Bản Tình Ca Xót Xa
|
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 4: Những Chuyện Tình Thơ Ngây Ads “Ngôn này, chú Dũng muốn nhờ mày dạy cho con chú đấy.”
Bố Ngôn nói xong, khum khum bàn tay chắn gió để bật lửa. Hít một hơi thật sâu, ông nheo mắt, phả luồng khói thuốc lá vào không khí. Luồng khói cuộn tròn rồi tan biến.
“Con chú Dũng lớp mấy vậy bố?”
“Lớp 6.”
“Con chỉ dạy môn Toán thôi đấy. Bố có nói vậy không?”
“Có. Con bé nhà đó mới chuyển cấp nên lóng ngóng môn Toán lắm.”
“Vâng ạ. Nhiều cái khác lạ mà. Bố cho con số chú ấy.”
“Đây, mày xuống đây tìm trong danh bạ này. Bố mắt kèm nhèm lắm.”
Ngôn từ trên gác bước xuống, tìm số điện thoại chú Dũng trong máy bố và lưu vào máy mình.
“‘Dũng ba bánh’ nhé.” Bố Ngôn và chú Dũng vẫn hay hợp tác chở hàng bằng xe lam. “Nhà chú ấy ở ngõ 54 Trần Khát Chân.”
“Vâng ạ. Còn lịch thì chú có nói gì không bố?”
“Con chú ấy rỗi tất cả buổi tối. Mày có muốn chọn ngày nào thì chọn, nhưng gọi điện trước cho cô chú.”
“Vâng ạ.”
Sang tháng 11, Ngôn bắt đầu đi dạy gia sư cho cô con gái chú Dũng, người bạn làm ăn vẫn thường hay nhờ bố Ngôn chở hàng. Với anh, kiến thức toán lớp 6 cũng bình thường thôi, không có gì khó khăn to tát cả. Nhưng cô học trò của anh thì quá non nớt và không được sáng dạ cho lắm. Tuy nhiên, điều thuận lợi cho Ngôn là từ lần tiếp xúc của buổi học đầu tiên, cô bé rất quý Ngôn và thích cách giảng bài của anh: thật hiền hòa và từ tốn. Cô bé không bướng bỉnh, đanh đá; trong mọi câu chào hỏi hay trả lời Ngôn, đều rất lễ phép lịch sự. Chú Dũng và cô Phương, vợ chú, là những người rất quý mến con người trí thức như Ngôn. Một gia đình có nề nếp, gia giáo. Họ tìm chọn cho con được học ở trường tốt, lớp ngoan; mỗi ngày cô con gái tan học là lại thấy mẹ đứng đợi sẵn ở cổng trường đón về; lịch học, lịch nghỉ của con, họ đều nắm được hết. Ngôn nghe cô Phương kể chuyện như vậy, và qua sự quan sát của mình, anh cũng nhận thấy không khí tốt lành, bình an nơi mái ấm này. Anh trân trọng sự chăm sóc, dạy bảo con cái của bố mẹ cô bé. Nhưng trong thâm tâm, anh có chút lo lắng cho cô học trò của mình. Anh so sánh cô bé với anh, và dường như có nhiều điểm tương đồng. Sự bao bọc quá kỹ lưỡng dành cho con cái của các bậc phụ huynh như một cánh cửa thép bảo vệ chắc chắn. Nó ngăn ngừa mọi kẻ xấu xâm nhập và mọi yếu tố làm tổn hại đến tâm hồn trong trắng của các em. Nhưng nó lại là một trở ngại không nhỏ để các em có thể nhìn ra thế giới, mở rộng và phát triển tối đa các năng lực bẩm sinh của mình. Ngôn nhìn lại mình cũng giống như một chú gà choai nhốt hoài trong lồng, đến khi lớn tướng rồi mới ra ngoài chạy loăng quăng, tìm kiếm và học hỏi cuộc đời. Anh tự nhận thấy mình còn nhiều kém cỏi về những kỹ năng đối nhân xử thế, giao tế với tha nhân. Anh vẫn đang nỗ lực lao mình ra với cuộc sống, học hỏi xã hội và điều chỉnh bản thân để sớm thoát khỏi cái tù túng của tầm mắt hạn hẹp nơi mình. Nhìn bé Thu, học trò của anh, Ngôn ước mong sao cô bé có thể tiếp cận và động chạm đến cuộc đời sớm hơn anh, để dần dần đủ cứng cáp, đứng vững trong đời. Nhưng anh chỉ suy tư như vậy, tất cả chỉ là nội tâm, bởi lẽ anh chỉ là một phần của tuổi thơ Thu, chỉ là một người anh, người thầy gia sư, chứ không phải là bố mẹ của cô bé.
“Bây giờ Thu hãy xem nhé: 2 + 3 = 5; 2 = 5 - 3. Đó là ví dụ thứ nhất. Bây giờ anh cũng có 2 x 3 = 6; 2 = 6 : 3. Đó là ví dụ thứ hai. Vậy em thấy ở từng ví dụ, có các phép tính gì?”
“À... Em thưa anh, có một phép cộng và một phép trừ ở ví dụ thứ nhất. Có một phép nhân và một phép chia ở ví dụ thứ hai ạ.”
“Ô kê!” Ngôn xắn tay áo, cầm viên phấn vẽ mũi tên theo lời giảng giải của mình. “Đó chính là những phép tính ngược của nhau. Chúng ta sẽ nhận thấy ở đây: một ‘số nhỏ’ cộng một ‘số nhỏ’ được một ‘số to nhất’; một ‘số nhỏ’ nhân một “số nhỏ” được một ‘số to nhất’. Vậy nếu em muốn tìm một trong hai ‘số nhỏ’ của phép cộng, em chỉ việc lấy ‘số to’ trừ đi ‘số nhỏ’ kia. Đúng không nào? Phép trừ chính là phép tính ngược của phép cộng. Nhân và chia cũng như vậy. Ngược nhau. Làm thử cho anh bài này xem nào.”
Ngôn viết lên bảng một phép tính cộng. Số x phải tìm ở vị trí số hạng. Thu chép đề bài xong, giải ra được kết quả.
“Đó, mỗi khi em gặp phép tính cộng hay nhân mà yêu cầu tìm số nhỏ, là chỗ này, chỗ này này...” Ngôn chỉ những số hạng và thừa số trên bảng. “... Em chỉ việc liên tưởng đến phương pháp phép tính ngược của anh nhé.”
“Vâng ạ.”
“Với phép trừ và chia cũng vậy, em sẽ lật ngược lại thành cộng và nhân. Tuy nhiên, cực kỳ chú ý một ngoại lệ! Anh cho em ví dụ nhé: 8 – x = 3. Vậy em có dùng phép tính cộng để tìm x không?”
