Bản Tình Ca Xót Xa
|
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 8: Chinh Chiến Thương Đau Ads Một khung chính ở giữa, đặt chủ đề trọng tâm: “Tập tính xã hội của linh trưởng”. Tiếp, chia ra bảy nhánh: “Khái niệm”, “Thứ bậc”, “Hợp tác”, “Thông báo”, “Vị tha”, “Ích kỷ” và “Ý nghĩa tiến hóa”. Trong mỗi nhánh, mình sẽ chia ra các ý...
Những đường cong bắt đầu được vạch ra trên nền giấy A4. Ngôn đang thiết lập sơ đồ tư duy cho bài thuyết trình của nhóm anh vào sáng mai. Chắc chắn đó sẽ là một buổi học thú vị với những câu hỏi hóc búa và hài hước của thầy Sang, trưởng bộ môn Động vật có xương sống.
“Ở khỉ bonono, người ta không chỉ thấy tính vị tha trong bầy đàn mà cả với những loài khác. Có một câu chuyện được đăng trên tờ “Our Inner Ape”, Richard Books, 2005, như sau: Một con khỉ dòng Bonobo có tên Kuni nhìn thấy một con chim sáo lao đầu vào bức tường kính và rơi xuống đất. Nó nhẹ nhàng đỡ lấy chú chim tội nghiệp đang bất tỉnh và đặt chú chim đứng lên. Tuy nhiên, do vẫn yếu vì cú va đập mạnh, chú chim không thể cất cánh và nó phải tung chim lên để lấy đà nhưng chú chim vẫn chưa thể vỗ cánh bay lên. Kuni trèo lên một cây cao nhất quanh đó, nhẹ nhàng mở cánh chim ra rồi tung chim lên, như một đứa trẻ tung nhẹ một chiếc máy bay giấy. Chú chim tội nghiệp vẫn rớt xuống đất. Kuni lại trèo xuống và chăm sóc cho chú chim. Tới đêm, chú chim tự bay được và tiếp tục cuộc hành trình của nó.”
“Bonobo là loài rất vị tha. Chúng có khuynh hướng chia sẻ với các cá thể khác thay vì đánh nhau để tranh giành lãnh địa và quyền kiểm soát con cái nếu có xung đột xảy ra.”
Ngôn ngồi đọc bản Word mà các bạn trong nhóm gửi cho mình. Đầu nghiêng nghiêng, một tay chống cằm, một tay vẽ lên tờ giấy nháp những đường nét phác thảo nguệch ngoạc. Trên mặt giấy là ba con khỉ đứng cạnh nhau, nhưng anh dùng cái nhìn mặc định để đặt tên cho chúng: Sơn Ngôn, Huế Anh và Khánh Tân. Một câu chuyện bắt đầu bằng tiếng thở dài...
Hầy... Khỉ Sơn Ngôn yêu khỉ Huế Anh, nhưng khỉ Huế Anh lại yêu khỉ Khánh Tân. Vậy phải làm sao đây nhỉ? Để cho hai khỉ kia tiếp tục yêu nhau, khỉ này chấp nhận đau khổ. Khỉ Huế Anh sẽ hạnh phúc, vì ở bên khỉ Khánh Tân. Còn khỉ Sơn Ngôn, dù có yêu đơn phương, nhưng sẽ hạnh phúc, vì khỉ Huế Anh hạnh phúc...
Anh nhớ về một câu nói đã từng dạy bé Thu: “Hạnh phúc là khi làm cho người khác được hạnh phúc.”
Khỉ Sơn Ngôn vị tha. Khỉ Sơn Ngôn hạnh phúc vì thấy khỉ Huế Anh hạnh phúc. Khỉ Sơn Ngôn không muốn khỉ Huế Anh phải buồn, phải lo lắng. Sẽ tốt hơn cho cả ba, đó là khỉ Sơn Ngôn chấp nhận ra đi, mỉm cười và cầu chúc khỉ Huế Anh hạnh phúc mãi mãi... Có phải không nhỉ?... Một tình yêu cao thượng... Một tình yêu vị tha tốt đẹp... Nhưng... Nhưng mà... Ôi trời ơi!...
Ngôn nhăn mặt, vò đầu, bứt tóc. Anh vứt chiếc bút bi xuống mặt giấy một phát thật mạnh! Sau khi gào lên một tiếng: “A… a… a!”, Ngôn thả mình xuống tấm nệm trên giường. Ngửa mặt lên trần nhà, mắt anh mở to trừng trừng. Tháo kính ra khỏi sống mũi, anh cảm thấy nhẹ nhàng hơn cho khuôn mặt mình. Nhưng miệng anh vẫn thở dốc và bàn tay thì vẫn nắm chặt.
Anh nhớ về những chuyện đã xảy ra trong ba tháng qua, từ khi anh biết mình phải tiếp tục bước đi lẻ loi trên “con đường tình yêu”.
Tháng mười hai giá lạnh. Lễ Noel lung linh. Một mình anh lặng ngắm những đôi tình nhân chụp ảnh kỷ niệm trước cây thông khổng lồ trong đêm canh thức. Bàn tay nắm lấy chiếc khăn len đen tuyền đang quàng trên cổ, Ngôn hình dung như có Huế Anh ở bên cạnh. Cô đã đan tặng anh chiếc khăn ấy, với lời chúc: “Anh trai bớt hắt xì đi nhé!” Chiếc khăn thật ấm áp. Tình cảm Huế Anh thật nồng nàn. Nhưng trong mắt cô, Ngôn chỉ như một người anh mà thôi.
Lần cuối cùng Ngôn gặp lại Huế Anh là mồng ba Tết. Dịp ấy, một người bạn cùng lớp luyện thi đại học ngày trước mời Ngôn đến chơi nhà và dùng bữa cơm trưa. Huế Anh là em gái người bạn ấy.
Ngôn sững sờ khi đó cũng là lần đầu tiên Huế Anh giới thiệu Khánh Tân với gia đình cô.
Tân và Huế Anh cũng khá bất ngờ khi thấy Ngôn xuất hiện.
