Phong Đao
|
|
Phong Đao
Tác giả: Thanh Sơn Hoang Trủng
Edit: Ổ Xù Già (C1-16) /Sentancuoithu (C17-)
Thể loại: Đam mỹ, giang hồ, sư đồ, niên hạ, 1×1, HE
Tình trạng bản gốc: Hoàn (213 chương)
Nguyên tắc vẫn như cũ: Đam mỹ cổ trang, mỹ nam tử, chung tình 1×1, không phụ tử/huynh đệ, không nhược thụ, không cao H (nếu H cũng phải thanh thủy văn), không luyến đồng, quan trọng nhất là HE, người có tình thân sẽ thành quyến thuộc. Con tym mỗ vốn mong manh dễ vỡ a!
Về tên truyện: Phong Đao – Phong ở đây là niêm phong, khóa lại, hiểu nôm na là cất cây đao vào, không dùng nữa, cũng có thể gọi là thoái ẩn giang hồ.
Văn án:
Ở đâu có người, nơi đó có giang hồ.
Người trong giang hồ, đạo nghĩa tận trời, phong lưu tiêu sái.
Một người, một vũ khí, một thân lang bạt.
Có một người, thời niên thiếu ấy vừa bước chân vào giang hồ, vấp phải muôn vàn trắc trở, người lừa ta gạt, bẫy rập giăng đầy.
Một thân kinh qua bao phong sương, gian khó, từ đó trở thành một người chuyên đi bẫy người khác...
Thiên hạ phong vân xuất ngã bối, nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi. (*)
“Ngũ hồ tứ hải đều là chiến tranh, ở chốn giang hồ ấy hả, có ân báo ân có oán báo oán, cứ thế lặp đi lặp lại, không sống thì là chết.”
Rất nhiều năm về trước, chàng thiếu niên Sở Tích Vi vừa mới bước vào sư môn đã nghe thấy câu nói ấy, cứ như bị tuyết đổ lên đầu, lạnh thấu xương.
Dọa tiểu đồ đệ xong, Diệp Phù Sinh mới thản nhiên nhấp một miếng trà: “Câu trên chỉ là nói nhảm thôi.”
“…”
Mỗi một thiếu hiệp mới bước chân vào giang hồ đều sẽ gặp phải đủ loại bẫy rập, nửa đời trước Diệp Phù Sinh cũng vì thế mà giẫm qua không biết bao nhiêu cái bẫy, nửa đời sau y triệt để tỉnh ngộ, quyết định đi bẫy người khác.
Tuy nhiên, nếu thật sự đơn giản như thế, đã không phải gọi là giang hồ.
Nhất kiếm phá vân khai thiên địa, Tam đao phân lưu định càn khôn. Đông tây Phật đạo tranh trước sau, Nam Bắc Nho Hiệp luận cao thấp.
Truyền thuyết sẽ không vì con người già đi mà biến mất, ân oán cũng sẽ không vì thời gian trôi mà phai nhạt.
Nhất đại đao khách Kinh Hồng từ giã triều đình quay lại chốn giang hồ, y vốn định buông bỏ tất cả sống hết quãng đời còn lại, nào ngờ tiểu đệ tử năm đó y thu nhận giờ đã trở thành nhất đại Hắc Sơn Lão Yêu, còn túm đuôi y không chịu buông tha.
Trước hiểm độc lại chịu sỉ nhục sau hóa biệt nữu đệ tử công Vs bản thân luôn tự đâm đầu vào chỗ chết – không ngừng cợt nhả sư phụ thụ.
Đây là câu chuyện về một vị sư phụ tính tình cợt nhả đi phiêu bạt khắp giang hồ gợi ra những ân oán ngày xưa trong võ lâm.
Đây cũng là một câu chuyện lãng mạn về một vị đồ đệ ngạo kiều, muộn tao, trung khuyển quyết đuổi theo sư phụ không rời.
Tranh vanh quá hậu, phồn hoa thành hôi. Kinh hồng Lược Ảnh, thiên hạ phong đao.
Chú thích:
(*) Thiên hạ phong vân xuất ngã bối, nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi. Dịch: Thiên hạ phong vân có bọn ta, giang hồ chốn ấy mới kinh qua.
(**) Tranh vanh: Thời kỳ đỉnh cao.
(***) Về tên truyện: Phong Đao – Phong ở đây là niêm phong, khóa lại, hiểu nôm na là cất cây đao vào, không dùng nữa, cũng có thể gọi là thoái ẩn giang hồ.
|
Chương 1: Tiết Tử[EXTRACT]Editor: Ổ Xù Già
Tháng bảy oi bức, lá rơi lả tả.
Vùng đất phương Nam nhiều sông nước. Tiết trời đã qua mùa, những chiếc lá sen dạo trước còn phủ khắp mặt hồ giờ cũng chỉ còn thừa lại những mảng rách nát. Bến đò hoang xưa nay tiêu điều vắng vẻ, vậy mà hôm nay lại có khách đến.
Khách nhân khoác áo choàng đen, chiếc mũ trùm che khuất hơn phân nửa gương mặt, dưới chân hắn là con thuyền nhỏ không biết lấy từ đâu mà ngay cả chiếc mái cỏ cũng chẳng có.
Hắn đã đứng ở nơi này gần ba canh giờ, từ lúc thái dương ngả về Tây cho đến lúc trăng treo giữa trời, dưới chân như mọc rễ, không hề di chuyển. Lại qua thêm một chốc, cơn gió mang hơi lạnh thổi qua kèm tiếng lá rụng bị giẫm lên, một người mặc y phục dạ hành, đi trên con đường nhỏ mọc đầy cỏ hoang từ đằng xa đến.
Còn chưa tới gần, hắn đã cúi người hành đại lễ: “Thuộc hạ tới trễ, khiến Tôn chủ đợi lâu.”
“Chiến sự ở Kinh Hàn quan đã kết thúc, đường xá lại xa xôi, không phải là lỗi của ngươi.” Người khách khoác áo choàng phất tay ý bảo hắn ta bước đến gần, giọng có chút khàn khàn: “Chẳng qua, ngươi dẫn theo cái đuôi tới, đây lại là một sai lầm không nhỏ.”
Người khách dạ hành nghe vậy kinh hãi. Suốt đường đi hắn ta bôn ba mệt mỏi cũng khó tránh chuyện lơ là, chẳng biết bị người bám đuôi đến tận đây từ lúc nào. Thoáng nghĩ một chút, hắn tập trung nội lực vào tai mắt, lập tức tra rõ ở cánh rừng hoang phía sau có chừng hơn mười người đang âm thầm di chuyển.
“Thuộc hạ đáng chết, xin Tôn chủ…”
“Nếu bọn họ động thủ, sợ là ta phải phái người moi bụng chó mới có thể tìm được xương của ngươi.” Người khách khoác áo choàng cười giễu một tiếng, quay đầu lại nhìn. Lúc này mặt nước gợn sóng, một chiếc thuyền nhỏ từ xa tới gần, trên thuyền có hai người đang đứng. Một người tóc dài, mặc áo bào màu tro cung kính đứng phía sau, một người đội ngọc quan, mặc áo trắng đứng ở đầu thuyền.
Hai tay người áo trắng nâng một chiếc hộp gấm dài, gương mặt tựa khuê bích, nụ cười như gió nhẹ “Tích Vi, mười năm không gặp, ngươi chẳng những cao lớn hơn mà cả tính khí cũng chững chạc hơn rồi!”
“Thời gian như thoi đưa, nàng dâu rồi cũng thành mẹ chồng, có ai không hề thay đổi?” Người khách khoác áo choàng phất ống tay áo, chiếc thuyền nhỏ cũng theo đó mà gợn sóng. Sóng còn chưa lan được hai vòng, hắn đã đáp xuống phía sau người áo trắng, chuyển tay đè chặt bội đao bên hông nam tử áo bào tro, giễu: “Dám múa đao ngay trước mặt Quan Công, cẩn thận tự đập trúng chân mình.”
Đôi mắt của người mặc áo bào tro nhíu lại, hắn liếc thấy ánh mắt không vui của người áo trắng đứng trước, mới từ từ buông tay ra nhưng toàn thân vẫn căng thẳng như trước.
“Bản lĩnh không tệ, nhưng phản ứng lại quá kém. Y ở bên cạnh ngươi nhiều năm như vậy, lại dạy dỗ ra một đám…” Người khoác áo choàng dừng một chút, đổi thành một từ tương đối uyển chuyển hơn: “…gối thêu hoa.” (*)
[(*) Gối thêu hoa: Ý chỉ kẻ vô dụng]
Người áo trắng ho khẽ một tiếng: “Người vào Lược Ảnh vệ đa phần đều có tài nghệ riêng. Thống lĩnh cũng chỉ phụ trách nhiệm vụ xử phạt, câu này của ngươi đúng là oan cho y quá.”
“Tử Ngọc huynh, ngươi vượt xa ngàn dặm tới đây, hà tất phải nhiều lời lãng phí thời gian như thế?” Một cơn gió nhẹ thoảng qua, hơi lạnh thấm tận xương đồng thời cũng khiến giọng của người khách khoác áo choàng thoáng hiện chút lạnh lùng, “Ngươi tìm ta có chuyện gì?”
“Lược Ảnh vệ phát hiện thuộc hạ của ngươi ở Kinh Hàn quan, ban đầu ta cứ nghĩ hắn là tai mắt còn sót lại của quân địch.” Người áo trắng không hề lay động trước sát khí của người nọ, thản nhiên nói rõ chân tướng: “Sau quá trình theo dõi điều tra mới biết người này đến vì Thống lĩnh Lược Ảnh… Tuy Lược Ảnh vệ nổi danh thiên hạ nhưng thân phận mỗi người đều là một bí ẩn, huống hồ còn là Thống lĩnh? Ta suy đi nghĩ lại, nếu như trên đời này có người biết thân phận của y, chú ý đến y như thế, thì chỉ còn có mình ngươi mà thôi.”
