Cám ơn cmt tiếp sức của mấy bạn nha, chương kế đây ạ
************** 10. Tối hôm đó tôi ngồi trên giường chườm đá lạnh lên gò má sưng tấy của mình thì nghe thấy tiếng xe của anh trở về, “con bọ Hercules nhã nhặn” của tôi đã biến thành khủng long bao chúa, bước vào phòng với ánh mắt chực ăn thịt người, anh nghiến răng hỏi: - Đi đâu?? Anh không còn nhã nhặn như thường lệ nữa, đôi mắt anh nhìn tôi như thể muốn tế sống tôi nếu tôi không có một cái lý do ra hồn. Rồi tôi cẩn thận suy nghĩ cho câu trả lời vì sợ rằng nếu không thỏa đáng thì anh lại vớt cho tôi cái bạt tay y hệt mẹ ở bên gò má bên còn lại, qua ngày sau nữa tôi sẽ chẳng còn mặt mũi nào đi học với cái gương mặt rất “mụp” của mình. Tôi nói: - Con...đi lòng vòng chơi, điện thoại...bị cướp mất rồi! Nhưng tôi quên, tính cách của anh và mẹ dù có vài phần giống nhau nhưng thái độ của anh và mẹ đối với tôi thì hoàn toàn trái ngược. Anh không đánh tôi như mẹ, mà sau khi nghe tới chữ “cướp”, mặt anh hơi tái, từ giận một khắc trở thành giật mình rồi biến hoàn toàn thành sợ hãi, anh đi tới bên giường nhìn tôi, hỏi tới tắp: - Con gặp cướp hả? Chúng làm gì con? Gò má bị sao đây? - Con không sao...ở trạm xe buýt bị cướp, rồi...con cũng không có tiền đi xe buýt về nên đành đi bộ... Tôi biện đại một cái cớ để giải thích lý do về trễ của mình mặc dù biết rằng nói cái điện thoại gớm ghiếc của mình bị cướp thì nghe đề cao giá trị của nó quá, nhưng cũng không cần thiết phải mách lại cho anh chuyện tôi bị bạn học chơi khâm thế nào. Nếu để anh mà biết thằng Ngọc Phong quăng tôi ở bãi tha ma ở Long An, khiến tôi gặp ma nữ suýt không còn mạng để về nữa thì chỉ sợ anh tới tận trường tế con Angry bird đó luôn, mà tôi thì không muốn cho lũ bạn học có cớ bàn tụng mệt nghỉ, xù xì về mình như một thằng quý tử ngồi mát ăn bát vàng, được cưng chiều như trứng mỏng. Anh nhìn tôi, hoàn toàn tin tôi mà không cần nghĩ ngợi. Ánh mắt đan xen giữa giận và chút xíu đau lòng làm tim tôi cũng run rẩy theo. Phải chi mẹ cũng như anh bây giờ thì tôi không cần thiết phải đặt hết tình yêu của mình vào một người không cùng máu mủ thế này. Cái máy biến áp của anh hoạt động đúng khả năng mà nó làm được, anh nguôi giận rất nhanh nhưng trong mắt vẫn còn bàng hoàng, lo lắng và cả đau lòng. Trên trán anh túa ra mồ hôi, giọt nước trong suốt chảy xuống sườn mũi cao thẳng rất kiêu kỳ, hơi thở anh dồn dập chắc vì lúc nãy anh đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Tôi nghĩ nếu lúc trước bác sĩ Vinh chưa “đi thêm bước nữa”, ông chưa có vợ con riêng thì hẳn lúc này ông cũng lo lắng y hệt. Một người cha rất cưng chiều đứa con trai dễ thương, hiểu chuyện và lâu lâu còn như con gái biết làm nũng. Nhưng bây giờ ông đã có gia đình riêng, ông giờ này vẫn ở nhà riêng của chính mình và đem tình yêu từng dành hết cho vợ con cũ để san sẻ cho vợ con mới. Còn anh thì khác, cũng như anh từng nói, cuộc