Còn bố Huế Anh thì được buổi nâng chén đã đời cùng các chàng thanh niên. Ông hài lòng với cậu con rể tương lai của mình. Ngôn giấu nỗi nghẹn ngào trong từng câu chúc sức khỏe gia đình người bạn. Mắt anh không soi kỹ từng cử chỉ của Huế Anh, nhưng sự ân cần và dịu dàng của cô khiến anh không tài nào theo dõi được câu chuyện chung của gia đình họ từ đầu đến cuối một cách bình thường.
Một bữa cơm đáng nhớ. Một bữa cơm vui vẻ, có cả “Hùng Vương”, “Sơn Tinh” và “Thủy Tinh”.
Từ bữa cơm ấy, Ngôn bắt đầu nhận thấy ở Tân có những điểm nổi trội hơn anh: một phong thái chững chạc, đường hoàng, cách cư xử chỉn chu của chàng trai dày dặn sương gió, một sự trưởng thành đứng đắn nơi người con rể lý tưởng trong gia đình Huế Anh. Ngôn nhìn lại mình với đôi chút mặc cảm: vóc người bé nhỏ, nói năng vụng về, kém cỏi xã giao. Anh khâm phục Khánh Tân và đành chấp nhận Tân xứng đáng là người có thể chăm sóc Huế Anh trọn đời...
Đêm mười bốn tháng hai, đang khi chìm trong nỗi cô đơn sầu tủi, Ngôn lang thang trên mạng, dạo quanh hết “tường” người này đến “tường” người khác. Không khí lễ Tình nhân ngập tràn khắp nơi. Những lời yêu. Những thanh kẹo. Hoa. Và anh đã gần như nghẹt thở, tim muốn nổ tung khi bắt gặp bức ảnh Huế Anh và Tân. Bức ảnh không phải do Huế Anh tải lên, mà là Tân. Hai người ngồi bên nhau trên con đường ven hồ Tây. Họ thật hạnh phúc và tràn ngập tình yêu.
Cố gượng gạo, Ngôn nhấn nút “like” – một cách tỏ vẻ chúc mừng – rồi tắt máy, nằm vật ra giường. Miệng anh thở dốc như vừa chạy nước rút. Bàn tay anh run run, nắm chặt như muốn đấm lên trần nhà. Anh nghe tiếng tim đập thình thịch không khác gì tiếng trống từng hồi dội lên trong lồng ngực.
Mình làm sao thế này? Mình có quyền gì mà ghen cơ chứ? Mình là ai nào? Mình chẳng là gì với em ấy cả! Phải rồi... Mình chẳng là gì... Mình mới chỉ gặp em ấy vài lần. Còn anh chàng kia thì những hai năm. Hai năm! Hai năm cơ đấy!...
Ngôn trân trân nhìn khoảng không vô định. Ruột gan rối bời. Máu nóng trên mặt anh khiến cả đầu tăng nhiệt bừng bừng. Đoạn bật dậy, mở máy tính, vào Facebook. Anh nhấn nút “hủy kết bạn” với Khánh Tân – trước đây vì muốn thăm dò “kẻ mới đến”, Ngôn đã “kết bạn” với Tân. Anh không dám thấy những hình ảnh tương tự như vậy một lần nào nữa. Anh không dám đối mặt. Anh sợ mình không chịu nổi sự ám ảnh khủng khiếp đè nặng lên nỗi đau.
Tắt máy. Tắt đèn. Ngôn ngửa mặt lên trần nhà tối đen. Bóng tối bao trùm tầm mắt anh, bao trùm tâm hồn anh.
Tại sao?... Tại sao chứ?... Tại sao mình phải chịu nỗi đau đớn như thế này? Ước gì có hàng ngàn mũi dao bằm nát da thịt mình ra!...
Mình không thể chịu được! Cứ thế này miên man mãi mấy tháng trời!... Ôi chao... Phải làm sao đây?...
Ôi Ngôn ơi, yêu đương làm cái khỉ gì... để rồi phải đau đớn…
Yêu là nhớ... Nhớ là đau... Mình nhớ em ấy biết bao... Mình khao khát được trái tim em ấy mở cửa... Ôi Huế Anh ơi!...
Hàng đêm, hàng đêm, suốt ba bốn tháng ròng, Ngôn cứ tự dằn vặt một mình.
Xem nào... Dùng lý trí để kiểm soát mọi chuyện đi Ngôn! Ngẫm kỹ lại xem nào... Mình có yêu em ấy không? Hay đó chỉ là một kiểu đua đòi theo trào lưu?... Thấy người ta có “gấu”, mình cũng muốn có “gấu”. Mình có yêu em ấy không nhỉ?... Mình có thực sự yêu em ấy không?...
Ngày trước, chẳng qua là vì muốn có động lực học hành, mình đã chủ động tìm đến em ấy để kết thân. Không phải một tình yêu sét đánh, không phải sự gắn bó thân quen lâu bền... Làm gì có một tình yêu “online” cơ chứ! Phải rồi... Nghĩ kỹ lại xem nào...
Người ta khi dùng chữ “yêu” thường đi kèm chữ “nhau”. Nghĩa là từ hai phía. Người này cảm mến người kia, người kia cảm mến người này. Họ gặp nhau trong tình yêu. Trái tim họ bừng nở khi có nhau. Còn mình thì sao? Mình không được gặp gỡ em ấy nhiều. Vậy nên chắc chắn em ấy chẳng có cảm giác gì với mình cả. Còn phía mình thì sao? Có dấu hiệu nào để chứng tỏ rằng mình yêu em ấy không? Cười tủm tỉm khi đọc tin nhắn ư? Hân hoan khi ngắm ảnh em ấy ư? Vớ vẩn! Ngớ ngẩn! Tất cả chỉ là tưởng tượng mà thôi... Mình còn chưa được cầm tay em ấy cơ mà.
Chẳng biết sẽ có cảm giác gì khi cầm tay em ấy nhỉ? Chắc cũng bình thường thôi. Chắc cũng chỉ mềm mềm, thuôn thuôn như tay chị Ngân ấy mà. Chắc cũng chẳng đến nỗi xúc động gì đâu... Ơ kìa, cái khỉ gì thế này? Mình lại tưởng tượng rồi!... Tất cả, tất cả chỉ là một tình yêu tưởng tượng. Tất cả...
