Filled With Sorrow
|
|
Phòng tôi có chuột. Phúc trổ tài bắt ngay được con chuột nhà to xác ấy.
- Sao mèo thì gầy mà chuột thì béo thế? - Nó móc máy tôi - Giờ mày muốn xử lý sao? - Thôi thả nó đi - Tôi nói - Tao chỉ tức vì đêm nó lạch cạch giường tao, làm tao không ngủ được. - Thả nó rồi nó lại về. Thế thì bắt làm gì? Để tao chơi trò của mẹ tao, dội nước sôi cho nó chết. - Thôi đừng. Mày cứ thả nó đi. Mày làm thế nó chết cũng khổ sở.
Phúc nhìn tôi rồi lắc đầu ngoảnh đi. Nó lẳng lặng đi ra hẳn ngoài ngõ rồi lúc sau quay lại.
- Tao giết con chuột rồi - Nó nói - Cho nó sớm hóa kiếp. Biết đâu kiếp sau nó làm người thì nó còn phải cảm ơn tao ấy. - Thế như mẹ tao, bố Tuấn hay con của Tuấn thì hóa kiếp thành gì? - Tôi buồn bã nói - Kiếp sống như nhau cả. Làm người thì cũng có gì sướng? Có khi còn khổ hơn cả làm mèo, làm chuột.
Mắt trái tôi đau giật, chảy nước. Giờ nó sứt sẹo, trắng dã, lúc nào cũng mưng mủ, rất gớm giếc. Tôi phải tra thuốc mắt cả ngày. Phúc bần thần đặt tay lên mặt tôi, mắt nó nhòa ướt.
- Đám bạn của mày ngoài này cũng không nói gì à? - Tao không gặp họ nữa - Tôi lắc đầu - Kể cả thằng Việt. Tao nghĩ việc tao giết con của Tuấn là giới hạn cuối cùng để chấm dứt một tình bạn. - Nhưng mày đâu có giết nó? - Có chứ. Nếu như tao không cố gắng quay lại với Tuấn, đứa trẻ đâu đã phải chết?
Phúc im lặng một lúc trước khi thở dài:
- Thôi. Quên anh ta đi. Tao có anh bạn làm chủ một quán cà phê, để mai tao dẫn mày đến xem anh ấy có nhận mày được không. Chí ít, mày cũng phải nuôi được thân thì tao mới dám để mày ngoài đây được. Mày không biết chứ, anh này ...
Tôi không nghe những điều Phúc nói nữa. Con mắt mù của tôi đã nhìn thấy bi kịch tình yêu cuối cùng trong tôi. Tôi nghĩ họ không chọc nốt con mắt còn lại của tôi là để tôi mãi mãi phải nhìn thấy mình, nhìn ra rằng tôi đã yêu anh đến thế nào, rằng tôi sẽ không thể quên anh, không thể quên những điều tôi đã làm với anh. Tôi sẽ sống với một gương mặt nát sẹo, thân thể tật nguyền, tâm hồn và trái tim mãi mãi không thể liền lặn vì một tình yêu bị cả cuộc đời lên án.
Tôi hiểu vì sao gay không muốn yêu bi. Hoàn toàn không phải vì bi là những người tham lam, mà chỉ đơn giản vì bi sẽ phải lựa chọn giữa hai phía đúng và sai, có và không, được và mất khi xã hội không bao giờ phân định cho chúng tôi chiến thắng.
Mỉa mai thay khi đàn bà thì đấu tranh cho quyền bình đẳng với đàn ông. Còn chúng tôi đấu tranh cho quyền bình đẳng với đàn bà.
Tôi cười khi ráng chiều khép lại trong con mắt không còn biết tối, biết sáng, chỉ còn biết đến những cơn đau.
|
17.
Phúc đưa tôi đến một quán cà phê khá đẹp ở Cầu Giấy. Chủ quán, người bạn của nó, có việc riêng, tầm mười phút nữa mới đến.
