Lữ Trình Chim Cánh Sắt
|
|
[ SỰ THẬT ]
Với sự đồng thuận của tất cả mọi người, chúng tôi quyết định dời buổi liên hoan vào đúng ngày kỷ niệm thành lập câu lạc bộ. Hội trưởng đã lên chương trình sẵn và đe dọa thành viên nào vắng mặt sẽ chịu phạt lao động công ích một tuần. Ngày hôm đó sẽ có cả các cựu thành viên của câu lạc bộ tham dự. Tôi biết được vì thấy Thảo và các bạn trong nhóm đàn nguyệt cặm cặm cụi cụi viết thư mời cho các anh chị tiền bối khóa trên. Hỏi ra mới biết đó là ý của hội trưởng muốn tạo điều kiện cho các bạn khóa dưới có cơ hội giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm với những anh chị sắp sửa ra trường.
Chúng tôi chia ra thành những nhóm nhỏ và ngồi thành vòng tròn. Tất nhiên tôi sẽ ngồi kế Thảo. Hôm ấy nàng thật là đẹp trong chiếc đầm màu tím nhạt chít lại ở phần ‘thắt đáy lưng ong’ làm tôn lên vóc sắc của người con gái đến độ chín mùi. “Những người thích màu tím thường là những người chung thủy” Có lần nàng đã nói với tôi như vậy. Đột nhiên có người vỗ vào vai bên cạnh, tôi giật mình ngước lên.
“Hả, sao anh ở đây?” Tôi dò xét nhìn Sơn “Anh được mời mà” Nói đoạn hắn trưng ra tấm thiệp có bút tích của CLB âm nhạc dân tộc hẳn hòi “Anh là cựu thành viên hả?” “Ừ, chứ sao. Ai kêu em không tin chi” Hắn cười đắc ý “Ồ” Tôi cố tình làm bộ dạng mắt chữ A miệng chứ Ô nhìn hắn “Chào anh Sơn” Thấy Sơn, cô nàng cười tít mắt. Tên nham nhở này luôn ba hoa những lời có cánh nên rất được lòng chị em phụ nữ. Hắn thường đem dung mạo của các em gái khóa dưới so sánh với minh tinh màn bạc rồi làm bộ khen mũi em này cao hơn diễn viên này, mắt em kia có thần hơn diễn viên kia v.v…làm các em nào nói chuyện với hắn cũng phổng mũi vì được nghe những lời ‘thật lòng’. “Chào em” Hắn đá mắt chào Thảo, tay đưa lên ký hiệu chữ V “Anh Sơn là cựu thành viên, chắc thế nào xíu nữa cũng có tiết mục nho nhỏ gọi là ra mắt đàn em chứ hả” Thảo đưa tay chữ V đáp lại “Ừ thì…” Hắn suy nghĩ một lúc rồi đáp “Anh sẽ thổi sáo của Hải” Hắn búng tay cái bóc rồi nhìn tôi cười thỏa mãn “Tui làm gì có sáo mà thổi” Tôi quay sang lườm tên lố lăng đang cười toét cả hàm “Haha, thì hôm bữa em nói đi mượn cho anh mà” “Ờ, vậy để tui đi mượn” Tôi vừa đứng dậy xoay đi thì thấy tên kỳ đà đang dần sáp lại. Hắn đang to nhỏ gì đó với Thảo thì phải. Tôi nhanh chóng mượn sáo rồi chạy về ngồi giữa hai người. Phải tách tên dê núi này ra trước khi bông so đũa của tôi bị sứt mẻ.
“A, chào hội trưởng” “Chào mấy em. Trước tiên để anh giới thiệu với nhóm chúng em một tiền bối khóa trên. Anh này tên Sơn, trước đây từng là nhóm trưởng của nhóm sáo trúc” Hội trưởng đưa tay về phía Sơn rồi ra hiệu chúng tôi vỗ tay chào đón vị khách mời “Anh Sơn, anh đã chơi sáo được bao lâu rồi” Một bạn hỏi “Anh bắt đầu học thổi sáo từ hồi anh vào lớp bốn” “Nhỏ vậy đã đi học rồi á. Là phụ huynh bắt hay tự anh thích học ạ” Một cô nàng trong nhóm sáo trúc hỏi “Là tự anh thích học thôi. Hồi anh còn nhỏ, có một bạn từng nói với anh rằng ước gì có một lần được anh thổi sáo cho nghe dưới đêm trung thu, lúc ấy bạn nhỏ kia sẽ ngồi cạnh anh thắp những ngọn nến trong chiếc đèn lồng hình máy bay đủ màu. Tiếng sáo và máy bay sẽ dẫn đường cho lời nguyện cầu của bạn nhỏ ấy lên cung trăng. Vì những đứa trẻ ngoan vào tết đoàn viên đều được chị Hằng ban cho một điều ước, bạn nhỏ ấy đã nói với anh như vậy” “Em hơi tò mò tí, vậy anh có thực hiện được điều ước với bạn gái ấy chưa” Thảo lên tiếng hỏi “Chưa em. Anh vẫn còn đang chờ, hì hì” Hắn gãi gãi đầu nhìn Thảo “Anh Sơn ơi, anh đã có bạn gái chưa hay đang single and available” Mấy bạn nữ ngồi đối diện có ý trêu hắn “Anh hả, anh độc thân lâu năm và đang trong trạng thái chờ người nơi ấy, kaka” “Anh Sơn chung tình phết nhỉ” Mấy bạn nữ cười ồ lên
Tên kỳ đà cứ thế xoay vòng trong những câu hỏi của các em khóa dưới. Hắn khoái chí toát miệng khi được mấy bạn nữ nhóm đàn nguyệt nhận xét là phong độ và gallant. Chốc chốc hắn lại xoay qua nhìn tôi đá mắt rồi cười thỏa mãn vì rõ là tôi đang lép vế còn hắn thì đang trong tình trạng đắc đào. “Tên chết bầm” Tôi rủa thầm trong bụng.
Để tạo không khí sôi nổi, hội trưởng đề nghị chúng tôi chơi trò ‘Nói thật’. Chai nước suối rỗng sẽ được xoay ở trung tâm vòng tròn. Người ở hướng nắp sẽ phải trả lời bất cứ câu hỏi nào của người ở vị trí đít chai. Sơn là người đầu tiên bị dính chấu.
“Anh Sơn, hình mẫu người yêu lý tưởng của anh là gì vậy” Bạn nữ ngồi đối diện hỏi “Anh hả, anh thích những người cá tính và lãng mạn. Tất nhiên là phải đẹp nữa, haha” “Vậy em được không anh?” Anh hội trưởng làm bộ dạng hài hước trêu Sơn “Em hả, em thì để dành làm chị em bạn được rồi, haha” Sơn hóm hỉnh trả lời trong tiếng cười ồ và vỗ tay tán thưởng của mọi người. “Mày khá lắm Sơn” Hội trưởng nhếch hàm nhìn Sơn khiêu khích “A, bé Thảo dính chưởng rồi kìa” Sơn chỉ vào nắp chai rồi vạch một đường đến vị trí nạn nhân kế tiếp “Vậy là đến lượt anh hỏi đúng không?” Hội trưởng nhìn Thảo. Nàng tủm tỉm cười “Dạ” Nàng đáp “Thảo có thể bật mí tí xíu về người ấy của Thảo được không?” “Dạ. Người yêu của em là con trai” Thảo dí dỏm “Bravo! Bravo!” Mọi người trong nhóm phấn khích vì hội trưởng tiếp tục bị troll tập hai. “Ặc ặc, em bật mí thêm một xíu nữa được không. Em trả lời vậy anh hoang mang quá” Hội trưởng gãi đầu “Hihi, vậy khuyến mãi thêm cho anh thêm một bí mật nữa. Tên người ấy có chứa một trong bốn thành tố cấu tạo nên khái niệm ‘Tứ đại’ theo triết lý Phật đà. “Nói vậy hội trưởng cũng trong dạng tình nghi hả. Hội trưởng tên ‘Phong’ mà” Một bạn nam trố mắt nhìn hội trưởng làm anh gượng đỏ mặt. Thường ngày anh là một người có vẻ mặt khá nghiêm túc nhưng hôm nay anh cứ liên tục bị đánh úp nên diện mạo có phần hơi ngô nghê. Mọi người càng thích thú họp sức hội đồng anh.
