Chap mới tiếp đâyy, nay làm siêng đăng luôn 2c :))
16. Tối hôm đó anh không chở tôi về nhà mà tự động ghé qua nhà ngoại. Lâu rồi không gặp bà, “lão công chúa” vẫn khỏe mạnh, gương mặt phúc hậu của bà rất niềm nở khi thấy cháu trai cưng và thằng rể quý đi vào từ cửa chính. Lúc đó cả nhà đang ăn cơm tối, ngoài bà ngoại thì còn có thầy Khải, cậu mợ ba và con em gái. Thầy Khải là con trai út nên sống cùng nhà để chăm sóc cho bà ngoại tuổi đã cao, còn cậu mợ ba với con bé Thảo “thỏ” thì ở tận Đồng Nai chỉ vào Sài Gòn mỗi cuối tuần để thăm bà. Mẹ tôi với cậu ba thì do trước đây có một chút hiềm khích từ trước nên hai chị em hiếm khi xuất hiện trong cùng một bầu không khí. Cậu ba tuổi đã gần bốn mươi, ông là công nhân viên chức nhà nước nên từ người ông lúc nào cũng toát ra loại hơi thở nghiêm khắc và gia trưởng, tướng tá của ông thì hệt như bác sĩ Vinh, có điều cao hơn ba tôi một chút , cả hai đều mập mập, đô đô, nhưng bác sĩ Vinh thì có tố chất của một diễn viên hài quần chúng dễ làm cho người ta có thiện cảm ngay lần đầu gặp, còn cậu ba thì ngược lại, chỉ cần ông thở thôi cũng khiến trong phòng không cần bật máy quạt hay điều hòa. Giọng của ông cũng khản đặc vì ông hút nhiều thuốc lá, lúc nhìn thấy tôi và Bách Tiệp đi vào, ông có cười nói một tiếng hoan nghênh, nhưng tôi vừa nghe thấy cái giọng đặc trưng rất khàn đó thì không khỏi run người. Có thể nói, trong nhà chỉ có Bách Tiệp mới vinh dự được cậu ba bày ra vẻ mặt niềm nở mà chào đón. Ông nói: - Lâu quá mới gặp anh hai, nào, hai chú cháu đã ăn gì chưa? Vào bàn ăn luôn cùng gia đình cho vui? Anh nói: - Tôi với thằng Đình vừa đi công chuyện nên muốn ghé qua thăm mẹ một lát. Cậu mợ ba ghé lâu chưa? - Nhà tôi qua ở từ trưa tới giờ, mẹ cứ nhắc anh chị với thằng Đình mãi, kêu tôi gọi đi cho nó qua chơi mà có thấy nó bắt máy đâu! Tôi vọt miệng nói: - Điện thoại con mất rồi cậu! - Thế à! Con gái của cậu ba là nhỏ Thảo “thỏ” lúc này đang ăn uống gì đó nhòm nhoàm, nhìn lên tôi nói: - Mất thì mua cái mới đi, ông nghèo khổ gì mà không chịu mua cái mới? Tôi trừng mắt nhìn nó nhưng không thèm nói gì. Mẹ nó, là mợ ba, bà xuất thân từ một gia đình trọng lễ nghĩa và rất gia giáo ở tận vùng Bắc Ninh xa xôi. Lấy chồng rồi mới theo cậu ba vào Nam sinh sống nhưng năm tháng ở đất Nam hào sảng không làm bà mất đi một ánh mắt thâm thúy cùng chất giọng đặc trưng dễ nghe của người phương Bắc, vì không vui khi nghe con gái mình nói chuyện không đúng lễ nên bà nghiêm khắc trừng nó, nhắc: - Nói chuyện đàng hoàng với anh Đình! “Ông” cái gì mà “ông”? Thầy Khải thì ngồi ở cạnh bà ngoại, đang nhắn tin điện thoại cho ai đó, thấy màn “chó mèo” quen thuộc giữa tôi với nó thì không khỏi lắc đầu cười cười. Con bé Thảo “thỏ” dẫu môi ra khi bị mẹ nó mắng, nhưng không trả