“Có ạ. Em sẽ lấy 3 cộng 8... À không, không được ạ.”
“Đúng rồi. Phải đặc biệt chú ý hai trường hợp: khi tìm số trừ và số chia, mình sẽ không dùng phép tính ngược. Mình phải tưởng tượng xem số nào là ‘số to’ và số nào là ‘số nhỏ’ để rồi khi tìm ‘số nhỏ’ thì phải lấy ‘số to’ trừ đi hoặc chia đi ‘số nhỏ’ thứ hai nhé. Nghĩa là không dùng phép tính ngược để tìm số trừ và số chia!”
“Em nhớ rồi ạ.”
Mỗi lần giảng giải cho bé Thu, Ngôn căng hết các sợi dây thần kinh ra để chỉ huy cho suy luận và miệng lưỡi của mình. Anh là một người cực kỳ nhẫn nại. Vì để giúp cho một cô bé chậm tiếp thu như vậy hiểu được bài, chỉ có duy nhất một đức tính cần thiết nhất nơi người giảng viên chính là nhẫn nại. Có những bài toán cùng một cách thức giải quyết nhưng Thu lại không nhớ phương pháp để áp dụng cho đúng. Phải qua hai ba buổi học, phải qua hơn năm bảy lần nhắc đi nhắc lại cách làm, Thu mới có thể giải thành thạo các bài toán cơ bản.
Kết thúc mỗi giờ học, Ngôn luôn ngồi lại trò chuyện với cô bé một hồi để hiểu rõ hơn về các vấn đề trường lớp hay chương trình học-chơi-ăn-ngủ ở nhà mà bố mẹ Thu đã đặt ra cho em. Anh lắng nghe cả tất cả những câu chuyện cô bé hồn nhiên kể, giải đáp tất cả những thắc mắc về kiến thức khoa học hay yêu cầu lạ lùng nào đó của các thầy cô trên trường,... Cũng có những lần, Thu lại được làm thính giả thưởng thức những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười thú vị của Ngôn. Đôi khi một màn ảo thuật nhỏ của “anh thầy” cũng làm Thu lưu luyến mãi...
Sau khi chào cô Phương, Ngôn phóng xe ra về. Ánh đèn chiếu từ xe anh tỏa sáng một góc ngã ba. Những con ngõ ở Trần Khát Chân thật là ghê rợn với độ dốc hiểm trở khôn lường. Nếu xe máy, xe đạp bị hỏng phanh hoặc chạy yếu, thể nào cũng bị lao tuột về xuống cuối chân dốc tối hù. Về số hai, chiếc Wave Alpha của Ngôn ồ ồ phi ngược trên triền dốc có lẽ phải nghiêng bốn mươi lăm độ – như một con bò điên đang thời sung sức, rồi đâm bổ ra trục đường chính. Ngôn muốn sắm một chiếc máy quay phim để ghi lại những hình ảnh này lắm. Anh hình dung đoạn video mình tải lên mạng sẽ thu hút hàng nghìn lượt xem, với tiêu đề: “Có một Hi-ma-lay-a bên sườn Hà Nội!”
Bon bon trên đường Đại Cồ Việt, anh tranh thủ ngắm nhìn những khoảng không gian lộng gió và rực sáng ánh đèn. Lần nào cũng vậy, trước mỗi khung cảnh hùng vĩ, anh luôn dùng hết mọi cảm quan để tận hưởng những vẻ đẹp tuyệt vời như đang dâng lên và tràn ngập tâm hồn. Lao đi trên cây cầu vượt bắc vuông góc với các con đường Bạch Mai, Phố Huế, anh thấy mình như đang được nhấc bổng lên không trung, để mặc cho luồng gió mát lạnh của khí trời tháng mười một lướt trên những vành tai và cánh tay mình một cách sảng khoái. Nếu như bộ chip tự điều khiển xe gắn máy trong tưởng tượng của anh có thật trên đời thì có lẽ trong giây phút này, anh đang đưa mắt rảo khắp ba trăm sáu mươi độ của tầm nhìn mà tận hưởng...
Giá mà có một người nữa cũng đang ở bên, và cùng chung niềm hạnh phúc này đây với mình thì thật tuyệt diệu biết bao!... Trong tâm trí Ngôn bỗng hiện lên hình ảnh Huế Anh. Ngôn cảm thấy nhớ cô. Đã mấy tuần rồi chưa gặp lại, nhưng hình ảnh khuôn mặt thon thon và đôi mắt dịu dàng của cô vẫn in đậm trong tâm trí Ngôn. Không biết giờ này cô đang làm gì? Có lẽ đang học bài? Đọc sách? Hoặc lướt mạng? Xem phim?... Anh không biết hiện giờ cô đang vui buồn ra sao, cười nói thế nào, nhưng đối với anh, mỗi khi nhớ đến cô, như trong giây phút này, đều khiến lòng anh bừng lên một nỗi niềm hạnh phúc khó tả. Anh vui vì được biết cô trong đời và cảm thấy may mắn vì từng được ngắm nhìn từng làn tóc, bờ mi của cô. Anh thấy cuộc sống của mình đáng quý hơn vì biết yêu mến cô.
“Từ khi quen em, anh đã biết bối rối
Vì những lúc thoáng nghe em cười
Anh đã biết con tim
Yêu em mất rồi
Người yêu ơi, xin em chớ quên...”
Về đến nhà, nhìn thấy mâm cơm mẹ đã dọn sẵn, có đậy lồng bàn, nhưng Ngôn chưa vội. Anh không thấy đói – có lẽ chỉ cần nhớ đến Huế Anh thôi đã đủ no rồi. Quẳng chiếc cặp qua một bên, anh ngồi phịch xuống ghế đệm, rút điện thoại từ trong túi quần ra, bấm bấm tin nhắn. Anh chọn lọc chi li từng từ từng chữ để viết, và hình dung nếu mình là người đọc thì liệu có dịch được không. Viết hoàn chỉnh một đoạn tin rồi, anh lại nhấn lên trên đầu để đọc toàn bộ hai lần nữa. Cuối cùng, tin nhắn đó không được gửi đến bất kỳ một cái tên nào trong danh bạ, vì số điện thoại của người nhận ấy, Ngôn đã thuộc nằm lòng từ buổi chiều ngày mười chín tháng mười rồi.
“Thỏ đang làm gì đấy em? Ăn cơm chưa? Anh mới đi dạy về này. Mời em cùng xơi cơm nhé.”
