Xin Lỗi Em, Anh Đã Yêu Anh Ấy
|
|
30. Mạ Bạc
Oanh chẳng còn biết kêu cứu đến ai khi đứa con nhỏ trên tay chị cũng đang nhũn dần ra. Cả ngày hôm nay con bé không chịu bú, vú đưa vào miệng nó cứ nhè ra. Cơn sốt cao ngất. Oanh không có ai quan tâm, sẵn mệt lử người, thành ra khi nhìn thấy con đang chết dần mà không làm gì khác được. Nỗi đau khi cảm thấy mình bị bất lực cắn xé trong Oanh. Tình mẫu tử không phải ở trường hợp nào cũng chiến thắng những nghịch cảnh để bảo vệ được đứa con của mình. Cho đến khi con bé cứ nấc cục mãi không thôi Oanh mới bảo chồng: – Anh Hiên ơi! Con bé làm sao thế này, hả anh? – Oanh khóc nấc lên, khuôn mặt chị lo sợ thực sự. – Đưa con đây! – Hiên và Oanh từ độ đám cưới vẫn chưa một lần chung chăn chung gối. Tuy nhiên Hiên vẫn coi đứa trẻ là con, thảng hoặc anh còn ru nó. Con bé lạ lắm, lần nào nó khóc thét lên mà Hiên bế thì nó lại nín ngay. – Con không chịu bú cả ngày hôm nay rồi. – Oanh nức nở. – Sao bây giờ mới chịu nói? Hiên gắt tướng lên, gần như là mắng Oanh. – Em sợ mẹ! – Oanh khóc. – Sợ cái gì! Giết chết con bé cũng là tại cô! – Hiên có vẻ đau hơn là Oanh nữa. Thật ra khi Oanh trao đứa trẻ cho Hiên thì lúc ấy đã quá muộn. Quá muộn. Vâng. Đấy là định nghĩa khi chúng ta chẳng làm gì khác hơn là đành phải để cho bất lực vung thẳng tay đập vào giữa mặt. Hiên tốc lên chạy qua nhờ thằng bạn chở mình đi trạm xá. Hà bảo Hiên đưa con bé cho mình ẵm rồi để Hiên đạp xe nhưng anh không chịu. Rõ ràng là Hiên không tin ai có thể ẵm con bé ngoài anh và mẹ nó. Ra đến trạm xá thì người ta chỉ biết lắc đầu. Đứa trẻ nấc cục và toàn thân xám ngắt. Cô y tá đã có tuổi mắng Hiên: – Sao đến bây giờ anh mới chịu bế con bé ra đây? Khổ quá! Mẹ cháu có biết gì đâu! – Hiên định nói thế nhưng anh biết điều đó chẳng còn ý nghĩa nào nữa trong lúc này. Anh nói: – Tôi van chị hãy cứu cháu! Nó là con đầu lòng của chúng tôi. – Đáng lẽ ra anh phải nói câu này sớm hơn cả tuần! – Rõ ràng là sự bất lực của người y tá đã chuyển thành một sự cáu bẳn liên hệ đến sự bực bội cố hữu của một con người. – Xin chị cố lên cho! – Cố là cố thế nào. – Chị ta giằng đứa bé trên tay Hiên. Chị vạch mí mắt con bé. – Hai đồng tử cháu thu hẹp không có bất cứ dấu hiệu phản ứng nào. – Con bé không còn khóc nữa, nó thở gấp và bắt đầu co giật. Người nữ y tá bế nhanh em bé vào phòng. Chị lấy một túi nước dịch rồi truyền cho bé. Cây kim trên tay chị lạnh lùng, kiên nhẫn, nhưng tĩnh mạch của em bé rõ ràng không chịu hợp tác. Người nữ y tá vẫn ca cẩm: – Làm sao mà lại có người vô tâm đến như thế! Khác nào giết chết con người ta. Lụych hụych mãi cuối cùng một tia máu nhỏ tràn vào ống chích. Người phụ nữ thở phào. Chị đưa mắt nhìn vào cái