Khóe môi của người khách khoác áo choàng khẽ nhếch lên: “Biết ta còn sống tốt thế này, hẳn là rất thất vọng?”
Người áo trắng lắc đầu, bàn tay khẽ vuốt hoa văn khắc trên hộp gấm “Có lẽ đã từng như vậy. Chỉ là bây giờ… Tích Vi, biết ngươi còn sống, ta rất vui. Ít nhất ta sẽ không mơ thấy y nổi giận với ta.”
Toàn thân người khoác áo choàng như cứng lại, hắn nhìn hộp gấm, giọng nói cũng khàn đi: “…Ngươi, có ý gì?”
“Tháng trước, Man tộc phương Bắc xâm chiếm Kinh Hàn quan, việc này ắt là ngươi cũng biết. Nếu không ngươi cũng không phái người tới đó thăm dò.” Thoáng nhìn người khách dạ hành bị thuộc hạ mình bao vây trên bến đò, giọng người áo trắng cũng thấp dần: “Kinh Hàn quan là nơi quan trọng của Bắc Cương, nếu bị phá quan không khác gì mở rộng cửa biên giới, nhưng Man tộc đã có mưu tính từ lâu, lần này…”
“Sở Tử Ngọc, trả lời câu hỏi của ta!” Ống tay áo vung một cái, mũ trùm bị gió mạnh thổi lên, hình dáng người khách khoác áo choàng cũng lộ ra dưới ánh trăng. Hắn chừng hai mươi tuổi, mày nhỏ, mắt hạnh, tóc đen như mực, rõ ràng là trời sinh một vẻ trêu hoa ghẹo nguyệt, nhưng lúc này đôi môi mỏng đang mím chặt, mi mục nhíu lại, khí thế sắc bén bức người.
Hoàng thất Đại Sở lấy quốc tính làm họ. Hoàng đế đăng cơ khi tuổi còn trẻ, cải cách biến pháp, chấn chỉnh quân chính dân sinh. Tân pháp đang từ từ phổ biến rộng rãi, dân chúng có người giận mắng, cũng có người khen ngợi, nhưng cho dù là đứa trẻ cũng biết vị Hoàng đế dám thay đổi luật pháp tổ tông ấy họ Sở tên Tuần, tự Tử Ngọc.
Bị vô lễ cắt ngang, Thiên tử cũng không phiền không giận, chỉ nói tiếp: “Tướng thủ quan chết trận, chiến sự nguy cấp. Trong triều cũng có lão thần cứng đầu đấu sức với ta, ta đành hạ mật lệnh cho Lược Ảnh vệ nhanh chóng tới Kinh Hàn quan, chuẩn bị tùy cơ hành sự.”
Giang hồ cùng triều đình phân biệt rõ ràng. Đối với việc trong võ lâm, quan phủ đều mắt nhắm mắt mở, hiệp khách cũng không dùng võ công can thiệp làm ảnh hưởng luật pháp, có thể nói đây là mối quan hệ kỳ lạ giữa triều đình và võ lâm trong những năm gần đây.
Nhưng Lược Ảnh vệ là một ngoại lệ.
Từ xưa chuyện thay đổi triều đại, giang sơn đổi chủ nhiều không kể xiết, cho đến hiện giờ Đại Sở chẳng qua cũng mới truyền được ba đời. Cao Tổ khởi nguồn từ binh nghiệp, hiểu rõ mọi chuyện trong dân gian, sau khi lập quốc đăng cơ đã ngầm triệu tập võ lâm cao thủ hợp thành ám vệ, ban tên ‘Lược Ảnh’, đến nay đã hơn sáu mươi năm.
Tiên đế tính tình trời sinh mềm yếu, bất mãn với thủ đoạn của Lược Ảnh vệ, nên khi đó đã tiến hành triệt tiêu, có một khoảng thời gian dài không dùng tới. Nhưng việc đầu tiên sau khi tân Hoàng đế đăng cơ chính là cho lập lại Lược Ảnh, một lần nữa chiêu nạp mật thám và sát thủ, tạo ra lưỡi đao sắc bén nhất cho mình.
Một lưỡi đao treo trên cổ kẻ địch của hắn, có thể chém xuống ngay bất kỳ lúc nào.
Không ai biết bọn họ có bao nhiêu người, không ai biết bọn họ ẩn nấp nơi nào, càng không ai biết… bọn họ là ai.
Bàn tay đang vuốt ve hộp gấm của Sở Tuần ngày càng chậm, hắn nói khẽ: “Ta đã để bọn họ bất chấp mọi giá bảo vệ Kinh Hàn quan, chỉ là ta không ngờ cái giá ấy…”
“…Man tộc thế mạnh, trong thành có gian tế lén lút câu kết ngoại địch. Một trăm bảy mươi tám Lược Ảnh vệ, chỉ trong mười ngày đã mất quá nửa… Cuối cùng, trước khi binh vào thành ba ngày, y đã lẻn vào trại người Man, ám sát thủ lĩnh Đồ Tháp Nhĩ.”
“Việc ẩn nấp trong doanh trại giặc đã là một việc vô cùng nguy hiểm, huống chi là sau khi ám sát chủ soái quân địch, bị bại lộ giữa thiên quân vạn mã?”
Gió lạnh tựa như rắn độc chui vào sau lưng hắn, lại nghe giọng Sở Tuần ngày càng nhỏ: “Sau trận chiến, các Lược Ảnh vệ đã lật tung từng thi thể một, tiếc là tất cả đều đã tan nát không ra hình người, khó lòng nhận ra…”
“Câm miệng…!”
“Cuối cùng, rốt cuộc bọn họ cũng tìm được y. Y bị vạn mũi tên ghim trên vách đá, toàn thân không còn chỗ nào nguyên vẹn, chỉ có thanh Kinh Hồng đao vẫn còn nắm chặt trong tay.”
“Ta bảo ngươi câm miệng…!”
Quát lớn một tiếng, người khách khoác áo choàng bổ một chưởng về phía Sở Tuần. Nam tử áo bào tro giơ đao lên đón, bàn tay bằng xương bằng thịt và lưỡi đao chạm vào nhau, vậy mà da thịt chẳng những không tổn hao gì, lại còn phát ra tiếng kim loại va chạm. Chưa kịp kinh ngạc, bàn tay người khách khoác áo choàng đã chặt xuống, thanh trường đao rộng chừng bốn ngón tay bị bàn tay bằng xương bằng thịt ấy đánh gãy thành hai đoạn.
Lưỡi đao gãy, thế chưởng chưa dứt, cánh tay của người khách áo choàng như bạch lộ triển thủy (*) xoẹt qua, ngón tay thuận thế kẹp lấy một đoạn đao, thoáng chốc đã kề lên yết hầu Sở Tuần, vào lúc này nửa đoạn đao còn lại mới rơi xuống đất.
[(*): hạc trắng lướt trên nước]
Trong mắt nam tử áo bào tro hiện vẻ hoảng sợ, hắn phất tay ý bảo thuộc hạ trên bờ bao vây, lại thấy Sở Tuần mỉm cười: “Công phu tuyệt hảo, chỉ với một chiêu ‘Niêm Hoa’ này đã không thua kém sư phụ bao nhiêu.”
Người khách áo choàng nhếch mép một cái: “Những gì ngươi nói, một chữ ta đều không tin.”
“Cũng phải. Từ trước đến nay y luôn là người giữ chữ tín. Tiếc là… người tính, làm sao qua được ông trời?” Sở Tuần từ từ đẩy lưỡi đao ra, đưa tay ném hộp gấm vào ngực người nọ: “Y từng nói muốn giữ cái đầu lại trên cổ chờ ngươi tới lấy, nhưng hôm nay đã vạn tiễn xuyên tâm, thi cốt đã hỏa thiêu, an táng ngay tại chỗ, chỉ còn lại thanh Kinh Hồng này… Ta thay y đưa lại cho ngươi.”
“Sở Tích Vi, những chuyện năm xưa, thị phi ân oán, cho đến hôm nay… đều kết thúc rồi.”
Dứt lời, hắn đột nhiên ra tay, ngón tay khép lại, thủ pháp như gió nhanh chóng điểm vào đại huyệt trước người Sở Tích Vi. Trong lúc Sở Tích Vi đang hoang mang, rối loạn, không kịp đề phòng bị đối phương điểm trúng đầu vai, cảm giác như có một đạo nội lực nổ tung trong xương thịt. Hắn tái mặt, lập lức lui về chiếc thuyền nhỏ đang phiêu diêu đằng kia, ngón tay đang cầm chiếc hộp gấm vang lên răng rắc, giọng nói lạnh lùng: “Kinh Lôi.”
“Ngươi và ta học cùng một thầy, mười năm này ta cùng sư phụ sớm chiều bên nhau, không lý nào lại thua kém ngươi.” Sở Tuần đứng chắp tay phía sau, vẻ mặt vẫn một kiểu quân tử như ngọc “Đêm đã khuya, lời cũng đã cạn, cũng đến lúc ta hồi cung rồi… Chỉ mong từ nay về sau, chân trời góc bể không bao giờ gặp lại!”
Sóng nước nổi lên, mặt sông lăn tăn, chiếc thuyền nhỏ đã lặng lẽ đi xa như lúc nó tới. Trên bến đò, ám vệ cũng biến mất không dấu tích. Tên thuộc hạ dạ hành cũng bất kể thương thế, phi thân xuống một đầu thuyền nhỏ, quỵ một chân xuống “Thuộc hạ làm việc bất lợi, thỉnh Tôn chủ trách phạt.”
Sở Tích Vi không để ý tới hắn, tay trái hắn nâng hộp gấm, tay phải sờ chiếc khóa màu vàng đồng. Thân hình luôn vững như bàn thạch của hắn thoáng lay động, tay cũng run không thành bộ dáng, phải thật lâu hắn mới mở được chiếc khóa ấy ra. Cho đến khi thấy thanh trường đao liền vỏ màu đen nằm bên trong hắn mới bình tĩnh lại.
