Giả Sử Con Và Cậu Út Yêu Nhau (Nhật Ký Của Cậu Út)
|
|
Sài Gòn, ngày… tháng … năm 2013 (81)
Buổi chiều nhàn nhạt nắng thu. Cũng có vài chiếc lá vàng khẽ rơi nhè nhẹ. Tôi chợt nhớ đến phim ngắn có tên “Những ngày đẹp nhất mùa thu”. Phim ngắn thôi, mở đầu bằng cảnh người con trai đang hò hẹn với người con gái. Cô gái đề nghị kể cho nhau nghe về người yêu trước đó của mỗi người. Lúc ấy, chính là kỉ niệm về mối tình chớm nở của người con trai với một người con trai khác ùa về. Nhưng do ngại ngùng với định kiến xã hội nên anh này đã bỏ đi để hẹn hò với cô gái kia. Đến khi kết thúc buổi hẹn hò, người con trai chợt nhận ra tình cảm của mình mới thực sự dành cho ai. Dĩ nhiên, tình cảm ấy không dành cho cô gái. Và khoảng thời gian chớm nở mối tình ấy cũng là mùa thu nên anh chàng gọi thời gian ấy là “những ngày đẹp nhất mùa thu”. Kết phim là khung cảnh một trạm chờ xe bus tối nhè nhẹ, hai bàn tay lặng lẽ nắm lấy nhau khi hai cơ thể cũng xích lại gần nhau. Chao ôi là đẹp!
Đôi khi tôi ước ao mình có thể nắm lấy bàn tay người mình yêu, hãnh diện đi giữa dòng người tấp nập. Nhưng mà, hoàn cảnh của tôi chắc là chẳng bao giờ có thể xảy ra được. Hai người con trai nắm tay nhau ngoài đường đã khó nhìn rồi huống gì là hai cậu cháu nắm tay nhau thì còn kỳ cục nữa. Lỡ như có ai thấy mách lại với chị Hai tôi chắc tôi chẳng còn dám nhìn mặt bả luôn. Thôi thì ước ao là miễn phí, tôi cứ việc thực hiện chẳng ngại ngần gì. Cái chợ chiều chợt toả ánh vàng chói chang nhưng nắng nhạt. Thằng Thịnh của tôi cao lớn vững vàng, chìa bàn tay ra để tôi nắm vào. Dù nắm lấy nhưng tôi chẳng thể và cũng chẳng muốn làm theo những việc mà các cô gái thích làm. Tôi không tựa vào người thằng Thịnh mà cả hai cứ sóng đôi thế mà vung vẩy nhẹ hai bàn tay đan chặt ra trước lùi sau.
Trời chiều đang nhàn nhạt nắng bỗng sụp tối thật nhanh. Tôi cảm thấy như có chút gì đó đang chao đảo. Thằng Thịnh trong giấc mơ bỗng hiện rõ ràng trước mắt. Cũng đan tay với một bàn tay khác nhỏ nhắn hơn bàn tay của tôi. Cũng khác hẳn tôi, người đan tay cùng nó đang tựa vào người thằng Thịnh như cành liễu tựa cội tùng. Cội tùng thì đang bận chỉ trỏ cho người bán hàng chọn một con cá điêu hồng tươi ngon mắt nhất. Tôi chẳng sụp đổ xuống như bao người yếu đuối khác trong những khúc phim tình cảm. Vẫn bình thản nhìn khoảnh khắc hạnh phúc êm đềm mà tôi luôn ước ao đang hiển hiện trước mắt. “Được nắm lấy bàn tay người mình yêu, hãnh diện đi giữa dòng người tấp nập”. Và vẫn đủ bình thản nhoẻn cười, quay đầu xe trở lại.
