Nói thực lòng, tôi vẫn luôn nghĩ Phúc là straight. Từ sau khi vào đại học, nó cũng chăm tập tành, từ một thằng nhóc bé con nhất lớp ngày nào, giờ nó đã cao to vượt hẳn tôi. Vẻ ngoài không đến nỗi nào khiến con gái theo nó cũng khá. Mà theo trí nhớ của tôi thì đã vài lần nó đi hẹn hò với gái ngay từ hồi còn ở Hà Nội.
Thế nên tôi tuyệt không come out với Phúc. Tôi cũng không nói gì về Chinh, Việt hay những người bạn gay khác của tôi.
Lần đầu tiên tôi gặp Chinh là khi cùng Tuấn đến một quán cà phê nhạc sống. Khi đó tôi và Tuấn đã thân nhau hơn, anh rủ tôi đi, lấy cớ giúp tôi thư giãn sau khi thi đại học. Tuấn nói với tôi:
- Anh thách em dám lên kia hát một bài. Hát được thì anh sẽ đưa em đi chơi xa một chuyến. - Anh đừng thách - Tôi nói - Thi cử xong rồi. Giờ em cũng đang muốn đi chơi đây.
Tuấn hất cằm lên phía sân khấu. Tôi lập tức đứng dậy hỏi anh ca sĩ mới ngồi nghỉ, đề nghị được hát bài sau đó, Giọt nắng bên thềm của Thanh Tùng.
... Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng ngày bình yên Bài hát tìm trong ký ức cuộc tình đầu tiên Trả lại cho tôi, trả lại cho anh Trả về hư không, giọt nắng bên thềm ... Bài hát tìm trong nỗi nhớ từng giờ bình yên Bài hát tìm trong nuối tiếc một chiều hoàng hôn Còn lại trong tôi, còn lại trong anh Chỉ là lung linh giọt nắng bên thềm ...
Tuấn đứng hẳn dậy vỗ tay sau khi tôi bước xuống. Anh mỉm cười nhìn tôi khi tôi về chỗ ngồi.
- Em làm anh bất ngờ đấy. Ra là cũng tập làm ca sĩ? - Có đâu? Nhạc Thanh Tùng là tủ của mẹ em. Em nghe từ bé đến lớn rồi, cũng thuộc được mấy bài.
Tôi quay sang bên cạnh, bắt được một ánh mắt đang nhìn tôi chằm chằm. Gần như tức khắc cậu ta đứng dậy tới bên bàn tôi, dùng vết nước đọng trên bàn vẽ hình một con bươm bướm. Tôi vui vẻ gật đầu.
Chúng tôi nói chuyện làm quen. Chinh sinh cùng năm với tôi nhưng tính tuổi âm thì hơn tôi một tuổi, đi học sớm, đang là sinh viên trường Kinh tế, khoa kế toán.
- Tớ cũng mới thi kế toán năm nay xong - Tôi nói - Còn chưa biết kết quả. Không dám mơ tới đại học, chỉ cần cao đẳng là tốt rồi. Hên thì sau này làm kế toán, xui thì đi làm thu ngân. Vì mẹ tớ buôn bán, nên cũng muốn học gì đó giúp được mẹ. - Còn anh này? - Chinh hỏi Tuấn - "Bạn" cậu đó à? - Không không - Tôi vội phẩy tay - Cẩn thận vào tù đấy. Anh này đã tống tớ vào tù sáu tháng rồi.
Chinh bật cười còn Tuấn tự nhiên ngây người không nói gì. Lúc đó tôi nghĩ anh không thích tôi nói kiểu "đổ tội" cho anh. Mãi về sau này tôi mới biết cuộc nói chuyện của tôi và Chinh vô tình để lộ với anh rằng, tôi cũng là gay.
Như đúng lời hứa, Tuấn rủ tôi đi chơi vào dịp cuối tuần sau đó ít lâu, đúng vào dịp Thất Tịch.
- Sao anh không ở nhà báo hiếu? - Tôi nói nửa tò mò nửa chọc khích - Còn một tuần nữa là Vu Lan rồi còn gì? - Thất Tịch là Thất Tịch. Còn Vu Lan là Vu Lan chứ. - Kể cả thế. Thất Tịch chỉ dành cho những đôi đang yêu, chứ liên quan gì đến anh hay em?
Anh đứng tựa người vào thành cầu, một tay đút túi quần, đăm đăm nhìn tôi.
