Cha Dượng
|
|
Cha Dượng - Thiện Thấm
1. Tôi ngồi trên xe buýt ngắm làn mưa đêm Sài Gòn gao gắt cuối tháng mười, nhìn qua cửa sổ thấy gương mặt bí xị buồn tình của mình phản chiếu lại. Cũng giống như đa phần những thằng con trai mười tám tuổi nào khác trên đời bị bồ đá, tôi đương nhiên phải buồn. Nhưng tôi buồn không phải vì từ nay mình không được gặp cô nữa, mà tôi buồn là vì từ nay không còn cớ để tỏ ra mình “đàn ông”.
Ông lão phía sau lưng tôi mở hộp dầu nước xanh hít vài ngụm, mùi bạc hà the cuốn vào mũi và mắt tôi són cay. Sau đó tôi nghe tiếng quát của chú tài xế: - Ai sứt dầu dậy? Cay mắt gần chết hà, kiểu này có láy xe đâm vào cột điện cũng đừng trách! Ông ta cáu bẳng hệt như đứa trẻ đi chơi về nhà nhưng mẹ chưa nấu cơm. Cô nhân viên soát vé thì nhìn về phía tôi bằng ánh mắt chán ghét đến giật mình, con người có thể nhìn nhau bằng cái ánh mắt đáng sợ đó sao? Hình như có lần tôi đọc một bài báo viết về chuyện siêu nhiên con người ta có thể vô tình giết người qua “ánh mắt”, mà cụ thể đó là một nhân viên công sở đi làm trễ thường xuyên nên bị sếp mình kêu vào phòng trách mắng, anh ta đùng đùng nổi giận rồi thôi việc, trước khi đi ra cửa còn quăng lại một ánh mắt căm phẫn cho sếp trẻ của mình. Vài phút sau, người ta đi vào phòng thấy vị sếp đột tử trên ghế. Cô nhân viên soát vé trên xe hiện tại nếu có bức tử người ta bằng ánh mắt thì người chết may mắn cũng không phải là tôi, mà là ông lão đau yếu ngồi ghế đằng sau lưng tôi. Đôi môi xinh đẹp không làm nên một chất giọng dễ nghe, cái giọng chua như cức mèo cứ thế ong ỏng bên tai tôi: - Đáng lẽ là không cho ông lên xe đâu, ông quá tuổi đi xe buýt gòi, với lại thấy trời mưa quá. Lên xe buýt mà còn xài dầu nước xanh, bác tài bị cay mắt gòi thấy chưa, hoi, hoi xuống xe, đón xe khác đi dùm con cái! Ông lão lẫn quẩn không biết nói gì, hừ hừ thở, cuống quýt dẹp chai dầu vào cái khăn mùi soa nhàu cũ màu trắng, tôi thấy trong đó có vài tờ hai nghìn và một tờ năm nghìn. Trong xe không có người lên tiếng, im lặng đến mức khiến tôi nghĩ nước mưa ngập lên xe buýt, ngập qua tai bọn họ mất rồi, và...cũng ngập qua tai tôi. Tôi ngồi đấy siết lấy chiếc cặp da trong lòng mình, im lặng nhìn những mảnh đời hối hả va quẹt nhau trên đường phố Sài Gòn bằng cặp mắt cận thị mờ căm. Một cô sinh viên mặc áo đồng phục của một trường đại học tư nhân nào đó đứng dậy, thần thái đúng chất của một phụ nữ Mỹ rặt độc lập và tự tin, mặc dù cô là người Việt, mắt hí, mũi tẹt và môi dày, ngữ điệu đậm chất nam bộ, nhưng âm lượng lúc nói đủ nặng dằn xuống lượng nước mưa đang ngập qua hầu hết những cái tai đang điếc, tôi nghe: - Làm dì thì làm cũng phải có đạo đức một chút chứ chời, ông lão đang ho, với lại cũng có ai nói trên xe hông được xài dầu đâu! Bác tài dừng xe buýt ở trạm kế tiếp nhưng trước đó tôi không nghe thấy có ai báo muốn xuống, đáp lại nghi vấn của toàn thể hành khách, ông ta quát lên dữ dằn: - Hai cái người đó, xuống dùm!!!! Tôi nhìn qua cửa sổ thấy một già một trẻ nép bên dưới một mái hiên bên cạnh quán cháo đêm, cô gái lúc nãy tự quàng tay ôm lấy mình trước cơn gió Sài Gòn lạnh thấu, mặt mài cô cáu bẳng âm âm và ở ánh mắt của cô tôi không thấy được sự vững tin của người vừa mới làm theo cá tính mình mách bảo, mà chỉ thấy đa phần là giả trá, bốc đồng và cả bâng khuâng tự hỏi: “Mình vừa làm cái qủy gì vậy trời? Tuyến cuối cùng rồi, làm sao mà bắt được chiếc xe khác mà trở về nhà trọ đâ?&^%*$@!)