Lữ Trình Chim Cánh Sắt
|
|
Lữ Trình Chim Cánh Sắt wilsonbui211 @yeucontrai forum
[ DI TRÚ ]
Hà Nội vào Đông tiết trời trở lạnh, mùi dìu dịu của những chùm hoa sữa cuối mùa cũng chẳng thể nào xua đi thứ hàn khí điêu tàn ảm đạm khi hoàng hôn tắt lịm giữa bầu trời thủ đô. Dưới gốc cổ thụ già bao lần chứng kiến kẻ đi người ở, tôi- cậu bé vừa tròn năm tuổi, loay hoay phụ mẹ nhóm bếp nướng vài cái ngô non còn sót lại sau buổi chợ chiều đìu hiu của những hàng rau đầu chợ.
Bếp đã hồng than, thứ hơi âm ấm tỏa ra từ những cành củi khô đỏ lửa làm cái rét đầu Đông cũng trở nên dễ chịu. Vài cái bắp ngô bắt đầu cháy cạnh, tôi thèm thuồng đưa gần sát mũi, hít hà rồi ngấu nghiến ăn, ăn như thể loài chim sắp bắt đầu một lữ trình dài chẳng hẹn lần tái hồi vĩnh viễn.
Ngoài ngõ thấp thoáng bóng người ẩn hiện. Bố chạy vào nhà với khuôn mặt bối rối nhìn mẹ và tôi.
“Anh vỡ nợ rồi, em với con thu dọn quần áo đi. Tối nay phải bay vào Sài-gòn gấp” “Nhưng còn nhà cửa thì sao?” “Anh xin lỗi, anh cầm rồi nhưng vẫn không đủ tiền trả nợ. Tụi nó bảo mai là hạn chót. Anh không trả đủ số tụi nó sẽ lấy mạng em và con”
Bố ôm lấy hai mẹ con tôi, nghẹn ngào, tôi thấy trên má mình cứ lăn dài những giọt nong nóng. Tôi nghe thấy tiếng nấc bố nằng nặng vang lên.
“Bố bảo con trai phải mạnh mẽ, con trai không bao giờ được khóc mà” Tôi ngơ ngác nhìn rồi áp những ngón tay ngăn ngắn vào khuôn mặt bố. “Bố đừng khóc, con sẽ bảo vệ bố” “Bố không khóc nữa, bố xin lỗi, bố xin lỗi hai mẹ con”
Tối hôm ấy chúng tôi rời nhà với vài ba túi hành lí trên tay. Trước khi lên ô tô, tôi thấy bố cứ nhìn mãi ngôi nhà chúng tôi đang ở.
“Bố ơi, mình đi đâu vậy bố” Tôi trèo xuống ô tô khi thấy bố còn lần khần đứng lại. “Mình đi xa con à” “Vậy mình có trở về nhà nữa không bố” “Chắc là không đâu con. Thôi hai bố con mình lên xe kẻo mẹ chờ” Bố bế thốc tôi lên. Sau khi đặt tôi xuống ghế, bố còn ngoái đầu lại một lần nữa rồi mới mở cửa tiến vào.
Lần đi này tôi chỉ mang theo hai báu vật mà tôi quý nhất: một là quyển truyện chữ bố tặng hôm sinh nhật, hai là con gấu bông còn bao giấy kính mẹ bảo sẽ tặng tôi vào dịp giáng sinh. Đến phi trường tôi vẫn cứ khư khư không rời hai thứ ấy.
“Mẹ ơi, cái đó to quá, đó là gì hở mẹ” “Đó là phi cơ đó con” “Phi cơ là gì hở mẹ” “Là cái sẽ đưa chúng ta bay lên trời con ạ” “Quoa, tuyệt quá mẹ nhỉ. Nó giống như một con chim khổng lồ vậy” “Ý con là chim bằng sắt á” “Vâng ạ, con sẽ gọi nó là chim cánh sắt nha mẹ”
Mẹ gật đầu rồi bế tôi đi vào lòng chim cánh sắt. Cậu bé lên năm như tôi lại bắt đầu mơ màng về những chuyến viễn du. Tôi mơ thấy mình đi vòng quanh trái đất. Chim cánh sắt đưa tôi đến các vì sao, các hành tinh xa xôi. Tôi mơ thấy mình chạm vào mặt trăng, gặp gỡ chú Cuội và chị Hằng. Tôi mơ thấy…
|
[ DỪNG CHÂN ]
“Hải! Hải! Dậy đi con, đến nơi rồi”
Tôi mơ hồ dụi mắt khi nghe tiếng mẹ gọi. Chúng tôi đang ở một nơi chỉ toàn màu xám tối. Trong không gian ấy có tiếng côn trùng thủ thỉ râm ran, có tiếng lốc cốc phát ra từ những thanh gỗ va vào nhau không đầu không cuối, lại có tiếng người xì xào bàn tán bất giác vang lên rồi tan mất vào khoảng không nhá nhem chỉ toàn màu trăng bàng bạc. Xa xa gần cuối ngõ có vài ba chao đèn nhập nhoạng, chớp rồi tắt, tắt rồi chớp, cứ như vậy cho đến lúc đi vào cáo chung.