lời trả vốn gì mà hì hục cắm mặt vào chén cơm. Nó năm nay sắp lên lớp mười, tôi với nó từ nhỏ khá thân nhưng dạo gần đây mới khắc khẩu, lúc gặp mặt thì nó lúc nào cũng tranh thủ liếc hái trêu chọc tôi một lần mới chịu, vậy mà mỗi khi có Bách Tiệp đứng cạnh, nó cứ như con mèo nhỏ ngoan ngoãn, nhìn chằm anh bằng ánh mắt thiếu nữ độ tuổi xuân xanh tràn đầy mộng mơ. Thật kì lạ là dù cậu ba rất gia trưởng, rất nghiêm và mợ ba cũng là người trọng lễ nghĩa, nhưng con gái cưng của họ chưa bao giờ là một đứa con ngoan ngoãn như người ta nhìn vào mà nhận định, nói một cách chợ búa thì nó khá...mất dạy, nó không thường lễ phép với ai trong nhà cả, có khi về gặp bà ngoại mà nó cũng chẳng thèm thưa thố gì, trình độ nói trổng không của nó còn hơn tôi mấy bậc. Người trong nhà nửa đùa nửa thật nói rằng con gái độ tuổi này hay bắt chước tính cách người mà nó quý mến nhất, mà lạ đời, ba nó vốn là một tượng đài đáng để người ta ngưỡng mộ, nó không bắt chước ông thì thôi đi mà cứ khịt mũi theo mùi của tôi mà càng ngày càng trở nên xấu tính. Nhưng ngoại lệ là có lúc nó lại tỏ ra rất ngoan ngoãn và thục nữ, đều đặn nói với Bách Tiệp một câu mỗi lần gặp mặt: - Thưa dượng hai! Anh cười tươi, gật đầu làm nó khoái trá lắm. Cậu ba bình thường tuy nghiêm khắc, ông cũng từng có hiềm khích vài chuyện với mẹ nhưng không vì thế mà ghét bỏ gì đứa cháu như tôi, mà lại nói một điều rằng ông rất tôn trọng Bách Tiệp. Chắc tại vì mấy năm trước đây anh có giúp cho một người cháu của mợ ba lấy được một vị trí trong bệnh viện Vinmec CP nên nhà cậu ba mới chịu ơn anh tới giờ và một phần vì anh là người có uy tín, làm việc gì cũng tới nơi tới chốn nên cậu ba nhìn vào đó mới thấy nể phục anh nhiều hơn là bác sĩ Vinh. Nhớ ngày xưa, cậu ba chỉ gọi bác sĩ Vinh là “anh Vinh”, “chồng chị hai”, nhưng bây giờ ông có thể dễ dàng gọi một người nhỏ tuổi hơn mình là “anh hai”, dù đã nghe qua nhiều lần cách mà ông trân trọng gọi Bách Tiệp như vậy nhưng tôi vẫn không tránh được thấy chói tai và một ít ngượng ngùng. “Lão công chúa” nắm cánh tay tôi cùng với anh kéo tới bàn ăn rồi đẩy ngồi xuống, ôn tồn hỏi: - Sao hai chú cháu về mà không gọi báo một tiếng trước? Anh nói: - Con với thằng Đình đi công chuyện một chút, sẵn ghé sang thăm mẹ. - Con Quỳnh không về hả con? – Bà ngoại hỏi về mẹ. - Hôm nay cổ có chuyện đột xuất ở bệnh viện nên vẫn chưa về ạ. - Trời! Bận gì mà bận dữ, chủ nhật cũng không nghỉ được một ngày. ... Trong buổi ăn tối, bà ngoại và cả cậu ba không ngừng hỏi thăm đủ thứ về tôi, nhiều nhất là chuyện chọn ngành và thi đại học, nhìn vô cái ánh mắt lăm lăm của cậu ba khiến tôi không ngừng đổ mồ hôi hột, tôi không thể nào trả lời rằng: “Thưa cậu, trong đầu con chưa hình dung ra được đại học là cái giống gì và con cũng chẳng