Cơn Say! Chỉ Là Cái Cớ Để Anh Được Ở Bên Em
|
|
************part 2*********** ----------Chap 2------------- . . .
Có lẽ, Yang đang đeo mặt nạ. Đằng sau con người anh ta là gì, nó có làm say người khác như cái biệt danh của anh ta không?
Dù sao, Yang vẫn cứ sống cuộc đời của Yang. Còn tôi, chỉ ao ước một ngày nào đó được thoát khỏi đây, tìm đúng khát vọng mà tôi đam mê mà thôi…
Sáng hôm sau, như thường lệ, năm giờ rưỡi, chuông lại reo. Cả bọn làu bàu, đứa thì ngáp dài ngáp ngắn chuẩn bị cho một ngày mới, mà với tôi nó chẳng khác gì ngày hôm qua. Sẽ là chào cờ, tập thể lực, học những môn chuyên ngành khác. Mọi thứ cứ đơn điệu trôi qua trong một cuộc sống tù túng không hợp với tôi chút nào.
– Quang! Xếp chăn mền lẹ lên, lề mề mấy thầy lại quát cho giờ! – Cường hối tôi -… trời ạ! Mày có thôi mân mê từng cái mép vải đi không! Tao mệt mày quá!
– Từ từ… -tôi lúng túng – tao tắm phát.
– Dẹp,dẹp! – thằng bạn cáu tiết -…có cần tao mua Dạ Hương cho mà xài không? Con trai thằng nào mà chẳng hôi như cú! Còn nữa, mày ném hộ tao mấy cái chai xà bông thơm mùi gái gú mà đi mua mấy cục xà phòng Xmen hộ tao đi!
Tôi bật cười trước câu nói của Cường rồi làm theo lời nó. Vội vàng mặc đồ, tôi cùng Cường chạy xuống sân. Hành lang vắng tanh. Phía dưới, mọi người đều ngay hàng thẳng lối. Cường nhảy tót vô hàng. Nhưng tôi chạy theo cậu ta. Và vô tình, tôi đâm thằng vào thân hình to lớn của Heineken Yang.
Tôi giật mình khi nhìn thấy khuôn mặt lạnh tanh của anh ta. Không…đây không phải là Heineken Yang mà tôi đã gặp trong phòng vệ sinh hôm ấy. Yang im lìm, không cười. Rồi bất ngờ, anh ta quát.
– Làm gì giờ này mới xuống! Vào đội hình, MAU!
Lời nói của Yang làm tôi khựng lại trong chốc lát. Chỉ vài giây ngắn ngủi ấy thôi, mà tôi cứ nghĩ nó dài cả giờ đồng hồ. Con mắt của Yang từng làm tôi lúng túng giờ đây chẳng còn nữa. Thay vào đó, Yang khác rồi. Anh ta quay trở về con người mình, nghiêm khắc, cay nghiệt. Chẳng hiểu sao, lời nói của Yang khiến tôi đau đớn đến thế.
– ĐỨNG NGÂY ĐÓ LÀM GÌ!
Tiếng quát của anh ta khiến tôi bừng tỉnh. Gạt bỏ mọi băn khoăn, tôi bước vào hàng. Tuy thế, con mắt lạnh lùng tức giận của Yang vẫn in sâu trong tâm trí tôi.
Và nó cứa một nhát vào trái tim tôi. Nhưng có hề gì nhỉ? – Tôi cười chua chát – vết thương đã nhiều quá rồi, thêm một vết cũng chẳng sao…
Và, cũng như bao lần khác, tôi muốn khóc. Nhưng lần này, tôi không cho phép một kẻ như Heineken Yang thấy mình nhỏ nước mắt đâu.
