Xin Lỗi Em, Anh Đã Yêu Anh Ấy
|
|
20. Mè Xửng
Người ta bảo nhau sẽ làm cỗ cưới phiên phiến thôi. Dù sao thì Oanh cũng đã ăn cơm trước kẻng. Giai trên gái dưới rồi chửa vạ ra. Thế mới có chuyện ông bà phó Quản cầm như cho không con gái. Mà câu nệ làm gì chứ! Cơm đã vãi ra thì sao hốt lên mà không có sạn. Có người còn độc mồm hơn: – Nói kín thôi, bên bà Nhụ không khiêng cau sang thì nhà bà Phó cũng chẳng làm gì được. Cọc đi tìm trâu thì chả khác nào nắm dao đằng lưỡi. – Nhưng mà lấy được thằng Hiên thì cũng phúc bảy mươi đời. Lấy phải thằng Hiện thì mới gọi là đại họa. Nhà trai chuẩn bị hoa đèn khá tươm. Hình như đã có thỏa thuận trước, nhà gái sẽ đưa dâu sang nhà trai tất tần tật từ người già đến trẻ con. Ăn cỗ một bên thôi, đỡ phiền hà, khỏi rách việc. Chú rể có thằng bạn thân. Thằng này khéo tay, biết cắt thủ công, tờ giấy màu to như thế mà nó chỉ gấp lại có vài đường, rồi lưỡi kéo xoèn xoẹt cắt. Khi bóc ra người ta thấy nào là chim cò, hoa cúc, hoa mai, nhìn thật vui mắt. Một hàng chữ: Nhớ Ơn Sinh Thành thật to được dán trên cái bàn độc có một bình hoa và một mâm quả đầy những thứ trái cây đắt tiền mua ngoài chợ về. Tường gỗ bốn bên đều có dán hình hoa lá. Một câu viết: Trăm Năm Hạnh Phúc Hiên Oanh ở bên hữu. Phía ngoài thềm là hàng chữ Chào Mừng Quý Khách được căng cẩn thận bên dưới cái bảng thật cho ghi hai chữ: Tân Hôn. – Có đói bụng không? – Hiên hỏi Hà. – Không đói lắm – Hà vẫn mải việc trang trí, hình như đấy là cách cu cậu cố tình lẩn tránh. – Để anh lấy cơm cho em ăn. – Hiên nắn nhẹ vai Hà. – Không cần đâu – Trong giọng nói của Hà có điều mâu thuẫn vì bao giờ anh cũng muốn được Hiên quan tâm chăm sóc. – Ăn chung với anh nha? – Hiên nói rồi bước xuống nhà dưới. Một lát sau anh bưng lên hai tô cơm nguội rang với hành củ và mỡ chài. Hiên giằng cái kéo ra khỏi tay Hà, giọng khẩn khoản: – Ăn đi! – Đâu có đói đâu mà ăn – Hà lảng tránh. Tâm tư anh bức xúc. Ngày cuới của người yêu trong khi mình chỉ là một cái đuôi hờ hẫng. Anh cảm thấy xót xa, tủi thân và thấy tội nghiệp cho chính mình. Tại sao người ta sắp lấy vợ mà vẫn còn quan tâm đến mình làm gì kia chứ! – Không đói cũng ráng ăn. Ăn cho anh vui! Hà càng tủi thân hơn khi nghe anh Hiên nói câu ấy. Trong thâm tâm, Hà biết Hiên thật sự thương mình. Chúng ta không có nhiều lựa chọn. Hà cả ngàn lần nói với mình câu nói ấy. Nhưng cảm giác buồn dù sao anh vẫn không tránh được. Chẳng phải Hiên cố tình chủ động chia tay, chính Hà đã khuyên người yêu đi lấy vợ, Hà cảm thấy buồn vì bất lực. Lời nói của Hiên vẫn ấm áp ân cần. Hà, đáng lẽ phải trả lời cho hợp nghĩa nhưng cảm xúc giằng co đã khiến anh bối rối không sao bình thường tự nhiên được. – Nghe anh đi! Em không ăn, anh nuốt cũng không vô! – Câu nói như lời của một người chồng dành cho người vợ. Hà bủn rủn chân tay, anh đưa mắt nhìn chú rể tương lai, lòng trĩu nặng như đeo đá. – Múc gì nhiều vậy cha nội! – Hà cố gắng đóng kịch. – Thế thì sẻ bớt qua cho anh! – Hiên nói, giọng vẫn ân cần. Hình như trong lúc này Hiên sẽ làm tất cả những điều gì Hà muốn. Kể cả việc