(^$@#%%*” Bác tài chửi: - Cha mẹ không biết dạy con cái hay gì, để nó nói chuyện với người lớn mà xong xỏng, xong xỏng. Soát vé chửi: - Sinh viên lúc rày đạo đức suy đồi. Xe buýt dừng lại ở trạm kế. Tôi chửi: - Ba mẹ hai người ở nhà cũng đang ngứa ngáy lắm đấy! Đi qua cổng nhà, tôi theo thói quen hơi nhón người để đỉnh đầu chạm đến giàn hoa giấy, chỉ đơn giản là một cử chỉ tự mãn vì mình đã trưởng thành và cao vụt hơn so với năm mới vào cấp ba. Bước vào trong, nghe thấy mùi cá chiên thơm phức thách thức cuốn vào trong mũi. Tôi cởi giày thể thao đã ướt dộp, cởi luôn đôi vớ đen hôi rình rồi nhét luôn vào bên trong, nhìn qua bên cạnh thấy một đôi giày Derby màu bò ngay ngắn. Tôi từng nghĩ, anh mang giày nào cũng không hợp bằng loại giày này, vừa chuyên nghiệp, vừa thanh lịch, vừa mạnh mẽ...giống như con người anh... ...giống như con bọ cánh cứng Hercules, haha... Tôi đi tới tủ lạnh tìm một chai nước lọc. Anh đứng bên cạnh đeo tạp dề, chiên cá, im lặng, im lặng, vẫn im lặng như cái im lặng của bảy năm qua. Sẽ không có cái kiểu: “Đình về rồi hả con? Hôm nay học hành thế nào!” hay “Chú đang chiên cá, đợi chút nữa ăn cơm được rồi!”, “Hôm nay mưa lớn quá chừng, ngập qua luống mười giờ ngoài cửa luôn...hahaha...haha...ha...ha...” ... “Ha”? Anh không cười kiểu ngớ ngẩn vậy đâu và cũng không bao giờ mở miệng nói những thứ dư thừa. Anh là người khá trầm tính. Tôi đi tắm xong thì mở tivi, gặp đúng chương trình hài của một nam diễn viên nhiều scandal tình cảm. Xem suốt buổi nhưng không cười nổi, trò đùa nhạt nhẽo, gượng gạo, diễn xuất không ra hồn. Tôi sẽ cười nếu họa may nam diễn viên hài đột nhiên nói rằng anh ta đi nhầm kênh, đáng lẽ ra anh ta phải đang ở bên kênh thời sự quốc gia, hờ hờ... Màn hình tắt ngóm, anh cầm đĩa cá chiên đi ngang qua chỗ tôi, quăng rì-mốt lên ghế, nói: - Qua ăn cơm. Nhìn mỹ vị trước mắt, tôi nhịn không được nuốt nước miếng. Anh gõ đũa xuống bàn để so chúng có bằng nhau hay không rồi đưa cho tôi cặp đũa đẹp đôi nhất, anh nói: - Hôm nay mẹ con về khuya lắm, ăn hết cá đi, đừng chừa. Tôi hỏi: - Lại trực đêm nữa ạ? - Không, có ca cấp cứu gấp. - À. Tôi nhớ “À” là âm thanh cuối cùng của bữa ăn tối đó, ngoài tiếng chén đũa muỗng khua vào nhau thì là tiếng mưa rỉ rỏn ngoài hiên, không còn âm thanh sự sống nào khác nữa. Bữa cơm chóng vánh, buồn, đơn điệu nhưng nó là bình thường, là cái “vốn dĩ phải như vậy” diễn ra trong suốt bảy năm qua kể từ lúc mẹ tái hôn. Tôi ăn cơm rồi nhưng không muốn về phòng, anh rửa chén xong rồi cũng không muốn về phòng, chúng tôi ở phòng khách, một xem tivi, một trầm ngâm đứng ở cửa sổ hút thuốc lá. Mưa đánh tan bợn khói trắng khi chúng vừa mom mem bước ra bầu trời đen quánh đặc, anh ném điếu thuốc ra ngoài mưa nghe một tiếng “xèo” nhỏ phía sau là tiếng sấm rờn lạnh gáy, quay trở vào trong nhìn tôi. Tôi biết anh hút thuốc xong sẽ nhìn tôi, vì anh không còn chuyện gì khác để làm nếu còn ở phòng khách, tôi bắt được cơ hội, tự nhiên nói: - Chú Tiệp, con thất tình rồi. Tôi tự hỏi vì sao phải nói điều này với anh, dù gì thanh thiếu niên hiện giờ cũng không ai còn cái tâm lí muốn nói chuyện yêu đương học đường của mình với bậc phụ huynh như khi xưa ba mẹ chúng hay làm, nhưng mà tôi biết cứ không nói gì anh sẽ về phòng mất. Mà anh về phòng rồi, đến tận hơn mười tiếng sau tôi mới lại được thấy anh trong cái màn ăn sáng tổ hợp của “chóng vánh - buồn - đơn điệu nhưng nó là bình thường”. Tôi thấy trong tròng mắt của anh có biểu cảm, ít nhất nó không phải ánh mắt của một người sau khi nghe chuyện không liên quan gì tới mình, anh xoay người lại, sụp cửa sổ xuống, lấy thêm một điếu thuốc để lên môi nữa rồi đột nhiên nhận ra hôm nay đã hút nhiều hơn quy