——————
|
*****************part 3*********** . . . . Tối đến, tôi xin phép ra ngoài.
Những hàng quán chen chúc nhau, chìm ngập trong ánh đèn sáng trắng. Nơi này làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Sài Gòn sau những ngày mưa đã bớt nóng nực hơn, khiến con người cũng dễ chịu. Ở những khoảng đất rộng, hơi nước bốc lên, trông như làn sương mù dày đặc. Tôi đến quán cà phê quen thuộc đợi Linh. Có lẽ trong cuộc đời này, chỉ có mỗi Linh làm bạn với tôi mà thôi. Và cũng chỉ mỗi người con gái ấy chấp nhận giới tính thật của tôi.
Trễ gần hai mươi phút với giờ hẹn, Linh mới xuất hiện. Vẫn trang phục giản dị quen thuộc thường ngày với quần jeans, áo thun cùng chiếc máy ảnh, Linh bước vào quán, gọi một ly Mocha, món yêu thích của cô nàng.
– Sao, có chuyện gì hay để kể hay không? Đã thấy quen chưa?
Tôi lắc đầu ngán ngẩm:
– Tớ vẫn mộng chuyển qua trường Nhân Văn cậu ạ.
Linh nhướng mày:
– Vì sao? Bộ khó khăn lắm à.
– Ừ…nơi đó không hợp với tớ.
– Nhưng mà… – Linh chép miệng – còn bố mẹ cậu thì sao? Tớ nghĩ ông bố gia trưởng của cậu không chấp nhận được đâu.
Tôi im lặng, chẳng biết nói gì nữa.
– Chẳng lẽ cứ cam chịu thế này? Cậu biết rõ là môi trường kỷ luật không thể biến đổi cậu từ việc thích một đứa cùng giới thành khác giới được – Linh nói tiếp.
– Nhưng mà… – Tôi ngần ngại -…chẳng ai chống lại được bố tớ cả, kể cả mẹ tớ cũng vậy.
Linh thở dài. Cô nàng dán mắt vào ly nước, quay quay nó như một phản xạ vô thức. Đề tài này đã được nói trăm lần kể từ khi tôi bị nhét vào trường an ninh, nhưng cái kết luôn là “cậu cố chịu đựng, bốn năm nữa thôi”.
Nhưng cả tôi và Linh đều hiểu, khoảng thời gian vài năm đó sẽ bị mất một cách lãng phí. Tôi không thể sống trong môi trường kì thị mình, khi những người bạn thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.
– Tớ muốn học nhiếp ảnh, học văn! – Tôi thì thầm. -…đó là thế giới của tớ.
– Cậu phải đấu tranh thôi, Q à!
Đấu tranh? Tôi phải đấu tranh làm sao khi những người thân yêu nhất không thể hiểu được tôi.
Rời khỏi quán cà phê, tôi bảo với Linh rằng tôi muốn ở một mình. Lang thang đến trước cổng trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi ngước nhìn ngôi trường với vẻ thèm thuồng. Nơi đây sẽ không còn kỷ luật thép nữa. Sẽ không còn khái niệm đồng cô đồng bóng là thứ ghê tởm. Sẽ là nơi mà tôi được sống hết mình. Tôi bỗng nhớ đến Hòa. Lấy chiếc điện thoại ra, tôi bấm số của anh. Nhưng, đáp lại tôi chỉ là những hồi chuông rền rĩ. Cũng phải, giờ đây chúng tôi đâu còn là gì của nhau nữa đâu…
Tôi còn nhớ khi chia tay, anh nắm lấy tay tôi, nói rằng:
– Anh không thể chống lại bố mẹ mình.
Anh ấy chấp nhận làm tròn chữ hiếu mà người đời răn dạy. Tương lai, Hòa sẽ cưới vợ, sinh con. Anh ấy sẽ có một gia đình hạnh phúc, hay tối thiểu, anh cũng có một chốn để trở về. Còn tôi, sẽ chẳng có nơi nào chứa chấp tôi cả…
Bỗng nhiên, tôi nhớ đến mẹ. Phải rồi, tôi phải thuyết phục được bà.
Phía bên kia, những hồi chuông vang lên chậm rãi. Rồi giọng nói ấm áp của bà vang lên.
– Alô, con hả?
– Dạ, mẹ! Bố dạo này sao rồi à?