“Ủa bộ có người mới dọn tới hả?” Người đàn bà cất tiếng hỏi “Ừa chắc vậy” Người đàn ông nhanh nhảu trả lời “Rồi có nhà cửa gì chưa mà tới lúc tối mù tối mịt vậy cà” Một người khác chen vào “Để tui lại hỏi coi sao, điệu này coi bộ người xứ khác tới” “Ừa, bà lại hỏi thử coi có giúp gì được cho người ta không thì giúp”
Một người đàn bà hơi tròn người với khuôn miệng đo đỏ vôi trầu tiến lại
“Cô cậu mới từ nơi khác tới hả? Rồi có chỗ ăn chỗ ở gì chưa?” “Dạ tụi cháu mới từ Hà Nội vào, nghe người ta bảo gần đây có khu nhà thuê trọ nhưng tìm mãi không thấy đâu” Bố đáp lời “Ừ đúng rồi, khu nhà trọ nằm ở chỗ này chứ đâu, tại nó bị cái cây kia khuất nên cô cậu không thấy là đúng rồi, tui nói quài đó mà chính quyền nó không cho chặt” “Vậy thím có biết bà chủ nhà ở đâu không ạ, tụi cháu mới vào Sài-gòn không có họ hàng hay bà con ở đây nên vẫn chưa tìm được chỗ trú” “Tui là chủ khu trọ nè, may cho cô cậu đó nghen, hôm qua mới có đứa nó trả phòng. Nó về quê cưới vợ, nghe đâu dưới Sóc Trăng hay Bạc Liêu gì đó rồi ở rể luôn không có lên đây nữa. Thôi đi vô, tui dắt vô cho cô cậu coi phòng, hễ ưng thì cứ vô ở luôn đêm nay, còn tiền bạc thì sớm mơi hẳn tính” “Dạ tụi con cảm ơn thím”
Bố thả tôi khỏi vòng tay bố. Tôi hí hửng vác túi hành lí con con lên vai rồi lon ton chạy trước đi cạnh bà chủ trọ.
“Thằng nhóc dễ thương quá, con được nhiêu tuổi rồi” “Dạ cháu năm tuổi ạ” “Vậy là sắp sửa vào lớp một rồi hen. Con có thích đi học không” “Dạ thích, cháu thích đi học để biết chữ để đọc truyện cho bố nghe” “Giỏi, phải zậy(vậy) chứ” Bà cười xòa rồi xoa đầu tôi
Gần đến cuối ngõ, bà đi chậm lại, tay lòn vào trong túi lấy ra một xâu chìa khóa, lớn có bé có. Tôi nhìn hoa cả mắt. Bà tra chìa vào ổ đang khóa kín một căn phòng, những chiếc khóa lốc cốc leng keng va vào nhau phát ra âm thanh nghe thật thích tai. Tôi lại nhớ đến bác bán kem ốc quế hay đẩy xe ngang ngõ. Hễ nghe tiếng rung chuông là tôi biết bác đang đẩy một chiếc xe đầy ấp bán cho những cô cậu bé thích lấp đầy khoang miệng bằng những thứ ngòn ngọt lành lạnh như tôi. Tôi liếm môi, tưởng tượng những viên kem đang tan dần trong miệng. Tôi nuốt ực thành tiếng, cảm thấy trong miệng mình vẫn còn lưu lại vị dâu và vị sô-cô-la. Tôi bất giác nhoẻn miệng cười.
“Rồi đó, cô cậu coi có ưng bụng không. Ba người ở thì hơi chật một chút nhưng tui còn căn này thôi à. Ở đi tui lấy giá rẻ cho” “Dạ, thím đợi tụi cháu tính lại đã” Bố phân vân nhìn mẹ “Tính với toán gì nữa cô cậu ơi, thời buổi khó khăn, tìm được phòng trọ không phải dễ đâu à nha. Ở đây tuy có hơi nhỏ nhưng được cái gần trường gần chợ, tiện quá còn gì nữa” “Dạ…vậy tụi cháu thuê” “Ừm, vậy là cô cậu quyết định ở phòng này đúng không. Người ta nói ăn thì nhiều chứ ở đâu có bao nhiêu đâu đúng không cô cậu” “Dạ thím” “Thôi cô cậu xách đồ đạc zô(vô) đi. Thương hết sức, zô(vô) đây lạ nước lạ cái. Tìm phòng từ nãy giờ cũng đói rồi đúng không? Để tui nấu mấy gói mì đem qua ăn cho đỡ đói” “Dạ tụi cháu cảm ơn thím” “Ơn zới(với) nghĩa gì cô cậu, ta nói một miếng khi đói bằng một gói khi no mà”
Mươi phút sau bà chủ trọ bê qua một xoong mì, vài ba cái bát ,vài ba đôi đũa. Mùi mì bốc lên, len dần theo làn khói trắng tỏa khắp không gian xung quanh, tôi ghé mặt sát vào, hít lấy hít để thứ hơi ấm nóng, một vài làn hơi lười biếng đọng lại trên má chẳng chịu bay thẳng lên trời.
“Hải! Cẩn thận kẻo bỏng” “Vâng ạ” Tôi ngước mặt lên, nhìn sang phía mẹ cười trừ “Này, con ăn đi kẻo đói” Mẹ múc một bát mì cho tôi, trên miệng bát có vài cọng rau mùi xanh xanh nhìn thật vui mắt. “Vâng ạ, con mời bố, con mời mẹ”
Bố bảo bê xoong bát qua nhà bà chủ trọ nhưng đi mãi chưa thấy về. Tôi nằm đó nhưng không thể nào ngủ được. Tôi đợi mãi, đợi mãi, cho đến khi có người mở cửa. Tôi nhắm chặt mắt lại, vờ như đang ngủ. Bố tiến lại gần, nằm xuống, nghiêng người hôn lên trán tôi.
