Cửu Long Quái Sự Ký Thiên 1: THẤT SƠN U LINH
|
|
Tất Cả truyện đều thuộc bản quyền của Liên Hệ Facebook Tác giả: Lâm Gia - Thái Bảo https://www.facebook.com/lamgia.thaibao
hoặc BÁN SÁCH/FILE TRUYỆN GIÁ TRÊN TRỜI Để thuận tiện cho nhiều bạn mới biết đến fanpage nên mình post giá sách/file truyện ở đây để mọi người tham khảo, ai thích thì mua không thích thì mua.
Cập nhật giá SÁCH: LINK
Thuận mua vừa bán, anh em vui lòng hong chê mắc rẻ ạ ❤
Cửu Long Quái Sự Ký Lâm Gia Thái Bảo THIÊN MỘT : THẤT SƠN U LINH
PHẦN 1 Thân, Tý, Thìn Cuối thế kỷ XIX, miền Nam đón một lượng khá đông người Hoa từ Trung Quốc sang định cư, phần vì tình hình xã hội bất ổn bên Trung Quốc lúc đó, ngoài ra khi những người bà con của họ sang đất miền Tây Việt Nam, vì có cuộc sống khá dễ chịu hơn nên biên thư về cố hương. Trong những người đi đợt ấy, có tổ nội của tôi. Họ đem theo phần nào đó văn hóa và cách sống quê cũ, hòa trộn nó với bản sắc địa phương, cho ra đời một nền lề lối đậm chất vùng đất mới. Tôi có nguồn gốc từ những người được gọi là “Minh Hương”, nhưng do thời gian chảy trôi không ngừng, đến lúc này trên chứng minh nhân dân, nghiễm nhiên tôi có quốc tịch Việt Nam, dân tộc Kinh, vẫn được gọi là hậu duệ của con rồng cháu tiên. Nói nào ngay, tôi rất tự hào vì chuyện đó. Còn nhớ những lần tôi nghe ông nội tôi kể về những ngày tháng mới sang, cuộc sống tuy hơi khó khăn, chủ yếu về mặt ngôn ngữ và văn hóa, nhưng cũng tạm gọi là thoải mái. Lúc ông còn nhỏ, ông cố của tôi, tức ba của ông, gửi ông học nghề từ một người bà con, làm việc chạy vặt trong lò mổ heo. Tiếng kêu la thảm thiết của những con vật đáng thương đó, buồn thay lại là một trang ký ức tuổi thơ của ông nội. Từ sáng sớm, khoảng hai ba giờ, người ta chọc tiết heo để kịp thịt tươi cho phiên chợ sớm. Những lần đầu chứng kiến, ông rất sợ thậm chí là ám ảnh nặng, bởi vì chúng cũng có cảm xúc, cũng vùng vẫy y hệt con người. Có khi, ông thấy chúng còn khóc lóc như van xin nài nỉ, nhưng cây dao bầu nặng trịch trong tay người đồ tể vẫn thọc thẳng vào cổ, huyết bắn ra tung tóe. Rồi từ từ ông tôi cũng quen. Làm nghề đó chừng bốn năm năm, ông quyết định không làm nữa. Chuyện đó mỗi lần kể lại, ông vẫn còn sợ, một nỗi sợ miên mang mang tên nhân quả báo ứng. Chả là trong lò mổ, có một ông, gọi là Lão Sái. Lão Sái hành nghề có hơn ba mươi năm, đầu trọc lưa thưa vài sợi tóc, tai to mũi rộng, có người hay chọc ổng nhìn y như Trư Bát Giới. Lão Sái chọc tiết không dưới hai vạn con heo bằng đôi tay của mình, lão ta lành nghề, đưa dao rất điệu nghệ, xả thịt nhẹ như không, trong lò mổ ai cũng khen tấm khen tắc. Khi làm việc, mặt lão không hề có chút biểu cảm, trơ ra trước tiếng kêu la và máu tanh. Với lại, lão cũng rất bặm trợn và cộc tính, có lẽ là do thói quen nghề nghiệp. Đến hôm nọ, mẹ nuôi của lão mất. Lão Sái lúc nhỏ gia cảnh khó khăn, mất cha từ bé, trong xóm có một người phụ nữ tuy không giàu có gì, nhưng thương tình đồng hương, góp tiền cho nhà lão sống qua ngày, rồi nhận lão làm con nuôi. Trước ngày mất ít lâu, người này có bảo lão thôi đừng làm nghề đồ tể nữa, nhưng lão nào có nghe. Đám tang, Lão Sái để tang vài ngày rồi cũng quay lại chọc tiết heo tiếp. Bẵng đi vài tháng, đêm đó Lão Sái nằm mộng, thấy mẹ nuôi hiện về bảo ngày hôm sau hắn đừng thọc tiết con heo nào, kẻo giết ngay ân nhân. Vừa mơ tới đó thì vợ lão giục lão dậy để làm việc. Lão Sái như thường ngày, vào chuồng bắt một con heo, hôm nay có người đặt heo sữa quay, nên lão lựa ra một con béo tốt. Con vật xấu số kêu lên những tràng thảm thiết, nó giãy hết sức, nhưng càng giẫy thì Lão Sái càng siết chặt tay, đè nó xuống. Xộc. Máu trào ra. Tiếng rống của con heo giảm dần rồi tắt lịm. Lão Sái thấy con heo như trào nước mắt, đầy vẻ căm thù. Chiều hôm đó, trên lúc ngồi đò dọc đi ra chợ thì đò gặp tai nạn, tông phải một chiếc ghe chở lúa, Lão Sái cùng vợ bị hất văng xuống sông, một chiếc ghe chở gạo đi ngang gần đó, vô tình làm sao đúng ngay chỗ vợ chồng lão vừa rơi xuống, chỉ nghe tiếng chân vịt kêu những tiếng lạnh ngắt, bọt nước từ bánh lái túa ra một màu đỏ thẫm… Dân tình xúm lại xem thi thể hai vợ chồng lão, ai nấy đều nhăn mặt đầy sợ hãi, trước mặt họ là hai thi thể bị chân vịt chém, nhưng phải nói đúng hơn giống như họ bị xả thịt. Một đường chém dài từ cuống họng đến tận hạ bộ, đồ lòng còn vương lại chút ít, giống như… Giống như những con heo đã bị lão Sái thọc tiết, treo lên trong suốt ba mươi năm hành nghề.
|
Có người bảo con heo con đó là vong hồn người mẹ nuôi đầu thai. Lão đã giết đi ân nhân của mình nên lãnh hậu quả báo ứng, sinh nghề tử nghiệp. Tuy nhiên, con heo đó kiếp trước có là ai đi nữa, đối với ông nội tôi cũng không quan trọng. Ông sợ sẽ đi theo vết xe đổ của Lão Sái, sợ có ngày không vượt qua được hai chữ quả báo như vậy. Thế rồi từ từ ông nhát tay hơn, đến khi chịu không nổi nữa thì ông nghỉ. Ông cố tôi cũng không trách mắng gì cả. Nghỉ ở nhà chẳng được bao lâu, nội tôi đi theo một người bạn, lái ghe chở gạo cho các vựa. Đó là khoảng những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nghề này thì an nhàn tâm tính hơn, nhưng khổ cực thân xác cũng không ít. Có những khi đi đến cả tháng mới về nhà là chuyện thường. Hồi đó, dân cư còn thưa thớt, đến bảy tám chục phần trăm kênh rạch sông ngòi ở miền Tây này đều lát đát nhà cửa, còn những khúc sông ở Miệt Thứ, U Minh, Vàm Nao thì đi cả chục cây số không kiếm được một cái nhà. Chuyện đi cả ngày trời mới gặp một thôn xóm nhỏ không phải là lạ. Do đó, trong giới sông nước truyền miệng nhau vô vàn những huyền thoại, truyền thuyết về ma quỷ yêu tinh. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, ông cố tôi vẫn nhắc đi nhắc lại với nội tôi như vậy. Nhưng thanh niên trai tráng, cũng đã từng cầm dao chọc tiết heo cả mấy năm trời, cho nên ông tôi cũng có phần gan dạ hơn, nếu không muốn nói là ngang tàng. Cho đến khi những câu chuyện tưởng chừng như chỉ được nghe kể bất ngờ ập đến, ông tôi mới biết sợ ma là gì. Chuyện là có lần nọ, ghe chở gạo đi từ Tiền Giang về Năm Căn. Lúc chiều đến một ngã ba, từ ngã ba đó đến sông Năm Căn còn chừng hơn ba mươi cây. Bỗng nhiên lúc đó nổi lên trận cuồng phong, mây đen kéo mù trời, trong phút chốc ông tôi đánh lái nhầm vào hướng khác với hướng định đi. Hai người trên ghe đều không biết mình đi nhầm đường, phần vì nhánh sông nào cũng đều toàn cây cả, phần vì đường này họ ít đi, với lại, ông kể, khi đó có cảm giác như tâm trí mình bị tấm khăn trùm lên vậy. Ghe chạy một đoạn khá dài họ mới hay mình đi nhầm đường. Trời cũng đã tối, khúc sông này quanh co hiểm hóc dễ va phải cây hay mắc cạn nên đành dừng lại, đợi đến sáng đi sẽ tiện hơn. Đó là một đêm âm u, không trăng, chỉ có ánh sao le lói, xung quanh chốc chốc vang lên tiếng con gì đi ăn đêm cùng ếch nhái vọng lại từ những hàng dừa nước mọc đầy hai bên sông. Lúc nhìn lên bờ, thấp thoáng sau rặng dừa nước, ông tôi thấy có ánh lửa, có vẻ như ở đó có thôn xóm. Ông tôi bảo người bạn ở lại coi ghe, để mình đến đó hỏi đường. Trước khi lên bờ, bạn ông bảo: “Làm nghề này chớ nên coi thường quỷ thần, huống hồ gì nơi này còn là rừng, ma độc thú dữ chắc cũng không thiếu, mày lấy chân nhang để vô túi áo, có chuyện không lành thì chạy nhanh về đây la lớn, tao sẽ biết!” Ông tôi tuy cả gan, nhưng phần nào lời người bạn kia nói cũng có lý, ông ra sau lái, khấn vái vài câu rồi lấy một ít chân nhang từ lư hương (trên các ghe loại này thường có một bàn thờ, dân đi ghe gọi là “bàn thờ Bà Cậu”) nhét vào túi áo. Đoạn ông lấy theo cây rựa, giắt bên người rồi cầm đuốc phóng lên bờ. Phía sau hàng dừa nước cũng có một con đường mòn, khá dễ đi. Đúng là phía xa thấp thoáng một vài túp lều tranh, trước những túp lều đó là một khoảng sân rộng, có một nhóm người đang đốt một đống lửa rồi đứng xung quanh. Càng lại gần, mùi thịt nướng càng đậm đà ngào ngạt khiến ông tôi thấy rất thèm, hình như mọi người đang lễ cúng gì đó. Thấy ông tôi tới, dân làng đồng loạt quay qua, vẻ mặt hết sức trang nghiêm. Ông vội xin lỗi, kể rõ sự tình rồi xin hỏi đường về Năm Căn. Lúc đó, trưởng làng hồ hởi ra tiếp. Làng này có tập tục thờ Kim Thử Quân, nghĩa là con chuột thần, hôm nay là ngày vía của nó, dân làng đang tụng kinh thì thấy ông đến, họ còn sợ là thổ phỉ (những năm 40, từ vùng Vàm Rau Răm xứ Tiền Giang trở về sông Hậu, ai còn lạ gì tướng cướp Đơn Hùng Tín). Lâu quá mới có khách ghé làng, họ tiếp đãi hết sức nồng hậu, rượu thịt ê hề. Chừng vài tuần rượu, khi đó ông tôi cũng đã ngà say, ông tôi có kể là đi chung với một người bạn, trưởng thôn hết sức kêu ông tôi mời bạn lên chơi cho vui. Ban đầu ông cũng năm lần bảy lượt từ chối, nhưng họ mời nhiệt tình quá, thấy ai cũng vui vẻ, ông tôi mới nói là để ông tôi ra kêu người bạn ấy lên. Vị trưởng làng đạo mạo nói: “Vùng này tối tăm, nhiều rắn rết, bậu đi một mình qua không yên tâm!”, nói vậy liền cử thêm hai thanh niên hộ tống ông tôi ra ghe. Đường ra lúc này hơi khó đi, vì ông tôi đã say, vô tình thế nào lại vấp té, chân nhang trong túi đâm vào da, rồi văng cả ra ngoài. Dù gì cũng là thanh niên trai tráng, da thịt rắn chắc, nhưng không hiểu sao cú đâm của mấy cái chân nhang lại làm ông tôi đau điếng, suýt nữa đã hét thành tiếng nếu không vì ngại hai cậu thanh niên đi theo. Ông tôi lồm cồm bò dậy, nhưng