– Có vẻ vui – bà đáp – ba con mừng vì con đã vào trường an ninh…
Tôi phản bác:
– Nhưng…mẹ biết đó không phải là ý nguyện của con mà!
– Mẹ biết… – bà khổ sở phân trần – …nhưng biết đâu cái chỗ ấy lại chữa được bệnh của con. Mẹ vẫn nghĩ con còn nhỏ thôi, cứ yêu con gái thử…
Lại bệnh? Tôi chỉ là con bệnh trong mắt bố mẹ mình, một sản phẩm bị lỗi, không hoàn chỉnh. Ước gì tôi có thể hỗn hào mà nói rằng chẳng phải tôi mắc bệnh này là do bố mẹ tôi sinh sai ngày, sai giờ sao? Nhưng rồi, những giọt nước mắt của mẹ làm tôi dịu lại. Bà yêu tôi quá mà. Từ nhỏ, bà đã bao bọc tôi như một cô công chúa nhỏ. Mọi sóng gió trong đời, bà đều lấy lưng đỡ cho tôi hết cả. Tôi không thể làm trái ý bà.
– Dạ mẹ, con sẽ cố! –Tôi đáp lại lạnh tanh.
Rồi tôi cúp máy, không chờ một hồi âm của mẹ.
Mưa rơi nhè nhẹ như bụi, rồi dần dần to dần. Cũng tốt, mưa sẽ che mắt người đời để tôi có thể khóc thỏa thích nếu muốn. Tuy vậy, chẳng thể nữa rồi. Sống lâu ngày với nỗi cô đơn, ta dần chai lì trước nó. Để rồi một ngày, ta chẳng còn cảm giác gì nữa. Không có niềm vui cực đỉnh. Cũng chẳng có đau đớn đến tận cùng. Cứ mãi sống trong trạng thái như người mộng du, không cảm xúc, không buồn không vui. Sống mà như đã chết.
Mà cũng chẳng sao, tôi quen rồi. Nói quen để tập cho mình phớt lờ trước mọi nỗi đau.
Trở về kí túc xá với bộ quần áo ướt sũng, tụi con trai trong phòng trố mắt nhìn tôi. Một đứa chép miệng.
– Mai mốt đợi mưa tạnh rồi về, bệnh nửa đêm mệt tụi tao!
Tôi mỉm cười yếu ớt, nhưng trong lòng thấy ấm áp đôi chút. Con trai thể hiện tình cảm đôi khi thô vụng như thế. Tôi biết, tụi trong phòng không ác cảm gì với tôi. Chỉ là tụi nó không thể quen mà thôi. Ngoài Cường mập ra, thì giữa tôi và những người còn lại vẫn luôn có một khoảng cách vô hình nào đó.
Thằng Cường nhìn thấy tôi trong bộ dạng ướt như chuột lột liền ca cẩm.
– Sao, lại thất tình anh nào nữa? Có đứa nào lấy mất đời trai của mày hả?
– Làm gì có! – Tôi cau có – nói bậy bạ.
Cường vỗ vai tôi:
– Thôi, ngủ đi mày. Tối mai thứ bảy đi nhậu với mấy anh khóa trên, coi như mở rộng quan hệ.
|
– Tao không thích nhậu.
– Ấy…ấy không được. Vào trường này là phải biết nhậu. Mày không để ý rằng ông thầy nào cũng bụng bia hả? Không uống nhiều thì uống ít, nếu say tao đưa qua nhà tao ngủ. Mày quên quê tao ở đây sao? Mai đi với tao đó!
Thấy vẻ nhiệt tình của Cường, tôi dịu lại.
– Ừ. Dù sao tao cũng muốn say một bữa.