“Anh hỏi thím rồi, với số tiền mình đang có thì cũng ở được ba bốn tháng” Giọng bố buồn buồn “Em thì em tính buôn bán cái gì đó nhưng ít vốn thôi, từ từ rồi mình tính tiếp” “Anh xin lỗi, anh làm khổ mẹ con em rồi”
Căn phòng bỗng trở nên im lặng, cả bố và mẹ không ai nói thêm một lời nào nữa. Ánh đèn vàng vọt lần theo song cửa len lỏi những tia sáng nằm trải trên mảnh chiếu manh. Tôi từ từ mở mắt, xoay người nhìn bố, chốc chốc lại nhìn mẹ. Áp chú gấu bông lại gần sát mặt, tôi thỏ thẻ:
“Gấu bông ơi, tớ ước gì tớ lớn thật nhanh để có thể giúp bố giúp mẹ gấu bông nhỉ”
|
[ THÍCH NGHI ]
"…Đường về canh thâu Đêm khuya ngõ sâu như không mầu Qua phên vênh có bao mái đầu Hắt hiu vàng ánh điện câu…"
Từ căn phòng bên cạnh, giọng ca trầm buồn đặc sệt vị kim pha thổ khe khẽ ngân lên. Thứ âm hưởng liêu trai như bóc trần cảnh sắc xung quanh của khu xóm trọ nghèo khi hoàng hôn thu mình vào cuối trời vô tận. Tiếng nhạc đứt quãng, có khi nhỏ, có khi to, có khi lặp lại vài lần trong một câu chữ. Các vì sao mơ hồ tỉnh giấc, nhẹ nhàng trở mình để rồi phát ra thứ ánh sáng lấp lánh như những chuỗi pha lê được gọt dũa bởi đôi tay thạo nghề. Gió cuộn mình trong những tán cây, có khi ngủ vùi trong từng viên ngói, lắm lúc lại sà xuống cuốn theo những chiếc lá khô và bụi mù từ khoảnh sân này bay lên rồi thả sang khoảnh sân khác. Phía xa xa có đám trẻ con chân trần đang vờn một quả bóng. Chúng xúm lại, một đứa gồng mình chạy đà sút trái bóng đi thật xa. Chúng la hò rồi chạy tán loạn như lũ mối bị ngập tổ khi những cơn mưa dai dẳng kéo về. Một đứa lụm khụm chạy đi nhặt bóng, những đứa còn lại tản ra nấp mình sau gốc cây, dưới chân bàn, sát chân tường, trong góc kẹt…Tôi ghé mắt nhìn rồi bị cuốn theo lúc nào chẳng rõ.
“Hải, con có thích ra chơi với các bạn không?” “Vâng con thích lắm ạ” “Vậy con ra sân chơi đi, để mẹ làm được rồi” “Thôi ạ, để con giúp mẹ lựa đỗ ạ” “Còn có tí thôi. Con ra chơi với các bạn đi, để mẹ làm nốt được rồi” “Vâng ạ”
Tôi lần khần tiến lại, thích thú nhìn lũ con trai trạc lứa như tôi chạy vòng quanh sân, chơi những trò chơi mà lần đầu tiên tôi tận mắt thấy.
“Xí thằng Sơn dưới gầm ghế đá” Thằng nhặt bóng hét toáng lên, ba chân bốn cẳng chạy thục mạng nhấc bóng rồi nện ba cái xuống vòng tròn nguệch ngoạc được vẽ bằng gạch thẻ xây nhà. “Ra hết đi tụi bây, thằng Sơn bị rồi kìa” Một thằng lên tiếng “Haha, trốn dưới gầm ghế, hèn chi chạy không kịp là phải rồi” Cả đám khoái chí cười nháo nhào “Ê thằng kia, nhìn gì mà nhìn hả” Tên cao to nhất trong đám hướng mắt về phía tôi. Tôi thoáng chốc giật mình vì bị biến thành giao điểm của tất cả ánh nhìn. “Cho…cho..cho tớ chơi với được không?” Tôi ngập ngừng “Mày là Bắc kỳ hả?” Tên cao to tiếp tục hỏi “Tớ…tớ…” Tôi khờ khạo lắp bắp “Haha, Bắc kỳ con, bỏ vô lon, kêu chít chít…” Tên cao to chỉ tay vào tôi, vừa nói vừa cười. “Bắc kỳ con, bỏ vô lon, kêu chít chít…haha” Cả đám ồ lên rồi chỉ tay vào tôi hệt như những gì tên cao to đã làm ban nãy.
Tôi không hiểu gì nhưng chúng làm tôi sợ, cái cảm giác như mình đang bị mắng mỏ. Các ngón tay tôi co quắp lại, mắt tôi ầng ậng nước.