định nên thôi, do dự cất vào. Anh ngẩn đầu nhìn tôi, hỏi: - Con bé đó không thích con nữa à? Anh mặc định đó là “con bé” chứ không phải “thằng bé”. Nhưng cũng không sai, nhưng vì nó không sai nên làm tôi hơi cáu, nói: - Con không biết. Cổ nói con như cục đất vậy, vì con nghe lời, con chung thủy, con không tức giận, con không ghen khi cổ đi với trai nên cổ đá con. - Ừ. – Anh lại sờ lên hộp thuốc lá trong túi quần, xoa xoa. Tôi thì không hiểu tiếng “Ừ” đó đại diện cho cảm xúc gì của anh. Anh luôn làm tôi thấy tò mò vì trình độ sử dụng ẩn ý đáng kinh ngạc của mình. - Cũng gần thi đại học rồi, lo chuyện học trước, tình cảm gì đó...sau này hẳn tính. – Anh nói. - Con cũng tính vậy... – Tôi đồng tình. Nói thêm: - Sau này kiếm đứa bạn gái nào dễ tính một chút. - Ừ. Anh lại “Ừ”. Tôi không biết nói gì nữa. Có lẽ nỗi buồn vì thất tình trong mắt tôi quá ít, nó không đủ dung lượng để khiến anh phá lệ nói thêm một câu an ủi, mà anh cũng dư hiểu, anh luôn biết rõ ràng điều đó với tôi không cần thiết. Anh đi qua chỗ tôi, dùng bàn tay ấm áp sờ đầu tôi. Mỗi lần được anh sờ tóc, tôi luôn không nhịn được cảm giác muốn đem hai bàn tay một của anh và một của ba ruột ra so sánh, mặc dù ba tôi lâu lắm rồi ổng không làm thế nữa. Mỗi lần đều đưa ra một kết quả so sánh là...tay anh không to, không thô, không mập như tay của ba, anh xoa thì dễ chịu vì anh dịu dàng, còn ba...mỗi lần ổng vỗ đầu tôi khiến tôi cứ mường tượng ông là diễn viên trong phim kinh dị nào đó muốn vỗ cho não tôi phọt xuống cổ họng mới thôi, mà...nghĩ tới cảnh đó quá kinh khủng đi. - Ấm...tay chú ấm quá... – Tôi không do dự gì, lấy tay của anh áp lên mặt mình, thỏa mãn nói. Anh để cho tôi nắm tay một chút nhưng rồi cũng buông ra, lại xoa đầu tôi, nhưng không nhìn tôi mà nói: - Về phòng học bài đi, đừng coi tivi nữa. Anh đi rồi, tôi nghe âm thanh tiếng cửa phòng đóng lại như vừa có cây đinh tự đóng lên ngực dày vò tôi đau đến nghẹn.
|
2. Anh về phòng, tôi cũng chẳng ở lại làm gì với cái phòng khách nhạt nhẽo với gã diễn viên hài và cái tuồng hài nhạt như nước ốc. Về phòng, lôi đống bài tập toán ra nhưng không có tâm trạng cầm bút, thay vào đó là cầm điện thoại. Facebook, nơi bọn học sinh chúng tôi tung hoành, nơi các thánh văn thơ trổ tài yêu đương bi lụy bằng bàn phím, nơi chia sẻ, khoe khoang, bức xúc, xàm xí đú và linh tinh, vớ vẩn. Nhưng công dụng của facebook đối với tôi còn nhiều hơn thế nữa, đó là nơi tôi trốn học, là nơi tôi trốn cảm giác cô đơn và là nơi duy nhất tôi có thể… xem hình của anh. Anh chơi Facebook nhưng một tỉ năm cũng không thấy anh đăng cái gì, mẹ tôi cũng thế, hai vợ chồng y hệt nhau thôi, nghiêm túc, kiệm lời, không khoa trương. Chỉ mỗi khi có đồng nghiệp chụp ảnh tag vào tôi mới thấy trên tường nhà họ có bài. Mẹ tôi là bác sĩ khoa nội làm việc cho bệnh viện quốc tế Vinmec CP, hình chụp của bà với đồng nghiệp thường chỉ ở trong bệnh viện. Bà mặc blouse trắng, khung người cao gầy, da hơi trắng tái vì suốt ngày chỉ ở trong phòng máy lạnh, gương mặt trẻ hóa so với cái mác bốn mươi lăm tuổi. Mà điều nổi bật hơn cả ở bà vẫn là một đôi mắt thờ ơ và trái tim sắc thép không ai bằng. Bác sĩ Vinh từng kể, lúc trẻ, khi bà đang học lấy bằng tiến sĩ thì phát hiện mình mang thai, ông vui khi sắp được lên chức, nhưng cũng sừng sỗ, làm dữ lên khi nghe bà nói muốn phá cái thai đi vì không muốn ảnh hưởng chuyện học của mình. Tới một buổi sáng ba tôi từ phòng ngủ đi ra thấy bà đang hì hục trên máy chạy bộ ở nhà, giận tới mức mắt nổ đom đóm. Lúc đó có phát hiện thì mọi chuyện đã xong lâu rồi, tôi từng