Tôi bước vào căn nhà của mình mà lát nữa đây sẽ không nên có sự hiện diện của tôi. Nhìn vào căn bếp ngăn nắp chưa ai sử dụng từ hôm qua đến giờ lát nữa đây sẽ rộn ràng bao tiếng cười nói. Cắp vội chiếc vali. Khoá vội vàng cửa nẻo. Không quên tắt hết đèn đóm tôi mới bật lên. Mau mắn ngoắc lấy một chiếc taxi vớ vẩn nào cũng được. Chui tọt vào trong một căn khách sạn vớ vẩn nào cũng được. "Lấy phòng nào cũng được".
Lâu lắm rồi tôi mới lang thang một mình trên đường phố Sài Gòn. Trời đã nhá nhem tối và đây đó đèn màu đã bắt đầu rực rỡ. Sao thằng Thịnh lại thế nhỉ? Không lẽ tôi đã làm gì đáng tội nghiệp lắm hay sao? Để nó phải bỏ qua cảm xúc thật mà chiều ý cậu của nó? Bây giờ tôi mới hiểu những cảm giác thoảng qua của mình có lý. Mà thế thì lại càng buồn hơn. Sao thằng Thịnh lại nói cho con Ngọc Diệp? Chắc là nó cũng bị bí bức trong đầu, chẳng biết chia sẻ cùng ai, may có con bé Ngọc Diệp tâm lý hiểu chuyện khéo léo khơi ra hết tâm sự của nó. Buồn quá nhỉ? Tôi ngồi xuống một băng ghế đá trong công viên nhìn dòng người tấp nập ngược xuôi hối hả về nhà sau mỗi buổi làm. Hôm nay tôi không hoà vào dòng người đó, không về nhà của mình. Hôm nay tôi ngủ lang!
- “Út về rồi hả?” – Thằng Thịnh gọi cho tôi
- “Chưa, Út còn ngoài Hà Nội” – Tôi nói dối
- “Xạo! Sao con thấy có hộp sấu bào tử trong tủ lạnh”– Thằng Thịnh nói – “Không phải Út thì ai?”
Haiz, ăn vụng chùi mép không kỹ. Hoá ra cái hộp sấu bào tử chỉ điểm tôi. Cháu tôi hỏi sao không thấy hành lý mà chỉ có mỗi cái hộp sấu bào tử. Rồi hỏi tôi đang ở đâu để nó đến chở tôi về. Chẳng lẽ lại không về nhà hay sao? Dù sao tôi cũng nguôi ngoai cái tình cảnh hồi chiều rồi. Chuyện này tôi đã từng bị nhiều lần, chỉ là do người khác mang lại. Lần này là thằng Thịnh. Đứa con trai nào mà tôi yêu thương cũng đều như thế hay sao á. Riết rồi tôi thấy mình mạnh mẽ trơ trơ với mấy cái vụ kiểu như chiều nay ngoài chợ ấy.
Nói gì thì nói, tôi vẫn có chút gì đó buồn buồn. Thế nên khi hai cậu cháu lại cùng nằm trên chiếc nệm êm ái quen thuộc, cùng đắp chung một cái mền to ấm áp, cùng lắng nghe tiếng máy lạnh rè rè phả hơi lạnh xuống dưới, tôi liền quay sang ôm chặt lấy thằng Thịnh, dúi mặt vào người nó. Đó là cái cách để tôi cảm thấy bình yên rồi những chuyện buồn sẽ vơi đi. Có lẽ thằng Thịnh cũng nhớ ra cách thức ấy và cũng biết là tôi đang buồn gì đó. Nó gõ mấy ngón tay lên lưng tôi và nói bâng quơ:
- “Bữa nay có người hiền quá Út”
- “Ai vậy?” – Tôi ngạc nhiên hỏi
- “Có người đi ngủ là ngủ liền không có đòi làm gì hết” – Thằng Thịnh vẫn nói tỉnh bơ
- “Già rồi nên đuối rồi” – Tôi cũng buồn cười với câu nói đùa của thằng Thịnh nên nói hùa theo
- “Trời ơi, hên là già rồi mà còn vậy đó” – Thằng Thịnh nói bằng giọng kinh hãi ngạc nhiên rồi chuyển sang mừng rỡ nói tiếp – “Vậy là tối nay nghỉ phải không Út?”