Tôi cứ suy nghĩ mãi về câu trả lời của Thảo. Liệu lời bạn nam kia nói phải đúng như vậy không? Phải chăng Thảo thật sự thích hội trưởng. Biểu hiện tránh né tôi của hội trưởng trong các cuộc nói chuyện càng làm tôi thêm nghi ngờ. Nghi vấn trong tôi cứ thế tăng dần đều khi góp nhặt những sự kiện kể từ khi chúng tôi tham gia vào câu lạc bộ. Tối hôm ấy tôi quyết định làm một cú ăn may, nói cho nàng biết hết suy nghĩ của mình. “Có thể cho Hải cơ hội làm bạn trai của Thảo được không?”, tin nhắn gửi đi vào lúc 11 giờ và không có lời hồi đáp. Những ngày sau đó có vẻ như Thảo đang tránh né phải trả lời câu hỏi của tôi. Phải chăng nàng đã thật sự thích hội trưởng rồi. Số lần tôi cùng Thảo đến trường bắt đầu thưa dần. Tôi cứ lặng lẽ như những tháng ngày bắt đầu năm học. Tôi trở nên ít nói hơn. Sơn cứ gặng hỏi mãi nhưng tôi chẳng trả lời. Bình thường khi bị trêu tôi sẽ hùng hổ phản khán lại thay vì cố nặn ra một nụ cười gượng gạo như lúc này. Nhận ra biểu hiện bất thường trong cách hành xử, tần suất mà Sơn gặp tôi cũng dần tăng lên. Hắn cùng tôi đi học mỗi buổi sáng. Buổi chiều tan học hắn lại dựng xe trước cổng đợi tôi về.
“Bộ em có chuyện gì buồn hả?” Thỉnh thoảng hắn lại thắc mắc “Đâu có, có buồn gì đâu” Tôi cười xòa cho qua chuyện “Dạo này thấy Thảo ít đi chung với em” “Chắc Thảo bận gì đó” Tôi lại thấy nhộn nhạo khi nghĩ đến Thảo. Sao nàng cứ bỏ ngỏ câu trả lời. Tôi tự hỏi những lần tôi tỏ ra thân mật, nếu đã không thích sao nàng không khước từ mà còn đổ buồm theo gió để bây giờ tôi một mình ôm trái dưa bở đắng nghét khó xơi. “Em giữ dùm anh ba lô với điện thoại cái” Sơn thảy cho tôi tư trang rồi chạy vào nhà vệ sinh. “Đợi anh cho thằng nhỏ phun nước cái rồi về, haha” Tiếng cười nham nhở của hắn vọng ra bên ngoài “Có tin nhắn kìa” Tôi đứng ngoài cửa nói vào “Ai nhắn cái gì vậy, mở lên đọc dùm anh đi” “Anh có nhớ cuộc hẹn của tụi mình tối nay không, em chờ anh trước cổng trường nhé!” Tôi cố gắng đọc hết dòng tin nhắn, mắt trực trào muốn đấm vỡ mặt Sơn khi thấy người gửi là Thảo.
Sơn thất thần chạy ra. Tôi trả mọi thứ trên tay rồi quay lưng ra về. Sơn đuổi theo giải thích nhưng tôi không muốn nghe bất cứ thứ gì từ con người này nữa. Tại sao Sơn biết tôi thích Thảo mà còn như vậy. Phải chăng đó là mục đích cuối cùng của Sơn khi tiếp cận tôi? Tôi hiểu rồi, thì ra tên của Sơn có chứa ‘đất’ trong đó. Vậy mà tôi cứ ngỡ là anh Phong và đôi lúc ngộ nhận là mình vì tên tôi cũng có ‘nước’. Mọi thứ trước mắt như tối sầm lại. Tôi bị cả bạn thân và anh em bội phản. Tôi thấy chông chênh và mất lòng tin vào người khác. Có cảm giác như tôi đang là cây cầu bất đắc dĩ nối nhịp cho người trong mộng và anh bạn chí thân.
“Reng…reng” Điện thoại đổ chuông, là Sơn gọi. Tôi cố tình không nghe máy. Hắn cứ thế liên tục gọi vào điện thoại tôi. “Hải, anh có chuyện muốn nói” “Còn chuyện gì để nói?” Tôi hậm hực đáp lại “Em xuống đây đi, anh đang ở trước nhà”
Tôi bước nhanh ra cổng túm lấy cổ áo hắn. Tay tôi toan đấm thì hắn giữ tay tôi lại.
“Em lên xe đi, ra chỗ khác nói chuyện” Sơn chau mày nhìn tôi. Hắn phóng xe đưa tôi ra công viên gần nhà. “Có gì nói đi?” Tôi cộc lốc “Anh với Thảo không có gì hết” Hắn nói
Tên này nói dối không biết ngượng miệng. Nhiều lần trong giờ giải lao tôi thấy hắn và Thảo hay đi cùng nhau, hai người cười nói gì đó rất vui vẻ. Thỉnh thoảng tôi thấy hắn cắm mũi vào điện thoại đọc tin nhắn rồi tự cười một mình. Đã đi đến giai đoạn hẹn hò mà hắn còn bảo giữa hai người không có gì hết.
“Nói láo” Tôi vung tay đấm thẳng vào mặt hắn. Tôi ra đòn bất ngờ làm hắn không kịp phòng bị. Lãnh trọn đòn hiểm từ một người đang mất dần kiểm soát, khóe miệng hắn trực trào những dòng tanh tưởi chảy men theo cạnh cằm rồi thấm ướt ngực áo màu xanh lơ. Hắn vung tay tát thẳng vào mặt tôi. Tôi ôm mặt trâng tráo nhìn hắn. Tôi bắt đầu không kiềm chế được cảm giác của mình. Tôi khóc, nức nở.
“Em bình tĩnh lại chưa” Hắn hằn hộc giữ lấy vai tôi. Tôi cứ đứng yên không phản kháng cũng chẳng trả lời. Hắn ôm xiết tôi đặt vào lồng ngực hắn. Tôi như bé con năm nào bị bắt nạt, yếu ớt thút thít như biểu hiện phản kháng cuối cùng. Tôi bị lừa dối như vậy đủ rồi. Giới hạn chịu đựng của tôi chỉ đến đây thôi.
“Thảo thật sự thích anh?” Tôi lau những giọt nước mắt đọng trên hốc mắt, đối diện chờ đợi câu trả lời từ Sơn. Sơn gật đầu. “Còn anh?” Tôi hỏi nhưng Sơn không đáp. Mắt anh chuyển hưởng nhìn vào khoảng không vô định bên trên. “Tôi hiểu rồi” Tôi gật đầu nhìn Sơn rồi thẫn thờ bước đi. Tôi thấy mắt Sơn ươn ướt, phải chăng anh đang khóc cho cái gọi là ‘nghĩa anh em’. Chắc là vậy rồi. “Hải, là anh thích em Hải à” Sơn bất ngờ chạy đến xiết lấy vai tôi. Sơn khóc. Trong tiếng khóc anh lại tiếp tục nghẹn ngào “Là anh thích em. Là anh ích kỷ muốn giữ em bên mình nên anh mới cố tình làm như vậy để giữ khoảng cách giữa em và Thảo”
Tôi im lặng không đáp
“Anh không dám nói thật tình cảm của mình. Anh sợ nói ra anh sẽ mất em, mãi mãi”
Tôi im lặng không đáp
“Anh xin lỗi, xin lỗi đã làm như vậy với em”
Tôi như chết lặng trong từng tiếng anh nói. Tôi thấy mình bất ngờ bị bóp nghẹt bởi chính hơi thở của bản thân mình. Sao cuối cùng mọi chuyện lại thành như vậy. Phải chăng cuộc sống đang bày trò kiểm tra sức chịu đựng của tôi. Tôi bắt đầu hoang mang về thứ gọi là tình yêu trên quả địa cầu này. Liệu có phải vì nó mà người ta chấp nhận đánh đổi tất cả cho dù biết rằng ván cược ái tình có thể sẽ là năm ăn năm thua.
Tôi gỡ tay Sơn khỏi vai và cứ thế tiến về phía trước. Như con chim sắt trượt dài trên đường băng mỗi lần cất cánh, khoảng cách giữa tôi và Sơn bỗng mênh mông vô hạn như những phi đạo trải dài. Phải chăng hội ngộ lần này với tôi chỉ đơn thuần là chuyến quá cảnh chuẩn bị cho một lữ trình đằng đẵng về sau.
|
[ NGƯỜI ĐI ]
Rồi từ dạo ấy Thảo, Sơn và tôi chẳng khác gì chơi trò cút bắt. Người rượt kẻ chạy, Thảo tránh tôi, tôi tránh Sơn. Ba chúng tôi ngờ nghệch đuổi theo khối tình vụng dại dẫu biết rằng chỉ một sơ suất nhỏ cũng làm sứt sẹo những trái tim non nớt bắt đầu bước vào yêu. Hay là buông bỏ? Hay là trở lại làm bạn như trước đây đã từng? Hay chỉ đơn giản là nói với nhau vài câu xả giao khi cả hai chạm mặt? Tôi tự hỏi và chẳng thể cho mình tròn vẹn một câu trả lời.
Cả tuần rồi Thảo không đến lớp, tin nhắn gửi đi nhưng nàng chẳng trả lời. Tôi đã làm gì khiến nàng bất an đến độ bỏ học? Nỗi day dứt xen lẫn dày vò làm cán cân cảm xúc lệch thiên về một phía, tôi ra sức níu lại thăng bằng nhưng tay trắng vẫn hoàn không. Ai đó đã lấy mất trọng tâm để bây giờ tôi thành kẻ chơ vơ lạc lõng.