Ngôn miên man tự vấn lương tâm, và chợt nhận ra rằng: không một ngày nào anh không nhớ đến Huế Anh. Anh biết mình đang tương tư. Nhưng nỗi đau khổ trong anh cứ ép lý trí phải lừa dối bản thân rằng tất cả chỉ là một tình yêu tưởng tượng. Lý trí Ngôn cũng có lúc yếu đuối, sau một quãng thời gian thật dài tuyên bố: không yêu. Dần dần, Ngôn phải thú thực với bản thân mình rằng tình cảm Ngôn hướng về Huế Anh vẫn chưa bao giờ cạn. Nhưng anh bất lực. Anh mặc cảm vì mình là kẻ đến sau. Anh mặc cảm vì mình học hành ngu dốt, phong cách nhát đảm. So với Khánh Tân, anh kém cỏi hơn ở quá nhiều điểm. Có những đêm, anh nằm suy nghĩ mà nước mắt trào ra. Anh biết mình đang yếu đuối. Một người con trai không bao giờ được khóc. Nhưng anh không thể kiềm giữ được nỗi xót xa luôn chực trào dâng ra ngoài... Có những đêm anh trở mình hàng chục lần mà không thể ngủ, trong đầu không thôi những lời tự vấn về Huế Anh...
Ngôn gượng dậy, đọc tiếp tài liệu “Linh trưởng” của nhóm. Ngày mai phải “lên thớt” rồi. Sinh viên bao giờ cũng vậy. Nước đến chân mới nhảy. Mà nhảy không kịp thì tìm viện trợ từ phao cứu sinh. Nhưng có một sự thật là: không một buổi thuyết trình nào có “phao cứu sinh” cả.
“Những loài động vật muốn tồn tại lâu dài trong tự nhiên buộc phải có cách thích nghi với cuộc sống đầy biến động và hiểm nguy. Để duy trì được nòi giống, một số loài động vật đã hình thành những tập tính rất kì quặc, chúng chấp nhận mang tiếng ‘xấu’ để có thể tồn tại và phát triển được một cách tốt nhất...” (Đặc tính “ích kỷ” của linh trưởng.)
Phải rồi!... Mình có quyền được nắm lấy hạnh phúc chứ! Đâu phải cứ buông tay là cao thượng! Đâu phải cứ nhường nhịn cho đối thủ là vinh quang! Em ấy đang yêu Tân. Nhưng chắc gì đó đã là một tình yêu đích thực? Nếu nhỡ sau này em ấy cảm thấy bất hạnh trong tình yêu với Tân, thì chẳng phải cái sự buông tay của mình là ngu ngốc sao? Mình muốn Huế Anh được hạnh phúc. Và nếu mình tự tay đem hạnh phúc đến cho em ấy, hẳn là một điều tuyệt vời nhất trên đời. Đánh đồn có địch? Mình có dám đánh đồn có địch không? Ừ. Đánh thì đánh chứ nhỉ! Mình phải quyết tâm! Không phải “sở hữu” em ấy. Nhưng là đem lại hạnh phúc cho em ấy. Mình sẽ làm gì đây? Mình không có cơ hội gần gũi em ấy. Mình cũng không dám nói lời yêu khi em ấy vẫn đang có tình cảm với Tân. Mình phải làm gì đây nhỉ? Mình muốn em ấy biết đến tình yêu của mình. Giống như kiểu marketing vậy... Mình phải gửi trao về Huế Anh những tiếng lòng tình yêu sâu đậm của mình. Dần dần, em ấy sẽ...
Và Ngôn bật dậy, mở máy tính. Sau khi nặn ra được vài chữ trong đầu, anh gõ bàn phím vào ô trạng thái trên “tường” mình:
“Nhớ
Nhớ cô em đuôi tóc lúc lắc
Vẻ e lệ... đôi mắt xa xăm...
Nỗi lòng xao xuyến tháng năm
Mỗi ngày anh vẫn luôn chăm nhớ người...”
Một sự khởi đầu khá “nuột” với bốn câu thơ. Ngay lập tức, “status” của Ngôn đã được hai mươi “like”. Ngôn cười rạng rỡ, tự sướng với bốn câu thơ tâm đắc đầy mật ngọt của mình.
|
Huế Anh cũng “like”. Nhưng Ngôn biết rằng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để đánh động tâm hồn cô. Anh chưa mừng vội. Nhưng anh vẫn vui vì mình đã “dám” làm điều gì đó để tiến đến tình yêu. Ngôn nhấp chuột vào tên Huế Anh trong ô trò chuyện luôn.
“Bonjour em!”
“Đêm rồi còn ‘bonjour’ sao anh?”
“Ừ thì... bonsoir vậy. Hi hi.” Ngôn vẫn thường hay nhầm lẫn câu chào buổi sáng (bonjour) và buổi tối (bonsoir) trong tiếng Pháp.
“Anh thức khuya thế?”
“He he. Thời đại thanh niên nghiêm túc qua rồi mà em. Em cũng thức khuya vậy?”
“Em đang tập dượt cho bài thuyết trình tiếng Pháp ngày mai.”
Ngôn cảm thấy thú vị. Giữa anh và cô có nhiều điểm trùng hợp: bố Huế Anh làm marketing ở công ty bánh kẹo Hữu Nghị, còn bố Ngôn lái xe cho công ty bánh kẹo Hải Hà; Huế Anh và Ngôn đều là con thứ hai trong gia đình năm người, đều thích nghe nhạc Pháp, dạy gia sư thì luôn quá mười phút...
“Có cần anh tư vấn phương pháp không? Anh là cao thủ về thuyết trình đấy. Bật webcame lên đi để anh duyệt!” Ngôn cố tỏ ra vui vẻ và hài hước.
“Ô là la! Em có đang ngủ mơ không đây?”
“Thật đấy! Anh ăn cơm mẹ nấu nên rất tốt bụng. He he.”
“Cám ơn anh nhiều nhé. Em sợ anh hãi hùng khi nhìn thấy dung nhan em.”
“Ha ha ha. Thức khuya mọc mụn sao em?”
“Nỗi đau của em đấy anh. Hik.”
“Nồng độ xinh đang giảm? Hô hô!”
“Nhưng vẫn yêu đời lắm ạ. Cơ mà em đang buồn ngủ kinh khủng.”