đời này mình không muốn có đứa con nào nữa, chỉ một mình tôi thôi là đủ rồi. Mắt tôi cay khi anh chạm vào cái khăn chườm đá cọ trên gò má đau rát, từ ánh mắt anh hoàn trả lại vẻ đạm nhiên nhưng cũng vừa lo lắng của một người cha đối với con trai mình rất đau lòng khi mẹ nó vừa tát mặt nó sưng như cái mông. Anh hỏi: - Rồi mặt bị sao đây? Tôi biến thành đứa con nít thích làm nũng, cúi đầu cọ cọ tóc mình lên xương quai xanh gồ lên của anh, tủi hờn nói: - Con cãi nhau với mẹ, nên bị mẹ đánh! - Vậy hai mẹ con nói gì? - Cũng không có gì quan trọng là chuyện cũ thôi... Anh hiểu chuyện cũ là chuyện gì nên không hỏi nữa, giữa tôi và mẹ chẳng có mâu thuẫn gì nghiêm trọng ngoài thái độ hững hờ của bà hay làm tôi nổi khùng. Tiếng tim anh đập thình thịch cùng nhịp tim rạo rực của tôi đan xen vào nhau, bên ngực áo anh cũng đã ướt mem vì thấm đẫm mồ hôi. Mùi mồ hồi của anh và cả mùi thuốc lá nhàn nhạt tản ra khiến tôi mê muội, muốn đắm...và chìm. Nghĩ chắc mấy tiếng qua anh chạy khắp mọi ngõ ngách ở thành phố để tìm mình, trong lòng tôi tự nhiên thấy thương anh ghê gớm, thương đến chết mất thôi, thương muốn moi hết ruột gan ra ngoài cho anh xem, thương đến mức chỉ muốn dính lên người anh thế này rồi không bao giờ đi đâu nữa. Cằm anh hôm nay đã lún phún râu nên cọ cọ lên vầng trán trơn nhẵn của tôi thấy nhột, tôi nhắm mắt rùng mình, cười cười, anh cầm tấm khăn bọc nước đá nhẹ nhàng chườm lên má tôi, nhỏ giọng hỏi: - Còn đau không? - Một chút. Tôi lại cọ cọ trán vào cằm của anh, anh cười nói: - Ngày mai cạo râu. - Ừm! “Ừm” có nghĩa là tôi sẽ cạo râu giúp anh, công việc độc quyền mà không khi nào mẹ giành với tôi được. Anh cứ mặc cho tôi làm nũng với mình, anh sẽ không ôm lại tôi, không tỏ ra quá thân thiết như cái cách mà tôi ôm và làm nũng với anh nhưng anh vẫn cứ để yên như thế. Thỉnh thoảng tôi nghĩ, mỗi lúc mình và anh như thế này trông chúng tôi giống...một cặp tình nhân hơn là cha con hay chú cháu, chỉ cần anh hôn nhẹ lên đỉnh đầu tôi một cái, cười với tôi một lần thôi cũng đủ cho tôi có thể đứng dậy chống lại cả thế giới này, nhưng mà bao năm qua anh chưa khi nào vượt quá bổn phận, quá cương vị của một người cha dượng nên có. Mặc dù có nhiều lúc tôi thấy anh thở mạnh, kề sát mũi, kề môi lên đỉnh đầu mình gần giống hệt như đặt một nụ hôn vậy, nhưng suy cho cùng nó cũng không phải là hôn cho nên chưa lần nào tôi dám vượt qua ranh giới làm như những gì trong đầu mình hay đắn đo. Tôi nhắm mắt lười lười tựa vào xương quai xanh, anh thì thủ thỉ xuống tai tôi nói: - Chú xin lỗi, chú không nên can thiệp vô đời tư của con nhiều quá. Dù gì thì...con cũng lớn rồi... Tôi nghĩ chắc anh đang nhắc tới chuyện hôm qua xem và kiểm tra điện thoại của mình, tôi gục trên vai anh, ngọ nguậy lắc đầu nói: - Ưm...không sao! Hồi sáng, con cũng quá đáng với chú! Con biết chú quan tâm vì chú lo cho con...Nếu là mẹ, chắc mẹ cũng