“Dạo này không thấy Thảo đi chung với Hải?” Một bạn ngồi bàn trên quay xuống nhìn tôi “Ờ, ừm” Tôi bối rối ậm ừ “Ủa mày chưa biết gì hả? Thảo nó đi du học rồi” Người ngồi trước tôi một bàn há hốc mồm xen vào cuộc hội thoại “Cái gì, nó đi hồi nào” Người kia nhạc nhiên “Hình như mới đi hồi thứ bảy, tao nghe chủ nhiệm nói vậy. Chắc Hải cũng biết mà đúng không? Thấy Hải thân với nó mà” “Ờ, ừm” Tôi thẫn thờ gật đầu rồi gục mặt xuống bàn. Tôi chẳng biết định danh cảm xúc của mình lúc bấy giờ là gì nữa.
Chiều tan lớp, nói dối bố mẹ sang nhà bạn học nhóm, tôi một mình dong ruổi trên những con phố thân quen hòng góp nhặt những gì còn sót lại giữa tôi và Thảo. Hàng quán đã bắt đầu lên đèn, tiệm chè kem lụp xụp cuối ngõ cũng gọn ghẽ với bàn ghế chỉnh chu. Ở nơi ấy có ông chú già mà chúng tôi hay gọi bằng cái tên thân mật “Chú Tám popeye” vì lúc nào cũng kè kè trên môi cái tẩu ruộm màu hổ phách. Chú nói chuyện với khách, khói thuốc thơm mùi quế thanh và đường nấu cháy phả từng luồng theo khóe miệng nương theo chuyển động lên xuống của yết hầu. Ở đây chỉ bán duy nhứt chí mà phù và kem dừa bào sợi rắc đậu phộng giã nhỏ bên trên nhưng lúc nào cũng nườm nượp học sinh sau mỗi giờ tan lớp. Tuần nào tôi và Thảo cũng ghé chú ít nhứt một lần vì như nàng nói “Không ăn tự nhiên thấy người bồn chồn vô cớ”
Tôi kéo ghế ngồi vào bàn. Chú đang dọn dẹp mớ tách ly của những người khách vừa rời khỏi. Thấy tôi, chú tiến lại.
“Hải hả con, lâu quá mới thấy bây ghé chú” “Dạ tại dạo này con bận thi. Chú khỏe không ạ?” “Chú mày thì khỏe re, có điều bà nhà bả cứ bệnh miết. Cứ trái gió trở trời là bả than đau nhức. Chú rầu hết sức” Chú day day thái dương “Hôm nay cô không ra quán ạ?” “À, bả về quê mấy hôm rồi. Mà độ rày chú không thấy con nhỏ xinh xinh hay đi chung với Hải” “Dạ, dạ Thảo đi nước ngoài rồi chú” “Vậy à. Thôi bây ăn gì gọi để chú làm. Mấy nay quanh đi ngoảnh lại có mình ên chú coi quán xá. Lo đầu tắt mặt tối” “Dạ, vậy chú cho con ly kem dừa ạ”
Tôi nhìn ly kem dừa chú Tám vừa mới bê ra, lòng nhộn nhạo khi hình dung Thảo đang ngồi đối diện. Tôi thường lấy cây bánh quế viền lá dứa màu xanh đặt vào ly kem của nàng. Tôi bao biện mình không thích ăn bánh ngọt. Kỳ thực vì tôi thấy cây bánh nằm lẻ loi nhìn trơ trọi quá, đặt như vậy cho chúng còn có cặp có đôi.
Một mình tiếp tục lê la trên các ngõ phố, rạp ciné những ngày trong tuần mới thưa thớt làm sao. Trái lại hàng quán vỉa hè thì ngày nào cũng nghi ngút khói. Tấp đại vào một quán nhậu ven đường bởi tôi thấy cồn cào trong dạ chẳng muốn bước thêm.
“Nhóc uống gì. Ở đây chị có coca, xá xị, 7up” Chị chủ quán niềm nở kéo ghế mời tôi “Cho em bia ạ” Tôi nhìn chị “Hả, nhóc giỡn hoài. Con nít mà uống bia gì” Chị cười. Nụ cười phúc hậu của người đàn bà buôn gánh bán bưng bất chợt làm người ta no lòng ấm dạ. Sau này có vài lần tôi ghé lại thì thấy quán đã sang tay. Từ độ ấy tôi không còn bắt gặp nụ cười ấy nữa. “Em nói thật mà. Chị cho em bia với một con mực nướng nha” Tôi mỉm cười đáp lại nụ hòa lành của chị “Ờ…ừm, vậy nhóc đợi chí xíu. Có liền” Chị thoăn thoắt tiến lại sợi dây treo đủ loại khô được mô phỏng như cái dây phơi đồ thu nhỏ. Trong chốc lát chị bê ra một đĩa khô xé sợi và vài ba chai bia để sẵn trên bàn “Em cảm ơn ạ”
Người ta bảo cách nhanh nhất để xoa dịu nỗi cô đơn là tìm phương mụ mị trong những cơn say khướt. Khi đầu óc trở nên chếnh choáng, kí ức của người ở lại trong một khắc nào đó chợt ngoan ngoãn an yên. Thế giới này bỗng dưng rộng lớn quá, người ta cứ lướt qua nhau không màng đến cảm giác của kẻ chịu những vết hằn. Sẽ có những cuộc tình muôn đời rỉ máu dầu cố khỏa lấp bằng những ký ức của kẻ si mê. Chỉ có hạnh phúc thật sự mới phần nào xoa dịu nỗi đau trong tấc lòng của người ở lại.
Bia cạn. Chủ quán lại từ chối bán cho tôi.
“Nhóc say rồi” Chị quả quyết. “Dạ, dạ hình như vậy” Tôi gãi đầu cố nhướng mắt nhìn chị rồi thanh toán ra về
Chỉ mới hơn tám giờ vài phút. “Còn sớm chán” Tôi nghĩ. Tôi vẫn chưa muốn về nhà. Tôi sợ bắt gặp những món quà được tặng, tôi sẽ lại càng nhớ nàng quay quắt. Những tán điệp vàng trồng dọc bên đường cứ xì xào những thanh âm vọng về từ khoảng không nào dường như xa lắm. Từ một tiệm thu mua đồng nát, chiếc radio nho nhỏ màu xám bạc đặt bên cạnh một người mái tóc hoa râm cũng bắt đầu rên rỉ những âm điệu thê lương của tấn tuồng đầy hoài niệm.
------------------------ _Triệu Quân Tường : Tiểu Loan, Mai Tiểu Loan _Mai Phi : Đừng! Tôi xin ngài đừng gọi tên tôi nữa. Ngài muốn thương hay ghét tôi cũng được. Nhưng xin ngài hãy để cho tôi yên. Ngài không thấy sao, đời của tôi bây giờ đâu còn là xuân nữ của thôn Hoàng Hoa lặng lẽ mà là của hoàng cung rực rỡ muôn màu. Ngày ngày trang điểm xiêm y, tối tối nằm bên mình chúa thượng. Câu chuyện tình năm cũ tôi đã quên rồi và xin trả về cho thôn lạnh Hoàng Hoa. _Triệu Quân Tường : Lệnh bà! Lệnh bà ác lắm! Nhưng Quân Tường này mãi mãi chẳng quên ai. Chỉ xin được hầu hạ lệnh bà như một tên quân hầu trung tín. _Mai Phi : Ngài cứ việc lo cho tròn bổn phận của ngài là hơn. Xin ngài nhớ cho tôi không muốn nghe lại chuyện ngày xưa. _Triệu Quân Tường : Mai Tiểu Loan… ------
Tôi lê bước trên những cung đường vô định, bất chấp dầu lạ hay quen. Vài ba bác xe ôm chầm chậm ngỏ ý. Tôi nguầy nguậy lắc đầu từ chối những cuốc xe. Đến công viên gần nhà cho khuây khỏa, tôi dự ý sẽ ngồi một lát cho hơi thở báng bớt mùi bia rồi mới về nhà. Ở chiếc ghế bên cạnh, lờ mờ thấy một người đang ngồi ngủ gật. “Bộ không sợ mất xe hay sao” Tôi nghĩ thầm khi thấy chiếc xe được dựng bên hông ghế. Người ấy đột nhiên tiến lại đứng đối diện tôi, điệu bộ có phần lúng túng. Cơn nôn thốc tháo bất ngờ xảy đến, tôi choáng váng đến độ ngã rạp xuống nền gạch.
“Hải, Hải. Em bị sao vậy Hải” Vai tôi được giữ lại bởi đôi tay của người ban nãy. Nhưng lạ thay, sao gã lại biết tên tôi? Giọng nói đó hình như là… “Bỏ ra” Tôi vùng khỏi tay Sơn “Em sao vậy Hải, em uống bia hả” Sơn vẫn cứ giữ chặt dù tôi cố ra sức vẫy vùng. Tôi thấy mắt mình bỗng cay cay. “Nhìn đáng thương và tội nghiệp lắm đúng không” Tôi áp lưng ngửa đầu vào thành ghế để nước mắt không chảy thành dòng.