- Lần trước tao ra Hà Nội là để gặp tay này này - Phúc nói. - Khiếp - Tôi cười - Thế rồi không đi đến đâu à? - Ờ. Gặp xong thì tao biết hắn là bi. Mà bi thì tao hết khoái. Thật ra thì lúc đầu chỉ toàn chat sex với nhau, có nói được mấy chuyện đời tư đâu. Lúc tao ra ngoài này mới nói với nhau nhiều. Cũng hay là hắn có điểm giống tao với mày, gia đình đều bị khuyết. - Làm sao mà khuyết? - Nghe bảo hồi chiến tranh mẹ hắn lén lút với một tay bộ đội, sau này ông kia đi mất, bả ở lại phải chịu vạ. Tuổi thơ cũng vất vả lắm.
Tôi nhìn bao quát quán cà phê một lượt trước khi nhận cốc nâu đá từ người phục vụ.
- Thế mà giờ có cơ ngơi vậy thì cũng khá đấy chứ? - Tôi nói. - Một phần cũng nhờ may mắn nữa, quy hoạch thế nào mà nhà hắn thành ra ngay mặt đường, giờ cho ngân hàng thuê, mỗi tháng cũng cả trăm triệu. Rồi hắn lấy vốn đi đầu tư đám cà phê này. Nghe bảo còn đang mở một quán ăn nữa.
Tôi thấy thú vị khi thoáng nghĩ chắc Phúc và người đàn ông này cũng đã quen nhau khá lâu. Cách nó nói về anh ta rất thoải mái.
- Thế sao mày biết anh ta là bi? - Tao gặp con của hắn rồi mà.
Giọng điệu ngán ngẩm của Phúc khiến tôi phải bật cười. Đột nhiên Phúc vẫy tay ra phía ngoài cửa sổ và sau một lúc, Quân, người mà chúng tôi đang nói tới, bước lại gần. Đó là một người đàn ông trẻ, mới ngoài ba mươi, cao to nở nang, mặc một chiếc áo bó người màu trắng.
- Cu em - Anh ta cười nói - Ra ngoài Hà Nội từ lúc nào thế? Về nhà anh chơi không? - Thôi - Phúc nói - Mai là em về rồi. Mà hôm nay còn phải đi có việc. Sáng nay gặp anh là để bảo anh việc hôm qua ấy.
Quân nhìn tôi một lượt rồi lắc đầu:
- Mặt mũi nó làm sao thế này? - Nó cũng là dân trong giới đấy - Phúc nói giọng nài nỉ - Anh cố chút đi. Cái tiệm bé tí này của anh thì được mấy ai vào? - Ơ kìa! Cái thằng này! - Quân gõ đầu Phúc - Mày rủa anh đấy à? - Vì chỗ này cũng đắc địa mà - Tôi nói - Chắc kinh doanh không tồi. - Thế mà anh không nhận được thằng bạn em vào à? - Phúc nói - Nó thế này chẳng qua là do bị đánh ghen thôi. Chứ trước nó cũng ngon trai lắm, anh nhìn rỏ rớt ấy.
Tôi né khỏi ánh mắt tọc mạch của Quân. Nghĩ một lúc, anh ta nói:
- Ừ thôi cũng được. Ca sáng nhé. Vì chiều tối thì đông khách, nhìn em người ta không muốn vào mất. Nhưng dù sao em cũng nên lấy cái gì đó che bớt cái mặt đi. Hoặc để tóc dài ra. - Vâng - Tôi nói. - Chỗ anh ca sáng làm từ 7h đến 12h. Có phục vụ cả fastfood, đồ ăn sáng. Em làm thu ngân nhưng cũng phải tham gia dọn dẹp, chuẩn bị đồ. Em có làm được không? - Vâng.
Tôi đồng ý công việc, nói với Phúc rằng sẽ tìm thêm một việc nữa làm buổi chiều tối. Chắc sẽ đủ sống. Nó không cần phải lo cho tôi quá nhiều. Dẫu thế nó vẫn có vẻ quyến luyến trước khi vào nam.
- À phải - Tôi lảng đi - Thế lý do chính mày ra ngoài này đã ổn thỏa chưa?
Phúc cười ầm.