có anh hai hay chị hai cũng mãi mãi chẳng biết được. Đến sau này mang thai tôi nhưng bà vẫn chưa muốn có nợ nần, tiếp tục đòi phá, lần này bác sĩ Vinh làm căng lên lắm, suốt bốn tháng đầu đi đâu cũng kè kè theo bà, mẹ tôi không còn cách nào nên mới miễn cưỡng giữ lại. Chắc cũng bởi vì ép buộc nên chưa ngày nào trong mười tám năm qua bà nghĩ tới chuyện mình đã là mẹ và nên làm mẹ thử một ngày. Bà vốn là người phụ nữ tham công tiếc việc. Một bức ảnh chụp chung có mẹ, có bác sĩ Vinh và có anh. Mẹ tôi đứng bên trái, mỉm cười rất máy móc, ba ruột tôi đứng tận phía trước vì ông mập và lùn, ông sảng khoái nhoẻn miệng cười, một nụ cười rất đậm chất của bác sĩ Đỗ Nhất Vinh, mắt cong cong đào hoa, núm đồng tiền sâu hút bên má trực diện càng khiến ông trở nên duyên lạ mà dễ gần. Tôi thường chỉ gọi ba là bác sĩ Vinh, đó là cách xưng hô khiến tôi nghĩ mình và ông trở nên gần gũi nhất. Vì đối với tôi, ông không chỉ là một người cha, một người bác sĩ mà còn là một người bạn nữa. Nói chung là, cuộc hôn nhân lạnh nhạt với mẹ không dập tắt được tình thương vô bờ của một người cha tốt, mặc dù không còn sống chung, mặc dù ông đã có tổ ấm riêng, nhưng lúc nào ông cũng sẵn sàng là một chỗ dựa vững chắc để tôi trút tâm sự như một người thân, người bạn. Còn anh...người cha thứ hai của tôi, anh và bác sĩ Vinh đều là cái gì đó thật lớn lao trong lòng tôi nhưng có ranh giới và phân định rõ ràng. Anh đứng cách mẹ hai người y tá khác, blouse phấp phới, dáng người cao ráo, bờ vai rộng kiêu hãnh, thần thái đạm nhiên nhưng gợi chút xa cách, và ánh mắt không bao giờ đặt nơi ống kính. Cái cách mà anh nhìn mông lung đi mỗi khi tất cả đồng nghiệp của mình đều hướng về ống kính khiến tôi luôn muốn hỏi: “ ‘Con bọ Hercules nhã nhặn’, anh có biết mình rất cuốn hút người nhìn không?” Tôi có thói quen hay xem hình ở bệnh viện, ban đầu xuất phát từ việc tò mò thôi, nhưng dần già không biết kể từ lúc nào mà tôi chỉ tìm anh, nhìn anh mà không nhìn thêm ai khác nữa. Thời gian tích tắc trôi qua, đồng hồ bấy giờ đã chỉ tới con số hơn chín giờ tối. Ngoài cửa có tiếng gõ khẽ sau đó anh đi vào, nhìn tôi bằng ánh mắt không vui, nói: - Lướt mạng xã hội lâu quá rồi! Đừng để chú tịch thu điện thoại của con như lần trước, không học bài thì ngủ sớm! Mỗi lúc la rầy, tôi mới nghe anh nói được nhiều một chút. Có lẽ anh để ý thấy tôi đang xem hình của mình nhưng không nói, tôi cũng không định giấu diếm làm gì, tà tà hỏi: - Sao chú chụp hình lúc nào cũng bí xị mặt vậy? Tôi không nghĩ là anh giận thật mà bước vào giật lấy điện thoại trong tay tôi, nghiêm túc nói: - Đừng có giỡn mặt, chú kêu con học bài! Tôi chán nản nằm trườn lên bàn học, anh quả nhiên tịch thu điện thoại của tôi rồi mang về phòng mình luôn. Không rõ những phụ huynh của bạn học khác có tinh tế về chuyện không nên điều tra đời tư trong điện thoại của con cái mình, đặc biệt là con trai hay không, nhưng tôi biết anh sẽ không chọn cách trở thành một phụ huynh tinh tế. Cũng chẳng có gì quá xấu hổ, chỉ là mấy dòng lịch sử google chưa xóa thôi, body nam, người mẫu nam bể bơi, đôi tình nhân nam đồng tính tổ chức hôn lễ ở Rayavadee Krabi, Thái Lan... Tôi tin mấy cái đó chẳng có gì khiến anh bất ngờ. Hình như tin nhắn mùi mẫn của tôi với bạn gái cũ cũng xóa rồi, lúc nghe cổ mắng tôi là cục đất, giận quá nên xóa ngay tắp lự, thư từ, hình ảnh, đồ đạc kỷ vật gì đó chôn vào thùng rác hết. Chỉ còn có mấy dòng tin nhắn của tôi với bác sĩ Vinh, bàn về chuyện có nên ra nước ngoài du học hay không và còn chuyện tôi chuẩn bị dọn sang căn nhà bỏ trống của ông