Sơn yên lặng nhìn tôi
“Hết rồi. Mất hết rồi. Không còn gì nữa” Tôi nghẹn ngào nấc thành tiếng. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén trong lòng như đồng loạt vỡ òa trong cùng một khắc một giây.
Sơn ngồi sát lại, đặt tôi tựa trên vai
“Còn có anh mà Hải. Đừng như vậy nữa được không”
Tôi thiu thiu nhắm mắt. Từng làn gió thổi như cắt cứa thịt da. Đôi môi chạm vào vật gì âm ẩm. Tôi mở mắt ngồi dậy, lấy từ tay Sơn mảnh khăn còn đang lau dở.
“Tui tự làm được rồi” “Sao lại thích con trai?” Tôi hỏi nhưng không dám đối mặt với người bên cạnh “Anh không biết. Chỉ là lúc nào cũng nghĩ về em. Anh biết mình không yêu ai được nữa” “Nhưng tui là con trai” “Anh biết. Nên anh…nên anh mới không dám nói” Người ấy ngập ngừng quan sát phản ứng trên khuôn mặt tôi. “Làm bạn không được sao. Đâu nhứt thiết phải là người yêu” “Là tại anh. Tại anh sợ mất em, một lần nữa”
Hai chúng tôi im lặng không nói với nhau câu nào nữa. Bầu không khí đêm nay thật ngột ngạt. Sắc trời bầm bầm màu huyết dụ làm mất dạng lẫn cả trăng sao. Không gian tĩnh mịch đến độ tôi có thể nghe rõ mồn một từng nhịp thở của người bên cạnh. Thỉnh thoảng đâu có trong đám cây trước mặt lại có tiếng rúc rỉ của đám côn trùng chờ đợi trận mưa cuối mùa.
“Đi ăn gì đi” Tôi lên tiếng phá vỡ bầu không khí đang bị đóng băng “Em muốn ăn gì. Anh chở đi” “Gì cũng được” Chống tay lên mặt ghế rồi từ từ nhấc mình dậy, tôi tiến đến ngồi trên sườn xe.
Chiếc xe cứ thế lăn đều trên các ngõ phố. Hàng quán giờ này đa phần đã đóng cửa. Tôi vật vờ nép vào khuôn ngực của người sau lưng.
“Giờ này chắc người ta nghỉ hết rồi” Tôi nhìn hai bên đường, cố tìm một quán ăn đang còn hoạt động “Để anh chạy qua đường khác thử” Sơn bẻ lái rẽ sang bên trái
“Ào…ào”. Trời đột ngột trút mưa nặng hạt. Tiếng sấm gào cùng gió thét mỗi lúc một dày đặc hơn. Anh tăng tốc tìm một mái hiên trú vội. Chúng tôi nhìn nhau cười, cả hai đều ướt sũng.
“Đợi anh tí xíu” Sơn đá chống xe rồi chạy sang phía đường bên cạnh. Tôi thấy lờ mờ ánh đèn dây tóc lóe ra từ phía đối diện nhập nhòe vào mưa như những hoa văn kỷ hà đăng đối.
“Em ăn đi” Sơn trở lại với ổ bánh mì giấu trong ngực áo. Anh lấy tay gạt nước mưa rồi xé túi giấy chặm trên chóp bánh. “Cảm ơn…anh” Tôi bối rối nhận lấy. “Anh không ăn sao?” “Em ăn đi, anh không đói” “Nè, tui ăn không hết đâu” Tôi bẻ đôi ổ bánh đưa Sơn. Anh lắc đầu từ chối. Tôi kiên quyết dí vào tay anh. Anh lúng túng nhận lấy. “Mưa lớn vậy không biết khi nào mới tạnh” Sơn đưa tay ra mái hiên nghịch đám mưa đang xối xả ngoài trời. “Em về trễ có bị la không?” “Tui xin phép bố mẹ rồi. Chắc không sao đâu” “Còn anh, có giới nghiêm không?” “Có, nhưng bị la riết nên quen rồi, hì hì” Sơn nhìn tôi cười. Lần đầu tiên tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Trong đôi mắt ấy có sự ngô nghê nghịch ngợm của chú nhóc con trốn học nhưng sợ bị bố mẹ phát hiện phạt đòn. “Tự nhiên muốn trốn đi đâu đó thật xa. Càng xa càng tốt” Nhìn làn mưa mỏng dần, tôi nói bâng quơ trong vô thức. “Anh xin lỗi, tất cả mọi chuyện gây ra cho em” “Chuyện qua rồi. Thảo cũng đi rồi. Có trách cũng được gì đâu” “Xin lỗi em” “Trời cũng sắp tạnh mưa rồi đó. Về thôi” Tôi vỗ vai Sơn.
Tôi biết anh đang rất khó xử. Bản thân tôi cũng thế. Thôi thì cứ bình thường mối quan hệ lại như trước kia, xem như cùng cho nhau cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Anh dẫu có sai thì tôi cũng chẳng đúng. Từ tận đáy lòng thật tình xin lỗi, anh bạn chí thành của tôi.
|
[ĐỔI GIÓ]
Mối qua hệ giữa tôi và Sơn dần trở nên bình thường trở lại. Chúng tôi ít đề cập đến chuyện yêu đương của tuổi mới lớn. Thay vào đó chúng tôi nói về những hoài bảo, những dự định tương lai, những hướng đi mà cả hai đã chọn. Anh muốn trở thành doanh nhân nối nghiệp gia đình, còn tôi sẽ là một nghiên cứu sinh suốt ngày vùi đầu vào GMO và lai tạo tế bào. Sơn hay đùa khi nào khảo cứu thành công thì lai giúp anh một thằng bé giống tôi lúc nhỏ. Anh sẽ gọi nó là “Biển”.
“Thế thì mốt em lấy vợ sẽ cho anh một đứa” Tôi cười ranh mãnh nhìn anh. Mặt anh thoáng chút ngẩn ngơ. “Vậy phải xin luôn hai đứa để có anh có em” Anh tặc lưỡi “Trời, sao anh khôn vậy. Con nối dõi mà anh xin một lần hai đứa” “Thì đúng rồi, lỡ xin phải xin cho đáng chứ” Anh đưa tay phủi phủi đám bụi trên mặt ghế rồi kéo tôi ngồi xuống.
Hoàng hôn Sài Gòn hiếm hoi lắm mới thấy được cả vầng dương. Ánh tà huân như những dải băng rực rỡ phủ rạp trên vai, tóc, xóng áo của dòng người qua lại. Tôi ngả lưng vào thành ghế, ngước mắt lên thật cao, tìm đâu đó những cánh chim rẽ đàn bay về hướng khác.
“Không biết bây giờ mọi người đang ở đâu” “Em hỏi ai?” “Mấy đứa ở xóm cũ” Tôi lục đâu đó trong mớ ký ức hỗn độn, nhớ vu vơ về những lẫn trốn mẹ cùng mấy đứa trong xóm tắm hết cả trận mưa, về nhà ăn mấy đòn roi mà cứ xuýt xoa lần sau không như vậy nữa. Tôi cười. Bỗng da diết muốn mình nhỏ lại. “À thằng Nhựt có về vài lần rồi không thấy tăm hơi nó nữa. Còn mấy thằng kia theo gia đình đi nước ngoài hết rồi. Nghe nói nhà có người bảo lãnh” “Vậy cuối cùng chỉ còn em với anh nhỉ” Tôi khui lon xá xị trên tay ngửa cổ uống ực. “Ừm” Anh gật đầu. Tay đón lấy lon nước tôi đang uống dở. “Chú ơi mua dùm con một gói sing-gum nha chú” Một thằng nhóc độ chừng sáu bảy tuổi tiến lại nài chân Sơn. Anh trố mắt nhìn nó rồi lắc đầu từ chối. Tôi nắc nẻ cười nhìn anh. “Thôi không mua đâu nhóc” “Anh ơi, anh năn nỉ chú mua giúp em nha” Thằng nhóc đi lại cạnh tôi, vẻ mặt khẩn thiết. “Hả, ờ…ừm để anh nói chú đó mua dùm em” Tôi bụm miệng khều vai anh. “Nè nhóc, cho ba gói” Anh móc ví trả tiền. Thằng nhóc hớn hở cầm lấy. Hy vọng bữa cơm chiều nay thằng nhóc có thể thịnh soạn hơn một tí. “Dạ cảm ơn chú, cảm ơn anh” Thằng nhóc liếng thoắng rồi nhảy chân sáo tiếp tục việc mưu sinh thường nhật. “Nè, cho em đó” Sơn đưa cho tôi một tép kẹo cao su được gói chỉn chu trong tấm giấy bạc. Vị cay cay của bạc hà tản lên sống mũi. “Cảm ơn” “Cuối tuần này đi chơi nha” Anh đưa mắt dò ý nhìn tôi. Môi anh mím lại giữ cho chiếc bóng cao su không vỡ. “Đi đâu vậy” Tôi tò mò “Đi Cấp với đám bạn anh, hen” “Hả, đi đâu anh?”