Hà bảo Hiên hãy dừng ngay lại đám cưới với Oanh, Hiên cũng sẽ làm. Cơm rang hành mỡ là món hai thằng bạn bao giờ cũng thích. Nhưng hôm nay những hạt cơm rời rạc, khô cứng, cố tình phản đối không chịu đi xuống thực quản. Cổ họng cũng cố tình làm khó, cả hai đều không nuốt trôi được. Những hạt cơm cứ ngậm trong miệng. Dồn căng như cảm xúc không có lối thoát của cả hai người. Cuối cùng Hiên nói: – Anh sẽ không có hạnh phúc. – Đừng nói gở, không nên. – Hà đặt bát cơm xuống rồi nhìn vào mắt Hiên. – Em biết số phận của anh rồi sẽ ra sao mà. – Hãy hi vọng đi! Em không muốn anh khổ. Hãy cố gắng, hạnh phúc là do mình tự gầy dựng. – Hà muốn nói thế nhưng anh biết mình không có can đảm. Với anh thì hạnh phúc của Hiên là điều quan trọng nhất. Và hơn ai hết, anh hiểu được Hiên chỉ thật sự hạnh phúc khi ở bên cạnh mình. Hà hiểu được điều đó vì anh biết rõ trực giác tâm hồn mình đang mách bảo. Hà lại cầm bát cơm lên, rời rạc. Bất ngờ anh xúc một muỗng đầy cơm rồi đưa lên miệng cho Hiên: – Muỗng cơm chúc hạnh phúc may mắn cho anh ! Hiên há miệng ra rồi nhai muỗng cơm Hà vừa đút cho mình. Cả hai nhìn ra cánh cửa. Ngoài sân con chó mẹ đang kiên nhẫn đứng, bốn con chó nhỏ đang đứng lên thi nhau thúc vào hàng vú căng nặng. Con chó mẹ cam chịu, hy sinh. Cuộc đời con người cũng như thế. Luôn luôn vẫn là những cố gắng. Không thể làm sao khác hơn được. Sinh ra giữa đời không phải là điều chúng ta hoàn toàn muốn. Tất cả chúng ta đều bị ném vào thế giới qua những kênh cưỡng bức mà mọi người thường quen gọi một cách quen miệng là cuộc sống mến thương kỳ diệu. Bà Nhụ đi từ nhà duới lên trên, đảo mắt nhìn quanh các tác phẩm của Hà, đôi mắt bà sáng lên: – Thằng Hà đúng là giỏi! Thế có đủ giấy màu không, hở con? – Bà cụ không để ý gì đến ai ngoài niềm vui thắng lợi tinh thần. Dẫu sao Oanh cũng là đứa con gái bà quý mến. Vả lại Oanh đã mang thai với Hiện. Bà Nhụ tuy không nói ra nhưng bao giờ cũng thương đứa con trai cả của mình. Có lúc bà còn hy vọng rằng một ngày nào đó Hiện sẽ về. Lúc ấy nếu Hiện muốn, bà bảo Hiên nhường Oanh lại cho anh trai. – Đủ đấy, u ạ ! – Hà cắt luồng suy nghĩ để trả lời bà Nhụ. – Y như là con bị ốm hay sao ấy, hả Hà? – bà Nhụ hỏi. – Không! Con chỉ thức khuya hôm qua thôi! – Hà trả lời quanh co. Thật sự thì anh có cảm giác như mình đang ốm thật. – Để u hoà cho anh em mày ca nước chanh. Giời nóng thế này, đến chết! Nói xong bà Nhụ quay trở xuống nhà bếp. Chỉ còn lại Hiên và Hà ở nhà trên. Chẳng ai biết là Hiên đã bỏ bát cơm xuống. Anh ôm chặt lấy Hà. Hai người họ hình như đều không ngăn được dòng cảm xúc. Cuối cùng Hiên siết chặt lấy tay Hà rồi hôn lên mái tóc bạn tình, giọng nghẹn ngào xúc động: – Anh sẽ không bao giờ quên em được, cho đến khi nào anh chết. Hà nhũn người ra. Hình như máu đã rời khỏi toàn bộ các vùng khác của cơ thể để chạy về quả tim. Nơi những thổn thức đang quay cuồng, vỡ oà, tuôn chảy trong dòng cảm xúc đang dềnh lên, thác loạn. Mà không muốn cũng không được, ngoài tình yêu ra, hai người họ còn có một bề dày tình bạn, chứa chan rất nhiều kỷ niệm.