van điều chỉnh. Xong chị mới bắt đầu thăm nhiệt cho con bé. Cả Hiên và Hà cùng bất lực theo dõi những diễn biến đang xảy ra. Hà đặt tay lên vai Hiên, anh rất muốn nói một lời nào đó nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Một điều Hà biết rất rõ là Hiên đang bấn loạn. Chưa bao giờ Hà nhìn thấy Hiên khẩn trương như thế? Hà biết tính Hiên, mọi chuyện đều có thể đợi đến nước đến chân Hiên mới chịu nhảy. Đây là một trường hợp ngoại lệ. Hình như quả tim của Hiên đã nối chặt với hiện tình sức khỏe con bé. – Ra ngoài rồi tôi làm thủ tục. Chuẩn bị để đưa em bé lên bệnh viện huyện ngay đêm nay. – Người nữ y tá ra lệnh. Hiên đi theo người y tá, nét mặt anh đanh cứng. Hà đứng nhìn một sinh linh nhỏ bé bất động. Anh nhìn thân thể đứa bé lạnh ngắt, lòng se thắt vì cảm thấy mình quá vô dụng. Cháu ơi! Chẳng phải là chú ác, nhưng trong cuộc đời vẫn có những điều chúng ta phải chấp nhận. Chú rất mừng là cháu có người cha nuôi rất tốt. Nếu cháu không qua được thì cuộc đời thật ra cũng chẳng có gì là huyền diệu ghê gớm lắm đâu. Làm kiếp con người thật ra có những niềm vui và có cả những nỗi buồn. Thường thì buồn nhiều hơn vui. Chúng ta không có nhiều chọn lựa đâu. Chú nghĩ như thế đấy! Làm thủ tục thật nhanh, người nữ y tá trở vào thăm em bé ngay. Hà căng mắt ra nhìn. Anh cố thăm dò tình hình đứa trẻ qua nét mặt căng thẳng của người y tá. Hẫng hụt. Anh nhận ra một nét đanh cứng lạnh lùng trên khuôn mặt. Người nữ y tá lắc đầu, hai con mắt tự nhiên đầy ngấn nước. Chị ta ngẩn đầu lên nhìn Hiên: – Anh không cần phải đưa con bé đi bệnh viện nữa đâu. Thái độ của cô y tá không còn khẩn trương nữa. Hình như cô đã nhận ra mình chẳng còn làm gì hơn đuợc nữa. Hiên mấp máy môi: – Cháu chết rồi phải không chị? Người nữ y tá gật đầu. Hiên đứng như chết. Hà nghe thấy tim mình nhói lên. Anh chẳng làm gì hơn được ngoài việc tìm đến bàn tay của Hiên rồi siết thật mạnh.
|
31. Khung Cửa
Mưa to. Hình như mưa bao giờ cũng làm một con người dễ cảm động và hay mủi lòng với những câu chuyện buồn bã của người khác. Hà đạp xe trong lặng lẽ. Hiên bế xác con mà lòng tê tái. Con đường buổi tối như dài hun hút. Hà muốn con đường cứ dài như thế, dài đến vô tận. Để mãi mãi anh được trở thành một phần của nỗi đau mà Hiên đang trải qua. Anh biết là Hiên đang khóc. Có một sự liên hệ đặc biệt nào đó cho anh biết là Hiên đang đau đớn. Im lặng trong lúc này là tự thân chúng nói lên biết bao điều thầm kín. Mưa nặng hạt vụt xuống, cố tình an ủi nhưng vẫn chẳng thể nào xoa dịu được điều gì. Những roi sét vụt ngang dọc như chính sự bất bình của Hiên. Cuộc đời ngắn ngủi như càng định hình rõ hơn khi chúng ta nhận ra mình không còn có thể làm gì khác hơn