“Để anh hát ru em.”
“Thôi, xin anh ạ. Em biết anh hát rất hay...”
“... Dù chưa bao giờ được nghe?”
“Hơ hơ. Hình như vậy. Nhưng em không muốn ngày mai điểm nhóm phải tụt dốc vì em đâu.”
“Ô kê. Nhưng em phải giữ sức khỏe nhá. Ốm bệnh thì cũng không học được đâu.”
“Vâng ạ. Em vừa học vừa tập hát cho có tinh thần đây.”
“Uầy. Huế Anh hát á? Ước gì anh được nghe. Chắc hẳn một giọng hát trong trẻo ngọt ngào?”
“Không cần cổ vũ ca sĩ đâu anh. Hi hi. Em chỉ là lá la mấy câu thôi. Nếu anh muốn nghe thì tìm bài ‘Papa aime maman’ của Mimi Hétu nhé.”
“Em gửi link cho anh đi.”
Ngôn nhấp chuột vào đường link mà Huế Anh gửi. Một giọng ca ngây thơ trong sáng cất lên. Một cô bé nhí nhảnh đang hát tiếng Pháp. Ngôn cười rạng rỡ và nhẩm theo lời bài hát đính kèm.
“Hay quá... Bài này có nghĩa là gì vậy em?”
“Để em gửi lời dịch cho anh nhá:
‘Hôm nay là chủ nhật, thời tiết thật đẹp.
Cả hai người họ cùng nhau đi vào rừng.
Bố khẽ nghiêng người thơm lên má mẹ.
Bố và mẹ, mẹ và bố thật hạnh phúc.
Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố.
Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố.
Mẹ nấu bếp không giỏi lắm.
Món thịt quay của mẹ còn đen hơn cả than.
Bố nói với mẹ rằng: "Đừng làm cái bộ mặt phụng phịu này nữa!"
Còn tôi thì chưa từng ăn món nào ngon đến thế.
Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố.
Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố.
Mẹ bị ốm rất nặng vào tháng mười hai.
Tháng đó là tháng của những em bé.
Khi bố bước ra khỏi phòng của mẹ,
Tôi tin chắc rằng bố đã khóc.
Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố.
Bố yêu mẹ. Mẹ yêu bố.’”
“Ồ! Đáng yêu quá!” Ngôn xao động trong lòng khi tưởng tượng mình là “bố” còn Huế Anh là “mẹ”. Với Ngôn, việc nói ra những lời có cánh một cách trực tiếp thật là khó khăn, còn những hình ảnh bóng gió quả là phương thế tuyệt hảo.
“Lãng mạn kinh điển anh nhỉ. ^^”
“Romantic! Mẹ ốm rồi sao nữa nhỉ? Bố pha cho mẹ một cốc sữa, mẹ khỏi ốm... ^^”
“Phần sau chắc tác giả phải nhờ anh Ngôn viết tiếp. Hi hi. Thôi em đi nhúng nước đây!”
“Em lại tắm muộn vậy à?”
“Vâng ạ. Bye anh nhé.”
“Bye em.”
Cuộc trò chuyện dừng lại. Ngôn thẫn thờ nhìn màn hình. Bâng khuâng.
Thế có phải là yêu không nhỉ? Em ấy gửi tặng một bài tình ca thật dễ thương. Em ấy không có thái độ cạch mặt mình. Rất nhân ái. Rất bao dung. Dù rằng trước đây mình đã cư xử không phải với em ấy. Còn mình, mỗi khi trò chuyện với em ấy, mình rất vui. Mình cảm thấy hạnh phúc. Dường như trên đời này không có một niềm vui nào đẹp đẽ hơn thế, dịu dàng hơn thế. Chắc chắn mình đã yêu em ấy rồi. Phải chủ động phát tín hiệu mới mới được. Rồi dần dần em ấy sẽ nhận ra tình cảm của mình thật nồng nàn và đáng yêu... Chứ không phải vồ vập như cái ôm lần ấy nữa.
Nhớ lại khoảnh khắc hạnh phúc hụt hẫng trong buổi chiều đông trên “con đường tình yêu”, Ngôn cứ thấy mình thật kì cục.
Nghe hết bảy lượt “Papa aime maman”, Ngôn bấm chọn list bài hát nhạc Việt trong thư mục âm nhạc của mình. Lòng thòng hai sợi dây tai nghe, anh mỉm cười sướng sướng, tâm hồn lạc quan.
“... Anh nào biết
Anh nào có hay
Hạnh phúc trôi qua tay giấc mộng tàn
Lòng cay đắng, khi em quên lối hẹn
Lời thương, lời yêu em đã quên...
Nhưng lòng anh, nuôi hoài giấc mơ
Tình sẽ không phôi phai như làn mây
Có nhiều đêm, trong mơ anh vẫn chờ
Chờ em đến...
Tình thôi xót xa...”
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 9 Ads Những ngày sau đó, cứ mỗi tối, trang cá nhân của Ngôn lại xuất hiện một bài thơ tình viết theo thể lục bát, song thất lục bát. Những lời thơ đã xuất hiện trong đầu anh từ lúc phóng xe máy trên đường, hoặc khi đang bước đi trên con đường vắng lặng trước sân khoa...
“Cảm
Hôm nay lỗ mũi sụt sùi
Ước gì ‘ai đó’ đến ngồi cạnh đây
Chỉ cần được nắm bàn tay
Chẳng thèm uống thuốc... khỏi ngay tức thì!”
“Có
Có một bài hát Tây phương
Có một hình ảnh dễ thương yêu kiều
Có một đôi mắt đăm chiêu
Có một giọng nói còn nhiều cách xa...”
Đôi khi, một bài thơ nào đó được Ngôn chậm rãi nhào nặn đang lúc thẫn thờ ngồi nghe bài giảng của tiến sĩ Thành Trương, bộ môn Sinh lý thực vật. Bốn câu thơ anh viết trên trang giấy, cùng những nét chì mềm mại phác họa chân dung Huế Anh, khiến cuốn tập ghi chép của anh không còn thuộc về Sinh lý thực vật nữa...
“Mắt cười
Hình dung đôi mắt em cười
Ánh sao lấp lánh rạng ngời lòng anh
Yêu tâm hồn sáng long lanh
Nhưng... nơi xa ấy sẽ dành cho ai?...”