Cái nickname “Thỏ” được anh đặt cho Huế Anh, kể từ khi cô vui mừng nhận được món quà của anh. Buổi tối hôm ấy, về phòng, bóc quà ra, cô hết sức ngỡ ngàng và ngồi ngắm nghía chú thỏ mãi. Cô khâm phục bàn tay khéo léo của Ngôn và tự hỏi không biết anh đã làm thế nào để có thể dựng được hình khối chú thỏ đáng yêu này bằng giấy được. Và từ khi nhận được lời cám ơn của Huế Anh, mỗi ngày Ngôn đều gửi ít nhất một hai tin trò chuyện với cô. Khi thì hỏi thăm sức khỏe, khi thì nói về chuyện học tập hoặc hỏi han về một số từ vựng trong tiếng Pháp – những thứ sẵn có trên mạng. Có những hôm “bí” chủ đề, anh đợi đến mười giờ rưỡi tối để chúc cô ngủ ngon. “Chúc Thỏ ngủ ngoan nha. ^^” Hoặc “Thỏ đắp chăn ấm và mơ đẹp nhé. ^^” Và rồi tự cười tủm tỉm một mình khi đọc được dòng hồi âm: “Anh Ngôn khò đều đặn ạ.”
Có vẻ như muốn căn thời gian thật chuẩn với lúc Ngôn đã xong bữa cơm, Huế Anh trả lời tin nhắn:
“Em ăn rồi ạ. Anh đi đường có bị mưa không ạ?”
Hóa ra lúc nãy, trong khi mải ngắm nhìn đường phố và tưởng tượng ra Huế Anh đang ngồi sau lưng mình, Ngôn không để ý có chút mưa bay bay trên vai áo anh.
“Không, anh nhớ một người đến nỗi không biết mình về lúc nào nữa kia.”
“Hi hi. Ai mà có phúc thế không biết? Mai thứ bảy đấy, anh có đi chơi với chị ‘gấu’ không?”
“Không, anh chẳng có ‘gấu’ nào cả. Anh chỉ có thỏ thôi.”
“Thôi, em đi nhúng nước rồi khò đây. Chúc anh ngủ ngon nhé.”
“Uhm, chúc em ngủ ngon và mơ thấy anh...”
“Hik. Mơ thấy em còn không dễ, nói gì là mơ thấy anh. Bye anh nhé.”
“Bye em. Have a sweet dream...”
Vẫn thói quen cũ, sau khi kết thúc cuộc “chat” qua tin nhắn, Ngôn mở lại các tin đầu tiên của Huế Anh để đọc, dường như có bữa cơm “tăng hai” vẫn luôn dọn sẵn cho anh nhấm nháp vậy. Thỉnh thoảng anh còn đọc lại các tin trong mục “hộp thư đi” để xem mình đã viết những gì và liệu cảm nhận của em ấy sẽ ra sao... Rồi tự cười tủm tỉm, sướng sướng...
* * *
|
Nhìn bé Thu với khuôn mặt trái xoan xinh xinh cùng chiếc gọng kính đen dày, Ngôn nhớ lại thời niên thiếu của mình, một thời ngây ngô, trong sáng. Ở độ tuổi ấy, con trai phát triển sau con gái một quãng xa: người ngợm còn nhỏ nhắn, vẫn mang trên mình đôi vai thon nhỏ của một “cậu bé” chứ chưa được vạm vỡ và rộng chắc của một “chàng trai” thực thụ. Hồi ấy, thằng nào hay chơi với con gái thì sẽ bị trêu chọc là... “bê đê” ngay! Nhiều đứa còn “sợ” phải chạm vào người con gái, dù chỉ là đặt tay lên vai khi xếp hàng. Các “cậu bé” vẫn đang là các “cậu bé”, vẫn hồn nhiên vô tư chơi đùa, đuổi bắt nhau, chạy khắp sân trường với tốc độ phi thường, đôi khi khiến các thầy cô giáo đang dạo bước ngang qua với tập sách trên tay, phải giật mình đứng lại nhường đường cho các “trâu con”. Còn các cô nàng, khi ấy đã bước vào tuổi dậy thì, đã biết làm duyên làm dáng, đã dần biết tơ tưởng đến chuyện tình cảm yêu đương. Dĩ nhiên các “đấng mày râu” cùng tuổi bấy giờ chưa lớn, vẫn còn trẻ con lắm, và không thể lọt vào những trái tim hồng kia được. Các nàng để ý đến những anh lớn học các lớp trên, thường là lớp 8 hoặc 9, đôi khi còn có người yêu ở một trường cấp ba nào đó.
Nhưng có một cô nàng không như vậy – Hân, bạn học cùng tiểu học của Ngôn. Hân thích Ngôn từ khi lên lớp 6. Hai đứa học cùng trường. Một đôi kính cận gọng hồng, một chiếc cặp xanh da trời là những gì Ngôn thường thấy nơi cô bé xinh xắn ấy sau mỗi buổi tan học. Hân dáng cao, có nước da trắng và một khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn. Cô bé trầm lặng, ít nói, ít cười, luôn tự làm mọi việc một mình. Mặc dù cậu bé Ngôn khi ấy còn chưa biết thế nào là yêu, còn chưa biết tỏ ra là một chàng trai thực thụ, nhưng Hân vẫn thích. Cô bé mến Ngôn vì tính cách hiền lành, trong sáng của cậu. Ngôn không chửi bậy, Ngôn chăm chỉ học bài, làm bài tập, lại còn hăm hở tham gia các hoạt động văn nghệ của trường nữa. Hồi còn học chung lớp, Hân vẫn thường nhờ bàn tay nghệ thuật của Ngôn vẽ giúp các bức tranh để nộp chấm. Cô bé mến Ngôn, nhưng mãi đến học kỳ hai của năm lớp 6 mới mạnh dạn bày tỏ. Những lời thư viết trong một cuốn sổ tay màu xanh da trời của Hân khiến Ngôn rung động. Cậu đọc thư tình của cô bạn gái được gửi qua một thằng trung gian trong lớp Ngôn mà lồng ngực cứ giần giật, còn mặt thì tưởng chừng như bốc hỏa. Quá choáng ngợp trước những lời có cánh đầu tiên nhận được trong đời, nhất là ba chữ “Mình Yêu Cậu”, Ngôn không biết phải nói gì với chính mình. Sợ bố mẹ phát hiện, cậu vội nhét cuốn sổ vào sâu trong ngăn tủ sách và... lên giường đi ngủ – lúc năm rưỡi chiều! Sau đó, mẹ gọi dậy ăn tối, Ngôn xử lý hai bát cơm thật nhanh rồi về phòng. Mở thư ra, đọc lại một lần nữa, cậu vẫn chưa hết “sốc” vì những dòng chữ hiện lên trước mắt mình. Khi ấy, Ngôn vẫn còn là một cậu bé, nghĩa là vẫn mang nơi mình cách hành xử của một cậu bé. Nếu là một chàng trai, hẳn Ngôn đã không mất tự chủ đến mức xé tan bức thư thành từng mảnh nhỏ, rồi đút tất cả vào trong một bịch ni-lông, kẹp vào cuốn sách dày cộm, cũ kỹ nhất trên kệ sách của mình. Suốt một thời gian dài lảng tránh ánh mắt cô bạn, Ngôn đã trở nên không bình thường như những thằng bạn của mình. Mãi đến khi lên cấp ba, anh mới tìm lại những mảnh vụn của ba trang giấy bằng lòng bàn tay mình từng xé nát, cố gắng ghép từng mảnh một với nhau để dán thành bức thư tình hoàn chỉnh năm nào...