Anh cười ám muội đáp: “Vũng Tàu”
Thoáng có chút nắng, thoáng có chút gió, thoáng có chút vị nồng của muối biển thăng hoa. Sơn cùng đám bạn rú ga chạy thật nhanh về phía biển. Biền xanh lắm, sóng cứ mơn man từng đợt tấp vào dải cát vàng. Tôi khẽ đưa tay sang bên hông, gió lùa qua từng khe hở, để lại cảm giác rin rít trên da thịt.
“Giữ chắc nha Hải, anh lên ga à” Nói đoạn chiếc xe giựt bắn lao về trước. Tôi luống cuống níu lấy hông anh. “Làm gì chạy nhanh thế” Tôi thụi vào lưng anh. Anh cười sằng sặc. “Sắp tới rồi, chạy nhanh còn xuống tắm nữa” Anh cố gào thật to vì tiếng xe ù ù xé toạc không trung như chận ngang thanh quản. “Hải xuống đây nhanh lên, nước mát lắm” Đạp trên lớp sóng bạc đầu trắng xóa, Sơn nhảy cỡn lên vẫy tay tôi. Anh bất ngờ bị đám bạn phía sau nhấn nước. Anh loi ngoi đưa tay cầu cứu. “Đợi em xíu” Tôi dẫm chân trên cát chạy đến nhập bọn. Mắt Sơn cày xè vì nước biển. Ánh mặt trời chói lóa như nấu như nung những tấm lưng trần. “A! Đau quá” Tiếng Sơn thất thanh. Mọi người chúng tôi chạy đến. “Ủa mày sao vậy Sơn” Bạn chung lớp Sơn hỏi “Làm gì la làng như heo thọc tiết vậy cha nội” Một anh khác trong nhóm nói “Tao đạp trúng cái gì đau quá” Sơn mím môi, vùng nước quanh chân anh bắt đầu chuyển màu đo đỏ.
Tôi đỡ anh lên bờ. Máu cứ nhộn nhạo rỉ ra từ miệng vết cắt dài độ chừng ba phân. Tôi bối rối tìm cách để máu thôi ngừng chảy. Anh nắm chặt tay tôi bảo: “Anh không sao mà”
Thời may có trạm y tế gần đó. Các chị hộ lý giúp anh sát trùng vết thương rồi băng bó lại. Thấy tôi vẫn còn thất thần, anh nói khẽ: “Anh ổn mà”
Tôi cứ kè kè bên anh. Anh bảo tự đi được nhưng mỗi lần chân chạm đất các vết nhăn trên trán anh co rúm lại.
“Coi như trả nợ lúc em bị trật chân” Nói đoạn tôi tiến đến choàng lấy vai anh. Ép sát thân mình làm điểm tựa. Người anh bỗng run lên, tiếng anh đứt đoạn “Cảm…cảm ơn em”. “Đói bụng quá, thôi đi kiếm gì ăn đi” Anh cao khều trong nhóm lên tiếng “Đi ăn bánh khọt đi, thèm quá” Một anh khác nói “Ăn xong lên tượng thánh George chơi đi” Anh cao khều đề xuất
Sơn trợn mắt nhìn con người dã tâm vừa mới thốt ra lời nói ấy. Anh định tiến tới đá thốc vào anh cao cao kia nhưng chợt nhớ ra chân mình đang quấn vòng bởi tấm gạc trắng phếu. “Ê mày giết người không gươm dao hả thằng kia”
Anh cao khều cười khoái trá: “Lâu lâu mới có dịp mà, phải hành mày một bữa” Sơn ôm trán kêu trời.
Chúng tôi ghé vào một tiệm bánh khọt mà Sơn bảo là chỗ quen. Người bán mồ hôi nhễ nhại múc từng vá bột đổ vào khuôn. Đôi tay thoăn thoắt xêp hải sản và rắc tôm cháy lên mặt. Chúng tôi ừng ực nuốt nước bọt khi đĩa bánh thơm nức mũi vừa được mang ra.
“Ăn từ từ thôi, mắc nghẹn bây giờ” Sơn nói. Anh giúp tôi cuốn miếng bánh vào rau sống. Tôi vụng về làm rách chỗ này làm lõm chỗ kia. Đành bất lực nhìn anh. Anh vươn tay xoa xoa lên đỉnh đầu tôi. “Em đang đói bụng mà” Tôi đón lấy cuốn rau từ tay anh, ngấu nghiến tiêu hóa. “Cho em nè nhóc” Anh cao khều gắp bỏ vào chén tôi một chiếc. Sơn lọt chọt gắp ra bỏ vào chén anh. Anh cao khều nhìn Sơn khó hiểu. “Thằng Hải thích cuốn trong rau à” Sơn nhanh chóng tiêu hóa chiếc bánh lạ kia rồi cuốn cho tôi bằng chiếc bánh cuối cùng trong đĩa. Tôi nhìn anh khó hiểu. “Em no rồi” Tôi lắc đầu từ chối “Ăn đi, không ăn anh buồn à” Sơn lấy gối cạ vào chân tôi. Tôi bối rối rụt chân lại. “Không, em no rồi mà” Tôi xoa bụng quả quyết “Giờ ăn không, không ăn anh cho đi bộ về à” Anh ho khan vài tiếng. Phí xe ôm từ Vũng Tàu về thành phố chắc cũng ngốn hết tiền quà sáng mấy tuần. Tôi đành trệu trạo nuốt khi bị anh uy hiếp.
Chúng tôi chầm chậm chạy về phía Sài Gòn. Tôi biết chân anh còn đau nên bảo anh để tôi cầm lái. Lúc đầu anh còn từ chối, nhưng trước sự cứng đầu của tôi, anh đành lầm lũi ngồi ở yên sau.
“Em chạy từ từ thôi Hải, nguy hiểm quá” Anh lèng èng khi tôi cố vượt mặt một chiếc xe khác, mặc dù tốc độ chẳng khác anh là bao. Anh luyên thuyên một hồi rồi trở nên im bặt. Tiếng anh thở đều, chậm rãi, an yên từng làn hơi một. Anh ngả vào lưng tôi rồi ngủ tự lúc nào.
“Tới nhà chưa Hải” Anh lè nhè ngái ngủ khi xe dừng đèn đỏ “Chưa. Ngủ đi, gần đến em gọi” “Ờ, vậy anh ngủ tiếp à. Em chạy cẩn thận đó” “Biết rồi. Nhột quá, anh ngồi yên xem nào” Anh cạ đầu vào lưng tôi rồi tiếp tục chuyến hành trình vào những giấc mơ.
|
[ĐIỀU ƯỚC]
Guồng máy thời gian cứ quay trong vô thức, chớp nhẹ mắt đã đến tết trung thu. Những năm đầu khi kinh tế gia đình còn chật vật, đến dịp này trong năm mẹ thường làm thêm bánh trung thu để bán. Chiếc lò nướng cũ kỹ được mẹ mua lại từ người sĩ quan già đang chuẩn bị lên đường theo diện HO. Mẹ tâng tiu nó như một công cụ mưu sinh nuôi sống gia đình. Tấm vải họa tiết carreau còn thừa lại sau khi thửa may áo dài tay cho bố được mẹ tẩn mẩn vắt sổ rồi trang trọng phủ bên trên. Để mỗi năm đến dịp trung thu, mẹ lại đánh thức chiếc lò bằng những mẻ bánh ngọt ngào như phết mật.
Sau này khi gia đình khá giả hơn một chút, mẹ vẫn giữ thói quen nướng bánh như một nếp gia. Mẹ không bán mà chỉ biếu xóm giềng chung quanh và những người đã cưu mang gia đình trong quãng ngày chật vật. Mẹ bảo mẹ nặng ơn với Sài-gòn, mảnh đất đã dung dưỡng và nuôi sống gia đình mẹ.
Tôi vụng về chỉ giúp được mẹ mỗi khâu tạo hình cho bánh. Cái khuôn gỗ có tay cầm với đủ loại họa tiết khác nhau. Chỉ cần thả viên phôi bánh mẹ nặn sẵn vào khuôn, ấn nhẹ vài lần, miết nhẹ vài đường ở phần rìa rồi úp lại vỗ nhẹ là cho ra đời một chiếc bánh chuẩn bị đem nướng.
Có lần tôi kể Sơn nghe về gia đình tôi, về những biến cố tưởng chừng như không vượt qua được, về những công việc mà chúng tôi đã làm để trang trải mưu sinh. Đến đoạn làm bánh trung thu, anh thích thú ra mặt. Tôi hứa khi nào đến trung thu sẽ mời anh đến nhà để cùng làm bánh.