Đao dài chừng một thước, rộng chừng hai ngón tay. Vỏ đao thuần một màu đen huyền, mặt trên khắc hình chim nhạn đang vỗ cánh, trông rất sống động, tựa như trong khoảnh khắc sẽ thoát khỏi lớp đồng thiết bay vào trong mắt người nhìn. Thân đao sáng như thu thủy, lại trong như hạc trắng giữa rừng lau, ánh trăng chiếu vào thân đao hiện lên một gương mặt trắng bệch như tờ giấy.
Trong vô thức, lệ đã rơi đầy mặt.
“Ta khóc…” Hắn lung tung lau gương mặt đã ướt đẫm: “Thì ra ta… còn khóc được!”
Nước mắt bị hắn lau đi vội vàng. Hắn nhếch môi muốn cười, tiếc là nụ cười ấy còn khó coi hơn cả khóc.
Hắn cầm lấy thanh đao, cười thật khẽ “Sao ngươi… có thể chết đi? Ngươi rõ ràng từng nói, sẽ giữ mạng lại chờ ta tới lấy… Không được ta cho phép, ngươi dám đi chết sao?”
Cười một lát, hắn nghẹn khí, ho khan vài tiếng, thì thào: “Sư phụ… làm sao ngươi lại dám chết?!”
Tên thuộc hạ quỳ gối phía sau hắn, dĩ nhiên cũng không nhìn thấy nét mặt hiện giờ của Tôn chủ mình như thế nào.
Hoang mang, luống cuống. Tựa như một đứa trẻ không tìm thấy lối về nhà.
|
Chương 2: Cổ Dương[EXTRACT]Editor: Ổ Xù Già
Trên sơn đạo hoang vu, cỏ dại um tùm, những đụn mây dày như đang đè xuống mặt đất khiến người đi cảm giác nặng nề không thở nổi.
Có một thương đội nhỏ đang lên đường. Tiếc là con đường này đã bỏ hoang quá lâu, ít người qua lại, đá vụn trên đường làm bánh xe nghiêng ngả như sắp văng ra ngoài. Nếu người bình thường ngồi trên xe, bảo đảm không bao lâu sẽ phải nôn sạch, nói không quá chứ còn hơn cả phụ nữ mang thai.
Vì thế đoàn người đồng loạt dọn đồ đạc hết lên xe, bản thân thì đi bộ từ từ. Chỉ có trên một chiếc xe ba bánh đang chở đầy bao tải đi cuối đội ngũ là còn một người đang nằm cuộn lại như gà mái ấp.
Diệp Phù Sinh mặc một bộ trường sam bằng vải thô, tóc dùng mấy sợi cỏ khô buộc lơi như cái đuôi ngựa, đầu gối lên một góc bao tải, hai tay đặt trước bụng. Nếu không trông thấy cái chân bắt chéo thi thoảng vểnh lên một cái thì cũng có thể xem là một tư thế ngủ tiêu chuẩn.
Người trong thương đội cuốc bộ mồ hôi đổ như mưa, chỉ có y nằm trên xe không cảm giác được xe lắc lư, ngạo nghễ ngâm một khúc hát do y tự chế: “Thời gian như tên bay, ngày tháng như thoi đưa, xuân thu qua lại mấy mùa, yêu oán ghét, thị phi nhiều, sinh lão bệnh tử có cầu cũng không được. Thiếu niên tranh khí thế, vung đao đi ngàn dặm, khuấy đảo giang hồ tĩnh lặng, bị thiên lôi giáng cho một chùy…”
Y càng hát càng lạc nhịp, nội dung cũng ngày càng hoang đường khiến những người xung quanh đều cười ầm lên, chỉ có Quản sự là bực bội: “Cười cái gì! Mau mau lên đường, trễ chút nữa cửa thành sẽ đóng, mấy người muốn tối nay ở nơi hoang dã này nuôi sói hay sao?”
Mọi người bị mắng mấy câu đều rụt cổ, chỉ có Diệp Phù Sinh còn cợt nhả: “Quản sự à, quanh đây ngay cả chó hoang cũng không có, ông yên tâm đi.”
Y không nói thì thôi, vừa mở miệng lập tức chọc Quản sự nổi trận lôi đình: “Tên mù dở, ngươi câm miệng ngay! Đều tại ngươi ở đây nói linh tinh chọc cười. Còn gây phiền phức nữa, ta đánh gãy luôn cái chân còn lại của ngươi cho xem.”
Diệp Phù Sinh nghe vậy, ôm chân trái, mặt buồn bã đau lòng nói: “Vậy ông nhớ ra tay nhẹ chút.”
Quản sự suýt chút tức ngã ngửa.
Mấy năm nay thế đạo không yên, người vào Nam ra Bắc nhiều vô kể, suy cho cùng họ cũng đều là những kẻ xa xứ đáng thương. Gần đây, trong có phiên vương tạo phản, ngoài có Man tộc nhòm ngó, người tới lui vận chuyển hàng hóa đều bị hạn chế nghiêm ngặt. Nhưng người sống trên đời không thể thiếu củi gạo dầu muối tương dấm trà, cho nên quan phủ cũng nương tay bớt chèn ép thương đội dân gian một chút, thành ra các cửa hàng buôn bán nhỏ nhỏ to to cũng bắt đầu mọc lên như nấm.
Đoàn người bọn họ đến từ vùng đất phía Bắc, nơi đó vừa mới kết thúc trận chiến dài hơn một tháng nên tạm ngưng buôn bán giao dịch, chỉ có một vài người – vì chiến hỏa mất đi nhà cửa – gom góp được ít tiền, tìm chút da thú, hương liệu linh tinh, dự tính mang những thứ này đến thành trấn phía Nam buôn bán, tốt xấu gì cũng coi như có con đường sống.
Tên khốn kiếp lợn chết không sợ nước sôi này là do Quản sự nhặt về từ đất Bắc. Đêm đó bọn họ kiểm kê hàng hóa xong, tìm một bãi đất trống giăng lều nghỉ ngơi. Không ngờ ngủ tới nửa đêm thì người canh gác nghe được mấy tiếng sói tru gần đó, nghe động tĩnh thì dường như là có người bị bầy sói vây quanh. Thuộc hạ của Quản sự cũng có chút võ công, thế là mọi người vừa châm lửa cảnh giới vừa cầm vũ khí chạy tới. Chuyến đi kéo dài hơn nửa canh giờ, đến khi Quản sự quay về thì thấy cõng thêm một người máu me be bét.
Quản sự không nói nhiều, mọi người cũng không hỏi. Chỉ là mỗi ngày họ đều thay nhau đút chút thuốc cho người nọ, cho đến mấy ngày sau mới thấy đối phương tỉnh lại. Người này tự xưng là Diệp Phù Sinh, tướng tá cũng bảnh bao, tính tình cũng sảng khoái, chỉ tiếc là mắt không thấy rõ, chân phải cũng vì bị thương mà để lại tật, bình thường thì nhìn như không có gì, chỉ là nếu đi nhiều vài bước sẽ đau giống như bị kim châm.
Năm nay Diệp Phù Sinh chừng hai mươi chín, ở vào cái tuổi thân thể khỏe mạnh nhất. Chuyện này nếu mà xảy ra với người khác, sợ là dù có kêu khóc cũng chưa chắc hóa giải hết nỗi khổ trong lòng, vậy mà người này lòng dạ lại rộng lớn hơn cả thiên địa, không chỉ không rên một tiếng còn thường xuyên chọc cho cả thương đội gà bay chó sủa, làm Quản sự giận tới muốn nổi điên.
Bị Quản sự mắng mấy câu, Diệp Phù Sinh nghe từ tai trái lại chui tọt ra ngoài tai phải, y nheo mắt nhìn trời một hồi, nghênh mặt nói: “Đi nhanh chút nữa, sắp mưa rồi.”
Tính ra mắt y cũng lạ thật, mặt trời càng chói, ánh sáng càng mạnh thì càng trở nên mù mờ tăm tối, có đôi khi ngay cả đường nét cũng không nhìn rõ. Vậy mà trời chuyển mưa hay đêm xuống là lại bình thường, ngay cả đứa trẻ cũng không thính tai tinh mắt bằng y.
Trên trời, mây đen kéo tới ngày càng nhiều, Quản sự cũng không kịp nghĩ ngợi, bảo mọi người lên xe, mong là có thể chạy nhanh vào thành. Dặn dò xong, ông lại trưng cái mặt đen túm Diệp Phù Sinh xuống, quăng một xấp chăn vào trong xe ngựa, mắng: “Tiểu tử chết tiệt, quấn chân lại cho kỹ, đừng để bị lạnh rồi than khóc với ta.”
Trước giờ Quản sự luôn là người miệng độc nhưng mềm lòng, Diệp Phù Sinh khoát tay ý bảo cho lui rồi ôm chăn bao cả người lại thành que nem rán. Xe ngựa chạy thật nhanh, lắc lư làm y choáng đầu hoa mắt, nhưng không buồn nôn, thế là y nhắm mắt lại, quyết định ngủ bù một giấc.
Chờ đến khi y tỉnh lại, thương đội đã đến cửa thành, nhưng cổng thành đã đóng. Mưa to nặng hạt, Quản sự cũng không che ô mà cúi đầu, khom lưng nói gì đó với quan sai. Diệp Phù Sinh xoa xoa huyệt thái dương, ánh mắt cũng rõ hơn chút, tức thì hai chữ ‘Cổ Dương’ trên cổng thành cũng đập vào tầm mắt y.
“Thành Cổ Dương…” Y nói khẽ một câu, rồi cầm chiếc ô giấy dầu, bước xuống xe bỏ mặc lời khuyên của mọi người.