- Em có biết ý nghĩa ngày Thất Tịch không? - Anh hỏi tôi. - Sao mà không biết? Ngưu Lang Chức Nữ yêu nhau gây tội, phải chia lìa người đầu sông Ngân, người cuối, chỉ được gặp nhau khi ô thước bắc cầu ngày Thất Tịch. Thế nên ngày Thất Tịch còn là ngày lễ tình nhân. - Em có để ý mình đang đứng trên một cây cầu không?
Tôi ngạc nhiên khi anh nắm lấy tay tôi. Vầng trăng khuyết một nửa như in bóng chim quạ, chim khách.
- Ý anh là?
Tuấn buông tay tôi, quay xuống ngắm dòng sông lờ lững.
Mưa ngâu sụt sùi, rả rích từ mười giờ đêm. Tuấn pha một ấm chè, ngồi trên giường xem chương trình cáp. Là một thằng con trai 19 tuổi, ý nghĩ yêu đương đủ mạnh để tôi không ngơi day dứt về hành động của anh hồi tối.
Tôi phân vân một lúc trước khi lau người rồi bước trần ra ngoài. Tuấn sững sờ.
- Ngày Thất Tịch chưa hết đâu - Tôi nói - Nếu như anh nghiêm túc.
Chúng tôi run rẩy trao nhau nụ hôn đầu, quyến luyến xác thịt.
Hết mình yêu thương.
Yêu đến quên cả mưa ngâu, đến nước mắt, đến Vu Lan.
Đến ngày chia ly.
|
2.
Mẹ tôi từng nói, cuộc đời tôi vì chữ Oan mà khổ. Nhưng tôi nói với bà, trên đời chẳng có gì tự nhiên xảy ra. Có thể đôi khi cuộc đời nghiệt ngã với tôi, song ắt có nguyên nhân của nó.
Chuyện tôi vào tù chẳng hạn. Ừ thì cũng là một cái giá đắt. Nhưng đúng là tôi đánh ông ta, biết làm sao được.
Rồi chuyện hồi tôi mới học năm hai. Tôi đang đi trên đường, đúng lúc có thằng phía trước tông ngã một ông già. Tôi thấy tức, liền dừng lại đưa ông vào bệnh viện. Buổi chiều, tôi quay lại thăm ông, suýt bị thằng con trai ông đấm vào mặt. Nó túm cổ tôi nói chính tôi tông xe vào lão. Lão già không khẳng định là tôi, nhưng cũng không phủ nhận.
Tôi bị tịch thu xe, phạt 10 triệu. Nhưng cay đắng nhất là bị đình chỉ một năm học. Làm ơn mắc oán, tôi giận đến độ khi mẹ tôi bảo tôi vào nam với bà, tôi đi thẳng, cũng bỏ học luôn từ đó.
Tôi nói với mẹ tôi:
- Biết thế con đã chẳng đứng lại giúp cái lão già ấy! - Thôi con - Mẹ tôi can - Mình không có bằng chứng, cũng không cãi được. Còn gặp người hoạn nạn, tất nhiên mình phải giúp. Dù thế nào, cũng đã có trời. - Trời với đất gì? Nếu trời có mắt thì giờ mẹ con mình có khổ thế này không?
Mẹ tôi thở dài. Bà mới bị lừa, mất đứt một nửa vốn liếng, buộc phải tha phương. Mẹ tôi vào Nam, buôn bán nhỏ vài thứ đồ nhựa. Những tháng đầu tôi vẫn đi nhập hàng cho bà. Hai mẹ con xoay xở nơi đất khách quê người, tôi gần như không giữ liên lạc với ai, kể cả Tuấn.
Đấy cũng là một tính xấu của tôi. Thường khi có tin nhắn, trừ phi rất khẩn cấp, nếu không tôi đều không trả lời. Xa mặt cách lòng, lại chưa yêu đến sâu đậm, tôi và Tuần gần như chấm hết.
Phúc học đại học trong Nam. Nó có vẻ hợp với vùng đất này hơn Hà Nội. Từ khi vào Sài Gòn, tính tình nó thoáng hẳn, bạo dạn hơn, cứng cỏi hơn. Ít định kiến, dễ kiếm tiền, đất miền Nam đã khiến nó khẳng định với tôi sẽ không bao giờ sống ở Hà Nội nữa.
Tôi thì khác. Sau chuyện của tôi với Mạnh, nhất là khi mẹ tôi cũng đã ổn định làm ăn, tôi nghĩ ngay tới việc trở ra bắc. Một phần vì đám bạn cũ của tôi, hội thằng Chinh, thằng Việt, một phần vì tôi nhớ Hà Nội, nhớ những nỗi buồn cắt lòng.
***
Trời rét căm căm. Lâu rồi Hà Nội mới lạnh đến thế, ngoài trời giữa trưa cũng chưa đến hai mươi, lần đầu tiên từ đầu mua đông tôi phải đeo găng tay, quàng khăn.