|
21. Dưa Chua
Hôm ăn cơm ở nhà Hiên, sau chén rượu thứ ba thì Hà hoàn toàn quên đi tất cả. Cảm giác hưng phấn khác thường, khuôn mặt mọi người đều thân thiện dễ thương hơn. Hiên cũng thế, rượu khiến cho con người ta quên hết những căng thẳng, ưu phiền. Ngay cả trong ánh mắt nhìn của Hiên, Hà cũng cảm nhận được điều đó. Mọi người đều vui. Tiếng cười giòn như nộm và tâm tư con người đang thư giãn, mềm mũn ra như miến nấu. – Chén này là chén tôi mời anh Hiên. – Tự nhiên Hà thấy mình rất vui. Đầu choáng hơn nhưng đấy là một cảm giác thật nhộn nhịp. Các tế bào thần kinh bây giờ bắt đầu nhảy múa. – Uống chung tao mới uống! Mỗi thằng làm một nửa – Hiên đặt điều kiện. – Mỗi người làm một chén luôn! – Hà cao hứng, quên rằng bàn tiệc còn có cả mẹ của mình đang lo lắng nhìn anh. – Làm một chén thì làm. Ngán mày sao, Hà! Lẹt đẹt có tiếng vỗ tay của Hiện. Bà Nhụ và cô Mệ đã ăn xong. Chị cả vẫn đang tiếc, cố ngồi gặm cái chân gà, chả có thịt nhựa gì nhiều chỉ ngoài cái lớp da màu vàng chanh. Thế là chai rượu vơi dần. Ly cuối cùng rót ra cũng là lúc rượu bắt đầu phát hoàn toàn tác dụng. Hà đứng lên muốn ra ngoài đi tiểu nhưng anh mất thăng bằng, người ngã dụi vào người Hiên. Hà nghe thấy có tiếng người nói: – Thằng Hà say rồi. – Cẩn thận đấy! – Hiên ! Mày dìu thằng Hà, kẻo nó ngã. Hà nói mình muốn đi ra sau nhà. Hiên còn tỉnh rượu nên khoác vào vai bạn dìu ra. Một lát sau, người trong nhà đang thu dọn bát đĩa. Bà Nhụ và cô Mệ nghe được tiếng Hà nôn ọe ngoài sân. Bà Nhụ an ủi cô Mệ: – Chẳng sao đâu! Chốc tôi xoa chanh vào lòng bàn chân nó cho. Giã rượu nhanh lắm! – Bác cho cháu ngủ lại bên này nhé! – Cô Mệ nhìn bà Nhụ. – Được rồi! Chốc tôi xoa chanh cho nó – Quay sang Hiện đang nằm ưỡn dài trên phản, bà nói: – Thằng Hiện tối này ngủ ngoài phản, nhường chỗ cho em! Hiện không trả lời, hình như cu cậu cũng đã bắt đầu say. Trời tối xập thật nhanh. Muỗi ùa ra chuẩn bị cho một đêm lao động nhiệt tình như thuờng lệ.
|
22. Nắng Lụa
Tiếng cười nói râm ran cả một góc sân. Cô dâu mặc áo đỏ, khăn voan trắng, đẹp như một diễn viên kịch được hóa trang tỉ mỉ. Chú rể bận rộn, dáo dác nhìn quanh, hình như anh cố tình tìm trong đám người lố nhố một khuôn mặt quen thuộc. – Đốt pháo đi chúng mày. Sắp sang giờ tỵ rồi đấy! – Một người đàn ông bên nhà gái oang oang như lệnh vỡ. – Pháo đâu rồi? – Có người đàn bà to béo hỏi vọng ra phía sau. Bà ta cũng là người bên nhà gái. Chưa có tiếng trả lời thì ngoài sân đã đì đẹt tiếng pháo. Nổ chưa được nửa dây thì tràng pháo tắt ngang. Mọi người nhốn nháo nhìn ra ngoài, nín thở hồi hộp. – Ô hay! Sao lại như thế? – Một người đàn bà khác lại chen vào. – Châm lửa nhanh lên! – Có ai đó thúc. Hình như chẳng ai muốn một dây pháo lại bị ngưng ngang nửa chừng như thế. Một thành viên khác của nhà gái lao ra. Anh ta xòe diêm châm vào ngòi pháo. Lại đì đẹt nổ thêm một quãng nữa. Pháo lép nhiều hơn pháo nổ tung xác. Có người chép miệng: – Hay thật ! Thế này là điềm không may mắn! – Tiền nào của nấy, rẻ thì nó thế! – Một cô gái gầy đét nói chõ vào. – Tát cho một cái vỡ mồm bây giờ. Mới nứt mắt, biết gì mà nói leo! – Một người đàn bà khác mắng cô gái. Người ta phân vị xong rồi cùng ngồi vào bàn tiệc, cả khách lẫn chủ đều mặc áo mới. Cô dâu bụng có phần nhỉnh căng đang cùng chú rể đi tiếp khách. Cỗ có thảy tám bàn. Đàn ông ít hơn đàn bà. Trẻ con đứa đứng đứa ngồi. Đứa nào tay cũng không cầm xôi thì cầm thịt. Tiếng cười vui như khí xuân. Chỉ có chú rể là nhớn nhác. – Hà đâu rồi, anh? – Cô dâu hỏi chồng. – Anh cũng không biết nữa. – Hiên trả lời với vợ. Anh có vẻ bức xúc – Quái lạ cái thằng. Đâm đầu đi đâu chẳng thèm nói gì với ai một tiếng. Oanh cấu nhẹ vào tay chồng khi anh nói quá to. Nhưng tiếng cười nói rộn ràng của mọi người nên chẳng ai nghe thấy gì cả. Người ta đang nói về đủ mọi chuyện cám bã và phân gio. Có người khen con lợn cấn thịt nên thịt mềm và ngọt. Họ khen người nào hông xôi khéo tay nên xôi khô và dẻo. Mọi người hí hửng vì được bữa cỗ ngon. Đàn ông vừa chuốc rượu cho nhau vừa mách tục. Đàn bà thì gỡ xương cho trẻ con và đám con gái thì e dè, mặt đỏ gay khi bọn con trai lăm lăm nhìn chúng. – Để anh đi tìm nó. – Nhanh lên anh nhé! – Oanh cấu vào tay chồng. Hiên lao vọt ra phía sau vườn, vén những tán cà phê rậm rạp. Trực giác cho anh biết Hà đang ở nơi đâu.
|
23. Bễ Dâu
Ở đời những kỷ niệm gắn bó vào nhau như một cây mía dài, có khúc sâu, khúc lành. Như một qui luật tự nhiên, những đốt mía ban đầu gần gốc luôn cứng và khô. Các đốt giữa mềm và ngọt, càng lên đến gần ngọn, các dóng mía càng nhạt dần dần đi. Vụ cà phê năm nay trúng mùa nhưng mất giá nên hóa ra không tốt hơn vụ năm ngoái thất mùa được đám con buôn trả giá rất cao. Thành ra các sự ở đời chẳng ai biết biết đâu mà lần trước được. Họa và phúc là hai mặt của một đồng xu. Anh tung nó lên, xác suất bao giờ cũng là một nửa. Chỉ biết trước khi đồng xu lật ngửa ra, nó xoay tròn và anh chẳng biết kết quả như thế nào. Đời con người cũng thế, cũng là những vòng xoáy. Chung cuộc ra sao thì chỉ khi nào đồng xu nằm im tắt thở anh ta mới biết nó là mặt hình hay mặt số. Gần nhà Hà có một hộ nấu rượu gạo và nuôi lợn. Cô con gái cả tên Vi. Nhan sắc hạng trung nhưng thân hình nảy nở cân đối. Dáng đi khoan thai, ăn nói lại nhu mì. Đại thể nếu chỉ chọn gỗ tốt chứ không chuộng nước sơn thì người ta sẽ bảo nhau: – Cưới con bé này về làm dâu được đấy. Cô Mệ thích cái nết của Vi nên bảo con trai: – Hà này, bắt chước thằng Hiên mà lấy vợ. Con cũng đã hơn hai mươi