Mưa không nhỏ, chiếc ô giấy dầu bị tiếng mưa rơi xuống nghe lộp bộp, một cơn gió lạnh thổi tới, bắp chân bắt đầu run lên. Diệp Phù Sinh cũng chẳng nhíu mày, y chuyển chiếc ô che qua đỉnh đầu Quản sự, dùng tiếng phổ thông quen thuộc nói chuyện cùng quan sai: “Quan gia, còn chưa tới giờ Dậu, sao không thể vào thành?”
Tên đầu lĩnh quan sai hất mặt lên trời, ngạo mạn không chịu đáp. Diệp Phù Sinh đưa tay lấy túi tiền trên người Quản sự đưa qua, hắn ta ước tính trọng lượng, lúc này mới tức giận đáp: “Mấy hôm nay trong thành không yên ổn, sau giờ Thân tam khắc không cho phép vào thành.”
Quản sự trưng cái mặt đau khổ nói: “Quan gia, ngài xem chúng ta đi đường xa tới, vừa người vừa đồ đạc, hôm nay thời tiết cũng xấu, không biết có thể du di chút hay không?”
Quan sai khó chịu, nói: “Ai cũng muốn du di, vậy chẳng phải cái cổng thành này chỉ để trang trí? Đi đi, sáng mai quay lại, đừng ở đây ngáng đường.”
Đang nói chuyện thì có tiếng vó ngựa từ xa tới. Lúc này chợt thấy một thiếu nữ khoác áo choàng đen, cưỡi một con tuấn mã đỏ thẫm lao nhanh đến, chiếc roi da trong tay vút nghe đen đét, người còn chưa tới, tiếng đã tới trước: “Mở cửa!”
Nàng ta phóng ngựa quá nhanh, người trong thương đội vội vàng nhường đường, quan sai cũng giơ tay lên ý bảo thủ vệ mở cửa. Diệp Phù Sinh híp mắt, trong lúc xoay người lẳng lặng đá bay một hòn đá, nhờ màn mưa che phủ, hòn đá lập tức đánh vào chân trước con tuấn mã.
Tuấn mã đỏ thẫm bị đau, ngửa mặt lên trời hí to, thiếu nữ không kịp đề phòng bị hất văng ra ngoài. Cũng may nàng ta phản ứng mau lẹ, một tay lập tức chống xuống đất, xoay người nhảy qua nên giữ vững được thân hình.
Tên đầu lĩnh quan sai khi nãy còn giở thói ngông cuồng giờ lại sợ xám mặt, cuống quýt đi tới cười huề: “Ây da, đây, đây… Tiết tiểu thư có làm sao không?”
“Cút ngay!” Thiếu nữ họ Tiết lau mạnh mấy giọt nước mưa trên mặt. Cũng may nàng quen để mặt mộc, không trang điểm, nếu không sợ là lúc này còn khó coi hơn. Nàng vung roi quất cho con ngựa kia hai cái, con ngựa vừa giật mình lại chịu đau, thế là nổi nóng chuyển tới chuyển lui, không chịu nghe lời.
Trong lúc tức giận, nàng quăng mạnh roi da xuống đất, lại nhìn thương đội, rồi đi về phía hai người Diệp Phù Sinh, hất cằm nói: “Ta cần một con ngựa, phải trả bao nhiêu bạc các ngươi mới chịu bán?”
Quản sự nhíu mày, Diệp Phù Sinh lại nói: “Không cần ngân lượng, dù sao chúng ta cũng định vào thành, đưa tiểu thư một đoạn cũng không sao.”
Trong lúc nói chuyện, y chuyển chiếc ô về phía đỉnh đầu thiếu nữ, cũng miễn cưỡng che được chút mưa gió. Hiện giờ trời mới sập tối, chút ánh sáng u ám nhưng dịu dàng ấy xuyên qua chiếc ô xanh nhạt, hơn nửa khuôn mặt Diệp Phù Sinh đều chìm trong bóng ô, duy chỉ có đôi mắt hoa đào như phủ một tầng sương, khóe miệng cong thành vầng trăng non xinh đẹp. Cho dù chỉ là áo vải thô sơ không phải cẩm y hoa quán, nhưng cái nét phong lưu y quan cầm thú (*) đó vẫn quyến rũ lòng người như cũ.
[(*) y quan cầm thú: Loài vật mà mặc áo đội mũ. Tiếng dùng mắng nhiếc người có vẻ ngoài bảnh bao, đẹp mã mà lòng dạ xấu xa như cầm thú]
Thiếu nữ trông cũng chỉ khoảng mười lăm mười sáu tuổi, nàng nghiêng đầu, chớp mắt, giọng nói cũng dịu đi: “Các ngươi cũng muốn vào thành? Đi đâu?”
Quản sự thầm mắng một tiếng ‘tiểu bạch kiểm chết tiệt!’, trên mặt vẫn giữ vẻ khiêm tốn: “Xin thưa vị tiểu thư này, chúng ta là thương hộ từ phương khác tới, chỉ cần vào thành tìm một gian khách điếm đặt chân là được rồi.”
Thiếu nữ gật đầu, không thèm nhìn cái vẻ ngượng ngùng trên mặt tên đầu lĩnh quan sai nọ, ra lệnh: “Được rồi, các ngươi cho ta một con ngựa, ta sẽ dẫn các ngươi vào thành.”
Dứt lời, nàng xoay người định đi chọn ngựa, nào ngờ lại bị Diệp Phù Sinh cản lại, nàng xoay qua liền thấy được dung nhan có chút mệt mỏi trong gương.
Diệp Phù Sinh cầm chiếc gương nhỏ trên tay, cười dịu dàng: “Mưa to gió lớn thế này, nghĩ ắt tiểu thư đi đường vất vả, chi bằng lên xe ngựa nghỉ ngơi một chút. Dù không tính là thoải mái lắm, nhưng ít nhiều cũng ngăn nắp, sạch sẽ.”
Thiếu nữ sửng sốt nhìn y một chốc, lúc này mới đưa tay giật lấy chiếc gương, nhìn tên đầu lĩnh quan sai, quát: “Còn không mở cửa? Nếu làm chậm trễ chuyện của bản tiểu thư, ngươi coi chừng đó.”
Tên quan sai đầu lĩnh khúm núm, chợt thấy thiếu nữ leo lên xe ngựa xong còn quay đầu chỉ vào Diệp Phù Sinh, nói: “Ngươi, đánh xe cho ta.”
Dưới ô, Diệp Phù Sinh đưa tay còn lại sờ khóe mắt, mỉm cười: “Là vinh hạnh của tại hạ.”
Thiếu nữ quay đầu tiến vào trong xe. Diệp Phù Sinh nhét ô vào tay Quản sự, lại tháo bầu rượu bên hông đưa cho đầu lĩnh quan sai, tức thì hai người đều ngây ra như phỗng.
Mặt Quản sự vô cùng phức tạp: “Ta nói ngươi… Có từng tính mình thiếu bao nhiêu nợ đào hoa chưa?”
Đầu lĩnh quan sai cũng cảm thán: “Quá thủ đoạn, ta phục!”
“Người phiêu bạt chốn giang hồ, mấy ai không phong lưu.” Diệp Phù Sinh cười khiêm tốn, phong thái nhã nhặn, đa tình cũng theo đó hiện lên: “Vị quan gia này, hiện giờ chúng ta có thể vào thành được chưa?”
Đầu lĩnh quan sai còn chưa hoàn hồn: “Ở thành Cổ Dương, vị Tiết tiểu thư này nổi danh là điêu ngoa, biết bao nam nhân tới nịnh bợ đều bị nàng ta cầm roi quất, không lẽ hôm nay bị trúng tà?”
Diệp Phù Sinh tiếp tục mỉm cười: “Bởi vì nhìn từ phía sau ta khí khái anh hùng hơn họ, nhìn từ đằng trước ta cũng tuấn tú hơn họ, dù có lột da ra ta cũng có nội hàm hơn họ.”
“…Không nói nhiều nữa, mời vào.”
Đầu lĩnh quan sai vỗ đùi, xoay người định gọi thuộc hạ, nào ngờ Diệp Phù Sinh gọi hắn, nói: “Quan gia, mới vừa rồi ngài nói mấy hôm nay trong thành không yên ổn, xin hỏi đã xảy ra chuyện gì?”
Đầu lĩnh quan sai cũng không lòng vòng, đáp: “Tiểu huynh đệ, ngươi biết Đoạn Thủy sơn trang không?”
Diệp Phù Sinh trịnh trọng hỏi lại: “Chính là Đoạn Thủy sơn trang được ca tụng ‘Thiên hạ đệ nhất đao’?”
Đầu lĩnh quan sai nói khẽ: “Đó chẳng qua là danh tiếng mấy năm trước thôi.”
Diệp Phù Sinh nheo mắt: “Hử? Sao lại nói vậy?”
“Ba năm rồi Trang chủ của Đoạn Thủy sơn trang Tạ Vô Y chưa hề tiếp chiến, bình thường cũng không ra khỏi cổng lớn một bước. Mọi người đều nói.. Hắn tàn phế rồi!”
|
Chương 3: Đoạn thủy[EXTRACT]Editor: Ổ Xù Già
Trang chủ đời thứ bảy của Đoạn Thủy sơn trang Tạ Vô Y năm nay ba mươi bốn, văn võ song toàn, chuyên dùng Đoạn Thủy đao pháp gia truyền. Người này nhờ cơ duyên mà sáng tạo ra Thương Lan thập tam đao, tướng mạo đoan chính, tính tình ôn hòa. Mười sáu tuổi bước vào giang hồ, năm năm bôn tẩu Tây Vực, trải qua tám mươi hai trận chiến, có thắng có thua, từ đó vang danh thiên hạ. Sau, hắn lại quay về Trung Nguyên, theo cha tham dự Võ Lâm Đao Kiếm hội, khiêu chiến võ lâm quần hùng, chưa từng chiến bại. Năm ấy tuổi trẻ, lại dùng đao pháp kinh tuyệt giang hồ, hắn xếp vị trí thứ tám trên Anh Hùng bảng.