- Ngon lành - Nó nói - Đợi đấy. Năm sau là tao lấy vợ. - Cái gì? - Tôi kinh ngạc - Mày lấy vợ à? - Bữa này ra đây xem mắt mà - Nó đút tay một tay vào túi quần, gãi đầu - Nhưng không phải như mày nghĩ đâu. Tao lấy vợ thật đấy. Con gái bạn của mẹ tao. - Thế còn chuyện come out? - Tao nghĩ đơn giản hơn mày nhiều - Nó tươi cười - Tao thấy lấy vợ cũng được. Mẹ tao vui. Tao cũng vui. Gia đình vốn cô quạnh sẽ có thêm một người phụ nữ, mấy đứa con. Và lại, tao cũng không hẳn là gay. Tao đã thử yêu mấy thằng rồi - Nó lắc đầu - Không ổn. Chắc tao là bi. Thôi có gì nói chuyện sau. Từ nay tao gọi điện nhớ bắt máy. Ậm ờ không cũng được, để tao biết mày còn sống. Đi nhé!
- Bình an!
Tôi chào tạm biệt Phúc, ngỡ như mình mới được nghe một câu chuyện đùa bên tai. Chỉ không hiểu sao, tôi lại cảm thấy vui thay cho nó. Có những điều khổ tâm với người này vậy mà lại thật dễ dàng với người khác. Âu cũng là cuộc sống.
***
- Có những người sướng hết cái sướng của thiên hạ. Lại có những người phải khổ hết cái khổ của thiên hạ.
Quân tặc lưỡi khi tới ăn sáng ở tiệm ngày hôm sau. Anh bảo tôi ra ăn cùng, vừa thong thả uống nước vừa nói chuyện.
- Tự mình làm thì tự mình chịu - Tôi nói - Chẳng thể đổ cho ai được. Nhưng anh thì có gì mà khổ? - Chú em cứ nhìn anh thế này mà nghĩ anh sướng. Thật ra anh cũng mới sướng được mấy năm. Mà khổ mãi quen rồi, giờ cứ thấy cái sướng này nó phù du, không bền ra sao ấy. Thế cái mặt chú em là làm sao? - Bị người ta đánh thôi - Tôi gạt mớ tóc xuống phủ quá con mắt - Do em gây tội với người ta. - Lại nhớ hồi anh với vợ anh yêu nhau. Bọn anh có họ 5 đời với nhau, tuy chẳng phạm pháp nhưng xung quanh làng xóm ai cũng bêu riếu. Hoàn cảnh mẹ anh thì chắc em biết rồi. Đến anh lại như thế, tủi nhục mọi bề. Cả họ xúm vào nói. Vợ anh trước ngày cưới còn bị chính hai thằng em trai đánh cho sưng hết mặt mày ...
Anh dừng lại, gõ nhẹ chiếc thìa vào vành bát, thể hiện rõ sự bối rối uất nghẹn.
- Nhưng hai người vẫn lấy được nhau? - Ừ. Có gì mà không lấy được. Bọn anh yêu nhau quyết liệt lắm. Không cho anh lấy hai bọn anh đi biệt xứ luôn. - Vậy giờ chị ấy đâu? - Cô ấy mất rồi. Mẹ anh mất đầu năm thì vợ anh mất cuối năm. Nhà anh trùng tang.
Tôi im lặng. Tôi không giỏi chia sẻ nỗi buồn với người khác. Mặc dù tôi cảm nhận rõ tâm trạng đa đoan của Quân. Gương mặt anh chữ điền, đầy đặn, tất cả đều nam tính ngoại trừ đôi mắt. Mi dài mắt ướt. Lụy tình. Khổ tình.
Chẳng trách mà khổ.
- Vậy mà bây giờ anh lại cặp với trai? - Ừ - Anh chống cằm cười - Nghe cũng lạ nhỉ? Nhưng từ sau khi vợ anh mất, anh không còn yêu được một người con gái nào nữa. Đến cảm giác nhục dục cũng không. Rồi thì anh quan hệ với một bóng lộ. Thấy thỏa mãn. Nên giờ cứ tìm trai thôi.
Chúng tôi trò chuyện khá nhiều. Quân là người phóng khoáng, dễ gần gũi, những tâm sự của anh khiến tôi thấy thoải mái hơn.
Sau đó một tuần, anh chủ động muốn chúng tôi quen nhau.
|
Tôi gặp con của Quân ít ngày sau. Thằng bé tên Quang, đã 6 tuổi, học lớp một. Cũng ngay lần gặp đó tôi hiểu vì sao Quân chú ý đến tôi. Đứa trẻ bị mù một mắt, do mắc bệnh bẩm sinh.
Bù lại, nó rất ngoan ngoãn, dễ bảo, thông minh sáng dạ.