khi nhìn vào hai người bên cạnh thì mới phát hiện chẳng hề có thanh niên nào cả, trước mắt ông là hai con chuột to như con trâu, đứng bằng hai chân sau, cái đuôi gớm ghiếc đang vẫy vẫy! Cũng may lúc đó chúng đang quay sang nhau cười, và còn ghê hơn khi bọn yêu tinh này còn nói được tiếng người. Con bên trái ông bảo: “Lão thúc, chưa gì đã say, sao cùng chúng tôi uống đến sáng đây?” Con còn lại cũng cất lên tràng cười chít chít như chuột kêu, nói: “Hay là lão thúc mượn cớ để lên ghe ngủ khì một giấc vậy?” Nếu không có những ngày tháng làm đồ tể, có lẽ ông tôi đã run bắn người mà bại lộ rồi, nhưng cũng may, khi đó ông hết sức bình tĩnh, xác định mình đã lọt vô ổ yêu tinh, phen này muốn thoát chỉ có cách lừa bọn chúng để khỏi phải bị ăn thịt. Ông tôi cười khà, cố nén sợ, tỏ ra bình tĩnh và bảo: “Chư huynh chớ có đùa, mỗ tôi còn uống sung lắm, nhưng để mỗ tôi đi tiểu tiện cái đã, không thôi chưa ra đến nơi thì mỗ tôi chắc chết vì mót tiểu chứ chưa cần say!” Hai con chuột tinh không mảy may nghi ngờ, để ông tôi vô bụi rậm “hành sự”. Thấy thời cơ đến, ông vòng qua bụi rậm, chạy hết sức về bến ghe đậu, vừa thấy hàng dừa nước, ông tôi la lên thất thanh, không phải vì để làm ám hiệu với người bạn trên ghe, mà vì hai con chuột tinh lù lù đu trên đọt cây dừa nước, phóng xuống chắn ngang đường. Ông tôi nhảy thót về sau, né được một cú tát của con chuột. Đôi mắt nó long lên sòng sọc, đỏ như máu, lưỡi thè ra hết sức hôi thối. Hai con dồn ông tôi vào một góc hết sức nhanh lẹ, một trong số chúng lao tới định cắn vào đầu ông tôi. Phập. Âm thanh gãy gọn vang lên, một cây rựa phang thẳng vào đầu con chuột tinh, não nó phọt cả ra ngoài, tròng mắt như muốn trào ra khỏi hốc mắt. Thì ra là người bạn của ông tôi. Người bạn ấy lấy đà sau cú chém, nhào đến bên cạnh ông tôi quát: “Còn không mau rút rựa ra!” Ông tôi khi đó mới định thần, hai người lập tức phản công. Con chuột tinh còn lại kêu lên những tràng chít chít, tựa hồ như kêu gọi đồng bọn, rồi định bỏ chạy, ông tôi phóng cây rựa phạt mất nửa đầu của nó. Hai người chạy trối chết phóng lên ghe. Ông tôi chống sào đẩy ghe ra xa, bạn ông thì hì hục nổ máy. Chỉ nghe thấy trên bờ, muôn vàn những tiếng chuột kêu điếc cả tai. Chúng vồ đến như cơn lũ, gãy hết cả đám dừa nước, định bụng phóng lên ghe bắt trọn hai người. Nhưng may sao, máy ghe nổ kịp lúc. Ông tôi lúc này kéo hết tốc lực, mặc dù chiếc ghe chạy không nhanh như ngựa phi, ít ra phần nào cũng cắt đuôi được lũ chuột. Ghe chạy băng băng giữa con sông rộng mênh mang phản chiếu ánh trời đêm, bên bờ vẫn vọng lại tiếng chuột chạy như vũ bão, thậm chí có con còn phóng sông bơi theo. Khỏi phải kể cũng biết ông tôi và người bạn kia nào dám ngả lưng, một mạch chạy thẳng, tới đâu thì tới. May sao, khi trời vừa hửng sáng, họ cảm giác được rằng mình đã chạy chừng năm mươi cây, đằng xa đã nghe những tiếng rao của chợ nổi. Tuy nhiên, lòng dạ nào mà dám dừng lại, hai người vẫn cứ phăng phăng chạy tới, không hề giảm chút tốc lực, họ bóp kèn inh ỏi cả một khúc sông để xuồng nhỏ tránh sang một bên. Đối với hai người, đám đông đang họp chợ kia có chắc là người hay không, hay thực ra là bọn chuột tinh giả dạng, chờ họ chạy chậm một chút là lao lên xé nát thân người. Ghe cứ thế mà chạy, đến khi trời sáng hẳn, chừng mười giờ trưa, họ đến sông Năm Căn. Con sông rộng phải đến vài trăm mét, nước sông cuồn cuộn vả vào thân ghe làm hai người chao đảo. Lúc này, họ mới dám hạ tốc độ. Ông tôi vả vào mặt người bạn mấy cái để coi có phải mơ hay không, đến khi má cả hai sưng vù thì họ mới thôi. Thì ra, lúc đêm qua khi ông tôi vừa lên bờ được một đoạn, người bạn kia nhìn theo thấy hướng ông tôi chỉ lúc nãy không hề có ánh lửa thường, mà là những đốm lửa ma leo lét màu xanh lơ. Biết có chuyện chẳng lành nhưng lại không thể kêu lên để ông tôi quay lại, sợ bứt dây động rừng, phần vì ông tôi đã đi được một đoạn xa. Vị này nhanh chóng xuống máy, đổ đầy dầu rồi chống sẵn sào, buộc dây hờ vì nước không mạnh lắm, tiện tay xách cây rựa phóng lên bờ rượt theo ông tôi. Đến đoạn trước cổng làng, vị này núp vào một gốc cây, nhìn vào trong thấy ông tôi đang ngồi uống với cả một bầy chuột! Con nào con nấy to như con trâu, nhưng cử chỉ lại y hệt con người. Nghĩ tình hình không ổn, vị này lui ra xa ẩn nấp, thấy chuyện xấu liền đánh liều gây sự chú ý rồi cũng nhảy vào cứu ông. Ông tôi lợm giọng đi, khi nghe người bạn kia quả quyết rằng anh ta thấy trên đống lửa là đôi chân người đang nướng dở bên cạnh một cái xác trẻ em bị xiên cọc đem quay. Hai người đậu ghe vào gần một làng chài ven sông Năm Căn. Ông tôi lại lên bờ tìm chỗ mua dầu và lương thực. Chợ cũng gần đấy, vừa định bụng sẽ vào chợ, bỗng từ đâu có một ông trạc tuổi ngũ tuần, mặc áo bà ba vải điều trắng, tóc búi củ hành, râu dài, sấn bước tới. Ông tôi còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bị vị cao niên kia đấm một cú thôi sơn vào bụng, mất cả thở, trong khi đó ông ấy dùng tay kia đặt lên đầu ông tôi, lầm bầm niệm chú. Chỉ sau vài giây, ông tôi nôn ra một đống bầy nhầy màu đen bốc mùi hết sức hôi thối, trong đó vẫn còn một con mắt, nom như là mắt người chưa phân hủy. Thấy cảnh đó, ông tôi nôn thêm hai ba lần, đến ra cả mật xanh mà còn chưa hết sợ. Vị kia nói: “Từ lúc nãy, ghe bậu đậu ngoài sông, qua thấy có nhiều chướng khí còn vướng, chẳng hay có phải đêm qua, bậu bị yêu tinh quấy phá?” Ông tôi hết sức kinh ngạc, bèn đem chuyện đêm qua kể lại không sót một lời nào. Người kia nghe xong, đưa cho ông tôi một nắm lá khô, bảo về nấu nước uống cho nhả hết chướng khí ra, dặn ông tôi hãy ở lại Năm Căn một đêm, sáng mai hẵng đi. Ông tôi ngờ ngợ nhưng thấy vị kia rất chân tình, cũng nghe theo. Ngày hôm đó bình thường, ông tôi uống xong ngụm nước lá, ngủ một mạch đến sáng hôm sau, mồ hôi màu đen túa ra ướt đẫm cả chiếu, phải đem vứt đi. Thức dậy vô cùng khỏe khoắn, ông xuống bến tắm. Đang tắm, ông thấy từ xa, vị trung niên hôm qua đang bước đến khoan thai, trên tay cầm một xấp gì đó, như da con gì vậy. Ông tôi vội lau mình rồi mặc áo vào. Vị kia cười nói: “Chẳng giấu gì cậu, qua có học chút ít đạo pháp hàng ma, vốn chẳng nhiều nhặn gì, định tiêu diệt con Kim Thử Quân này đã lâu, nhưng nó trốn kỹ quá, đến nay nhờ cậu chỉ chỗ, qua mới diệt được. Hôm trước thôi sơn vào bụng cậu thật là đường đột quá, mong cậu bỏ qua”. Nói rồi, ông ta tặng ông nội tôi chiếc nanh của con Chuột Tinh. Nó nhọn hoắt, dài chừng hai tấc, trông như một cây đinh. Mãi sau này tôi vẫn thấy ông đeo nó trước ngực, ông bảo nó làm ông nhìn thấy được ma quỷ, ngay cả trong bóng đêm. Rồi người đó mời ông nội tôi cùng người bạn trên ghe về nhà chơi. Ở đây, sau một hồi trà nước, mới phát hiện vị trung niên kia và ông cố tôi là bạn tâm giao, lâu nay mất liên lạc. Vị đó họ Lý, tên Thành Vũ, ngày mới sang Việt Nam gặp ông cố nội tôi, hai người trải qua hoạn nạn trở thành bạn thân. Nhưng do thời cuộc, hai người mất tin nhau cũng gần hai mươi năm. Ngày đó nội tôi hãy còn bé tí. Sau đó, hai bên gia đình kết thông gia, Lý sư phụ còn dạy ông nội tôi nghề mộc (hồi ấy còn bắt rể ba năm). Hết hạn ở rể, ông bà nội tôi về vùng Rạch Giá, Kiên Giang dựng nhà định cư. Gia tài được chiếc ghe và một xưởng gỗ nhỏ. Sau này, ông tôi không cho ba tôi đi ghe nữa, chỉ làm mộc thôi. Mùi gỗ mới và sơn dầu in đậm trong ký ức của tôi, dĩ nhiên là cùng với những câu chuyện truyền kỳ của nội tôi nữa. Ông mất lúc tôi còn học tiểu học. Cho nên tiếc là tôi chưa học hỏi được bao nhiêu phần thâm sâu của con người ông. Tuy nhiên, khi đã già, ông vẫn rất minh mẫn, những chuyện ông từng kinh qua đều được khắc ghi trong trí nhớ. Ba tôi nói, lúc ba tôi còn nhỏ cho tới khi lớn lên, ông rất ít khi kể lại những chuyện phiêu lưu truyền kỳ kia cho ai khác nghe. Có vẻ như chúng để lại nỗi ám ảnh rất lớn trong lòng ông. Chỉ đến khi tôi được sinh ra, ông khi đó đã già, cảm giác gần đất xa trời cho nên ông không muốn giấu cũng như không cần thiết phải giấu những thứ đó nữa. Với lại, khi ông mới về Rạch Giá làm mộc, ba tôi vẫn hay bị đám nhỏ cùng tuổi trong xóm chọc là con của thầy bùa Lỗ Ban. Ba tôi chẳng hiểu bùa Lỗ Ban là gì cả, tụi nhỏ thì ngày càng xa lánh, hỏi ông thì ông cũng chỉ cười cho qua. Đúng là chỉ còn câu chuyện về Lỗ Ban, là ông tôi không kể, nhưng tôi cảm giác có thể ông biết dùng nó thật. Hồi đó, tôi nhớ tôi đọc được một câu, bèn hỏi ông rằng: “Nhân tại nhân gian, quỷ tại quỷ môn là sao vậy ông?” “Nó nghĩa là vạn vật trên đời đều tuân theo quy luật của vũ trụ, cả về số mệnh lẫn sự sắp đặt, mọi cái đều ứng với tôn ti trật tự như vậy đó con.” Tôi vẫn nhớ như in câu nói của mình lúc nghe xong câu trả lời đó của ông: “Vậy nếu quy luật đó bị con phá vỡ thì sao hả ông?” Ông nội tôi khẽ gật gù rồi hạ thấp giọng, hù tôi: “Khi đó thì quỷ lúc nào cũng ngồi trên vai của con đó!” Hồi ấy tôi sợ chết khiếp, con nít ai chẳng sợ ma quỷ, cũng như con người lúc nào chẳng sợ những thứ họ không biết, không thấy hoặc không giải thích được. Lúc đó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, chưa kinh qua những ranh giới âm dương, đơn thuần tôi nghĩ hoặc là ông nội hù tôi, hai là ông đang cố ẩn dụ về những quy tắc trong một gia đình truyền thống như nhà tôi, một kiểu ẩn dụ đậm chất người Hoa cao tuổi chăng? Có trời mà biết.