tuổi rồi! Hà di mảnh vải trên máy khâu, tiếng động của máy rào rào khi anh đạp bàn máy. Đường chỉ thẳng mỗi khi kim khâu đâm phập vào thịt vải cam chịu. Hà không còn nói chuyện nhiều như xưa, nhất là sau cái hôm Hiên lấy vợ. Chẳng ai hiểu gì cả, Hà biết mình thay đổi nhưng không làm sao khác hơn được. – Ai lấy con mà mẹ nói? – Thì mày có chịu đi tìm đâu, thế cái Vi mày có chịu không? – cô Mệ gặng lời. Hà ngừng tay, anh quay sang nhìn mẹ: – Sao bảo cái Vi đã có người đánh tiếng dạm ngõ rồi. – Chỉ là tin thổi phồng. Nó vẫn chưa có người yêu – cô Mệ giải thích. – Con vẫn chưa muốn lấy vợ – Hà lại cúi xuống may tiếp. Thì ra đấy là lời nói dối. Hà chẳng bao giờ tin rằng mình sẽ lấy vợ. Anh không bao giờ có cảm xúc với bất cứ một người con gái nào. Ngược lại mỗi lần gần Hiên, Hà mới thực sự hiểu được thế nào là cảm giác xốn xang. – Thằng này nói chuyện nghe đến hay! Định ở nhà mẹ nuôi báo cô mãi à? – cô Mệ chọc con, thực ra thì Hà may quần áo tiền dư hơn là làm bất cứ nghề nào trong xã, chẳng ai phải nuôi báo cô anh. Hà bâng khuâng nghĩ ngợi, thật ra anh có cảm tình với Vi, nhất là khi cô thường đem sang những hoa quả biếu mẹ con anh. Vi kín đáo và tế nhị, ăn nói mềm mỏng, nụ cười bao giờ cũng khiến người khác dễ chịu. Nhưng tình cảm anh em thuần túy, Hà nhớ một lần Vi đã nói với anh: – Người như anh, ai yêu được sẽ sung sướng hạnh phúc. Hà nhớ lần ấy anh đã trả lời: – Chẳng biết có đúng như Vi nói hay không? Tình yêu bao giờ cũng khiến người ta đau khổ. Một thứ đau khổ êm ái dịu dàng. – Hà nói câu ấy khi anh đang nghĩ đến Hiên và người vợ của Hiên là Oanh. – Anh nói chuyện nghe cứ như là nhà thơ ấy! Nghe thích lắm – Vi vò mép áo, cô đỏ bừng mặt khi Hà nhìn vào ngực mình. Kể ra thì Hà chỉ nhìn Vi như một thói quen, hoàn toàn chẳng có bất cứ một ý nghĩ vẩn đục nào khác. Vả lại Hà chẳng bao giờ có cảm giác với bọn con gái. – Cảm ơn Vi đã khen anh. Câu chuyện sau đó kéo quanh qua những khi vực quê mùa bình thường khác. Triết lý sống khát khao trong tâm thức của những con người chân thành, hiền lành, đơn sơ và lam lũ. Vi kể về những khao khát của mình, sau cùng bằng một ánh mắt ân cần, Vi nói gần như toạc ra: – Em chỉ mơ ước sau này mình sẽ có một người chồng giống như anh. Hà cảm thấy nhói, một cảm giác lạ kì. Một thứ mặc cảm mình được khen quá lời. Vi ơi! Cô chẳng hiểu cái gì đâu? Cái bánh mà cô tưởng là rất thơm ngon thực ra chỉ là một cái oản. Người ta quyệt cho nó tí phẩm rồi đưa lên bàn cúng Phật. Chẳng có nhân đâu, đấy chỉ là một cái oản chứ không phải là một cái bánh. Vi ơi! Cô chẳng thể nào hiểu cặn kẽ đâu, chỉ có anh và Hiên mới hiểu được thôi. Chẳng ai muốn mình là một quả oản nhạt nhẽo. Ai cũng muốn đời mình là một chiếc bánh, có nhân và có hương vị đàng hoàng. Cô Mệ lại giục: – Mày cứ như thế thì đến già cũng không có vợ, đàn ông con trai gì mà nhát như cáy ấy – chính cô Mệ cũng đã bắt đầu lây cái giọng của những người miền Bắc di cư ở đây. – Thì mẹ cứ thủng thẳng từ từ, chuyện đâu còn có đó! – Hà trả lời mẹ. Hóa ra câu chuyện hôm ấy của hai mẹ con nói về Vi đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Mẹ chỉ mới đề nghị Hà lấy vợ, tuy chưa thật sự là điều Hà nghĩ đến, nhưng anh cũng không thể gạt phắt tư tưởng ấy ra ngoài. Hà chợt nghĩ đến Hiên, anh ấy đã từng yêu mình, cuối cùng rồi cũng lấy vợ. Cuộc đời lăn bánh như một cỗ xe chở nặng. Chậm đấy nhưng rồi sẽ có quán tính, và như thế cuộc đời thật ra vẫn đó vẫn có những điều để chúng ta lựa chọn. Oan nghiệt thay là Hà không có can đảm để làm điều đó.