muốn làm nghề gì!”, tôi hoàn toàn tưởng tượng ra cái viễn cảnh mình nói xong câu đó và cậu ba nhào qua bóp nghẹt cổ tôi như bóp cổ gà, thế nên chỉ đành bịa ra vài chuyện, rồi nói tôi muốn trở thành bác sĩ như mẹ và anh. Anh biết tôi nói láo, nhưng dường như cũng hài lòng lắm mà gật gù. Tôi và con Thảo “thỏ” được phân công vào bếp lấy trái cây trong tủ gọt ra cho cả nhà ăn tráng miệng. Tôi đứng gọt táo, con nhóc thì lẽo đẽo đằng sau lén chôm vài miếng bỏ vào miệng nhai nhòm nhoàm, tôi chỉa con dao vào mặt nó, nghiến răng nói: - Mày lượn! - Đách! – Nó mặt dày mày dạn nghênh mặt trừng nhướng đáp lại tôi. Nhớ hồi nhỏ nó nhút nhát lắm. Nhà nó ở một thị xã nhỏ ở Đồng Nai, mỗi lần được dẫn vào Sài Gòn chơi là thích lắm. Tôi dẫn nó đi đầu này đầu kia tham quan, ăn uống, nhớ có lần đi vào siêu thị mà khứa thì không biết đi thang cuốn, cứ dính lên người tôi làm cho cả hai hôm đó đem về một tấn muối đắp mặt. Bây giờ thì khứa dạn dĩ lắm, sau dậy thì còn có cái tật lì và bất trị. Khứa nhai táo, nhòm nhoàm nói với tôi: - Năm sau tui vào Sài Gòn học! Tôi lườm nó: - Ai cho mày vô đây? Bộ ở quê mày không có trường cấp ba hay gì? - Ở quê tui toàn trai xấu quắc. Vào Sài Gòn tìm “soái ca”! - Cái mặt mày mà đòi “soái ca” hả? Định đi xách dép cho người ta hay gì? Mà...mày nghĩ sao mà nói ở đây có “soái ca”? - Nhìn mặt tui đi, ông nói kiểu gì mà “xách dép” hả? Tui tìm bạn trai, phải như dượng hai trẻ mới chịu! - Mày bớt mơ đi! Để cậu ba nghe mày nói câu này, mày sớm muộn cũng bị đánh cho nhừ tử! - Hứ! Tui đang xin ba cho tui lên đây ở dí bà nội. Mà ông đang học trường nào? Để tui biết đặng viết nguyện vọng? Tôi gõ cốc vào đầu nó, nói: - Anh mày năm nay ra trường rồi ngu ạ, không có cùng trường với mày đâu. Vả lại ra đường đừng nói là bà con với tao, để người ta biết tao có đứa em hám trai như mày, mất mặt lắm! Nó giơ chân sút vào mông tôi một cái, có đứa con gái nào lại có cặp chân voi cơ bắp vạm vỡ như nó không? Vừa sút một cái mà khiến tôi lảo đảo muốn đổ nhào xuống đất, nó gầm gừ như sư tử nói: - Người chán ngắt như ông thì biết cái gì! Khứa nói dứt lời thì cầm đĩa táo đã được gọt xong, ngúng nguẩy khoan thai bỏ ra phòng khách. Tôi nghe thấy tiếng khứa oang oang bên ngoài, khoe: - Con gọt táo đó, thấy con nhờ được chưa? Ai như anh Đình, làm biếng như heo! Tôi ở trong bếp xoa xoa cái mông ẩm ê của mình, cười khổ mắng: “Tổ cha nó! Ai mới làm biếng như heo?”
|