——————
|
************Part 4*†*†*********** . . . . Buổi tập cuối cùng khá nặng. Tuy nhiên, mọi người trong đội đều khá thoải mái. Dù sao, cả bọn có cả ngày Chủ nhật để nghỉ ngơi, hú hí với gái. Tôi cố gắng tập luyện cho bằng bạn bằng bè. Dẫu vậy, với thân hình gầy gò, tôi trở thành một sinh vật dị hợm, nổi bật theo cái cách mà tôi chẳng muốn tí nào. Thằng Mạnh vốn đã cay cú tôi từ lâu, thỉnh thoảng có dịp, nó lại chơi xỏ tôi. Có một lần nó dán tờ giấy tôi là đồng bóng khiến tôi bị một trận quê trước những người con gái cùng khoa. Tôi nuốt cơn giận vào trong, cố tỏ ra bình thường. Dường như, làm mặt lạnh đã trở thành bản năng. Bất cứ khi nào cần, khuôn mặt sẽ đóng băng theo một kiểu. Trái tim theo sự ra lệnh của lý trí cũng ngủ yên ,ủ nỗi buồn vào tầng sâu đáy lòng. Để khi có dịp, nó lại túa ra. Nỗi tủi thân sau bao ngày bít kín theo đó mà tuôn chảy. Chính lúc ấy, tôi chỉ muốn chết. Thà không tồn tại còn hơn sống trong đau đớn ngày qua ngày. Nhưng rồi, nghĩ đến mẹ, tôi không thể làm thế này nữa.
Đôi khi tôi hận bố tôi. Hận kinh khủng. Một người đàn ông cứng nhắc luôn cho mình là đúng. Ông có yêu thương tôi hay không, hay tôi chỉ là một sản phẩm được tạo ra để đi theo con đường mà ông định sẵn. Tôi có khác gì một con rối trong tay ông đâu?
Nếu có trách, chỉ trách Tạo hóa đã sinh ra tôi – một người đàn bà trong thân xác đàn ông.
Sau môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, kết thúc một ngày thứ bảy chán chường, tôi chạy thật nhanh lên phòng và thay ngay bộ đồng phục màu xanh. Chẳng hiểu sao, tôi khao khát được mặc chiếc áo khoác màu đỏ chói lọi và chiếc quần jean màu xanh đen. Tất nhiên là với đôi giày lười màu xanh nước biển nốt. Trông tôi giờ đây giống một con tắc kè hoa thực thụ. Nhưng tôi thích mình trong bộ dạng này. Chỉ cần ra khỏi khuôn viên trường thôi, tôi sẽ xỏ ngay một chiếc bông tai màu đen hình quả táo Apple vào tai trái. Sẽ không còn một chút nào liên quan đến cuộc đời quân ngũ cả. Tôi sẽ sống là chính tôi, theo ước mơ của tôi chứ không phải theo khuôn phép của ai hết.
Thằng Cường trố mắt nhìn tôi trong bộ quần áo sặc sỡ. Nó bảo rằng, tôi sẽ trở thành trung tâm khi đi nhậu, bởi con trai trường này mặc đồ đơn giản lắm. Nhưng tôi mặc kệ. Ai bảo con trai không có quyền điệu đà?
Xong xuôi mọi thứ, tôi và Cường leo lên xe, phóng thẳng đến quán nhậu. Ngồi trên chiếc Wave cà tàng của thằng bạn, tôi cầm máy ảnh và chụp cảnh đường phố. Chủ yếu là những đôi tình nhân. Tôi khâm phục họ. Tôi ước một ngày, mình cũng sẽ có một đứa con, một người “chồng”, và cũng sống hạnh phúc như thế.
Thằng Cường rẽ vào con hẻm nhỏ sau đó quẹo thẳng vào quán nhậu 1,2,3. Đứng trước cửa quán, tôi tần ngần ngước nhìn phía bên trong. Ở góc trái, những bộ đồng phục xanh đặc trưng của dân an ninh nổi bật lên trong đám nhậu. Cường thúc nhẹ vào lưng tôi.
– Đi mày!
Tôi lẽo đẽo theo nó, chút tự tin cuối cùng bay biến đi đâu hết. Và khi lại gần, tôi mới nhận ra một nhân vật đặc biệt. Anh ta không mặc đồng phục mà thay vào đó là chiếc áo thun màu xám, chiếc quần kaki màu kem đầy cá tính và hợp thời trang.