“Đêm nhớ
Đêm về hiu hắt đèn khuya
Con đường lộng gió sẻ chia nỗi lòng
Miên man tay lái thong dong
Nhớ ai mà tưởng phố đông... vắng người?...”
Tháng ba. Có một ngày mưa nơi trường thực tập, Ngôn ngồi trong phòng giáo viên mà nghĩ về Huế Anh. Hai tháng giảng dạy và tổ chức hoạt động cho học sinh ở một trường phổ thông xa Hà Nội, anh tưởng chừng thời gian cứ miên man như một sợi dây chỉ trải dài vô tận từ Bắc chí Nam. Anh chẳng biết bao lâu nữa sẽ được gặp lại Huế Anh, nhưng nhoài người trong khoảng thời gian trôi đi đằng đẵng cứ khiến anh bồn chồn, khắc khoải. Tháng tư mưa dầm, bầu trời u ám.
“Mưa
Mưa chẳng ngớt, rả rích hoài
Sân trường mình cứ rơi vài hạt mưa...
Cành lá phượng ướt đong đưa
Giọt rơi khẽ thấm mầm chưa nhú chồi
… Cơn mưa ngang qua tạnh rồi
Còn tôi thì vẫn đứng ngồi không yên...
Gió mùa đông bắc hàn huyên
Nhớ người đan chiếc khăn tuyền hôm nao...”
Từng ngày, từng ngày, những bài thơ cứ nối tiếp nhau ra đời. Bạn bè Ngôn bình luận khen anh không ngớt. Nhưng Huế Anh thì vẫn im hơi lặng tiếng khiến Ngôn cứ luôn phập phồng, thấp thỏm. Anh ước có một dấu hiệu nào đó khả quan hơn chứng tỏ Huế Anh đã động lòng.
Hay là mình chủ động nói trực tiếp với em ấy nhỉ?
Nhưng Ngôn cảm thấy dường như có một cục sạn mắc trong họng anh, ngăn cản anh bộc bạch những lời có cánh với cô. Ngôn vẫn cứ tiếp tục đi đường vòng, “mượn gió bẻ măng”.
“Ngọn đèn còn soi
Trái tim anh, sương đêm làm chứng,
Vẫn ấm nồng... đang đứng đợi em
Một lần mở cửa ra xem
Và em sẽ thấy ngọn đèn còn soi...
Anh không giỏi, duyên như người ấy
Nhưng tình anh nồng cháy tháng ngày
Đôi khi tuyệt vọng cuồng quay
Anh đành tự cố mỗi ngày quên em...
Nhưng thật khó đem lòng dìm chết
Dẫu cho tình mới biết chớm yêu
Lại đi từng bước liêu xiêu
Đến gần nơi ấy đánh liều gọi em
Lời thơ tiếng sáo vút lên
Anh còn thao thức... ngọn đèn còn soi...”
…
“Hao gầy
Phiêu lưu rong ruổi tháng ngày
Hôm nay nhìn lại... hao gầy làm sao!
Cánh tay này như lao đôi chiếc
Trái tim này mải miết đơn phương...”
…
“Sau một ngày
Một ngày vất vả miệt mài
Đẫn đờ đôi mắt... mệt nhoài đôi tay...
Nhớ người ấy lúc này đây
Bao nhiêu sinh lực lại quay trở về...”
Hết kỳ thực tập giáo sinh, Ngôn trở về nhà. Anh lại tất bật với những đề cương cho bài kiểm tra điều kiện trước khi bước vào kỳ thi khổ ải. Ghi nhớ những lý thuyết tràng giang đại hải của các nhà nghiên cứu khoa học trong các tập giáo trình đã khó, nhưng thiết kế giáo án cho đúng ý của các thầy cô chấm thi lại càng khó hơn. Phải chia ô mấy cột, mấy phần... Phải biết đặt những câu hỏi nào phù hợp cho học sinh... Phải có liên kết mạch lạc giữa các ý trong dàn giáo án ra sao... Ngôn đọc những chia sẻ, bàn luận của các bạn mình trong nhóm lớp mà choáng váng hết cả đầu. Anh là người của tự do. Và anh căm ghét giáo án, thứ mà anh sẽ phải thể hiện trong bài thi của mình một cách gò bó và cổ điển.
Sau khi nhắn tin “Chúc em ngủ ngoan nhé” đến Huế Anh, Ngôn lừ đừ đi xuống nhà dưới, dạo bước một vòng cho đầu óc thảnh thơi. Khi trở lên bàn học, anh vớ ngay lấy điện thoại thì đọc được tin: “Chúc anh Ngôn ngủ không hư nhé. Vì một ngày mai tỉnh táo. Hi.” Ngôn cười sướng, đưa màn hình điện thoại áp sát vào má, tưởng tượng Huế Anh đang “thơm” mình. Đồng hồ báo sắp mười hai giờ đêm nhưng anh vẫn muốn viết nốt một bài thơ nữa cho ngày cũ chưa qua.
“Chúc ngủ ngon
Tình yêu tôi vừa chúc ngủ ngon!
Liệu rằng đêm nay giấc có tròn
Khi lòng vương vấn niềm thao thức
Về một ao ước vẫn còn non?...
Người yêu ơi, em hãy ngủ ngon
Trăng sáng trên kia chẳng hao mòn
Thiên thần bản mệnh du dương hát
Tinh tú mây ngàn chúc ngủ ngon...”
Anh cười mãn nguyện, tự hào, đọc đi đọc lại từng từ từng câu, chỉnh sửa một số ý chưa vừa lòng. Xuất hiện thông báo “like” từ những “cú đêm” vẫn còn “online” đọc được “status” của Ngôn.
Những tiếng “Papa aime maman” vẫn cứ cất lên nhí nhảnh trong tai phone.
Bỗng nhiên có khung hội thoại từ nick Huế Anh hiện lên.
“Anh Ngôn!”
Ngôn giật mình vì đã lâu lắm rồi người bắt đầu cuộc thoại không phải là anh.
“Ô! Em chưa ngủ à?”
“Em vừa đọc ‘status’ anh. Đừng đùa như vậy nữa anh nhé.”