Tôi không gặp vấn đề gì khi tiếp xúc với đứa trẻ. Là con nhà giàu thằng bé cũng không phách lối, ít ra đến giờ là thế. Ngược lại, nó hay rụt rè, nhút nhát, có lẽ vì mặc cảm bản thân, mặc cảm gia đình.
Quân tỏ ra rất vui khi thấy tôi trò chuyện được với con trai anh. Anh nói lần Phúc ra ngoài này, khi gặp đứa bé, Phúc dường như mất nhiệt, thái độ quay ngoắt.
- À nó nói vì không biết anh là bi. - Ồ bi thì làm sao? Anh chẳng hiểu mấy cái phân định ấy lắm. Con người mình thế nào thì mình cứ thế. - Anh đâu điều khiển được cách nhìn của xã hội. Anh thử nghĩ nếu Quang lớn lên và nói với anh nó là gay xem. - Chẳng làm sao - Anh nói - Nó cứ sống sao cho thoải mái là được. Chứ sống theo xã hội thì được ích gì? Quan điểm của xã hội là của số đông người chứ đâu phải của tất cả mọi người?
Tôi chưa từng kể với Quân những chuyện của tôi. Nhưng điều anh nói khiến tôi thấy rất đồng cảm.
Khi tôi hỏi anh sao anh muốn yêu tôi, muốn chăm sóc tôi, có ai trên đời lại muốn tự rước gánh nặng về cho mình đâu, anh nói:
- Anh nghĩ rằng đời anh vốn khổ. Đẻ ra đã mang nghiệp. Anh không thể kể hết cho em cuộc đời anh đã phải trải qua những gì. Trước đây khi Phúc kể về nó cho anh, anh muốn được bao bọc cho nó ngay. Vì ngày còn nhỏ, mẹ anh cũng bán quán nước, anh cũng đi bán bánh mì. Có ngày đi bán được bao nhiêu, tối về bỏ nhà đi chơi, mẹ bắt được đánh cho rách cả đầu. Rồi lớn lên thì lại yêu người trong họ. Đẻ được con thì con ốm liên miên, bao lần tưởng đã mất nó. Đến khi con tai qua nạn khỏi thì mẹ bệnh mất, vợ bị ô tô đâm mất. Năm ấy anh khóc không còn nước mắt. Chỉ biết ôm con mà khóc. Có những lúc chỉ muốn cả mình cả con chết theo.
Anh gượng cười, nói tiếp:
- Nên đến giờ, hễ gặp ai có hoàn cảnh là anh thương. Vì anh hiểu hết bất hạnh của cuộc đời. Anh hiểu rằng anh gánh không sót cái khổ nào của cõi người. Cho dù có phải chăm thêm một người bệnh tật nữa, nhưng để người đó bớt cô đơn, bớt tủi hờn, anh sẵn sàng.
Tôi gật đầu. Tôi đã ở cạnh người mình yêu suốt bao nhiêu năm, sống chết vì tình, đau đớn vì tình. Cuối cùng lại thấy yên ổn nhất khi ở cạnh một người đến với mình vì tình thương.
***
Sinh nhật tôi, Quân tặng tôi một chiếc nhẫn. Anh bảo tôi về nhà anh ở. Ngôi nhà rộng rãi, ít người, đứa bé cũng thích ở cạnh tôi. Nó gọi tôi bằng chú. Tôi hay kể chuyện này chuyện kia cho nó nghe. Sau này nhất nhất chuyện gì nó cũng kể lại với tôi.
Phúc nói với tôi về chi tiết kế hoạch lấy vợ của nó. Nó quyết định không come out. Nó không muốn mẹ nó phải suy nghĩ gì thêm về nó. Nó cảm thấy ổn khi sống như thế.
Tôi vẫn làm thu ngân ở quán cà phê của anh. Nhưng anh nói với tôi lương thích lấy bao nhiêu thì lấy. Khi tôi nói vui tôi muốn lấy lương bằng cả cuộc đời anh, anh gật gù:
- Thế thì em phải chịu làm thu ngân cho cả bố con anh mới được.
Một buổi tối chủ nhật tôi đến quán kiểm lại sổ sách. Tôi gặp Việt khi anh chàng đang xem một trận Ngoại Hạng.
- Tao tưởng mày chỉ thích xem La Liga thôi?