ngoài sự đầu hàng cam chịu. Tiếng gió gào rú. Một sinh linh vừa từ giã cõi đời. Hà bất chợt nghĩ đến số phận mỏng manh của tất cả. Trong đó có cả anh, Hiên, Oanh, cả mẹ anh, cả ba và rất nhiều người khác nữa. – Oanh ơi là Oanh ơi! – Cuối cùng, Hiên vuộc miệng. Tiếng kêu đau đớn. Dù sao thì đứa trẻ cũng đã quen hơi của Hiên. Con bé bao giờ cũng thích được Hiên ẵm. Giờ đây nó chỉ còn là một cái xác lạnh lẽo. – Đừng quá buồn, anh Hiên ơi! – Hà muốn nói như thế nhưng chẳng thể nào cất lời được. Đấy cũng là một nét riêng của nỗi đau, chúng vô hiệu hóa ngôn ngữ. Nỗi đau chỉ có thể cảm nghiệm được. Lời lẽ và ngôn từ trở nên què quặt. Ý nghĩa cuối cùng chỉ được rót vào tiềm thức bằng cái phễu của sự đầu hàng. Dù sao thì thế giới cũng chỉ là một mặt phẳng và tư duy chính là những lỗ hổng khiến tâm tình của con người bao giờ cũng trở nên hao hụt vì thất thoát qua những lần rò rỉ. Về đến nhà thì Hiên mới biết là Oanh đã ngất xỉu. Vài người đàn bà đang bảo nhau giã gừng và lấy nước đái trẻ con cho Oanh uống. Bà Nhụ nhìn thấy con trai ẵm cháu nội về đã hiểu ra mọi sự. Hiên đặt đứa trẻ lên cái phản rồi quay sang nhìn Hà: – Con nó chết thật rồi, em ơi! Hà chua xót nghĩ: – Thì ra đấy cũng là một kiếp người.
#33 | Truyện được đăng tải trên Kênh Truyện - kenhtruyen.com
32. Tôm Rang
Năm ấy trời rét rất lạ, có sương phủ cả phiến lá cà phê. Mùa thu hoạch quả đã đến gần. Người ta kháo nhau: – Nhà bà Ngữ bị trộm lấy liềm cắt tiệt hết cả những cành cà phê rồi bỏ vào bao chở đi mất! Bà Nhụ về kể chuyện cho con trai nghe. Hiên nghe xong liền qua rủ Hà ra lán ngủ chung cùng canh cà phê với mình. Cô Mệ nhan sắc đã có phần kém hơn trước nhiều khi tuổi tứ tuần bắt đầu sắp kết thúc. Nhà cửa vì thế cũng không còn cần phải cửa khóa then cài nghiêm trọng như xưa nữa. Hà xin phép mẹ được ra lán ngủ chung với Hiện thì cô Mệ bảo ngay: – Chúng mày hai đứa phải cẩn thận, đem thêm mềm ra đắp cho ấm! Một con chó cũng được điều vào trong việc canh trộm. Đêm buông xuống thật nhanh. Hiên đem theo cả một ống điếu thuốc lào ra lán. Hà ôm chăn gối trên tay, lặng lẽ bước theo sau. Trăng tròn, sáng như một thứ chất liệu chẳng ai có thể so sánh được. Nó khác giấy và khác lụa, không giống nhôm mà cũng chẳng giống gương soi. Hà cố tìm một ví dụ liên tưởng để so sánh giữa mặt trăng và các chất liệu khác nhưng không tìm ra được. Cuối cùng tự nhiên nó nghĩ đến nước. Nó mỉm cười: hèn gì người ta bao giờ cũng ghép trăng với nước. Mùi quả cà phê chín mọng mật của một gốc cà phê chín sớm thổi theo gió đưa vào mũi người một hương thơm ngòn ngọt. Hà cảm thấy xốn xang, đây là lần đầu tiên Hà theo Hiên ra lán ngủ chung. Tự nhiên nó nghĩ đến những điều xa xôi, những