Đó là Heineken Yang nghiêm nghị trong bộ áo xanh lá cây sao?
Trong buổi nhậu hôm đó, tôi mới biết tên thật của anh ta là Hiếu. Nhưng ngoài các thầy, chẳng ai gọi anh ta bằng cái tên đó. Yang thích uống bia Heineken. Nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là một trong hàng ngàn lý do để anh ta lấy cái tên đó. Thỉnh thoảng, Yang có liếc nhìn tôi rất nhanh, sau đó lại tập trung vào cuộc chơi. Anh ta ít nói, ít cười. Vẻ lãnh đạm và lơ đãng vẫn ám ảnh trong đôi mắt màu nâu sôcôla ấy. Tôi không hiểu Yang là hạng người nào. Cái cách anh ta nhìn tôi lúc lạnh lùng, khó gần, lúc lại đăm chiêu, hiền lành. Một nỗi mệt mỏi xâm chiếm lấy tôi khi phải nhìn gương mặt ấy thay đổi xoành xoạch như nắng như mưa ở chốn đô thị tám triệu dân này.
Yang uống bia như một kẻ khát nước. Thi thoảng, anh ta nhìn tôi rồi uống ừng ực. Gương mặt góc cạnh ấy ửng đỏ lên. Yang chẳng ăn gì cả, tu từng hớp lớn.
– Uống gì uống dữ vậy Yang? – một người hỏi anh ta.
– Hôm nay khát quá.
Tôi cứ cúi gằm mặt xuống mà ăn. Thằng Cường cười thả ga với đám bạn, để mặc tôi ở đấy. Thỉnh thoảng, nó lại nheo mắt nhìn tôi như thầm nhắc rằng tôi phải hòa đồng với mọi người. Tôi vẫn im lặng, thỉnh thoảng chêm vài câu gây cười để chứng tỏ mình không đứng ngoài lề cuộc trò chuyện.
Kết cuộc, Yang say quắc cần câu. Khi cuộc nhậu đã tàn, anh ta lững thững đứng dậy, rồi suýt ngã ra đằng sau. Một anh trong nhóm càu nhàu:
– Khốn thế, mày thất tình hay sao mà uống nhiều vậy Yang?
Anh ta không nói gì, chỉ gục đầu vào vai bạn, mắt nhắm nghiền.
– Giờ sao, đưa về kí túc xá mấy thầy mắng chết!
– Nhà em gần đây… – Cường nhanh nhảu đáp – em với thằng Q đưa Yang về cho.
– Ừ, vậy được rồi! Hai chú giúp tụi anh nhé!
Cương gật đầu vui vẻ rồi dìu Yang ra bên ngoài. Nó quay sang tôi, bảo:
– Gọi taxi đưa ổng về nhà tao nghe. Mày đi với ổng!
– Tại sao tao phải đi? – Tôi cáu bẳn.
– Ơ…cái thằng này. Ổng có làm gì mày đâu mà mày ghét ổng.
– Không…chỉ là tao không thích thôi.
Nói vậy, tôi vẫn đưa Yang ra taxi. Chiếc xe màu xanh với bảng đèn sáng trưng đậu sát vào lề đường. Tôi vội vàng mở cửa và đưa anh ta vào trong. Mùi nước hoa quen thuộc của đám đực rựa xộc vào mũi tôi, tuy nhiên, nó đã biến thành thứ đặc trưng cho con người của Heineken Yang. Hăng hắc, nồng nàn nhưng không hề khó chịu. Trong không gian chật hẹp, hơi lạnh phả ra từ máy điều hòa, anh ta ngồi cạnh tôi, đầu ngửa ra phía sau. Yang mở mắt, trông có vẻ tỉnh táo hơn chút ít. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, không nói gì. Men bia cuộn trong dạ dày khiến tôi cũng mơ màng như anh ta. Tôi có thể cảm nhận mùi rượu nồng phả ra từ hơi thở của Yang. Kì lạ, không hề có sự khó chịu. Anh ta trông vẫn vững chãi và lạnh tanh như thế. Tuy vậy, Yang đã khác lúc anh ta hét vào mặt tôi hôm dậy trễ. Đây là con người khác hẳn.