Việt ngoái đầu nhìn tôi, a lên một tiếng. Nó đi cùng người yêu, một anh chàng trông ngổ ngáo, cả đầu cạo cao, nhưng phần chỏm thì để mềm mại lượn sóng, nhuộm cam. Nó bảo anh chàng cứ xem bóng đá rồi kéo tôi ra một chỗ riêng.
- Cái mặt mày làm sao thế? - Bị ngã trên đường - Tôi nói - Thế hội thằng Chinh sao rồi? - Từ hồi nuôi con bé con thì cãi nhau suốt. Thằng Tùng thấy không còn thời gian riêng tư, phức tạp lắm. Nhưng được cái bố mẹ hai bên cũng góp ý nên tình cảnh chưa đến nỗi nào. - Cứ có con là vậy mà. Gia đình nào chẳng thế?
Nó cười.
- Ông Tuấn thì không thế. Bà vợ có bầu rồi, giờ chăm kĩ lắm.
Thấy tôi không vui khi nhắc đến Tuấn, nó cũng biết đường gạt đi.
- Sau đợt ấy mày mất tăm luôn. Tao vừa giận vừa lo cho mày. - Tao cứ tưởng mày không bao giờ muốn nhìn mặt tao. Tao đã làm những chuyện như thế. - Đúng là mấy đứa kia hận mày lắm. Chúng nó nói mày khiến cho dân gay chịu tiếng. Nhưng tao vẫn nghĩ không phải mày làm. Vì tao biết mày yêu mẹ mày đến thế nào. Một thằng con trai thương yêu mẹ đến thế thì chẳng bao giờ làm hại được một người phụ nữ, huống hồ lại là một người mang bầu.
Tôi dựa người vào tường, buông tiếng thở dài.
- Vậy giờ mày ra sao? - Tao ở cùng một người đàn ông góa vợ, có con. Tuy trong thâm tâm tao chưa bao giờ thôi hy vọng về tình yêu với Tuấn nhưng cuộc sống hiện tại khiến tao cũng hài lòng. - Lại là bi? - Không - Tôi nói - Lại là một gia đình.
|
Tôi đến thắp hương cho mẹ tôi vào một ngày lâm thâm mưa. Bố tôi, bà hai và con trai đi về ngoại ăn cưới. Trong nhà còn cô con gái cả, năm nay đã hai mươi. Cả đời chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau được ba lần. Và hôm đó là lần thứ ba.
Cô bắt chuyện với tôi, không hỏi tôi về gương mặt như tất thảy mọi người.
- Lâu lắm rồi anh mới về. Mẹ anh nhớ anh lắm. Đêm nào bà cũng đứng ở ngoài hiên ngóng anh.
Tôi ngạc nhiên.
- Em nhìn thấy mẹ anh sao? - Có lẽ vì em là gái ngày rằm - Cô nói giọng trong trong, lành lạnh - Mới đầu em cũng sợ. Vì trông bà lạ lắm, không như trong ảnh. Nhìn bà chỉ như cô gái ngoài hai mươi. - Vậy thì không phải là mẹ anh ngóng anh đâu - Tôi mỉm cười - Anh đã nhìn thấy bà đứng ngóng ngoài hiên như thế trong bao nhiêu năm trời rồi. Tốt nhất em về nói lại với bố. Bảo bố đừng đi đêm với dì này dì kia nữa. Mà hãy thắp cho mẹ anh một nén hương. Hãy nhớ với mẹ anh, ông ấy là gia đình duy nhất của bà.
Trong đời tôi đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh gia đình. Bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc. Tôi hiểu rằng hôn nhân là nơi thể hiện hết bi kịch của đời người.
Nhưng cũng chẳng có điều gì khiến người ta sống trọn vẹn hơn là một gia đình. Tất cả mọi người, dù là đàn ông hay đàn bà, gay, bi, straight, đều sẽ sống vì một gia đình.
Tôi về nhà. Hai bố con đang xem hoạt hình, chờ tôi về ăn cơm. Bữa cơm ba người, tôi ngồi đầu nồi, vừa đơm cơm, vừa thêm canh, thêm thịt.
Chúng tôi nói chuyện về thể thao, về giá xăng, về que tính, về một phép cộng.