|
PHẦN 2 Bức ảnh kỳ lạ ở An Giang Trên vai tôi có một cái bớt kỳ lạ, vì nó ở khá xa nên tôi không tự cúi đầu xuống để nhìn được, phải soi gương, mà mỗi lần soi gương nhìn vào nó chẳng hiểu sao da gà tôi lại nổi lên như rạ. Cái bớt này trông rất giống với vết cào của con mèo hoặc con hổ, vết cào xéo xuống, hướng vào cuống họng tôi, lâu lâu nó lại nhói lên, nhất là khi tôi ngồi một mình, hoặc đi ngang những chỗ vắng người, tôi cũng không biết vì sao. Lý do tôi có cái bớt này cũng là một câu chuyện ly kỳ, nhưng chắc tôi sẽ kể sau, vì hôm nay tôi có cuộc hẹn với một người anh đã lâu không gặp. Quán cà phê vừa chập tối, khách còn thưa thớt, từ xa đã thấy dáng người mảnh khảnh của anh tôi, hình như anh ấy còn dẫn theo một người nữa. Anh tôi tên Tuấn, một người tôi quen từ những chuyến tình nguyện thời sinh viên. Ngoài chuyện ăn chay trường, hay làm tình nguyện và thương yêu trẻ em vô bờ bến, anh Tuấn còn có đam mê nghiên cứu về tâm linh, đặt biệt anh còn thích nghe chuyện ma. Người đi chung với anh ấy có dáng người cân đối, toát lên vẻ thư sinh nhưng rắn chắc, tóc dài, để râu, ánh mắt thoạt nhìn thì lờ đờ mệt mỏi nhưng ẩn chứa cái gì đó dồi dào về nội lực. Vừa ngồi xuống, anh Tuấn đã lấy ra một điếu Marlboro rồi hút lấy hút để. Sau khoảng vài ngao, anh ấy nói: “Anh này tên Hùng, biệt danh Hùng Bonsai, ổng cũng tò mò chuyện của mày nên ra đây chung với tao.” Tôi chào xã giao vài câu, anh Tuấn chỉ vào Hùng, nói tiếp: “Thấy dáng nó thư sinh vậy chứ nó chơi thứ dữ không à, trồng bonsai chứ thực ra là đi rừng đi núi, lựa những cây có dáng đẹp trong tự nhiên rồi đem về.” Hùng chỉ cười với những lời nói đó, không hiểu sao ánh nhìn của gã này làm tôi nhói nhói ở vai. Tuấn dụi điếu đầu tiên, nhấp ngụm cà phê, anh hạ giọng: “Coi nào, có chuyện gì xảy ra ở An Giang làm chú em coi-ma-quỷ-bằng-một-phần-mười-con-mắt này bận tâm đến vậy!” Tôi cũng dụi điếu thuốc, bắt đầu kể lại trải nghiệm khó hiểu của mình bằng một câu thản nhiên: “Tất cả bắt đầu từ một tấm ảnh không rõ nguồn gốc!” Tôi có thói quen, trước mỗi chuyến đi, tôi đều lên mạng tìm xem các thắng cảnh chỗ đó. Cung đường đầu tiên tôi biết đến An Giang là qua ngã Thọai Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân. Đến đợt thứ hai thì đi Tri Tôn, Núi Cấm, Tịnh Biên. Đang chưa biết An Giang còn gì hay không thì tôi thấy một tấm ảnh, chụp một vách núi đá bị khoét một nửa, tạo thành hình vòng cung đều đặn như ai đó cắt một nhát hết sức dứt khoát. Tuy nhiên, chú thích cho bức ảnh đó lại là Hồ Đá Latina. Không đúng, tôi đã đi Hồ Đá trong đợt thứ hai rồi, nó hoàn toàn không có vách núi này. Tôi lấy bức ảnh lên tìm kiếm, các kết quả đều ra chung một hình, không rõ là ai chụp, nhưng tất cả đều chú thích đó chính là Hồ Đá. Vớ vẩn! Đến lúc này, cảm giác đi chơi khuây khỏa của tôi ngay lập tức thay bằng cảm giác ham muốn khám phá, bức ảnh đó như cuốn lấy tâm trí tôi. Thực ra nếu nó được giới thiệu rõ ràng, có nơi chốn, có tung tích người chụp tấm ảnh đó thì cái ham muốn trong tôi sẽ giảm đi ngay, thậm chí còn chưa kịp nhen nhóm. Thế là tôi xác định, mục đích chuyến đi tiếp theo sẽ tìm cho ra vách núi đó ở đâu. Tôi bắt đầu lục tìm các manh mối, phía góc trên bên phải của tấm ảnh vẫn thấy được một dải núi dài, tôi đoán khả năng cao đó là Núi Cấm. Suy luận vòng vo một hồi, kết luận được rút ra là vách núi đó chỉ có thể nằm trên dải Tri Tôn đến Tịnh Biên. Khu vực đó có nhiều đồi thấp, xác suất trước kia từng có đoàn khai thác đá để lộ vách núi là rất cao. Ngày khởi hành cũng đến, tôi xác định mình sẽ đi hướng Tri Tôn, tìm ở Tà Pạ, khu đó trước kia cũng là mỏ đá, biết đâu tấm hình được chụp ở đó cũng nên. Nghe đến đó, Hùng Bonsai hỏi tôi: “Anh đoán em ghé ngôi chùa ở Tà Pạ trước đúng không?” Tôi ngơ ngác nhìn gã, thắc mắc làm sao mà gã đoán được chuyện đó vì khu vực Tà Pạ có nhiều nơi để đi hơn, nhớ lại thì lần đó tôi cũng chẳng hiểu nổi tại sao mình lại đi vào ngôi chùa ấy. Anh Tuấn hỏi tôi: “Trong đó có gì lạ không?” Tôi rít một hơi thuốc, thở ra đầy sảng khóa rồi nói: “Dĩ nhiên là có.” Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về hành trình hết sức kỳ lạ của tôi, một trải nghiệm mơ hồ, vừa nghĩ đến thôi đã nổi gai sống lưng. Xã Núi Tô nằm ở huyện Tri Tôn, An Giang nổi tiếng với ruộng đồng bạt ngàn, đúng với diễn tả cò bay thẳng cánh mà ông bà ta thường dùng. Cưỡi trên con xe 67 của ba tôi để lại, vừa ra khỏi nội thành, ánh mắt tôi liền bị cảnh đẹp nơi đây gội cho sạch sẽ tinh tươm. Những thửa ruộng chín vàng, những đám mây xám xịt ngập ngừng chưa dám đổ cơn mưa cuối tháng Tám, những chiếc máy gặt đập liên hợp nhai từng tất đất, chậm rãi và ngấu nghiến. Tôi dừng xe lại, đứng dưới bóng mát khổng lồ của bầu trời. Đôi tay vô thức gỡ cái mắt kính xuống, đã lâu rồi tôi chưa được tự do thế này. Hôm đó, sau khi ra khỏi nội ô Tri Tôn, điểm tham quan đầu tiên tôi muốn tới là ngôi chùa Nam Tông không có tên nằm trên triền dốc gần núi Trà Sư. Ngôi chùa rất dễ tìm vì nó nằm gần với trục đường chính dẫn vào khu du lịch đồi Tức Dụp. Mười mấy cây cột khổng lồ mọc ra từ triền núi nâng đỡ khối kiến trúc vàng, đỏ đặc trưng của người dân tộc Khmer. Nhìn những cây cột này như có sự sống, như một đội binh già nua, thầm lặng, kiên nhẫn với nắng, mưa, gió, thiên tai, qua năm dài tháng rộng gánh vác trên vai vẻ đẹp mà cha ông ta đã khó nhọc tạc nên. Thoát khỏi con đường chính, tôi lái xe chạy vào con đường làng nhỏ dưới dốc đèo, vừa đi khoảng vài trăm mét thì thấy bên phải có con dốc lát gạch, chúng đóng rêu xanh rờn. Con dốc này nghiêng khoảng 45 độ, hai cây cột dựng trước lối vào khắc hình hai con sư tử theo trường phái Nam Tông rất tinh xảo, hai bên lan can chạm khắc hình con gì đấy có vẻ như là rắn nhiều đầu mà tôi hay thấy ở các chùa Nam Tông khác, đầy vẻ cổ kính và bạc màu theo tháng năm. Phía dưới con sư tử bên trái có dòng chữ “Cấm chạy xe lên”, bên phải là dòng chữ tương tự nhưng viết bằng tiếng Anh, “Stop”. Xung quanh đó có rất nhiều nhang, vài cây vừa được cắm xuống, phần lớn thì đã cháy đen đầu. Nhìn lên con dốc, hai hàng cây rợp tán che kín con đường cho nên tôi không thấy phía trên con dốc là gì cả, tôi để ý thấy có nhiều vết rêu đã bị lột ra. Không, kiểu giống như là có vật gì to bằng cơ thể người trượt ngang làm chúng bong ra. Có khi do người ta ngã từ trên xuống cũng không chừng. Con dốc đó làm tôi rợn người, nó âm u đến khó tả, từ dưới trông lên chỉ thấy một màu u ám bởi những tán cây đan xen. Thỉnh thoảng còn có cảm giác ai đó đang đứng trên đầu dốc, ra sức kêu gọi tôi đi lên vậy. Dĩ nhiên tôi không đi đường ấy, nó là “đường âm”, cho người chết đi mà thôi. Lúc này câu nói về tôn ti trật tự của tam giới ông nội từng nói tôi nghe, lại hiện lên trong đầu. Hùng Bonsai nghe đến đó bèn hỏi: “Chú em cũng biết đường âm à?” Tôi không biết gã hỏi thế có ý gì, cũng đành trả lời: “Nhà em lúc trước, ông nội cũng có liên quan đến giới thầy bà, cũng được biết chút chút.” Nghe đến đó, gã nhấp ngụm cà phê rồi nói tôi kể tiếp. Hỏi người địa phương một hồi cũng tìm ra con đường chính dẫn lên chùa, cổng chùa nằm khuất vào trong những tán cây, nói là cổng chùa nhưng thật ra chỉ là hai cây cột cao, nước sơn màu xanh lá đã tróc ra gần hết. Chúng nâng đỡ một bức tượng có hình đầu của vị phật nào đó, không biết có bị bám rêu hay không, chỉ thấy đen ngòm. Con đường dẫn lên chùa này không dốc, lại rất rộng. Bên phải nó là nghĩa trang nhân dân, vì không có ai trông nom nên đã xanh cỏ, thấp thoáng trong đấy là những bia mộ đủ màu sắc, không đọc được tên người. Tôi trả số xe, tay côn nhả nhẹ, chầm chậm lướt qua con đường không người, vây quanh bởi những cái xác không còn ai khóc thương. Cách họ chỉ đường lên chùa ở đây cũng thật độc đáo, vì phải rẽ nhiều lần nên ở mỗi khúc cua đều có những bức tượng hình người đầu thú, một tay cầm vũ khí, một tay chỉ vào hướng cần đi, và ở hướng ngược lại, luôn có một con đường dẫn xuống bởi những bậc thang đã ố đen, con đường nhìn sâu hun hút, tối om và đầy lá phủ. Càng vào sâu, cây càng nhiều, cho đến lúc chỉ còn tôi, con đường lát đá, những bức tượng, tiếng kêu xào xạc của thiên nhiên, và màu sắc âm u tĩnh mịch giống như trời đã ngả về chiều nhưng thật ra chỉ mới gần trưa. Vừa hết con đường lát đá là con đường đổ gạch nhấp nhô, nghĩ thầm trong bụng rằng tôi quá thương con xe 67, không thể nào để nó chịu đựng những vết đâm này được nên tôi đành dựng xe, cuốc bộ vào chùa. Đi khoảng năm phút, thứ đầu tiên tôi thấy là gian nhà mái gỗ được che tạm bợ bằng những tấm bạt xanh đỏ trắng, bên trong chất những đống củi khô. Một khối gỗ khổng lồ, cắm trên đó là cây rìu sắt, lưỡi của nó trông như đã bị rỉ sét, có vài vết đen chảy dài, tràn xuống cả đất. Khuất sau kho gỗ, ngôi chùa dần dà hiện lên theo những sải chân náo nức của tôi. Sân chùa rộng lớn, trồng đủ thứ loại cây thân to mà tôi không kể tên được. Tôi bước đến dãy lan can nhìn xuống con đường trục chính dẫn vào khu du lịch lúc nãy, gió lùa vào tóc tôi ríu rít như tiếng kêu của loài diều hâu. Tôi tự hỏi, trời chắc đã giữa trưa mà sao không có một giọt nắng nào rót xuống. Nhìn ngắm sự hùng vĩ của vùng Bảy Núi được một lát thì tôi nghe sau lưng có tiếng đọc đồng thanh, quay lại thì thấy có sáu người tu hành, khoác áo cà sa màu cam ngả bạc đang ngồi học. Bước lại gần, tôi thấy trên bảng là hai đoạn văn được viết bằng tiếng Khmer. Sáu người này tuy biết tôi đứng nhìn nhưng thái độ của họ vẫn dửng dưng, cũng dễ hiểu, chuyện có người vào đây tham quan đối với họ chắc là chuyện thường ngày. Tôi quay đi, chợt một cảm giác lạnh toát chạy khắp xương sườn (từ nhỏ đến lớn, tôi rất ít khi bị chuyện gì làm cho nổi da gà), bỗng tôi nhớ về một bộ phim, cảnh tượng trong đầu tôi lúc này giống như lúc đó, là cảm giác dửng dưng khi tôi đứng nhìn sáu người bọn họ, nhưng khi tôi quay đi, sáu cái đầu lập tức bẻ về một hướng, họ nhìn tôi chằm chằm, tròng mắt trợn trắng. Tôi quay người lại nhìn, sáu người đó đã biến mất! Tấm bảng cũ kỹ, những dòng chữ như đã được viết từ rất lâu, mờ đi hẳn. Điều đặc biệt đập ngay vào mắt tôi là ở chùa có quá nhiều mèo, đủ màu lông, đủ mập ốm. Chúng nằm la liệt khắp nơi. Tuy nhiên có điểm làm tôi chú ý, đó là hầu như con nào cũng dính bùn ở chân và mép, mặc dù sân chùa được lát đá sạch sẽ. Khó hiểu nhưng do không có câu trả lời nên tôi cũng kệ, bước tiếp vào khu chánh điện. Lối dẫn lên chánh điện khá hẹp, vừa đi hết thì thấy một bức tượng to đùng, lư hương chỉ còn sót lại những xác nhang đỏ ói, tro rơi đầy trên sàn, chúng bị gió thổi đi, đập vào chân bức tượng rồi lại rớt xuống, rồi lại bị gió thổi, rồi lại rớt xuống như đang bị tra tấn. Bức tượng này rất đẹp, cao gần ba mét, tay phải ông ta đang cầm một vật gì đó giống như bông lúa, ông khoát bộ áo được điêu khắc hết sức tỉ mị, ông toát lên thần thái siêu phàm, quyền năng. Tôi thắp một nén nhang, cắm vào lư hương rồi tiến đến chánh điện. “Ủa”, anh Tuấn cắt ngang câu chuyện, “vậy tên tượng phật là gì sau để bên ngoài ta?” “Em không biết”, tôi nói tỏ vẻ tiếc nuối. “Mày dở quá”, anh ta trề môi, “đáng lẽ mày nên tìm hiểu về văn hóa chùa chiền của người Khmer trước khi mày lên đó!” Tôi im lặng đồng ý. Tay Hùng Bonsai từ nãy đến giờ vẫn chăm chú nghe tôi kể chuyện, nhưng ánh mắt của gã tỏ vẻ gì đó muốn phản bác lại câu chuyện của tôi. Dù trông gã có vẻ tập trung, nhưng cái tay châm thuốc không ngớt và cái cằm cứ thụt vào trong đầy giấu giếm. Tôi hơi bực vì sự vô duyên này nhưng vẫn chưa đủ để đưa ra góp ý gì. Tôi bèn kể tiếp. Bao quanh ngôi chùa là hai dãy lan can được đỡ bởi những bức tượng hình người mặt quỷ, chúng được điêu khắc sao cho trông chúng giống như đang bị sức nặng của lan can đè lên nên phải khom cả đầu gối, hay tay cầm thanh kiếm bản to cắm sâu xuống đất. Những bức tượng này được sơn hai màu khác nhau, bên ngoài chánh điện chúng có màu đỏ, bên trong thì lại có màu tím. Xung quanh chánh điện có tám cánh cửa được khắc phù điêu hoa lá tinh xảo, tôi đánh một vòng nhưng tất cả những cánh cửa này đều bị khóa ngoài. Thất vọng, tôi định quay ra hỏi mấy người tu hành kia, bất chợt tôi thấy một bức tượng gỗ nhỏ nằm trơ trọi phía sau lan can, lúc nãy đi vào nên không để ý thấy. Tôi nhặt bức tượng lên xem, nó cao chừng hai tấc, trông giống như một cây đinh khổng lồ, phần phía dưới rất nhọn, phần gỗ bên trên khắc hình Phật đang tọa thiền khá tinh xảo, viền theo xung quanh là một dòng chữ tiếng Khmer mờ, và dĩ nhiên có rõ thì tôi đọc cũng không được. Chất gỗ sáng đỏ rất đẹp, nhưng lại lắm chút bùn. Tôi lại tò mò về công dụng của nó, nhưng không hiểu nổi. Thấy hay hay tiện tay cầm theo vậy. Tôi nhớ có ai đó nói với tôi rằng chùa Khmer cũng là nơi để hỏa thiêu, nhưng chưa bao giờ có dịp vào thăm nghĩa địa của họ. Nghĩ thế tôi bước đi nhanh hơn về phía sau chánh điện, nơi tôi thấy thấp thoáng chiếc cầu, hai dãy lan can trên đây vẫn giữ lối kiến trúc tượng hình người mặt thú cũ. Phía bên kia đầu cầu là một khoảng sân nhỏ, đứng từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng mọc cỏ xanh tươi, nhấp nhô trên đó là hơn hai chục nhà mồ với những mái vòm nhọn hoắc trông như đầu viết bi, cái “đầu viết” này được chia ra nhiều ngăn nhỏ theo chiều dọc, mỗi ngăn được tạc hoa văn cây cỏ hoặc phù điêu hình người mặt quỷ. Khu mộ này nằm trong một khuôn viên hình lục giác, mỗi góc có một tượng gì đó mà tôi thấy có khuôn mặt khá dữ dằn tay cầm vũ khí. Theo kiểu tôi không biết là mấy bức tượng đó bảo vệ những người nằm trong này khỏi bọn tà ma ác quỷ hay là những bức tượng lại bảo vệ cái núi này khỏi những người nằm dưới kia? Kiến trúc của từng tháp rất công phu: đỉnh của nó có hai mảnh kim loại xòe ra như đôi cánh. Phía sau bức tường của nhà mồ này, tôi có thể thấy được chỗ học của sáu người tu hành lúc nãy. Có lẽ kiến trúc của ngôi chùa này được xây bao quanh nhà mộ, như một kiểu trấn yểm, chắc vậy. Tôi ngắm được một lát thì cũng đi ra. Tôi băng qua chánh điện, bức tượng trên tay tôi thoáng lóe sáng lên, tôi cho là do nắng… nhưng nãy giờ trời ui ui thôi mà? Làm gì có nắng đâu? Tôi gặp lại sáu vị tu hành, họ vẫn không để ý gì. Lấp ló phía sau cánh cửa là sư thầy gầy gò, xanh xao. Cậu ta chỉ dám thò đầu ra nhìn tôi, ánh mắt dè chừng như nhìn vào kẻ sát nhân. Tôi đi ngang lũ mèo vẫn còn đang nằm sưởi nắng với đủ tư thế, những con không ngủ thì mắt nhìn đăm đăm theo tôi. Giống như chúng muốn ăn cái gì đó vậy. Bỗng, tôi nghe tiếng gọi: “Anh ơi” – vị sư gầy gò khi nãy đang hớt hải đuổi theo tôi – “anh đưa tôi cái tượng, đừng đem theo!” – vị sư vừa rảo bước vừa nói bằng chất giọng lơ lớ. Tôi rút bức tượng nhỏ xíu đó ra: “Dạ bẩm, cái này bị sao vậy thầy?” Vị sư thoáng chốc sợ hãi khi nhìn thấy bức tượng, giống như cố tránh mặt nó vậy, rồi anh ta quay sang nhìn đám mèo và nói: “Mèo nó đào trong mả, cái này chôn theo mấy đứa con nít chết oan cho nó đừng đi quậy phá nữa, đi siêu thoát, không phải đồ lành đâu, anh để lại đi!” Vị sư nói rất chân tình, chìa tay ra đón bức tượng nhỏ từ tay tôi, sau đó lại tất tả quay đi khi tôi còn chưa hiểu mô tê gì. Đi trên con đường rải đá, tôi chợt phát hiện ra một cảnh tượng thú vị: lò thiêu. Nó được xây khuất vào trong một tảng đá lớn, cánh cửa đã nâu và rỉ sét, trông nó như một cái phễu trúc ngược mà đáy phễu chính là ống khói. Bên trên tảng đá gần đó còn có một bức tượng chỉ đường khác, một con ác điểu khổng lồ như trong truyện cổ Thạch Sanh đang há cái miệng rộng, tinh tươm những giọt sơn màu đỏ, đôi chân nó ngoạm vào một bức tượng cô gái, ánh mắt cô ta chưa được sơn nên trắng bệch, không biết có đang sợ hay không. Cánh trái của con ác điểu, chỉ vào lò thiêu. Giờ tôi hiểu cái lều đầy những củi kia dùng để làm gì rồi. Tôi đứng nhìn khung cảnh này cũng khá lâu rồi mới quay đi. Ra ngoài thì thấy chiếc 67 đã ngã sõng soài từ lúc nào, bánh xe sau vẫn còn quay quay. Tôi nổi máu điên, tôi thương con xe này còn hơn phụ nữ, đứa nào xô ngã tôi thề sống chết với nó. Nhưng quay qua quay lại không thấy ai cả. Tôi chửi thề vài tiếng, dựng xe lên nghĩ bụng gần đó có cái hồ đẹp lắm nên chạy lại thưởng ngoạn. Lúc này gió lên, mạnh lắm, cây rừng xào xạc làm tôi cảm giác như có tiếng con nít cười giỡn ngay sau xe mình vậy. Anh Tuấn hỏi: “Rồi mày kiếm được thằng nào làm ngã xe không?” Tôi bực tức nói: “Không anh ơi! Mẹ bà nó, em kiếm được em đá be sườn nó liền.” Hùng Bonsai bỗng xen vào: “Rồi em đi đâu nữa? Để anh đoán xem, hồ Tà Pạ đúng không?” Tôi gật đầu, chẳng hiểu sao cổ họng khô khóc, tôi với tay lấy ly trà đá thấm giọng. Gạt tàn đầy, ba cái ống khói chúng tôi hoạt động không ngừng nghỉ, tôi cũng bị cuốn hút vào chính câu chuyện của mình. Vừa gọi thêm gói Marlboro mới, ông anh tôi bóc vỏ cẩn thận, không quên chừa lại phần giấy để hơi thuốc không bay mất. Anh lấy ra ba điếu, chúng tôi truyền nhau cái hột quẹt. Cách, cách, cách. Tiếng mồi lửa bắt đầu cho câu chuyện về ba đứa trẻ mặc quần đỏ tôi gặp trong hồ Tà Pạ. Hồ Tà Pạ nằm trong một ngã rẽ lên chùa Khmer, chạy đến bức tượng chỉ đường thứ hai, thay vì đi theo hướng ngón trỏ của vị hình người mặt quỷ thì tôi được người dân bản địa mách rằng: phải đi vào con đường mòn hướng ngược lại. Tôi ngồi chễm chệ trên con 67, vỗ vào bình xăng như một kiểu trấn an, tội nghiệp cô gái ấy, con đường mà chúng tôi sắp đi vào toàn sình là sình. Ôi sao tôi thù trời mưa đến thế! Nhả côn, lên ga, tôi cố chạy thật chậm, được một lúc thì đến ngã ba, bên trái là con đường sâu hun hút, lại khá tối; bên phải có một ngôi nhà tường trắng, hàng rào vây kín mít. Theo bản năng, tôi rẽ phải. Chạy được một hồi mà chẳng có dấu hiệu của cái hồ nào, chỉ thấy cỏ mọc ngày càng dày đặc. Lâu lâu lại có những tán cây không biết gốc ở đâu, chúng oằn mình vì sức nặng, phủ kín trên đầu như một mái vòm. Tôi cũng ngờ ngợ rằng mình đã rẽ nhầm đường, nhưng cho đến khi đụng đường cùng, tôi chịu chấp nhận. Rõ ràng tôi vẫn đứng trên con đường mòn, nghĩa là cỏ dưới chân tôi bị người đi đường dẫm đạp thường xuyên tạo thành con đường đất. Tôi nhấn mạnh như vậy là vì trước mặt tôi, con đường bị rừng cây cắt đứt, kiểu như ông trời chỉ cho con đường này mòn tới đây thôi vậy. Tôi đành ngậm ngùi quay lại, nhìn vào con đường hun hút đã đi vào lúc nãy, tôi thấy có gì đó không đúng, cái bớt trên vai bỗng đau nhói. Giống như bạn đi làm vào buổi sáng, đồ đạc trong phòng để chỗ nào bạn cũng biết, nhưng đến tối quay về, có cái gì đó đã bị di dời, nhưng bạn không biết đó là cái gì vậy. Ngập ngừng một lúc chưa chịu đi ra, tôi đưa mắt nhìn quanh, thấp thoáng nơi những bụi cỏ thấp hơn, tôi thấy những bóng trắng kỳ lạ đang đung đưa qua lại trong gió. “Con mẹ tụi mày” tôi tự nhủ, “cái đứa trẻ trâu nào dám hù bố!” Tôi đá chân chống, thủ sẵn cái nón bảo hiểm trong tay, vạch cỏ đi đến hướng những bóng trắng kia. Tôi đang nổi máu điên, trừ khi nó cầm rắn hù tôi, không thôi nó bay ra là tôi đập nó sấp mặt. Chen qua những hàng cỏ dày đặt cuối cùng, tay tôi vung cái nón bảo hiểm hết cỡ. Nhưng không có đứa trẻ trâu nào đứng chờ tôi, chỉ là những ngôi mộ. Đếm ra thì có khoảng hơn chục cái. Chúng được sơn rất nhiều màu, mới có, cũ có, có khoảng ba hoặc bốn ngôi gì đó có bia màu trắng, thì ra đây là cái tôi thấy. Để ý kĩ thì, những ngôi mộ này có kích cỡ khá nhỏ, tôi nhìn lên những dòng chữ năm sinh – năm mất để xác nhận lại suy đoán của mình: mộ trẻ con! Nhớ lại chuyến đi vào rừng vừa rồi, trong cơn mưa rừng, thỉnh thoảng tôi đã