“Hic..hic…” Tôi bắt đầu nức nở, hai tay quệt lấy những kèm nhem tuôn từ hốc mắt “Nó khóc rồi kìa, tụi bây thôi đi” Một cậu bạn đứng kế bên tôi quát lớn “Đồ con trai mít ướt, haha” Tên cao to lại cười to hơn. Những thằng khác như hiệu ứng sóng âm, lập lại y như những gì tên cao to đã nói “Mày có thôi đi không Sơn, mày chọc nó nữa tao mét má mày nghỉ học đi chơi điện tử đó”
Tiếng cười trí trá đột ngột tắt ngủm. Tên cao to quay về phía cậu bạn đứng kế bên tôi:
“Tao thách đó, mày mét đi’ “Cô Năm ơi thằng Sơn nó nghỉ..ỉ..ỉ...” Cậu bạn hét thật lớn làm tên cao to cuống quýt nhảy dựng lên, giơ tay bịt chặt miệng cậu lại làm âm thanh không phát ra trọn vẹn mà ngân dài như lối đưa hơi dân ca quan họ “Thôi thôi tao không chọc nó nữa, mày đừng mét má tao nha Nhựt”, “Còn mày có muốn chơi không?” Tên cao to nhìn tôi với nét mặt chẳng có chút gì hối lỗi “Có, tớ muốn chơi” “Vậy mày vô bị thế tao đi” “Nhưng tớ không biết chơi như thế nào” “Vậy cho nó chơi ăn chè đi. Sơn, mày bị tiếp đó con” Cậu bạn ấy lại lên tiếng
Tôi nhanh chóng hòa vào đám con nít thị thành, chạy vòng quanh sân loay hoay cùng quả bóng. Có khi tôi còn xung phong sút bóng trong tiếng la ó, hò reo.
“Núp nhanh lên tụi bây, thằng Sơn nó sắp lụm bóng vô tới rồi kìa” “Ê chỗ này của tao, đi chỗ khác mày” Thằng chạy sau nói “Chỗ này tao xí trước nha mạy” Thằng đang trốn trong góc kẹt lên tiếng phân bua “Tụi bây có im đi không, nó nghe nó bắt cả đám bây giờ” Một thằng khác trốn sau vách tường gần đó gằn giọng
Tôi lon ton chạy phía sau cậu bạn anh hùng ban nãy. Hoặc là sẽ trốn gần cậu ấy, hoặc là cả hai cùng trốn chung một chỗ.
“Tớ tên là Hải, còn cậu?” Tôi hớn hở bắt chuyện “Tao..o.. í lộn, tớ tên Nhựt” “Gia đình tớ mới dọn đến đây” Tôi tiếp lời “Hèn chi thấy mày..y..í lộn, hèn chi thấy lạ quắc” “Cô giáo bảo người nhỏ không được gọi mày tao đâu” “Hihi, tớ biết rồi. Suỵt suỵt thằng Sơn nó đang đi kiếm mé tụi thằng Đạt. Nhựt đếm tới ba Hải chạy ra sút trái banh nha, sút ra ngoài đường đó. “Ừm, ừm, cậu đếm đi” Tôi hồi hộp vì được giao nhiệm vụ chủ chốt “Một…hai…ba…”
Tôi lấy hết tốc lực chạy về phía quả bóng. Tên cao to cũng hì hục tiến lại đuổi sát sau tôi. Tiếng thở dốc của hắn làm tôi lúng túng, thoáng chút rùng mình.
“Nhanh lên Hải, đá đi, đá trái banh ra ngoài đầu đường đó” Tôi nghe tiếng hét thật to phát ra từ phía Nhựt. Tôi chồm mình lao về phía trước thật nhanh, sút mạnh quả bóng bay về phía đầu ngõ. “Hải, vô đây nhanh lên. Còn tụi bây núp chỗ khác đi, thằng Sơn nó biết chỗ đó rồi” Nhựt như ông tướng con bày binh bố trận, tôi lăng xăng chạy về phía Nhựt, những đứa khác nháo nhào đổi chỗ trú thân.
Chu trình đá bóng, đi trốn rồi bắt nhau cứ xoay vòng như vậy. Chúng tôi mải miết chơi quên hẳn bữa cơm chiều. Cho đến khi nghe tiếng mẹ gọi tôi mới chợt nhớ ra. Cả đám chia tay ai về nhà nấy. Trước khi đi thằng Sơn còn hứa hẹn:
“Ê tụi bây, chiều mai ăn cơm xong đứa nào đi nhà thờ bắt dế thì đợi ở trước nhà tao nha” “Ừa ừa, vậy ăn cơm xong tao qua nhà mày nha” Một thằng tỏ ý tán thành “Vậy tao đem cơm qua nhà mày ăn luôn nha” Thằng khác ý kiến “Mày khùng hả, sao không ăn ở nhà đi, đem cơm qua nhà tao chi” Sơn lên tiếng “Tại tao ăn chậm lắm, lỡ tụi bây bỏ tao sao” Tên nêu ý kiến phân bua “Haha ăn chậm thì ở nhà chứ sao” Sơn cười lớn “Haha” Những đứa khác cũng cười theo “Hải biết nhà thằng Sơn không, để mai Nhựt dắt Hải đi” “Ừm vậy Nhựt đợi Hải ở cái cây to kia nha, nhà Hải là cái nhà có cái đèn màu vàng đó” Tôi chỉ tay về phía nhà mình. Nhựt đưa mắt nhìn theo “Ừm mình thấy rồi. Còn nhà mình là cái nhà có cửa màu đỏ đó” Nhựt đưa tay về hướng căn nhà nho nhỏ màu xanh có tàn cây phủ dầy ngay đầu ngõ. “Thôi mình về trước nha, tạm biệt Hải” “Mình cũng về đây, tạm biệt Nhựt”
Tôi lâng lâng về nhà với cảm giác nôn nao khó tả. Tôi sẽ kể cho bố mẹ nghe hôm nay tôi quen được nhiều bạn như thế nào. Tôi sẽ kể hôm nay tôi chơi vui làm sao. Ở phía xa xa, trước cửa nhà có bóng đèn vàng vọt, mẹ đứng vẫy tay gọi bữa cơm chiều. Tôi chạy thật nhanh, thật nhanh rồi ngã ùa vào lòng mẹ.