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 5 Ads “Gửi Nấm lùn,
Người ta bảo rằng 14/2 là ngày của những người yêu nhau. Ngày đó, họ trao tặng nhau những món quà, thanh kẹo hay những bông hoa. Đó là những biểu hiện thật đẹp của tình yêu phải không? Mình cũng cảm nhận thấy nơi mình đang khơi dậy lên những cảm xúc ngọt ngào và tha thiết như vậy. Mình không chắc rằng mình đã biết yêu chưa. Vì từ trước đến giờ chưa có ai dạy mình thế nào là tình yêu cả. Mình là một người sống nội tâm và chơi với ít bạn lắm. Nhưng thực sự mình đã cảm nhận thấy nơi sâu kín nhất trong nỗi lòng mình có một tình cảm rất đẹp với cậu. Mình không biết diễn tả thế nào để nói lên tình cảm đặc biệt ấy. Mình chỉ biết rằng: “Mình Yêu Cậu.”
Ngôn ơi! Ngôn à! Tiếng gọi tên Ngôn đang khẽ cất lên trong lòng mình. Mình là một cô gái yếu đuối và mềm mỏng. Nhưng mỗi khi nghĩ đến tên cậu, hình dung lại khuôn mặt đẹp trai, đáng yêu của cậu hay ngắm nhìn những bức tranh cậu vẽ tặng mình, thì tâm hồn mình như được có thêm sức sống vậy. Có lẽ mình đã biết yêu, mình đã yêu cậu, yêu cậu rất nhiều...
Cho dù tình cảm của mình có được cậu đáp lại hay không, nhưng mình vẫn luôn mong được gặp gỡ cậu và được thấy cậu mỉm cười mỗi ngày với mình. Chúc cậu luôn hạnh phúc và vui tươi nhé.
Với tất cả tình cảm,
Hân Kính Cận.”
Ngôn đọc lại từng từ từng chữ, và hình dung bàn tay cầm bút của Hân, gương mặt, ánh mắt lúc ấy của Hân. Anh nhìn những đường giấy loằng ngoằng vì bàn tay của cậu bé Ngôn xé nát năm ấy như sấm rạch ngang trời, mà trong lòng đau đớn vô cùng. Ngôn đã không trả lời thư của Hân, không tìm gặp nói chuyện với Hân, thậm chí khi vô tình bắt gặp cô bé trên đường tan học, Ngôn cũng không để ánh mắt của mình và Hân giao nhau. Sau khi học hết lớp tám, Ngôn không còn nhìn thấy Hân ở trường nữa. Nghe bạn bè bàn tán, Ngôn mới biết Hân mắc một chứng bệnh trầm cảm hiếm thấy với những triệu chứng khó lường, bố mẹ đã đưa cô qua Mỹ để điều trị. Phải hết lớp 9, Ngôn mới nhận ra mình có một vai trò quan trọng trong cuộc đời Hân như thế nào. Có lẽ nếu một tình bạn trong sáng, ấm áp giữa anh và cô được xây dựng chân thành, nếu “cậu bé” Ngôn ngày ấy không quá “sốc” và nhút nhát trước tình cảm của bạn gái thì Hân đã vui sống hạnh phúc hơn... Nhưng thời gian không trao tặng cho ai một chữ “nếu” bao giờ... Và anh đã không còn cơ hội để làm lại từ đầu...
* * *
“Anh Ngôn ơi, em không làm được!...”
Nghe tiếng của bé Thu, Ngôn giật mình quay lại. Trong mười phút vừa qua, để cô bé tự làm bài tập theo những gợi ý của mình, Ngôn cầm tách trà chanh mà cô Phương pha cho từ đầu giờ, ra đứng ở ban công, ngắm nhìn bầu trời đêm với những hoài niệm...
“Ô sao thế em? Bài này cùng dạng với những bài em đã làm ở buổi trước rồi cơ mà?”
Thu không trả lời. Cô bé cúi đầu, mặt đối diện trang vở, bàn tay run run, những ngón tay đang bứt rứt lẫn nhau. Đến lúc này Ngôn mới nhìn kỹ lại sắc mặt của em. Có nét gì đó không bình thường dần lộ ra trong ánh mắt đang xoáy sâu vào trang giấy. Đó dường như không hẳn là buồn bực, cáu giận hay tức tối... Không lẽ em bị cảm, sốt? Ngôn đặt tay lên trán em, và nhận thấy Thu không có dấu hiệu bị ốm.
“Em làm sao thế? Nói anh nghe xem nào.” Ngôn quỳ một chân để hạ mình ngang tầm với cô bé. Tay anh đặt lên đôi vai nhỏ nhắn của em để trấn an.
Đôi mắt cô bé đang chứa đầy sự sợ hãi xen lẫn nỗi bồn chồn, khắc khoải, bỗng ứa dòng lệ. Thu bật khóc và úp mặt vào lòng Ngôn khiến anh ngỡ ngàng. Đã từ rất lâu rồi, anh chưa phải nghe tiếng khóc của một cô gái nhỏ nào, dù trong khu phố nhà mình hay bất cứ nơi đâu. Và đây là lần đầu tiên trong đời, anh trở nên điểm tựa thân mật cho những dòng nước mắt của một thiếu nữ. Cô bé khóc rất nhiều, nhưng không thành tiếng lớn, chỉ có những tiếng nấc đang ngày một mạnh lên trong lồng ngực em. Tay em vòng quanh bám lấy Ngôn và rung lên từng hồi cùng với đôi vai. Ngôn hiểu rằng có nỗi niềm xao động nội tâm nào đó đang trào dâng trong lòng Thu và tuôn chảy ra ngoài thành những giọt nước mắt. Anh không biết điều gì đang diễn ra với em, và chưa biết mình sẽ cần phải làm gì bây giờ, vì điều này không có trong kế hoạch dạy học của anh. Nhưng Ngôn chợt nhớ ra anh không phải đang ở nhà mình. Sẽ thật không hay nếu bố mẹ Thu bất chợt vào phòng và nhìn thấy tình cảnh này...