Từ năm hai mươi tuổi, đã không có bao nhiêu người dám tới gặp Tạ Vô Y thử đao nữa. Nhưng từ ba năm trước, người tới khiêu chiến hắn ngày càng nhiều. Thậm chí có không ít sát thủ ẩn nấp gần sơn trang chờ đợi thời cơ.
Nguyên do không khác, bởi vì khi đó bắt đầu có lời đồn Tạ Vô Y không sống được bao lâu, sợ là từ nay về sau Thương Lan phải sớm phong đao.
Mùng một tháng giêng ba năm trước, có một đao khách che mặt đến từ Tây Vực ước chiến Tạ Vô Y ở đỉnh Lăng Vân phong. Vì không địch lại nên người này đã dùng độc kế ám hại, hai người cùng rớt xuống vực núi, những người tới xem trận chiến tìm mãi không ra. Ba ngày sau, Tạ Vô Y bị thương nặng trở về, mời hơn mười danh y giang hồ nhưng ai cũng nói kỳ độc trong cơ thể hắn đã khó lòng trị liệu, thời gian không còn lại bao lâu.
Hai ngày sau, Quỷ Y Tôn Mẫn Phong tới Lạc Dương. Sau khi chẩn trị cũng thấy khó bề, cho nên mới định ra kỳ hạn sẽ cố gắng thử sức trong vòng bảy bảy bốn mươi chín ngày, chẳng qua cũng chỉ nắm chắc năm phần.
Nếu như Tạ Vô Y thật sự hết đường cứu chữa, trước khi chết hắn lại chưa từng bại một lần, hắn sẽ mãi là Thiên hạ đệ nhất đao. Người trong giang hồ ngoại trừ khoái ý ân cừu, vẫn còn không ít kẻ thích tranh danh đoạt lợi, những người từng bại dưới tay hắn sợ Thương Lan không dám manh động, giờ lại như ruồi bọ từ bốn phương tám hướng kéo tới, phiền phức vô cùng.
“Sau đó thế nào?” Diệp Phù Sinh ngồi trên tấm ván vừa lắc lắc chân, vừa hỏi khẽ với quản sự.
Hiện giờ Tạ Vô Y vẫn còn sống trên đời, nghĩ chắc vị Quỷ Y đó hoặc là thần thuật phật tâm, diệu thủ hồi xuân, hoặc là một tên lang băm bán đại lực hoàn dạo ở đầu phố mà người ta hay nhắc tới.
Sau khi vào thành thương đội chia làm hai đường. Diệp Phù Sinh và quản sự đưa Tiết Thiền Y tới thành Đông, những người còn lại thì tới một khách điếm đã đặt chỗ trước đó nghỉ ngơi. Quản sự không yên tâm để tên mù này đánh xe, ông vừa ghìm dây cương vừa kể sơ lược lại cho y nghe: “Sau đó thế nào ta cũng không rõ lắm, chỉ biết sau kỳ hạn bốn mươi chín ngày Tạ Vô Y vẫn còn sống, nhưng hắn ta chưa từng sử dụng võ công. Cho nên, dần dà giang hồ mới đồn đãi là tuy Quỷ Y đã cứu được mạng hắn, nhưng đồng thời cũng hủy đi võ công của hắn…”
“Nói bậy!” Bỗng có tiếng quát lớn vang từ trong xe ra, Tiết tiểu thư chỉ vừa vén cửa mành xe, chiếc roi dài cũng đã vụt tới, xém chút đã đánh cái miệng quản sự tòe ra như hoa ba cánh.
“Tiết tiểu thư đừng nóng giận, nếu lời của chúng ta có chỗ nào không phải, Diệp mỗ xin nhận lỗi với tiểu thư trước.” Diệp Phù Sinh bắt lấy chiếc roi dài của nàng, cười hiền lành, hòa ái. Tiếc là cho dù y có là tay phong lưu già đời, giờ cũng đụng phải đóa hồng gai. Tiết tiểu thư nhướn đôi mày liễu, roi dài run lên, vẫy khỏi bàn tay y, đánh thẳng vào mặt quản sự.
Trong tiếng gió vút lên như có tiếng leng keng của kim loại, nếu roi này mà đánh trúng thật, cũng không biết kiếp sau đầu thai có để lại cái mặt quỷ hay không.
Trong đôi mắt xinh đẹp của Tiết tiểu thư chứa đầy sát khí, một lòng muốn quất banh mặt quản sự, nào ngờ có hai ngón tay đưa tới điểm lên cổ tay đang cầm roi của nàng. Gân cốt trên cổ tay như chấn động, lực tay yếu đi, hai ngón tay quỷ dị ấy lại nhẹ nhàng xoẹt qua, cướp lấy chiếc roi trên tay nàng rồi khẽ vung lên, chiếc roi như con rắn lui trở về, ngoan ngoãn nằm trên tay y, thong dong như nắm lấy tơ bông đang bay trong gió.
Roi còn chưa vung được bao lâu, vậy mà vũ khí của Tiết tiểu thư đã bị đoạt mất rồi. Nàng nhìn người nam nhân trông vừa đoan chính vừa có chút phóng khoáng ấy bằng ánh mắt khó tin, không ngờ một người có khuôn mặt tái nhợt như quỷ sống lại có bản lãnh như vậy.
Tuy Tiết tiểu thư điêu ngoa nhưng cũng không phải kẻ không có đầu óc, nàng ngước mặt lên, nói: “Không ngờ ngươi lại là một cao thủ giấu tài.”
“Chưa dám nhận là cao thủ, nhưng tội nhân mạo phạm tiểu thư thì đúng là có một người rồi.” Diệp Phù Sinh cuộn chiếc roi, hai tay kính cẩn trả lại cho nàng, nụ cười vẫn dịu dàng lễ độ như thế: “Hai người chúng ta từ biên giới phía Bắc tới đây, không mấy hiểu những chuyện xảy ra trong giang hồ, nếu có nói sai ở đâu, không biết có thể mời tiểu thư chỉ giáo lại hay không?”
Tiết tiểu thư cười lạnh, nói: “Chưa dám nhận là chỉ giáo, chẳng qua nói lung tung sau lưng người khác lẽ nào không được tính là phạm phải một sai lầm lớn?”
Nghe đến đây, Diệp Phù Sinh lập tức hiểu ra: vị Tiết tiểu thư ở trước mặt y chính là đồ đệ duy nhất của Tạ Vô Y – Tiết Thiền Y.
Mười ba năm trước, lúc Tạ Vô Y quay về Tây Vực đã cứu một bé gái họ Tiết ở một trấn nhỏ gần biên giới. Hắn nhận nàng làm đồ đệ, hết lòng dạy dỗ, không chỉ truyền cho nàng Đoạn Thủy đao pháp mà ngay cả Thương Lan thập tam đao cũng chưa từng giữ lại. Tiếc là Tiết Thiền Y không có căn cốt luyện võ, chỉ có thể học được bốn, năm phần của sư phụ mình. Nàng không am hiểu về đao pháp, chỉ bản lĩnh dùng roi là có chút thành tựu.
Ba năm trước, Tạ Vô Y gặp nạn. Chỉ trong một đêm Đoạn Thủy sơn trang đã lâm vào tình cảnh khó khăn, nếu không nhờ Tiết Thiền Y quay lại kịp thời, phối hợp với lão trang chủ cố gắng chống đỡ tới cùng, sợ là Đoạn Thủy sơn trang đã sụp đổ từ lâu.
Tiếc là dù nàng có mạnh mẽ, nhưng võ công lại không thể bằng thầy, hiện giờ lão trang chủ cũng đã qua đời, nếu Tạ Vô Y thật sự thành phế nhân, sớm muộn gì Đoạn Thủy sơn trang cũng bị cơn sóng giang hồ nhấn chìm.
Đoạn Thủy sơn trang nằm ở thành Đông, đường phố quanh đó vắng vẻ, nói không quá chứ gần như không có người. Trang viên được xây theo phong cách cổ xưa nhìn vào cũng không phải quá hiển hách: ngói xanh, mái cong, tường cao rêu phong phủ đầy. Trước cửa không có hùng sư trấn giữ, chỉ có một tấm bia đá đặt trên lưng rùa cao hơn năm trượng, rộng chừng một thước, trên đó có khắc một dòng chữ vừa hào hiệp lại vừa phóng khoáng: Thiên hạ phong vân xuất ngã bối.
Nét khắc từ nông đến sâu, từ thi triển tài năng cho tới ẩn đi khí thế, tựa như một tên tiểu tử vừa mới bước chân vào giang hồ, trải qua bao sóng gió cuối cùng thành một cao nhân tiền bối tài ba hơn người.
Tiếc là chỉ trong vòng ba năm, Đoạn Thủy sơn trang không còn như trước, chỉ còn lại người già, phụ nữ kéo dài chút hơi tàn, cố gắng gánh vác cái bảng hiệu ‘Thiên hạ đệ nhất đao’.
Mưa đã tạnh, ngoài trời cũng dần sáng lên. Hai mắt Diệp Phù Sinh lại tối đi, chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ. Y nhắm mắt, đưa tay dẫn đường: “Tiết tiểu thư, mời xuống xe.”
Tiết Thiền Y hừ một tiếng: “Ngươi nhắm mắt làm gì? Chẳng lẽ do mắt của các hạ đây quá cao, cho nên xem thường cổng nhà Đoạn Thủy sơn trang?”
Diệp Phù Sinh chỉ cười không đáp. Tiết Thiền Y đảo tròng mắt, hỏi: “Ngươi tên gì?”