liên tưởng nhẹ nhàng, da thịt và hơi ấm. – Mày có sợ không? – Hiên hỏi. – Sợ cái gì? – Hà trả lời bằng một câu hỏi khác. – Sợ trộm chứ không lẽ mày sợ tao. Hà nghĩ nhanh trong đầu: gần Hiên nó sẽ chẳng bao giờ sợ bất cứ ai. Nhưng nó lại nói đùa: – Sợ chứ sao không sợ! – Có tao, mày khỏi lo gì cả. Kêu mày ra ngủ chung cho đỡ buồn thôi! – !!! Con đường dẫn đến lán gập ghềnh vì mặt đất đã được vun lên thành những mép bờ để tưới nước cho mấy gốc cà phê. Hiên quen thổ nên đi thoăn thoát. Hà thường ngồi trong nhà may quần áo nên không quen đường, vì thế bây giờ đi đứng nó cứ hay bị vấp, mấy lần suýt ngã nhào. – Mày có sao giờ sục… như tao dạy mày hôm nọ không? – Hiên hỏi. Giọng tỉnh như không. – Sục cái gì vậy? – Hà chưa hiểu ý câu nói. – Giống như có lần tao dạy mày đó! Nhớ không? Bữa đó tụi mình đi bắt châu chấu cho con két của mày – Hiên gợi lại – Sục *** đó! Hà bây giờ mới nhớ ra câu chuyện lần ấy. Nó chẳng trả lời. – Có không, Hà? – Hiên lại hỏi. Im lặng mất một phút. – Không! – Hà nói dối. Với nó điều đó chẳng hay ho gì lắm. – Nói phét nói lác! Con trai thằng nào không sục… Hà im lặng. Hiên nói đúng. Thỉnh thoảng vài lần một tháng hà vẫn đó những thao tác tự sướng theo lối riêng của mình. Nó nằm úp trên giường. Toàn thân căng cứng. Hai bắp đùi khép chặt lại. Những động tác dồn cỡi. Cảm giác khoan khoái và dễ chịu. Mặt gối mềm mại ấm lên vì hơi thở của chính nó. – Xạo hoài. Mày không sục … đem đầu tao đi chặt – Thằng Hiên cắt ngang luồng suy nghĩ của Hà. Đáng lẽ ra thì Hà sẽ nói thật là nó đã làm những chuyện ấy, chẳng có gì là sai trái cả. Nhưng cái sai chính là mỗi lần đi vào nghi thức tự sướng ấy nó đều nghĩ đến thằng Hiên. Mà nói dối thì nói không được. Nó cũng không thể nào kể cho thằng Hiên nghe về những điều nó nghĩ. – Không tin thì thôi. – Hà trả lời. – Làm như mày là thánh không bằng. Thằng Hiên nói đúng. Nó không phải là thánh. Nó tầm thường và yếu đuối hơn những gì thằng Hiên đã nghĩ rất nhiều. Hình như chưa bao giờ thằng Hà nghĩ rằng nó bình thường như những đứa trẻ khác. Có lần nó nhớ thằng Hiên đã bảo dương vật của nó nhìn tức cười quá. Giờ nếu nói ra lần nào thủ dâm nó cũng đều nghĩ đến thằng Hiên thì nghe không được. – Thì ông muốn nói sao thì ông nói, tin hay không tùy ông. Thằng Hiên đứng lại. Nó bất thần tung một quả đấm nhẹ vào ngực Hà. Hà bất ngờ bị đấm té bật ra phía sau. Hai tay nó chống xuống nền lá mục. – Giỡn kiểu gì vậy cha? – Có đau không? – Thằng Hiên có vẻ như hối hận và có phần lo lắng. – Không sao hết! Bộ ông điên rồi hay sao? – Hà đứng dậy. – Tại thấy mày nói xạo quá trời! Đấm cho mày chừa bớt! Nói xong Hiên bật lên cười khanh khách. Hà cũng cười. Nó thấy vui trong bụng.