“Thôi nào, Thu. Có chuyện gì xảy ra với em thế?”
Những tiếng nấc vẫn chưa được thay thế. Và Ngôn nhận thấy ngực áo mình vẫn không ngừng ướt thêm.
“Chắc em đang có chuyện buồn?... Một chuyện rất buồn phải không?”
Anh cố gắng kìm giọng nói mình sao cho nhẹ nhàng nhất, thiết tha nhất, mặc dù chất giọng bình thường của anh đã dịu dàng sẵn rồi. Anh dùng hai bàn tay nắm lấy vai Thu, khẽ đẩy cô bé từ từ ra khỏi mình, đặt em ngồi lại trên ghế.
“Sẽ không sao đâu... Tất cả sẽ ổn thôi... Bình tâm lại, bình tâm lại em nhé...”
Nhịp nấc của Thu đã giảm. Nhưng đôi mắt đỏ hoe của em vẫn đang ướt đẫm và chiếc kính gọng đen không giấu được những nỗi niềm xót xa trên khóe mắt, vòm má ửng đỏ nhỏ bé của em. Ngôn tháo kính ra giúp cô bé, với tay rút một mảnh giấy mềm trong hộp bút của em, rồi nhẹ nhàng lau đi giọt nước mắt trên má. Cô bé có chút xấu hổ và không dám nhìn anh.
“Được rồi. Được rồi. Không sao đâu. Em gái bé nhỏ của anh, mọi thứ sẽ tốt thôi. Đâu sẽ vào lại đấy mà, phải không em? Bây giờ, anh của em sẵn sàng lắng nghe mọi tâm sự của em đây. Có chuyện gì kể anh nghe xem nào?”
Thu vẫn im lặng. Có lẽ em sợ rằng những tiếng nói của mình sẽ không bình thường được sau khi trải qua cơn mưa nước mắt vừa rồi. Em xao xuyến bồn chồn, nỗi lòng vẫn còn thổn thức.
“Thôi được rồi.” Ngôn nói. “Nếu em không muốn nói thì anh sẽ không bắt ép đâu. Thời đại tự do dân chủ mà. Khóc ra là tốt nhất. Mọi thứ sẽ trôi đi như vừa được rửa sạch. Hi hi.”
Vừa lúc Ngôn đứng lên thì Thu đưa tay mở ngăn kéo của bàn học, lấy ra một tờ giấy cất trong chiếc cặp nhựa mỏng, đặt lên bàn. Đó là một tờ bìa A4 màu xanh da trời, được gấp khéo léo thành một phong thư rất đẹp. Viền phong thư ấy được cắt tỉa lượn sóng, còn chính giữa thì gắn một cái nơ đỏ thẫm bằng vải.
Ngôn cầm lấy phong thư. Anh đọc thấy hai dòng chữ viết ở mặt ngoài:
“From: Mạnh Trung.
To: Phương Thu.”
Ngôn dường như đã hiểu ra một phần của câu chuyện. Chắc chắn mặt giấy bên trong còn ẩn chứa nội tình xoay quanh hai nhân vật chính được đề tên kia.
“Anh đọc được chứ?”
Sau thoáng chút đắn đo, Thu khẽ gật đầu.
Vừa lật mở lớp giấy, Ngôn vừa đưa mắt quan sát sắc mặt của Thu. Rồi lại nhìn vào những dòng viết của trang thư:
“Thương mến tặng Thu,
Em biết không, một năm có bốn mùa, nhưng anh yêu nhất mùa thu. Mùa thu có gió mát dịu, có nắng nhẹ nhàng, có lá vàng rơi... Mùa thu thật đẹp và lãng mạn. Anh yêu mùa thu. Và yêu người tên Thu là em đấy.
Anh đã yêu em ngay từ lần gặp đầu tiên ở cửa căng-tin, buổi thứ năm của tuần đầu tiên khi em vào trường. Chiếc kính cận của em khiến anh ấn tượng lắm. Và anh chắc chắn rằng đằng sau nó là khuôn mặt xinh xắn đáng yêu của một nàng tiên đẹp tuyệt trần. Những lần đến gần em, nghe trộm em cười cười nói nói với bạn bè mà lòng anh rung động và hân hoan kỳ lạ. Anh ước muốn được làm quen với em, được nhìn ngắm nụ cười của em và nghe tiếng em trò chuyện.
Thu ơi, nhận lời làm người yêu anh nhé?
Lá thư này, cùng với mười hai bông hoa hồng được anh xếp trong ba ngày, tượng trưng cho tuổi mười hai đang đến với em. Em có thấy đẹp không? Nếu em hạnh phúc thì anh cũng vui lắm. Chúc mừng sinh nhật em nhé.
Anh Mạnh Trung.”
Đọc hết bức thư, Ngôn kéo một chiếc ghế và ngồi xuống cạnh Thu. Anh hiểu rằng cô bé đang có vấn đề với Mạnh Trung nào đó, tác giả của bức thư. Và chắc chắn cô bé rất tin tưởng anh, coi anh như một người anh trai thân mật và chia sẻ hết thảy mọi nỗi ưu tư trong lòng.
“Anh này học cùng trường em à?”
“Vâng ạ.” Lời đầu tiên Thu lên tiếng từ sau khi khóc.
“Chắc là lớp 9?”
“Vâng ạ. Bây giờ em phải làm sao đây anh?” Thu hỏi vội. “Mẹ em mà biết thì...”
“Đừng lo, em. Cứ bình tĩnh đã. Không có gì đáng sợ đâu.” Ngôn điềm tĩnh nói. Anh chắc chắn rằng việc này không thể có chút trêu đùa, và trong mọi lời nói, anh phải cố gắng xoa dịu nỗi lòng Thu để tránh những xúc động trái chiều.
“Em sợ lắm. Hôm qua anh ấy tặng quà sinh nhật em, giữa lớp luôn. Và nói anh ấy sẽ...”
“Sẽ làm sao?”
“... Sẽ... yêu em suốt đời ạ.” Giọng nói Thu hạ xuống mức gần như không nghe thấy.
“Vậy thì vui lên em nhé, có gì phải sợ? Mọi điều ấy chứng tỏ em là một người rất đáng yêu mà.”
“Nhưng mà nhiều bạn ở trường em đều biết. Em sợ rồi đây mẹ em sẽ biết.”