Diệp Phù Sinh nhắm mắt đứng đó, nhẩn nha từng chữ giống như một tên mọt sách: “Phù sinh như nhất diệp, nhân tử như đăng diệt. Tại hạ Diệp Phù Sinh.” (*)
[(*) Trôi nổi như chiếc lá, người chết như ngọn đèn đã tắt.]
“Người mất rồi như ngọn đèn đã tắt…” Tiết Thiền Y bật cười: “Ngươi chưa từng chết, sao biết cảm giác khi chết là thế nào?”
Diệp Phù Sinh: “Thật không dám giấu gạt cô nương, tại hạ vốn là một con dã quỷ, tiếc là Diêm Vương gia ghét ta không chịu thu nhận. Ta không thể làm gì khác ngoài mượn xác hoàn hồn trở lại nhân gian làm phiền thế nhân thêm lần nữa. Chậc, trải qua hai kiếp, chỉ cảm thấy sống ở đời như thêm củi giữ lửa, hết củi thì lửa tắt, đơn giản mà cũng thật khó khăn.”
Tiết Thiền Y bị y chọc cười: “Vậy trước đây sao ngươi lại chết?”
Diệp Phù Sinh nghiêng đầu về phía nàng, đáp: “Luẩn quẩn trong lòng, tự tìm đường chết.”
“Vậy hiện tại đã thông suốt rồi chưa?”
Diệp Phù Sinh không ngờ vị đại tiểu thư này lại có hứng thú với mình như vậy, y thuận miệng đáp: “Tại hạ từng hứa với một người, cho dù sắp chết cũng phải giữ lại chút hơi tàn chờ hắn tới tiễn đưa.”
Quản sự đứng bên cạnh từ nãy giờ cũng nhịn không được xen vào: “Con ngươi à?”
“Còn hơn thế.”
Tiết Thiền Y tỏ vẻ thờ ơ: “Ngũ hồ tứ hải, đủ các hạng người, trong giang hồ ngày nào lại chẳng có người chết? Từ xưa sống chết có số, phú quý do trời, ngươi hứa rồi, liệu có thể làm được hay không?”
Nàng nói chuyện không chút khách khí, Diệp Phù Sinh chỉ nở nụ cười: “Giả sử một ngày nào đó ta thật sự chết đi, lúc đó hồn ta cũng sẽ hóa thành cơn gió bay xa ngàn dặm, báo mộng cho hắn.”
Tiết Thiền Y ngây ra. Lúc này quản sự đứng ở ngoài xe, hai mắt Diệp Phù Sinh nhắm nghiền, dĩ nhiên cũng không nhìn thấy vẻ mặt ủ rũ, khóe miệng khẽ nhúc nhích, không biết nên cười hay khóc ấy của nàng.
Qua một lát, nàng mới bình tĩnh lại, nghiêm mặt nói: “Diệp Phù Sinh, ta có một chuyện làm ăn muốn bàn với ngươi.”
Quản sự lặng lẽ kéo kéo góc áo Diệp Phù Sinh, tiếc là tên này coi như mình mù không phát hiện, cười híp mắt, hỏi: “Chuyện gì?”
Tiết Thiền Y đáp: “Dạo này trong thành xảy ra nhiều chuyện, ta muốn tìm một hộ vệ giúp ta chăm sóc sư đệ. Nếu ngươi đồng ý, chờ mọi chuyện ổn thỏa, ngươi cũng không cần đi theo một thương đội nhỏ kiếm ăn nữa.”
Mặt quản sự đỏ bừng, ông đang định nói lý lẽ với cô đại tiểu thư xinh đẹp nhưng điêu ngoa kia. Nào ngờ Diệp Phù Sinh nhanh tay đè bả vai ông lại, nghiêng đầu cười nói: “Đa tạ Tiết tiểu thư cất nhắc, tiếc là tại hạ chỉ có cái mạng hèn này, tại hạ chỉ mong no ấm không lo không nghĩ, cũng không có nguyện vọng lớn lao, to tát gì.”
Tiết Thiền Y nói: “Các ngươi đều là người ở xa tới, lại không rõ giá cả trong thành Cổ Dương này, ngươi nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn họ có thể dễ dàng trụ lại sao? Dù ngươi không muốn nghĩ cho mình, ít nhất cũng phải nghĩ cho lão già yếu đó chứ.”
Quản sự đờ người, mặt cũng ngây ra. Diệp Phù Sinh xoay qua, một tay chỉ hai mắt, một tay vỗ chân phải của mình, ra vẻ buồn bã: “Tiểu thư, cô xem ta vừa mù lại vừa què, ta có thể làm được gì đây?”
“Coi như ta thuê một tấm chắn, ít nhiều cũng chịu được vài đao.” Tiết Thiền Y mất kiên nhẫn, lắc lắc chiếc roi da “Một câu thôi, có đồng ý hay không?”
Diệp Phù Sinh nghiêm mặt đáp: “Không ký khế ước bán mình.”
Nói ra câu ấy, mặt y đã trưng thành cái quan tài, dù sau lưng đang bị quản sự véo nhưng y lại coi như không có tri giác. Có tiếng gió thoảng qua bên tai, y giơ tay lên vừa lúc đón được một thỏi bạc.
“Cầm lấy mua chút đồ ăn diện, đừng làm mất mặt Đoạn Thủy sơn trang của ta.” Tiết Thiền Y nhấc chân xuống xe, cũng không quên để lại một câu: “Giờ Dậu ba khắc tới gặp ta, ta sẽ căn dặn thuộc hạ dẫn ngươi vào cửa.”
Diệp Phù Sinh nhún vai, hai ngón tay khẽ búng một cái chỉ lấy đi một góc, phần còn lại đều đưa hết cho quản sự, cười nói: “Mấy ngày qua đa tạ quản sự đã quan tâm chăm sóc. Ân cứu mạng không dám quên, sau này nếu có gì cần tới, cho dù lên núi đao xuống biển lửa ta cũng không từ.”
Quản sự cầm bạc, giận run, vỗ mấy cái lên vai y: “Ta cứu ngươi về không đòi hỏi điều gì, ngươi không cần vì chúng ta mà dấn thân vào đống hỗn độn ấy. Mấy nhân sĩ giang hồ đó có kẻ nào là dễ đối phó? Đao kiếm không có mắt, một tên tàn phế vừa mù vừa què như ngươi thì làm được gì, chỉ dựa vào chút công phu mèo quào chưa đủ trèo cây ấy mà muốn bay lên trời sao?”
Diệp Phù Sinh: “Ây da, ông đừng giận vậy chứ, lỡ lát nữa bệnh suyễn lại tái phát thì tính sao?”
“Ngươi cút ngay! Muốn chết thì cứ đi đi, coi chừng không ai nhặt xác cho.” Quản sự thở phì phò đẩy y ra, quay đầu leo lên con ngựa đang kéo xe, chạy đi một mạch, suýt chút nữa quăng bùn đầy mặt y.
Tiếng xe ngựa lộc cộc, từ từ biến mất khỏi tầm mắt Diệp Phù Sinh. Y quăng quăng chút bạc lên không trung, gương mặt tái nhợt, đôi lông mày cong cong ôm lấy đôi mắt hoa đào, nhìn thoáng qua gương mặt y có nét mềm mại thanh tú, nhưng khi im lặng, nét mặt lại trở nên lạnh lùng mà cứng rắn, khí độ bất phàm.
Y lấy chiếc túi gấm trong thắt lưng ra, trên lớp vải trắng như tuyết có thêu một rừng trúc, mũi kim lộn xộn khiến rừng trúc nhìn nghiêng ngả như sâu róm, trên đó còn dính vết máu khô đã chuyển đen. Cách lớp vải, y khẽ vuốt ve miếng ngọc bội vuông bên trong đó.
“Khởi viết vô y? Dữ tử đồng bào. Vương vu hưng sư, tu ngã qua mâu…” (*)
[(*) Trích từ bài Vô Y – Tần Phong (Kinh Thi) của Khổng Tử, tạm dịch:
Người không y phục? Ta cùng mặc chung. Lệnh vua dấy binh, Ta cùng chuẩn bị (vũ khí)]
Y khẽ ngâm một khúc “Tần Phong – Vô Y”, rồi cất túi gấm vào, gật gù đắc ý đi về trước.
Sắc trời tối dần, ánh chiều chiếu vào tấm bia đá trước cửa Đoạn Thủy sơn trang, thoáng ẩn thoáng hiện dòng chữ mơ hồ trên đó.
Thiên hạ phong vân xuất ngã bối, nhất nhập giang hồ tuế nguyệt thôi. (*)
[(*) Đại ý gió mưa thiên hạ tạo ra thế hệ chúng ta, một bước vào giang hồ, năm tháng giục giã. Mỗ tạm dịch thoáng ý chút: Thời thế phong vân xuất anh hùng, Một bước giang hồ muôn kiếp chung]
|
Chương 4: Sóng ngầm[EXTRACT]Editor: Ổ Xù Già
Đêm đến, bầu trời tối đen, mưa to như trút nước. Khắp phố lớn ngõ nhỏ trong thành Cổ Dương không có một bóng người, nhà nhà đều đóng kín cửa.
Trong hậu viện của Đoạn Thủy sơn trang vẫn còn tiếng luyện võ. Một hài tử mặc quần áo đen ngắn, bước chân di chuyển theo một bộ pháp trúc trắc phức tạp. Cậu cầm một thanh đao gỗ quá cỡ so với cơ thể mình chém liên tục vào cột đá có chiều cao tầm một người bình thường.
Gương mặt non nớt ấy đã lạnh ngắt dù cả người đang ướt đẫm, bàn tay cũng đỏ lên vì bị lực phản chấn, nhưng cậu vẫn tiếp tục vung đao đều đặn như thế. Trên trụ đá phủ đầy các vết trắng nhạt, có một vài chỗ còn xuất hiện vết nứt như tơ nhện.