|
33. Bất Ngờ
Hà cùng vác xà beng và xẻng đi đào huyệt chôn con của Oanh khi trời vừa hưng hửng sáng. Trong ánh mắt của Hiên là một sự trống trải rất sâu. Chỉ qua có một đêm mà Hiên có vẻ già thêm mấy tuổi. Anh lặng lẽ hơn, hình như tâm thần vứt bỏ tại nơi nào đó của một cõi riêng rất xa xôi. Hà vì thế cũng không dám nói gì nhiều. Hai người họ chọn một mảnh đất khá cao trên một gò đất rộng. Rải rác quanh đó đã có những ngôi mộ khác được đắp lên. Vì mưa gió bạt ngàn, những ngôi mộ bằng đất bị gió mưa xâm thực, mòn nhẵn như những ụ mối con con. Hà không thể tham gia ý kiến được. Anh biết sự im lặng là điều Hiên rất cần trong lúc này. Hà chỉ biết quan sát từng cử chỉ của Hiên để làm theo. Có lúc anh chàng đứng im cảm thấy mình rất thừa thãi. Hiên hùng hục văm xà beng xuống nền đất cứng. Bao giờ cũng vậy, nơi chôn người là những mảnh đất không thể khai khẩn trồng trọt được. Chẳng biết có phải người sống luôn bạc bẽo tính toán thiệt hơn với người chết? Hay đấy chỉ là chẳng có ai có can đảm lấy một khoảng đất tốt để làm nghĩa trang chôn người! Mà cũng có thể do không bao giờ được cày bừa khai thác nên những mảnh đất chôn người vì thế đã không trở nên màu mỡ. Làm gì có ai đổ mồ hôi và bón phân trên những mảnh đất ấy. Chỉ có nước mắt. Có thể như thế lắm! Nước mắt làm cho nghĩa trang trở thành khô cằn đá sỏi. Phân và mồ hôi mới làm cho đất tốt phì nhiêu. Nắng bắt đầu lên. Hiên vẫn hì hục đào huyệt chôn con. Anh đào đất không biết mệt. Mồ hôi vã ra như tắm. Hà muốn để Hiên giải lao nhưng không dám mở lời. Anh biết không thể nói bất cứ điều gì được. Sự im lặng trong lúc này là rất cần thiết. Cuối cùng Hiên bật lên khóc. Sức lực nơi người đàn ông dường như tan biến theo nước mắt. Anh dựa vào cây xà beng như thể anh không đứng vững được nữa. Hà ngồi xuống rồi lấy hai tay đặt lên vai Hiên, anh cố gắng truyền cảm xúc của mình lên người Hiên. Trên khuôn mặt của Hà cũng đang có những giọt nước mắt. – Anh thương con bé lắm, Hà ơi! – Em biết! Nhưng con bé đâu có muốn anh buồn như lúc này. – Hà nói nhỏ. – Hà ơi! Nó là đứa trẻ đáng thương! Anh có lỗi với nó. Với mẹ của nó… Hà gỡ nhẹ cây xà beng ra khỏi tay Hiên rồi tiếp tục đào. Anh văm mạnh cây xà beng xuống đất như muốn trút hết những bất lực của mình vào lòng đất cứng. Hiên vẫn ngồi im như tượng. Hà càng hăm hở hơn với tất cả sức lực của mình. Chỉ mới có ba phút mà bàn tay của Hà đã trượt da, phồng lên, bỏng rát. Không màng. Anh tiếp tục đào. Lỗ huyệt sâu dần hơn và bắt đầu đi vào một lớp cát pha sỏi. Anh phải lấy xẻng để hất những mảng đất lên bờ. Đào cho đến khi cái huyệt đã sâu gần đến ngực thì Hiên nói: – Thôi sâu đủ rồi em ơi! – !!! Hà không nói. Anh vẫn cố đào sâu hơn. Trong tâm tưởng của mình, anh tin rằng đấy là điều anh duy nhất có thể chia sẻ, để Hiên biết được anh đã cố gắng. Dù sao thì Hà chỉ có thể làm được những điều gì anh có thể. Và anh luôn muốn làm tất cả mọi điều tốt đẹp cho Hiên. Trong phút đặc biệt này, hành động là kênh trao đổi duy nhất khi ngôn ngữ đã thật sự trở thành bất lực. Vì thế Hà vẫn muốn đào sâu hơn. Hình như anh cũng muốn chôn sâu hiện thực nỗi đau của chính mình.