“Anh đùa gì đâu?”
“Không biết có phải em nhận vơ không... Em không muốn giả vờ ngây ngô mãi.”
Ngôn im lặng, bồi hồi. Anh cảm tưởng mình sắp phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp. Tim anh như đang bị đè nén lại.
“Em không thể hiểu nổi anh, anh Ngôn ạ. Lâu nay em chỉ muốn nói chuyện vui vẻ, nhưng càng ngày, giữa em và anh càng rắc rối thêm...” Huế Anh tiếp tục.
Lấy hết can đảm, Ngôn gõ phím trả lời Huế Anh:
“Tất cả các bài thơ đều là suy nghĩ của anh về em.”
“Em biết. Nó hay mà. Nhưng hình như có phần cường điệu quá rồi anh. Em luôn coi anh như một người anh. Trước giờ vẫn luôn vậy.”
Ngôn lấy hết sức mình để giữ cho tâm trạng thật bình tĩnh. Anh lắc lắc cổ tay, tiếp đó xoa xoa hai hốc mắt và hít thật sâu. Nhưng trước mặt anh dường như đang có một sự kiện cực kỳ trọng đại diễn ra, buộc bộ não anh phải huy động toàn lực các nơ-ron thần kinh để chiết lọc câu chữ cẩn thận trước khi gửi đến phía bên kia.
“Huế Anh, những lời thơ được viết bằng tất cả sự chân thành của trái tim anh.”
“Vì sao anh cứ phải như vậy? Em không xứng đáng đâu anh. Em không đẹp, không lung linh như anh nghĩ đâu ạ. Em nói thật nhé, em không thích kiểu vòng vo của anh. Nó khiến người đối diện khó chịu lắm. Có gì anh cứ thẳng thắn ra đi.”
“Em ạ, nhiều lần, anh đã từng tự bảo mình rằng: hãy cố dìm đi tình cảm của anh dành cho em. Nhưng không dìm được...” Ngôn muốn nói về những đêm trằn trọc với hàng loạt các lời tự vấn khốc liệt và có phần điêu đứng của anh.
“Dù là tình cảm gì, nhưng anh cứ úp mở mãi thì... Em có gì sai, anh cứ nói ra hết đi được không?”
“Em không làm gì sai cả... Anh làm em khó chịu à?” Ngôn cảm thấy ăn năn, bứt rứt.
|
“Thực sự em không biết mình đã làm gì. Em chỉ biết, nói chuyện với anh rất vui, trước kia ý. Còn bây giờ, thấy anh như vậy, em cũng cắn rứt lắm chứ. Em đã làm gì thái quá chưa anh?”
“Không, không phải thế đâu.”
“Anh Ngôn ạ. Dù em nhỏ hơn anh, nhưng em biết tình yêu không lung linh như vậy đâu.”
“Anh biết. Nhưng hiện giờ, anh chưa được biết nhiều về em. Trong mắt anh, chỉ có bấy nhiêu thôi...” Ngôn gần như hoảng loạn, anh không biết nên nói gì cho phải trước phản ứng của Huế Anh về những gì anh đã viết.
“Anh Ngôn ạ. Tình yêu không thơ mộng như anh nghĩ đâu. Đó là cả một quãng đường dài mà chẳng ai ngờ đến kết quả sẽ ra sao... Lần đầu tiên anh ấy cầm tay em, nói thích em, em thực sự cảm thấy hạnh phúc. Nhưng hơn hai năm qua, anh ấy và em đã trải qua biết bao nhiêu điều, và không phải tất cả đều ngọt ngào. Gia đình anh ấy đã có những sự đổ vỡ về kinh tế. Bản thân anh ấy cũng phải lăn lộn vất vả trong cuộc sống lắm. Chúng em đến với nhau trong tình yêu. Nhưng cũng phải chia sẻ với nhau rất nhiều cay đắng, đau khổ. Hạnh phúc đến trong ngọt ngào, nhưng cũng tồn tại trong cả đau khổ nữa anh ạ... Nước mắt nhiều, nhưng em cảm thấy hạnh phúc...”
Ngôn nhận ra rằng những câu thơ mình viết chỉ là những lời có cánh bay bổng, sáo rỗng. Anh đã tô vẽ quá đẹp, quá lung linh cho tình yêu đơn phương của mình. Anh cảm thấy mình thật tội lỗi khi làm người thương mến phải nghẹn ngào. Và quả thực, trước màn hình máy tính bên kia, Huế Anh đang rơi lệ vì nhớ lại những gì đã qua...
“Em cũng mong anh được hạnh phúc nữa.” Huế Anh tiếp tục. “Em không mong em là người làm anh tổn thương.”
“Không biết sau này...” Ngôn thật thà. “... sẽ có ai đem hạnh phúc đến cho anh không? Nhưng hiện tại thì anh toàn nghĩ về em mà thôi.”
“Ít nhất thì anh cũng hãy thổ lộ với ai đó nhé. Không thử thì sao biết hả anh?” Huế Anh cố gắng mở đường để chuyển hướng của Ngôn. Nhưng Ngôn vẫn miên man về tình cảm của mình với cô.
“Em biết không, trước đây, lần tặng thỏ ấy, anh nghĩ rằng đã tìm thấy được người như ý. Anh hạnh phúc vì điều đó. Thế rồi biết em có người yêu, anh cũng buồn, anh cũng buông. Anh cũng nhiều lần tự nói thôi. Nhưng anh càng cố thôi, thì lại càng...”
“Anh Ngôn ơi, thực ra em toàn nói chuyện với anh qua máy tính mà. Phải là qua thực tế, anh mới hiểu hết được em chứ. Em còn nhiều thiếu sót lắm. Thật đấy. Em nghĩ rằng, đến khi anh gặp tình yêu thực sự, em sẽ chẳng là gì đâu.”
“Không biết sẽ có định mệnh nào xuất hiện không... Nhưng giờ thì...” Ngôn thở dài buồn bã.
“Định mệnh không đến khi anh chỉ biết ngồi chờ đâu.”
“Vậy anh phải làm gì đó à?” Ngôn tưởng chừng như Huế Anh đang dần trở thành cố vấn tình yêu cho anh.