nghe thấy tiếng thủ thỉ của trẻ con. Tôi đứng lặng người, cố lắng nghe thêm lần nữa. Nhưng chỉ có tiếng gió. Tôi nhún vai, trút tiếng thở dài rồi lặng lẽ đi ra. Thật tội nghiệp cho những sinh linh nhỏ bé này. Quãng đường vòng lại cũng không có gì đặt biệt, khoảng mười phút chạy xe, né những hố sình khổng lồ, tôi cũng đến nơi. Trước mặt tôi là tấm bảng ghi chữ “Độ sâu nguy hiểm 17m. Cấm vào!” Bên trái tấm biển có ngôi nhà gỗ hai gian, những tấm ván ép thấm màu thời gian có màu nâu ngả đen, những cây cột dầu loang lỗ tổ ong bầu, và một người đàn ông trung niên đung đưa trên cái võng trước hiên nhà. “Chú ơi,” tôi gọi lớn, “tấm biển này...” Chưa đợi tôi nói hết câu, người đã ông đã vẫy vẫy cánh tay của mình trên không trung, có ý bảo tôi rằng cứ việc đi vào, tôi không thấy mặt ông ta nên cũng không biết ông ta đang cười hay khóc. Tôi thả lại tiếng “Con cám ơn” rồi cho xe chạy tiếp. Sao cánh tay người đàn ông này lại có thể vẫy mạnh như vậy, quan trọng hơn, sao vẫy mạnh như thế mà không hề sống động? Chắc tại ông ta đã quá quen với việc người ta hỏi về tấm biển báo, chắc vậy. Chạy xe trên con đường dốc và đầy đá, vừa lên tới đỉnh đèo, cảnh vật của vùng Bảy Núi lại hiện hết sức choáng ngợp và huyền diệu. Nhìn sang trái, tôi thấy dãy Cô Tô hiện lên sừng sững giữa đất trời, nhìn sang phải, tôi thoáng thấy mặt nước màu xanh ngọc lấp lánh như bầu trời đầy sao. Cảm giác rạo rực, tôi cho xe thả xuống dốc núi, tiến vào hồ Tà Pạ. Vừa đậu xe, tôi liền tức tốc chạy lên chỗ cao nhất để ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây. Mỏm đá mà tôi chọn nằm phía bên trái của căn chòi bán nước. Tôi không biết mẹ tự nhiên đã tạo nên chỗ này như thế nào, chỉ thấy bà thật vĩ đại. Bàn tay của bà khéo léo khoét một cái lỗ sâu hoắm rồi rót vào đó những giọt nước tinh khiết nhất, ấy vậy mà bà vẫn chưa chịu dừng lại, bà lại tiếp tục chơi đùa với cảnh vật, kĩ càng lựa chọn những hòn đá, bụi cây rồi gói gọn chúng lại, thổi hồn vào chúng, không quên căn dặn hãy tồn tại với tất cả những gì bà đã cho chúng: hãy trở thành một ánh mắt đẫm lệ, mang một sự xúc động bất tận với nguồn thơ của mênh mông ruộng đồng. Tôi đứng trên mỏm đá khá lâu, thấy hơi tiếc vì không chạy xe lên đây được. Lúc tôi leo xuống, nhìn đồng hồ vừa đúng bốn rưỡi, sẵn tiện có cái chòi nước, tôi bước vào gọi lon bò cụng, ngắm nhìn mặt hồ cho thư giãn rồi năm giờ đi ra cũng được. Chợt tôi nghe một tiếng “Ùm” như có vật gì vừa rơi xuống nước. Quay đầu về hướng tiếng động, tôi thấy ba đứa trẻ mặc quần thun màu đỏ đang đùa giỡn trên mỏm đá ở giữa hồ. Một trong ba đứa vừa nhảy xuống nước, vì hồ khá trong nên tôi có thể thấy rõ tay và chân nó đang vùng vẫy. Lạ nhỉ, tôi thấy cả ba đứa đang cười đùa vui lắm, nhưng tôi không nghe thấy gì cả ngoài tiếng vẫy nước. Chị bán nước đem lon bò cụng ra cho tôi cũng là lúc cặp đôi vào trước đó tính tiền về. Chị ta dọn bàn của họ rồi cũng ngồi xuống nghỉ ngơi, vì căn chòi khá nhỏ nên tôi ngồi cách chị ta không xa lắm. Tôi đốt điếu thuốc rồi hỏi: “Chị ơi, thường ngày khách vào đây đông không chị?” Chị ta cầm cái nón lá, vừa quạt vừa nói: “Lúc trước đông lắm chú, không có chỗ đậu xe luôn kìa. Có xe du lịch vô nữa. Mà giờ thì lắc nhắc.” “Vậy hả chị. Ủa sao kì vậy ta?” “Có người chết dưới hồ chú à. Chú thấy cái bảng dưới kia chưa?” Tôi gật đầu, chị ta nói tiếp, giọng có phần e dè: “Thì từ vụ đó người ta mới dựng lên tấm bảng, rồi khách cũng thưa dần thưa dần.” Chị ta nói xong thì xệ mặt, tựa như đang buồn lắm. Tôi thấy khá áy náy nên định lái qua chuyện khác. Chợt một loạt tiếng “Ùm” nữa lại vang lên. Ba đứa nhỏ đều nhảy xuống nước, tôi thấy chúng bơi về phía bên kia hồ, tứ chi chúng lợn rợn trong nước như những xúc tu, thoáng cái đã không thấy chúng đâu. Thấy cơ hội tôi liền chớp lấy. Tôi chỉ ra mỏm đá ở giữa hồ: “Mấy đứa nhỏ kia chắc dân ở đây hả chị. Thấy vậy mà gan quá nha!” Hình như chị không nghe thấy câu hỏi của tôi hay sao, chỉ thấy thoáng qua đôi mắt chị mở hơi to trong một khoảnh khắc rồi trở lại bình thường. Chị ta không nhìn ra mỏm đá, cũng không trả lời tôi mà đứng lên lấy cái giẻ ra lau bàn. Lạ nhỉ, nãy mới lau mà? Tôi cũng không để ý nữa. Hút cạn lon bò cụng, tôi tiến lại phiến đá phẳng gần bờ hồ, ngắm nhìn tuyệt tác của mẹ thiên nhiên thêm một lần nữa trước khi ra về. Giờ mới thấy bờ đá cao nhất ở phía bên kia cũng chính là nơi nâng đỡ mỏm đá tôi đứng lúc nãy. Nước phản chiếu ánh sáng lay lắt cuối ngày, long lanh soi lên đó những đường lân tinh. Nhìn kĩ mới thấy, vách đá khá phẳng phiu nhưng lại có những đường thẳng song song cao bằng đứa trẻ. Tôi đếm cũng có khoảng hơn hai chục đường như vậy, không biết chúng có kéo dài đến tận đáy hồ không. Bất chợt những đốt ngón tay tôi run nhẹ, ngón trỏ và ngón giữa động đậy trong vô thức. Tôi ém bàn tay lên vách đá, tự nhủ sao những đường thẳng kia trông giống vết tay cào quá. Không biết ai rảnh vậy? Tôi lên xe ra về, lòng vẫn còn lân lân đầy luyến tiếc. Tôi chạy qua con đường đá, thả dốc xuống đèo, cái biển báo lúc nãy không biết ai đã xô ngã. Trong nhà, chỉ còn chiếc võng đong đưa. Chắc ông chú đi ăn rồi. Tôi kể đến đó thì liếc nhìn Hùng, gã vẫn giữ ánh mắt đầy tâm sự nhưng điệu bộ thì pha lẫn giữa giấu diếm và cười cợt. Anh Tuấn thì tỏ vẻ hào hứng ra mặt, mấy câu chuyện của tôi kiểu như úp úp mở mở, thấy mà không thấy nên anh khoái lắm, anh ực một cái hết ly cà phê rồi kéo ghế sát hơn về phía tôi, nói: “Rồi sao nữa? Xuống hồ rồi mày đi đâu tiếp?” Tôi cười, bảo: “Dạ em đi leo Núi Két, nghe nói cảnh trên đó nhìn xuống thị xã Nhà Bàng, buổi tối lên đèn đẹp lắm nên em lên thử coi sao.”
|
Anh Tuấn ngạc nhiên: “Cái gì, gần tối rồi mà mày còn leo núi?” “Dĩ nhiên rồi anh, phải lên đó chứ, trên đó êm lắm, nghe nói được nhậu thoải mái, miễn sao đừng làm ồn là được.” Anh Tuấn nói, giọng lấc cấc: “Núi Két anh mới nghe lần đầu, An Giang thì chắc anh chỉ biết Núi Cấm.” Tôi bảo: “Em cũng chưa từng leo Núi Két, leo lên rồi mới gặp chuyện kỳ lạ lúc đang ngủ…” Tôi thấm giọng, kể tiếp. Lúc tôi dừng xe dưới chân núi là đã sáu giờ kém. Trời tháng Tám nên tối chậm hơn, nhờ vậy mà còn thấy đường leo lên. Lý do tôi chọn leo ngọn Núi Két là vì nó ít nổi tiếng, kiểu như không có mấy bạn phượt thủ chuyên nghiệp với nón full đầu, áo dạ quang, giày hiệu, đến và xả rác rồi đi. Nó trong lành, cảm nhận của tôi thì đúng là vậy thật. Điều này tôi được một người chị kể cho nghe. Chị ấy đi núi này một cách vô tình khoảng ba tháng trước, kiểu như bả đến nhầm chỗ nhưng vẫn leo lên, rốt cuộc thấy đẹp quá nên về khoe. Tuy nhiên điều hấp dẫn tôi nhất từ những tấm hình chị tôi khoe cho tôi đó là từ đỉnh núi nhìn xuống, cách không xa lắm có một ngọn đồi nhỏ kiểu như đã bị khai thác đá, lộ ra vách đá hình vòng cung khá đẹp mắt. Theo miêu tả thì y chang vách đá tôi thấy trong tấm hình nọ, bởi vậy nên tối mới quyết định leo lên coi sao. Gửi xe dưới núi, tôi nhanh chóng tiến hành leo lên, không quên hành trang là ít thịt bò để nướng và bếp than vốn được chuẩn bị từ trước chuyến đi, và tất nhiên là không thể thiếu rượu. Sáu giờ. Mây trên cao đã chuyển sang ửng hồng, ráng chiều làm không khí trở nên buồn man mác. Núi này không cao, ước chừng hơn hai trăm mét lên, tuy nhiên đường đi lại có độ dốc cao và chiều cao bậc thang không đều nhau, khiến tôi leo khá vất vả. Độ dốc có những đoạn tôi ước chừng phải hơn năm mươi độ, nếu không có những thanh sắt lan can chắc tôi té cả chục lần rồi. Đường đi dốc, quanh co và lắm côn trùng. Trời lúc đó đã bắt đầu nhá nhem, gió thổi mạnh làm cây rừng kêu xào xạc. Tôi mới để ý là chỉ có mình tôi leo lên thôi, chẳng có ai khác cả. Cảm giác rất thoải mái, tự tại. Nếu là người khác, có khi họ lại tưởng tượng ra những ánh mắt trong lùm cây hay hốc đá đang dõi theo họ; tiếng thì thầm trong những khoảng không hay con gì đó đang bay qua lại. Trên đường đi có rất nhiều miếu, loại miếu nhỏ hay thấy thờ thổ thần, nằm rải rác. Có cái ngay đường đi, có cái tôi vô tình liếc ngang thì thấy nó nằm ở xa, cách đường lên vài chục mét, ẩn dưới một tảng đá to. Tuy nhiều miếu, nhưng cái nào cũng được thắp nhang, hoặc có ánh đèn cháy trong đó, tạo cảm giác cho tôi thấy đây như là nơi tu hành của các đạo sĩ vậy. Leo chừng bốn mươi phút, tôi ngồi dựa lưng vào một cái miếu như vậy, nhìn lên trên thì thấy còn chút xíu nữa là tới rồi. Hít mạnh vào không khí mát lạnh, tôi phấn khởi bước tiếp. Đường lên có một đoạn gấp khúc, do dốc cao, trời hơi tối và bậc thang không đều, tôi phải cúi đầu xuống. Vừa qua khúc ngoặt, đường thoải hơn, tôi ngẩng đầu lên để đi thì giật cả mình vì có một người đứng bên đường, cầm khẩu súng chĩa vào tôi. Hết hồn. Thì ra đó là một bức tượng nữ du kích, cao chừng hai mét, mặc áo xanh, quấn khăn rằn, đội nón tai bèo. Đối diện với tượng là tôi, sau lưng tôi là lan can, sau lan can có một tảng đá to, dưới tảng đá có một cái miếu khác. Miếu này to hơn những cái tôi thấy bên dưới một chút. Ngộ là những cái miếu bên dưới đều hướng mặt xuống núi thì cái này lại hướng mặt lên trên núi, chính xác hơn là hướng về phía bức tượng. Nhờ ánh đèn trong miếu, tôi lại nhìn rõ hơn, tượng kiểu này gặp đầy trong các khu du lịch ở miền Tây. Tôi rất chán cách làm du lịch ở miền mình, làm cẩu thả, các bức tượng đắp lên cho có, nhìn không cân đối và thiếu thẩm mỹ tệ hại. Về cơ bản, tượng nữ du kích này cũng vậy. Khá xấu. Nhưng khi bước đến gần hơn thì tôi thấy nó cũng khá sống động, màu sơn trên tượng còn mới, các chi tiết như khăn hoặc nón nếu nhìn riêng thì cũng chấp nhận được, khá thực. Mặt tượng tô một lớp sơn hồng, các chi tiết mắt mũi miệng được vẽ bằng sơn đen, khá là chớt quớt nếu không muốn nói là kinh dị. Bức tượng này tôi nhớ là