ở Tân Bình để tiện gần cho việc sau khi nghỉ hè thì liền vào trung tâm Nguyễn Thượng Hiền bên đó luyện thi, nghe nói ở đó chất lượng giảng dạy tốt. Không có điện thoại, tôi nằm trên giường thất tình tới nửa đêm mới ngủ được. Vừa chợp mắt không bao lâu thì nghe thấy tiếng cãi vã từ vách tường vọng ra, mẹ và anh hiếm khi gây nhau. Bảy năm trôi qua thuận lợi vì dường như sự tương đồng về tính cách khiến họ không gặp phải mâu thuẫn gì nghiêm trọng. Một cặp vợ chồng là phải hòa hợp với nhau như chuyện nắp vung A phải đặt đúng nồi canh A, nhưng tôi lại miêu tả mẹ và anh cứ như hai cây đũa đặt song song nhau trên một chén cơm đang cúng, âm thịnh dương suy... ý là trời đất bất thường, họa may mới chạm tới nhau mà gây được mâu thuẫn. Điều đáng nói là tôi nghe thấy tiếng quát của anh, tôi chưa từng nghe anh lớn tiếng như vậy với ai cả. Anh là người trước nay trầm tĩnh mà nói theo kiểu ngôn tình một chút là “lạnh lùng”. Có lúc tôi lại nghĩ anh như cái máy biến áp, mặc dù trong lòng có khó chịu, có giận dữ thế nào thì lúc thể hiện ra ngoài vẫn là “con bọ Hercules nhã nhặn”, bọ Hercules dù có cứng cáp, mạnh mẽ như thế nào nhưng vẫn là con vật luôn biểu hiện chậm rãi, như con người anh biết cách tiết chế và có sức nhẫn nại đáng khâm phục. Nhưng bây giờ “con bọ Hercules nhã nhặn” của tôi đã giương sừng, tôi kề lỗ tai lên vách tường nghe anh quát với mẹ: “Cô là mẹ, đã không lo cho tương lai của con mình thì thôi, còn kiểu nói vô trách nhiệm đó hả?” Mẹ quát lại: “Tôi vô trách nhiệm khi nào? Tôi chỉ muốn cho nó tự lựa chọn con đường đi của mình thôi, anh muốn nó làm bác sĩ thì nó chịu làm bác sĩ à? Thằng Đình nó tuy lười, nhưng nó là đứa thông minh, nó muốn chọn con đường nào thì tôi là mẹ nó cũng an tâm hết. Khi nào đến lượt anh lo?” Nghe đoạn đầu tôi còn gật gù tự nói: “Đúng, đúng, mẹ nói đúng mà...” Nhưng nghe tới đoạn cuối, tim tôi se thắt lại. Bên kia im lặng, lâu sau mới nghe thấy anh nói chuyện lại, giọng nói bấy giờ đã được tiết chế lại nhiều, âm thanh trầm nhỏ đến nỗi tôi dính lỗ tai vào tường mới lóng ngóng nghe được anh nghiến răng nói: “Không ai lo thì một mình thằng này dư sức lo, đé.o cần thằng nào khác thương hại hay bù đắp gì. Nói lại với chồng cũ của cô, kêu anh ta bớt làm chuyện bao đồng đi. Bên nhà còn vợ với mấy đứa con nheo nhóc của anh ta mới là người đáng phải lo đấy! Du học là chuyện ăn gỏi hả? Một mình anh ta biết được cái quái gì mà đòi đưa nó đi? Rồi môi trường bên đó ra sao? Một mình nó ra sao? Đé.o hiểu nổi mấy người làm cha mẹ kiểu gì!” Lần đầu tiên tôi nghe anh thô lỗ chửi thề, tai mình lùng bùng như vừa nghe thấy thứ kinh thiên động địa không thể chấp nhận được. Và dường như mẹ cũng không thể chấp nhận được, tôi nghe thấy tiếng toang mở cửa phòng rồi sau đó là tiếng giày cao gót giẫm lọc cọc rời khỏi phòng khách mang theo cái chùm chìa khóa loảng xoảng va vào nhau. Tiếp đó là tiếng bước chân thật nhẹ nhàng đi tới trước cửa phòng mình, tôi hú hồn bay vèo về giường ngủ, nhập ngay vào vai cái xác chết bất động. Anh đi vào trong, đứng ở đầu giường nhìn tôi một hồi thật lâu mới thở dài. Tiếng thở dài của anh chưa bao giờ trông não nề như vậy. Tôi nhớ hồi mình mười hai tuổi nửa đêm sốt cao bốn mươi độ, lúc đó mẹ trực ở bệnh viện còn ngoài trời thì mưa dông, sấm chớp đùng đùng. Suốt đêm anh đều chỉ ngồi khom người bên giường ngủ lau mặt, đút thuốc, trông tôi ngủ, anh im lặng, cũng thở dài nhưng cái thở dài không trông buồn bã như bây giờ. Anh rời khỏi phòng tôi mang theo những bước chân trĩu nặng mà tôi cũng không hiểu vì sao lại như thế.