|
34. Xương Gà
Chôn con xong, Oanh như người hóa dại. Bà Nhụ hình như cũng nhận thấy mình đã quá ích kỉ. Đun cho con dâu bát cháo đậu xanh, bà cố tình đập thêm vào đấy một quả trứng gà. Giọng bà tỏ ra rất hối hận: – Mẹ xin con. Cố mà húp lấy bát cháo. Oanh thẫn thờ. Đôi mắt nhìn về cánh đồng nơi người ta đã đem con chị ra chôn nơi ấy. Chẳng có gì đau cho bằng một phần máu thịt của mình đã ra đi vĩnh viễn. Linh hồn Oanh hình như đã thoát xác. Tuy con chưa một lần biết nói nhưng giữa chị và con bé luôn luôn có những liên hệ thiêng liêng sâu nặng hơn ngôn ngữ rất nhiều. – Húp lấy vài thìa cho mẹ bớt khổ tâm. Coi như con hãy tha thứ cho sự hồ đồ của mẹ. – !!! Oanh vẫn không nói gì cả. Chị vẫn còn chưa hoàn hồn. Lời thú nhận của bà mẹ chồng trong lúc này chẳng còn ý nghĩa gì với chị nữa. Bà mẹ vẫn ngọt nhạt, giọng thân thành rất thực tâm: – Mẹ biết mẹ đã không ra gì. Con không tha thì mẹ cũng chẳng tha cho mình được. Con cố ăn vài thìa cháo. Coi như mẹ chẳng còn xứng đáng là mẹ chồng của con nữa. Oanh vẫn không nhúc nhích. Tâm hồn chị đã chất nặng quá tải với nỗi đau mất con. Bà mẹ ngồi nán thêm dăm phút nữa, sốt ruột vì bát cháo đang nguội dần dần. Cuối cùng bà thở dài đánh sượt một cái rồi đi ra nhà ngoài. Chỗ đấy Hiên đang ngồi dựa lưng lên bậu cửa. Bà Nhụ bảo con trai: – Mày chịu khó vào bảo vợ mày ăn lấy vài thìa cháo. Mẹ là mẹ hết cách rồi! Hình như vợ mày nó còn đang giận mẹ lắm! Hiên không trả lời mẹ. Anh đứng lên đi vào nhà trong. Trên phản Oanh vẫn đang ngồi bất động, Hiên ngồi gần xuống bên vợ: – Cố ăn lấy vài thìa cháo, em ạ! Trên nét mặt Oanh một thoáng cảm xúc hiện ra. Chưa bao giờ Hiên gọi Oanh thân thiết như vậy. Cả năm chung sống, họ hình như chỉ là hai kẻ xa lạ. Ngoài những trao đổi tối thiểu liên hệ đến đứa con gái và những chuyện lặt vặt trong nhà, hai người chẳng bao giờ nói chuyện thân mật gần gũi với nhau bao giờ. Oanh chẳng khác nào như một nàng phi được tiến vào cung vua rồi bị quẳng vào lãnh cung, không người đoái hoài chăm chú. – Ăn đi em, ăn mới có sức để sống chứ! – Hiên biết anh không thể thúc Oanh được. Nhưng thà có vài lời tử tế với cô ấy vẫn hơn là không có câu nào. Trên khuôn mặt Oanh chợt lăn ra hai giọt nước mắt. Đấy cũng chính là những dấu hiệu cho thấy tâm trạng của chị vẫn còn hoạt động. Hiên lấy tay lau nước mắt cho vợ: – Ăn ba muỗng thôi cho anh an tâm! – Nói xong Hiên nâng bát cháo vẫn còn ấm lên. Khoắng thật nhẹ, anh cố múc chỗ cháo loãng có ít đậu xanh nhất: – Nghe anh đi. Ăn vài thìa thôi, em nhé! Nước mắt trên khuôn mặt tái xạm nhợt nhạt của Oanh càng lăn ra nhiều hơn nữa. Chẳng hiểu đấy là những giọt nước mắt tủi thân, cảm động, hay chỉ là những giọt nước mắt tự thương hại cho mình, cảm thấy mình đã bị hắt hủi quá lâu. – Em không ăn anh không chịu được. – Hiên vẫn giữ muỗng cháo trước miệng Oanh. Ân cần và kiên nhẫn như một người mẹ đang cố dỗ đứa con của mình. – Anh để đấy