Chiếc xe rời khỏi xa lộ, đi sâu vào một con đường vắng người. Hai bên, những tòa nhà cao tầng choáng hết khoảng trời đen thăm thẳm. Vài ánh đèn le lói tạc xuống lớp nhựa đường những mảng sáng loang lổ. Cơn mưa đã lùi xa. Ngay cả trong màn đêm, tôi cũng có thể mường tượng được màu xanh trong vắt của những đêm đẹp trời. Tôi muốn thoát ra mọi thứ đang trói chặt mình để chạy theo những ước mơ. Tôi muốn yêu và được yêu kinh khủng. Vị ngọt đôi môi của Hòa quay trở lại, như hương thơm thoang thoảng từ một cánh hoa trái mùa nào đó được gió thổi tới. Làn da ngăm đen của Hòa, khuôn ngực đầy đặn ấm áp,…mọi thứ chợt rõ rệt. Bất ngờ, tôi vươn tay ra, chạm vào khoảng không. Bóng hình Hòa biến mất.
Chỉ còn lại tôi và Heineken Yang mà thôi.
Taxi dừng trước cổng một trường tiểu học. Sát bên đó, thụt vào một khoảng, một ngôi nhà màu trắng hai tầng nằm sau những tán cây cao và chiếc cổng sắt đang mở hé. Từ tầng hái, cánh cửa sổ đã mở toang, giải thoát ánh đèn ngủ vàng vọt ra bên ngoài. Trước cửa chính, Cường đứng chờ tôi. Nó chạy ra đón tôi, sau đó đỡ Yang ra khỏi taxi. Yang xua tay, ra hiệu mình tự đi được. Anh ta lững thững, chân nọ đá chân kia.
– Ấy…chừng té! – Tôi kêu lên, sau đó vội vàng đỡ Yang.
– Cảm ơn nhóc! – Anh ta nói rồi mỉm cười.
Phải…chính là Heineken Yang mà tôi đã gặp trong lúc yếu đuối nhất.
Cường và tôi đưa Yang vào căn phòng nhỏ. Thằng bạn đã trải một tấm nệm lớn phía dưới sàn. Sau đó, nó bật máy điều hòa lên.
– Nhà mày cao cấp quá nhỉ? – Tôi trầm trồ, ngưỡng mộ.
– Cũng thường thôi mày… – Cường mỉm cười – … mày ngủ chung với Yang nhé.
Tôi im lặng không đáp. Yang đã lăn kềnh ra giường, nhắm nghiền mắt. Chỉ năm phút sau, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng thở đều đều của anh ta. Thằng Cường sau đó cũng ngủ say như chết. Không gian căn phòng toàn mùi rượu bia, và thuốc lá. Tôi liếc qua một lượt căn phòng của Cường. Có thể nói, không gian đậm chất đàn ông. Mọi thứ là một tổ hổ lốn giữa những tấm poster xe máy, nhân vật hoạt hình, Way Rooney, truyện tranh, mùi hôi của tất đã ủ lâu ngày. Tôi thở hắt ra, sau đó dọn dẹp lại mọi thứ. Xong xuôi, tôi thay quần jeans ra, tròng vô một chiếc quần soọc bằng cotton. Sau đó, tôi nằm xuống cạnh Yang.
Hai con người nằm cạnh nhau, cảm nhận hơi thở của nhau.
Tôi ngước nhìn Yang đang ngủ say. Bỗng nhiên, trái tim đập chậm lại khi thấy có vệt nước trên khóe mi anh ta. Một cách nhẹ nhàng, tôi đưa tay lau đi giọt mặn đắng đọng trên đó. Cảm giác này thật bình yên. Nó khác với sự an toàn đầy thấp thỏm khi bên Hòa. Mà ngược lại, tôi bỗng có một niềm tin mãnh liệt rằng nếu có chuyện gì, Yang sẽ bảo vệ tôi.
