng gọi mẹ dậy mẹ đã không còn dậy được nữa. Mẹ tôi mất, mẹ Hương run rẩy phát hiện ra mẹ chết rồi, gọi bảo xe cấp cứu đến cứu mẹ dậy, nhưng đáng tiếc mẹ tôi không dậy được nữa. Tôi cũng không còn nghe được mẹ gọi Thương ơi trìu mến nữa, cũng không được mẹ tỉ mỉ bóc cua cho, mẹ lắng nghe tôi mỗi khi cãi nhau với chồng, mỗi khi dạy con con không nghe, mỗi khi con bệnh mẹ cũng không ở bên chỉ dẫn tôi. Tôi chưa nghĩ đến một ngày xa mẹ, vậy nên lúc này đây tôi muốn ngã quỵ, sự mất mát này làm sao mới có thể bù đắp được? Mẹ Hương vẫn nói chuyện bình thường, ai đến an ủi cũng được mẹ dỗ dành lại, người nào muốn mẹ kể cho nghe vì sao mẹ Dung chết mẹ cũng kể. Tôi thấy mẹ thật sự không giống mẹ thường ngày, tôi còn nghĩ nếu như vậy mẹ Hương sẽ khóc lóc kêu gào dữ dội, vì mấy lần mẹ bệnh mà mẹ Hương không khóc đâu? Mẹ sống rất tốt cho nên học sinh cũ của mẹ tìm về rất nhiều, ai cũng đều lớn cả, có người còn đem cả con đến để con của mình chào tạm biệt mẹ. Tôi biết mẹ tôi sống rất tốt, hay giúp đỡ người khác, vậy nên họ đến đáp lễ cho mẹ cũng không có gì lạ. Tôi cố gắng mạnh mẽ để lo liệu những ngày đám tang của mẹ, sau ba ngày thì đem đi chôn. Di nguyện của mẹ Dung đó chính là được hỏa thiêu, nhưng mẹ Hương nhất quyết đem mẹ Dung đi chôn, tôi không biết vì sao mẹ lại trái ý mẹ Dung như thế. Học sinh của mẹ Dung đến không kịp thì qua tới tận nhà mà viếng, thật sự rất đông học sinh sinh viên, chức này chức nọ, nghề này nghề nọ đủ cả. Mẹ tôi trồng người rất tốt, cây cũng xum xuê quả, tôi nghĩ đây là món quà to lớn nhất cho mẹ, mẹ xứng đáng có vì một đời giảng dạy hết lòng của mình. Mẹ Hương thường hay quét dọn mộ cho mẹ, tôi tưởng mẹ Hương rất bình tĩnh, có thể chống đỡ được dù mẹ Dung có chết đi. Ai ngờ một ngày tôi về nhà thăm mẹ, đứng trước cửa phòng ngủ nghe tiếng khóc thút thít của mẹ, còn nghe tiếng mẹ tỉ tê bảo rằng: "Dung ơi... Chị bỏ em đi trước em nhớ chị thì biết làm sao?" "Lúc nào em cũng nhớ chị... chị nếu có ở đây thì về báo mộng cho em biết đi, cho em gặp chị cũng được..." Tôi chỉ biết ôm miệng mình mà khóc, tránh cho khóc lớn tiếng kinh động đến mẹ mình. Thì ra mẹ tôi cũng không phải một người phụ nữ mạnh mẽ như tôi nghĩ, thì ra mẹ sụp đổ rồi, là từ từ sụp đổ ở bên trong, không cho bất kì ai có thể chữa lành cho mình, cũng như không muốn nghe những lời khuyên thừa thãi. Mẹ Hương bệnh, chỉ một cơn cảm cúm nho nhỏ cũng có thể quật ngã mẹ. Sau khi mẹ Dung chết được một tháng thì mẹ cũng mất, tôi trong vòng một tháng mà mất đi hết người thân của mình, tôi khóc còn không nổi, bạn tôi phải đứng ra làm đám tang thay cho tôi, còn tôi thì cứ vào viện truyền nước rồi lại ra nhà tang lễ, rồi lại phải nhập viện. Di nguyện của mẹ Hương ghi rất rõ ràng: "Đem tôi và vợ tôi thiêu cùng với nhau, tro rải ở đỉnh Pú Đao, nơi chúng tôi là cả một thế giới của đối phương." Thì ra mẹ không phải cố ý làm trái ý mẹ Dung, mẹ đang cố gắng đuổi kịp người mình yêu, muốn được cùng người mình yêu phiêu tán khắp cùng trời cuối đất. Tôi làm theo di nguyện của mẹ, bệnh vừa khỏi thì đi máy bay lên Tây Bắc, đem tro của hai người mẹ cũng mình rải ở trên đỉnh Pú Đao. Cuối cùng họ cũng được nắm tay nhau phiêu tán trong gió như ước nguyện của cả hai, tôi đau đớn nhưng vẫn cố tạo một nụ cười, lần cuối cùng tôi còn có thể ở chung với mẹ. Khi về đến nhà dọn dẹp nhà cửa của mẹ thì phát hiện trong tủ thuốc của mẹ Hương vẫn còn, thuốc từ một tháng trước đã không còn uống. Thì ra không phải mẹ bị cảm quá không dậy nổi mà là bệnh này dồn dập với bệnh kia, gan thì bị đào thải, vậy nên mới mất đi. Thì ra mẹ suy tính cả rồi, bỏ lại một minh chứng cho tình yêu của hai người lại, là tôi, họ bỏ một mình tôi sống trên đời này. Tôi buồn bã bỏ bịch thuốc của mẹ vào trong tủ, ngồi thừ người ở bên giường nhìn lên tấm hình cưới của mẹ. Trên hình mẹ Hương và mẹ Dung cùng nhau mặc hai cái áo dài đỏ, mẹ Dung thả mái tóc mềm mượt của mình xuống, cài lên đó là kẹp hoa giả suôn theo mái tóc, mẹ Hương thì thắt tóc, cài những bông hoa li ti nho nhỏ. Hai người vui vẻ nắm tay nhau, mẹ Hương vui đến nỗi cười tít cả mắt còn mẹ Dung thì chỉ cười hiền, nhưng tôi biết mẹ cười như thế đã rất vui rồi. Trên hình cưới còn ghi. Ngọc Hương và Phương Dung. Lễ thành hôn.
|