đã gặp ở đâu rồi. Quen lắm. Nhìn tượng nữ du kích tôi liên tưởng đến tượng kia ngay, nhưng ngặt nỗi không nhớ được là gặp cái còn lại ở đâu cả. Với lại, tượng này cao quá, to, gì mà tới hai mét, dưới chân còn có một lư hương rất cũ, có ba cây nhang mới cháy được một nửa. Nhìn kỹ rồi, cũng tranh thủ để nghỉ mệt, vừa lấy hơi lại là tôi đi lên luôn. Trời tối, ánh đèn trong miếu hắt ra vàng vọt chiếu lên mặt bức tượng, trông như nó đang quay đầu theo nhìn tôi vậy. Một ảo giác khá thú vị. Leo lên đến đỉnh, trời trên cao còn chút ánh sáng để tôi ngắm nhìn vùng núi non hùng vĩ. Ngay dưới chân núi là thị trấn Nhà Bàng, ban đêm lên đèn tựa như ngôi sao năm cánh sáng rực. Phía xa xa là dãy núi bên đất Campuchia, thấp thoáng ánh đèn trên triền núi. Ngăn cách giữa nước ta và nước bạn là một vùng mênh mông toàn nước là nước, là những cánh đồng đón lũ về. Nhìn về hướng đông là Châu Đốc, đèn đô thị như những ánh nến lung linh giữa đất trời. Đắm mình trong khung cảnh đó tôi quên đi hết cặp giò đang run lên bần bật do mỏi, quên luôn cái áo ướt đẫm mồ hôi. Đứng hút thuốc một hơi, trời lên gió mạnh làm tôi thấy lạnh, bèn đi xuống ngôi nhà, mà theo chị tôi nói, có thể ngủ đêm ở đó. Đường dẫn đến ngôi nhà đó khá đẹp, với hai tảng đá to dựa vào nhau, để lộ ra một khe trống. Lách người qua khe đó là một cây cầu gỗ, sơn đỏ, tuy trời tối nhưng vẫn thấy nổi bật giữa khung cảnh núi rừng. Tôi nôn nóng đến sáng mai để thấy được vẻ đẹp kiến trúc nơi này. Qua cây cầu, tôi đi xuống chừng chục bậc thang để dẫn đến gian nhà chính. Chỗ ngủ nền lát gạch men, có tám cái võng mắc trong đấy dành cho khách ngủ, xung quanh không có cửa, thoáng gió, chỉ có mái che bằng tole nhìn khá cũ, vì mỗi khi gió lên tôi lại nghe những tiếng kêu răng rắc. Nhìn chung chỗ ngủ cũng tươm tất và sạch sẽ. Tranh thủ tắm rửa, tôi dựng ngay cái bếp nướng dã chiến lên nướng thịt. Qua làn khói và hơi ấm, tôi và chú chủ nhà được dịp trò chuyện với nhau. Chú ăn chay, độ ba mươi lăm tuổi, dáng người mảnh khảnh, nói chuyện rất thoải mái. Sau một số câu chào hỏi đơn thuần, tôi có hỏi về những cái miếu nằm rải rác khắp núi. Chú trả lời là không phải có cái miếu trước đâu. Ngày xưa nơi này còn nhiều đá hơn, những vị đạo sĩ đầu tiên lên đây tu hành họ cũng đã phát hiện những hốc đá hoặc chỗ thích hợp để tọa thiền. Qua quá trình sống ở đây, họ đi và để lại những lư hương, có chỗ lư hương tượng trưng cho chỗ họ từng ngồi, có chỗ người đời sau đặt lư hương vì thấy có cặp rắn thần, ông Hổ hay đi lại chẳng hạn. Càng về sau thì họ thấy linh thiêng, nên không để lư hương riêng nữa mà mới xây miếu, hình thành nên một quần thể những miếu nhỏ như bây giờ. Khách hành hương lên núi để trải nghiệm tâm linh, họ thường thắp nhang trên các miếu đó, lúc tôi leo lên tầm sáu giờ thì lượt khách cuối cùng vừa về, có thể nhang đó do họ đốt. Tôi nhớ lại bức tượng du kích nên hỏi: “Ủa sao con thấy có một chỗ có lư hương mà không có miếu vậy chú?” “Chỗ nào con?” Tôi chỉ tay ra lối đi lên rồi ước chừng: “Chỗ cái tượng nữ du kích, đường quẹo lên chỗ này nè chú.” Chú hơi ngơ ra: “Ý con là cái tượng đầu hổ dưới chân núi hả?” “Dạ không, cái tượng nữ du kích cầm súng, đặt ngay khúc quẹo cuối cùng để lên điện thờ Quan Âm đó chú.” Chú ra vẻ đăm chiêu, lát sau mặt chú cũng đỡ căng thẳng, giãn ra, chú nở nụ cười: “À, nhớ rồi, không sao đâu con.” Bỗng nhiên chú đứng dậy, bảo là để tôi tự nhiên nên đi vào trong tụng kinh, dặn tôi trên đây nhiều muỗi, nhớ đi ngủ sớm và tắt đèn, vì vấn đề an ninh trên núi không cho mở đèn khuya. “Không sao đâu con?”, ý chú nói thế là gì, tôi suy nghĩ mà không hiểu. Tôi ăn uống xong xuôi cũng chỉ mới hơn chín giờ. Đi dạo một vòng rồi quay về võng ngủ, phần vì mệt phần vì ngà say, tôi nằm chỗ lạ nhưng cũng cảm thấy rất thoải mái. Tôi tắt đèn, cả ngọn núi chìm vào màn đêm như nút. Gió nổi ầm ầm, cây quệt vào mái tole ầm ĩ, ngoài khoảng sân trống thỉnh thoảng vang lên tiếng “bịch bịch”, tôi nghĩ là của bọn khỉ núi, nãy chú chủ nhà cũng bảo khỉ trên đây nhiều lắm. Sáng hôm sau tôi thức khá sớm để đi ngắm mặt trời mọc, sẵn tiện tìm cái vách đá. Cảnh tượng thật hùng vĩ với những dãy núi chạy dài, trời trong vắt, cao thật cao, xa xa thì mây như một bức tường thành bằng tuyết trắng tinh. Trên những cành cây đã thấy lũ khỉ chuyền qua lại. Khung cảnh đó với tôi thật thanh tịnh, như gột rửa tâm hồn mệt mỏi, hữu hiệu, hữu hiệu. Và đúng lúc đó, một thứ trắng tinh đập vào mắt tôi, là cái vách đá hình bán nguyệt! Tôi cười lên ha hả, thì ra nó có thật, và bà chị tôi cũng không nói dốc. Tôi lấy giấy bút, vẽ lại địa hình, sẵn tiện ghi luôn những cột mốc quan trọng như nhà dân hoặc các cây cột điện. Hình như cái vách đá nằm trên đường hướng về Trà Sư, tôi nghĩ bụng ngày còn dài, ghé thăm rừng tràm rồi tìm cái vách sau cũng được. Vậy là lộ trình ngày hôm nay đã có. Quay vào thu dọn nhanh đồ đạc rồi khởi hành đến điểm tiếp theo cho kịp lộ trình, tôi đi ngang khoảnh sân gần chỗ tôi nằm ngủ tối qua, ngăn bởi tấm vách tole hoen gỉ. Chỗ đó nền lót đá thềm, mỗi viên hình vuông nhìn rất đẹp, phía trên có ít bùn do cây cỏ mục và nước mưa tạo nên, nhờ có bùn nên tôi thấy được có vết gì đó như vết giày in bên trên, mà vết giày đó không giống đôi giày nào tôi từng tưởng tượng. Nhiều vết giống vậy lắm, chỉ xuất hiện xung quanh khu vực có bùn đó. Kiểu như tối qua có ai đứng ngoài này rồi nhìn tôi ngủ vậy, mà ai lại chui ra đó đứng vào lúc hai ba giờ đêm chứ, nghĩ đến thôi cũng đủ nổi da gà… Tôi xuống núi, nhanh chóng lên xe, vỗ về chiếc xe thân yêu và nhắm hướng Tịnh Biên, mục đích ra biên giới chơi. Chạy được một quãng, tôi cảm giác như mình vừa quên quên một cái gì đó. Hình như lúc leo xuống cũng không thấy bức tượng nữ du kích, như kiểu tôi bỏ quên một tảng đá sặc sỡ mà chỉ có mù mới không thấy vậy, bực lắm. Hay là nó đã chạy đi chỗ khác, tượng có chân mà, tôi nghĩ rồi cười. Xe chạy về hướng Tịnh Biên được một quãng nữa, có chạy ngang một chùa Khmer khác, ngoài chùa có một cái tháp, trên một mặt của nó mà tôi thấy, có đắp một bức tượng Phật đang tọa thiền. Tôi nhớ rồi, tôi nhớ tôi gặp bức tượng còn lại ở đâu rồi. Ngày trước khi tôi đi thi đại học, tôi có xin ở “ké” một ngôi chùa Khmer. Chính điện nằm ở tầng hai với một cầu thang dẫn thẳng lên đó, tầng một được bố trí như chỗ đậu xe, khu ăn uống của các sư và ở đó cũng có một cái tượng một vị sư già đang tọa thiền. Tôi ấn tượng với bức tượng đó bởi vì nó được khoác áo cà sa, kiểu như bức tượng đó đứng dậy, mặc áo vào đầy đủ rồi mới toạ thiền. Tượng làm bằng xi măng, cũng tô khuôn mặt một lớp sơn hồng, ngũ quan vẽ màu đen, ánh đèn chiếu lên lớp xi măng bóng nhẵn như thoa dầu. Bức tượng du kích và bức tượng vị sư kia tạo cho tôi cảm giác như chúng giống nhau. Mãi sau này, lúc học đại học rồi, tôi có lui tới chùa đó một vài lần nữa thì mới nghe nói rằng bức tượng đó chính là vị trụ trì chùa trước đây, khi viên tịch thì thân thể không hoại, người sau cho rằng ông đã hoá Phật, nên đắp xi măng lên thành tượng. Tôi chỉ nghe vậy thôi. - o - Trời đã gần khuya, quán cà phê đã thưa bớt khách, và câu chuyện về chuyến đi An Giang của tôi cũng sắp đi đến hồi kết. Ông anh tôi ra sức hối thúc, sợ để mai, câu chuyện bị mất mạch thì tiếc lắm. Gã Hùng Bonsai giờ ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân dạng rộng, cái cằm dài không còn thu vào nữa mà hơi đưa ra, nôm có vẻ thoải mái. Tôi nhấp ngụm trà đá cho thanh giọng rồi kể tiếp. Sau khi xuống núi, tôi cho xe chạy về hướng quốc lộ 61, rẽ vào đường tránh thành phố Châu Đốc, tạt ngang khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm Trà Sư. Thật ra chỗ này tôi đi rồi, nhưng là đi theo tour, ngồi trên xuồng tam bản, đi khoảng một tiếng là hết rừng tràm, chuyến đó khá là chán nếu không có lũ chim sặc sỡ và lạ mắt bay qua lại hay đang đậu trên tổ. Còn lần này, tôi quyết định sẽ chạy xe máy, để xem cảm giác có gì khác không. Vừa vào rừng tràm, thay vì vào mua vé tại phòng vé bên tay trái, người muốn chạy xe máy sẽ rẽ phải. Đi qua một con đê nhỏ, rẽ trái thêm lần nữa sẽ thấy con đường sâu hun hút với hai hàng tràm xanh và dài bất tận. Đoạn đường này khá vắng, tôi chạy xe khoảng mười phút mà chỉ gặp chưa tới năm người, có người dừng lại chụp hình, ăn sáng hoặc chỉ đơn giản là ngắm những thửa ruộng đang vô mùa ngập nước. Tôi cho xe chạy rất chậm, chợt tôi thấy một lối mòn bên trái, kích cỡ vừa một chiếc xe. Đường đất khá khô ráo, hai bên ngập trong lá cây khô, vừa đủ khoảng trống ở giữa cho tôi chạy vào. Cây hai bên đường mòn to gấp mấy lần bình thường, lại thêm tán rộng cho nên chưa được chín giờ mà cứ tưởng trời đã xế chiều. Cây đó tôi chịu, không biết nó tên gì nhưng lá khá giống loại cây hay trồng trên vỉa hè, hai hàng cây không cao, đầu chúng chụm vào nhau tạo nên một khung cảnh có gì đó ma mị mà lại lãng mạn, những tia nắng chiếu qua kẽ lá, soi sáng phía dưới, rất lung linh. Con đường này giống cái đê, ngăn giữa một bên là rừng tràm nước phèn và bên kia giống nước kênh dùng tưới tiêu. Tôi nghĩ, con kênh nhỏ như vậy, xuồng tam bản không thể nào vô được, đây chắc chắn là địa điểm lần tham quan trước tôi chưa từng đi qua. Cảm thấy háo hức, tôi liền cho xe chạy vào. Phải công nhận, đường lót đan vẫn còn phảng phất cái hơi nực của sớm muộn, còn đoạn đường mòn này, vừa bước vào tôi bỗng nhiên cảm thấy mát mẻ ngay lập tức, có khi còn hơi lạnh nữa chứ, hơi lạnh giống như ai ngậm đá và phà vào cổ bạn vậy. Về độ rộng lớn và hùng vĩ của rừng tràm này thì khỏi phải bàn, phải nói là ở vùng Bảy Núi An Giang này, thứ gì cũng làm tôi choáng ngợp. Từ những ngọn núi, ngôi chùa, cảnh đẹp, rồi đến hồ Tà Pạ và... cả vách đá bí ẩn kia nữa. Càng tiến