|
ôi biết đây là câu nói đùa nữa. Nhưng mà bỗng nhiên gợn trong lòng cái ý nghĩ rằng có chút gì đó thật trong ấy. Được “nghỉ” khiến nó mừng rơn. Cũng có thể là tối qua nó và con bé kia chắc cũng quần thảo trên tấm nệm này khi cậu Út vắng nhà. Giờ nó còn hứng thú gì mà tiếp tôi nữa chứ. Khổ thân, nghĩ quẩn làm gì rồi lại buồn nữa. Tôi lôi thằng cháu quay nghiêng về phía tôi, rồi cho hai đầu chụm vào nhau, đặt tay của đứa này choàng qua người đứa kia. Nằm như thế một chút, tôi khe khẽ nói:
- “Hôm nay nghỉ! Sau này cũng sẽ không phải làm gì nữa”
- “Bữa nay Út bị gì vậy?” – Thằng Thịnh buông tay rờ trán tôi như thể xem tôi có khùng không
- “Út cảm ơn Thịnh đã cho Út thoả mãn” – Tôi nói tiếp – “Thịnh biết nghĩ cho Út thì Út cũng biết nghĩ cho Thịnh vậy”
- “Út nói gì con không hiểu?” – Nó đưa tay choàng lấy tôi và lôi người tôi về sát phía nó
- “Chiều nay Út không về nhà là vì Út vô tình đi chợ thấy Thịnh… với…” – Tôi bỏ dở câu nói một lúc rồi tiếp – “Nhưng giờ Út thông rồi, hiểu rồi, hết buồn rồi… Mấy ngày qua… với hôm nay nữa… là đủ rồi.”
|
Sài Gòn, ngày… tháng … năm 2013 (82)
Trong lúc đi lang thang vô định sau khi bắt gặp thằng Thịnh với con bé lạ mặt, đột nhiên tôi đã chẳng còn muốn ghi tiếp những dòng nhật ký này nữa. Rồi biết được vì sao con bé Ngọc Diệp biết nhiều chuyện của hai cậu cháu, tôi lại càng chẳng muốn viết thêm gì nữa. Do đó, sẽ có một khoảng trống dài với nhiều sự kiện xảy ra. Có nhiều sự kiện thật sự quan trọng mà cũng có nhiều sự kiện chẳng có gì quan trọng. Chỉ biết những dòng cuối cùng tôi viết lại để nói về Sài Gòn những ngày đầu mùa đông nhưng không có những dấu hiệu gì rõ rệt. Dương lịch thường không chính xác bằng Âm lịch khi tính tiết trời. Và có một người sắp phải đi xa.
Nói là xa nhưng cũng chỉ là cách khoảng vài ba giờ bay thôi. Nhưng mà xa thật chứ! Hà Nội chỉ cách Sài Gòn không đến hai giờ bay mà tôi để lại ngoài đó bao nhiêu bạn bè, dăm ba năm mới ra thăm một lần. Cũng may là cùng một nước nên cước điện thoại còn rẻ. Thế mà cũng chỉ thi thoảng mới lôi máy ra gọi một lần vài chục phút cho đỡ nhớ. Vậy là có một người sắp phải đi xa. Mỗi lần muốn gặp nhau sẽ tốn một khoản tiền to. Mỗi lần muốn gọi cho nhau, cũng sẽ tốn một khoản tiền to. Ở chung nhà, nhưng do lịch học và làm việc khá nghịch nhau nên một tuần dành trọn một ngày cho nhau vài lần đã là ít ỏi huống hồ là sắp tới biết bao ngày mới có thể gặp lại thằng cháu của tôi?