“Em không biết đâu. Cuộc sống của anh là của anh mà. Em không can thiệp hơn được đâu.”
“Anh không ngồi chờ... Vì vậy anh... viết thơ.” Ngôn quay trở lại những câu lục bát bay bổng của mình.
“Em sẽ cầu chúc cho tình yêu của anh sẽ gặp nhiều hạnh phúc, hạnh phúc hơn em và anh Tân nữa.” Huế Anh vẫn muốn đẩy Ngôn về một tình yêu nào đó với một cô gái nào đó trong tương lai.
Ngôn thẫn thờ lặng im một lúc. Anh thấy đuối sức trong hành trình theo đuổi trái tim Huế Anh. Nhất là mỗi khi nghe nhắc đến cái tên Tân, anh lại cảm thấy nhức nhối và khó chịu. Anh thấy mình yếu thế và chịu bại trận, dù cho hai phe chưa bao giờ tuyên chiến.
“Anh ấy vẫn đối xử tốt với em chứ?” Ngôn cố tỏ ra cao thượng bằng cách quan tâm đến Huế Anh.
“Trong mắt em, anh ấy là một người thực sự biết quan tâm đến người khác anh ạ.”
Trong đầu Ngôn chợt thốt lên: “Anh cũng là người biết quan tâm mà, Huế Anh! Anh đâu có thua kém gì anh ta! Chẳng qua em chưa muốn sẵn sàng đón nhận sự quan tâm từ anh thôi! Thực sự anh muốn quan tâm em lắm! Nhưng bây giờ thì chưa thể. Anh chưa là gì của em cả.”
Quá bế tắc, quay cuồng, đang lúc đồng hồ báo một giờ sáng, khắp cả đốt sống lên đến đỉnh đầu Ngôn xuất hiện cảm giác mệt mỏi, đau nhức, anh cố gắng gượng nốt những lời cuối:
“Em không muốn anh thể hiện tình cảm trên ‘status’ nữa sao? Em và anh cách xa nhau quá. Đó là cách duy nhất.”
“Lúc nào anh cũng vậy, luôn vòng qua mọi người. Em không can dự vào đâu. Cuộc sống của anh mà, anh muốn làm gì thì làm. Thôi em ngủ đây. Anh cũng ngủ đi nhé. Chúc anh thi tốt!”
“Ừm. Em ngủ ngon nhé.” Ngôn vội vàng viết câu chào trước khi nick Huế Anh tắt tín hiệu. Và khi chấm tròn xanh lá cây bên cạnh tên Huế Anh trên màn hình biến mất, anh cố gắng thêm một dòng nữa:
“Anh luôn muốn em vui. Bonne nuit em.”
|
BẢN TÌNH CA XÓT XA Tác giả: Vũ Xuân Nguyên Chương 10: Sắp Đến Đích Ads Đó cũng là đêm mà Ngôn bắt đầu bước vào trận chiến với chính mình.
Anh quyết tâm từ bỏ mọi ý chí “đánh đồn có địch” trước đây đã từng khởi xướng.
Anh xóa hết tất cả các bài thơ mình đã viết trên trang cá nhân.
Anh xóa hết mọi hình ảnh Huế Anh trong thư mục riêng của máy tính mình.
Anh tắt tùy chọn “đang theo dõi” với nick Huế Anh.
Anh quyết tâm rời bỏ Facebook, thế giới ảo vốn đem mọi người đến gần nhau hơn. Nhưng với Ngôn, anh đã mất mát rất nhiều từ đây. Nó chỉ là công cụ. Nó không phải cuộc sống của anh. Ngôn sẽ không sống trong nó nữa.
Những ngày mới lại đến. Mỗi ngày mới vẫn luôn cho ta cơ hội để bắt đầu lại cuộc sống, hoặc tiếp tục cuộc sống. Hít vào, thở ra. Và ta nhận ra thế giới thực thật tươi đẹp. Cuộc sống thực thật kỳ diệu và đáng mến.
Lá cây rung rinh. Bầu trời xanh cao. Tiếng chim sáo nhà ai chí chách vang dội con ngõ. Tất cả sống động. Tất cả là thế giới thực.
“Alo, cô Phương ạ? Dạo này cô và gia đình khỏe chứ ạ?... Em Thu thế nào rồi cô? Vầng... Vầng... À thế ạ... Thế là tốt quá rồi... Vầng... À không được rồi cô ạ. Cháu vừa đi thực tập về. Mà đợt này ở khoa cháu lại bắt đầu thi cuối kỳ. Chắc phải đến cuối tháng mới xong. Có lẽ không giúp được em Thu rồi cô ạ... Vầng, cô chú thông cảm cho cháu... Vầng... Thôi vậy cháu chào cô nhé. Hôm nào cháu sẽ qua nhà cô chú chơi... Vâng ạ. Cháu chào cô.”
Ngôn vừa nghe điện thoại từ cô Phương khi đang dắt xe chuẩn bị lên trường. Anh thấy trước mắt mình những bài giảng khô khan và gò bó của thầy Trương.
Nhưng mình sẽ đối mặt với chúng và giải quyết chúng! Mình sẽ phanh chúng ra và tìm thấy những điều đáng để học, đáng để suy nghĩ và ứng dụng trong cuộc sống! Những giờ ngồi trên giảng đường sẽ không uổng phí! Mình không chấp nhận những cái khó ưa! Nhưng mình sẽ tìm thấy cái gì đó hay ho trong mọi nơi, mọi lúc…
Anh tự nhủ sẽ nhìn ngắm những khuôn mặt thân quen gần gũi của bạn bè. Anh sẽ lắng nghe những tiếng nói thực của thầy cô. Và ghi nhớ những câu từ thú vị, những điều mới mẻ thú vị.
Có một suy nghĩ về “ai đó” thoáng xuất hiện trong đầu Ngôn. Nhưng anh nhanh chóng xua đuổi nó đi. Và đưa ánh mắt rảo khắp xe cộ, nhà cửa xuất hiện trên đường.
Đường Trường Chinh đang được mở rộng và làm lại. Nhưng ngã tư giao với Phạm Ngọc Thạch vẫn chật hẹp như cái lỗ mũi. Ngôn phải dừng trước đèn đỏ hơn một phút. Và sau khi băng qua đèn xanh, xe anh lại phải rườm rườm đi từng quãng ngắn từng bước chân. Chậm chạp và bí bức. Mệt mỏi, sốt ruột.