không làm được như vậy... - Đình, thật ra mẹ cũng thương con lắm, đừng suy nghĩ vu vơ nữa. - Thôi thôi, đừng nói mấy chuyện này nữa, con bây giờ cũng đâu phải là con nít nữa mà cứ hở ra là đòi thương yêu gì! Con chỉ cần chú thôi! Tôi tựa đầu lên vai anh, thấy bàn tay anh đột nhiên giật nhẹ và cả người anh đều cứng đờ ra khi nghe câu nói đó. Ngẫm nghĩ, cũng chẳng có gì đáng kinh ngạc sau bao nhiêu chuyện mà anh làm cho tôi. Bảy năm qua, tình cảm anh dành cho tôi cho dù nó thuộc loại tình cảm gì đi nữa thì cũng đủ làm nung chảy cả sắt thép chứ huống hồ gì là tim người, tim của một thằng nhóc thiếu hụt cảm giác an toàn và tình thương trọn vẹn của gia đình. Tôi đối với anh có tình thân mà cũng vừa có tình yêu, người tinh tế như anh không lẽ nào không hiểu được, chỉ có điều anh muốn trốn tránh mà thôi, như chuyện tránh chạm vào cái mụn nhọt dai dẵn trên người mình, không muốn động tới thì không được mà mỗi lần động tới thì khó chịu và đau thấu trời. Sau đó tôi nhớ rằng anh đã nói một câu, một câu duy nhất như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi, tạt thẳng vào trái tim ấm nóng bảy năm qua đã bị sự chu đáo của anh làm cho tan chảy. Anh nói: - Đình... hay chủ nhật này rãnh, chú dẫn con đến bác sĩ Hà trò chuyện với cô ấy một chút? Bác sĩ Hà tốt lắm, cô ấy có thể làm con thông suốt... Tôi bật ngồi dậy nhìn thẳng vào mắt anh, hỏi: - Thông suốt cái gì? - Chú biết đây là giai đoạn đầu đời của con, có thể nhầm lẫn một chút về mấy loại tình cảm. Con cứ thử tới đó một lần, nếu thấy được thì xin số điện thoại của cô ấy luôn. Cô Hà là bạn của chú, mỗi khi con cần có người tâm sự hay có gút mắt gì không giải quyết thì cứ... Nghĩ...nếu người ta giết người được bằng ánh mắt thì chắc cũng giết người bằng giọng nói được, nếu trường hợp đó mà xảy ra thật thì không còn nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ bị cha dượng của mình bức tử chết. Giọng nói thản nhiên của anh có sức đả thương người ta ghê gớm, một dùi đâm thẳng vào ngực tôi, nghĩ chắc tim mình vừa rồi đã vỡ thành một trăm mảnh nát vụn. Tôi không đợi anh nói xong cái ý định hết sức cao thượng và đầy nhân ái của một người cha dượng đối với đứa con trai có xu hướng giới tính lệch lạc mình, tôi nổi điên, tôi như con nhím xù lông sẵn sàng giết chết kẻ thù mình bằng cái ôm siết thân ái, tôi nói: - Con yêu chú, cái đó đếch phải bệnh hoạn gì đâu mà cần bác sĩ tâm lý! Anh há miệng định nói gì, nhưng lời không thốt ra được tới miệng thì bị anh nuốt vào, anh bất đắc dĩ, anh khiên cưỡng nhìn tôi một hồi lâu mới thật thấp giọng nói: - Chú là chú của con, là cha dượng của con, Đình... Anh vốn là người kiệm lời, anh chỉ nói nửa chừng thôi nhưng đủ để tôi nghe, hiểu hết nội dụng và ý tứ. Anh thở dài, anh muốn hút thuốc nhưng chợt nhớ lại đây là phòng tôi nên lại thôi. Một bác sĩ giỏi mẫu mực như anh mà lại là người nghiện thuốc lá, nhìn thấy anh