“Hôm nay con chơi có vui không?” Mẹ xoa nhè nhẹ những sợi tóc con con mỏng mảnh trước trán tôi “Dạ có ạ, con vui lắm ạ” “Thôi vô rửa tay rồi ăn cơm. Mẹ có đồ xôi đỗ đen mà con thích” “Cảm ơn mẹ ạ” Tôi sung sướng ôm chầm lấy mẹ. Với tôi, ngày hôm nay quả là một ngày hạnh phúc.
|
[ RONG CHƠI ]
Chiều hôm sau như đã hẹn, tôi ăn cơm thật sớm rồi lon ton chờ Nhựt dưới gốc cây giữa ngõ. Những nhánh cây to khỏe lào xào đung đưa trước gió làm rụng những cánh hoa thuôn dài thơm ngát dưới gốc cây. Đó là lần đầu tiên tôi được ngửi một mùi hoa thơm như vậy. Cho đến giờ ký ức mùi về những cánh hoàng lan vẫn còn đẫm dấu trong khứu giác tôi. Tôi thích cảm giác được hít căng buồng phổi để những tinh mùi phân tử len lỏi vào sâu trong khoang mũi rồi tràn xuống khí quản và cuối cùng được tẩm ướt ở phế nang. Mã hóa mùi hương bởi những khứu giác trần truồng có lẽ là cách nhanh nhất để người ta tìm về ký ức, với tôi đó là ký ức về khu xóm trọ nghèo từng lưu dấu tuổi thơ tôi.
“Hải, Hải có đem theo hộp quẹt diêm không?” Một cậu bé mặc áo cộc tay màu xám chạy về phía tôi “Đem theo để làm gì vậy?” Tôi thắc mắc “Đem để hồi bắt dế có đồ đựng chứ” “Vậy hả, vậy Nhựt đợi Hải xíu nha, để Hải về nhà lấy” Tôi thoăn thoắt chạy thật nhanh về nhà “Sao vậy, có hộp diêm chưa?” “Bao diêm nhà Hải còn đầy nên mẹ không cho lấy” Tôi xụ mặt “Nè, cho Hải một hộp đó, lấy đi” “Hihi, cảm ơn Nhựt”
Tôi hồ hởi đặt bao diêm vào lòng bàn tay, tâng tiu như nâng lấy báu vật. Tôi cùng Nhựt đến trước nhà Sơn rồi cả đám chúng tôi tiến về phía nhà thờ.
“Ê tụi bây, bữa nay nhà thờ có hát cải lương đó” Sơn lên tiếng “Sao mày biết?” Nhựt hỏi “Tao nghe má tao nói vậy” “Vậy tụi mình đi coi đi rồi hãy đi bắt dế” thằng Đạt hớn hở nêu ý kiến
Thay vì gật đầu đồng ý, chúng tôi tháo nhau chạy thật nhanh về phía cổng nhà thờ. Sơn dáo dát nhìn vào bên trong rồi cuống quýt reo lên:
“A, thấy rồi kìa, nhanh lên tụi bây” “Hải, nhanh lên, không là hồi hết chỗ đứng đó” Nhựt kéo tay tôi chạy về phía tấm phản lấp lóe những bóng đèn màu
Chúng tôi len vào đám đông rồi trườn lên phía trước. Trên tấm phản có một ông lão tóc đã điểm sương nhưng vóc người quắc thước đang lần tay dọc suốt cần đàn. Bên cạnh là một người đàn bà dáng người nhỏ nhắn, da đã trổ mồi và mắt đà hằn kín những nếp chân chim. Bà đặt một vật gì đó màu nâu đỏ trên tay, khi đầu tròn chạm vào mặt dẹt lại phát ra tiếng kêu lách cách.
“Người ta cầm cái gì vậy Nhựt” Tôi quay sang hỏi “Cái đờn với cái phong lang” Sơn nhanh nhảu đáp “Thằng điên, ông Năm ổng cầm cây đờn kìm còn bà Năm cầm cái song loan chứ phong lang gì” Nhựt quay sang gằn giọng “Ờ…ờ thì tao nói lộn chứ bộ” Sơn cười ngao ngáo rồi gãi gãi đầu “Bữa nay hát tuồng Đắc Kỷ Trụ Vương đi ông Năm” Sơn liến thoắng “Đúng rồi đó ông Năm, hát tuồng đó đi ông Năm” Những đứa khác cũng nháo nhào theo “Rồi rồi để tao ca bản đó cho bây nghe” Ông cười xòa rồi gật đầu đồng ý”
Tiếng đờn kìm réo rắt vang lên, lúc thì khoan thai, lúc thì dồn dập. Tiếng lách cách song loan theo sau giữ nhịp như đưa chúng tôi ngược dòng quá khứ trở về đứng lại giữa điện ngọc cung son, nơi cơ nghiệp Thành Thang một sớm một chiều bị sụp đổ bởi gã Trụ Vương đam mê tửu sắc.
“Bệ hạ ơi! Binh Khương Thượng trước Ngọ môn reo tở mở Thành trì đang bị vây phủ khắp Tây Đông Khương Tử Nha lãnh ấn Nguyên Nhung Đòi bệ hạ phải khai thành giao chiến...