“Ừm...” Ngôn suy xét kỹ lưỡng những lời tư vấn của mình trong một vài giây. “Em có thích anh ấy không?”
Thu im lặng, tay xoắn xoắn ngọn tóc. Cô bé đang phân vân cho câu trả lời.
“Em cũng không biết nữa. Anh ấy rất đẹp trai, dáng người khỏe mạnh, cao ráo. Mặc dù giọng nói lúc anh ấy tặng quà em có vẻ không được bình tĩnh lắm, nhưng em cảm thấy nơi anh ấy có sự chân thành và...”
|
Câu nói bị bỏ lửng trong chút ngập ngừng của Thu.
“Em cũng không biết nữa anh ạ... Đây là lần đầu tiên em được tặng quà từ một người đặc biệt như thế... Em rất... rất bối rối và không biết nên làm gì...”
Những ngày tháng tươi non mơn mởn như cỏ mùa xuân của thời trung học lại hiện ra trước mắt Ngôn. Anh nhớ về cuốn sổ màu xanh da trời, những dòng chữ nắn nót trong bức thư tình, gọng kính hồng dễ thương của người bạn gái thân mến... Trong anh chỉ còn những hoài niệm buồn khi anh ngược dòng thời gian, tìm về quá khứ. Những hoài niệm buồn vẫn mãi cứ buồn, nhưng sẽ để lại trong tâm hồn bài học in sâu. Thời gian không trao tặng cho ai chữ “nếu” bao giờ. Nhưng thời gian luôn rộng lượng dành sẵn một khoảng trời hùng vĩ nơi hiện tại và tương lai cho bất cứ ai. Giờ đây, Ngôn cũng không muốn cô học trò của mình sẽ lại đánh mất niềm hạnh phúc đáng mến của tuổi xuân, sẽ khóa chặt trái tim trong sự cô lập của nỗi khắc kỷ gò bó như cậu bé Ngôn năm nào...
“Thu này, anh có một câu chuyện muốn kể cho em: Trong khu rừng kia, có một chú sóc bé nhỏ. Hằng ngày chú ăn quả trên cây, uống nước trong hốc cây do những cơn mưa và sương đêm để lại. Một ngày kia, chú xuống mặt đất, dạo chơi quanh gốc cây và rồi đi xa hơn nữa. Chú bắt gặp một suối nước rất đẹp, trong vắt, tinh khôi, hai bên bờ toàn sỏi trắng và đá xanh rêu. Chú sóc chưa bao giờ biết đến con suối nào trong rừng, và tự hỏi nước suối có vị gì. Chú lấy một vỏ quả vừa nhặt được, đến bên bờ suối và múc nước uống. Nước suối mát lành, ngọt ngào lạ thường. Chú sóc cảm thấy sự thanh khiết của nước suối khiến mình tràn trề sức sống. Và rồi mỗi ngày chú đã uống nước nơi dòng suối ấy.”
Thu đeo lại kính lên mắt, chăm chú lắng câu chuyện của Ngôn.
“Vậy em thử nghĩ xem...” Ngôn nói tiếp. “Nếu không uống thử thì liệu chú sóc có biết rằng nước suối rất ngon không?”
“Dạ, không ạ.”
“Đúng. Nhờ biết cảm nếm mà chú sóc đã tìm ra nguồn nước mới tốt lành cho sự sống của mình. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc: một lần kia, chú sóc lại ra suối để múc nước. Nhưng chú không muốn uống nước ven bờ như mọi khi nữa. Chú lội ra giữa dòng để muốn múc được nhiều nước hơn. Đó là chỗ có mực nước sâu và xoáy siết. Và... theo em, điều gì sẽ xảy ra với chú sóc?”
“Nó sẽ bị cuốn đi ạ.”
“Ừm, và có thể đập đầu vào đá, có thể bị thương hoặc chết đuối, đúng không?”
“Vâng ạ.”
“Tình yêu cũng như vậy em ạ. Đó là một dòng suối mát lành và đáng quý. Đó là nguồn sức mạnh to lớn của sự sống chúng ta. Không ai có thể sống mà không có tình yêu. Bởi nếu không có tình yêu thì con người đã chết rồi. Và cũng giống như dòng suối của chú sóc, tình yêu cần được khám phá, được cảm nếm và tận hưởng. Ở lứa tuổi mà nhiều điều chưa hoàn thiện như em, tình yêu là một thứ gì đó có vẻ mới mẻ và lạ lẫm, rất cần được chăm sóc, vun trồng để dần lớn lên. Nhưng em phải nhớ: đừng như chú sóc kia, vì thiếu hiểu biết nên đã tự mình chìm đắm trong dòng suối mát lành. Dòng suối không có tội, nhưng chính là lỗi ở chú sóc. Tình yêu không có tội, nhưng nếu ai lạm dụng và sống ngu muội trong tình yêu thì sẽ nhận lãnh những điều tồi tệ mà thôi.”
“Vậy em phải làm gì đây anh? Em chỉ biết theo những lời bố mẹ dạy bảo, rằng: đang còn nhỏ tuổi, lo học hành đi, không yêu đương gì hết... Em... em có nên từ chối anh ấy không, anh?”
“Trước hết, đừng lo lắng em nhé. Vì nếu em biết yêu, không có nghĩa là em có tội. Không ai có quyền cấm đoán, áp đặt tình cảm của bất kỳ ai. Em hãy cứ yêu và sống yêu thương như lòng mình nhận thấy, vì tình yêu trong sáng là điều tốt đẹp. Nhưng nhớ: đừng bao giờ lội ra chỗ nước xoáy của con suối là được. Nghĩa là đừng để cho việc học hành của em bị ảnh hưởng, hoặc sự tự do cũng như nhân phẩm của mình bị coi thường. Có thể đến một lúc nào đó, anh chàng kia muốn rủ em lội ra chỗ nước sâu, thì bản thân em phải biết tự chủ, đừng để mình bị cuốn theo, kẻo rồi không thể cứu vãn. Nếu em không thích anh ấy, thì hãy cứ thẳng thắn nói rõ với người ta, nhưng đừng nên lấn sang ranh giới của sự ‘cạch mặt’ hay ghét bỏ. Điều đó khiến thâm tâm mình gò bó, tù túng lắm, mà người ta cũng cảm thấy tổn thương lắm. Bản thân anh, anh đã từng quá khắc kỷ và thiếu suy xét, để rồi...”
Ngôn ngập ngừng, không nói hết câu.
“Anh ơi, anh kể chuyện về tình yêu của anh đi.” Thu lay lay cánh tay Ngôn.