đi, chút xíu nữa em ăn. – Oanh nói, hơi trong phổi thoát ra rất nhẹ. – Lại dối anh chứ gì? Ăn đúng ba muỗng thôi rồi anh không ép nữa. – Giọng Hiên chân thành đến độ trẻ con. Khuôn mặt anh năn nỉ gần như mếu. Oanh gượng xoay người lại, miệng chị há ra, nước mắt ứa xuống khi muỗng cháo được Hiên nhẹ nhàng nâng lên cho cháo chảy vào miệng vợ. Hiên cảm động, anh thấy thương Oanh nhiều quá! Thì ra một năm nay anh chưa bao giờ quan tâm đến Oanh. Trong suốt thời gian ấy, Hà cũng né tránh Hiên và chỉ trao đổi vài câu mỗi khi có việc cần. Giữa anh và Oanh cũng chỉ là một quan hệ không có bất cứ sự quan tâm nhỏ nhặt nào đáng kể. – Ăn nữa đi em, ngoan nào. – Một muỗng cháo nữa lại được Hiên nâng lên. Oanh lắc đầu. – Cố lên, chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Anh và mẹ sẽ đền bù lại tất cả những gì từ trước đến nay. Hiên ngồi xích lại gần vợ hơn. Anh lấy tay vén lại mái tóc cho Oanh. Chị khóc càng tợn hơn. Hiên đặt bát cháo xuống rồi lấy tay bóp nhẹ vai cho Oanh. Lạ thật! Thân xác là của Oanh nhưng Hiên lại nghĩ đến Hà. Dù sao thì lòng thương cảm bao giờ cũng dễ lẫn lộn và khó nói trước được. Hiên cố gạt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu của mình. Oanh càng khóc nhiều hơn. Hình như chưa bao giờ chị nghe được những lời nói dịu dàng như thế. Đấy là một liều thuốc chữa lành mà chị đang rất cần trong lúc này. Oanh biết người đàn ông ngồi bên cạnh chị không phải là Hiên của những buổi đầu. Chị cảm thấy lòng mình thương Hiên rất lạ. Chẳng giống cảm giác như Oanh đã dành cho Hiện ngày xưa. Có vẻ Oanh thương Hiên nhiều lắm. Một thứ tình thương kết tủa từ cả linh hồn và thể xác.
|
35. Cải Muối
Thằng Huy chạy ùa vào nhà chú Hà. Bé Thu biết tin bố con Huy sẽ lên thăm nên trong lòng vui như mở hội. Con bé cố gắng học trong sách để làm một cái bánh nướng thật to. Vừa nhìn thấy Huy, con bé nhảy cẫng lên: – A! Anh Huy đến rồi. Thằng Huy ngỡ ngàng. Cu cậu vẫn chưa thật định thần thì Thu lại reo lên, thái độ vui vẻ lộ liễu không thể giấu được: – Em nghe ba nói anh và bác Hiên lên chơi, em chờ mấy hôm nay! Con bé nhí nhảnh hay cười. Huy thấy ngường ngượng. Dù sao thì cu cậu cũng đã có cảm tình với Thu, ngặt là lâu ngày không gặp nên thằng Huy khó chủ động. Thu cao hơn trước, mái tóc mượt hơn. Ngực và mông cũng đã tròn trịa hẳn ra. – Lần này anh và bác Hiên ở chơi lâu không? – Con bé vẫn tíu tít. – Chắc là vài hôm thôi! – Cuối cùng Huy trả lời con bé. – Có mỗi vài hôm thôi. Sao không ở chơi cả tuần? Hè rồi mà! – Con bé có vẻ không vui. – Thì bố với anh đi thăm chú Hà và Thu vì ở nhà không có ai nấu cơm cho! – Huy kể. – Thế bác gái đi đâu rồi? – Thu nghĩ mình là con gái nên có quyền xăm xoi, nhiều chuyện. – Mẹ đi thăm dì Mậu, nhà dì ở mãi ngoài Nha Trang. Phải mấy hôm nữa mới về. Thu nắm lấy tay huy kéo ra ngoài sân: – Ra đây giúp em chặt buồng chuối, anh Huy. Cô bé nói thế vì Thu biết ba của mình bắt đầu từ phía