17. Nhà cậu mợ ba ăn cơm tối xong thì tranh thủ về, vì ngày mai là thứ hai, con Thảo “thỏ” còn phải đi học. Tôi ở phòng khách nói chuyện với bà ngoại một hồi lâu nhưng không muốn về, về nhà, về phòng rồi thì lại đối mặt với bốn bức tường và bài vở ngày mai nên tôi chán. Tôi viện cớ có nhiều chuyện để nói với bà ngoại nên kêu anh về, sáng mai tôi tự đón xe buýt về nhà sớm. Bà ngoại thì kinh ngạc lắm, vì bà biết tôi là đứa xưa nay không có hứng nghe chuyện năm nẳm năm nao của bà với ông ngoại, mẹ và mấy cậu, nhưng hôm nay tôi lại ngồi ngoan ngoãn nghe hết từ đầu tới đuôi làm như đang nghe câu chuyện gì mới mẻ và thú vị lắm. Bách Tiệp đứng nhìn tôi một lúc mới đi ra ngoài, nhưng ai ngờ anh không có về, anh đẩy xe vào sân rồi kêu thầy Khải đóng cửa cổng lại. Thầy Khải đóng cổng xong đi vào, thấy tôi cứ hú hí với bà ngoại mãi, sợ tôi nói ra chuyện thầy ấy ở trường thích một cô học trò nên cứ nhìn tôi trừng nhướng. Anh gọi thầy Khải ra nó chuyện, đến lượt tôi thấy lo vì sợ anh hỏi thầy Khải về vụ tôi bị đánh ở trường nên tôi cũng trừng nhướng với thầy Khải, hai cậu cháu cứ thế mà đá mắt qua lại tới mức bốn mắt gần lác đi. Cũng may hôm đó không bị lộ cái gì. Tôi, bà ngoại và thầy Khải ở phòng khách coi tivi còn anh thì đứng bên cửa sổ vừa hút thuốc vừa nói chuyện điện thoại với bệnh nhân của mình. Có lần tôi nghe anh kể rằng mình đang phụ trách theo dõi bệnh tình cho một phụ nữ mắc bệnh thận, cô không có người thân ở Sài Gòn, ở đất khách quê người lại không có bạn bè nên bình thường hay ủ ê buồn rầu trông đáng thương lắm. “Lương y như từ mẫu” thế nên anh đưa số điện thoại mình cho cô, bình thường hai người hay gọi cho nhau nói về chuyện ghép thận gì đó, cũng có lúc không nói về chuyện bệnh tình. Mẹ cũng từng vì vậy mà ghen bóng ghen gió, vì suy cho cùng khoảng cách mười tuổi không phải là con số ít để bà có thể ngẩn đầu, cười khoan dung như một người phụ nữ có đủ tự tin tin rằng sắc đẹp của mình đây còn dư sức để giữ được chồng. Số mười mặc cảm nhiều lần khiến bà nổi đóa khi thấy anh nhắn tin với người kia, nói chuyện với người kia bằng chất giọng dịu dàng đáng lẽ chỉ dành cho vợ con thôi. Nhưng còn tôi, tôi thì không nghĩ vậy, vì tôi tin anh, tin tình yêu của anh dành cho mẹ, tin đến mù quáng cho rằng anh sẽ không dại dột tự tay hủy đi gia đình quan trọng nhất của mình. Vì ngoài gia đình này, anh chẳng còn gia đình nào khác nữa. Khụ...khụ... Thầy Khải đang cầm rì-mốt chuyển kênh truyền hình, nghe thấy tôi đột ngột ho nên lo lắng nhìn qua hỏi: - Có sao không? Tôi hắng giọng một tiếng, ấn lại lồng ngực hơi nóng của mình rồi lắc đầu. Bà ngoại cũng sốt sắng, vừa xoa lưng tôi vừa nói: - Dạo này áp thấp nhiệt đới, trời trở lạnh đột ngột nên chắc thằng Đình chưa thích nghi được. Người ngoài nhìn vào hoàn cảnh này chắc không tránh đánh giá tôi là một thằng cậu ấm được cưng chiều quá mức, chỉ mới “khụ khụ” ho vài tiếng mà đã khiến người nhà sốt sắng tới mức đó. Nhưng chỉ có người trong nhà mới hiểu, vì tôi xứng đáng được lo như vậy và cũng không sai...tôi là một thằng cậu ấm rất được cưng chiều vì tôi là đứa cháu trai duy nhất trong nhà