“Ừ, được rồi... Nhưng có lẽ phải để buổi sau em nhé. Bây giờ cũng muộn rồi.” Ngôn nhìn đồng hồ, đã quá nửa tiếng so với giờ kết thúc của buổi học. “Anh phải về đây.”
Thu thở dài, tay nắm lấy bức thư.
“Em nghe anh nhé. Đừng sợ hãi hay lo lắng gì. Chỉ cần sống hài hòa với chính mình và với mọi người là tất cả sẽ tốt đẹp thôi.” Ngôn lại đặt bàn tay lên một vai Thu.
“Vâng ạ... Anh ơi...”
“Gì vậy em?” Ngôn vừa nói vừa thu gọn giấy tờ của mình vào cặp.
“Chuyện của em... anh đừng cho mẹ em biết nhé.”
“Em cứ yên tâm.” Ngôn co ngón tay thành dấu hiệu “OK” như kiểu logo thần Neptune. “Đây là bí mật giữa anh em mình.”
Chào cô Phương, Ngôn dắt xe ra về. Một buổi học nữa lại trôi qua. Nhưng không như những lần trước, giờ đây trong tâm trí Ngôn, những suy nghĩ về chuyện của bé Thu cứ tiếp nối nhau, cứ đan xen nhau đến mức không thể nào sắp xếp cho đúng thứ tự. Sự kỳ diệu của những tình cảm đầu đời... Sự kỳ diệu của tuổi trẻ...
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 6: Điềm Xót Xa Ads Những thanh gỗ rực cháy than hồng tỏa hơi nóng ra khắp khoảng không gian bao quanh lò nướng. Mùi thơm của thịt gà bốc ra cùng với làn khói và vụn lửa từ trong lò, hòa quyện vào cái se lạnh của gió mùa đông bắc. Trước miệng lò cao hơn một mét so với mặt đất, Ngôn đưa tay ra sưởi ấm mà hai lỗ mũi thì cứ hít hà mãi như không muốn cho bất cứ phân tử mùi gà nướng nào vuột mất.
“Chốc nữa chú Ngôn vào quầy thu ngân thanh toán mười nghìn tiền hơ và mười nghìn tiền hít nhá.” Anh Hải nói với Ngôn sau khi vừa nâng quả tạ hai mươi cân.
“Hô hô. Anh cứ đùa...” Ngôn cười.
“Chú nghĩ bọn anh đùa á? Làm gì có chuyện hít gà nướng miễn phí?” Anh Sáng phụ họa theo.
“Thôi được rồi. Để em khịt mũi ra trả lại vậy.”
“Ấy ấy. Ông Phúc thấy được thì có mà cả bọn vỡ mồm!”
“Ha ha ha!”
Cửa sau nhà Ngôn thông với vườn rau của nhà hàng Quán Lá của ông chủ Phúc. Đó cũng là phòng tập thể hình ngoài trời của các anh đầu bếp, nhân viên nhà hàng với một giàn tạ cũ kỹ, những thanh xà đơn, xà kép bằng thép cứng. Thỉnh thoảng, Ngôn qua chơi thì gặp họ đang nâng những quả tạ hơn chục cân hoặc đang lên xà. Gần đó, “pháp trường” của những con lợn mán, gà đồi mỗi ngày vẫn diễn ra đều đặn ở một góc vườn. Một phát chọc tiết, một nhúm rơm rạ, một đám khói lửa ngùn ngụt, quá trình sơ chế lợn thui đã hoàn thành. Cũng có những buổi tối được đứng sưởi bên lò nướng gà quay thơm lừng, Ngôn có cảm giác như mình đang dự một bữa tiệc thịnh soạn, ấm áp trong những ngày gió lạnh của tháng mười một vậy. Nhưng đương nhiên không phải trí tưởng tượng từ ánh lửa diêm của cô bé trong truyện An-đéc-xen, trước mặt Ngôn là những con gà thực sự.
“Chú Ngôn cũng lại đây làm mấy cân đi!” Anh Sáng nói.
“Hê hê. Người em tong teo thế này, lấy đâu ra sức mà nhấc tạ?” Ngôn cười.
“Thế thì lại càng phải tập tành cho nó khỏe ra chứ!”
“Hì hì... Vâng, nghe lời anh, em thử mấy phát cho có tinh thần. Nhưng các anh ở đây phải sẵn sàng cứu thương đấy nhá.”
“Chú cứ yên tâm. Nhỡ tim mạch phèo phổi có vấn đề gì, anh sẽ gọi cô Hiền xinh tươi trên nhà xuống cho chú lại sức. Ha ha ha.”
“Để rồi em đi viện luôn vì tim rớt ra đằng lỗ mũi.”
Anh chàng cũng được năm phát kéo hai quả tạ ba cân. Chợt có tiếng “ếch kêu” trong túi quần, Ngôn móc điện thoại ra, rời khỏi giàn kéo tạ, ngồi xuống cái ghế đẩu. Tin nhắn của Huế Anh: “Anh Ngôn ơi, anh có đang bận gì không? Em nhờ chút việc.”
Thấy Ngôn cười tủm tỉm, anh Hải chộp ngay:
“Chắc lại có con bé nào nhớ chú đấy hả?”
“Mắt sáng lên thế kia cơ mà!” Anh Sáng nói.
Sau khi đọc lại lần thứ ba tin nhắn của Huế Anh, Ngôn ngẩng lên nhìn mấy thanh niên cơ bắp đang nâng tạ:
“Hì hì. Con em gái của thằng bạn thân cô giáo chị họ em đấy ạ.” Ngôn liến thoắng, xong lại cắm cúi bấm bấm điện thoại.
“Lằng nhằng thế! Cơ mà... gái gú đến với chú là xác định rồi. Ha ha ha!”
“Thôi em về đây ạ. Con bé nó hẹn lên mạng ngay bây giờ luôn.” Câu này Ngôn nói thật.
“Gớm, lại còn thế nữa. Cho anh gửi lời chào thương mến đến chị họ con ông bác nó nhá.”
“Vâng. Vô cùng thương mến. He he.”
Ngồi vào bàn học, bật laptop lên, Ngôn cứ cười tủm tỉm, sướng sướng, đọc đi đọc lại tin nhắn của Huế Anh.
“2 em!” Những dòng chữ hiện lên trong ô trò chuyện của Ngôn và Huế Anh trên Facebook.
“3 anh! Anh ‘online’ rồi đấy ạ? Anh có đang làm gì không?”
“Không. Anh chỉ đang xem phim thôi. Hì hì”
“Hì. Chắc em làm anh cụt hứng?”
“Hô hô. Ai chứ Thỏ của anh thì dù đang bảo vệ luận án anh cũng dừng. Có gì cần anh giúp nào?”