Những lúc sống chậm thế này, mình có cơ hội nhìn ngắm phố phường, quán xá bên đường. À, hóa ra đằng kia có cửa hàng kinh doanh giấy dán tường. Vậy mà tháng trước mình tìm mãi không thấy. Đằng kia nữa, đồ điện cầm tay. Mình rất thích những món đồ như thế. Khi nào có tiền, mình sẽ mua một cái máy mài, máy khoan để chế ra hộp đựng đĩa thông minh vừa mới thiết kế... Những chiếc ô tô, xe máy mình sẽ ghi nhớ khối hình và từng đường nét của chúng để phác họa thật chuẩn, để khi nào đó cần thể hiện trong các bài vẽ... Thật là hay!...
Có một cô bé cao khoảng mét năm lăm, vai đeo chéo dây cặp, bước đi trên vỉa hè. Đuôi tóc lúc lắc của cô bé thu hút ánh mắt của Ngôn.
“Huế A...!”
Ngôn sững sờ thốt lên tên Huế Anh trong tâm trí. Nhưng nhìn kỹ lại, hóa ra không phải. Anh thẫn thờ đôi tay.
“Này! Đi đi chứ! Đường của riêng nhà mày hả?” Có tiếng quát bực bội từ phía sau xe Ngôn. “Sáng ngày ra, đã tắc thì chớ, mười thằng như mày thì bao giờ đường mới thông?”
Phải thêm hai tiếng còi ô tô nữa mới khiến Ngôn dứt khỏi cái suy nghĩ sững sờ. Phía trước mũi xe là một khoảng đường khá rộng. Anh đưa mắt nhìn lại phía sau qua gương chiếu hậu và vội vàng vặn tay ga đi tiếp.
* * *
“Enzym, hay còn gọi là men tiêu hóa, là chất xúc tác sinh học có thành phần cơ bản là protein. Trong cơ thể sinh vật, luôn luôn xảy ra rất nhiều phản ứng hóa học, với một hiệu suất rất cao, mặc dù ở điều kiện bình thường về nhiệt độ, áp suất, pH. Sở dĩ như vậy vì nó có sự hiện diện của chất xúc tác sinh học được gọi chung là enzym. Mặc dù enzym có trong tất cả các cơ quan, mô của động vật, thực vật cũng như trong tế bào vi sinh vật, song việc tách enzyme gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tách với quy mô công nghiệp một cách thuận lợi về kinh tế chỉ có thể tiến hành đối với nguyên liệu có chứa hàm lượng lớn enzym. Có ba nguồn nguyên liệu sinh học cơ bản: các mô và cơ quan động vật, mô và cơ quan thực vật, tế bào vi sinh vật... Giang Thảo! Trả lời thầy: có những enzyme thực vật nào?”
“Thưa thầy, có các enzyme như: papain, bromelin, ficin, amylase, urease,... ạ.”
“Tốt! Em có biết nguồn gốc cụ thể của các enzyme đó không?”
Ngồi bàn cuối, Lâm nói với Ngôn:
“Enzyme thực vật thì có nguồn gốc từ... thực vật chứ còn đâu nữa nhỉ!”
“Ờ.” Ngôn lừ đừ đáp.
Giang Thảo trả lời tiếp:
“Thưa thầy, người ta thu papain từ nhựa đu đủ xanh bằng cách khuấy nhựa một thời gian và sau đó tách lấy kết tủa protein. Cuối cùng đem sấy khô nghiền nhỏ. Bromelin thu từ thân dứa. Sau khi hái quả, người ta bỏ lá và ép thân lấy dịch, rồi dùng dung môi hữu cơ kết tủa enzym trong dịch ép. Ficin được tách từ dịch ép thân và lá giống Ficus. Amylase được thu nhận từ nguồn malt đại mạch và các hạt nảy mầm khác, được sử dụng chủ yếu trong công nghệ sản xuất rượu bia, bánh kẹo. Urease từ hạt đậu tương, lipase từ hạt thầu dầu, beta-amylase từ củ khoai lang, saccharase từ lá củ cải đường...”
“Rất tốt. Giang Thảo ngồi xuống. Xin mời Phương Thảo lên bảng viết cho thầy các tên enzyme đó.”
“Thầy thích ăn cỏ hay sao mà toàn gọi ‘Thảo’ thế không biết?” Có tiếng nói leo lầm bầm ở bàn dưới.
Ngôn lặng lờ ngồi chống cằm trên tay trái. Những gì liên quan đến Hóa học không thể khiến anh hưng phấn được. Anh nhìn ngắm Giang Thảo ngồi bàn đầu. Cô nàng “tây tây”, “hây hây” trong màu áo tím sọc lam vẫn luôn xinh đẹp mỗi khi xuất hiện trước mắt Ngôn. Cảm giác bí ẩn nơi con người cô khiến Ngôn luôn tò mò, luôn muốn khám phá.
Bạn ấy ăn gì mà da trắng thế nhỉ? Tóc tơ lại nhuốm vàng nâu tự nhiên nữa... Chà, cặp kính cận ấy... rất hợp với khuôn mặt. Hợp lắm. Hợp đến lạ lùng...
Lâm giật mạnh cánh tay đang chống cằm của Ngôn làm anh không kịp tóm những suy nghĩ vẩn vơ đang vụt tiêu biến. Cũng may mà Ngôn không buồn ngủ như những buổi trước anh chỉ thẫn thờ nhìn và nghe nếu không, hẳn trò này của Lâm sẽ tạo nên một âm thanh tuyệt vời trang trí cho không khí nặng nề của lớp học.
“Này! Ông chơi tôi đấy à?” Ngôn cáu.
“Chơi đấy! Làm gì được nhau nào? Hô hô.” Lâm cười.
“Thích thì chốc giải lao, ra ngoài hành lang ‘sô-lô’!” Ngôn kìm giọng để thầy Trương không nghe thấy.
“Ngay và luôn đê... Hô hô... Mà ông làm sao đấy?”
“Làm sao là ‘nàm thao’?”
“Tranh trừu tượng đây hở?”
|