Mấy ngày cuối trước khi lên đường, hai cậu cháu hay cùng nhau đi mua sắm những thứ mà tôi cho là cần thiết để nó xách qua bên đó. Anh chị Hai cũng lo cho nó một vali rồi. Nhưng đó là cái vali của cha mẹ, nó phải xách thêm một cái túi của cậu Út chứ. Lúc này tôi hay nhìn nó trìu mến mà ánh mắt gợn buồn. Và nó sẽ nhìn lại một chút rồi nhanh chóng quay đi khi ánh mắt của nó cũng bắt đầu lây lan cái gợn buồn ấy. Những lúc ấy, sao tôi muốn ôm nó thật chặt. Hoá ra người ta cao lớn là thế mà cũng có nhiều lúc thấy nhỏ bé đáng thương làm sao. Tiếc là ngoài đường ngoài sá, tôi chẳng thể làm điều đấy.
Rồi một ngày mùa đông tiếp theo, giữa những dòng người nhộn nhịp, tôi và anh chị Hai, anh Tư và anh chị Năm cùng ra sân bay tiễn thằng Thịnh. Thói thường của phụ nữ mà cũng là của người mẹ, chị Hai tôi giọt ngắn giọt dài, thỉnh thoảng lại ôm lấy thằng Thịnh. Tôi cũng có phân nửa cái thói ấy, nhưng không để rớt ra giọt ngắn giọt dài và cũng rất muốn ôm lấy thằng Thịnh. Dẫu rằng tối đêm trước khi lên đường, khi anh chị Hai ở quê chưa lên và căn nhà trống chỉ có hai cậu cháu, tôi đã ôm lấy nó không biết bao lần, dù vẫn kìm nén được biết bao giọt ngắn giọt dài trong khoé mắt.
Vậy là cuối cùng rồi thì tôi lại tiếp tục ở trong căn nhà vắng ấy một mình. Chẳng biết bao giờ tôi mới có dịp ba chân bốn cẳng thu xếp về nhà sớm sủa, luồn lách qua những dòng xe cộ chen nhau, lượn vào chợ chiều mua mớ rau con cá để thổi bữa cơm chiều đầm ấm cho cả hai. “Thịnh lặt rau cho Út nghen”, biết khi nào mới nói lại câu nói ấy? Chẳng biết bao giờ tơi mới có dịp rong ruổi xe máy về miệt Vĩnh Hưng, để những đêm nằm trên giường cứng mà dựa vào cơ thể ấm mềm, nghe tiếng ngáy nhẹ đều sâu quen thuộc. Sẽ nhớ những buổi trần truồng vùng vẫy trong làn nước mát của con sông trước nhà thằng Thịnh.
- “Thôi con đi nha!” – Thằng Thịnh bất chợt nói chung với tất cả mọi người
Nhìn bóng nó cao lớn kéo chiếc vali lùi lũi khuất dần sau những tấm kính mờ mà phía trước dòng người nhốn nháo cứ kiễng chân nhìn theo cho đến khi mất dấu. Tôi bảo mọi người về trước, còn tôi ngồi chờ xem lỡ có trục trặc gì thì có tôi giúp cho thằng Thịnh. Chẳng giống trong phim nhỉ, chẳng có lời tạm biệt dành riêng cho tôi, chẳng có ánh mắt chào tạm biệt dành riêng cho tôi. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đầu óc bắt đầu mông lung hỗn độn. Chẳng biết bao nhiêu phút trôi qua. Tôi chỉ biết thằng Thịnh vào trước khi chuyến bay của nó cất cánh là một tiếng rưỡi. Khi nào qua thời khắc ấy, tôi sẽ rời khỏi nơi này.
- “Út...”
|
Thằng Thịnh gọi tôi mà tôi cứ ngỡ mình đang ngủ gật và lạc vào giấc chiêm bao lần nữa. Đúng là nó rồi, đang toả bóng che tầm ánh sáng trước mặt tôi. Tôi vội đứng lên ôm chầm lấy nó. Tôi sẽ không khóc đâu mà! Hai bàn tay mạnh khoẻ của nó cũng đang ôm xiết lấy tôi. Vòng tay ấy ngày một xiết chặt hơn mà sao tôi chẳng thấy chút gì khó chịu. Chúng tôi cứ thế mà ôm nhau thật lâu, mặc kệ chung quanh có ai ngắm nhìn xì xào đi chăng nữa. Rồi thằng Thịnh giữ hai vai tôi tách rời hai đứa ra.