vườn sau đi vào. Cô không muốn câu chuyện của mình với Huy được hai ông bố nghe thấy. Hà bước từ ngoài sân vào. Quần áo vẫn là thứ đồ cũ mặc để lao động. Chân tay Hà còn đang bám đầy bùn đất. Bốn mắt nhìn nhau, ngỡ ngàng. Hà cất tiếng phá tan sự im lặng: – Sao nói là mai anh mới đến! – Tính là tính như vậy. Nhưng sẵn không có việc gì làm nên đi sớm. Lớp này anh bỏ chuồng heo trống để khử trùng sau trận dịch. Đang rảnh rỗi. – Biết sớm, báo con Thu nó làm cơm. – Ăn gì cũng được mà. Khách sáo làm gì? Có chút xa xôi ngượng ngập. Bao giờ cũng thế, mỗi lần đi thăm Hà, Hiên luôn cảm thấy một khoảng cách giữa hai người. Sau đó họ dần dần mới trở về tình trạng ấm áp như ngày xưa. Hiên muốn ôm chầm lấy Hà nhưng hình như giữa hai người có một khoảng cách vô hình, một lực cản không dễ gì vượt qua được. Hiên biết Hà cũng muốn mình được ôm nhưng cả hai đều chỉ cảm nhận được điều đó! Và cả hai đều biết mình nên dừng lại. – Dạo này anh khỏe không? Chị Oanh có có khỏe không? Hà đã thay đổi cách xưng hô với Oanh từ khi Hiên lấy Oanh. – Anh vẫn thế, có phần dễ mỏi lưng hơn trước, ngủ cũng ít hơn. Oanh cũng hay than mệt hơn xưa. – Hèn gì trông anh già hơn. – Hà cười. – Tại vì anh nhớ chú. – Nghĩ điều gì đó nên Hiên nói tiếp: – Chú thì cũng vậy! – Đã từ hơn tám năm trở lại đây, Hiên chỉ gọi Hà bằng chú vào ban ngày. – Thằng Huy có đi cùng với anh không? – Hà vẫn chưa biết là Huy theo bố đi chơi. – Anh định nói với Hiên là: em già cũng là vì nhớ anh! Nhưng Hà đã không nói ra. Hiên trả lời Hà: – Thằng Huy có đi với anh. Nó với con Thu chạy ra ngoài nhà rồi. – Anh đi chị Oanh có nói gì không? – Hà hỏi. – Oanh đi Nha Trang, mấy hôm nữa mới về. Câu chuyện giữa hai người đại khái vẫn thế. Toàn những câu chuyện của hiện tại chẳng ăn nhập vào đâu. Cả hai đều có tuổi, thời trẻ đã đi qua như một kỷ niệm đẹp. Hà nhận ra mái tóc của Hiên đã có thêm sợi bạc. Hiên cũng nhận ra Hà hốc hác hơn xưa. Chỉ có đôi mắt của hai người là vẫn sáng, vẫn nhìn nhau trìu mến. – Chú có nhớ anh không? – Cuối cùng Hiên hỏi. Anh cũng không biết tại sao mình lại hỏi như thế, vì trong tâm tưởng anh biết Hà sẽ chẳng thể nào quên được mình. – Nhớ chứ? Em đâu phải gốc cây đâu mà biểu không có tình. – Anh nhớ chú lắm. Nhất là khi nhìn thằng Huy, anh nhớ đến ngày xưa. – Em cũng nhớ anh khi nhìn con Thu. Em nghĩ đến chị Oanh, rồi em lại nghĩ đến chuyện chúng mình. – Cuối cùng thì chúng ta cũng về già. – Sau cùng Hiên nhận xét. – Chỉ có trái tim là vẫn trẻ. Và chúng ta vẫn chẳng lựa chọn gì được ngoài sự chấp nhận sự quen! – Hà nói như anh đang nói với chính mình. Rồi cả hai không nói gì nữa. Trong đầu hai người đang có những luồng tư tưởng chạy qua rất nhanh. Hiên nghĩ đến ngày tháng cũ. Hà nhớ lại kỷ niệm ngày xưa. Bất chợt cả hai cùng mỉm cười. Hình như cả hai đều ngượng ngập. Họ đã thay đổi, đã không còn là thằng Hiên và thằng Hà của ngày xưa nữa. Bất chợt kỷ niệm lại ùa đổ về.
|