“Hi hi. Anh Ngôn thật là tốt bụng. Em đang có bài toán của nhóc học gia sư mà nghĩ mãi không ra. Em viết đề nhé.”
“Oka.”
“Tìm số thập phân a,b biết a,b x 3,4 = b,a. Có dấu gạch ngang trên đầu bọn nó nhé anh. Help me!”
“Ừ. Đợi anh chút nhé.”
“Vâng.”
“Chắc em phải đợi lâu lâu đấy. ^^”
“Không sao đâu anh. Hi. Em cũng đang ngồi chép bài cho nhóc ấy thôi mà.”
Ngôn lấy giấy bút ra, viết viết vài dòng rồi quay lại bàn phím laptop.
“1,5 em ạ.”
“Anh làm thế nào vậy?”
“Đầu tiên nhân cả hai vế với 10. Được ab x 3,4 = ba.”
“Vâng ạ.”
“Thấy rằng chỉ có b=5 thì khi nhân 4 mới được kết quả phẩy 0. Chắc chắn không chơi b=0 nhỉ? ^^”
“À, vâng ạ.”
“Từ đó tìm tiếp a.”
“Ồ, sao em không nghĩ ra được nhỉ?”
“Hì hì. May mà bài này có nghiệm. ^^” Ngôn khiêm tốn.
“Em phân tích tùm lum lên ấy. Cám ơn anh nhiều nhé. Em giải quyết nốt mấy con tương tự.” Và một icon mặt cười rạng rỡ hiện lên từ bên Huế Anh.
“Em sắp đi dạy à?”
“Vâng ạ. Năm phút nữa em đi.”
“Ừm, vậy chào em nhé.” Dù tiếc ngẩn ngơ vì cuộc trò chuyện diễn ra nhanh quá nhưng Ngôn cũng không muốn trì hoãn công việc của Huế Anh. “Cẩn thận kẻo lạnh nhé. Gió mùa đông bắc về rồi đấy.”
“Vâng ạ. Bye anh.”
“Bonne nuit em! À bien tôt!” (Tạm biệt em! Hẹn gặp lại!)
“Merci so much.” (Cám ơn rất nhiều.) Huế Anh cũng đùa lại với câu nửa tiếng Pháp, nửa tiếng Anh.
Dấu báo “online” của Huế Anh trong mục trò chuyện đã tắt. Ngôn kéo thanh cuộn lên trên để “gặm nhấm” lại những gì cô bé đã nói với anh. Một cảm giác tự hào, một chút hãnh diện vì đã giúp được người thương mến phập phồng, xôn xao trong lòng Ngôn.
Em ấy chú ý đến mình! Một chiến công thật dễ thương làm sao!
Và Ngôn cứ cười tủm tỉm mãi. Nhấp chuột, dạo quanh các bức ảnh của cô trên trang cá nhân, anh không ngớt trầm trồ trước đôi mắt bồ câu khi buồn hiền dịu, khi rạng rỡ tinh anh...
Ôi chao!... Thỏ xinh quá. Lại ngoan hiền, đứng đắn nữa... May mà dáng người bé bé lùn lùn, rất hợp đôi với mình... Hi hi...
Từ ngày cô Thùy phải chuyển nhà qua Long Biên, lớp của Ngôn và Huế Anh không còn ai theo học nữa. Cũng đã hơn một tháng chưa được gặp lại, nhưng trong tâm trí Ngôn, hình ảnh Huế Anh luôn sống động và thật tuyệt diệu. Cho dù nếu không có Facebook thì chắc chắn đôi mắt bồ câu hiền dịu xa xăm ấy đêm ngày vẫn long lanh trong trí nhớ anh. Anh vẫn giữ liên lạc với cô bằng Facebook và điện thoại. Chỉ nhắn tin, không gọi điện trực tiếp. Với Ngôn, những lời lẽ, câu chữ mà anh gửi đến Huế Anh phải được... kiểm duyệt thật sự chi li và cực kỳ cẩn thận. Anh không giỏi “chém gió” bằng miệng lưỡi, mà chỉ có thể dùng ngôn từ hài hước, độc đáo để gõ cửa trái tim và nụ cười của nàng.
Dù vậy, giọng nói trầm trầm và có chút gì đó tha thiết của Huế Anh không vì thế mà tan biến trong tâm tưởng Ngôn. Anh vẫn nhớ như in chất giọng buồn man mác, bình thản, hiền hòa của cô. Huế Anh không nói năng lanh lảnh, cao giọng, không điệu đà, đanh đá như các cô nàng mười tám đôi mươi khác. Trong hầu hết các cung bậc của lời nói mà Ngôn từng nghe được từ cô, có một sự hài hòa, sâu lắng nào đó luôn xen lẫn, quyện lấy các câu từ. Có một sự bình yên, nhẹ nhàng bộc lộ nét đứng đắn từ trong tâm hồn Huế Anh. Ngôn yêu đôi mắt cô, yêu làn tóc lượn sóng của cô, và cũng yêu những gì nghe được từ môi miệng cô nữa.
“Anh vẫn ‘online’ từ chiều đến giờ à?” Huế Anh chợt xuất hiện trong khung trò chuyện.
“Uầy, Thỏ làm anh giật cả mình! ^^” Ngôn viết.
“Anh đang làm gì mờ ám hay sao mà lại giật mình thế? Hi hi.”
“Hô hô. Cũng hơi mờ một chút, nhưng không đến nỗi ám.”
“He he.”
“Mấy giờ rồi em nhỉ?”
“10 giờ 40 ạ. Bên anh không có đồng hồ hay sao mà lại hỏi thế?”
“Không. Anh nhìn ô báo giờ ở góc màn hình mà không tin nổi. Cắm rễ ở ghế hơn bốn tiếng rồi. Hik!”
“Vậy chắc là có tiến bộ hơn các hôm khác? Hi hi.”
“Hê. Đôi bàn tọa anh đang ê ẩm rồi đây. Em đi dạy về lâu chưa? Đã ăn cơm chưa?”
“Em mới về. Em chưa ăn cơm ạ.”
“Ô, muộn rồi đấy. Em ăn đi rồi nghỉ ngơi sớm cho khỏe.” Thực sự Ngôn không bao giờ muốn cuộc trò chuyện giữa anh và Huế Anh phải kết thúc.
“Hi hi. Em ăn bánh mỳ trước khi đi dạy rồi.”
“À vậy à. Nhưng chỉ có bánh mỳ thế thì làm sao đảm bảo sức khỏe?”
“Không sao đâu anh. Em quen rồi mà. Hi.”
|