|
3. Cả đêm mẹ không về. Sáng sớm, tôi thay đồ đi học, xách cặp da ra khỏi phòng mới chợt nhớ hôm nay là thứ năm, mình được trống hai tiết học đầu. Chán nản muốn về phòng ngủ tiếp nhưng nhìn thấy anh bấy giờ đã dọn đồ ăn sáng lên bàn, anh cởi tạp dề ra khỏi thắt lưng rồi vắt trên lưng ghế, ngồi xuống xới cơm, những động tác lặp lại đã quá quen thuộc nhưng hôm nay nhìn, tôi tự nhiên thấy cảm động. Nhiều lần tôi tự hỏi, công việc của mẹ và của anh đều giống nhau, bọn họ đều là bác sĩ nhưng vì sao anh lúc nào cũng dành cho tôi nhiều thời gian đến vậy còn mẹ thì không bao giờ. Tôi đi tới, ngồi xuống ghế. Anh đẩy chiếc điện thoại trên bàn cho tôi, nói: - Từ nay lo học một chút, đừng có lên mạng tìm mấy thứ thông tin vớ vẩn đó nữa. Tôi đáp: - Chú là phụ huynh không tinh tế. Anh nhìn lên tôi. - Tinh tế với con thì được gì? - ... Tôi cúi đầu ăn cơm. Tay trái cầm điện thoại chọc chọc. - Ăn thì lo ăn đi, mở điện thoại ra làm gì nữa? - ...Chú...chú xóa hết hình trong máy con rồi hả? Anh vừa ăn vừa thờ ơ đáp: - Chú chỉ xóa mỗi hình của mình. - Chú...quá đáng...con...con lên Facebook tải lại! Anh dằn đôi đũa xuống bàn, ném cho tôi một ánh mắt không thể nghiêm túc hơn, gọi: - Đỗ Vân Đình! Tôi đáp: - Đinh Bách Tiệp! ... Đinh Bách Tiệp, không biết ba mẹ anh là người như thế nào mới đặt cho anh được cái tên kiêu như vậy. Cái tên nói lên cả con người anh, “con bọ Hercules nhã nhặn” kiên định, bất khuất, thông tuệ mà khó hiểu. Còn tôi, tôi đơn giản hệt cái tên của chính mình, Đỗ Vân Đình, trên mái đình có mây. Trên mái đình có mây thì sao mà không có mây thì sao? Vì tôi đơn giản nên tôi không giả trá, không dòng do, không lọc lừa ai bao giờ. Tôi yêu được hận được, nhẫn nhịn được và cũng bùng phát được. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt sẽ không bao giờ hỏi vì sao trong điện thoại của tôi toàn là hình chụp của anh, ánh mắt của anh chỉ là đang cố tình cảnh cáo. Tôi cũng nhìn anh, thẳng thắn, không do dự, không hổ thẹn, không có bi kịch. - Chú đừng có quá đáng. Điện thoại của tôi từ nay cấm chú động vào! Mách với mẹ hay không là tùy chú, nhưng từ nay cấm xen vào chuyện riêng của tôi! Tôi ném muỗng ăn ra bàn, một chén cơm trắng đầy vung nhưng chưa ăn được phân nửa. Tôi ôm lấy cặp da đi ra cửa. Ở bậc tam cấp là đôi giày thể thao ngay ngắn sạch đẹp và còn có cả vớ đã được giặc sạch, sấy khô bằng cách nào đó mà tôi không được chứng kiến. Tôi không đắn đo mà mang vào, cũng không có tâm trạng sẽ hỏi đây là giày của ai mà mới mà đẹp đến thế! Tôi đi qua cánh cổng, bực dọc đập tay lên giàn hoa giấy làm chúng dập nát rơi tứ tung. Anh chạy chân trần đuổi theo tôi ra tới tận ngõ, ánh mắt anh pha lẫn giữa một chút thương tâm và hụt hẫng vì thằng con trai ngoan của anh giở chứng nổi loạn, anh giật tôi từ đằng sau lại rồi quát: - Thái độ đó, con nghĩ mình đang nói chuyện với ai hả? - Tôi nói với hoa giấy, được chưa? - Vân Đình! Xưng hô lại đàng hoàng cho chú! Anh ỷ mình cao hơn tôi nửa cái đầu, nhìn xuống tôi như một người cha đang khiển trách đứa con nhỏ hư đốn. Tay anh siết lấy cánh tay tôi phát đau, nếu làm theo một vở kịch cãi nhau giữa người cha và đứa con trai đang trong độ tuổi nổi loạn, chỉ bằng một lần nói chuyện mà xưng “tôi” thôi cũng đủ khiến anh vớt cho tôi cái bạt tay, nhưng mà không. Anh chưa bao giờ đánh tôi, chỉ nhìn tôi, nhưng cái ánh mắt của anh nhìn tôi so với đánh còn đau hơn. Đó là cách “dạy dỗ” riêng biệt không giống bất kì phụ huynh nào, anh sẽ nhìn đến khi nào tôi tự thấy tự hổ thẹn vì giây phút bồng bột của mình. Anh có thể kiên trì tới lúc chân tôi mỏi nhừ ra, nhưng anh sẽ không buông tay tôi, vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm túc như thế cho tới khi tôi nhận lỗi. - Con trễ giờ học rồi! – Tôi nặng nhẹ nói. - Hôm nay hai tiết đầu trống, con đừng có nói láo! - Hôm nay giáo viên dạy đôn để hai tiết cuối họp hội đồng! - Thiệt không? - Thiệt! - Vậy bây giờ nói gì? Anh nhìn tôi, con bọ nhã nhặn nhưng cánh thì cứng lắm, nên tôi xin lỗi. Tôi vùng khỏi bàn tay anh, xốc chiếc cặp da trong nách rồi quay đầu dậm chân chạy nhanh về trạm xe buýt. Từ đằng xa, tôi nghe anh còn cảnh cáo