Trời ơi! Đám tôi trung đã phản Trụ đầu Châu kéo binh về vấn tội. Trong khi Hoàng hậu Tô Nương lại bỏ ta sớm vội...bôn... đào...”
Tiếng ngân vừa dứt, một tràng pháo tay lốp đốp vang lên, phía sau đám đông còn vẳng lên tiếng hò la tán thưởng của một người nào đó. Tôi há hốc mồm, lắm lúc không dám thở mạnh. Tôi ngơ ngác bị dắt đi bởi những ca từ trong câu hát và những thang âm từ cống xuống xề.
“Hải, Hải thấy ông Năm hát hay không” Nhựt quay sang nhìn về phía tôi “Hay, hay lắm, Hải chưa được xem cái này bao giờ hết” “Mẹ Nhựt dắt Nhựt đi xem mấy lần. Hải ngồi đây đợi Nhựt xíu nha” “Nhựt đi đâu vậy, sao không xem nữa?” “Nhựt ra đây một lát, nhớ đợi Nhựt nha” “Ừ Hải biết rồi”
Một lát sau Nhựt lại len vào ngồi cạnh bên tôi. Nhựt chìa tay
“Hải ăn đi” “Cái gì vậy” Tôi ngơ ngác nhìn Nhựt rồi nhìn những chiếc bánh mảnh như đồng tiền màu nâu vàng nhàn nhạt “Bánh thánh đó, sơ Anna cho Nhựt” “Sao, có ngon không Hải?” Nhựt cất tiếng khi thấy tôi đặt chiếc bánh đầu tiên vào miệng. Cái vị ngòn ngọt beo béo không thể cưỡng lại làm tôi chỉ dám chầm chậm nhai vì sợ hết. “Đây là lần đầu tiên Hải ăn bánh này đó” “Nè đưa tay đây, cho thêm nè” “Cảm ơn Nhựt”
Tiếng đàn ngưng hẳn, tiếng song loan nối gót sau cùng cũng bặt tiếng im hơi. Chúng tôi rẽ xuôi đám đông rồi ùa ra bãi cỏ phía sau nhà thờ. Thú thật tôi chỉ biết vóc hình loài dế kể từ khi được đi với đám nít trẻ trong xóm nên đây có thể được gọi là trải nghiệm đầu tiên của tôi về bộ môn giải trí này. Tôi như bé con tập sự lẽo đẽo theo các tiền bối lão làng.
“Tớ bắt được con dế bự lắm nè” Tôi hí hửng reo lên rồi chìa tay về phía Sơn “Á á Gián! Gián!” Sơn bất ngờ hét toáng lên rồi vùng mình bỏ chạy. Tôi hốt hoảng đánh rơi con vật mới bắt vào trong bụi cỏ “Dục nó đi, mày mà không dục tao nghỉ chơi mày nha Hải” Từ đằng xa tiếng Sơn vọng lại “Haha, thằng Sơn nó sợ gián kìa tụi bây” Nhựt cười khoái chí trong khi tôi vẫn ngơ ngác chưa hiểu mô tê gì “Haha, đồ nhát như thỏ đế” Một thằng khác lên tiếng hùa theo “Kệ..kệ tao” Sơn lắp bắp “Hải, mày quăng con gián chưa?” Sơn lớn tiếng “Tớ…tớ làm mất nó rồi” Tôi gãi đầu “Hahahaha….” Cả đám chúng tôi cùng cười ồ lên
Sau sự cố tìm nhầm nghiệm. Tôi được Nhựt lên lớp chỉ dạy cách phân biệt dế thường và dế “Mỹ” theo cách nói của Nhựt.
“Nhựt, phải con này không” Tôi hồ hởi xòe chiến lợi phẩm vì bắt đúng y boong con mà ban nãy Nhựt bắt “Hihi, con này là dế mái, không có đá được đâu” “Sao Nhựt biết” Tôi đăm chiu nhìn Nhựt “Nè, nó có cây kim sau đuôi nè, dế trống không có đâu” “Ồ” Tôi há hốc mồm nhìn Nhựt, trong lòng cảm phục không thôi
Sau lần bắt nhầm dế mái, tôi bị vận xui bủa lấy chả bắt được thêm một con nào. Hay nói đúng hơn là chộp toàn lũ dế có kim nhọn sau đuôi. Đến khi ra về tôi được Nhựt tặng cho một con màu đen tuyền, trên cánh có những lằn vân như dentelle dập nổi.