quẫn bách dẹp gói thuốc vào túi quần mà trông vừa thương vừa buồn cười. Tôi nắm hờ cổ tay của anh, nhẹ giọng nói: - Thì có khi nào con nói chú là người dưng đâu! Chú vẫn là chồng của mẹ, là cha dượng của con. Nhưng con chỉ xin chuyện tâm tình gì đó của con, chú đừng xen vào! Tôi vẫn cứ điềm tĩnh như vậy, nếu như là một cô nữ sinh bị người mình yêu cự tuyệt vì anh ta nói mình là...là cái gì đó mà cô không được phép tơ tưởng tới, thì chắc nghe anh ta nói xong cổ sẽ khóc tới thương tâm mà chết. Nhưng tôi thì không, tôi không phải trường hợp của nữ sinh đó, tôi hiểu rõ nên tôi không thương tâm hay đau khổ gì. Tôi chưa từng hỏi anh có thứ tình cảm khác ngoài tình cha con với mình không? Vì tôi không muốn canh bạc của mình sẽ trực tiếp kết thúc thời khắc đó với con số không tròn trĩnh. Tôi cũng chưa từng hỏi rằng anh có thực sự yêu mẹ không? Tôi sợ mình chịu không nổi mà chạy ra sông Sài Gòn mất. Anh là tất cả. Không ngoa, nhưng thực sự là vậy. Nếu như tôi không đặt tình cảm vào anh nhiều tới chính bản thân mình không ngờ thì tuổi mười tám của tôi đã không trở thành một bầu trời âm u đến thế.
|
Tiếp đây ợ. Đôi lời tg muốn nói: Có bác nào ý kiến nói tr hơi dài dòng thì cũng thông cảm, vì truyện này mình muốn theo hướng chậm rãi thấm dần ấy ạ. Bác nào muốn đọc truyện kiểu nd chớp nhoáng, thoại nhiều thì mình nói trc truyện ko đáp ứng đc kiểu đó, các bác có thể láy qua tr khác ngay từ chương này :)))) Ai thích đọc thì mềnh cảm ơn! Đọc rồi thì nhớ cho mình xin cái cmt để động viên hay đóng góp nữa nhá! tk you! <3
******
11. Tôi tự biết anh xem tôi như con ruột của mình, không có gì khác hơn và cũng biết nếu anh không yêu mẹ, anh đã không cưới bà làm gì. Tôi chỉ vì không chịu nổi khi phải nghe từ miệng anh nói thứ sự thật phũ phàng đó, chỉ xin anh đừng thẳng thắn quá, đừng quá lý trí để biết được tôi muốn gì và anh phải làm gì với đúng cương vị và bổn phận của một người trưởng thành đối với một đứa trẻ cứng đầu. Anh nói: - Nếu muốn học ngành y thì học, sau này ra trường rồi về làm cùng bệnh viện với chú. Chú cũng có để dành một số tiền kha khá, nếu con muốn làm ăn hay kinh doanh gì khác thì cứ nói, chú chưa hề nghĩ tính toán với con cái gì cả. Đình, chú chỉ có nguyện vọng, muốn con có một con đường xán lạn để đi, ra trường, có việc là rồi thì tranh thủ quen một cô gái tốt. Tôi đáp nổi nguyện vọng cao thượng đó của anh không? Tôi không biết! Tôi đắng chát nói: - Hôm nay chú nói hơi nhiều hơn thường ngày... - Đỗ Vân Đình! Anh nhìn tôi, anh chỉ giỏi gọi tên dọa nạt tôi thôi. Nếu tôi không yêu anh, có lẽ sẽ vì gương mặt đột nhiên nghiêm túc của anh mà dọa sợ, nhưng đáng tiếc. Tôi thẳng thừng nhìn anh nói: - Con nói rồi, con nhắc lại lần nữa, con không có bệnh hoạn gì đâu mà cần tới chỗ bác sĩ tâm lý! Có chết con cũng không đi! Anh nghe tôi nói xong thì tự nhiên cáu gắt lên: - Hở mở miệng ra là chết với chóc, lần