Con tim, vẫn luôn như thế. Nó yêu và nó nhớ như một cách mà ông trời cho mưa cho nắng. Khi đã trót lỡ gặp nhau, bất chấp sự can thiệp của lý trí, tình cảm vẫn nảy nở, nhất là trong những bản ngã đang khắc khoải trong cô đơn.
Đâu là chốn cho những kẻ lạc loài giữa dòng đời như tôi…
——————
|
*************Part 5************ . . .
Hai giờ sáng, tôi tỉnh giấc. Giấc mơ về những ngày hạnh phúc với Hòa chợt đến khiến trái tim rỉ máu.
Tôi và Hòa quen nhau được một năm. Chúng tôi đã rất hạnh phúc. Mà cái cảm giác ấy đem lại cho chúng tôi những ảo mộng. Rằng cuộc đời này, bất cứ thứ gì cũng có thể vượt qua, sóng gió nào cũng có thể chống trả lại được. Nhưng rồi, như hàng ngàn trường hợp của các cặp đôi đồng tính khác, bố mẹ Hòa ngăn cấm chúng tôi. Mặc cho tôi đối phó một mình, Hòa bất lực trước vòng vây của các bậc phụ huynh.
Họ đã nói bí mật mà tôi muốn giữ gìn suốt đời cho gia đình tôi biết.
Mẹ tôi thì khóc tức tưởi, còn bố tôi thì cho tôi một trận thừa sống thiếu chết. Từng cái tát, cú đấm tới tấp của bố khiến tôi đau đớn kinh khủng. Nhưng rồi, ngày qua ngày, nỗi đau thể xác nhạt dần. Tôi trở nên chai lì trước những trận đòn của bố mình. Lúc ấy, tôi vẫn tin chắc vào tình yêu đã dựng xây.
Nhưng rồi, Hòa chia tay tôi.
Với tôi, đó là sự phản bội. Nếu anh không còn yêu tôi, tôi chấp nhận. Nếu như anh có người khác, tôi cũng dễ dàng buông tay. Nhưng, tại sao Hòa không có một động thái nào trước những người sinh ra anh. Anh không giải thích. Không nói chuyện gì cả. Chỉ lẳng lặng chấp nhận số phận. Tôi không cam tâm. Đó dẫu sao cũng là hạnh phúc của tôi và anh cơ mà.
Có lẽ vì vậy, tôi chấp nhận nghe theo sự sắp đặt của bố: bước vào trường an ninh với ước vọng hoang đường rằng một ngày nào đó, tôi sẽ yêu con gái.
Hòa ạ, anh đã để em chống chọi một mình.
Tôi sẽ không để bố mình hủy hoại hạnh phúc lứa đôi cả một đời của tôi đâu. Bất chấp mọi thứ, tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Nhưng, ai sẽ đi cùng tôi trên con đường đó?
Thở dài buồn bã, tôi ngước mắt lên trần nhà. Tôi quay sang nhìn Heineken Yang và ngạc nhiên khi thấy anh ta đang mở mắt nhìn mình. Là Yang phòng vệ sinh, không phải Yang lúc giảng đường. Anh ta mím môi nhìn tôi. Hai người con trai nằm sát nhau, hướng mặt vào nhau, cảm nhận hơi thở của nhau. Tôi yêu tha thiết cái mùi cơ thể của Yang. Cả cái cách mùi rượu thoang thoảng hôn phớt lên má mình.
Anh ta làm một động tác mà chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới. Yang luồn tay xuống cổ tôi, kéo gương mặt tôi sát gần lồng ngực anh.