“Ê tao đói bụng quá, đi ăn hủ tíu gõ đi tụi bây” Sơn xoa bụng nói “Ừa, tao cũng đói” Một thằng khác theo sau “Tao cũng đói nữa” Nhựt nói “Ê chạy nhanh lên tụi bây, coi chừng bả nghỉ bán đó” Sơn vừa nói vừa chạy lên phía trước “Hủ tíu gõ là gì vậy Nhựt” Tôi chạy gần sát Nhựt, thủ thỉ “Là hủ tíu mà người ta cầm hai cái cây gõ cốc cốc nên kêu là hủ tíu gõ” “Ồ” Sau lời cảm thán, tôi mơ hồ hình dung những gì Nhựt vừa nói “Ê tao còn ngàn rưỡi” Sơn móc trong túi rồi chìa ra ba tờ giấy bạc màu hồng in hình tàu cảng “Tao cũng còn ngàn rưỡi” Một thằng nói “Tao còn hai tờ năm trăm” Thằng khác lên tiếng “Tao có hai ngàn nè” Nhựt nói “Có sáu ngàn sao kêu đủ sáu tô” Sơn thắc mắc “Thì kêu ba tô đi, hai đứa ăn chung một tô” Nhựt lên tiếng “Ừ được đó” Sơn nhanh nhảu tán thành
Chúng tôi trịnh trọng ngồi vào bàn, muỗng đũa bày biện hẳn hoi. Ba tô hủ tíu được bê lại tận bàn với mùi thơm nghi ngút. Có những cọng hủ tíu trăng trắng nằm chìm phía dưới, trên mặt có những cọng giá, cọng hẹ nằm rải rác chung quanh. Linh hồn của món ăn có lẽ nằm ở vài ba lát bò viên và đôi ba miếng tóp mỡ vàng ruộm đượm mùi nổi bồng bềnh trong làn nước dùng lăn tăn gợn nước.
“Quoa, ngon quá” Tôi nhìn Nhựt cười tít mắt “Hihi, ăn bò viên đi, ngon lắm” Nhựt lấy đũa đẩy lát bò viên về phía tôi “Quoa ngon tuyệt, hihi” “Nè, cho Hải thêm miếng nữa đó” “Sao vậy, Nhựt không thích ăn bò viên hả ?” Tôi ngước lên nhìn Nhựt “Thích chứ, nhưng bữa nay Nhựt no rồi, Hải ăn đi” “Ừm, vậy mình ăn nha” “Ăn từ từ thôi, mắc nghẹn bây giờ” “Ừ mình biết rồi, hihi”
|
[ XẺ ĐÀN ]
Ngày hai mươi ba tháng chạp năm đó, Nhựt theo gia đình chuyển nhà sang nơi khác. Tôi còn nhớ như in ngày chủ nhật hôm ấy, một ngày chủ nhật ảm đạm hệt như những ca từ u ám trong tử khúc “Gloomy Sunday”, chúng tôi bịn rịn tiễn Nhựt lên đường. Người lớn thường bảo con nít vô ưu vô tư, nhưng chúng tôi- những đứa trẻ từng quấn quít nhau chơi đủ trò ở thì quá khứ cũng biết buồn, vui, quyến luyến người bạn sắp phải tiếp bước đăng trình trong thì hiện tại và cũng ủ rũ nhận ra rằng có thể chẳng còn gặp lại nhau nữa ở phía tương lai.
“Nè Sơn, tao cho mày cây súng tao thích nhất đó” Nhựt đặt vào tay Sơn khẩu súng trường bằng nhựa màu xanh rêu đậm có những rằn ri. Trên báng súng còn khắc thêm hàng chữ “TẶNG SƠN” bằng những nét chân phương vuông vức mà tôi đồ rằng Nhựt miết những đường dao cứa vào báng nhựa để tạo thành “Tao…tao…” Sơn bối rối rụt tay lại “Tao cho mày đó. Ngày mai tao phải đi rồi, chắc không còn được chơi trò cảnh sát bắt cướp với tụi bây nữa” “Nè Đạt, tao cho ba thằng bây bộ siêu nhân mà bữa hổm ba tao mua ở ngoài Sài-gòn nè” Nói rồi Nhựt đưa cho thằng Đạt một túi xốp lổn nhổn ba bốn con siêu nhân và không quên dặn thêm: “Mấy con này nó yếu lắm, tụi bây chơi nhẹ nhẹ không là nó gãy đó” “Ừ, tụi tao biết rồi” Cả ba đứa đồng thanh lên tiếng “Hải, Nhựt tặng Hải bức tranh này nè. Cô giáo cho Nhựt tới mười điểm lận đó” Nhựt nắm tay tôi, đặt vào “Cảm ơn Nhựt” Tôi đưa tay nhận lấy rồi chăm chú nhìn vào cảnh vật được Nhựt họa trên giấy kẻ ô li
Tôi thấy một bờ cát vàng trải dài vô tận nhưng có lẽ tờ giấy không đủ lớn nên chẳng diễn tả được hết sự mênh mông. Phía xa xa là biển xanh thăm thẳm với những con sóng nhấp nhô dập dìu theo vài ba cánh chim được kí họa bằng hai đường cong và một đường thẳng. Tít tắp ngoài khơi là những rặng núi hùng vĩ xuyên thẳng tầng mây, dưới chân núi mọc chi chít những cây cỏ xanh um, cố vươn mình hòng vớt vát chút tà dương cuối cùng còn sót lại. Giữa sườn núi là mặt trời đỏ thẫm lấp ló dưới chân mây, chuẩn bị lẩn mình để ngày-đêm đi vào quỹ đạo.
Nhựt đi, chúng tôi còn lại năm đứa. Những tưởng chơi được với nhau lâu nhưng Đạt, Huy và Tuấn cũng lần lượt rời bỏ khu xóm trọ nghèo theo gia đình định cư sang chốn khác. Năm đó khu nhà ngõ trên bị giải tỏa, nhà nước thu hồi đất để mở rộng lưu thông. Khu xóm nghèo cứ thế nhỏ dần nhỏ dần rồi co cụm dưới tán hoàng lan lúc nào chẳng rõ.