|
24. Bão Táp
Cô con dâu cưới về được sáu tháng thì nằm ổ. Con đầu lòng là một bé gái, cân được một lô tư, oặt oẹo. Bà nội nó tỏ thất vọng ra mặt, trong đầu bà thì đứa trẻ ấy phải thật giống đứa con trai của mình. Một thằng bé kháu khỉnh, dễ nhìn, nhất là có một con chim giắt vào giữa bẹn. Bà mụ nói với bác Nhụ: – Cố mà đun đậu xanh cho mẹ nó uống! – Vâng! – câu trả lời của bà mẹ chồng chẳng có chút nhuệ khí nào. Oanh từ dạo sanh con xong vì bị băng huyết quá nhiều nên người lả bệt đi. Công việc hằng ngày do cô làm đều dồn cho bà Nhụ cả. Chị gái cả chửa chồng cũng đã lên xe hoa về nhà người khác. Thành ra bà Nhụ vừa thất vọng, vừa mệt mỏi, lắm lúc giọng nói không thể không cáu gắt: – Sao mà chị cứ để cho con bé khóc như mèo kêu ấy, nghe sốt cả ruột! Oanh cắn răng chịu đựng. Kể từ ngày lấy Hiên, Oanh tơ hơ, đơn độc như một khúc sắn thiu. Trong khi đó Hiên hờ hững như một kẻ đã no xôi chán thịt. Oanh nằm ngủ ở phòng trong. Hiên nằm ngủ ở phòng ngoài. Tịnh như không. Hình như cả hai đều biết họ không thể kỳ vọng nhiều hơn được ngoài những hiểu ngầm không cần phải nói thẳng ra. Oanh không muốn ăn uống, thức ăn đưa lên miệng rất nhạt nhẽo. Cô suy nhược trông thấy rõ, người bây giờ chỉ còn một tay xách nặng. Con bé càng tệ hơn, nó không những khóc cả ngày mà cả đêm nó cũng khóc. Bà mẹ bảo con trai: – Mày bảo vợ mày lấy một tiếng! Đàn bà gì mà chỉ có dỗ con cũng làm không nên thân. Chả trách cái nết chửa đẻ chẳng ra cái quái gì. – Mẹ hay thật! Trẻ con khóc thì nào ai muốn thế! – Hiên bàn vào. – A! Ra điều anh bênh vợ, bắt nạt mẹ anh đấy à? – Con chỉ nói theo lẽ công bằng! – Ừ, công bằng lắm. Anh giỏi lắm cơ! Giận Oanh trước đó một phần, nay thấy Hiên bênh vợ, bà Nhụ bỗng trở nên hằn học hơn, nỗi bực bội cáu gắt với Oanh vì thế cũng tăng lên. Kỳ thực thì Hiên chẳng bênh vợ, anh thấy mẹ có vẻ cằn nhằn nhiều hơn trước nên nghĩ mình có trách nhiệm phải lên tiếng. Từ ngày lấy Hiên, Oanh sống trong nhà như sống với kẻ lạ, chẳng ai nói chuyện với cô ấy nhiều. Có lẽ từ hôm về làm dâu, bà mẹ chồng đã nghĩ Oanh chẳng thể thuộc về ai nữa. Bà có cảm giác như đã sở hữu được Oanh trọn vẹn. Rồi kỳ vọng vào đứa cháu nội bị sụp đổ, bà chợt nhận ra ước mơ của bà bị đánh lừa. Hy vọng của bà đã bị biển thủ một cách trơ trẽn. Oanh chỉ là một người đàn bà đoảng, không hơn không kém. – Đưa con tôi ẵm hộ cho! Một hôm nghe tiếng con bé khóc quá, Hiên vào nói với vợ như thế. Oanh trao đứa con đang giãy như con sâu róm cho chồng. Con bé nhẹ như bấc. Ánh