sau cấm con nói kiểu này nữa! Chuyện tới phòng khám của cô Hà chú muốn con chủ nhật này đi, con mà cãi lời thì từ nay về sau đừng nói chuyện với chú! Tôi bậm môi nhìn anh, có hờn dỗi, có quẫn bách, có không cam, nhưng anh hiểu rõ đối với tôi thì chuyện “từ nay về sau đừng nói chuyện với chú” là cái giá đắt như thế nào, tôi sẽ chịu thua trước mất, tôi không thể chịu nổi nếu như một ngày nào đó anh cũng như mẹ lạnh nhạt và không muốn nói chuyện với mình nữa. Tôi quay người nằm xuống giường rồi trùm chăn kín mít đầu đuôi, anh thở dài, anh ngồi bên cạnh giường nhìn tôi một lúc mới đi qua thu dọn mấy bộ quần áo dơ mà tôi quăng vung vãi khắp sàn nhà, đem chúng ra ngoài chuẩn bị giặc. - Mệt thì ngủ sớm! Tiếng cửa phòng đóng lại, gõ lên ngực tôi một tiếng thật đau. Cũng đêm đó, tôi nghe tiếng của anh ở bên ngoài trách mẹ vì ra tay đánh tôi mạnh như vậy, rồi anh còn gọi điện mắng bác sĩ Vinh, nói “mắng” thì có hơi nặng vì anh vốn là “con bọ Hercules nhã nhặn”, anh là thế, lúc nào cũng dịu dàng nhất có thể, và suy cho cùng thì anh với bác sĩ Vinh cũng là đồng nghiệp, cũng chạm mặt nhau hằng ngày thôi. Dù cho anh và bác sĩ Vinh đối với mẹ là “người trước”, “người sau” gì thì hai người cũng luôn giữ hòa khí, thỉnh thoảng cũng ra ngoài uống vài ly anh em vui vẻ, vậy mà hôm đó tôi nghe anh gọi điện thoại nói nặng lời với ba. Đại ý anh trách ba bỏ tôi ở trạm xe buýt, khiến tôi bị cướp, khiến tôi phải lội bộ mấy cây số về nhà, khiến cho anh xót đến thắt ruột thắt gan, cũng hên là chưa tái bệnh suyễn mà xỉu giữa đường. Bác sĩ Vinh cũng sừng sỗ nói gì lại nhưng trong điện thoại nhỏ quá tôi không nghe quá rõ, sau đó, tôi nghe anh nói: - Tôi không phủ nhận! Anh Vinh, anh là cha nó, anh là cha ruột nó nhưng anh nghĩ mình thương nó bao nhiêu? Có nhiều như hồi anh chưa có gia đình mới hay không? Một tay tôi nuôi nó bảy năm qua, lúc nó bệnh đau, lúc nó buồn, lúc nó không có ai bên cạnh, anh ở đâu mà bây giờ anh lại nói tôi không có tư cách quản chuyện cha con anh? Anh đã nói nhiều như thế, nhưng tôi chỉ có ấn tượng ở đoạn: “Một tay tôi nuôi nó...”, anh cũng biết rằng bảy năm qua chỉ có một tay anh nuôi tôi thôi, không hề có một dấu vết nào của mẹ, vậy mà có lúc anh còn nói mẹ cũng thương tôi và kêu tôi đừng suy nghĩ vu vơ. Tôi chỉ muốn bật cười, nhưng đồng thời cũng thấy đắng chát như nếm mật. Bảy năm qua quả thật anh hệt như cha ruột tôi, mà thậm chí bác sĩ Vinh cũng không hề tinh tế và chu đáo như anh vì anh lúc nào cũng chính tay nấu cơm, giặc giày, giặc vớ cho tôi mà chưa từng nửa câu than thở. Hình như mẹ có đi tới xoa dịu anh một chút để cuộc nói chuyện bớt đi phần căng thẳng, rồi cuối cùng cuộc đối thoại giữa hai người kết thúc bằng câu nói rất quyết liệt của anh: “Với lại chuyện học hành của nó, trường đại học, phòng trọ nhà ở hay cả có du học hay không thì cũng do tôi lo, tôi quyết định, anh nên quan tâm gia