Suốt cả tuần rồi tôi cứ thẫn thờ như người mất hồn. Cảm thấy thiếu thứ gì đó, nhưng nhìn quay quắt chẳng biết bản thân cần gì. Hơn cả tuần rồi Sơn không đến lớp. Anh đi đâu đó với gia đình, một tỉnh lị nào đó ở miền Tây. Anh chỉ để lại vỏn vẹn một tin nhắn bảo anh sẽ có quà cho tôi khi trở về.
[…Hải ơi, xuống đây anh có quà cho em nè…]
Tin nhắn điện thoại đổ chuông, mới hơn tám giờ sáng một chút. Tôi lòm còm ngồi dậy rồi bước ra cửa, mắt cố nhướn thật cao để quan sát rõ người đối diện, quần tây áo chemise phẳng phiu, tay cầm giỏ trái cây thật to.
“Giờ còn ngủ hả nhóc” Sơn cố vươn tay xoa đỉnh đầu tôi. Tôi lách người tránh né. “Hôm nay chủ nhật mà” Tôi ngáp dài đưa tay vuốt lại mớ tóc bù xù chưa vào nếp. “Nè, quà cho em đó” “Cảm ơn anh” Tôi đưa ngón cái hướng về phía cửa, ra dấu mời anh vào nhà “Bố mẹ ơi có bạn con đến chơi ạ” Tôi giới thiệu Sơn với gia đình. Anh cuối đầu chào rồi chăm chú quan sát bố mẹ tôi. “Chú với dì còn nhớ con không, con là Sơn nè” Mắt Sơn rạng rỡ như mong chờ hồi ức trở về trong trí nhớ bố mẹ tôi.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, mẹ quan sát anh một lượt, từ đầu đến chân. Mẹ cười bảo với bố: “Anh nhớ ra chưa, là thằng Sơn con chị Năm ở khu xóm trọ gần nhà thờ đó”
Bố chau mày, như vừa phát hiện ra thứ gì đó lóe lên trong tấm não, trán bố đột ngột giãn ra. “A, thằng Sơn, là thằng Sơn trứng cút đúng không?”
Bố vừa dứt lời, mọi người chúng tôi được một trận cười sảng khoái. Dạo còn ở khu xóm cũ, khi ghé mua xôi ở hàng của gia đình tôi anh đều xin thêm trứng cút. Từ đó tên ‘Sơn trứng cút’ trở thành bí danh mà chúng tôi thường gọi khi nhắc về anh. Lúc nhỏ anh lém lỉnh, hay bày trò phá phách nên mọi người thường gắn tên anh với những biệt danh như ‘Sơn siêu quậy’ hay ‘Sơn đầu xỏ’, chỉ mỗi gia đình tôi gọi anh bằng thứ mật danh mà sau này nhắc đến anh lại hả hê cười. Anh bảo không hiểu tại sao ngày xưa chỉ thích mỗi trứng cút. Có lẽ vì thời ấy mọi thứ còn thiếu thốn, cái trứng cút bé xíu bỗng dưng trở thành linh hồn của mỗi gói xôi.
“Lâu rồi con không gặp mọi người. Chú với dì có khỏe không ạ?” “Chú với dì khỏe. Cảm ơn con. Bố mẹ con khỏe chứ?” “Dạ ba mẹ cũng khỏe” “Ra dáng đàn ông ghê ha. Có gia đình gì chưa con?” Bố cười trêu anh “Dạ con có để ý thương mà người ta không chịu. Con rầu quá chú ơi” Sơn quay sang nhìn tôi rồi liến thoắng trả lời. “Tụi con lên phòng lên phòng tí xíu. Khi nào làm bánh mẹ nhớ gọi con nhé” Tôi hấp tấp kéo tay anh lên cầu thang vì sợ bố mẹ biết người thứ ba trong câu anh nói.
“Hải à, phòng em nhiều sách quá” Anh tiến lại giá sách cạnh cửa, tay lướt dọc theo những gáy sách như nghệ sĩ đánh dương cầm. Có quyển sách nằm trơ trọi một góc giá, bên cạnh là một ống giấy ngả màu được thắt lại bằng mảnh ruban. Anh chầm chậm nhấc ra, giở từng trang một.
“Em vẫn còn giữ?” Anh nhìn tôi. Mắt anh chất chứa thật nhiều cảm xúc. Có cả vui lẫn buồn. Tôi chỉ gật đầu không đáp. “Nhớ lúc nhỏ anh hay đọc cho em nghe. Nhưng sau này học hết lớp một rồi em tự đọc hết cả quyển luôn đó” “Giỏi” Anh cười, xoa xoa đầu tôi. Cứ như thể anh mới học lớp ba còn tôi thì tập tễnh bước vào tiểu học.
“Thôi anh làm gì thì làm đi. Em đi ngủ tiếp à” Tôi nhanh chóng chui vào trong chăn. Trùm kín mặt. Phía bên trên có thứ gì nặng trịch đổ rạp. Tôi la í ới nhưng anh vẫn kiên quyết không chịu nhấc người. “Con mèo lười kia, mấy giờ rồi mà còn ngủ nướng” Anh cố sức kéo chăn khỏi người tôi. Tôi vung chân đạp loạn xạ. “Kệ em. Có ngủ nướng đâu. Em ngủ thêm giấc nữa mà” Tôi cố lật người để thoát khỏi bị thịt hơn nửa tạ. Tôi càng cố vùng vẫy, anh càng ép chặt người hơn. Cho đến khi tôi cảm thấy lồng ngực mình phập phồng theo hướng nhanh dần đều bất định.
Meo…meo
Đột nhiên anh nhảy khỏi người tôi. Tôi giở chăn thì bắt gặp một khuôn mặt đang cảnh giác với đối tượng vừa phát ra tiếng kêu ban nãy.
“A, Tiểu Hổ” Tôi vơ tay ôm choàng lấy cậu trai có bộ lông vàng như mỡ gà. Cậu hưởng ứng chồm đến cọ vào má tôi. Bộ ria mép trong veo như những sợi cước làm tôi nhồn nhột, nhấc bổng cậu lên hướng về phía Sơn. Định dạ giới thiệu với anh thành viên bé tí của gia đình nhưng anh giật mình lùi ra sau mấy bước.
“Anh…anh sợ mèo. Đừng cho nó tới gần anh” Anh lắp bắp bảo ngày xưa anh bị mèo cắn làm anh phải đi chích ngừa mấy mũi đau điếng. Cho đến giờ anh vẫn còn ám ảnh với loài động vật lắm lông này. Sơn xắn áo cho tôi xem vết tích một lần lỡ dại chọc mèo nhà hàng xóm. Tôi vừa buồn cười vừa tội nghiệp anh.
“Tiểu Hổ nhà em hiền khô à. Không cắn đâu. Không tin anh sờ thử xem” Tôi dí con mèo lại gần anh. Anh hốt hoảng bỏ chạy ra phía cửa.
“Hải ơi mẹ chuẩn bị xong rồi” Tiếng mẹ từ dưới bếp vọng lên. “Dạ con xuống ngay ạ”
Tôi thả cậu trai lắm lông còn mơ ngủ xuống sàn. Ra phía cửa đã thấy Sơn xuống được nửa cầu thang. Mắt anh e dè nhìn tôi. Tôi cười. Chắc anh sợ tôi sẽ giở trò với anh như lúc nãy.
Dưới bếp mẹ bày đủ thứ bánh mứt trên khay. Sơn bảo nhìn giống chơi trò bán quán. Nào mứt bí, mứt gừng phủ lớp bột đường trăng trắng. Các loại hạt dưa, hạt bí cũng tự tay mẹ rang rồi bóc vỏ hơn nửa ngày trời. Bố tỉ mẩn bóc từng lòng đỏ trứng muối, cẩn thận rưới chút rượu cao độ lên trên rồi đem hấp cách thủy. Tôi kéo Sơn lại gần khối bột màu trà đang phơi mình trong không khí. Bột ngậm đủ dầu nên trở mềm và bóng lưỡng. Sơn thích thú ấn mấy ngón tay, để lại trên mặt bột những lõm tròn tròn.
“Nè, cho anh đó” Tôi chuyền cho anh tấm thớt đã phủ một lớp bột mịn và một ống gỗ hình trụ vát nhỏ hai đầu. Anh đưa ngang mặt, tăm tia hồi lâu. “Cái gì vậy Hải” Anh thắc mắc “Là cán lăn bột. Bình thường việc này của em nhưng bữa nay anh được hưởng soái đó” Vừa nói tôi vừa giúp anh thoa lớp bột mỏng lên thành cán. Đám bột mịn cứ lờn vờn bay rồi đáp lại trên tóc anh một màng trắng xóa. “Đây em chỉ cho, nè, anh phải làm giống vậy nè. Phải rắc thêm bột khô vào để không bị dính thớt” “Rồi, anh làm được rồi nè. Thấy chưa. Mà sao nó méo xẹo vậy” Sơn săm soi miếng vỏ bánh đầu tiên anh cán, mày anh cau lại vì hình dáng không đúng như yêu cầu. “Anh phải lăn đều các mép thì vỏ bánh mới tròn được” “Ờ…ừm để anh thử lại” Sơn lại hì hục tịnh tiến cây lăn. Mắt anh chăm chú quan sát từng chuyển động một.