Một người nam nhân mặc chiếc áo khoác viền lông chồn ở cổ đang đứng ở hành lang. Hắn nhìn hài tử luyện đao trong mưa bằng ánh mắt lạnh lùng. Bất chợt hắn giơ tay lên, một quả hạch đào xuyên qua màn mưa đánh vào cổ tay đang cầm đao của cậu. Bị đánh trúng, bàn tay cậu run lên, lòng bàn tay đã tê mỏi từ lâu không cầm nổi đao nữa, cây đao rơi xuống. Mi mắt cậu run run cúi người định nhặt đao lên thì lại có một quả hạch đào thứ hai đánh vào đầu gối. Cả người cậu gục xuống, may mà còn kịp chống một tay xuống nền đất, không thì đã ngã úp xuống rồi.
Người nam nhân đứng trên hành lang thốt một câu lạnh lùng: “Lại đây.”
Cậu nhóc giắt đao trên lưng, cả người ướt mem như một con khỉ vừa bò ra khỏi sông. Cậu đứng trước mặt nam nhân nọ, đoan chính gọi một tiếng: “Cha!”
“Tạ Ly, ta đã nói với ngươi biết bao nhiêu lần… Điều tối kỵ của người luyện võ là ra tay không có lực, chân trụ không vững. Ngươi đã tập luyện ba năm nhưng vẫn không có chút tiến bộ nào, thật quá mất mặt!” Nam nhân mày kiếm, đôi mắt sáng quắc nhưng nhìn vẻ mặt dường như đang bị bệnh, thi thoảng còn ho khan vài tiếng. Hắn còn trẻ nhưng nhìn nét mặt lại hiện chút mệt mỏi, già nua.
Đây chính là chủ nhân của Đoạn Thủy sơn trang, Tạ Vô Y.
Hai năm trước phu nhân của Tạ Vô Y ngã bệnh qua đời, hắn chỉ có một đứa con trai độc nhất là Tạ Ly. Theo lý hắn phải cưng như ngọc như ngà, chẳng qua ‘ngọc ngà’ ấy là thứ thấp kém do tên tiểu nhị ở tiệm cầm đồ không có mắt nhìn thu nhầm.
Sáng dậy sớm hơn gà, đêm ngủ trễ hơn chó, bốn chữ ‘tập viết luyện võ’ như ngọn núi to đè nặng lên đầu hài tử ấy, trước đó còn đỡ một chút, hai năm gần đây sống còn hơn chịu tội. Từ lần gặp nạn đó, Tạ Vô Y đổi tính vui buồn thất thường, cũng rất nghiêm khắc với con trai, có đôi khi ngay cả người ăn kẻ ở trong sơn trang đều không chịu nổi. Nhưng chủ nhân có đối xử tử tế hay tệ bạc thì đó cũng là con hắn, bọn họ có thể nói thế nào?
Tạ Ly vừa định lên tiếng nhưng cậu lại im lặng, nín thinh như con ếch hít khí vào trong bụng. Tạ Vô Y lại mắng cậu nhóc thêm vài câu rồi phất ống tay áo, đi khỏi với vẻ mặt chán ghét, khó chịu.
Chờ hắn đi rồi, Tạ Ly mới giơ tay phải lên, trên cổ tay còn để lại dấu hạch đào bầm tím, đau buốt khiến tay cậu run run. Cậu lẳng lặng xoa xoa mấy cái, tuy không nói lời nào nhưng trong bụng lại tủi thân biết bao.
Có vài tiếng bước chân đi tới, Tiết Thiền Y cầm khăn gấm lau mặt cho cậu, thở dài: “Lại bị mắng rồi phải không?”
Tạ Ly buồn bực ngậm miệng không lên tiếng nhưng người phía sau Tiết Thiền Y lại không chịu bỏ qua: “Tội nghiệp quá đi, sư phụ cậu ra tay thiệt không có lòng thương người gì hết.”
Mặt cậu nhóc tái mét, cho tới lúc này cậu mới phát hiện Tiết Thiền Y dẫn một người lạ tới. Người này mặt áo dài màu da trời, tay áo rộng, lưng thắt đai màu chàm, tóc đen xõa vai, mi mục như họa. Trông tuổi tác cũng cỡ Tạ Vô Y, vóc dáng cũng xấp xỉ chỉ là không có bảy phần cổ hủ mà hơn ba phần hào hiệp.
Nửa canh giờ trước Diệp Phù Sinh đã mua quần áo, ăn mặc chỉn chu, sau đó vác cái thây bảnh bao vào Đoạn Thủy sơn trang, còn nhờ cái lưỡi ba tấc gì cũng nói được và cái mặt dày hơn da trâu mà đi theo sau Tiết đại tiểu thư nhìn ngó xung quanh. Ngay lúc định tới nhà ăn dùng chút bữa khuya thì Tiết Thiền Y nghe nói sư phụ nhà mình lại đang mắng tiểu sư đệ, nàng vội vàng chạy tới. Dung nhan xinh đẹp của nàng vì đau lòng mà hiện sát khí. Đáng tiếc người ra tay lại là sư phụ, dù nàng có làm thế nào cũng không thể lấy roi quất, cuối cùng chỉ đành phải vừa thở dài vừa xoa thuốc tan vết bầm cho Tạ Ly.
Hồi Tiết đại tiểu thư còn chưa mười sáu đã nổi tiếng là Dạ sát hãn nữ (*) ở thành Cổ Dương. Qua nhiều năm vậy rồi thật không có bao người biết nàng vẫn còn có lúc ‘nữ tính’ thế này. Diệp Phù Sinh giật mình, cậu bé này đúng là có chút cứng đầu khiến y nổi tính xấu muốn ghẹo một chút, bèn mở miệng trêu hai câu, không ngờ Tạ Ly bỗng giương cái mặt quan tài y chang cha mình ra, nghiêm túc nói: “Đoạn Thủy sơn trang không cho người ngoài bước chân vào, ngươi là người phương nào mà dám ăn nói lỗ mãng với trang chủ như thế?”
[(*): nữ nhân mạnh mẽ, dữ dằn như la sát]
Ây da! Diệp Phù Sinh cười híp mắt, cúi người nhìn thẳng vào mắt cậu ta: “Ta là người mới do Tiết tiểu thư dùng kiệu lớn tám người khiêng mời về!”
Tạ Ly: “…”
Tiết Thiền Y nghiến răng nghiến lợi: “Diệp Phù Sinh! Ngươi nói lung tung gì đấy?”
“Được rồi, kiệu lớn tám người khiêng thì không có, nhưng người mới thì là thật.” Diệp Phù Sinh khoát tay áo một cái, trong lòng bàn tay đột nhiên xuất hiện một túi giấy nhỏ, bên trong là mấy viên kẹo xếp ngay ngắn.
Bất chợt, có một viên bay nhanh vào miệng Tiết Thiền Y, mùi hoa quế tỏa đầy khoang miệng làm câu mắng sắp thốt ra phải nghẹn trở vào. Tiết Thiền Y trừng đôi mắt đẹp, vậy mà người nào đó lại lần nữa cười giả lả xin tha “Tiểu thư đừng trách, tại hạ xin nhận tội. Kẹo hoa quế này mới vừa ra lò, ăn một viên cho ngọt miệng, không nên tức giận mắng người sẽ làm ô uế miệng của tiểu thư.”
Viên kẹo bị Tiết Thiền Y nhai nghe răng rắc rất giống đang nhai xương người nào đó, tai cũng đỏ rần lên. Tạ Ly ngây ra, trong cái đầu nhỏ bé của cậu nhóc chưa từng thấy mấy chuyện phong hoa tuyết nguyệt, giờ lại bị mấy lời hoa mỹ đó nhồi đầy tai, thiệt là chịu không nổi.
Cậu nhóc khẽ há miệng muốn nói, Diệp Phù Sinh thừa cơ nhét một viên kẹo vào. Vị cay xen lẫn với cảm giác ngọt ngào tan ra trong miệng. Mặt Tạ Ly đỏ lên, từ bé được giáo dục quá tốt làm cậu không thể nhổ ra, chỉ có thể cố nuốt vào, đôi mắt đẫm nước trông rất đáng thương.
Tiết Thiền Y: “…Ngươi cho đệ ấy ăn gì thế?”
“Kẹo đó!” Diệp Phù Sinh đưa cái mặt quang minh chính đại lên, lại bổ sung: “Kẹo gừng, cô xem cậu ấy dầm mưa lâu như vậy, nếu không ăn chút kẹo gừng xua phong hàn thì sao được.”
Tiết Thiền Y ủ rũ, thở dài. Nàng xoa đầu Tạ Ly, rồi cúi đầu nói với cậu nhóc: “Tiểu Ly, đệ về phòng tắm rửa thay quần áo trước đi, tỷ còn chút chuyện cần bàn với tên đó.”
Tạ Ly hít một hơi xua đi vị ngọt ngọt cay cay trong miệng, mặt ngoài vẫn nghiêm túc hỏi: “Hắn là ai?”
“Đây là hộ vệ tỷ vừa mới thuê, đệ yên tâm đi.”
Tạ Ly đi xa dần, Diệp Phù Sinh híp mắt nhìn theo cậu bé, cảm thán: “Là một đứa trẻ ngoan, chỉ là có hơi chững chạc quá mức.”
“Trước giờ sư phụ luôn nghiêm khắc với đệ ấy.” Tiết Thiền Y xoa xoa mày, nói: “Ta đã nói với quản sự rồi, chỉ cần ngươi không làm ra mấy chuyện khó coi, ngươi có thể tự do hành sự trong sơn trang, không cần phải trông sắc mặt ai cả.”
“Tiểu thư tốt với ta như vậy, ta phải làm những gì đây?”
Tiết Thiền Y nhìn y, nói: “Ta đã tạo điều kiện cho ngươi tốt vậy rồi, ngươi thay ta chăm sóc Tiểu Ly.”