mà! Bách Tiệp rất thính tai, anh nghe tiếng tôi ho. Không cần biết trong điện thoại có chuyện hệ trọng gì, anh lập tức dập máy, ném điếu thuốc ra ngoài rồi đi tới cạnh khụy một gối bên chỗ sofa nơi tôi ngồi. Anh nhìn tôi, đưa tay vuốt ngực tôi, vẻ mặt quẫn bách và có vẻ rất hối hận vì nghĩ tôi bị mùi thuốc lá làm ho. Tôi muốn trấn an anh nói rằng ho vài tiếng cũng không chết được, nhưng thiết nghĩ mình không nên nói lời đó để dọa anh thêm thì hơn. Một tay anh xoa ngực tôi, tay còn lại bóp gói thuốc đến méo dộp rồi ném thẳng vào thùng rác, nhìn gương mặt nghiêm khắc tự trách của anh, tôi rốt cuộc nhịn cười không nổi mà “phụt” một tiếng, nói: - Con có bị sao đâu? Tại mới ăn dứa xong, cổ họng cũng đang ngứa một chút. Bà ngoài, chú với cậu cứ làm quá lên hà! Thầy Khải quay qua gõ cốc lên đầu tôi. - Con đó! Con đó! Tại nhà này ai cũng cưng con quá mà! Tôi cười. Anh thì không hưởng ứng tràn cười của tôi, vẫn rất nghiêm trọng quan sát sắc mặt của tôi rồi thình lình hỏi: - Ventolin đâu? -...Không có đem... - Sao không đem? - Con thấy mấy tháng nay cũng đâu có tái lại nữa, nên giục nó ở đâu cũng không biết. Mặt anh không có biểu cảm gì, nhưng tôi biết anh sắp giận. Anh đi qua rót cho tôi một ly nước mang tới, cẩn thận nhìn tôi uống hết với ánh mắt và thái độ thực sự ẩn nhẫn vì tôi biết anh không muốn la rầy gì tôi lúc này. Anh chỉ giận vì tôi lạc quan quá mức cho phép với bệnh tình của mình. - Ngày mai theo chú tới bệnh viện một chuyến, kiểm tra lại. - Anh mang ly nước tôi vừa uống xong đặt lại bàn, đạm nhiên nói. - Thôi đừng quan trọng hóa vấn đề, chỉ là bị ngứa cổ một chút hà, con có sao đâu! - Không cãi! -... Bà ngoại nhìn thấy bầu không khí giữa anh và tôi đột nhiên căng thẳng nên mới cười, giãn hòa nói: - Thằng Đình, chú Tiệp quan tâm con vậy thì con nghe lời chú đi. - Ừm, nghe lời chú Tiệp với bà ngoại con, mai đi khám lại lần nữa đi! – Thầy Khải cũng nói thế. Tôi thì thấy phiền lắm. Bệnh tình ở đâu ra? Cả người tôi mấy tháng nay khỏe re, có vấn đề gì hay không tôi đều biết rõ, ngay cả tuần trước vừa bị Angry bird vùi dập cho một trận nhưng có hề hấng gì ở đâu? Ngày mai là ngày duy nhất trong tuần không phải học hai buổi, tôi còn định thảnh thơi nằm ở nhà luyện truyện tranh rồi ngủ một giấc cho sướng. Vừa định phản kháng lại ánh mắt áp đặt của anh, tôi nghe thấy một đoạn tin tức từ truyền hình vọng ra: “Anh A, người được vinh danh là “anh hùng xe ôm”, thường hay giúp người dân ở thị xã A truy bắt bọn giật túi xách hôm nay đang trong lúc thực hiện hành động cao cả của mình thì anh đột nhiên phát bệnh hen suyễn, khi được đưa tới bệnh viện, bác sĩ thông báo rằng anh A đã bị chết não và hai giờ cùng ngày, anh đã ra đi yên bình trong vòng tay gia đình và thân quyến...” Tôi nghe xong cũng