- “Con biết là Út sẽ đợi cho đến khi con lên máy bay mới chịu về!” – Nó nói giọng trầm trầm
- “Út sợ có gì trục trặc nên chờ thêm chút nữa”
- “Chứ không phải Út chờ con nói lời tạm biệt với Út hay sao?” – Nó nói hơi cười khẽ
- “Cũng có ý đó!” – Tôi lí nhí và cũng nhoẻn cười
- “Có nhiều điều con muốn nói với Út lắm nhưng không nói thành lời được! Nên con biên thư này cho Út!” – Nó rút từ trong túi quần jean ra một lá thư được xếp lại cẩn thận theo kiểu xếp thư của người xưa, chắc là do chị Hai tôi dạy, trao cho tôi – “Út ở lại mạnh giỏi và giữ gìn sức khoẻ nha! Con sẽ ráng học cho thành để không phụ lòng mong mỏi của Út và cha mẹ”
Tôi lại nhìn bóng của nó trôi vào phòng cách ly. Nhưng cái bóng ấy không khuất nhanh như lần thứ nhất mà còn ngoái lại nhìn tôi, bảo về đi không cần phải đợi thêm nữa, mọi thứ đã ổn hết rồi. Ừ, dĩ nhiên là mọi thứ đã ổn hết rồi. Tôi vốn là người chu toàn nên mọi sự sắp xếp cho thằng Thịnh hiển nhiên càng phải ổn hơn bao giờ hết. Tôi chờ ở đây chỉ để mong có một điều kì diệu xảy ra. Và điều kì diệu ấy đã hiện hữu trên thực tế, thằng Thịnh đã quay trở ra để nói riêng với tôi những lời từ biệt. Tôi xem đó là sự minh chứng cho một vị trí quan trọng trong lòng mà thằng Thịnh cũng sắp xếp chu toàn cho tôi.
Tôi chợt đọc được mấy dòng chữ trong bức thư của thằng Thịnh và tôi không muốn đọc tiếp nữa. Tôi bỏ lá thư vào trong túi áo, di chuyển ra bãi xe, mở cốp bỏ lá thư vào tận đáy. Dẫu chưa đọc nhưng tôi cũng lờ mờ đoán được phần lớn nội dung. Thư viết gì cũng chẳng sao và cũng chẳng quan trọng lắm. Quan trọng là tôi đã nhìn ra và hiểu được nhiều điều giúp tôi giải toả được khá nhiều u uất trong mối quan hệ này. Đó là, thằng Thịnh chưa bao giờ phải chịu đựng với cái tình yêu mà tôi dành cho nó như lời con Ngọc Diệp cả. Và đến giây phút này, rõ ràng tôi có một vị trí khác hơn là một người cậu, như cậu Tư và cậu Năm của nó. Chỉ có chút băn khoăn ích kỷ rằng, tôi đã có thể là người yêu trong lòng thằng Thịnh hay chưa?
Tôi ngước nhìn bầu trời trong xanh gợn vài cụm mây trắng. Tôi thường thấy những người viết văn chương hay mô tả bầu trời như thế để ngầm ý nói trong lòng cũng đang có gì đó vui vẻ hân hoan. Và tôi sẽ có cơ hội mô tả bầu trời như thế lúc này, nếu như tôi chẳng mở lá thư của thằng Thịnh ra để đọc cho hết những con chữ tiếp sau cái dòng bắt đầu thư: “Giả sử con và cậu Út yêu nhau”.
Tôi lại lơ đãng ngước nhìn bầu trời trong xanh gợn vào cụm mây trắng, miệng lẩm bẩm như thằng điên trốn viện ra:
- “Vậy là Út khép quyển nhật ký này lại ở đây. Sẽ chẳng còn ai biết được chuyện của mình nữa đâu Thịnh ạ”.
|
|