- Quang có biết một cộng một cộng một bằng mấy không? - Bằng ba ạ - Thằng bé đáp. - Bằng một - Quân đáp. - Bằng một. Có khi bằng hai. Có khi bằng ba. Có khi chẳng còn gì. - Có khi là bằng cái cốc vào đầu em ấy. Nói xa xôi gì thế? Ăn cơm đi. Có muốn tối nay cả nhà đi siêu thị không? Lạnh rồi. Nhà ta sẽ sắm một cái đệm mới.
Chúng tôi nằm trên chiếc đệm mới cứng, theo đúng nghĩa đen. Quang đã ngủ say. Quân và tôi xem một bộ phim trinh thám. Anh vừa xem vừa nói chắc chắn thủ phạm chỉ đến hết phim mới xuất hiện, và sẽ là người ít ai ngờ đến nhất.
- Có gì bất ngờ đâu - Tôi nói - Em cũng đang kể một câu chuyện mà em đã yêu một người suốt 16 tập để rồi có gia đình với người đến ở tập cuối cùng.
Quân nắm lấy tay tôi ấm áp.
Gió mùa về.
Hết.
|
Phụ truyện.
1.
Tôi vốn là đứa rất ngỗ ngược, ít khi nghe lời người khác. Hồi còn đi học tôi không chơi với ai. Nhưng hễ có người động đến tôi, dù thiện ý hay ác ý tôi đều có thể gây gổ lại. Có bữa đánh nhau tôi bị năm thằng dồn đánh đến tối tăm mặt mũi, chỉ biết vớ được thằng nào là đấm thằng đó. Lúc tôi hộc máu mồm máu mũi ngất ra đất thì thằng Phúc tới cứu.
Mẹ tôi bảo tôi cảm ơn nó. Tôi tới cảm ơn. Mẹ tôi bảo tôi tới xin lỗi đứa tôi gây sự, tôi nhất định không.
- Nó nói con trước - Tôi lì lợm với mẹ - Mẹ đừng hòng bảo con xin lỗi. - Con ơi bố nó làm trên phòng giáo dục, con không đến xin lỗi bị đuổi học thì sao? - Mẹ tôi cáu. - Thì kệ đuổi chứ sao? Con chẳng cần đi học cũng được.
Lúc đó hai mẹ con tôi còn ở nhà Phúc. Mẹ nó bán hàng ở chợ đêm, khuya mới về. Mẹ tôi thì muốn phải gặp được bà mới yên tâm.
Phúc nghe hai mẹ con tôi nói chuyện với nhau thì cũng rụt rè lên tiếng:
- Bác ạ thằng Tài ấy hỗn lắm. Vũ không phải người đầu têu đâu. - Rõ! - Tôi cướp lời - Con không sai! Con không nhận!
Mẹ tôi phật ý lườm tôi, biết rằng có nói nữa thì cũng vậy. Bà quay lại phía Phúc, hỏi chuyện nó:
- Thế bố cháu đâu?
Thằng Phúc ngần ngừ không đáp. Rồi nó nói phải học bài, chui vào một xó. Mẹ tôi lại nhân đó nói tôi:
- Con thấy chưa? Nhà người ta nghèo hơn nhà mình mà người ta còn chăm học thế. Chứ đâu có như con. Mẹ thì cố tạo điều kiện cho con mà con thì ... - Không đâu bác - Thằng Phúc quay lại - Vũ ở lớp thông minh lắm, được nhiều thầy cô khen. Chẳng qua bạn ấy lười học.
Tôi trợn mắt nhìn nó, tự nhiên thấy có cảm tình. Kể từ ngày hôm sau, tôi coi nó là bạn.
Ngày ấy, hồi còn học cấp 2, Phúc gầy ghê gớm. Nó thuộc hàng hạt tiêu trong lớp, vừa thấp vừa bé. Đến như tôi cũng cao hơn nó cả cái đầu.
Đã thế, tính nó lại nhút nhát. Mới đầu tôi chủ động đến rủ nó đi học, nó còn ấp úng không nói được lời cảm ơn.
Sau dần, nói chuyện nhiều với nhau, Phúc mới kể cho tôi về gia đình nó, về người bố tệ bạc của nó.