vào, con đường càng làm cho tôi có cảm giác như sâu hun hút vậy. Tán cây càng lúc càng dày đặc, thỉnh thoảng có loài chim lạ nào đó bay ngang làm tôi hết sức thích thú. Phía rừng ngập nước là những gốc cây tràm to đến gần cả người ôm, gốc đen sì tua tủa những rễ hay cái gì đó của một cây khác. Nước hơi đen và có bọt váng. Các gốc cây nằm gần nhau, đan xen như một mê cung khổng lồ. Thỉnh thoảng, ẩn hiện sau những gốc cây tràm, tôi thấy có vật gì đó nổi lên rồi lại chìm xuống, dài hơn mét rưỡi, đen và tròn, như kiểu bong bóng căng lên. Tôi nghĩ một là có cá gì đó, không thì do con vật nào chết rồi trương lên. Lạ cái là không có mùi hôi. Phía rừng bên tay trái tôi, ngăn bởi con kênh nước ngọt, chừng vài chục mét thì có người bên đấy, chắc là mấy ông bên kiểm lâm. Có khi họ quay lưng với tôi, có khi họ nhìn theo kiểu tò mò, có cả mấy đứa nhỏ nữa. Mà mấy ông kiểm lâm này ăn mặc khá đa dạng, sơ vin có, bèo nhèo có. Họ chỉ đứng im đó thôi, kiểu như đứng đã lâu rồi vậy. Vừa chạy xe vừa ngắm cảnh, bất chợt tôi phát hiện ra một điểm chung lập đi lập lại của khu rừng này. Cứ khoảng bốn năm cái cây lại thấy cột một miếng vải màu đỏ, sâu trong rừng, thấp thoáng phía sau những miếng vải màu đỏ này là những sợi dây thừng treo lủng lẳng trên cành cây. Vì chạy xe rất chậm nên tôi có thể thấy rõ: những sợi dây thừng này bị cắt ngang chứ không hề đứt một cách tự nhiên. Thấy khá tò mò nhưng cũng không thể lý giải nên tôi chỉ biết nhún vai cho qua, tấp xe vào cái quán cóc làm ly cà phê sáng cái đã. Quán cóc này có diện tích nhỏ, vì nằm trong rừng, được những cây tràm già nhất bao phủ nên chỉ cần nhìn thôi là đủ biết nó thoáng mát như thế nào. Quán có khoảng năm bộ bàn ghế, tất cả đều làm từ những thanh gỗ trông khá mục nát, nhưng khi tôi ngồi xuống thì thấy độ rắn chắc không phải tầm thường. Cách chỗ tôi ngồi một bàn, có hai người độ bốn mươi ngoài đang ngồi nhậu. Mồi màn trên bàn đã cạn, chỉ còn chai rượu đế. Hai người họ đang huyên thuyên về chuyện trục vớt gì đó, nhưng vì tôi chưa có miếng cà phê nào trong người nên chỉ nghe chữ được chữ không. Chủ quán là một bà lão, không biết bà bao nhiêu tuổi, chỉ thấy nếp nhăn dường như đã chiếm gần hết khuôn mặt. Thị giác của bà, nếu còn tỏ, chắc chỉ thấy thế giới như một đường kẻ. Lưng bà khom gần tới đất, còn giọng nói thì đục như dòng kênh sau căn chòi của bà. Nhận ly cà phê, tôi nói cám ơn nhưng dường như bà không nghe thấy. Tôi đốt điếu thuốc, hớp ngụm cà phê, rít một hơi thật sâu, để cho hương cà phê đi theo dòng khói chạy khắp cơ thể, trở thành loại thuốc tiên của những người chưa tỉnh ngủ. Mà, tôi đã thừa biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe. Giờ tôi mới bắt đầu chú ý tới những lời hai người đàn ông kia nói với nhau. Chú lớn tuổi hơn có một nốt ruồi dưới cằm, mặc nhiên trên đó mọc ra những cọng râu trông như dòng thác. Tôi biết chú lớn hơn vì cách xưng hô thôi. Chú còn lại có đôi mắt xếch, môi dưới khá dày chống đỡ cho cánh mũi cứ phập phồng. “Ta nói, bữa nào lội mương mà không nghe mùi là bữa đó khỏe”, chú lớn tuổi vừa nói, vừa vuốt mấy cọng râu, “còn gặp như bữa hổm thì thôi thôi...” “Tại anh hên thôi anh Tám ơi”, chú Nhỏ cự, “bên phía tui tuần này tính ra thôi là ba cái!” “Trên bờ hay dưới mương?” “Trên bờ hai, dưới mương một! Mà ngặt, cái dưới mương hết kéo lên được. Phải lấy chài lôi lên.” “Bị “nó” níu lại đó, lần đó tao cũng bị, hai cái dưới gốc tràm, “nó” lôi vô tới đó luôn mày, tao gỡ không ra tới khi cúng nó mới nhả ra đó!”
|
“Bởi vậy, thà là cắt mấy cái trên cây xuống nhẹ hơn dữ dằn…” “Đúng thiệt... Mô phật, mô phật!” Nói tới đó, hai người rót rượu đầy ly rồi cùng nhau cạn. Xong rồi mỗi người lại nhìn một hướng, vẻ mặt đăm chiêu thấy rõ. Tôi thấy vậy cũng không để ý tới họ nữa. Đưa mắt nhìn một vòng, tự nhiên thấy tít ngoài sâu trong khu rừng, đối diện với chòi nước có thứ gì đó đang đong đưa. Nhìn kỹ thì thấy đó là một chiếc võng, dây nhợ thòng xuống cả đất, chắc đã bị thủng. Xung quanh nó là các cây rừng, mật độ cũng khá dày, cỏ không cao lắm nhưng nhìn âm u. Chiếc võng này được mắc giữa hai thân cây nhỏ, dưới đất, lá khô chất đống giống như đã lâu lắm không ai nằm đó để phải gạt cỏ ra. Tôi nghĩ chắc là có gió mạnh ngoài kia lắm, vì cái võng bị thổi nghiêng sang một bên, sau đó dường như gió lặng nên nó lại rơi xuống, đong đưa qua lại. Rồi lại có gió, chiếc võng bị thổi, rồi gió lại tắt. Có nhịp điệu hẳn hoi, nhìn cũng khá giống với việc có ai đó ngồi lên, lấy trớn, rồi thả ra cho võng lắc lư vậy, mà cũng giống thật vì phần võng bành ra chứ không xếp lại như khi không ai nằm. “Chú ơi”, tôi nghe chất giọng đục ngầu của bà lão nên quay lại, “chú từ đâu tới?” “Con ở Sài Gòn ngoại ơi!” Bà cụ bị lãng tai, không nghe rõ tôi nói gì nên nhếch cả mồm lên, làm vẻ mặt nghiêm trọng. Tôi thấy vậy liền hét câu đó thêm lần nữa. “À, người “xì phố” đi du lịch phải chưa. Lâu lâu cũng có dăm ba cô chú đi lạc vô như chú vậy đó!” “Con không có đi lạc ngoại ơi”, tôi thét lên, “mà ngoại cho con hỏi, cái võng ngoài kia của ai nằm mà rách hết trơn vậy ngoại?” Bà cụ thấy tôi chỉ tay cũng cố gắng hết sức nhướn phần thịt trên chân mày lên nhìn theo, nhưng chắc vô vọng rồi, xa vậy dễ gì thấy, tôi thấy bà ngoài cả người về phía đó luôn, lúc sau thì bà nói: “Võng nào? Có kiểm lâm người ta ngủ trên tháp canh mới mắc võng, chứ rừng rú làm gì có võng?” Chắc bà không thấy nên tôi cũng ậm ừ lái qua chuyện khác: “Ngoại ơi, ngoại biết mấy miếng vải đỏ với mấy sợi dây thừng trong rừng không?”, tôi nghĩ bà sống ở đây lâu rồi nên chuyện này chắc kèo là bà sẽ biết. “Người ta chết trong rừng đó chú,” bà thả câu nói nhẹ tơn, như thả cái lông gà lông vịt, “dây thừng là người ta treo cổ phải cắt thì mới đưa xuống được. Gỡ không ra. Còn miếng vải đỏ là của mấy ông thầy chùa cột, để siêu thoát. Với lại người nhà cũng biết chỗ mà lại đốt nhang. Thỉnh thoảng cũng có xác chết trôi...” Đột nhiên, bà dừng lại giữa chừng như sực nhớ hay sợ hãi điều gì đó, bà quay ngoắt cổ về sau làm những thớ thịt già nua cong lại, sắp lớp. Tôi nhìn theo hướng đó, trong nhà, trên một cái bàn gỗ đã cũ, có một cái lư hương, nhang vừa cháy hết, phía sau là một bức ảnh thờ, đáng lý ra là vậy, nhưng trong khung ảnh thì không có gì cả. Không ảnh, không hình, cũng không có cả chữ tàu chữ tây. Chỉ đơn giản là một khung ảnh thờ màu đen, bên trong lót một tấm carton, bên ngoài cũng có tấm kính. Khung ảnh đã mòn hết mép, lấm tấm những chỗ như bị nhang châm vào. Bà lão đứng dậy, lật đật chạy vào thấp một nén nhang mới như sợ cái chuyện bàn thờ lạnh tanh thì có cái gì đó ghê gớm lắm. Tôi thấy vậy liền để lại hai mười nghìn rồi đứng lên đi về. Chiều nay, nhất định tôi sẽ tìm cho ra cái vách đá đó. Anh Tuấn nghe đến đó thì cắt ngang: “Mà anh thấy, giữa triền núi thoai thoải, làm sao lại có vách viếc gì được?” “Em không biết. Cái vách đó nhìn thì gần lắm, mà em lật tung lên chắc cả cái huyện, hỏi ai cũng lắc đầu không biết. Nhưng thề không nản chí. Em nhờ vào hình vẽ được lúc trên núi két, lên GPS định vị tọa độ núi, sau đó nhắm hướng vách đá, ước chừng chỉ cách năm cây số về hướng Tây Bắc. Sau đó lên bản đồ, chấm ra một điểm gần nhất so với chỗ đó mà bản đồ có đường đi được. Em định đi đến gần nó, rồi thì dù không có đường vô cũng quyết băng rừng mà đi. Phen này bằng mọi giá phải hỏi cho ra…” Hơn mười một giờ, tôi xuất phát sau khi ăn vội bữa trưa. Trời âm u sang giờ đã rỉ rả cơn mưa rào, bầu trời đen xám càng làm cho vùng núi thêm âm trầm tĩnh mịch. Xe chạy bon bon trên đường vắng, do trưa cộng thêm trời mưa nên chẳng ai ra đường. Căn cứ theo bản đồ, tôi quẹo vào một con đường nhỏ. Chỗ này vẫn còn thuộc địa phận thị trấn Nhà Bàng, hướng về Tịnh Biên tầm một cây số. Con đường này chừng hai trăm mét đầu tiên là nhựa nhưng về sau là đất. Đường lầy lội, hai bên đường chỉ toàn cây dại, cây rừng cao ngang đầu, thỉnh thoảng có một số nhánh rẽ là đường mòn nhỏ xíu chạy khuất sau hàng cây dẫn đến nơi nào có trời mà biết. Tôi tiết kiệm thời gian nên cứ nhắm đường chính mà chạy. Những khúc ngoặt tối om do cây che khuất, cơn mưa không lớn, gió lặng, ông trời đang ủ rủ còn tôi thì ngồi nhấp nhổm trên con xe 67. Đồng hành với tôi chỉ có tiếng xe máy, thỉnh thoảng là tiếng chim rừng kêu lên bất chợt rồi tắt ngấm, lọt thỏm giữa những ngôi mộ mà không biết người nằm dưới đó đã được bao nhiêu năm rồi. Vùng gì mà ngộ, núi nào cũng đầy những mộ, mộ mới có, hương khói có, vô chủ có, thậm chí những nấm đất cao cũng có. Đang hăng máu lắm nên nhìn chung tôi không sợ gì cả, chỉ lo lỡ xe hư thì dẫn ra hơi bị mệt. Đi chừng ba cây số trong con đường mòn đó, ngay khi tôi vừa chột dạ vì thấy hơi xa so với điểm chấm trên bản đồ, đang định quay xe ra thì thấy thấp thoáng mái ngói đỏ của một ngôi chùa. Phần đường dẫn vào chùa được lát đá thềm khá đẹp, tuy hơi nhiều rêu, cổng chùa được sơn vàng, nhìn còn mới lắm, bên trong nhìn giống miễu hơn là chùa. Có một gian chính và hai gian phụ, nhìn như chữ “U”. Sân chùa có một cái lư lớn bằng đất nung, chỉ có chân nhang đã bạc màu do nắng gió. Tôi dựng xe vào góc định kiếm người hỏi thăm. Ấn tượng của tôi là gian chính đẹp, nền lót gạch tàu, cổ kính với những liễn và hoành phi, nhang khói thịnh, bức tượng Phật giữa chính điện đem đến cảm giác rất an nhiên tự tại. Nghe tiếng động, một sư thầy tuổi chắc cũng ngoài bảy mươi bước ra. Tôi chắp tay trước ngực, chào thầy theo kiểu Phật giáo, rồi hỏi về cái vách đá bí ẩn kia. Cuộc trao đổi diễn ra khá chóng vánh, sư thầy chỉ tay ra phía sau và bảo đường xuống hơi khó đi và dặn tôi nên cẩn thận vì trời mưa, vắt đỉa nhiều lắm. Tôi chắp tay thi lễ rồi nhanh chóng ra phía sau chùa, tôi đi vòng giữa gian