nói: - Lát nữa chú tới trường tìm con, tốt nhất là đừng có nói láo chú. Tôi tự hỏi anh là bác sĩ kiểu gì mà dư dã thì giờ tới vậy. Nhưng hôm đó anh làm tôi kinh ngạc thật khi chạy xe tới trường cốt chỉ để xác nhận tôi có nói láo hay không. Mà dĩ nhiên là tôi đã nói láo. Theo thời khóa biểu, hai tiết đầu ngày thứ năm lớp tôi luôn được nghỉ, cũng chẳng có chuyện đôn tiết hay họp hội quái gì hết. Đám bạn vô sớm toàn ra căn tin ăn uống, tôi thì vào phòng y tế. Người trực phòng hôm đó là thầy Khải cán bộ y tế chính của trường. Trông giống như luật bất thành văn, thầy giáo chỉ cần đẹp trai, càng khó tính, càng lạnh lùng thì càng thu hút được nhiều nữ sinh hâm mộ. Mỗi lần tới ngày trực của thầy ấy là hầu như đám nữ sinh trong trường đều trở thành liễu yếu đào tơ, bị ngòi bút bi đâm vào tay cũng hụ hụ lao xuống phòng y tế đòi băng keo cá nhân, giường bệnh thì lúc nào cũng chật nức người nằm vạ, lăn qua lăn lại đòi thầy ơi khám dùm, em đau quá. Đám con gái giả bệnh, làm màu thì hay mà cứ mỗi lần nhìn thầy ấy nghiêm mặt lại là tự động cuống lại như con thỏ nhút nhát đứng trước nanh cọp. Thầy Khải vừa đuổi một tốp nữ sinh giả bệnh về lớp, mặt đứa nào đứa nấy yểu xìu như cái bánh bao chiều. Gặp tôi đang từ cửa phòng y tế đi vào, có người nhìn tôi bẽn lẽn cười hì, một cô tóc ngắn mặt mài lạ hoắc quay qua hỏi: - Ế Vân Đình kìa! Bạn bệnh hả? Tôi không quen cô, không buồn thắc mắc vì sao bọn họ biết mình, như bình thường theo thói lịch sự ậm ừ qua chuyện rồi lách người đi vào trong. Bọn con gái lôi kéo nhau chạy ra bên ngoài sân trường hi hi hi ha ha ha. Thật khó hiểu! Thầy Khải hỏi: - Chuyện gì nữa đây? - Cho con nằm đây xíu. - Hôm nay nghỉ hai tiết đầu mà tội gì vô sớm dữ? - Không muốn ở nhà. - Sao vậy? Tôi nằm xuống giường, kéo tấm màn che lại rồi lười lười nói: - Thì kệ thây con đi! Thầy Khải đẩy gọng kính lên lườm tôi, nghiến răng mắng: - Thằng quỷ nhỏ!!!!
|
4.
Thầy Khải cúi đầu xuống chép lại mấy ca bệnh vớ vẩn của đám nữ sinh vào sổ, lâu lâu đẩy cặp mắt kính cận của mình lên, trông bộ dạng như đang chuyên tâm lắm. Hàng chục lần giả bệnh để trốn tiết, tôi chỉ nằm ở phòng y tế trong tư thế nghiêm trang của một nhân vật chính trong màn tang lễ của chính mình, hai bàn tay xếp lên nhau trước ngực, chân duỗi thẳng, mắt nhắm điềm nhiên, đình chỉ não bộ. Đó là cách mà tôi lười, lười hoa mỹ, lười nghệ thuật, lười như thể mình là công chúa Hoa hồng, lựa tư thế nằm đẹp nhất, trang nhã nhất chờ hoàng tử Johaa đến nấu cháo lưỡi. Tôi nhớ mình đặt cược một canh bạc lớn nhất đời vào năm mười bốn tuổi. Giống như chuyện đầu tư cổ phiếu, kẻ liều lĩnh đặt hết tiền mình để chỉ mua một loại cổ phiếu duy nhất và suốt ngày anh ta dính đít trên hàng ghế ở sở giao dịch chứng khoán, chờ...chờ tới thời điểm cuối cùng giá cổ phiếu được đưa ra. Một là thắng lớn, hai là thua lớn. Mà kẻ liều lĩnh đó coi ra còn may hơn tôi, vì anh ta còn biết khi giá đưa ra một là lời hay là lỗ. Còn canh bạc của tôi thì không, tôi đặt cược nhưng không phải cược tiền, mà tôi cược tình, nhưng tôi còn không biết chính xác khi mình thua và khi nào mình thắng. Tôi lười, tôi thờ ơ, tôi cà lơ phất phơ. Tôi như thế, nhưng lạ đời thay mọi người xung quanh ai cũng nghĩ tôi dư cửa để vào được đại học, phi thường như việc nhắm mắt viết đại cũng đủ điểm vớ được một cái trường nào đó ngon cơm trong nước, dễ dàng như chuyện mấy chục năm trước mẹ tôi từng làm được. Tôi là con bà nhưng than ôi, tôi không có gene siêu dị nhân đó của bà. Tôi nằm trên giường mở mắt, không biết mình ngủ đã lâu chưa, toàn mơ tới cục xúc xắc lúc còn nhỏ mình chơi tài xỉu với con em gái. Lúc đó nghe thấy tiếng của thầy Khải: - Nó học cũng ổn, nhưng lười lắm, không chịu học bài môn ngữ văn nên bị cô chủ nhiệm phạt hoài. Giọng anh trầm, hoàn toàn đối lập với chất giọng dịu thanh của thầy Khải nên tôi nghe thấy rõ, anh nói: - Ừ, để tôi về nhắc nhở nó. Thầy Khải lại hỏi: - Anh tìm nó có chuyện gì hả? Hay để em lên lớp kêu nó xuống? - Thôi khỏi đi, tôi tới hỏi xem hôm nay hai tiết đầu nó có học không thôi. Bây giờ phải qua bệnh viện liền, trễ giờ làm rồi, không phiền cậu làm việc nữa. - À...tưởng anh có