“Nè, cho cậu đó” Tôi cất tiếng rồi đặt vào tay Sơn hai viên mứt sen mẹ mua để chuẩn bị đón rằm tháng tám. “Mày nhỏ hơn tao hai tuổi, nên phải gọi bằng anh nghe chưa” Sơn dở quyển sách đang úp trên mặt rồi bật dậy nhìn tôi “Vâng…vâng ạ” Tôi run run rụt tay lại rồi thấp thỏm nhìn Sơn “Đâu, cho cái gì đem ra coi”
Tôi chìa ra hai viên mứt chỉ còn trơ lại màu vàng sâm sẫm, những hạt bột đường áo vào viên mứt đã dính bệt vào lòng tay tôi.
“Nè, mày một viên tao một viên” Sơn nhấc hai viên mứt lên rồi đặt một viên vào tay tôi lại “Anh đang đọc gì vậy?” “Tao đang học bảng cửu chương” “Bảng cửu chương là gì vậy?” “Mày ngu quá, bảng cửu chương là vầy nè” Nói đoạn Sơn giở quyển sách ra, lật đến trang phủ toàn con số “Anh giỏi quá” Tôi tấm tắc nhìn Sơn cảm thán “Chứ sao” Sơn cười, có lẽ đây là lần đầu tiên Sơn cười với thằng nhóc khờ khạo như tôi (trong mắt Sơn có lẽ là vậy) “Anh gọi mày-tao không sợ cô giáo biết hả?” “Cô giáo có ở đây đâu mà biết” Sơn tặc lưỡi “Mốt đi học em mét cô giáo của anh nè” “Thôi thôi, mày đừng có mét, cô giáo phạt tao úp mặt vô tường đó” “Vậy anh đừng gọi mày tao nữa” “Chứ kêu bằng gì?” “Thì em nhỏ hơn anh hai tuổi, nên anh gọi em bằng 'em' đi” “Ờ…ừm” “Anh Sơn biết đọc chữ không?” Tôi hỏi Sơn khi thấy anh cứ lúi cúi trong mấy con số ngoằn nghoèo chằng chịt “Biết sao không” “Vậy anh đợi em xíu nha” Nói rồi tôi chạy thật nhanh về nhà, đem theo quyển truyện bố tặng rồi ù sang tấm phản Sơn đang nằm “Cái gì vậy?” “Quyển truyện bố em tặng hôm sinh nhật. Anh đọc cho em nghe nha” “Mày học lớp một rồi sao không tự đọc đi” “Trong lớp em mới học tới chữ ‘c’ à” “Đâu đưa coi, truyện gì vậy” “Anh đọc cho em nghe nha” Tôi nài nỉ “Truyện gì mà ‘Hoàng tử bé’ nghe kì vậy”
Rồi Sơn cũng đọc cho tôi nghe. Anh đọc chầm chậm, đủ để tôi tưởng tượng ra một Hoàng tử bé đang sống ở một nơi có bông hoa đỏm dáng và một chú cừu bé tí được nuôi trong một cái hộp nhỏ nhắn tựa cái cặp lồng .Có lúc đôi ba chỗ anh ngập ngừng, anh dừng lại thật lâu rồi đánh vần từng chữ. Tôi quay sang nhìn anh chờ đợi, khi ấy anh sẽ luống cuống quát:
“Từ từ, tại chữ này khó quá tao không nhớ chứ bộ” “Vâng ạ” Tôi mỉm cười đáp rồi híp mắt nhìn Sơn “…Màn đêm buông xuống. Tôi thả rơi dụng cụ đồ nghề. Tôi chẳng coi nào búa, nào đinh ốc, nào cơn khát hay kể cả cái chết là gì nữa. Ở trên một vì sao, một hành tinh, hành tinh của tôi, Trái đất này, có một hoàng tử bé cần được an ủi! Tôi ôm cậu vào lòng. Tôi vỗ về cậu. Tôi bảo cậu: ‘Bông hoa em thương không gặp nguy hiểm gì đâu…Tôi sẽ vẽ một cái rọ mõm để đeo cho con cừu…Tôi sẽ vẽ một hàng rào để bao quanh bông hoa…Tôi sẽ…’ Tôi chẳng biết nói gì hơn nữa. Tôi thấy mình quá là vụng về. Tôi chẳng biết làm sao để chạm tới em, ở chốn nào thì bắt kịp được em…Huyền bí biết bao là xứ sở của nước mắt!”
Tôi chăm chú nghe Sơn đọc từng từ, từng từ một. Không hiểu vì sao tôi lại thích đoạn ấy, thích đến rung người. Một đứa bé vừa vào lớp một như tôi đã làm gì hiểu được ý nghĩa hay nội dung. Nhưng có lẽ do các ngôn từ được bày biện, nối kết chỉnh chu tạo thành những thang âm lúc trầm lúc bổng, lúc du dương lúc réo rắt như chính chất giọng của anh lồng vào.
“Hải, mày ngủ hả” Sơn vỗ vỗ vai tôi “Đâu có, em đâu có ngủ đâu” “Chứ sao im re vậy” “Tại em thấy truyện hay quá, anh đọc lại khúc đó cho em nghe nữa nha” “Thôi tao buồn ngủ quá rồi, mai tao đọc tiếp cho” “Anh hứa nha, mai anh đọc cho em nghe nữa nha” “Ừ biết rồi” “Mai em đợi anh trước ngõ rồi đi học chung nha” Tôi tròn mắt nhìn anh “Oaaa…Biết rồi” Sơn ngáp dài rồi lật úp quyển sách lên mặt. Tôi lẽ khẽ trèo xuống đất rồi bước về nhà.
|