đèn dầu lập lòe cho thấy một bọc giẻ quấn lấy một hình hài tong teo, hai cái chân con bé thò ra, những ngón chân nhỏ bé như cuống mấy phiến lá trầu. Đứa bé chợt nín bặt, một điều thật bất ngờ. Bà cụ vì thế càng được nước, giọng đay nghiến: – Tôi bảo có sai đâu! Đúng là chả được cái nết gì. Chỉ được cái có tinh mà không có tướng. Oanh bật khóc, cô cảm thấy mình bị đối xử bất công. Nỗi đau con ốm yếu không được chia sẻ lại còn bị bà mẹ chồng dày vò đay nghiến. Cô nghĩ đến những ngày tháng ở nhà, mẹ cô có ăn nói thô kệch cũng không xóc xiểm như thế. Oanh giấu những giọt nước mắt vào vạt áo. Cô cảm thấy hoang mang chán chường. Giờ thì mọi chuyện đã vỡ lở, cô chỉ còn biết trông mong vào sự kiên nhẫn, vào thái độ chấp nhận của chính mình. Khổ nỗi kiên nhẫn chỉ có một giới hạn mong manh. Oanh bây giờ mới thấm thía nhận ra được điều đó. Qua hôm sau bà mẹ cũng chẳng màng đến chuyện cơm nước. Rõ ràng trong mắt bà thì sự có mặt của Oanh chỉ tổ khiến cho bà khó chịu. Oanh xuống dốc rất nhanh, cô không còn khoẻ mạnh như xưa mà đến cả việc hít thở cũng khiến cô mệt mỏi. Hiên vì thế phải giặt quần áo cho vợ, cho con. Bà Nhụ càng lộn gan hơn: – Con Oanh không có tay hay sao mà mày phải đi hầu nó? Hiên không nhìn mẹ, anh vẫn vò áo, miệng nói: – Mẹ quá lắm! Bảo người ốm vác gạch thì vác thế nào được. Oanh nằm bên trong nhà nghe rõ tất cả câu chuyện. – A, anh lại bênh vợ. Đội nó lên đầu mà thờ! – Con chẳng bênh ai cả, con chỉ nói những điều con nghĩ là đúng. Oanh thèm được biến mất. Cô không muốn vì mình mà mẹ con Hiên phải hục hặc mắng nhiếc nhau. Đứa trẻ lại khóc. Nước mắt cô thấm vào tã của con. Trời ơi! Sao cái thân tôi lại khổ thế này. Oanh nào có muốn những chuyện như thế. Chưa bao giờ cô muốn là gánh nặng cho người khác. Oanh chỉ muốn sống trong sự bình yên lặng lẽ. Khốn thay, cuộc đời chẳng phải lúc nào cũng là một câu ca dao bằng lụa. Nước mắt thánh thót rơi. Tiếng hai mẹ con Hiên vẫn vằn nhau. Bà cụ bắt đầu ném ra những hằn học, ăn nói xếch mé, thóa mạ cả Hiên lẫn Oanh. Cuối cùng Oanh nghe được tiếng Hiên cất lên: – Không có mẹ thì cô ấy đã chẳng về nhà này. Mẹ chỉ biết nghĩ đến mình trước! Con không bênh ai hết. Con cũng chẳng bao giờ thương cô ấy! Mẹ chỉ làm khổ người khác. Chẳng ai có lỗi ở đây cả. Nói xong Hiên đùng đùng bỏ đi ra ngoài ngõ. Oanh cảm thấy trong lòng xót xa khi nghe Hiên nói câu: Con cũng chẳng bao giờ thương cô ấy! Thì ra sự hiện diện của Oanh trong nhà chỉ là gánh nặng khó chịu cho tất cả mọi người.
|