Những chiếc bánh cuối cùng đã nằm trọn trên khay. Chúng tôi ngồi xung quanh bàn thưởng thức túi trà mạn người quen biếu bố. Chốc chốc mẹ lại mở cửa lò, phết lên mặt bánh chút lòng đỏ trứng đã đánh tan. Mùi bánh thơm lừng làm dậy động cả một gian bếp.
“Bố mẹ cho con về trường cũ chơi nha” “Con đi cùng với anh Sơn à” Bố hỏi “Dạ, ở trường cũ con người ta rước đèn vui lắm bố” Tôi thích thú kể “Ừm, con đi đứng cẩn thận đó”
Sơn đèo tôi trên chiếc xe đạp qua nhiều ngõ phố. Tôi than ngồi xe anh lúc nào cũng làm tôi ‘u mê’. Anh cười sằng sặc bảo: “Em ngồi nhiều sẽ tự dưng hết ê à”. Sơn tấp xe vào một hàng bán bánh trung thu trên đường mua tặng tôi chiếc đèn lồng máy bay bằng giấy bóng kính. Tôi ngượng ngùng từ chối, anh quả quyết đó là tấm lòng của anh, buộc tôi phải nhận.
Lâu rồi tôi chưa trở lại, trường tiểu học ngày ấy giờ đã đổi thịt thay da. Những lớp ngói nâu xỉn màu được thay bằng những viên ngói đỏ. Những mảng tường bong tróc phủ rêu nay đã được tô tô phết phết bằng thứ sơn có thể che lấp những vết thâm trầm.
Từ phía cổng trường đã nghe râm ran tiếng trẻ con hát. “…Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng…” Đằng xa có hai cậu nhóc hốt hoảng chạy lại. Đứa chạy trước va vào tôi rồi luống cuống xin lỗi. Nó đánh rơi túi kẹo trên tay, toan quay lại nhặt thì đứa còn lại vụt lên hô lớn: “Bỏ đi mày, chạy, chạy nhanh lên”. Chen ngang tiếng hổn hển của chúng là tiếng xồng xộc chạm đất của đôi chân đường bệ: “Mấy thằng kia, đứng lại”
Tôi lò dò ra phía sân sau vì muốn biết mọi thứ sau bao năm đã thay đổi nhiều đến thế nào. Có vẻ như mọi thứ đều mới, chỉ cây lim xẹt già sừng sững thách thức với tháng năm. Anh kéo tôi ngồi xuống ghế đá dưới gốc cây. Anh thắp nến chiếc đèn lồng hình máy bay rồi rút cây sáo bên hông thổi vang bài “Rước đèn tháng tám”. Anh bảo tôi ước đi.
Tôi trố mắt nhìn anh chẳng hiểu mô tê gì. Anh bảo tôi cố nhớ thử xem, tôi đã từng nói gì khi gối đầu trên tay anh trong một ngày con trăng vành vạnh.
Lật tìm nếp gấp đã xếp hằn trên đại não. Tôi thấy đâu đó hình ảnh hai đứa nhỏ nằm trên tấm phản. Chúng hướng mắt lên phía xa xăm bên trên. Nơi có năm trăm triệu vì sao nhấp nháy như những chiếc chuông nhỏ rung lên giữa bầu trời.
“Anh Sơn biết thổi sáo không? Hôm bữa em xem trên truyền hình thấy người ta thổi sáo hay lắm. Người ta thổi đủ thứ bài hát” Cậu nhỏ hí hứng kể “Người ta thổi bài gì?” Cậu lớn tò mò hỏi “Bài Rước đèn tháng tám nè, Chiếc đèn ông sao nè, rồi bài Thằng cuội nữa, nhiều lắm mà em không nhớ hết. Ước gì anh biết thổi sáo ha” “Để chi vậy, biết thổi sáo để chi?” Cậu lớn thắc mắc “Để đến tết trung thu anh Sơn thổi cho em nghe” Cậu nhỏ cười xòa, các ngón tay nhịp nhàng xuống lên trên cây sáo tưởng tượng. “Anh không biết thổi sáo đâu, thổi sáo khó lắm” Cậu lớn thở dài thườn thượt
Cậu nhỏ nhắm mắt thiu thiu. Gió đêm vờn qua làm cậu rút vào người bên cạnh. Như chợt nhớ ra điều gì đó. Cậu ngồi bật dậy. Nhìn chăm chăm vào người đang lẩm nhẩm bảng tính cửu chương.
“Em có phải là đứa trẻ ngoan không?” “Hả, haha, làm trẻ ngoan để làm gì?” “Tại mẹ em bảo những đứa trẻ ngoan khi đến dịp tết trung thu sẽ được chị Hằng ban cho một điều ước” Cậu nhỏ nói thật khẽ “Sao chị Hằng biết được mình ước điều gì?” Cậu lớn gãi đầu thắc mắc “Em cũng không biết nữa. Hay là…,à, ước gì mình có lồng đèn hình máy bay. Lúc đó mình sẽ nhờ máy bay mang điều ước của mình bay lên trời. Thế nào chị Hằng cũng nhận được” Cậu nhỏ nét mặt rạng rỡ, như vừa phát hiện ra điều gì đó hay ho lắm. Cậu lớn gật gù.
“Hải à, em ước đi”
Tôi giật mình bỗng nghe trong lòng nhộn nhạo thứ cảm xúc khó diễn tả bằng lời. Nước trong mắt chực chờ rớt, tựa hồ chỉ cần lay nhẹ nước sẽ rỉ ra thành dòng. Miệng muốn thốt ra hai tiếng “cảm ơn” nhưng thanh quản tự lúc nào đã bị chắn ngang bởi vật gì nghèn nghẹn.
Tôi đờ đẫn nhắm nghiền mắt lại theo lời anh bảo, thấy mình ngây ngô như cậu bé con đang tập tững đánh vần chữ i, t. Lướt trên môi tôi là vật gì âm ẩm. Anh chạm nhẹ môi mình rồi dừng lại chờ phản ứng từ tôi. Lồng ngực bồn chồn đập hỗn độn, người tôi run lên vì dòng xúc cảm dâng lên trong huyết quản đã đến ngưỡng phun trào. Tôi sẽ không né tránh nụ hôn từ anh. Vì tôi biết mình vừa tìm được thứ còn thiếu trong lòng.
“Anh thương em, lúc nào cũng vậy” Để tôi tựa đầu trên vai, anh vuốt nhè nhẹ mớ tóc con lún phún hai bên trán. “Thương em khổ lắm. Anh không sợ bị dị nghị sao?” Tôi hạ giọng. Bất chợt nghĩ đến tương lai đầy chông gai phía trước. “Anh không quan tâm, chỉ cần em bên anh là được” Anh cười, nắm chặt lấy tay tôi. Cứ như sợ tôi tan vào không trung rồi biến mất. “Chả biết bánh trung thu năm này có khác gì mấy năm trước không ha?” “Tất nhiên là khác rồi, có tâm huyết của anh trong đó nữa mà” “Ghê chưa. Vậy thôi mình về nha, chắc bố mẹ đang chờ ở nhà đó”
Tôi nhổm người hôn lên má anh rồi chạy thật nhanh về phía trước. Anh í ới chạy theo, ấm ức trách tại sao tôi dám hôn lén anh, tại sao hôn anh mà không báo trước, tại sao lại hôn bất ngờ như vậy. Tôi xoay đầu ra sau thì bắt gặp nụ cười hạnh phúc của người đang cố phóng những sải chân thật xa. Tại sao tôi lại làm vậy ư? Ngay chính tôi cũng chẳng thể cho mình câu trả lời thỏa đáng.
|
[ MÙA VỌNG ]
Bên trong căn phòng bằng gỗ thoảng mùi nhựa thông, tôi rúc mình trong chăn tận hưởng cơn lạnh cuối năm của trời đêm Bảo Lộc. Nhìn xa xa ngoài song cửa, một góc giáo đường đang nhấp nháy như bầy đom đóm ăn đêm. Người ta đã thả xuống mảng tường vôi những dây đèn đủ màu đủ sắc.
Chủ ngôi nhà này cũng bắt đầu trang trí cây thông. Sáng nay sau khi kết thúc buổi học ngoại khóa, cả đám chúng tôi hồ hởi phụ giúp chủ nhà bày biện mọi thứ chờ đón Giáng Sinh về. Từ ngoài cửa chính, âm điệu du dương của bản Silent Night khe khẽ vọng vào. “Đêm nay im lặng thật” tôi thầm nghĩ.