Rồi Yang cười. Vẫn là hương rượu thoang thoảng bay trong không khí. Vẫn là khuôn mặt bao bọc bởi hàm râu quai nón mọc lún phún. Con mắt một to một nhỏ khi anh ta nheo lại. Nó làm tôi sững sờ đến mức không thốt nên lời nào. Chỉ biết rằng, tôi đang ngửi thấy mùi hương của Yang chiếc áo thun màu xám, nghe con tim anh ta đập nhẹ nhàng trong lồng ngực. Tóc tôi cạ vào cổ anh ta, và cả người tôi đông cứng lại như đã chết đi trong giây phút đó.
– Tôi tưởng anh say chứ! – Sau một lúc, tôi mỉa mai.
– Say xỉn chỉ là cái cớ để anh nói thật…
– Nói thật gì?
– Anh sẽ nói rằng nhóc không hợp với ngôi trường này đâu. Tìm một nơi khác đi, theo ước mơ của nhóc.
– Sao anh nghĩ nó không hợp?
– Bởi em là kẻ không bao giờ tuân theo những luật lệ.
Tôi ngước nhìn Yang. Giờ đây, trông anh thật hiền. Không còn sự nghiêm khắc thường ngày trong bộ quân phục nữa.
– Anh là kẻ giả tạo!
– Ừ! – Yang cười – anh phải đóng nhiều vai lắm. Đàn anh khó tính, học trò ngoan ngoãn, vân vân…
– Vậy đâu mới là con người thật của anh hả Yang?
Yang im lặng, không đáp. Anh ta thở dài, rồi quay sang ôm tôi thật chặt. Như một đứa trẻ bảo vệ con gấu bông mà nó không thể thiếu. Như cách mà một người khao khát được bảo vệ ai đó muốn làm. Giống một kẻ lạnh mừng rỡ khi thấy một chiếc gối ôm tỏa ra hơi ấm cùng mùi hương cà phê thoang thoảng.
Yang nhẹ nhàng tựa cằm lên đầu tôi. Cơ thể anh ta bây giờ là một tổ hợp của mùi mồ hôi, lăn khử mùi và Xmen. Tôi thấy sờ sợ khi ở bên một người thất thường như anh ta. Nhưng, tôi không thể rời khỏi Yang. Một cách rụt rè, tôi vòng tay qua thắt lưng anh, áp thân mình vào cơ thể ấm nồng đó.
Cả hai không nói gì, chỉ lẳng lặng cảm nhận hơi ấm của nhau. Tôi rúc đầu vào lồng ngực vững chãi đó, hít hà một cách vô thức.Tôi có thể cảm nhận bụng Yang đang nâng lên hạ xuống theo nhịp hơi thở. Anh ta thật gần. Theo một cách nào đó, Yang san sẻ nỗi cô đơn trong tôi. Miền đau ngày nào thôi cuộn sóng, nó nhẹ dần đi, trở nên mờ nhạt, hoang hoải. Tôi nhớ đến Hòa, và biết rằng Hòa và Yang là hai con người khác nhau. Với Hòa, chưa một khó khăn nào trong cuộc sống chạm tới anh. Chốn ấm êm khiến anh lúng túng trước những tình huống bất ngờ xảy ra. Yang khác. Anh ta vững chãi. Tôi cảm nhận được nó, cái khoảng tối sâu thẳm ấy. Đáy mắt anh ta chất chứa điều đó. Cả gương mặt của Yang phòng vệ sinh hay Yang trên giảng đường cũng vậy. Rõ ràng lắm. Anh ta là một tấm gương mà ở đó, mọi nỗi đau trong tôi được phản ánh.
Yang dần quay lại giấc ngủ. Cánh tay cứng rắn của anh ta ôm chặt lấy tôi. Tôi quay lưng lai với Yang, ép lưng mình vào sát cơ thể đó. Yang khẽ cựa quậy, má anh ta cạ nhẹ vào mái tóc tôi. Khẽ nhắm mắt lại, tôi tận hưởng chút an yên trong cuộc đời mình.
Cũng tốt…nếu khi cô đơn, có ai đó ở bên mình. Dù là bờ vai kẻ lạ cũng khiến ta thêm ấm lòng.
——————
|