Năm giờ chiều, khi tôi mới đi đón Quang về thì có điện thoại.
- Anh ... - Giọng nói trong điện thoại run run - Anh muốn gặp em một chút có được không?
Lòng tôi buồn se khi nghe thấy tiếng anh. Tôi nói vâng, khóe mắt mặn xót.
Thường hơn sáu giờ tối Quân mới từ cửa hàng về. Tôi dặn Quang ở nhà ngoan, nếu có việc thì gọi cho bố, cho tôi. Thằng bé bình thường rất tự lập, tôi cũng yên tâm.
Tôi gặp anh tóc tai rối bù, xõa sợi, luộm thuộm trong chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ.
- Sao mà anh thế này? - Tôi mỉm cười.
Chúng tôi ngồi đối diện. Anh uống một cốc cà phê đen, ngoái nhìn ngoài cửa sổ. Trời mưa mù, ướt át.
- Tại sao không bao giờ em nói với anh? - Anh nói - Không bao giờ. Không bao giờ em nói cho anh biết em nghĩ gì, em định làm gì. Cũng không bao giờ em nói cho anh biết em gặp chuyện gì! - Anh biết, cũng có để làm gì đâu?
Nước mắt anh ngắn dài. Anh nhìn tôi, đặt tay lên gương mặt tôi. Anh ném vỡ cốc cà phê trên bàn. Người phục vụ vội vã lại gần. Tôi nói vô ý làm rơi, nhờ dọn hộ.
Anh vò đầu, khóc thành tiếng. Tôi ngồi cạnh anh, nắm lấy tay anh.
- Nghe em này - Tôi nói - Nghe đã này.
Anh lắc đầu.
- Cả cuộc đời này, anh không bao giờ nghĩ được rằng chính anh làm hại người anh yêu! Chính anh làm hại con anh! - Tất cả chúng ta đều có lỗi. Đừng tự trách mình làm gì? Anh vẫn còn mẹ, còn vợ, còn con ... - Cô ta ... - Anh đừng nói thế. Đừng hủy hoại thêm gia đình mình. Nghe em này ...
Tôi nhìn vào mắt anh. Đôi mắt đã có nếp nhăn nơi khóe mắt, đôi mắt đang đỏ au rỉ nước.
- Em, hay anh, đều chỉ sống một lần. Chết là hết. Nhưng anh còn con anh. Đứa trẻ ấy lớn lên lại có một gia đình riêng. Anh đừng để con anh, cháu anh thù hận cha mình, thù hận gia đình mình. Chừng nào anh còn nghĩ đến họ, hãy làm tròn vai trò của một người cha. - Còn em? Em thì sao!
Tôi kể về Quân. Tôi nói đó là một người chồng góa vợ, một người cha chỉ có một mụn con độc nhất. Tôi sống với anh, tình nghĩa nặng hơn tình yêu. Chúng tôi sống cho một mái nhà, có vậy thôi.
- Anh về, cố gắng nói chuyện bình tĩnh với Hà. Cô ấy vì yêu anh mà làm thế. Anh trai cô ấy vì yêu cô ấy mà làm thế. Mọi người đều có những lý do chính đáng riêng ... Còn em, giờ cuộc sống cũng đã ổn.
Tôi vuốt tóc lại cho anh, chỉnh cổ áo cho anh. Anh ghì chặt tôi vào lòng, cái ôm siết đến đau lòng.
***
Tôi về nhà. Bố con Quân chắc đã ra ngoài. Tôi ngồi trước hiên, châm một điếu thuốc. Khói thuốc cay xè mắt.
Một lúc lâu sau Quân mới về. Anh bảo đứa bé lên phòng trước. Anh ngồi xuống cạnh tôi.
- Sao thế em?
Tôi vội gạt nước mắt, im lặng.
- Mai là ngày giỗ của vợ anh - Anh nói - Em có muốn đi thăm mộ cô ấy cùng bố con anh không? - Không - Tôi lắc đầu.
Anh ngẩng lên nhìn bầu trời tối mịt, thở dài.
Quân mở bản Dạ khúc của Châu Kiệt Luân. Anh nói anh lần đầu nghe thấy ca khúc này đúng trong ngày vợ anh mất. Tình cờ đến bi thương.
Đêm đông tịch mịch. Tôi khóc trong lòng.
"... Anh đứng lặng trong nghĩa địa âm u Nguyện yêu em đến chết Vì em đàn lên bản dạ khúc của Chopin Kỷ niệm của tình yêu đã không bao giờ trở lại."
-Hết-
|