“Hải à, em ngủ chưa” Tiếng Sơn vang lên trong loa điện thoại làm đôi mí mắt chuẩn bị sụp xuống bất giác nảy lên “Chưa, em chưa buồn ngủ” “Trên đó có lạnh không, em có mặc thêm áo khoác không?” “Hì hì trên này cũng không lạnh lắm” Tôi hớp một ngụm trà gừng đặt cạnh giường, sụt sịt mũi. Tay với lấy chiếc áo len anh dúi vào ba lô khi xe chuẩn bị lăn bánh. Anh bịn rịn vỗ lên vai tôi bảo nhớ phải giữ ấm, coi chừng cảm lạnh. “Anh nhớ em quá. Em đi lâu vậy có nhớ anh không?” Anh tiu nghỉu, giọng anh buồn buồn như bị bỏ rơi “Có mà” Tôi cố kéo dài giọng để cái người đang nhớ ấy cảm thấy an tâm “Ừm có nhớ anh là được rồi, khà khà. Thôi em yêu ngủ đi, trễ rồi đó” Anh hí hửng cười rồi cúp máy cái rụp làm tôi há hốc miệng chưa kịp phân bua điều gì.
Vài ba đứa trong nhóm rục rịch kéo qua phòng rủ đi ăn đêm. Chúng tôi kéo nhau ngồi quanh lò sưởi, lọ mọ khơi đám than rồi vùi vào trong đó mấy củ khoai được đào ban sáng. Trong lúc chờ khoai chín, một đứa trong nhóm lôi từ trong túi tấm vải bố sờn màu, bên trên vẽ lối đi dẫn đến một nơi nào đó.
“Tao tìm thấy trong lúc đào khoai” Thằng Tâm lên tiếng “Đâu, đâu, đưa tụi tao xem” Tôi và thằng Toàn chụm lại. Cả ba đứa nín thở nhìn nhau vì những hình ảnh kỳ dị vẽ trên tấm bản đồ. Cứ như hẹn trước, cả ba ngước lên quan sát xung quanh. “Giờ sao tụi bây, đi thử không?” Thằng Tâm nói khẽ “Đi thì đi, mà có ai biết chuyện này không?” Tôi đăm chiêu nhìn thằng Tâm “Tao nghĩ chắc không ai biết đâu. Hồi sáng sau khi đào được dưới luống khoai, tao mở ra xem rồi nhét vô túi liền”
“Tao thấy ớn ớn sao đó tụi bây. Tại sao hai bên lối đi lại có nhiều mộ vậy” Thằng Toàn chỉ vào tấm bản đồ. Tôi nhẩm đếm có đến mười hai gò đất nhô lên. Bên trên mỗi gò đều có hình thập tự giá. Tôi thoáng rùng mình khi nghĩ đến hầm mộ của Tần Thủy Hoàng bên đất Trung Hoa.
“Có khi nào người ta chôn xác chết ở đây không?” Tôi e dè nhìn về cánh cửa có tay nắm bằng đồng bên hông lò sưởi. Thoạt nhìn cứ tưởng đây là cái tủ gỗ được đóng âm tường theo phong cách trang trí tối giản kiểu Âu châu. Nhưng đến khi mở ra mới thấy được bên trong là một mật đạo tối om tách biệt với sự sống bên ngoài.
“Sao tụi bây, đi không? Tao nghĩ người ta vẽ mấy ngôi mộ là để dọa mấy đứa tò mò như tụi mình thôi. Chắc là phải có cái gì bí mật được giấu trong đó người ta mới vẽ bản đồ kỹ càng như vậy. Biết đâu là kho báu” Thằng Tâm mắt sáng rỡ, nó lấy đèn pin trong túi soi thẳng vào phía đường hầm. Một dải tường gạch bỗng chốc hiện ra.
Chúng tôi khom người đi vào phía bên trong. Cánh cửa gỗ chưa tới một thước khẽ khàng khép lại. Sự tò mò đã thôi thúc cả ba bước vào mật đạo trải dài như loài trăn đất luồn mình trên đồi núi vùng cao.
Đoạn đầu đường hầm được xây bằng thứ gạch ống nung quá lửa, bề mặt chúng nhẵn mịn, xem xém màu than chứ không đỏ hồng như gạch xây nhà. Những đoạn sau được trát xi-măng, làm đường hầm càng trở nên âm u và lạnh lẽo khi da thịt chạm vào.
“Ê tụi bây, có gì trên tường nè” Thằng Toàn giữ tay Thằng Tâm lại, ánh sáng đèn pin rọi vào một bức phù điêu chạm nổi.
Một người đàn ông bị treo ngược trên thập tự giá bất giác hiện ra. Chúng tôi hốt hoảng đứng nép vào nhau. Đôi mắt trên bức phù điêu ấy như hướng thẳng về phía chúng tôi, một ánh nhìn dò xét như thể đang đối diện với những kẻ đã xâm phạm vùng cấm địa của quỷ thần. Vị trí bức phù điêu trùng khớp với ngôi mộ đầu tiên trên tấm địa đồ. Thằng Tâm nuốt nước bọt cái ực rồi đọc dòng chữ nghệch ngoạc phía dưới ngôi mộ: “Lòng tín cẩn”
“Làm sao bây giờ, đi tiếp không hay tụi mình quay ngược trở lại” Tôi cố xoay hướng khác tránh né ánh mắt lạnh lẽo trên tường “Thôi lỡ rồi đi tiếp luôn đi tụi bây” Thằng Tâm nói
Cả ba chúng tôi cứ thế lò dò về phía trước. Có những đoạn đến hai, ba ngã rẽ, chúng tôi khựng lại nghiền ngẫm hồi lâu rồi mới dám đưa chân tiến về phía trước. Gần mảng tường phía dưới rớt lả tả mấy bông hoa cà phê còn tươi, một tấm phù điêu người đàn ông bị trói gô với đôi mắt buồn bã bị bắt gặp dưới ánh đèn. “Sức mạnh” Thằng Toàn nhìn vào tấm bản đồ đọc khẽ.
“Sự xét đoán”, “Lòng tin yêu”, “Sự nhiệt thành”… lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi, đối nghịch với ngôn từ trang trọng ghi trên tấm bản đồ là những phiến bia phô bày cái chết thảm khốc của mười hai người đàn ông vận trang phục hiền triết.
Ở cuối đường hầm là cánh cổng được khảm bằng kính màu với đủ các hoa văn thường dùng trong kiến trúc nhà thờ. Kế bên tay nắm cửa là dòng chữ được khắc nắn nót như người ta thường thấy trên thân bút Hero, “Địa Đàng”.
Tôi đưa tay gạt chốt cửa, sau tiếng lách tách là khoảng không bao la đầy cỏ và hoa như đúng với tên gọi “Địa Đàng” mà ai đó để lại. Một triền đồi đầy những bụi hoa đặc trưng của miền ôn đới, chúng e ấp cúp vào đám lá non như chuẩn bị đánh một giấc dài. Phía trên triền dốc là một ngôi nhà tạm bợ được dựng bằng tre, ánh sáng men theo những khe hở giữa thân cây hắt ra phía ngoài.
Chúng tôi lần mò bước lên những gờ đá, cả ba nheo mắt nhìn vào phía trong. Như dự cảm sự an yên đang bị quấy rầy bởi đôi ba người lạ. Người đàn ông lập tức dụi điếu thuốc xuống cái gạt tàn rồi đi nhanh về phía cửa.
“Ai đó” Người đàn ông cảnh giác hỏi. Ông giật thót mình khi phát hiện ba đứa nhóc hồi rạng sáng còn lẽo đẽo theo hỏi ông nào là điều kiện thổ nhưỡng vùng này, đặc tính sinh trưởng của cây cà phê, tập quán sinh sản của loài ong mật.
“Trời! Sao mấy đứa lại ở đây” Ông thốt lên “Dạ…dạ…dạ tụi cháu…” Thằng Tâm ngập ngừng “Sao mấy đứa lên được đây?” Ông lại tiếp
“Dạ…dạ tụi cháu tìm được tấm bản đồ. Trên đó vẽ đường dẫn đến đây. Tại tụi cháu tò mò nghĩ là sẽ tìm được kho báu. Hóa ra…” Thằng Toàn giơ tấm bản đồ về phía chủ nhà, mặt nó tỏ vẻ thất vọng.
“Ha ha, đâu đưa ta xem tấm bản đồ của tụi cháu. Quả nhiên là nó mà. Trời ơi! Ngót nghét cũng mười tám năm rồi” Người đàn ông cười khi thằng Toàn đề cập đến tấm bản đồ, nụ cười ấy trở nên khô khốc, tắt ngủm như người ta thổi phụp ngọn nến giữa đêm đông. Ông cầm tấm vải bố xỉn màu trên tay. Nước trong mắt ông bắt đầu ứa ra hai bên tuyến lệ.
“Ông bị làm sao vậy, ông không khỏe hay sao ạ. Hay là tụi cháu đưa ông về nhé” Tôi nhanh chóng đề nghị khi bàn tay của người bên cạnh cứ run lên, còn đôi chân tựa hồ như đang khụy xuống.
|