việc gấp gì cần gặp nó, chắc nó vẫn ở trên lớp học mà! - Ừ... - Chị hai dạo này khỏe không? - Khỏe. Tôi nghĩ sao anh không thể giống như kẻ trong câu ca dao mà người đời thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Anh là cha dượng, nhưng anh luôn làm cho tôi có cảm giác mình là thứ gì đó quan trọng với anh lắm. Cái cách mà anh trút hơi thở dài vì mừng rằng tôi không có nói láo nó khiến cổ họng tôi nghèn nghẹn. Anh đi rồi, tôi vẫn nằm im trên giường trong tư thế trang nghiêm của một nhân vật trong cái màn tang lễ bi ai của chính mình. Thầy Khải vừa ghi xong cái gì đó vào sổ, đóng nắp bút lại rồi đi ra phía sau tấm màn che nơi tôi đang nằm, hỏi: - Con cãi nhau với chú Tiệp hả? - …Thầy kệ con đi. - Cái thằng quỷ ngang bướng này, hồi nhỏ thấy thương bao nhiêu, lớn lên thấy ghét bấy nhiêu. - Ai mượn thầy thương đâu! Thầy Khải gõ bút lên đầu tôi mắng yêu: - Đừng tưởng là cháu đích tôn, ỷ cậu cưng con mà con lên mặt nga! Tôi nhắm mắt hông thèm nói gì. Tính ra thầy Khải cũng không hơn tôi bao nhiêu tuổi. Vừa tốt nghiệp Cao đẳng Bạch Mai ra thì về trường này dạy, nhẩm tới nhẩm lui chắc chỉ mới hơn một năm. Bình thường hai cậu cháu nói chuyện rất tự nhiên, vì không cách tuổi nhau nhiều nên không giống như đối với cậu ba gia trưởng, tôi không sợ thầy ấy, cũng chẳng đối với thầy ấy thường câu nệ vai vế, mà có khi còn nói chuyện trổng không. Thầy Khải cũng như bà ngoại đều rất cưng chiều đứa cháu trai duy nhất trong nhà là tôi, dung túng tới mức nhiều khi khiến tôi thấy bất an. Bảy năm trước, lúc mẹ đòi tái hôn với Bách Tiệp, nhà tôi ai cũng phản đối, nhất là thầy Khải vì không ai nghĩ rằng anh – một chàng trai trẻ tuổi, đẹp trai, lại còn là bác sĩ giỏi ở một bệnh viện thuộc top đầu của Sài Gòn lại yêu và chịu lấy một người phụ nữ hơn mình tận mười tuổi, dưới nách còn có thêm cục nợ là tôi. Người trong nhà không ai tin được giữa mẹ và anh có cái gọi là tình yêu, mẹ thì đã qua một đời hôn nhân lạnh nhạt, còn anh chỉ là một người đàn ông vì công việc quá bận bịu mà không có thời gian hò hẹn với bất kì phụ nữ nào. Họ tới với nhau như một định luật bù khuyết, chở che nhau, bỏ ngoài tai những dè biểu và thành kiến. Người yêu thầm anh vo ve với nhau mắng mẹ tôi trâu già, bà ngoại, cậu ba tôi thì chê mặt anh búng ra sữa. Nhưng đã qua bảy năm trời, bây giờ không ai còn nhớ tới lúc đó họ đã phê bình mẹ và anh không xứng thế nào. Mẹ tôi không già, tuổi tác đã có nhưng bà vẫn còn trẻ đẹp và anh, mặt không còn búng ra sữa, đã ba mươi lăm tuổi, chỉ cần thở thôi cũng toát ra loại hương vị đàn ông khiến phụ nữ mê chết ngất. Không những vậy, anh còn là một người cha hết lòng vì con cái... ...Con cái? ... ... Là con riêng của vợ... Hồi mới sống chung một nhà, bà ngoại với thầy Khải cứ sợ bi kịch muôn thuở của gia đình chấp vá là...con anh, con em, họ sợ rằng khi anh và mẹ có con riêng thì sẽ hất hủi tôi. Nhưng may thay, hai người không có con chung và anh cũng không phải loại đàn ông nhỏ nhặt như thế, mà chính bởi vì anh không phải là người như thế nên mới khiến tôi càng yêu sâu, càng hận nhiều. Những suy nghĩ nhơ nhuốc về thứ tình yêu không những trái tạo hóa, trái tự nhiên trái trời đất và còn trái luôn luân lý lúc nào cũng dồn tôi tới chân tường, có lúc tôi cáu, tôi quá đáng với anh vì chỉ muốn anh đối xử tệ với tôi một chút để cho tôi có cớ chỉ vào tim, cười nhạo vạch trần anh: “Đấy, chú cũng đâu phải tốt đẹp lắm đâu mà để cho...người ta...yêu tới vậy!”. Nhưng anh luôn làm tôi thất vọng, anh luôn luôn hoàn hảo, anh chứng minh cho người xung quanh thấy con của vợ thì cũng giống như con ruột. Khi xưa ngoại gặp tôi thì hỏi: “Chú Tiệp có hay rầy la con hông?” Thầy Khải hỏi: “Chú Tiệp có lần nào đánh con hông?” Còn bây giờ họ gặp tôi thì hỏi: “Thằng quỷ, dạo này có cãi lời chú Tiệp hông?” ... Chỉ có bác sĩ Vinh là khác bọn họ, ông không bao giờ nói với tôi rằng tôi có người cha dượng tốt lắm đấy. Đơn giản vì ông ganh tỵ với anh, tính cách ông thật thà, ông hơi trẻ con và ông ganh tỵ rằng bảy năm qua, anh lo cho tôi còn nhiều hơn phần của ông và mẹ tôi cộng lại.
|
Hay lắm tác gjả uj, nộj tâm nhân vât dtả hay lắm Cố lên nhe
|