đình chính của mình thì tốt hơn!” Đó là sự kiện mở đầu cho chiến tranh lạnh giữa anh và bác sĩ Vinh, rồi kể từ ngày đó mỗi khi gặp mặt lại nhau, không ai thèm nhìn mặt hay nói chuyện với ai câu nào. Tôi nằm trên giường nghe rõ từng câu nói, giật mình bất chợt mới nhận ra trên gối mình ươn ướt. Sau này, sau này và sau này nữa, có cho tôi thêm vài lần để nghĩ ngợi, tôi cũng không đắn đo muốn nhắc lại với anh rằng: - Con không có bệnh gì hết, con không cần bác sĩ tâm lý gì hết, con chỉ yêu chú thôi! . . . Anh và mẹ làm hòa. Sáng sớm tinh mơ mẹ dậy rất sớm và tôi còn nghe bà hát. Bà ngoại lệ vào bếp sắm vai một người phụ nữ đảm đan yêu chồng thương con, tự động nấu đồ ăn sáng rồi pha cà phê, nhưng có điều thức ăn bà nấu lúc nào cũng khó ăn gần chết. Mà lạ đời thay, cà phê mà bà pha cho Bách Tiệp lại thơm ngon, cứ như vì bà đã đem hết tình yêu của mình để pha vào tách cafe đó cho anh nên mới khiến vị của nó trở nên đặc biệt và thơm ngon thần kỳ. Nhớ hồi xưa, tôi chưa bao giờ thấy bà vì bác sĩ Vinh mà làm được như thế, mặc dù hai người chồng của bà đều có thói quen uống một ly cafe vào mỗi buổi sáng. Bách Tiệp ngồi trước bàn ăn trầm ngâm đọc báo, ánh nắng mom mem tiến vào từ cửa sổ, khoác lên người ảnh vẻ nhã nhặn mà nghiêm trang đến lạ. Mẹ hiếm khi trang điểm, bà là loại phụ nữ không chú trọng quá về ngoại hình bởi vì tạo hóa đã ban cho bà cái hình thức không thể chê vào đâu, mặc dù đã ngoài bốn mươi nhưng trông bà vẫn trẻ trung, vẫn đẹp, hai người đứng cạnh nhau luôn toát ra loại ánh sáng nhàn nhạt dịu dàng, hài hòa, không khoa trương nhưng cũng đủ khiến người ta nhìn vào nổ mắt vì ganh tỵ. Hai vợ chồng ngồi đối diện tôi hú hí to nhỏ gì đó, mẹ ghé vào tai anh xù xì cười, anh khẽ chau mày lại rồi lắc đầu nhưng trong ánh mắt vẫn ngập tràn vẻ chiều chuộng, còn tôi...tôi ăn cơm. Nhưng ăn đến chưa được ba muỗng thì thấy dở quá nên không ăn nổi nữa, anh lúc này mới hạ tờ báo xuống, nhìn tôi hỏi: - Sao ăn ít vậy? Mẹ cũng nhìn tôi, nói: - Bữa cơm này là mẹ đặc biệt làm cho con trai ăn đó, con phải ăn no rồi mới có sức học chứ? Bà đi qua chỗ tôi, định đưa tay xoa đầu nhưng bị tôi né tránh. Một bữa cơm để bù đắp cho cái bạt tay hôm qua, đối với một kẻ đang chết đói thì họa may là đền bù hậu hĩnh nhưng đối với tôi thì không, tôi chưa chết đói và tôi cũng không phải người ăn phàm. Tôi cầm cặp da đứng dậy trước thái độ không biết làm sao của mẹ. Anh nói: - Hay chú vào bếp chiên cái trứng cho con? Không ăn thì sao mà đi học nổi? Mẹ cũng nghiêm mặt nhìn tôi, có lẽ vì bà thấy tự ái nên nói: - Kén ăn kén uống quá trời, sau này lấy vợ rồi thì ai mà hầu hạ con cho nổi? Thôi, ăn xíu đi, đồ ăn mẹ làm hôm nay cũng đâu có khó ăn nỗi nào đâu! Tôi quay lại nhìn hai người họ bằng một ánh mắt thờ ơ, nói: - Thưa chú, thưa mẹ con đi học! Trường học đối với tôi là một thứ nhạt nhẽo và bạn học cũng là lũ nhạt nhẽo không kém. Thành