giật mình, cảm thán khen người đàn ông đó dù trong người có bệnh suyễn mà cũng dám liều mạng suốt ngày long nhong chạy đi bắt cướp, thật đáng nể! Nếu gặp là tôi, bắt tôi chỉ cần chạy một vòng quanh nhà thôi mình cũng đã đủ để tôi “yên bình trong vòng tay gia đình và thân quyến”. Coi xong tin tức, cũng quên mất chuyện phản kháng phải tới bệnh viện kiểm tra phiền phức. Tôi lấy ly nước uống một ngụm, lúc nhìn sang giật mình khi thấy gương mặt của “con bọ Hercules nhã nhặn” đã chuyển xám xịt. Buổi tối hôm đó, tôi và anh ngủ cùng giường. Không rõ đã bao lâu rồi chúng tôi không có ngủ cùng như thế ngoại trừ năm tôi bị sốt cao rồi anh ở cạnh giường suốt đêm không có về phòng, nhưng đó cũng chỉ là “ngồi cạnh giường”, còn bây giờ chúng tôi chính thức “nằm cùng giường”. Anh tắm xong nên lấy đồ của thầy Khải mặc, thầy Khải không gọi là nhỏ con, chỉ vì vai và ngực của anh so với khổ người chung của đàn ông Việt thì trội hơn, vạm vỡ hơn nên chiếc áo thun trên người bị chật. Anh cựa mình vài lần trên giường hình như không thoải mái ngủ được, tôi thì nằm nép sát bên trong vì động tĩnh của anh mà tò mò quay sang, dưới đèn ngủ thấy mặt anh đỏ như gấc. - Chú sao vậy? – Tôi hỏi. - Áo...áo hơi chật. - Anh hơi ngượng nói. Tôi cười. - Vậy chú cởi ra đi, là đàn ông chú ngại gì? - Thôi ngủ đi! Chú không sao! Anh kéo chăn qua cho tôi rồi xoay lưng đi, tôi nhìn lưng của anh, nhìn gáy của anh, nghe tiếng thở nặng nề của anh mà thấy lòng mình như bị ai khứa nhẹ. Anh luôn như vậy, chuyện gì của tôi thì anh luôn tỉ mỉ, còn về phần mình thì anh qua quýt, anh chẳng khi nào thực sự đối đãi tốt với bản thân cả. Tôi không biết mình lấy đâu ra can đảm mà lúc đó lấy tay kéo áo của anh, anh giật mình quay lại, hai chúng tôi nằm gần trong gang tấc đối mặt với nhau bằng ánh mắt chứa hàng trăm loại cảm xúc ngỗn ngang và trong khi tay tôi thì đang kéo hở áo của anh qua nửa bụng. Tôi nhỏ giọng, gần như nỉ non nói với anh: - Cởi ra đi... Anh nhìn tôi, ánh mắt hạnh nhân đẹp lạ nhìn từ mắt tôi xuống mũi rồi miệng. Không biết anh nghĩ gì, nhưng tôi thấy trong đôi mắt đen như màn đêm thứ hai anh chứa đầy sự giằng xéo và cả sợ hãi, sau đó anh bật ngồi dậy, giật cái áo chật ních trên người ném ra sàn. Tôi chỉ muốn cười, vì nếu đầu óc đen tối hơn chút nữa, tôi có thể tưởng tượng ra động tác kế tiếp của anh là gì. Nhưng không đến nỗi đó, anh chỉ cúi xuống rồi thình lình hôn lên mi mắt tôi. Cái hôn nhẹ như chuồn chuồn đạp nước nhưng làm đáy lòng tôi dậy sóng. Anh nói: - Mau ngủ đi, mai còn đi học! Đêm đó, tôi mất ngủ. Cũng đêm đó tôi nhìn thấy tin nhắn mà người phụ nữ ở bệnh viện gửi cho anh, cô gửi hình của cô đang ở sân thượng cùng vài người y tá. ...Tôi thấy được gương mặt của cô, cô cười tươi, cô duyên dáng, cô trẻ và cô đẹp.
|