Diệp Phù Sinh hỏi: “Thiếu trang chủ của Đoạn Thủy sơn trang còn cần một giang hồ lãng tử như ta chăm sóc?”
Chưa nói tới các hộ vệ trong sơn trang, chỉ cần còn có Tạ Vô Y, chẳng lẽ không thể bảo vệ được con mình?
Nếu thật sự là như thế thì quả thật Thiên hạ đệ nhất đao… nên đổi người rồi.
Tiết Thiền Y không trả lời mà hỏi ngược: “Hôm nay ngươi vào thành có chú ý tới gì không?”
“Ta thấy rất nhiều người giang hồ.” Diệp Phù Sinh nở nụ cười, y ngậm một viên kẹo quế hoa: “Có tốt có xấu, đủ các hạng người. Các quán trọ lớn nhỏ quanh đây đều bị họ thuê hết, vất vả lắm ta mới hối lộ được một tên tiểu nhị để lại cho ta một phòng chứa củi để nấu nước tắm.”
Tiết Thiền Y nghe vậy, cười nhạt: “Liên tục ép sát, bâu bám không rời, chán chết đi được.”
Diệp Phù Sinh cho hết mớ kẹo còn lại vào miệng, giọng nói mơ hồ: “Là đến vì sơn trang, hay là vì… Tạ trang chủ?”
Giọng Tiết Thiền Y lạnh hẳn: “Là đến vì ‘Thiên hạ đệ nhất đao’.”
Miệng Diệp Phù Sinh đầy kẹo, không nói được gì.
Tiết Thiền Y hít sâu một hơi, nói: “Ngươi có từng nghe người tên Lệ Phong?”
Diệp Phù Sinh từ tốn đáp: “Nếu người cô nói chính là Lệ Phong của Táng Hồn cung – Mê Tung lĩnh thì đúng là ta từng nghe thấy.”
Xưa nay chính tà không thể đứng cùng. Chính đạo có bốn tông môn lớn, tà phái cũng không thua kém bao nhiêu. Ở biên giới Tây Nam có một sơn cốc kéo dài trăm dặm, địa thế phức tạp, chướng khí mịt mù, cho dù là chim chóc cũng khó tìm được lối ra liền lấy Mê Tung làm tên. Ở sâu trong sơn cốc chính là địa bàn của thủ lĩnh ma đạo hiện nay — Táng Hồn cung.
Táng Hồn cung giống như một triều đình thu nhỏ, ngoài những người rời bỏ môn phái hoặc những tên tội ác tày trời trong võ lâm, còn có những dị tộc vì chiến tranh mà mất nước, thậm chí có đời sau của những tội phạm triều đình, loại người nào cũng có, phức tạp vô cùng. Một khi bước vào Táng Hồn cung giống như bước vào một đầm lầy đầy côn trùng rắn rết đang ngủ đông. Ở đó, họ quên hết những chuyện trong quá khứ, từ đây về sau chỉ làm một con chó của Táng Hồn cung.
Là chó nên đương nhiên không có tên. Có thể được gọi tên, thì phải là chó dữ được chủ nhân coi trọng.
Lệ Phong – Năm nay hai mươi lăm tuổi, quản lý Thanh Long điện trong Táng Hồn cung, là một cô nhi được cung chủ Táng Hồn cung thu nhận, cũng là một trong những thuộc hạ đắc lực nhất hiện giờ của hắn. Người được hắn để mắt tới không khác gì một con sói dữ trên thảo nguyên.
Tiết Thiền Y mím môi: “Trước giờ Táng Hồn cung đều hoạt động ở biên giới Tây Nam, tuy có thế lực ở Trung Nguyên nhưng trước nay chưa từng gợi ra sóng to gió lớn gì. Chỉ trong hai năm nay, từ lúc ngoại bang phát động chiến tranh, các thế lực của Táng Hồn cung ngày càng mở rộng, hiện giờ cũng đã chuyển dần đến Trung Nguyên.”
“Các thế lực võ lâm ở Trung Nguyên rắc rối, phức tạp, giữa chính và tà không biết có bao nhiêu món nợ chưa thể tính hết. Nếu như Táng Hồn cung tùy tiện ra tay sợ là sẽ phản ngược ảnh hưởng tới họ, cho nên bọn họ muốn giết gà… À nhầm, giết một người đe trăm người.” Diệp Phù Sinh ho khẽ hai tiếng, vỗ một cái lên chân phải đang đau đớn tê dại của mình, đắc ý nói: “Đoạn Thủy sơn trang là một gia tộc lớn của võ lâm Trung Nguyên. Tạ trang chủ lại là Thiên hạ đệ nhất đao nổi danh giang hồ, theo lẽ phải là một thế lực khó đối phó, tiếc là…”
Tiết Thiền Y lạnh lùng nói: “Tiếc là sau chuyện xảy ra vào ba năm trước, toàn bộ giang hồ đều cảm thấy sư phụ ta đã tàn phế rồi, hiện giờ Thiên hạ đệ nhất đao chỉ còn là cái tên hữu danh vô thực. Lần này Táng Hồn cung khởi xướng đại hội Đoạt phong (*), ý đồ đoạt bảy danh hiệu nổi tiếng của chính đạo Trung Nguyên để ra oai, Đoạn Thủy xếp vị trí thứ năm.”
[(*) Đoạt phong: phong có nghĩa là đỉnh cao, đoạt phong có thể hiểu là tranh đoạt địa vị dẫn đầu]
Diệp Phù Sinh hỏi: “Vậy rốt cuộc đó chỉ là lời đồn đãi chốn giang hồ hay sự thật chính là ‘không có lửa sao có khói’?”
Tiết Thiền Y không đáp, nàng nhìn thẳng vào mắt y, qua một hồi sau mới lên tiếng: “Diệp Phù Sinh, ngươi là một người thông minh, cũng là một người hiểu chuyện.”
Đây đúng là một đống bùn lầy, Diệp Phù Sinh thở dài, nói: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo (*), tại hạ cảm tạ sự tin tưởng của Tiết tiểu thư, nhất định không phụ nhờ vả.”
[(*): Ơn bằng giọt nước, đáp đền bằng cả suối nguồn]
“Ngươi đã hứa với ta rồi thì nhất định phải làm được.” Tiết Thiền Y ngước mặt lên, lộ ra vẻ kiêu ngạo, giọng lại sang sảng không giống một cô nương khuê các mà lại đáng sợ như một con rắn độc “Nếu Tiểu Ly xảy ra chuyện gì, cho dù ngươi có chui xuống đất, ta cũng đào mộ phần tổ tiên mười tám đời của ngươi, nghiền xương ngươi thành tro.”
“Chuyện ngươi đã hứa với ta, nhất định phải làm được, bằng không ta chết không nhắm mắt.”
Hai giọng nói hợp làm một, giống như một thanh kiếm sắc bén đâm vào ngực Diệp Phù Sinh. Đầu y vang lên tiếng ong ong, hết thảy chuyển động phía trước bắt đầu trở nên mờ nhạt, hỗn độn, chân phải nhói lên như tim đang bị đâm, mặt y bỗng chốc trắng bệch. Y theo bản năng đưa tay đè lên ngực, chạm vào chiếc ngọc bội trong túi gấm.
“Ngươi sao vậy?” Tiết Thiền Y phát hiện khác lạ, đưa tay đỡ y, nào ngờ tên lưu manh này bỗng choáng váng, trong lúc quơ quào đã sờ vào eo nàng. Tiết tiểu thư nhíu mày, suýt chút nữa đã xô đối phương xuống đất.
Vậy mà tên đầu sỏ ấy còn trưng cái mặt hiền lành vô tội, cứ như sắp hộc máu gần chết tới nơi: “Khụ, khụ… Xin lỗi, tại hạ không nhìn rõ.”
Tiết Thiền Y nghiến răng, nói: “Bảy ngày nữa đại hội luận bàn sẽ bắt đầu. Trong vòng mấy ngày tới chắc chắn hai bên sẽ phái người tới thành Cổ Dương, dĩ nhiên Đoạn Thủy sơn trang cũng không thể đóng cửa từ chối khách đến. Nếu mắt ngươi nửa mù nửa sáng thế này, thì cẩn thận theo sát Tiểu Ly, đừng đi đâu gây chuyện, tránh đụng phải người không thể trêu vào.”
Nghe xong, Diệp Phù Sinh ngáp một cái, buông tay nói: “Nếu vậy thì tiểu thư mau đưa ta tới tiểu viện của thiếu trang chủ đi! Đêm cũng khuya rồi, tại hạ cảm thấy mệt.”
Tiết cô nương cảm thấy có chút ngứa tay, chiếc roi dài bên hông cũng muốn hoạt động.
Vào lúc này, có tiếng vó ngựa từ xa truyền tới, đại khái là có xe ngựa dừng trước cổng nhà.
Đã trễ thế này rồi, là ai to gan vượt sóng to gió lớn tới?
Tiết Thiền Y bảo một hạ nhân dẫn y tới hậu viện, còn nàng thì vội vàng ra ngoài gặp khách. Diệp Phù Sinh hí mắt, cũng may trên đường đi có ngang qua một hành lang thật dài. Nhờ ngọn đèn lồng dưới mái hiên y quay đầu qua nhìn, thấy Tiết Thiền Y dẫn một nhóm người đi nhanh qua, người dẫn đầu thu chiếc ô vào, dáng vẻ cũng theo đó mà hiển hiện.
Người nọ trông còn rất trẻ nhưng lại không có cái vẻ bốc đồng, khờ khạo của mấy tên choai choai thường thấy. Hắn mặc y phục đen khiến gương mặt trở nên tái nhợt, mày như mũi đao, mắt như vực thẳm, dung mạo tuấn mỹ không chút tì vết, đôi môi mỏng hơi đỏ, tựa như lưỡi đao kiến huyết phong hầu. (*)
[(*) Kiến huyết phong hầu: chỉ chạm nhẹ thấy máu là lập tức á khẩu]
|