phần “con ngoan trò giỏi” thường là mấy đứa thích ngồi đầu bàn, gồm một tên lớp trưởng béo múp, mắt đeo kính cận lúc nào cũng lù lù đi theo chơi chung với đám con gái hay bàn về mấy anh chàng soái ca ngôn tình hay ca sĩ diễn viên Hàn Quốc đẹp trai, một con nhỏ lớp phó học tập tối ngày chỉ biết cắm mặt vào bài vở và cũng là fan cuồng của thơ Nguyễn Bính, là đứa sống ngược với thời đại hay thường tỏ ra lập dị, và còn những nhân vật cả ngày học dính đít trên ghế ngồi của mình, ít chơi đùa mà chỉ xem cuộc đời chúng nó không có gì khác ngoài hai chữ bài vở. Tôi thì thuộc thành phần thứ hai, thành phần “tới đâu thì tới”, thuận gió thì đẩy thuyền, bình thường vừa học vừa chơi nhưng chơi lúc nào cũng nhiều hơn học, nhưng tôi thì khác bọn học sinh đó một chút vì tôi được gọi là “dị nhân”, từng nghĩ cái biệt danh này chẳng có gì đặc sắc, chúng nó chỉ đặt cho tôi như thế kể từ sự kiện tôi ngồi trong lớp ngủ gật rồi bị cô dạy văn gọi đứng lên đọc lại hai đoạn văn mẫu mà cô vừa đọc cho lớp nghe, hai đoạn văn tổng cộng chỉ hơn bảy trăm từ thôi, nếu là người bình thường thì chuyện này bất khả thi vì trí nhớ họ có hạn vả lại đoạn văn đó lạ hoặc, nhưng đối với tôi là chuyện bình thường vì tôi tự hào khi nói rằng mình có một bộ não khá chất lượng. Ngủ lơ mơ, chỉ nắm được đại ý mà diễn giải, đọc xong, một đám thòi lòi xung quanh trố con mắt nhìn tôi không chớp, cô dạy văn vuốt mồ hôi trên trán rồi gật đầu, phất tay cho phép tôi ngồi xuống. Có lần lớp trưởng hỏi tôi vì sao có thể nhớ được hay như thế, tôi nhún vai trả lời nó rằng: “Vì mẹ tao thông minh!” Gene di truyền là thứ gì đó thật thần kỳ, tôi vốn không phải là một đứa siêng năng chịu học bài, kể từ năm lên lớp mười thì chữ “học” đối với tôi chỉ là thứ xa vời vì tôi bắt đầu mắc chứng bệnh “lười” vô phương cứu chữa, nhưng điểm số lúc nào cũng miễn cưỡng đứng trong top mười của lớp, thế nên có lần thầy Khải mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi hỏi rằng: “Con được điểm như vậy nhưng có lần nào thấy xấu hổ chưa thẳng quỷ?” Nhưng lên lớp mười hai rồi, tôi càng mông lung với chuyện học hành nên thành tích ngày càng xuống dốc, ở trong lớp bây giờ chỉ đứng hàng trung bình nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn là nhân tố thình lình khiến cả lớp sôi động hô một tiếng “đúng là dị nhân”. Quả thật đa phần bạn học trong lớp đều coi tôi là dị nhân vì tôi thỉnh thoảng có thể làm được những thứ mà cho dù gã lớp trưởng học giỏi nhất lớp cũng không làm được, những đứa học giỏi cũng coi trọng tôi, muốn kết bạn với tôi nhưng lần nào cũng bị thái độ thờ ơ và cách ăn nói khá thẳng thắn thậm chí “phũ” của tôi làm cho tự ái, thế nên ở trong lớp, đôi khi nghĩ tôi lại giống thành phần thứ ba nhiều hơn, thành phần “bất cần đời”, không bạn bè, không giao tiếp và cũng không học hành tử tế. Đương nhiên cái kẻ đứng đầu thành phần thứ ba là Angry bird.
|