trái và gian chính, có con đường nhỏ cũng được lát bằng đá thềm. Đường xuống chừng ba mươi mét, là một cái dốc được dẫn bởi những bậc thang đá xanh, bề ngang chắc đi được hai người. Do dốc với nhiều rêu, như kiểu mưa vài tuần nay rồi không ai đi vậy, cho nên tôi đi khá chậm. Phía dưới con dốc là con đường mòn, hoặc nó đã từng là như vậy, dấu cỏ cho thấy trước đây đã có người qua lại chỗ này, chắc cũng mới gần đây người ta không đi nữa thôi. Xung quanh tôi lúc này có thể gọi là rừng được. Đủ thứ cây dại: còng, chuối, tre, thị, và những bụi cỏ không cao lắm nhưng làm khung cảnh rất um tùm rậm rạp. Tôi chỉ sợ có con gì nhảy xổ vào người thì chắc tè ra quần mất. Trời mưa làm không khí trong này hầm hập như lò xông hơi, ẩm ướt khó chịu. Tôi buộc ống quần, thắt dây giày lại đề phòng côn trùng, đỉa vắt chui vào. Xả tay áo ra và không quên đội nón lên. Cho an tâm thôi. Giữa trưa, do cây rậm rạp và trời mưa nên không gian khá tối, tôi lần mò theo con đường quanh co. Phía sau tán cây, tôi thấp thoáng thấy cái gì đó sừng sững, chắc mẩm là vách đá tôi đang tìm rồi nên tôi càng vui vẻ đi tới. Không gì to lớn lắm nhưng với tôi cảm giác như sắp khám phá ra một lục địa mới vậy. Kể ra thì lúc đó tôi cũng gan thật, đa phần mọi người sẽ sợ ma hay thứ gì đó siêu nhiên, thề là tôi chỉ thấy sợ muỗi đốt hay kiến hay ong hay mấy con rắn. Gớm chết đi được. Mẹ tôi hay nói tôi sinh vào giờ Dần, dương khí vượng, nên kiểu như nặng vía dữ lắm, cho nên tôi không thấy được thế giới tâm linh và do đó tôi cũng không biết sợ những gì tôi không thấy. Hết đường mòn. Trước mặt tôi là ba ngôi nhà lá, nền đất, mặt tiền dựng ván, vách lá dừa. Trông chúng cũng khá cũ kỹ và tơi tả, cũng phải, có lẽ do điều kiện của chủ nhà không đủ sửa sang lại. Bỗng nhiên tôi thấy an tâm hẳn. Ít ra cũng đỡ cô đơn giữa chốn núi rừng tịt mịt. Nghe tiếng người lạ tới, trong nhà vọng ra tiếng chó sủa vang cả núi đồi làm tôi giật cả mình. Tôi lại thấp thoáng thấy vách đá phía sau tán cây, nên vòng qua ba ngôi nhà đó để đi tiếp. Phía sau, đúng như dự đoán của tôi, không còn đường nữa. Trước mặt tôi là những cây chuối, tôi nghĩ là nó mọc dại, không cao như những cây chuối thường thấy, thân cũng nhỏ hơn nhưng lá nhiều và kín, những buồng chuối non chắc bị khỉ gặm nham nhở, thâm đen và rỉ ra nhựa. Theo hướng thì đúng rồi, chắc nó chỉ sau cái hàng chuối này thôi. Tôi bước tiếp, nhìn xa thì chuối khá rậm nhưng lại gần thì vẫn đủ chỗ cho hai người đi. Tôi đi qua lại trong đấy, chắc chừng năm mươi mét thì hết rừng chuối, trước mặt tôi lại hiện lên cảnh rừng rậm quen thuộc. Tuy nhiên, có một thứ không đúng ở đây, đó là cái giếng. Vâng, một cái giếng giữa rừng. Tôi cho là do những người sống trong ba ngôi nhà kia đào. Nhưng chắc không đâu, vì giếng này khô rồi, khá nông và hôi, thành giếng đóng rêu đen xì, xi măng bong ra từng mảng. Tôi nghĩ trong đầu, lúc tôi quay đi mà có con ma nữ tóc dài nào trèo từ dưới giếng lên, như trong phim The Ring, chắc tôi đạp nó xuống lại thôi chứ cũng không gì. Tôi băng qua giếng để đi tiếp, nhưng lúc vừa đi ngang miệng giếng, trong đầu tôi vang lên âm thanh gì đó chói tai kinh khủng, chỉ vang trong đầu tôi thôi chứ không phải là từ bên ngoài vọng đến. Nó làm tôi choáng váng phải nhắm mắt lại vài giây, choáng như kiểu ngồi lâu rồi thình lình đứng dậy vậy, bờ vai chỗ vết bớt thì đau nhói. Lúc từ từ mở mắt ra thì hết hẳn. Nhưng tôi cảm thấy khung cảnh xung quanh có gì đó khác khác, kiểu như khác những chi tiết nhỏ thôi nhưng không tìm ra được, đại loại giống như có ai đó chùm khăn lên đầu bạn rồi dẫn bạn đến một chỗ khác rồi mở khăn ra vậy, ờ, nói thế cho giống với từ mấy người yếu vía hay gọi là “bị ma giấu” ấy. Lòng nghĩ là do tác động hồi nãy nên tôi vẫn hăng hái sấn bước tới trước. Qua cái giếng là trở lại địa hình rừng cây. Nền đất nơi đây là cát, toàn cát, nhưng chúng còn khá tơi chứ không kiểu khô cứng lại như đất. Với lại không bằng phẳng, cứ nhấp nhô liên tục, làm tôi di chuyển hết sức chậm chạp. Nào là mưa, cây che khuất ánh sáng, cây bụi gai và đủ thứ gì dính dính dưới chân khiến tôi suýt té mấy lần. Có những con dốc nhỏ chừng năm hay sáu mét gì đó nữa, leo lên rồi lại leo xuống, cho nên quãng đường thì chừng vài trăm mét thôi nhưng phải nói là tôi như lên bờ xuống ruộng. Mồ hôi tuôn ra như tắm, tôi căng thẳng dò đường đi. Mà ngộ cái là khi trong đấy, chắc là do tôi mệt với căng thẳng, nên trong đầu tôi văng vẳng những tiếng vo ve gì đó của cả ngàn con côn trùng, kiểu như… có ai thì thầm hoặc đứa nhỏ nào khóc vậy. Tôi vẫn cho là của đám côn trùng, chứ con nít đâu ra? Dưới giếng à? Hừm… Trước mặt tôi lại có một con dốc nhỏ, linh cảm tôi cho thấy sau con dốc này là cái vách đá kia rồi. Tôi phấn khởi leo lên. Vạch tán cây ra, tôi đờ cả người. Dĩ nhiên là không có cái vách núi nào cả, mà là cái giếng. Vô lý, tôi đi theo la bàn, rõ ràng không hề đi vòng tròn. Không chấp nhận chuyện mình vừa đi một vòng, tôi lấy điện thoại ra mở la bàn lên, xác định lại hướng của vách đá, rồi băng rừng đi tiếp. Lạ một chỗ là trời tuy mưa nhưng tai tôi không nghe được tiếng mưa rơi trên lá, mà chỉ nghe những tiếng “ù ù”, thực ra nó giống tiếng thều thào của ai đó hơn, hoặc cũng giống như tiếng thút thít của trẻ con, là cái tiếng nãy giờ cứ văng vẳng trong đầu tôi đó, rất là bực. Nhưng tôi không cho là giữa chốn rừng núi này có thể có những âm thanh giống vậy được. Không. Toàn cây là cây thôi, chắc là do côn trùng đập cánh cộng thêm tôi bị mệt nên có ảo giác. Tôi nghĩ vậy và càng tự tin sấn tới trước, tay giữ khư khư la bàn trong điện thoại, tôi tin là mình đang đi con đường khác lúc nãy, vì các bụi cây ở đây không có dấu đổ rạp. Vừa leo lên một con dốc nhỏ, vén bụi cây gai trước mặt, nằm im lìm phía kia không phải là cái vách đá tôi muốn tìm mà dĩ nhiên là cái giếng. Mẹ kiếp! Tôi chửi thầm. Sao cứ đi vòng mãi thế, rõ ràng tôi đi theo la bàn mà? Nhìn xuống la bàn trong điện thoại thì bỗng nó tắt ngóm. Hết pin. Cục sạc dự phòng tôi lại để trong xe. Phen này chắc đành gác lại ham muốn tìm kiếm lại mà quay ra xe thôi. Nhìn lại cánh rừng sau lưng một lần nữa đầy hối tiếc, tôi quay đi. Vừa qua khỏi cái giếng, cảm giác như tiếng côn trùng đập cánh nhiều lắm hay sao ấy, mà nghe như tiếng cười, y hệt luôn. Mà quái, trời mưa làm gì có con gì bay? Tôi lần mò theo đường cũ chẳng mấy chốc mà tới nơi đậu xe, nhanh chóng lấy cục sạc ra. Giữa chốn rừng núi này, tôi không quan tâm có ma quỷ hay không, chỉ sợ là gặp tai nạn mà không liên lạc được với ai thì mới chết chắc. Tôi đứng nhìn triền dốc dẫn xuống khu rừng, bụng còn đang nghĩ hay là bất chấp làm một cú nữa cho ra ngô ra khoai, thì bỗng phía cánh rừng, mưa tuôn dữ dội, trong khi chỗ tôi đang đứng đây thì chỉ mưa lâm râm. Nhìn mưa đấy tôi không dám vào, đành chào sư cụ rồi ra lấy xe. Nhưng ko thấy sư cụ đâu, gian chính điện lúc nãy khá ấm cúng giờ cứ thấy lạnh lạnh thế nào ấy. Tôi nghĩ có lẽ ông nghỉ trưa rồi cũng nên, mười hai giờ rồi mà, nên tôi dắt xe ra luôn. Vừa chạy khỏi cổng chùa, tôi ngạc nhiên khi phía tay phải cổng, sau một bụi cỏ thấp, là một cụm mả được tạo nên bởi ba nhóm mộ nhỏ gồm tám cái cả thảy, loại mộ đất vừa đắp, phía trên còn để nhiều đồ cúng và còn chân nhang, có vẻ mới đắp tầm hai tuần thôi vì đồ cúng nhìn hư cả rồi. Hồi nãy chạy vào sao không thấy được nhỉ? Chắc do nôn nao tìm cái vách đá nên không để ý. Tôi vừa chạy xe ra, ngoái nhìn lại ngôi chùa cổ kính yên lặng lần cuối. Mới để ý, lúc nãy tôi đi lên chùa bằng chính con đường tôi xuống, sao không nhớ có đi ngang ba ngôi nhà vậy? Đúng là bấn loạn hết rồi không để ý gì hết. Xe chạy bon bon, đường gì nhiều rêu vậy, mưa như mấy nay thì cũng phải hai tuần rồi không ai chà rửa. Tội ông sư già lỡ bị gì rồi sao. Trên đường ra, gió thổi cây rừng kêu xào xạc như phụ họa cho tiếng lòng tôi cũng đang gào thét dữ dội; một cảm giác gì đó làm tôi cứ bồn chồn không yên. Tôi nghĩ về hàng loạt những chuyện kỳ lạ tôi đã trải qua trong hành trình về Bảy Núi lần này. Nghe về Bảy Núi thì nhiều, chuyện tâm linh lại càng vô số, tưởng chừng như chẳng bao giờ hết, thế nhưng tôi đi một mình như vậy mà có gặp con ma con quỷ nào đâu? Chẳng lẽ tôi muốn được tin và được sợ? Chạy được một đoạn, tôi thở dài rồi dựng xe, cảm thấy luyến tiếc. Khoảng chưa tới mười tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi lại trở về với hồ sơ, với bộn bề công việc, với xe cộ, đèn đường và con người. Tôi ngồi khuỵu gối, bất giác bốc một nắm đất rồi thả cho gió mặc sức cuốn đi, ngước lên nhìn, trên cái cây trước mặt tôi là miếng vải đỏ đang phất phơ như gửi lời tạm biệt, cây này sao giống với cây trong rừng tràm Trà Sư vậy? “Meo.” Sau lưng tôi, bên kia đường, một con mèo đen đang ngồi chễm chệ. Nó nhìn tôi, kêu thêm vài tiếng nữa. Chợt đôi mắt nó như trợn lên, hớt hải chạy về phía tôi, lông trên lưng nó dựng ngược. Tôi tưởng nó chạy sang chỗ tôi cho tôi nựng nịu nên cũng có chút mong chờ. Nhưng tôi đã lầm, ánh mắt nó không phải trợn ngược với tôi mà với cái gì đó sau lưng tôi. Có lẽ vậy. Nó làm tôi thoáng giật mình quay ra sau thì không có gì cả. Đường vẫn vắng ngắt. Nó chạy ngang tôi cái “vụt”, lúc tôi quay lại thì chỉ thấy cây cỏ động đậy chứ không thấy bóng dáng nó nữa. Mà kể cũng lạ, tôi có cảm giác con mèo này như chỉ có cái đầu và hai chân trước. Như con người thiếu đi phần thân giữa. Hai cái chân uyển chuyển, còn đầu thì to quá khổ. Chắc nó chạy nhanh quá tôi nhìn không rõ. Chuyến đi kết thúc, tôi chẳng tìm được vách đá đó, cũng chẳng thu hoạch được nhiều trải nghiệm, ngoại trừ những thứ không thể lý giải nổi. Tuy nhiên, cảm giác như tay Hùng Bonsai đó muốn gặp tôi cũng chính vì cái vách đá đó...
|