- Thế thì tao với mày có điểm chung rồi - Tôi nói - Bố mẹ tao cũng ly dị rồi. Vì bố tao phản bội mẹ tao. - Phản bội à? Là thế nào? Ông ấy có đánh mẹ mày không? - Còn hơn cả đánh ấy chứ. Ông ta qua lại với nhiều người khác sau lưng mẹ tao. Tao có em gái mà còn không biết ấy. - Mẹ mày không bị đánh là may rồi - Phúc rầu rĩ - Lần nào bố tao đến cũng đánh chửi mẹ tao. Có lần còn giật tóc bà lôi từ trong nhà ra giữa đường đánh nữa.
Một hôm tôi tới nhà nó chơi buổi tối, đúng lúc bố nó đang đang mặt đỏ tía tai túm lấy tóc mẹ nó. Phúc thì cứ bấu vào tay bố nó gào lên:
- Bố bỏ mẹ con ra! Bố đừng đánh mẹ con! - Anh tha cho tôi! - Mẹ nó khóc - Tôi chẳng còn có bao nhiêu tiền, mai còn phải đóng học cho thằng Phúc ... Xin anh để cho tôi tiền tôi còn nuôi con ... - Đm cái con đĩ này! Mày đang sống nhờ ai mày có biết không? Không có bố mày mà mày đòi có tiền à? Đòi có con à? - Tôi chịu phúc anh! Tôi chịu ơn anh! Xin anh cho tôi nuôi con tôi, con anh! - Chắc đ.éo gì nó đã là con tao? Con điếm này!
Thằng Phúc khóc thét khi gã đập đầu mẹ nó xuống nền gạch.
- Mẹ ơi! Mẹ!
Gã lục tung chiếc tủ ly giữa nhà, lấy tiền rồi bỏ đi, kệ mặc hai mẹ con Phúc ôm nhau khóc, trán mẹ nó ròng ròng máu.
Đấy là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh một người đàn ông đánh vợ. Cảnh tượng ấy khiến tôi sợ tới mức tôi không dám ở lại mà chạy một mạch về nhà. Tôi tìm mẹ, ôm chặt lấy bà. Nghĩ đến cảnh bà bị đánh như thế, trán bà tứa máu như thế mà tôi run người.
- Con sao thế? - Mẹ tôi hỏi - Con không đến nhà Phúc à?
Tôi kể lại cho bà. Chẳng nói chẳng rằng bà liền kéo tôi đi.
Mẹ Phúc ôm mặt khóc như mưa bên cạnh mẹ tôi. Còn tôi cũng ngồi cạnh Phúc.
- Tao hận! - Thằng Phúc sưng đỏ mắt nói - Tao hận! Tao hận!
Một lúc sau mẹ tôi gọi cả hai thằng lại gần, khuyên bảo:
- Phúc ạ - Cô nghĩ thế này - Trên đời có nhiều người trái tính trái nết, mình không thay đổi được đâu. Giờ bố cháu đã như thế, hai mẹ con lại càng cần phải đùm bọc nhau. Cháu là con trai, phải kiên cường lên, cố gắng học hành, sau này còn giúp đỡ lại cho mẹ.
Thằng Phúc lau nước mắt, không đáp lại.
- Giờ theo ý cô hai mẹ con nên chuyển nhà đi. Có gì cô sẽ giúp cho một ít tiền. - Thôi cô đừng làm thế! - Mẹ nó nói - Mẹ con tôi áy náy lắm. Số tôi khổ tôi đành phải chịu, tôi không muốn liên lụy đến cô. - Chị quên rằng lần trước con em bị đánh ngoài đường, chính thằng Phúc cứu nó sao? Giờ chị gặp chuyện khó khăn, em giúp lại chị một chút, đâu đã đáng để nói?
Dẫu vậy, mẹ nó vẫn một mực từ chối. Bà cảm ơn mẹ tôi rồi tiếp tục cắn răng chịu đựng. Mãi đến khi hai đứa tôi vào tù, bà quá đau đớn, suýt đã tìm đến cái chết, bà mới nhận sự giúp đỡ của mẹ tôi.
Hai người phụ nữ đơn thân, tiền của cho nhau không nhiều. Nhưng tôi với Phúc chung một trại, lần nào mẹ tôi đi thăm tôi cũng hộ cả mẹ Phúc. Hai bà sau đó cùng nhau mở một quán ăn rồi dắt díu vào nam sinh sống.
|